PDA

View Full Version : Lì-xì



Longhai
02-23-2015, 09:53 PM
Lì-xì


Nguyễn Thị Cỏ May


Trẻ con mong Tết đến, người lớn sợ Tết đến. Với trẻ con, Tết đem lại niềm vui. Với người lớn, nỗi lo âu. Mong đợi hay lo âu, Tết vẫn đến cho mọi người.

Niềm vui lớn nhứt, thực tế nhứt đối với trẻ con là Tết được lì-xì.

Lì-xì trở thành một tập quán ngày Tết của Việt nam. Và nó thiên di, cùng với nhiều tập tục khác, theo người Việt nam tỵ nạn ra nước ngoài từ sau ngày mất nước.

Ngày Tết với các nước Tây phương là ngày nghỉ ngơi, hoàn toàn dành cho vui chơi, ăn uống với gia đình hay bạn bè. Bữa ăn giao thừa rất quan trọng, giá vừa đắt và phải đặt trước nhiều tháng trước, có khi phải cả năm trước. Với không ít người, hụt bữa ăn giao thừa là một mất mát lớn tuy không ngày nào mà họ không ăn, không uống. Rồi chúc nhau Năm Mới. Qua hôm sau, lại tiếp tục đi cày cho suốt một năm dài nữa : boulot, métro, dodo mô tả gọn đời sống người làm việc lãnh lương tháng ở Pháp : đi làm, xe điện, ngủ.

Cái Tết ở Việt nam khác hơn, phong phú hơn, nhờ có nội dung văn hóa truyền thống. Ngoài ý nghĩa thiêng liêng thờ cúng ông bà để nhớ nguồn gốc và giữ nguồn gốc, Tết còn là thời gian sinh hoạt cộng đồng của văn minh nông nghiệp. Với nhiều tập tục đẹp mà ngày nay, người Việt nam ở hải ngoại, vẫn còn giữ cho ba ngày Tết.

Tết và Lì-xì.

Ai cũng biết Tết là đọc trại chữ Tiết mà ra. Nói cho đầy đủ thì đó là Tiết Nguyên Đán, tức thời điểm chấm dứt năm cũ, bắt đầu năm mới. Một năm được phân chia ra 4 mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và 8 tiết (lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông và xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí). Nguyên có nghĩa là khởi đầu, Đán là buổi sáng sớm. Nên Tiết Nguyên Đán là Tiết Xuân. Năm mới.
Khi ta nói “đón Xuân” ở Âu-Mỹ hay Úc là nói theo thói quen lúc còn ở Việt nam. Ở Âu châu hay Mỹ Châu, hay Úc, Tết ta không nhằm mùa Xuân mà nhằm đúng mùa Đông hoặc mùa Hè. Nên ta có Tết là lễ cổ truyền theo lịch ta, tức Âm lịch, lễ hội quan trọng nhứt trong các lễ hội Dân tộc. Nó biểu hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong văn hóa nông nghiệp, giữa gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc, với niềm tình thiêng liêng trong đời sống tâm linh. Chớ ta chưa có Xuân.

Ngày Tết, nhà vua tế Trời, người dân tế Đất. Tạo sự hài hòa trong quan hệ " Trời che, Đất chở " (Gs Kim Định, Căn bản văn hóa).
Trong những tập tục còn giữ cho tới ngày nay ở hải ngoại, có tập tục Lì-xì.

Tập tục lì-xì bắt nguồn lâu đời từ ảnh hưởng tàu. Việt nam không bỏ vì nó đem lại niềm vui trong ngày Tết. Hơn nữa, lì-xì còn là cách ứng xử “biết điều” của người lớn trong quan hệ xã hội không chỉ trong ngày Tết mà cả ngày thường suốt năm. Lì-xì ở Việt nam do nguồn gốc Tàu nên ở hai nước này, ngày nay tập quán tốt lì-xì đang phát triển cực kỳ mạnh. Không lì-xì, mọi việc lớn nhỏ đều bế tắc. Xã hội sẽ không vận hành, bộ máy nhà nước sẽ đình đốn.

Văn hóa lì-xì.

Lì-xì là gì ? Đọc theo chữ tàu là “li shi” có nghĩa là “lợi thị”, nghĩa là tốt lành, may mắn, thu được nhiều lợi lộc. Và lì-xì được thể hiện bằng bao giấy màu đỏ nên còn gọi là “Hồng bao”. Tiếng “hồng bao” chỉ hình dáng vật chất, đó là cái bao màu đỏ, không chắc mang nghĩa lợi lộc trong đó. Đưa cho “hồng bao”, cả hồng bao lớn, mà bên trong rỗng tuếch hay chỉ có một món quà quá nhỏ, chỉ có giá trị tượng trưng, thì “hồng bao” không có ý nghĩa “lì-xì”.

Vậy lì-xì không nhứt thiết chỉ là tập tục đẹp trong ngày Tết mà còn là cách giao tế xã hội ngày nay ở mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng lì-xì có tính cách quyết định mọi đầu mối công việc trở thành truyền thống ở các nước chậm tiến, độc tài và nhứt là độc tài cộng sản. Như ở Tàu và Việt nam ngày nay.

Riêng ở Việt nam, ý nghĩa “lì-xì” bị chi phối bởi “Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa”, tức kinh tế nhà nước, nên chỉ đem lại “lợi thị” cho người nhận bao đỏ mà không tính đến sự thiệt hại quá lớn về phía người đưa bao đỏ. Tập tục này đang dần dần trở thành sức cản mãnh liệt chi phối sự vận hành bình thường của xã hội, dẫn đến sự suy vong đất nước trước mắt.
Ở hai nước anh em Tàu và Việt nam, người dân đều thờ Ông Địa để cầu may mắn, cầu phước. Mấy bà, mấy cô lẩm cẩm, khi làm mất món gì như chìa khóa, nữ trang, điện thoại,…kiếm không được, thì bắt đầu nghĩ tới cầu cứu Ông Địa. Tới trước bàn thờ Ông Địa khấn vái chỉ cho kiếm được món đồ bị mất. Người khấn vái không quên nói rõ với Ông Địa “ khi kiếm được sẽ cúng Ông Địa nải chuối, phong bánh, chè xôi, …”. Tuy Ông Địa được thờ trong nhà, có nhiệm vụ bảo vệ gia chủ, nhưng khi nhờ ông giúp cho một việc gì, gia chủ vẫn phải trả lễ. Nhà nước là của dân do dân lập ra để phục vụ dân. Thế mà khi cần việc gì ở nhà nước, người dân vẫn phải đưa “bao đỏ” thì việc mới chạy cho. Đó là văn hóa Lì-xì hay tín ngưỡng Ông Địa.

Nhưng Ông Địa khác nhà nước. Gia chủ hứa cúng trả lễ nhưng nếu quên cúng, Ông Địa vẫn cười. Còn nhà nước chưa nhận bao đỏ thì việc chưa xong. Có khi còn lắm chuyện phiền phức xảy ra nữa.

Vậy ở Việt nam, nói dẹp bỏ tập tục “bao đỏ hay lì xì” là điều không thể làm được vì văn hóa Ông Địa đã ăn sâu vào tâm thức dân chúng. Ngăn cản người nhận bao đỏ đã khó, thay đổi tận gốc một tập quán lâu đời ở người đưa bao đỏ lại còn khó hơn.

Đây cũng là điều người ta hi vọng ở năm mới sẽ được cải thiện phần nào ở xứ Cộng sản Việt nam. Như người nhận bao đỏ biết giảm bớt mức đòi hỏi và khi nhận thì việc đem lại kết quả hài lòng người đưa bao lì-xì. Không đòi thêm giữa tiến trình công việc. Tức người nhận bao lì-xì lương thiện vì biết trách nhiệm. Người Cộng sản làm được như vậy cũng đã tiến bộ bước đầu trở thành thứ Cộng sản lương thiện đầu tiên trong lịch sử Cộng sản Đệ III.

Chuyện một người phụ nữ tuyệt vời.

Thiền sư Moxian, người Nhựt bổn, tu hành trong một ngôi chùa gỗ trên đảo Honshu tận miền nam nước Nhựt. Một hôm, có một đệ tử tâm sự với ông về người vợ quá ư keo kiệt của mình. Nghe qua, thiền sư bèn đích thân tìm đến nhà người này để gặp vợ anh ta. Khi gặp người “phụ nữ nổi tiếng” ấy, ông nắm chặt bàn tay của mình lại và đưa ra trước mặt người phụ nữ, rồi cất lời hỏi :

- Nếu như bàn tay của ta cứ nắm chặt lại như thế này mà không sao mở ra được nữa, thì bà nghĩ thế nào ? Người phụ nữ khá sửng sốt vì câu hỏi bất ngờ ấy, vội đáp rằng :

- Nếu thế thì bàn tay của ông bị khuyết tật rồi !

Vị thiền sư bèn xòe bàn tay ra và lại hỏi :

- Thế nhưng nếu nó cứ xòe ra như thế này mà không còn nắm lại được nữa thì nghĩa là gì ?

Người đàn bà lại đáp :

- Thế thì nó cũng lại bị khuyết tật chứ gì nữa !

Vị thiền sư bèn nói với người phụ nữ rằng :

- "Vậy thì khi nào bà hiểu được ý nghĩa sâu xa của những lời mà bà vừa nói, thì tất bà sẽ trở thành một người vợ, một người phụ nữ tuyệt vời".

Nói xong vị thiền sư quay về chùa. Ít lâu sau người ta thấy người phụ nữ, một mặt rất nhiệt tình giúp chồng tham gia các công tác xã hội, mặt khác, biết chi tiêu tiện tặn trong gia đình.

Bàn tay của người nội trợ nếu chỉ biết xòe ra, tức tiêu xài lớn thì khó tránh cảnh thiếu hụt trong nhà. Nhưng, nếu chỉ biết nắm chặt, thì dẫn đến sự “nghèo nàn” với mình, với gia đình mình và cả với kẻ khác.

Biết lúc nào xòe ra và lúc nào nắm lại, một cách linh động, thông minh, đó là nghệ thuật “tề gia” của các bà nội tướng việt nam xuyên thời gian.

Trước Tết và sau Tết.

Lì-xì đối với trẻ con là đem lại niềm vui nhơn ngày Tết. Với người lớn, Tết là hết năm cũ. Hết những thất bại, những nhọc nhằn, những điều không hay. Ngày đầu năm mở ra hi vọng, tin tưởng một năm mới sẽ huy hoàng, đầy phúc lợi, hạnh phúc.

Xưa nay, người ta sống với hi vọng. Hôm nay gian khổ, hi sinh để ngày mai tươi sáng. Nhờ tâm lý hi vọng ở tương lai mà Dân tộc Việt nam đã sẵn sàng chết hơn 10 triệu trong suốt cuộc chiến cho chiến thắng ngày 30/04/1975 !

Khi Tết vui mừng năm cũ đã qua, năm mới tới, chúc nhau những lời đẹp đẽ cho Năm Mới, người ta chỉ sống cho quá khứ và tương lai. Chưa sống cho hiện tại. Có thể chưa kịp ĂN TẾT nữa kia !

Những lời chúc tụng, không biết ứng nghiệm tới đâu vào đời sống thực tế trong năm qua, nhưng vẫn được trang trọng lập lại cho năm mới nữa. Không chúc nhau là một sự thiếu xót có thể làm mất lòng nhau !

Để thay đổi nếp sống, giúp ta đừng quên hiện tại. Sống trọn vẹn hiện tại để sống hạnh phúc với chính mình.

Xin mời đọc qua lời dạy của Đức Đạt lai Đạt ma, hoàn toàn thoát ra ngoài phạm vi Tôn giáo :

" Trong một năm chỉ có hai ngày mà không ai có thể làm gì được cả. Với hai ngày ấy thì một ngày mang tên là Hôm Qua và một ngày thì mang tên là Ngày Mai. Chỉ có ngày Hôm Nay mới thật là một ngày lý tưởng nhất để Thương Yêu, Tin Tưởng, Hành Động và nhất là để Sống ".

Cỏ May xin kính chúc Quí Độc giả một Năm Mới sẽ tốt đẹp hơn năm qua vì đó là một Năm của Hôm Nay trọn vẹn. Tức Ngày Tết thật sự của Tết !


Nguyễn thị Cỏ May