PDA

View Full Version : Trên tàu Cap Anamur



Longhai
07-16-2015, 12:44 AM
Trên tàu Cap Anamur

Diên Hoàng


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Cap Anamur (NxX2842014)_1437031629.jpg

Vừa dắt xe đạp vô nhà, mẹ tôi nghiêm nghị hỏi :

- Mi đi mô từ chiều tới chừ ?

- Dạ con đi chơi với thằng Hải.

- Rứa chừ mi có muốn ĐI nữa không ? Mẹ tôi hỏi tiếp, nhấn mạnh chữ ĐI.

- Dạ đi chứ. Giọng tôi sôi nổi. Có chỗ đi rồi hả mẹ ?

Từ hôm đi hụt ở Nha Trang, tôi giận ông trời ghê gớm. Bao nhiêu người đi lọt, đánh điện tín về, còn phần tôi cứ đèo đuột mãi. Tôi vung văng với mẹ tôi là số tôi chưa tới, thôi để dành cho thằng em kế lên ưu tiên một. Ra Nha Trang, nằm dài ở nhà bà cô ruột tôi chờ bà dì ruột ở Cam Ranh ra bốc đi. Ba ngày dài dẵng trôi qua, bà dì tôi ra báo ông dượng tôi và thằng em họ đã đi! Vì ăn chia không đều, ghe phải bỏ lại một nửa khi công an biên phòng rượt. Ngoài miệng vâng dạ nhưng trong bụng tôi cũng căm bà dì không chịu lo cho tôi chu đáo, họ tổ chức cho người xuống ghe ở Chụt chứ xa xôi chi lắm mà không báo cho tôi một tiếng.

Chưa đến một tháng, nhà tôi nhận được điện tín ba tôi đánh về: “Cha con Gà Rù được tàu vớt vào Singapore”, tôi ngửa mặt than trời. Số mình lận đận quá, thi đại học thì diện 13 bị đánh rớt dù trên điểm đậu so với giới thường dân, kiếm đường lao ra biển thì bị bỏ lại, không lẽ cứ sống lây lất xách xe đạp chạy mánh hằng ngày. Hải bảo tôi cố gắng ôn bài thi lại nhưng đầu óc đâu mà ôn đạo hàm với tích phân. Sóng biển, giang hồ lãng tử ám ảnh tôi mỗi giấc ngủ. Đi, lao ra biển là chấp nhận cái chết để tìm đường sống. Nhưng với lý trí của thằng thanh niên trai trẻ, đi là một cuộc phiêu lưu không định hướng kỳ thú vô ngần. Tôi không sợ chết, tôi không sợ say sóng mửa ra mật xanh mật vàng như thư từ người đi trước về kể lại, tôi cũng không sợ hải tặc, tôi tin số tôi đi ra có quý nhân phù trợ như số tử vi mẹ tôi nhờ ông Chiếu chấm.

Sau khi đi tù về, ba tôi mang số ưu tiên một. Thật tình mà nói, vốn liếng nhà tôi đã kiệt quệ, sạp vải Tân Bình mẹ tôi ngồi bán chung với người bạn chỉ đủ nộp tiền cho thuế vụ. Rồi ba tôi trổ tài ngoại giao, tìm bạn bè đi trước trả sau, và nhờ kiến thức sử dụng la bàn, ông làm hoa tiêu cho chuyến ghe. Nhờ trời Phật độ, ông được tàu vớt vào Singapore và được định cư ở Mỹ chớp nhoáng trong vòng ba tháng. Từ đó, ông lo cày để vớt từng thằng anh em tôi ra biển.

Trong gia đình, có một người đi lọt như có một cái phao cứu rỗi, mẹ tôi mạnh dạn tìm mối đi trước trả sau dù giá cả gần gấp rưỡi, gấp đôi. Phong trào vượt biên nở rộ từ đầu thập niên 80, bây giờ đã là 86, thành phần có tiền đã đi hết nên những tổ chức vượt biên đành phải chịu bốc người đi trước trả sau như tôi. Trễ, nhưng còn hơn không.

- Thôi vô ăn cơm đi. Mẹ tôi bảo tôi. Từ rày về sau con không được đi mô quá nửa tiếng. Đi mô thì nhớ nói cho nhà biết để có chuyện chi kiếm về kịp mà đi. Đừng nói chi với thằng Hải hết.

Làm sao tôi giữ bí mật với thằng bạn đời được. Với bồ bịch bạn gái, tôi còn im lặng làm trai ôm mộng phiêu lưu ký, dãi nắng dầm sương. Chứ với thằng bạn đời, chỉ mới biết tin chuẩn bị lên giàn phóng là tôi đã ngứa cái miệng còn hơn nổi phong mề đay! Hôm sau, tôi ở nhà cả ngày, đi ra đi vô tù túng đôi chân. Đến chiều tối, tôi vác xe đi học thêm Anh Văn ở đại học Tổng Hợp, phải lo trả cuốn truyện cho Tú kẻo mắc nợ rồi số ra đi sẽ không suôn sẻ. Mẹ tôi dặn học xong là về, không café cà pháo nữa, tôi dạ nhưng vẫn cứ đi.

Ngồi quán café, hai thằng trầm ngâm với khói thuốc ngó ra cửa. Tiếng Lionel Ritchie hát Hello không còn quyến rũ tôi. Nói gì được khi đây là lần thứ ba tôi từ giã hắn. Hai lần trước bắt tay chào đi rồi lại về, mừng rỡ rằng không bị bắt ở tù nhưng cũng man mác buồn cho số phận chưa hanh thông. Tôi dặn hắn trả tiền mấy điếu thuốc 555 tôi ký sổ với cô nàng bán thuốc lá lẻ trước nhà hắn. Hắn im lặng gật đầu. Tôi dặn hắn đừng cho Bích Ngà biết, chờ khi tôi điện về rồi hãy báo tin, hắn gật đầu im lặng. Hai thằng dắt xe đạp ra về với dấu hỏi to tướng trong đầu, nếu tôi đi lọt, biết bao giờ mới gặp lại ? Hắn chấp nhận làm trí thức XHCN, sau khi xong Đại học sẽ phụng sự đất nước, tôi làm kẻ phản đồ ra đi. Một bờ đại dương xa thẳm chớm chia cách tình bạn bài trùng của tôi.

Tôi về nhà sớm hơn thường lệ nhưng trễ hơn giờ đi học về một tiếng, mẹ tôi bực mình gắt gỏng. Kéo tôi vào phòng bên, đóng cửa, mẹ tôi mở tủ lôi nửa chỉ vàng đưa cho tôi :

- Ngày mai họ tới đón đi, con cất 5 phân ni qua bên nớ bán đánh điện tín qua cho ba để ba báo về cho mẹ biết.

Mẹ tôi chỉ cái giỏ nhựa đi chợ có sẵn hai lon sữa ông Thọ và hũ mật ong :

- Bới theo một bộ áo quần thôi. Họ dặn đừng mang chi nhiều. Ngày mai pha nước sôi để nguội vô bi đông, khi mô hết nước trên ghe mới mang ra uống nghe con. Học thuộc địa chỉ của ba chưa? Đừng có viết vô giấy mang theo, có chuyện chi họ biết mình vượt biên.

Mẹ tôi dặn tới dặn lui nhiều lắm, tôi nghe tiếng được tiếng không, mấy lần đầu còn chăm chú nghe, sang đến lần đi thứ tư, thứ năm, tôi có cảm giác đã trưởng thành trong khói lửa. Biết đâu mai đi chơi một vòng rồi lại về như những lần trước đi hụt. Tôi đã biết lên ghe là phải lo giữ đôi dép, lỡ chạy du kích thấy còn đôi dép chứ có mấy người thành phố về quê đi chân đất. Tôi đã biết chuyện ráng đi chậm đàng sau để được ngồi phía trên, tránh xuống hầm ghe nóng nực, ói mửa. Lần chạy ở rừng đước Bà Rịa đã dạy tôi một mớ kinh nghiệm.

Thế là tôi đi. Sáng hôm sau có người đi Honda đến đón tôi xuống chợ Tân Bình nhập vào đoàn người đi thăm nông trường Duyên Hải chi đó. Ngang qua nhà Hải, mẹ hắn vẫn chưa mở cửa tiệm rượu đế, hắn đã lọc cọc đạp xe đi học từ sớm. Chỉ có những nhà văn mới vẽ vời tâm trạng của kẻ ra đi bịn rịn như thế nào với thành phố bỏ lại đằng sau, còn tôi, trong đầu lúc đó chỉ nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Dáng dấp của mình có giống kẻ đang tìm đường vượt biên hay giống người đi thăm nuôi? Những con mắt thiên hạ bên đường ngó tôi có hoài nghi tôi đang đóng kịch hay không ? Đi ở đâu ? Xuống bãi nào ? Ghe có lớn, bao nhiêu lốc ? Nếu chạy thì chạy về hướng nào ? Biết bao nhiêu câu hỏi xoáy quanh trong đầu, tôi hầu như không nghĩ đến chuyện bỏ lại gia đình, bè bạn hay người yêu sau lưng. Tôi chỉ biết nghe lời người trưởng nhóm, anh ta bảo đi đái là lo nhảy xuống đường vạch tằm đái cho lẹ rồi lên xe ngồi, anh ta bảo vào quán mua cơm là vào quán mua cơm nhai cho lẹ. Miệng thèm điếu thuốc nhưng cũng ráng chờ anh ta đi khuất mới dám đốt rít vài hơi.

Đến gần bốn rưỡi chiều, xe đến nông trường. Đoàn người đóng kịch thăm nuôi được đi rửa ráy mặt mày ăn cơm tối. Tôi nhận ra vài người quen nhưng giả làm mặt lạ, không quen biết, không chào hỏi. Cơm nước xong xuôi, đến bảy giờ tối họ cho lên ghe, đoàn thăm nuôi xếp hàng thứ tự ngang nhiên lên ghe như đoàn du lịch, tôi bảo bụng tổ chức này ghê quá, không giống lần trước tôi phải núp trong những nhà tranh, đưa từng người ra bãi, mỗi lần nghe tiếng chân người là nằm rạp xuống đất trốn, sợ du kích đi tuần. Tôi nấn ná đi sau để được ngồi bên trên, người bà con quen ngoắt tay bảo tôi xuống hầm ghe, tôi lắc đầu.

Chiếc ghe xì xạch chạy đến 1 giờ đêm mới ra tới cửa biển, tôi nghe tiếng người chào nhau với ghe đi ngược. Ra tới cửa biển là coi như thành công một nửa, tôi thiếp vào giấc ngủ với tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn lúc nào không hay. Bên trên, bầu trời đêm với ngàn sao trong vắt.

Tôi thức giấc khi ánh mặt trời chiếu nhẹ vào mắt. Sáng rồi, thoát rồi, ra tới biển rồi! Bấy giờ, tôi mới định thần nhìn kỹ xung quanh. Tôi không còn nhớ chiếc ghe dài bao nhiêu thước, chỉ nhớ là nó lớn hơn gấp đôi chiếc ghe lần tôi chạy ở Bà Rịa. Nằm bên cạnh tôi là một cha con nói giọng Huế. Đêm qua, người cha bị anh tài công quát tháo nằm xuống che đầu khi ông ta ngẩng đầu nhìn chiếc ghe chạy ngược chiều. Khoang trên cùng của chiếc ghe chứa khoảng chừng mười người, nằm co chân. Tấm bạt che phần phía trước của ghe được kéo xuống, tôi thấy được người ngồi bó gối bên dưới hầm ghe. Tiếng máy ghe vẫn nổ đều, sóng rất nhẹ, bập bềnh nhưng tôi không định hướng được ghe chạy.

Tôi không cảm thấy khát nước hay đói bụng. Cũng không thèm cà phê hay khói thuốc. Gió biển thổi nhè nhẹ, trời mát. Tôi mắc đái kinh khủng ! Lần cuối đi đái là lúc ăn tối xong, từ sáu giờ chiều qua. Suốt đêm qua, tôi lo sợ, quên chuyện mắc đái, bây giờ thức dậy, bọng đái căng đầy khó chịu. Phải tìm chỗ đi đái, thằng nhỏ căng cứng nhắc nhở tôi. Nhưng đái ở đâu khi người xếp sát nhau, chen chân không lọt! Tôi nhìn quanh, tính dợm lên đi về phía đuôi thì đã có tiếng quát ngồi yên kẻo lật ghe.

- Làm đại ra ngoài đi. Người cha ngồi kế bên chỉ ra biển.

Tôi mắc cỡ, trên này còn có mấy người phái nữ, không lẽ nhông nhông vạch tằm thải là mất zin đời con trai trong trắng ? Không lẽ cứ tiếp tục nín cho nó từ từ rỉ ra ướt quần, ướt sàn nằm ngủ ? Tôi tiếp tục đấu tranh đánh trâu tư tưởng, thằng nhóc vẫn la làng vùng lên hỡi các nô lệ thế gian. Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh, thằng nhỏ bắt đầu không nghe lời thằng lớn. Tôi đành quỳ lên, kéo phẹc mơ tuya, ưỡn người chĩa nó ra ngoài thành khoang. Xả, khoan khoái xả, nhắm mắt xả, thằng nhỏ ca hát không ngừng.

- Đụ má thằng nào đái ở trển đó bây ?!

Tiếng quát bên dưới khiến tôi hoảng hốt nín lại, rồi lại xả ra cho lẹ. Gió biển thổi tạt nước tiểu của tôi vào cửa sổ khoang máy bên dưới. Chưa kịp rảy rảy cho hết nước, tôi kéo vội phẹc mơ tuya rồi ngồi xuống. Tôi hết mắc cỡ, ngộ biến phải tòng quyền, biết sao chừ.

Bắt đầu ngày thứ nhất. Tôi giở gói đồ mang theo, lấy miếng cơm vắt chấm đậu phụng mẹ tôi bới theo cho ra nhai chầm chậm. Trưa nay họ cho ăn gì đây ? Trong túi còn mớ tiền VN, tôi tiếc rẻ, nếu biết suôn sẻ thế này tôi đã mua một gói Tourist mang theo hút cho thơm ria, tôi chỉ còn nửa gói Đà Lạt. Tôi đã nghe lời mẹ tôi dặn đừng tiêu hoang, dành tiền về xe nếu có bể ổ. Bây giờ mớ tiền đó chỉ là giấy vụn.

Thư từ ba tôi kể chuyến vượt biên của ông năm 84 mất cả 5 ngày 5 đêm mới được tàu vớt. Đầu năm 86, ông dượng tôi và thằng em họ đi cũng mất 7 ngày 7 đêm, ghe hết nước, hết dầu mới được tàu vớt. Tôi chỉ mới bắt đầu ngày thứ nhất chạm mặt với biển cả. Trời xanh, sóng nhẹ, tháng ba bà già đi biển, bây giờ đã là tháng sáu, biển mênh mông một màu xanh đẹp quá. Biển chưa nổi cơn cuồng nộ nên tôi không dám nghĩ chuyện đen tối như chuyện bà Thanh Lương, sui gia với ngoại tôi, có người con trai duy nhất ra đi rồi bặt âm vô tín ! Tôi nghĩ đến ba tôi. Ba ơi, vài ngày nữa thôi là ba nhận được điện tín của con. Chắc là ba tôi mừng lắm. Tù đày suốt 8 năm, về nhà ở với vợ con, bươn chải kiếm cơm và kiếm đường đi chỉ hơn một năm là ba tôi lại xa cách mẹ và anh em tôi. Nhờ những thùng quà của ba tôi, nhà tôi đã lên giai cấp, giai cấp nhận hàng Mỹ với những cái quần jeans, mấy cục xà phòng Coast thơm phức. Giai cấp ăn rồi đi học Anh Văn để chờ giấy bảo lãnh xuất cảnh. Từ ngày ba tôi đi, tôi đã không còn đạp xe đạp với cái thùng tổ chảng đàng sau đi bỏ bánh kẹo cho mấy bà già bán quán quanh vùng chợ Hòa Hưng, Lê Văn Duyệt. Tôi ra hàng Tân Sơn Nhất, hút thuốc 555 với mấy anh mấy chị Hải Quan. Tôi chạy mánh, đủ tiền café mỗi tối với Hải.

Từ khi xuống ghe, tôi đã cố nhớ từng chi tiết chuyến đi để mai này tới đảo, tôi sẽ viết thư tường tận kể cho mẹ tôi xem để lấy kinh nghiệm cho mấy thằng em tôi đi sau. Tôi sẽ viết thư kể cho Hải, không giấu nó một điều gì như lúc còn đi học HS. Tôi nghĩ đến chuyện gửi về cho nó hộp bút kim hiệu Steadler của Đức để nó vẽ luận án ra trường Kiến Trúc. Bây giờ mày đang đi học phải không ? Đêm qua mày có lên Đỉnh Thiêng Quán ngồi nhớ tao không ? Mày có kêu cho tao ly Café phin rồi đốt một điếu thuốc để cháy trên gạt tàn nhớ tao như lần tao với mày gặp ông lãng tử ngồi yên đốt thuốc nhớ bạn ở quán Café bên Bà Chiểu một tối mưa bay không ? Tao biết bà già mày sẽ trách bà già tao rằng sao bí mật tính chuyện cho tao đi mà không giới thiệu đường dây cho bà già mày lo cho anh em mày.

Tôi lại nhớ bóng dáng Bích Ngà. Khi tới đảo viết thư về kể chuyện đi, tôi nhất quyết là tôi sẽ tỏ tình với nàng. Đối mặt, câu nói anh yêu em sao khó nói quá, tôi hy vọng cách mặt, qua thư từ, dễ viết hơn. Nhưng lại nhớ câu Nhất cự ly, nhì cường độ, tôi đã xa nàng vời vợi thì làm sao giữ nàng? Hoàng sẽ lựa xấp vải KT Mỹ đẹp nhất gửi về cho Ngà may áo Tết hay may áo đi dạy nhé. Ngà cứ may kiểu áo tròng đầu, không khuy nút đàng trước, kiểu áo đó hợp với Ngà, trông trẻ trung nhí nhảnh lắm. Hoàng sẽ kiếm băng nhạc Carpenters gốc cho Ngà. Hoàng sẽ kiếm băng gốc Lionel Richie hát Hello cho Ngà. Ngà đợi Hoàng nhé. Đừng giận Hoàng đi không từ giã chia tay. Có gì Hải sẽ ghé đưa thư Hoàng cho Ngà.

Bắt đầu ngày thứ nhất… tôi miên man nghĩ đến chuyện tương lai…

- Đm ! Sao có chiếc tàu nó ví mình nãy giờ vậy ?

- Có phải tàu Hải Quân không? Cờ của nó màu gì ?

- Thằng nào giữ cái ống nhòm ?

Tiếng lao xao của mấy chàng tài công làm cả ghe bừng tỉnh.

- Đổi hướng đi. Tao thấy cờ màu đỏ.

- Bà con ngồi yên nghen.

Tôi co người ngồi lại, nhìn về phía xa, quả có chiếc tàu đang hướng về ghe, xa lắm, chỉ là một chấm nhỏ. Sự lo lắng hiện lên trên khuôn mặt mọi người xung quanh.

- Ra tới hải phận quốc tế rồi, Hải quân không bắt đâu.

Tiếng niệm Phật, niệm Chúa bắt đầu rì rầm râm ran. Nhìn đồng hồ người bên cạnh, chỉ mới 11 giờ. Ghe đã đổi hướng tìm đường chạy nhưng chiếc tàu mỗi lúc mỗi gần.

- Cờ của nó có màu Đỏ, Đen, Vàng ! Vậy là cờ nước nào ?

Tôi chửi thầm trong bụng, đi vượt biên mà cả đám không biết cờ nước nào, cứ thấy màu đỏ là bỏ chạy, mấy màu khác là Okay. Tôi giận mình dốt địa lý khôn tả!

- Chết mẹ, coi chừng cờ Đông Đức !

- Tụi Đông Đức làm chó gì bắt người vượt biên?

- Hay là cờ Tây Đức ?

- Tây Đức vớt mình thì đi Đức cũng được.

- Đứt chếnh, đứt cống thì có, nó rượt mình mà cứ mừng nó vớt.

- Mày coi lại xem nó có súng không ?

Tôi bắt đầu thấy hình dáng con tàu với bệ chỉ huy, ăng ten cao vời. Chiếc tàu đã đuổi theo ghe tôi cả tiếng đồng hồ, khoảng cách càng lúc càng thu ngắn. Không lẽ được vớt, còn sớm quá, chưa hết ngày thứ nhất mà ! Không lẽ lại bị bắt, đưa vào Côn Đảo ở hầm cọp là tiêu đời ma ! Nam mô A Di Đà Phật cứu khổ cứu nạn !

Đến 1 giờ trưa, chiếc tàu đã sừng sững ở mạn trái của ghe. Tôi nghĩ là tàu hàng, bên mạn tàu, một băng rôn có dòng chữ CAP ANAMUR II và treo cờ Đỏ, Đen và Vàng. Ghe tôi đã tắt máy chịu thua, không dám bỏ chạy nữa, để mặc sóng bập bềnh. Chợt có tiếng nữ qua loa phóng thanh cá nhân bằng tiếng Việt :

- Đây là tàu Cap Anamur cứu người vượt biển. Xin đồng bào yên vị, đừng đứng lên làm lật ghe. Chúng tôi sẽ thả ca nô qua giúp đồng bào.

Vừa nghe câu tuyên bố nọ, cả ghe tôi ồ lên. Tiếng con nít khóc òa lên sau khi bị mẹ bụm miệng bắt im suốt nãy giờ. Chị người Việt trên tàu Cap Anamur tiếp tục nhắc lại câu nói. Tôi lặng người! Vậy là được cứu thật rồi ! Lạy Trời lạy Phật, vậy là số mạng của con cuối cùng được thoát ! Chiếc ca nô với ba thủy thủ cặp ghe tôi, hai người tóc vàng nhanh nhẹn nhảy lên ghe, một người đầu ghe, một người cuối ghe đứng cạnh tài công chỉ cách cặp vào mạn tàu. Chiếc thang đã được thả xuống, con tàu lớn che gió, chiếc ghe nhỏ bé của tôi từng chút nhích vào bên hông. Những sợi dây được cột cứng chiếc ghe vào thang, đàn bà con nít được lên trước. Phía trên cao, tôi thấy có ông Tây to lớn thu hình, chụp ảnh. Chị người Việt tiếp tục cầm loa phóng thanh dịch lại mệnh lệnh vị thuyền trưởng.

Đến lượt tôi ôm giỏ áo quần lên thang. Tôi vẫn còn mơ. Bảy giờ tối lên ghe, một giờ đêm ra tới cửa biển, một giờ chiều hôm sau được tàu vớt. Như chuyện thần tiên! Tôi để lại đôi dép trên ghe, đi chân không để khỏi sợ trợt. Chào mi nhé dép ơi, đời ta đã sang trang. Ta bỏ mi lại như ta bỏ lại quê hương. Ta bỏ mi lại với biển cả. Biển xanh rờn đẹp nhất trong đời tôi.

Tôi đứng mông lung trên boong tàu nhìn về phía xa của biển. Màn đêm phủ một màu đen trên biển, khoảng chân trời xa, có chút ánh sáng dội lên, tôi đoán đó là đất liền. Thành phố nào đây ? Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Nẵng. Một tuần đã trôi qua. Khi chị Phượng, người thông dịch viên, thông báo cho mọi người biết là con tàu sẽ tiếp tục chạy dọc theo chiều dài bờ biển quê hương để đón vớt người vượt biển cả tháng mới vào đất liền, niềm háo hức của mọi người lắng xuống. Lâu quá, làm sao báo tin cho người nhà đang hồi hộp lo lắng số phận người đi ?

Trước khi vớt chuyến ghe của tôi, Cap Anamur đã vớt được một chiếc ghe nhỏ khoảng 20 mạng. Nghe đâu chuyến ghe đó có một em bé thiệt mạng. Ghe xuất phát từ miền Trung, có vẻ là dân chài, nửa tiếng Anh Yes No không biết. Mấy người đàn ông xúm lại hỏi chuyện mấy ma mới và xin thuốc lá. Ghe tôi đếm được tổng cộng là 96 mạng nên được đặt tên là Group 96, đa số là dân Sài Gòn.

Tôi chứng kiến cảnh đổi đời. Những anh tài công, thợ máy một đêm hoạnh họe dưới ghe bỗng trở nên hiền lành im lặng. Ngược lại, vài ông già nằm rũ rượi say sóng dưới ghe như gà mắc mưa lại trở thành ông thiếu tá này, anh trung úy kia, người xổ tiếng Pháp, kẻ liếng tiếng Anh… làm trưởng nhóm, phó nhóm lăng xăng lui tới !

Dưới khoang tàu dùng để chứa Containers khi chở hàng, họ sắp dài hai hàng ván gỗ, trên đó, chiếu mền để sẵn. Sau khi được nhóm y tá người Đức khám sơ sức khỏe, tôi vác mớ áo quần vừa được phát về một tấm ván, trải chiếu ra nằm. Tôi làm quen với anh Nguyễn Xuân Lai, cựu Pilot trực thăng. Anh Lai có bộ râu như ông Kỳ, đẹp trai dáng đàn ông nhưng mặt rầu rĩ vì bỏ lại vợ và hai con gái. Khi mấy ông cựu Quân nhân năng nổ làm thiện nguyện viên, anh Lai lui mình nằm dài tán chuyện với tôi, hai anh em share từng điếu thuốc còn lại. Anh có thân nhân anh em ở Mỹ nhưng muốn đi bất cứ nước nào để có thể bảo lãnh vợ con qua nhanh chóng.

Một sáng, nhóm thủy thủ đi ca nô nhảy qua ghe tôi hôm nọ đi lòng vòng thăm hỏi bà con. Nhờ võ vẽ vài ba tiếng Anh, tôi làm quen được chàng thủy thủ tóc vàng hoe người Đức, tự xưng là phó thuyền trưởng. Tôi ngờ nghệch lôi hũ mật ong ra biếu anh ta tỏ lòng biết ơn, tôi cứ nghĩ mật ong là quý lắm, anh ta lắc đầu từ chối : You need it more than I do. Tôi cứ dúi vào tay anh ta, bắt nhận cho được. Anh ta hỏi tôi có muốn làm thiện nguyện, lên đài chỉ huy cầm ống nhòm phụ tìm ghe vượt biên hay không, tôi gật đầu.

Sinh hoạt trên tàu cho cả trăm người dần dần đi vào nề nếp. Mấy cụ già, phụ nữ xung phong nấu cơm ngày hai buổi trưa chiều. Buổi sáng, họ cho ăn đồ khô. Phía đầu tàu, họ để những bếp gas dã chiến làm bếp. Khác hẳn với thư từ ba tôi viết về kể là khi được tàu Mỹ vớt, đồ ăn bánh kẹo thoải mái hay thủy thủ cho thuốc lá hút bể phổi, Cap Anamur không phát thuốc lá hay bánh kẹo. Thực phẩm khô đựng trong container lớn trên boong khóa lại kỹ càng. Dãy nhà tắm bằng thép được hàn thêm bên mạn phải con tàu, tuy nhiên, hình như tàu không đủ nước ngọt nên dân tỵ nạn phải tắm bằng nước biển, rít rát. Tôi không còn nhớ đi tiêu đi tiểu ra sao, vì tôi bị bón ! Món cá hộp sốt cà chua và hành tây ăn ngon miệng được vài ngày đầu, mấy ngày sau ngán tận cổ. Thèm món canh thịt bò sả mẹ tôi nấu vô ngần.

Sang đến ngày thứ hăm mốt, Cap Anamur đã vớt thêm được ba ghe, nâng tổng số người vớt lên tới 202. Vẫn còn thua chuyến mấy tháng trước, hơn ba trăm mạng. Chị Phượng và anh Đinh Quang Anh Thái vẫn thông báo tình hình cho bà con, xấu, rất xấu, tất cả các nước đều quyết định không cấp chiếu khán nhập cảnh cho người Cap Anamur vớt. Cap Anamur thuộc hội thiện nguyện của Đức và Pháp, Đức và Pháp phải chịu trách nhiệm cấp chiếu khán. Singapore không cho quá cảnh, các trại tỵ nạn khác đều lắc đầu. Những người có thân nhân ở Mỹ như tôi đầy lo lắng. Thôi, đi Đức qua ở với ông dượng và thằng em họ cũng được, tôi an ủi. Một số người than vãn một câu rất ư là vô ơn : “Biết vậy xin thêm dầu và lương thực chạy đến đảo cho rồi !!!”, tôi chỉ biết lắc đầu chịu thua.

Hai trăm mạng người Việt tỵ nạn trên tàu là một xã hội nhỏ, có người tốt, người xấu, ở lâu, chuyện gì tới phải tới. Một vài cô gái được nhóm thủy thủ mời vào phòng, đi ra tươi cười với vài đồ vật trên tay, miệng cười cười khiến tiếng xầm xì khắp nơi. Có đêm, người ta bắt gặp một cô gái trẻ ngồi tán chuyện với một chàng thủy thủ trẻ đằng trước mũi tàu, tiếng đồn không hay lại lan ra. Tôi nhớ cô ấy tên Hồng, sau này đi Úc. Cả tàu chỉ mong ngày vào đất liền !

Chị Phượng ra thông báo Cap Anamur sẽ rời biển Đông, vào cảng Singapore, mang sức sống hy vọng lại cho mọi người. Tàu sẽ neo ở cảng Singapore 3 ngày để tiếp tế lương thực, nước nôi, xăng dầu rồi sẽ chở chúng tôi qua trại tỵ nạn Palawan của Phi Luật Tân. Cao ủy tỵ nạn Palawan cho phép chúng tôi quá cảnh. Trong vòng ba ngày ở Singapore, tất cả mọi rác rưởi phải được bỏ đúng chỗ, không được búng tàn thuốc xuống nước. Mỗi mẩu tàn thuốc vất xuống nước sẽ bị phạt $500, chị dặn đi dặn lại và mong chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Một nhóm thiện nguyện khác sẽ thay thế nhóm của chị, có thể có một vài người Việt đến từ California.

Đêm tàu vào cảng Singapore, tôi nôn nao ngủ không được. Ra boong tàu đứng, từng chiếc tàu hàng sáng rực đèn xếp hàng chạy. Suốt gần một tháng, tôi chỉ thấy màn đêm phủ một màu đen trên biển. Singapore đó, nơi ba tôi và ông dượng quá cảnh ba tháng nhưng bây giờ tôi được phép đặt chân lên. Singapore, thành phố của văn minh và tự do nhưng tôi chỉ được phép ngó từ xa. Khi thuyền bỏ neo, tôi khám phá ra 3 ngày tàu đậu lại cảng là một cực hình. Trời nóng khó chịu khi tàu neo lại, dưới hầm quá ngột ngạt, lên boong lại nắng chói, nắng từ thép tàu hắc lên mặt như tra tấn. Trời lại ít gió, cứ mong sao 3 ngày chóng qua để được đưa tới Palawan.

Ký giả Dương Phục và một tay quay phim của đài truyền hình Việt Nam ở California lên tàu thăm, làm phóng sự, chúng tôi bu quanh âu lo thăm hỏi số phận. Khi ký giả Dương Phục hỏi cần gì để ông có thể giúp, cả bọn đàn ông đều xin thuốc lá ! Tôi đã nhờ anh chàng phó thuyền trưởng người Đức đánh điện cho ba tôi. Một chiều, ký giả Dương Phục quay lại với đống thuốc lá, đây là $200 của anh em thiện nguyện góp lại mua thuốc lá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, sàn tàu Cap Anamur đầy rẫy mẩu đầu lọc thuốc lá khiến vị thuyền trưởng nhăn mặt, ra lệnh làm tổng vệ sinh ! Nhưng ông ta không cần ra lệnh cấm hút, còn thuốc lá đâu nữa mà hút, anh Lai và tôi phải moi dế nhủi dưới ván lên quấn với giấy báo hút.

Cả tàu tôi hào hứng chuẩn bị đón Tiến Sĩ Rupert Neudeck đến thăm. Kho lương thực được mở ra để quý bà trổ tài nấu nướng, nhờ được tiếp tế đồ ăn tươi, menu có phần phong phú hơn. Quý ông trưởng nhóm, phó nhóm lo quét dọn boong tàu sạch sẽ, một gã Trung sĩ thông dịch viên cũ cầm sơn khoanh một vòng để chữ VIP. Tôi chẳng biết VIP là gì, chỉ biết chỗ đó dành cho các nhân vật quan trọng, đừng dại đặt đít vô ngồi kẻo bị rủa. Trước bữa ăn, nghi lễ nho nhỏ với vài lời phát biểu tỏ lòng biết ơn ông Tiến Sĩ và vị thuyền trưởng khá cảm động. Hôm sau, tàu nhổ neo hướng về Palawan.

Palawan, phải, Palawan, không phải là Galăng, Biđông, hay Sikhiew như những thư từ kể lại. Palawan, nơi tôi sắp tới để bắt đầu khoác áo làm dân tỵ nạn. Palawan nghe sao đáng yêu quá !



Diên Hoàng

Longhai
07-17-2015, 08:27 AM
Rồi xa Diên Khánh


Diên Hoàng


Sau ký Trên tàu Cap Anamur, Diên Hoàng ghi lại những kỷ niệm của anh về một Quận lỵ xa xôi ngoài Trung, trước 75. Những tư ẩn của một thiếu nhi miền Nam bao gồm gì ? Câu trả lời của Diên Hoàng là những êm đềm của tuổi xanh đầy mộng mơ. Một yên ấm, mà chính cha anh, một Quận trưởng Quận lỵ Diên Khánh cùng những người lính Cộng Hòa đã ra sức gìn giữ. Binh phục nào không hào hùng và Binh phục nào không thấm máu ? Nhưng máu chỉ có ý nghĩa một khi xã hội người lính bảo vệ được yên lành và đem đến giáo dục tốt đẹp. Người lính miền Nam đã làm được điều này, ngay cả cuối cùng thất trận.

Sinh 1966 tại Huế rồi vào Nha Trang cùng gia đình, Diên Hoàng viết ký bằng những tâm tư tuy bình dị, nhưng đạt đến cái chung của một thế hệ thiếu niên dù sinh trong Sàigòn, hay ngoài Đà Nẵng, hoặc miệt Cần Thơ, đều cảm nhận. Phong vị chân tình cùng phơi phới tâm hồn, ghìm sâu xót xa, là đặc điểm của Diên Hoàng. (Trần Vũ)


Kính nguyện đến ba,
vị Quận trưởng Diên Khánh
không hề giống vị Quận trưởng Diên Khánh trong Mùa Biển Động.


Quê ở đâu, tôi thật khó trả lời chính xác; tôi sinh ra ở Huế, lớn lên ở Nha Trang, trưởng thành ở Sài Gòn. Huế là nơi chôn nhau cắt rốn, chỉ còn trong tôi giọng trọ trẹ của vài trái ớt hiểm dầm trong chén nước mắm mỗi bữa cơm gia đình. Sài Gòn ăm ắp kỷ niệm, lấn át Nha Trang bé nhỏ, nhưng nếu, một chữ nếu xa xôi được tiếp nối với muôn vàn chữ nếu khác, về hưu, tôi sẽ chọn Thành phố Thùy dương cát trắng dưỡng già. Từ Nha Trang vào lại Sài Gòn chỉ mất tám tiếng lái xe, Nha Trang đi Huế cũng rút ngắn được gần nửa đường.

1.

Năm 69, ba tôi thuyên chuyển từ Quận Minh Long, Quảng Ngãi về Tiểu khu Khánh Hòa. Lần này, có lẽ đã ổn định với đời sống Quân ngũ, ba đưa mẹ con tôi từ Huế vào định cư. Thời gian đầu, buồn kinh khủng, đỡ hơn ở Minh Long đèo heo hút gió nhưng chắc chắn không tấp nập bằng phố Trần Hưng Đạo, Huế. Căn nhà lớn của Ngoại tôi nằm ngay phố chính Huế, ngó thẳng qua là Café nổi tiếng Lạc Sơn, chợ Đông Ba và rạp Cine Tân Tân. Tôi quen chạy chơi ngoài đường phố tấp nập người. Vào Nha Trang, gia đình tôi phải ở nhờ nhà của bà cô ruột của mẹ, số 50 đường Gia Long, gần ga. Vì mới được thuyên chuyển vào, ba tôi bận bịu lung tung, tôi ít thấy mặt. Ở phố Gia Long, tôi được cậu Cu Ti dạy cách luyện nội công, ở trần, chạy chơi cho đổ mồ hôi rồi nằm lăn ra sàn xi măng bóng loáng mát lạnh, vệt mồ hôi in trên sàn nhà là bằng chứng của cuộc luyện công.

Sau vài ba tuần, ba mẹ tôi mướn một căn nhà nhỏ, tôi không còn nhớ chính xác vị trí, chỉ nhớ mang máng gần đó có một nhà thờ Tin Lành, đi qua vài con phố, có quán bán bánh Pâté chaud và sữa đậu nành ngon tuyệt vời, nằm ở ngã ba đường, gần rạp Minh Châu. Lúc đó, ba tôi ở đâu, làm gì... tôi không biết, nhà chỉ có ba mẹ con, buồn ơi là buồn, tôi nhớ Huế não nuột.

Rồi gia đình tôi lại dọn vào Cư xá đường Lê Văn Duyệt, tôi nhập học lớp một trường Tiểu học Long Vân. Khúc dưới đó có quán phở gà số Một, mỗi lần đi học ngang qua, thơm phức. Cạnh đó, có mấy tiệm bán văn phòng phẩm, tôi mê lắm, lân la đứng ngắm nhìn. Tôi mê những cây bút xanh đỏ, tôi mê những cuốn vở trắng mới tinh... Tôi thích viết bằng viết nguyên tử, sạch sẽ, nhưng mẹ tôi bảo sợ hư chữ, bắt phải viết bằng viết chấm mực tím, ngòi bút lá tre bầu bầu. Tôi đòi viết bút máy, mẹ cũng không cho, sợ làm mất bút; kết quả là ngày nào bàn tay cũng lem luốc dính mực. Con nít, làm sao tránh khỏi. Cầm được cây bút máy hiệu Parker hay Pilot là một dấu hiệu trưởng thành. Tôi học xong lớp hai ở trường Long Vân, cùng thời gian đó, ba mẹ cho tôi gia nhập đoàn Sói Thùy Dương.

Khi bà cô ruột vào Nha Trang sinh sống, ba mẹ tôi nhường căn nhà Cư xá Lê Văn Duyệt lại, gia đình tôi lại dọn lên quận Diên Khánh ở chung với ba. Diên Khánh là nơi ông nội từng làm quan Lãnh binh, bây giờ ba được làm Quận trưởng, ba tự hào lắm. Ông nội có tới ba bà vợ, bà nội quê ở Ninh Hòa, ông nội cưới làm vợ ba vì lúc đó, theo lời kể, hai bà lớn đang còn ở Huế. Nhưng chữ Diên là không phải do ba tôi đặt cho tên lót của tôi, mà từ bà ngoại. Ông anh đã mất khi ba tháng tuổi là Diên Anh. Tôi không còn nhớ hết quận Diên Khánh có mấy Xã, nhưng tôi biết chắc tên Xã nào cũng bắt đầu bằng chữ Diên như xã Diên An, xã Diên Thạnh, xã Diên Thủy... nghe dễ thương lắm.

Tòa hành chính của quận Diên Khánh gồm nhiều dãy nhà, phía trước hình chữ U bao quanh cột cờ. Phía sau, một dãy nhà dài dùng làm nhà ở của ba, cuối dãy bên trái, lên tầng lầu cất cao bằng gỗ là chỗ của mấy cố vấn Mỹ, có gắn máy lạnh. Ở giữa dãy nhà ở và văn phòng làm việc, ba cho đổ xi măng làm thành sân chơi bóng rổ, có khi làm sân bóng chuyền hay đánh vũ cầu, tôi tập chạy xe đạp cũng nhờ cái sân đó. Năm 73, sau khi đám cưới của cậu tôi ở Huế vào, Nha Trang bị lụt nặng. Thằng em kế mon men đi trên tấm gỗ bắc ngang qua sân để lên văn phòng của ba bị lọt tỏm xuống nước lụt, hôi rình. Năm ấy, nhờ trận lụt, ba dạy tôi đánh cờ tướng và cho ăn cá trê nướng trui chấm nước mắm gừng. Cái sân chơi đó giữ nhiều kỷ niệm tuổi thơ, những đêm cố vấn Mỹ chiếu phim cho toàn chi khu coi, những đêm sinh hoạt nghe mấy chú lính hát vang vang trên đầu súng quê hương tổ quốc đã vươn mình... Hay đến với quê hương tôi, nói với quê hương tôi dù hờn căm còn đầy...

Điều thích thú nhất khi được sống trong Quận với ba, là tôi được chạy rong chơi khắp sau giờ làm việc. Tôi lang thang giao thông hào quanh Quận, chơi trò bắn súng tưởng tượng một mình. Tôi bò qua hàng rào kẽm gai phía sau bao cát, tới chỗ đặt hai khẩu đại bác của pháo binh rờ mó hay ăn cắp những viên đạn M16 rồi kề vào cột sắt kẽm gai để bẻ đầu đạn, lấy thuốc súng đốt cháy xèo xèo... Tôi lén ra garage xe, nhảy phóc lên những chiếc GMC, Dodge bẻ vô lăng như những tài xế chuyên nghiệp. Tôi phá máy vô tuyến, nhấc ống liên hợp, bắt chước mấy chú lính truyền tin gọi cho nhau Hồng Hà gọi Đống Đa, nghe rõ 5/5... Ba không hề biết những bí mật tuổi thơ, nếu biết, tôi đã ăn đòn no nê. Tính con trai ưa hoạt động, phá phách, tôi đã ăn đòn của ba với mọi thứ, từ cột treo mùng ghế bố, giày lính đá đít, dây điện quất đít... đến móc kẽm quần áo bẻ ra làm roi... tôi sợ ba ghê lắm, nghe nạt một tiếng là im phắc. Ông dùng đúng nghĩa câu thương cho roi cho vọt. Ba có tính thích ăn khuya, có nhiều đêm, ông nhờ mấy chú lính chạy ra ngoài chợ Thành mua mì xào giòn hay xí quách về ăn, phần tôi con nít phải đi ngủ sớm, tôi ấm ức lắm. Có khi có người đi săn được thịt nai cho, mấy chú lính làm thịt nấu ăn ồn ào, tôi nằm trên giường không ngủ được, cứ ngóng tai nghe.

Khi Nha Trang bắt đầu tiếp sóng Truyền hình từ Sài Gòn ra, ba mẹ tôi sắm một cái TV trắng đen nhỏ, tôi được coi Thái Hiền nhí nhảnh hát Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc, Tuổi Thần Tiên, Ông Trăng Xuống Chơi... Mẹ tôi thích coi ban kịch Sống của bà Túy Hồng hay những vở kịch trinh thám do ông Tâm Phan có bộ râu ngầu ngầu đóng. Tôi nhớ cảm giác sợ sợ khi coi vở Người Lữ khách thứ Mười ba, lấy tay che mặt nhưng lại nhìn qua kẽ hở. Ba không mê TV lắm, ông chỉ thích đánh mạt chược, đánh chắn hay tổ tôm. Đôi lần ông cho phép tôi ngồi chia bài. Ông dạy tôi Hán văn cũng chỉ để tôi có thể nhận mặt quân bài mạt chược, nào Thi, nào Sách, nào Vạn, Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung, Bạch... tôi nhớ tướng sỹ tượng, xe pháo mã của cờ tướng nhưng không nhớ hết nổi quân bài mạt chược.

Tam tự kinh, rinh cơm nguội.
Tứ bổn thiện, lỗ miệng hay ăn.
Mắm treo trên giàn, con thò tay vô bốc.
Bị mẹ khỏ cái cốc, con la đau.
Con chưa rờ rau, con đã rờ mắm...

Hán văn của tôi rộng như thế, tôi chỉ biết viết chữ Quang và chữ Trung gộp lại thành tên của vị vua Tây Sơn Nguyễn Huệ...

Nói tới tiếng Hán thời đó là phải nhắc đến Tiêu Ban Lộ hay dầu Nhị Thiên Đường. Tôi căm thù Tiêu Ban Lộ, đến bây giờ vẫn còn nhớ, mỗi lần lên ban lên sởi, mẹ bắt uống thuốc đắng nghét. Đau một đứa, lây sang cả bầy, tôi là thằng anh cả, bị lôi ra làm gương uống trước, ba tôi trao cho cái quyền Quyền Huynh Thế Phụ to tát vô cùng !

2.

Giống như mọi cậu ấm con quan khác, tôi được một chú lính Trung sĩ có bằng Tú tài một dạy kèm thêm trong Quận. Chú Côn nhìn mặt khá nghiêm khắc, giọng nói nhỏ nhẹ dạy tôi tiếng Pháp và đàn Mandolin. Miệng luôn gọi là chú Côn nhưng thật ra là thầy, tôi kính trọng chú ấy lắm. Có hôm thấy chú ngồi gác ở vọng gác cổng sau, lân la đến nói chuyện, tôi bị chú ấy đuổi về. Sau 75, bà cô ruột còn ở lại Nha Trang bảo chú ấy là Thiếu úy Công an, tôi không tin lắm vì ba mẹ coi chú ấy thân tình như người trong nhà. Năm 74, khi gia đình tôi đã dọn về Tản Viên, quận bị pháo kích, một quả rơi trúng vào chỗ ngủ của ba nhưng may mắn đêm ấy ông phải đi ngủ Ấp. Ai điểm trúng tọa độ, chỉ có thánh mới biết, tôi không dám đổ cho người Thiếu úy Công an đó. “Ngủ ấp” là để giữ an ninh trong Quận, ba thường ngủ lại mỗi ấp, mỗi xã trong Quận, để thanh tra, đôn đốc thúc giục lính dưới quyền.

Diên Khánh cách Cam Ranh 50 cây số, trên đường đi vào Nam ngang quận Cam Lâm có vườn ươm cây và suối Tiên, là hai địa điểm khá nổi tiếng. Trong vườn ươm, người ta chiết cành, cố tạo những giống cây mới, tôi ăn thử những trái chanh vỏ ngoài xanh ngắt nhưng bên trong lại ngọt lịm như quýt. Kỳ lạ lắm ! Vào suối Tiên như vào động thiên thai, nước trong vắt, trên cao nước mát, xuống thấp, nước ấm. Nước chảy không mạnh như thác Cam Ly của Đà Lạt nhưng với cái óc con nít thời đó, tôi cảm giác đang làm nhà thám hiểm đi vào vùng đất kỳ bí.

Đường Quốc lộ 1 qua cầu Trần Quý Cáp là tới ngã ba Thành, một chạy xuống Nha Trang, một rẽ trái chạy ra Lương Sơn. Dưới chân cầu có đền thờ Trần Quý Cáp, nghe đồn Ngài rất linh thiêng, thường đánh thức lính canh cầu bắn đặc công. Ở ngã ba Thành còn có cây dầu đôi cổ thụ, một thân chẻ làm hai nhánh, đường kính đến ba bốn người dang tay ôm. Năm 2000 trở về, tôi đi qua thấy cây dầu đôi vẫn trơ gan. Đi thêm 10 cây số nữa, là Nha Trang. Trước khi vào phố có một quán ăn bên tay phải, cách Quốc lộ chừng nửa cây, chuyên bán thịt vịt nổi tiếng. Từng bầy vịt nuôi ngoài ruộng quanh quán kêu quàng quạc, nặng mùi.

Tôi ăn cái Tết cuối cùng trong Quận lỵ vào năm 74. Mẹ mở Cassette nghe miết bài Qua Cơn Mê. Ba mẹ tôi quyết định mua nhà và ở hẳn Nha Trang, theo dự tính, nếu lên lon ba sẽ về làm ở Tiểu khu.

Căn nhà số 5 Tản Viên khá rộng, hai dãy chụm lại hình chữ L ngược quay qua bên trái, ba mẹ mua lại từ ông Hiệu trưởng trường Phước Xuân. Bên cạnh cổng vào, vẫn còn một căn có người khác thuê, hay mua phần đất đó, tôi không biết, chỉ thấy hai vợ chồng chú thím Giáo viên ấy xài chung một cửa ra vào với nhà mình. Sau khi sửa sang lại, căn nhà rất thoáng mát, đằng trước có vườn hoa nhỏ, dưới tàn vú sữa nếp ngọt lịm ba để cái xích đu. Sau nhà lại có cây vú sữa tím, một cây mít và một cây khế nhỏ, cây nào cũng sai trái và ngọt ngay. Cái chuồng gà dưới gốc cây mít, trước phòng của bà ngoại tôi, sáng nào mấy con gà trống cũng gáy inh ỏi. Cây khế bên cạnh hành lang từ nhà trên xuống nhà dưới thấp tủn, đủ cho tôi leo trèo. Ăn quả khế, trả ngàn vàng, may túi ba gang, mang theo mà đựng, ai còn nhớ chuyện cổ tích ngày xưa ?

Mé trái hông nhà, mẹ trồng một giàn đậu ngự, để dọa rắn thường ở trong mấy giàn đậu, tôi sợ lắm, ít ra đó phá, chỉ thích trèo lên cây khế ngồi. Mặt bằng kiến trúc của ngôi nhà khá nhẹ nhàng, đằng trước là phòng để bàn thờ ông nội và phòng khách. Tới phòng ăn dài bằng chiều rộng của ngôi nhà, bên trái là phòng ngủ dành cho khách, có phòng tắm ở cuối phòng ăn. Bước xuống là phòng ba mẹ tôi bên phải, bên trái không ngăn tường, mẹ đặt hai cái giường cho tôi và thằng em kế. Thế là tôi có giường riêng, không phải ngủ chung với mấy thằng em. Đầu giường đặt cái kệ nhỏ, tôi cất mấy cuốn sách của tôi, hãnh diện vô cùng. Nhà dưới là bếp, cầu tiêu, buồng tắm, nhà kho, phòng cho người ở và phòng của bà ngoại lớn nhất.

Xong lớp ba trường Tiểu học Khánh Hòa ở Diên Khánh, tôi vào lớp bốn trường Phước Hải. Buổi sáng đi bộ đi học, có khi mẹ cho ăn xôi hay ăn bánh căn. Bánh căn chỉ là cục bột gạo đổ trên mấy khuôn bằng đất sét, chế thêm tí trứng và mỡ hành, chấm nước mắm ớt chua ngọt mà thành món đặc sản của Nha Trang, thú kinh khủng. Ngay góc đường Tịnh Tâm và Tản Viên, người ta bày bán ở đó, buổi sáng chỉ cần vác tô ra mua, nóng hổi, vừa thổi vừa nhai. Ba vẫn ở trên quận, chỉ về cuối tuần hoặc ghé nhà ăn cơm khi về tỉnh họp. Chú Côn không còn dạy kèm tôi, bà ngoại bắt ghi danh cho đi học Pháp Văn ở Collège Français, “Cô Lé Bán Chè Khoai”, để thầy người Pháp dạy đọc cho trúng giọng Paris phát âm với chữ gờ rờ...! Buổi tối, phải đi học thêm Anh văn ở nhà thờ Tin Lành gần nhà, tôi lẫn lộn Anh Pháp tùm lum, khó chịu, không muốn học tiếng Anh, chê đọc khó, viết một đằng, đọc một nẻo, kỳ cục. Mẹ và bà ngoại bắt học dữ lắm, nhưng ba chỉ cười, chỉ “thằng này khóa 42.”, ông muốn tôi theo đường Binh nghiệp, tôi bảo bụng, tôi sẽ làm Phi công.

Tính tới thời gian đó, tôi đã gia nhập Hướng đạo đã hơn hai năm, đã lên “đầu đàn trắng”, được phép giữ cây trượng có hình sói con và lá cờ hình tam giác của bầy. Một ngày hướng đạo, một đời hướng đạo, tôi không còn nhớ huynh trưởng nào phát biểu câu trên, đúng ghê lắm. Lúc mới vào, bạn là sói chưa mở mắt, sau đó, được tuyên thệ, học Cách Ngôn Rừng, mới thành sói mở mắt. Đêm tuyên thệ ở hội quán có đốt lửa cho thêm phần long trọng. Này Akela, này Baloo, này Bagheera, này Mowgli... tuổi thơ tôi hồn nhiên ca hát, họp mặt, cắm trại... Bầy sói họp mặt mỗi sáng Chủ Nhật từ 7 giờ đến độ 10 giờ, mỗi tuần ở một trường khác nhau trong Thành phố nên tôi biết khá nhiều trường, trường Hàn Thuyên, trường Võ Tánh, Lasan Bá Ninh, trường Thánh Tâm, trường Âu Cơ, trường Nữ, trường Nam... không nhớ hết ! Mỗi sói con có một cuốn sổ tay ghi việc thiện trong tuần đã làm, tôi là cậu ấm con quan, đâu có đi ra ngoài động đậy việc chi nên mỗi tối Thứ Bảy lại ngồi phịa ghi vào làm công việc quét nhà. Sói con thật thà ngay thẳng, Cách Ngôn Rừng dạy thế, tôi chỉ quét cái phòng ngủ của tôi nhưng tôi viết là quét cả nhà cho oai. Không viết quét nhà, lại viết cắt móng tay, móng chân. Phải nói rằng nhờ gia nhập Hướng đạo, tôi trở nên dạn dĩ xông xáo ngoài đời, không sợ sệt khi ra khỏi vòng tay bảo bọc của ba mẹ.

Có năm, Nha Trang tổ chức họp bạn Hướng Đạo Toàn Tỉnh, khá đông Hướng đạo sinh, ở trường Lasan ở trên đồi cao gần bên Hòn Chồng, Đồng Đế, tôi được tham dự ngủ lại đêm, trong khi thằng em kế phải về nhà ngủ. Tôi tham gia trò chơi lớn với mấy anh Thiếu, Kha và Tráng, chạy rần rật quanh trường, trèo dốc, lội suối... Tối đến, tháo khăn quàng quấn lên đầu, dự lửa trại với chương trình văn nghệ, tôi chỉ mong lớn cho nhanh để lên Thiếu, bận đồ kaki, đeo ba lô oai vệ vô ngần. Tôi bắt đầu thấy sói là con nít. Một lần tôi làm cả nhà hoảng hồn, tôi dắt thằng em kế đi bộ từ Ty Thông tin, theo đường Trần Quý Cáp ra Mã Vồng rồi thẳng đường Phương Sài về tới nhà ở Tản Viên. Ba, mẹ và bà ngoại đang ngồi đánh bài xẹp chưng hửng, bà ngoại quát hỏi ba sao không cho tài xế đi đón, tôi bảo được về sớm. Hôm đó, tôi được bà ngoại tẩm bổ cho nguyên một miếng đùi gà rôti, gặm như truyện tranh Obélix gặm đùi heo quay, không chia cho ai cả.

Nói tới Nha Trang mà không nhắc đến biển và đảo thì quả thiếu sót lớn. Ba mẹ cho tôi đi gần hết mấy hòn Tre, hòn Yến, hòn Tằm... Ba thường vác về bãi một đống tôm càng, cua, ghẹ... cho mẹ tôi luộc chấm muối tiêu chanh. Mẹ hỏi đâu ra nhiều quá, ba cười bảo lính thả lựu đạn. Mỗi lần tắm biển xong, chú tài xế hay chở tôi ra lò bánh mì ở đường Nguyễn Hoàng, gần bến xe, mua cho một ổ bánh mì không nóng hổi. Biết tôi thích ăn bánh mì, mỗi sáng Chủ Nhật đi họp Hướng đạo, tôi lại được mẹ tôi cho tiền mua bánh mì chả lụa ở mấy xe bánh mì quanh ngã Sáu, dưới chân nhà thờ núi. Đi biển, đi đảo, đi Hòn Chồng, đi Tháp Bà, đi nhà thờ Núi, đi lên ngôi chùa có tượng Phật to đùng cũng nằm cao trên núi... nếu tôi không đặt chân tới với ba mẹ, tôi cũng theo bầy sói lang thang tới. Khi chán biển Nha Trang, ba mẹ lại cho đi ra Đại Lãnh, Lương Sơn, Dốc Lết... tắm. Bờ biển thoai thoải, cạn queo, nước ấm, tôi làm chú sói mê tít thò lò mũi xanh.

Nha Trang nhỏ nhưng có khá nhiều rạp Ciné, tôi nhớ vài rạp như Tân Tân, Tân Tiến, Tân Quang, Minh Châu, Ciné Nha Trang và rạp Hưng Đạo mới xây xong sau này. Thời đó mẹ nhất quyết không cho tôi coi mấy phim Hồng Kông do Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long đóng, cũng không cho coi mấy phim Việt như 5 Vua Hề Về Làng do La Thoại Tân, Phi Thoàng, Thanh Việt, Khả Năng, Tùng Lâm đóng. Xin hoài nhưng không cho là không cho. Khi ông cậu ruột từ Huế vào thăm, lén dẫn cho đi hay bà cô ruột lén cho đi coi Tứ Quái Sài Gòn cười nức bong bóng. Ba cho hai anh em tôi đi coi phim Patton một mình ở rạp Tân Tân, còn mẹ lại dẫn đi coi The Sound Of Music, “Lụy Tình Chưa Dứt”. Bà cô dẫn cho đi coi phim Người Tình Không Chân Dung.

3.

Tết Ất Mão 75, hai cây mai trong chậu kiểng đặt bên cửa hông vào phòng ăn nở rộ đúng ngày mùng một Tết, mẹ tôi mừng bảo chắc năm nay đường công danh của ba sẽ tấn tới. Ba mang lon Thiếu tá thực thụ đã gần hơn năm năm, bè bạn cùng lứa đã có người mang lon Đại tá, như bác Thông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 Bộ Binh. Trong sáu ông Quận trưởng ở Tiểu khu Khánh Hòa, các quận Khánh Dương, Vạn Ninh, Vĩnh Xương, Ninh Hòa, Cam Lâm và Diên Khánh, ba tôi là trẻ nhất, lại học cùng trường với ông Tỉnh trưởng nên ông ta thân tình coi như đàn em, ba rất kính trọng ông ta. Nếu được về làm ở Tiểu khu, ba tôi đỡ khỏi xách xe Jeep đi đi về về Nha Trang - Thành. Phần tôi đã xong nửa lớp bốn, bắt đầu ngó tới chữ Trung học, nghe cụm từ “vào được Đệ Thất” sao oai phong lẫm liệt. Đổi từ trường nhỏ của Quận lỵ về trường thành thị, sức học trong lớp của tôi không thay đổi mấy, tháng nào cũng mang bảng Danh Dự đứng nhất nhì lớp về khoe khiến tôi khá tự tin, hy vọng mai mốt ba mẹ sẽ cho tôi vào học trường tư thục Hàn Thuyên để so tài với những cậu học sinh giỏi khác của Thành phố.

Có ai ngờ rằng chỉ vài tháng sau đó, trời làm đứt phim !

Khi chú tài xế lái chiếc xe Jeep chở mẹ con tôi và bà ngoại vào cổng Quân sự của phi trường Nha Trang, ba đã ở đó trước bảo vừa có lệnh cho Quân cảnh là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ba dặn mẹ là chỉ thu dọn áo quần cho con cái đủ đi ba ngày rồi về, không có chi phải lo lắng nhiều hết. Mẹ theo lời, bỏ lại tất cả mọi giấy tờ nhà, đồ đạc... áo quần bỏ vào mấy cái túi gọn nhẹ, tay xách nách mang bốn anh em tôi và bà ngoại theo chú tài xế vào phi trường. Tôi hí hửng như tham dự một trò chơi lớn, mừng là sắp được ngồi máy bay, mừng là được vào lại thủ đô Sài Gòn hoa lệ. Tôi có dự trại Hướng đạo toàn quốc ở Trảng Bom, đã từng ghé Sài Gòn một đêm, biết mùi vị Sài Gòn hơn hẳn thằng em kế.

Phi trường Quân sự Nha Trang la liệt mấy chú lính bận Quân phục rằn ri, mấy chú lính băng bó tay chân trắng toát nằm đầy trên bãi cỏ và sàn xi măng ngoài trời. Nắng hắt lên từ sàn xi măng nóng ghê gớm, gió biển không thèm thổi lên, mẹ con tôi lúp xúp ngồi đợi máy bay thật lâu. Không còn nhớ ngồi đợi bao lâu, không còn nhớ hai đứa em nhỏ cẳn rẳn ra sao, không còn nhớ sắp hàng leo lên chiếc C130 như thế nào... tôi chỉ biết ba phải ở lại, tôi chỉ còn nhớ khi chiếc C130 đóng kín lại chuẩn bị cất cánh, không khí trong phi cơ ngột ngạt nóng bức còn hơn khi ngồi chờ dưới sân phi đạo. Tôi co người ngồi cạnh một chú lính bị thương, vài người bị thương nặng được nằm cáng treo hai bên thành phi cơ, lủng lẳng mấy bịch nước biển. Khi phi cơ lấy được cao độ, cánh cửa sau đuôi chất đầy Quân trang, Quân dụng được hé xuống, không khí từ ngoài tràn vào mát lạnh, dễ thở, tôi bớt đổ mồ hôi. Chiếc C130 đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất chạy về phía khu Quân sự, đi ngang qua khu dân sự, tôi thấy những chiếc phi cơ dân sự mang đủ huy hiệu màu sắc to nhỏ sắp hàng thật đẹp mắt, chỉ chỏ ra sau đuôi với chú lính bên cạnh. Sau đó, gia đình tôi đi taxi về nhà ông bà sui gia của bà ngoại tôi ở đường Pasteur, gần chợ cũ Sài Gòn.

Chuyến đi không phải ba ngày rồi về như ba nói, ròng rã mấy tháng trời ăn nhờ ở đậu nhà người ta, mẹ quyết định đưa anh em tôi về lại Nha Trang sau khi ba tôi đi trình diện. Chiếc xe đò Phi Long Tiến Lực chở mẹ con tôi về tới bến xe Nha Trang ở đường Nguyễn Hoàng đã gần chạng vạng tối, tôi chỉ mang hai cuốn truyện tranh Sách Vàng đóng bộ của bà ngoại mua cho ở nhà sách Khai Trí. Về tới căn nhà Tản Viên, cổng nhà mở toang hoác, đồ đạc trống trơn, chỉ còn cái bàn thờ được mang ra giữa phòng khách với hình Hồ Chủ Tịch chễm chệ trên đó. Trên đường vào nhà, tôi nhận ra mấy cái ghế gỗ dựa nhà mình lúc xưa nằm ở nhà hàng xóm đường Tịnh Tâm. Cái chuồng gà biến mất cùng với bầy gà, ba trái mít cũng không cánh mà bay. Cái giường của tôi không còn ! Bà cô ruột dọn về ở bảo rằng không còn gì, cô chỉ đi lòng vòng xin lại được vài tấm hình trong mấy cuốn Album gia đình cũ kỹ. Tối đó, anh em tôi ăn cơm chan nước lọc, mẹ nuốt cơm với nước mắt, dưới ngọn đèn dầu leo lét. Vài người quen tới khuyên răn mẹ nên vào lại Sài Gòn ngay lập tức, không nên ở lại Nha Trang. Sáng sớm hôm sau, mẹ lại dắt díu anh em tôi ra bến xe vào Sài Gòn, tôi tìm mãi không ra hai cuốn Sách Vàng đóng bộ, mẹ gắt bảo bỏ đi, người ta sẽ nói lưu trữ “Văn hóa phẩm đồi trụy”. Một lần nữa, tôi lại giã từ Nha Trang, lần này, thật sự xa nó. Dù chưa biết nói tiếng giã từ, tôi biết, tôi không còn được sống cuộc sống nâng trứng hứng hoa nữa !

Trắng tay !

Tại sao tôi nhớ chuyện xưa nhiều như vậy ? Chính tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi đó. Nhìn hình, lúc ấy tôi chỉ là thằng bé con lên tám, bây giờ đã là gã đàn ông sắp qua tuổi trung niên nhưng chuyện xưa mãi nằm trong khối óc bụi bặm. Tôi nghĩ có nhiều câu trả lời. Thứ nhất, gia đình tôi đã mất hết, người ta có thể lấy hết đồ đạc, nhà cửa, vật chất xung quanh... nhưng người ta không thể cướp đi những chuyện xưa đã nằm trong đầu tôi. Nó mãi là quá khứ của gia đình tôi. Thứ đến, khi mất hết để thành dân vô sản, chuyện quá khứ như một chiếc phao cứu rỗi, nó giúp tôi bám vào để lạc loài bơi tới tuổi trưởng thành. Nó thành cái gốc của một cây non vươn mình lên giữa bão táp cuộc đời, dù mưa sa nắng hạn, cái cây non vẫn không mất gốc. Thứ ba, một khi đã quyết định ôm miết cái gốc, tôi cứ ôn cố, không chịu học cái mới, sợ tẩy não ! Tôi cũng không chia sẻ với ai, ngay cả người trong gia đình. Khi ba đi tù về, chuyện quá khứ là quá khứ, nhắc lại chỉ thêm đau lòng, ba lo nhìn về phía trước khi nói chuyện với con cái. Chuyện tương lai phía trước là làm sao kiếm gạo cho đủ bỏ vô miệng bốn thằng con đang độ tuổi lớn. Chuyện phía trước là chuyện làm sao để vượt biên khi trong túi không có đến nửa chỉ vàng. Chuyện phía trước là làm sao móc bốn thằng con ra biển, móc được rồi làm sao cho nó ăn học... Chưa kịp nhắc lại chuyện cũ với ba, thì ba mất !

Năm 2000, tôi về Sài Gòn lấy vợ, hai vợ chồng tôi thuê xe về Nha Trang ở ba ngày Honeymoon. Tôi chỉ đường cho bác tài chở vợ chồng tôi về lại căn nhà đường Tản Viên, căn nhà ở đã trở thành trụ sở Y tế khám bệnh của Phường. Tôi bảo vợ ngày xưa anh ở đó. Xe chạy qua, tôi nhói trong lòng, muốn về thăm nhưng không muốn nhìn sự thay đổi của căn nhà, tôi nói bác tài chở vợ chồng tôi lên Thành. Qua cổng Thành cũ kỹ rêu phong, tới ngang qua Tòa hành chính cũ, tôi muốn dừng xe lại chụp hình, bác tài ngăn lại bảo coi chừng Công an tới bắt, xe chạy tới trường Tiểu học Khánh Hòa rồi quành lại. Tôi ngó thêm một lần nữa, quận Diên Khánh đã trở thành Ủy ban Nhân dân Huyện Diên Khánh, tôi thở dài vẫy tay chào tuổi thơ. Lúc xưa ba làm ở đó, tôi bảo nhỏ cho vợ. Vậy hả anh ? Vợ tôi hỏi cho có, vợ tôi không cảm giác được những suy nghĩ xáo trộn lung tung bên trong của tôi. Cũng tội, cô nàng bé quá mà, biết chi mà nói ! Tôi lại bảo bác tài về lại Nha Trang, dạo đường Độc Lập và đường Bá Đa Lộc. Con đường Bá Đa Lộc một thời nổi tiếng đẹp nhất Nha Trang hiu quạnh buồn buồn, mất luôn bảng hiệu trường Tây... Loanh quanh con đường Phan Bội Châu ra phía chợ Đầm, đây là chỗ ba mua chiếc xe đạp Mini, đó là chỗ ba cho ăn kem, kia là chỗ mẹ mua khẩu súng lục nhựa có dây đeo như cao bồi viễn tây Hoa Kỳ... tôi chỉ thầm thì cho mình tôi nghe...

Hẹn Nha Trang với muôn vàn chữ NẾU, vì từ đây, tôi sẽ phải quên dần miền cát tuổi thơ để lo toan cho thế hệ thứ ba bước tới trên xứ này.


Diên Hoàng