PDA

View Full Version : Kỳ Hoa Đất Trích



KiwiTeTua
05-29-2015, 11:33 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/hht_1432613805.jpg
Hoàng hải Thủy

Kỳ Hoa Đất Trích :04:

Như nhiều người trẻ tuổi yêu văn chương, những năm 18, 19 tuổi tôi có mần vài bài Thơ, đến những năm tôi 22, 23 tuổi, tôi không mần Thơ nữa.

Có nhiều nguyên nhân làm tôi không mần Thơ: Số 1, quan trọng nhất, tôi không phải là thi sĩ; Số 2, trong hai việc viết Truyện, mần Thơ, tôi thích viết Truyện hơn; Số 3: 23 tuổi năm 1952 tôi vào nghề phóng viên nhà báo, năm 1956 tôi có đôi chút thành công trong việc viết tiểu thuyết. Những truyện tôi viết đa số là truyện phóng tác. Năm 1970 tôi ngừng làm công việc ở những tòa soạn nhật báo để chuyên viết tiểu thuyết. Trong gần 20 năm, tôi muốn viết gì thì viết, tôi viết gì cũng được đăng, tôi viết đều cho đến 11 giờ trưa Ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Về tình cảm, 23 tuổi tôi yêu, tôi lấy được người tôi yêu làm vơ, năm 25 tuổi, 1956, tôi có đứa con thứ nhất, năm 1957 tôi có cháu thứ hai. Những cuộc tình lãng mạn không còn chỗ nằm, ngồi trong trái tim tôi. Tôi sống, tôi làm việc, tôi vui chơi, tôi đọc, tôi viết. Cuộc sống của tôi phơi phới, an ninh, tôi không có chuyện gì để bất bình.

Quân tử Tầu nói: “ Bất bình tắc minh..” Có gì không bình thường thì kêu thành tiếng. Người ta phải “ bất bình “ cao độ mới có thể kêu lên thành Thơ. Mà cũng chỉ có những nhà thi sĩ kêu lên mới thành Thơ, người thường kêu lên chỉ làm khó chịu lỗ tai người khác. Đã vậy đời tôi lại không có gì để bất bình cả, tôi làm Thơ vào cái khổ nào!

Những năm 1956, 1957, tôi đọc “ Thư viết cho người làm thơ trẻ” của Thi sĩ Maria Rilke, thấy lời ông khuyên:

- Anh chỉ nên làm Thơ những lúc anh thấy không làm Thơ anh chết, còn nếu không làm Thơ anh không chết, anh không nên làm Thơ.

Lời khuyên ấy, qua năm mươi năm, ở mãi với tôi cho đến bây giờ. Lời khuyên ấy cho tôi thấy tôi không nên mần Thơ, tôi không mần Thơ là đúng. Tuy vậy, có những khi tuy vẫn nhớ lời khuyên của Thi sĩ Rilke, tôi thấy không mần Thơ không những tôi không chết mà tôi còn không làm sao cả, tôi vẫn cứ mần Thơ. Như những năm 1957, 1958, những năm cực thịnh của nước tôi – nước Việt Nam Cộng Hòa, Thủ đô Sài Gòn, biên cương từ Sông Bến Hải đến Mũi Cà Mâu – viện trợ, văn huê long trọng là “ viện trợ quốc tế ”, ngắn, gọn, đúng, dễ hiểu là “ viện trợ Mỹ “ ào ạt đổ dzô nước tôi, những dàn máy may Sinco, những xúc vải Popeline Sandford, nguyên tên là Popeline sanfordrizé, cùng dzô Sài Gòn một lúc. Xúc cảnh sinh tình, tôi mần Thơ :

Anh đây như máy Sanh-cô
Còn Em như vải săng-pho mới về!

Cùng trong những năm 1957, 1958 tôi có bài Thơ Tình:

Rồi một chiều Thu nắng phớt mờ
Nàng gặp người yêu cũ què giò.
Nàng hỏi chàng, mắt rưng rưng lệ:
- Anh sẽ làm sao đạp xích lô?

Nguyên nhân thứ 4 làm tôi không mần Thơ là tôi đã có Thơ của các Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hoàng Cầm. Mỗi lần tim tôi rung động vì đôi mắt buồn của Nàng nhìn tôi nửa yêu, nửa thương, nửa hờn, nửa trách, những lần lòng tôi xót sa vì kiếp này tôi với Nàng không thể là vợ chồng, tôi muốn mần Thơ, tôi đã có những câu Thơ Tuyệt Vời của ba Nhà Thơ trên – Thơ Tình Tuyệt Hay, những lời Thơ diễn tả nỗi lòng tôi đậm, buồn, man mác hơn cả nỗi lòng thật của tôi.
Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,

Chợt xanh mầu áo nhớ thương xưa.
Bóng Em khoảng khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa.

Đã có những Lời Thơ Tuyệt Vời như thế, tôi còn mần những vần Thơ Dzở Ẹt làm chi nữa?

Đời tôi đã có Thơ Vũ Hoàng Chương, Thơ Đinh Hùng, Thơ Hoàng Cầm, tôi còn mần Thơ là tôi can tội bất kính. Không chỉ bất kính suông mà là Đại Bất Kính, không chỉ Đại Bất Kính mà còn là Trọng Tội.

Sau Tháng Tư 1975, đời tôi có nhiều bất bình. Các Thi sĩ có bất bình thì kêu lên – bất bình tắc minh – tiếng kêu của các ông thành Thơ, tôi bất bình mà tôi không kêu lên được. Tôi ấm ức kiêm ấm ách. Những năm 1980, 1981, một sáng đi qua trước Chợ Ông Tạ, thấy đám ma đang giờ động quan, tức khiêng quan tài trong nhà ra xe để đi nghĩa địa. Tôi thấy tấm ảnh bà già Bắc Kỳ Ri Cư trạc 70 tuổi để trên xe tang. Đám ma có phường Kèn Bát Âm Tò Te Tí Toét, lại có phường Kèn Bu-dzích Tom-pét-Tơ-rom-bôn, Cờ-la-ri-nét, trống cà-rùng Bum Bum Sình Bum Bum. Ban Nhạc Tây trổi những bản Love Story, La Cumparsita, Nắng Chiều làm tim tôi rạo rực, lòng tôi bùi ngùi thương tiếc ngày xưa. Lúc ấy, tuy không mần Thơ tôi không chết, tôi mần Thơ:

Cả đời chẳng biết tiếng tò le
Chết rồi tai điếc, lấy gì nghe.
Con cháu mừng rơn, con cháu khóc,
Tò te kèn trổi khúc Lô-ve.

Những năm 1982, 1983, Sài Gòn như người đàn bà đẹp sau bẩy, tám năm nằm sấp, nằm nghiêng, nay nằm ngửa, rồi ngồi lên, xuống giường, tắm rồi đi ra cửa sổ, vươn vai vui sống, Nàng săng-phú bọn Bắc Cộng từng làm đủ mọi cách bắt Nàng nằm sấp mãi. Những chiếc xe Huê Kỳ Mercury, Chrysler, Chevrolet hai mầu trắng đỏ, chuyên dùng làm xe hoa đám cưới, sau bẩy, tám năm nằm ụ, những sáng Thứ Bẩy, Chủ Nhật lại chạy lên, chạy xuống, chạy ngang, chạy dọc trong những đường phố Sài Gòn nắng vàng; những nàng thiếu nữ Sài Gòn áo hồng, khăn cưới lên xe bông đi lấy chồng.
Tôi mần Thơ:

* Sáu năm vất vả ở Thành Đồng
Cứ tưởng rằng Em ế chổng mông.
Ai ngờ đám cưới Em ra rít,
Em vẫn xe bông, vẫn pháo hồng.

* Sáu năm cả nước xếp vào hàng,
Cứ tưởng bà con đói cả làng,
Ai ngờ đám cưới Em ra rít,
Em vẫn khăn voan, vẫn xuyến vàng!

Thời gian vỗ cánh bay như qua...Thơ Tchya, tức Thi sĩ Tẩy Sia, ba mươi mùa lá rụng vèo qua đời tôi kể từ những ngày tôi mần mấy bài Thơ trên đây. Đêm buồn Tháng 10 năm 2007, liêu lạc Rừng Phong, không ngủ được, tôi không muốn mần Thơ mà Thơ, như người đàn bà đa tình, yêu thương tôi, cứ đến với tôi. Chỉ trong hai đêm, mỗi đêm khoảng hai tiếng đồng hồ – đơ xăng ca-răng mi-nuýt - tôi mần được mấy bài Thơ này:

* Chợ Bà Chiểu, Em bán chuối nướng,
Boóc Hồ dzô, đời Em thung thướng
Bỏ chuối nướng, Em làm Phường Trưởng.
Em viết báo cáo, báo cưởng
Mồ hôi nách Em ra..
Khét như Chuối "náy chướng"!

* Chợ Ông Tạ, Em bán thịt chó,
Vượt biên Em đi, chợ vẫn đó.
Mười năm sau, gặp Em Ca-li,
Tiệc cưới, Em nhẩy đầm như gió.

* Chợ Vườn Chuối, Em bán dzịt lộn,
Vượt biên, Em sang Mỹ Tư Bổn.
Ca-li Em là Beauty Queen.
Mê Em, nhiều trự rụng răng, rốn.

* Chợ Bàn Cờ, Em ngồi bán mít
Bán cả sơ mít với hạt mít.
Vượt biên Em chui sang Kỳ Hoa
Gặp lại, Em thơm như múi mít.

* Sài Gòn 75 Em Bốn Bó
Hai mươi năm vèo qua như gió.
Kỳ Hoa Đất Trích gặp lại Em,
En nói : Năm nay Em Bốn Bó!

* Công Tử Hà Đông sang Kỳ Hoa
Ngẩn ngơ nghe chuyện của người ta.
Người ta nói : Em mặt con nít
Nhưng đít Em là đít bà già!

* Kính thưa Thi bá Vũ Hoàng Chương,
Ông tha cho tôi tội vẩn vương
Năm xưa tôi nghĩ bậy, nghĩ bạ:
Thơ Thi bá là Thơ Hoang Đường.
Cuộc đời làm gì có chuyện la
Đàn bà trẻ, đẹp mãi không già!
Như trong Thơ Tình ông diễn tả
« Phải chăng từ độ ấy quan san,
Trời đất cùng đau nỗi hợp tan
Riêng có mình ta phai áo lục
Mà Em sau trước vẫn hồng nhan. »
Sang Mỹ mới biết Thơ ông thiêng
Thơ ông nhân khiếp, quỷ thần kiêng
Năm Bó tôi đà phai áo lục
Mà Nàng Bẩy Bó vẫn thành nghiêng.

* Tạọ hóa gây chi cuộc hý đồ
Làm Ca-ti-nát hóa Tư Dzô.
Ngán nỗi Tây đi rồi Mỹ đến
Chán phèo Mẽo chạy, Cộng lòn vô.
Công-tỉ-năng-tal còn đó đó,
Mà Diệm, mà Thiệu ở mô mô.
Ông chỉ bốn đời Vua mất ghế.
Tôi tư chế độ, chán thấy mồ !

* Sài Gòn Đẹp lắm, Sài Gòn eo
Giữa Sài Gòn có Ca-ra-veo
Ca-ra-veo ! Cái tên tiền định
Ca-ra-veo thì Sài Gòn Teo.
Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn Hậu Tháng Tư 75

* Nguyễn Hiến Lê ù lì
Nguyễn Đăng Thục cù mì
Vũ Đăng Bằng ngơ ngáo
Sơn Nam lơ láo
Vương Hồng Sển nâng bi.
Vũ Hoàng Chương xộ khám
Doãn Quốc Sĩ đi tì
Nguyễn Mạnh Côn chết khát
Hồ Hữu Tường chết phì
Á Nam chết xà bát
Hiếu Chân chết ngạt
Dê Húc chết đen sì
Chu Tử xuống biển
Bùi Giáng giả điên
Mộng Tuyết lộn mặt.
Lãng Nhân nằm yên.
Sài Gòn văn sĩ, báo sĩ
1.001 anh tiến tùng
10 anh chạy qua biển
90 anh lỗ tai lùng bùng
Anh nào cũng han rỉ
Tồn lao với tồn lung.

* Buồn uống rượu bên hoa
Mấy chén, say ngà ngà.
Sì-nẹc vì hoa nói:
- Không nở cho ông già.
Chỉ già mới yêu hoa
Trẻ nó uống săm-pa
Trẻ nó nhẩy rum-ba
Trẻ nó chơi người trẻ
Trẻ nó không chơi hoa.
Chơi hoa chỉ ông già.
Không vì ông già nở!
Hoa nở cho chó à?

* Cứ bốc nhằng nhau: Việt Suýp-pe
Ai chê hèn, dzốt, chẳng thèm nghe.
Ông kéo xe, cháu đạp xe
Bốn ngàn văn hiến lộn mè thế thôi.

* Kéo xe tiến lên đạp xe
Bốn ngàn văn hiến bổn lè..Thế thôi!

* Whiskey Mỹ tửu, pha-lê bôi.
Dzục ẩm, hiền thê xa thượng thôi.
Túy tử Kỳ Hoa, quân mạc khấp.
Cổ lai biệt xứ kỷ nhân hồi!
Uýt-ke ruợu Mỹ, cốc pha-le
Muốn uống, hiền the dzục thượng xe.
Say chết Kỳ Hoe, Nèng chớ khóc
Từ xưa biệt xứ mấy ai vè!

* Nguyễn Du: Thôi..
Thôi..! Khổ lắm..
Chúng mày đừng khóc tao nữa
Để tao khóc chúng mày.
Đời tao, tao cũng tù đày
Tao tù có một trăm ngày mà thôi.
Chúng mày tù rạc cả đời
Đoạn trường trọn kiếp, triệu lời thất thanh
Tao buồn tao có Tiểu Thanh,
Chúng mày Cộng Sản nó hành chết thôi.

* Cuộc sống, dzòng đời trôi chẩy mãi
Ba mươi năm lẻ, một lòng đau.
Mất nhau từ cuộc tang thương ấy,
Anh vẫn buồn, anh vẫn nhớ nhau.
Độc tại Kỳ Hoa vi nạn khách
Mỗi phùng Thu tiết, bội thương sầu.
Anh ở Kỳ Hoa làm khách nạn
Mỗi năm Thu đến lại thương sầu.
Thương về đâu, nhớ về đâu?
Hà Đông Công Tử bạc đầu Rừng Phong.

* Trời không mưa, anh cứ lậy trời mưa!
Sau 75, Thơ vẫn thế ưa?
Ấy nước, ấy dân là thế thế
Mà Thơ, mà Thẩn cứ bưa bưa.
Trời mưa, nước lụt lên ngang vế
Lậy trời mưa, anh cứ lậỵ trời mưa.
Quê hương thê thảm thương hòa lệ
Tôi và Em và Mẹ cù cưa.
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể,
Ngày muộn tim đau kiếp sống thừa.
Kỳ Hoa Đất Trích sầu vô kể,
Liêu lạc Rừng Phong nhớ nước xưa.

Thơ không cần lời giải thích, tức “ phụ đề Việt ngữ “. Đó là Thơ Hay, Thơ Dzở thì cần có lời viết thêm cho chắc ăn. Vậy xin viết thêm:

Ca-ti-nát : Catinat. Tư Dzô : Tự Do.
Đơ xăng ca-răng mi-nuýt: Deux cents quarante minutes: Hai trăm bốn mươi phút.
Săng-phú: Tiếng xưa, từ tiếng s’en foutre: bất cần, bất kể, của người Pháp.
Công-tỉ-năng-tal: Khách sạn Continental.
Ca-ra-veo: Khách sạn Caravelle.
Mắt lặng nhìn nhau : Thơ Thi Vương Đinh Hùng.
Phú lỉnh : lỉnh đi chỗ khác.

Bốn đời Vua mất ghế: Một nhà thơ triều Nguyễn than ông thấy 4 đời Vua bị người Pháp hạ bệ, cho đi đầy biệt xứ. Tôi sống trong bốn chế độ Tây, Việt Minh, Tây, Quốc Gia, Cộng sản.

Sau 1975, ông Vũ Bằng ngơ ngáo. Năm 1954 ông phú lỉnh vào Sài Gòn một mình, bỏ vợ con ông lại Hà Nội. Vì vậy, trong những bài viết của ông ở Sài Gòn, ngoài chuyện thương nhớ quê hương miền Bắc, với hy vọng lấy điểm may ra vợ con ông đỡ khổ, ông thường xa gần đả kích Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam, bom Mỹ đánh Hà Nội ..vv..Ông không phải là tình báo viên, tình bó hòn do Cộng sản gửi vào Sài Gòn. Sau 1975 ông ngơ ngáo như 3 triệu người dân Sài Gòn. Một anh con ông tên là Vũ Lăng, từ Hà Nội vào Khánh Hội, Sài Gòn tìm ông, cãi lộn tùm lum với bà vợ sau của ông làm ông chán quá cỡ thợ mộc.

Ông Vương Hồng Sển nâng bi Boóc Hồ. Trong “ Hơn Nửa Đời Hư “, ông Vương viết về Sài Gòn: “ Thành phố mang tên Bác kính trọng.”

Ông Á Nam Trần Tuấn Khải làm thơ tự vịnh năm ông 80 tuổi, trong có câu đại ý nhờ Boóc Hồ dzô Sài Gòn, ông được tái sinh: “ 80 tuổi ông mới lên một tuổi.”

Ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hòa.

Ông Dương Hùng Cường, bút danh Dê Húc Càn, chết ban đêm trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, thi thể ông nhiều chỗ nám đen.

Ông Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực chết ở Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc, bọn Cai Tù không cho ông uống nước.

Ông Chu Tử trúng đạn thù bắn theo trên tầu Việt Nam Thương Tín trên đường ra biển ngày 29 Tháng Tư 1975. Ông được thủy táng, tức người ta cho xác ông xuống biển.

Trước 1975 bà Mộng Tuyết mời ông bà Vũ Hoàng Chương về ngụ trong tòa nhà ông Đông Hồ để lại ở khu Lăng Cha Cả.
Hai tháng sau Tháng Tư 1975, bà Mộng Tuyết đuổi ông bà Vũ Hoàng Chương ra khỏi nhà. Ông bà Thi Bá lếch thếch dắt nhau sang Quận Tư, Khánh Hội, nhờ bà Đinh Hùng mướn cho căn gác, Thi Bá “ về ngôi” ở nhà đó sau khi đi tù về được bẩy ngày. Bà Mộng Tuyết mời Huy Cận, Xuân Diệu, Chế lan Viên đến nhà bà chiêu đãi.

Ông Nguyễn Du có lần bị chính quyền Tây Sơn bắt tù, không rõ vì chuyện gì. Ông để lại bài Thơ Tù trong nói ông bị tù “ thập tuần “, tức 100 ngày. Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.

Hoàng Hải Thủy