PDA

View Full Version : Một vài so sánh nhỏ...



Longhai
05-05-2015, 10:33 AM
Một vài so sánh nhỏ...


Nguyễn Thúy Hồng


Tôi nhớ những ngày còn bé, khi bắt đầu vào trường Nhà Nước bậc Tiểu học Ba Má tôi không làm bất cứ thủ tục nào rườm rà, và chẳng có khoản tiền học phí nào phải đóng cho trường. Vậy mà cuối mỗi Niên học trường luôn tổ chức phát phần thưởng cho các học sinh xuất sắc học giỏi, từ hạng nhất đến hạng ba mỗi lớp, chẳng có kêu gọi nào buộc phụ huynh phải đóng góp. Trường còn có những phần thưởng khuyến khích cho học sinh nghèo hiếu học bằng phần thưởng gọi là “Danh dự” nữa.

Khi tôi xong Tiểu học, thi đậu vào trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn, trường Công lập, vào trường đi thi chỉ đóng lệ phí thi rất ít và khi đã đậu vào rồi suốt 7 năm học tôi không đóng bất cứ khoản tiền nào về học phí. Ba Má tôi chẳng bận tâm về việc tiền nong cho lũ con bốn đứa lớn về khoản tiền trường vì chị Hai tôi đã đậu trước tôi vào Gia Long, hai em trai tôi đều đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nay là Lê Hồng Phong, chỉ lo khoản xe cộ đi về, tiền ăn ở, quần áo tập sách cho bầy con mà Ba Má tôi đã hết hơi rồi. Nếu thời bây giờ các khoản thu nhập và chi tiêu cho bầy con như chúng tôi chắc cả lũ đành chịu dốt nát.

Thời tôi vào trường làng học 1958 -1959, còn chế độ “ độc tài Ngô Đình Diệm”, Thời tôi vào trường Gia Long học 1965-1966 là sau nội tình Chính phủ Sài gòn lật đổ Ngô Đình Diệm thay đổi liên tục Nội các Chính Phủ, nhiều cuộc biến động lớn, đảo chính, biểu tình, giới nghiêm... nhưng vấn đề giáo dục tại nhà trường luôn đảm bảo tối đa cho học sinh không bị gián đoạn học hành và thi cử... Thời đó chiến tranh bắt đầu ác liệt, Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường Việt Nam. Các bậc cha mẹ rất yên tâm khi con được theo học những trường Công lập nhất là những trường danh giá như Nữ Trung học Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt… và những trường Nam như Petrus Trương Vĩnh Ký, Võ Trường Toản, Nguyễn Trãi, Cao Thắng… Những người thầy giảng dạy thời đó đa phần là những nhà mô phạm thật sự, không có ngày lễ Nhà giáo, không hề nhận quà cáp của phụ huynh học sinh mang tính mua chuộc, sự tôn sư trọng đạo không bị phá vỡ như từ sau 1975.

Sau 1975 chị tôi là Giáo viên trẻ dạy Trung học tại trường Trung Học Cà Mau được điều về dạy bổ túc công nông cho các Cán bộ Y tế tỉnh Cà Mau, không phải Đoàn viên, nên phải sinh hoạt chung với học sinh để có điều kiện phấn đấu vào Đoàn, các Đoàn, Đảng viên học sinh nói năng báng bổ, phê bình kiểm điểm chị tôi te tua, nào là lời ăn tiếng nói, nếp áo dài, đôi giày mang đi dạy nghiêm trang đúng phong cách của vị nữ Giáo sư của chế độ tư bản trước, bị chụp mũ là Tiểu tư sản vì sang trọng cách biệt với quần chúng, không “quán triệt giai cấp công nhân”. Với biểu hiện gần như Hồng Vệ Binh chị tôi chán nản, lo sợ có ngày bị quy chụp là phản động nên bỏ dạy về Sài Gòn chịu thất nghiệp vì không chịu nỗi sự sĩ nhục, xúc phạm của lũ học trò học Bổ túc vừa học dốt, chậm tiếp thu nhưng thích lên mặt dạy lại thầy…

Thú thật tôi chẳng ưa gì chế độ cũ bởi vì hằng ngày trên đường đi học tôi phải chờ hàng giờ ưu tiên những đoàn Công-voa Mỹ chở lính và vũ khí lên biên giới Tây Ninh. Thấy những tên lính Mỹ cao lêu nghêu cặp kè bỡn cợt với mấy cô gái bán Bar khu Nguyễn Văn Thoại, nhìn những nơi bất khả xâm phạm của Mỹ ngang nhiên pa-rê kẽm gai chằng chịt nhiều khu vực giữa Sài Gòn, những lô cốt kiên cố, lính Mỹ lăm lăm cây súng như sắp bắn vào bất cứ ai vượt qua gang tấc quy định của họ. Khi những đồng tiền đô la tung tẩy vào đời sống xã hội, thời đó đã có một bộ phận người Việt Nam chạy theo phục dịch cho Mỹ. Trái tim tôi luôn xốn xang, tổn thương và phẫn uất về sự hiện diện của những người lính ngoại xâm này. Có thể chính điều đó chế độ Sài Gòn không thu phục lòng dân chăng ?

Khoảng gần cuối năm 1968, tôi chở một bao quà Tết tặng cô tôi ở Chợ Lớn bằng xe Honda chẳng may bị tai nạn té gãy xương bả vai, ngất xỉu giữa đường, lính Công binh sửa đường chế độ cũ dùng xe GMC chở đưa tôi vào cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy giao tất cả đồ đạc xe cộ cho Bệnh viện giữ, khi tôi tỉnh Bệnh viện cho người liên lạc người thân bà con gần nhất giao trả tất cả đồ đạc tài sản của tôi không thiếu một thứ, và giữ tôi ở lại Bệnh viện điều trị băng bó sau khi ổn mới cho về mà không cần thanh toán một đồng nào tiền viện phí vì tôi đang tuổi học sinh.

Một vài chuyện nhỏ ở chế độ cũ, thời ấy kinh tế sản xuất khó khăn vì chiến tranh, hoàn toàn miền Nam dựa vào viện trợ của Mỹ và đồng minh, nhưng phúc lợi xã hội vẫn dành cho người dân từ Giáo dục đến Y tế vẫn được thụ hưởng một cách đường hoàng không phân biệt đối xử hay hạch sách bất cứ điều gì. Bây giờ thì sao hỡi bà con đồng bào ? Sau 40 năm Giải phóng xây dựng đất nước có được như tôi đã nói chế độ cũ đã cư xử với công dân bình thường không ?

Những năm đồng bào miền Trung bị bão lũ, những trận hỏa hoạn lớn năm Mậu Thân 1968, kiều bào bị giết hàng loạt và bị đánh đuổi từ Campuchea về Tây Ninh, hằng đêm tôi và các bạn bè tình nguyện viên xã hội với chiếc áo dài trắng ôm thùng lạc quyên đi khắp chốn ăn chơi về đêm Sài Gòn xin tiền cứu trợ, thời đó không có giả danh đi lừa đảo nên chiếc áo dài trắng len lỏi chốn trụy lạc nhất vẫn được trân trọng và đón nhận nhiều đồng tiền tương ái. Qua đó tôi hiểu sự ăn chơi nhưng rất lịch lãm và hào phóng của giới thượng lưu và thành phần anh chị giang hồ Sài Gòn. Khi tôi bị bắt vào tù 1970 tại Tổng Nha Sài Gòn với chiếc áo dài trắng mặc trên người và tội danh tù chính trị bị nhốt cát-sô và lúc nhốt chung với những chị em giang hồ gái điếm Sài Gòn tôi luôn được sự giúp đỡ ân cần và ngưỡng mộ từ họ. Khi được trả tự do có người đã khóc và tiếc khó được gặp lại nhau.

Những câu chuyện của tôi không nhằm vào mục đích ca ngợi hay đả phá chế độ nào ! Mà chúng ta cần phải thấy rõ thực tế ưu việt và tệ hại ở chỗ nào ? Đất nước thời chiến tranh dù đời sống luôn biến động, phát sinh sự buồn chán, bi quan, diễn biến nhiều tâm lý phức tạp thuyết hiện sinh, sống nay chết mai… kinh tế sa sút, sự lệ thuộc vào ngoại bang nhiều hơn tự lực,tự cường nhưng sao xã hội không xuống cấp tệ hại như bây giờ, tệ nạn xã hội, cướp bóc như rươi, hối lộ vòi vĩnh, lừa đảo tham ô, lãng phí là những vấn đề nhức nhối nơi cơ quan công quyền hàng ngày càng nhiều hình thức trắng trợn lẫn tinh vi, xâm phạm tài sản, quyền lợi công dân trong quản lý Nhà Nước một cách thô bạo, luật có đó nhưng lệ kèm theo nặng nề hơn việc bảo vệ quyền lợi của dân bị xem chẳng ra gì. Những cơ quan dân cử đại diện cho dân như Quốc hội có thực sự làm việc đúng quyền hạn của mình hay chỉ toàn thành phần chỉ biết gật theo chỉ đạo. Còn đâu những điển hình công bộc của dân ! Ai phản đối có chính kiến đúng sai đi ngược lại ý bề trên đều là “phản tặc”, bị trù dập không thương tiếc. Một Nghị viện mà không có bộ phận phản biện thì kể như chẳng hoạt động được gì, là một tổ chức “chết” chứ không phải “ngủ gật”.

Những ngày lễ lớn 30/4 kỷ niệm 40 năm chiến thắng 1975 - 2015, ngày xưa ấy tôi và đồng bào cả nước vui mừng khôn xiết vì Hòa Bình, Thống Nhất đất nước.

Mấy hôm nay chào mừng phố đi bộ, chi phí xây dựng hơn bốn trăm tỉ đồng, tổ chức lễ hội hơn hàng trăm tỉ đồng... Xem tivi thấy “Căn nhà mơ ước” ở U Minh Cà Mau xây cho đôi vợ chồng quanh năm suốt ngày lam lũ ngoài đồng, ốm còm bệnh hoạn, người vợ mắt bị kéo mây mờ với bầy con nhỏ chui rúc trong túp lều mục nát, trống hoác, do Cty Thép Povina tài trợ và các Cty doanh nghiệp tư nhân từ tâm giúp đỡ. Nhà Nước ở đâu ? Đại diện cơ quan làng xã chỉ đến chúc mừng, nghịch lý những phúc lợi của người nghèo nằm ở lòng từ tâm, từ nguồn tiền làm kinh tế của những doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không dính vấp gì đến nhà nước. Vậy vai trò nhà nước ở đâu trước sự khốn khó nghèo khổ của dân, kế hoạch sẽ thu thêm thuế xe mô tô vào 01/5/2015 nhưng kế hoạch chưa hề nói đến tuyệt đại đa số dân lao động sẽ được gì trong tương lai gần một cách cụ thể sáng sủa hơn. Với số tiền hơn bốn trăm tỉ, tô điểm tạo sự sang trọng bề thế Thành phố năng động, phố đi bộ. Vinh danh sự chiến thắng năm xưa 30/4 ngốn nhiều trăm tỉ... mà hiện tại người nghèo khổ còn nhiều quá ! Cần sự giúp đỡ, cần quỹ phúc lợi, có đâu giúp họ thoát nghèo ? Giáo dục, Y tế còn kém hơn chế độ cũ cách đây hơn 40 năm trong điều kiện chiến tranh, lẽ nào người kém cõi như tôi còn thấy huống hồ "Đảng cho ta sáng mắt sáng lòng" lại không thấy điều đó ! Thu nhập bình quân đầu người VN đã xuống mức tệ trong khu vực Châu Á, trong điều kiện “ Hòa Bình, Thống Nhất” .

Tiền của Nhân Dân tiêu tốn với con số khổng lồ cho phố đi bộ, cho lễ kỷ niệm 30/4 hàng trăm trăm tỉ trong khi “Căn nhà mơ ước cho người nghèo” gom nhặt hàng chục triệu đồng, vài trăm ngàn, vài triệu đồng vẫn còn đồng hành dài dài với con số không nhỏ. Vậy có hay ho không ? Ví như người được tô son phấn mặt mày đẹp đẽ, khoác thêm chiếc áo tinh tươm sang trọng lại để những miếng vá lổ chổ trên chiếc quần mặc bên dưới như vậy càng cho người ta thấy nghèo mà bày chuyện đua đòi. Điều mà ai cũng phải đặt dấu chấm hỏi, sao việc cần chăm lo cho dân về phúc lợi xã hội như chi phí Giáo dục, Y tế lại xao lãng, nhưng tại sao quản lý Nhà Nước lại thích chi tiền vào các việc đầu tư các công trình xây dựng, các lễ hội vui chơi. Phải chăng việc "phết phẩy " dễ hợp thức hóa ? Ai sẽ là người giám sát chất lượng công trình ? Chi phí chi tiêu ai duyệt ký ai thanh quyết toán đều nằm trong dây nhợ, ê kíp, chọn lựa quyết định của lãnh đạo," Khối đòn kết, đại đòn kết" đó bao phen kinh nghiệm dãi dầu, bao phen kết chặt tình thâm, việc gì mà không xong, việc gì mà không trót lọt, nên những công trình lớn đều có con số chi phí đội cao ngất ngưỡng mà chất lượng tệ hại vô cùng.

Thú thật tôi rất mệt mỏi khi viết ra những điều này, càng nhớ lại chuyện nọ thì xọ sang chuyện kia, nhưng dẫu sao cũng là tiếng nói của một người đầy đủ quyền Công dân, có chính kiến chưa hẳn đẹp lòng bên thua lẫn bên thắng cuộc nhưng hoàn toàn bằng nhiệt tâm của một người huống tuổi góp những ý kiến nhỏ nhoi trong công cuộc chung, dẫu biết rằng trên đất nước nầy rất lo sợ Hội Nghị Diên Hồng thậm chí nhạc cảnh đó không cho diễn trong những ngày lễ hội lớn năm nay.



Nguyễn Thúy Hồng