PDA

View Full Version : Biệt Đội Sóng Thần



Longhai
06-10-2015, 08:29 AM
Biệt Đội Sóng Thần


MX Lê Kim Minh Cảnh


Kính thưa Quý Đại Bàng, Niên Trưởng, Chiến Hữu.

Bài viết này chỉ với ước mong nhắc lại một đơn vị non trẻ của Sư Đoàn TQLC được thành lập vào thời gian cuối cùng của cuộc chiến cũng như cung cấp thêm một ít chi tiết về Biệt Đội mà vì từ lúc thành lập cho đến ngày chấm dứt nhiệm vụ quá ngắn ngủi (chỉ hơn một năm) cho nên có một số anh em trong Binh Chủng không biết nhiều đến đơn vị này.

Thời gian đã quá lâu, trí nhớ đã lụn dần theo năm, tháng. Xin các Chiến Hữu, đặc biệt là các Chiến Hữu trong Biệt Đội Sóng Thần điều chỉnh và bổ túc lại cho hoàn chỉnh. Chân thành cám ơn.

A - Thành lập, Tổ chức và Nhân sự :

1 - Thành lập :

Khoảng giữa năm 1973, Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ từ các Tiểu đoàn tác chiến tình nguyện về thành lập Biệt Đội Sóng Thần (BĐST) tại làng Thủy Quân Lục Chiến. Sau đó, BĐ tuyển lựa khoảng 20 Hạ sĩ quan và Binh sĩ để thành lập toán Thủy kích do Thiếu úy Kỳ, huấn luyện tại Hương Điền.

2 - Tổ chức :

Biệt đội gồm 3 đội : Đội A, Đội B và Đội C.
Mỗi đội có 3 tổ : Tổ 1, Tổ 2 và Tổ 3.
Mỗi tổ có 3 toán và mỗi toán có 3 Quân nhân.

3 - Nhân sự :

- Biệt đội trưởng : Trung úy Chiêu (Đại đội phó đại đội C Viễn thám)
- Đội trưởng Đội A : Thiếu úy Lê Kim Minh Cảnh. Đội phó : Chuẩn úy Nguyễn Hoàng Minh.
- Đội trưởng Đội B : Thiếu úy Hồ Viết Cảnh. Đội phó : Chuẩn úy Hào.
- Đội trưởng Đội C : Thiếu úy Lê Viễn Hồng.

Sau khi thành lập và huấn luyện khoảng 1 tháng thì Đại úy Nguyễn Tấn Lực Đại đội trưởng Đại đội C Viễn thám thay thế Trung úy Chiêu chỉ huy BĐST.

B - Huấn luyện :

Thời gian huấn luyện 3 tháng tại làng TQLC.
Lợi dụng địa hình tự nhiên trong làng TQLC và xung quanh làng như rừng thưa, bãi cát, rặng tre, suối…

1 - Kỹ thuật di chuyển để xâm nhập ở mọi địa thế :

- Đi hoặc bò trên bãi cát, bờ cỏ.
- Đi trên ruộng nước, băng qua suối không để lại dấu vết, thả trôi theo dòng nước.
- Di chuyển trên phi đạo dưới ánh đèn pha.

2 - Kỹ thuật dò tìm, vô hiệu hóa, tháo gỡ mìn bẫy.

- Vượt qua các loại mìn bẫy, hố chông… rồi rút lui mà không để lại dấu vết.

3 - Kỹ thuật cận chiến :

Do Trung úy Đào, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn TQLC Huấn luyện.

C - Hành quân :

1 - Tình hình địch :

Lợi dụng địa thế với núi rừng rậm rạp phía tây Quốc lộ 1, địch thường hay xâm nhập từng toán nhỏ vào phía trong tuyến phòng thủ rồi tung ra các hoạt động phá hoại, theo dõi các cuộc chuyển quân, vị trí đóng quân để chuẩn bị cho các cuộc đánh phá lớn.

2 - Nhiệm vụ BĐST :

- Từng đội, tổ tung vào những khu vực khả nghi để truy lùng và tiêu diệt những toán xâm nhập của địch quân.
- Hành quân khu vực, ngày lục soát, đêm phục kích.

3 - Chiến lợi phẩm :

- Tổ 1 Đội A phục kích đêm, địch lọt ổ phục kích, giao chiến rồi tẩu thoát, ta tịch thu 4 mìn tự chế, 1 AK và một số lương khô.
- Lục soát và khám phá một hầm chứa đạn súng cối khoảng 300 quả.

4 - Tổn thất :

- Đội A lọt vào bãi mìn (không biết là mìn bẫy cũ của ta hay của địch) :
- Đội trưởng bị thương nhẹ.
- Chuẩn úy Minh đội phó mất một bàn chân.
- Trung sĩ Đính tổ trưởng tử thương.

D- Thay đổi nhân sự :

Khoảng tháng 9 năm 1974 Đại úy Bùi Bồn, Trưởng ban 3 Tiểu đoàn 1 về thay Đại úy Nguyễn Tấn Lực chỉ huy BĐST.

Tháng 12 năm 1974 Đại úy Bùi Bồn bàn giao BĐST cho Đại úy Lê Đình Đơn từ Tiểu đoàn 8 về để đi nhận chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1.

E - Chấm dứt nhiệm vụ :

Tháng 1 năm 1975 Đại úy Lê Đình Đơn nhận lệnh BTL/SĐ/TQLC : Biệt Đội Sóng Thần chấm dứt nhiệm vụ, trở thành một Đại đội tác chiến bình thường, trình diện Tiểu đoàn 2 TQLC với danh xưng mới : Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 TQLC.

Kính thưa các Đại Bàng, Niên Trưởng, Chiến Hữu.

Là người lính TQLC, cho dù ở đơn vị nào, chúng tôi ngay từ ngày đầu đã được đàn anh huấn luyện kinh nghiệm chiến đấu ngay trong các cuộc hành quân. Chúng tôi cũng được học hỏi phong cách sống của một Quân nhân TQLC. Riêng BĐST là nơi hội tụ tất cả Quân nhân của các Tiểu đoàn tình nguyện về. Chúng tôi có cơ hội trao đổi, học hỏi thêm những điều mới, lạ.

Tôi từ Tiểu Đoàn 2 tình nguyện về BĐST, rồi về lại Tiểu Đoàn 2. Nhưng thời gian ở BĐST là khoảng thời gian có nhiều kỷ niệm vui, buồn đã theo tôi suốt cả quãng đời còn lại.

Ở Biệt Đội, anh em chúng tôi sống với nhau thật gần gũi. Ngày lục soát, đêm phục kích. Ăn, ngủ trong những bụi rậm, rừng cây, màn trời, chiếu đất. Chúng tôi là thực thể của một toán : gần gũi, gắn bó, chiến đấu, thoát hiểm với ý nghĩa trọn vẹn của một toán. Bị thương, tử thương, bằng mọi giá chúng tôi phải mang trở về đầy đủ. Cho nên làm sao mà quên được khi tại bãi biển Non Nước, Đà Nẵng BĐST bây giờ đã trở thành Đại Đội 6 Tiểu Đoàn 2, đại đội trong đội hình chờ lên tàu với Vũ khí, Quân trang, Quân dụng đầy đủ thì được lệnh : Tàu sẽ không vào bờ để đón nữa mà phải tìm mọi cách ra tàu đang neo ở ngoài xa !

Trong sự hỗn loạn của nhiều đơn vị, có một số Quân nhân Thiết giáp đã xử dụng M-113 để lội theo tàu, không may, Thiết vận xa đã chìm khi cách bờ không bao xa. Có số lên chiến xa cùng nhau mở đường vượt thoát nhưng phải quay trở lại vì gặp chốt địch quá mạnh trên Quốc lộ 1.

Trung đội của tôi nhất quyết phải làm (phao vượt biển ) để bơi ra tàu và mang theo Vũ khí, Quân trang đầy đủ. Nhưng tìm ở đâu cho được Poncho không bị rách, hay thủng lỗ ! Poncho của người lính hành quân lâu ngày cũng rách nát, te tua, phong trần như họ. Nếu làm phao sẽ bi chìm ngay trên đường bơi ra tàu. May sao chúng tôi tìm được trong kho gần bãi biển với ba lô, Poncho, còn mới tinh. Có kho toàn là vũ khí, với những khẩu súng Colt 45 còn trong bao.

“Cùng nhau ra tàu hay bỏ mình trên biển” chúng tôi đã làm phao vượt biển với ba lô, vũ khí. Thùng đạn bỏ hết đạn kết hợp với phao. Cuối cùng chúng tôi tới được tàu với Quân số hơn nửa Trung đội. Về đến Cam Ranh, Đại đội tập họp lại chỉ còn một nửa Trung đội của tôi, một số Binh sĩ trong ban chỉ huy Đại đội, Trung úy Hiền và Đại úy Đơn.

Tại Cam Ranh chúng tôi được bổ sung tân binh, Vũ khí, Quân trang, Quân dụng chờ nhận nhiệm vụ mới.


MX Lê Kim Minh Cảnh