PDA

View Full Version : Bộ Binh Thủ Đức - Cư An Tư Nguy



Longhai
07-05-2015, 10:41 AM
Bộ Binh Thủ Đức - Cư An Tư Nguy


Thanh Dũng


Một trong những lý do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giữ vững bờ cõi Quốc gia trong hơn 20 năm trước võ lực xâm lăng của Bắc Việt chính là tài chỉ huy của hàng chục ngàn Sĩ quan. Miền Nam năm xưa, qua các thời kỳ khác nhau, có không dưới 4 Quân trường từng huấn luyện và cung cấp Sĩ quan cho Quân đội.

Nổi tiếng nhất, và có lẽ được nhắc đến nhiều nhất là Võ Bị Đà Lạt đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch trọn đời theo binh nghiệp - mà không ít người đã ví là một loại "West Point" của VN. Tuy nhiên, trường Bộ Binh Thủ Đức đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cũng có phần đóng góp rất lớn và quan trọng.

Ngôi trường này có vài tên gọi khác nhau như "Trường Bộ Binh Thủ Đức", "Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức", "Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức",... Châm ngôn "Cư An Tư Nguy" - ngụ ý (đang) sống yên (vẫn) lo (phòng) nguy biến. Phù hiệu trường có nền màu xanh da trời biểu hiện tư tưởng và hành động thanh khiết; ngọn lửa hồng chỉ lòng quả cảm, cương quyết; và thanh kiếm biểu tượng cho quyền uy của cấp chỉ huy. Qua thời gian, những Chỉ Huy Trưởng Bộ Binh Thủ Đức gồm có : Đại Tá Phạm Văn Cẩm, Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ, Trung Tướng Trần Ngọc Tám, Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn, Trung Tướng Trần Văn Trung, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, và Đại Tá Trần Đức Minh.

Trường Bộ Binh Thủ Đức có lịch sử thành hình từ thời 1948, lúc Pháp Quốc, qua Hiệp ước vịnh Hạ Long, đã thừa nhận Việt Nam là một Quốc gia Độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Sang 1949, thêm Hiệp định Elysée với chữ ký của Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại, chánh thức thành lập “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam”. Trường Sĩ quan hiện dịch đầu tiên ra mắt tại Huế. Đến 1950, đã có 3 trường huấn luyện Sĩ quan hiện đại cho Quân đội Quốc gia đặt tại mỗi miền Bắc-Trung-Nam.

Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cả ba cơ sở này hợp nhất lại thành một trường Bộ Binh nằm trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, cách chợ Thủ Đức khoảng hai cây số. Thủ Đức từng là Trung tâm văn hóa kỹ nghệ lớn của VNCH. Ngoài các làng Đại học, còn có nhiều nhà máy kỹ nghệ lớn như : Xi Măng Hà Tiên, Dệt VIMYTEX, hãng làm sữa hộp Foremost, Nhiệt Điện Thủ Đức, Kim Khí VIKIMCO, hãng sản xuất tôn VINATON, v.v... Những tháng cuối của chiến cuộc VN, nhà trường tiếp quản căn cứ cũ của Sư Đoàn Hổ Mang Thái Lan ở Long Thành. Cuộc di chuyển hoàn tất vào đầu năm 1974 với tên là "Trường Bộ Binh", hay còn gọi là "Huấn Khu Long Thành".

Có thể gọi nhóm trên 100 Sĩ quan tốt nghiệp tại Huế là lớp Sĩ quan đầu tiên của Quân đội Quốc gia. Trong số này có Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu về sau là Tổng Thống nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Ngoài Bắc có trường Sĩ quan trừ bị Nam Định chỉ mở 1 khóa nhưng cũng kịp ghi danh Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan, hay Tướng Nguyễn Duy Hinh, năm 1975 là Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Bộ Binh (Sư Đoàn Trừng Giới)…

Riêng trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức có tổng cộng 69 khóa trong suốt cuộc chiến. Đến tận 1967, mỗi năm trường chỉ mở 1-2 khóa, đánh số từ 1 đến 27. Sau trận Mậu Thân và lệnh Tổng động viên, do nhu cầu chiến trường, mỗi năm trường Bộ Binh Thủ Đức đào tạo 6 đến 8 khóa. Các khóa này đánh số theo thời gian, thí dụ 1/68, 2/68, v.v... Đơn cử khóa 3/69 gồm 5 Đại đội, mỗi Đại đội quân số 200 người, tổng cộng chừng 1,000 Sinh viên Sĩ quan. Khóa này khai giảng vào tháng 3 và mãn khóa vào tháng 10-1969.

Khác Võ Bị Đà Lạt là nơi đào tạo những Sĩ quan tự nguyện chọn theo Binh nghiệp suốt đời, trường Bộ Binh Thủ Đức thật sự là mái nhà của người trai thời loạn - những người bất đắc dĩ phải xếp việc bút nghiên để khoác áo chiến binh. Họ là những thanh niên trong độ tuổi đôi mươi, vừa đậu bằng Tú Tài I. Chương trình huấn luyện của Bộ Binh Thủ Đức trung bình từ 6 đến 9 tháng tùy theo tình hình chiến sự. Sau 8 tuần huấn nhục rèn luyện thể lực và tâm lực, các Sinh viên Sĩ quan được học về Bộ binh căn bản (võ khí cá nhân, chiến đấu cá nhân, đội hình tác chiến...) rồi đến chỉ huy cấp Trung đội (võ khí cộng đồng, chiến thuật, cách dụng pháo binh, Chiến tranh Chính trị, Quân pháp...)

Trong khoảng 5 năm đầu tiên (1951-1955, khóa 1 đến khóa 5), Sinh viên Sĩ quan ra trường với cấp bậc Thiếu Úy (có khoảng trên 4,000 người). Từ khóa 6 trở về sau, sau khi tốt nghiệp Bộ Binh Thủ Đức, sinh viên sĩ quan nhận cấp bậc Chuẩn Úy. Thông thường sau 18 tháng, họ được thăng cấp Thiếu Úy Đương nhiên Thực thụ. Tân Chuẩn Úy Bộ Binh Thủ Đức có thể chỉ huy một trung đội Bộ binh, hay một đơn vị tương đương thuộc Binh chủng hay binh sở chuyên môn tùy theo chọn lựa. Đã có không ít tân Sĩ quan trừ bị chọn về những đơn vị tác chiến trên núi rừng biên giới, phải ăn cơm sấy, uống nước hố bom, v.v... Trên nguyên tắc, Sĩ quan trừ bị Thủ Đức chỉ phục vụ trong Quân đội bốn năm. Tuy nhiên, thực tế chiến tranh ác liệt, nên đa phần bị Quân đội lưu giữ lại mặc dù nhiệm kỳ trừ bị 4 năm đã hết (chỉ trừ các trường hợp Sĩ quan biệt phái như công chức, giáo chức, chuyên viên kỹ thuật...

Chừng một tháng trước ngày mất nước, Trường Bộ Binh có khoảng 4,000 Sinh viên Sĩ quan thuộc các khóa gối đầu nhau. Các Sinh viên Võ Bị Đà Lạt cũng được C-130 không vận về chung chỗ. Tại Trường Bộ Binh Long Thành, Võ Bị Đà Lạt gấp rút cho ra trường khóa 28 và 29, nhưng vẫn còn các Sinh viên Sĩ quan đang huấn luyện thuộc các khóa 30 và 31. Sau khi mọi thành phần của Trường Bộ Binh, gồm cả các thành viên Võ Bị Đà Lạt, từ Long Thành về đến Thủ Đức, tổng cộng quân số tại Thủ Đức lên khoảng 6,000 người gồm SVSQ và Quân nhân cơ hữu. Đầu tháng 4-1975, cộng quân tấn công thăm dò vào Huấn Khu Long Thành, cho đặc công xâm nhập các Trường Thiết Giáp và Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế, đã phải chịu nhiều tổn thất. Những ngày cuối tháng 4-1975, sư đoàn Bắc quân 304 vẫn còn đụng độ dữ dội với các đơn vị VNCH tại Huấn Khu Long Thành. Tại ngôi trường Tăng Nhơn Phú, đến sáng ngày 30-4-1975, vài chiến xa T-54 của Bắc quân đã bốc cháy vì bị pháo binh phòng thủ bắn trực xạ. Cuộc kháng cự chỉ kết thúc khi Dinh Độc Lập yêu cầu binh sĩ buông súng.

Trải qua trên 20 năm, Trường Bộ Binh Thủ Đức đã sản sinh ra không ít Tướng lãnh lưu danh trên chiến trường. Có thể kể Tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân; Tướng Đồng Văn Khuyên Tổng Cục Trưởng Quân Vận; Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân Đoàn Bốn thà tuẫn tiết chứ không đầu hàng; Tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn I; Tướng Bùi Thế Lân Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến tái chiếm cổ thành Quảng Trị; Tướng Lê Quang Lưỡng Tư Lệnh Nhảy Dù; Tướng Lê Văn Hưng người hùng trong trận tử thủ An Lộc 1972, v.v...

Không chỉ trong giới nhà binh, mà không ít Quân nhân xuất thân Trường Bộ Binh Thủ Đức còn nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong guồng máy Quốc gia, như Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng, Quận Trưởng, v.v... Nếu Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đào tạo 4,600 Sĩ quan hiện dịch cho QLVNCH, Trường Bộ Binh Thủ Đức cho ra lò chừng 80,000 Sĩ quan. Chưa kể sau 1972, chỉ riêng trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang, đã tiếp sức huấn luyện thêm 12,000 Sĩ quan trừ bị. Ước tính, tổng số Sĩ quan Quân lực VNCH được huấn luyện từ thời Huế, Nam Định, đến Thủ Đức, rồi Đà Lạt, Nha Trang... lên đến trên dưới 100,000 người. Thời hậu chiến, hàng chục ngàn người trong số này tiếp tục đền nợ nước, phải chịu cảnh tù đày lao khổ trong các "trại cải tạo" khắp mọi miền xứ sở.



Thanh Dũng