PDA

View Full Version : Giữa Núi và Sông



Hoanghac
03-12-2015, 10:47 AM
Giữa Núi và Sông
~~~


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/datla_1426156571.jpg

Lâu lắm tôi chưa có dịp ăn lại một cái bánh tiêu. Sống nơi xứ lạ, nhiều sáng mãi đến khi mở mắt mới biết trời đang mưa. Một ngày mưa không bận việc phải ra khỏi nhà, cuộn người trong chăn ấm là thể nào tôi cũng thấy nhớ và thèm ăn bánh tiêu chấm với cà phê pha vợt. Đây không phải là một món điểm tâm hấp dẫn gì cho lắm. Tuy thế, giữa tôi và cái bánh tiêu có những kỷ niệm thân thiết và xót xa đến độ muốn quên (e) cũng khó!

Có mùa mưa tôi đi bán hàng rong. Cũng như ở rất nhiều thành phố khác ở Việt Nam, vào mùa này Rạch Giá hay bị ảnh hưởng của những cơn bão rớt. Trong những ngày tháng ảm đạm buồn bã đó, biển động mạnh, mưa nhỏ nhưng kéo dài lê thê suốt ngày. Mây xám màu chì, nặng nề kéo ngang qua bầu trời thấp xám, âm u của thị xã. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, tay cầm mẹt (người dân địa phương gọi là cái xề) vội vã đi đến nơi người ta chiên bánh. Tôi bước đi lầm lũi, co ro, tất tả, lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang. Tôi đi không thấy nhà, không thấy phố, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.

Sau khi lãnh bánh xong, tôi loanh quanh một vòng thành phố. Tôi thường bắt đầu lộ trình quen thuộc của mình từ bến xe Lạc Hồng, qua bến xe Rạch Sỏi, đến bến xe Giồng Riềng, Gò Quao… rồi đi ngược lại. Tôi len lỏi trong chợ, lách người giữa những bàn ăn bày bán hủ tiếu, cháo lòng…

– Bánh tiêu thầy Hai ơi.

– Mời dì Ba ăn bánh tiêu nóng.

– Mua giùm một cái bánh tiêu đi cô Tư.

Dầu là cuộc đời tôi lúc bấy giờ (và ngay cả bây giờ nữa) không có gì là tươi sáng lắm nhưng tôi luôn luôn chào hàng với một nụ cười tươi tắn. Hầu hết khách hàng đều trả lại cho tôi một cái lắc đầu hờ hững, một cái nhìn khó chịu, hay tệ hơn nữa là sự im lặng, câm nín trông mà ái ngại.

Sau chừng nhiều tiếng đồng hồ đi bộ, sau khi nở chừng một ngàn nụ cười tươi và thốt lên những câu chào hàng thân ái, tôi bán được gần năm mươi cái bánh tiêu. Những cái còn sót lại bị thấm nước mưa, teo tóp, ỉu xìu và lấm chấm bụi bặm. Không ai dại gì đem tiền mua thứ của nợ này. Chủ lò thì không chấp nhận cái vụ phát hoàn. Những cái bánh ế sưng, ế sỉa mà mọi người đều tưởng là ăn không được đó tôi đều bỏ vào miệng và nhai ngon lành thoải mái. Một cái bánh tiêu làm bằng bột mì có pha đường, đã được chiên lên đẫm dầu, còn có rắc mè bên trên nữa thì dầu có hơi bẩn và hơi ỉu vẫn là một thứ thức ăn, ăn rất là được.

Rồi tôi lân la vào quán cà phê. Sau khi giấu hai mươi đồng có hình bác Hồ nhìn nghiêng vào gấu quần, tôi xài những đồng còn lại. Giá vốn một cái bánh tiêu là bốn mươi xu. Tôi bán ra năm mươi xu, lời mười xu gọn ghẽ. Nếu bán được bốn mươi tám cái bánh, tôi lời được bốn đồng tám mươi xu. Tôi nhâm nhi cà phê với hai cái bánh ế thì vẫn còn lời được đến bốn đồng. Bốn đồng bạc do nhà nước Hà Nội phát hành đủ cho một người dân trung bình mua một bao thuốc lá quốc doanh; một người dân khá giả mua hai điếu thuốc lá ngoại quốc; và đủ cho tôi sống trọn một ngày, một ngày như mọi ngày thê thảm.

Ly cà phê đen giá một đồng. Cà phê sữa mà cũng cùng giá thì khoẻ biết chừng nào. Những lúc đói tôi không mê cà phê đen lắm. Thêm một đồng để mua ba điếu thuốc lá Lao Động hay Vàm Cỏ nữa là coi như một buổi sáng êm xuôi. Còn thừa hai đồng tôi để dành cho hai đĩa cơm trắng quốc doanh. Hôm nào mà lời không đến bốn đồng là coi như đời tôi… khốn nạn!

Ban đêm tôi đi loanh quanh ở khu rạp hát Châu Văn, hay Lao Động. Tôi lúi chúi giữa những quán sinh tố, quán ăn như một con chó tìm xương. Tôi không đi tìm xương – tất nhiên. Từ lâu lắm rồi ở quê hương tôi khó còn tìm đâu ra xương thịt. Tôi chỉ đi nhặt những mẩu thuốc lá thừa để hút cho đỡ thèm thôi. Cũng có khi may mắn tôi nhặt được cả những con dế lửa, như Pall Mall hay Samit. May hơn nữa là họa hoằn cũng có một hai thực khách rũ lòng thương hại, ái ngại gọi tôi đến để cho bớt phần cơm thừa hay phở cặn của họ. Thực là đỡ cho tôi biết mấy. Tôi rối rít cám ơn rất chân thành. Nếu tôi không may mắn có mặt đúng ngay lúc đó thì tôi đã mất phần. Người ta sẽ để dành cơm thừa, cháo cặn nuôi heo hay chó.

Làm người, nghĩ cho cùng, vẫn thường đỡ hơn là làm chó. Tôi rất lấy đó làm điều an ủi. Chuyện hạnh phúc hay đau khổ trên cái cõi đời mắc dịch này (phần lớn) đều do nhận thức của chính mình, và nhận thức luôn luôn là nhận thức về cái tương đối.

Tôi ngủ chung với lũ trẻ bụi đời ở sân quần vợt của thị xã. Đêm khuya, tôi trở về từ khu chợ, quấn mình trong tấm vải nhựa, nằm nhìn sao trời lấp lánh qua cành lá rồi đi dần vào giấc ngủ. Một giấc ngủ tuy không mấy an bình nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy mình là người còn có quá nhiều… may mắn. Nằm ngủ lang bang đầu đường xó chợ thì có rất nhiều hy vọng sẽ bị công an bắt đi cải tạo; dẫu vậy, vẫn hay hơn và may hơn những người đang ở trong trại cải tạo. Đi bán bánh đỡ mỏi chân, đỡ mệt và đỡ nguy hiểm hơn là đi vác củi hay gỡ mìn như những tên tù binh.

Vào đêm mưa, tôi hay chui rúc dưới hàng hiên với hàng chục đứa bé gầy guộc ghẻ lở. Tôi thường nằm kể chuyện cho chúng nghe chơi để tất cả đều cảm thấy đỡ lạnh, đỡ đói và đêm đỡ dài.

Giông bão làm cho sinh hoạt ở một thành phố ven biển trở thành tê liệt. Những người bạn nhỏ của tôi không thể nào la cà phố xá để xin ăn. Họ đành bóp bụng, nằm sát bên nhau, nghe tôi kể chuyện. Tôi dẫn dụ tụi nhỏ vào đời sống “Sans Famille” của Hector Malot. Cũng là một kiếp không nhà nhưng cuộc đời lưu lạc, giang hồ, và đói lạnh của một đứa bé Ý Đại Lợi (vào thế kỷ trước) vẫn là một hình ảnh “lý tưởng” đẹp đẽ làm say lòng những đứa trẻ mồ côi ở quê hương tôi vào cuối thập niên bảy chục.

Tôi kéo dài cái lối sống ăn bờ, ở bụi gần được cả năm. Rất nhiều lúc tôi tự vấn lương tâm, và thấy rằng: còn một nơi để ẩn náu cho qua ngày như vậy cũng là may lắm rồi. Tôi chả có ước mong cao xa được sống khỏe như Nguyễn Bính:

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!

Cơm tôi chưa có ăn đủ no, lấy gì ra làm rượu để uống cho say – cha nội? Bỉ nhất thời giả, thử nhất thời giả. Hồi đó là một thời, bây giờ là một thời. Tôi mà cũng học đòi say tì tì cả ngày như Lý Bạch hay Nguyễn Bính thì có mà bỏ… mẹ!

Ở cái thời của tôi con người phải sống cho nó đàng hoàng. Phải có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, công ăn việc làm, và phải biết im lặng, cúi đầu chấp nhận sự lường gạt, dối trá, và bị trấn lột như những “lề luật tự nhiên” của chế độ hiện hành! Tiếc thay, tôi chả hội được bất cứ điều kiện nào như vừa kể. Bởi vậy, tôi đã bỏ Rạch Giá mà đi. Tôi ra đi bỏ lại cha già, mẹ yếu, cùng người tình lỡ (đã gần lỡ hết tuổi xuân và chả còn hy vọng kiếm được một tấm chồng tử tế) trong một xã hội không còn gì là tử tế.

Tôi còn bỏ lại lũ trẻ mồ côi, gầy guộc, thiếu ăn, mất dạy, và cả đoạn kết câu chuyện “Vô Gia Đình” dang dở. Tôi ra đi với bao nhiêu là ray rứt xé lòng, và tự an ủi xoa dịu chính mình bằng những hoài vọng xa xôi.

Tôi chạy đến Hoa Kỳ tị nạn, “America”, nói theo kiểu của Mario Puzzo và Elia Kazan thì đây là Đất Tiền Đất Bạc hay là Vùng Trời Mơ Ước. Tôi không tò mò tìm hiểu xem những người thuộc đủ mọi chủng tộc (khác) khi đi đến nơi đây họ mơ ước gì và họ đã đạt được bao nhiêu phần trăm ước mơ của mình. Riêng tôi, những hoài vọng xa xôi đã an ủi và xoa dịu lòng mình (vào lúc ra đi) thì vẫn cứ chỉ là những hoài vọng mà thôi!

Ở Hoa Kỳ tôi đi bán xăng. Xăng ở California – tất nhiên – không ế như bánh tiêu ở Rạch Giá. Bây giờ tôi không còn “làm chủ cái xề bánh tiêu của mình nữa”. Tôi đi làm công nên buôn bán càng đắt hàng, tôi càng phiền. Điều làm tôi phiền nhất – và thực sự phiền – là giữa những người mua bánh tiêu ở quê hương tôi và những người mua xăng ở đây có quá nhiều điểm giống nhau.



Hầu hết những người dân ở California đều đi xe, đi một mình, quay kín cửa và chạy thục mạng. Tôi cứ ngỡ ngàng hoài vì nhịp sống vội vã, hối hả này. Dường như người ta chỉ chịu ngừng xe khi bình xăng đã cạn hoặc là bị lạc đường. Mỗi ngày tôi đều phải “deal” với hàng trăm người bận rộn đến cuống cuồng như vậy.

– Hi man, I’m lost. Where I am and how I can get to…

Tôi đã thức trắng hơi nhiều đêm ở Las Vegas, đã ngơ ngác nhiều buổi chiều khi lạc bước vào khu phố Tàu ở thành phố Cựu Kim Sơn hay co ro, lầm lũi đi trong những buổi sáng mưa phùn giá lạnh ở Portland. Tôi kinh ngạc vì sức chịu đựng của chính mình qua hết một mùa Đông tuyết phủ nơi một tiểu bang vùng lạnh, Nebraska.

Nhiều đêm dài tôi nằm lịm người dưới một cái basement nghe gió miền Trung Mỹ thổi qua thành phố Wichita mà thấy buồn, cô đơn và nhớ quê nhà muốn khóc. Kể từ ngày lưu lạc, tôi đã thầm nói với chính mình hàng trăm lần rằng: I am lost!

Dẫu sao, tôi vẫn xin được cám ơn người, cám ơn đời đã mở lòng cho tôi một chỗ tạm dung, một cái lý lịch, một cơ hội để sống lại kiếp người. Cũng xin cám ơn những chương trình, và cơ hội quý báu mà quý vị đã mang lại cho những người tị nạn như tôi.

Tiếc thay, tôi không hề có ý ở mãi nơi đây nên chả thiết tha gì đến chuyện thăng tiến hay thụt lùi ở xã hội này. Chúng tôi phải quay về thôi. Trở về để giành lại phần quê hương đã mất, để giải thoát đồng bào tôi ra khỏi xích xiềng, và xây dựng lại một xã hội nhân bản hơn cho tất cả mọi người.

Tưởng Năng Tiến
(trích “Đất Lạ”, Hương Quê xuất bản 1984)