PDA

View Full Version : Những kẻ tử tù



Longhai
05-19-2015, 05:28 AM
Những kẻ tử tù

Bùi Xuân Đáng


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/tu1_1432048246.jpg

Tôi bị Việt Minh bắt vào đầu năm 1947. Lý do bị bắt thực là mù mờ, không được giải thích và mãi gần một tháng sau tức là vào ngày mồng một Tết năm Đinh Hợi tôi mới được biết một cách không chính thức.

Cha tôi bị bắt vào lúc 10 giờ sáng, tôi bị chận bắt trên đường về chịu tang ông ngoại tôi vào khoảng 12 giờ trưa ngày mồng 6 tháng Chạp năm Bính Tuất 1946, Họ tống tôi vào nhà giam tại Huyện lỵ Phù Cừ rồi đóng sập cửa lại và chẳng thèm cho biết lý do.

Nhà giam, một căn nhà nhỏ riêng biệt, trước đây là nhà để xe của ông huyện, nay xây bít kín cửa lại để làm nhà giam. Chiều dài chừng hơn 5 thước, chiều ngang hơn 3 thước. Cánh cửa mở ra, tôi bị đẩy vào rồi đóng lại tức thì, cho nên tôi chỉ thoáng thấy mấy người trong tù nhìn ra với những cặp mắt mở lớn rồi bóng tối bao la phủ kín. Một lát sau nhãn quan của tôi mới quen dần với cái ánh sáng mờ ảo chiếu vào từ một lỗ nhỏ bằng hai bàn tay.

Tôi nhận ra trong số người bị giam giữ có ông Chánh Khương ở Đình Cao, một người bạn thân thiết với cha tôi. Về sau tôi được biết có ông Phó Bạt ở Cát Dương, anh Tính ở Phương Bồ và 2 thanh niên lạ mặt. Tôi kể cho ông Chánh Khương biết chuyện cha tôi bị bắt, ông ngoại tôi từ trần. Ông cũng cho hay là ông Phó Bạt và ông bị bắt vào ngày hôm trước còn anh Tính và hai thanh niên kia bị bắt vào chiều hôm qua. Mọi người đều được mời đi họp sau đó bị giam giữ chẳng được cho biết lý do, ngoại trừ 2 anh thanh niên tình nghi là Việt gian, gián điệp cho Pháp.

Mọi người nằm, ngồi trên chiếc ổ rơm không chăn, không chiếu, không quần áo thay đổi hay vật dụng cá nhân. Bốn bưc tường vôi trắng xưa kia, nay chỉ còn một màu vàng đục lờ mờ bẩn thỉu. Quanh tường đầy những vết máu muỗi, rệp và xác những con vật đã bị nghiền nát hòa cùng với máu khô chỉ còn những vết màu nâu đậm. Vài hàng chữ nguệch ngoạc, viết bằng gạch non hay than củi những tên tuổi xa lạ và ngày tháng đã qua. Một vại nước nhỏ với chiếc gáo dừa để tù nhân uống nước và góc tường đối chiếu là chiếc giành gio, đan bằng tre trong đựng tro nơi tù nhân đi tiêu đi tiểu.

Năm giờ chiều, cánh cửa mở ra một anh công an đội mũ chào mào, tay cầm thanh mã tấu bước vào. Anh ta chỉ định một người đi lấy cơm và nói :

Chính phủ không thừa tiền nuôi những kẻ phản động như các anh ! Hãy viết thơ về nhà xin tiếp tế tiền bạc, quần áo. Nếu không các anh sẽ chết đói, chết rét. Chỉ đuợc nói vẫn khoẻ mạnh, ngoài ra không được nói gì hơn. Không làm đúng, thơ không được chuyển và sẽ bị trừng trị.

Bữa cơm tù đầu tiên là một nắm cơm gạo đỏ và chút muối vừng. Nuốt không trôi vì không thấy đói, tôi cầm nắm cơm nhớ đến cha mẹ tôi, các em và người yêu của tôi mà nước mắt chan hòa.
Giờ này cha tôi ở đâu ? Mẹ tôi đã về đến Chỉ Thiện, quê ngoại của tôi hay chưa ? Các em tôi và người yêu của tôi chắc đã xong bữa cơm chiều và hẳn là cùng một tâm sự lo buồn như tôi.

Ngoài kia, trời có lẽ đã tối hẳn cho nên chiếc lỗ nhỏ đục trên cánh cửa nhà gian không còn le lói ánh sáng. Tiếng trống cầm canh, điểm nhịp những tiếng rời rạc buồn nản. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng gió bấc rít lên từng hồi, lúc vi vu trầm bổng qua kẽ hở của chiếc cánh cửa nặng nề. Tôi vừa mơ màng trên chiếc ổ rơm vưa khai vừa nồng, cánh cửa bỗng sịch mở. Hai bóng người tiến vào dươi ánh đèn chai leo lét và ánh mã tấu loáng lên. Chúng tôi vội vàng ngồi dậy, run sợ nép vào góc tường. Hai tên Công an túm lấy hai người thanh niên lôi ra ngoài. Một lát sau tiếng người quát tháo vọng vào nhà giam :

- Khôn hồn hãy khai cho rõ, mày mua đạn để làm gì ?

- Thưa đồng chí ! tôi có biết gì đến súng đạn đâu !

- Mày còn chối hử ? trong gói thuốc lào của mày có mấy chữ : Anh Khánh, anh mua hộ tôi 30 viên đạn tầy đầu ! Mày còn chối nữa hay thôi. Thằng Khánh là đứa nào ? Mày mua đạn để làm gì ?

- Thưa đồng chí, tôi thực không biết anh Khánh là ai. Đây là tờ giấy gói thuốc lào tôi mua ở ngoài chợ. Tôi có súng ống gì đâu mà mua đạn !

- Chứng cớ rành rành mà mày còn chối hử ? Này chối này !

Thế là tiếng một vật cứng nện vào xương thịt và tiếng kêu la giẫy dụa vang lên trong đêm tối và đưa đến tận nhà giam. Tiếng quát tháo, tiếng chửi rủa tục tằn và tiếng trả lời tắc nghẹn trong cơn đau cùng cực làm chúng tôi run sợ lắng nghe. Chừng không khai thác được gì, bọn Công an quay ra nạn nhân thứ hai. Sau khi khai tên họ, quê quán tên Công an hỏi :

- Trông mặt mũi cũng sáng sủa mà sao anh lại liên lạc cho Pháp ?

- Thưa đồng chí ! Tôi đâu có liên lạc với Pháp, tôi là bí thư chi bộ thanh niên cứu quốc xã Nội Viên. Tôi có chứng minh thư đầy đủ…

- Đừng có ngoan cố ! Ai là đồng chí với bọn người phản quốc như anh? Nếu không khai đừng trách chúng tôi phải dùng cực hình.

- Thưa đồng chí ! Tôi đã khai thực, tôi là bí thư…

- Mày còn già họng ngoan cố ! Này bí thư, này bí thư…

Bịch ! Bịch ! Bich ! Tiếng đấm đá túi bụi và tiếng người phản đối :

- Tôi sẽ khiếu nại lên Tỉnh, lên Khu.

- Này khiếu nại này, cho mày khiếu nại ! Chứng cớ đã rành rành mà còn đòi khiếu nại. Mày đem gương soi để liên lạc với máy bay, hãy móc túi quần mày ra mà xem. Mày không làm gián điệp cho Pháp sao lại có dấu hiệu cờ tam tài ở đó ?

Tiếng đánh đập tra khảo và tiếng rên la kèm theo tiếng chửi mắng hằn học vang dậy trong đêm khuya tịch mịch. Hơn một giờ sau hai nạn nhân được xốc nách đẩy vào nhà giam. Chúng tôi vội dìu hai kẻ khốn khổ vào trong ổ rơm và không ai dám hỏi một tiếng.

Suốt đêm không ai nhắm mắt được vì tiếng rên rỉ, sụt sùi cảm thương cho số phận hẩm hiu mắc vòng tù tội.

Sáng hôm sau, người có giấy gói thuốc lào sưng vù một bên mặt, máu dồn lên chỗ xanh ngắt, chỗ tím bầm, miệng môi rách nát.

Còn anh có dấu tam tài, hình như gẫy một cánh tay. Anh ta nằm im một chỗ không thấy nhúc nhích. Tôi đưa mắt nhìn anh với chiếc quần kaki có đường biên với ba mầu xanh, trắng, đỏ. Trời đất ơi! chỉ vì cái đường viền mà hãng sản xuất đã dệt vào mép vải mà đưa anh bí thư chi bộ Xã đến tội phản quốc. Thế này còn đâu là Công lý ? còn đâu là kiến thức tối thiểu ? Đám người ngu dốt một sớm, một chiều đã nhảy lên nắm quyền hành thì còn gì là vận mạng của Nhân dân và còn gì để nói nữa.

Tối hôm sau đến lượt anh Tính và ông phó Bạt bị lôi đi. Vẫn những câu hỏi tương tự :

- Mày ở đảng nào ? Việt Quốc hay Việt Cách ? Đồng chí là những đứa nào ?…

Ông Phó Bạt và anh Tính đều bị tra khảo tàn nhẫn. Khi trở về nhà giam, hai người chỉ còn là những cái giẻ rách đẫm máu.

Đêm hôm sau, ông Chánh Khương và tôi hồi hộp chờ đợi đến lượt mình, nhưng đêm đã khuya mà không thấy động tĩnh. Chừng quá nửa đêm, bên ngoài có tiếng chân dồn dập rồi cánh cửa mở rộng và có tiếng quát :

- Mọi người ra ngoài !

Dưới ánh trăng mờ nhạt, sáu người chúng tôi bị trói ghì chặt 2 tay ra phía sau, mắt bị bịt kín. Một sợi giây thừng nối liền người nọ vớí người kia. Bọn công an nắm tay lôi chúng tôi đi và luôn miệng chửi rủa tục tằn. Chúng nhiếc móc chúng tôi làm cho chúng phải khổ sở. Buổi tối lạnh lẽo rét mướt như thế này đáng lẽ chúng được ở nhà vui thú cùng với vợ con lại phải dẫn bọn phản động đi nơi khác.

Đi được chừng 2 giờ, có lệnh ngừng lại. Mọi người ngồi bệt xuống ven đường. Sương khuya ướt lạnh hai vai, nay đã thấm qua làn vải mỏng xuyên vào cơ thể như những mũi dùi đâm vào da thịt. Chúng tôi cố cắn răng chịu đựng, nhưng cũng không giữ cho răng khỏi va vào nhau run lên cầm cập.

Có tiếng chửi vu vơ :

- Đ. mẹ các đồng chí ! có mấy cái hố nhép mà đào mãi cũng không xong !

Chúng tôi yên lặng chờ đợi lưỡi dao khắc nghiệt hay viên đạn vô tình giải thoát khỏi cuộc đời khốn khổ nhục nhằn. Bỗng có tiếng quát :

- Có thằng chạy trốn ! Bắn bỏ mẹ nó đi !

- Tiếng súng nổ lốp bốp, rời rạc rồi tiếng hỏi :

- Nó đã chết chưa ?

- Chết rồi hay chưa chết cũng cho nó xuống lỗ cho xong chuyện việc gì phải thắc mắc.

Rồi tiếng đất đổ lộp bộp.

Một người nắm lấy tay tôi, cởi trói và dẫn tôi đi chừng 50 bước.

- Anh có điều gì muốn nhắn lại cho gia đình hay không ?

Giọng nói nghe có vẻ quen thuộc. Tôi bỗng rợn tóc gáy, đúng là giọng nói của tên Chu, ủy viên công an huyện, người có mối thù với gia đình tôi. Tôi vội đáp :

- Dạ xin cám ơn, tôi không có điều gì để nhắn cả.

Thực vậy tôi chẳng có điều gì để trăn trối cả. Cha tôi bị bắt không biết sống chết ra sao? Mẹ tôi và các em tôi mỗi người một ngả, còn người yêu của tôi chắc còn đương mỏi mắt trông chờ tin tức của tôi. Bỗng có tiếng lao sao phía trước và có tiếng hỏi chứng tỏ uy quyền:

- Ai cho lệnh các đồng chí làm như vậy ? Đồng chí nào Chỉ huy ở đây ?

Tên Chu vội bỏ tôi ngồi đó và tiến lên phía trước. Hai bên tranh luận, cãi vã tiếng gần tiếng xa rồi hoàn toàn yên lặng. Chừng hai mươi phút sau, một người đến mở khăn bịt mắt cho tôi nhưng vẫn trói tay như cũ.

- Anh có biết đây là đâu không ?

Tôi vội đáp là không và vì trời tối nên không nhìn thấy gì cả. Khi rời huyện Phù Cừ, chúng tôi cả thảy 6 người, nay chỉ còn có 4. Đi chừng nửa giờ, họ lại bịt mắt và dẫn chúng đi đến khoảng 4-5 giờ sáng mới ngừng lại. Chúng tôi được cởi trói và mở khăn bịt mắt và được đưa vào một ngôi chùa. Nhờ mấy năm ở trong đoàn Hướng Đạo, tôi đã tập nhận định hướng đi và quan sát cho nên khi di chuyển trên con đường đá rộng rãi tôi đã biết rằng họ đưa chúng tôi về phía Cao Xá. Sau đó khi bước chân trên con đường lồi lõm khi rắn khi mềm, tôi biết ngay là chúng tôi sẽ đi về phía Long Cầu, Đồng Kệ và khi được mở mắt, tôi thoáng thấy nhưng bóng cao thấp lô nhô tôi chắc chắn rằng khi súng nổ chúng tôi đang ở gần đám voi đá, ngựa đá thuộc lăng mộ Bùi Quận Công phía sau làng Đoàn Đào. Và ngôi chùa này nếu không thuộc làng Ngọc Tranh thì cũng Quế Lâm gì đó.

Bọn Công an đưa chúng tôi vào căn phòng giam ở phía sau chùa. Trong đó đã có 7 người khác. Hai anh thanh niên trẻ tuổi, người có gói thuốc lào và anh bí thư có dấu tam tài không còn hiện diện. Tôi đoán không sai, đây là chùa Ngọc Tranh vì thoáng thấy vị ni sư quen thuộc. Chúng tôi 11 người bị giam trong căn phòng nhỏ hẹp thuộc giẫy hậu liêu. Hai anh Du kích được lệnh trông coi bọn chúng tôi. Cửa phòng giam khóa trái bên ngoái, người trong chùa cấm không được lai vãng tới gần, cho nên chính nhà sư cũng không biết sự gì xẩy ra taị nhà hậu. Chúng tôi tất cả đều ghẻ lở và chấy rận đầy người vì không được tắm rửa và chỉ có một bộ quần áo độc nhất. Hai anh Du kích trông coi chúng tôi là những người làng bên cạnh nên xem chừng có vẻ thiện cảm và thương tôi gặp cơn hoạn nạn. Khi tôi ngỏ ý muốn được đi tắm, vào gần nửa đêm anh du kích dẫn tôi ra bờ ruộng sau chùa, có chừng một gang tay nước. Tôi cởi quần áo máng vào cành tre, rồi đưa tay vớt nước ruộng lên người. Trời vào cuối tháng chạp, nước lạnh như nước đá nhưng tôi khoan khoái như trút sạch mọi dơ bẩn trên người.

Đêm hôm sau tôi bị gọi lên hỏi cung. Họ hỏi tôi ở đảng nào ? Liên lạc với những ai ? Tôi có biết gì đâu mà khai, thế là họ đánh tôi túi bụi. Họ cặp giây điện vào tai, vào ngực rồi quay. Hàng ngàn, hàng vạn ngôi sao trắng, vàng nổ tung trong đầu, trong mắt. Tôi quay cuồng, chân tay co rút, miệng sùi bọt mép mà họ vẫn không tha. Dùi trống, dùi chuông nện vào đầu, vào vai và các đầu khớp xương khuỷu tay, đầu gối đều đặn như gõ chuông, gõ mõ và chỉ ngừng lại khi hỏi cung.

Thực ra tôi có gia gia nhập đảng Đại Việt duy dân hay Đại Việt dân chính gì đó. Đầu năm 1946 các đảng phái quốc gia mọc ra như nấm. Đảng nào cũng có cương lĩnh, đảng quy xanh rờn. Cũng như hàng triệu thanh niên yêu nước khác, tôi muốn vào Đảng nhưng chẳng biết chọn đảng nào : Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Dân Chủ Đảng v.v... Tôi vào đảng do sự tình cờ và miễn cưỡng. Một anh bạn và tôi dến thăm một người bạn mới ở gần hồ Thiền Cuông, Hà Nội. Anh bạn mới đưa cho chúng tôi xem bản điều lệ và nội quy Đảng của anh và hỏi ý kiến. Theo lý thuyết bất cứ đảng phái nào phục vụ cho quốc gia dân tộc đều là hay cả, ngoại trừ đường lối tiêu diệt giai cấp đẫm máu của Cộng sản và mấy ông lãnh đạo xôi thịt, dùng Đảng viên làm bậc thang cho ông leo lên đỉnh cao danh vọng.

Vì chưa có chủ định và muốn hài lòng người bạn mới quen nên chúng tôi đáp rất hay và rất lý tưởng. Anh bạn liền mời chúng tôi lên gác. Anh dẫn chúng tôi trước bàn thờ có treo hình bản đồ Việt Nam. Anh viết tên chúng tôi vào tờ giấy rồi khấn khứa, sau đó anh đốt tờ giấy trong chiếc lư đồng. Móc trong túi ra khẩu súng lục, anh đặt lên bàn thờ và nói :

Kể từ ngày hôm nay, hai anh đã chính thức gia nhập đảng. Vũ khí này chứng minh kỷ luật của đảng, nếu các anh phản bội, đảng sẽ không dung thứ.

Tôi và anh bạn im lặng ra về và từ đó tôi không ưa đảng phái. Chưa chi đã mang kỷ luật, súng đạn ra để dọa nạt nhau. Tính tôi ôn hòa không ưa bạo động, đánh lộn tôi cũng không chấp nhận cho nên tôi ghê tởm những chữ phanh thây, uống máu dù rằng đó là máu quân thù. Chúng tôi lẩn trốn anh bạn mới và cuộc kháng chiến chống Pháp đã giúp chúng tôi xa lánh và đứt liên lạc với cái đảng có lối đe dọa Đảng viên ngay từ lúc gia nhập…

Sau khi quay điện và đánh đập một hồi, bọn Công an thấy tôi nằm yên thoi thóp thở, chúng cho tôi trở lại phòng giam và không quên hăm dọa :

- Tối mai, liệu lời mà khai không thì nhừ đòn !

Họ dìu tôi về đến nhà giam vừa lúc tôi ngất đi. Khi tỉnh lại trời đã gần sáng. Tiếng gà eo óc gáy, nhưng tai tôi lùng bùng lúc rõ lúc không. Miệng khát, môi khô tưởng chừng như nứt nẻ. Tôi cố đưa lưỡi liếm cho đỡ khô và thấy vị mặn chát và lầy nhầy của giòng máu đông đặc. Toàn thân tôi đau đớn ê chề, xương cốt rã rời, chân tay nhấc lên không nổi, mắt hoa đầu nặng. Không sao chịu nổi cơn khát, tôi ú ớ kêu gọi. Tôi nghe tiếng ông chánh Khương hỏi :

- Đáng ơi ! mày đỡ chưa ?

Tôi thều thao đòi uống nước. Môi tôi bị vỡ, bát nước đưa lên miệng trào ra gần một nửa. Tôi cố gượng ngồi lên uống từng giọt nuơc hòa lẫn cùng máu ở môi ở mũi đổ xuống. Tôi nằm thiêm thiếp xuốt ngày hôm sau trong cơn mê man và thân xác đau đớn. Tôi uống hết bát nước này đến bát nước khác, bụng chướng đầy nước mà cổ họng vẫn khô, miệng vẫn còn muốn uống. Ngực tôi như có búa bổ vào, sờ lên đầu thấy mềm nhũn như quả bóng cao su.

Tối hôm sau, tôi chỉ còn thoi thóp thở nên họ mang người khác ra tra tấn. Nhờ hai anh du kích Điệp và Tâm có lòng thương hại săn sóc, nấu cháo hành và cho nước nóng để chườm nên tôi dần dần lại sức.

Tối 27 Tết, họ lại bịt mắt, trói và dẫn chúng tôi đi. Lần này chỉ độ một giờ đã tới địa điểm mới. Chúng tôi cũng bị giam trong trong căn phòng nhỏ hẹp của một nhà nào đó. Gần sáng họ lôi ông giáo Khảo ở Đoàn Đào ra ngoài. Chúng tôi lắng tai nghe.

Tiếng ông giáo Khảo vang lên :

Tôi lạy các ông ! Xin các ông đừng có giết tôi. Tôi có tội tình gì đâu !

Rồi những tiếng : Phập ! Phập ! và tiếng người rên la ằng ặc rồi im bặt. Một giọng nói quen quen lại vang lên nhưng đối với tôi lại như một lưỡi đao của gã đao phủ chém xuống.

- Việc của mày tao đã làm xong rồi đó. Bây giờ đến lượt mày !

- Tao không thể làm được, nó không đáng tội chết !

- Giáo Khảo đâu có đáng chết. Tao đã làm hộ mày thế mà đến việc của tao mày lại từ chối !

Tiếng cãi vã trước to sau nhỏ dần làm chúng tôi hồi hộp nín thở. Tôi đoán rằng tên Chu đã giết ông giáo Khảo hộ người nào đó và đến khi tên Chu đòi người kia giết tôi lại bị từ chối.

Đêm hôm sau chúng tôi lại bị đổi chỗ giam nhưng chỉ đi chừng 20 phút. Nơi này sáng sủa, rộng rãi hơn cả. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy anh Doãn đình Ấn, người bạn thuở còn học lớp nhất trường huyện Phù Cừ đi lại ở ngoài sân. Tôi biết họ giam chúng tôi tại nhà ông Tổng Vượng, bạn của cha tôi ở làng Đại duy. Đêm 30 Tết, họ đem ông Phó Bạt ra tra tấn. Hình như họ chỉ muốn đánh đập, hành hạ nạn nhân nên chẳng hỏi han gì nhiều. Qua kẽ hở của vách ván tôi thấy 4 tên công an đầu trâu, mặt ngựa lấy giây trói ông Phó Bạt ra phía sau, lấy giẻ nhét vào miệng. Có lẽ quay điện, đổ nước vào mũi và đánh đập đã quá nhàm chán cho nên chúng nghĩ ra trò chơi mới. Trói hai tay ghì ra phía sau cột chặt vào hai chân làm cho nạn nhân cong người như con tôm. Chúng kéo nạn nhân lên xà nhà rồi buông xuống. Bị dập ngực xuống đất nếu không gẫy xương cũng vỡ mặt và chấn động dữ dội toàn thân. Ông phó Bạt vãi phân đầy người, mùi uế khí nồng nặc gian phòng chúng mới chịu bỏ cuộc.

Đêm giao thừa chúng tôi ngồi trong nhà giam nghe tiếng chuông, tiếng trống chào đón chúa Xuân mà lòng chua xót. Xuân đến ở đâu chứ nào có đến nơi nguc tù này. Nếu là trại tù thực sự có lẽ còn có đôi chút không khí ngày Tết. Còn chúng tôi chỉ là những người tù bí mật không có lý do giam dữ, không có án tòa, không biết ngày nào bi giết, ngày nào được thả. Cha mẹ, vợ con anh em chẳng biết chúng tôi còn sống hay chết cho đến khi nhận được thư xin tiền tiếp tế. Không biết ở nhà đã gửi cho chúng tôi bao nhiêu tiền, nhưng dù là ngày Tết cũng chỉ có lưng cơm gạo đỏ và vài con tép nhỏ. Riêng tôi nhờ hai anh du kích có cảm tình đặc biệt vì tôi đã dạy các anh những bài hát như: Đàn chim Việt, Nhớ chiến khu, Bắc Sơn v.v… Các anh đã cho tôi ra nhà ngoài có bàn có ghế để tôi có thể nắn nót kẻ chữ và chép cho các anh những bài hát đang được ưa chuộng vào thời đó. Tôi cũng dạy cho các anh vài thế võ tự vệ để trả ơn đã cho tôi đi tắm vào những đêm hôm khuya khoắt.

Chiều mồng một Tết, tôi được gọi ra ngoài. Một mâm cơm ngon lành chờ sẵn: Bát chân giò nấu măng, đĩa giò mỡ, đĩa xôi đậu xanh và đĩa xu hào xào lòng gà. Anh du kích cho hay là của anh Ấn gửi cho. Tôi cảm kích tấm lòng quý hóa hiếm có của người bạn cũ và nhờ anh chuyển lời cám ơn đến người đã không quản ngại liên hệ với chúng tôi. Tôi mời anh du kích cùng ăn trong nước mắt vơi đầy, tôi cũng không quên để dành góc đĩa xôi và mấy miếng giò cho ông Chánh Khương, người bạn nối khố của cha tôi.

Gần trưa hôm mùng hai, tôi đang dượt võ cho anh du kích, chợt có tiếng gọi ở ngoài cổng. Anh Điệp vội đẩy tôi vào phòng giam, khóa lại và ra mở cổng. Tên Chu trong bộ Quân phục mầu nâu nghênh ngang tiến vào. Đầu đội mũ ca lô có gắn sao vàng, vai choàng băng mầu đỏ chéo xuống ngang hông. Một bên đeo lủng lẳng thanh kiếm lưỡi mạ bạc sáng loáng, một bên là khẩu súng ru lô hiệu con ngựa bay nước thép còn xanh biếc. Bước vào nhà giam, tên Công an lên giọng :

Năm mới ! tôi chúc các người chết rục trong tù. Cái lũ phản động như các người sống làm gì cho tốn cơm, tốn gạo.

Mắng nhiếc một hồi, tên Chu vẫy tay ra hiệu tôi bước ra ngoài. Hắn ta ngồi xuống ghế và chỉ cho tôi chiếc ghế trước mặt.

- Anh biết tôi chứ anh Đáng ?

- Dạ tôi có biết.

Anh dại dột quá. Theo họ chống lại Chính phủ mà lại còn không chịu khai ra, nên tôi không thể can thiệp giúp anh được. Anh nên nghe tôi, khai cho rõ cho hết Chính phủ sẽ khoan hồng cho anh.

Tôi phân trần, thực sự tôi có biết gì đâu để khai. Tên Chu chỉ nói lừng chừng cái đó tùy anh tôi không có ép. Trước khi ra về Chu còn hỏi tôi có muốn hỏi thêm gì không. Tôi hỏi về cha tôi, hắn ta rút khẩu súng giơ lên đầu ra hiệu bóp cò và bước ra khỏi cửa.

Mắt hoa lên, đầu óc choáng váng, tôi ngồi phịch xuống ghế lặng người nước mắt dàn dụa. Anh du kích ra khóa cổng trở vào thì thầm bảo tôi :

Nó nói láo đó ! Đừng có tin. Tôi nghe họ nói còn giữ cha anh ở đằng xóm giữa. Nhưng tôi biết anh em nó thâm thù nhà anh ghê lắm.

Thực ra cha tôi bị hàm oan, chứ có làm gì để anh em tên Chu mang lòng thù hận. Họ là người cùng làng nhưng khác thôn. Bốn anh em Xuyến, Quyển, Vũ và Chu con ông Quản Diễn người thôn Ải. Họ gọi ông Phó tổng Nguyễn đức Uẩn bằng chú họ. Ông Tổng Uẩn phụ tá cho cha tôi trong việc hành chính và trị an cho tổng Hoàng Tranh gồm 7 xã. Tính tình nham hiểm lại thêm nghiện hút thuốc phiện cho nên ông Tổng Uẩn mưu mô xảo quyệt, ưa đâm bị thóc chọc bị gạo. Cha tôi tôi tính dễ dãi, hời hợt và ham vui chơi cho nên quyền hành gần như ở trong tay ông Tổng Uẩn. Giữa ông và đám cháu này có sự bất hòa bắt nguồn từ sự hiềm khích với ông bố, ông Quản Diễn. Tôi không rõ chi tiết ra sao, song đại để biết rằng đám cháu chê bai mỉa mai ông chú là người dốt nát, biển lận và sâu mọt. Ông chú thấy đám cháu hỗn láo, xấc xược lại vô nghề nghiệp chỉ luyện tập võ nghệ lại hay chửi bới mình nên phao vu là có tư tưởng Cách mạng. Khi cha tôi đi vắng, ông trình lên huyện và đám cháu bị bắt. Họ được cộng sản huấn luyện trong tù và khi mãn tù họ đi biệt xứ hoạt động bí mật. Trước ngày 19-8-45 họ trở về làng vận động dân chúng biểu tình chống Nhật, chống Pháp dành độc lập. Tôi cũng là một người trong đoàn biểu tình theo họ đi khắp nơi hô hào những khẩu hiệu yêu nước thương nòi.

Sau ngày độc lập, cha tôi bị kết tội thân Tây, thân Nhật và bị tịch thu gia sản. Ông Tổng Uẩn được vô can vì đổ hết tội lỗi cho cha tôi, nhưng ông cũng bị đám cháu công khai nhục mạ trước mặt dân chúng. Ông Tổng Uẩn không phải là người chịu nhục và dễ dàng bị khuất phục. Ông bỏ nhà lên Hà Nội và gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội viết tắt là Việt Cách. Ông bỏ tiền ra mua súng ống, đạn dược. Ông thuê mấy vệ sĩ và trở về Phù Cừ để phô trương thanh thế và tuyển mộ thêm đảng viên. Đám cháu ông đâu có chịu nước lép vì tên Quyển là Ủy viên công an tỉnh, Chu ủy viên Công an huyện, Xuyến người anh cả Chủ tịch ủy ban Hành chính kháng chiến xã. Họ đem quân đến bao vây ông chú tại làng Ngọc Tranh và ông Tổng Uẩn bị bắt sau khi nhẩy từ mái nhà xuống gẫy một chân. Ông bị giam tại huyện Phù Cừ và mấy hôm sau được giải lên tỉnh. Anh công an giải giao được lệnh bắn bỏ phạm nhân tại chỗ nếu có chuyện cướp tù và chuyện đã xẩy ra đúng y như vậy. Khi giải ông Tổng Uẩn đến địa phận làng Duyên linh, mấy phát súng nổ vu vơ từ trong chiếc lò gạch bỏ hoang bên đường, anh công an thi hành đúng lệnh. Mấy tháng sau anh Giáp con trai ông tổng Uẩn dẫn các đồng chí về báo thù, nhưng đám anh em họ của anh đã nhanh chân tẩu thoát. Anh Giáp tức giận, châm lửa đốt nhà rồi bỏ ra đi…

Gần một tháng sau, một anh công an lạ mặt đến giải tôi đi nơi khác. Lần này di chuyển vào lúc sáng sớm, nên tôi không bị trói và cũng không bị bịt mặt. Ra khỏi làng Đại duy người công an dẫn tôi trên con đường cũ xuyên qua cánh đồng. Bên phải là làng tôi, bên trái là Ngọc tranh, phía trước là Quế lâm. Kìa cây đa nhỏ cằn cỗi mọc ở cổng Tranh ngay lối đi vào làng tôi. Cây đa này trồng đã lâu năm mà chiều cao cũng như chiều ngang đều không thay đổi. Con đường vào làng đã lác đác có người qua lại, tôi mong có cơ hội gặp người cùng làng để có người đưa tin cho mẹ tôi được biết, nhưng chẳng có ai. Tôi chờ đợi một câu hỏi tiếng chào những cảnh vật quen thuộc đều vô tình vô nghĩa với kẻ tử tù như tôi. Căn nhà hai tầng của cha mẹ tôi hiện rõ sau lùm tre xanh ngắt. Cánh đồng lúa mới cấy trải dài trước mặt tới khu mộ bà tôi ở cánh đồng Sớm.

Chúng tôi đi qua chợ Tranh, nơi tôi khi còn nhỏ đã theo mẹ, theo người bác dâu lên mua những bức tranh gà tranh lợn vào những ngày giáp Tết. Tôi hy vọng hôm nay có phiên chợ, nhưng chợ cũng vô tình nốt, nên quán hàng vắng bóng. Tôi lặng lẽ theo anh công an dẫn lộ ít nói, ít lời. Chúng tôi theo lối đi lên Hạ lễ đến chợ Thi và tiếp tục đi lên mạn Bắc. Khi tới Bình trì, một bóng người thấp thoáng trong chiếc quán lá ven đường làm cho tim tôi như ngừng đập, hơi thở đứt quãng. Cha tôi ! phải rồi chính cha tôi đang ngồi với một người lạ mặt. Tôi vội vã chạy lại ôm lấy cha tôi. Hai cha con nước mắt dàn dụa, nghẹn lời không nói ra tiếng. Hai người công an áp giải nhìn nhau dường như thông cảm với cảnh ngộ phụ tử trùng phùng, nhưng sợ trách nhiệm nên không cho chúng tôi trò chuyện lâu la. Khi đó cha tôi mới biết rằng tôi đã bị bắt và ông ngoại tôi đã qua đời. Đối với tôi, cha tôi còn sống là quá đủ, mọi chuyện đều là dư thừa. Sau đó cha con tôi kẻ trước người sau đều bị dẫn giải đến trụ sở tạm thời của Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến tỉnh Hưng Yên. Trong khi chờ đợi xét xử theo đơn khiếu nại của mẹ tôi, sự can thiệp của cậu tôi và người anh con cô con cậu, chúng tôi bị tạm giam tại nhà giam chính thức của tỉnh. Nếu không có sự can thiệp và khiếu nại này, cha con tôi không biết còn sống hay bị giam cho đến bao giờ.

Trại giam này là một phần bị trưng dụng trong gia cư của ông Chánh Tháp, một người quen với cha tôi tại làng Đanh quàn, phủ Ân thi. Tất cả khoảng 50 người tù bị giam trong 2 phòng riêng biệt. Mỗi phòng chừng 20 thước vuông, giữa phòng là chiếc cùm gỗ lim. Sau bữa cơm chiều moi người đều phải đưa một chân vào lỗ cùm cho giám thị kiểm điểm và khóa lại. Sáng hôm sau khoảng 8-9 giờ, Giám thị vào đếm và mở cùm ra. Khi đó chiếc chân bị cùm đã tê cứng phần vì lạnh, phần vì không cử động được nên máu huyết khó lưu thông. Dù rằng sau bữa ăn tối chúng tôi đã hạn chế uống nước để khỏi đi tiểu ban đêm, nhưng lạnh chân không ngủ được nên ai cũng đi tiểu vài lần.

Thực là một sự khó khăn, trước hết phải nhờ người chuyển hộ chiếc tĩnh đựng nước mắm cũ, sau đó phải nằm sấp xuống rồi chống tay từ từ ngồi lên chiếc cùm và với chiếc tĩnh để làm phương tiện cho việc bài tiết. Suốt đêm tiếng gọi, tiếng cằn nhằn lục đục khó lòng nhắm mắt. Cả phòng giam trên hai chục người chỉ có một lỗ nhỏ bằng hai bàn tay trên chiếc cửa sổ đã xây gạch bít kín. Gần lỗ thông hơi này là nơi dành cho những người ốm yếu và là nơi viết thơ về nhà xin tiền tiếp tế. Thức ăn vẫn không thay đổi, nắm cơm gạo đỏ với chút muối vừng hoặc chút muối trộn mỡ. Không có rau cỏ gì cả cho nên hầu hết chúng tôi bị chứng táo bón. Thỉnh thoảng có những hôm phải ăn những chiếc bánh giầy mốc meo mốc thếch vừa đắng lại vừa cay. Bánh giầy do nhân dân ủng hộ các chiến sĩ, để lâu bị mốc, chiến sĩ ăn không nổi đem nướng lại và thảy cho bọn tù chúng tôi. Ai muốn được ra ngoài thở chút không khí trong lành phải đảm nhận việc đổ thùng phân hay nước tiểu và việc này đã xảy ra nhiều lần tranh chấp.

Ra ngoài còn không được còn nói gì đến chuyện tắm giặt. Ông Châu Xương (Tri châu) nghĩ ra cách tắm khô. Mỗi ngày người ta gom lại chút nước uống chừng một gáo nhỏ, đổ vào tay lần lượt xoa khắp phần thân thể cho ướt rồi kỳ cọ cho cáu ghét rơi ra. Tuy rằng chẳng được sạch nhưng còn hơn không.

Được giam chung phòng nên cha con tôi tha hồ trò chuyện. Hôm cha tôi bị bắt, họ bịt mắt lại đem vào giam ở một nhà nào đó thuộc làng Cát dương, sau đó mang sang Hạ cát rồi về Đại duy.

Hôm họ đâm chết ông giáo Khảo, cha tôi cũng bị giam tại căn nhà đó nhưng ở phòng bên kia. Vậy thì người mà tên Chu muốn giết là cha tôi chứ không phải là tôi. Có lẽ nhờ mẹ tôi khiếu nại và sự vận động của cậu tôi và người anh họ với cấp Tỉnh cho nên họ chưa giết cha tôi. Họ đưa cha tôi về chùa Trà Bồ và bà sư nữ chùa này trước kia tu tại chùa làng tôi đã báo tin này cho mẹ tôi hay.

Mấy hôm sau, một người cán bộ đạp xe đến chùa Trà bồ. Đầu đội mũ gắn sao vàng, lưng đeo súng lục tay cầm chiếc sắc cốt đựng giấy tờ. Anh cán bộ gọi người Công an canh gác đến cho xem Chứng minh thư và nói được lệnh trên tỉnh để điều tra. Khi cánh cửa mở ra, vừa nhìn thấy người Cán bộ cha tôi đã òa lên khóc. Người Cán bộ hay là anh Phả, người anh con cô con cậu với tôi cũng không cầm được nước mắt. Sau khi dặn dò cha tôi, anh Phả ra về và hai hôm sau có lệnh giải cha tôi lên tỉnh vì ông Tú Chất đương kim Chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến tỉnh Hưng Yên là chú vợ anh Phả.

Hơn một tháng sau cha tôi phải di cư bắt buộc ở làng Thịnh Đán thuộc tỉnh Thái Nguyên, còn tôi được phóng thích. Tính ra tôi đã ở tù trên ba tháng.. Ba tháng trong tù Cộng sản còn lâu hơn ba năm ở ngoài. Bước chân ra khỏi căn phòng giam tối tăm chật hẹp, tôi thấy bên ngoài trời nắng chang chang, ánh sáng chói chan rực rỡ vô cùng.

Khi tôi vào nhà giam là một buổi chiều âm u rét mướt của đầu mùa đông cây cối trơ cành trụi lá. Khi rời nhà tù là buổi sáng đầu xuân có nắng vàng rực rỡ, cây cỏ xanh tươi. Vạn vật hình như nhẩy múa đón mừng ánh nắng huy hoàng hay đón mừng ngày tôi được tự do. Tôi hoa mắt, quay cuồng ngã lăn ra đất miệng lẩm bẩm :

Đúng là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại !


Pekin, Il. mùa Đông 84
Bùi Xuân Đáng