PDA

View Full Version : Vài kỷ niệm buồn về ngày 30 tháng 4-1975



Longhai
03-14-2015, 10:43 PM
Vài kỷ niệm buồn về ngày 30 tháng 4-1975


Nguyễn Văn Tý


Năm 1952, tôi đang làm tư chức, với chức vụ thư ký kế toán tại một hãng buôn tại Sài Gòn thì bị động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhập ngũ ngày 8-12-1952. Sau 21 năm tại ngũ, ngày 31 - 12 -1973 tôi được giải ngũ với cấp bậc Trung tá, vì lý do “đáo hạn tuổi”, tiếng thông thường gọi là hồi hưu. Nhờ sức khỏe còn tốt nên tôi xin vào làm việc trở lại ở hãng cũ.

Đến cuối năm 1974, Hoa Kỳ rút hết những đơn vị chiến đấu cuối cùng của họ về nước, chỉ còn để lại một sô sĩ quan làm việc tại phòng Tùy viên quân lực (Military Attaché Liaison Office, viết tắt MATLO) cạnh tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Từ từ, Mỹ cắt bớt viện trợ quân sự, đến một lúc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) không còn đủ khả năng đương đầu với quân đội Bắc Việt. Để bảo toàn lực lượng, QLVNCH phải buộc lòng rút quân, co cụm lại, bỏ Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam .. một cuộc rút quân hỗn độn, vô trật tự. Trong thời gian đó, có thể ví Quân Đội Miền Nam như một con rắn không đầu, cấp chỉ huy và binh sĩ ai cũng như nhau, mạnh ai nấy chạy, hồn ai nay giữ. Một cuộc tháo chạy tán loạn, một cảnh tượng hãi hùng và kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của miền Nam.

Một vài giới chức lãnh đạo đất nước, một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp, vì lý do này hay lý do khác đã thoát thân trước, bỏ lại các chiến hữu đàn em, lạc lõng trong cái cảnh tan rã rất đau lòng của một quân đội đã có một thời ngang dọc nổi tiếng ở Đông Nam Á; bỏ lại đại đa số đồng bào bơ vơ trong làn sóng đỏ đang thừa cơ tràn vào miền Nam như nước vỡ bờ.

Tại Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã “vi hành” cùng với gia đình và đoàn tùy tùng thân tín, trên một chuyến máy bay đặc biệt, sang “tá túc” tại Đài Loan. Người ta đồn, ông Thiệu “ôm” 16 tấn vàng dự trữ tại ngân hàng của Việt Nam Cộng Hòa đem ra ngoại quốc làm của riêng. Thật ra Cộng sản Bắc Việt đã nhào vô Sài Gòn cướp ngay đem ra Bắc, chia cho các tay đầu sỏ trong Bộ Chính trị của cái đảng “mafia” cộng sản. Cái tài sản quốc gia này đã mất tiêu hồi nào không biết. Cho đến nay, vấn đề này vẫn còn là một ẩn số. Đến chừng dư luận dân chúng nêu thắc mắc thì mới biết “Nhà nước ta” không còn một chỉ để làm thuốc. Sau này, hai cuốn hồi ký của Nguyễn Tấn Đời và Bùi Tín đã giải oan cho ông Thiệu.

Một vị Tướng cao cấp đã giữ kín một cách tài tình kế hoạch rời bỏ Sài Gòn. Mục đích là để đề phòng mọi tình huống xấu có thể xẩy ra trong cảnh tháo chạy hỗn độn, loạn xà ngầu. Chẳng hạn như âm mưu của kẻ phản bội, sự tranh giành của các chiến hữu hoặc đàn em, đòi tháp tùng sự di tản của mình. Ông lập kế “giương Đông kích Tây” đánh lạc hướng ngay trong nhà mình bằng cách ra lệnh cho gia nhân tổ chức ngày N một bữa tiệc linh đình để đãi thượng khách. Tuy nhiên, đến ngày N-1 ông ta biến mất tiêu. Đến ngày N ấn định, tiệc đã sẵn sàng, mà chủ nhà và thực khách không ai có mặt cả, làm cho toàn thể gia nhân ngã ngửa. Họ đành thay thế cả chủ lẫn khách, vừa đớp vừa suy nghĩ tìm cách trốn chạy Cộng Sản, tùy từng hoàn cảnh riêng của mình.

Ngoài Đà Nẵng, Tướng Ngô Quang Trưởng tháp tùng ra đệ Thất Hạm dội của Mỹ để di tản khỏi Việt Nam. Về sau, nghe nói lại, sở dĩ có việc rời bỏ nhiệm sở của ông Trưởng đó là do một áp lực bất khả kháng của một giới chức cao cấp nào đó. Tại Vũng Tàu, Tướng Trần Văn Nhựt dùng trực thăng, cùng gia đình, bay ra chiến hạm Mỹ. Hai vị Tướng Bùi Đình Đạm và Cao Hảo Hớn nằm thường trực tại bộ Quốc Phòng để cùng các Sĩ quan cao cấp di tản theo kế hoạch của cơ quan nầy.

Sau đây, xin sơ lược tình hình các vị tướng trong biến cố 30-4-75.

1. Di tản trước ngày 30-4-75, khoảng trên 30 vị. Xin kể một vài vị được nhiều người nhắc đến : Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ, Cao Văn Viên, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Là, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Trung, Nguyễn Xuân Thịnh, Đồng Văn Khuyên, Trần Văn Nhựt, Lâm Quang Thi, Đỗ Kiến Nhiễu, Chung Tấn Cang, Lâm Ngương Tánh, Bùi Hữu Nhơn, Hồ Văn Kỳ Thoại...

2. Di tản trong ngày 30 - 4 - 75: Trần Văn Đôn, Vĩnh Lộc, Nguyễn Hữu Tần, Nguyễn Văn Chúc.

3. Ở lại Việt Nam, hầu hết đều đi tù “cải tạo” khoảng 30 vị (Trừ 3 vị không đi tù: Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Hữu Hạnh): Nguyễn Hữu Có Nguyễn Xuân Trang, Lê Minh Đảo, Nguyễn Vĩnh Nghi, Lý Tòng Bá, Phạm Ngọc Sang, Đỗ Kế Giai, Lê Văn Thân, Lê Văn Tư, Huỳnh Văn Cao, Trần Văn Chơn, Phạm Đình Thứ…

4. Năm vị tuẫn tiết, được toàn dân ngưỡng mộ, thương tiếc, rất xứng đáng được tôn vinh anh hùng dân tộc : Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai.

Rất tiếc là khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo không cho phép tôi kể đầy đủ các tướng lãnh thuộc 4 trường hợp trên đây mà tôi thu thập được trên các sách báo. Cũng như tôi không thể đề cập đến một số gương anh dũng của Quân nhân các cấp, từ cấp Tá đến binh sĩ.

Xin trở lại những ngày đầu tháng Tư năm 1975. Toàn thể dân chúng ngoài Quân đội cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Hãng buôn mà tôi đang làm có mấy chiếc xe vận tải đi Huế, Đà Nẵng giao hàng, trên đường về Nam bị kẹt lại ở Phan Thiết, không sử dụng đường bộ được. Trên đường di tản, tất cả các xe hơi của tư nhân đều được những người chạy giặc, quân nhân cũng như thường dân xem như là của chung của mọi người, tự động quá giang. Hết chỗ ngồi trong xe, họ leo lên nóc hoặc hai bên vè. Tài xế hoặc chủ xe phản đối thì bị ăn đòn hoặc bị lôi cổ xuống. Một cảnh tượng hỗn loạn, hãi hùng và vô chính phủ chưa từng thấy từ trước đến nay.

Quốc lộ 1, con đường độc đạo xuyên Việt, lúc đó bị kẹt cứng bởi đoàn người và xe cộ di tản vào Nam. Trưởng toán giao hàng đánh điện tín về hãng báo cáo trở ngại và xin chỉ thị. Ban giám đốc hãng quyết định cho thuê tàu thủy chở các xe vận tải về Sài Gòn để được an toàn và nhanh chóng.

Tôi có một người bạn, Trung tá Dương Bỉnh Tuân, lúc tôi còn tại ngũ, đã từng ở cùng một đơn vị, Sư đoàn 1 Bộ Binh, đóng tại Huế. Anh theo làn sóng rút quân, về tới Sài Gòn vào cuối tháng 4 năm 1975, Tuân đến rủ tôi đi “thám sát”một vòng Sài Gòn để tìm cách vọt đi Mỹ. Hoàn cảnh của anh ấy và của tôi khác nhau đôi chút. Tuân là Trung tá hiện dịch (tức xuất thân là Trường Võ bị Đà Lạt), lúc đó là vô sản, không nhà cửa, trong suốt cuộc đời nhà binh toàn ở cư xá Quân đội. Nay quân đội Việt Nam đã “tan hàng” rồi thì chỉ có con đường duy nhất là đi Mỹ để làm lại cuộc đời. Tuân có vợ và 6 con. Tôi là trung tá trừ bị (xuất thân từ trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức) có thể được gán là tư sản, vì trước khi vào nhà binh, tôi nhờ buôn bán, làm nghề xuất nhập cảng, có được một ít của nổi của chìm. Tôi có vợ và hai con. Tôi có 4 anh em, năm 1945, đi kháng chiến chống Pháp và đi theo Cộng Sản luôn cho đến 1975. Nếu tôi ở lại, tôi nghĩ rằng cũng không đến nổi nào, người ta sao mình vậy có sao đâu ?

Anh Tuân không nói ra, nhưng sau này tôi biết là anh đã dứt khoát, nhứt quyết ra đi với bất cứ giá nào. Còn tôi thì dửng dưng, ba phải, có người rủ đi thì cũng đi, được thì tốt, không được cũng tốt thôi. Thật tình, mặc dầu lúc còn ở trong quân ngũ, làm việc tại hai cơ quan đầu não của quân đội. Bô Tổng Tham Mưu và Bộ Quốc Phòng, nhưng tôi chẳng có chút hiểu biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Những khẩu hiệu chống cộng lúc bấy giờ của Chính phủ miền Nam như là : “Cộng sản bần cùng hóa nhân dân”, “Cộng sản độc tài đảng trị”, “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”… Theo tôi nghĩ, đó chỉ là những câu tuyên truyền suông. Tôi không thích chính trị, không muốn tìm hiểu Cộng sản hay dở thế nào.

Trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời dó, có thể trong ngành chiến tranh chính trị, quân nhân có học về chủ nghĩa cộng sản, trái lại trong những ngành khác mọi quân nhân chỉ cần học về kỹ thuật chuyên môn của mình. Không có cái kiểu như trong bất cứ đơn vị nào của cộng sản cũng đều có “chính trị viên”,đặc trách về những vấn đề của đảng. Tôi là sĩ quan, nói ra thì khó tin, chứ thật sự mù tịt về các loại chủ nghĩa. Hồi nào tới giờ đâu có nghe ai nói “chủ trương của chủ nghĩa tư bản ra sao? Đã có chủ nghĩa tư bản, tại sao không có “đảng tư bản” với cương lĩnh của nó ? Sao không có sách báo nào nói? Sao không có ai tuyên truyền, đề cao, quảng cáo “đảng tư bản” và động viên để mọi người vào đảng ?

Về chủ nghĩa cộng sản, tôi chỉ có một khái niệm mơ hồ. Chỉ biết đó là một chủ nghĩa độc tài kiểu Stalin, Mao Trạch Đông. Độc tài ở chỗ các lãnh tụ trị vì đất nước cho đến chết mới thôi. Một khi đã độc tài tất nhiên không có tự do, không có dân chủ. Và người dân chỉ biết chịu đựng. Trước năm 1975, có một thời gian tôi làm việc tại Bộ Quốc Phòng, nơi đây cung cấp sách báo xuất bản tại Hà Nội (báo Nhân Dân...) tôi không quan tâm tìm hiểu “Cộng sản là gì ?”cho nên không buồn đọc những tờ báo đó. Lo làm bổn phận hằng ngày, “chính chị, chính em” làm chi cho mệt.

Anh Tuân nói, mình nên đem theo “ai đi ca” (Identification card, viết tắt ID card) tức là cái căn cước mà quân trường Hoa Kỳ đã cấp cho chúng tôi với tư cách là sĩ quan đồng minh khi đi tu nghiệp, để được tư do đi lại trên đất Mỹ. Thật sự, đối với chúng tôi, tấm thẻ căn cước này có một giá trị thiết thực hơn, là được hưởng quyền mua hàng giá miễn thuế dành riêng cho Quân nhân Mỹ tại các cửa hàng quân tiếp vụ (Post Exchange, PX) về phương diện người tiêu thụ, quân nhân đồng minh được đối xử bình đẳng với quân nhân Mỹ. Năm 1960, Tuân và tôi cùng đi học 8 tháng ở Fort Sill, Oklahoma, Hoa Kỳ, nên đến 1975 chúng tôi vẫn còn giữ cái thẻ “ai đi ca” này làm vật lưu niệm.

Tôi nghe có lý, lấy tấm thẻ đó đem theo. Hôm đó, tôi không nhớ chính xác ngày nào, đó là một trong những ngày từ 27 đến 29-4-75. Trước tiên, chúng tôi đến tòa Đại sứ Mỹ, đường Thống Nhất để thăm dò tình hình. Thật là một cảnh đông người, xôn xao, hỗn độn chưa từng thấy. Phiá trong vòng rào, dân ta đông nghẹt, ước lượng cũng vài ngàn người. Không rõ họ tràn vô từ lức nào. Cả hai cửa ngõ, một ở đường Thống Nhất và một ở Mạc Đĩnh Chi đều đóng kín mít, có quân cảnh Mỹ canh gác cẩn mật, xua đuổi những người ở lề đường có ý định leo rào nhẩy vô. Nghe nói, người nào đã lọt được bên trong thì sẽ được trực thăng đậu trên sân thượng tòa Đại Sứ bốc đưa xuống tầu neo ở ngoài khơi để di tản đi Mỹ. Ở bên kia đường, đối diện với tòa Đại sứ, dân chúng còn đông hơn nữa, số lượng hàng ngàn, tụ tập, chờ “thời cơ” để bước vào biên giới Việt Mỹ.

Mới bước đầu mà đã gặp khó khăn. Trước khi đi, chúng tôi đinh ninh là sẽ vào cổng Tòa Đại Sứ dễ dàng, trình thẻ “đồng minh” là sẽ được niềm nở tiếp đón. Bây giờ tình thế như vầy, mình đường đường là sĩ quan cấp tá, xớ rớ leo rào bị quân cảnh xua đuổi thì nhục quá. Chúng tôi chờ cả giờ, tình hình vẫn không có gì khả quan. Không bền chí đợi lâu hơn nữa, chờ thời như mọi người, hai đứa rủ nhau đi về.

Tôi hỏi Tuân :

- Nếu hai đứa mình vào được, mình bỏ vợ con lại sao ?

- Mình phải lo thân mình trước. Tụi Việt Cộng không ưa mình đâu ! Nhứt là mình dân Pháo Binh, đã từng nã biết bao nhiêu đạn cà nông lên đầu họ. Họ nói mình là con “nợ máu” của họ. Vợ con mình ở lại, chắc không đến nỗi gì, từ từ sẽ tính.

Tuấn đã quyết tâm, còn tôi thì long chừng, thụ động. Nếu hôm đó, Tuăn đi được thì tôi cũng đi theo.

Sau này nghe nói lại, ngày 29 tháng 4 năm 1975, Tướng Trần Văn Đôn, cựu thượng nghị sĩ cũng không vào được Tòa Đại sứ Mỹ và phải di tản bằng con đường khác. Trong lúc đó, tôi có một người bạn đồng khóa Pháo binh ở Thủ Đức, tên Lê Châu Lộc, lại trùng hợp, về sau cũng là thượng nghị sĩ, may mắn thế nào mà trong lúc chen lấn ở phía ngoài cổng tròa Đại sứ, được một người bạn Mỹ ở bên trong nhận diện được nên can thiệp với quân cảnh Mỹ cho vào một cách ngon lành. Về trường hợp của Tuân, cũng đúng vào ngày 30 - 4 - 1975 anh ấy cùng vợ 6 đứa con được một người bạn, Sĩ quan Hải quân, rủ vọt đi Mỹ trên một chiến hạm Hải Quân Việt Nam. Quả là Trời không phụ người bền chí.

Chiều hôm đó tôi lấy xe, chở vợ con đi một vòng Sài Gòn để xem tình hình. Đến tòa Đại sứ Mỹ, vẫn cái cảnh y như hồi sáng. Ở bên trong và bên ngoài, người ta vẫn đông như kiến. Rời nơi đây, tôi chạy xe lên phi trường Tân Sơn Nhất. Ôi cha! Người tứ xứ không biết hẹn nhau từ kiếp nào mà đến tập họp tại đây đông quá Trời, ước lượng cũng trên năm ba ngàn người. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như vậy. Cổng vào sân bay có những con ngựa kẽm gai chắn ngang, quân cảnh canh gác nghiêm nhặt. Ở phía ngoài, hầu hết là thường dân, nam phụ lão ấu đều có, ngồi bẹp quây quần ở dưới đất. Hỏi thăm mới biết, cả gia đình bỏ hết nhà cửa, tài sản ít nhiều gì đều thí cô hồn không luyến tiếc. Họ nhất quyết đi tìm tự do. Phần đông là người “Nam gốc Bắc” tức là người di cư hồi năm 1954. Ở phía trong sân bay, nghe nói cũng tràn ngập dân di tản và quân nhân được ưu tiên vào trong. Trời lần lần sụp tối, không thấy ai bỏ ra về. Họ nói : “Cứ bền gan chờ, chờ suốt đêm, chờ đến ngày hôm sau cũng chờ. Ở trong đi hết, thì trước sau gì cũng đến lượt mình”. Ôi ! Tự do sao mà vô giá đến thế !

Tôi suy nghĩ. Động lực nào đã cho họ một ý chí sắt đá như vậy ? Quân nhân miền Nam sợ cộng sản trả thù nên bỏ xứ ra đi thì còn hiểu được. Còn dân thường, nhất là người Bắc sanh ra từ cái nôi cộng sản của nước Việt Nam, sao cũng lại chạy trốn. Cộng sản cũng là con người như mình. Họ đâu phải ông kẹ, ngáo ộp, qủy ma, yêu tinh gì, vậy mà sao ai cũng sợ? Đặt giả thuyết, cho rằng bỏ xứ ra đi là có lý. Nhưng những người từ chối bỏ Tổ quốc chỉ có vài trăm ngàn người. Còn mấy chục triệu người ở lại, họ sao?. Họ sống với cộng sản được thì mình cũng sống được. Những người dân ít học còn kiếm cơm được. Mình có học chút đỉnh, làm công hay đi buôn, hơn nữa còn biết chút ít tiếng Tây tiếng U, tiếng Mỹ tiếng Mẽo, tiếng Tầu tiếng Hoa, không lẽ đói sao? Ôi! Sao mà tôi còn ngây thơ ngu ngốc quá chừng. Nhưng tôi chủ quan, cho rằng những suy nghĩ của tôi là hữu lý. Mới hồi sáng, nếu tôi và Tua6n lọt vào Tòa Đại sứ, đi là “có lý.” Bây giờ trong đầu tôi không còn chút ý nghĩ gì về việc bỏ xứ ra đi nữa. Tôi là đầu tầu trong gia đình, còn vợ con chỉ thụ động. Tôi đi là cùng đi, ở là cùng ở. Hồi sáng, đi là có lý, bây giờ không đi cũng có lý. Sau đây nghe nói lại, nghệ sĩ Trần Văn Trạch có một câu nói để đời: “Nếu cột đèn có chân thì nó cũng đi”. Có nghĩa là, những người không đi là vì họ không có điều kiện hoặc vì một lý do nào đó, chứ tất cả đều không muốn sống chung với cộng sản. Ai đúng ai sai ? Ngày hôm nay nghĩ lại, qua những kinh nghiệm đau thương, quả là người Quốc gia và người Công sản không thể “đôi Trời chung”.

Đêm 29-4-75, tôi trằn trọc, thao thức hoài không ngủ được, tại sao người ta bỏ quê hương, bỏ tổ quốc dễ dàng vậy ? Tại sao tôi dại dột quá, không đi như mọi người? Nếu sau này khổ cực, tôi có ân hận không? Những câu hỏi không có lời giải đáp.

Sáng 30 - 4 - 75, đài phát thanh loan báo Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và sẵn sàng tiếp đón quân đội Bắc Việt vào tiếp thu. Tôi nghĩ, vậy là nước nhà sẽ thống nhất, đoàn kết, hòa bình, không còn cảnh huynh đệ tương tàn nữa. Tôi xách xe chạy một vòng Sài Gòn theo dõi tình hình. Khoảng 11 giờ trưa, đang đi trên đại lộ Thống Nhứt, tôi gặp một đoàn xe thiết giáp của bộ đội Bắc Việt, từ cầu Thị Nghè chạy chầm chậm như diễn hành hướng về dinh Độc Lập. Tôi biết họ sẽ đi vào Phủ Tổng Thống để được Dương Văn Minh bàn giao lại Miền Nam Việt Nam. Họ không tốn một viên đạn nào, nhưng điều chắc chắn là họ hao một ít mồ hôi, vì trưa hôm đó trời nóng nực. Vậy là chế độ “Việt Nam Cộng Hòa”đã cáo chung. Người thức thời nói là chế đô này bị bức tử. Và một chế độ mới sắp mở màn tại miền Nam Việt Nam.

Tuần báo Công An tại Sài Gòn số 317 ra ngày 19 - 8 - 1992, trong bài “Người phất cờ trên đỉnh cao lịch sử”, tác giả Lưu Ngọc Vang viết : “Đoàn tới dinh Độc Lập lúc 9 giờ 30, chiếc xe tăng 843 húc đổ cổng sắt tiến vào sân. Chính ủy Bùi Tùng vào bắt sống Tổng Thống Dương Văn Minh …” Xạo vừa thôi !”



Nguyễn Văn Tý