PDA

View Full Version : Những Ngày Cuối Cùng Ở Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận



KiwiTeTua
05-08-2015, 07:35 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/1_1430434744.jpg


Những Ngày Cuối Cùng Ở Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận - Bộ Chỉ Huy Phòng Thủ Căn Cứ Cam Ranh

Trên không, từ hướng Nha Trang, một chiếc C 130 lượn vòng hạ dần cao độ rồi đáp xuống theo lệnh toán điều không lưu động trên một xe Jeep. Một chiếc "Pick up" sơn màu xanh biển đậm của KQ có kể hàng chữ ‘Follow Me’ chạy ra hướng dẫn chiếc C 130 và cho đậu ngay trên phi đạo.

Bùi Quốc Hùng - Bút ký

Lời thưa: 40 năm trôi qua, kể từ khi quân cộng sản Bắc Việt tấn công thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Darlak rạng sáng ngày 10/3/1975. Sau đó, BTL/QĐII/QK2 cùng tất cả các đơn vị trực thuộc xử dụng Liên tỉnh lộ 7B rút quân từ Pleiku về Nha trang ngày 17-3-1975; tiếp theo, Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận (BCH5TV) cùng các đơn vị tiếp vận trực thuộc đang đồn trú tại bán đảo Cam Ranh di chuyển về phương Nam bằng đường biển rạng sáng ngày 2/4/1975; cuối cùng dẫn đến ngày 30/4/1975. Tất cả đã là một chuỗi ngày trọng đại và bi hùng nhất trong chương cuối của lịch sử Việt Nam Cộng Hòa Chiến Đấu Chống Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lược và cũng là dấu ấn thời gian chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam.
40 năm trôi qua, giờ đây mọi quang cảnh của chiến trường xưa đã đổi thay và những Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Anh Hùng năm xưa, Ai còn và Ai mất?

40 năm trôi qua, tôi vẫn mang theo trong đời những nỗi khắc khoải, day dứt, đắng cay, buồn phiền về quê hương-dân tộc Việt Nam nghèo nàn, lầm than, cơ cực; về cuộc sống nghìn trùng xa cố xứ và nhất là về những Mảnh Đời Rách Nát, thảm thương của những Chiến Sĩ Thương Phế Binh VNCH còn sống sót lất lây nơi vùng hoang, ngõ hẻm ở quê nhà. Tình yêu Quân Đội, tình thương yêu đồng đội vẫn hiện hữu thường xuyên trong tôi mỗi ngày một sâu đậm hơn, không hề nhạt phai. Do đó, tôi xin được ghi lại một phần ký ức trong những ngày cuối cùng của Bộ Chỉ Huỵ Tiếp Vận/Bộ Chỉ Huy Phòng Thủ Căn Cứ Cam Ranh.


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/2_1430434760.jpg
Cựu Trung Úy Bùi Quốc Hùng


Khi BTL/QĐII/QK2 di chuyển về Nha Trang cũng là thời gian BCH5TVnhận thêm nhiều trọng trách to lớn, nặng nề, như tổ chức điều hành cầu không vận Cam Ranh-Saigon; tiếp nhận, chuyển tiếp tất cả các đơn vị quân đội và gia đình binh sĩ từ QK1 và QK2 di tản về phương Nam bằng đường hàng không và đường biển để tái định cư; trách nhiệm yểm trợ tiếp vận cho các đơn vị hành quân, các đơn vị đồn trú tại 5 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Khánh Hòa, và Đặc khu Cam Ranh (trừ đi hai tỉnh đã mất: Quảng Đức và Darlak). Quân nhân các cấp thuộc BCH5 TV và các đơn vị tiếp vận trực thuộc đã thi hành nhiệm vụ liên tục không ngừng kể từ khi trận đánh Ban Mê Thuột mở màn cho đến khi QK1 và QK2 bỏ ngỏ.

Khi những chiến sĩ anh hùng của LĐ3Dù, SĐ 22/BB, SĐ 23/BB, các Tiểu Đoàn Địa Phương của các tiểu khu Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa thế cùng, lực kiệt: không có quân tiếp viện, chiến đấu một chọi mười với VC cho đến viên đạn cuối cùng tại mặt trận Khánh Dương thì Nha Trang và Cam Ranh đương nhiên bị uy hiếp. Tuy nhiên, BCH5TV và các đơn vị TV trực thuộc vẫn làm trọn nhiệm vụ cho đến những giây phút cuối cùng.

Ở đây, tôi cũng xin được ghi lại những khuôn mặt chiến hữu-đồng đội thân yêu; đặc biệt xin được đốt nén tâm hương tưởng niệm tất cả những Chiến Sĩ VNCH Vị Quốc Vong Thân trong suốt cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam 1954-1975 vừa qua, trong đó có Trung Uý Nguyễn Quốc Công (1), người sĩ quan trẻ tuổi, ưu tú thuộc Phòng Tiếp Liệu/BCH5TV, cựu sinh viên Khoa Học Đại Học Đường Sài gòn đã hy sinh giữa lòng phố thị Nha Trang buổi tối ngày 1/4/1975, và các vị sĩ quan chỉ huy tại BCH5TV đã từ trần: Đại Tá Phạm Văn Chuyết, CHT/BCHQV5, Sài Gòn, Việt Nam; Trung Tá Đoàn Ngọc Khiết, TP/KHHL, California, USA; Trung Tá Kim, TK/Nhân Viên, California, USA; Trung Tá Lại Như Xuyên, LĐT/LĐ55 Đạn Dược, Kirland, Washington, USA; Đại Tá Ngô Minh Châu, CHT/BCH5TVvà BCH1 TV, California, USA; Đại Tá Tô Đăng Mai/CHT/ BCH5TVvà Cục Trưởng Cục QTV, Stockton, California, USA.

Nha Trang-Cam Ranh Bay, Thứ Hai, ngày 31 tháng 3 năm 1975

Đứng dưới chân Phật đài Nha Trang bên cạnh trạm kiểm soát Nam, tôi bồn chồn lo lắng đón xe vào BCH5TV đồn trú trong bán đảo Cam Ranh. Đáng lẽ tôi đi bộ ghé qua nhà Thiếu Tá Nguyễn Văn Khánh (2), Phó Trưởng Phòng Kế Hoạch -Thống Kê, chỉ cách nhà cha mẹ vợ tôi vài căn, để cùng đi chung như thường lệ mỗi khi chúng tôi từ đơn vị về Nha Trang, nhưng hôm nay tôi muốn vào BCH sớm nên nhờ tiện nội chở xe gắn máy đưa thẳng ra đây.

Thành phố Nha trang vào thời gian này thực sự là một thành phố chuẩn bị chiến tranh, ồn ào náo nhiệt suốt ngày đêm vì bị ảnh hưởng bởi các trận đánh đẫm máu giữa QLVNCH và quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại chiến trường Ban Mê Thuột khởi diễn rạng sáng ngày 10/3/1975, rồi trận chiến lan đến Chi Khu Phước An, Darlak; và chi khu Khánh Dương, Khánh Hòa.

Đó đây diễn ra các cuộc chuyển quân rầm rộ hướng lên mặt trận Khánh Dương để chặn đánh Cộng quân không cho chúng tiến về duyên hải như Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (LĐ3Dù) từ chiến trường Đà Nẵng di chuyển bằng đường biển về cảng Nha Trang, rồi dùng đường bộ di chuyển lên Khánh Dương; các đơn vị thiếp giáp, các tiểu đoàn địa phương thiện chiến nhất của hai tiểu khu Bình Thuận (Phan Thiết) và Ninh Thuận (Phan Rang) cũng được tăng phái cho mặt trận Khánh Dương, di chuyển bằng đường bộ theo trục Nam-Bắc Quốc lộ 1, Phan Thiết- Phan Rang-Nha Trang và sử dụng quốc lộ 21 Nha Trang-Khánh Dương. Bên cạnh đó là dòng người vô tận và xe cộ đủ mọi loại như: xe đạp, xe gắn máy, xe lambretta, xe đò chở khách, xe vận tải, xe nhà, xe nhà binh chất đầy ứ người, gia tài tế nhuyễn, đồ đạc vật dụng mang theo từ Ban Mê Thuột, Pleiku, Phú Bổn đổ xuống, từ Bình Định, Phú Yên đổ vào. Tất cả đều hối hả, tất bật, thảng thốt, lo âu, mệt mỏi và rã rời trên cuộc hành trình đi về chính nghĩa nhưng đầy bất trắc, gian nguy và khổ ải; đành cam bỏ lại nơi chôn rau cắt rốn, miếu đường của tổ tiên, thôn xóm, làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn chắt chiu gây dựng từ bao đời để đi tìm miền đất sống tự do, an bình dước chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) với những người lính VNCH “Bảo Quốc An Dân)”. Đây chính là một sự tuyên dương tinh thần và lập trường quốc gia kiên định của người dân miền Nam không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản tàn bạo, phi nhân.



http://hoiquanphidung.com/userupload/img/3_1430434771.jpg
Liên Tỉnh Lộ 7


Trong đời, tôi đã từng được chứng kiến cảnh người dân chạy tản cư ra khỏi vùng có chiến tranh Việt-Pháp trước năm 1954 ở ngoài miền Bắc, cảnh các đoàn người trong số có cả triệu người dân miền Bắc lìa bỏ quê Cha, đất Tổ di cư vào miền Nam để chạy trốn thiên đường cộng sản, nhưng cuộc di tản của dân chúng trong hai tháng 3 và 4 năm 1975 từ vùng chiến trường về miền Nam Tự Do vô cùng vĩ đại và có ý nghĩa nhất cho chính nghĩa Quốc Gia.

Chăm chú quan sát dòng xe cộ chen chúc nối đuôi nhau bất tận xuôi Nam, tôi nhận thấy hầu như không có quân xa các loại thuộc các đơn vị tiếp vận đi vào Cam Ranh, kể cả các chuyến xe “lô bồi” hàng ngày mỗi xe vẫn chở hàng trăm công chức quốc phòng vô làm việc tại các đơn vị đồn trú trong bán đảo và buổi chiều lại lên xe về với gia đình ở Nha Trang. Bất chợt một chiếc xe Jeep A1 bám đầy bụi đỏ luồn lách lao tới. Tôi vội nhoài người ra đưa một ngón tay cái lên ra dấu “auto stop” miệng nói: – Cam Ranh! Xe ngừng lại, tôi lên xe ngay, trực chỉ Cam Ranh. Trưởng xa là Đại Uý Đối (3), Phân Đội Trưởng Yểm Trợ Tiếp Vận Lữ Đoàn 3 Dù. Từ hơn một tuần nay, Đại Uý Đối thường đến BCH5TV để xin lệnh yểm trợ tiếp vận cho Lữ Đoàn 3 Dù, lúc đó đang là nỗ lực chính chiến đấu ngăn chặn Cộng quân tại tuyến phòng thủ Khánh Dương sau khi Chi khu Phước An di tản. Ông và tôi cùng làm việc với nhau tại Phòng Kế Hoạch-Thống Kê/BCH5TV.

Tôi hỏi tình hình mặt trận Khánh Dương, Đại Uý Đối cho biết LD3 Dù và các đơn vị Bộ Binh, Địa Phương Quân vẫn đang quần thảo với địch và chiến xa của chúng. Ông cũng cho biết hỏa tiễn “TOW” cơ hữu của SĐ Dù dùng để chống “tank” đã được chở từ Sài gòn ra mặt trận Khánh Dương và các chiến sĩ Dù đã sử dụng để đánh “tank” của Cộng quân ngay. Do đó, LĐ3 Dù đã hoàn trả số hỏa tiễn “TOW” mượn trước đây của Kho đạn Đồng Bà Thìn thuộc Liên Đoàn 55 Đạn Dược/BCH5TV. Tôi nhớ lại khoảng mười ngày trước, khi LĐ3 Dù ra mặt trận Khánh Dương đã phải đối diện với các SĐ/CSBV có các đại đơn vị xe tăng và pháo binh yểm trợ. Để có hỏa tiễn “TOW” đối phó với xe tăng địch, BCH5TV đã gởi một công điện Thượng Khẩn/Mật trình xin Tổng Cục Tiếp Vận (TCTV) chấp thuận cho BCH5TV cho LĐ3 Dù mượn tạm hỏa tiễn “TOW” để đáng “tăng CS” cho đến khi SĐ Dù không vận TOW cơ hữu ra chiến trường thì hoàn trả. Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tổng Cục Trưởng TCTV kiêm Tham Mưu Trưởng Liên Quân chấp thuận đề nghị trên.

Luồn lách dòng xe cộ chật như nêm trên Quốc lộ1, xe chúng tôi băng qua Cây Dầu Đôi, Thành cổ Diên Khánh xưa, ngang qua các vườn xoài xanh tươi dọc theo hai bên đường, qua vùng cát trắng Thủy Triều, qua Kho Đạn Đồng Bà Thìn, quẹo trái tiến vào Căn Cứ Cam Ranh. Đến “Main Gate”, cổng chính được canh gác và kiểm soát nghiêm ngặt, do Đại Uý Vương Vũ chỉ huy. Đại Uý Đối xuống xe trình Sự Vụ Lệnh, sau đó xe chúng tôi chạy trên cầu Long Hồ, do Quân Đội Mỹ xây dựng bắc qua eo biển Mỹ Ca-Cam Ranh. Cây cầu này đúc bằng sắt thép bắc qua eo biển, được xem là tối tân vào hàng bậc nhất Đông-Nam-Á lúc đó; đích thân Thủ Tướng VNCH Nguyễn Văn Lộc từ Sài gòn ra cắt băng khánh thành. Qua khỏi cầu Long Hồ vài trăm mét, xe quẹo trái chạy trên đại lộ về hướng làng Mỹ Ca bên trái, phía Bắc bán đảo khoảng 1 Km. Đối diện với cổng làng Mỹ Ca, một địa danh sản xuất rượu nổi tiếng là doanh trại của BCH5TV, nằm bên tay phải. Nơi đây trước kia là bản doanh của BCH Không Quân của Hải Quân Hoa Kỳ (US Naval Air Forces).

Sơ Lược về Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận

Sau khi Hiệp định Ba Lê ký kết tháng 1 năm 1973 có hiệu lực, Quân Đội Hoa Kỳ rút về nước, BCH5TV nhận lệnh Bộ TTM, Liên bộ Quốc Phòng, Nội Vụ tiếp nhận Căn Cứ Cam Ranh từ Quân Đội Mỹ đồng thời di chuyển toàn bộ danh trại BCH5TV (Trại Quang Trung-Nha Trang), các đơn vị tiếp vận trực thuộc Vùng 5 Tiếp Vận gồm có BCH Quân Vận 5, Liên Đoàn 5 Vận Tải và Căn Cứ Chuyển Vận Nha Trang; Liên Đoàn 85 Yểm Trợ Quân Cụ, Liên Đoàn 150 Quân Nhu, Liên Đoàn 55 Đạn Dược; các tiểu đoàn 45 Yểm Trợ Công Binh, Tiểu Đoàn 250 Yểm Trợ Quân Cụ, Tiểu Đoàn 662 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa, Trung Tâm Bảo Toàn Trung Hạng, Trung Tâm Huấn Luyện Vùng 5 TV, Khu Quân Sản Tạo Tác Nha Trang, Chi Khu Khai Thác Tiện Nghi Cam Ranh, Sở 5 Quân Tiếp Vụ, Trung Tâm Hồi Lực và Trung Đội Quân Cảnh cơ hữu; riêng Sở 5 Mãi Dịch vẫn đồn trú tại Nha Trang để thuận tiện công tác.

Cũng vì khối lượng đơn vị to lớn và nhiều như vậy nên khi tiếp nhận và phối trí các đơn vị tiếp vận đồn trú trong bán đảo, BCH5TV từ đây kiêm nhiệm việc tổ chức và điều hành Bộ Chỉ Huy Phòng Thủ Căn Cứ Cam Ranh (BCH/PT/CCCR), quân số và quân dụng do các đơn vị tiếp vận trực thuộc cung cấp, có trách nhiệm an ninh lãnh thổ bán đảo, tạm thời tách ra khỏi hệ thống chỉ huy và quản trị lãnh thổ của Đặc Khu Cam Ranh ngoài Ba Ngòi theo thỏa thuận của liên Bộ Nội Vụ, Quốc Phòng và Bộ TTM.

Xe chạy qua trạm gác cổng chính, ngừng trước tiền sảnh BCH, tôi xuống xe, cảm ơn Đại Uý Đối, hẹn gặp lại. Ông cho biết phải tới phi trường để nhận tiếp liệu từ Sài gòn chuyển ra và triệt thối hàng về hậu cứ SĐ Dù.

Vào tòa nhà BCH, tôi đi dọc theo hành lang trái, đẩy cửa bước vô Phòng Kế Hoạch-Thống Kê. Phòng hoàn toàn trống vắng không một ai có mặt làm việc. Đồng hồ trên tường chỉ 7 giờ 40 sáng. Tôi biết với tình hình đầy biến động hiện nay, chắc chắn giờ này quân nhân các cấp đều đã ở lại Nha Trang để lo sắp xếp gia đình. Đi quanh khắp phòng, qua phòng làm việc của Trung Tá Nguyễn Đình An, Trưởng phòng; Thiếu Tá Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng phòng; Đại Uý Lân, Trưởng ban Kế hoạch. Liền đó, tôi vô phòng làm việc của chính tôi, ban Thống kê. Theo thông lệ, mỗi buổi sáng đầu giờ, tôi phải giải quyết nhiều văn thư đến từ các binh đoàn, nhưng hôm nay không có tập hồ sơ “Công Văn Đến”. Tôi rời phòng ra hành lang, đẩy cửa bước vô phòng làm việc của Đại Uý Nguyễn Xuân Hy, Trưởng ban Huấn luyện; Đại Uý Nghiêm Trọng Hiếu , Trưởng ban Tổ chức. Chuẩn Uý Ta, Thượng Sĩ Nhất Khánh, Trung Sĩ Vân, Trung Sĩ Nhất Thì, Hạ Sĩ Trung, tài xế; Ông Quý, Anh Hạnh, công chức quốc phòng đều vắng mặt. Trở ra hành lang, tôi mở cửa Phòng Trực Hành Quân nằm cùng dãy với Ban Huấn luyện và Ban Tổ chức, đây cũng là nơi làm việc của tôi với chức vụ kiêm nhiệm Sĩ Quan Hành Quân của BCH. Một tuần trước, khi một bộ phận của Bộ Chỉ Huy Nhẹ Yểm Trợ Hành Quân/BCH5TV đặt bên cạnh BTL/QĐ II (Grand Hotel) Nha Trang rút về Cam Ranh, tôi trở về BCH trực tiếp điều hành Phòng Trực Hành Quân (PTHQ) này. Ngay lúc đó, chuông điện thoại reo. Tôi nhắc ống nghe:

-A lô! Phòng Trực Hành Quân tôi nghe!
-Xin lỗi giới chức nào đầu máy, tôi là Thiếu Tá Thu (4) BTL/QĐ III, cho tôi gặp Trung Uý Hùng.

Nhận ra giọng nói của người anh rể, tôi nói chuyện với Anh. Anh tôi cho biết chiều hôm qua (Chủ nhật,30/3/1975) Bố-Mẹ, Chị Cả tôi và các cháu con của Chị cùng một số các cháu con của hàng xóm láng giềng đã từ Cam Ranh về đến Sài Gòn bình yên. Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, Đại Tá Tô Đăng Mai (5) Cục Trưởng Cục Quân Tiếp Vụ cho xe giúp chở gia đình tôi về nhà. Theo lời anh rể tôi thì Bố-Mẹ và các Chị tôi đang lo lắng khóa lóc ở nhà. Tôi tưởng gia đình đang lo cho tính mạng người anh rể lớn của tôi là Đại Uý Trần Văn Bồng (6), Trưởng ban 4 chi khu khi Cộng quân tấn công Chi Khu B’Sar, Tiểu Khu Lâm Đồng (TKLĐ). Tôi nói rằng, tôi đã liên lạc với Phòng 4/TKLĐ, được nơi đây cho biết theo tin từ các quân nhân thoát về từ Chi Khu B’Sar thì Đại Uý Bồng không bị tử nạn, không bị thương và cũng không bị địch bắt. Như vậy, Anh Bồng chắc đã trốn tránh ngoài rừng chứ khôngsao đâu. Anh tôi bảo rằng không phải gia đình chỉ lo cho Anh Bồng mà còn lo cho em trai tôi là Y sĩ Trung Úy TQLC Bùi Ngọc Bảng. Tôi nói em Bảng cùng Lữ Đoàn 468 TQLC đang bảo vệ vòng đai phía Nam Sài gòn nhưng anh tôi cho biết Lữ Đoàn 468 TQLC vừa được lệnh ra Đà Nẵng, và lúc này, Đà Nẵng rối loạn rồi. Anh tôi nói thêm: “Bố-Mẹ bảo em cố gắng tìm em Bảng.” Tôi trấn an gia đình để tôi tìm kiếm, khi có tin tức tôi sẽ cho gia đình biết ngay. Tôi cúp máy, bần thần suy nghĩ, như vậy, đơn vị Tổng Trừ Bị nguyên vẹn cuối cùng của quân lực cũng đã được đưa ra Vùng I. Có thể nào Sàigòn bỏ ngỏ?

Tôi không có thì giờ suy nghĩ thêm vì các máy điện thoại tới tấp reo vang, máy STS liên lạc trực tiếp giữa BCH5TV với BCH Nhẹ YTHQ tại Khánh Dương; việc tiếp vận và yểm trợ cho TTHL/BĐQ/Dục Mỹ; theo dõi các tàu Hải Quân, xà lan thương thuyền đang chở quân, gia đình binh sĩ và thườngdân di tản từ Đà Nẵng cặp quân cảng Cam Ranh; liên lạc BTL/SĐ2 KQ xin cho phi cơ quan sát bay trên vùng biển tìm kiếm các tàu, bè, xà lan chở quân , dân di tản đang lênh đênh trên biển cả. Công việc đổ ập đến liên tục. Tôi ghi sổ trực, Nhựt Ký Hành Quân các tin tức, dữ kiện, dánh dấu trên bản đồ hành quân tình hình, hoạt động của Bạn-Địch.

10 giờ sáng, tôi lên cầu thang rẽ qua hành lang bên phải đến Văn Phòng Chỉ Huy Trưởng. Tại bàn làm việc, Trung Uý Đạt, Chánh Văn Phòng chưa có mặt. Đại Tá Mai Duy Thưởng (7), CHT cũng vắng, nhưng tôi trông thấy một quân nhân rất trẻ, mặc quân phục TQLC, đầu trần, dáng điệu bơ phờ mệt mỏi ngồi bất động trên ghế trước bàn của Trung Uý Đạt. Tôi bước vô phòng, người quân nhân đứng lên chào. Tôi chào lại. Nhìn kỹ một chút, tôi thấy trên nắp túi áo ngực trái có gắn một bông mai đen. Tôi hỏi:

– Thiếu Uý cần chi? Đơn vị nào đến đây?
– Dạ, tôi ở SĐ/TQLC Đà Nẵng. Tự nhiên Đà Nẵng hỗn loạn, Sĩ quan chỉ huy các cấp tự sát, đơn vị không còn nữa. Tôi theo các vị tiểu khu trưởng/tỉnh trưởng di tản bằng xà lan lên bến cảng Cam Ranh và định đến đây xin phương tiện về Sàigòn.

Không bỏ lỡ cơ hội, tôi hỏi:

– Thiếu Uý có biết Y Sĩ Trung Uý Bùi Ngọc Bảng thuộc LĐ 468/TQLC vừa từ Sàigòn ra Đà Nẵng không?
Lữ Đoàn đó nay ở đâu? Có đi chung xà lan với Thiếu Uý không?
– Tôi không biết và không nhớ gì hết.

Thấy người sĩ quan trẻ vừa trải qua một biến động lớn lao, tôi an ủi:

– Thiếu Uý cố gắng đừng quá buồn phiền, bình tĩnh để chờ về Sàigòn; BCH5TV cũng đã nhận lệnh chuyển tiếp toàn bộ SĐ/TQLC về Vũng Tàu để bổ sung quân số và tái trang bị.

Nói xong, tôi đi ra khỏi VP/CHT, xuống lầu trở về PTHQ. Lúc này, tôi thực sự lo lắng cho em trai tôi. Tôi gọi điện thoại ngay cho Căn Cứ Chuyển Vận Cam Ranh, hỏi tàu chở SĐ/TQLC đã cập bến chưa, và có thể tìm kiếm giúp được em tôi không? Nhưng các giới chức đầu giây đều trả lời là quân cảng hiện nay tràn ngập đủ mọi sắc quân, binh, chủng, gia đình binh sĩ và đồng bào; hơn nữa không thể tìm hỏi được vì không có danh sách. Trong tình cảnh này, dù có rất nhiều phương tiện trong tay, tôi cảm thấy bị bó tay bất lực.

Rơi vào trạng thái ngột ngạt, căng thẳng chưa từng có, tôi rời khỏi PTHQ, ra sân sau đi về phía cánh phải BCH nơi có Khối Nhân Viên (trước làPhòng Tổng Quản Trị) làm việc. Tình cờ tôi gặp một nhóm bốn, năm sĩ quan cấp Tá Sư Đoàn Dù trong quân phục mũ, giầy mới tinh khôi đang đứng ở đó. Tôi giơ tay chào.

Một Đại Tá hỏi:

– Trung Uý cho hỏi thăm Đại Tá CHT/BCH5TV bây giờ ở đâu, chúng tôi muốn gặp.
– Thưa Đại Tá, Đại Tá CHT chúng tôi hiện giờ không có ở BCH. Thưa quý vị cần chi?
– Chúng tôi là phái đoàn ở Trung Ương ra để tìm hiểu về tin đang loan truyền ở Sàigòn rằng TQLC đã giết hết lính Dù ở Đà Nẵng và đang chiếm cảng Cam Ranh. Chúng tôi muốn mượn xe để di chuyển.
– Thưa Đại Tá, tất cả xe Pool đều đã tăng phái cho các đơn vị đi công tác trên Khánh Dương. Nhưng tin quân Dù bị sát hại không đúng và bến tàu Cam Ranh hoạt động bình thường, không có chuyện TQLC chiếm đâu.
– Trung Uý nói sao? Tôi là Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chánh Trị BTL/SĐ Dù, nhận lệnh thượng cấp từ Trung Ương cử ra đây để công tác tìm hiểu tin đồn quan trọng như vậy mà Trung Uý nói không có à!
Đột nhiên vị Đại Tá này nói xẵng giọng, có vẻ nổi nóng vì Ông không tin lời tôi nói. Rất nhanh, tôi nhìn bảng tên trên nắp túi áo phải của ông, chữ “B…” đầu tiên; rất nhã nhặn tôi cắt đứt câu chuyện bằng một chứng cớ mạnh mẽ.
– Thưa Đại Tá, vào lúc 7 giờ rưỡi sáng nay, chúng tôi, Đại Uý Đối, Phân Đội Yểm Trợ Tiếp Vận/LĐ3
Dù và tôi từ Nha Trang vô, chia tay tại đây.
– Có thật không Trung Uý?
– Thưa Đại Tá, bây giờ Đại Uý Đối đang ở phi trường để tiếp nhận đồ tiếp tế từ Sàigòn chở ra và triệt thối hàng về, Đại Tá và phái đoàn có thể qua phi trường gặp Đại Uý Đối ở đó.
– Chào Trung Uý, chúng tôi qua phi trường.

Nói xong, Ông cùng các vị sĩ quan trong phái đoàn đi ngay.

Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng nhận thấy rõ ràng tình hình ở hai Quân Đoàn I & II diễn biến rất nhanh đến độ Trung Ương hoang mang với những tin đồn do VC tung ra. Thay vì phối kiểm, đánh giá nguồn tin để biết đúng-sai thì Sàigòn lại lại cử cả một phái đoàn đi tìm hiểu một tin đồn vô căn cứ.

Trở về PTHQ, qua khung cửa sổ tôi quan sát sự đi lại trên đại lộ bên ngoài BCH. Từng đoàn người đi bộ hối hả nối đuôi nhau dáng điệu thiểu não, mệït mỏi; tay xách nách mang, tay dắt con thơ đi qua cổng BCH trực chỉ về hướng phi trường, thay vì từ bến tàu đi thẳng qua cầu Long Hồ, qua ‘Main Gate’ ra ngã ba, quẹo trái đi trên QL 1 về hướng Phan Rang. Trời Cam Ranh nắng chang chang, mặt đường nhựa bốc khói. Tình cảnh của đồng bào thật vô cùng khổ sở, bi đát.

Một nhóm quân nhân đang đi trên đại lộ về hướng phi trường, bất thình lình quẹo phải đi thẳng vào cổng BCH5TV; di chuyển theo đội hình hàng dọc, khi đến trạm kiểm soát cách văn phòng tôi làm việc khoảnh 100 mét thì ngừng lại. Tôi nhìn rõ hơn, đếm nhanh tất cả có 24 quân nhân mặc quân phục không đồng đều: người có nón, người đầu trần, người mặc áo, người mặc quần lót, người chân giầy, người không; nhưng tất cả có vũ khí cầm tay: M 16, M 79, lựu đạn. Trưởng trạm kiểm soát, Trung Sĩ Nuôi đứng bật dậy, hấp tấp rời trạm gác đi rất nhanh vào BCH. Đứng sát bên cửa sổ, tôi đưa tay vẫy gọi. Anh bước lên vườn cỏ, lách qua khóm trúc đào tiến đến gần cửa sổ chào tôi.

– Trình Trung Uý, có toán TQLC xin vô BCH. Em nói để Em vô trình Trung Uý.

Giọng Trung Sĩ Nuôi rõ ràng mất bình tĩnh.

– Được rồi, để tôi ra ngay.

Nói xong tôi đi ra ngay trạm kiểm soát. Quả thực đứng trước‘barrier’ là một hàng dọc binh sĩ TQLC. Tất cả đều còn rất trẻ, dáng vẻ mệt mỏi. Tôi nghĩ đến em tôi, một Quân Y Sĩ TQLC. Đứng trước toán quân, tôi không cảm thấy một mối đe dọa hiểm nguy nào. Lòng tôi dâng lên một mối thông cảm, xót xa, những con “Cọp Biển” oai hùng là đây sao. Tôi không thể suy nghĩ gì thêm, người trưởng toán đứng đầu đưa tay lên chào. Tôi chào lại rồi hỏi:

– Các Anh Em đi đâu đây?
– Trung Uý cho bọn Em vô BCH để đi phi trường về gia đình. Cấp chỉ huy tự vẫn hết rồi, đơn vị cũng không còn nữa. Chúng Em buồn lắm, muốn về nhà ở Sàigòn. Trung Uý giúp chúng Em.
– Bình thường, cho các Em vô BCH hoặc cấp phương tiện cho các Em không có gì trở ngại, nhưng bây giờ cho các Em vô để đến phi trường thì không được. Trung Uý sợ khi các Em đến đó sẽ bị ngộ nhận rất nguy hiểm bởi vì khu vực phi trường đã giao cho các đơn vị và gia đình binh sĩ thuộc huấn khu Dục Mỹ, TTHL/BĐQ rút về đóng ở đó.
Ngay lúc đó, một chiếc GMC tuần tiễu hỗn hợp từ khuôn viên BCH/PTCC/Cam Ranh đang từ từ chạy ra. Toán TQLC vẫn đứng yên tại chỗ. Một Thượng Sĩ Quân Cảnh thuộc SĐ/TQLC làm trưởng xa xuống xe trình Sự Vụ Lệnh. Tôi nói ngay:
– Ồ may quá, có Thượng Sĩ Hợp đây rồi. Các Em này muốn về nhà. Nhờ Thượng Sĩ vui lòng cho các Em lên xe về SĐ ở quân cảng để chờ triệt thối về Vũng Tàu.

Quay qua toán quân nhân, tôi dặn dò:

– Các Em lên xe về SĐ để về Vũng Tàu trong ngày nay hoặc chậm lắm là ngày mai.

Tất cả mọi người lần lượt lên xe. Nhìn chiếc xe GMC chuyển bánh, tôi cảm thấy yên tâm.
2 giờ chiều, tôi qua BCHQV5 để hỏi về việc bốc dỡ đạn dược. Tuần lễ trước, một loạt 2, 3 tàu viễn dương chở hàng chục ngàn tấn đạn dược cập bế Cam Ranh. Như thường lệ, Liên Đoàn 5 Vận Tải Chuyển vận về kho đạn Đồng Ba Thìn và các kho đạn khác thuộc LĐ55ĐD. Trên con đường phía trước Văn Phòng BCHQV5, tôi gặp một nhóm gần một chục quân nhân cấp Tá đang đứng ở đó. Nhìn phù hiệu trên quân phục, tôi biết tất cả quý vị này đều thuộc QĐ I, SĐ1 và SĐ 2 BB. Tôi chào kính và hỏi:

Thưa quý vị từ đâu tới? Quý vị đến BCHQV5 làm chi?
– Chúng tôi ở QĐI. Di tản bằng xà lan từ Đà Nẵng lên Cam Ranh. Chúng tôi đến đây định xin phương tiện về Sàigòn.

Sau khi giới thiệu, tôi được biết một số quý vị là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng các tỉnh địa đầu giới tuyến, còn lại là SQ chỉ huy thuộc SĐ1 và SĐ2BB.

Bỗng nhiên, một Trung Tá rất trẻ, dáng dấp hùng dũng, mạnh khỏe, chồm tới lắc vai tôi, lớn tiếng:

– Trung Uý! Tại sao? Tại sao? Tôi không hiểu nổi. Các đơn vị còn nguyên ở tuyến đầu chưa chạm địch đã có lệnh rút đi. Bây giờ đơn vị tôi ở đâu? Anh Em tôi đâu? Gia đình tôi đâu?

Ông buông tôi ra và ôm mặt. Tôi nhìn Ông lòng tràn ngập sắt se ái ngại; đây là lần đầu tiên trong đời quân ngũ tôi phải chứng kiến những giọt lệ của người anh hùng khi gặp bước đường cùng. Làm sao trả lời được những câu hỏi xé lòng dồn dập của vị Trung Tá trẻ, tôi khỏa lấp:

– Xin Trung Tá dằn lòng. Tôi đề nghị mời Trung Tá và quý vị vô văn phòng dùng điện thoại báo tin cho thân nhân, gia đình ở Sàigòn biết quý vị đã đến Cam Ranh thì tốt hơn.

Lời đề nghị của tôi được hưởng ứng ngay. Tôi hướng các vị đi đến PTHQ. Tôi nói:

– Thưa quý vị, đây là PTHQ của BCH5TV. Trong phòng có một máy siêu tần số dùng để liên lạc với BCH Nhẹ YTHQ, ba máy điện thoại Class A bắt “parallel” với VP/CHT, VP/CHP, và TP/KHTK. Các máy này gọi đi bất cứ tỉnh nào cũng được. Xin quý vị cứ tự tiện xử dụng. Riêng các máy loại “C” sử dụng nội bộ.

Nói xong, tôi qua phòng bên cạnh để các vị này nói chuyện tự nhiên. Sau đó các vị khách rời đi.

3 giờ chiều, rời PTHQ, tôi đi bộ băng ngang sân sau và một đại lộ rộng lớn để đến Văn Phòng An Ninh Quân Đội, đặt cạnh BCH/PT/CC/ Cam Ranh. Gặp Chuẩn Uý An Ninh (không nhớ tên vì Ông từ Phòng ANQĐ Đặc Khu Cam Ranh mới qua) tôi nói với Ông là tôi muốn đi xuống quân cảnh thăm thú một chút chứ ngồi mãi ở BCH không biết tình hình tiếp nhận và chuyển tiếp các đơn vị quân đội và đồng bào ra sao. Nếu Chuẩn Uý rảnh thì đi với tôi. Sau đó, hai chúng tôi cùng đi trên chiếc xe Jeep của ANQĐ. Băng ngang qua phi đạo, qua Khu Quân Sản Tạo Tác, ra đường chính quẹo trái đi về hướng đông dẫn đến quân cảng. Dọc đường, chúng tôi quan sát dòng người bất tận, dân sựï có, binh lính có, hối hả di chuyển ngược chiều đi ra bán đảo. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã đến bến tàu. Từ trong trạm kiểm soát, một hạ sĩ quan thấy chúng tôi đi ra mở cây rào cản. Xe vừa qua khỏi rào cản, may mắn thay, nhìn qua bên trái tôi đã thấy Em tôi cùng bốn quân nhân khác đang ngồi trên dãy lan can thấp làm bằng cây chạy dọc theo lề đường; tất cả năm người quân phục không đồng nhất cũng giống như các toán quân di chuyển lẻ tẻ tôi đã gặp trước đó.

Tôi nói với Chuẩn Uý An Ninh:

– Em trai tôi ngồi bên kia.

Chúng tôi cho xe tấp sát lề bên phải, xuống xe, băng qua đường. Tôi thực sự vui mừng. Tôi đã tìm được Em tôi trong dòng người di tản từ Đà Nẵng, Quân Khu 1.

– Sao em di chuyển về đến đây mà không nhờ điện thoại báo cho anh biết?
– Dạ, tại nhiều chuyện bất ngờ quá, em cũng không còn nhớ anh ở đây nữa.

Lúc này, các quân nhân khác đều đứng lên chào chúng tôi. Tôi giới thiệu Chuẩn Uý An Ninh. Em tôi giới thiệu từng người.

– Đây là các bạn em: Bác sĩ Nguyễn Quang Khoa, Bác sĩ Lê Văn Ngoạn, Bác sĩ Phạm Ngọc Châm và Bác sĩ Bùi Văn Rậu (8) đều ở Lữ Đoàn/TQLC.
– Buổi sáng nay anh Thu từ BTL/QĐ III gọi điện thoại ra báo tin em đã ra Đà Nẵng và bảo anh phải làm sao tìm em. Gặp Em bây giờ anh mừng lắm, lát nữa anh sẽ chở Em và các bạn về BCH5TV nghỉ ngơi.

Sau đó, chúng tôi đi ra bãi quan sát bến tàu. Ngoài số người đông đúc đã rời tàu lên bờ đi qua lại tấp nập trên bãi, còn có nhiều tàu quân đội và dân sự bỏ neo trên bến. Trên chiếc tàu nào cũng đông nghẹt hành khách là quân nhân đủ các quân, binh chủng di tản từ QK1 và QK 2 đến. Từ Văn Phòng Căn Cứ Chuyển Vận Cam Ranh, một quân nhân mặc quân phục TQLC chỉnh tề đi ra. Tôi hỏi em tôi là ai, em tôi cho biết đó là Y Sĩ Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng TĐ/QY cùng BTL/SĐ/TQLC ra đón SĐ, để đưa SĐ về Vũng Tàu. Trước đó, tôi được biết Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân. TL/SĐ/TQLC cũng có mặt ở quân cảng để đón binh sĩ của ông.

Trên trời máy bay quan sát Cessna bay qua lại liên tục. Nhiều trực thăng hai bên thân có gắn cấp hiệu “Tướng” một hoặc hai ngôi sao trắng trên nền đỏ hoặc xanh bay vần vũ trên không phận bán đảo. Từ hướng Ba Ngòi, một trực thăng HUIB bay thẳng về hướng bến tàu. Khi bay trên một tàu HQ đầy người trên bong”, chiếc trực thăng đột ngột sà xuống định đáp, có lẽ muốn bốc ai đó. Bất ngờ trên tàu nổ súng hàng loạt hướng lên chiếc trực thăng không cho đáp. Trực thăng chao mình vọt lên bay về hướng Nha Trang. Tôi hồi hộp, xúc động theo dõi tình trạng trên chỉ sợ một kết quả đau lòng xảy ra cho những người cùng chiến tuyến. Rất may, sự việc chỉ có thế. Mọi người đều bình an, vô sự. Quan sát một thời gian khá lâu, chúng tôi nhận thấy hoạt động ở bến tàu rất xô bồ, náo nhiệt nhưng chưa có biến cố nào đáng tiếc xảy ra. Sau đó, tất cả chúng tôi lên xe quay về BCH5TV. Anh bạn ANQĐ đưa thẳng anh em chúng tôi về khu “barracks” nơi tôi ở. Tôi đưa em tôi và các bạn lên nghỉ ngơi tại căn “apartment” 3 phòng của tôi trên lầu, kế bên đầu cầu thang.

Tôi nói:
– Việc trước tiên là các em lựa chọn quần lót, áo thung rồi xuống nhà tắm cho tỉnh táo, xong xuôi lên phòng lấy đồ trận còn mới của anh để trong tủ sắt, bộ nào vừa thì mặc, đừng ngại. Anh có nhiều, dư mặc. Thức ăn, thịt nguội để trong “Frigidaire”, lạp xưởng, Mai Quế Lộ, Ngũ Gia Bì, Ông Già Chống Gậy “Johnny Walker”, bánh mứt của Thân phụ chị Anh cho, từ Tết đến giờ vẫn còn. Các em ở nhà ăn uống, nghỉ ngơi, anh phải lên BCH làm việc.

Tại Phòng Trực của BCH, mọi công việc vẫn bình thường. Bộ phận truyền tin đang làm việc bên trong Khối Nhân Viên. Ngoài sân phía sau BCH, Thiếu Tá Hiến, Phó Trưởng Khối Nhân Viên kiêm nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng Đại Đội Phòng Vệ (ĐĐPV) cùng Đại Uý Liên, thuộc Phòng Phát Triển Căn Cứ kiêm nhiệm chức vụ Đại Đội Phó ĐĐPV đang tập họp binh sĩ cơ hữu để phân phối các toán ra các trạm gác phòng thủ khuôn viên rộng lớn của BCH. Vào lúc này, hầu như rất đông quân nhân tiếp vận đã thu xếp đưa gia đình vào được bán đảo. Quang cảnh khu “barracks” nhìn từ BCH nhộn nhịp hơn ngày thường nhiều. Ngay phía trước sân cờ BCH, chắn ngang giữa tư thất ĐT/CHT và BCH là các thùng lương khô “C-Ration” chất cao như núi do ĐT/CHT ra lệnh xuất kho để đề phòng trường hợp khẩn cấp có thể cấp phát được ngay.

Chiều nhá mhem tối, tôi bước ra trạm kiểm soát trước cổng BCH, quan sát đại lộ bắt đầu từ ngã ba cầu Long Hồ, qua cổng vào làng Mỹ Ca, dẫn đến “Terminal”phi trường. Dưới ánh sáng trong xanh của các ngọn đèn cao áp chiếu sáng hai bên đường và của hệ thống đèn phòng thủ, dòng người di chuyển qua lại vẫn đông đúc, tấp nập như ban ngày. Đoàn người này từ bến cảng lên phi trường, đoàn người khác lại từ phi trường đi ngược trở ra. Trở lại Phòng Trực HQ, coi lại diễn biến từ khi quân CSBV tấn công Ban Mê Thuột đến nay, tôi nhận thấy tình hình quân sự ở các mặt trận tại QK1 và QK2 diễn ra rất nhanh và hoàn toàn bất lợi cho ta, cho dù tất cả các đơn vị QLVNCH tham chiến đã chiến đấu rất anh dũng và chỉ chịu thúc thủ khi phải chiến đấu trong tình thế hiểm nghèo.

Mới chỉ vừa 20 ngày qua, một chuỗi các sự kiện quan trọng xảy ra:

– 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, Cộng quân mưa pháo vào thị xã Ban Mê Thuột, sau đó, bộ binh và chiến xa tấn công.
Đại Uý Khanh, Chỉ Huy Trưởng Kho Đạn Mai Hắc Đế/LĐ/55/Đạn Dược tử trận.
– 11/3/1975, Ban Mê Thuột thất thủ.
– Trưa ngày 14/3/1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Lực, một số Tướng Lãnh ở Trung Ương đã họp mật với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh QĐ II tại Tòa Bạch Ốc Phương Đông trong bán đảo Cam Ranh. Trước đó một ngày, BCH5TV/BCHPT/CCCR đã nhận lệnh chuẩn bị Phòng Họp và giữ an ninh trong thời gian thượng cấp hội họp. Chính tại tòa nhà lịch sử này, đích thân Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho BTL/QĐ II rút khỏi cao nguyên về củng cố vùng duyên hải trù phú.
– 17/3/1973, QĐ II bắt đầu triệt thoái về duyên hải theo lột trình Liên Tỉnh Lộ B, một con đường liên tỉnh hoang phế từ lâu không sử dụng nhằm đạt được yếu tố bất ngờ với địch quân.
– 19/3/1975, Lữ Đoàn 3 Dù từ Vùng I di chuyển bằng đường biển đổ bộ lên cảng Nha Trang.
– 20/3/1975, Lữ Đoàn 3 Dù ra mặt trận Khánh Dương, trực tiếp ngăn chặn Cộng quân tiến về Nha Trang.
– 25/3/1975, những chiếc xe đầu tiên rút lui từ Pleiku, qua Phú Bổn về đến Phú Yên.
– 26/3/1975, một phái đoàn BCH5TV và ĐT. Vũ Văn Lộc, Bộ TTM/TCTV (9) ra công tác, cùng đi Nha Trang, lên đỉnh đèo Rù Rì trên QL1 đón đoàn xe triệt thoái về Nha Trang.
– 28/3/1975, Chi Khu B’Sar thuộc Tiểu Khu Lâm Đồng bị CS tràn ngập lúc 3 giờ sáng. Anh rể tôi, Đại Uý Trần Văn Bồng, Trưởng Ban 4 Chi Khu mất tích. Đúng 12 giờ trưa, TK Lâm Đồng bị mất. Rất may, một tuần trước đó, Cha-Mẹ và gia đình tôi đã lánh nạn vào bán đảo Cam Ranh ở cùng tôi.
– 30/3/1975, các đại đơn vị từ Vùng I và Vùng II di chuyển bằng đường biển cập bến Cam Ranh. Trong số các đơn vị đó có SĐ/TQLC.

Trong vòng một tuần lễ cuối cùng của Tháng 3/1975, một số các sự kiện được ghi nhận tại BCH5TV: Vào đầu tuần, ĐT. Vũ Văn Lộc từ Bộ TTM/TCTV ra công tác tại Nha Trang. ĐT Lộc là sĩ quan cao cấp duy nhất ra công tác tại BCH5TV; Ông mang những chỉ thị đặc biệt của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, TMT/ Bộ TTM kiêm TCT/TCTV; duyệt xét và thẩm định tại chỗ mọi nhu cầu về yểm trợ tiếp vận cho các mặt trận tại QK2 kể từ sau ngày Ban Mê Thuột thất thủ; tăng cường tiếp liệu từ trung ương và chuẩn bị khẩn cấp việc tiếp đón các đơn vị quân đội, gia đình binh sĩ và đồng bào di tản từ QK1 và QK 2 đến bến cảng và phi trường Cam Ranh. Ngay lập tức, một loạt các buổi họp tham mưu giữa BTL/QĐ II, BCH5TV, BTL/SĐ2KQ, BTL/Vùng 2 Duyên Hải, và các đơn vị tiếp vận trực thuộc liên quan đến các công tác nói trên.
Sau đó, một cầu không vận chính thức được thành lập tại phi trường Cam Ranh do BCH Quân Vận 5 thuộc BCH5TV phối hợp chỉ huy điều điều hành. Về phần chuyên môn, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng, TL/SĐ2KQ đề cử một toán điều không gồm 16 quân nhân do một chuẩn uý làm trưởng toán chỉ huy cùng một số xe cộ, quân dụng để sử dụng, điều hành cầu không vận. Đồng thời, một Đại Đội QC (-) gồm 80 quân nhân với đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng do đích thân Thiếu Tá Anh, TĐ Phó TĐ5QC từ Sàigòn ra tăng cường giữ gìn và bảo vệ trật tự an ninh cho cầu không vận và bến cảng.

Vào lúc này, nhiệm vụ của BCH5TV thật vô cùng nặng nề vì một mặt phải đồng loạt yểm trợ tiếp vận cho các đại đơn vị tham chiến, mặt khác vẫn phải bổ sung tiếp liệu cho các kho tồn trữ tiếp liệu tại 5 tiểu khu và 1 đặc khu thuộc vùng trách nhiệm. Vào thời điểm này lại đảm trách thêm một công tác to lớn là phải lo việc tiếp nhận và chuyển vận một khối lượng đông đảo quân, dân, di tản đến các khu tạm cư hoặc định cư thuộc các tỉnh phía Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy… Tuy nhiên, vì nhận định được tầm nghiêm trọng của tình thế và ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, các đơn vị và cá nhân đều đã nỗ lực chu toàn công tác cho đến giờ phút cuối.

Cũng trong tuần này, các tấm vỉ sắt (PSP), vỉ nhôm cuối cùng trong kho tồn trữ của BCH5TVđã được phát ra; thêm vào đó, một số vỉ nhôm khác được tháo gỡ ngay trên “taxi way” của phi đạo nằm kề bên khuôn viên Đại đội Tổng Hành Dinh, các Phòng Tiếp Liệu, Phòng Bảo Toàn, để cấp phát cho Liên Đoàn 6 CBCĐ phụ trách công tác bắc cầu ngang qua Sông Ba cho đoàn xe hàng ngàn chiếc triệt thoái từ Pleiku, Phú Bổn về Phú Yên. Công tác khó khăn này do đích thân Tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh chỉ huy điều động. Và trong nỗ lực tăng viện cho mặt trận Khánh Dương, một chi đoàn chiến xa từ Sông Mao, Phan Thiết ghé vô BCH5TV xin lệnh yểm trợ.

Mặc dù tình hình chiến trường sôi động và đồng bào lũ lượt từ bỏ những vùng nguy hiểm hoặc đang sắp sửa giao tranh để di chuyển về phương Nam, nhưng hoạt động của BCH5TV&BCH/PT/CCCR vẫn bình thường.

Trước đó, buổi sáng Thứ Bảy, 29-3-1975, Bố Mẹ và bà Chị tôi nói với tôi là gia đình muốn về Sàigòn, vì ở đây lâu e bất tiện. Thực sự tôi cũng muốn đưa Bố Mẹ, Chị và các cháu về xum họp dưới một mái nhà với Anh-Chị-Em chúng tôi ở Sàigòn, vì thế tôi đi qua Bộ Chỉ Huy Quân Vận 5. Vào thẳng phòng làm việc của Đại Tá Phạm Văn Chuyết, CHT (10).

Tôi lên tiếng vấn an:
– Kính chào Đại Tá. Đại Tá có khỏe không?
– Cám ơn Trung Uý. Vẫn bình thường. Hai Cụ vẫn ở đây với Trung Uý phải không?
– Thưa vâng. Xin Đại Tá xem hôm nay có mấy chuyến bay về Sàigòn, có chuyến nào còn chỗ trống, cho các Cụ và bà Chị chúng tôi cùng các cháu về Sàigòn luôn.
– Hôm nay có may chuyến bay từ Đà Nẵng về ngang qua nhưng không ăn hàng. Trung Uý đừng lo, tôi còn mấy chiếc tàu viễn dương đang bốc dỡ bom đạn ngoài bến, nếu chẳng may có chuyện gì bất thường, tôi sẽ nói với viên thuyền trưởng dành ‘cabin’ tàu để các Cụ về Sàigòn.
– Xin cám ơn Đại Tá.

Rời khỏi BCHQV5, tôi yên tâm trở về phòng làm việc. Vào khoảng 3 giờ chiều, bất thình lình các máy điện thoại loại ‘C’ trong Phòng KHTK bị cắt không thể sử dụng được. Tôi qua Phòng Trực HQ gọi cho TĐ 662 KHTT/ĐD yêu cầu cho nhân viên qua sửa chữa. Chẳng dè đích thân Thiếu Tá Sơn , Tiểu Đoàn Trưởng và Đại Uý Tiểu Đoàn Phó (không nhớ tên) qua sửa chữa điện thoại cho tôi chứ không có binh sĩ nào khác. Tôi đoán đa số quân nhân trong tiểu đoàn đã về lo thu xếp cho gia đình ở ngoài bán đảo nhất vào lúc tình hình lộn xộn hiện nay. Việc làm đầy tinh thần trách nhiệm của Thiếu Tá Sơn và vị Tiểu Đoàn Phó của Ông để lại trong lòng tôi sự nể trọng và cảm mến vô cùng.

5 giờ chiều, cuối tuần như thường lệ, quân nhân các cấp tại các đơn vị đồn trú trong bán đảo ra xe về thăm nhà ở Nha Trang và các khu vực lân cận. Trên nguyên tắc, kể từ khi BCH5TV và các đơn vị trực thuộc trú đóng trong bán đảo, lệnh cấm trại 100% quân số được ban hành và lệnh này vẫn được tiếp tục duy trì thi hành. Tuy nhiên, vì các quân nhân đã ở đơn vị làm việc suốt tuần, nên nếu ai không phải ứng chiến trực hay canh gác thì họ được du di cho về thăm gia đình.

Buổi sáng Chủ Nhật, 30-3-1975, BCH5 TV im ắng, ngoại trừ bộ phận Tổng trực. Các dãy’barracks’ trống vắng, yên lặng vì chủ nhân đã đi khỏi. Nhưng bên BCHQV5, người ra vô tấp nập, xin phương tiện hàng không đi Sàigòn. Từ BCH, tôi về nơi ở thăm Bố-Mẹ, Chị và các cháu. Sau đó, tôi đi bộ ra trạm kiểm soát của BCH. Tại đây, tôi được tin nhắn ra ‘Main Gate’ ngoài cầu Long Hồ đón tiện nội tôi từ Nha Trang vô thăm nhân dịp Bố-Mẹ tôi từ Bảo Lộc ‘Blao’, Lâm Đồng xuống.
Theo dõi tình hình vận chuyển bằng hàng không, hôm nay nhịp độ máy bay lên xuống hầu như thưa thớt. Một vài chiếc Cessna vội vàng đáp xuống phi đạo lại cất cánh lên ngay. Cho đến khoảng hơn 4 giờ chiều, tôi được báo có một chiếc C 130 của KLVN đáp xuống ngay phi đạo phía cánh phải của BCH chứ không phải đáp xuống phía nhà khách ’Terminal’ của phi trường. Tôi nghĩ nếu tàu còn chỗ, tôi có thể gửi gia đình theo về Sàigòn; được như vậy, tôi yên tâm hơn. Không nghĩ ngợi gì thêm, tôi xuống Đại Đội Tổng Hành Dinh mượn một chiếc Dodge 4×4 để chở Bố-Mẹ, Chị, các cháu và đồ đạc ra ngoài phi đạo chờ máy bay đáp xuống. Nói là đồ đạc chứ thực sự là mỗi người chỉ xách theo một túi xách đựng quần áo và vật dụng cá nhân mà thôi. Tình cảnh lúc này cũng không khác gì cuộc di cư vào Nam đầu Tháng 8 năm 1954, khi gia đình chúng tôi giã từ Hànội vào Sàigòn.

Trên không, từ hướng Nha Trang, một chiếc C 130 lượn vòng hạ dần cao độ rồi đáp xuống theo lệnh toán điều không lưu động trên một xe Jeep. Một chiếc ‘Pick up’ sơn màu xanh biển đậm của KQ có kể hàng chữ ‘Follow Me’ chạy ra hướng dẫn chiếc C 130 và cho đậu ngay trên phi đạo.

Như được báo trước, một số xe quân đội chở một nhóm đồng bào vào khoảng 40 người cũng trờ tới. Tất cả xuống xe trong tâm trạng vừa vui mừng vừa như lo âu. Khi máy bay dừng lại hẳn, tôi thấy Đại Tá Tô Đăng Mai, cựu Chỉ Huy Trưởng BCH5TVcùng phu nhân từ trên máy bay bước xuống. Bửng phía sau đuôi tàu mở ra, trên tàu có rất đông hành khách. Cùng lúc, một đoàn xe 3, 4 chiếc xe GMC chở vật dụng từ phía xa chạy đến đậu sau đuôi phi cơ. Có lẽ số hàng này sẽ được chuyển lên tàu. Mọi người xôn xao dồn cục bao kín phía bửng phi cơ. Cùng lúc, một Trung Tá phi công xuống tàu. Ông tiến đến bên Đại Tá Tô Đăng Mai đề nghị cho xe chở đồ đạc về nơi xuất phát để có thể ưu tiên chở toàn bộ hành khách đang đứng chờ. Tôi hồi hộp và bối rối theo dõi tình cảnh tế nhị này. Nhưng tôi không phải chờ đợi lâu, Đại Tá Mai đã cho lệnh đoàn xe quay đầu trở về Nha Trang. Một quyết định thật nhanh, đầy nhân bản. Mọi người hân hoan vui mừng khi được báo cho phép lần lượt lên tàu. Đại Tá Mai và phu nhân bước đến bên Bố-Mẹ tôi thăm hỏi tình hình Bảo Lộc; nguyên do, hai Cụ Tám là thân phụ và thân mẫu của phu nhân Đại Tá, lại là chỗ hàng xóm với Bố-Mẹ tôi. Gia đình tôi lên tàu sau cùng. Tôi giơ tay chào mọi người chúc “Thượng lộ bình an”.

Chiếc C 130 cất cánh quay đầu về hướng Nam là chuyến bay cuối cùng của một buổi chiều Chủ Nhật, 30-3-1975. Một tháng đầy biến động của QK1 và QK2 với những trận giao tranh đẫm máu giữa QLVNCH với quân CSBV đồng thời cũng đẫm máu và nước mắt người dân VNCH trong suốt cuộc hành trình tìm tự do dưới chính thể quốc gia Miền Nam.
Buổi chiều tối hôm đó, tôi đưa tiệïn nội về với gia đình ở Nha Trang. Thành phố nhộn nhịp khác thường. Khối lượng người dân đổ dồn từ các tỉnh phía ngoài như Bình Định, Phú Yên, từ các Cao Nguyên xuống làm cho thành phố như nhỏ lại. Tuy nhiên, tình hình trật tự, trị an vẫn bình thường, chưa có điều gì tiêu cực xảy ra.

Cam Ranh Bay, Thứ Ba, ngày 1 tháng 4 năm 1975

Như thường lệ, 7 giờ 45 sáng, tôi lên BCH, vô phòng làm việc. 8 giờ đúng, quân nhân các cấp tại các Phòng, Khối đã bắt đầu làm viêc nhưng không đầy đủ quân số như tuần lễ trước. Đặc biệt tôi không thấy Thiếu Tá Nguyễn Văn Khánh (2) Phó Trưởng Phòng.

Tình hình mặt trận Khánh Dương rất nặng. Lữ Đoàn 3 Dù, cùng các TĐ/BĐQ, các TĐ thuộc SĐ 22 &23 BB, 2 TĐ/ĐPQ Thuộc Tiểu Khu Ninh Thuận và Khánh Hòa phải chiến đấu trong một tình thế hiểm nghèo với 4 SĐ quân chủ lực CSBV:F10, 968,320 Sư Đoàn Sao Vàng; Lữ Đoàn Xe Tăng, 2 Trung Đoàn Đặc Công. Sau khi đánh chiếm Ban Mê Thuột, chúng tiến dần về duyên hải với các Lữ Đoàn xe tăng T54 và Trung Đoàn Pháo nặng 130. So sánh quân số và chiến cụ thì quân CSBV ở thế áp đảo, nhưng cho đến lúc này, mặt trận Khánh Dương vẫn đứng vững chỉ nhờ vào tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ anh hùng QLVNCH ngoài chiến trường.

9 giờ, Trung Tá Nguyễn Đình An, Trưởng Phòng KHTK từ ngoài vô phòng làm việc. Ông khệ nệ bê bằng hai tay một hộp giấy vuông vức mỗi cạnh khoảng chừng 30cm có vẻ rất nặng, đặt xuống sàn nhà. Vì quá nhiều hộp nên tôi ra tiếp tay với Ông mang vô. Nguyên do, Trung Tá An về Nha Trang thăm gia đình, tiện thể khi trở vô Cam Ranh Bay làm việc, Ông đã đem theo các hộp giấy này theo. Tôi được Ông cho biết trong hộp giấy có chứa các loại bạc đạn dùng cho xe hơi, nguyên được bày bán tại một cửa hàng nhỏ bán phụ tùng xe hơi do Ông làm chủ, và tài sản của Ông chỉ có thế.

10 giờ, Trung Tá An gọi tôi.
– Trung Uý Hùng đi với Đại Tá Lộc qua phi trường giải quyết một chuyến bay bị trục trặc gì bên đó.

Tôi lên VP/CHT trên lầu gặp Đại Tá Lộc. Ngay sau đó, chúng tôi lên xe Jeep chạy qua phi trường. Để mau đến nơi, tôi bảo HS Trung chạy xe cặp theo phi đạo mà không cần ra cổng chính. Còn cách rất xa nhà khách phi trường là một chiếc C-130 đang đậu trên phi đạo chứ không vô ‘taxi way’ như thường lệ. Phi hành đoàn đứng dưới đất. Phi cơ hạ bửng phía sau đuôi. Trên tàu đã có hàng trăm hành khách. Dưới đất, hai bên phía sau đuôi phi cơ có hai hàng dọc binh sĩ mặc quân phục TQLC khoảng chừng một trung đội với vũ khí cá nhân đủ loại. Tôi nói tài xế ngừng xe sát bên thân tàu. Rất nhanh, Đại Tá Lộc xuống xe. Tôi xuống xe đi cặp sát theo. Không nói gì, Đại Tá Lộc nhảy lên bửng phi cơ đứng quay mặt đối diện với các quân nhân đứng dưới đất. Tôi vội nhảy lên theo đứng bên cạnh. Ngay tức thì, nhìn thẳng vô toán quân nhân, Đại Tá Lộc nói:
– Tôi là Đại Tá Lộc, Bộ TTM ra đây công tác. Các Anh, Em có chuyện gì cần, cử người trưởng toán trình bày, tôi sẽ giải quyết.

Tất cả các quân nhân đứng im lặng, trật tự, y hệt như sự việc diễn ra ở cổng chính của BCH5TV buổi sáng ngày hôm qua. Không ai mang cấp bậc. Sau cùng có một quân nhân đứng đầu hàng lên tiếng:
– Thưa Đại Tá, chúng tôi muốn tất cả các anh em bị thương được về Sàigòn bằng máy bay hôm nay.
– Được rồi. Tất cả các anh em bị thương sẽ về Sàigòn bằng chiếc tàu này. Các anh đưa các anh em đến đây. Còn ai có điều gì thắc mắc không?

Không có ai lên tiếng. Chúng tôi bước xuống đất, gặp phi hành đoàn đề nghị cho tất cả các quân nhân bị thương lên tàu. Mọi việc ổn thỏa. Sau đó, chúng tôi lên xe về BCH.

Vào khoảng 12 giờ trưa, bất ngờ tôi gặp ĐT Ngô Minh Châu, CHT/BCH1TV (11) vừa từ bến tàu đi lên, băng qua tòa nhà BCH, ĐT Châu cũng là cựu CHT/BCH5TV. Giữa năm 1972, Ông tình nguyện ra BCH1TV vào lúc tình hình QK1 đang bị áp lực rất nặng của Cộng quân. Dáng điệu Ông rất mệt mỏi, bơ phờ. Tôi chào và thăm hỏi Ông. Ngay sau đó, ĐT Châu đi thẳng qua BCH Quân Vận 5.

2 giờ chiều, Đại Tá Mai Duy Thưởng, CHT/BCH5 TV cùng một số sĩ quan chỉ huy các đơn vị TV đi thăm bến tàu. Đoàn xe của ĐT/CHT có Quân Cảnh (từ Trung ương tăng phái) hộ tống. Cho đến thời điểm này, sinh hoạt tại BCH5TV vẫn bình thường.

5 giờ 30 chiều, tiếng chuông điện thoại reo, tôi nhấc ống liên hợp lên:
– A lô! Phòng trực HQ tôi nghe!
– A lô! Tôi Thiếu Tá Hùng. Võ phòng Phủ Thủ Tướng. Xin lỗi giới chức nào đầu máy?
– Tôi Trung Uý Hùng, Phòng trực HQ/BCH5TV. Thưa Thiếu Tá cần chi?
– Trung Uý ơi! Thủ Tướng muốn biết Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn bây giờ ở đâu? Thủ Tướng lệnh cho Võ Phòng hỏi để trình Thủ Tướng. Trung Úy biết Tướng Tư Lệnh ở đâu không?
– Thưa Thiếu Tá, nếu Phủ Thủ Tướng không biết thì làm sao chúng tôi biết được!
– Trung Úy ơi! Trung Uý giúp chúng tôi đi! Thủ Tướng muốn biết Ông Tướng ở đâu để Thủ Tướng liên lạc.
– Thưa Thiếu Tá, chúng tôi không được biết chắc chắn nhưng Thiếu Tá có thể hỏi Đại Tá Tự (Trần Văn Tự), Tỉnh Trưởng Ninh Thuận hoặc Đại Tá Nghĩa (Ngô Ngọc Nghĩa), Tỉnh Trưởng Bình Thuận vì Ông Tướng bay trên các vùng hành quân ở hai tỉnh đó.
– Cám ơn Trung Uý.

Tôi nghĩ có lẽ đây là điều hy hữu hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam bởi vì làm sao một Ông Đại Tướng, Thủ Tướng lại không có thể có một hệ thống liên lạc trực tiếp với Ông Tướng Tư Lệnh Quân Khu đang chỉ huy trên chiến trường. Nhưng tại sao chúng tôi được biết? Sự thực, trong hạ tuần Tháng 3-1975, để đáp ứng tình thế đòi hỏi, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, TL/QĐII, QK2, đã đề cử một loạt các Tướng Lãnh thuộc QK2 làm Tư Lệnh Mặt Trận như: Tướng Cẩm, Phụ Tá HQ/QĐ II, Tư Lệnh Mặt Trận Phú Yên; Tướng Thân, PT/QK2, Tư Lệnh Mặt Trận Khánh Hòa; Tướng Lâm Quang Thơ, CHT/Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Tư Lệnh Mặt Trận Đà Lạt-Phan Rang, và CH5TV có nhiệm vụ yểm trợ tiếp vận cho các mặt trận ấy.

Sau cuộc điện đàm đó, tôi rời Phòng Trưc HQ về cư xá. Khi tôi đang nói chuyện với em tôi và các bạn thì có tiếng gõ cửa dồn dập. Tôi mở cửa. Hạ Sĩ Nhất Phụ, tài xế lái xe của ĐT/CHT mặt tái ngắt, sợ hãi. Tôi hỏi:
– Có chuyện gì?
– Trình Trung Úy, ĐT/CHT bị bắn.
– Đầu đuôi ra sao. Bình tĩnh kể cho Trung Uý nghe. Tại sao chuyện này có thể xảy ra được. Đoàn xe có quân Cảnh hộ tống mà. Tôi nói dồn dập.
– ĐT/CHT đang đi, bất ngờ có một toán lính mặc đồ rằn ri chĩa súng bắt ĐT đưa chìa khóa xe. ĐT vừa đưa chìa khóa xe ra thì bị một tên nổ súng bắn.
– ĐT có bị gì không?
– Dạ, ĐT bị té xuống đất. Một anh Trung Sĩ Quân Cảnh ngồi băng sau với Em trúng đạn bị thương nơi khuỷu tay. Máu ra nhiều.
– Bây giờ ĐT ở đâu? Có đưa người bị thương qua Trung Tâm Hồi Lực (TTHL) không?
– Dạ, ĐT bỏ đi đâu Em không biết. Em chạy qua TTHL nhưng không có ai ở đó. Em chạy về BCH cho Anh QC bị thương nằm nghỉ trên giường của Trung Uý trong Phòng Trực HQ. Em xin lỗi Trung Uý. Chào Trung Uý Em đi.
Tôi chưa hỏi thêm được điều gì khác thì Hạ Sĩ Phụ đã vội vã lên xe chạy nhanh lên phía BCH. Em tôi và các Y sĩ bạn cũng đã nghe hết câu chuyện. Tôi nói với Em tôi:

– Anh muốn nhờ hai Bác Sĩ lên BCH thăm Anh QC bị thương xem sao. Lúc này chắc Hạ Sĩ I Duyệt, Y tá của ĐĐ/THD cũng không có ở đây. Không biết làm sao!
– Anh có bông băng cá nhân không?
– Có băng cá nhân. Thuốc không ngoại trừ một ống ‘Atropine’ đã hết hạn.

Em tôi nói cứ mang theo nếu cần, phải sử dụng. Sau đó, tôi, Bác Sĩ Châm và Bác Sĩ Ngoạn lên BCH thăm Trung Sĩ 1 QC bị thương. Đến nơi, tôi thấy Trung Sĩ 1 QC nằm trên giường thiếp đi. Xung quanh có vài ba quân nhân. Vì hai Bác Sĩ TQLC không mặc quân phục đơn vị lại không có mang cấp bậc nên tôi phải giới thiệu đây là các Bác Sĩ TQLC từ Đà Nẵng mới về đây. Chúng tôi xem xét vết thương của TS1 QC từ khuỷu tay trái trở lên. Xương cánh tay gãy,bầm tím sưng tấy lên. Hai Bác Sĩ băng bó và chích một mũi thuốc mang theo. Sau đó, hai Bác Sĩ trở lại cư xá. Tôi ở lại Phòng Trực lòng thật buồn phiền vì chuyện xảy ra nhưng tôi không có thì giờ và cơ hội để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Tôi nghĩ chắc phải có uẩn khúc gì trong tai họa này, nhưng chắc chắn không phải binh lính ta cướp xe, vì di chuyển bằng đường bộ không phải là một điều dễ dàng và đơn giản.

Trời tối hẳn. Mặt trời đã lặn hoàn toàn ở phía Tây, bên kia Quốc Lộ 1. Tôi không thể suy nghĩ gì thêm ngoài những diễn tiến đầy bất ngờ trong hoàn cảnh ‘rắn mất đầu’ như thế này.

Chuông điện thoại reo, tôi cầm máy:
– A lô! Trung Uý Hùng tôi nghe.
– A lô! Hùng hả? Công đây! Nghe rõ không? Tình hình BCH thế nào?
– Không có chi Công ơi! Ngoài đó ra sao? Sao chưa vô BCH? Mặt trận Khánh Dương ra sao?
– Bây giờ là gần 8 giờ, BTL/QĐ bỏ đi hết rồi, không còn ai ngoài ‘Moi’, trực thăng của Ông Tướng vừa cất cánh bên tư dinh. ‘Moi’ đang cầm cây Carbin đây.
– Công (tôi la lên thất thanh, sợ bạn tôi quẫn trí).
– ‘Moi’ thấy còn chiếc xe Jeep gắn sao dưới sân, ‘Moi’ chạy xuống lầu lái xe ra phố đây. Thôi nghe!

Có tiếng ống liên hợp dằn mạnh xuống.
Tôi nhìn đồng hồ tay: 7 giờ 50 tối ngày 1-4-1975. Tôi không thể ngờ được rằng đây là cuộc điện đàm cuối cùng của bạn tôi, Trung Uý Nguyễn Quốc Công.

Vào lúc 8 giờ 30, tôi rời Phòng Trực đi bộ xuống dãy ‘barrack’ được dùng làm Nhà Vãng Lai Cấp Tá, chỉ cách ‘barrack’ tôi ở bằng một ‘Club’ khổng lồ (Nơi đây trước kia là NCO Club cho toàn thể HSQ/QĐHK đồn trú trên bán đảo), bây giờ là nơi tạm trú cho Toán Điều Không Sư Đoàn 2 Không Quân/Nha Trang. Lên lầu, đến cửa phòng số 1 bên tay phải, tôi gõ cửa. Một Trung Sĩ 1 (TS1) trẻ tuổi mở cửa mời tôi vô. Trong phòng, trên một chục quân nhân quây quần với nhau. Tôi hỏi Chuẩn Uý Trưởng Toán đâu, Trung Sĩ 1 cho biết viên chuẩn uý đã bỏ Toán đi trong ngày rồi. Tôi hỏi bây giờ ai là người điều hành Toán, Anh TS1 nói chính là Anh. Tôi nói không sao, bây giờ TS1 là Trưởng Toán và vẫn tiếp tục công việc như thường. Trình về Sư Đoàn mọi diễn tiến trong ngày và nhớ mở máy truyền tin 24/24 để nhận mọi lệnh cần thiết. Tôi phác qua tình hình trong đảo và dặn dò mọi chuyện có thể có bất ngờ vào phút chót. TS1 Trưởng Toán cho biết:

– Chuẩn Tướng Tư Lệnh nói nếu tình hình khẩn cấp, ngày mai Chuẩn Tướng sẽ cho 1 C-130 vô phi trường bốc đi. Kế hoạch là C-130 sẽ đậu trên phi đạo ngoài xa. Tất cả Toán sẽ cho các loại xe chạy theo. Khi máy bay vừa ngừng lại thì tất cả sẽ bỏ xe cộ lên tàu. Trung Uý yên trí. Có gì Em sẽ báo cho Trung Uý cùng đi với chúng Em.

Tôi yên tâm bước xuống lầu. Khi đến gần cửa ‘Club’, tôi thấy hai quân nhân hối hả bước ra. Thật nhanh, hai người này bước đến bên chiếc xe dân sự màu vàng hiệu ‘Buick’ mở cửa. Tôi nhận ra ngay hai người trên xe: một là Đại Uý Nguyễn Văn Liên, Đại Đội Phó Đại Đội Phòng Thủ/BCH5TV; người kia là Đại Uý Vương Vũ, Trưởng Trạm Kiểm Soát ‘Main Gate’ ngoài cầu Long Hồ. Tôi chưa kịp hỏi được tiếng nào, hai Ông đã cho xe chạy mất. Ngay tức khắc, tôi biết rằng đêm hôm nay, hệ thống phòng thủ của BCH bị bỏ ngỏ. Tôi quyết định quay lại Toán Điều Không KQ. Tôi nói vắn tắt:

– Hệ thống phòng thủ của BCH bị bỏ ngỏ do tình hình bất ngờ. Để có thể bảo vệ an toàn về người và quân dụng, tôi sẽ đưa các Anh Em đến tạm trú tại BTL Vùng 2 Duyên Hải. Tất cả chuẩn bị khoảng 1 giờ sau là khởi hành.
Nói xong, tôi đi ngay. Trở về nơi ở của tôi, tôi cho Em tôi và các bạn biết là phải di chuyển trong đêm nay. Tôi nói:
– Các Em mở tủ lùa tất cả quần áo bỏ vào ‘sac marin’ cho Anh. Đồ đạc bỏ lại. Nhớ mang theo đồ ăn khô và nước uống. Nếu ngày mai chưa có gì xảy ra, chúng ta lại về.

Sau đó, tôi đi lên BCH. Đèn đuốc sáng choang. Vắng vẻ không thấy ai ngoài đống lương khô “C-Ration’ chất đống cao ngất ngay giữa sân cờ do BCH đã chuẩn bị sẵn sàng để cấp phát nhanh cho mọi người. Không có gì để quan sát thêm, tôi trở về phòng ngủ cùng các EM tôi chuẩn bị đồ đạc. Kiểm soát giấy tờ tuỳ thân cần thiết, tôi tần ngần nhìn lần chót nơi chốn thân yêu tôi đã gắn bó gần hai năm trời nay. Đèn vẫn mở rực sáng. Cành mai chưng Tết với những bông hoa lác đác nở muộn, lá nõn xanh mơn mởn với giàn đèn đèn màu chớp nháy. Khi tất cả mọi người bước ra khỏi phòng, tôi bùi ngùi nắm tay khóa đồng đóng cửa và bấm hai ổ khóa phụ.

Qua Nhà Vãng Lai Cấp Tá, Toán Điều Không đã sẵn sàng. Chúng tôi sắp xếp đoàn xe. Tôi lên một trong hai chiếc xe ‘Follow Me’ dẫn đầu. Kế đó là hai xe Jeep, trên mỗi xe có trang bị một đài kiểm báo lưu động, các xe cứu hỏa và GMC theo sau. Trong khi đang sắp xếp xe cộ thì có một số xe khác cũng đã nổ máy. Một quân nhân thuộc ĐĐ/THD đến bên tôi nói xin Trung Uý cho em theo. Tôi nói Em kêu tất cả Anh Em đến đây để di chuyển.

Khi thấy đoàn xe của KQ sắp di chuyển, tất cả xe cộ bên trong khuôn viên của BCH cũng chuẩn bị chạy theo sau. Kiểm soát lại lần chót, tôi cho đoàn xe lên đường. Tôi chỉ cho người tài xế cho xe chạy tắt ngang qua 3 phi đạo, ra đường chính, đi qua Khu QSTT và Chi Khu Khai Thác Tiện Nghi Cam Ranh, tiến thẳng ra ngã ba, quẹo trái chạy trên đại lộ chính của bán đảo, đi về hướng Đông; bên tay phải là bờ biển, bên tay trái là đồi cát bao la. Chẳng bao lâu, đoàn xe chạy ngang qua BCH/Tiểu Đoàn 662 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa, nằm cạnh bờ biển. Đèn đuốc trong doanh trại và hàng rào phòng thủ vẫn chiếu sáng. Thưa thớt bóng người. Xuống khúc quanh ‘Tử Thần’ chúng tôi tiến nhanh qua các càu tàu Pier 1, 2, 3, 4… Bên trái, là bãi đậu xe và thùng chứa hàng mang nhãn hiệu ‘Sealand’ dợn sóng tiêu biểu cho vận chuyển đường bộ và đường biển của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đoàn xe chạy ngang qua Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Cam Ranh và đi lần xuống khu Cư Xá Hải Quân xinh đẹp, nên thơ đầy màu sắc nổi bật lên trên nền cát trắng nằm gần làng Cam Ranh sát bờ biển. Phía ngoài hàng rào Cư Xá là là khu vực giải trí nổi tiếng một thời với hàng trăm ‘Snack Bar và Restaurant’ dưới bóng dừa rợp mát, thơ mộng.

Đến ngã tư của trục đường chính trong đảo, tôi cho đoàn xe chạy thẳng về hướng Bắc, qua Liên Đoàn 55 Đạn Dược, Trung Tá Lại Như Xuyên, Liên Đoàn Trưởng (12) bên tay trái và Liên Đoàn 5 Vận Tải , Trung Tá Nguyễn Quang Đính, Liên Đoàn Trưởng, bên tay phải; chúng tôi tiếp tục đi ngang qua Tòa Bạch Cung Phương Đông (sừng sững uy nghi trên một đồi cao, mặt tiền nhìn ra biển, phía sau là một ngọn núi cao vời vợi, ngăn cách với bờ biển phía bên kia. Chính giữa tòa nhà và ngọn núi là một hồ nước ngọt rộng lớn bao la có tên là Hồ Cọp ‘Tiger Lake’ vì cọp Khánh Hòa thường đến hồ uống nước; nước hồ bốn mùa trong như thủy tinh, nhìn thấu tận đáy hồ với cơ man là các loại cá nhiệt đới đủ sắc màu tung tăng bơi lượn mà chúng sẽ khôngsợ một ai bắt vì biển vào bán đảo Cam Ranh đã cấm đánh cá và giới nghiêm 100% kể từ năm 1965, khi Quân Đội Hoa Kỳ xây dựng và đồn trú cho đến tháng 8 năm 1973, giao lại cho BCH5TV kiêm nhiệm BCH/PT/CC Cam Ranh, cũng vẫn duy trì lệnh cấm đánh cá và giới nghiêm 100% như đã có từ trước. Chính tại tòa nhà lịch sử này, ngày 26 -10-1966, TTL/QĐHK, Tổng Thống L.B. Johnson đã ở lại một đêm khi Ông đến thăm viếng binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Cam Ranh. Vừa mới đây thôi, ngày 14-3-1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, TTL/QLVNCH đã chủ tọa một buổi họp lịch sử với các Tướng Lãnh hàng đầu của QĐ cũng tại Tòa Bạch Cung Phương Đông để rồi ra lệnh rút bỏ QK2 dẫn đến kết quả đau lòng bây giờ chúng tôi phải bỏ đơn vị ra đi).

Đoàn xe chúng tôi bỏ lại Tòa Nhà lịch sử phía sau, tiến lần ra bãi biển. Tôi chỉ cho tài xế quẹo phải chạy dọc theo bờ biển sóng vỗ rạt rào hướng về khu ‘Market Time’ nơi đặt bản doanh của BTL Vùng 2 Duyên Hải. Vùng này rất đẹp, một bên là bãi biển thơ mộng với các núi đá nhỏ nhô lên trên sóng nước, một bên là sườn núi với những rặng nhãn hoang dại mọc xum xuê. Trên đường đi, thỉnh thoảng các vọng gác trên sườn núi quét đèn pha vào đoàn xe. Tôi chỉ sợ bị hỏi mật khẩu thì nguy. Nhưng rất may, không có điều gì xảy ra. Đến gần BTL, một trạm kiểm soát ra lệnh cho đoàn xe dừng lại, tắt đèn. Hỏi đoàn xe từ đâu đến do ai chỉ huy, tôi xướng danh tôi là Trung Uý Bùi Quốc Hùng, thuộc BCH5TV/ BCH/PT/CCCR dẫn đoàn xe đến BTL/V2DH. Sau đó, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển thì cũng vừa đến nơi. Tôi cho đoàn xe đậu áp sát lề trái rồi vào Trạm Kiểm Soát tại cổng BTL xin gặp Sĩ Quan Trực. Ngay lúc đó một Trung Uý SQ An Ninh ra gặp tôi. Tôi trình bày mục đích là xin cho đoàn xe và tất cả quân nhân được vô BTL tạm trú qua đêm. Luôn tiện, tôi giới thiệu năm Bác sĩ TQLC. Trung Uý SQAN nói để Ông vô trình Trung Tá TMT. Sau đó, Ông trở ra mời tôi vô Văn Phòng BTL. Tôi gặp Trung Tá TMT đang ngồi tại bàn giấy. Tôi giơ tay chào.

– Tôi là Trung Tá TMT, Trung Uý cần gì?
– Thưa Trung Tá, ĐT/CHT chúng tôi vắng mặt tại đơn vị. Hiện giờ đơn vị chúng tôi bỏ ngỏ. Chúng tôi có một số quân nhân cơ hữu vàmột số quân dụng thượng đẳng của KQ để điều hành cầu không vận Cam Ranh cần phải bảo vệ. Xin Trung tá cho phép chúng tôi vô tạm trú đêm nay. Sáng sớm mai, nếu tình hình sáng sủa, chúng tôi sẽ trở về lại BCH.
– Rất tiếc, Tướng TL đang chỉ huy Hạm Đội trên biển, tôi không thể quyết định được.

Không nói thêm một lời, tôi chào Ông, bước ra khỏi VP/BTL, không ngờ gặp ngay Trung Uý SQAN đứng chờ sẵn ngoài cửa. Ông hỏi tôi:
– Kết quả sao Trung Uý?
– Trung Tá TMT nói Ông không thể quyết định được vì Tướng TL đi vắng.
– Trung Uý, tôi không thể cho cả đoàn xe vô được nhưng tôi mời riêng Trung Uý và các Bác Sĩ vô trại.
– Cám ơn Trung Uý thật nhiều, nhưng cho phép tôi từ chối vì tôi còn có trách nhiệm với tất cả mọi người và quân dụng tôi mang theo.
– Nói xong, tôi lầm lũi bước ra khỏi cổng BTL. Khi tôi đang nói chuyện với Anh Em về việc bị khước từ không cho vô trại thì vị SQAN đã tiến đến bên tôi. Ông nói:
– Trung Uý, tôi quyết định cho mở cổng cho Trung Uý và người vô nhưng xe cộ bỏ lại.
– Tôi chỉ xin Trung Uý cho mang theo hai xe Jeep có đài kiểm báo mà thôi vì chúng rất quí giá.
– Thôi được, Trung Uý cho xe vô. Chúc Trung Uý may mắn.
Dứt lời, ông tới bắt tay tôi rồi đi. Tôi gọi với theo:
– Trung Uý, Ông tên chi? Ở Saigon, Ông ở đâu? Nếu có dịp, tôi sẽ ghé thăm.
– Tôi tên Xuân, Nguyễn Văn Xuân (13) nhà ở ngay cạnh hồ bơi ngoài cầu xa lộ. Hẹn gặp sau.

Chúng tôi lần lượt di chuyển trên đường xuống cầu tàu bên trong BTL; tại đây tôi thấy hàng trăm khóa sinh HQ khiêng vác túi đựng quân trang, rương gỗ đi xuống cầu tàu. Như vậy, HQ đã chuẩn bị di tản. Cam Ranh Bay sẽ bỏ ngỏ ngày mai. Tôi nhìn đồng hồ: kim giờ chỉ đúng 10 giờ đêm. Đêm cuối cùng giã từ Cam Ranh cũng như đêm giã từ HàNội vừa đúng 20 năm về trước; có khác chăng là khi di cư vào Nam, chúng tôi đi bằng máy bay của Không Lực Pháp tại Phi trường Bạch Mai, lần này chúng tôi di chuyển bằng đường biển, trên một con tàu của HQVN, tại BTL/V2DH, trong Cam Ranh Bay,
Ngồi ngủ gà ngủ gật ngay trên đầu đường đi xuống cầu tàu, tôi nghe tiếng nói chuyện ồn ào quen quen. Mở mắt ra nhìn, tôi thấy Thiếu Tá Hiến, Trung Tá Kim (14), Trưởng Khối Nhân Viên và một số Sĩ Quan BCH5TV đang đến gần.
Tôi ngước mắt lên, hỏi:

– Sao bây giờ Thiếu Tá mới tới?
– Đi lạc vào rừng mai.

Tôi trông theo sau lưng các vị SQ đang đi xuống cầu tàu. Đồng hồ chỉ 12 giờ khuya. Ôm chiếc túi quân trang, tôi thiếp đi với tâm hồn tê tái, mệt mỏi đầy muộn phiền.

Tacoma, Washington, 25/2/2015
Bùi Quốc Hùng

Ghi chú:

1. Trung Uý Nguyễn Quốc Công, Phòng Tiếp Liệu/BCH5TV, tử thương chiều tối ngày 1-4-175 tại đại lộ Độc Lập, Nha Trang. Thân xác Ông bị chôn vùi dưới chân đèo Rù Rì, Nha Trang.

2. Thiếu Tá Nguyễn Văn Khánh, Phó Trưởng Phòng KHTK/BCH5TV; người luôn gối đầu giường các tạp chí chống chế độ VNCH như Đứng Dậy, Đối Diện. Khi CSBV chiếm Nha Trang, Thiếu Tá Khánh
đã tiếp thu Quận I Nha Trang và kêu gọi SQ/QLVNCH đi học tập cải tạo, theo Trung Uý Đăng Hữu Nguyên Phòng TLBT/BCH5TV). Sau này Thiếu Tá Khánh vượt biên, định cư ở Nhật.

3. Đại Uý Đối, Phân Đội Yểm Trợ Tiếp Vận Lữ Đoàn 3 Dù. Đại Tá Phạm Huy Sảnh cho biết Ông định cư ở Hoa Ky..

4. Thiếu Tá Trần Văn Thu, Khóa 4 Phụ Thủ Đức, tốt nghiệp khóa Cương Quyết/VBQG/Dalạt; TĐT/TĐ 71 CBKT, đi tù cải tạo. Từ trần tại Quận I, Saigon.

5. Đại Tá Tô Đăng Mai, cựu CHT/BCH5TV, Cục Trưởng Cục QTV. Từ trần tại Thành Phố Stockton, California, ngày 1-8-2013

6. Đại Uý Trần Văn Bồng, tù cải tạo, nhà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, bị tịch thu. Từ trần tại Quận 4, Saigon

7. Đại Tá Mai Duy Thưởng, CHT/BCH5TV, cư ngụ tại HK.

8. Bác sĩ TQLC Bùi Văn Dậu, cư ngụ tại California.

9. Đại Tá Vũ Văn Lộc, bút hiệu Giao Chỉ-San José, cư ngụ tại San José, California

10. Đại Tá Phạm Văn Chuyết, CHT/BCHQV5, đi tù về. Từ trần tại Quận 4, Saigon

11. Đại Tá Ngô Minh Châu, cựu CHT/BCH5TV và BCH1TV. Từ trần tại TB California.

12. TrungTá Lại Như Xuyên, cư ngụ tại Kirkland, Washington. Từ trần năm 2010 tại Kirkland. Khi đến thăm Trung Tá Xuyên tại tư gia, Ông có kể cho tôi nghe vắn tắt nguyên nhân về việc Đại Tá Mai Duy Thưởng, CHT/BCH5TV vắng mặt
tại đơn vị từ xế chiều ngày 1-4/1975. Theo Trung Tá Xuyên, khi Đại Tá Thưởng đang đi quan sát bến tàu Cam Ranh, bất ngờ Ông bị 2 đặc công CS mặc đồ rằn ri giả trang, dí súng uy hiếp cướp xe. Đại Tá Thưởng buộc phải cho 2 tên ĐCCS lên xe, ngồi trên ghế trưởng xa. Xe từ bến tàu trực chỉ trên đường chính chạy ra khu vực Cầu Long Hồ, tuy nhiên khi xe chạy gần đến khu vực doanh trại của TĐ 662 KTTT/ĐD, Đại Tá Thưởng đã cho xe lao xuống một rãnh khá sâu bên vệ đường. Chiếc xe lật nghiêng, hai tên ĐCCS té xuống đường; một tên nổ súng vô xe làm cho một HSQ Quân Cảnh ngồi băng ghế sau bị thương; một tên bị Quân Cảnh trên xe nổ súng bắn tử thương tại chỗ. Sau đó, Đại Tá Thưởng chạy xe đến Trung Tâm Hồi Lực Cam Ranh. Nhưng tại đây, không còn ai làm việc, vì thế, Đại Tá Thưởng đã trở lại bến tàu dân sự, lên một chiếc Tug Boat của Toàn Việt Vận Tải Công Ty để dưỡng thương, và sau đó chẳng bao lâu, chiếc Tug Boat rời cảng Cam Ranh di cghuyển về miền Nam. Toàn bộ sự kiện trên, Trung Tá Xuyên chứng kiến vì ông chạy theo xe của Đại Tá Thưởng và vì Ông là một thành phần của phái đoàn BCH5TV đi thăm quân cảng.

13. Trung Uý Nguyễn Văn Xuân, BTL/V2DH. Không biết Ông ở đâu.

14. Trung Tá Kim, cư ngụ tại TB California. Đã tạ thế.