PDA

View Full Version : Nơi người lính đi qua



Longhai
05-29-2015, 01:49 AM
Nơi người lính đi qua


Phan Nhật Nam


Dẫn Nhập:

Huy và tôi đã rất thành thật luôn khi tự xác nhận và nói với người khác : Chúng tôi không là “Nhà văn” trong nguyên nghĩa. Tức là những người sử dụng Văn chương như một cách thế đầu tiên và chính thống. Chúng tôi đã nói như thế vì chữ nghĩa chỉ đến sau khi cây súng và bộ áo quần lính đã không giải quyết gì được, nếu không nói một cách khác : Đây chính là đầu mối của tất cả mọi vấn đề (bế tắc) và cũng là nguyên nhân gây nên tình huống không xuôi thuận giữa bản thân chúng tôi với hoàn cảnh nghiệp nhà binh. Nhưng cũng khó khăn thay, chúng tôi lại không có cuộc đời nào khác ngoài những tháng năm trong lửa đạn (khác chăng là người chịu dài ngày, người gánh ngắn hạn) với những nơi chốn buộc phải đi qua, sống cùng, chết với. Như con người không có, không còn một nơi nào khác ngoài mặt đất. Cũng bởi chúng tôi không thể ứng xử với cuộc sống và chiến tranh theo một chọn lựa nào khác nên khi nói đến chuyện chữ nghĩa, văn chương thì hình như động tới một mối đau với cách bỡn cợt, mỉa mai. Tệ hơn nữa cầm bút đối với chúng tôi thật là một điều vô ích. Thế nên, hôm nay nhắc lại những nơi chốn đã sống - chết qua thêm một lần như thắp nén hương buổi cuối năm để nhớ tới Huy, Người Lính Thủy Quân Lục Chiến đã một lần cầm bút sau khi khẩu súng đã bị gãy vào một buổi tháng Ba cách đây 38 năm.


1- Cửa Việt, Quảng Trị...

Mùa Đông năm 1967, hướng 6400 ly giác trên địa bàn, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù rời căn cứ Cửa Việt của Hải Quân Mỹ theo trục chính Bắc lúc trời vừa qua sáng. Trăng lạnh soi lên mặt biển lóng lánh sáng bốc khói sóng mờ đục. Những đợt sóng nhỏ đập vào thành xe M’track của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ chuyển đoàn quân đi lầm lũi trong ánh sáng của ngày chưa tới. Vượt khỏi làng Diêm Hà Nam vừa chạm tới bờ rừng dương liễu của làng Diêm Hà Trung kịp nhận xa xa sông Bến Hải vạch đường mờ nhạt giữa bãi bờ cát xám thì cùng lúc khám phá thấy những bóng người lê lết bò ra từ những khối đụn nâu đen rải rác dọc bãi biển... Đám sinh vật người đưa hai tay lên trời đồng lên tiếng kêu rên thảm thiết... Bộ đội lính ơi... Bộ đội lính ơi... Đồng bào mền khôn cả... Lính Cộng hòa ơi... Tập trung tất cả lại, trời sáng dần giúp anh nhận rõ hầu hết là con trẻ, người già, hoàn toàn không có đàn ông, thanh niên. Và trong số đông dẫu là những người nữ gầy gò trong độ tuổi trung niên hay trẻ tuổi hơn vẫn không ai mặc áo lót mà chỉ với vạt áo dài phủ xuống thân hình gầy yếu luôn ở vị thế bò và quỳ. Cũng bởi không ai có chiếc quần che hạ thể. Anh tự nói thầm câu vô nghĩa : Có người dân nào cùng khốn và đau thương hơn thế nầy khi nhìn vào những “căn nhà” mà những con người kia vừa chui ra : Đấy là những mui thuyền úp trên bãi cát, trên mặt cát ẩm ướt trải những manh chiếu tơi tả rách nát... Mỗi gia đình gồm mấy con người ngồi bó gối trên manh chiếu nát như thế từ bao ngày qua. Nhưng sự bình yên khốn khổ cuối cùng cũng không còn khi pháo từ bên bờ Bắc sông Bến Hải bắt đầu dội xuống ! Không phải pháo vài quả, vài tràng nhưng dồn dập ào ạt từ nhiều vị trí với đạn 130 ly đầu nổ công phá... Lính nhẩy nhanh xuống những hầm hố đào vội. Dân chỉ biết chui vào lại những căn chòi mong manh. Có những mui thuyền bị đạn pháo bắn tung lên như rác vụn với những xác người bay bay... Bộ đội Cộng hòa ơi... Cứu đồng bào Bộ đội Cộng hòa ơi. Ngồi dưới chiếc hố dã chiến anh úp nón sắt che kín mặt ủ vào hai gối, thầm nói như một lời thú tội : Ai cứu được ai trong đạn pháo bây giờ ?!

Tháng 1, 1973, Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến của Huy từ Hương Điền, Thừa Thiên được lệnh lên đường tiến chiếm Cửa Việt, Quảng Trị được đặt tên Mục Tiêu T. Ngoài vũ khí đạn dược mỗi người lính phải mang thêm trong ba-lô năm lá cờ để sẵn sàng cắm lên vị trí sẽ chiếm được. Cuộc hành quân có tính cách thần tốc, thời gian được ấn định thật chi ly chỉ vỏn vẹn hai-mươi bốn giờ từ 7 giờ sáng ngày 27 đến 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 - Ngày ký Hiệp Định gọi là Tái Lập Hòa Bình Việt Nam ở một nơi xa nửa vòng quả đất. Đúng 7 giờ 58 phút sáng ngày 28 tháng 1 nghĩa là trước Lệnh Ngưng Bắn có hiệu lực hai phút quân miền Nam làm chủ được chiến địa... Ngưng bắn ! Ngưng bắn ! Đ...má.. không bắn nhau nữa... Bắn làm đ... gì giờ nầy nữa mấy bác!… Xông lên... Chạy lên... Không vũ khí chỉ có những lá cờ cầm tay và bao thuốc lá chìa trước mặt... Hút đi mấy cha... Đánh đá cái chó gì mà đánh dữ vậy... Hút đi... Đây là thuốc Quân Tiếp Vụ đ... phải là thuốc của đế quốc Mỹ... Không có tẩm thuốc độc đâu... Tôi hút trước cho mấy cha yên tâm. Lính nói tiếng Nam, tiếng Trung, giọng Quảng chen lẫn âm sắc Hà Nội, Nam Định. Có người lính nước mắt chảy dài nói trong tiếng khóc ghìm xuống...Đ...m giờ trước mà bắn trúng nhau thì thật là khốn nạn. Chết vô duyên. Chết lãng xẹt. Hiệp Định Hoà Bình ký ngày 28 tháng 1 năm 1973 giúp người lính hai bên biết được điều vô nghĩa tàn nhẫn của chiến tranh. Chết khốn nạn. Chết vô ích. Nhưng “hòa bình” chỉ kéo dài được đến chiều tối. Khoảng 9 giờ cùng ngày 28, lệnh “Không Được Tiếp Xúc” phải tuyệt đối thi hành và người lính tiếp tục đào xuống sâu hố cá nhân, giao thông hào để đề phòng bị tấn công sau hòa bình. Phía Bắc quân cũng im bặt, những người lính nói tiếng Bắc, mời thuốc lá ban sáng đã hoàn toàn vắng mặt. Nửa đêm ngày 28 rạng 29 chiến tranh lại bắt đầu. Người lính vừa bóp cò vừa chảy nước mắt ghìm tiếng thét căm phẫn... Đánh nhau làm gì nữa trời ơi ?!! Từ dưới hố cá nhân được đào sâu thêm trong những “giờ hòa bình” Huy nhìn lên bầu trời tối đen với những ngôi sao lấp lánh trên cao... Anh cũng muốn gào lên lên câu hỏi tương tự và tuôn trào giòng nước mắt giận dữ. Cũng chẳng biết giận ai. Anh nói tiếng nhỏ qua máy truyền tin... Đ... m không được bắn hoảng, kể từ giờ phút nầy chỉ còn tự túc cá nhân chiến đấu, không yểm trợ, không tiếp tế, không tải thương để khỏi mang tiếng vi phạm lệnh ngưng bắn, để bảo vệ hòa bình mà hiệp định vừa mang lại. Trên toàn cầu nhiều giới người gồm những nguyên thủ Quốc gia, chính khách, nhà tu, những kẻ vận động, yêu chuộng công lý Hòa bình đồng nâng ly chúc mừng thắng lợi của hiệp định trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang mừng hòa bình đã đến với con người thế giới nói chung, ba nước Đông Dương, Việt Nam nói riêng! Từ 28 đến 31 tháng 3 Huy đại tiểu tiện một chỗ trong hố cá nhân bởi chiếc cần ăng-ten của máy truyền tin PRC 25 vừa nhú ra khỏi mặt đất đã bị cắt cụt bởi một tràng thượng liên vô cùng chính xác. Cuối cùng đại đội của Huy rút lui về phía sau theo chiến xa của Thiết Đoàn 20 mở đưòng máu giữa trùng vây của một trung đoàn lính Bắc Việt mới được tăng cường thay thế đơn vị bộ đội đã hút chung điếu thuốc lá, khóc với lính cộng hòa trong sáng ngày 28. Đại đội Huy phải bỏ lại trận địa nhiều xác chết và thương binh - Những đồng đội vừa chết trong trận đánh sau Hòa bình. Có người lính chết trong túi còn nửa điếu thuốc lá hút dở. Điếu thuốc của một bộ đội miền Bắc mời ngày hôm kia chưa kịp hút hết thì đã vội nhảy xuống hầm...

2- Huế, Thừa Thiên.

Mùa hè 1972, từ Mang Cá, thành nội Huế bản doanh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn I, cũng là tiền trạm của Lữ Đoàn 2 Nhẩy Dù, đơn vị tăng phái cho mặt trận Trị-Thiên đang trong hồi nguy ngập, anh đi bộ ra hướng Hồ Tịnh Tâm. Qua khỏi khu hồ vuông vức anh rẽ phải hướng về Đường Mã Khái. Những năm thơ ấu trước 1950, anh thường theo Mẹ đi trên lối nhỏ nầy về nhà Cậu Cả. Lối đi ngày ấy một bên được chắn bởi hàng rào lá chè đan dày và một bên là con rạch nhỏ lác đác những lá tre vàng khô lay lắt chuyển động, thân cây tre theo gió cạ vào nhau gây nên tiếng kĩu kịt rì rầm bí ẩn. Thuở ấy dẫu buổi trời đang nắng gắt, con đường luôn xanh um bóng mát làm đậm thêm mùi cây lá mục rã dưới rạch nước sẫm màu rêu. Ngày ấy đứa bé luôn có cảm giác nôn nóng khi đi đến căn nhà thoang thoảng mùi thơm của nhiều loại hoa chưa biết hết tên; vườn nhà cậu trồng nhiều cây nhưng đứa bé chỉ lưu tâm về cây trứng cá bên giếng nước sai trái chín đỏ lẫn với quả xanh mọng nứt mùi mật vo ve rì rào những con ong nhỏ, và cây khế với chùm trái căng vàng lẫn trong tàng lá lấm chấm những cánh hoa trắng. Cây khế là nơi chị Ng. bế con mèo đứng chụp hình, tóc xõa xuống trán che dấu sẹo nhỏ, dáng điệu nhu mì hiền thục. Đứa bé rất thương yêu người chị vì chỉ có chị mới che chở cho nó khi bị cậu la rầy... Thằng R. còn nhỏ thầy đừng la em tội nghiệp, nó không cha mới vô đây ở với nhà mình.. Chiếc ảnh của chị treo nơi căn nhà ngang lợp tranh tường quét vôi trắng xôm xốp ẩm ẩm. Căn nhà trên đứa bé không được phép lên bởi là nơi thờ Phật, nó chỉ được nhìn vào từ chỗ đậu xe hơi đến chiếc ghế gỗ lót da nơi cậu ngồi hút thuốc uống trà dưới bức ảnh của anh D. Anh đi học bô-da bên Tây theo ý kiến gợi nên từ mẹ. Chỉ mấy phút của chuyến đi ngắn anh sống hết, đủ với cảnh sắc, mùi vị, hương thơm của những ngày thơ ấu luôn cho anh nguồn vui, mối an ủi nụ cười bất chợt trong những cảnh huống khắc nghiệt nhọc nhằn... Cậu ơi ! Con đây... Nhà có ai không. Cánh cửa gỗ khóa chặt, sân đất ngổn ngang xác lá và những luống hoa tơi tả, trốc gốc, héo tàn. Anh nhìn quanh quất nghe ra âm âm gờn gợn điêu tàn của chốn không người, lần sụp vỡ không khả năng, cơ hội hồi phục. Anh nhảy qua khung cửa gỗ, đi lên lối nhỏ của hơn hai mươi năm trước, đến trước chiếc xe phủ bạt kín, nhìn vào căn hầm đất đắp nổi.. Hình dạng người ngồi bó gối im lặng.. Cậu ơi.. Cậu ơi.. Con đây.. Con R, con O Tám.. Hình người chuyển động bò ra... Những ngón tay rờ rẫm trên chiếc áo lính... Con hả... Cả nhà đi hết rồi... Chỉ còn lại cậu... Chị Ng. và mợ đâu cậu. Mợ, chị và hai em đi vào Đà Nẵng, chung quanh đây ai cũng đi hết.. Họ đi vì sợ như Mậu Thân, xóm ni năm đó có mấy người bị Việt cộng giết... Họ đem lấp dưới mương trước nhà mình. Mậu Thân con từ Quảng Trị vào Huế thì bị thương ở Cửa Thượng Tứ nên không về nhà thăm cậu, mợ và chị được... Cậu biết, có mấy người lính nhảy dù vô ở nhà mình, cậu có hỏi về con... Con biết chuyện đó, đó là lính của Tiểu đoàn con nhưng khác Đại đội. Vì đại đội con kẹt ở Cửa Thượng Tứ nên con không về thăm cậu được, đứng trên thượng thành nhìn về phía nhà mình tưởng cảnh cậu mợ, chị và hai em không ai lo lắng, chăm sóc... Anh nhắc lại trận đánh như muốn làm nhẹ phần hối hận về một bổn phận thiếu sót. Anh trở lại ý định sẵn có : Con đưa cậu vô Đà Nẵng ở với chị H... Ông cậu nói nhỏ nhưng dứt khoát : Hôm nay giỗ bà, cậu làm giỗ bà với bát cơm và chút muối mè. Không hương đèn, cậu tụng kinh cho Bà không cần lên bàn thờ Phật. Hôm nay Bà đưa con về nhà với cậu là để nhớ Bà. Cậu không đi đâu nữa. Cậu ở lại với Huế. Một trái hoả tiễn loại địa không 122 ly từ đâu rơi xuống nổ bùng ngay giữa sân... Anh ngã chụp lên người ông cậu nghe rõ cơn run rẩy của người già qua da thịt của mình. Anh xa Huế từ năm đó đến nay. Không rõ cậu, mợ anh đã chết lúc nào, ở đâu sau 1975. Chị Ng. và hai con cũng không biết có còn không sau lần di tản khỏi Huế tháng Ba, 1975.

Tháng Ba, 1975. Huy và những người lính Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến từ căn cứ An Lỗ trên Quốc Lộ I đường đi Quảng Trị rút về Huế dửng dưng. Qua ngã ba An Hòa, cửa ngõ dẫn về Huế đã gần 12 giờ khuya. Đến cầu Bạch Hổ, tại chòi gác ở gần cầu, Huy thấy một người lính Nghĩa Quân quần áo súng đạn rất chỉnh tề đang đứng gác. Huy ngạc nhiên hỏi với giọng đùa : Giờ này còn đứng gác cái mẹ gì ở đó, cha nội ? Em không nhận được lệnh gì hết. Lệnh cái con c.... Tiểu đội trưởng mày đâu ? Một người lính già tay xách khẩu súng chạy lại. Dạ tôi. Huy nói như gầm : Huế bị bỏ rồi, ông còn gác cái gì nữa. Tôi là Trung úy ra lệnh tan hàng, về lo mang vợ con đi gấp nghe không ! Dạ.

Huy gom lính đi tiếp thấy thêm cảnh tượng... Một bà già đứng ở cửa một túp lều bên vách tường thành Phú Văn Lâu, một tay cầm đèn dầu, tay còn lại quẹt nước mắt liên hồi, nhìn đám lính khẩn thiết tang thương. Huy hỏi bà cụ : Mệ muốn đi theo tụi con không ? Mệ không có tiền ! Huy nói nhanh : Tụi con cho mệ tiền, hay mệ đi chung với tụi con. Bà già khóc nhỏ, buông xuôi : Chừ hết kịp rồi con ơi ! Huế đang là một Thành phố chết và đang là một Thành phố bị bỏ ngỏ. Cả Thành phố chỉ còn lại vài ba ngọn đèn đường, cái sáng cái tối. Đạn pháo Việt Cộng nã đều vào cầu Trường Tiền (cũ) và khách sạn Hương Giang. Đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của. Đi lối cầu mới thì được an toàn, nhưng Huy quyết định dẫn lính đi lên lối cầu Trường Tiền (cũ) mặc dù cầu đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người Huy nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M-48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Lên đến giữa cầu, Huy nói với mấy người lính đệ tử : Quay lại nhìn Huế lần chót bay, chắc chắn là mình sẽ không đánh ra tới đây để lấy lại đâu. Một nỗi buồn dâng lên trong lòng, Huy không khóc ra tiếng nhưng nước mắt doanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội đã đổ xuống cho vùng địa đầu nghiệt ngã này. Đồ tiếp liệu trong thành Mang Cá dư sức cung cấp cho Lữ đoàn Huy ít nhất là ba tháng, tại sao không cho lính Thủy Quân Lục Chiến vào Thành Nội để tử thủ ở đấy ? Ờ mà tử thủ làm gì ? Tội chó gì lại nghĩ đến chuyện ở lại đánh nhau để chết oan mạng ! Anh nghĩ lan man trên đường triệt thoái ra khỏi Huế. Qua hết cầu, Huy gặp Đại úy Chiêu, tay cầm chai rượu chát khổng lồ, túi đút chai rượu mạnh. Bao nhiêu tủi hờn, căm hận, buồn bực biến mất nhanh như viên đạn ra khỏi nòng súng. Huy và những người lính ngồi quây tròn giữa ngã tư đầu cầu Trường Tiền nhậu không mồi, không nước đá... Huy đập vỡ cổ chai bia rót từ đầu xuống... Thích thú vì từ bé đến lớn chưa bao giờ được tắm bằng bia. Đại đội trưởng của Huy không biết từ đâu tới cho biết điểm hẹn đã thay đổi vì những kho đạn, kho xăng ở bến phà Thuận An đã bị cháy, không biết vì pháo kích hay vì đặc công. Điểm tập trung mới là bến phà Tân Mỹ. Đến bến phà Tân Mỹ khoảng 6 giờ sáng. Người đã tập trung ở đây rất đông nhưng phương tiện qua sông lại không có một cái. Bao nhiêu ghe, thuyền nằm hết ở bờ bên kia phá Tam Giang. Khoảng 11 giờ đại đội Huy vượt xong phá Tam Giang. Hơn 12 giờ trưa đơn vị được lệnh di chuyển ra bờ biển. Vừa lên hết đụn cát cạnh làng Huy đã thấy ngay một chiếc tàu thật lớn mang số HQ-801 thừa sức chứa cả lữ đoàn đã đợi sẵn ở gần bờ không biết từ bao giờ.

Nhưng Huy và những người lính thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến, nhiều người lính của những binh chủng, đơn vị khác không bao giờ lên được chiếc tàu hy vọng kia mà phải leo lên một chiếc xà lan khác để hứng chịu hoàn cảnh... Những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo suốt lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước... Cuối cùng Huy phải bỏ đường lên tàu thủy để trở lại đường bộ... Nhưng đường bộ phải chạy qua những cái chốt của lính Cộng sản, chưa bao giờ bọn người này được bắn sướng tay đến như vậy. Mỗi tràng đạn ít ra cũng phải trúng vài ba người. Nhưng ai ngã mặc ai những người chạy vẫn cứ chạy.. Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người của đơn vị Huy đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa...

Kết từ :

Phần trên đây tôi viết theo trích dẫn trong Tháng Ba Gãy Súng của Huy. Tôi có thể trích dẫn thêm nhiều chi tiết khác... Nhưng quả tình tôi đã thấm mệt, quá kiệt sức. Trong bãi máu bờ biển Thuận An Tháng Ba năm 1975 có nhiều người tôi rất thân, những Ln, Ngh... Không phải chỉ ở đơn vị Thủy Quân Lục Chiến mà rất đông, rất đông người lính ở những đơn vị khác khác nữa. Có nhiều người tôi không gặp từ hơn ba - mươi tám năm qua như anh Ph, anh Tg. Nay sắp hết năm 2012 để đủ ba - mươi tám năm kể từ 1975 mà vẫn không thể nào quên. Không thể quên được kể cả sau cái chết. Đau hơn cái chết.

Tôi viết những dòng cuối cùng nầy tại nơi đã có một thời làm việc chung với Huy, trên màn ảnh máy Computer tôi xử dụng vẫn còn địa chỉ Email và Icon riêng của Huy. Bạn ơi !


Phan Nhật Nam,
Cali, Tháng 12 của năm 2012.