PDA

View Full Version : Pleiku đất đỏ



Longhai
05-29-2015, 09:22 PM
Pleiku đất đỏ


Tôn Nữ Thu Nga


Trong trí nhớ của tôi, Pleiku là một Thành phố đất đỏ, mưa lạnh và những người mẹ Ra Ðê đeo gùi hoặc cõng con trên đường ra chợ. Pleiku là mùi dầu nóng mẹ xức lên ngực tôi dưới mấy lần áo nỉ. Pleiku là chốn rừng xanh ngút ngàn thông và những con cọp đêm đêm lảng vảng trong cánh rừng sau nhà, tiếng cọp gầm văng vẳng trong màn đêm u tịch và huyền bí.

Sau mấy năm ở Huế, năm 1958 ba tôi đổi về làm Quận trưởng quận Lệ Trung, ông dẫn gia đình nhỏ của mình gồm có mẹ tôi, bà Vú, hai chị em tôi và vài cô giúp việc lên miền Cao nguyên. Họ hàng và người trong làng ngoài Huế lại thêm một lần xuýt xoa lo sợ cho chúng tôi vì đối với họ : Pleiku là chốn hùm thiêng, nước độc, ma Cà Rồng và mọi rợ đầy dẫy.

Ba tôi là người can đảm lắm, khi còn trẻ, ông chu du khắp miền Việt Bắc vì ông thích nhiếp ảnh và du lịch. Lập gia đình được một năm, lúc tôi vừa ra đời thì đất nước chia đôi, ông từ chối Chủ nghĩa Cộng sản, trốn chạy về miền Tự do. Vì thế, ông không còn sợ gì nữa nhờ những kinh nghiệm gặt hái trong tuổi thanh niên của mình.

Từ ngày dọn lên Pleiku, bà vú bận bịu sắp đặt nhà cửa, phân phối công việc cho hai cô giúp việc, thêm phần săn sóc hai đứa trẻ và cả mẹ tôi. Mẹ tôi người ốm yếu, dễ đau bệnh và đang thai nghén nên lúc nào cũng nằm trên giường. Bà vú phải nấu sâm nhung, cao hổ cốt, ép nước thịt cho mẹ tẩm bổ hoài. Thỉnh thoảng có người đi săn về, ghé bán gạc nai cho mẹ, tôi thích lấy ngón tay vuốt ve những cái sừng nai non, lông tơ vàng nâu mượt như nhung.

Bà Vú dùng mấy cái sừng nai nấu thành một chất nhựa dẻo, màu nâu như mạch nha cho mẹ dùng hàng ngày. Tôi tưởng ngon, lấy chiếc đũa vích một chút để ăn vụng thì ra nó nhạt nhẽo và dở ẹt.

Căn nhà của chúng tôi nằm trên một cái sân rộng, phía sau nhà là bìa rừng. Từ ngoài đường nhìn vào, bên phải là dãy văn phòng Quận, bên tay trái là trại gia binh, những người lính trong trại này là những người có nhiệm vụ bảo vệ, canh gác cho khu vực chúng tôi, Văn phòng của ba tôi và dinh Tỉnh Trưởng.

Hàng ngày, từ hàng hiên, tôi ngóng nhìn qua trại lính, thấy các bà vợ lính phơi áo quần, giặt giũ, nấu nướng, đốt rác... những đứa trẻ bên ấy chơi đùa rất vui, nhưng bà vú không bao giờ cho tôi ra nhập cuộc vì thế tôi không có bạn bè gì cả. Em Dung tôi mới vừa hai tuổi, cả ngày chỉ được chơi lẩn quẩn trong nhà với mẹ. Pleiku trong những năm ấy còn hoang vắng lắm, nhìn quanh toàn là rừng xanh và đất đỏ, cây muồng, cây thông cao ngất trời. Trên mảnh đất trơ trọi trong sân quận, chẳng có gì đẹp đẽ, trước sân nhà chỉ có một đám cỏ dại thật cao. Mỗi chiều, sau khi tắm gội, vì tóc còn ướt bà vú che cái khăn dài lướt thướt trên vai tôi, tôi ra đám cỏ đi dạo loanh quanh một mình, giả bộ làm nàng công chúa đi dạo trong vườn thượng uyển. Nàng công chúa nhỏ lúc ấy có những giấc mơ và hình ảnh gì trong tâm trí tôi không còn nhớ nữa, nhưng chắc là trong giấc mơ của cô có những đứa trẻ khác đến chơi đùa với mình.

Là con gái cưng của ba mẹ và bà vú nên tôi vòi vĩnh đủ điều. Ba thấy tôi buồn, dẫn ra phố mua cho con búp bê tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Một con búp bê nhập cảng rất đắt tiền mà mẹ tôi bảo rằng chưa có đứa con gái nào ở Pleiku có cả. Thế nhưng tôi cũng không chơi với búp bê, tôi lẩn quẩn đi theo bà vú và các cô người làm, xem họ nấu ăn, nghe họ kể chuyện ma cà rồng, chuyện cọp bắt người. Ma cà rồng thì tôi sợ lắm nhưng cọp thì tôi không sợ nhiều vì tôi thấy hoài. Ba tôi thích săn bắn nên ông thường tổ chức các cuộc đi săn và hay dẫn tôi theo. Tôi được giao cho một người đàn ông Ra Ðê bảo vệ, Ông ta để tôi ngồi trên cổ và nhắc cho tôi cúi rạp mình khi đi qua dưới các cành cây thấp. Có lần tôi thấy con cọp nhảy qua suối nước, tôi kêu lên thì nó đã chạy mất dạng. Lần khác, ba tôi đem về một con cọp đã chết, nằm dài sau thùng xe Land Rover. Chú tài xế nâng tôi lên để tôi vuốt ve con cọp, nó nằm hiền lành như đang ngủ. Mẹ tôi tin rằng nếu ăn thịt cọp thì sẽ được trở nên can đảm, dũng mãnh như cọp nên bà đã cho chúng tôi ăn một chút thịt cọp bằng cách phỉnh gạt tôi rằng đó là thịt bò.

Cạnh trường Mẫu giáo tôi học, có một cánh đồng cỏ trống, lưa thưa vài cây đại thụ. Dưới tàng cây là chỗ thợ săn mổ cọp để lấy da. Bọn trẻ con chúng tôi tò mò chạy ra xem. Mùi cọp rất hôi thối khi bị mổ bụng, mùi hôi thối đó đuổi chúng tôi chạy trở về trường học, chả cần đợi mấy ông thợ săn la hét gì cả.

Năm ấy, đứa em trai đầu tiên của tôi ra đời, tôi không nhớ rằng mẹ tôi có thai, tôi chỉ nhớ ngày sanh em vì mẹ tôi sanh nó ở nhà, trong căn buồng nhỏ có tấm màn che khung cửa ra vào. Hôm ấy, tôi không được ai ngó ngàng đếm xỉa gì cả, vì ai cũng bận rộn với mẹ. Tôi ngồi ngoài hiên sau nhà, nhìn cây bông gòn đang trổ hoa và nhìn đám rừng xanh ngắt mênh mông xa xa. Cây bông gòn có nhiều trái khô, bụ bẫm nứt nẻ, phô ra ngoài đám bông tơ trắng xóa. Những ngày trời có gió là những ngày vui nhất của chúng tôi vì các bông gòn rơi xuống bay bay trong sân gạch, chúng tôi chạy đuổi theo những chùm gòn để dành cho mẹ nhồi gối. Ban đêm, khi ăn tối xong, cả nhà xúm lại nhặt hột gòn, để lại nhúm bông gòn mềm mại và mẹ may cho mỗi người một cái gối bông. Ba tôi thì được thêm một cái gối ôm tròn và dài mà chúng tôi hay giành nhau làm ngựa để cưỡi.

Ngồi mãi không thấy bông rụng, tôi lững thững vào nhà tìm mẹ, thấy đông người chộn rộn trong căn phòng nhỏ, tôi lẻn vào xem. Tôi không nhớ mình thấy được điều gì, nhưng những tháng ngày sau đó, tôi thường nắm tấm màn che cửa, xoắn tròn lại và khoe với mọi người rằng đó là cái cuống rún của em tôi. Ba tôi đặt tên ở nhà cho em là Ðoan Dương vì nó sinh vào ngày mồng Năm, tháng năm Âm lịch.

Năm 1959, tôi học lớp Mẫu giáo cạnh nhà thờ chính tòa, ngôi Thánh đường cũ xưa, màu đá xám. Tôi đi học mà chỉ mong cho tới giờ ra chơi. Mỗi ngày tôi hay cùng các bạn leo trèo quanh những bậc cấp hoặc các cột đá bên vách nhà thờ, chạy đuổi bắt, tập nhảy dây, chơi lò cò và cút bắt. Tôi ham chơi hơn ham học, biết vậy, ba tôi mướn thầy giáo đến nhà dạy kèm. Ðối với tôi đó là một cực hình ghê gớm trong hai giờ mỗi buổi chiều trong tuần

Mỗi buổi sáng, mẹ sửa soạn cho tôi đi học, mẹ thắt tóc tôi thành hai cái đuôi sam, xoa đầu nóng trên lưng trên ngực, mang vớ, mặc áo nỉ, áo mưa rồi tôi được cô giúp việc nắm tay dắt lên trường học. Ðường tôi đi học là con đường đất đỏ, hai bên rừng cây cao ngất đối với một đứa trẻ mới vừa năm tuổi. Trên đường thỉnh thoảng có người đi xe đạp, phần nhiều là trẻ con đi bộ cùng với những người Thượng quẩy gùi ra chợ. Trong gùi của họ đầy măng non, rau cải, bầu bí, mấy trái mít thơm tho và trái bầu khô đựng nước uống.

Ðàn ông Thượng chỉ mặc có cái khố, đeo cung tên trên vai vì thuở ấy họ chưa có súng ngựa trời như hiện tại. Ðàn bà đèo con nhỏ sau lưng, tay dẫn mấy đứa lớn hơn, cũng mang gùi như mẹ chúng. Họ mặc váy màu đen, áo che ngực, chân tay đeo kiềng đồng. Lũ bé con cũng đeo vòng ở cổ chân. Một hôm có người cho tôi một chiếc kiềng đồng, tôi đeo về nhà thì bà Vú tỏ ra sợ hãi lắm. Bà cho rằng tôi sẽ bị thư yểm bởi người Thượng nên bà lấy mất. Mấy cô giúp việc bảo tôi rằng mấy bà Thượng mặc váy để dễ đi tè, họ còn dang chân biểu diễn cách đi tè của đàn bà Thượng rồi cười khúc khích. Tôi chưa thấy bà Thượng nào đi tè ngoài chợ cả. Vả lại có làm như vậy cũng là chuyện thường tình. Muốn tìm ra cầu tiêu ở Việt Nam bây giờ cũng còn khó khăn huống chi chuyện năm mươi năm xưa !

Khi các Quân nhân bắt đầu ra cầm giữ các chức vụ Hành chánh thì cũng là lúc ba tôi được thuyên chuyển về Nha Trang. Người Quận trưởng mới về thay thế ba là chú Tôn Thất Việt Hùng. Chú thím hay qua nhà thăm viếng ba mẹ tôi. Tôi chỉ nhớ là chú rất oai trong bộ áo trận và thím là một người đàn bà thật sang và đẹp. Trong giai đoạn chờ đợi giấy thuyên chuyển, ba tôi thuê một căn nhà ngay trước chợ. Nhà này nằm cạnh tiệm chạp phô bán sỉ cho các bạn hàng, trước tiệm có sân rộng tráng xi măng, chủ dùng để phơi mè, phơi đậu.

Dạo ấy ba tôi đang gây giống chó Berger, nguyên một gian phòng trống chỉ dành cho con chó cái, chị ta mới cho ra đời một bầy chó con, mắt chưa mở, bò lúc ngúc quanh con chó mẹ. Con chó cái hung dữ lắm, chỉ nghe lời ba tôi thôi, nên hàng ngày ba tôi phải mang thức ăn vào cho nó, mấy người làm ai cũng sợ bị chó cắn. Lũ trẻ con chúng tôi cũng chỉ lấp ló nhìn bọn chó con, xuýt xoa thèm muốn nhưng không đứa nào được đụng vào lũ chó quý của ba. Mỗi buổi sáng, bốn đứa trẻ con được ăn mỗi đứa một cái trứng gà luộc và uống một cốc sữa thì mỗi con chó con cũng được ăn một trái trứng gà sống trộn sữa. Chú Hùng nói đùa rằng : “Anh thật là công bằng, nuôi chó cũng giống như nuôi con”.

Khi chó lớn lên khoảng mấy tháng thì bạn bè của ba đến nhà xin về nuôi và dạy chúng nó giữ nhà. Ba chỉ giữ lại hai con chó đen tuyền cho mình. Ba cho tôi đặt tên cho chúng, Tôi gọi con chó đực là Kiki và con chó cái là Mimi, mẹ chúng nó tên là con Lou Lou. Tôi thích con Mimi vì nó mập mạp và hiền từ lắm. Tôi hay ôm ấp và chơi với nó; con Kiki dữ tợn và hay chạy theo chúng tôi trong lúc chơi đùa, có khi nó đẩy chúng tôi té trầy cả đầu gối.

Bây giờ ba mẹ có hai gái, hai trai, bà Vú già và hai cô người làm, hai con chó cái, một con chó đực. Vì ở ngay trước chợ nên bà Vú bảo vệ chúng tôi và các con chó một cách thận trọng. Bà sợ rằng nơi thị tứ, kẻ đi qua người đi lại, chúng tôi sẽ bị bắt cóc mất. Khi bà đi chợ, tôi hay đòi theo, bà nắm tay tôi thật chặt và không cho tôi đến gần mấy người thượng vì sợ “mọi ếm”, hoặc giả bà chỉ dọa tôi vì không muốn tôi chạy lăng quăng rồi đi lạc. Tánh tôi lơ đãng lắm, có lần trong học bạ bị cô phê: “Thông minh nhưng lơ đãng”. Tôi không đồng ý chút nào vì lời phê ấy, tôi cực kỳ tò mò và hay suy nghĩ vẩn vơ những gì tôi thích và cần biết; khác một cái là điều tôi thích và cần biết ấy nó không nằm trong qui luật của trường học, gia đình và xã hội đặt ra.

Với vấn đề trên, tôi nhớ đến câu chuyện vài năm trước. Khi mới lên Pleiku được mấy tháng, có người nhân viên trong Quận đem tới nhà một cô người Thượng chừng 16 tuổi, cùng tuổi với mấy cô giữ trẻ trong nhà. Ba mẹ đồng ý nuôi cô, trả lương tháng, dạy cho cô cách sống của người Việt. Mẹ và bà Vú dạy cô cách ăn uống, tắm rửa, may cho cô mấy bộ áo quần mới kiểu người Việt để giúp cô được hội nhập vào xã hội mới nhanh chóng hơn. Sau một tuần, cô bỏ nhà, chạy trốn về bản Thượng. Bà vú bảo tôi rằng : “Nó không thích mặc quần nên không muốn ở với người Kinh”. Ngày còn bé, tôi tin tất cả mọi lời bà Vú dạy. Bây giờ tôi nhận ra rằng : cô bé ấy nhớ rừng, nhớ bản, nhớ mấy con heo, con gà, nhớ bếp lửa rơm, nhớ hũ rượu cần, nhớ những sườn đồi mây phủ, nhớ mùi hương của lá của hoa sau cơn mưa rừng dào dạt... ngàn nỗi nhớ như vậy, làm sao cô cam lòng khi bị giam hãm chốn thị thành.

Tôi có một con bạn láng giềng tên là Huê, nhà nó ở ngay sau căn nhà chúng tôi đang thuê, hai đứa trạc tuổi nhau. Mùa hè chơi lúc rúc suốt ngày, khi tại nhà tôi, lúc qua nhà nó. Mỗi khi mẹ nó hoặc bà vú ghé miệng qua hàng rào réo tên đứa này hoặc đứa kia để sai vặt hoặc về ăn cơm trưa, cơm chiều chúng tôi mới chịu rời nhau. Tôi thích qua nhà con Huê hơn là ở nhà mình, vì ba mẹ con Huê ít khi có nhà. Nếu chơi ở nhà tôi, bà Vú hay nhòm ngó và mấy đứa em tôi theo khuấy phá không chịu nổi. Nhà con Huê nghèo lắm, không có giường ngủ, cả nhà ngủ trên mấy chiếc chiếu trải dưới sàn xi măng và mùng giăng theo mấy sợi dây thả từ mấy cái kèo trên trần nhà. Khi ăn cơm, cả nhà ngồi quây quần dưới đất, quanh cái mâm. Tuy vậy nhà Huê rất sạch sẽ, sàn xi măng láng bóng và mát rượi, có nhiều lúc buồn ngủ, tôi nằm thiếp đi trên sàn nhà. Tuy vậy tôi không thích mẹ con Huê lắm vì bà ấy hay gọi xách mé tôi là “con nhà giàu”. Ba chữ này dày vò tâm trí tôi và làm tôi mang mặc cảm của người tội phạm. Dần dà tôi không qua nhà con Huê nữa, nó cũng không qua nhà tôi vì sợ bị chó cắn và bị bà Vú la chuyện dụ dỗ tôi đi ăn trộm mè. Hai đứa ngồi chơi búp bê, làm bánh đất sét, trao đổi đồ chơi... hai bên hàng rào, cho tới khi ba mẹ tôi dọn nhà về Nha Trang cuối mùa Hè năm ấy.

Tôi hoàn toàn không nhớ chuyến dọn nhà về Nha Trang. Trí tưởng tôi bị chận đứng và vùi lấp một khoảng thời gian. Có thể sự đổi dời đã cho tôi một kinh nghiệm đau thương nào đó. Tôi chỉ nhớ các nhân viên Quận, các bạn bè của ba mẹ, xoa đầu mấy bọn trẻ con và xuýt xoa :

- Sướng hỉ, về Nha Trang ngày mô cũng được ăn cá tươi!

Lạ thật, ăn cá thì có chi là sung sướng chớ ? Ðối với tôi, đi săn cọp, săn nai và ăn thịt nai khô nướng trên lửa rượu cồn ngon hơn cá đến mấy mươi lần !!!

Sống trong Thành phố biển mười sáu năm thì ba tôi mất tại Nha Trang, một năm sau ngày mất nước. Mẹ tôi mất tại California năm 2000. Tôi không còn ai để trả lời cho mình những câu hỏi muộn màng, tôi không còn ai trao lại cho mình những hình ảnh êm đềm của ngày thơ ấu nữa.

Ba mẹ của tôi giống như là một cuốn tự điển để tôi tra cứu về kỷ niệm, hình ảnh trong quá khứ của mình, nay đã bị đốt cháy mất rồi.

Bây giờ, dưới ngòi viết tôi, tôi chỉ còn ghi lại được một mớ kỷ niệm vụn vặt, một chút bụi đỏ của Pleiku trong ký ức.

Bài hát của tôi cho Pleiku không phải là “ Em Pleiku má đỏ môi hồng... ” mà như thế này :

“ Em Pleiku da nâu mắt sáng,
buổi mai nào dạo dưới ngàn thông,
theo chân bước nhạc kiềng loảng xoảng,
về bản rồi em nhớ tôi không ?
Em không nhớ nhưng mà tôi nhớ,
và một ngày tôi sẽ về thăm.”

Một ngày nào đó tôi sẽ về, vai đeo ba lô, tay cầm máy ảnh. Chưa chi mà lòng đã bùi ngùi, tiếc thương những ngày thơ ấu xa vời. Tôi còn nhận ra cái nhà xưa, con đường cũ, Thánh đường im vắng hay không? Có con hổ nào nằm chết dưới tàng cây, chờ người đến banh da, xẻ thịt? Có anh Thượng nào vươn vai bắn nỏ? Có cô Thượng nào mang gùi ra chợ? Chắc tôi sẽ không tìm ra được nữa vì tất cả chỉ là hoài niệm mà thôi



Tôn Nữ Thu Nga