PDA

View Full Version : Câu chuyện Tháng 3-1975



Longhai
03-20-2015, 03:45 AM
Câu chuyện Tháng 3-1975


Thủy Ta (K7)


Đưa Mẹ và con về đi, về đi em đừng khóc nữa! “Vườn rau em hái, Mẹ già em lo”. Đột nhiên nghe câu thơ của Nguyễn Bính ai vừa hát tôi chợt nghĩ giờ phút này mà còn có người ngâm nga thơ Nguyễn Bính thì phải công nhận người đó có can đảm của một đàn ông. Tôi quay lại và thấy một anh thanh niên, bên cạnh là một bà cụ khoảng hơn bảy mươi tuổi với một người đàn bà cùng hai bé nhỏ, tôi chắc đó là mẹ và vợ con của anh Cán bộ Phát triển Nông thôn này vì Y-phục anh mang màu đen, nón rộng vành cũng màu đen lưng mang ba-lô. Những bàn tay lớn nhỏ, thương yêu, bịn rịn, thút-thít bám chặt vào nhau không nỡ chia cách trong đêm kinh hoàng dưới bầu trời, trăng sao mờ của ngày hạ tuần tháng 3 (đêm 24 rạng ngày 25 tháng 3 năm 1975), nhìn cảnh ly biệt không ai khỏi rơi nước mắt.

... Ngày, đêm đó vợ chồng tôi và cháu gái 3 tuổi, trong đó có cả cháu 4 tháng tuổi đang còn trong bụng mẹ; chúng tôi chở nhau trên chiếc Honda dame và dừng lại trên đường Quốc lộ 1 về hướng Bắc, cách Thành phố Quảng Ngãi hơn 10 km. Tôi dắt xe và xê dịch, phải nói là xê dịch vì người và xe chen lấn nhau trên đường kể cả hai bên bờ phía dưới là ruộng, để tìm lối thoát trong lúc từng loạt pháo của Việt Cộng liên tục từ phía núi bắn vào đoàn người di tản đang chen lấn dẫm đạp lên nhau bằng mọi cách cố đến kịp vì nghe nói chiếc tàu “Đệ thất hạm đội“ của Mỹ đang neo tại cảng Chu Lai cách Thành Phố khoảng hơn 25km đến 30km chờ người di tản đến…

Mọi việc đã bị xáo trộn trong đầu tôi, lại nữa, nước mắt chảy dài thật yếu đuối không như một nam nhi. Tôi đang miên man suy nghĩ về hai con trai tôi đã theo ông bà, cô chú nó di chuyển vào Saigon trước đó một tháng. Rồi lại nghe tiếng thở dài não ruột của người bên cạnh, tôi quay lại thấy anh Hoa (Lê Thiện Hoa ?), không biết là việc gì...Trời ơi ! Tôi chạy xe ra đến đây mới nhớ là đã bỏ mấy con tôi tại trước BCH Cảnh Sát. Chuyện là như vầy : Vào khoảng 7, 8 giờ tối tôi gặp cha con anh Hoa tại trước cổng BCH Cảnh Sát tỉnh Quảng Ngãi, tôi cũng như anh đang nghe ngóng tình hình xem có lệnh gì từ BCH không. Trong lúc đó, từng đoàn người hối hả, vội vã kéo nhau chạy từ phía núi đổ về Thành phố, có nhiều người cho biết : Việt cộng đã xuống gần đến phố rồi, chạy đi. Nhìn về hướng Thành phố, Tiểu khu, Trung tâm (Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt) thấy lửa đang đang bốc lên cao, chắc là đang đốt tài liệu...Thình lình từ trong cổng BCH khoảng năm bảy xe chạy ra không kịp mở dây kẽm gai đã được giăng trước cổng. Tôi vội vã đội chiếc mũ sắt lên đầu con gái tôi, rồi cùng vợ chạy theo đoàn xe đến đoạn đường giữa hai Xã Thế-Long, Thế Lợi thuộc Quận Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi trên Quốc lộ 1 nay mới gặp lại anh Hoa sau đó khoảng 1 giờ sáng.

Xe tôi đã bỏ bên đường, ba chúng tôi ôm nhau bò lăn xuống ruộng. Tôi đè rào kẽm gai thấp xuống cho “bà bầu” nhảy qua trước, tiếp đến tôi “ thảy” con gái qua và cuối cùng là tôi thoát được những loạt đạn AK do đám du kích bắn xả vào đoàn người đang chen lấn nhau di tản. Thình lình tôi nghe tiếng M79 “đùng” bên cạnh, hóa ra là Thiếu úy Khiết đã “phản pháo”. Khiết, hình như người Cà Mau, mới chuyển về làm Trưởng Cuộc xã Trà Trung, quận Trà Bồng đến bây giờ tôi mới gặp lại anh. Xin nhắc lại : khoảng đầu tháng 3/75, tôi làm Trưởng đoàn, được lệnh của Chỉ huy trưởng Tỉnh đưa đoàn xe lên Trung Tâm quận Trà Bồng để di tản nhân viên, kể cả gia đình Cảnh Sát, Hành chánh, tất cả gồm 7 Cuộc. Đến mỗi Cuộc, tôi đã thông báo trước để đón người. Từ Thành Phố Tỉnh ra xã Bình Khánh để đến Trung Tâm Quận Trà Bồng, một trong 4 Quận miền núi, đường đi phải qua gần căn cứ địa của dãy núi Vàng, nơi đó Cộng-sản đã đóng quân, giai đoạn đó gọi là chiến dịch “Hoàng Oanh”. Trên đường di tản đi và về, Đại đội 4 BĐQ.BP/TĐ. 21, có bạn tôi Trung úy RA, Đại đội trưởng mở đường và yểm trợ nên tôi yên tâm phần nào, trong lúc các Quận miền núi đã di tản trước trong tháng. Tôi cho đoàn xe trở đầu và dừng lại trong sân Quận. Lòng bồi hồi nhìn cảnh tiễn đưa, bịn rịn, nức nở khóc không ra tiếng của người ở lại. Tiếng kêu gọi con trẻ, tiếng dặn dò an ủi của gia đình, bạn bè, láng giềng. Họ chen lấn lên xe, mặc dù tôi đã có kế hoạch giữ trật tự trước. Hồ sơ, tài liệu và các loại máy móc đã được lệnh thiêu hủy, và cuối cùng phải chia tay xe xuống núi.

Đoàn xe chúng tôi trở lại Quốc lộ 1 khoảng 3 giờ 30 chiều trong ngày hôm đó và gặp đoàn xe của Quân đội trong đó có Thiếu tá Triết và Đại úy Kim Ngọc Châu. Ông Triết cho biết đang chờ giải tỏa Việt cộng phía trong căn cứ Đại Hàn tại xã Bình Liên. Một giờ sau đó, tôi đưa đoàn xe về Thành phố và phân phối tạm cư tại các trường Quảng-Ngãi Nghĩa-Thục, Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật, Trường Tiểu học Gò Quán gần núi Thiên Bút. Ngày hôm sau một đoàn xe của Tiểu khu được lệnh di tản các đại đội ĐPQ, Nghĩa Quân trên quận Trà Bồng do Thiếu tá Dần làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng. Đoàn xe của Tiểu khu, sau nầy khi vào tù tôi nghe các bạn tôi thuật lại, vừa đến cầu Đại Lãnh thì bị Cộng quân chận đường làm cho “tan hàng”.

Trong lúc vợ chồng tôi chạy tới chạy lui đến các địa điểm tạm cư để phân phối thực phẩm, áo quần cho mọi người tạm cư, thì từ các vùng ven thị từng loạt pháo B 40, B 41 của Việt cộng ngày đêm xối xả vào Thành phố để gây thương vong cho dân chúng. Ban ngày quá bận rộn giúp dân di tản của Quận, đêm về chui vào hầm có bao cát chống pháo kích lại nghĩ đến Ba Me và hai con trai tôi - đứa lên 7, đứa lên 4 - theo chú vào SaiGon từ tháng trước. Sở dĩ tôi không đi trước là vì tôi còn nghĩ đến trách nhiệm, lại thêm lúc đó Lê, vợ tôi, đang mang “bầu“ 4 tháng và cháu Loan con gái tôi mới hơn 3 tuổi. Khi đó, ngoài trời vẫn nghe từng loạt pháo kích gần có, xa có vì gia đình tôi ở gần sát khu Quân sự của Sư Đoàn 2 sau là Tiểu Khu Tỉnh.

Nhắc lại, khoảng 9 giờ sáng 25/3, tôi gặp Thiếu tá Triết CHT Cảnh Sát Tỉnh, Đại úy Kim Ngọc Châu CHT Cảnh Sát Quận, Thiếu tá Dần quận trưởng quận Trà Bồng (Thiếu tá Dần sau đã chết trên Cao Sơn sau khi bị bắt, tôi nghe Thiếu úy Hinh K.5 cho biết), Đại úy Kim Ngọc Châu cũng bị bắt và sau này bặt tin tức, nghe đâu đã mất tích ? Ôi ! thương tiếc làm sao ! Trong khi chúng tôi chờ đợi, không biết là chờ cái gì, và đã nghĩ đến phương cách thoát chạy, lại gặp Y-Sĩ Nhơn của T.Đ 21 BĐQ/BP do Thiếu tá Nguyên là TĐ Trưởng. Y sĩ Nhơn nói : “Chúng ta vào Nam (SaiGon) bằng đường núi, vì hiện giờ tụi nó (VC) đã kéo xuống đồng bằng.” Làm sao tôi đi được đây ? Nhìn vợ tôi đang “mang bầu“ và Loan con gái tôi mới 3 tuổi hơn, tôi nghĩ giá mà chỉ mình tôi thì... Sau ngày ra tù, tôi gặp lại Y-Sĩ Nhơn trong một quán cóc bên đường gần chợ Hòa Hưng, Chí Hòa qua chén rượu đế “Nàng hương” và ngâm nga câu thơ theo bao thuốc Capstan “Cho anh phát súng tim anh nát” thấy thật cay đắng làm sao ! Ngày Nhơn làm đám cưới với Cúc, tôi là người đại diện bên “Họ” đàng gái; cô Cúc là em của Thượng Sĩ Cảnh Sát Hảo, tôi và Nhơn quen nhau từ đó. Ngày Nhơn đi tù về “Đôi bạn ngày xưa” đã chia tay, tôi ngậm ngùi chia sẻ cùng với Nhơn...

Tháng năm từ từ qua đi, chúng tôi tức tưởi tan hàng bị lùa vào các trại “cải tạo”, bao nhiêu ngày ngả lưng trên đống rơm khô, rồi trên sạp cây đước, cây lồ ô đập dẹp làm giường, sau những giờ mệt nhọc “Lao động vinh quang”; thực sự là những ngày tù khổ sai, không tuyên án, có luật lệ gì đâu mà tuyên với không tuyên án. Nhớ lại ngày đầu họ đưa chúng tôi vào tập trung tại chỗ để học tập do Ủy ban binh vận Tỉnh, sau 1 tuần gọi là học tập tốt, họ làm lễ mãn khóa và tuyên bố sẽ trả tự do cho ai ở vùng / tỉnh nào về chỗ nấy. Tôi là người thứ 7 trong danh sách trả tự do, “nó” tống tôi vào xe (Scou..II của Cảnh Sát) và đưa đi... Bản thân tôi lúc thiếu niên cũng đã sống trong thời gian Việt Minh chống Pháp, nên cũng đã “Cay đắng bờ môi”, đã biết ăn đủ loại khoai, khoai trộn nhiều hơn cơm. Giờ trong tù, một soong canh “toàn quốc“ (toàn nước) canh có vài lá cải, thỉnh thoảng có một vài con sâu sợ nóng bò ra khỏi miệng soong, (giống như bức biếm họa trên miếng giấy tập của Họa sĩ (Chí) Chóe tặng tôi).

Tôi nghĩ, rõ mươi rành rành... giờ này, giai đoạn này chắc chúng sẽ tái diễn và còn hơn giai đoạn trước thời Việt Minh chống Pháp, như tuổi thiếu niên tôi đã trải qua. Tôi còn nhớ rõ, trong một bữa ăn của gia đình dọn ra trên bàn, chị tôi phải canh chừng ngoài cửa, nếu có cán bộ Việt Minh đến kiểm tra thình lình thì phải dấu đi những món ăn như thịt cá, cơm trắng không độn khoai, chỉ để lại cơm độn nhiều khoai (củ), rau cải để che mắt tụi chúng nếu chúng bắt gặp thì thật là khổ. Chúng còn kiểm soát “túi gạo” (Ruột nghé hay là ống tre đựng gạo tiết kiệm) sẽ phải nạp hàng tháng cho chúng, còn nhiều, nhiều nữa kể không hết được.

Rồi “một cái gô mang vô, rồi hai cái gô đưa vô, rồi nhiều cái gô”...( lon sữa guigoz) đựng thức ăn thăm nuôi, năm này lại năm nữa ..(khôn dại tại hồ sơ). Thật vậy, mỗi lần trước giờ tập trung trước cổng trại để phân phối lao động, nếu thấy trước sân trại có để sẵn một cái bàn, trải tấm khăn (nilon) thì thế nào cũng có đọc danh sách trả tự do ngày đó. Lúc đọc danh sách thả tự do được đánh máy sẵn trên giấy mỏng, lật một tờ mà quên thấm nước miếng (nước bọt) thì nhất định sẽ qua hai tờ một lượt và như vậy, chắc chắn những người nào nằm trong danh sách được trả tự do ở tờ thứ hai cũng sẽ không được đọc tên và xem như chưa thông báo; tốí đến điểm danh mới hay là ai đó bị lọt sổ của Nam Tào, Bắc Đẩu.

Ngày tháng dài lê thê “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Cứ nằm đếm từng đường tơ con nhện đang giăng; thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim kêu (Các anh khổ cực/ Bắc Nam khổ cực) đều đều.., có nhiều thời gian để nghĩ lại những kỷ niệm vui buồn. Lúc đó thật nhớ gia đình, nhớ các thầy, các bạn cùng nhập học tại Học Viên Cảnh Sát Quốc Gia năm nào. Ngày đó tôi đã “Trên đầu súng ta đi, Tổ quốc..”, tôi thi đậu vào khóa 7 Sĩ Quan Cảnh Sát và nhập học tháng 12/72. Lúc đó, trường bắn tự động chưa hoàn tất (?), chưa khánh thành nên chúng tôi được về nhà một thời gian rồi trở lại nhập học trong mùa Giáng Sinh ’72 và được chuyển xuống Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn tại Chí Linh (Vũng Tàu) để học 2 tuần chính trị. Ngày cúng đình “Cúc Cung Hưng Bái”, anh Tôn Thất Thành (Thành mập Quảng Trị) phụ trách “Đại-Tế” và vài anh khác như Anh Lê Kiểu (đã về cỏi Vĩnh Hằng) đánh “Chinh ,Cổ “ ( chuông mõ ), phần tôi vừa hướng dẫn học trò Lễ, vừa đánh trống con để học trò lễ “tiến tửu, giai quỳ, bình thân”.v.v... Sau đó tôi được chỉ định đánh 3 hồi trống lớn, vừa dứt ba hồi trống thì được tin đài phát thanh SaiGon loan tin : Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn sau khi hiệp định Ba-Lê được ký kết qua nhiều năm hội họp giằng co giữa bốn bên. Sau hai tuần nữa, chúng tôi được chuyển về TTHL Rạch Dừa để hoàn tất giai đoan 1.

Tôi có một vài kỷ niệm trong thời gian học giai đoạn 1. Có lần, tôi được gọi lên văn phòng liên đoàn để vẽ hình ảnh chiến thuật vào giấy (stencil) quay Ronéo cho các tài liệu giảng dạy cho khóa sinh. Khi chuyển về Học Viện, tôi ở Đại đội 15 do Trung úy Trường là Đại Đội trưởng. Một hôm, Thiếu tá Quách Trung Chánh gọi tôi lên VP Viện trưởng và bảo tôi vẽ lại Cảnh Phục cho SVSQ và Sĩ quan của lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia để kịp dự diễn hành trong ngày Quân-Lực (19/6/73). Thời gian đó, Khóa 6 và K7 đang hàng ngày phải tập dượt thao diễn. Đây là lần đầu tiên lực lượng SVSQ Cảnh Sát tham dự diễn hành cùng các lực lượng Quân sự, bán quân sự toàn quốc. Đúng ngày 19/6/1973, Thiếu tá Phước “ưỡn bụng” đi dẫn đầu, theo sau là các SVSQ Học Viện trong Cảnh phục Đại lễ hùng dũng diễn hành rất đẹp. Ngày đó nghe nói LL/SVSQ Cảnh Sát được xếp hạng 1, nhưng lại nghe các đơn vị khác khiếu nại gì đó nên... quyết định trên hình như phải chia hai : Lực lượng Quân sự và Bán quân sự phải xếp hạng riêng rẽ gì đó (?).

Năm 2011, được thư mời về dự Đại Hội của cựu SVSQ/HV.CSQG và kỷ niệm 45 năm thành lập HV.CSQG ngày 2, 3, và 4 tháng 7/2011, tôi cứ nghĩ, sau 18 năm định cư tại Tiểu bang Minnesota, USA, ngày Đại Hội chắc chắn sẽ có dịp gặp gỡ Thầy cũ, bạn xưa... Bao nhiêu mừng vui lẫn lộn rất mong cho đến ngày gặp mặt, biết bao kỷ niệm đợi sẵn sẽ nói với nhau gì đây. Thật sự nỗi nhớ canh cánh trong tôi là những kỷ niệm về quí Thầy, quí Niên trưởng kính mến, bạn bè thân thương làm sao quên được. Có những người đã vĩnh viễn rời xa chúng ta, có những người vẫn còn trong tù, có những người già nua, bệnh tật; bạn bè trẻ nhất nay cũng qua 60 mùa lá rụng và một số hiện còn xa cách nửa quả địa cầu; tất cả rồi sẽ lần lượt ra đi...

Nhớ lại Đại Hội năm 2011 mới đó mà đã hơn hai năm rồi. Tôi đang mong chờ một Đại hội khác, kỷ niệm 50 Năm Ngày Thành Lập Học Viện CSQG, ngôi trường Mẹ thân yêu của tất cả chúng tôi, những cựu SVSQ Học Viện.



Thủy Ta (K7)