PDA

View Full Version : Cuộc đào thoát khỏi VN trước ngày 30-4-1975



Longhai
03-20-2015, 09:34 AM
Cuộc đào thoát khỏi VN trước ngày 30-4-75


Trường Sơn Lê Xuân Nhị​


LGT: Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị, tên thật là Lê Xuân Nhị, sinh năm 1951 tại Ban Mê Thuột, trưởng nam trong một gia đình nghèo gồm 8 người con, 5 trai 3 gái. Sinh ra và lớn trong hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, tang thương của đất nước, ông không những là chứng nhân của một giai đoạn đầy bi thương của Quê hương trong khói lửa chiến tranh Việt Nam, mà còn là người tình nguyện dấn thân trong cuộc chiến chống Cộng sản xâm lăng bảo vệ Tổ quốc với trách nhiệm của một phi công trong Phi đoàn 114, biệt phái cho Sư Đoàn 23 QLVNCH. Với tấm lòng yêu thương Quê hương đất nước tha thiết, cùng kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu xa về cuộc chiến tranh VN, đặc biệt là với nỗi đau đớn của một người lính phải buông súng, rời bỏ quê hương, ông đã đặt chân lên nước Mỹ trong sự thao thức trăn trở của một người Việt ly hương, từng khoác áo lính, nên ông đã nhanh chóng tìm đến những trang báo Mỹ, những trang sách Việt để ký thác tâm sự. Là người thẳng thắn và chân thành, can đảm và nghị lực, tài hoa và đa cảm, nên chỉ trong thời gian ngắn, ông đã trở thành Nhà văn tên tuổi tại hải ngoại. Bên cạnh những tác phẩm đầy tâm huyết của một người Việt tỵ nạn cộng sản như Đất Khách Trời Quê, Trôi Theo Vận Nước... xuất bản cách đây 20 năm, ông còn là tác giả của những tác phẩm thuộc loại Best-seller như Xếp Al Capone, Phát Súng Ân Tình, Ngài Chủ Tịch... Nhân dịp tưởng niệm 35 năm ngày Quốc Hận, ông gửi tới Sàigòn Times bài viết về cuộc đào thoát khỏi VN của ông cách đây 35 năm. SGT chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái của ông và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả nguyên văn bài viết của ông.

***​

Mặc áo lính ăn cơm Chính phủ, không giữ được bờ cõi, phải bỏ Quê hương mà chạy thì thật chẳng có gì hay ho để kể lại, cho nên, đã nhiều lần, tôi tính viết lại chuyện bỏ chạy của tôi, nhưng nghĩ lại, đành bỏ luôn. Bây giờ, tuổi đã gần 60, tôi đành viết lại một lần cho ai muốn thưởng thức thì đọc, còn không thì xin lật trang qua bài khác hay kiếm chuyện gì khác mà làm. Xin lỗi đã làm mất thì giờ quý vị.

Trước đó một tháng, Phi đoàn 114 tôi từ Nha Trang được lệnh bỏ Thành phố bay về Phan Rang. Thành thật với lương tâm mà nói, Thành phố Nha Trang lúc ấy chưa hề có một thằng Việt Cộng, chưa hề bị một trái pháo của giặc. Nhưng kinh nghiệm những ngày máu lửa vừa qua cho tôi biết là cái Thành phố thân yêu của mình đang giẫy chết. Chết như thế nào thì tôi không biết, vấn đề chỉ còn là thời gian.

Lúc ấy, dân quân di tản từ Tuy Hòa, Quy Nhơn, Pleiku đã tràn ngập Thành phố. Lính không còn cấp Chỉ huy, lại có súng ống trong người cho nên Nha Trang chẳng bao lâu biến thành một Thành phố vô trật tự, coi như bỏ ngỏ và gần như hỗn loạn. Hàng quán đóng cửa, trường học biến thành chỗ tạm trú cho dân tị nạn, dân chúng ít có ai dám ra đường.

Quân Cảnh ngày thường thì đầy dẫy khắp nơi, nhưng những lúc ấy không hiểu bận chuyện gì lại thấy mất biệt (chuyện này dễ hiểu). Ngay cả anh em lính tráng chúng tôi đi đâu cũng phải đi thành nhóm để đề phòng bất trắc...

Nhưng không phải là không có những chuyện vui, đáng nhớ... Đáng nhớ nhất và vui nhất là nhà Đại úy Hưởng. Ông già vợ anh Hưởng vốn có nhiều... con gái cho nên đã chuẩn bị rất nhiều rượu quý (từ vang cho đến cổ nhắc, tới Sâm Banh) để làm đám cưới cho con. Đố ai có thể đoán, nếu ở Việt Nam, nhà mình có rượu quý thì chỗ nào là chỗ tốt nhất để giấu chúng ? Xin thưa, đem chúng ngâm xuống giếng. Chỗ này vừa mát lạnh, vừa kín đáo, khỏi bao giờ sợ hư rượu.

Một buổi chiều, anh Hưởng ngoắc tôi, Đại úy Nhơn, và vài người bạn khác tới nhà anh. Gia đình vợ anh đã di tản trước về Sài-Gòn nên chúng tôi tha hồ tự do, coi như mình là "người trong nhà", tự tiện nấu nướng, tự tiện... đủ thứ. Anh Hưởng ra sau giếng, móc lên một lô mấy bao cát đựng toàn rượu quý. Khui mấy bao cát ra, thấy toàn là những thứ rượu quý, chúng tôi hoa cả mắt. Nhưng hoàn cảnh chúng tôi lúc ấy, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, nên ngồi uống rượu mà lòng dạ ít còn hứng thú, và cũng uống không nhiều. Ai cũng có mối lo riêng ở trong lòng mình.

Một vài ngày sau, một sáng cuối tháng 3, chúng tôi vừa vào phi trường thì không trở ra được nữa. Một đơn vị Biệt Động Quân (không rõ số quân) từ Vùng 2 rút về đòi vào phi trường Nha Trang nhưng bị ngăn lại bên ngoài cổng. Thế là hai bên gườm nhau. 8 giờ sáng, chúng tôi được lệnh quyền Phi đoàn trưởng là Thiếu Tá Oanh cho cất cánh đem tàu về Phan Rang.

Chúng tôi vừa taxi ra phi đạo thì trực thăng cũng cất cánh ào ào.

Lên trời, không hiểu sao tôi có cảm giác đây là lần cuối cùng mình còn thấy thành phố Nha Trang thân yêu, nên tôi bay thấp, lượn nhiều vòng trên Thành phố...

Ở dưới, thiên hạ hốt hoảng chạy tới chạy lui trong Thành phố bằng đủ thứ phương tiện, từ xe gắn máy đến xe Lambretta, đến xe nhà binh lớn nhỏ đủ cỡ. Tôi không biết thiên hạ chạy đi đâu và để làm gì nhưng tôi thông cảm. Nếu tôi là họ, tôi cũng chỉ biết làm như thế thôi.

Trưa đó, chúng tôi đáp Phan Rang, ai nấy lo để chuẩn bị tử thủ căn cứ này. Nhưng không hiểu sao, Sư đoàn 2 Không Quân lại được lệnh di tản, đem tàu về Sài-Gòn, Sư đoàn 6 Không Quân sẽ chịu trách nhiệm phòng thủ căn cứ.

Về Sài-Gòn, sáng sáng chúng tôi vào trình diện rồi nhận tờ giấy phép 24 tiếng về nhà, hôm sau lại trở lại, bổn cũ soạn tiếp...

Cứ như bình thường thì đây là một dịp cho tôi được ăn nhậu thả dàn nhưng hoàn cảnh đất nước lúc ấy, tôi chẳng còn lòng dạ nào. Hàng ngày đi vào phi trường, thấy người di tản ở đầy khắp mọi nơi, phi trường, toà đại sứ, công sở Mỹ v.v... Gặp nhau ai cũng nói đến chuyện đi Mỹ đi Úc, chẳng ai nói đến chuyện gì khác.

Một buổi trưa, sau khi đi trình diện ở phi trường Tân Sơn Nhất, vừa về đến nhà thì tôi nghe nhiều tiếng nổ to lớn lạ thường và rất gần, đến từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đang ở trọ một người quen ở Gia Định, cũng gần phi trường Tân Sơn Nhất nên hoảng hốt leo lên sân thượng quan sát. Lúc ấy tôi cũng chưa biết việc tụi Việt Cộng lái A-37 của ta tấn công dinh Độc Lập nên thấy mấy chiếc A-37 bay thấp gần đó, tôi nghĩ là phi cơ ta lên tìm pháo.

Lại nghe tiếng đại liên phòng không bắn khắp nơi, tôi hốt hoảng đưa mắt tìm. Nhìn về phía bến Bạch Đằng, tôi giật mình kinh hãi khi nhận ra đại liên phòng không tứ hướng bến Bạch Đằng đang bắn lên cả máy bay C-130 Mỹ đang chở người di tản. May mà chiếc máy bay không hề hấn gì nhưng tôi biết anh phi công chắc phải teo chim cả tháng sau mới trở lại bình thường được.

Chuyện bom nổ ở phi trường Tân Sơn Nhất, theo tôi nghĩ là chuyện thường xảy ra, nhưng chuyện phòng không ta bắn lên máy bay di tản làm tôi hoảng kinh hồn vía. Hoảng kinh là bởi một câu hỏi to lớn. Ai đã bắn lên phi cơ Mỹ, Hải Quân hay Việt Cộng ? Tôi suy nghĩ thật nhanh và kết luận ngay là Việt Cộng đã tràn ngập Sài-Gòn. Hải Quân mình không thể có những hành động như thế.

Từ sự suy nghĩ này, tôi liền có một quyết định quan trọng. Trước hết, nếu Việt Cộng đã vào Thành phố thì tôi phải làm mọi cách để thoát ra khỏi đây. Không cần biết đi bằng đường gì, hàng không, đường biển, đường bộ, tôi phải thoát ra khỏi Thành phố này. Là một phi công, dĩ nhiên, tôi chọn đường hàng không trước. Thế là tôi tròng áo bay, đeo ghia ghiếc vào người, bỏ một bộ đồ xi-vin trong một túi áo bay, túi kia 3 gói mì khô. Tôi phóng ra khỏi nhà kéo chiếc xe Honda đen của tôi xuống...

Quý vị nào ở Việt Nam trước năm 75 chắc còn nhớ cái kiểu dựng xe gắn máy trên bàn chống. Khi mình kéo xe xuống từ bàn chống, nếu chiếc xe nó tưng lên một chút, đó là chuyện bình thường vì bánh xe cứng đầy hơi. Nhưng nếu mình kéo xuống, nó dẹp xuống luôn một đống không chịu tưng lên tức là có chuyện, bánh xe có thể bị sì lốp.

Khốn nạn thân tôi, ngay vào cái lúc thập tử nhất sinh ấy, cái lúc dầu sôi lửa bỏng và nguy ngập nhất của cuộc đời tôi, cái bánh xe cái Honda khốn nạn của tôi bị xẹp lốp...

Đã lái xe kinh nghiệm bao nhiêu năm, khi kéo xe xuống khỏi dàn chống, tôi chỉ cần nghe một tiếng "huỵch" là biết bánh xe mình bị sì lốp rồi, nhưng cho chắc ăn, tôi cúi xuống xem một lần nữa, chỉ hy vọng hai cái lỗ tai phi công của mình, sau bao nhiều ngày mệt mỏi, có thể nghe lộn không. Nhưng làm gì có chuyện đó. Tôi nhìn thấy cái bánh xe bị thân xe đè bẹp dí xuống, trông thảm nảo như một trái mít rụng.

Tôi suy nghĩ thật nhanh và quyết định mình sẽ không có thì giờ để vá bánh xe. Hơn nữa, nếu có thì giờ để dắt xe đi thì cũng chưa chắc tìm ra chỗ mở cửa để cho tôi vá xe.

Tôi dựng xe lên trở lại, quyết định chạy ra đường đón xe Lam vào Tân Sơn Nhất.

Phóng ra ngoài đường, nhìn thấy thiên hạ ào ạt chạy lên chạy xuống càng làm tôi rối ren thêm. Tôi cảm thấy yên tâm khi còn nhìn thấy hình bóng lính mình và Cảnh sát ở nhiều chỗ. Mẹ, như thế là tốt rồi, Việt Cộng có thể về bến Bạch Đằng nhưng ở đây còn yên. Tôi đứng ở một góc đường và bắt đầu thò tay đón xe Lam và gặp ngay được một điều ngạc nhiên khác mà tôi không hề nghĩ tới.

Không hiểu vì một lý do... kỳ thị nào đó, tất cả những chiếc xe Lam chạy qua đều làm ngơ, khôngchịu dừng lại để đón tôi. Có thể họ sợ bộ đồ lính tôi đang mặc, cũng có thể vì giờ phút ấy không còn ai muốn đón khách nữa.

Tôi đứng chưng hửng chừng một phút đồng hồ rồi quyết định rằng, bằng mọi giá, tôi phải vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi muốn đón xe để đi nhưng không ai chịu ngừng thì tôi đành phải... cướp xe vậy. Thành thật mà nói, từ thuở sinh ra và lớn lên, tôi chưa hề làm một việc phạm pháp, chưa hề ăn cướp ăn giật của ai một đồng bạc, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi không còn một sự lựa chọn nào khác hơn. Tôi sẽ làm bất cứ chuyện gì để thoát khỏi Sài-Gòn. Quyết định đến với tôi thật dễ dàng, dễ dàng như hút thuốc ăn cơm.

Thế là tôi mở quai đeo súng, thò tay nắm chặt cán cây P. 38. Một chiếc xe Lam khác chạy tới, tôi bất ngờ phóng ra chận trước đầu chiếc xe, tay kia rút súng chỉa thẳng vào mặt người tài xế. Cha tài xế xe Lam hốt hoảng thắng gấp chiếc xe. Tôi vòng sang phía bên hông, phóng lên ngồi bên cạnh tài xế. Tôi chỉa họng cây súng P.38 còn mới toanh vào mặt người tài xế, gằn giọng :

- Ông chở tôi vào phi trường Tân Sơn Nhất, giá bao nhiêu tôi cũng trả. Ông không chở, tôi bắn chết ông liền tại chỗ rồi lấy xe này đi vào...

Cha tài xế bị một vố bất ngờ quá, miệng ú ớ không nói lên lời, tay run cầm cập, không có được một phản ứng. Cho rằng thằng này muốn làm khó, tôi gõ mũi cây súng vào thái dương thằng chả nghe đến đốp một phát, đổi liền cách xưng hô :

- Đm mày không chở tao nổ một phát mày chết liền tại chỗ rồi lấy xe mày đi cũng vậy thôi.

Tôi nói thế và tôi sẽ làm thật, và làm mà không hề do dự. Trong hoàn cảnh tôi lúc ấy, tôi không có thì giờ để đi hù dọa ai cả.

Lần này thì cha tài xế gật đầu lia lịa, rồ ga sang số. Tay thằng chả run quá làm chiếc xe Lam nhào lên ụp xuống, xém ủi cả vào lề. Tôi ngồi xích ra ngoài một chút, một tay giữ vững thành xe, tay kia vẫn hườm cây súng, để ngay trên vai cha tài xế...

Chạy được một lúc, tôi ôn tồn cắt nghĩa cho cha hiểu tại sao tôi phải có những hành động như thế. Chả cũng nói chuyện với tôi và lần lần, 2 người trở nên thông cảm. Tôi xin lỗi cha tài xế và bảo tôi sẽ "bồi thường" cho chả 2 ngàn đồng. Cha tài xế chở tôi vào ngay trước phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi đưa tiền, vỗ vai chả cười cười...

Khi tôi tới phi trường thì mọi nơi trở lại yên tĩnh. Lúc ấy tôi mới được biết là chẳng có Việt Cộng nào chiếm Thành phố cả và những tiếng nổ vừa rồi là kết quả của một cuộc dội bom của Việt Cộng dùng A-37 của mình. Vào trong phi trường, tôi đi lang thang, ngồi nhậu vớ vẩn với đám bạn bè trong Câu lạc bộ chừng vài tiếng đồng hồ thì pháo lại ào ào rớt xuống phi trường. Lần này cường độ nghe kinh khiếp hơn cả những lần trước. Kinh nghiệm cho tôi biết tối nay Tân Sơn Nhất sẽ ăn pháo nặng. Thế là tôi lại dọt về nhà.

Việc đầu tiên tôi làm là dắt cái xe Honda đi vá. Tối hôm đó, quả đúng như tôi nghĩ, phi trường bị ăn pháo nặng. Tôi ngồi trên sân thượng nhà mình nhìn từng quả đạn bay về phi trường mà lòng đau như cắt. Đó là buổi tối cuối cùng của tôi nơi Thành phố thân yêu.

Sáng hôm sau, tôi thức giấc sớm, phóng Honda vào phi trường. Việt Cộng đã pháo phi trường suốt đêm, cho đến sáng thì cường độ giảm đi nhưng vẫn còn lai rai. Tới gần phi trường, từ đàng xa, tôi đã nhìn thấy hàng ngàn chiếc xe, vừa nhà binh vừa xi-vin bị kẹt ở ngoài thành một biển xe. Nhiều người lính Không Quân, có lẽ chờ lâu quá nên nản chí, quay xe ra về. Phần tôi, không hiểu sao, tôi tiếp tục bò tới gần cổng. Bổng dưng, không biết vì một lý do nào đó, người lính Quân cảnh mở cửa cho ai vào đó, thế là tôi dựa hơi, phóng xe vào...

Vào trong phi trường thì pháo địch bắt đầu rớt ào ạt, càng lúc càng mãnh liệt. Pháo rớt khắp nơi và quan trọng hơn cả là rớt rất là chính xác. Tôi biết tiền sát viên của giặc nhất định phải nằm đâu đó trong phi trường cho nên chúng nó mới bắn hay như thế. Cứ trong một tình trạng bình thường thì kiếm thằng chó đẻ này không khó, nhưng trong hoàn cảnh này thì tiền sát viên giặc có thể là bất cứ ai, từ anh lính mang cái băng đen với hai chữ "QC" đang đứng gác ngay cổng, cho đến ông Thiếu tá Không Quân đang lái xe Jeep chạy vòng vòng trong phi trường.

Và thiên hạ bắt đầu tháo chạy. Tôi dùng chữ Thiên Hạ đây nghĩa là từ lính cho đến quan, mọi nhân viên phần sở, từ dân bay cho đến dân không phi hành, chẳng còn ai làm việc nữa mà chỉ lo chạy. Tôi vào phi đoàn, phòng làm việc bỏ ngỏ. Câu lạc bộ cũng tan nát vì ăn pháo và bị đập phá để hôi của. Thật không còn một cảnh tượng nào đau lòng hơn. Đi lang thang, tôi tình cờ đụng đầu Đại úy Hưởng. Hai anh em gặp nhau mừng quýnh. Chúng tôi bàn nhau một lúc rồi quyết định ra phi đạo tìm một chiếc tàu bay cất cánh. Cất cánh đi đâu thì chưa biết nhưng phải thoát ra khỏi cái phi trường Tân Sơn Nhất này.

Tôi phóng lên chiếc xe Honda rồ máy, Đại úy Hưởng ngồi sau. Tôi phóng Honda chạy giữa những trái pháo rớt, giữa giòng xe cộ, giòng người chạy tới chạy lui khắp nơi. Đang chạy, tôi nhìn thấy một người mặc áo bay, tướng lùn lùn mập mập đang vừa chạy vừa thở, vai ôm một cái túi nhà binh lớn. Tôi tới gần và nhận ra đó là Thiếu Tá Lý Bửng, trưởng phòng Hành Quân của phi đoàn tôi. Thế là tôi rà tới, thắng xe sát bên ông thầy, la lớn :

- Thầy chạy đi đâu, lên xe đi với tôi.

Nhìn thấy chúng tôi, Thiếu tá Bửng mừng quýnh người, liền phóng lên xe. Nhưng vì ông thầy phóng quá nhanh làm chiếc xe Honda bị mất thăng bằng, đổ nghiêng sang một bên. Tôi dựng xe lên đạp máy nhưng không sang số được vì cần đạp chân bị quẹo cong, cấn vào cần số. Chuyện nhỏ.

Tôi bảo mọi người ngồi yên trên xe rồi bước xuống, móc cây P.38 ra, trở ngược, giộng báng súng xuống cái cần để chân. Chuyện này tôi làm hoài mỗi khi đi nhậu bị té xe nên chỉ sau chừng vài cú đập, cái cần để chân lại thẳng xuống như cũ. Tôi lại lên xe, đạp máy, lần này sang số ngon lành.

Vào tới khu bãi đậu máy bay của phi đoàn, tôi mới biết là trong thiên hạ không phải chỉ có mình 3 người chúng tôi tìm đường đi. Tôi nhìn thấy một lô phi công đang leo lên cánh máy bay để kiểm soát bình xăng những chiếc phi cơ. Dựng xe sang một bên, chúng tôi liền chia ba đi coi cánh tàu bay. Nghĩ rằng tất cả những máy bay tốt và bánh căng đầy đều đã có người kiếm, tôi chỉ chọn những chiếc máy bay cũ, lại có bánh hơi xẹp là những chiếc mà theo tôi là đã bị thiên hạ chê. Quả nhiên, chỉ không lâu, tôi tìm thấy một chiếc L-19 với 2 cánh còn đầy xăng. Tôi leo lên vặn cọc bình vào rồi nhấn thử công tác, tạ ơn trời đất, chong chóng quay mấy vòng thật nhanh, đầy hứa hẹn.

Đáng lẽ tôi là người lái chiếc đó vì tôi là người tìm ra máy bay, nhưng nể tình thầy trò, tôi nhường tay lái cho Lý Bửng, tôi và anh Hưởng ra ngồi phía sau.

Ông Bửng cất cánh tại taxiway. Không hiểu lúng túng lạng quạng thế nào không biết, khi tống ga, tàu bay quay sang một bên, xém tí nữa thì lật mẹ nó con tàu. Nhưng số chúng tôi còn may nên chúng tôi bay lên được. Tôi ngồi sau không đội nón bay nên không biết ông Bửng liên lạc với ai. Sau chừng hơn một tiếng hay hai tiếng đồng hồ gì đó, tôi nhìn thấy hòn đảo Côn Sơn... Lúc ấy là vào khoảng 11 giờ sáng ngày 29-4-1975...

1 tháng sau, tôi chính thức đặt chân lên đất Hoa kỳ, trại tị nạn Fort Chaffee, Tiểu bang Arkansas.

Nằm trong trại tị nạn, chẳng có việc gì làm, tối ngày chỉ đi học Anh văn, rồi xếp hàng đi ăn rồi về nhà nằm ngủ, tôi có nhiều thì giờ để suy nghĩ về thân phận mình, đất nước mình. Tôi xin ghi lại những sự suy nghĩ của tôi.

Trước hết, tôi nhận ra mình là một người may mắn. Hồi đó, số người di tản sang Mỹ đợt đầu tiên chỉ có 130 ngàn, đại đa số là những người làm sở Mỹ, những công chức cao cấp và thân nhân bà con của họ. Theo sự ước đoán của tôi, trong số 130 chục ngàn người sang được Hoa Kỳ này, chỉ có khoảng 20 chục ngàn, hoặc gần 20% là lính tráng. Trong khi Quân lực VNCH có một triệu người lính dưới cờ, con số gần 20 ngàn người sang được tới Mỹ là một con số quá ít, không tới 2%. Tôi nằm trong số 2% này thì phải nói là tôi là một người may mắn (Giòng họ Lê nhà tôi chưa đến nỗi bị tuyệt chủng, tôi nghĩ như thế). Tôi luôn luôn nghĩ đến những người anh em, đồng đội, những người lính, những Sĩ quan cấp Tướng, cấp Tá, cấp Úy, những người lính An ninh Cảnh sát, những Chiến sĩ Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn mà Cộng Sản rất sợ. Ấn tượng kinh hoàng của cuộc thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi không biết rồi một cuộc tắm máu thứ hai như kiểu Mậu Thân có thể xảy ra hay không. Thêm vào đó, tin tức cùng hình ảnh giết chóc tàn bạo của quân Khờ Me đỏ ở Thủ Đô Nam Vang khi bọn này tràn vào Thành phố được báo chí Quốc tế chụp được, đăng khắp nơi trên báo chí và truyền hình càng làm cho tôi kinh hãi đau đớn. Thành thật mà nói, với sự dã man tàn ác của VC, tôi nghĩ một cuộc tắm máu thứ hai khủng khiếp hơn kỳ Mậu Thân cả ngàn lần sẽ xảy ra, và có thể đang xảy ra ngay trên Quê hương mình lúc này... Tôi đau đớn nghĩ đến những anh em và người thân của mình còn kẹt lại, nhưng không làm được gì để giúp họ. Thân phận của một con người thật là quá nhỏ so với bánh xe vĩ đại của lịch sử...

Tôi ngẫm đi suy lại về cuộc đời bé bỏng và ngắn ngủi của miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ Tổng thống Ngô Đình Diệm cho đến cuộc đảo chánh năm 1963, rồi chỉnh lý lên chỉnh lý xuống cho đến khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập, và sau hết là những ngày tang thương cuối cùng của đất nước. Một Quân đội oai hùng như thế, đánh tan giặc thù bao nhiêu năm, bao nhiêu lần, bao nhiêu chiến thắng để rồi cuối cùng lại bị thua một cách tức tưởi, nhục nhã và đau đớn...

Rồi tôi ra trại tị nạn, hòa nhập với người Mỹ. Dĩ nhiên, những giờ phút ban đầu chập chững luôn luôn là đầy dẫy những khó khăn nhưng không phải là không có những chuyện buồn cười, đáng thương đáng nhớ...

Tôi lao đầu vào đời sống, ban ngày đi học, ban đêm đi làm. Mỗi lần mệt mỏi quá hay đôi lúc xuống tinh thần, muốn bỏ tay buông rơi, tôi lại nghĩ đến những người thân, những anh em đồng đội mình còn kẹt lại, giờ này đang oằn oại dưới bàn tay bạo tàn của bọn Cộng phỉ, tôi phải gượng dậy để tranh sống...

Sự nghiệp Văn chương của tôi bắt đầu bằng một bài viết bằng tiếng Mỹ, được đăng trong mục "Your Opinions" của tờ báo lớn nhất và duy nhất tại Thành phố New Orleans là tờ The Times Picayune. Hồi đó, uất hận vì bị thua trận và thương xót cho những người Việt Nam vượt biển đi tìm tự do bị hải tặc cưỡng hiếp, thảm sát trên biển cả, tôi viết đại một bài đăng lên mục "Ý Kiến bạn đọc". Tuy là ý kiến bạn đọc nhưng người Mỹ tuyển lựa rất kỹ càng, không phải ai viết cũng được đăng. Tôi buồn quá viết chơi, không ngờ bài được chọn đăng. Sau đó, cứ đến gần ngày 30 tháng 4 thì tôi viết một bài, mấy năm liên tiếp như thế. Một vài anh em Không Quân đọc bài tôi trên báo, bảo mày viết được tiếng Anh sao không viết thử tiếng Việt. Tôi viết thử, mới đầu là tùy bút, rồi đến Truyện ngắn và Truyện dài, truyện nào cũng thành công.



Trường Sơn Lê Xuân Nhị