Log in

View Full Version : Những cánh chim



Longhai
06-22-2015, 10:42 AM
Những cánh chim


Nguyễn Phước Bảo Tiên


Tháng ba 1975. Khi tiếng súng định mệnh lần nữa xé tan bầu trời Huế, xé tan hàng ngàn cuộc đời. Chúng tôi tản mác nhau chẳng kịp một lời từ giã. Những ngày cuối cùng trước khi Huế thất thủ, tôi ngồi với Thuận trước cửa Thượng Tứ, nhìn bầu trời Huế bỗng âm u mùi thuốc súng, hấp hối se lạnh, người chạy ngược kẻ chạy xuôi di tản. Mỗi chuyến xe hàng vài chục ngàn nay được mướn đến nửa triệu đồng, chỉ để chuyên chở người và vật dụng từ Huế vô Đà Nẵng. Người ta tận dụng mọi phương tiện có thể di chuyển được, để ra đi khỏi tầm tay Cộng sản. Nửa đêm, có xe hơi nhà binh đến, vậy là bình minh sáng hôm sau, khi ngang qua Phú Bài, tôi chợt thức giấc và thấy mình đang ngồi lắt lẻo trên chiếc xe đầy nhóc người, với hàng hóa, gà vịt. Và đó là tất cả tài sản người tỵ nạn cùng khổ có thể mang theo. Chỉ là một cậu bé chưa đến tuổi hai mươi, nhưng tôi cảm nhận sắc bén, những niềm đau của một đất nước lầm than vì chinh chiến, những buồn tủi của người dân hai miền, một đất nước chia đôi.

Ở lại Đà Nẵng một thời gian ngắn, một số bạn theo tàu biển trốn được trước khi Thành phố hỗn loạn này mất. Tôi cùng gia đình kẹt lại. Tình hình rối ren, mạnh ai nấy chạy tìm đường sống. Tin tức đa số được nghe qua đài BBC Luân Đôn, và những tin này làm hoang mang, sa sút tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam nhiều hơn. Tháng tư, khi những chiếc trực thăng Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng rời khỏi nóc Tòa đại sứ Mỹ, quân miền Bắc tiến vào Sài gòn, mọi người nghe tin qua radio mà lệ ứa đôi hàng. Miền Nam đã mất. Ai cũng buồn, từ trẻ con, cho đến người già trên giường bệnh. Nét buồn vương trên mắt, trên môi, và trên nụ cười thảm của người còn lại lặng im sau cuộc chiến. Lịch sử đã sang trang. May mắn thay, lúc này, các bạn tôi lưu lạc di tản khắp mọi miền vẫn còn sống nhăn. Thế là cóc chết ba năm củng quay đầu về núi, cả bọn lại dở khóc dở cười, lục đục kéo nhau về Huế.

Như một nhà văn miền Bắc mô tả, Tôi đi chẳng thấy phố phường. Chỉ thấy mưa sa trên rừng cờ đỏ. Huế của tôi đang là như vậy, phố xá đóng cửa im lìm, hàng quán chẳng có ai. Cơ thể của Huế vốn yên bình và thanh thản, nay lạnh dần từng giờ từng khắc không sinh khí. Đường xá vắng hoe, lặng lẽ, với xe đạp và bộ hành. Những quán cà phê được mở kín đáo ở góc vườn các căn nhà khuất hẻm. Khách ngồi trầm ngâm với điếu thuốc, hay chụm đầu trò chuyện rất khẽ, cứ ngại ngần sẽ có người lắng nghe. Đột nhiên có lệnh đổi tiền, thu hồi sách báo, âm nhạc chế độ cũ. Mỗi gia đình chỉ được nắm trong tay bốn mươi đồng bạc có in hình Hồ chí Minh. Người ta áp dụng bước đầu chương trình vô sản hóa toàn dân, theo Marxist Leninism, nhưng họ quên một điều, người dân miền Nam không ngu ngốc và dễ bị trị. Những ai có tiền, đã mua đổi vàng cất giữ trước, ngay cả sau 24 giờ, những đồng bạc miền Nam củ vẫn còn đổi được trên thị trường chợ đen. Lúc này những lá cờ đỏ sao vàng, đã thay thế cho lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, những con bù nhìn này đã đựợc khai tử. Tôi thật sự cảm thấy khó chịu khi nhìn cảnh những lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính phủ Sài gòn cũ, được cắt may thành quần áo, mà các cán binh Cộng sản đang mặc bên các giếng tắm tập thể. Những người chiến thắng ít học này rồi sẽ đưa đất nước này về đâu?

Bộ đội chính quy miền Bắc vào vẫn còn đi lang thang trên đường phố, họ thật ngây ngô, như đến từ một hành tinh khác. Còn những kẻ a dua, thì hò hét suốt ngày trên loa phóng thanh như những con rối, đi đâu cũng kè kè súng AK 47. Những tên vô lại ngày trước, bỗng một sớm một chiều trở thành người hướng dẫn Nhân dân. Lăng nhăng họp hành đêm đêm, ở mỗi khu phố, mỗi xóm làng. Họ có biệt tài đi đêm, dò xét, và để mắt tới xó xĩnh mọi nhà. Tối hôm nay bạn ăn cái gì họ cũng biết, nhà bạn có mấy con heo con gà, tôi nghĩ họ cũng có danh sách, qua các tổ trưởng nhân dân cung cấp. Hình ảnh này thật giống những cảnh trong Doctor Zhivago, của Boris Partenask, đến độ bây giờ tôi mới thấy và hiểu rõ hơn cuốn sách mình đã đọc nhiều năm trước.

Nhân viên Chính phủ và binh sĩ bị cầm tù. Cha tôi bị bắt, nhà cửa bị tịch thu. Chúng tôi được lệnh rời khỏi nhà trong 24 tiếng đồng hồ, những vật dụng có giá trị một chút thì được niêm phong lại. Mối quan tâm duy nhất lúc này là làm sao có đủ thực phẩm. Nhiều bạn bè khác cũng không thoát khỏi số phận, đa số được hân hạnh đi tập trung cải tạo tư tưởng. Sinh viên tới trường, chỉ để học chính trị Marx Leninism vớ vẩn, xách cuốc xẻn đi lao động, mà đa số chúng tôi chỉ làm qua loa chiếu lệ cho hết giờ. Đại học Y khoa ngày trước yên tĩnh, trang nghiêm bao nhiêu, thì bây giờ ồn ào như cái chợ trời bấy nhiêu. Cùng một trường, nhưng chưa bao giờ sinh viên sống trong nghi kỵ, hận thù lẩn nhau như lúc này. Thầy mới và thầy cũ khác nhau rõ ràng. Đàn anh và đàn em bắt đầu có một khoảng cách, lý do là đàn em sau 1975 có ít nhiều “Cách mạng”, các đàn anh thì không. Nói chuyện với đàn em phải cẩn thận, phải lựa lời lựa tiếng, phát 2 ngôn bừa bãi không nghiêm túc nó đi báo cáo với đảng ủy Trường thì bỏ mẹ. Cũng vì thế mà khi đi thực tập lâm sàng, có bao nhiêu thắc mắc bệnh lý muốn hỏi đàn anh cũng ngại ngần. Tuần nào, chúng tôi cũng họp, phê bình, kiểm điểm. Quái, mình chẳng làm cái gì sai quấy, mà cũng moi móc trong đầu ra một vài điểm để tự phê bình, rút kinh nghiệm sửa đổi. Chứ chẳng lẻ cứ ngồi đực mặt ra nhìn nhau? Cứ thế mà tha hồ nói láo, tán dóc, hay đổ ác cho nhau!

Chẳng bao giờ chúng tôi có một ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, hay mùa Hè thư thả. Lao động là một ám ảnh như kinh nhật tụng. Chúng tôi biết gieo mạ, trồng lúa, vun khoai sắn. Đào đất, đắp đê điều cho nhiều, mà có hạt nước nào chảy qua đâu? Khi những anh nông dân, suốt đi cày sâu cuốc bẩm, nay bỗng dưng làm Kỹ sư thủy nông, thì ai cũng biết hậu quả như thế nào, có điều thằng nào mở miệng ra phê bình góp ý, thì lại càng ngu hơn. Thôi thì im cha cái miệng cho yên thân.

Huế vẫn tối tăm. Lạnh lùng. Bởi những đêm mưa leo lét ánh đèn dầu buồn bã. Điện lực là một thứ rất xa xỉ, chỉ để cung ứng các thành phần vô sản ngồi trên đầu thiên hạ, còn nước uống thì rỉ rả như thuốc tiên, mà chúng tôi phải thay phiên nhau hứng hằng đêm. Hầu như mọi người thân đã ra đi, còn tôi thì phải tiếp tục học thêm ba năm nữa, theo chương trình giải phẫu và sản phụ khoa.

Bạn bè trong lớp lúc này cũng bắt đầu chia năm, xẻ bảy. Phần đi chuyên khoa. Phần bỏ học, lên rừng đốn củi kiếm cơm. Phần bị đuổi. Phần bị bắt ở tù mà chẳng qua một lần xét xử. Những thằng không chịu đựng nổi thì phát khùng, như Trần văn Đô, hay tự sát như Phan tấn Dũng. Những kẻ khác thì tìm cách vượt biên. Thầy cũng như trò. Cứ vài hôm thì lại thấy biến mất vài người. Tối đang còn trực chung, gặp nhau chào hỏi trong phòng mổ, sáng mai dậy, đã thấy vài trự biến mất tiêu. Ban giám đốc Bệnh viện có đi hỏi thì cũng được câu trả lời giống nhau... chẳng biết tụi nó đi đâu, nhưng hễ cứ lơ lơ là hắn xẹt! Hình ảnh Bác sĩ và Sinh viên đi vượt biên thất bại, bị công an còng tay vào lao Thừa Phủ là cảnh làm tôi đau buồn hơn bao giờ hết. Cứ phải giả lơ như không hề quen biết, để khỏi vạ lây, trong khi tim mình thắt lại, cay đắng, và hờn tủi.

Hai năm cuối của trường Y khoa là thực hành nội trú, nên tôi sống trong Bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nói cho đúng thì tôi không còn nhà nữa. Chỉ là một cái chòi nhỏ lợp tole, với chín miệng ăn và thùng gạo trống rỗng thường xuyên. Ba tôi đang ở tù trại Tiên Lãnh, mỗi ba tháng mới đi thăm nuôi một lần. Người anh đầu trong gia đình vượt thoát đang ở trại tỵ nạn Hồng kông. Tôi bỗng nhiên trở thành người lớn nhất trong gia đình. Gắng đeo đuổi một nghề mình yêu thích, dưới sự kỳ thị của chính quyền mới, và cố xoay xở tiền bạc, thực phẩm cho cả nhà. Cơm, bắp, khoai, sắn, hạt bo bo là những thức ăn chính, hay bất cứ gì có thể nhét vào cho no bụng. Những đêm trực khoa Ngọai với Phước, Mỹ, và Tập là những đêm ra khỏi phòng mổ mà bụng đói cồn cào, đứa nào cũng chỉ thèm điếu thuốc với ly cà phê. Nicotine trong thuốc lá làm giảm thần kinh vị giác các taste buds nơi lưỡi, nhờ đó cảm giác thèm ăn, và đói cũng bớt đi. Cà phê thường được trộn với bắp rang cháy nhiều hơn, nhưng dù sao cũng giúp chúng tôi được tỉnh táo đôi phần.

Năm 1980, tôi tốt nghiệp Y khoa sau sáu năm trời lang thang trong trường, và mọi ngõ ngách Bệnh Viện Trung Ương Huế. Tôi cảm thấy tiếc nuối những kỷ niệm, với bạn bè, các Giáo sư cũ, nhưng trong lòng, vẫn muốn đi khỏi trường càng sớm càng hay. Có lẽ muốn ra khỏi Huế bởi những cách biệt, những dị đồng, trong tâm tưởng và đời sống. Mong mỏi mình có thể làm được một cái gì đó, giúp đỡ gia đình trong cơn hoạn nạn khăn khó.

Được bổ vào Tam Kỳ, tức là Quảng Tín cũ. Xuống bến xe với mấy chục đồng bạc lẻ. Tôi cố quên mọi sự, bằng cách làm việc suốt đêm ngày, sống với bệnh nhân nhiều hơn là gia đình. Bệnh viện ở đây có bốn trăm giường, tương đối đầy đủ các chuyên khoa căn bản. Người bạn đàn anh đầu tiên cùng tôi mổ một thoát vị bẹn (Inguinal hernia) là Phan Chánh Đức, trên tôi hai khóa Đức là một người bác sỉ trẻ, tài hoa, dễ mến, và hòa đồng với mọi người. Tôi bắt gặp chính mình, trong cách xử thế nhân từ, đối với bệnh nhân, hay đồng nghiệp, một phần bởi anh ấy. Suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn trong phòng mổ, cấp cứu, và hồi sức. Những ngón tay tôi xử dụng dao kéo, thắt nơ, cột chỉ cầm máu, như một người đàn piano thành thạo, mắt tôi quan sát nhanh, và bàn tay tôi vô cùng nhạy cảm với các bệnh cấp cứu, cần phẫu thuật. Về sản khoa, mang một hài nhi mạnh khỏe ra đời, trong các trường hợp đẻ khó, như nhau tiền đạo (placenta previa), nhau bong non (placenta abruption, là một niềm vui khó tả trong tâm hồn mình, khi nhìn ánh mắt của người mẹ. Chắc chắn, họ cảm thấy vượt thoát an toàn, khi tôi nhớ câu ca dao... đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi nở lẻ loi một mình. Trường hợp khó chẩn đoán, tôi chỉ biết vội vàng tra cứu những cuốn Current Diagnosis and Treatment của Lange, The Merk Manual, Surgical Tech, hay gọi phone về bệnh viện Đà Nẵng, có phòng mổ lớn hơn để hỏi ý kiến các đàn anh.

Có hai người bạn, tôi không bao giờ quên là anh Hợi và Long, một già, một trẻ. Những chuyên viên gây mê, tài ba và tận tâm này luôn luôn sát cánh trong phòng mổ với tôi, hầu hết mọi tình huống. Các y tá phụ mổ, cũng là những người đáng khâm phục, bởi họ làm việc thầm lặng, chia xẻ với phẫu thuật viên mọi thành công, hay thất bại. Có lần chị Hằng, người phụ mổ trẻ rất giỏi, đã hai con nhưng lại mang bầu lần thứ ba. Theo quy luật hạn chế sinh đẻ, cơ quan buộc chị phải phá thai. Ước mơ có một đứa con trai, cho bên chồng thỏa mãn nhưng không thể bị mất việc, một nhu cầu cơm gạo thiết yếu, trong lúc này đưa chị ấy vào một cơn khủng hoảng. Khi chị ấy đến gặp nhờ giúp đỡ, tôi nghĩ ra một kế, khá mạo hiểm. Dùng scott tape dán một vòng xoắn (IUD) vùng xương chậu sau lưng, tôi ký giấy xin chụp phim X-ray vùng bụng, dĩ nhiên kết quả phòng quang tuyến trả lời, tử cung đã được đặt vòng xoắn ngừa thai. Từ điểm này, chúng tôi đưa vấn đề ra tranh cãi, bởi đây là một trường hợp có thai ngoài ý muốn (unwanted pregnancy), nhờ đó chị khỏi bị buộc phá thai. Nhiều tháng sau, đang ngủ trong phòng trực thì tôi được gọi vì chị ấy đang chuyển dạ ở khu sản khoa. Mùa đông, mưa lạnh cóng, nước lụt tràn vào khắp nơi trong Bệnh viện, tôi đến và mang ra một thằng bé trai vô cùng kháu khỉnh. Thỉnh thoảng nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy cảm thấy buồn cười, nghĩ rằng y đạo và y đời cần phải linh hoạt sánh vai nhau.

Bệnh viện vào thời gian này thiếu thốn mọi thứ. Hình như cuộc chiến tranh tại Cambodia và biên giới Hoa Việt, đã làm cạn sạch các nguồn tiếp liệu. Chúng tôi không đủ găng tay mổ, nên phải rửa hấp và dùng lại nhiều lần, đến nổi nó mủn nát như bột. Chính những hạt bột này đã góp phần gây “dính tắt ruột sau mổ”, làm bệnh nhân phải bị mổ đi mổ lại nhiều lần. Thỉnh thoảng, không có nước nên trước khi vào mổ, y tá phải dùng nước múc từ giếng. Khỏi có chuyện sát trùng đi, lấy gàu xối cho Bác sĩ đánh rửa tay. Các bót dùng để đánh rửa tay, là loại giặt áo quần, khi nó cùn cũ làm cho tay chúng tôi đau điếng trong mùa đông lạnh. Máy lạnh phòng mổ hỏng là chuyện thường, và sau nhiều lớp áo quần mổ vô trùng, người tôi phát sốt, mệt lã, mồ hôi toát ra như tắm.

Tuy nhiên, bị cúp điện trong khi đang mổ là tệ hại nhất. Đèn đuốc tắt ngúm, máy lạnh ngưng hoạt động, các máy hút tắt nghẽn đứng trơ ra, và máu tha hồ chảy, mà phẫu thuật viên không thể nhìn thấy các mạch máu vở nằm ở đâu. Buồn cười là bệnh viện có máy phát điện, nhưng lại không có bình điện (battery) để khởi động. Muốn cho máy nổ, người ta phải quýnh quáng xách xe đạp, chạy tìm bác tài xế, gỡ bình điện trong xe cứu thương ra, rồi lắp vào máy phát điện cho nó đề pa. Xong chừng đó chuyện, coi như bệnh nhân đã chảy hết máu, trước khi đèn bật sáng và các máy hút hoạt động trở lại. Đa số chúng tôi phải nhờ một y tá chiếu đèn pin vào, để cố gắng cầm máu bằng pince, rồi cột cho khéo với chỉ. Những sợi chỉ khâu nhỏ bé ấy ngày trước ít ai để ý, nay lại trở thành vấn đề lớn. Khi trong kho hết cạn, chúng tôi phải dùng chỉ may áo quần thường để khâu vết mổ các ca cấp cứu, hậu quả là các vết thương thành bụng nhiễm trùng toe toét.

Máu, dịch chuyền, và kháng sinh tốt là những thứ hiếm, và chúng tôi thường phải mổ khô, bởi không mổ thì bệnh nhân chết chắc, mà mổ không có máu bù vào thì chẳng phải khô là gì? Serum hay nước biển chuyền, đều được làm tại chỗ như phương cách người nông dân nấu cất rượu, mà tôi tin các bác sĩ nước ngoài phải rùng mình, khi thấy quy trình sản xuất quá đơn sơ, không đúng tiêu chuẩn. Hình ảnh bệnh nhân bị shock, vì phản ứng với dung dịch chuyền, xảy ra hàng giờ, hàng ngày, trong phòng hồi sức hậu phẩu (ICU), đến độ chúng tôi nhờn mắt, thản nhiên đối phó với ngưng dịch chuyền, đắp ấm. Hydrocortison, Solucortef là thứ hiếm, và rất đắt tiền, tôi còn nhớ hai lọ solucortef giá bằng một khâu vàng. Những bệnh nhân có tiền, thường tìm mua được thuốc tốt qua các đường dây gởi quà từ nước ngoài, hay ngay cả các chai Dextrose, Ringer lactate, Moriamin do quân đội Mỹ ngày xưa còn để lại, trên thị trường chợ đen. Nó vẩn còn tốt, mặc dù nhản dán bên ngoài cho thấy đã hết hạn từ lâu.

Ngoài điều kiện làm việc thiếu thốn. Nơi ăn chốn ở cho bác sỉ lại chẳng khá gì hơn. Trưa đi làm về nhà tập thể, mỗi phòng nhét vào hai người, mỗi người được một cái giường con, mà ngày nay có lẽ chỉ dành cho đứa trẻ lên ba. Thực phẩm: một tô cơm, ít cá kho khô với muối, mà chỉ nếm qua một lần tôi đã muốn ói. Tỡn tới già. Thế là từ đó, tôi bắt đầu ăn đậu phụng rang với muối mè, thêm chút muối, chút đường, và tôi gần như trở thành một Thượng tọa bất đắc dĩ. Lâu dần, người tôi yếu sức đi. Có hôm, bị dựng đầu dậy mổ cấp cứu lúc bốn giờ sáng, ca mổ kéo dài vì vết thương sọ não, vỡ gan, và thủng dạ dày. Khi đóng bụng cho bệnh nhân thì đã gần trưa, tôi cảm thấy hoa mắt và xỉu ngay trên bàn mổ, có lẽ vì hạ đường huyết (hypoglycemia). Từ đó, tôi bắt đầu quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng cho mình, bỏ thì giờ ra nấu ăn chung với một vài bạn đồng nghiệp. Bệnh nhân sau khi lành, thường hiểu hoàn cảnh của chúng tôi, và gia đình họ bày tỏ cảm tình đó bằng những bữa ăn, vài ly rượu nếp. Có chai bia lúc này là quí lắm. Lúc đầu, tôi còn cảm thấy ngượng ngùng khi đi ăn uống chung với gia đình bệnh nhân, nhưng họ, những 5 nông dân miền núi, những gia đình đánh cá ở Chu Lai, hết sức thật lòng biết ơn, nên riết rồi tôi cũng quen đi. Ngoài những thiếu thốn trong phương diện làm việc, và các khó khăn về đời sống. Tôi còn phải đương đầu với cái hệ thống quản trị, đầy ngu xuẩn trong cơ quan. Có lẽ chưa một nơi nào trên thế giới, người Bác sĩ bị nhân viên Y tá cấp dưới sai khiến, ra lệnh, phê bình, và chỉ trích như tại Việt Nam lúc này. Chỉ bởi vì người Y tá này là một Đảng viên Cộng sản. Còn tôi thì bói mười quẻ cũng chẳng cách nào tìm ra được một chút thành tích cơ sở Cách mạng, hay chống Mỹ, giải phóng nhân dân. Mỗi năm, gần Tết, lại có chuyện bình bầu lao động tiên tiến, mà nói chung là chỉ để moi móc các sai sót, chỉ trích lẩn nhau, ngay cả các vấn đề riêng tư từng cá nhân. Thường thì tôi biết thân phận mình nên bao giờ củng xin rút lui trước. Không nhận mình giỏi, củng không có nghĩa mình dốt, chỉ có điều chẳng còn ai lôi mình ra để phê bình góp ý. Âm thầm sống như thế, ngày làm việc, chiều đi uống rượu, khuya về đàn ca thơ thẩn cho đỡ buồn, hay lén nghe đài BBC Luân Đôn, mà tôi thích nhất là tối thứ ba với chương trình Y Khoa Ngày Nay.

Không bao giờ tôi quên được cảm giác buồn bã, đơn độc, vào mùa đông ở miền trung Việt Nam. Mưa, và mưa phùn suốt ngày lẩn đêm. Lạnh buốt. Xung quanh bệnh viện, chỉ toàn là những đồng ruộng mịt mù với gió. Chỉ có con đường quốc lộ số Một, xuyên qua thị xã thỉnh thoảng vụt qua vài chiếc xe hàng liên tỉnh. Cho dù cô đơn và lặng lẽ, nhưng đó cũng là những hình ảnh ‘’động’’ nhất, trong một bức tranh tĩnh mịch như ở đây lúc này. Sau bảy năm làm việc, với một tâm hồn tan nát như thế, tôi xin thuyên chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng. Hôn nhân lại đổ vỡ bởi các bất đồng. Tôi bỏ về Huế. Một đêm không có thuốc ngủ là một đêm tràn ngập đau buồn, ưu tư và đầy mộng dữ.

Cuối năm 1987, tôi vượt biên đến dàn khoan dầu Indonesia. Tàu hải quân kéo chúng tôi vào một căn cứ tiếp liệu, họ tiếp tế thực phẩm, dầu nhớt, xem xét lại máy móc rồi hướng dẫn đưa qua một đảo khác có nhân viên Liên Hiệp Quốc. Trên đường qua đảo nhỏ này, chúng tôi bị một cơn bão bất ngờ hoành hành suốt bốn tiếng đồng hồ, nhiều lần suýt đắm. Nửa đêm thì gió lặng, chúng tôi đến đảo Kuku khi mặt trăng chiếu sáng ngay trên đỉnh đầu. Nam Dương là một quần đảo, với hơn bốn ngàn đảo lớn nhỏ khác nhau nên nhìn đâu cũng thấy san hô, cá mập và màu xanh của biển. Ở đây chúng tôi mới bắt đầu nhận dạng nhau, lập danh sách kiểm kê. Tay Bác sĩ trưởng Bệnh xá là một người trẻ, hết sức dễ thương. Được biệt phái đến làm việc từ Hải quân, y nói tiếng Anh thông thạo, và hòa đồng với mọi người theo tinh thần của một người Hồi Giáo chính thống. Một tháng sau, tàu lớn của Cao ủy tỵ nạn đến và đưa chúng tôi về trung tâm định cư ở Galang, tại đây tôi gặp lại người Mỹ lần đầu tiên trong phái đoàn thiện nguyện JVA kể từ sau 1975. Sống ở đó bảy tháng, lang thang qua nhiều ốc đảo khác nhau, tôi cố sức làm việc tình nguyện suốt ngày, cho bệnh viện Red Cross, văn phòng định cư IOM để tránh cho mình khỏi bị tình trạng suy nghĩ vẩn vơ, và buồn chán. Hơn nữa, các khu tập trung người bao giờ cũng phức tạp, vì nhiều thành phần xã hội sống chung nhau. Lại thêm tình trạng phân loại tỵ nạn chính trị và kinh tế, đôi khi rất khó tìm ra điểm cách biệt, nhưng đó lại là tiêu chuẩn để đại diện nước thứ ba đến thu nhận cho định cư.

Khi chuyển tiếp qua Singapore, tôi thấy đất nước này tuyệt đẹp và sạch sẽ như một thiên đường. Cứ thấy người dân ở đây sống tự do sung túc mà chạnh lòng nghĩ đến quê nghèo khăn khó. Rồi đến Philippines sáu tháng, học Anh ngữ và văn hóa Hoa kỳ, như một điều kiện bắt buộc trước khi nhập cảnh Mỹ. Tôi hay đến văn phòng Mental Health của trại Bataan, do Na Uy bảo trợ, làm việc thiện nguyện với các bác sĩ tâm thần. Nhờ mấy tháng huấn luyện và làm việc chung với họ, tôi học hỏi được nhiều về tâm lý con người khi phải đương đầu với nghịch cảnh, điều mà các trường y khoa ở Việt Nam, chưa bao giờ dạy cho chúng tôi, ngoài thuốc an thần và chống trầm uất (Antidepressant).

Giáng sinh 1988, tôi ra thủ đô Manila một tuần, nhờ Soeur Thy xin phép đặc biệt với trại. Ở lại Queezon Conventional Center, một tu viện dòng Good Shepherd, tôi có dịp hiểu biết thêm về đời sống các tu sĩ công giáo, có điều tôi không tham gia các buổi lễ, vì khác tôn giáo và phần chính, là không hiểu các lời giảng bằng Anh ngữ. Đêm giáng sinh, cũng là sinh nhật mình, với ly rượu thánh Soeur Thy tặng trên tay, tôi lặng lẽ ngồi bên khung cửa sổ trên lầu tu viện, nhìn pháo bông liên tiếp sáng nhòa bầu trời, chợt nhớ bài hát ... so many times I've sit back my window, waiting for somene síng me his song... Bài hát thật buồn và bấy giờ tôi cảm nhận nỗi niềm đơn côi ấy như một chiếc thuyền con trên biển cả mênh mông, lạc lõng. Những tiếng rít, và hỏa pháo đì đùng, chào mừng năm mới đưa trí óc tôi, mang mang nổi nhớ về những bạn bè còn trong trại tỵ nạn, những con chim bồ câu mắt ướt, những người già, những em bé, những người thân, phương trời cách biệt. Sáng hôm sau, tôi đi xuống khu thương mại chính, Manila phố xá cũng giống như Sài gòn, nhưng các thương xá thì lớn, xe cộ nhiều hơn, người dân ở đây da sạm nắng vì gần biển, họ rất tốt bụng, dùng tiếng Anh nhiều hơn là ngôn ngữ bản xứ, Tagalo hay Ilongo.

Life is impermanence. Cuộc đời là vô thường. Đó là điều tôi học hỏi được, qua bao nhiêu lần đứng giữa biên cương của cái chết và sự sống. Hiểu được những mặt trái của cuộc đời. Chính thời gian này đã thay đổi một phần con người tôi. Tôi biết dùng tha thứ, thay thế cho hận thù. Tôi không còn căm ghét, những kẻ từng đì mình suốt những năm tháng học hành, hay trong khi ra làm việc. Những người bộ đội, đã dí súng vào ngực mình trên sân ga Đà Nẵng một buổi trưa ngày nào. Thay vào đó, tôi chỉ thấy tội nghiệp, và thương hại cho họ nhiều hơn, những con đinh ốc trong guồng máy, những con rối mang mặt nạ, bị đưa ra sân làm trò. Tôi cũng không còn bực mình những người đã lợi dụng lòng tốt của mình, khuân vác quà tỵ nạn qua trại, để rồi chỉ hưởng lợi riêng cho cá nhân họ. Không còn mang những ấm ức, nặng nề, giấu kín trong lòng như trước, tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhàng khoáng đạt ra, và giờ đây, tôi nghĩ đó là cách hay nhất để hóa giải mọi oán cừu trong cuộc sống.

Cuối cùng, tôi đặt chân lên phi trường San Francisco đầu năm 1989. Vậy là hành trình rời Việt Nam của tôi đến Mỹ mất mười bốn tháng, với hai bàn tay trắng, hai bộ áo quần trong túi nhỏ, và hai mươi dollars dè xẻn dành dụm được. Tiếng Anh nói ấp a ấp úng, tiếng đực tiếng cái, chữ mất chữ còn. Đa số người Việt có học qua Anh ngữ ở quê nhà thường đọc, viết được, nhưng nghe và nói cho người Mỹ hiểu được, quả là khó. Ba tháng đầu, tôi vào college thầy nói thầy nghe, trò nói trò nghe, chẳng ai hiểu được ai. Hai ngày nghỉ week-end, tôi tranh thủ làm đủ mọi nghề để kiếm thêm tiền. Tráng phim trong phòng tối cho các hãng ở Hollywood, phụ thợ nề, khuân bàn ghế, lái xe giao hàng, thông dịch viên. Ở đây mỗi giờ lương tối thiểu 5 dollars, nên tôi thích đi làm có chút tiền gởi về giúp gia đình, hơn là ngồi ở nhà suy nghĩ vẩn vơ vô ích. Viết và đọc thư Việt nam, lúc này đã bắt đầu làm biếng hơn những ngày mới rời nước.

Sau vài tháng sống tại San Jose, Sunnyvale, tôi hay lái xe lên chơi với Quốc học pharmacy ở UC San Francisco, hay vào thư viện đại học Stanford gần nhà. Hỏi thăm những đàn anh may mắn, thi đậu bằng y khoa tương đương. Khả năng tài chánh và English yếu kém, là hai trở ngại hầu như khó khắc phục được vào lúc này. Nhiều người khuyên tôi nên bỏ học, ở cái xứ sở tự do này làm gì miễn có tiền là được, càng nhiều tiền càng tốt. Chỉ có anh Trần Tiễn Ngạc ở Stockton thường hay gọi phone cho tôi bảo, cố gắng mà đi học, cứ evaluated cái bằng nó ra, xin học tiếp, kẹt quá học MPH cũng kiếm được mấy chục ngàn chứ có ít đâu. Cô đơn, thấm thía nỗi u hoài của một người tha hương, bảy giờ tối lần đầu tiên trong đời, tôi lái xe xuyên qua xa lộ 5 về hướng Nam California. Hai giờ sáng tôi đến Alhambra, nước Mỹ thật kinh khủng, giờ này mà xe cộ vẫn như mắc cưỡi, các xa lộ vòng vèo, đan chéo nhau, ngập ánh đèn như một biển sáng nhìn không hết tầm mắt. Tôi vào tiệm ăn tàu, mở cửa suốt đêm, ngồi chờ sáng. Đêm ấy quả thật dài, xa vắng, và đầy lạc lõng. Ban ngày đi làm, tối đi học full-time mới lấy được tiền học bổng Chính phủ. Ngồi trong lớp đến khoảng 9 giờ tối là hai mắt tôi ríu lại vì buồn ngủ. Chuẩn bị học ECFMG lúc này gọi là USMLE, bằng Y khoa tương đương. Xin thi vào làm việc cho Health Department of Los Angeles, rồi làm việc cho một dưỡng đường sản phụ khoa. Tôi mướn một căn phòng đủ để chiếc giường con, cái bàn nhỏ. Mùa đông đầu tiên ở đây lạnh khiếp, các ống dẫn nước tưới cỏ bên ngoài đông cứng nghẽn lại thành đá, tôi đắp ba lớp mền, một cái sleeping bag dành cho người đi cắm trại, lại cắm thêm một cái heat điện nữa mà vẫn như không. Mỗi khi cần giúp đỡ, tôi hay gặp anh Trần Nhơn có phòng mạch ở Orange County. Anh Nhơn hiền lành như một ông Phật, điềm đạm, ít nói. Chị Nhơn ngồi ở front deck, đẹp và dịu dàng của một người phụ nữ Huế trăm phần trăm, gia đình Y khoa Huế không cần hẹn, không cần bảo hiểm, đó là câu nói chân tình nhất tôi được nghe từ một người đàn anh cũ. Sau ba năm, công việc lương tiền khá hơn, Anh ngữ nói viết lưu loát hơn, tôi nghe và phân biệt được những âm giọng khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Mỹ. Nói chuyện điện thọai ít bị đực mặt, ngớ người ra, và nghe tivi khoái hơn, vì mình hiểu tin tức nhiều hơn, tôi thích Anh ngữ vì nó chính xác, rõ ràng, và đơn giản hơn tiếng Pháp.

Năm 1994, tôi về Việt Nam lần đầu tiên để thăm, và lo giấy tờ bảo lãnh cho hai đứa con. Ước mơ duy nhất lúc này là đưa hai con tôi sang Mỹ, học, sống trong một thế giới tự do, không bị dạy nhồi nhét những điều bịp bợm, láo khoét, và bóp méo lịch sử như thiếu nhi khăn quàng đỏ bên nhà. Gặp lại Ngọc ở Sài gòn, có vợ mới toanh, trông hắn già đi một chút vì những sợi tóc bạc, nhưng tâm hồn đa cảm vẫn như xưa, Trí vẫn những nét khắc khổ trên khuôn mặt, mà cuộc đời binh nghiệp in thành vết tích. Huy thì gầy nhom, nhưng vẫn dễ thương, vui tính, mỗi khi cười để lộ ra hai cái răng sún hàm trước. Cá tính Huy không một chút thay đổi, dù tôi biết đi sống Huy rất cực. Thầy giáo, nghĩa là Tháo giầy, Huy giải thích, nghèo kinh khủng nhưng vẫn phải giữ phong cách một nhà giáo. Cho đến khi bức xô không chịu nổi nữa, Huy bỏ nghề, ngồi nhà cưa sơn mài đem bán.

Về miền Trung, thăm lại Bệnh viện cũ, thấy có một vài thay đổi, nhưng nói chung, vẫn còn nghèo như hình ảnh những nước Phi châu. Phòng mổ không có thêm một trang cụ gì mới. Bệnh nhân vẫn nằm trên những chiếc giường gỗ, cửa phòng toanh hoanh gió lạnh. Nhân viên đang chuẩn bị ăn tất niên trên các bàn tiệc, mà tôi thấy nhiều ruồi nhặng bay vo ve chung quanh. Khi tôi thuyết trình cho các Bác sĩ nghe, những tiến bộ mới về bệnh AIDS/HIV ở thế giới bên ngoài. Họ ngồi đó, gầy ốm, lơ đãng với thuốc lá phì phèo trên môi. Phương tiện bảo vệ cho các phẫu thuật viên không có, không có thử nghiệm đặc biệt như Western Blot, Elisa, hay đếm tế bào T4, một số Bác sĩ thì thờ ơ với công việc, chỉ trông cho chóng hết gi về nhà làm tư. Thời buổi kinh tế mở cửa tiền là trên hết, họ tâm sự. Một số Bác sĩ khác mới ra trường không có việc làm, phải xin làm việc không lương, đó là hậu quả của việc kinh tế tập trung, cũng như đào tạo hàng loạt, không chất lượng. Tôi đến ngân hàng ngoại thương, rút ra một ngàn dollars từ credit card, tặng nhân viên Bệnh viện nhân dịp Tết, số tiền này chia ra cho gần cả trăm nhân viên thì chẳng được bao nhiêu, chỉ mong họ hiểu đấy chỉ là chút tình của người phương xa. Khi họ hỏi cảm tưởng của tôi thế nào ở nước ngoài, tôi trả lời rằng cuộc đời chỉ là một trò chơi lớn như trong Hướng đạo, và tôi ‘’đang giỡn’’ với cái ‘’đơn giản’’ đó mà thôi.

Năm giờ sáng, tôi đi xe lửa ra Huế, trường Hàm Nghi cũ nay là khu triển lãm di tích chiến tranh chống Mỹ, họ quên bẵng rằng đấy là Quốc Tử Giám, ngôi trường Đại học đầu tiên của nước Việt. Trường Đại học Khoa Học đóng cửa, và sẽ biến thành khách sạn Morin như thời Pháp thuộc. Gặp Giản lọc cọc đi dạy bằng xe đạp. Tôi với hắn lên Kim Long ăn bánh ướt thịt nướng, uống bia Huda của Đan Mạch. Quán nhỏ nằm bên đường, thỉnh thoảng mù mịt với bụi, khi các chiếc xe hàng chạy vụt qua, và những hạt bụi đó rơi chầm chậm xuống trên cái ly, cái chén tôi đang ăn. Minh còn ở tù chưa về, nghe hắn bị mổ bụng do viêm ruột thừa trong nhà lao đâu đó miệt Khánh Hòa. Đối với tôi, Huế chỉ còn là những khuôn mặt lạ hoắc, không hề quen biết. Thế hệ này đi, thế hệ khác đến. Mưa phùn suốt ngày đêm, và lạnh. Cái lạnh ẩm ướt, rất đặc biệt của Huế như châm chích vào xương tủy và làm mình nhớ mãi.



Nguyễn Phước Bảo Tiên

tv5050
06-23-2015, 09:30 PM
Cảm ơn Longhai và tác giả. Đọc bài này TV thấy sợ về Y tế của VN.