PDA

View Full Version : Mãi mãi... không quên



Longhai
06-09-2015, 06:17 AM
Mãi mãi... không quên


BS Lê Bá Dũng



Viết để riêng tặng các Sĩ quan bị tù đày của Tổng trại 8 Sông Mao, các bạn đã nằm xuống hay đang lưu lạc nơi quê người, và nhất là các bà mẹ, vợ hay con các Sĩ quan đã không quản gian nan trong gông cùm Cộng Sản.


Những ngày gần đây, đài phát thanh Little Saigon mỗi sáng đều tường thuật chuyến đi về Biển Đông của đặc phái viên Đinh Quang Anh Thái trong đoàn đi thăm lại những ngôi mộ vô danh hay hữu danh của các thuyền nhân vượt biển, những người từng mong muốn thoát khỏi một chế độ cực kỳ tàn ác, dã man Cộng Sản Việt Nam. Ra đi, với ước mơ được sống một đời sống cho ra con người, họ chẳng may bỏ xác trên biển cả và được chôn tại các đảo xa xăm vùng Thái Lan, Mã Lai, Indonesia…

Giọng nói nghẹn ngào tức tưởi của Đặc phái viên khi đứng trước các ngôi mộ cá nhân hay tập thể làm tôi nhớ lại những người bạn Sĩ quan đã bỏ mình khi bị đưa đi ở tù tại các trại Cà Tót, Sông Mao... và cuốn phim về trại cải tạo như quay chậm lại tuy thời gian đã quá 32 năm nhưng vẫn còn in đậm nét trong ký ức tôi.

Sau khi Phan Thiết mất vào tay Cộng Sản, tôi cùng gia đình vào Saigon, rồi trôi giạt về Long Xuyên, vùng 4 Chiến thuật. Tôi cứ đinh ninh rằng ở Long Xuyên sẽ được an toàn hơn vì chưa bị hao binh tổn tướng, còn ở Saigon thì sợ sự pháo kích bừa bãi của phía bên kia. Nhưng rồi khi nghe tin ông Dương văn Minh vừa mới nhậm chức Tổng Thống đó thì đã tuyên bố đầu hàng, tôi cảm thấy như trời đất sụp đổ : thôi thế là hết, chẳng còn hy vọng gì nữa !

Tôi cùng với vợ đi trình diện ở Long Xuyên được người của chế độ mới trả lời : “ Ở đâu, thì về nơi đó mà trình diện”.

Thế rồi, ngày 7 tháng 5 tôi cùng gia đình về lại PhanThiết.

Đường từ Saigon về Phan Thiết, lúc mới đầu cũng còn tạm được, nhưng khi đi được nửa đoạn đường thì có một cái cầu bị phá sập, và cả một dãy xe đò bị tắc nghẽn.Dân chúng ùn ùn trở về quê cũ. Một người mang một cái xách tay, gương mặt người nào cũng thất thần, buồn bả và xanh xao. Đến chỗ tắc nghẽn, mọi người phải xuống đi bộ, lội qua con suối cạn, chờ đoàn xe từ từ bò xuống suối rồi bò lên.

Trời đang mưa, tôi và vợ con phải tấp vào một trại làm than. Nhìn quanh quẩn không có hàng quán gì cả. Bỗng thấy một bà già đang nấu cơm và kho thịt, tôi có ý muốn mua một ít đồ ăn cho gia đình, bà đồng ý bán cho chúng tôi cơm, chút ít thịt kho với bều bều nước. Nhưng trời mưa lạnh và chúng tôi đang đói nên ngon ơi là ngon.

Lúc về đến Phan Thiết, những ngày đầu, tâm trạng tôi vô cùng hoang mang, không biết phải làm gì. Rồi tôi đi trình diện Ủy ban Quân quản, và tìm gặp một số bạn bè. Nếu có nói chuyện với ai ở ngoài đường, người nào cũng lo lắng nhìn quanh quất, xem có bị theo dõi không. Đường phố vắng tanh, nhà nhà đều đóng cửa. Thỉnh thoảng người ta mở cửa he hé một chút, đi ra một lát lại đóng lại. Phan Thiết như một thành phố chết. Nét mặt mọi người đều căng thẳng.

Tôi tự nghĩ về thân phận mình, như con cá nằm trên thớt, thôi thì cứ ra sao thì ra. Tôi tạm chuẩn bị một cái gì đó, tôi đến nhà một anh Y tá cũ xin một ít thuốc Chloroquine và primaquine. Biết đâu rồi đây tôi bị đưa đi những vùng khỉ ho cò gáy, rừng thiên nước độc ! Anh ấy là một Hạ sĩ quan rất thân tình. Anh đã dốc hết cả chai cho tôi. Tôi giữ cho mình 20 viên để phòng thân, gặp bạn bè, cho mỗi người 20 viên. Sau đó, tôi đến nhà anh Nguyễn văn Tư, nguyên Đại úy, Sĩ quan Hành chính Quân y, thấy thân sinh anh Tư đang làm dép râu, tôi đưa tặng anh Tư mấy viên thuốc Chloroquine và Primaquine. Ba anh Tư rất mừng và làm cho tôi một đôi dép râu bằng vỏ lốp xe Jeep.

Ngày 18/6/75 vì đang loay hoay tìm kế mưu sinh, tôi cùng với một người bạn, anh Cảnh đạp xe ra cây số 17. Anh này có người quen cho đất ở đây. Từ Phan Thiết đến đó hơn 17 km. Trời hơi mưa mưa. Đến nơi mới thấy đó chỉ là một miếng đất khô cằn, xung quanh không có sông suối. Nếu muốn trồng lúa, chỉ có gieo lúa khô, nhờ nước trời mà thôi.

Tôi chưa có dự tính gì cho những ngày sắp tới. Rồi khi về đến nhà, vợ tôi cho hay có lệnh ngày mai 19/6 tôi phải đi tập trung học tập cải tạo. Thật là oái ăm ! Ngày 19/6 cũng là ngày Quân lực VNCH, vậy mà tôi phải đi tù.

Tôi vội ra chợ mua một miếng vải nylon, về nhà may gấp thành cái võng để sau này khi cần đến thì dùng nó, máng giữa hai cành cây để nằm nghỉ.

Tối hôm đó, vợ tôi nấu cơm, tôi ăn hoài mà không thấy no, vì cả ngày đạp xe gần 35 km.

Sáng hôm sau, tôi ra tập họp ở vườn bông, đem theo chừng 10kg gạo, ít cá khô, vài bộ quần áo. Ra đến nơi, gặp anh em Bình Thuận ở vùng xung quanh cũng vừa đến. Mặt mày ai nấy buồn xo, đưa tay chào nhau rồi nói nho nhỏ với nhau “ Chẳng biết tương lai ra sao !”

Khoảng 10 giờ sáng, sau khi điểm danh, chúng tôi được lệnh lên những chiếc xe GMC. Đồ đạc mỗi người chẳng có bao nhiêu. Chiếc xe chở khoảng 40 người có hai bộ đội VC có súng ngồi đằng sau để canh.

Đoàn xe di chuyển về thị trấn Phú Long. Nhưng khi gần đến đó, xe đổi hướng về một ngã rẽ trái theo đường liên Tỉnh lộ nối Phú Long qua Thiện Giáo. Đường này chỉ dành cho xe bò đi mà thôi, nhưng có lẽ họ muốn đánh lạc hướng để vợ con Sĩ quan đi trên xe không biết chỗ đến.

Lên đến Thiện Giáo đoàn xe tiếp tục chạy theo liên Tỉnh lộ 8. Đường này ngày xưa nối Thiện Giáo với Di Linh, đã bị bỏ lâu rồi, cỏ lác mọc lấn vô nhiều vô kể, nên xe chạy bị dằn xóc muốn lộn ruột. Độ vài chục cây số nữa thì xe chúng tôi bắt đầu đi sâu vào rừng. Khoảng một giờ sau, được lệnh xuống đi bộ rồi lội qua một con suối cạn đến một vùng rừng hơi thấp trên một ngọn đồi nhỏ.

Trước khi vào trại, chúng tôi được lệnh tập họp trên một sân đất.

Trại là một số nhà bằng lá, nằm trên một ngọn đồi thấp, dưới những tán cây rất cao.

Lúc chúng tôi vào, bên phải có những nhà tranh có vách, bên trái là cụm nhà tù rào bằng tre trong một khu rừng rậm. Những dãy nhà dành cho Sĩ quan tập trung có hình chữ E bị ngắt đoạn. Nói là nhà chứ thật ra chỉ có mái che còn bốn bề trống hoác.

Chúng tôi được lệnh ngồi xuống. Nhìn vào trong trại những Sĩ quan ở tù, tôi thấy lố nhố một số người, đứng có, ngồi có, mặt mày ốm o và xanh xao. Bỗng tôi nhận ra có một người quen. Té ra là Thiếu tá Phạm Minh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Yểm trợ Tiếp vận Bình Thuận, đang đi ra chỗ để cối xay lúa, đứng ngó chúng tôi.

Họ bắt đầu lục xét “hành trang” của chúng tôi. Tất cả đồ ăn, thuốc men, đồ dùng họ tập trung lại và lấy hết. Do đó, tôi vội lấy số đường mang theo ( khoảng nửa kg) ngốn hết. Nhìn thấy ở hàng trên, họ đang tịch thu thuốc của anh em, tôi vội xé cái nón vải đang đội trên đầu ( tôi đội một nón vải, trên đó lại thêm một nón lá - sẽ có ích sau này) ở giữa hai lớp vải, tôi nhét vội vào những viên thuốc ngừa sốt rét mang theo.

Đây là lúc mấy Cán bộ Việt cộng tha hồ lấy của người làm của mình. Một Cán bộ Việt cộng lấy những cây viết của anh em, gài vào túi áo mình và khoe với bạn : “Viết đẹp quá, tụi mày muốn lấy không ?” đến lượt tôi bị lục soát, đồ ăn, mùng, mền, võng... đều bị lấy hết. Đến đôi dép râu tên Cán bộ Việt cộng nói : “Các anh làm sao mà có hân hạnh được mang đôi dép này rồi lấy luôn.” Riêng về cái mền, tôi nói : “ Trời này lạnh quá, các anh lấy mền thì làm sao tôi sống nổi” sau đó nó trả lại.

Tiếp đến, tất cả được đưa vào trại. Đi ngang qua một dãy có hai thanh gỗ dài song song được khoét những lổ tròn để làm còng, đây là dấu tích trước đây - tôi nghe kể lại - những Sĩ quan sau khi bi bắt được đưa lên đây, tối nào cũng bị còng. Khi Sài gòn chưa “giải phóng” tôi còn nghe chuyện về thiếu tá Phạm Minh khi bị còng đã nói : “yêu cầu được đối xử theo quy chế Geneve” thì đám VC trả lời : “không có quy chế Giơ-Ne-Vơ ở đây, mà chỉ có luật của chúng tôi” và bị còng cả tay lẫn chân cho đến khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng mới mở còng.

Lúc gần tối, chúng tôi được cho ăn. Một toán tập hợp 10 người để nhận khẩu phần. Mỗi 10 người được đem ra hai thau : Một thau đựng cơm, một thau đựng nước muối. Thau vừa móp vừa dơ, trông còn tệ hơn cái thau cho chó ăn của những nhà nghèo ở Việt nam. Nước muối màu vàng vàng, đen đen, còn cơm thì ẩm móc và lẫn với sạn. Tôi phải đổ thêm nước vào để sàn bớt sạn ra. Chúng tôi chia nhau mỗi người hơn một chén cơm, nhai trệu trạo mà cũng ráng nuốt vô. Đó là khẩu phần hàng ngày của chúng tôi ở trại Cà Tót.

Đêm đầu tiên, gặp Thiếu tá Vị, kéo tôi và Đại úy Bùi Thanh Minh nằm hai bên cho vui. Ba anh em nói chuyện tiếu lâm đến khuya, vẫn còn cười khúc khích. Đám Cán bộ VC đi canh nói to : “ Ngủ đi, bộ ở tù sướng lắm hay sao mà cười hoài !”

Dần dần, tôi chứng kiến người bị sốt rét quá nhiều. Hằng ngày, mặt họ xanh xao và run rẩy trong cái mền, dù trời đang nắng ấm. Ngoài hàng rào có một cái lều nhỏ hỏi ra, tôi đuợc biêt có một người sắp chết bị bỏ đó. Tôi vội lấy một viên thuốc sốt rét để phòng thân. Cả đêm tôi không dám ngủ, trùm mền kín sợ muỗi cắn truyền bệnh. Sáng hôm sau, mượn được cây kim, tôi bèn tháo sợi chỉ từ trong cái mền, rồi sếp đôi mền lại, may thành cái bao và đêm nào tôi cũng trãi xuống chun vô, sau đó chụp cái nón lá lên đầu. Ngủ trong bao đó thì yên tâm không lo bị muỗi cắn.

Một buổi tối tôi lấy nước, gặp anh On, là Trung sĩ Quân cảnh của Đoàn Liên Hiệp Kiểm soát Đình chiến hai phe ( Việt Cộng và Việt Nam cộng Hòa ). Tôi thắc mắc hỏi anh : “ Anh là Trung sĩ, sao bị lên đây ?”( Tôi biết anh này từ hồi còn làm ở Quân y viện Đoàn mạnh Hoạch, anh thường xin thuốc cho con ), anh ta trả lời rằng khi khai lý lịch, họ viết sai Trung sĩ ra Trung úy và hiện đang làm đơn xin cứu xét lại trường hợp của anh. Vì anh phụ trách “ anh nuôi “ , nên anh dẫn tôi về chỗ anh làm và cho tôi mấy miếng cơm cháy, sau đó cho thêm một tán đuờng. “ Bác sĩ ăn đi !”. Tôi nói cám ơn anh lắm nhưng vì tôi đã ăn hết số đường đem vào nên cho đến nay chưa thấy thèm ngọt. Anh cho tôi ba con cá khô nhỏ. Chiều đó, tôi cũng đem chia lại cho bạn, người một con. Tôi ngức cái mình ( và chừa cái đầu lại ) để chiều đó được ăn cá khô. Mấy ngày sau vào rừng, thấy một đọt măng, bèn xắn đêm về, mượn dao ( dao tự tạo chứ trại không cho dùng dao ), xắc măng nấu với đầu cá khô, cũng được một bữa ăn gọi là " thịnh soạn ".

Công việc của tôi hàng ngày là : cắt tranh, đánh tranh, đốn tre để mở rộng trại tù. Có bữa tôi vác cuốc làm cỏ một vùng gần đó trồng rau cải, ớt, đu đủ….

Sau đó chúng tôi phải làm bảng lý lịch trích ngang. Mới đầu thì họ bắt khai sơ lược. Một thời gian sau họ bắt khai kỷ hơn, nên tôi phải tính toán khai làm sao cho trước sau như một. Bữa nọ, một Cán bộ VC ngồi gần, nhìn thấy lý lịch của tôi thì nói : “ À, anh là Bác sĩ ! Hồi đó, anh mà thấy chúng tôi bị thương, thì anh lấy máu truyền cho Mỹ chớ gì !”. Tôi cười đáp : “ Trước khi truyền cho ai thì máu đó phải được thử nghiệm để xem trong đó có vi trùng những bệnh nguy hiểm hay không chứ đâu phải dễ , Cán bộ ở trên rừng thường bị sốt rét , làm sao lấy máu truyền được !”. Một Cán bộ tên Loan, cấp bậc Trung tá đỡ ngay, thấy cấp dưới đang đuối lý, bèn nạt ngay : “Thôi ! Tiếp tục; làm đi, không nói nữa !”.

Trong thời gian bị giam ở đây, có một số người bị chết vì sốt rét. Tôi không biết nhiều hay ít nhưng có hai anh tên Long và Biên khiến tôi nhớ suốt đời, vì tên của hai anh nhắc nhở tôi nhớ đến cây cầu Long Biên ở Hà Nội.

Toán chúng tôi gồm cả thảy mười người đi chôn cất hai anh. Lúc đi chôn, một số ít đốn tre chặt dây mây để bện lại. Một toán đào hố ở bìa rừng, toán kia chặt tre làm bảy miếng và lấy dây rừng bện lại thành cái vạc, sau đó lấy quần áo hai đào mặc lại cho họ, rồi lấy mền hay vải nylon cuộn họ lại. Số cây tre theo đúng tục lệ Việt Nam “ Nam thất, Nữ cửu “. Các anh phải đủ bảy thanh tre, được cuộn lại, khiêng tới chổ đào hố.

Vùng đó, toàn cả sỏi và đá, chúng tôi không sao đào sâu được, cố gắng lắm cũng chỉ được 1 mét thôi, và hạ các anh xuống, lấp đất, vun lại. Và một anh vác rựa tới một cây gần đó, đẻo tên người nằm xuống ( vì không có tấm bảng để ghi tên ). Anh trưởng toán lúc bấy giờ là Lê Khắc Hai ( tức nhà văn Hải Triều ). Sau khi chôn xong, anh Lê Khắc Hai hô : “ Nghiêm ! Chào tay ! Chào !” Chúng tôi cũng hơi ngượng vì đang ở trong hoàn cảnh tù đày mà anh Hai còn giữ lối chào theo Quân kỷ. Sau đó, anh Hai hô tiếp : " Một phút mặc niệm bắt đầu !" Rồi. “ Một phút... qua !”.

Nghĩ lại mà thương cảm cho mấy anh Sĩ quan chết mà không có được tấm bia, không có được cái hòm, chỉ có bảy thanh tre, rồi sau này vợ con muốn tìm cũng không biết đâu mà tìm.

Một thời gian sau, tôi có dịp gặp lại viên Cán bộ VC hồi tôi mới đến trại, đã xét đồ đạc của tôi. Tôi thấy mỗi khi anh ta bước đi, hai ống quần đánh vào nhau kêu rọt rẹt. Nhìn lại, té ra anh lấy tấm nylon của tôi ( trước kia tôi may võng ) ra may quần.

Hơn hai tháng sau, một buổi sáng, những Thiếu tá, Trung tá được lệnh chuẩn bị đồ đạc để di chuyển. Tôi không nghĩ họ sắp bị đem đi thủ tiêu, vì không thể thủ tiêu nhiều người cùng một lượt. Về sau, tôi được biết họ được đưa vào trại Suối Máu.

Khoảng hai tháng rưởi sau đó, một buổi sáng, cấp bậc Đại úy như chúng tôi được lệnh chuẩn bị đồ đạc để di chuyển. Họ dẫn chúng tôi đi theo đường rừng, từ trại đó trở ra, băng qua rừng, về lại theo con đường Liên tỉnh. Trên đường đi tôi thấy những hố bom do B52 thả rất đều dọc theo Tỉnh lộ. Đến Tỉnh lộ 8, thấy xe đợi sẵn, chúng tôi lên xe, họ chở chúng tôi về hướng Bắc. Gần chiều, đến trại gia binh của Sông Mao.

Mỗi nhà trong khu này được giành cho khoảng 10 người. Sau đó, họ bắt chúng tôi đào một hố xí lớn gần ngay ngoài đường rồi bên trên gác ngang những cái cây để đi vệ sinh. Hố xí đó gần sát ngay hàng rào kẽm gai, tiếp đó là con đường bằng đất, đến nhà dân ở bên kia. Họ ra lệnh rằng những nhà vệ sinh trong trại gia binh phải đuợc lấp đi vì vừa ăn vừa ị trong nhà rất mất vệ sinh. Chúng tôi không lấp mà dung một cái lon đặt xuống, lấy cát lấp lên trên để lỡ khi hữu sự vào ban đêm. Nếu lỡ đêm hôm phải đi ra ngoài, tay cầm đèn dầu, gặp khi gió thổi tắt, trên trạm canh có thể bắn mình chết lắm.

Đến đây, họ phát cho tôi hai chai : một chai dung dịch muối, Quinine, có nút cao su, được bọc hai lớp nylon; một chai nữa là Solucamphre, hai Seringue, vài cây kim, một chai Alcool, một ít gòn, một cái soong để nấu, để chích cho những người bị bệnh sốt rét. Mỗi lần chích, phải mở lớp nylon đầu tiên ra, lấy kim đâm xuyên lớp nylon thứ hai, xuyên qua nút cao su, rút thuốc rồi bọc lớp nylon đầu tiên lại.

Một buổi sáng, anh Đại úy Nguyễn văn Tư bệnh. Nghe có người báo, tôi qua phòng anh ấy thăm. Anh nói nhức đầu muốn ói, chóng mặt. Tôi khám thấy anh hơi sốt và cứng cổ. Tôi lục tiền bạc của anh ta và hỏi thăm anh em ai có thuốc thì dùng tiền ấy mua lại và chích cho anh. Chiều đó, trong khi chờ đợi, tôi báo lên cho trại. Hôm đó, anh được đưa lên Bộ chỉ huy. Bẵng đi ba ngày sau, một sớm mai, họ kêu bốn người đi “làm việc”. Khi mấy người này về, tôi hỏi thì được biết các anh có lệnh đi đào huyệt. Rồi bốn người nữa được lệnh đi “làm việc’. Té ra, là họ đem anh Tư đi chôn. Tôi nhớ một điềm lạ : trước khi anh Tư chết, một đôi đũa từ phía cao trên bếp tự nhiên rớt xuống một chiếc gãy làm đôi. Có người về sau kể lại với tôi như vậy.

Sau một thời gian, hố xí vì dơ bẩn quá nên xông ra mùi hôi thối kinh khủng, đến nỗi người dân không dám đi qua con đường đó. Còn những nhà quanh đó thì đóng cửa im ỉm.

Một bữa kia, chúng tôi được điều động khoảng mười người, đi lên chỗ cách đó khoảng năm trăm mét, có lẽ là Bộ chỉ huy. Đi vào trong khu vườn, tôi thấy một villa hồi xưa có độ bốn phòng. Chúng tôi được lệnh đào một hố xí gần cổng ra vào. Nhận lệnh thì phải làm thôi ! Điều buồn cười sau này tôi mới biết là người Bắc không có hố xí tự hoại như ở miền Nam, nên khi thấy có hố xí sẵn trong nhà thì họ cho là dơ dáy, bắt lấp đi rồi làm một cái khác ở ngay ngoài cổng villa.

Đến trại này, khẩu phần ăn gồm có chút ít cơm với rau, sống cũng tạm cầm hơi qua ngày.

Một thời gian sau, chúng tôi được lệnh tháo những vỹ sắt ở phi trường dã chiến Sông Mao, nằm cách trại Gia binh chừng hai km. Cứ bốn người phải khiêng cho được bốn tấm trong một ngày, để về làm thêm trại, hội trường, nhà ở; sau đó là hàng rào để rào lại cho kỷ cái trại tù giam chính mình ! Một khi có vỹ sắt làm hàng rào, ở trong không nhìn thấy gì ở ngoài nữa.

Một hôm, trên đường đi làm về, chúng tôi nghe một tiếng nổ “Ầm”. Sau đó, nghe nói Thiếu úy Tân bị thương. Tân mới ra trường Sỉ quan Võ bị Đà Lạt. Anh ta trong một toán bị điều đi tháo dây kẻm gai để giăng quanh trại và đã bị mìn cắt đi một chân ! Tôi mong ước đi thăm Tân, để xem có thể giúp được gì không trong khả năng của mình, nên một bữa kia, tôi nói với viên Y tá VC xin gặp Tân. Anh ta dẫn tôi đi, biểu tôi phải đi sau lưng anh ta, giống như đang thi hành một công tác gì đó. Khi đến gần chỗ Tân nằm, viên Y tá chỉ tay vào và nói : “ Nửa giờ sau thì về lại trại !”. Lúc tôi gặp Tân, thì chân đã bị cưa rời. Tôi nhìn anh trong nước mắt và hỏi : “ Em cần tôi giúp đỡ gì không ?”. Tân đáp “ Nhờ anh nhắn giùm gia đình em “. Ngay khi về tôi ghi ngay những thứ cần dùng trên tờ giấy nhỏ : thuốc trụ sinh, thuốc bổ, bông băng, những thứ cần dung cho vệ sinh vết thương, sữa…Trong một chuyến thăm nuôi sau đó, tôi nhờ chuyển thư cho gia đình Tân. Sau này, nghe nói cha mẹ Tân tốn nhiều tiền để mua đầy đủ thứ cần dùng cho con rồi chầu chực ở cổng từ sáng đến tối, năn nỉ lắm họ mới cho đem vô, ông bà mới chịu về.

Tiếp đến, chúng tôi học tập chính trị. Chương trình học là mười bài. Ngày học một nửa hay một phần ba bài. Cả tổ kiểm điểm rồi thu hoạch. Bài một : Đế quốc Mỹ kẻ thù của nhân dân. Bài hai : Ngụy quyền là tay sai, cũng là kẻ thù của nhân dân. Bài ba : Ngụy quân là công cụ của Đế quốc Mỹ cũng là kẻ thù của Nhân dân ta. Mới học có ba bài thì anh Đại úy tổ trưởng nọ tiết lộ : anh là cháu ruột của Lê Duẩn, mẹ anh ta là chị của Lê Duẩn. Vì thế, sau 30/4/1975, Lê Duẩn phái một trực thăng vào Quảng Trị đón bà ấy ra Bắc, về sau cả gia đình dọn về Sài Gòn, có lẽ đã ở một villa nào đó do tiếp thu của chế độ cũ. Anh ta đưa một thư của Lê Duẩn gởi cho Ban chỉ huy trại và được thả ra.

Tổ chúng tôi được một số người nhà gởi cho hạt giống cải. Chúng tôi gieo hạt rồi bán cho những tổ khác, lấy tiền mua đường nấu chè cho anh em ăn.

Trong trại tôi có anh Lê Bá Trung, Bác sĩ, một bữa tự lấy Seringue chích một mũi Vitamine C do anh mang theo rồi bị “sốc”. Cả trại có ba Bác sĩ mà đành bó tay vì không có thuốc men gì cả. May quá, trong lúc hơi tỉnh lại, anh Trung nói trong xách tay của anh còn một chai Solucortef, tôi bèn lấy ra chích cho anh, anh mới qua khỏi. Tôi hỏi anh sao không uống mà chích chi vậy, anh nói :" nghĩ là chích có tác dụng nhiều hơn, mà không ngờ…"

Một buổi sáng, tôi nghe tin có mấy người trong trại vừa ngủ dậy không đứng lên được nữa. Tôi biết đó là triệu chứng của thiếu B1. Tôi hỏi thăm các anh em ai có mang theo thì mua lại cho mấy anh bị bệnh đó uống từ 0.5g đến 1g, hai ngày sau thì họ đi được ( còn nếu uống theo thuốc VC chế thứ 5mg thì phải uống cả 100 viên mới đủ !)

Trong đám tù cải tạo, một anh tên Vận, người Bắc gốc Lâm Đồng, có người em đi Bộ đội miền Bắc. Hôm nhận thư nhà, anh ta đưa cho chúng tôi xem một tấm hình đặc biệt : Anh bộ đội đứng bên một chiếc xe đạp, vai mang một Radio, cánh tay để vắt ngang qua, nghiêng về phía trước cho người ta thấy cái đồng hồ. Anh Vận giải thích : nó có đủ ba Đ rồi đó. Tôi hỏi vậy là sao ?Anh nói : " Đó là Đổng, Đài, Đạp, tức là Đồng hồ, Radio và Xe đạp, ba cái là nhất ở miền Bắc !”.

Đám Cán bộ biết rằng những người tù cải tạo đều là những người có học vấn cao, cho nên họ ưa “ nổ “ với chúng tôi để chứng tỏ mình cũng có trình độ như ai. Một bữa đang học chính trị, họ nói : “ Cái mi-cà rô đâu rồi ?” anh em ngạc nhiên. Sau mới biết họ muốn nói cái micro. Một bữa khác, trong lúc họ “ dạy “, họ nói : " Trên này không có la-phan”. Thiệt ra, họ muốn dùng chữ plafond. Không biết nghe ai nói về đời sống ở Mỹ, họ cũng “nổ” khi giảng bài : “ Các anh yên tâm đi về sau khi đi làm về, sẽ có đồ ăn dọn sẵn. Mình muốn ăn món gì, cứ tự đi lấy về ngồi vào bàn ăn ( giống nhà ăn Quân đội Mỹ ). Còn các bà ở ngoài đời, đang đứng nấu ăn trên bếp, bấm bấm vài cái trên cái bảng là ngoài đồng máy cày chạy tới chạy lui thôi !” Nghe vậy, một anh hỏi nhỏ bạn “ Không biết như vậy, mai mốt mình về sẽ làm cái gì ?” - " Bộ mày không biết mày làm cái gì à ?” Rồi cả hai cùng cười khúc khích.

Thường chúng tôi học vài ngày rồi đi lao động một ngày. Một bữa đang lao động, chúng tôi được lệnh tập họp trong Hội trường lớn. Mọi người băn khoăn không biết chuyện gì. Té ra, nguyên nhân như sau : Có ai đó viết trong nhà cầu câu :” Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm !” Rồi có người báo lên trên. Hậu quả là suốt trong hai ngày chúng tôi bị ngồi nghe chửi rủa, rồi lại được dỗ dành : Anh nào tự thú thì sẽ được khoan hồng, nhưng không ai tự thú hết. Tiếp đó, họ lại dọa nạt :" Chúng tôi đã điện ra Hà Nội, họ sẽ gởi đến một cái máy, thì những hình ảnh cách đây năm mười ngày sẽ hiện ra hết, nếu anh nào không chịu tự thú thì trước sau gì cũng bị kỷ luật !”. Hôm sau, một anh bạn hỏi nhỏ tôi :” Có máy đó thiệt không ?” Tôi trả lời :” Hồi xưa, tôi có đọc một cuốn truyện có tựa đề “ Máy khám phá thời gian “ ( La Machine à explorer le temps ) - Đó chỉ là một câu chuyện giả tưởng, chứ không có máy nào như thế cả. Vì để thâu lại những hình ảnh đó, máy phải có vận tốc nhanh hơn ánh sang, là 300.000 km/giây. Hiện nay, trên thế giới chưa có máy đó !”.

Thời gian này chúng tôi được đưa đi lao động trồng khoai sắn ở một nơi gần đường rầy xe lửa, cạnh đài Viễn thông của Phòng 7 , Bộ Tổng Tham Mưu. Bây giờ chỉ còn những Antenne, còn phòng ốc bị phá toàn bộ. Mỗi ngày có cả chục chuyến xe từ Nam ra Bắc, chở những vật liệu tháo gỡ. Đoàn xe dài dằng dặc, có những toa hành khách là những người dân mặt mày ốm xo, lơ láo, những trẻ em đi chân đất, mặt buồn thiu đứng ở cửa xe dòm ra ngoài. Có những người dân thấy tù nhân, họ thương tình quăng xuống cho kẹo, bánh mì, chuối... Gặp lúc cán bộ có vẽ lơ là, đám tù vội chộp lấy và tiêu thụ rất nhanh. Qua đó ta thấy tình người dân đối với kẻ “ ngã ngựa “ thật tràn đầy thương cảm !

Một bữa kia, tôi cùng mấy người bạn trong toán phải đi quét dọn cho một Y tá dời qua phòng khác. Trong phòng có một giường khám bệnh, một tủ kim loại bằng sắt tây, một ít thuốc, một khẩu K54. Trên bàn có những chai lọ đựng thuốc, tôi để ý thấy có một chai đề ABC ( B là bê bò ). Tôi bèn hổi có ý chọc “quê” người Y tá : ” Ở miền Nam chỉ có thuốc APC ( P là bê phở ) viết từ chữ đầu của ba loại thuốc : Aspirine, Phenacetine, Cafeine, còn ở miền Bắc chữ ABC là loại thuốc gì vậy cô ?” Cô y tá VC ngó tôi, rồi im lặng bỏ đi.

Có hôm toán tôi được lệnh đi dọn cầu tiêu gồm năm, sáu cái cho đám Cán bộ. Cầu đó là loại tự hoại. Công việc là gom giấy, rác đốt đi và xối nước làm vệ sinh. Nhìn lên tường, tôi chú ý mấy chữ về “ Nội quy nhà cầu “: Các đồng chí hãy bỏ các giấy, các đất cục, đá, lá cây và cành cây vào thùng sau khi đi cầu. Điều đó, chứng tỏ đám cán bộ kia phải dùng những vật liệu kia... Trời ơi là trời !

Một hôm, một người bạn dẫn tôi đến thăm một anh bạn từ Lâm Đồng xuống ở gần đó. Đến nơi, gặp lúc mấy anh đang nấu trong một cái thau những thức ăn dành cho gia súc như bắp, đậu, lúa mạch xay nhỏ. Họ mời chúng tôi ăn. Vì đói nên ăn vào thấy ngon quá.

Sau khi học xong mười bài, một bữa toán tôi được chuyển về núi Tà Dôn gần Phan Thiết. Chúng tôi được ở trong một dãy nhà trên đường đi vào núi Tà Dôn, bên tay phải. Những ngày đầu, sau khi lãnh phần ăn sáng, họ dẫn chúng tôi đi qua núi Tà Dôn và đến một vùng gọi là Bầu Trắng, sau đó tản vô rừng để cắt tranh, đốn cây để làm một số dãy nhà. Buổi trưa có toán nấu ăn, ăn tại chỗ chiều về trại ở ngoài.

Mỗi ngày, sáng đi chiều về, chúng tôi đi lao động như thé một thời gian. Riêng có hai nguời, ngày trước ở trong toán “gò” trong trại Sông Mao, được giữ lại và giao công việc “ gò” thùng gánh nước và soong. Một bữa, một anh cán bộ nói với anh đó : “ Làm cho tôi một cái hòm “ Anh trại viên nghe mà sảng hồn, hỏi lại và được nói lại y chang câu ấy. Sau này mới hiểu ra chữ “hòm” nghĩa là rương hay vali. Hôm sau, anh ấy được dẫn đến cái trailer nằm trên đường dẫn về núi Tà Dôn và biểu lấy tôn của trailer để làm rương. Anh vừa làm xong thì những Cán bộ khác cũng đòi làm như vậy và mỗi người còn đòi đục thêm cho có hình ngôi sao ở mặt trên cái rương. Chừng hai tháng sau, khi chúng tôi chuyển hẳn vào sau núi Tà Dôn, cái trailer chỉ còn là một bộ sườn với những miếng đệm lót đung đưa theo gió.

Trong thời gian đi đi, về về để lao động như mọi ngày, một bữa trời bỗng chuyển mưa, tên Cán bộ la lớn :” Khẩn trương ! Khẩn trương lên !” Tụi tôi ngạc nhiên, kinh hãi klhông biết chuyện gì nguy hiểm lắm mà phải khẩn trương. Sau này mới hiểu ý của Cán bộ : các anh phải đi nhanh lên. Không có gì quan trọng cả mà họ cũng dùng chữ đao to búa lớn.

Khi nhà tranh đã làm xong, chúng tôi được lệnh về ở hẳn tại Bàu Trắng, sau núi Tà Dôn. Nhìn xa xa, hai bên triền dốc là đồi cát.
Bàu Trắng là một vũng chạy từ chân núi Tà Dôn ra xa khoảng 5 km, chiều rộng khoảng nửa km. Ở mặt trên của bàu này, lá cây rụng từ bao nhiêu năm, gió thổi tấp đầy trên ao làm thành một cái bè đồ sộ, rồi cây lát mọc lên trên cao khoảng 1,5m. Nhiệm vụ của chúng tôi là cắt những cây lát này, rồi đem lên bờ, hay đạp lún xuống nước ! Còn nước ở đây thì đen ngòm, hơi thối vô cùng và đầy cả đỉa. Có con dài chừng 20 cm, màu trên den, dưới xanh, có loại nhỏ, luc nhúc dưới nước. Vì bị đỉa cắn nhiều lần quá, chúng tôi bèn kiếm những bao cát cũ, may bọc bàn chân lại, còn quần dài thì kiếm dây cột túm ống để chống đỉa. Dưới nước còn có những sinh vật chúng tôi gọi là cà tót, nhỏ chỉ bằng đầu cây kim, con mẹ thì hơi to hơn, bơi xung quanh nó có những đàn con nhỏ nổi trên mặt nước. Nếu ta bị cắn, lúc đầu không để ý, nhưng sau cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, vết thương sưng lên, điểm giữa lõm xuống có một chấm đỏ, mình cứ tưởng là bầm máu mà thôi, nhưng sinh vật quái quỷ vẫn còn nằm lỳ ở đó, ngứa vô cùng, chỉ đến khi mình gỡ nó ra, nó mới lìa khỏi thân mình. Về sau có kinh nghiệm, mỗi khi làm xong, tôi lấy xà bông giặt chà xát từ ngực trở xuống xem có con nào bám vào không, nếu không thì ngứa chịu không nỗi !

Một hôm, đang làm lao động, bỗng tôi giật mình muốn lạnh người : một con rắn đen đang len giữa hai chân. May mắn cho tôi là chưa bị rắn cắn.

Trường hợp bị rắn cắn đã xảy ra cho một số người. Như một anh trại viên người Lâm Đồng, lúc thò tay cầm lát rồi lấy lưỡi hái cắt, đã bị rắn cắn, anh la lên. Người ta dìu anh vào bờ. Vì không có thuốc để chữa trị nên họ để anh nằm, cởi áo anh ra và khuyên nên bình tĩnh. Lúc đầu anh nói hơi tê nơi bàn tay rồi tê đến cánh tay, sau tê nguyên cả tay. Chúng tôi chỉ biết trấn an anh. Lát sau nghe anh nói nhức đầu quá và hơi thở nhanh. Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn, lấy quạt, quạt cho anh. May mà không phải rắn độc nên sau hai giờ anh có vẻ bình thường trở lại và thoát chết. Anh ấy là Đại úy trưởng khối chuyên môn của Nha địa dư Đà Lạt.

Về sau, để đề phòng vụ rắn cắn tôi cẩn thận hơn. Trước khi cắt, tôi quay lưỡi liềm xem thử có con rắn nào thì để cho nó chạy trước mới thò tay xuống nắm bó lát mà cắt.

Khi cắt lát xong, phần còn lại là một bè lá cây dày độ ba tấc, nửa nổi nửa chìm trên mặt nước.

Chúng tôi phải cắt từng miếng to, lật úp lại, để cho nó thối rửa ra. Sau đó, một toán khác lấy đất đắp ngang qua cái bàu đó thành những thửa ruộng ngập nước. Tiếp đến, chúng tôi bắt đầu tháo nước ở khúc dưới ra từ từ, để rồi bùn, cây mục lắng xuống.

Thời gian này, một số anh em đói quá. Có những anh em phải lặn xuống hồ móc lên những củ sen, luộc rồi ăn. Có anh hái hột cườm thảo, bữa đó đó hái được khoảng nửa lon Guigoz. Nhiều người biết đó là loại độc vô cùng, nên can ngăn, nếu không sẽ chết.

Sau khi xả hết nước ra, những rể cây mục rồi, đến lúc phải làm trâu : họ bắt sáu người làm một toán, năm người kéo cái bừa đi đằng trước, một người cầm cái bừa điều khiển ở đằng sau để bừa những thửa ruộng đó.

Trong toán tôi có anh Nguyễn Lê Chánh, Y sĩ Đại úy, chúng tôi để cho anh ấy giữ cái bừa, năm người chúng tôi kéo cái bừa đi đằng trước. Anh ấy, để đùa vui, giơ cái cây vừa đi vừa la : “ Tá , ái, tá, ái “ y như là đang điều khiển mấy con trâu thật ! Không biết có phải do gió đưa lại mà đám Cán bộ nghe được, kêu chúng tôi lại răn đe : “ Vì Nhà nước còn khó khăn, các anh phải làm lao động tốt để còn được về với gia đình, chứ chúng tôi đâu có bắt các anh làm trâu bò mà các anh la “ tá, ái “. Nghe nói về sau anh Chánh còn bị làm kiểm điểm, không biết mấy lần ! Người ta còn kể lại rằng có một số bà vợ Sĩ quan hay con cái của họ nghe tin đồn ở Bàu Trắng là chỗ tập trung ở tù, họ đã lặn lội tìm đến nơi ( thời gian này chưa cho thăm nuôi ) núp trong bụi nhìn xuống thấy thân nhân mình bị “ làm trâu “ kéo bừa, mấy bà khóc và kể với nhau thảm thiết vô cùng !

Khi những thửa ruộng kể trên có thể cấy được rồi, phần đông chúng tôi bị đưa về Núi Rể, chỉ để lại đó một toán nhỏ thôi để bắt đầu cấy lúa.

Ở Núi Rể, nhiệm vụ của chúng tôi là làm khoảng 20 cái nhà bằng tre, mái lợp tôn. Tre và cây gỗ phai đi đốn về. Sau khi làm sườn nhà bằng cây, thì tre được đang lại để làm cửa và vách trông cũng đẹp mắt. Lúc gần xong, một bữa có ba cán bộ bước vô, lưng có súng ngắn, vai mang túi da. Một cán bộ nói :" Các anh làm cũng tốt, nhưng chưa biết phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hãy nhìn gò mối ngoài kia ! Đất, đá đem vô đổ thêm nước, nện rồi chà láng thì còn chắc hơn Ciment nữa !” Chúng tôi theo lệnh thì phải làm thôi. Mối ngoài đồng mà lại đem vô nhà. Rồi họ sẽ thấy hậu quả của việc này.

Thời gian ở đây, chúng tôi dùng chung giếng nước của chừng mười nhà dân quanh đó. Một bữa, lúc đang làm vệ sinh sau buổi chiều lao động về, chúng tôi thấy ba, bốn bà mặc quần áo vải đen đang quảy thùng gánh nước, da mặt họ trắng hồng hồng. Đi theo sau có một số con nít ăn mặc tươm tất, nước da cũng hồng hồng như thế. Họ có vẻ khác với người dân ở đây. Chúng tôi đoán chắc họ là vợ con của anh em trại viên từ Đà Lạt, Lâm Đồng xuống mà thôi... Lúc đầu, đám Cán bộ đang coi chúng tôi, nhìn họ hau háu, nhưng sau cũng biết họ không phải là dân địa phương, họ bèn ra oai đuổi mấy bà ấy đi ! Mấy bà ấy cãi lại : “ Cái giếng là của xóm này, tại sao chúng tôi không được quyền lấy nước !” Đám Cán bộ hỏi :” Mấy chị ở đâu ?”. Họ đáp :"Chúng tôi ở xóm này !”. Thật ra, họ xuống để tìm chồng trong trại. Lúc đó, những Sĩ quan từ cấp Thiếu úy đến Đại úy thuộc Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Tuy, Ninh Thuận đều bị tập trung về Sông Mao.

Sau khi làm xong những ngôi nhà kể trên, chúng tôi được đưa lên Sông Lũy. Chúng tôi đi vô cách đường Quốc lộ khoảng 10km để làm đập tràn và đào một đường dẫn nước từ nơi đó về Nông trường Sông Lũy.

Về sau, chúng tôi có trở lại nơi những ngôi nhà làm bằng đất lấy từ gò mối ( theo lệnh của Cán bộ ) thì nay đã không còn nữa, mái tôn đã bị lấy đi hết, tất cả bị sụp do mối ăn.

Thời gian đầu đến Sông Lũy, chúng tôi đốn cây, tre, cắt tranh lợp nhà để ở. Sau đó, được lệnh làm một cái đập tràn ngăn sông Lũy lại. Chúng tôi khiêng đá lớn nhỏ đủ loại, đấp thành một con đập thấp. Khi việc này xong, thì phải dùng những tấm lưới sắt bao trùm con đập lại. Tiếp đến công việc của chúng tôi là gánh đất làm thành một con đập bằng đất sau cái đập bằng đá...

Lúc sau này, chúng tôi thấy có đoàn khoảng 5,6 người bô bô nói tiếng Bắc, họ đem theo những dụng cụ như dàn cây ba chạc, máy nhắm. Có lẽ đây là đám cán bộ khảo sát địa hình. Họ làm việc trong khi chúng tôi làm đập. Khoảng hơn 2 tháng sau, họ bắt chúng tôi khởi sự đào kênh từ trên đập tràn đi theo những cột mốc do đoàn khảo sát người Bắc cắm. Tời nắng như đổ lửa, chúng tôi ráng sức đào sâu xuống, lúc gặp đá cũng phải khiêng. Công trình chúng tôi được khoảng 2 Km thì có lệnh trên : mở thử cho nước chảy. Lúc phá bờ đất cho nước tràn vào thì một điều bất ngờ xảy ra : nước chảy chầm chậm độ nửa cây số thì ngưng chảy ! Thất bại ! Chúng tôi đựoc lệnh tạm ngưng, không làm nữa. Tôi nghe kể lại về sau này, đám khảo sát và đám Trung đoàn chửi nhau chí chóe. Tức tối, đám khảo sát bỏ về.

Rồi một hôm, một anh Đại úy Công binh trong khối tôi tên là Vân, được kêu lên và hỏi xem anh có thể giúp trong đoàn họ làm con kênh được không. Anh ta mới trả lời xin họ hãy cấp cho anh một bản đồ 1/50.000 của vùng này, và cho anh thời gian 2 đến 3 ngày để nghiên cứu địa hình. Về sau, họ giao cho anh bản đồ rồi phái 2 tên Bộ đội có đeo sung áp giải anh Vân đi lội quanh vùng để xem địa thế.

Thời gian này, trại cũng có một chiếc máy ủi loại Kubota nho nhỏ. Anh Vân bắt đầu sử dụng máy ủi đất, một số lính VC cắm cọc theo đó và chúng tôi lại bắt đầu đào kênh. Có lúc đào sâu xuống, có lúc đắp cao lên. Trong lúc làm công trình này, cũng có nhiều chuyện buồn cười. Đáng lẽ, chúng tôi phải gánh đất từ dưới lên. Có anh trong toán nói : xin Cán bộ cho anh em làm theo phương pháp Taylor. Viên Cán bộ trên này nói vọng xuống : “ Bây giờ mà các anh còn nói chuyện Tây lo, Mỹ lo, các anh phải tự lo mà làm đi, không có Tây, Mỹ nào lo ở đây hết !”. Cả bọn chúng tôi mỉm cười với nhau rồi cũng làm theo phương pháp dây chuyền, tức là đứng theo hàng dọc, chuyền rổ đất đá lên cao.

Có lúc gặp tảng đá to, phải nạy ra và tìm cách đưa ra ngoài kênh, anh em phải kiếm ba khúc cây vững chắc rồi cột lại một đầu làm điểm tựa, sau đó đốn cây dài và to làm đòn bẩy. Sau khi cột tảng đá bằng dây vào đầu ngắn, cả bon chúng tôi gần 10 người đu vào đầu dài để đưa tảng đá lên quãng nửa chiều cao của kênh. Sau đó, dời 3 chạc gỗ lên chỗ cao để đưa tảng đá ra khỏi con kênh. Gần mười mấy người tù ốm nhom đến đen thui mà ráng sức đưa tảng đá lên cao. Cũng may trong thời gian này không xảy ra tai nạn, chứ nếu có chắc nguy hiểm đến tính mạng nhiều lắm !

Đôi lúc, chúng tôi phải phá vỡ những tảng đá cứng. Họ phát cho những dụng cụ, một đầu như lưỡi cuốc nhỏ, một đầu như nửa cánh cung, làm bằng sắt uốn cong và dài khoảng 8 tấc. Chúng tôi dùng đầu nhọn bửa vào trong đá và cuốc lại bằng đầu tựa lưỡi cuốc. Để tự phòng vệ, tôi phải kiếm những miếng vải bao cát, may kết dính vào cái nón phía trước mặt mình và cột ngang nơi cổ để chỉ thấy lờ mờ thôi mà làm việc, vì nếu không khi cuốc xuống, đất đá có thể văng vô mặt, sẽ thương tật chết người. Còn về tay chân, sau nột thời gian lao động ở đây, bàn tay chúng tôi phồng chai hết.

Chúng tôi đào được khoảng 3 km thì có lệnh bắt buộc phải dời trại đi. Vì họ cho thời gian có một ngày, vừa để di chuyển đồ đạc đến chỗ mới, vừa thu xếp chỗ ở để đi làm, nên anh em vội vã dựng lều. Lều này có mái ở trên, nhưng bốn bề trống hoác. Ở giữa lều là một cái sạp đủ nằm, cao hơn mặt đất khoảng nửa thước, đề phòng rắn rít. Cái lều này áp sát với lều anh bạn và kéo dài ra.
Lều trại đơn sơ như vậy, nên gặp những đêm mưa rừng gió lạnh, mái lều đâu có che chắn cho mình, chỉ có một cách khi thức dậy, choàng vội tấm nylon do gia đình gởi vô, rồi ôm vô những “ hành trang “ mà nằm khum xuống, tựa như những người Hồi giáo khum xuống mà lạy, cả đêm như vậy. Chịu trận với gió lạnh và mưa, đâu có ngủ nghê gì được, sáng hôm sau phải đi lao động !

Thời gian ở đây chúng tôi có lệnh mới vì tình hình khó khăn, khẩu phần mỗi người trong tháng là 3,5kg gạo độn với khoai mì, khoai lang khoảng 15kg, 16kg rút xuống còn 12kg. “ Ở trên biểu chúng tôi đưa một toán đi đào củ nầng vê nấu ăn thêm. Có người đã đào được những củ nầng to bằng trái banh, đưa về gọt vỏ, che ra rồi luộc. Theo sự chỉ dẫn “ở trên”: luộc xong bỏ vào cái rọ, ngâm một ngày một đêm ngoài suối, rồi lấy vô luộc lại, xắc ra rồi phân phát cho anh em. Tôi nghĩ rằng dù là củ gì có bổ dưỡng bao nhiêu mà qua giai đoạn luộc, ngâm rồi luộc như thế thì cái còn lại chỉ là xác bã, chẳng lợi gì cho cơ thể, nên khi được phát vào buổi sáng khoảng một chén thì tôi lặng lẽ bỏ vào giỏ xách mình nhưng không ăn. Thật là may cho tôi vì ngày đó, có một số anh ăn vào khoảng nửa chén, đi làm được khoảng 2 giờ sau thì ói mửa, choáng váng, bước đi không nổi, mặt mày xanh dờn ! Đám Cán bộ phải cho họ về. Sau đó, chúng tôi được tập họp lại để nghe chửi : “ Chúng tôi nhờ những củ nầng này để ăn mà sống, chống Mỹ cứu nước. Tại sao các anh làm ăn cẩu thả để anh em bị ngộ độc như vậy !”. Ngoài miệng nói như thế chứ sau đó họ cũng không cho phép đào củ đó nữa.

Một buổi sáng, chúng tôi đang đi dọc theo con mương đến chỗ toán phải làm thì thấy toán đi đầu vừa chạy vừa la hét mừng rỡ. Tôi nhìn xa hơn, thấy một con mễn ( một loại nai nhỏ như con chó ) chạy đằng trước, nhưng vì con vật đang có chửa nên lúc leo lên triền dốc, nó bị té xuống không leo lên mương được mà chạy dọc theo con mương. Nó có chửa nên chạy chậm hơn đám tù, mặc dù đang đói. Nhưng do sự thôi thúc của miếng mồi nên chạy thật mau để vây bắt con vật, sau đập chết rồi mang về chia nhau. Tôi nghĩ thật đáng thương tâm, những người tù quá đói khổ, thấy con vật tội nghiệp muốn tìm đường sống cho con mình mà cũng không thoát được.

Thời gian ở đây, một hôm chúng tôi ra suối tắm, có một toán thuộc Lâm Đồng đạp nhằm một cái bao. Lúc đưa lên, té ra là một bao cá thiều, sau này mới biết đó là một trong những bao cá của toán Nghĩa vụ Quân sự lúc đi chợ về, gánh qua suối bị rớt hôm trước rồi trôi dạt xuống đây. Mấy anh Lâm Đồng chia nhau, tuy cá đã sình ươn ra và bốc mùi rồi. Tối đó, mấy anh ngứa quá, gãi sồn sột. Khoảng 10 người bị tình trạng này.

Để kiếm thêm thức ăn, một số người tìm những cọng thép bẽ làm cái bẫy, rồi để dành chút ít đồ ăn của mình làm mồi. Khoảng bốn năm bữa, họ bẫy được con sóc, có bữa bẫy được một con chuột đồng. Có một anh không biết nhờ ai mua giùm được một con gà mái, anh nuôi nó cho đến khi nó đẻ. Từ đó, ngày nào anh cũng khám “ phụ khoa“ cho con gà để kiểm tra coi có trứng không, sợ mất trứng. Nó đẻ một thời gian thì ngừng, quay sang ấp. Vì không có trứng để ấp ( anh ấy ăn trứng mất rồi ) nó mổ một lon sữa bò để ấp. Thấy vậy anh ấy quăng lon sữa bò ra xa. Hôm sau, nó lại lấy lon sữa bò ấp nữa. Một anh khác bàn nên đem ngâm con gà trong nước lạnh. Anh làm theo, sau đó con gà tiếp tục đẻ

Công trình đào kênh của chúng tôi trải dài khoảng 9 tháng, thì có lệnh ngưng. Lúc đó còn khoảng một cây số thì đến Nông trường trồng bông, là phần việc của toán Nghĩa vụ Quân sự. Nhìn lại dụng cụ mình làm, thấy thất kinh : cái đầu nhỏ như lưỡi cuốc nay chỉ còn một phần tư, còn cái đầu kia, trước là một cây nhọn dài 8 tấc ( thường dùng trong hầm mỏ miền Bắc ) bây giờ còn khoảng 2 tấc mà thôi !

Chúng tôi lúc rảnh thì tắm giặt hay “cải thiện linh tinh”( danh từ VC dùng chỉ cái việc kiếm thêm thức ăn) qua những lá cây rừng. Có một loại cây tên là “ Thảo nam sơn” nghe người ta nói vỏ của nó có vị thuốc trị hết đau lưng. Do đó khi có anh em la: có cây Thảo nam sơn, thì có cả mấy chục người nhào tới để tước vỏ cây. Sau đó, thân cây như bị " lột truồng ".

Chúng tôi nghe nói lúc khánh thành có những quan chức cao cấp đến tham dự. Đêm đó, chúng tôi được” chiêu đãi” một bửa văn nghệ do một đoàn văn công tỉnh Thuận Hải trình diễn. Chúng tôi ngồi một góc, còn đám Nghĩa vụ ngồi một góc. Khi đoàn văn công nhìn xuống, có lẽ họ thấy những Sĩ quan Bình Thuận ngồi dưới nên lúc khởi đầu, họ chơi những bản nhạc ngoại quốc, trong đó có bài La Paloma, đám tù vỗ tay quá xá. Cứ hết một bài thì vỗ tay “ Bis !Bis !”. Đám Nghĩa vụ Quân sự mặt mày ngô ngáo vì không biết bài nào cả. Sau khi họ chơi hết ba bài, một Cán bộ VC lên nói : “ Các anh không được chơi nhạc Ngoại quốc !” . Tôi nghe một anh văn công đáp : “ Tôi chơi nhạc Cuba, Hungary, những bài này của XHCN”. Viên Cán bộ không chịu, bắt chơi nhạc VN mà thôi. Lúc đó, họ bắt đầu chơi những bài nghe như những tiếng ró ré hét lên.

Hôm sau, Bộ chỉ huy kêu anh Vân lên “ làm việc”. Vân với tôi cũng khá thân. Lúc về, anh kể :” Họ nói sẽ thả tôi ra với điều kiện ký giấy làm cho họ mấy năm, anh thấy sao ?”. “ Trời ơi ! Anh ở tù một mình, bây giờ định đem vợ con lên ở tù nữa hay sao ? Chỗ này là nơi chó ăn đá, gà ăn muối, đau ốm, bệnh hoạn không thuốc men. Anh ở tù một mình là đủ rồi. Chừng nào họ thả về thì thả…”. Về sau, anh ấy từ chối khéo léo công tác phục vụ cho Trung đoàn ấy.

Sau khi, chúng tôi làm đập tràn và kênh đào song Lũy xong, họ chở chúng tôi về một vùng gần Phan Thiết, gần đồi Nora. Đồi Nora ở bên trái Quốc lộ, chúng tôi phải đi vào một đường lộ nhỏ bên phải để đến trại.

Đến đây, chúng tôi cũng khởi sự làm nhà cửa, phá gò mối, ban ruộng ra để sửa soạn cho vụ mùa.

Bao quanh trại là hàng rào bằng tre đan lại có gai. Một đêm kia, khi chúng tôi đang ngủ thì có kẻng đánh và có tiếng súng nổ. Tất cả được lệnh tập họp điểm danh. Về sau, tôi nghe nói có ba người trốn trại. Đó là Đại úy Đặng Phiên, Thông Ngộ và một anh nữa tôi không nhớ tên. Mấy anh này lúc còn ở trại Sông Mao thì cùng nhóm với tôi, do tôi làm Tổ trưởng. Về sau này, các anh ấy đã chuyển qua nhóm khác.

Thời gian sau, tôi nghe phong thanh Cán bộ họ đã đi hành quân và bắn chết những anh này. Và họ có đem về những cuốn sổ tay nhỏ của mấy anh.

Lúc này, họ cho chúng tôi ăn uống quá tệ so với hồi trước. Bây giờ chúng tôi trực thuộc Bộ nội vụ tức Công an quản lý. Một hôm , họ ra lệnh tập họp và biểu đem “ Quân trang, Quân dụng “ra để kiểm soát. Điều mỉa mai là chúng tôi chẳng còn gì nữa để mà gọi là Quân trang, Quân dụng, chỉ có mấy bộ đồ rách tả tơi, mấy cái nồi lon gô… Họ quen xài chữ đao to búa lớn. Đám Công an này kiểm soát rất kỹ. Mỗi người được lệnh trãi ra một tấm nylon rồi nồi niêu, quần áo đồ dùng…bày ra trên đó. Quan cảnh như đang bán chợ trời, anh em trại viên ngồi đó, còn đám cán bộ lật lên, lật xuống, rà soát những cái cổ áo, từng đường may trên áo, lai quần để tìm ra xem có dao hay đinh trong đó không. Nhưng chúng tôi dại gì mà đem dấu dao, đinh trong áo quần. Nếu cần thì chúng tôi giấu vào một hốc cây nào đó ( cái gọi là dao chẳng qua là một cây đinh lớn mà chúng tôi đập đạp ra rồi mài mài cho bén ) khi gặp thằn lằn, rắn mối, cóc nhái… thì rồi xẻ ra nướng ăn, rồi nhét lại vô trong một hốc cây.

Một buổi sáng, chúng tôi được lệnh đi lao động, mỗi toán phải hai người với một cái đòn, mười người phải đem theo một cái võng, không ai được ở lại hết, trừ ra một số tối thiểu người làm nhà bếp tức “anh nuôi” khoảng bốn năm người.

Từ đó, chúng tôi đi ra Quốc lộ 1, đi được một đoạn đường thì thấy một cảnh thật thương tâm, một anh thương binh, có lẽ thương phế binh VNCH cụt một chân, vừa chống một cây nạng, vừa cuốc ! Ngang hàng với anh, đứng gần đó là ba đứa con anh khoảng 12 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi đều cầm mỗi đứa một cây cuốc nhỏ mà cuốc tới. Nhìn thấy cảnh này, tôi thấy ứa nước mắt.

Chúng tôi đi ra đến Quốc lộ một, sau đó băng qua để lên đồi Nora. Theo lệnh trên, chúng tôi cứ hai người phải gỡ một cuộn kẽm gai trên ngọn đồi này. Nghe nói hồi xưa đây là đồi Pháo binh của VNCH và nơi mà Nhà văn Y Uyên đã tử trận.

Nora là một ngọn đồ thấp. Lúc chúng tôi đến, trên đường đi, nhìn lên thấy chẳng còn gì, ngoài những hàng rào kẽm gai xung quanh. Ở phía bên trái đường đi, có một cái am nhỏ. Từ trong am một bà già đi ra, ngược lại chiều với chúng tôi. Bà già hỏi chúng tôi : “ Các anh lên đây làm gì ?” “ Chúng tôi được lệnh lấy kẽm gai “. Bà ta nói :” Đừng !Đừng ! Cách đây mấy ngày, có một con bò bị vướng mìn và đã chết “. Chúng tôi cho bà hay chúng tôi là tù, đâu có dám cãi lệnh. Bà nói để bà lên am cầu nguyện cho chúng tôi.

Chúng tôi tiếp tục đi, dạt ra hai bên để lấy kẽm gai. Sau cùng, tôi và anh Nguyễn lê Chánh cũng gỡ được hai cuộn kẽm gai, xỏ đòn và gánh về.

Các toán đổ xô ra quanh đó. Thỉnh thoảng, khi kéo dây kẽm gai lên, anh em giật mình kinh hoảng vì thấy những trái lựu đạn hay mìn ba chấu bung lên hoặc nằm lăn lóc ở đó. Anh em la lên rồi nằm rạp xuống. Cũng may, không nổ ! Không biết do mưa nắng bao nhiêu năm, lựu đạn và mìn kia đã hư mục, hay là sự mầu nhiệm của lời cầu nguyện của bà già kia mà Ơn trên và linh hồn Tử sĩ VNCH đã phò hộ cho chúng tôi.

Tôi thấy chính sách của VC thật là vô nhân đạo khi đưa người tù đi gỡ kẽm gai ở một nơi đầy mìn bẫy. Họ đã tính toán trước sẽ có người bị thương tật hay là chết. Vì thế, chúng tôi được lệnh, cứ mười người thì mang theo một cái võng, phòng khi trường hợp đó xảy ra, để khiêng người bị nạn. Có cả thảy mấy trăm người như vậy mà may thay, không một tai nạn nào xảy ra, không một trái lựu đạn nổ. Chỉ có một số anh em khi gỡ kẽm gai bị trầy xước sơ sơ mà thôi.

Những chuyện nguy hiểm có thể chết người rồi thì cũng qua đi, nhưng cái ám ảnh suốt ngày, suốt tháng đối với anh em là những ngày đói dai dẳng. Vào buổi sáng họ phát cho mỗi người một cái bánh làm bằng bột mì ( có lẽ do viện trợ từ những nước khác ) đường kính độ 20 cm. Sáng một cái, trưa hai, tối hai, chúng tôi gọi là “ bánh xe lãng tử “. Sức khỏe anh em do đó mà suy kiệt dần, chỉ khá lên được khi có thăm nuôi. Mỗi kỳ thăm nuôi 3 tháng một lần, sau đó anh em trở lại xanh xao, ốm yếu như cũ, như một chu kỳ cứ tái diễn mãi.

Thời gian ở Sông Mao, vấn đề vệ sinh thật là khủng khiếp. Mỗi tuần, chúng tôi được dẫn đi tắm một lần ở cái ao nước đục ngầu, màu xanh đen. Bao nhiêu người, từng tốp một xuống tắm giặt. Toán này lên, toán khác xuống, cũng chỉ tại cái ao nước đó ! Một số an hem bị ghẻ lở cả thân mình, như trường hợp anh Châu ( tôi quên mất họ, chỉ nhớ tên ) nguyên là Đại úy Trung tâm Yểm trợ Tiếp vận. Trước 75, bạn bè gọi đùa anh là “ anh Châu bụng “. Về sau, anh bị ghẻ lở, còn bụng thì xẹp lép. Anh em mới gọi là “
Châu ghẻ “ . Nghe nói lúc được thả ra rồi, một thời gian sau anh bị bệnh và qua đời.

Có những điều anh em lo nghĩ vì chẳng thấy gì sáng sủa cả trong tương lai, nhất là băn khoăn về gia đình, không biết thân nhân mình làm sao mà sống, khi mình thì ở trong cái rọ này. Hình ảnh tôi nhận thấy rõ nhất là anh Bỗng, nguyên Đại úy thuộc Ban liên hiệp Quân sự hai bên. Sau 6 tháng vào tù, tóc anh biến thành bạc phơ. Thật đúng là hình ảnh Ngũ tử Tư hiện đại.

Sau khi được thả ra, những hình ảnh hãi hùng trong trại tù cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt mấy chục năm. Cho đến trước lúc được đi Hoa Kỳ, cứ hai hay ba tháng tôi vẫn thường nằm mơ thấy mình ở trong trại tù cải tạo, rồi qua bốn đến năm ngày sau đó thì mất ngủ. Khi đã định cư ở Hoa Kỳ, khoảng bốn năm đầu, thỉnh thoảng tôi lại nằm mơ thời gian kinh hoàng đó. Phải đến bảy năm sau đó, mới chấm dứt tình trạng ác mộng đó.

Chúng ta, những Sĩ quan bị đưa đi ở tù một cách nhục nhã, bị đọa đày khủng khiếp mà còn sống sót để được hưởng chính sách nhân đạo HO của Mỹ quốc và ngày nay chúng ta đã có những gia đình êm ấm, con cái nên người, chúng ta cũng phải nhớ lại sau lưng chúng ta, những bà vợ còn rất trẻ khi chúng ta bị lùa đi vào trại cải tạo, những bà mẹ, những bà chị , cô em gái với lòng thương vô bờ bến đã xông ra ngoài xã hội đầy bất công, đầy thù hận, đầy phân biệt để sống còn, để nuôi thân nhân ở ngoài, rồi còn dành dụm từng đồng, từng bánh đường, từng con cá khô, miếng bánh, từng viên thuốc để định kỳ thăm nuôi, an ủi và khuyến khích chúng ta cố gắng sống nhẫn nhục chờ đợi ngày về. Những người thân của chúng ta đã không được sửa soạn với những khóa học “ mưu sinh thoát hiểm “ , mà với bàn tay khéo léo, nghị lực kiên cường để giữ được gia đình tạm đủ sống và yểm trợ các người tù bằng những món quà thăm nuôi, những lời khuyên để chúng ta yên tâm mà chính chúng ta, những người tù 5, 10, 15 năm thấy hoàn toàn vô vọng.

Chính họ là những động lực thúc đẩy chúng ta cố gắng sống còn và chính họ mới là những người bây giờ phải được nhận những lời tuyên dương cao quý nhất. Còn chúng ta, chỉ là những thanh niên, trong thời điểm đó, phải làm bổn phận của người trai, khoác áo Chiến binh trong buổi binh đao, khi nước nhà còn đầy quân thù lúc nào cũng lăm le phá hoại hạnh phúc toàn dân.


Viết xong, 5/4/2007
BS Lê Bá Dũng
YK 1

Longhai
06-09-2015, 02:35 PM
Mãi mãi... không quên ( Phần II )


BS Lê Bá Dũng


Bài này tôi muốn viết lên để các bạn xem như một câu chuyện kể của một người bạn lâu ngày gặp lại, kể về những gian nan lận đận, ít tiếng cười mà nhiều nước mắt. Tôi muốn nói những sự thực mình đã trải qua trong chuỗi ngày đã sống trong “Thiên đường Cộng Sản Việt Nam”. Dầu câu văn không được trau chuốt, vì mình không phải là Văn sĩ, nhưng tất cả là sự thật, có gì nói nấy. Hy vọng “Mua vui cũng được một vài trống canh” trong quãng đời tị nạn.

Lâu lâu cũng có một đoạn “bình lựng” ngắn của “Mao tôn Cương dởm” như là thêm mắm thêm muối. Chữ “tôi” được dùng nhiều, nhưng là cái tôi bị bầm dập, đá lên đá xuống, không phải cái tôi của câu “Le moi est haïsable”.

Ðược thả về.

Sau hơn 2 năm rưỡi trong trại tù C.S, một buổi sáng Chủ nhật, không phải là “Một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh” như bài văn lúc học Tiểu học, tôi vẫn nghĩ là một sáng như mọi Chủ nhật, một số anh nhờ bạn bè “gọt” tóc, người khác đem áo quần ra vá lại, đắp lên những chỗ đã rách bươm, kẻ khác đem đường đậu ra nấu chè gọi là bồi dưỡng, vài anh xách lon “gô” nấu nước chè hay café làm bằng cơm khô rang cháy uống cho đỡ nhớ. Phần tôi thì “lương thực dự trữ” đã cạn từ lâu. Mấy hôm trước trong lúc đi sửa nhà bếp cho một tên cán bộ C.S, thấy một bà vợ cán bộ mang một số thịt nai mà người chồng vừa săn được lúc tối đem bán. Tôi đã mua 1 miếng, về làm kiểu Beefsteak mời anh Ðại úy Thạnh và 1 người bạn cùng ở Tiểu khu Lâm Ðồng, vì họ đã mời tôi ăn chè trước đó. Lâu quá, được ăn miếng thịt, quá đã. Tôi đang ngồi đánh cờ tướng với người bạn dưới cái chái làm trước dãy nhà tranh mà tổ chúng tôi đang ở, thì một người bạn ghé vào nói to :

- Ê, Dũng ! Mày có tên được thả về đó.

Tôi vẫn ngồi yên và theo dõi nước cờ, tuy tai đã nghe. Nhưng ở đây, đã nhiều lần một số người phao tin người này người nọ được thả về, sau đó không có gì xảy ra cả ! Ở tù, ai cũng mong có ngày được thả ra, nên có người bày ra trò phao tin thất thiệt, vài người mắc bẫy, về sửa soạn nhưng sau đó vẫn như cũ, thế là đám phao tin được một trận cười thú vị !

- Ê ! Tau nói thiệt đó mà.

Tôi vẫn ngồi bình tĩnh và tiếp tục đánh cờ. Anh bạn đó bỏ đi khi thấy tôi không tin. Nửa giờ sau, anh tổ trưởng ghé lại và nói với tôi, tay anh cầm một tờ giấy :

- Anh Dũng ! Anh sắp được thả về. Sửa soạn đồ đạc và ghé tổ phó lãnh 3 ngày gạo để tập họp ra 1 trại khác trước khi về.

Bây giờ tôi mới tin là mình sắp được thả về. Tôi vội vào dãy trại đang ở, thu dọn đồ dùng đem về và gặp vài bạn thân để họ cần nhắn gì vợ con ở nhà; gặp Hường (Trần Ngọc Hường - Đại úy Trưởng phòng 4 Tiểu khu Bình Thuận - đã chết ở San José) để lãnh gạo và lấy lại số tiền nhỏ mà trại đã giữ rồi ra tập họp gần cổng trại để ra một trại khác gần đó.

Chúng tôi được dẫn đến một nơi cách trại cũ 500m. Trại này chỉ là 2 dãy lều bằng cây lợp tranh, không có vách và rào sơ sài bằng một vòng kẽm gai. Chúng tôi gồm khoảng 20 người bắt đầu tắm gội, cắt tóc cho nhau và chung gạo nấu ăn qua ngày.

Hôm sau, 1 Cán bộ đến và đem theo một ít đậu phụng da cá, kẹo thèo lèo. Ngoài số kẹo và chè (do trại phát đường và đậu), chúng tôi còn được “ăn” thêm bài học Chính trị mà chúng tôi đã nghe phát ngấy. Qua hôm sau, khoảng trưa chúng tôi được phát “Giấy ra trại”. Tôi nhìn qua tờ giấy và nhận xét :

- Ngoài phần tên họ, đám C.S ghi 3 chữ “Tù tàn binh”. Lúc ở trong tù thì họ nói : “Các anh không phải ở tù, chỉ là Cải tạo viên”, và mỗi lần ai nói chữ tù binh là bị kiểm điểm bở hơi tai.

- Họ dùng chữ “tạm tha”. Lạ lùng thật ! Vậy là ra ngoài mà còn mang cái thòng lọng quanh cổ.

Anh em túa ra đường, kẻ phương Nam, người phương Bắc. Đường từ trại ra ngoài Quốc lộ 1 vắng vẻ, mặt đường đầy đá sỏi, hai bên gồm những bụi gai thấp xác xơ. Quốc lộ 1 cũng vắng tanh. Khi bắt được xe đò chạy về Phan Thiết, tôi bước lên xe, đám hành khách quay lại nhìn chúng tôi có vẻ dò xét rồi họ lại cúi xuống chăm chăm nhìn giỏ đồ của họ. Không ai nói với ai một lời. Nhìn những nét mặt u buồn, cam chịu, quần áo mặc cho có và nét ốm o xo bại, tôi nghĩ : ngoài vòng rào ngục tù chúng tôi đã ở, là một ngục tù rộng lớn cho toàn dân. Đi quãng 2-3 km tôi thấy nên vất cái lon “gô” xách theo để uống nước và làm ngay, như muốn tống khứ 1 dĩ vãng đen tối như màu cái “gô” đã theo tôi lâu ngày.

Đường vào nhà tuy gần mà như thật là xa vì mong gặp lại người thân. Hơn 2 năm rồi chớ ít gì ! Bước vào tôi chỉ thấy bà nhạc đang may vá, mặt xoay vào trong và 2 con nhỏ đang lẩn vẩn quanh đó. Các con có ốm đi nhưng không đến nỗi nào. Tôi vội ôm 2 con vào lòng và hôn lên đầu chúng, lòng vui không kể hết sau thời gian dài mong nhớ. Tôi cũng nôn nóng gặp lại vợ mình, nên khi biết bà xã đang nghỉ hè mà phải học tập Chính trị tại trường Việt Anh, tôi vội đi đón, lòng lo lắng không biết trong thời gian tôi ở tù, bả đã bị nhồi nhét mấy chuyện học tập bá láp, lòng có thay đổi không.

Đến nơi, tôi nhờ vài người quen nhắn lại, vợ tôi ra ngoài gặp tôi. Khi nắm lấy tay tôi, ánh mắt vui mừng, vợ tôi kéo tôi ra khỏi Hội trường vừa đi vừa nói : “Ra ngoài này nói chuyện kẻo họ để ý”. Tôi tin chắc vợ tôi đã không thay đổi, cũng vẫn là người mà tôi tin yêu như trước ngày tôi đi tù. Vợ tôi có ốm đi, mặt hơi xanh nhưng không đến nỗi nào, ánh mắt cương quyết như sẵn sàng đương đầu với mọi trở ngại, tuy phải bận bộ quần áo ngắn - áo bà ba, quần đen như thời cuộc bắt buộc như vậy. Niềm tin yêu khiến lòng tôi ấm lại và nhủ thầm : sẽ tựa lưng nhau cùng sống trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó.

Tôi ra về trước, và chọn con đường vòng vèo để nhìn lại cảnh cũ. Tôi đi qua “cầu Mỹ” - cây cầu xây bằng gỗ do Quân đội Hoa Kỳ dựng trước năm 1975. Các ghe xuồng lơ thơ, nhà cửa dọc bờ sông lụp xụp, tuềnh toàng. Dòng nước đục ngầu đầy rác rến.

Tôi đi ngang trường Nữ Tiểu Học, nơi tôi đã đón con tôi đi học về. Nhớ lại, bờ sông lúc xưa sạch sẽ, có kè đá mà tôi đã ngồi câu cá khi được nghỉ học lúc còn nhỏ. Giờ đây bờ sông đã lở lói, đường đầy rác rến và mùi rác rến, mùi cứt đái xông lên rùng rợn. Tôi vội rảo bước mau để tránh cái không khí ngạt thở này. Rồi đi ven bên đường vườn bông có lầu nước cao, nơi đây khi xưa, lúc tôi còn nhỏ, ba tôi thường đưa tôi đến đây để chụp hình. Tôi là đối tượng để ông nhắm chụp nên phải ngồi ở hốc cây này, bờ đá kia... Bây giờ khi nhìn lại những hình xưa lúc nào mặt tôi cũng nhăn nó vì không được chạy nhảy, la hét hay chơi các trò chơi khác cùng lũ trẻ trong vườn hoa.

Nơi này là nơi tôi và 2 người bạn thời Trung học là Thức và Tiến thường đến lớp trong những buổi học chiều, để ngấu nghiến các truyện Đầu Lâu Máu, Con Tàu Máu hay truyện Tình báo phiêu lưu của Lê Minh Hoàng Thái Sơn. Vườn hoa thật tiêu điều, bụi bặm, đầy rác rến… không còn là một góc thần tiên như xưa. Rồi đến con đường dẫn ra nhà ga xe lửa. Bên phải, lề đường đã lở lói, đầy giấy vệ sinh, phân, nước tiểu…Tôi nghĩ đến nguyên nhân vì đâu ? Người dân ở Sài gòn sau 1975, khi bị đánh tư sản, bị đưa đi Kinh tế mới, đàn ông thì bị lùa vào các “Trại Cải tạo”, người còn lại phải kiếm sống bằng cách ra Phan Thiết mua cá nục, cá chuồn, nướng hay hấp sơ và bỏ vào các giỏ xách mang lên Đà lạt hoặc về Sài gòn bán lại kiếm sống qua ngày. Họ phải sống ở vỉa hè nên đêm đến chỗ nào thấy thuận tiện là tiêu tiểu. Cả một đoạn đường từ nhà Bưu điện đến Trạm Hỏa xa hôi thối nồng nặc. Tôi vội bước qua phía trái, quá đường xe lửa, xuyên qua khúc chợ và về nhà.

Các ngày sau, tôi đi lang thang sau khi trình diện đồn Công an, tìm gặp lại một số bạn bè, người quen để tìm cách kiếm sống. Lên Bệnh viện Phan Thiết, tôi gặp một Bác sĩ tên Huệ lúc này là Trưởng khu giải phẫu. Họ cho biết tôi phải được “xã chế” mới được nhận đi làm. Anh này về sau bị một cái án mà mọi người ở Phan Thiết đều biết.

Bác sĩ Huệ giết vợ.

Nguyên trước 1975, Bệnh viện được tăng cường với đoàn Bác sĩ Đài Loan, nên có một cô người Tàu lai Việt làm thông dịch cho đoàn. Nhà cô ở phố có tiệm buôn bán nên sau 1975, muốn có một chân gọi là, hòng che chở gia đình khỏi bị tra hỏi lôi thôi, nên xin tiếp tục làm văn phòng. Bác sĩ Huệ nhà ta thấy cô ta có chút nhan sắc bèn tán tỉnh và hứa hẹn. Cô này trong thế kẹt phải ậm ờ. Chàng ta hẹn mướn một nhà ngoài phố, sửa soạn nhà cửa. Sau đó trong một chuyến về Bắc, chàng đã đón người vợ Bắc vào và “thanh toán” vợ bằng cách truyền dịch chuyền thật mau. Kết quả là sau 2 ngày “điều trị” cách đó, bà vợ người Bắc theo “Bác” vê bên kia thế giới. Chàng đánh điện tín báo tin vợ đã chết vì bệnh. Không ngờ nhà bên vợ lại có “gốc bự”, con gái họ trước lúc đi còn mạnh khỏe nên họ nghi ngờ. Một thời gian ngắn sau, 1 “xe con” đưa đoàn khảo nghiệm vào để điều tra về cái chết của cô ấy. Đoàn này đã bốc mộ lên, và cắt cái đầu đem về Bệnh viện, bắt 1 Y công bỏ cái đầu ấy vào thùng và nấu lên. Ông Y công già sau một thời gian ngắn canh cái đầu đang nấu ấy, cứ nổi lên rồi chìm xuống, quá sợ, nên xin nghỉ việc. Chàng B.S Huệ ở khu giải phẫu gần đó, nghe vậy cũng bỏ trốn vào Sài gòn. Sau khi liên lạc với “người yêu mới” không có kết quả, chàng về lại nhà cha mẹ nhưng gia đình cũng không nuôi nổi một tên đang bị truy nã nên chàng phải về trình diện nhà nước ở Phan Thiết và tự thú cách giết vợ (truyền Sérum nhanh). Tòa án được lập ra ở Bệnh viện và tuyên án tử hình. Anh chàng này tôi có gặp khi ở tù lần thứ II trong trại 1. Khi anh ta bị tuyên án tử hình thì được giải ngay vào khu xà lim phòng 5 (Khu biệt giam). Về sau khi tôi đã đi các trại khác thì nghe đâu anh ta được giảm án xuống chung thân rồi 20 năm vì anh đã có công với Cách mạng. Sau này thì tôi không biết.

Thợ đụng.

Những ngày đầu tôi mới về, vợ tôi thấy tôi hơi mập. Nhưng đó là do chứng phù thũng. Được ăn uống đầy đủ vài hôm, người tôi ốm bớt lại. Sau 3-4 ngày, cảm thấy tương đối lại sức, tôi liên lạc với một số bạn bè để kiếm sống. Gặp lại anh Cảnh và anh Nhơn - người anh của Cảnh, nguyên là một nhà thầu xây cất nhỏ trước 1975, chúng tôi làm thành một toán sửa chữa nhà cửa. Vì đám Việt cộng tịch thu nhà cửa của dân, của các cơ quan thuộc chính quyền cũ và cần sửa lại, nên chúng tôi có việc làm lai rai.

Lúc sửa căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo gần Cầu mới phải quét vôi, xây thêm nhà bếp hay chuồng heo (?) ở tầng 2, đóng trần nhà… đang làm việc, thì có 1 toán 3 tên V.C mang túi đeo vai vào và bình phẩm :

- Lúc trước có ván ép đo Mỹ làm, nó ép cây lấy nước và xác thì làm ván ép.

Tôi không biết đám Mỹ ép lấy nước từ cây để làm gì. Bí mật quốc phòng chăng ? Suy nghĩ của bọn này thật là ngây ngô.

Những miếng ván họ cung cấp để đóng trần nhà rất dày (khoảng 2cm) và nặng, không thích hợp để đóng lên trần, nhưng đã là lệnh, thì phải tuân theo. Khi chúng tôi sửa chữa nhà ở Vĩnh Thủy, thuộc Ty Xã Hội cũ, cũng là những việc thường như tô chỗ vách lủng, sửa các cửa hư, quét vôi, đóng trần nhà… Trước khi đóng trần, phải bào các miếng ván. Thời đó danh từ “bám” rất thường dùng. Một ông bạn đang làm bỗng nói :

- Ai ở đây cũng 2 bám. Riêng anh Dũng phải 3 bám.

Rồi cắt nghĩa :

- Mình phải bám bào nầy, bám ván này. Còn anh D. phải thêm một bám nữa, đó là bám dăm bào (vì tôi mỗi ngày kiếm dăm bào về cho vợ tôi nhúm bếp).

Rồi một ngày lúc chúng tôi đang nghỉ xả hơi, bồi dưỡng bằng 1 nải chuối, phì phèo thuốc rê “bốc lăng xe”, có 3 con mụ V.C Bắc kỳ rặt ra chỉ chỏ, khi thấy đám tôi cười đùa bèn nói :

- Các anh sung sướng nhỉ ! Các anh lao động chân tay nên về nhà tắm rửa ăn uống xong là ngủ nghỉ khỏe. Chúng tôi lao động trí óc mệt lắm, không ngủ được, khổ thế !

Anh Nhơn đứng gần đó thấy trái tai gai mắt quá, vụt nói ngang :

- Các cô không biết chớ ! Anh kia (vừa chỉ tôi) là Bác sĩ, anh nọ (chỉ anh Châu) là Trung tá Không quân. Hai anh đứng gần là Giáo sư Trung học ở đây. Em tôi là Sĩ quan.

Ba mụ kia nghe xong, ngó nhau và vội rút về phòng.

Tôi cũng ghi tên vào 1 Hợp tác xã kéo lưới rùng để làm vào những ngày không có việc và cũng để mua lương thực hằng tháng. Chúng tôi là một toán “thợ đụng”, tức là đụng gì làm nấy. Nghe báo cần xuống một xe xi măng, cả toán lãnh ngay. Và ngày hôm đó ê ẩm cả người. Có lúc bốc dỡ xuống 1 xe gạch trên đường phố tay sứt xể vì không có bao tay che chở (V.C gọi là bao tay bảo vệ) thì bà xã tôi đạp xe đạp ngang qua và dừng lại, thấy chúng tôi đang khiêng vác gạch nặng nhọc, bả đứng gần đó và khóc. Tôi vội khoát tay cho bả ra về, lòng thầm nhớ câu : “Gặp thời thế, thế thì phải thế”. Hàng tháng cũng chia nhau mỗi người được từ 90-120 tiền mới (1 đồng mới = 500 đồng cũ)

Tứ bề thọ địch.

Tuy tôi cố gắng làm việc để giúp bà xã trong thời buổi quá khó khăn nhưng lúc nào cũng thấy bị theo dõi, dò xét. Hàng tuần phải đến đồn Công an đem theo tập vở ghi việc làm hằng ngày. Hai ba tôi phải đến họp ở khóm, trong ánh sáng lù mù do 1 ngọn đèn dầu để trên bàn từ đàng xa, phải nghe tên khóm trưởng tên Xiêm, chuyên bán chiếu dạo đọc ba cái báo cáo đôi khi không dính dáng gì đến khóm cả. Một bữa chiều đang đi làm về, tôi thấy mấy bà xúm quanh 1 cái rổ thịt heo làm lậu, tôi vội mua khoảng 200gr cho gia đình. Đằng sau lưng mình, tôi nghe tiếng mụ Tám Kiểu (mụ này là Tổ trưởng Tổ phụ nữ trong khóm) :

- Chà ! Đi học tập về mà còn muốn ăn uống ngon quá há !

Giọng mụ lúc nào cũng the thé, lúc nào mụ cũng rình mò, dò xét để báo cáo. Tôi nghe mà giận tràn hông, nhưng ráng nhịn.

Một buổi xế chiều, khi tôi bước về nhà, đứa con gái nhỏ của tôi vội nói :

- Hồi nãy có ông Công an khu phố hỏi con hồi hôm ba làm gì mà thức khuya vậy. Con nói ba đọc sách. Rồi ổng hỏi : “Đọc sách gì ?”. Con trả lời : “Ba tôi coi cuốn sách dày ở trên bàn đó. Chú có muốn coi không, cứ đến xem”. Sau đó ông bỏ đi.

“Được” đi Lao động Nghĩa vụ Xã hội Chủ nghĩa.

Quãng 2 tháng sau khi được thả về, trong một buổi tối họp khóm, tôi thấy một đám người lố nhố ở bậc thềm cao sau cái bàn bắt đầu đọc danh sách một số người trong khóm phải đi lao động nghĩa vụ 15 ngày. Khi đọc đến tên tôi, tôi đứng lên và cho biết tôi còn bị quản chế và chưa lên ký. Hai ba thằng gồm bọn 30 - 4, bọn xu nịnh lăng xăng kiếm điểm la to lên :

- Làm biên bản gấp ! Làm biên bản gấp ! Phải ký ngay !

Khi bọn đó gọi tôi lên ký biên bản, các người xung quanh nhìn tôi có vẻ ái ngại : tôi đang mắc 1 cái tội quá nặng. Tôi bình tĩnh đi lên ký và về chỗ ngồi xuống, tự nhủ : có gì mà phải sợ một đám lau nhau theo đóm ăn tàn, lúc nào cũng hống hách ra vẻ oai quyền. Sáng hôm sau, đến đồn Công an, họ cho biết cứ đi lao động. Tôi về sửa soạn đồ ăn, quần áo đem theo để đi 15 ngày lên vùng Đức Linh. Rồi ngày đi lao động XHCN cũng đến. Tất cả tập họp ở Phường, dồn lên xe và đến 1 cánh rừng ở Đức Linh, cách nhà dân cũng 5-6Km để phát quang, đón dân sẽ lên kinh tế mới. Chiều hôm ấy, tôi đến nơi chỉ kịp giăng cái võng giữa 2 cây, giăng mảnh nylon ở trên để qua đêm vì hôm sau đi làm ngay. Cả một đoàn người ở 1 triền đồi, muốn có nước uống và nấu cơm phải xuống dưới dốc. Tôi sống như vậy ngày lại ngày, nhưng về sau nghĩ cũng giật mình vì ở đây quá đông người, vấn đề vệ sinh rất thiếu thốn, không có cầu tiêu, lúc cần là lấy cuốc đào lỗ để đi. Rồi khi trời mưa, chất thải chảy xuống dốc chỗ lấy nước. Thật là rùng rợn. Ngày đi làm là phải đốn cây, dọn rừng. Đêm về sau khi nấu nướng, ăn uống qua loa, tôi lên chiếc võng nằm tòn ten giữa rừng lạnh giá. May mà không bị bệnh gì suốt thời gian lao động XHCN. Thật là trời thương.

Ách giữa đàng…

Đến một hôm mà tôi cứ nhủ thầm là ngày định mệnh. Thấy vỏ xe Honda đằng trước bị xẹp, tôi dắt đi vá. Đến 1 cái “quán” vá vỏ xe thì gặp một bác là cha 1 nữ Quân nhân nguyên trước cùng làm ở Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, ông ta ở sau chòi đó. Ông ta mời tôi vào nhà uống nước. Đằng bàn bên kia có 4-5 người đang ngồi nói chuyện nho nhỏ, tôi nhận ra Thanh, Trung sĩ Y tá Quân y, trước làm ở Trại ngoại thương Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch. Tôi giơ tay chào. Khoảng 3-4 ngày sau, vào một buổi chiều trời đang mưa lâm thâm, anh Thanh này đến nhà tôi, kéo tôi về phía sau bếp, móc ra một tờ giấy nhỏ, rồi nói với tôi :

- Em ở trong Tổ chức Phục quốc, mời B.S tham gia.

Nhìn tờ giấy có cờ vàng 3 sọc đỏ, tôi đã thấy lạnh người. Tôi nói ngay :

- Tôi được thả về đây chỉ mong làm việc giúp đỡ gia đình. Tôi mong muốn sống yên thân và không tham gia Chính trị gì hết. Anh thông cảm.

Anh này nói :

- Bác sĩ không tham gia thì thôi cứ ở yên đó. Để tụi này làm.

Chuyện này sau một thời gian ngắn rồi cũng mờ nhạt trong trí tôi vì đang phải làm việc nặng nhọc hằng ngày. Mỗi lúc kiếm có tiền là tôi nói vợ tôi mua gạo từng bịch nhỏ đem về bỏ vào cái lu. Cái đói cứ ám ảnh mỗi ngày, tôi chỉ nghĩ làm sao có được lu gạo đầy, 2-3 chai nước mắm là bớt lo gia đình đói ăn. Tôi cũng đã đóng 1 cái chuồng nuôi cặp thỏ. Hằng ngày các con sau giờ học đi quanh xóm cắt rau muống biển để cho thỏ ăn. Mỗi chiều đi làm về thấy con bé nhà tôi đi khấp khểnh trên đôi guốc gỗ nhỏ đằng xa, vừa xách một giỏ đầy rau muống biển, tay kia cầm con dao nhỏ, thấy thật cảm thương !

Tổ chức “Phản động” hay CIA.

Gần cuối tháng 4-1978, tôi được giấy triệu tập tại phường Phú thủy. Đến nơi chỉ thấy 7 người, tôi là người có cấp bậc cao nhất (Đại úy). Tên Chủ tịch Phường, mập như con heo, mặt bành bành, vào và nói dông dài về chuyện phải đi Kinh tế mới để xây dựng XHCN. Mọi người phải ký “đồng ý tình nguyện xung phong đi Kinh Tế Mới”. Đến phiên tôi, tôi từ chối. Tôi đã nói :

- Tôi được cho biết, lúc ở trại Cải tạo, trước khi thả về các Sĩ quan đã phải ký giấy đồng ý đi KTM. Còn tôi thì thuộc thành phần kỹ thuật nên không cần ký. Tôi đã lên Bệnh viện và họ cho biết sẽ thu dụng khi nào được trả quyền Công dân.

Tên Chủ tịch Phường đạp bàn dọa nạt, nói rằng tôi ở đây đã âm mưu vượt biên với 1 anh Trung úy tên X. Tôi cãi ngay :

- Tôi không biết anh ấy. Tôi cũng không biết nhà anh ấy. Tôi muốn gặp ngay anh ấy để đối chất.

Tên Chủ tịch Phường cứng họng, và tôi ra về. Hai hôm sau, tôi nhận được giấy mời ra Công an phường vào lúc 2g chiều. Tôi gặp tên Công an tên Kiệm, mặt còn non choẹt tuổi cỡ con tôi, vẻ nó xấc láo, kênh kênh. Nghe nói lúc trước đi học, tên này thường xếp vở đút túi sau, học hành chả ra gì nên bị đuổi và nhảy núi sau đó. Tên Kiệm chỉ tôi ngồi ghế chờ. Tôi ngồi chờ trong phòng Công an từ 2 giờ đến 6 giờ chiều. Tên này vẫn không ra “làm việc” và nằm ở phòng kế đó. Tôi vào yêu cầu mấy lần để được “làm việc” ngay vì chưa ăn cơm chiều. Nó vẫn không ra. Quãng nữa giờ sau tôi nói to :

- Anh không làm việc thì tôi về.

Tôi bỏ ra về ngay sau đó. Hôm sau, tên Kiệm này đi cùng 2 tên khác đến nhà tôi mời tôi lên phòng Công an “làm việc”. Lúc đến nơi, nó dẫn tôi ngay vào 1 phòng trống và giam tôi vào đó. Khoảng chiều, nghe tiếng mở cửa, tôi ngồi dậy và thấy 1 Công an dẫn con tôi vào để đưa cơm. Nhìn mặt đứa con gái lớn của tôi đang xanh lại vì lo lắng, tôi thật chạnh lòng. Tôi chỉ nói được :

- Nhắn mạ đừng lo lắng, ba vẫn bình yên.

Tôi ăn một ít vì còn lòng dạ đâu mà ăn, rồi viết vài hàng với 1 tờ giấy nhỏ nhét dưới miếng cơm còn lại. Cửa mở ra để con tôi đem “cà mèn” ra về. Tối hôm đó, tôi không ngủ được, trằn trọc lo cho gia đình tức giận vì thấy cả 1 đám vô học muốn chứng tỏ uy quyền, áp bức người dân. Sáng hôm sau, tên Kiệm dẫn tôi ra “làm việc”. Nó ngồi và bắt đầu nắn nót viết 1 biên bản dài với đại ý: Tôi đã vi phạm pháp luật nhà nước vì đã bỏ ra về. Nó bắt tôi ký. Tôi cầm lên xem và viết ngay bên cạnh sự việc bắt tôi chờ mà không làm việc từ trưa đến chiều, tôi chưa ăn cơm chiều, nên tôi phải về và không vi phạm điều gì cả. Rồi tôi ký tên. Tên Kiệm cầm lên xem và xé bỏ. Sau đó nó nhốt tôi lại. Quãng 1 giờ sau, tôi được kêu lên với sự hiện diện của tên Trưởng phòng Công an và tên Kiệm. Tên Trưởng phòng Công an nói :

- Anh nói anh không vi phạm điều luật gì à ? Chính anh đã vi phạm điều luật số…ngày…về việc thành lập đồn Công an.

Rồi tôi bị tống giam. Sáng hôm sau, chúng thả tôi ra. Ngay tối hôm đó, khoảng 12 giờ, tôi đang ngủ thì nghe tiếng đập cửa và tiếng nói :

- Mở cửa để Công an xét hộ khẩu.

Cả nhà đều thức dậy, tôi ra mở cửa thì thấy lố nhố cả 6-7 tên Công an. Chúng bảo tôi lên đồn Công an có việc. Tôi thay áo quần, lấy thêm một miếng vải dày làm mền và đi theo chúng. Vợ tôi vẻ lo lắng ra mặt, các con tôi thì hoảng sợ. Tôi chỉ nói : “Đừng lo” và ra đi với chúng.

Chúng dẫn tôi đến phòng đợi đồn Công an và bỏ tôi ngồi một mình ở đó, rồi kéo lên cả tầng trên. Trong khi đó 1 con nữ Công an tên Sáu cầm cái ghế đẩu ra ngoài hiên trước ngồi làm bộ ngó lên trời mà thật ra để canh phòng lỡ tôi có chạy thoát thân. Quãng nửa giờ sau, tên Trưởng đồn Công an và 1 tên nữa quần áo chỉnh tề với đủ cả Quân hàm và nón, đi xuống, bắt tôi đứng dậy và đọc lệnh bắt khẩn cấp vì : “Tham gia trong Tổ chức phản động, âm mưu lật đổ Chính quyền Cách mạng”. Tôi nghe mà giận run người. Vừa được ra tù một thời gian, tôi chỉ mong kiếm việc làm để giúp vợ nuôi bầy con còn nhỏ. Bây giờ lại bị xô vào hoàn cảnh này ! Thật là “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Tên Trưởng đồn bắt tôi quay lưng lại và cột 2 ngón tay cái lại với nhau, xong giao cho 1 toán 2 người với súng ống “tận răng”, đưa qua trại giam số I gần đó. Khi đến nơi, tôi ngồi xệp xuống bậc thềm chờ đợi vì đã quá sức mệt mỏi và mất ngủ. Sau khi ghi tên tôi vào 1 cuốn sổ, đám Công an trại giam dẫn tôi đi vòng vèo đến 1 dãy cuối trại, rồi mở cửa ra : đây là nhà 5 biệt giam. Trong ánh sáng lờ mờ với 1 ngọn đèn điện cho toàn dãy, mùi mồ hôi, mùi xú uế nồng nặc xông ra cùng hơi nóng. Chúng mở dây cột tay tôi và đẩy tôi vào. Sau một hồi “điều tiết” đôi mắt trong tối tăm, tôi nhận ra một người đã có sẵn trong phòng. Ông này sau khi biết về tôi chút ít, lịch sự giúp tôi trải tấm vải ở phần dưới bục để nằm nghỉ. Tôi cố gắng để chân xa cái “bô” nhựa đựng tiêu tiểu.

Sáng hôm sau, tôi thấy phòng giam này rộng khoảng 2m x 2m có một cái cửa gỗ dày để ra vào với 1 lỗ nhỏ ở giữa để đưa thức ăn. Tường đằng sau có 1 khoảng nhỏ ở trên cao, khoảng 20 x 20cm với song sắt to. Khu giam này gồm 2 dãy phòng giam đâu mặt nhau với hành lang ở giữa. Cuối dãy giam bên trái của phòng tôi là các phòng biệt giam mà tù nhân bị còng, tiếng loảng xoảng kéo thanh sắt ra cho tù làm vệ sinh hằng ngày. Tôi thì không bị còng.

Mỗi buổi sáng, 1 anh tù gánh phần ăn sáng và dừng lại trước các phòng mở ngăn nhỏ và đưa vào đồ ăn gồm cơm độn khoai, sắn và 1 ít muối. Sau đó, 1 tên Công an tuần tự mở phòng để các tù nhân ra làm vệ sinh (tức là việc đổ phân và nước tiểu) rồi tắm, giặt nhanh và vào lại phòng. Buổi trưa và chiều, họ phát đồ ăn nhiều hơn một ít so với buổi sáng. Trời nóng, bên trong rất khó thở, tôi ngồi sát cửa để đưa mũi hít không khí hơi thoáng một chút nơi hành lang. Tôi bắt đâu vạch 1 gạch trên tường để biết mình bị giam bao nhiêu ngày từ đây. Tôi cũng cố gắng để cử động tay chân trong khoảng không gian chật hẹp, cầu nguyện và suy nghĩ, nhưng lòng rất buồn, nghĩ đến vợ con ở nhà gần chỗ mình bị giam quãng nửa cây số, lắng nghe tiếng sinh hoạt ở ngoài, tiếng gà gáy buổi sáng, tiếng xe cộ lao xao…

Nhiều lúc tôi đã khóc vì buồn cho thân phận. Sao lại ra nông nỗi này ? Trước đó đã có 2 người quen đến gặp tôi và rủ tôi, cho tôi đi vượt biên cùng họ, và chỉ mình tôi thôi, vì họ cần 1 người nói được tiếng Anh và săn sóc về Y tế ở trên ghe. Tôi nửa muốn ra đi nửa muốn ở lại. Sau cùng tôi không nhận lời vì họ chỉ cho một mình tôi đi và cũng vì lòng tôi e ngại lúc bấy giờ có nhiều cuộc gài bẫy của đám Việt cộng để bắt người, mình phải không tin ai hết trong một xã hội đấy bất trắc, đe dọa. Và tôi cũng nghĩ là nếu đi được, thì vợ con mình sẽ ra sao, làm sao sống nổi trong 1 xã hội đầy bất công, phân biệt…Tôi và vợ tôi làm việc mà còn thiếu thốn mọi bề, nếu còn lại 1 mình bả phải nuôi 4 đứa con, thì làm sao mà sống nỗi !

Chuyện bùa chú.

Tôi ở cùng phòng giam với 1 ông - tạm gọi tên X. - bị giam vì làm tài xế cho 1 chuyến vượt biên của Nha sĩ Phan Ngọc Cát (tôi sẽ kể sau). Ông cho tôi biết rằng trước năm 1975, ông là Cảnh sát trong toán cấp thẻ Căn cước của Đô thành Sài gòn, rồi bị ra tòa trong 1 vụ làm Căn cước giả nên đã ở tù (trước 1975). Khi Sài gòn đã mất, trong khi đi về thăm 1 bà vợ nhỏ ở tỉnh Vĩnh Long, ông thấy 1 xe Jeep đậu trước nhà với mấy lính V.C ra vào. Lúc đến nhà - căn nhà này ông đã mua cho bà vợ nhỏ - một sự việc mà ông ta không thể ngờ tới : “bà vợ” xuống xe cùng một tên V.C mà bà ta giới thiệu là chồng vừa từ vùng “giải phóng” về. Rồi bà ta gom tất cả quần áo của ông X. bỏ vào cái bao đưa cho ông ta, dặn đừng trở lại nữa. Bả cũng nói với ông chồng V.C : ông X. là người quen ở trọ trong nhà trước 1975. Sau đó ông X. sống 3-4 ngày ngoài đường, cứ mong ước gặp mặt bà vợ cũ để thỏa lòng mong nhớ. Một bữa kia ông X. gặp 1 ông già, vừa nhìn qua vẻ mặt của ông X., ông ta nói ngay :

- Anh bị mắc bùa rồi ! Nặng lắm. Tôi sẽ giải cho anh nếu anh muốn và theo tôi về nhà.

Ông X. theo ông già ấy về nhà. Sống tại đó 2 ngày. Đến ngày thứ 3, trước khi ông X. trở dậy, ông già nói :

- Sáng nay tôi sẽ giải bùa cho anh, anh không được bước xuống đất. Khi nào tôi nói làm gì, anh hãy làm theo.

Ông già ra ngoài sân sau giết 1 con dê con và lấy ít máu trộn với ít rượu trong 1 cái ly nhỏ. Rồi sau khi đọc bùa chú gì đó, ông già bưng vào cho ông X. uống ngay. Khi ông X. ngồi vào bàn, bất thình lình ông ta đấm 1 cái vào sau lưng ông X. Một lát sau ông X. cảm thấy ngứa họng và khạc ra một cục máu đen. Ông già cho biết ông X. đã được giải bùa nhưng không nhận tiền thù lao. Kể từ đó ông X. không còn cảm thấy vấn vương gì “người tình cũ” ở Vĩnh Long. Ông trở về Sài gòn.

Biệt giam.

Trong thời gian bị biệt giam ở nhà 5, họ đã bắt tôi viết kiểm điểm 4 lần. Mấy lần đầu, họ dẫn tôi ra 1 phòng bên trong để viết. Trong lần thứ 3, tôi thấy lạ là họ đưa tôi ra 1 phòng ngoài cùng gần đường đi, để tôi ngồi viết một mình. Chỗ tôi ngồi chỉ ngăn với đường cái bằng 1 sợi dây Concertina.Tôi nghĩ đây là 1 cái bẫy, nếu tôi muốn trốn họ sẽ bắt ngay, vì đã có người chờ sẵn 2 đầu, lúc đó tôi sẽ bị khép tội trốn trại trong khi bị bắt. Tôi vẫn khai việc tôi đã làm trong thời gian được thả về trừ việc gặp tên Trung sĩ Y tá Thanh. Lần thứ 4, họ mới nói đến câu : Anh đã gặp ai ? Có gặp tên Thanh không ? Tôi khai có gặp nhưng không nhận lời vào tổ chức của tên Thanh.

Sau 2 tháng ở trong trại biệt giam, tôi được chuyển ra nhà 7, là một nhà giam dài, 2 bên có 2 bục được xây cao lên để các tù nhân nằm, ngăn cách bằng một khoảng thấp, rộng khoảng 1m. Cửa là một cái khung bằng sắt đâm thẳng vào giữa phòng. Do đó đám cai tù tuy có vẻ đứng ngoài, nhưng họ đã ở giữa phòng và có thể quan sát suốt cả phòng. Cuối phòng có một cầu tiêu tiểu. Lúc tôi vào thì có một thanh niên người Chàm nghe nói bị bắt vì liên quan với tổ chức Fulro (Front unifié de liberation des races opprimées). Em này được giao nhiệm vụ phân chia chỗ nằm bằng 1 viên phấn vạch làm “ranh giới” cho các tù nhân mới đến. Tôi nằm sát với 1 ông tên Thông San, gốc người Sông Mao, can tội “đưa người vượt biên” (dẫn người đi vượt biên đi từ chỗ trốn này qua 1 chỗ khác). Vì chỗ quá chật, nên tôi phải nằm quay đầu lại với ông Thông trên 1 cái chiếu nhỏ rộng 80 cm do vợ tôi gởi vào. Và tại đây tôi đã gặp Nha sĩ Phan Ngọc Cát.

Chuyện vượt biên dài dài.

Lần đầu tiên mới gặp anh Cát, đó là một ngạc nhiên cho tôi. Anh rất cao lớn, râu rậm rạp, với một đám lông ở ngực, thêm 1 cái sẹo dài do lằn mổ ở bụng. Sau nhiều dịp nói chuyện tôi được biết anh Cát thuộc gia đình giàu có ở Sài gòn. Anh du học ở Pháp. Trong thời gian này, anh biết nhiều về Hòa đàm Paris năm 1972, có đôi lần anh gặp phái đoàn Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Nguyễn thị Bình, theo như anh kể lại. Ở Sài gòn, khi về lại Miền Nam, anh là cố vấn cho Nguyễn Cao Kỳ và rất rành về “đá gà”. Anh đã gặp tai nạn do mìn nổ dưới xe khi đi từ Vũng tàu về Sài gòn và đã được giáo sư Moulin mổ ở Bệnh viện Grall. Anh bị bắt vào trại tù số I Thuận Hải do 1 vụ vượt biên bị bể. Nguyên trước năm 1975, anh có 1 du thuyền bằng sắt và kẹt trong Club Nautique Saigonais. Sau khi lo tiền bạc để lấy ra, cho sửa chữa sau mấy năm nằm ụ, anh định đưa ra bờ biển Cà Ná để bốc người vượt biên. Đám người đi có nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở Sài gòn, ra chỗ hẹn bằng 1 xe hơi 50 chỗ do ông tài xế X. lái (đang nằm ở phòng 5 biệt giam - đã kể trên) và 1 xe nhỏ đi dò đường.

Trước đó anh ta phái một đàn em, nguyên tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, ra đón ở vùng đó. Anh này đi trước, ra đến bờ biển thì giả bộ đi tắm và trải khăn nằm nghe Radio để chờ tàu. Toán Công an Biên phòng đi tuần và bắt gặp. Sau khi tra hỏi, anh này khai hết nên cả 2 xe lớn, nhỏ chở người vượt biên bị tóm toàn bộ. Nghe nói số vàng họ đem theo rất nhiều và về sau đám cầm quyền ở Sài gòn ra, dẫn họ về Sài gòn, có lẽ tiếp tục “moi” tiền vàng để thả họ ra. Cả 3-4 anh khi được đưa từ trại I lên trại giam Huy Khiêm cùng với tôi về sau cũng được đám V.C ở Sài gòn ra đón về để “moi” tiếp. Trong lúc ở phòng 7 trại giam I, vào buổi trưa, tôi được thấy lại B.S Việt Cộng tên Huệ (đã kể ở trên) sau khi ra tòa với án tử hình, được cho tắm rửa bên cái giếng trước phòng 7 tôi bị giam, sau đó bị còng và dẫn vào phòng biệt giam.

Rồi một đêm, trong lúc tôi đang ở phòng 7, cả phòng thức dậy do cửa sắt mở để họ dẫn 1 đoàn 5-6 người vào. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy như dáng người Thượng, nhưng nói tiếng Việt. Sáng ra mới biết họ là toán vượt biên đi từ Long Xuyên. Qua câu chuyện kể, tôi biết được sự tình như sau : Lúc ra đi họ đem theo đồ ăn, nước uống đầy đủ. Nhưng trong 1 tuần, ghe bị chết máy, họ bị lạc và trôi dạt vào Hòn Khám (vì hình thù giống như 1 cái khám thờ, trên to, dưới nhỏ do bị sóng nước bào mòn) gần đảo Phú Quý (đảo Hòn) thuộc Bình Thuận cũ. Họ lên bờ ở đảo, đem theo nước và thức ăn. Nhưng những ngày đầu, không được tiên liệu trước, các cô các bà đã lấy nước ngọt rửa mặt. Sau một đêm mưa bão, tàu sát bờ bị đánh nát và chìm. Số nước và thức ăn hết dần. Tìm quanh không có nguồn nước, một toán người lần mò tìm ra con đường leo lên nóc của đảo Khám rất gian nan và nguy hiểm. Tại đây họ thấy rất nhiều chim và trứng. Họ giết được một số chim để ăn sống, lấy trứng và xé áo nối thành sợi dây đưa xuống cho các người ở dưới. Họ cũng tìm được 1 nơi có mạch nước nhỏ, phải đút 1 cây tăm vào và nằm ở đó mút từng giọt nước. Họ ở đó hơn 10 ngày, 1 số chết được quăng xác ra biển. Mọi người rất đói khát. May mà 1 chiếc ghe đánh cá đi ngang đó tấp lại và đưa họ về đảo Phú Quý và họ được chuyển vào trại giam I Thuận Hải. Trong toán này có 1 em nhỏ cỡ 12 tuổi, em này còn giữ được cặp mắt kiếng của ông cậu là 1 thầy giáo đã chết và quăng xác ở biển. Quãng nửa tháng sau, người nhà ở Long Xuyên xin cho về, và em ra về, đem theo cặp mắt kiếng ấy để thờ. Toán vượt biên này, sau bao nhiêu ngày đói khát, ở ngoài trời trên đảo Khám đã thành những người gần như dã nhân, đen thui, ốm nhom, da khô nhám, tiếng nói khào khào, trong đêm họ nhập trại. Sau 1 tháng họ cũng lấy lại sức phần nào, tuy với khẩu phần ít ỏi. Thời gian này, ông Thông Sang là người Tàu Sông Mao, vì quen ăn cháo nên 1 bữa xin ghi tên được ăn cháo. Quãng 3-4 ngày sau, 1 con mụ cán bộ y tế tên Tư khi thấy nhà bếp múc cháo cho ông Thông, bèn la lên: “Bệnh sao mà phát cháo nhiều vậy?”. Từ đó, mỗi ngày ông Sang chỉ được phát mỗi ngày 2 lần mỗi lần 2 chén cháo. Chịu không nổi cái đói nên ông Sang xin được ăn cơm lại, dẫu là cơm độn khoai lang, khoai mì.

Rồi một hôm trong giờ tắm rửa, tôi lại thấy anh Cảnh lững thững đi vào, “hành trang” là 1 gói nhỏ. Anh nhìn tôi cười buồn : Té ra, các Sĩ quan sau khi được thả ra, họ bị bắt lại gần hết trừ 1 người lái xe đường Phan Thiết - Sài gòn. Nguyên do là ngay cái đêm V.C “hốt” Sĩ quan vào trở lại, vợ anh ấy tức tốc nhảy xe vào Sài gòn và biểu anh ấy trốn luôn trong ấy. Đây là giai đoạn khủng bố trắng khi V.C xua quân qua Cao Miên. Và “thành tích” bắt giam người ở Thuận Hải cao hơn mọi nơi, được cờ luân lưu của Bộ Nội Vụ mấy năm liền. Từ đây, “Thuận Hải” là tên gọi do 5 tỉnh sát nhập lại : Lâm Đồng, Tuyên Đức, Minh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, nhưng dân chúng đặt cho 1 tên mới là : Tỉnh Kinh Hải. Sợ quá nên người ta tìm cách trốn chạy. Cả một làng Vĩnh Thủy, phần đông do người Bắc di cư năm 1954 đến ở, phần lớn đã đi vượt biên, 1 phần bị đưa đi Kinh Tế mới, số ít còn lại, họ bị đuổi đi chỗ khác. Rồi làng này trở thành 1 Trung tâm do Công an sinh sống để Huấn luyện về ngành Công an. Ở trong phòng 7 này, ngày nào cũng có đám người vượt biên bị bắt đưa vào. Nhưng có 1 câu chuyện vượt biên khá ly kỳ : Nguyên vùng Phú Thủy tôi ở có 1 ông tên “Năm Xe Ngựa”, khoảng 60 tuổi, sinh sống bằng cách chuyên chở người đi chợ bằng xe ngựa. Ông này gặp ai cũng dùng roi quất ngựa, chỉ mặt và la to: “Âm mưu vượt biên phải không ? Tôi báo Công an bắt bây giờ”. Ai cũng bực mình và một số người lo sợ vì thời gian này ai cũng muốn ra đi. Cây cột đèn có chân cũng muốn đi nữa mà ! Rồi một buổi xế chiều, bà vợ ông này gánh 1 gánh đồ ăn, có cả rượu, bia… đem vào đồn Công an gần đó, nói nhà có giỗ, nhà chật mà muốn anh em vui vẻ thoải mái ở đồn, muốn gia đình đền ơn các anh em Công an lúc nào cũng giúp đỡ gia đình bà, nên chồng bà biểu đem đến để chung vui với họ. Cả đám Công an nhậu suốt đêm, đến sáng khoảng 10 giờ, xóm đó mới đến báo cáo đồn Công an : nhà “Năm Xe Ngựa” đã vượt biên, bỏ lại căn nhà trống hoác.

Một vụ vượt biên khác xảy ra trước mắt đủ “Văn võ bá quan”, nhân ngày ra quân của Phường đánh cá, với cờ xí rợp trời, khẩu hiệu giăng đầy để mở màn cho 1 mùa đánh cá sau mùa giông bão ! Các ghe với bàn thờ, cờ xí giăng từ đầu đến cuối, con nít, người lớn lên ghe đi 1 vòng gần bờ, bỗng một chiếc ghe, ngay lúc đó tống hết gas chạy thẳng ra khơi, xịt khói đen mịt mù. Họ đã đem theo vợ con, đồ ăn, thức uống dự trữ và dông tuốt. Hai ba ngày sau cờ xí, bàn thờ với hình “Bác Hồ” trôi tấp vào bờ.

Tiếp đến là chuyện vượt biên ở Mũi Né. Một số người tổ chức làm đám cưới, có 2 xe đưa rước từ Sài gòn ra, có cả giấy phép của Nhà Nước. “Hành trang” của họ là mấy valise của cô dâu với quần áo mùng mền và những hộp quà. Quần áo đoàn đám cưới lượt là, đẹp đẽ. Họ giết bò, giết lợn ăn uống suốt đêm, có cả sự tham dự của đám quan chức nhỏ lớn của Mũi Né. Rồi ăn uống và say sưa “dô” tới tấp và gần như gục tại chỗ. Sáng ra, cả nhà vắng hoe. Đám quan chức, Công an lục xét thì thấy ở các lều làm nước mắm, các lỗ lù đã được rút ra, nước mắm chảy lênh láng.

Thật là tình cờ, ở trong trại I này, tôi được “tái ngộ” với Linh mục Đỗ Bá Ái. Nguyên trước năm 1975, khi còn làm việc ở Quảng trị, có vài dịp tôi dịp tôi đã gặp và quen với Linh mục Ái. Sau đó, khi đổi về Nam, tôi không hề gặp nữa. Bây giờ, lúc đi ra vệ sinh và đứng thở hít khí trời, tôi thấy 1 ông già mặt còn phương phi, nhưng tóc đã bạc hết, nói với tôi qua hàng rào sắt :

- Bác sĩ, nhớ tôi là ai không ?

Tôi không thể nhớ ra và đã trả lời :

- Dạ không.

Linh mục Ái nói :

- Tôi là Linh mục Đỗ Bá Ái đây.

Tôi thực mừng. Sau đó ông quăng qua hàng rào cho tôi 1 đồng (1 đồng mới = 500 đồng cũ). Tôi nói tôi đã có rồi, nhưng ông bảo gởi tôi để mua rau ăn thêm.

Âm thanh rùng rợn ban đêm :

Sống trong trại I, vì đã quá quen nên hễ nghe có tiếng động lạ là người tù biết có 1 cái gì đó đang xảy ra. Một hôm, quãng 3 giờ khuya, có tiếng động ồn ào từ khu nhà bếp đưa đến. Người tù nằm gần bên tôi thức giấc cho tôi hay : Họ sắp đưa đi bắn một người. Thật vậy, đám nhà bếp đã chuẩn bị nấu đồ ăn sáng từ giữa khuya. Sau đó, có tiếng kéo thanh sắt còng chân vang lên. Tù nhân bị còng tay lại và được dẫn đi. Họ được cho một phần ăn sáng (mà thực ra ai còn lòng dạ nào để ăn !) và một ly nước chè, đôi lúc được hút 1 điếu thuốc. Người tù bị tử hình được dẫn ra xe, ngồi giữa 1 đám công an đầy súng ống. Phía sau chiếc xe chở tù là 1 cái xe kéo (Remorque) chở cái hòm, để đựng... sau khi mang ra trường bắn. Từ đây, hễ mỗi khi nghe tiếng động do nhà bếp nấu cơm khuya và tiếng thanh sắt kéo qua cái còng trong đêm vắng là những tiếng động kinh khủng đối với tôi : một ai đó sắp bị tử thần lôi đi !

Sống trong nhà 7.

Thời gian này tôi rất khó chịu vì những cơn ngứa ngáy khắp người: đầu thì đầy chí, thân mình đầy ghẻ do bị lây người nằm gần. May mà vợ tôi đã tìm thuốc ghẻ và gởi vào cùng 1 cái lược dày, ngay khi tôi nhắn tin ra ngoài, nhờ vậy mới đỡ. Một buổi sáng, vào tháng thứ 3 trong tù, khi đánh răng, tôi thấy chảy máu răng. Biết là lượng Vit. C dự trữ trong người đã xuống thấp, tôi gởi tiền cho toán nhà bếp để mua 1 trái chanh. Khi đã có trái chanh trong tay, tôi xé và hít đến những tép nhỏ cuối cùng. Ngày hôm sau, chuyện chảy máu răng hết hẳn. Có những em tù hình sự đói quá vì khẩu phần quá ít so với tuổi đang lớn, phải lượm các vỏ chuối và nhai rau ráu. Có đứa được người nhà “thăm nuôi”, vừa mới đem vào ban sáng một giỏ lát nào xôi, bánh mì, bánh ú, đường, kẹo…đến tối là đớp nhẵn hết, trừ gói thuốc rê. Bụng căng phình, ngồi, nằm gì cũng không được. Về sau nghe lời người khác chỉ bảo, nó phải vào cầu tiêu móc họng để ói ra bớt. Có những thanh niên rất chai lì, không rõ bị tội gì thuộc hình sự, ban sáng vừa ra tòa, chiều về mặt bầm tím. Hỏi ra nó nói :

- Lúc ông tòa tuyên án 17 năm tù và cho nói lời chót, tôi nói : “Xin tòa cho thêm 3 năm nữa cho đủ 20 năm” !

Sau đó nó bị đám Công an lôi vô dần cho một trận. Tôi hỏi :

- Sao em gan vậy ?

Nó nói :

- Họ kêu bao nhiêu thì mặc họ. Còn tui khi nào thấy thuận tiện là dọt.

Trong phòng giam này, gần như 4/5 là tù vượt biên. Ai lớ ngớ ra Phan thiết mà không có giấy tờ cũng bị tống vào tù để xác minh giấy tờ lại. Ngoài ra, có một số ít thuộc tù hình sự. Lại có 1 tên Cán bộ Cộng sản, thuộc ngành Lâm nghiệp bị tù vì “cố ý làm sai nguyên tắc, gây thất thoát tài sản nhà nước” làm phòng Trưởng phòng 7.

Chuyển trại.

Ở trại giam này hơn 3 tháng thì tôi và một số người tù khác được kêu tên ngồi ra ngoài hiên giữa và sửa soạn đi trại khác. Lòng tôi thật buồn : nếu ở tù gần nhà, thỉnh thoảng vợ tôi còn vào thăm, cho biết tin nhà. Còn một khi bị chuyển đi xa rồi, thì việc thăm nuôi là một gánh nặng cho vợ tôi, chắc gì được vào thăm. Hơn 3 tháng xa nhà, tôi thấy trước mắt tương lai mù mịt, sau lưng là kỷ niệm sống ngắn ngủi với gia đình, tuy có vất vả nhưng cũng tạm ổn vì tôi và vợ đã lo cho các con không ngày nào phải bị đói, áo quần không đẹp nhưng không đến nỗi rách rưới. Bây giờ, chắc hẳn những ngày về sau sẽ là đầy những chuỗi ảm đạm, u buồn cho tôi và gia đình.

Cả đám tù nhân được dẫn ra xe, khoảng 40 người, bị chất lên 1 xe poid-lourd, loại xe để chở hàng hay trâu bò. Xung quanh xe bịt bùng, tấm bửng sau làm bằng song sắt kéo xuống, phủ ngoài bằng 1 tấm bạt. Một số người dòm xuyên qua mấy lỗ nhỏ, nói to lên : qua cầu Trần Hưng Đạo, qua rạp hát, đến ngã ba Chữ Y…Chiếc xe chạy thẳng tiến đến đường đi Bình Tuy; khi qua Căn cứ 6 rẽ trái, đường rất xấu, dằn xóc liên tục, và đến 4 giờ chiều thì ngừng lại trước cổng trại giam Huy Khiêm thuộc quận Đức Linh. Trời hơi mưa lắc rắc. Tôi nhìn bên kia đường, thấy một toán người tù chỉ mặc quần đùi, da đen mốc, thân thể ốm nhom, đang từ một con đường nhỏ tiến ra. Mấy người đi đầu vác 1 bó cuốc, các người sau tay xách lon “gô”, tay xách áo quần. Trời đang mưa nên họ được về sớm. Chúng tôi được dẫn vào lều dùng làm chỗ ngồi ăn. Đồ đạc mang theo được xếp lên các bàn (tức là những miếng gỗ kê lên 4 chân chôn xuống đất). Rồi cả chục tên công an áo vàng bắt đầu khám xét. Đám này là đám chuyên nghiệp nên mọi đồ ăn đều bị thọc, quậy xem có gì lạ, quần áo thì măn mo từng cái lai, cái cổ…Sau đó, chúng tôi được đưa vào 1 căn nhà dài, xây cao lên, mái ngói (mà về sau chúng tôi được biết toàn bộ gạch bloc, ngói, cây…đều do tù làm). Cửa sắt bên ngoài có 1 thanh gài kéo ngang và khóa lại bằng 1 ổ khóa. Trong phòng là 2 dãy sàn 2 bên, có 2 tầng. Từ tầng dưới, có 2 cái thang nhỏ để leo lên tầng trên. Tại đây tôi gặp lại một số anh em ở trong nhóm vượt biên của Nha sĩ Phan Ngọc Cát. Những căn nhà được xây chắc chắn như vậy lúc tôi mới lên lần lần được tăng thêm hơn 10 cái.

Các ngày sau, xong tiếng kẻng báo thức, các cửa sắt được mở và cơm nước được phát, sau khi tù nhân rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân. Cầu tiêu là một dãy nhà dài có thùng phân ở dưới. Một tù nhân có nhiệm vụ gánh phân này đổ xuống ao rau muống và sau này rau được cắt đem vào trại nấu cho tù ăn mỗi ngày. Toàn trại chỉ có 1 cái giếng nước thật rộng, cỡ 8m đường kính với hằng chục cái gàu đủ loại với sợi dây lòng thòng. Nước thì ri rỉ một ít dưới đáy. Ăn sáng xong thì tù nhân sắp hàng ngồi chờ, điểm số nhận công tác và ra cổng đi làm. Đi ngang cổng, có 1 vọng gác phải dở mũ ra chào, lúc về, ngang cổng, cũng phải làm như vậy. Hễ đi làm xa thì được phát phần cơm trưa, để ăn tại chỗ, ngồi đâu đó gần nơi là việc, đến chiều lại tiếp tục. Mỗi toán có 2 tên Công an, súng ống sẵn sàng đi kèm.

Gặp người quen.

Hai ba ngày sau, tôi gặp lại anh Giáo, một người ở gần xóm tôi. Anh chị ấy cùng đi dạy Tiểu học, vì nhà ở gần đường đi nên có làm 1 cái chái bán ít tạp hóa. Mỗi chiều anh hay chạy chiếc xe Lam đưa khách. Các con anh lúc rảnh thì chằm nón, chằm lá lợp nhà. Tôi hỏi anh sao lại bị bắt vào đây. Anh cho biết :

- Anh nghĩ coi, mấy hôm trước thằng Hoàng “dẹo” (vì chân có tật đi cà dẹo, làm phó ban An ninh phường) đến nhà tôi và nói tôi :

- “Anh nên tình nguyện xung phong đi Kinh Tế Mới đi. Tôi đến đây để động viên anh. Trên đó có đủ hết cả mọi thứ, nhà nước cấp nhà cho anh nè, rồi 6 tháng lương thực, lại còn có sẵn trường cho con cái anh, Bệnh viện nữa…” Tôi tức quá, giữ miệng không được nên đáp ngay : “Anh nên xem lại thân anh. Anh ở đây có công việc gì đâu, làm không đủ sống. Đi KTM tốt đẹp như vậy sao anh không tình nguyện xung phong đi đi ?!” Ba ngày sau thì tôi bị đưa vào tù và chuyển đến đây.

Tôi cũng gặp ông Hợi. Ông đã già, khoảng 60 tuổi, tóc muối nhiều hơn tiêu. Nguyên là người ở Phú Quý và trước 1975 làm Xã trưởng 1 trong 3 Xã ở đảo này. Ông có 1 giọng nói đặc biệt nên mỗi khi đi làm cùng đám hình sự trẻ, tụi nhỏ chọc ông cho ông chửi bằng giọng Phú Quý để cả bọn cùng cười thoải mái.

Ngoài ra, tôi cũng gặp 1 ông tàu, nguyên là Bang trưởng 1 trong 5 bang người Hoa Kiều ở Phan Thiết. Hồi đó, Bang trưởng có làm gì đâu ngoài mấy việc quan, hôn, tang, tế, nhưng cũng bị V.C bắt nhốt vào. Vê sau, tôi nghe nói khi ông được thả ra, đám V.C lại đến nhà biểu ông làm lại Bang trưởng. Ông đáp : “Hồi trước tôi làm Bang trưởng mấy ông nhốt tôi, bây giờ lại bắt tôi làm chức đó, tôi không làm đâu, dẫu cho vàng tôi cũng không làm. Nếu mấy ông có muốn thì bắn tôi ngay ở nhà này.” Đám V.C nghe xong vội rút lui.

Tôi còn nhớ trong trại có 2 em người Long Xuyên, tên Tr và M (2 em hiện ở VN, tôi không viết rõ tên, vì sợ bất tiện cho các em). Hai người này đã vượt biên và kẹt ở Đảo Hòn Khóm. Thỉnh thoảng họ nấu chè. Họ dùng 1 loại đường tên là Thốt lốt, cục đường tròn và dày màu vàng khác với loại đường tôi thường thấy có hình thuẫn. M mời tôi một miếng ăn thử : thật là ngon, ngọt, béo và thơm như Chocolat.

Ở trại này, trong lúc đi lao động, công việc của tôi là : làm cỏ mì, cỏ bắp, cấy lúa, về sau tôi được chuyển qua toán làm ngói.

Con chim lạ.

Có một thời gian mưa bão liên tiếp 3 ngày, sau đó toán làm cây bắt về một con bìm bịp nhỏ. Mới đầu, nó bị cột bằng một sợi dây, khi đã quen, mấy anh thả nó ra cho đi quanh quẩn. Nó đi cà nhắc. Một bên chân có dấu vết như 1 khúc “băng bột” màu đỏ. Con chim này đã bị bão thổi bay cùng cái tổ xuống dưới gốc cây và chim mẹ đã biết băng bột cho chim con. Trong dân gian có nói đến lại chim này biết chữa lành xương cho đồng loại, như trường hợp con chim mẹ này, khi chim con bị gãy chân.

Chuyển phòng.

Chúng tôi được cấp thức ăn sơ sài, nhất là sau khi chuyển qua 1 cái nhà khác xây thấp hơn, gồm số đông anh em Quân nhân. Có lúc họ phát bo bo, 1 thức ăn của súc vật. Bo bo phải được ngâm nhiều giờ trước khi nấu. Khi ăn, phải nhai kỹ vì vỏ rất dày. Đêm đến, khi nằm xuống, tôi thấy bụng từ từ căng lên, chịu không nổi, tôi phải ngồi dậy, ợ ra 1 cái cho hơi ra bớt họa may bụng mới xẹp bớt. Cả phòng, ai cũng bị như vậy nên nồng nặc mùi ợ chua lòm của bo bo. Tôi để ý quan sát và nhận thấy 1 chuyện cười… ra nước mắt : Buổi sáng, nhìn theo các thùng phân xuyên qua lớp vĩ sắt, hễ thấy phân xanh là biết người đó đã ăn rất nhiều rau; còn thấy phân trắng bóc là biết người đó hôm trước đi nhổ đậu phụng và ăn sống. Tôi cũng gặp lại anh Đỗ văn Minh, nguyên Bác sĩ trưởng Ty Y Tế Bình Tuy, đã cùng học khóa với tôi và đương phụ trách về Y tế của trại. Tôi thường gặp anh Nha sĩ Trung (Nha sĩ Thiếu tá), anh Cảnh. Cảm động và nhớ nhất là ngày anh Trung mời tôi với anh Cảnh đến ăn sáng : anh nấu 1 nồi cơm nhỏ, bới ra 3 chén, sau đó chan nước mắm có đường, chanh, tỏi và ít mỡ. Ngon quá xá, nhớ cả đời !

Dự án dẫn nước.

Trại tù nằm cách con sông khoảng 1 Km. Cứ vài ngày thì các toán được dẫn ra sông tắm. Mỗi khi như vậy thì người tù lội ra hơi sâu, cởi xà lỏn và vò giặt luôn cho sạch. Có 1 hôm một anh tù bị cá đớp “chim”, may không sứt, chỉ bị chảy máu vì các vết răng cắn !

Tổ “cấp dưỡng” (lo việc nấu ăn) ngoài 1 toán chỉ lo việc bếp núc, còn 1 toán khác gồm 10 người , mỗi ngày cứ mỗi người phụ trách gánh 20 đôi nước từ sông vào nhà bếp. Một hôm tôi thấy 1 hàng cây gỗ được chôn xuống, từ chỗ thấp ở trại cao dần, dẫn ra ngoài bờ sông. Mọi người xì xầm : nay mai sẽ có guồng nước dẫn từ sông vào trại ! Hai hàng cây này dẫn đi khoảng 2/3 đường mà chiều cao đã quá cao, hơn 6m. Nếu ra đến được sông, sẽ cao hơn nữa và guồng nước sẽ là 1 cái guồng với bánh xe có đường kính gấp 2 lần như vậy. Về sau cả dãy cây gỗ được gỡ đi, và không ai nghe nói gì về dự án “vĩ đại” đó cả !

Qua Tổ Y tế.

Một buổi chiều, khi toán tôi đi làm ngoài đồng về, tôi được ông Hồng (nghe nói nguyên Phó Tỉnh trưởng Bình Tuy 3-4 đời) đại diện tù nhân do Trại đặt ra, báo : tôi được chuyển qua tổ phục vụ. Cả tổ này ở một dãy nhà gần nhà bếp gồm các toán làm gỗ, làm vườn rau, nấu ăn và gánh nước, Y tế, lò đường…Tôi mới biết anh B.S Đỗ văn Minh đã được thả ra chiều hôm trước, và tôi phụ trách về Y tế. Toán Y tế này gồm 5 người : 3 người lo việc thuốc Nam, trong đó 2 người ra ngoài trại kiếm những cây thuốc Nam đem về, người ở lại lo chặt, phơi, sao, và mỗi ngày nấu ra 5 bình thuốc Nam, đựng trong 5 cái ấm bằng thiếc để tại nhà ăn, có dán “tên thuốc” ở mỗi bình để tự các người tù rót lấy uống tùy theo chứng bệnh. Toán này do anh Minh (can tội vượt biên, người Bắc) lo. Tôi có 1 phụ tá, gốc Quân y, xem bệnh và cho thuốc hay săn sóc vết thương. Thuốc men cũng chả có gì, toàn mấy thứ tầm bậy tầm bạ như Xuyên tâm liên, viên trị tả, vài thứ Vitamin với liều lượng quá thấp do các nhà bào chế XHCN sản xuất. Mỗi ngày, từ sáng tôi phải xem các người bệnh. Hai giờ sau tôi cũng phải vác cuốc ra đồng làm với anh em. Thời gian làm việc ở đây cũng có nhiều việc buồn cười hoặc thê thảm. Trại thấy mùa lạnh sắp đến nên để ngừa cúm, họ đã phát cho đám thuốc Nam 1 số tỏi, các anh ấy lấy giã ra, lọc lấy nước và buổi chiều trại viên khi đi làm về, tập họp lại để được nhỏ vào mũi vài giọt. Giống như gà gặp mùa toi. Rồi có lúc họ phát thuốc chích dịch tả. Tôi được lệnh chích dưới da cho mỗi người 0.1ml thuốc giống như hột bắp, không biết có tác dụng gì.

Một buổi chiều, nghe vang lên ngoài xa có nhiều tiếng súng nổ, sau đó khoảng nửa giờ các toán được dẫn về. Tôi nghe được một chuyện : có 3 thanh niên còn trẻ, gốc Tàu Chợ lớn chạy trốn và bị bắn ! Nguyên khi họ đến làm cỏ nơi vạt bắp chỉ cao quá đầu gối (bắp mới lớn, từ xa nhìn quá rõ), đã tìm cách trốn chạy, bọn Công an canh tù nhắm bắn như bắn bia. Một em chạy thoát. Một em chết và chôn gần đó. Em còn lại được khiêng về và họ bảo tôi : “Đến băng rồi để đó cho nó chết”. Khi tôi đến chỗ em nằm ngoài vòng rào trại, gần nơi ở của đám Công an, thấy một thanh niên mặt đã xanh tái, bị một vết thương xuyên phổi, máu ra rất nhiều, ướt đẫm cả cán khiêng, miệng thều thào : “Má ơi, em ơi !” Thật là quá tội nghiệp. Ở 1 Bệnh viên với những dụng cụ cần thiết tối thiểu, tôi nghĩ là tôi có thể cứu em : chỉ cần may vết thương, đặt 1 ống thông phổi, truyền máu là hi vọng hồi sinh…Nhưng khi tôi vừa băng bó xong, tên cán bộ V.C biểu tôi về, “để đó cho nó chết”. Thật là tàn nhẫn.

Qua tổ Y tế này, thằng Minh em vợ 1 Y tá Quân y nơi tôi làm việc thời trước, rủ tôi ăn cơm chung với cậu nó tên là Tất. Ông Tất này làm ở tổ rau nên thỉnh thoảng đem về một ít rau tươi kiếm được, gọi là “cải thiện”, bởi vì thức ăn ở trại không có gì ngoài chút ít cơm độn khoai, sắn và rau luộc được cắt như bằm cho heo ăn. Ông Tất này trước năm 1975 là Trung sĩ An ninh Quân đội. Một ngày nọ được kêu lên làm việc. Chiều về tôi hỏi chuyện và biết sự tình.

Trung úy V.C Thiết mộc Nhĩ.

Trong thời kỳ Tết Mậu Thân (1968) khi thanh toán bọn đặc công còn lại sau đợt phản công của Quân lực VNCH, ta có bắt được 1 Trung úy tên Thiết mộc Nhĩ. Sau khi khai thác, ta đã phá được nhiều tổ còn lại ở tỉnh Bình Thuận. Rồi tên Nhĩ này được trao trả cho phía Bắc Việt sau Hiệp ước Paris 1972. Sau 1975, tên này có lẽ bò lên một chức vụ lớn, đám V.C muốn biết tên này đã khai gì, vì các tổ đặc công của V.C nằm vùng đã bị tận diệt sau trận Mậu Thân. Một đoàn điều tra với máy ghi âm đến gặp ông Tất và lấy lời khai. Ông nói năm 1968 ông chỉ là Hạ sĩ, không giữ phòng khai thác mà Trưởng phòng là Trung úy Bính. Họ ghi âm lời khai của ông Tất và nhắn với ông Bính; ông này trước 1975 là Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng 1 Tiểu đoàn Địa phương quân của Tiểu khu Bình Thuận. Quãng 1 tháng sau, đoàn này trở lại, cho biết ông Bính khai không biết, không nhớ gì (ông này không thiệt !) rồi biểu ông này nhắc ông Bính chuyện cũ để ông Bính khai. Rồi cứ như thế, câu chuyện chưa biết ngã ngũ ra sao, cho đến khi tôi được thả ra mà ông Tất với cấp bậc Trung sĩ vẫn còn bị nhốt trong tù.

Bác sĩ đa tình.

Nhà giam của chúng tôi ở phần sau trại gần với nhà giam của tù nhân nữ. Đó là một nhà gỗ lợp tôn sơ sài. Tất cả quãng 20 người. Tôi nhớ có 1 chị quãng tuổi 30, bị tù vì tội vượt biên, án 6 năm tù do làm chủ mưu. Đặc biệt chị ấy có một cái mông và bụng rất to lớn. Nguyên trước chị ta là chủ một gian bán cá ở chợ. Sau gần 1 năm giam cầm với thức ăn “điều độ”, người chị trở nên teo tóp, mông và bụng biến mất ! Ở trại giam nữ này có nhiều thành phần : phản động, vượt biên, hình sự. Ngổ ngáo nhất trong đám hình sự là con Út Chôm. Tôi biết nó, vì cả gia đình nó từng “hành sự” vùng Bệnh viện Phan Thiết. Trước biến cố 1975, 1 thằng anh nó lấy 1 xe Jeep, treo cờ Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, cùng vài tên trong xóm lượm súng và lái vòng vòng phố cướp bóc nên đã bị Thiếu tá Hải, Xã trưởng xã đô thành bắn chết khi tái lập trật tự Thị xã. Ba nó phải mượn 1 cái xe kéo, bỏ nó lên và kéo về nhà chôn. Trong đám vượt biên, có 1 cô người Thanh Hải (1 xóm di cư của người Bắc di cư năm 1954, ở phường Phú Thủy) nước da trắng trẻo, nên 1 anh Bác sĩ - tạm gọi là B.S Y. - để ý (B.S Y. và B.S T. là hai anh em, tù vì tội vượt biên). Không biết có “làm ăn” gì được không, nhưng 2 bên thơ qua thơ lại và đám cán bộ bắt được 1 cái thư của “chàng” viết cho “nàng”, lời văn nồng nàn tha thiết. Kể từ đó, lá thư được đọc lên 2-3 lần vào buổi chiều. Ít ngày sau, trại nữ báo cho tôi biết cô “người trong mộng” của “chàng” nằm mê man, do uống thuốc độc (?) tự tử. Tôi không biết làm gì hơn (vì không thấy bị hôn mê nặng) là kêu mấy chị trong phòng bóp mũi, đổ nước bắt uống, sau đó móc họng cho mửa ra, và làm như vậy nhiều lần. Cô ấy về sau không chết, nhưng 2 mắt sưng húp không biết tại tôi móc họng hay do cô ta “ốt dột”, buồn và khóc.

Yêu nữ.

Một buổi tối, tôi được lệnh đi xem bệnh cũng ở nhà nữ. Một người bị đau bụng. Sau khi xem và không thấy gì nghiêm trọng, tôi chích 1 mũi Atropine. Con Út Chôm đứng gần đó nói, như để chọc tôi :

- Bác sĩ ở lại với tụi em đêm nay nghe !

Thiệt là hết chỗ nói. Tôi lửng lửng làm thinh đi coi như không nghe. Có lúc đám hình sự nam bên kia hàng rào, vì cách xa, nói cũng khó nghe nên bọn đó cầm 1 trái ớt giơ lên và kêu :

- Út Chôm, ăn c… không ?

Con Út Chôm bên này, có lẽ không nghe gì, chỉ thấy gật gật đầu. Cả bọn trẻ hình sự được 1 tràng cười thú vị.

Ở trại tù lâu ngày, rệp sinh sôi nẩy nở, ai cũng bứt rứt khó chịu, kêu ca với “ở trên”. Họ có cho xịt thuốc nhưng cũng không hết. Sau đó, có đề nghị gỡ các miếng ván làm dàn ngủ để xối nước sôi, từng đàn rệp đen thui chết, trôi tuột xuống. Thật là ghê rợn !

Thăm nuôi.

Trong gần 3 năm ở trại tù này, tôi đã được thăm nuôi 3 lần. Qua những thư gởi về, tôi chưa bao giờ nói về việc vợ tôi phải mang lên gì nhiều cho tôi, chỉ xin một ít đường đậu vì quá thèm ngọt, do phải lao động nhiều và một ít thuốc rê để hút cho đỡ buồn. Tôi vẫn biết vợ tôi với việc được lưu dụng trong trường, lương tiền không bao nhiêu khi 4 con đang lớn phải đi học, nhiều nhu cầu là 1 gánh nặng ghê gớm. Những ngày tôi ở ngoài còn gánh bớt 1 phần, nay chỉ mình vợ tôi lo toan tất cả. Thật là tội nghiệp cho vợ tôi cũng như cho các bà vợ có chồng bị tù tội dưới chế độ nghiệt ngã XHCN, đầy căm thù và phân biệt.

Thế rồi một buổi sáng, thật là bất ngờ, tôi được kêu tên ra thăm nuôi. Nhà thăm nuôi ở ngoài ngõ, bên kia đường trại tù. Tôi đi ra thì thấy vợ tôi cùng đứa con trai lớn đang đón tôi. Vợ con tôi đều xanh, ốm, vẻ mặt buồn thiu. Con tôi có cao lên một chút, nó bận một cái áo trắng cũ đã chật, ở túi có bảng tên trường học. Cái quần xanh đã cũ, rách và được vá ở gối, lai quần cao quá mắt cá. Tôi nhìn mà thấy lòng buồn thảm. Chúng tôi đứng đối diện nhau, giỏ đồ thăm nuôi ở giữa, đầu hàng là 3-4 tên Công an chăm chăm quan sát. Tôi không nói chi nhiều, chỉ nhắn vợ tôi gắng lo cho các con. Vợ tôi thì cho biết nhà vẫn bình thường (?) và nói tôi nhớ giữ gìn sức khỏe.

Năm sáu tháng sau, tôi được kêu ra nhận 1 giỏ lát thăm nuôi do vợ tôi gởi lên. Khoảng 6 - 7 tháng trước khi được thả về, tôi được đứa em trai, đi xe Honda lên thăm với 1 giỏ lát thăm nuôi. Tôi và nó không nói chi nhiều. Chỉ nhìn ánh mắt nó, tôi nghĩ nó rất buồn vì có lẽ nghe tin đồn rằng sở dĩ tôi bị tù trở lại vì tham gia tổ chức phục quốc. Tôi chỉ nói tôi vẫn mạnh khỏe cho nó yên lòng, sau đó cám ơn rồi vào lại trại.

Thật lắm tội.

Lúc tôi bị bắt, đám V.C loan tin tôi bị bắt vì đủ thứ tội : Thứ nhất là vì tôi ở trong tổ chức Phục quốc, âm mưu lật đổ chính quyền Cách mạng. Thời gian sau đó, trong 1 buổi họp ở Bệnh viện Phan Thiết, tên Trưởng Bệnh viện còn nói tôi muốn lật đổ để làm Bệnh viện Trưởng. Sau khi tôi bị bắt 1 ngày - về sau vợ tôi cho biết – 1 đám Công an đến nhà đọc “Lệnh xét nhà” và lục tung tất cả đồ đạc, lấy đi các ảnh tôi chụp với các Bác sĩ Hoa Kỳ lúc làm ở Bệnh viện Quảng Trị, lấy luôn các giấy vợ tôi vẽ đường dẫn đến nhà các em học sinh trong lớp chủ nhiệm, rồi phao lên tôi bị giam vì là 1 nhân viên CIA. Thật là buồn vì hơn 15 năm ở Hoa Kỳ, không một ai ở cơ quan CIA đến hỏi thăm ! Rồi khi được thả ra về Long Xuyên (lúc ấy vợ tôi đã về L.X rồi để sống gần với cha mẹ) có một ông nhà giáo hỏi tôi có phải ở trong tổ chức FULRO không. Tôi phải giải nghĩa chữ ấy do viết tắt của những chữ “Front unifié de libération des races opprimées”, tổ chức này do người Thượng dẫn đầu, phần tôi hoàn toàn không biết gì.

Thật là lắm tội !

Gần ngày Tết thì tù nhân được cho thêm một ít thịt và xôi. Tết năm cuối (trước khi tôi được thả) trại hạ 1 con trâu để cho toàn trại mấy ngàn người ăn. Mỗi phần ăn buổi chiều đó có 2 miếng thịt vừa bằng 2 ngón tay út.

Phục vụ Y tế cho Cán bộ : một mới lạ !

Cũng trong thời gian này, có 2 chuyện làm tôi luôn canh cánh bên lòng. Một buổi chiều khi toán lao động bên ngoài về trại, tôi được 1 tên vệ binh (?) đến kêu đỡ đẻ cho vợ y. Tôi vội vơ lấy những gì có được: chai Alcool, cây kéo, cái kẹp (pince), vài cuộn băng và cùng 1 anh y tá phụ theo y đến 1 cái nhà bên ngoài trại. Nhà tranh vách đất lụp xụp. Tôi vội nói anh ta múc nước cho tôi rửa tay. Sau khi thoa Alcool 2 bàn tay, và nói vọng cho y nấu giùm 1 ấm nước, tôi khám và đỡ đẻ cho vợ y. Chưa bao giờ tôi xem xét cái nhau kỹ như lần này vì nếu mà sót nhau, thế nào cái mạng của tôi cũng bị lâm nguy. Tôi dùng nước ấm tắm em bé, cột và cắt rốn, mặc quần áo cho em bé. Trong khi ấy, trên bàn phía bên kia, cán bộ V.C đã dọn cơm cho chúng tôi ăn. Lần đầu tiên, 2 thầy trò trong 3 năm được ăn 1 bữa cơm không độn, với 1 dĩa thịt gà kho. Rồi 3-4 ngày sau tôi phải tìm tên V.C đó hỏi thăm vợ y có sốt không. Gần một tuần tôi mới hết lo.

Chiều về chầm chậm trong một ngày, tôi đang bước ra để về phòng thì anh y tá phụ đến nói tôi đi xem bệnh 1 Sĩ quan Công an. Tôi đến nơi thì anh ta không có mặt, định hỏi thăm thì thấy anh đang đi vào, cho biết vừa tắm dưới sông lên. Tôi khám và thấy bình thường, không có sốt (vì đã đi tắm được) còn răng anh ta chỉ hơi rớm máu. Tôi cho là thiếu Vit. C, mà trại không có Vit. C nên tôi nói anh y tá chích 1 mũi Vit. K và hẹn hôm sau đến xem lại. Sáng hôm sau, tôi và anh Y tá ra đến cổng, báo cáo đi gặp Đại úy Dũng (tức tên “người bệnh” vừa kể) để xem bệnh, tên gác cổng nạt : “Đi vào !” Chúng tôi phải “chấp hành”. Ngày hôm sau, nghe nói là anh ta đã đi về Phan Thiết để khám bệnh. Rồi họ cho biết đang nằm ở Bệnh viện, tình trạng cũng bình thường. Khoảng chục ngày sau, tôi thấy 1 xe GMC với bà vợ anh ta ngồi đằng sau khóc lóc thảm thiết. Ai đó cho biết Đại úy Dũng đã chết ở Bệnh viện. Tự nhiên, tôi hơi lo lo, nhưng sau tôi nghĩ mình không làm gì sai trái trong thời gian qua nên cũng tạm yên tâm.

Những ngày trước khi được thả về.

Hôm sau thì tôi được lệnh trở về lại toán lao động, và anh B.S Y qua thay tôi phụ trách Y tế của trại. Tại đây tôi đã bị 1 cơn đau bụng kinh khủng. Tôi phải ngồi gập như 1 tín đồ Hồi giáo và được chích 1 mũi Atropine. Sau đó, tôi đi tiểu ra máu. May mà trong túi xách tôi còn 1 ít Ampicilline - uống đã cứu tôi ! Sự tiểu ra máu kéo dài vài ngày rồi bỗng 1 đêm, sau 1 cơn đau dữ đội, tôi đi tiểu văng ra 1 hột sạn nhỏ. Chỉ ít ngày sau, tôi bình phục, nhưng vẫn còn yếu. Họ chuyển tôi qua toán đan đát. Toán này chuyên làm những cái giỏ bằng tre để đem ra ngoài bán (?). Trong thời gian 10 phút nghỉ nửa buổi, các anh khác vẫn “tranh thủ” làm để thi đua, còn tôi đánh ván cờ với 1 người khác thì 1 tên Công an đến và phán :

- Ai cũng đang làm mà sao anh lại đánh cờ ?

Tôi đáp :

- Bây giờ là giờ nghỉ.

Sau đó tiếng kẻng vang lên báo giờ làm lại. Tôi nói ngay :

- Tiếng kẻng đó báo giờ làm trở lại. Còn mấy anh ấy không muốn nghỉ là để thi đua.

Xung quanh ai nấy lặng im, không ai dám nói lên một lời vì quá sợ. Kết quả của sự đối đáp này là tôi “được” tống vô xà lim với 2 chân bị còng. Nằm trong xà lim, thật là uất ức, vì bọn chúng muốn hành hạ tù nhân cách nào cũng tùy thích. Quãng đêm xuống thì chúng mở còng và bảo tôi về phòng.

Độ một tháng sau thì tôi được thả về. Trời đã quá chiều, đường từ trại tù đến bến xe cũng trên 3 Km, tôi không thể đáp xe về Phan Thiết hay ra Quốc lộ 1 nên tôi phải ngủ lại ở phòng dành cho thăm nuôi. Hôm sau, khi nhìn lại tấm bảng với hàng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trước cổng trại giam, tôi thầm nghĩ : mình đang rời khỏi 1 nhà tù nhỏ và đang đi đến 1 nhà tù bao la với 1 tương lai bất định.


B.S Lê Bá Dũng
1/2008