PDA

View Full Version : Sài Gòn, mùa Tết lạnh về



Longhai
02-17-2015, 10:28 PM
Sài Gòn, mùa Tết lạnh về


Văn Lang


Nói “một mùa Tết lạnh” là bởi vì chưa có năm nào như năm nay, nhiệt độ Sài Gòn xuống 18 độ C, và kéo dài trong nhiều tuần.

Có người nói, Sài Gòn mùa Tết này lạnh không thua gì Ðà Lạt vào mỗi mùa Giáng Sinh.

Nhưng nói “một mùa Tết lạnh” ở Sài Gòn cũng còn vì nhiều lý do khác.

Dễ thấy nhất là, những tòa nhà vươn cao nhưng chưa kịp hoàn công, những công trình xây dựng dang dở “Trơ gan cùng tuế nguyệt,” đã phủ một màu đen của rong rêu, bụi bặm. Vì thời gian khủng hoảng kinh tế đã ngót 7 năm trời nay (kể từ 2008). Nhiều "phương kế" giải cứu ngành bất động sản được đưa ra, nào là gói “cứu trợ” 30 ngàn tỷ đồng, nào là “quốc kế” cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà...

Nói tới nhà đầu tư thì giới truyền thông chỉ biết nhắc tới tiền muôn bạc tỷ, là rượu ngon chảy tràn như suối, là cuộc vui với đầy các mỹ nữ chân dài... Ai nói tới nhà đầu tư “ôm hận,” nhà đầu tư bỏ của chạy lấy người, nhà đầu tư trốn nợ, nhà đầu tư “trùm mền” ăn chay ?

Với những nhà đầu tư trốn nợ, đã bẩy năm nay chưa dám về nhà, hát bài “Xuân này con không về” là lẽ đương nhiên.

Thì với những nhà đầu tư “trùm mền” vì lẽ tài sản (bất động sản) nắm trong tay ước tính cả ngàn tỷ, nhưng nợ ngân hàng vẫn vây quanh như chúa chổm là vì bất động sản không bán được. Trong “thế sa lầy,” nhà đầu tư ngắm cây mai vàng cuối phố, cảm khái rằng : “Mẹ ơi, con về ! Nhưng mùa Xuân thì chắc vẫn còn ở tận đâu,... xa lắm !”

Gặp Q., cô gái làm công nhân may, quê Ninh Bình, 19 tuổi,tính “lý lắc” và nụ cười tươi như... hoa. Cô cho biết : “Xuân này em không về.” Hỏi thăm lương thưởng Tết ? Q. cho biết được bà chủ cho mỗi đứa 1 triệu rưỡi, còn hứa đứa nào mùng 6 Tết đi làm sẽ được “lì xì” thêm... 200 ngàn.

Chỗ công ty may của Q. làm là công ty tư nhân, thuộc dạng gia đình, nhỏ. Q. làm ở đây không có bảo hiểm Xã hội, cũng không có bảo hiểm Y tế. Lúc trước, khi Q. với mấy nhỏ bạn làm chung định bỏ đi làm Công ty khác vì được hưởng phúc lợi tốt hơn.

Hay tin, bà chủ tìm cách “nắm áo” kéo lại, bằng cách tăng lương cả loạt từ 2 triệu rưỡi lên ba triệu, đồng thời trả luôn tiền thuê phòng trọ cho đám Q (6 đứa), chung một phòng trọ gần xưởng may của bà chủ với giá là 1 triệu rưỡi. Còn hứa là sang năm sẽ trả luôn tiền điện nước cho mấy đứa.

Q. kể chuyện mình trong vẻ tươi vui, lý lắc của một cô gái quê mới lớn, rõ ràng chưa biết tính “hơn thiệt” là gì.

Lý do không về quê ăn Tết. Q. cho biết, năm rồi cặm cụi cả năm trời dành dụm được ít tiền về quê vô thì hết. Chưa kể chuyến xe trở vô Sài Gòn đông “hoảng hồn” luôn. Nên Q. xin Mẹ ở lại Sài Gòn với người chị, để 3 ngày Tết đi chơi cho biết Sài Gòn, chứ hai năm nay đi làm, chỉ từ nhà trọ tới xưởng may nên chưa biết xứ “phồn hoa đô hội” là gì. Hơn nữa, Q. còn nói cô ráng ở lại với “quyết tâm” đi làm sớm để “giật” cho bằng được phong bao “lì-xì” 200 ngàn của bà chủ.

Những năm trước,báo giới còn loan truyền tin chỗ này thưởng cao, chỗ kia thưởng... siêu cao. Dĩ nhiên là với giới “siêu cấp,” chứ dân lao động nghèo thì đừng có mà... mơ.

Năm nay báo chí Sài Gòn đã xuống giọng. Cá biệt có nơi công nhân được thưởng Tết có... 30 ngàn đồng.

Cuối năm trời lạnh, đêm về tình cờ gặp một ông già dáng người gầy guộc, quần cụt, áo sơ-mi phong phanh ngồi co ro trên một chiếc xích-lô trước cổng của một ngôi trường đại học.

Ghé hỏi thăm, ông già cho biết : “Nghề này bây giờ mạt lắm rồi.” Hỏi thăm chuyện về quê ăn Tết, ông cười buồn, cho biết : “Hơn 30 năm nay bỏ Bình Dương lên Sài Gòn, với cái nghề đạp xích-lô lúc đang thời thịnh. Ðến lúc suy thì cũng chẳng còn gì. Nay chiếc xích-lô này chính là... nhà. Quê hương là... góc hè phố quen, còn chấp nhận cho ngủ đậu qua đêm. Nhiều người còn hỏi - Ðã cấm xích-lô sao còn chạy ? Thì cũng phải kiếm sống chớ biết làm sao ?!”

Câu chuyện bị ngắt ngang, khi có hai cô cậu (dáng dấp có vẻ là sinh viên), tắp xe Honda vô “nhét” vào tay ông già ít tiền. Mặc dù ông già đẩy ra, từ chối nhưng hai cô cậu kia cứ bỏ đại tiền lên người ông rồi vội vã phóng xe đi.

Khi chúng tôi hỏi xin ông cho chụp một tấm hình “kỷ niệm,” gương mặt đang tươi cười của ông bỗng sầm lại, cùng lúc nổi lên hai trạng thái giận và buồn.

Chúng tôi đành bỏ ý định chụp hình. Nhưng trước khi chào từ biệt ông già xích-lô, chúng tôi giới thiệu cho ông hai chỗ mà ông có thể tới ăn cơm từ thiện. Ðồng thời chúng tôi cũng cho ông địa chỉ của một người bạn làm Bác sĩ mà chúng tôi quen (thân), thường khám và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tại một nhà thờ vào mỗi chiều Chúa Nhật...

Ông già xích lô vui vẻ nói với chúng tôi, là ông sẽ tới khi nào cần.

Ðêm lạnh, nhưng những “Cánh hoa nở về đêm” vẫn âm thầm kiên nhẫn đứng nơi góc khuất, thấp thoáng ánh đèn đường.

Trên đường Nguyễn Văn Thoại (cũ), đối diện bưu điện là những bóng hồng tuổi đôi mươi, mười tám với áo mỏng, quần ngắn, cố khoe da thịt trong cái lạnh về đêm. Cố nở nụ cười với khách đi đường, nhưng “Loài người vô tình, dày xé tim em.” Chỉ tại bởi vì, các em là “Những cánh hoa rơi,” đêm nay không ai đưa em về, có chăng chỉ là tình “chóng vánh,” tình một đêm. Ðể rồi đêm nay, đêm mai, hay đêm giao thừa, hay những đêm sau nữa,... đời vẫn chỉ là những đêm trường hun hút giá lạnh cho những ai lỡ có tên “Trong sổ đoạn trường.”

Ðêm lạnh, nhưng những đóa hoa ngày vẫn nở, báo hiệu cái Tết cổ truyền đang tới gần.

Tại làng hoa Gò Vấp đã thấy người tấp nập ghé nhà vườn, để ngắm và để mua hoa sớm.

Thị trường Mai Tết năm nay là một “ẩn số” vì trời lạnh kéo dài, làm mai “ngậm bông.” Nhưng một số mai thì đã nở bung hết cả tháng nay (Vì năm nay là năm nhuần).

Chuyện tàu xe ngày Tết, năm nào cũng eo xèo “đến hẹn lại lên.” Hàng chục ngàn người trực chờ nơi nhà ga, bến tàu chờ mua vé về quê ăn Tết. Phòng vé của xe đò Phương Trang lại “cháy vé” hàng ngàn người thức trắng đêm, bơ vơ vì không mua được vé về Trung ăn Tết.

Chiều cuối năm, nhà giàu tất bật chạy lo quà biếu Tết. Nhà nghèo ra quán bình dân ngồi đồng bên dĩa đậu phọng, ly bia bình dân, ngó mông lung dòng đời xuôi-ngược.

Gặp anh T., trong quán bia bình dân khu Tân Ðịnh. Là một dân chạy xích lô “mồ côi” quê ngoài Bình Ðịnh, anh T. cho biết năm nay ế lắm, chẳng có mấy mối kêu chở hàng, hay hoa kiểng ngày Tết. Chỉ biết hy vọng vào những ngày thật cận Tết, lúc đó thị trường lao động có năm chợ nhộn nhịp và có giá cao gấp cả... chục lần ngày thường.

Hỏi chuyện về quê, anh T. cho biết. Chiều 29, thậm chí là cho tới trưa ngày 30, khi công việc đã thấy ngưng (Không kiếm thêm được nữa). Anh sẽ ra bến xe miền Ðông, kiếm chiếc xe đò chợ nào còn “vét” lại. Mặc cho nhà xe muốn “nhồi,” muốn “nhét” anh chỗ nào cũng được, miễn đưa anh về tới quê với giá càng rẻ càng tốt.

Anh T. phân bua, mình dân lao động, sao cũng được, đâu cần xe giường nằm, máy lạnh cao sang như Phương Trang làm chi cho phải chen lấn, mà lại còn tốn nhiều tiền.

Ngày Tết, người ta mong được về tới quê nhà, để được nhìn thấy nụ cười ấm áp của người thân. Với người Việt nụ cười ấy là hoa, là nắng sưởi ấm lòng những con người vì cuộc mưu sinh nhọc nhằn phải đằng đẵng tha phương suốt năm trời...


Văn Lang