PDA

View Full Version : Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù trong những ngày cuối cùng



KiwiTeTua
04-29-2015, 09:13 PM
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù trong những ngày cuối cùng tại miền Nam Việt Nam
Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đỉnh

http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh_1430182149.jpg
Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh


Xin hãy coi đây như một nến hương lòng để ngậm ngùi
tưởng nhớ những chiến hữu Nhảy Dù/LĐ1/ND+Thiết Giáp
tăng phái đã anh dũng chiến đấu, rồi hy sinh tại quê hương
trong những ngày cuối để LĐ1/ND cùng một số đồng bào
và đơn vị bạn ra đi an toàn đến bến bờ Tự Do.
NVĐ

Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua tính từ ngày Miền Nam Việt Nam, một số chiến hữu cũ thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (LĐ1ND) do tôi chỉ huy trước năm 1975, có dịp gặp lại nhau tại Hoa Kỳ. Ngoài những hàn huyên mừng vui gặp lại, một số anh em vì còn ưu tư với qúa khứ “sống chết có nhau và ngày vội vả rời bỏ Đất Mẹ, mang nặng trong long đầy ấm ức ,tức tưởi”, vẫn còn một số thắc mắc nêu ra như:

Đang tăng cường cho Sư Đoàn 18 Bộ Binh (SĐ18BB) phòng thủ tỉnh Long Khánh(cửa ngõ vào Sài gòn) một cách vững vàng, LĐ1ND đã chiến thắng và tiêu diệt gần 2 Trung đoàn của Công trường 7 Việt cộng (VC), tại sao lại phải rút về Phước Tuy?

Đã bảo vệ Quốc lộ 15 (đường Sàigòn Vũng Tàu), đến khi Cộng quân chiếm Phước Tuy, với Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù (TĐND) và Chi đoàn (CĐ) Thiết quân vận(TQV) đã tái chiếm toàn bộ tỉnh lỵ, tại sao phải bỏ Phước Tuy để rút về Vũng Tàu?

Vào ngày cuối cùng ở Gò Công (30-4-1975), khi không liên lạc được với Bộ tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù.(Sài gòn) để nhận lệnh, tôi với tư cách Lữ đoàn trưởng có liên lạc được với Bộ tư lệnh Quân đoàn 4/Quân Khu IV để ngỏ hầu làm thêm một “cái gì” cho đất nước không?

Tại sao khi cùng Lữ đoàn lên tàu để ra đi, tôi và Thiếu tá Ngô Tùng Châu, Tiểu đoàn trưởng TĐ1ND lại nhảy xuống một chiếc ghe nhỏ bơi vào bờ? Và… vân…vân…

Những thắc mắc đó của các chiến hữu cấp dưới đối với BCH/HQ trên, tương tự như những thắc mắc của biết bao người Quốc gia mình tìm hiểu về số phận của từng đơn vị nhỏ hơặc lớn hơn thuộc QLVNCH vào những ngày Miền Nam, đều rất chính đáng và hợp lý.

Riêng đối với LĐ1ND, xin các chiến hữu hiểu rằng: Trong thời gian đó, nhiều biến cố liên tiếp, dồn dập xảy ra trong những ngày quá ngắn, tôi không có thời giờ giải thích cho bất cứ ai, mà chỉ căn cứ vào tình hình hiện hữu rồi ước tính và ra lệnh hoặc phản ứng cấp thời. Xuyên qua bài viết này, các bạn đọc sẽ thấy bang bạc một số ước tính, suy luận đó. Những ước tính, suy luận này có thể còn thiếu sót, không hoàn chỉnh, vì chỉ do một bộ óc, nhưng rất may, nhờ những lý do ngoại cảnh, đã có những kết quả tốt đẹp (đa số các chiến hữu của tôi đã đi thoát và hiện ở Miền Đất Tự Do). Cũng qua bài này, tôi xin mời các bạn đọc theo dõi những bước chân hành quân cuối cùng của một đơn vị “bế hạt tiêu”…

Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù tại mặt trận Long Khánh

Vừa rời mặt trận Thường Đức và đèo Hải Vân (Đà nẳng) cuối tháng 3, 1975 về tới hậu cứ tại Sài gòn được mấy ngày, chưa kịp chỉnh đốn lại đơn vị, LĐ1ND lại nhận được lệnh của Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù, phải di chuyển gấp lên Long khánh và thuộc quyền chỉ huy hành quân của Bộ tư lệnh Quân đoàn3/Quân khu III.

Sau hơn 8 tháng quần thảo túi bụi với các Sư đoàn 329B, 320, và 304 CS tại Quân đoàn I/Quân khu I, bây giờ lại hành quân, nhưng đối với an hem Nhảy dù chúng tôi là chuyện rất thường tình. Vì thế đôi khi bà con, bạn bè tò mò có hỏi: - một năm đi hành quân mấy lần? Mấy an hem chúng tôi trả lời gọn lỏn: - Một năm đi hành quân có một lần nhưng kéo dài đến 365 ngày. Câu trả lời này gần đúng 95% sự thật.

Kỳ này, LĐ1ND hành quân với 3 Tiểu đoàn Nhảy dù cơ hữu gồm Tiểu đoàn 1 Nhảy dù(TĐT Thếu tá Ngô tùng Châu,Tiểu đoàn 8 Nhảy dù ( TĐT: Trung tá Đào Thiện Tuyển) và Tiểu đoàn 9 Nhảy dù (TĐT: Trung tá Nguyễn văn Nhỏ) và Đại độí Trinh sát Nhảy dù (ĐĐT: Phạm minh Đăng), được yểm trợ bởi Đại đội 3 Công binh Nhảy dù và ĐĐ1 Quân y Nhảy dù và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Nhảy dù (TĐT: Thiếu tá Nguyễn văn Thông).

Lệnh hành quân qúa gấp rút. Ngay đêm đầu tháng Tư 1975, trong khi dân Sài gòn còn yên giấc, toàn bộ LĐ1ND đã ngồi trên một đoàn Quân xa di chuyển hướng về Long Khánh. Đến nửa đêm hôm đó, các đơn vị đã hoàn tất bố trí quân sâu trong đám rừng cao su hai bên đường, Cách ấp Mẹ Bồng Con (Tỉnh Long Khánh) không bao xa.

Vào lúc đó, đường từ Long Khánh về Biên Hoà bị kẹt vì Cộng quân đã chiếm ngã ba Dầu Giây, ấp Mẹ Bồng Con và mấy ấp lân cận. Lực lượng bạn, chủ lực là Thiết Đoàn Chiến xa QĐ3 với nhiệm vụ mở đưòng lên Long Khánh, còn cách phía tây ấp Mẹ Bồng Con khoảng 500 thước. Phía đông ngã ba Dầu Giây là phòng tuyến của chiến đoàn 52/SĐ18 Bộ Binh. Quan niệm hành quân của QĐ3/QKIII lúc đó là muốn Lữ Đoàn 1ND vượt qua đơn vị bạn ở phía tây, giải tỏa các ấp bị địch chiếm, tiến vào giao tiếp với Chiến Đoàn 52/SĐ18BB. Sauk hi đến khu rừng cao su, ngay sang hôm sau, tôi xử dụng xe Jeep cùng mấy sĩ quant ham mưu đến vị trí tiền tuyến của đơn vị bạn để hỏi thăm tin tức và thám sát tình hình tại chổ. Xe của chúng tôi đã được địch chào mừng bằng hàng loạt đạn súng cối tới tấp trên đường nhưng rất may bình yên. Trở về trong ngày hôm đó, tôi xin BTL/QĐ3 cấp một chiếc trực thăng cùng các TĐT thuộc quyền bay lên thám sát chiến trường.

Mọi thủ tục xong xuôi và sắp sẳn trong đầu kế hoạch hành quân, chỉ còn chờ ngày N. giờ G là khởi sự. Hai ngày đóng quân trong rừng cao su êm ả. Sáng ngày thứ 3, tôi nhận được lệnh về BTL/QĐ3 họp gấp. Sau buổi họp, thi hành kế hoạch mới, ngay ngày hôm đó, toàn bộ LĐ1ND được trực thăng vận vào thẳng Long Khánh, tăng phái cho BTL/SĐ18BB với nhiệm vụ tăng cường phòng thủ tỉnh này.

Tôi cùng một số sĩ quant tham mưu đi đợt đầu để nhận lệnh, trong khi đó các đơn vị thuộc quyền tùng chuyến rồi tùng chuyến được trực thăng đổ xuống chân đồi Chuối, kế cận chi khu Xuân Lộc. BTL/SĐ18/HQ trú đóng trong một góc rừng Đông Nam kế cận ngã Ba chi khu Xuân Lộc với pháo binh 155 ly và bải đáp trực thăng. Tại một căn hầm làm trung tâm hành quân/SĐ tôi được tướng Lê minh Đảo (1), Tư Lệnh SĐ18BB đích thân cho tôi biết tình hình Địch và Bạn cũng như Dân chúng trong vùng, trong một tấm bản đồ cầm tay như sau:

Ba sư đoàn Cộng quân (nếu tôi nhớ không lầm) dồn nổ lực tấn công mặt Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc tỉnh Long Khánh.

Hầu hết các lực lượng chủ lực của SĐ18BB gồm Trung đoàn Chiến đoàn 52(TrĐT: Đại Tá Ngô Kỳ Dũng), Trung đoàn 43 (Trung Đoàn Trưởng: Đại Tá Lê xuân Hiếu) và hai Tiểu đoàn/Trung đoàn 48 trãi dài trên phòng tuyến phía Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc tỉnh Long Khánh. BTL/SĐ18BB +BCH Trung đoàn 48 + 1 TĐ trừ bị, (TrĐT: Trung Tá Trần minh Công)tại Xuân Lộc (phía Nam Tiểu khu Long Khánh khoảng 4 cây số). Bộ chỉ huy Long Khánh (Đại Tá Phạm văn Phúc, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Long Khánh) và các lực lượng Địa phương quân và Nghĩa quân vẫn vững vàng trong và quanh tỉnh lỵ. một tiểu đoàn BĐQ thuộc Liên đoàn 77/BĐQ bảo vệ phi trường Long Khánh (sát phía Nam tiểu khu).

Dân chúng trong làng tinh thần chống cộng rất cao. Mấy xóm đạo như ấp Bảo Định, ấp Bảo Bình đều có lực lượng Dân quân Tự vệ được trang bị vũ khí, đạn dược đầy đủ.

Thưa Thiếu Tướng, tôi hỏi, hoặc Đại Tá Phúc có “nắm” được dân hai ấp Bảo Định(phiá Đông BTL/HQ 3 cây số) và ấp Bảo Bình (phía Đông Nam BTL/HQ 4 cây số) không? Theo tôi nhận định đây là hai tiền đồn rất tốt cho mình. Còn vạt rừng chồi giữa mình (BTL/HQ) và phi trường Long Khánh có quân bạn hoặc địch hoạt động gì không?

Giữa mình và ấp Bảo định có một chốt VC chưa “bứng” được nên Đại Tá Phúc không liên lạc được với dân chúng hai ấp này. Nhưng hai ấp này còn vững vàng vì vẫn treo cờ Quốc Gia. Riêng vạt rừng này chưa có triệu chứng gì lạ. Áp lực địch nhiều ở phiá tỉnh.

Xin Thiếu Tướng cho biết nhiệm vụ của đơn vị tôi. Em thử đề nghị kế hoạch cho em, xem thế nào? Theo kinh nghiệm của tôi, chổ lắng diệu nhất, không có hoạt động gì là chổ địch “ém” quân và chờ làm “cú” dứt điểm. Kế hoạch của tôi được Tướng Đảo chấp thuận nhanh chóng và cho thi hành ngay sau khi đổ quân hoàn tất:

Tiểu đoàn 9ND trách nhiệm diệt chốt địch trên Quốc Lộ 1, sau đó lục soát về phía Đông, tìm cách giao tiếp với ấp Bảo Định rồi đợi lệnh. Chỉ thị đặc biệt: Khi được bắn vào ấp. Nếu dân bắn ra, hãy bắt loa báo cho họ biết mình là quân bạn.

Tiểu đoàn 1ND trừ bị cho Lữ đoàn, bố trí phía Tây Liên Tỉnh Lộ 2

Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù xuất phát khỏang nửa tiếng sau thì có nhiều tiếng súng nổ ở phiá Đông. Với chiến thuật diệt chốt tinh xảo rút tỉa từ những kinh nghiệm ở các chiến trường Quảng trị và Thường đức, chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ sau, Tr. Tá Nhỏ Tiểu đoàn trưởng báo cáo về BCH/LĐ: ĐĐ93 (ĐĐT Đại Úy Đinh văn Tường, con gà cứng cựa của Cửu Long, biệt danh của Tiểu đoàn 9ND) đã bứng rể chốt địch với 12 tên nằm tại chổ, 1 súng cối 61 ly và 9 vũ khí cá nhân, một số địch chạy về hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn đang đến ấp Bảo Định.

Tiểu đoàn 8ND xuất phát sau đơn vị trên 1 giờ, vừa rời Quốc lL 1 khỏang 600 thước về phía Bắc thì chạm súng với một số tiền đồn của địch trong đám rừng chồi. Tôi rất vui mừng báo cáo tin này với Tướng Đảo. Như vậy ước tính không sai. Tôi tiếp tục cho lệnh TĐ8ND: Đại đội nào chạm đích cứ tiếp tục xấn tới, tiến được bao nhiêu hay bấy nhiêu, hảy xử dụng một Đại Đội khác bọc bên phải, thêm một Đại Đội khác nửa bọc bên trái. Hai Đại Đội này nếu chạm địch, cũng xân tới như vậy.

Kết qủa đúng như ý muốn, theo kiểu điều quân tương tự. Tiểu đoàn 8ND đã phải tung đến Đại Đội tác chiến thứ 4 cũng chạm địch luôn. Trung tá Tuyển nói với tôi:

Tôi không còn trừ bị(2)

Anh đừng lo tôi còn cả thằng 1 (TĐ1ND) bây giờ mình đã nhận diện được đội hình của địch. “Thông Gìa” sẽ làm việc.(3) Thiếu Tá Thông lúc nào cũng sẳn sang hang trăm qủa đạn pháo binh 105 ly đã rớt xuống đội hình của địch. Trung đội này chạm sung thì trung đội khác bọc phải hoặc bọc trái tiến tới. Các đại đội của Tiểu đoàn 8ND dàn hàng ngang để tiến tới, đội hình chung của tiểu đoàn như một hình vòng cung, hai đầu hai bên khép lại từ từ thành thế bao vây địch.

Cánh quân đầu của TĐ9ND khi còn cách ấp Bảo định cách khoảng 500 thước thì dân trong ấp báo động, súng bắt đầu nổ , đạn các loại bay rào rào về phía quân Dù. Vì không có tần số lien lạc được với dân, tiếng sung nổ kể cả sung cối 60 ly từ trong ấp bắn ra, át cả tiếng loa kêu gọi, nên an hem binh sĩ Dù đành núp và chờ đợi. Trung tá Nhỏ TĐT/TĐ9ND và hai binh sĩ bị thương vì miếng đạn sung cối từ trong ấp bắn ra. Ông bị một vết thương nơi bụng khá nặng nên Trung Tá Nhỏ được chuyển về phía sau để tản thương và Thiếu tá Lê Mạnh Đường Tiểu Đoàn Phó được cử xử lý chức vụ TĐT.

Khoảng 15 phút sau, bắn ào ào nhưng thấy địch (Dù) im lặng, không phản ứng gì, dân trong ấp cũng ngưng bắn và quan sát. Nhảy dù tiếp tục bắc loa kêu gọi đừng bắn và ra khỏi chỗ núp từ các gốc cây để họ thấy rỏ quân phục rằn ri. Sauk hi gặp nhau, TĐ9ND về hoạt động bung quân lục soát sâu về phía Tây Chi Khu Xuân Lộc. TĐ1ND lên thay thế, bố trí phía Đông ấp Bảo Định. Trong thời gian TĐ8ND đang hình thành đội hình khép vòng vây địch thì một buổi chiều, địch pháo kích từ hướng Đông Bắc khoảng 30 qủa đạn loại 130 ly vào khu vực Chi Khu Xuân Lộc, chủ yếu là vào BTLSĐ18BB+ BCH/Tr48BB và Pháo đội 155 ly. BCH/LĐ1ND nằm trong vòng đai đó cũng đành chịu trận. Nhưng thiệt hại các đơn vị không đáng kể, chỉ cháy mấy khẩu Pháo Binh 155 ly.

Ngay buổi tối hôm đó, tôi đề nghị với Tướng Đảo nên rời các cơ sở chỉ huy ngay trong đêm, tránh sang bên, lệch hướng địch pháo kích khoảng 500 thước là đủ, vì các sĩ quan tham mưu(không phải sĩ quan tác chiến) cần bình tỉnh, không bị địch quấy rầy để làm việc. Sau đó vì nghĩ rằng các đơn vị “chung một chuyến tàu” nên tôi thẳng thắng viết lên một trang giấy học trò. Những công việc nên làm đối với BTL/HQ nếu muốn tử thủ Long Khánh, trong đó tôi còn nhớ vài điểm thăng chốt như sau:

(1) BTL/HQ không nên đóng chung với Pháo Binh.

(2) Hạn chế trực thăng chở các phái đoàn Quốc hội và Báo chí (gần như hang ngày) lên xuống gần BTL/HQ, nếu được nên thiết lập 2 hoặc 3 bãi đáp phòng hờ và luân phiên, cách xa BTL/HQ. Kể cả thượng cấp đến thăm HQ, đều được đem xe ra đón tại bãi đáp rồi được đưa vào BTL/HQ. Nếu không làm như vậy, tất cả Qúy vị thăm xong đơn vị rồi về, chúng tôi ở lại vùng hành quân lảnh đủ.

(3) Vị trí BTL/HQ nên tránh xa các đặc điểm địa hình như ngã ba, ngã tư đường, cầu cống. Nhà Thờ, Chùa, v.v… Nếu cần chui vào rừng để địch không biết chính xác ta ở đâu.

Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đỉnh



************************************************** ***


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù_1430183084.jpg


Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù Kịch Chiến Với Trung đoàn csBV ở Bình Long
Vương Hồng Anh

Lược trình về Lữ đoàn 1 Nhảy Dù

Là một trong ba lữ đoàn của Sư đoàn Nhảy Dù, một trong hai sư đoàn tổng trừ bị của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù nguyên là Chiến đoàn 1 Nhảy Dù, được cải danh kể từ 1 tháng 11/1967. Trong trận chiến Hạ Lào tháng 2/1971, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù là một trong những nỗ lực chính tấn công các đơn vị chủ lực của csBV. Khi cuộc chiến mùa Hè bùng nổ, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã có mặt tại chiến trường Bình Long ngay từ giai đoạn đầu, đến hạ tuần tháng 6/1972, lữ đoàn được điều động ra tăng viện cho chiến trường Trị Thiên. Cùng với hai Lữ đoàn 2 và 3, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã tung lực lượng truy kích các đơn vị thuộc sư đoàn 304 CSBV, án ngữ phía Tây tỉnh Quảng Trị, đánh bật CQ ra khỏi khu vực núi Tân Téo (phía Tây Bắc La Vang) mở rộng khu vực kiểm soát đến tận bờ Nam sông Thạch Hãn.

Từ cuộc họp tại Dinh Độc Lập đến kế hoạch đổ quân xuống An Lộc

Ngày 6 tháng 4/1972, trong cuộc họp thẩm định tình hình quân sự bốn Quân khu được tổ chức tại Dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu, đã khẩn trình Tổng Thống và Đại Tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, tăng cường thêm lực lượng phòng thủ An Lộc. Yêu cầu của Tướng Minh gặp khó khăn vì phần lớn lực lượng tổng trừ bị đã được điều động tăng viện cho chiến trường Cao nguyên thuộc Quân khu 2 và chiến trường Quảng Trị thuộc Quân khu 1. Duyệt xét lực lượng hiện hữu, Tổng Thống Thiệu và Đại Tướng Viên quyết định tăng cường cho Quân đoàn 3 một sư đoàn Bộ binh và 1 lữ doàn Nhảy Dù: Đó là Sư đoàn 21 Bộ binh thuộc Quân đoàn 4 và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù - lữ đoàn còn lại cuối cùng của Sư đoàn Nhảy Dù đang đặt trong tình trạng ứng chiến.

Ngay trong ngày 6 tháng 4/1972, bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và 3 tiểu đoàn thống thuộc: 5, 6 và 8 được vận chuyển lên Lai Khê, bản doanh của Sư đoàn 5 Bộ binh, thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Ngày 7 tháng 4/1972, toàn lữ đoàn khởi động cuộc hành quân bằng đường bộ từ Lai Khê lên Chơn Thành-quận cực Nam tỉnh Bình Long. Nhiệm vụ của lữ đoàn 1 Nhảy Dù là tảo thanh các đơn vị Cộng quân dọc theo Quốc lộ 13 từ Chơn Thành đến An Lộc. Khi qua khỏi Chơn Thành khoảng 6 km về hướng Bắc, và còn cách An Lộc 15 cây số, đoàn quân giải tỏa đã gặp sự kháng cự mạnh của 1 trung đoàn thuộc Công trường 7 CSBV ở Suối Tàu Ô. Địch quân đã lập các cụm chốt cố thủ liên hoàn bắn trả dữ dội vào các đơn vị Nhảy Dù.

Cuộc đổ quân xuống phía Đông Nam An Lộc

Ngày 14 tháng 4/1972, tại căn cứ Lai Khê, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã họp cùng với Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, và Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn Trưởng 1 Nhảy Dù. Tại buổi họp này, trung tướng Minh đã nhận định tình hình trận chiến An Lộc. Theo tướng Minh, An Lộc đang bị Cộng quân siết chặt vòng vây, lực lượng trú phòng không tung ra ngoài được để hoạt động. Số quân sĩ thương vong vì bị pháo kích ngày càng gia tăng, trong tình thế đó, cần phải lập một đầu cầu vào An Lộc, để nới rộng tầm hoạt động của quân trú phòng. Các mặt ở hướng Bắc, Tây, Nam đều bị phong tỏa. Chỉ còn mặt Đông Nam chưa bị địch quân khống chế, ở đây có những ngồi đồi thoai thoải, thuận tiện cho cuộc đổ quân trực thăng vận, và lực lượng nhận lãnh trách nhiệm khó khăn và nguy hiểm này là Lữ đoàn 1 Nhảy Dù.

Sau cuộc họp, Đại Tá Lê Quang Lưỡng bay quan sát vị trí trận địa để chọn bãi đổ quân. Sau 5 vòng bay, vị Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã chọn ấp Srok Ton Cui, cách An Lộc 4 km về phía Đông, để các đơn vị đổ bộ. Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù được thả xuống trước để khai quang bãi đáp. Ngày hôm sau, 15 tháng 4/1972, hai Tiểu đoàn 5 và 8 Nhảy Dù và bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trực thăng vận xuống khu vực này. Sau khi đã hoàn tất cuộc đổ quân, hai Tiểu đoàn 5 và 8 Nhảy Dù chia làm 2 cánh tiến quân vào thị xã An Lộc, trong khi đó, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù ở lại làm lực lượng đoạn hậu và án ngữ Đồi Gió.

Tiếp tục kế hoạch điều quân, Đại Tá Lê Quang Lưỡng, Lữ đoàn Trưởng, cho lệnh Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù bung ra lục soát về phía Tây thị xã An Lộc. Trên đường tiến quân, do bị Cộng quân pháo kích dữ dội nên tiểu đoàn đã chuyển về hướng Nam, cùng lúc đó, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù cũng nhận được lệnh ra tiếp ứng để mở rộng vòng đai, nhằm lập bãi nhận hàng tiếp tế do phi cơ thả dù.

Ngày 19 tháng 4/1972, Cộng quân điều động 2 trung đoàn 141 và 275 CSBV tấn công cường tập vào bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tại đồi 169 và tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tại đồi Gió. Trước áp lực quá nặng của địch, Đại Tá Lê Quang Lưỡng gọi máy cho Trung Tá Nguyễn Văn Đĩnh được toàn quyền quyết định. Trung Tá Đĩnh cùng với 2 đại đội 60, 62 di chuyển theo ngọn đồi xuống ấp Srok Ton Cui, nơi đây đại đội 61 đang hoạt động; 2 đại đội 63 và 64 còn lại do Thiếu Tá Phạm Kim Bằng chỉ huy tiếp tục án ngữ cao địa. Cánh quân do Trung Tá Đỉnh chỉ huy bị cộng quân chận đánh và cuối cùng phải triệt thoái về hướng Nam; sau đó được trực thăng Không Quân VNCH bốc được và chở về Lai Khê chỉnh trang; cánh quân còn lại của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù và bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rút vào An Lộc. Riêng pháo đội 105 ly với 6 khẩu đội được lệnh phá hủy tất cả súng trước khi rút lui.

Lữ đoàn 1 Nhảy Dù và những trận đánh lớn tại An Lộc

Trong cuộc rút quân khỏi Đồi Gió, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đã được Không Quân yểm trợ bằng 3 phi tuần xuống các vị trí của Cộng quân quanh vòng đai của lộ trình rút quân. Rạng ngày 21 tháng 4/1972, Cộng quân pháo kích 2 ngàn quả đạn vào tuyến phòng ngự của lực lượng VNCH, trong đó có các cụm điểm trọng yếu do Lữ đoàn 1 Nhảy Dù phụ trách. Tiếp đó, đêm 22 rạng ngày 23/4/1972, Cộng quân tung thêm quân tấn công vào khu vực trách nhiệm của Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù ở cửa Nam An Lộc. Cánh quân bộ binh địch tấn công vào tuyến phòng ngự của Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù có 1 chi đội chiến xa gồm 2 T54 và 2 PT76 yểm trợ. Lúc này quân trú phòng đã được trang bị vũ khí bắn chiến xa mới mang tên XM 202 cải biến từ M72, có thể bắn liên tiếp 4 phát, với sức nóng 3,600 độ Fahrenheit mỗi trái. Cả 4 chiến xa đều bị chiến binh Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù bắn cháy rụi. Ngoài ra Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù còn liên lạc qua hệ thống truyền tin không lục với phi cơ C130 có gắn đại bác 105 ly bắn theo sự hướng dẫn của ra đa hạ luôn một đội chiến xa CQ gồm 5 chiếc đang di chuyển về hướng Trung đoàn 15 Bộ Binh trên Quốc lộ 13.

Ngày 11 tháng 5/1972, Cộng quân tấn công cường tập vào các vị trí phòng ngự của lực lượng VNCH tại mặt Đông và Đông Bắc, vài đơn vị trú phòng báo cáo về bộ Tư lệnh Hành quân là tuyến phòng ngự có thể bị địch quân tràn ngập. Tướng Lê Văn Hưng đã điều động 1 thành phần của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tiếp ứng. Đơn vị này có nhiệm vụ chận đứng mũi xâm nhập của đối phương. Sự tăng viên của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã có hiệu quả ngay lập tức, Cộng quân đã không thể tiến xa được.

Trở lại với Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, như đã trình bày, sau khi rút khỏi Đồi Gió và được tập trung tại Lai Khê để tái chỉnh trang, đầu tháng 6/1972, tiểu đoàn này cùng với trung đoàn 33/Sư đoàn 21 và Trung đoàn 15/Sư đoàn 9 đã khởi động cuộc hành quân giải tỏa áp lực Cộng quân trên Quốc lộ 13 để tiến về An Lộc tăng viện cho quân trú phòng. Ngày 8 tháng 6/1972, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đã bắt tay được với tiểu đoàn 8 Nhảy Dù.

Kinh nghiệm chiến trường giữa Lữ đoàn Trưởng 1 Nhảy Dù và Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 Bộ binh

Trong suốt thời gian tham chiến tại An Lộc, ba tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã cùng với các đơn vị Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 21BB, Sư đoàn 9, Biệt động Quân Quân khu 3, Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy Dù nỗ lực chận đứng hơn 10 trận xung phong biển người của Cộng quân và phải hứng chịu các trận mưa pháo của đối phương. Chiến đấu trong điều kiện và hoàn cảnh khốc liệt nhất, các đơn vị Nhảy Dù đã sáng tạo cách đánh, từ cận chiến, vận động chiến đến biến chế vũ khí. Một số kinh nghiệm chiến trường đã được các đơn vị trưởng Nhảy Dù trao đổi với đơn vị trưởng bạn như câu chuyện sau đây ghi lại theo lời kể của Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 Bộ Binh, khi nói về Lữ đoàn 1 Nhảy Dù:

Theo sự phối trí của bộ Tư Lệnh mặt trận An Lộc, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trách nhiệm mặt Nam An Lộc, còn Trung đoàn 8 Bộ binh trách nhiệm phía Bắc An Lộc. Một hôm, nghe tin Đại Tá Mạch Văn Trường bị thương, Đại Tá Lưỡng đã vượt vòng đai phòng thủ đến thăm và nói với Đại Tá Trường: lúc này bị thương là chết rồi. Đại Tá Trường kể với vị Lữ đoàn Trưởng Nhảy Dù về áp lực địch quá nặng ở mặt Bắc, Đại Tá Lưỡng đã chỉ dẫn cho Đại Tá Trường biến chế mìn để chặn đường tiến quân của địch. Làm theo cách của Đại Tá Lưỡng, vị Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 8 Bộ Binh đã cho quân sĩ biến chế mìn theo công thức: cứ hai đầu đạn 155 ly với ngòi nổ thành một quả mìn. Chính với loại mìn biến chế này, trong các đợt tấn công kế tiếp của đối phương, quân trú phòng đã hạ nhiều chiến xa của Cộng quân.

Vương Hồng Anh