PDA

View Full Version : PHAN THIẾT và TIỂU ĐOÀN 229/ĐP TRONG THÁNG 4/1975 NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG



buingocthang1965
03-07-2015, 10:51 PM
PHAN THIẾT và TIỂU ĐOÀN 229/ĐP TRONG THÁNG 4/1975
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Ngày 2-4-75, Sau khi Bộ Tư Lệnh/Quân Đoàn II lần lượt bỏ Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột rút về Nha Trang . Qua quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH,sáp nhập phần lãnh thổ còn lại của Q Đ II vào Q Đ III . Cuộc bàn giao lãnh thổ tại Lầu Ông Hoàng nơi đặt Bộ Chỉ Huy/ Hành quân của Tiểu Khu Bình Thuận, giữa Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Q Đ II và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh Phó Q Đ III. Coi như kể từ 1 giờ 45 phút ngày 2 – 4 – 75 Quân đoàn II không còn.

Trước Tình hình như vậy, BCH/ Tiểu Khu Bình Thuận điều động Tiểu Đoàn 229/ĐP do Th/tá Nguyễn Hữu Tiến làm Tiểu Đoàn Trưởng, lúc đó đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho Khu định cư Nghĩa Thuận, nằm bên kia Đập Đồng Mới, thuộc xã Lương Sơn.

Tiểu Đoàn rút về tăng cường cho Nam Bình Thuận vào ngày 1-4-75, Đại đội 4/248/ĐP do Tr/úy Nguyễn Tấn Hợi làm Đại Đội Trưởng thay thế T Đ /229/ĐP . Trong ngày này Tiểu Đoàn được tăng phái cho Chi Khu Hàm Thuận, riêng Đại Đội 4/229/ĐP do Tr/úy Cao Hoài Sơn làm Đại Đội Trưởng, phụ trách bảo vê Nông Trường Sao Đỏ và Đồng bào hồi hương từ Campuchia tại Bình Tú, thế cho Đơn vị của Đại úy Huỳnh Văn Quý đã di chuyển tăng cường cho mặt trận Ba Hòn (Kim Bình, Hàm Thuận).

Ngày 3-4-1975, Toàn bộ Tiểu Đoàn 229/ĐP được lệnh rút về phòng thủ Bảo vệ Tiểu Khu và Tòa Hành Chánh Tỉnh . Đại đội 2/229 do Đại úy Lê Viết Duyên làm Đại Đội Trưởng, phòng thủ Chu vi Tòa Hành Chánh . Đại đội 3/229 do Tr/úy Nguyễn Dương Quang làm Đại Đội Trưởng trú đóng tại Vườn hoa, Lầu nước . Đại Đội 1/229 do Tr/úy Nguyễn Văn Thứ làm Đại Đội Trưởng, đóng từ Bưu Điện qua Ngân khố dọc theo đường Hải Thượng Lãng Ông. Đại Đội 4/229 đóng dọc theo đường Nguyễn Hoàng, bảo vệ mặt sau cho Tiểu Khu.

Một ngày đêm trôi qua êm ả, cuối cùng đoàn Di tản cũng tràn vào Phan Thiết theo ngã Quốc Lộ 1 từ Bắc Bình Thuận vào, sau khi đã tàn phá các Làng mạc, Thị trấn trên đường đi, gồm các Thị trấn Long Hương, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Lương Sơn .....

Tại Phan Thiết, sáng ngày 4-4-1975,trên các con đường phố tràn ngập những Quân xa, có cả Thiết vận xa M113 và Tank M41, M48 . Xe Honda và người tràn ngập trên vỉa hè, Tất cả các Chợ, Quán ăn, Tiệm tạp hóa, Cây xăng đều đóng cửa.

Tuy vậy Đoàn di tản và một số côn đồ lợi dụng tình thế cướp giật, không ít Cộng quân đã trà trộn đột nhập vào Thị Xã Phan Thiết, gây tình trạng rối ren hầu tìm cách đánh úp ta.
Tất cả đều bị đập phá tang hoang, các cửa tiệm, cây xăng bị cướp phá. Các nơi chứa gạo dự trữ bị dân tràn vào cướp đi . Chúng tôi nhìn cảnh này lòng đau như cắt, nhưng được lệnh không được nổ súng vì sẽ gây thêm hỗn loạn, dân lành sẽ chết và Đặc cộng địch sẽ lợi dụng cơ hội giết thêm dân vu vạ cho ta. Phan Thiết đã thật sự bỏ ngõ,để tránh đổ thêm máu vô ich.

Sáng ngày 4-4-75 tôi cắt cử hai thuộc cấp dùng xe Honda về Hậu cứ Song Mao lấy vật dụng cần thiết cho đơn vị . Khi hai binh sĩ đến Cầu Bằng Lăng ở đoạn đường vắng gần núi Tà Dôn, khoảng 10 giờ sáng cũng là lúc đoàn di tản rồng rắn dài vài Km tiến về Phan Thiết.

Tại đây đoàn di tản đã gặp phục kích của VC, hai binh sĩ của Đại đội 4/229 may mắn thoát chết quay trở về Phan Thiết .Theo lời tường thuật của hai nhân chứng thì đoàn di tản bị thương vong rất nhiều, vì VC bắn bừa bãi vào đoàn xe, trên đó đa số là Dân chạy nạn từ vùng hỏa tuyến về . May nhờ có chiến xa tiến lên tiêu diệt địch quân,yểm trợ cho đoàn di tản tiếp tục tiến vê Phan Thiết.

Cơn lốc tàn phá cuối cùng cũng chấm dứt vào buổi chiều, khi một số lượng lớn người và xe di tản vào Bình Tuy . Phan Thiết tưởng chừng như qua khỏi cơn đại nạn, cho đến 10 giờ đêm chúng tôi đang ngủ thì bỗng nghe một tiếng nổ rất lớn ở hướng Phố Gia Long.

Nhìn lên tôi thấy lửa cháy đỏ rực, lúc đầu nhỏ về sau càng lúc càng bùng phát mạnh .Tôi biết là Chợ Lồng Phan Thiết bốc cháy, nên gọi báo cho BCH/ Tiểu đoàn biết và xin cho đơn vị tôi lên Phố Gia Long tìm cách giúp đỡ dân chúng cùng trấn áp bọn tội phạm thừa lúc hỗn loạn cướp phá.

Tôi cũng đề nghị xin xe cứu hỏa đến gấp để chữa lửa, không thì công trình ba trăm năm ngôi Chợ Lồng Phan Thiết là niềm tự hào của Dân Miền Biển mặn sẽ chỉ còn là một đống tro tàn. Nhìn ngọn lửa bốc cao và đỏ rực cả một vùng, làm lòng tôi xót xa, nhưng biết làm gì hơn là chờ.

Mãi đến gần 12 giờ đêm, tôi được lệnh đem Đại đội lên Phố Gia Long giữ gìn an ninh khu vực, và bằng mọi cách giúp đỡ dân chúng cứu hỏa và chuyển những hàng hóa từ Chợ ra nơi an toàn . Đồng thời nhận được lệnh có quyền bắn bỏ tất cả những ai chống lại và có hành vi cướp phá . Sau khi lấy lai trật tự sẽ có hai xe cứu hỏa lên giúp chữa lửa . Đại đội 1/229/ĐP của Tr/úy Thứ cũng được tăng viện nằm dọc từ Lữ Quán Anh Đào đến đường Trưng Nhị, đề phòng địch vượt sông Cà Ty tấn công mặt sau của ta.

Khi chúng tôi tràn qua Cầu giữa, chia các mũi tiến vào khu chợ thì bọn cướp giật thấy có Lính Địa Phương Quân tới nên tháo chạy hết, ghi nhận là không có tiếng súng nào .Đồng bào có cửa hàng trong chợ đang đứng xa xa nhìn, không dám lại gần vì sợ bị đám côn đồ giết.

Khi chúng tôi đến nơi thì đã quá trễ để cứu chữa, mái vòm chợ đã bốc cháy đỏ rực, bà con thấy có chúng tôi đến nên ùa lại xin vào lấy hàng hóa trong chợ ra .Trước tình thế này tôi quyết định, tất cả các hàng hóa lấy được phải tập trung trước rạp Chiếu bóng Ngọc Thúy chờ xác nhận có phải là người có cửa hàng trong chợ hay không, mới cho mang về nhà, tránh sự hôi của của bọn xấu.

Đồng thời Binh sĩ của Đại đội được lệnh xông vào lửa giúp Đồng bào mang tất cả những gì còn lấy được ra tập trung trước rạp Ngọc Thúy, số hàng này chia cho bà con kém may mắn, vì ngọn lửa đã thiêu rụi hết tài sản của họ .
Ngay lúc này hai xe cứu hỏa của Tiểu khu đến nhưng chỉ có một tài xế lái, còn xe thứ hai do Thiếu tá Phạm Minh, Trung Tâm trưởng / Trung Tâm Tiếp Vận / Yểm trợ lái, không có nhân viên cứu hỏa . Lúc này lửa đã bay tàn sang khu phố trước chợ kế bên Rạp Ngọc Thúy và đang bốc cháy. Tôi điều động binh sĩ Cơ hữu sử dụng vòi rồng ưu tiên dập lửa ở khu vực Phố Gia Long và Đường Ngô Sĩ Liên trước, còn chợ thì hết cứu được nữa rồi . Tôi và Thiếu Tá Minh đích thân cầm vòi rồng xịt nước cứu nhà dân, vì mọi người ai cũng có nhiệm vụ . Lúc này lửa bay tàn sang khu sau chợ, nhưng nhờ có an ninh nên đồng bào tập trung lại ra sức dập tắt ngọn lửa, dưới sự chi viện của hai xe cứu hỏa.

Tôi có hỏi nguyên nhân vụ nổ và cháy thì Người dân ở đường Ngô sĩ Liên cho biết . Một người trong đám Quân di tản dùng súng M72 chống Tank bắn vào cửa sắt của tiệm giầy Bata ở góc đường Gia Long – Ngô sĩ Liên nên bốc cháy lan qua chợ.

Công việc cứu lửa kéo dài tới 5 giờ sáng thì hoàn tất, chỉ có trong phạm vi chợ là bị cháy, ngoài ra nhà dân chỉ bị cháy xém hư hại nhẹ vài cái vì đã được cứu chữa kịp thời . Qua một đêm thức trắng mệt mỏi, đồng bào xung quanh chợ hết lòng cảm ơn chúng tôi, tự nguyện quyên góp đến trao cho Thiếu tá Phạm Minh số tiền 120.000 đồng gọi là ủy lạo anh em binh sĩ.

Trước chân tình đó không thể từ chối được, Th/tá Minh cám ơn đồng bào và chia cho đơn vị tôi 60.000 đồng để ăn sáng . Tôi có nêu câu hỏi với Th/tá Minh là tại sao không cứu chợ từ sớm mà lại để trể gần hai giờ . Anh Minh cho biết nhân viên trực thuộc không còn ai và BCH/ Tiểu khu sợ phải đánh nhau với đám tàn quân, quân ta giết quân ta, một điều không ai muốn . Cuối cùng vì sợ Phan Thiết chìm trong biển lửa nên bắt buột phải đem quân cứu chữa, một điều thật may mắn là không có đổ máu.

Lúc này trời vừa hừng sáng, Các cửa tiệm quanh khu Kim Sơn, Nam Thạnh Lầu đã mở cửa, chúng tôi chưa kịp ăn sáng vì quá đói sau một đêm thức trắng, thì VC bắt đầu Pháo kích vào BCH / Tiểu Khu . Nhưng lại rớt ra ngoài quanh Vườn hoa, dọc bờ sông đường Trưng Trắc, và Ngân hàng Việt nam Thương tín . Có hai trái rớt vào khu dân cư ở Bình Hưng làm nhiều người thương vong. Tôi được lệnh lên sân thượng của Việt nam Thương Tín để quan sát hướng đạn của địch . Qua ống dòm, tôi tìm được vài địa điểm nghi ngờ đặt súng của địch vì có khói bốc lên ở vùng gần Tân An, Xuân Phong, tôi báo về cho Pháo binh căn cứ ở Lầu Ông Hoàng phản pháo dập tắt được cơn pháo kích .
Ngưng được một thời gian ngắn lúc 10 giờ, địch tiếp tục pháo vào Phan Thiết, nhưng chỉ trúng nhà dân, làm tử thương vài người . Một bọn du đảng ở Lò Heo nhặt đâu được một chiếc xe jeep Quân đội bỏ lại, bọn này cắm cờ Mặt trận Giải phóng Miền nam, tay cầm súng AK 47, mang băng đỏ, lái xe băng qua cầu Quan đi dạo phố như chỗ không người, tới trước rạp chiếu bóng Bình Thuận và Khách sạn Anh Đào thì đụng ngay với Đại đội 1/229/ĐP của Tr/úy Nguyễn Văn Thứ. Những tràng đạn M16 của ta đã diệt gọn không sót một tên, sát chết nằm vắt trên xe, bọn này có lẽ bị VC nằm vùng giật dây, cho rằng chính quyền đã bỏ chạy hết, nên tìm cách cướp chính quyền lập công dâng đảng.

Buổi trưa có hai hỏa tiển 122ly từ hướng Xuân Phong, Trinh Tường pháo vào trung tâm Phan Thiết làm thương vong thêm một số người . Chừng ấy đoàn di tản mới chịu rời Thành phố nhưng lai rơi vào ổ phục kích của VC tại cây số 37 trên QL1. Số còn lại chạy thoát vào căn cứ 10 thì bị Tiểu khu Bình Tuy giải giới hết.

Chúng tôi được lệnh nằm lại bảo vệ khu vực Việt nam Thương tin, tiệm sách Vui Vui cho đến khu Phố Gia Long hai ngày cho đến ngày 7- 4 – 75 VC theo đường Tỉnh lộ 8 tấn công Quận lỵ Thiện Giáo sau khi Lâm Đồng bỏ ngõ . Đại úy Mai Vi Thành lúc này là Quyền Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 230/ĐP kiêm Chi khu trưởng Thiện Giáo . Trận chiến diễn ra ác liệt, địch bỏ lai nhiều xác chết và rút lui trước sự chống trả anh dũng của quân ta.

Để bảo vệ vòng đai Phan Thiết, một khi Thiện Giáo bị thất thủ, địch sẽ theo Tỉnh lộ 8 tiến công Tân An, Tân Điền cửa ngõ vào Phan Thiết . Toàn bộ Tiểu đoàn 229/ĐP di chuyển đến phối hợp với Tiểu đoàn 202/ĐP của Đại úy Huỳnh Văn Hoàng làm Tiểu đoàn Trưởng, BCH/ Tiểu đoàn đóng tại căn cứ Tân An. Trong ngày 12/4/75 khi chúng tôi đến phòng tuyến mới Cầu Sở Muối, thì Tân Điền đã lọt vào tay Địch. Cho đến ngày 15/4/75 VC Tập trung pháo kích vào Thiện Giáo . Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa Tiểu Khu trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 230/ĐP bỏ Thiện Giáo rút về phòng thủ Thị Xã Phan Thiết, đơn vị này được phối trí đóng quân tại vùng nhà thờ Lạc Đạo.

Lúc này mặt trận tại Phú Long đang hồi khốc liệt, tiếng đạn nổ bom rơi ì ầm suốt cả ngày đêm. Trong ngày 12/4/75 Đại úy Huỳnh Văn Quý Liên đội Trưởng Liên Đội Đặc Biệt,được bổ nhiệm làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 249/ĐP thay thế Thiếu tá Phan Sang.
Tiểu Đoàn 249/ĐP cùng những đơn vị tăng phái đã chiến đấu oanh liệt chặn địch cho đến ngày cuối cùng 18/4/75 . Khi mà các Binh Đoàn của Cộng sản thanh toán xong các nút chận và đang tiến về Phan Thiết theo QL1.
Từ ngày 12/4/75 , Tiểu Đoàn 229/ĐP lập phòng tuyến tại Cầu Sở Muối trên Quốc lộ 1. BCH/Tiểu Đoàn đóng tại Cầu Sở Muối. Đại Đội 1 , 2 , 4 lập thành vành đai từ Tân An đến Tân Điền, dựa theo địa thế tự nhiên mương rạch chằng chịt trong khu vực. Đại Đội 3 nằm bên kia QL1 trong những đám ruộng muối . Có một đồn nhỏ sát với QL1 ngang với Tân Điền do một Trung Đội Nghĩa Quân đóng chốt. Trong Phạm vi phòng thủ có vài ngôi nhà dân còn lại là ruộng chưa gieo cày.
Lúc này các trận đánh xảy ra rất khốc liệt tại Phú Long, hàng ngày địch pháo kích liên tục vào Tiểu Đoàn 229/ĐP để thăm dò phản ứng của ta, nhưng nhờ địa thế phòng thủ rất tốt lại dàn mỏng nên không gây thiệt hại nào cho ta. Sáng ngày 15/4/75 Đại đội 1/229/ĐP bắt được một Đặc công của địch đang ẩn náo trong nhà dân gần đó điều chỉnh pháo binh pháo kích vào quân ta.

Trưa ngày 18/4/75 Đại Đội 4/229/ĐP do tôi Tr/úy Cao Hoài Sơn chỉ huy được lệnh tấn công chiếm lại Tân Điền dưới sự yểm trợ của Đại đội 1 + 2/229 của Tr/úy Thứ và Đại úy Duyên. Tôi thật sự không hiểu nỗi cái lệnh này, Quân số địch tại Tân Điền rất đông lại có chuẩn bị hầm hố vững chắc, có cả Vũ khí nặng.

Mặc dù lúc sáng, Tiểu đoàn có nhận được một số lớn M72 chống xe Tank và nhiều đạn cối 81 ly xuyên phá dùng để phá hầm đich. Nhưng tấn công lúc này không có lợi và tấn công để làm gì ? Sau này tôi mới biết sở dĩ có quyết định trên vì BCH/ Tiểu khu muốn chứng tỏ cho địch thấy là ta còn khả năng đánh phủ đầu địch,và sẵn sàng tử chiến đến cùng.

Sau khi bò sát vào vòng đai Ấp Tân điền, Tôi quan sát thấy trận địa trước mặt hoàn toàn im lặng đến nghẹt thở, không một tiếng chó sủa, gà gáy, hoặc cái gì đó chứng tỏ có sự sống.

Tôi xin pháo binh tại Lầu Ông Hoàng bắn vào trận địa, vì tôi biết không còn người dân nào còn ở trong ấp. Hai khẩu 81 ly cơ hữu của Tiểu đoàn bắn đạn Xuyên phá vào từng ngôi nhà, địch vẫn không có chút phản ứng. Trước khi xung phong tôi cho bắn 50 quả đạn khói cay vào vị trí địch, chờ cho khói tan tôi ra lệnh xung phong. Trung đội đi đầu mới vừa ra khỏi con mương lao mình về phái trước thì tất cả hỏa lực địch đồng loạt nổ dữ dội. Súng 57 ly không giật bắn trực xạ vào quân ta làm Chuẩn úy Thanh Trung đội trưởng và một binh sĩ bị thương, may mắn là bị nhẹ .
Tôi cho rút lui về vị trí phòng ngự, và báo về Tiểu đoàn xin chấm dứt tấn công vì hy sinh vô ích. Sau đó tôi nhận được lệnh trực tiếp từ Th/ tá Tiến Tiểu đoàn trưởng là tối nay khi cầu Phú Long trên QL1 bị giựt sập là hiệu lệnh cho Tiểu đoàn di chuyển vào “Bắc bình Tư tưởng“ để có tàu bốc về nam. (Bình Tú)

Một thoáng bối rối tôi cho gọi các Trung đội trưởng đến để phổ biến kế hoạch lui binh tối nay. Đông thời tôi cũng cho phép các anh em binh sĩ nào vì nặng gánh gia đình, muốn ở lại thì cứ tự nhiên ra đi, và gởi lời thăm cuối cùng đến các anh em đó.

Nhưng may mắn thay, chỉ một số rất ít anh em tân binh người Phan Thiết là lặng lẽ ra đi còn lại quyết chí theo đơn vị chiến đấu tới cùng. Trung úy Thứ Đại đội trưởng Đại đội 1/229 trước đây là Đại đội trưởng Biệt kích Lương Sơn, một vị sĩ quan già kinh nghiệm chiến đấu rất phong phú, liên lạc hàng ngang với tôi cùng phác họa kế hoạch di tản tối nay. Nếu trường hợp vì lý do nào đó mà lạc mất Tiểu đoàn thì anh là đơn vị mở đường tôi đoạn hậu, quyết đi đến nơi cuối cùng phải đến.

Lúc 7 giờ tối,Trung đội Nghĩa quân liên lạc với tôi xin cho sáp nhập vào Đại đội tôi cùng di tản. Chờ mãi đến 8 giờ tối mà chưa thấy nghe hiệu lệnh lui binh .Hướng Phú Long thì im hơi lặng tiếng khác với ngày thường, trong lòng nghi hoặc đang muốn gọi về Tiểu đoàn hỏi thì nghe tiếng xích sắt của xe Tank nghiến trên mặt đường nhựa vang lại. Tôi gọi về BCH/TD báo cáo xe Tank địch đã qua Cầu Phú Long và đang hướng về Cầu Sở Muối, xin cho quyết định sớm.

Thiếu tá Tiến bảo đó là VC dùng xe máy cày kéo vĩ sắt hù dọa tinh thần quân ta, và ra lệnh hạ ngay chúng nó. Một binh sĩ người Thượng từng chiến đấu ở mặt trận Tây nguyên trước đây đã từng hạ xe Tank địch bằng M72 xung phong diệt địch.

Đoàn xe Địch khi băng qua Khu Kim ngọc đã dùng Đại liên bắn vào tháp chuông nhà thờ. Đến lúc này tôi xác định là xe tank địch không phải một chiếc mà rất nhiều đang tiến về phía chúng tôi. Khi đoàn xe đi qua đồn Nghĩa Quân cách vị trí đóng quân của đơn vị tôi chừng 200m thì dừng lại quay pháo tháp, tôi nghe cả tiếng kẹt kẹt của pháo tháp quay và nổ nhiều phát đạn vào đồn, lửa văng tung tóe.

Khi xe chạy ngang chỗ chúng tôi, thì hai quả chiếu sáng do Tiểu đoàn bắn lên, binh sĩ tình nguyện hạ tank địch chạy về vị trí phòng thủ bị địch phát hiện nên quay họng súng đại bác 100ly vào vị trí của đại đội tôi bắn trực xạ. Đằng sau xe tank địch đang tràn lên tiếp ứng, mặt sau Tân Điền không biết địch quân có phối hợp với xe Tank để tấn công chúng tôi hay không chưa biết, nên Tiểu đoàn rút lui về Tân An để cũng cố đội hình là phương án tốt nhất.

Khi xe Tank địch đi qua Cầu Sở Muối thì BCH/Tiểu đoàn 229/ĐP còn dưới cầu, Tất cả lợi dụng bóng đêm rút về Tân An an toàn . Khi tôi đến được Tân An thì tất cả đã đầy đủ trừ Đại đội 3/229/ĐP của Trung úy Nguyễn Dương Quang không băng qua QL1 được nên rút xuống Bình Hưng tim ghe về Vũng Tàu.

Lúc này xe Tank địch truy đuổi theo con đường đất nối liền QL1 với Đường Lương Ngọc Quyến, Tỉnh lộ 8 nối dài .Có lẽ địch đang chờ phối hợp với bộ binh tại Tân Điền mới tiến đánh chúng tôi. Tiểu đoàn 202/ĐP đã rút khỏi Tân An, trong đồn vỏ xe hơi đốt cháy sáng rực.

Lúc này BCH/ Tiểu đoàn liên lạc được với Đại tá Ngô Tấn Nghĩa hiện đã di tản bằng Ghe chài ra Chiến hạm Trần Khánh Dư HQ4 đang neo ngoài biển Phan Thiết để lập kế hoạch di tản toàn bộ Quân dân cán chính Bình Thuận vào ngày mai 19/4/75 theo kế hoạch. Chúng tôi xin phi cơ yểm trợ để lui binh, Quân đoàn III đã cho một Hỏa Long C47 đến yểm trợ chúng tôi...

Tôi còn nhớ vị Phi công trưởng là Đại úy Minh, anh đã hết lòng yểm trợ bằng cách thả đèn và bắn chận đich đang từ Tân Điền tiến vào Tân An . Qua ánh hỏa châu tôi thấy xe Tank địch tấp vào núp dưới các tàn cây trên đường đất. Phòng không đich từ Tân Điền và Bình Lâm bắn lên đầy trời như sao xa, bao vây chiếc hỏa long đơn độc.

Sau mười lăm phút quần thảo với địch, giúp chúng tôi cũng cố đội hình, vượt sông Cà Ty qua ngõ Xuân Phong, Đại Nẫm tiến về Bình Tú . Chiếc C47 bị trúng đạn phòng không của địch nên chào từ giã anh em chúng tôi và chúc may mắn. Anh lấy làm tiếc vì không giúp được nhiều hơn cho chúng tôi. Sẳn đây cám ơn anh người Chiến sĩ Không quân VNCH dũng cảm tên Minh nếu anh đọc được những dòng này.

Cuộc di tản thật vất vả vì phải vượt qua con sông Cà Ty, may mà mùa này nước cạn lại có con đò còn neo đậu, nên cuối cùng đoàn người cũng an toàn đến QL1 chừng 4 giờ sáng. Bỗng đâu có một chiếc xe GMC mở đèn sáng choang chạy thật nhanh về hướng chúng tôi. Tiếng súng của VC từ trên Camp bắn theo như mưa nhưng chiếc xe vẫn chạy thoát, chúng tôi vội vả nằm sát lề đường để tránh sự phát giác của địch.

Năm giờ sáng ngày 19/4/1975 chúng tôi đã thấy bóng dáng Phi trường Phan Thiết và xe Tank địch lấp ló sau vòng rào thép gai, những họng súng đại bác đen ngòm đang chĩa vào đoàn quân, nhưng chúng tôi không sợ, vẫn hiên ngang giữ vững đội hình tiến về Bình Tú. Sẵn sang đánh trả quân thù nếu chúng dám khai hỏa vì còn gì nữa đâu để mà không đánh trận chiến cuối cùng.

Xuân An – Lính Già 229