PDA

View Full Version : Người tù binh Bất Khuất: Trần Quang Trân



Longhai
05-04-2015, 12:36 AM
Người tù binh Bất Khuất: Trần Quang Trân


Tôn Thất Hằng


Nhân ngày giỗ thứ 27 của anh Trần Quang Trân và cũng là ngày kỷ niệm QLVNCH lần thứ 34, tôi thành kính thắp nén hương lòng kính dâng lên hương hồn của Người anh hùng bất khuất Trần Quang Trân đã hiên ngang trước họng súng của quân thù, và tôi cũng không quên kính dâng lên lòng thành kính ghi ơn những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cho chúng tôi được sống cho đến ngày hôm nay. Hồi tưởng lại 30 năm về trước, khi tôi còn đang ở trong trại tù Tiên Lãnh, đúng vào ngày kỷ niệm QLVNCH 19 tháng 6 năm 1982, không biết đây là dụng ý của Ban quản lý trại hay là một ngẫu nhiên, chúng đã đem hành quyết anh Trần Quang Trân. Mà có thể đây là một âm mưu thâm độc của chúng, vì chúng không ngu gì đi hành quyết một tù nhân bất khuất vào cái ngày kỷ niệm của Quân lực mà anh ta phục vụ để mọi người luôn luôn nhớ đến. Tuy đối với chúng, anh Trân là một tội phạm, nhưng chắc chắn trong lòng họ nhân danh là hội đồng xử án cũng phải khâm phục anh vì trước cái chết anh vẫn hiên ngang, lẫm liệt.

Anh Trần Quang Trân sinh ngày 30 tháng 9 năm 1941, tại làng Đồng Di, xã Lộc Điền (thường gọi là Truồi), huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Anh là con trai trưởng của ông Trần Quang Thái, nguyên là Trung sĩ thuộc Liên đoàn 252 Vệ binh Quốc gia Việt Nam, thuộc Đệ nhị Quân khu. Ông đã hy sinh vào năm 1953 tại đèo Đá Bạc trong một trận đụng độ với Việt Minh... mẹ là bà Đặng Thị Đô, mất năm 1963 tại quê nhà. Thuở nhỏ anh học tại trường Tiểu học Sư Lỗ Đông, rồi tiếp trường Trung học An Lương Đông, xã Lộc Điền, Phú Lộc, sau chuyển lên trường Quốc Học Huế. Vào thời học lớp 6 và lớp 7 anh đã sửa chữa được máy Vô tuyến và ghi âm... Đến năm Mậu Thân anh vừa đi học vừa sửa chữa máy Vô tuyến tại nhà ở số 49 đường Duy Tân Huế. Năm 1968 đậu Tú tài I và tiếp năm 1969 đậu Tú tài II. Đến năm 1970 theo lệnh Động viên anh nhập ngũ khóa 1/70 tại trường Bộ binh Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc Chuẩn úy, được thuyên chuyển về Cục an ninh Quân đội, thuộc bộ TTM/QLVNCH.

Thuyên chuyển về Ty ANQĐ tỉnh Bình Long, đóng tại An Lộc vào năm 1971. Anh đã gặp chị Vũ Thị Rần và hai người đã thành hôn. Đến năm 1972, anh được thuyên chuyển đến Chi ANQĐ Công Thành. Trong khi công tác ngành ANQĐ anh đã họ hàm thụ và đã tốt nghiệp ngành Điện học, và mở trường dạy sửa chữa máy Vô tuyến điện và Truyền thanh, Truyền hình tại Thị xã An Lộc, Bình Long tại số nhà 83 đường Phan Đình Phùng, Biên Hòa. Đến năm 1974 anh được thuyên chuyển về phục vụ tại quê nhà, Chi ANQĐ Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, anh vẫn tiếp tục mở trường tư dạy các môn điện như đã nói trên cho đến 30/4/1975.

Ngoài tài năng về Kỹ thuật anh còn là một nhà thơ, với bút hiệu Trang Quân. Từ năm 1969, 1970 anh đã cùng nhà thơ Lữ Tùng Anh xuất bản tập thơ Vùng Quê Hương tại Huế, phổ biến thi xa yêu Quê hương đất nước. Anh Trân còn có năng khiếu hội họa. Sau đây là bài thơ anh viết trong tù tựa là Ra Đi, và anh còn viết rất nhiều gửi cho vợ con anh trước khi anh vĩnh viễn ra đi đền nợ nước. (Hiện tôi còn giữ một số bài thơ của anh gởi cho vợ và con anh, khi có dịp sẽ gởi đăng để quý bạn thưởng thức).

Ra Đi

Con ra đi buổi chiều tắt nắng.
Khi non sông vang dội lửa đao binh.
Con ra đi mang theo một mối tình.
Tình đất nước lẫn mối tình Dân tộc.
Con ra đi và cũng vừa kịp lúc.
Quân thù về dày xéo khắp non sông.
Là thân trai đang sống giữa sa trường.
Con quyết sẽ nêu danh dòng giống Việt.
Nhìn non sông mà bừng bừng nhiệt huyết.
Căm hờn thay lũ giặc quá tham tàn.
Cuộc đời trai chinh chiến thật hiên ngang.
Lấy máu giặc để viết nên trang sử.
Con ngồi đây mắt nhìn về viễn xứ.
Nơi mẹ hiền em dại vẫn chờ trông.
Chẳng biết giờ này mẹ có buồn không.
Con xin mẹ chớ bận lòng chi lắm.
Chí làm trai tuy con còn mang nặng.
Nhưng con thề cố gắng giữ niềm tin.
Một mai kia khi gặp lại mẹ hiền.
Ngày đoàn tụ phải là ngày chiến thắng.

Trang Quân 5/81

Bài thơ này anh viết lúc anh còn ở trại Tiên Lãnh, vào tháng 5/81, là thời gian anh bị cùm. Thật vậy anh Trân là một vị anh hùng vô danh, hiên ngang đứng trước vành móng ngựa được thiết lập tại hội trường trại Tiên Lãnh. Vì anh là một kỹ sư điện có biệt tài, được Ban giám thị trại cho ra ở riêng một chòi riêng biệt, anh rất ít tiếp xúc với chúng tôi. Anh phụ trách sửa chữa những Radio của cán bộ trại. Nhiều lúc anh được đi ra ngoài trại vào rừng sâu một mình từ trại Kỳ Sơn cho đến trại Tiên Lãnh, không cần có công an dẫn, để tìm phụ tùng trong các chiếc máy bay bị bắn rơi trước 75 để về sửa chữa Radio cho cán bộ trại. Anh làm rất thành công nên anh được bọn giám trại cho đến bọn công an thường đều tin tưởng vào tài năng của anh. Lợi dụng cơ hội này anh ráp được một chiwwcs Radio trong một vỏ chai bia cao Quân Tiếp Vụ trước 75 hay bán rẻ cho lính, và một máy truyền tin C25 của QLVNCH bị hư trong lúc giao chiến với CS. Pin anh dùng loại phế thải của máy truyền tin QLVNCH từng lát một anh ráp lại thật tài tình. Đài này nghe được tất cả các đài Việt trên Thế giới như BBC, VOA, Đài Loan, Phi Luật Tân, Pháp... Anh đã chế các máy bộ đàm để phát cho các anh đứng đầu trong các tổ tạm chế do anh tổ chức để nhận tin tức do anh nghe được từ Radio trong chai bia, anh truyền đi cho những người này. Tôi được anh Đinh Văn An (Đại úy trung đội trưởng Tình báo trực thuộc Phòng 2 Tiểu khu Quảng Ngãi, tôi và An rất thân từ khi tôi còn làm ở phòng 2 TKQN, nên An rất tin tưởng tôi, nay An đã chết tại trại Hàm Tân vì bệnh bao tử). An nhận lệnh từ anh Trân, tôi không hề được giao tiếp với anh Trân vì tôi không thân Trân bằng An, bảo mật nên rất hạn chế giao tiếp, tôi nhận lệnh An là khi nào có ba tiếng súng nổ ở phía góc cầu tiêu của trại, thì lúc đó đã có lớp khác mà tôi không biết sẽ phá ổ khóa phòng giam, ra được ngoài sân, tôi tức tốc chạy phá trại kỷ luật với bất cứ dụng cụ nào có được.

Trong tổ chức của anh có rất nhiều bộ phận rải rác nằm ở các trại xung quanh như trại Đồng Mộ, trại Thôn Tư v.v... Anh tổ chức rất chặt chẽ và quy mô, người nào phụ trách về lúa, hoa quả, người của tổ chức pha thuốc đậm đặc để lúa, hoa quả chết, một số thì được tổ chức phá kho vũ khí và kho lương thực để tính chuyện lập chiến khu chống lại chế độ CSVN, anh đã tính chuyện giải phóng Quận Tiên Phước trước, và thẳng tiến về giải phóng Đà Nẵng. Công cuộc đang tiến hành, thì trong một sự xích mích nhỏ, tên phản bội đã báo cáo cho ban giám thị biết, do đó tổ chức bị phá vỡ. Tổng cộng 108 người bị bắt giữ.

Từ đầu năm 1981 đến cuối năm, trại tù Tiên Lãnh đã tổ chức một tòa án ngay tại trại Tiên Lãnh. Tòa án đã được thiết lập trên sân khấu của hội trường trại Tiên Lãnh. Tất cả trại tù Tiên lãnh từ tù Hình sự đến tù Chính trị, tù binh kể cả trại nữ, được lệnh ăn mặc chỉnh tề, tập trung tại sân của trại, riêng một số được xếp vào loại nguy hiểm được tập trung trong Hội trường. Loa phóng thanh được bắt từng chùm bốn góc của sân trại. Trong số đứng trước vành móng ngựa gồm có 13 người, trong đó có Trần Quang Trân, Trần Lân, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Minh (Minh nốt, ai ở xứ Huế đều hiểu chữ Nốt) và một số bạn nữa mà tôi quên, nhưng không bao giờ tôi quên người bạn thân của tôi là anh Đinh Văn An. Khi thấy anh Đinh Văn An, tôi rất lo lắng và hồi hộp, vì sợ An khai đã giao cho tôi nhiệm vụ như đã kể ở trên. Giờ này khi tôi viết bài này tôi rất xúc động tưởng nhớ đến người bạn tù đã cam kết với nhau là khi bị lộ tuyệt đối không khai bạn mình, xin cho tôi gởi nén hương lòng dâng lên người trung thành với lời thề với bạn, cám ơn An. Hội đồng xử án gồm có 6 người tự xưng là Hội đồng xử án tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Tôi cùng với trên 10 người ngồi dưới trên đủ mọi thành phần...

Bọn xử án chỉ cho bị cáo trả lời có hoặc không. Đặc biệt trong số 13 người đứng trước vành móng ngựa (con số 13 làm tôi liên tưởng đến 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài của thực dân Pháp) khi được gọi tên, anh Đinh Văn An mặc dù sức khỏe rất yếu kém vì bị cùm lâu ngày, khi Tòa án của chúng bảo anh nói lý lịch, anh An đã dõng dạc và rất hùng hồn, tôi còn nhớ anh nói to: Tôi, Đại úy Đinh Văn An, tự Đinh Hoài An, Trung đội trưởng Thám báo Tiểu khu Quảng Ngãi, trong cung từ của An, bọn chúng đã thêm một số vấn đề để kết tội An, An đã nói lớn Tôi phủ nhận bảng cung này. Đến phiên gọi anh Trân, Trân không đứng vững, bọn chúng cho phép tay Trân được nắm vành móng ngựa... tuy vậy Trân rất hiên ngang, anh nói rất to và dỏng dạc... Anh không chịu gọi Thưa Hội đồng xử án mà chỉ gọi thưa các ông... mặc dù chúng đã nhắc nhở nhiều lần. Anh nói: Tôi không chấp nhận các ông là Hội đồng xử án, bản án của tôi các ông đã sắp sẵn, các ông chỉ làm trò hề, lịch sử sẽ xét xử các ông, Dân tộc sẽ xét xử các ông (Trích Đóa Hồng Gai của Nguyễn Thi Thanh Nga).

Trước khi nghị án, bọn chúng đã cho anh nói cuối cùng. Anh nói lớn: Tôi không có gì để nói với các ông, tôi chỉ tiếc là tôi không có cơ hội để đem tài năng để phục vụ đất nước, Dân tộc khi chế độ CS sập đổ và anh quay lại nhìn chúng tôi đang ngồi sau lưng anh, anh nói: Cho tôi kính gởi lời thăm các bạn và đồng bào, rất tiếc tôi chưa đem hết khả năng phục vụ Tổ quốc (Trích Đóa Hồng Gai của Nguyễn Thị Thanh Nga).

Ngồi dưới, chúng tôi ngậm ngùi thương tiếc. Sau 30 phút, bọn chúng đã tuyên án: Anh Trân tử hình, Trần Lân chung thân, Nguyễn Văn Hưng 18 năm, Đinh Văn An 16 năm (tôi không nhớ từng người nhưng biết là bản án từ tử hình đến chung thân, 18 năm, 16 năm, 12 năm, 15 năm, 5 năm, 3 năm. Riêng anh Huỳnh Tiến 5 năm và Minh Nốt 3 năm). Bọn Tòa án Quảng Nam Đà Nẵng nói trước là trong vòng 15 ngày anh được phép làm đơn xin Chủ tịch nước giảm án. Tiếp đến bọn chúng tuyên bố : Số anh sau đây có tên đề nghị Bộ Nội vụ, đề nghị Ty Công An Quảng Nam Đà nẵng gia tăng tối đa thời gian cải tạo (lúc này chúng tôi đã ở tù 7 năm 1982). Chúng đọc tên: Nguyễn Hữu Thắng, và tôi không nhớ hết cho đến 10 người. Sau đó anh Trân và chúng tôi được trở lại phòng kỷ luật, chúng tôi được ở chung một phòng, không cùm, riêng 13 người bị đứng trước vành móng ngựa thì bị nhốt riêng. Chúng đã đưa giấy đến phòng kỷ luật cho các bạn bị có bản án, và có một số đã ký xin giảm án, riêng anh Trần Quang Trân đã xé giấy đưa đến. Sau 1 tuần bọn tôi được cho ra, mỗi buổi sáng tập họp đi lao động, phòng kỷ luật sát đội 9, tôi và các bạn nghe trong phòng giam anh, nghe tiếng anh đọc rất lớn bài thơ anh sáng tác chửi chế độ, cốt ý cho tên Công an đi điểm danh nghe. Trong đội tôi có một tên ăng ten đã báo cáo cho bọn giám thị. Và chúng tôi rất đau lòng là vừa nghe tiếng đọc thở của anh cũng vừa nghe tiếng đánh đập của bọn Công an. Tôi viết đến đây, buồn rưng rưng nước mắt tưởng nhớ đến anh, không biết tên ăng ten NG.D. hiện đang ở Mỹ này đọc được có hối hận không.

Đúng vào ngày kỷ niệm QLVNCH chúng đem hành hình anh. Hiện giờ hài cốt của anh đã được cải táng về quê hương của anh. Xin dâng lên đây nén hương lòng tưởng nhớ đến anh. Nguyện cầu hương linh anh được siêu thoát. Trước hồn thiêng sông núi, chúng tôi là những người bạn tù của anh từ Trại Kỳ Sơn cho đến trại Tiên Lãnh luôn luôn thương nhớ đến anh và hãnh diện về anh. Riêng tôi, cũng đã làm được chút nhỏ mà anh đã nói trước khi bị viên đạn của quân thù ghim vào lồng ngực anh, anh nói: xin giúp đỡ cho vợ con tôi. Nay nơi anh yên nghĩ đã được xây lăng mộ đàng hoàng và vợ con anh cũng đã được sự thương yêu giúp đỡ của bạn tù anh. Một lần nữa nguyện cầu hương linh anh được vãng sanh cực lạc.



Tôn Thất Hằng
(trích Đặc san Nằm Gai Nung Chí)