PDA

View Full Version : Ngày cuối cùng của Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn



KiwiTeTua
04-30-2015, 08:36 PM
Ngày cuối cùng của Đại sứ Mỹ ở SàiGòn

http://hoiquanphidung.com/userupload/img/ds1_1430425453.jpg

Đại Sứ Martin nói về những ngày cuối tại Việt Nam

Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc mọi trò của những người ở đấy (Sài Gòn, Việt Nam) thì chính là tôi. Nhưng vào giờ phút cuối, có những người khác nữa làm gì, thì chịu, tôi không biết đích xác cho nổi. Một ông đã gây rối cho tôi như thế lại chính là một bạn tốt, mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Erich Von Marbod đến từ bộ Quốc phòng. (Phụ tá Thứ trưởng Quốc phòng) Ông ta cho Không Quân Việt Nam bay đi vài chiếc F5 của họ sang Thái. Việc này trái lệnh tôi. Một mặt, chả quan hệ gì. Nhưng mặt khác, lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu Kissinger một thời hạn, tôi nói là 2 tuần. Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu cộng tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy ở những nơi nào. Không thể bỏ họ lại mà đi. Đó là lúc cần đòi hỏi sự chậm rãi, sự thận trọng, cho nên việc Erich Von Marbod thuyết phục tướng Trần văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Để làm họ dịu xuống, người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Đáng lẽ tôi cũng phải tống cỗ cả Polgar đi; hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Times và các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên Ủy hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến, rồi cả William Colby lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những việc như thế, tôi sẽ cắt 2 cái hòn dái nhét vào mỗi lổ tai của anh một hòn. Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.

Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, giết mất vài Thủy Quân Lục Chiến của chúng ta. Vì vậy, đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Đây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra.

Tôi vào Tân sơn Nhất xem xét sau khi xảy ra vụ pháo kích. Hơn ba mươi năm trước, tôi đã là Đại Tá Không Quân, bổ nhiệm từ 1936, nên những chuyện phi cơ, cái gì bay được cái gì không, tôi nắm trong bàn tay. Tôi đã là Tư Lệnh Phó Sư đoàn Thái Bình Dương thời Đệ Nhị Thế Chiến, kiêm chỉ huy Quân Báo. Việc gì tôi làm, tôi làm cật lực, tôi nắm vững, tôi biết rõ. Buổi sáng 29/4 hôm ấy ở phi trường Tân sơn Nhất, họ bảo tôi máy bay không đáp xuống được. Chuyện này vô lý. Ra tận đấy quan sát, tôi vẫn thấy chuyện họ nói chả nghĩa lý gì, người ta chỉ cần vác một chiếc xe díp quần ra phi đại ba mươi phút là dọn sạch mọi thứ vụn vặt. Nhưng lúc ấy, quả là bên quân đội Việt Nam bắt đầu rối loạn. Chỉ huy cao cấp đã chạy, Tân sơn Nhất không còn chỉ huy nữa. Trong tình trạng này nếu máy bay đáp xuống là bị tràn ngập bởi đám đông vô kiểm soát. Chúng tôi cần dựa vào quân đội Việt Nam để di tản trong vòng trật tự, và chúng tôi cũng đã hứa với họ phút cuối sẽ bốc họ đi. Nhưng đến giây phút ấy, không còn có sự bảo vệ của họ nữa.

Vì Tân sơn Nhất hết bảo đảm được an ninh cho máy bay có cánh đáp xuống, nhưng khu vực văn phòng tùy viên Quân sự hãy còn hệ thống phòng thủ tốt, chúng tôi bèn cho trực thăng đáp xuống khu vực này thay vì Tân sơn Nhất.

Tôi liên lạc với hạm đội, và với sự khẳng định của Hoa Thịnh Đốn, tôi nói với mọi người, tôi nói với rất nhiều người Việt là: “Chúng tôi không thể bảo đảm di tản tất cả quý vị. Nhưng nếu quý vị có thể dùng thuyền ra khơi, chúng tôi vớt.” Chúng tôi đã cho tàu đậu ngoài khơi ba ngày ròng rã để vớt người đến khi tàu chật ních. Khi sĩ quan chỉ huy cho biết nếu cứ tiếp tục, có thể bị bệnh dịch đe dọa, lúc ấy tôi mới cho tàu đi. Tôi cũng ra lệnh cho 2 máy bay tại căn cứ Clark đáp xuống Vũng Tàu để bốc gia đình lính Thủy quân lục chiến Việt Nam. Đề đốc Geyler phản đối nhưng tôi gạt đi. Hai chiếc máy bay đáp xuống, hoàn tất việc bốc trong vòng mười lăm phút rồi thẳng cánh bay qua Clark. Từ giờ phút ấy, Thủy quân lục chiến thuộc quyền điều động của tôi. Họ phụ trách bảo vệ trong trường hợp chúng tôi cần di tản ra từ bải biển. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không có nhiệm vụ di tản người từ bãi biển ra. Từ nhiều tuần trước ngay việc đáp phi cơ trinh sát xuống, họ cũng không chịu, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm. Đấy, tôi đã phải đối phó công việc với những cách thức như vậy. Còn về câu chuyện cây me, thật là một câu chuyện vô nghĩa. Hạ cái cây xuống cũng là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Cây me này chả mang môt biểu tượng gì. Về chuyện này, mục đích là tôi cố giữ cho Sài Gòn một bộ mặt yên tĩnh, phải tránh mấy chuyện rối loạn đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài ra, quỷ thần ạ, cần gì phải chặt cái cây ấy để lấy chỗ cho trực thăng? Nên tôi bảo” Để cái cây ấy yên đi” Đơn giản thế thôi. Khi cần phải chặt, chỉ mười phút là xong. Cuối cùng mọi sự cũng đã xảy ra y như vậy. Chúng tôi không muốn có một hành vi bộc lộ rằng chúng tôi đang thua chạy, để Sài Gòn phải nháo nhào lên.

Cái cây này tuyệt nhiên không biểu tượng gì cho sự có mặt của người Mỹ. Nhưng về một phương diện, Jim Kean cũng có lý khi nói vậy. Bởi vì nó là cái dấu hiệu vật chất cho thấy chúng ta sắp rời đi, nên tôi phải che đậy. Việc tôi giữ cái cây ấy chẳng có ý nghĩa thâm thúy gì như đó là biểu tượng cam kết của chúng ta cả. Vào những giây phút chót, có nhiều việc không thể làm ngơ. Về những việc này Bộ trưởng Quốc Phòng James Schlesinger đáng phải lãnh điểm xấu. Ông tỏ ra ngu xuẩn, nhiều phần trong con người ông luôn luôn như vậy.


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/ds2_1430425405.jpg

Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền Đại Tá Madison. Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân tòa Đại Sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi, gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Đằng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào, họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói “Hai ngàn hoặc hai ngàn rưởi nữa.” Ông đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy ra tai nạn, ai gánh đây? Là người phụ trách công tác, ông ấy bèn áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là đi quách đi, bỏ những người khác lại.” Chuyện này không được. Đây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft đã hứa với tôi rằng sẽ có năm mươi chuyến trực thăng cho người Việt và Đại Hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào tòa Đại Sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng chính phủ. Tất nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông đề đốc, rồi chuyển tới tư lệnh Thái bình Dương, lời nói ấy chuyển vòng đến Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger ở Ngũ Giác Đài. Các tướng tham mưu thúc hối Schlesinger rằng: “Hễ cứ hỏi là lúc nào Martin cũng bảo còn 2000 nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu. Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là 2000!” Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: Cứ mỗi chuyến chín mươi người. Ông ấy là cố vấn an ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi điện văn bảo: Chấm dứt. “Chuyến trực thăng kế tiếp đến, xin ông đi cho!” Tất cà chỉ vì gã Herrington này, và sau đó anh ta lại viết sách và trở nên một đại anh hùng!

Tôi cũng lấy làm phiền về viên chỉ huy an ninh tòa Đại Sứ, người lãnh trách nhiệm di tản cảnh sát Việt Nam. Tôi đã giữ riêng cho họ hai cái tàu trên sông, nhưng ông ta cứ lằng nhằng muốn đưa họ ra đi sớm. Phía tướng tá Việt Nam báo cho tôi biết: Không có cách gì để duy trì trật tự trong thành phố nếu tôi rút Cảnh sát Sài Gòn đi. Vì thế tôi bảo ông ta khoan lại, đợi đến ba giờ trưa hãy đi. Ông ta bực bội chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Nhưng ông ta cũng đợi được đến ba giờ trưa rồi cho Cảnh sát lên tàu di tản cùng với gia đình họ. Tôi không có gì để than phiền nhiều về chiến dịch di tản này vì tổng thống và Kissinger đều đứng bên tôi, hỗ trợ tôi cho đến tận giây phút cuối cùng.

Tôi không bảo chiến dịch ấy hoàn hảo, nhưng khi duyệt xét lại, tôi có quyền hỏi: “Ai có thể làm khác hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy?” Khi rời tòa đại sứ tôi biết đấy là giây phút lịch sử. Chắc chắn như vậy, nhưng trước đây tôi từng hỏi Hoa thịnh Đốn: “Chúng ta có sự lựa chọn, trong sự lựa chọn đó cần phải hỏi: Sau tôi, còn những việc gì sẽ xảy ra? Đối phương sẽ lấn chúng ta hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cần phải giữ những lời cam kết của chúng ta!”

Trong lúc trực thăng bay, tôi nghĩ chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng chúng tôi. Đáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa, chúng tôi đáng lẽ phải mang 400 con người cuối cùng ấy ra đi, nhưng rất tiếc chỉ vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi.

Tôi nghĩ người Mỹ có quyền hãnh diện về chiến dịch di tản. Phần tôi chẳng có gì dính liu đến chuyện phải xin lỗi cả. Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, đợi cho mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra Quốc Hội để mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình, và họ đã làm như thế.

Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Nên tôi tính nếu bị sa thải, thì sẽ về ngồi với cái máy chữ mà viết.

Áp lực của nhóm chủ hòa đã áp đặt trên hệ thống giáo dục, mà sự mù quáng của chủ trương “đừng-làm-một-cái gì-có-thể-gây-tranh-luận-hoặc-bị-tấn-công” Đã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam, hoặc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp ai có thể hiểu sự thực thế nào. Điểu này đáng tức cười, bởi vì về phương diện khác, nó lại là điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì, mà còn ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế, họ lại có thể tìm hiểu với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế, họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Nhưng vì vậy, khi thấy được những sự kiện phô bày đầy đủ rõ rệt trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít, do đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ được đọc một phần của cả vấn đề.

Hiển nhiên, sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dầu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra!
Năm 1990 Giáo sư Larry Engelmann, tại San Jose ra mắt tác phẩm Tear before the Rain (Nước Mắt Trước Cơn Mưa). Ông đã bỏ ra 3 năm đi khắp thế giới và Việt Nam phỏng vấn và soạn thảo một tác phẩm về những ngày cuối cùng của VNCH. Chúng tôi đã nói chuyện với tác giả và được chấp thuận dịch và xuất bản bằng Việt Ngữ. Cơ quan IRCC đã nhờ sự cộng tác của ông Nguyễn Bá Trạc dịch thuật.

Ngày cuối cùng của Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn

“Khi chiếc trực thăng CH-46 đáp xuống chiến hạm USS Blueridge, nhiệm vụ bảo vệ xem như hoàn tất”, Colin Broussard, cận vệ của Đại Sứ Mỹ Graham Martin tại Sài Gòn, nhớ lại thời điểm cách đây 29 năm. “Tôi vứt khẩu tiểu liên Magnum, tháo luôn khẩu colt 45 và ném lên boong”.

Tôi và Jim Daisy đã trải qua 48 giờ không ngủ, không ăn uống và cả không hút thuốc. 2 đứa tìm thấy khoảng trống dọc hành lang, đặt lưng xuống và đánh một giấc thật đầy. Câu chuyện Việt Nam của tôi chấm dứt kể từ hôm nay, 30/4/1975.
Ngày 29/4/1975, Sài Gòn bị tấn công. Tôi nghe có đến 16 sư đoàn quân VC đang bao vây Sài Gòn, mở những đợt tấn công dữ dội vào phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tư Lệnh Hành Quân. Trung sĩ Jim Daisy và tôi, trung sĩ Colin Broussard, được lệnh của PPSU – lực lượng an ninh bảo vệ yếu nhân – phải bảo vệ Đại Sứ Graham Martin cho đến khi hoàn tất chiến dịch di tản. Jim giữ nhiệm vụ lái xe, còn tôi hộ tống.

Vòng vây của quân giải phóng càng lúc càng siết chặt. Nỗi sợ hãi ở Sài Gòn lên đến tột độ. Nhiệm vụ của Jim hôm đó là lái xe cho Đại Sứ và hợp tác với các nhân viên PPSU còn lại về tất cả những gì liên quan đến việc di tản. Tôi giữ nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ Đại Sứ. 4 đội PPSU khác lúc này đang toả ra khắp thành phố, đón gia đình các sĩ quan cảnh sát đặc biệt của chính quyền Sài Gòn đi di tản.

Sáng nay, thi thoảng, đạn rocket của VC pháo vào Sài Gòn, như rocket của người Đức bắn sang Anh vậy. Họ dang “quây” phi trường Tân Sơn Nhất bằng các loạt pháo 122 ly. Bên ngoài toà đại sứ, khoảng 5.000 người vây kín các bức tường bên ngoài, tìm cách leo vào trong. Lính thủy đánh bộ trấn thủ trên bờ tường, xô đám đông trở lại dưới sự hỗ trợ của các họng súng máy được bố trí ở các góc tầng thượng. Tổng quân số lính thuỷ chúng tôi còn lại đến ngày cuối cùng là 65 người. Tất cả đều cố sức cản dòng biển người đang cố gắng vượt rào. Những người làm việc cho chế độ VNCH lúc ấy hiểu người Mỹ đang bỏ đi. Và họ bắt đầu hoảng hốt. Ngày hôm ấy, những chuyện không tưởng liên tục diễn ra cạnh bức tường toà đại sứ, kể cả chuyện một bà mẹ trẻ đã ném cả đứa con qua bức tường cao 2,4 mét với hy vọng ai đó sẽ nhặt đứa bé và đưa sang Mỹ.

Ông Graham Martin là một Đại Sứ chuyên nghiệp, không phải là một Chính trị gia được bổ nhiệm. Ông nguyên là Nghị sĩ, mất một con trai trên chiến trường Việt Nam. Lúc ấy, ông không muốn ai nghĩ đến chuyện sắp phải di tản. Tôi nhận chuyển một công điện mật cho đại sứ, đoán là của Tổng Thống Ford hoặc Ngoại trưởng Henry Kissinger. 25 năm sau, tôi mới biết là mình đoán đúng. Đó là thư của Tổng thống Ford, ra lệnh mở chiến dịch di tản.

Trước ngày Sài Gòn sụp đổ 2 tháng, Tổng Lãnh Sự Albert Francis ở Đà Nẵng yêu cầu Martin cấp cho vài vệ sĩ hộ tống mình trong chuyến thăm Huế. Tôi và Jim được lệnh lên đường. Chúng tôi đáp chuyến bay từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, sau đó lên trực thăng ra Huế, đáp xuống phía đối diện sông Hương. Albert Francis bàn việc với ông Tỉnh Trưởng trong lúc tiếng súng giao tranh vang lên rất rõ, chỉ cách đó khoảng 10 km. Đến chiều, chúng tôi lên trực thăng rời Huế. Hôm sau, Huế thất thủ. Chúng tôi thả Albert xuống Đà Nẵng và bay trở lại Sài Gòn. 2 tháng sau, Đà Nẵng thất thủ, kế đến là Sài Gòn.
Lúc này, quân VC tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tiếng pháo nổ rung chuyển khắp nơi. Tôi không rõ quân đội VNCH có đủ sức bảo vệ thủ đô không. Từ nóc toà Đại Sứ, tôi thấy một chiếc C-130 đang cố gắng cất cánh, nhưng cánh bị trúng đạn và đổ nhào xuống đường băng. Đại Sứ Martin muốn biết rõ tình hình phi trường, xem phi cơ có lên xuống được hay không nên ông quyết định đích thân đi thị sát. Ông lệnh cho tôi chuẩn bị. Tôi cố giải thích rằng rất nguy hiểm nếu như ông muốn đi. Tuy nhiên, ông vẫn ra lệnh phải chuẩn bị sẵn sàng nên tôi không hỏi nữa. Lúc rời phòng Đại Sứ, tôi nghe viên chỉ huy phó phản ứng quyết định ra phi trường của Đại Sứ.

Tôi gọi Jim qua bộ đàm, yêu cầu cả toán PPSU chuẩn bị. Sau đó, tôi nói chuyện với Thiếu Tá Kean – sĩ quan chỉ huy lực lượng lính thủy, báo cáo chuyện Đại Sứ muốn thị sát phi trường. Kean lệnh cho 2 Trung sĩ Segura và McDonald lên chiếc Jeep Advanced đến phi trường. Đây là loại “Jeep thông minh”, có thể cho chúng tôi biết đi đường nào thì tốt nhất. Lúc này, tôi nghe nói VC đã có mặt trên đường phố Sài Gòn, trong đó có nhiều biệt đội ám sát. Cả bọn chúng tôi leo lên xe, đóng cửa kín mít và lên đạn. Daisy lái xe, trung sĩ Paul Gozgit ngồi cạnh Đại Sứ, tôi và Trung sĩ Maloney đi chiếc xe thứ hai cùng 2 sĩ quan Cảnh sát Đặc biệt. Tôi biết đây là chuyến đi rất mạo hiểm, không biết có biệt đội ám sát nào trong đám đông ấy không. Tôi tập trung, lên đạn, tay thò vào cò súng sẵn sàng chờ biến cố. Tôi có cảm giác có thể bị tấn công xảy ra bất cứ lúc nào. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được phi trường. Những cột khói đen nghi ngút bốc lên từ những chiếc máy bay trúng đạn, máy bay nào còn nguyên vẹn thì cũng không thể cất cánh.

Đến cổng phi trường, đoàn xe bị chặn lại. Chúng tôi bảo vệ vây quanh cửa xe Đại Sứ trong khi McDonald thuyết phục binh sĩ gác cổng cho chúng tôi vào trong. Cả bọn lại lên xe, tiến vào. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị quân VNCH chặn lại. Nhìn những cột khói, những đám cháy lớn khắp nơi ở phi trường, Đại Sứ hiểu, không còn hy vọng tiến hành di tản bằng chuyên cơ. Ông lệnh chúng tôi quay trở lại toà đại sứ, phát lệnh di tản bằng trực thăng. Đây là điểm khởi đầu của chiến dịch “Operation Frequent Winds”. Bản White Christmas cất lên trên hệ thống radio – ám hiệu báo cho người Mỹ biết cuộc di tản bắt đầu. 11 giờ trưa hôm ấy, Đại Sứ yêu cầu tôi đưa ông về nhà. Nhân viên cả toà Đại Sứ hoảng hồn, năn nỉ ông suy nghĩ lại và đừng đi vì đạn pháo, rocket đã nổ lác đác trong thành phố. Nhưng ông vẫn phẩy tay, vì thế, tôi tiếp tục chuẩn bị.

Nỗi sợ lớn nhất của chúng tôi khi ấy là VC mới chính là người đang thực sự điều hành thành phố. Trước đó vài ngày, VC lấy chiến đấu cơ A 37 từ Đà Nẵng và ném bom Dinh Độc Lập – cách toà đại sứ không xa. Tôi cố gắng lái chiếc Chevy 454 chống đạn vượt qua cổng chính. Nhưng vừa mở ra, đám đông đã tràn vào khiến thiếu tá Kean và binh sĩ phải vất vả lắm mới đóng cổng lại được. Đành bỏ xe, Đại Sứ yêu cầu tôi và Jim tháp tùng ông về nhà bằng cách… đi bộ, cách toà đại sứ khoảng 2 dãy nhà. 2 chúng tôi nhìn nhau và nghĩ – có lẽ đây là ngày tận số. Chúng tôi xách tiểu liên, lựu đạn và vượt lối đi bí mật thông qua toà đại sứ Pháp (kế bên) để ra ngoài phố. Vừa vào đến nhà, ngay bên kia đường xảy ra một cuộc đọ súng. Chúng tôi vào nhà, đốt sạch tài liệu. Jim dùng lựu đạn tiêu hủy toàn bộ hệ thống radio. Tôi điện cho chỉ huy, xin được đón luôn 2 lính thuỷ đang gác nhà đại sứ. Cuối cùng, sau 5 phút, tôi đề máy được chiếc Pontiac và gọi Jim đưa đại sứ ra ngoài. Đi thôi! Jim ấn Đại Sứ ngồi vào băng sau và ngồi chắn bên cạnh. 2 lính thủy cầm M16 chĩa ra 2 bên cửa. Tôi đề máy chiếc xe chống đạn, tông thẳng vào chiếc cổng cao 2,5 mét lao ra ngoài và tăng tốc đến toà Đại Sứ Pháp. Cả bọn lại luồn về toà Đại Sứ. Martin bảo rằng ông nợ chúng tôi một chai rượu mạnh. Tôi thông báo với sĩ quan chỉ huy là nhiệm vụ đã hoàn tất. Đám lính thuỷ bắt đầu hạ cây cối trong toà nhà, cắt điện thoại liên lạc, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc di tản bằng trực thăng.

Chiếc trực thăng CH-53 (chở được 50 người) dầu tiên hạ cánh xuống tầng thượng. Thiếu tá Kean và Trung tá Valdez điều động việc đưa người lên trực thăng, sau đó trực chỉ ra Đệ Thất Hạm Đội. Cuộc di tản kéo dài đến 4 giờ sáng 30/4 thì kết thúc, trong đó có Đại Sứ Martin, Jim và tôi. Toán lính thủy còn lại gồm 11 người được bốc đi lúc 5 giờ, đúng lúc tiếng xích xe tăng quân vc bắt đầu lăn vào đường phố Sài Gòn. Trên tàu, những sĩ quan VNCH lỉnh kỉnh những túi xách, vali. Tât cả đều phải qua kiểm tra của lực lượng an ninh chiến hạm… Chiến hạm USS Blueridge đến vịnh Subic (Philippines) vào ngày 4/5, mỗi đứa chúng tôi được phát 100 USD. Đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện mua vài bộ quần áo mới, tắm rửa, cạo râu…

Thanh Niên(theo Fall of SàiGòn)


___________________________________________


Bạch hóa Hồ Sơ Tối Mật của Mỹ
CộngĐồngMạngSGT ( condongmang@saigontimes.org)

LGT (Hữu Nguyên): Trong những ngày cuối tháng Tư 1975, khi cộng sản Bắc Việt ồ ạt tiến chiếm Sài gòn, thì ở Hoa Kỳ, giới lãnh đạo chính phủ, từ tổng thống Ford trở xuống, đều chú tâm vào sự an nguy của những công dân Mỹ, phần đông là nhân sự của DAO (Defense Attaché Office), nhân viên tòa đại sứ và nhân viên các tổ chức phi chính phủ cùng một số binh sĩ TQLC trực gác các cơ sở Hoa Kỳ. Vào thời điểm ấy, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ là có đủ thời giờ thu xếp rút hết nhân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam. Để thực hiện việc này, chính phủ Ford đã không ngần ngại thương lượng điều đình với Bắc Việt và quan thầy của VC là Nga Sô mà không cho VNCH biết. Theo một số tài liệu tối mật vào thời điểm ấy, được Viện Bảo Tàng của Tổng Thống Ford (Ford Museum) bạch hóa, thì chính phủ Hoa Kỳ đã không ngần ngại xin xỏ Bắc Việt tạm thời ngưng tấn công để Hoa Kỳ có thể rút hết nhân sự một cách êm thắm. Bù lại Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận những điều kiện mà nhà cầm quyền Hà Nội cùng Mạc Tư Khoa đưa ra. Các tài liệu này cũng cho thấy Nga Sô đã trả lời giùm cho đàn em Bắc Việt rằng “phe Việt Nam đồng ý về vấn đề di tản công dân Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam”. Hơn thế nữa, Nga Sô cũng nhấn mạnh “Việt Nam đã quả quyết rằng họ không có ý định ngăn cản bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào việc di tản công dân Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam và quả thật thì những điều kiện thuận lợi đã được thiết lập cho một cuộc di tản như thế”. Trong số tài liệu được bạch hóa có biên bản của hai buổi họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào hai ngày 24/4/75 và 28/4/75 cùng một số hồ sơ được trình bày trong buổi họp đó. Sau đây là những đoạn chính yếu của tài liệu đã bạch hóa, được đăng trên báo Saigon Times Úc Châu ngày 25.4.2013. Những phần trong ngoặc vuông [...] là phần phụ chú của người dịch.

BIÊN BẢN BUỔI HỌP HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA NGÀY 24/4/75

Hiện diện: Tổng Thống Ford, Phó Tổng Thống Rockefeller, Ngoại Trưởng Kissinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng Schlesinger, Tham Mưu Trưởng Hội Đồng Liên Quân (Chairman Joint Chiefs of Staff) Tướng George S Brown, Tổng Giám Đốc CIA William Colby, Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Ingersoll, Thứ Trưởng Quốc Phòng William Clements, Trung Tướng Brent Scowcroft biệt phái Phụ tá Tổng Thống trong Hội đồng An Ninh Quốc Gia, nhân viên Hội đồng An Ninh Quốc Gia W R Smyser. Ngày & Giờ: Thứ Năm 24/4/1975. 4g35 chiều. Địa Điểm: Phòng Nội các Chính phủ, Bạch Ốc. Đề Tài: Di tản khỏi Việt Nam.

TT Ford: Như qúy vị đã biết, trước khi chúng ta bắt đầu di tản khỏi Nam vang, chúng ta đã có một buổi họp. Lúc đó, tôi muốn biết được kế hoạch của chúng ta như thế nào. Và cuộc di tản đã diễn ra kịp thời và trong hoàn cảnh tốt đẹp nhất. Tôi liên lạc mỗi ngày với Henry (Kissinger) và Brent (Tướng Scowcroft) về tình hình ở Việt Nam. Tôi biết quốc hội hiện đang tạo áp lực với chúng ta về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất vẫn là tiếp tục hiện diện tại đấy nếu chúng ta còn tiếp tục đóng góp được cho một giải pháp ôn hòa, và chỉ di tản bằng một cách nào đó để không tạo sự hốt hoảng [cho người bản xứ]. Tôi biết hiện nay chúng ta đã giảm thiểu con số [công dân Hoa Kỳ] từ 6000 xuống còn khoảng 1600 thôi.

Schlesinger: Thưa tổng thống, hiện đã tăng lên 1700.

TT Ford: Tôi đã ra lệnh giảm xuống để tới thứ Sáu [tức ngày 25/4/1975] chỉ còn 1090 mà thôi.

Schlesinger: Như thế là giảm quá nhiều trong một ngày.

TT Ford: Đó là lệnh của tôi. Tôi sẽ ban hành thêm một lệnh nữa là đến ngày Chủ Nhật thì tất cả những nhân viên không trọng yếu, và phi chính phủ phải rời khỏi VN. Nhóm còn lại sẽ ở đấy cho đến khi có lệnh rút hết. Chúng ta vừa nhận được sự trả lời từ Nga Sô về một lời yêu cầu của chúng ta. Henry, anh tóm tắt sơ qua sự kiện này cũng như câu trả lời đi.

Kissinger: Theo sự yêu cầu của tổng thống, tôi đã liên lạc với Dobrynin [Anatoly Dobrynin - Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ từ 1962 đến 1986] hôm thứ Bảy để yêu cầu họ giúp đỡ hầu cho phép chúng ta tổ chức một cuộc di tản an toàn cũng như bắt đầu cuộc thương thuyết chính trị. Đồng thời tôi cũng yêu cầu họ tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết này có thể diễn ra. Chúng ta cũng nhấn mạnh với ông ta rằng chúng ta sẽ coi vấn đề trở nên nghiêm trọng nếu phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công. Và chúng ta đã nhận được hồi âm. Theo tinh thần của hồi âm này thì nếu chúng ta tiếp tục tiến hành cuộc đối thoại chúng ta sẽ được bảo đảm là VC không có một hành động quân sự nào xảy ra trong lúc chúng ta di tản người của chúng ta. Về mặt chính trị thì cuộc sắp xếp giữa 3 phe [Hoa Kỳ, Nga Sô và Bắc Việt] cho chúng ta một hy vọng rằng sẽ có một giải pháp là chính phủ liên hiệp, tốt hơn việc đầu hàng vô điều kiện. Chúng ta sẽ liên lạc lại với Nga Sô để xem họ muốn nói gì khi họ nhắc đến việc thực thi Hiệp Định Ba lê và đồng thời để cho họ biết rằng chúng ta sẽ hợp tác trong vấn đề ấy. Chúng ta nói rằng chúng ta sẽ không có hành động hấp tấp nào và tin rằng VC cũng sẽ không có hành động hấp tấp tương tự.

TT Ford: Theo sự nhận định của tôi thì tình hình lắng dịu hiện nay là kết quả của việc này. Qúy vị có thể cho rằng họ chưa chuẩn bị xong, và sẽ có hành động một khi họ đã sẵn sàng. Điều này cho thấy có lẽ họ chấp nhận một sự thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp Định Ba Lê và chúng ta có thể giữ người của chúng ta ở đó và tiếp tục giảm thiểu con số cho đến khi nào chúng ta quyết định rút hết. Chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Đấy là một sự nguy hiểm, và là một canh bạc may rủi, nhưng đó là trách nhiệm của tôi và tôi không muốn làm bất cứ một việc gì có thể phương hại đến tình hình cả. Tôi nghĩ rằng tôi đã có hành động đúng đắn, và tôi sẽ tiếp tục hành xử như thế. Điều tiên quyết mà tất cả mọi người đều phải nghĩ đến là con số 1090 người và việc rút hết tất cả những người không phải là công chức chính phủ hoặc ở những chức vụ không trọng yếu. Đấy là những người Hoa Kỳ, chứ không phải là những quyến thuộc người Việt Nam [Vietnamese dependents]. Tôi cho rằng con số này [những quyến thuộc người Việt] mỗi ngày một gia tăng, với tỷ số là 4:1 [4 người Việt cho 1 người Mỹ].

Tướng Brown: Trong vài ngày qua đã tăng lên 15:1.

Kissinger: Tổng thống yêu cầu Nga Sô về việc di tản công dân Hoa Kỳ cùng người miền Nam Việt Nam nhưng họ chỉ trả lời về việc di tản công dân Hoa Kỳ thôi. Và tôi nghĩ, đến thời điểm phải xài chiến đấu cơ yểm trợ thì chúng ta nên rút phứt ra cho rồi. Vì khi địch thấy có phi cơ yểm trợ thì có lẽ cũng giúp được cho tình hình.

TT Ford: Nếu chúng ta có chiến đấu cơ yểm trợ mà không dùng nó, địch vẫn có đủ ra-đa để biết được sự hiện diện của chúng ta.

Tướng Brown: Tụi pháo binh không thấy đâu. Và tụi hoả tiễn SA-7 cũng thế. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên sử dụng chiến đấu cơ yểm trợ cho đến khi chúng ta đã sẵn sàng để nổ súng. Nguy hiểm ở đây là các chiến đấu cơ này chỉ nên được sử dụng cho một công tác hẳn hoi chứ không phải chỉ để ló dạng trên màn ảnh ra-đa thôi.

Schlesinger: Có thể hiện nay địch chỉ bắn lai rai để làm mình bực mình thôi (shooting to bloody us). Nếu thấy có chiến đấu cơ có thể địch sẽ pháo kích mạnh hơn nữa.

Kissinger: Dĩ nhiên là nó có thể có ảnh hưởng ngược lại. Ngay cả nếu một vài đơn vị địa phương của địch không thấy được chiến đấu cơ của ta trên ra-đa, chắc chắn là tư lệnh tối cao ở Hà nội sẽ nhanh chóng biết được chuyện ấy. Tôi không nghĩ rằng địch sẽ gia tăng tấn công.

Schlesinger: Chúng có thể đã có lệnh trước để tấn công chúng ta.

Tướng Brown: Tôi nghĩ chúng đã quyết định tấn công tới cùng rồi. Còn nhiều đạo quân theo sau mà chúng ta đề cập đến hồi nãy. Chúng đi ngang qua những khu vực mà chúng từng xuyên qua trong kỳ Tết Mậu Thân. Chúng đã sẵn sàng cho một cuộc đại chiến ở Tân Sơn Nhất.

TT Ford: Nếu chúng ta quyết định dùng chiến đấu cơ yểm trợ, chúng ta phải di tản cả Sai gòn chứ không phải chỉ riêng Tân sơn Nhất thôi. Còn bao lâu nữa chúng ta mới có thể biết được rằng mấy chiếc C-130 có đáp xuống được hay không?
Tướng Brown: Trong vòng một giờ đồng hồ. Chúng ta có đường dây liên lạc thường trực và trực tiếp với Graham Martin.

Kissinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta có 3 quyết định: Thứ nhất, tiếp tục chiến dịch bao lâu và mấy chiếc C-130 chỉ nên chở người Hoa kỳ ra thôi hay chở luôn cả người Việt nữa. Trong bất cứ trường hợp nào, hôm nay là ngày cuối cùng để sử dụng phi cơ không vận. Thứ nhì, có muốn chiến đấu cơ bay vòng vòng Tân sơn Nhất hoặc bất cứ nơi nào mà ta rước người di tản hay không. Thứ ba, khi nào thì chúng ta cho lệnh bắn áp đảo để tháo chạy. Trong vấn đề này, tôi đồng ý với Jim(Schlesinger) rằng giải pháp này chỉ nên được sử dụng khi rút người Hoa kỳ ra mà thôi. Việc mà tôi lo ngại là việc cân nhắc giữa nguy cơ của việc chơi xả láng (pull out all stops) nếu địch chưa quyết định làm như thế. Tôi nghĩ rằng một khi chúng thấy chiến đấu cơ yểm trợ thì sẽ có một ảnh hưởng tốt.

Schlesinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần tập trung nhiều hỏa lực vào khu vực đó.
Clements: Nếu tổng thống quyết định rằng đây là ngày cuối cùng để kéo hết nhân viên dân sự ra thì chúng ta có thể tiến hành trên căn bản ấy.

TT Ford: Tôi nghĩ thế. Hôm nay là ngày cuối để di tản những người Việt Nam.

Kissinger: Như thế thì DAO sẽ cùng rút ra với họ.

Tướng Brown: Về chuyện mà chiến đấu cơ của chúng ta có nguy cơ bị phát hiện thì chúng ta đã đưa một chiếc phi cơ CAP của hải quân bay lên cao hơn mấy chiếc chiến đấu cơ và tướng Gayler đã ra lệnh cho họ phá sóng của các máy ra đa của những hỏa tiễn SA-2.

TT Ford: Không phá sóng đánh lạc hướng mấy hỏa tiễn SA-7 sao?

Tướng Brown: Thưa không. Nó là hỏa tiễn tầm nhiệt.

Tướng Scowcroft: Chúng ta vừa nhận được báo cáo rằng phi trường vẫn tiếp tục bị pháo kích. Hai trung đội Bắc Việt vẫn còn ở nghĩa địa gần Tân Sơn Nhất. Chiếc C-119 bị bắn rớt ở phi trường và chiếc phi cơ kia bị rớt ở nơi khác. Chúng ta cũng được tin rằng những chiếc C-130 vẫn trực chỉ phi trường nhưng sẽ không đáp xuống.

Schlesinger: Tụi Bắc việt có 4,000 du kích bắn sẻ ở Sài gòn. Chúng sẽ tấn công tòa đại sứ nếu chúng ta dùng hỏa lực tấn công.

Kissinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ khai hỏa sau khi rút toàn bộ tòa đại sứ. Có thể chúng ta nên nghĩ đến việc chừa lại một nhóm cốt lõi tình nguyện nhưng tôi sẽ rút tất cả những người khác ra. Tụi Bắc Việt dường như có ý định hạ nhục chúng ta và việc để người lại có vẻ là một việc không sáng suốt.

TT Ford: Tôi đồng ý. Tất cả mọi người phải rời đi. Bây giờ chúng ta đã đi đến hai quyết định: Thứ nhất hôm nay là ngày cuối cùng di tản người Việt. Thứ nhì, nếu chúng ta khai hỏa, người của chúng ta phải rút hết. Chúng ta có sẵn sàng dùng trực thăng không vận chưa?

Tướng Brown: Thưa có. Nếu tổng thống hoặc đại sứ Martin cho lệnh chúng ta có thể mang trực thăng đến trong vòng một giờ đồng hồ.

Kissinger: Như vậy thì lệnh của tổng thống là nhân viên Việt Nam nên đi ngày hôm nay và DAO cùng phần lớn nhân viên tòa đại sứ cũng nên được di tản bằng phi cơ
.
TT Ford: Tôi nghĩ rằng nên từ từ từng giai đoạn.

Kissinger: Một số nhân viên nhỏ cần được để lại ở tòa đại sứ. Nếu phải bắn áp đảo để tháo chạy thì chúng ta sẽ chuyển sang kế hoạch di tản toàn bộ người Hoa Kỳ. Nếu chúng ta phải rút ra, thì ưu tiên sẽ được dành cho công dân Hoa Kỳ.

Schlesinger: Chúng ta nên rút người của tòa đại sứ ra trong ngày hôm nay luôn.

Kissinger: Đúng. Chúng ta không nên để lộ ra ngoài rằng hôm nay là ngày cuối cùng di tản dân sự.

PTT Rockefeller: Báo chí có biết về cái chết của hai binh sĩ TQLC không?

Schlesinger: Có. Chúng ta sẽ xem dư luận có phản ứng như thế nào.

Tướng Brown: Ông ngoại trưởng có nói nếu chúng ta chấm dứt cuộc không vận thì công dân Hoa Kỳ phải được ưu tiên. Nhưng chúng ta không thể nào biết được chuyện này. Chúng ta sẽ không biết được chuyến bay nào sẽ là chuyến chót.

Schlesinger: Chúng ta nên để họ ưu tiên một cách kín đáo.

TT Ford: Chúng ta phải để cho tướng Smith lần lượt đưa họ vào cuộc di tản.

Kissinger: Nếu công dân Hoa kỳ leo lên chiếc phi cơ đầu tiên thì tình hình có thể trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát. Chúng ta phải dãn họ ra. Những người phải ở lại cho đến phút cuối cùng là toán điều hành việc di tản người Việt Nam. Còn tất cả những người khác thì nên ra đi.

TT Ford: Chúng ta phải trộn họ cho đều vào. Chúng ta không muốn có quá nhiều người ở lại lúc cuối.

Tướng Brown: Tôi không muốn thấy công dân Hoa Kỳ phải đứng chờ đợi chuyến bay chót.

Schlesinger: Henry à, có một điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Đến cuối ngày, khi biết được đây là ngày cuối thì chuyện này có tạo khủng hoảng và có ảnh hưởng đến tòa đại sứ của chúng ta không?

Kissinger: Tôi tin rằng một khi chính phủ mới được thành lập thì bổn phận của chúng ta chấm dứt. Ngay cả trong trường hợp không có pháo kích, vẫn có nguy cơ chính phủ Dương Văn Minh chuyển từ thân Hoa Kỳ thành trung dung rồi thành một chính phủ bài Mỹ. Chuyện ấy có thể xảy ra trong tuần này. Để trả lời câu hỏi của ông, đúng, nó có thể tạo khủng hoảng. Nó cũng có thể khiến chính phủ (Minh) quay sang tấn công chúng ta. Với 150 người sẽ dễ dàng thi hành việc di tản hơn.

TT Ford: Họ chỉ cách xa có một giờ thôi. Ngay cả như tình hình trở nên tồi tệ trong ngày hôm nay, nhanh hơn sự suy tính của chúng ta, chúng ta vẫn có thể thoát đi được.

Tướng Brown: Từ hàng không mẫu hạm đến tòa đại sứ chỉ có 25 phút thôi. Chúng ta có thể khởi hành bất cứ khi nào tổng thống hoặc đại sứ Martin ra lệnh.

Schlesinger: Còn nguy cơ bị tấn công ban đêm.

Kissinger: Tôi tin rằng trong một cuộc tấn công có kỷ luật thì tòa đại sứ vẫn an toàn hơn DAO. Tôi nghĩ rằng, ngày mai tổng thống sẽ cần phải quyết định xem tổng thống có muốn tòa đại sứ rút vào đêm mai hay không. Tổng thống có thể giảm thiểu sự hoảng loạn nếu tổng thống không mang cả tòa đại sứ đến Tân Sơn Nhất. Vì thế, có lẽ phải cần di tản ngay trong khuôn viên tòa đại sứ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên rút hết tất cả mọi người ra đêm nay, rồi ngày mai sẽ quyết định về tòa đại sứ.

TT Ford: Nếu mấy chiếc C-130 không đáp xuống được thì sao? Và như thế chúng ta sẽ không mang người ra bằng phi cơ được.

Kissinger: Khi đó tổng thống có thể tổ chức không vận cấp cứu ở khuôn viên của DAO và tòa đại sứ, và lúc ấy tổng thống sẽ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc di tản hết mọi người đi. Và khi ấy, có lẽ tổng thống cũng phải ra lệnh bắn áp đảo để triệt thoái.

Schlesinger: Tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn nên cố mang mấy chiếc C-130 vào.

Tướng Brown: Chúng ta sẵn sàng để rút người đi từ Tân Sơn Nhất hơn là từ tòa đại sứ bởi vì ở tòa đại sứ chúng ta phải đốn cây và dọn trống bãi đậu xe.

TT Ford: Chúng ta cần phải xem chuyện gì xảy ra ở Tân Sơn Nhất trước, rồi sau đó chúng ta mới phải dùng đến cơ sở của DAO và tòa đại sứ.

Kissinger: Nếu địch tiếp tục tấn công thì có nghĩa là chúng muốn đóng nút chúng ta lại. Khi ấy, chúng ta nên rút tất cả mọi người đi.

TT Ford: Ai sẽ thi hành chuyện này?

Kissinger: Tôi đề nghị là chúng tôi thảo sẵn một thông điệp ngay tại đây, đưa cho Jim(Schlesinger) và George (Brown) xem thử rồi trình lên tổng thống. Sau đó, chúng tôi sẽ gửi cho Graham Martin. Jim cũng có thể gởi cùng thông điệp ấy đến tướng Gayler qua những phương tiện riêng của ông ta. Khi đó, tất cả mọi người đều biết được chuyện chúng ta phải làm.
Clements: Nếu chúng ta không đưa được mấy chiếc C-130 vào thì chúng ta cần phải đưa ra những quyết định tối quan trọng khoảng nửa đêm hay 1g00 sáng.

TT Ford: Quyết định ấy sẽ là rút hết ra hay nhào vô.

Schlesinger: Chúng ta có nên đập cho pháo binh địch mềm ra hay không?

Tướng Brown: Tôi sẽ không thèm để ý đến pháo binh địch trong việc không vận bằng trực thăng nếu chúng chỉ pháo kích vào phi trường. Nhưng nếu chúng nhắm vào DAO hoặc tòa đại sứ thì chúng ta không thể tiến vào được. Trong trường hợp đầu, chúng ta hy vọng rằng địch sẽ không thể dời đổi một cách nhanh chóng quá. Trong trường hợp thứ nhì, chúng ta cần bắn áp đảo.

Kissinger: Nhưng đàng nào thì chúng ta cũng cần có chiến đấu cơ yểm trợ để bảo vệ cuộc di tản rồi.
TT Ford: Các chiến đấu cơ hiện giờ ở đâu?

Tướng Brown: Tôi đề nghị các chiến đấu cơ này sẽ tiến vào khi chúng ta bắt đầu di tản bằng trực thăng.

TT Ford: Chúng ta có thể chờ đợi đến khi chúng ta biết được mấy chiếc C-130 có đáp được hay không. nếu chúng không đáp được, chúng ta sẽ chọn giải pháp thứ 3. Quyết định của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc C-130 có thể hoạt động được [hạ cánh được] hay không. Tất cả đồng ý không? (Mọi người đều gật đầu).

Nguồn (condongmang@saigontimes.org)