PDA

View Full Version : Tình như gió thoảng



Longhai
02-16-2015, 11:06 PM
Tình như gió thoảng


Nguyễn Khắp Nơi



Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Cần Thơ, có bến Ninh Kiều.

Cần Thơ còn có một cái tên khác rất mỹ miều là Tây Đô, ca tụng Thành phố này như là Thủ đô thứ hai của Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Tây. Cũng giống như Thành phố của tôi, nên, ngoài cái tên Nguyễn Thị Dũng My, tôi còn có một cái tên diễn tả rất đúng về thân thể của tôi:.. Công Chúa Lọ Lem. Sau hai anh trai ra đời liên tiếp, ba má tôi muốn có một bóng hồng trong nhà lắm, nên tôi ra đời đúng theo sự mong đợi của mọi người, đúng là một công chúa của gia đình họ Nguyễn. Có điều khi tôi sinh ra, tôi lại... đen thui và ẻo lả, nên mới có cái tên mỹ miều như trên, chị lớn của tôi cho rằng, tôi thuộc loại... Con Vịt Xấu Xí, khi lớn lên sẽ trở lại là con Thiên Nga. Các anh tôi thì hối hận, cho rằng họ ra đời trước tôi, bao nhiêu tinh túy trong nguời của má, các anh đã hút hết rồi, nên phần tôi chẳng còn gì mà lớn lên cả, do đó tôi phải đen và ẻo lả.

Nhưng, phải công nhận tôi... giống công chúa thật! Vì ba tôi làm nghề thợ may đồ Tây, nên ông đã may cho tôi thật nhiều áo đầm để tôi diện khi còn nhỏ, đi chơi đâu má cũng cho tôi xách theo cái bóp nhỏ, nên ai cũng kêu tôi là... Công Chúa.

Học xong bậc Tiểu Học, tôi sửa soạn lên Trung Học. Cửa ải quan trọng nhất là phải thi vào trường Đoàn Thị Điểm. Các anh chị tôi đều thi đậu vào trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, là hai trường công lập duy nhất cho nam sinh và nữ sinh ở Cần Thơ. Tôi được cưng chiều từ nhỏ, chỉ lo ăn học thôi, nên cả nhà đều nghĩ rằng tôi sẽ thi đậu, riêng tôi, tôi biết sức học của tôi không khá lắm, nên cái hy vọng mặc áo dài trắng nữ sinh rất là mong manh. Ngày có kết quả thi tuyển, mọi thí sinh phải đến trường thi để xem mình có tên trên bảng vàng hay không, tôi sợ rớt nên làm bộ quên không đi xem, nhưng anh hai tôi nhớ ngày, tự động đi xem bảng cho tôi, anh chạy bay về nhà la lớn:

- “Công Chúa Lọ Lem đậu rồi! Dũng My thi đậu rồi! Tên của nó ở bảng số 2, đậu cao lắm.”

Tôi mừng quá, nhưng không dám tin đó là sự thật, sợ anh tôi nói giỡn chơi, nên cứ đứng im lặng cười mỉm chi cọp, nhưng chân tay run lập cập, lúng túng làm rớt đồ tùm lum. Ba tôi cười tươi hơn bao giờ hết, ông mở ngăn kéo ngay sau lưng, lấy ra một xấp vải lụa trắng tinh trịnh trọng để lên bàn:

- “Ba mua xấp vải này từ năm ngoái lận, để dành may áo dài trắng cho con đó, Lọ Lem.”

Má tôi dòm chừng, thấy tôi cứ đi ra đi vô, bà biết liền, kêu anh Hai tôi:

- “Thằng Mang lấy xe Honda chở con Dũng My đi coi kết quả cho nó mừng”

Anh Mang dắt xe ra, chưa kịp đạp máy là tôi đã thót lên yên sau ngồi rồi. Từ nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, chạy tới trường Đoàn Thị Điểm trên đường Ngô Quyền có chừng năm sáu phút gì đó, nhưng tôi cảm thấy sao mà nó xa quá chừng đi, anh Mang rồ hết ga tay mà tôi vẫn thấy chậm. Chạy tới trường rồi, anh Mang đang lo dựng xe thì tôi đã chạy tới bảng thông báo, lấn tối đa mấy đứa đang đứng coi để len vào tận trong, sát bên tấm bảng, tôi lính quýnh dòm hết tờ giấy này tới tờ giấy khác, chẳng thấy tên tôi đâu cả. Anh Hai đã nói giỡn với mình rồi, trái tim tôi đập loạn xạ cả lên, nước mắt tôi chảy đầy mặt... như vầy thì làm sao dám về nhà... anh Hai giỡn như vậy là quá đáng lắm rồi đó nhen.

Ngay lúc đó, một bàn tay nắm lấy vai tôi, anh Mang hét nho nhỏ kế bên tai tôi:

- “Bảng Trúng Tuyển cho học sinh mới bên đây nè, con nhỏ khờ... đó là bảng thông báo cho học sinh cũ, đâu có cái tên con ma nào đâu mà mày kiếm.”

Nói rồi, anh nắm tay tôi kéo qua cái bảng kế bên, hai anh em hì hục lấn tới lấn lui một hồi mà vẫn chưa lọt vào tới bên trong, anh vừa thở vừa nói với tôi:

- “Bảng Trúng Tuyển mới là nhiều người coi, ráng lấn vô trong, để tụi nó xé mất là uổng lắm đó.”

Chen lấn một hồi nữa mới lọt vô tới vòng trong, anh Mang chỉ tay lên tờ giấy thứ hai nói lớn cho tôi nghe:

- “Mày thấy chưa... Nguyễn Thị Dũng My đó... thấy chưa...?

Tôi đưa tay áo lên lau nước mắt, ráng mở lớn cặp mắt ra mà đọc rồi reo lên:

- “Em thấy rồi anh Hai... em đọc được tên em rồi... đậu thứ 45... Em đậu rồi anh Hai... Để em coi coi con Loan nó có đậu hông...”

Tôi chưa kiếm được tên nó thì đã bị lấn bay ra khỏi chỗ, rồi một giọng nói chua như dấm vang lên:

- “Con thấy tên nó rồi ba... tên nó đây nè... Nguyễn Thị Dũng My đây nè... nó học giỏi quá ha ba, đậu thứ 45 lận... con đậu tuốt hạng 101 thua nó quá chời ha ba...”

Tôi mừng quá, chụp lấy tay con Loan la lên:

- “Tao nè Loan... tụi mình hai đứa cùng đậu... lại được học chung trường nữa rồi. Ráng xin hai đứa mình học cùng lớp, ngồi cùng bàn như hồi đó nha Loan...”

Loan là đứa bạn gái thân nhất của tôi từ hồi học Tiểu Học. Không những hai đứa tôi thân nhau, má tôi và má của Loan cũng thân thiết với nhau nữa, vì hai bà cũng là bạn học với nhau từ hồi còn cắp sách đi học lận, lại cùng là chòm xóm với nhau nữa, nên lại càng thân tình với nhau hơn.

Ngày tựu trường, tôi dậy sớm ăn sáng rồi lấy cái áo dài mới tinh ra xỏ tay vào mặc... tôi xỏ hết hai tay rồi mà không biết làm sao để gài nút bấm. Má tôi chạy tới phụ tôi gài nút áo, nhưng kiếm hoài cũng không thấy hàng nút bấm. Dòm tới dòm lui hoài, má tôi mới la lên :

- “Con quỷ... mày bận ngược rồi... hèn chi mà má hổng làm sao mà kiếm cho ra lớp nút bấm...Thiệt là hết nói nổi rồi mà... cởi ra... cởi áo ra để má bận áo lại cho con.”

Mặc xong cái áo dài, tôi toát mồ hôi hột đứng thở dốc, má tôi hớn hở đứng ngắm cô con gái mặc áo dài, lên tiếng khen:

- “Con gái tôi mặc áo dài... cũng... dễ thương quá !”

Ba tôi đứng đó từ bao giờ, cũng lên tiếng :

- “Con Dũng My hết là con vịt đẹt rồi... thằng Mang nói đúng đó, con vịt đẹt trở thành con thiên nga rồi đó.”

Tôi không biết tôi đã trở thành con gì rồi, nhưng mà thấy người ta mặc áo dài sao tha thướt xinh đẹp làm sao, còn tôi mặc cái áo dài mà chẳng biết đằng trước đằng sau gì hết, mệt quá.

Lần đầu tiên mặc áo dài đi học, tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên, không còn con nít như hồi xưa nữa, tôi lén nhìn hình minh ở trong gương : một tay ôm cặp táp da, tay kia đội cái nón lên đầu... coi cũng được quá đi chứ ! Tôi đã là một cô nữ sinh trường trung học Đoàn Thị Điểm rồi chứ bộ !

Đã tới giờ đi học rồi, anh Mang đã dắt xe ra chờ tôi nãy giờ, nhấn kèn te te hối tôi ra cho mau, tôi vừa mới ngồi lên chưa kịp sửa lại vạt áo dài là anh đã rồ ga chạy như bị ma đuổi. Tới trường, tôi xuống xe cám ơn anh rồi một tay xách nón, một tay ôm cặp táp đi vào cổng trường. Học trò đâu mà nhiều quá, cô nào cũng áo dài trắng xóa thật là xinh đẹp ngây thơ, nhất là những cô học sinh lớp lớn, cô nào cũng áo dài chít eo có đường cong hẳn hoi, lại còn mang guốc cao nữa... đẹp quá đi... Nữ Sinh.

Tôi dòm lại tôi, tôi cũng áo trắng đâu có thua gì ai, nhưng mà thẳng tắp từ trên xuống dưới chứ không có eo o gì hết. Không sao, tôi mới là cô nữ sinh tập sự thôi mà, con vịt đẹt mới trổ mã thành con thiên nga thôi mà... để từ từ vài năm nữa, tôi sẽ chẳng thua ai đâu...

Nhưng mà sao ai đi ngang cũng nhìn tôi vậy ? Chắc là tôi mặc áo dài đẹp quá...? Hay là mặt tôi bị dính lọ nồi ? Tôi luống cuồng nhìn lại mình... tôi cảm thấy cái áo dài của tôi nó... hơi kỳ kỳ... sao mà tôi chẳng thấy cái vạt áo dài nó tung bay trước gió như những cô khác vậy ?

Ngay lúc đó, một cô học trò đi sát lại tôi, kề tai nói nhỏ:

- “Chị ơi... cái vạt áo dài sau của chị... nó bị đứt rồi...”

Tôi hoảng hồn quay đầu dòm về phía sau: Áh ! Cái vạt áo dài sau của tôi đã bị ai xé rách tới lưng rồi! Hèn chi nãy giờ ai đi ngang cũng nhìn tôi ! Thì ra, lúc tôi leo lên xe chưa cầm cái vạt áo lên, nên khi anh Mang chạy, vạt áo dài đã dính vào bánh xe nên mới bị xé ra... tôi mắc cở quá, vội vàng lấy cái nón che vạt áo dài bị rách, chới với đưa tay vừa ngoắc vừa kêu anh Mang chói lói.

Anh Mang đang quay đầu xe chạy tới trưởng của ảnh, vội vàng quay ngược lại chỗ tôi đứng, anh sợ trể học nên mặt mày không vui, anh xẳng giọng hỏi tôi :

- “Gì nữa đây cô nương? Bộ muốn xin tiền ăn chè đậu đỏ hả... ?”

Tôi chỉ tay vào vạt áo dài đã bị rách, anh nhìn thấy, mặt mày tái mét :

“Chết cha rồi! Chắc là em lên xe không chịu giữ vạt áo dài nên mới bị bánh xe dụt rách rồi. Mau lên xe, anh chở về nhà thay áo... ”

Tôi hối hả leo lên xe, lần này không dám ẻo lả ngồi nghiêng một bên nữa, mà là ngồi chè bè mỗi chân mỗi bên, một tay ôm cứng lấy anh Mang, tay kia đưa nói ra phía sau che cái vạt áo rách. Ba má thấy anh em tôi chở nhau về nhà, không biết chuyện gì xẩy ra, chạy ra đón tôi :

- “Bộ... bữa nay hổng phải là tựu trường hả con... ?”

Tôi hối hả chạy vào nhà nói vói mẹ :

- “Áo dài của con... bị rách rồi.”

May quá, ba tôi may cho tôi một lượt bốn cái áo dài lận, ông vội vàng mở tủ lấy cái khác ra cho tôi thay. Thay áo xong xuôi, tôi vội vàng chạy ra xe, má tôi chạy theo nắm vạt áo dài lên đưa tận tay tôi :

- “Con nhớ mỗi lần lên xe là phải cầm cái vạt áo dài như vầy nè... nhớ chưa... ”

Cái vạt áo dài không chỉ làm phiền cho tôi có nhiêu đó, tôi còn bị phiền phức dài dài với cái vạt áo dài thướt tha đó nhiều lắm. Đám con nít Đệ Thất như tụi tôi còn ham chơi lắm, ngày nào cũng tới sớm để tụm lại chơi giỡn thả dàn, đám thì chơi nhảy dây, đám thì chơi cò cò... đám thì chơi u mọi, guốc dép liệng tứ tung, hai cái vạt áo dài thật là vướng víu, không thể nào để nó bay tùm lum mà chơi giỡn được, tụi tôi đứa nào cũng cột hai vạt áo dài lại với nhau, đưa ra phía sau cho dễ bề chơi giỡn, thành ra đứa nào cũng có một cục ở phía sau, coi ngộ lắm. Chơi đã đời, gần tới giờ vào lớp, tụi tôi mới ngưng cuộc vui, rã vạt áo dài ra mà rủ nhau đi kiếm dép, vào tới lớp, đứa nào đứa nấy mặt mũi tèm lem, hai vạt áo dài nhăn nhúm, hai bàn chân đen thui... nhưng mà vui lắm.

Tới năm Đệ Ngũ thì tụi tôi mới hết chơi trò chơi con nít nữa, mà rửa tay rửa chân sạch sẽ, áo dài thẳng thóm, ra vẻ người lớn lắm, có đứa còn biết... xức dầu thơm nữa. Có một lần, vào giữa giờ học, cô giáo dạy môn Lý Hóa bận công tác, lớp tôi được nghỉ hai giờ, tụi tôi rủ nhau kiếm cách ra ngoài đường đi bát phố. Đám tụi tôi gồm tôi, con Loan, con Sương (Sương là đứa đã báo cho tôi biết cái vạt áo dài của tôi bị rách hồi đầu năm tựu trường, hai đứa quen nhau từ lúc đó) kéo nhau ra phía đằng trước trường, chỗ đó hàng rào thấp, lại có một u đất ở phía ngoài, tôi đã thấy các cô lớp lớn lén leo rào nhẩy ra hoài, nên bắt chước làm thử. Con Loan làm trước, hạ cánh an toàn trên mô đất, tới phiên tôi, tôi vừa leo lên hàng rào sửa soạn nhẩy xuống thì nghe có tiếng ai la lên :

- “Các em... dám trốn học leo rào đi chơi hả... ” Xuống liền lập tức, lên văn phòng trình diện tôi... ”

Con Sương đang sửa soạn leo lên hàng rào, hốt hoảng báo động :

- “Chết rồi tụi bay ơi... bà Giám Thị... Má tao... má tao tới rồi tụi bay ơi... ”(Má con Sương làm Giám Thị của trường)

Tôi lỡ trớn đã leo lên lưng cọp rồi (không phải lưng cọp, mà là hàng rào), không lẽ quay đầu vào nạp mạng! Tôi làm liều nhẩy đại xuống mô đất, vừa đứng lên đã nghe tiếng cười ở phía bên kia đường, tôi lượm cặp táp nhìn qua: Anh lính đang đứng gác ở trại lính đối diện trường tôi và hai ba người lính đứng kế bên đang nhìn tôi cười, một anh vừa cười vừa nói:

- “Dám trốn học leo rào ha! Tui méc bà Hiệu Trưởng cho coi... ”

(Trước cửa trường tôi là trại Lính Cộng Hòa, tôi không nhớ là trại gì, chỉ nhớ đó là trại lính mà thôi.)

Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên được đi theo ba má dự tiệc cưới của người chú. Đám con nít tụi tôi cả trai lẫn gái được xếp ngồi chung một bàn. Đây cũng là lần đầu tiên ba đứa con gái tụi tôi được ngồi chung bàn với đám con trai, nên tụi tôi mắc cỡ, hông dám hó hé mà cũng hổng dám ăn nhiều. Ngồi kế tôi có một anh, cứ nhìn tụi tôi hoài, còn anh bên kia thì cứ nhìn chăm chú vào con Loan (Con Loan đẹp nhất trong lớp tôi đó), anh này coi tướng trắng trẻo đẹp trai, coi bộ hào hoa, mở lời trước, tự giới thiệu anh tên là Tâm, đang học lớp Đệ Nhất trường Phan Thanh Giản, anh chỉ tay vào người con trai ngồi kế tôi mà giới thiệu :

- “Còn anh này là Tấn, cũng học lớp Đệ Nhất, bạn thân của tôi.”

Anh tên là Tấn được giới thiệu, thấy ai cũng nhìn minh, anh ta có vẻ mắc cở, đỏ mặt lên, ấp úng mở lời chào, không ai hỏi, anh cũng tự khai gia phả:

- “Tui... Tui tên Tấn, nhà ở đường Nguyễn An Ninh... nhà tui có tiệm cà phê An Đạt... Tui khoái nghe nhạc... khoái đi dạo ở Bến Ninh Kiều... ”

Tất cả cùng cười, làm cho bầu không khí đỡ tẻ nhạt, con Sương thấy anh Tấn khai chưa đủ, nên chêm vô hỏi thêm:

- “Mai mốt thi xong Tú Tài rồi, anh Tấn muốn học ngành gì ?”

Chắc là Sương gãi đúng chỗ ngứa, Tấn hăng hái nói :

- “Tui hổng muốn học chữ nữa, tui... đăng lính... Tui khoái Lính Biệt Động lắm... Tui muốn đăng vô Tiểu Đoàn 42 Cọp Ba Đầu Rằn của Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt lắm. Tui mà gặp ổng... tui... trình diện ổng liền đó... ”

Ai chứ Thiếu Tá Kiệt thì tôi biết quá mà, nhà ổng ở kế bên nhà tôi chớ đâu. Nhà ông số 22 đường Phan Đình Phùng, ba má ổng mở tiệm uốn tóc Mỹ Nghệ, ổng quen thân với ba má tôi lắm, mỗi lần nghỉ phép, hai vợ chồng ổng qua thăm ba má tôi hoài mà, ổng ít nói, mặt lúc nào cũng như... buồn buồn. Con gái ổng tên Đào, cũng thường qua nhà chơi với anh em tôi lắm. Tôi nhớ... hình như Thiếu Tá Kiệt cũng có đi dự đám cưới này... tôi nhìn quanh... Ah... thấy rồi, tôi vui miệng nói với anh Tấn :

- “Anh chưa biết mặt Thiếu Tá Kiệt hả? Ổng kìa, cái ông trắng trắng ngồi đó đó... ”

Tấn chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ, rồi đột nhiên anh đứng dậy đi về phía Thiếu tá Kiệt, miệng nói :

- “Cám ơn cô My... để tôi tới chào ổng... tôi ngưỡng mộ người Anh Hùng Mũ Nâu này lắm... ”

Tôi hoảng hồn la lên :

- “Đừng... Tôi chỉ cho anh để anh biết mặt chú Kiệt thôi, chứ hỏng phải để anh đi gặp ổng đâu... "

Nhưng Tấn vẫn cứ tiến tới, tôi vội vàng nói với theo:

- “Đừng có nói... tôi chỉ nha... ”

Tấn đi một hồi rồi quay trở lại, hớn hở khoe với tụi tôi :

- “Rồi... tôi chào Thiếu Tá Kiệt rồi... ổng bận đồ xi vin mà coi vẫn oai hùng lắm, giọng nói của Thiếu Tá có... uy lắm. Tôi nói tôi muốn giống ổng... tôi muốn đăng Lính Biệt Động... Thiếu Tá Kiệt nói tôi ráng học đậu Tú Tài đi rồi hãy đăng lính. Tôi cám ơn, nói sẽ làm theo lời Thiếu Tá dặn.”

Tấn kể lại chuyện gặp Thiếu Tá Kiệt với giọng nói thật là say sưa, ngưỡng mộ, nói xong rồi mới ngồi xuống. Tâm xía vô:

- “Thằng này... ngon lành quá ha ! Dám... Đăng Biệt Động !”

Tấn ngước mặt lên cười tươi :

“Đời Trai mà!
Biệt Động Quân Vì Dân Chiến Đấu
Biệt Động Quân Vì Nước Quên Mình.
Biệt Động... Biệt Động... SÁT.”

Tôi quen với Tấn từ đó.

Thỉnh thoảng, Tấn ghé trường đón tôi, hai đứa đi bộ nói vài ba câu chuyện rồi Tấn chào tôi về, nói còn phải lo học, sắp tới kỳ thi rồi. Lúc đó, tôi chỉ là một con bé mười ba tuổi đầu, đâu đã biết gì đâu.

Một buổi sáng, tôi vừa thức dậy sửa soạn đi học thì ba tôi báo tin:

- “Thiếu Tá Kiệt... chết trận bữa qua rồi.”

Tôi rùng mình, nghe ớn lạnh trong người... Lúc đó vào khoảng năm 1967, tôi mới gặp Chú Kiệt bữa nào khi chú qua nhà thăm ba má tôi... nay chú đã mất rồi. Ba má tôi qua nhà Chú Kiệt dự đám tang, tôi còn con nít nên chỉ đứng sớ rớ ở ngoài thôi, hơn nữa, lúc đó nhà chú Kiệt đông người lắm, tôi dòm vô thấy có bốn người bận đồ rằn ri cầm súng đứng gác quan tài của Chú Kiệt. Lâu lắm rồi tôi không gặp anh Tấn, không biết anh đã đăng Biệt Động hay chưa? Anh có nghe tin Thiếu Tá Kiệt Hy Sinh vì Tổ Quốc hay không?

Kỳ bãi trường đã tới, hoa phượng nở đầy đường, ve sầu kêu rả rích, tôi vui mừng đã hết một năm học, lo vui chơi hoặc phụ ba má làm việc nhà, chiều đến, xong việc rồi, tôi lên lầu đang tính ra hiên nhà hóng mát, chợt thấy ai như Tấn đang lãng vãng bên kia đường, lâu lâu lại nhìn lên lầu nhà tôi như chờ đợi ai. Mặc dầu nhà tôi không biết Tấn là ai, nhưng nếu Tấn cứ đứng đó hoài, thế nào ba má tôi cũng thấy, kỳ lắm, nên tôi suy nghĩ một hồi liền xuống dưới nhà, băng qua bên đường chào Tấn, hỏi xem Tấn... đứng chơi cho vui hay là muốn gặp tôi ? Tấn vui vẻ khoe đã đậu Tú Tài và muốn đi xa. Trước khi đi, Tấn muốn gặp tôi... nói chuyện cho vui.

Buổi tối, ăn cơm xong, tôi thưa với ba má xin qua nhà Loan chơi, sẽ về khuya. Trước khi ra chỗ hẹn với Tấn, tôi cẩn thận ghé nhà Loan, rủ nó cùng đi ra bến Ninh Kiều hóng mát, trên đường đi, tôi nói cho nó hay cuộc hẹn với Tấn, muốn dùng nó làm... bia đỡ đạn lỡ ba má tôi có hỏi tôi đi đâu. Loan cười thông cảm, nói sẽ qua nhà Sương chơi, chừng nào tôi về, tô sẽ phải ghé nhà Sương đón nó để cả hai cùng về một lượt.

Bến Ninh Kiều hôm nay thật đẹp, hàng cây dương rủ bóng ven bờ sông, xa xa đèn ghe thương hồ lấp lánh, tiếng đàn tiếng hát nhè nhẹ vang lên, thật là đẹp, tôi với Tấn sánh vai đi dọc theo con đường Lê Lợi. Tấn chợt đứng lại, nhìn chung quanh, như muốn thâu hết mọi cảnh vật vào trong mắt mình, rồi nói với tôi :

- “Dũng My thấy bến Ninh Kiều... có đẹp không? Bên Pháp có dòng sông Danube đẹp lắm, vào năm 1866, một nhạc sĩ người Áo tên là Johann Strauss II đã soạn ra bản nhạc “Blue Danube”theo điệu Valse, bản nhạc này hay tới nỗi đến ngày nay vẫn còn được trình diễn khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, mình cũng có sông An Giang này đây, uốn khúc lặng lờ ra tới biển, cũng có bến Ninh Kiều vang lên câu hò tiếng hát, và cũng có một nhạc sĩ nổi tiếng tên là Anh Việt Thu soạn ra bản nhạc “Giòng An Giang” theo đúng thể điệu Valse, nghe thật là hay, nghe hát mà cứ tưởng chừng có tiếng nước róc rách chảy, có tiếng mái chèo đưa, có tiếng cô gái giặt áo ven sông... thật là đượm tình quê hương. Chỉ vì nước Việt Nam là nước nhỏ, chiến tranh triền miên, nên con sông An Giang và bản nhạc Giòng An Giang mới không nổi tiếng thế giới mà thôi."

Tôi hoàn toàn... mù, chẳng hiểu gì về “Danube Bleu” và cũng không biết gì về Anh Việt Thu cả, cứ ngớ mặt ra mà nghe Tấn giải thích, càng giải thích, tôi càng không hiểu gì cả. Nhìn cái mặt ngố của tôi, Tấn chợt cất tiếng hát nho nhỏ :

“Dòng An Giang sông sâu sóng biếc,
Dòng An Giang cây xanh lá thắm,
Lả lướt về qua Thất Sơn,
Châu Đốc dòng sông uốn quanh,
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long...

Vừa hát, anh vừa đưa tay uốn éo như giải thích tính cách uốn quanh và dòng nước chảy lả lướt của con sông thật là sống động. Có lúc anh lại vừa hát, vừa đưa hai tay lên thành hình tròn, chân bước theo điệu nhạc tưởng tượng làm như là đang khiêu vũ vậy (người ngoài nhìn thấy, sẽ tưởng là anh...điên). Tôi như bị thôi miên vi lời ca và bước chân khiêu vũ của anh, nhưng mà câu hỏi và lời tự giải thích của anh có hay cách mấy, cũng chẳng ăn nhập gì tới lý do của cuộc hẹn tối nay của anh cả. Tôi đã cùng hai con quỷ sống (Loan và Sương) chạy dọc theo cái bến này giỡn chơi mỗi ngày, tôi biết từng ngọn cây bụi cỏ ở cái bến Ninh Kiều này rồi, thì có gì đâu mà lạ! Nhưng hôm nay, cái bến này lại có vẻ đẹp và hữu tình hơn mọi ngày (chắc là tại đi chung với Tấn), nên tôi vui miệng nói :

- “Anh Tấn học hát, học khiêu vũ ở đâu mà hay quá vậy ? Ờ...Ờ... cái bến sông này đẹp lắm, em đi dạo bến này nhiều lần lắm rồi, nhưng mà vẫn thấy đẹp.”

Tấn ngừng khiêu vũ, nắm lấy tay tôi bước đi (cứ như là một cặp tình nhân vậy), nói tiếp :

- “Em có biết... tại sao cái bến này được đặt tên là Ninh Kiều hay không ?”

Câu hỏi này lại càng... không ăn nhập gì tới cuộc đi chơi hôm nay cả, và tôi hoàn toàn bí với câu hỏi này, mặc dù là thổ địa của cái bến này, tôi ú ớ không tìm ra câu trả lời. Tấn lại như không quan tâm tới câu trả lời của tôi, anh tự trả lời như đã rành từ lâu lắm rồi:

- “Bến này từ lâu đời vẫn là nơi dân mình từ Lục Tỉnh ghé để buôn bán, trao đổi hàng hóa, họ kêu bến này là “Bến Hàng Dương” vì có những cây Dương trồng dọc theo con đường này để ngăn gió biển. Thời Pháp Thuộc, ngưởi Phái đặt bến này là “Quai de Commerce” tức là Bến Buôn Bán. Vào khoảng năm 1957, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đặt tên lại là “Bến Ninh Kiều” để hợp với tên Lê Lợi, là con đường dọc bờ sông mà mình đang đi bộ đây.”

- “Ninh Kiều có dính dáng gì đến Vua Lê Lợi mà phải đặt tên cho trùng hợp?”

- “Ah ! Theo Sử, Ninh Kiều là một địa danh ở Miền Bắc, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Đây là nơi có địa hình rất hiểm trở, trên là dãy Ninh Sơn, dưới là dòng sông Ninh Giang (sông Đáy). Nơi này đã xẩy ra một trận đánh rất lớn giữa quân Minh xâm lược và Nghĩa Quân Lam Sơn của Bình Định Vương Lê Lợi. Tử chiến thắng này mà Vua Lê dẹp tan được quân Minh, thống nhất đất nước, nên khi đã đặt tên con đường ven sông là Lê Lợi, thì đặt tên bến sông này là Ninh Kiều để nhắc tới chiến công của Vua Lê là rất hay và có ý nghĩa.”

Hôm nay, tình cờ đi dạo với Tấn, tôi mới được hiểu rõ về địa danh nơi tôi đang ở.

Nói đã một hồi, Tấn như đủ can đảm, mới quay trở về đề tài chính của buổi hẹn hò ngày hôm nay, vẫn nắm tay tôi, Tấn vừa đi vừa nói :

- “Như đã nói với em rồi, anh là trai thời chiến, anh muốn đi lính để theo gót Lê Lợi, theo gót Cố Trung Tá Kiệt để bảo vệ quê hương đất nước... anh yêu màu áo hoa rừng và yêu Lính Biệt Động Quân. Anh đã ráng làm đúng lời khuyên của Chú Kiệt, thi đậu cái bằng Tú Tài, bây giờ là lúc anh vào Lính. Anh đã làm đơn tình nguyện đi Thủ Đức và ghi rõ sau khi mãn khóa, muốn được phục vụ tại Tiểu Đoàn 42 Biệt Động Quân. Tuần sau anh sẽ nhập trường, nên hôm nay hẹn để từ giã em...

Tấn nói một hơi, lúc nói tới việc đi lính, anh nói hăng hái lắm, nhưng tới cái đoạn anh hẹn để từ giã tôi, giọng anh chùng xuống... có vẻ ngập ngừng... anh nắm chặt lấy tay tôi, có vẻ xúc động... làm như nếu anh không nắm lấy tay tôi thì anh không thể nói lên được những lời này...

À . . . bây giờ tôi mới biết mục đích chính của anh hẹn tôi . . . anh muốn từ giã tôi để lên đường tòng quân. Nhưng mà tại sao anh lại phải từ giã tôi? Sao anh không đi kiếm con Loan, con Sương mà nói lời từ giã với tụi nó, anh nói với tôi làm chi? Tụi nó cũng quen với anh vậy!

Nhưng... mà dù sao tôi cũng thấy cảm động... ít ra mình cũng... có thớ hơn mấy đứa kia, nên mới được Tấn hẹn ra đây nói lời từ giã trước khi đi lính. Đi bộ một hồi, tôi mới nhớ là Tấn đang nắm tay tôi, tôi đâu có phải là... bồ bịch gì của anh đâu mà anh nắm tay tôi... kỳ quá... tôi từ từ lúc lắc ngón tay để rời bàn tay của Tấn. Thấy tay tôi nhúc nhích, Tấn càng nắm chặt lấy bàn tay tôi, tôi không có cách nào vuột tay ra được, đành để yên trong bàn tay của anh. Thấy Tấn không nói gì nữa, bầu không khí có vẻ tẻ nhạt, tôi tìm một câu nào đó nói cho vui:

“... Tại sao anh không đăng lính gì mà lại chọn... Biệt Động Quân... chọn ngay Tiểu đoàn của Thiếu tá Kiệt...?”

Nghe tới Biệt Động Quân là Tấn tự nhiên hăng hái lên, anh tự động anh buông tay tôi ra, đứng ưỡn ngực ngâm một câu thơ rất hào hùng mà tôi chưa bao giờ được nghe :

"Mũ Nâu Màu Áo Hoa Rừng,
Anh đi Biệt Động lẫy lừng bốn phương"

Ngâm câu thơ này xong, anh có vẻ sảng khoái, vừa đi vừa đưa chân đá vào mấy cái lá khô trên đường, một hồi rồi anh mới trả lời tôi :

- “Anh chọn Biệt Động Quân là vì anh thích đời sống hào hùng của người Lính Biệt Động... anh chọn Tiểu Đoàn 42 là vì tiểu đoàn này hậu cứ ở ngay Cần Thơ, mỗi lần về phép... anh sẽ dễ dàng... đến thăm em...”

Tôi hỏi một câu thật là ngớ ngẩn :

“... Tại sao anh lại phải... đến thăm em... ?”

Tấn ngừng lại nhìn tôi... tôi cũng nhìn lại Tấn... Gió bên sông bắt đầu thổi... Bất chợt tôi nghe giọng nói của Tấn :

- “... Tại vì... anh thương em... ”

Mặt tôi đỏ lên... tai tôi lùng bùng không nghe được gì nữa... không biết là tại vì gió bên sông thổi qua hay là vì lần đầu tiên trong đời tôi được nghe một lời tỏ tình êm dịu như vậy... tôi quýnh quáng không biết nói gì... không biết làm gì... tôi phải có một cái gì đó để mà làm điểm tựa... sẵn có bàn tay của Tấn đang nắm lấy tay tôi, tôi cứ thế mà nắm chặt lấy bàn tay của Tấn.

Một lúc sau tôi mới hoàn hồn trở lại, tôi vội vàng dựt tay ra khỏi bàn tay của Tấn, khoanh tay trước ngực mà bước đi, không biết tại vì gió của bến Ninh Kiều làm cho tôi lạnh hay là tại tôi muốn giữ trái tim đang đập loạn xạ trong lồng ngực.

Tấn đi bên cạnh tôi, vừa đi vừa hát nho nhỏ:

- “Hỡi người yêu nhỏ, từ miền đông đó khi nghe xuân sang, có nhớ không em?
Trên đường thênh thang, lần đầu bên nhau
Anh lo mênh mang, lo phút ly tan... ”
(Xót Xa, Lam Phương)

Đầu óc tôi còn đang rối beng lên, đâu có hưởn đâu mà nghe anh hát... nhưng mà đúng là lần đầu tiên chúng tôi bên nhau thật ... có điều, chưa biết tôi có... chịu không mới đó đã gọi tôi l... người yêu nhỏ rồi, anh Tấn này cũng lộng ngôn dữ ha. Vừa mới lần đầu tiên gặp nhau đã sợ ly tan, cái anh Tấn này vô duyên thật.

Khi về đến đầu đường Lê Lợi, trước khi chia tay, Tấn ngập ngừng nói với tôi :

- “Anh nghe nói sau “Một Tháng Huấn Nhục”, Sinh viên Sĩ quan sẽ được về phép... anh sẽ tới trường đón em...”

Từ lúc gặp Tấn cho đến khi anh chào tôi ra về, tôi mới nói được một câu ra hồn :

- “Anh đi... mạnh giỏi... chừng nào về nhớ gởi thơ cho em biết...”

Con Loan thấy tôi bước vào nhà, nó mừng quýnh, vội vàng từ trên bộ gõ nhẩy tới ôm lấy tôi mà la làng :

- “Trời ơi... mày... dzề rồi hả... tao chờ mày muốn hóa đá luôn... tưởng ông Tấn bắt mày đi luôn rồi chớ ! Sao... tới đâu rồi ? Có gì... dzui hông ?”

Tôi làm như không có chuyện gì xẩy ra, trả lời nó :

- “Ờ... thì ảnh chỉ nói đi Thủ Đức nhập khóa... chừng nào về phép sẽ ghé thăm tao...”

Tôi chỉ nói với nó có nhiêu đó thôi, và có dặn kỹ là... đừng có nói với ai hết... con chừng tới tai bà Giám Thị má của con Sương... vậy mà chỉ tới sáng ngày hôm sau là cả lớp biết tôi có hẹn với người yêu... và... ngày về phép... anh hẹn mình dạo phố.

Giờ ra chơi, con Sương tra hỏi tôi từng câu từng chữ một :

- “Ảnh... có... nắm tay mày hông ? Ảnh... có hứa gì với mày hông ? Mày có... nói gì với ảnh hông...?”

Cả chục câu hỏi nó đặt ra với tôi, tôi chẳng biết đường nào mà trả lời cả, mặt mày cứ cà ngơ cà ngốc, làm cho hai đứa nó phải đập vào vai tôi cười giỡn:

“Mới đó mà đã tương tư rồi... ráng chờ đi em... Mày như vậy là có phước lắm rồi đó, như hai đứa tao đây... từ ế tới ế... đâu có con ma nào đưa đón đâu...”

Giờ tan học, có hai ba đứa lạ hoắc nào đâu cũng chạy tới đi chung đường về với tôi, nói chuyện tam bành chí cốt gì đâu, cuối cùng một đứa cười cười nói với tôi :

- “Chừng nào anh Tấn về phép, chị nói với ảnh... dẫn thêm vài người bạn đi chơi chung cho vui nha...”

Cả tháng trời bàn ra tán vào riết cũng nhàm, vả lại không có đề tài gì mới, nên đám bạn tôi đã quên đề tài về Tấn, đổi qua những đề tài khác hấp dẫn hơn. Đôi khi ngồi một minh, tôi chợt nhớ tới Tấn... không biết giờ này anh đang ở đâu ? Đã nhập trường Thủ Đức chưa ? Mặc dù không biết Tấn đã bắt đầu huấn luyện để trở thành người lính hay chưa, nhưng mỗi lần có tiếng đại bác nổ ở xa xa, tôi cũng lo ngại dùm cho Tấn.

Trưa hôm đó, vừa đi học về, con nhỏ em tôi đã kéo tôi ra một góc nhà, nhá nhá một phong thơ, kề tai tôi nói nho nhỏ:

- “Chị có thơ nè, chị ba!”

- “Dóc, tao đâu có quen ai đâu mà gởi thơ.”

- “Không nhận thì thôi ... thơ của ai đó mà đề địa chỉ là KBC 4100 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Chị có quen ai đi lính ở trỏng hông?”

- “Ờ... Ờ... Có... đưa cho chị đi.”

- “Chà... Xưng chị đường hoàng ha ! Hết mày tao rồi hả? Chị có quen ai ở trỏng hông mà người ta dziếc thơ cho chị vậy ? À... em nhớ rồi... có bữa... có ai đó đứng sớ rớ bên kia đường thiệt là lâu, em thấy chị chạy qua bên đó nói chuyện với ảnh, rồi tối đó chị nói với má là đi tới nhà chị Loan... tới khuya mới về. Phải bữa đó chị đi chơi với ảnh hông? Phải anh đó... là bồ của chị hông ?”

- "Bậy nà! Anh đó ...

- “Nếu hổng phải thơ tình thì tui . . . đem đưa cho má . . .”

Nói rồi con quỷ nhỏ vùng bỏ chạy, tôi hoảng hồn chạy theo năn nỉ :

- “Trả lại cho chị đi em cưng... hỏng phải bồ bịch gì... chị chỉ mới quen ảnh thôi mà.”

Con quỷ nhỏ đứng lại, ra giá với tôi :

- “Một dĩa bánh cuốn, một chén chè bắp nước dừa, một ly sinh tố... chịu hông...?”

Nghe nói tới bánh cuốn là tôi thèm còn hơn nó nữa, đồng ý liền. Nó đâu có khờ, sợ tôi quên chi, nó lôi tôi ra chợ liền, kêu xong mấy món mà nó đã đặt trước với tôi rồi mới đưa thơ. Tôi giao trước :

- “Hổng phải thơ của chị là... em trả tiền đó nha...”

Nói ngon vậy chớ khi nó nhá lá thơ ra, nhìn thấy tên Nguyễn Thị Dũng My là mặt tôi đã đỏ lên, tay tôi đưa ra cầm lá thơ mà rung bẩy bẩy. Con em tôi thấy vậy, nó vỗ tay cười ngất :

- “Dzậy mà còn làm chảnh... tui ăn thêm một dĩa bánh ướt nữa cho biết mặt...”

Tôi dấu lá thơ liền trong bóp, về nhà, mãi tới tối, khi mọi người đi ngủ hết rồi, tôi mới dở lá thơ ra... trong bao thơ có một tấm hình... không phải hình của một thư sinh nữa, mà là một người lính tóc hớt cao, da đen bóng, mặc quân phục màu xanh ô liu, tướng người khỏe mạnh oai hùng, dạn dày sương gió, gương mặt rắn rỏi đúng là một người lính chiến. Tấn đó sao... ? Mới có vài tháng quân trường mà Tấn đã thay đổi quá nhiều như vậy sao...?

Tấn kể là khóa học đông quá, phải chia làm hai tiểu đoàn, nên toán của anh phải ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung một thời gia rồi mới nhập Quân Trường Thủ Đức. Thời gian huấn nhục thật là khủng khiếp... lúc nào cũng phải chạy, tay cầm súng vừa chạy vừa hô khẩu hiệu. Huynh trưởng phạt hít đất liên miên... hít đất riết rồi quen, không bị phạt cũng chọc cho Huynh Trưởng nổi giận mà phạt... cho vui. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, Tấn đều nghĩ đến tôi... nhớ lại lúc tôi nắm chặt bàn tay của anh. Tấn nói anh sắp hết thời gian huấn nhục rồi, sẽ được cấp phép về thăm nhà... anh sẽ về thăm tôi.

Tôi đọc đi đọc lại lá thơ không biết bao nhiêu lần... Tấn sẽ về thăm tôi... bây giờ tôi mới thấy là... tôi có thương... có nhớ Tấn. Nhớ lại lúc Tấn nói thương tôi, tôi đã lính quýnh không biết làm gì, đã nắm chặt lấy tay của Tấn... tôi thấy... quê thiệt... mắc cở thiệt. Làm như vậy Tấn có thể hiểu lầm là... tôi cũng thương Tấn. Nhưng mà... tôi có... thương Tấn thiệt không... ? Tôi cũng không biết nữa...

Hôm sau đi học, tôi đi thật sớm để gặp tụi con Loan, con Sương, khoe liền lập tức là đã nhận được thơ của Tấn. Cả hai đứa ngắm tấm hình Tấn mặc đồ lính, chụp trước văn phòng Đại đội, tấm tắc khen :

- “Tấn... của mày... đẹp trai... oai hùng thiệt...” Tấn của tôi...?

Buổi trưa tan học, cái tin tôi nhận được thơ của Tấn đã lan truyền từ miệng đứa này qua đứa khác thật là nhanh, tôi vừa ra khỏi cổng là cũng đã có mấy đứa đón đường hỏi thăm, đòi coi hình của Tấn rồi... Tấn của tôi... dễ gì tôi cho ai coi hình của Tấn... xin lỗi tụi bay đi.

Tôi đang đi, chợt con Loan hớt hơ hớt hải chạy lại nắm tay tôi, vừa nói vừa thở :

“My à... tao thấy có ông Lính Thủ Đức nào đứng đằng kia kìa... giống như đang chờ ai đó... phải Tấn hông...?” Tấn ? Tôi vừa mới nhận được thơ của Tấn đây mà... anh chỉ sắp mãn khóa huấn nhục thôi, đâu thể nào thơ vừa mới tới mà người cũng tới theo! Tôi cười vui trả lời nó:

- “Hổng phải đâu... ảnh muốn về cũng phải cả tháng nữa lận, tụi mày phá tao hoài à. Đi chỗ khác chơi đi mày !”

Tôi chưa kịp nói xong thì đã có một cái gì mầu ka ki vàng đứng trước mặt tôi... tôi chới với nhìn lên, há miệng thật lớn mà không nói ra lời... mắt tôi mờ đi... tai tôi ù lên chẳng biết gì cả... một giọng nói ồm ồm lạ hoắc vang lên :

- “Dũng My... anh về thăm em nè... ”

- Tấn ! Tấn của tôi ... Tấn đã về... Tấn đến đón tôi ngay tại cổng trường... Tôi sung sướng muốn trào nước mắt ra, ráng trấn tỉnh nhưng cứ đứng chết trân đó chứ không nói được câu nào cả. Con Loan thấy vậy nhanh miệng nói thế tôi :

- “Anh Tấn... anh về hồi nào mà lẹ dữ vậy ? Con My mới nhận được thư anh bữa qua thôi hà...”

Lúc bấy giờ tôi mới hoàn hồn... ấp úng nói với Tấn :

- “Anh về... lẹ dữ vậy !”

Con Sương đứng kế bên tôi xía vô :

“Nó làm bộ nói vậy chứ... ngày nào cũng mong anh về đó...”

Tôi mắc cở, quay lại nạt nó :

“Coong gủy”

Tấn hôm nay không mặc đồ ô liu nữa, mà mặc bộ đồ ka ki vàng ủi hồ cứng láng bong, đeo dây biểu chương mầu đỏ, đội cát kết cũng mầu vàng, có huy hiệu ngọn lửa, vai trái cũng có cái huy hiệu ngọn lửa mầu đó, trên ngực có bảng tên “Hoàng Anh Tấn”. Trên người Tấn cái gì cũng vàng hết, trử có hai thứ mầu đen: Khuôn mặt rắn rỏi đen thui, đen tới nỗi gần bằng đôi giầy đen anh mang dưới chân. Khi anh cười, hàm răng trắng bong, giống y chang tấm hình của ông chà và quảng cáo trên kem đánh răng “Hynos” vậy. Tấn mặc đồ vàng không ôm sát người như khi anh mặc bộ đồ lính mầu ô liu, nhưng dáng người anh cao ráo, vẫn toát ra vẻ khỏe mạnh nhanh nhẹn của một người lính. Tấn cười vui mở lời :

- “Anh mời Dũng My... với Loan, với Sương... mình đi ra quán uống nước nói chuyện cho vui nha.”

Nghe cách nói của anh, tôi hiểu là anh chỉ muốn đi với một mình tôi thôi, đâu có muốn hai con nhỏ này theo kỳ đả cản muỗi làm chi, nhưng có tụi nó đó, lại cũng là bạn thân của tôi nữa, không lẽ không mời... Rõ ràng anh chỉ mời có ba đứa thôi, thế mà mấy đứa khác cũng nhập bọn đi theo tụi tôi, đứa nào cũng kiếm cách nói chuyện, hỏi thăm Tấn đủ điều... cũng vui. Khi thấy tụi tôi đi ngang, đám học trò đều đứng lại nhìn Tấn và chào tôi, làm tôi mắc cở quá chừng... chắc là mặt tôi lúc đó đỏ lên lắm lắm. Không những đám học trò con gái nhìn tụi tôi, đám học trò con trai cũng đứng lại dòm, tôi để ý thấy họ nhìn Tấn chăm chăm, cặp mắt có vẻ... coi nó.

Tới quán nước, tôi ngạc nhiên thấy anh đứng nghiêm đưa tay chào vào trong quán, rồi mới bước vào (anh làm lẹ quá, tới nỗi tôi chỉ thoáng thấy thôi). Tấn kéo ghế cho tôi ngồi (chỉ một mình tôi thôi đó) rồi mới kéo ghế cho minh, đưa tay lấy cái nón cát kết để lên bàn. Tôi nhìn thấy cái đầu anh... trọc lóc, tròn vo như trái dừa khô, tôi không nhịn được cười, cả đám con gái nhìn anh cũng cười lên thành tiếng. Tôi ráng nín cười, nói với Tấn:

- “Anh Tấn hớt cái đầu... trọc lóc... coi... ngộ quá hà... ”

Tôi sợ tiếng cười quá lớn của tôi, lại còn cả đám cười phụ theo sẽ làm cho anh quê, nhưng trái lại, Tấn cười tươi như hoa, trả lời tôi:

- “Lính mà em ! Thằng nào cũng phải hớt trọc lóc như vậy hết á ! Hớt xong rồi mới được đi phép đó ! Mới dòm thì kỳ, chính tụi anh nhìn nhau còn cười nói chi là mấy cô, nhưng dòm riết rồi quen, hết thấy kỳ.

Tôi tự nhiên trở nên nói nhiều, đưa thêm một câu nữa :

- “Giọng nói của anh cũng khác nữa... nghe nó trầm trầm mà chói tai như tiếng chuông vậy.”

Tấn có vẻ hài lòng về nhận xét của tôi, hăng hái trả lời :

- “Bị Huynh trưởng quần riết, đứa nào nói nhỏ bị phạt ra đứng gốc cây la tới khi nào lá rụng mới được tha, nên tụi anh bây giờ, mỗi lẫn nói là phải la làng lên như vậy đó.”

Tôi mỉm cười, nói cho một mình tôi nghe :

- “Giờ này mà anh nói “Anh Thương Em” chắc là cả chợ nghe được hết

Tôi mỉm cười, nói cho một mình tôi nghe :

- “Giờ này mà anh nói “Anh Thương Em” chắc là cả chợ nghe được hết.”

Tôi vẫn còn bàng hoàng vì buổi gặp gỡ quá bất ngờ ngày hôm nay, vì tôi nghi rằng còn lâu lắm tôi mới được gặp Tấn, ai dè vừa nhận được thơ thì người cũng tới nơi. Nếu tôi biết hôm nay Tấn đến đón tôi tại trường, tôi đã . . . tô son điểm phấn một chút xíu cho đẹp gái thêm lên rồi. Tôi làm bộ cúi xuống mở cặp ra lén nhìn mặt mình trong kiếng coi cái bản mặt mình nó ra sao...

- Ah... cũng được quá chớ !

Tôi hài lòng, làm bộ lấy ra một cuốn tập rồi ngồi thẳng lên, lấy giọng tự nhiên, hỏi Tấn :

- “Em vừa mới nhận được thư của anh, báo rằng anh còn đang trong thời gian huấn nhục... vậy sao mà hôm nay anh đã được về phép vậy hả anh ?”

- “Em có biết không... anh bắt đầu viết thư cho em ngay từ hôm đầu tiên nhập trường đó, chỉ tại vì trong thời gian huấn nhục, lúc nào Huynh trưởng cũng ở ngay bên cạnh mình, từ sáng sớm cho tới lúc đi ngủ, kể cả trong lúc ăn uống, thậm chí khi đi ngủ cũng cũng phải tắt đèn đi ngủ cùng một lượt, ai làm trái lệnh là bị phạt ngay lập tức, cho nên mỗi ngày anh chỉ có thể có vài phút riêng tư để viết thư cho em mà thôi, viết từ đầu khóa cho đến gần hết thời gian huấn nhục mới xong. Viết thư xong rồi, khi gởi đi anh mới biết là ban Quân Thư của trường mỗi cuối tuần mới tới bưu điện Thủ Đức gởi thư một lần, nên thơ anh gởi từ đầu tuần, cuối tuần mới được gởi đi, thư đi từ Thủ Đức tới Cần Thơ cũng mất vài ngày nữa, vị chi cũng là hơn mười ngày thơ mới tới tay người nhận. Vì thế, khi em nhận được thơ của anh, cũng là lúc anh được về phép đó. Thông thường, sinh viên sĩ quan chỉ được nghỉ phép 24 tiếng mà thôi, nhưng vì nhà anh ở mãi Cần Thơ, và đây là lần đi phép đầu tiên, nên những người ở xa như anh mới được thêm 24 giờ phép nữa để về thăm nhà cho kịp. Xe GMC vừa mới đổ bọn anh xuống phía sau Nhà Thờ Đức Bà là anh đã vội vã kêu xe ôm chạy tới Xa Cảng Miền Tây mua vé về Cần Thơ liền lập tức, thế mà mãi tối anh mới về đến nhà , trông cho trời mau sáng để đến trường đón em. Anh chỉ có thể ngồi chơi với em đến 1 giờ trưa nay là lại phải lên xe đò về Thủ Đức rồi.”

Con Loan thấy tôi cầm cuốn tập ngồ ngộ, nó hỏi tôi :

- “Tập gì đó My? Tao chưa bao giờ thấy mày có cuốn này cả... tập chép bài hay tập gì đó ? Đưa tao coi... ”

Hồi nãy, tôi chỉ làm bộ lấy cuốn tập để nhìn lén mình trong kiếng thôi, nên đâu có để ý là mình lấy cuốn tập gì, nghe Loan hỏi, tôi mới nhìn lại xem mình đang cầm cái gì. Vừa mới nhìn tới cuốn tập, tôi hoảng hồn, lúng túng đưa cuốn tập dấu ra sau lưng mà nói:

- “Ờ... Ờ... cuốn tập nháp đó mà... ”

Tôi chỉ ngừa con Loan thôi, nhưng quên mất là con Sương cũng ngồi kế bên tôi, nó còn nguy hiểm gấp mấy lần con Loan, nó lẹ như chớp đưa tay dựt cuốn tập, mở trang bìa ra, đọc lớn lên :

- “... Nhật Ký Của Tôi...

Chà... con nhỏ Dũng My này cũng viết nhật ký nữa ta... để coi...”

Tôi cố gắng nhoài người theo nó để dựt lại cuốn tập, con Sương né khỏi bàn tay của tôi, nó lật lật mấy trang giấy thật lẹ, đằng hắng một tiếng rồi đọc lên cho mọi người nghe:

- “. . . Ngày Thứ Hai . . . anh đi rồi, buổi chiều ra bến Ninh Kiều đi dọc theo công viên nghe gió thổi, chỉ có một mình... nhớ anh quá ...

- Chà... con nhỏ này viết nhật ký... mùi quá ta... ”

Tôi mắc cỡ la lên nho nhỏ :

- “Trả lại tao... đừng... đừng có đọc...”

Loan đưa tay ra nói với Sương :

- “Đưa đây tao đọc tiếp cho... ”

Con Sương cười như nắc nẻ, vòng tay ra sau lưng đưa cho Loan, may phước tôi dựt lại được cuốn tập, vội vàng cúi xuống bỏ vào trong cặp táp, cẩn thận kẹp nó vào giữa hai chân, lấy vạt áo dài che đi, khi nhìn lên, tôi thấy Tấn ngồi im, nhưng gương mặt tươi tỉnh có vẻ cảm động lắm. Chỉ một thoáng thôi, tôi nhận thấy Tấn vui vẻ hẳn lên, anh có vẻ tự tin hơn trước, vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những vui buồn ở quân trường, đến những ngày Chủ Nhật không được đi phép, những thằng độc thân không có ai đến thăm như anh, rủ nhau đi chọc phá những anh chàng khóa sinh may mắn có người yêu lên thăm. Ngồi nói chuyện chung với nhau một lúc thì tôi thấy con Loan nháy mắt làm dấu với Sương, hai đứa nó cùng đứng lên nói với Tấn :

- “Anh Tấn ngồi chơi một chút nha, để tụi em đi mua ổi xá lị về ăn cho vui.”

Chỉ còn mình tôi với Tấn, anh đột nhiên im lặng, chỉ chăm chú nhìn tôi, một lúc sau anh mới nói :

- “Dũng My à... những lần đi phép sau, anh chỉ được có 24 tiếng mà thôi, nên không đủ thì giờ đi xe đò về Cần Thơ thăm em đâu... hay là... em có thể... lên Sài Gòn... mình đi chơi... được hông ...?”

Tôi chỉ là một con nhỏ ngáo, quanh năm suốt tháng chỉ biết có một con đường từ nhà tới trường, đi xa lắm là tới bến Ninh Kiều, làm sao mà tôi dám một mình lên Sài Gòn ! Mà có dám đi nữa, tôi cũng không biết đường đi, không biết làm sao mà mua vé xe đò. Thấy tôi ngồi im, Tấn chắc là tôi ngại đi một mình, anh nói thêm :

- “Hay là... em rủ cả Loan và Sương cùng đi cho có bạn... ”

Tôi lại càng bối rối, không biết trả lời sao... có thêm Loan và Sương, tôi... cũng dám đi Sài Gòn một chuyến lắm! Nhưng làm sao mà ăn nói, mà xin phép ba má đây ?

Hai đứa nó đâu rồi... sao không về đây mà cú bồ tôi...

Cuối cùng, tôi cũng không ra mà trả lời Tấn :

- “My cũng muốn đi thăm anh lắm... nhưng chưa bao giờ em đi xa như vậy cả... Thôi, để em ráng xin phép ba má coi ra sao... ”

Tấn mừng rỡ nói :

- “Dũng My ráng xin phép ba má đi thăm anh nha... dù được hay không được cũng viết thư cho anh hay nha...”

Nghe Tấn nói viết thư, tôi còn mừng hơn Tấn nữa, vội vàng nói ngay :

- “Em sẽ... viết thư cho anh.”

Thư đi tin lại, tôi và Tấn đã trở thành đôi bạn thân với nhau. Thắm thoắt Tấn đã trải qua chín tháng quân trường. Gần tới ngày mãn khóa, Tấn viết thơ khẩn hoản mời tôi dự buổi lễ quan trọng của đời anh, tôi do dự không biết quyết định ra sao? Suốt thời gian Tấn học trong quân trường, tôi viện cớ còn phải học thi, không lên Sài Gòn thăm anh, chỉ còn một dịp cuối cùng gặp anh trong ngày mãn khóa này mà thôi. Tấn cho biết, anh đã được chọn về Biệt Động Quân, nhưng phải đi học thêm khóa “Rừng Núi Sình Lầy “ ở Dục Mỹ rồi sau đó mới chọn đơn vị, mặc dù anh đã xin từ đầu khóa là được phục vụ ở Tiểu Đoàn 42, nhưng tùy theo tiểu đoàn này có nhu cầu hay không, nếu phải chọn vùng khác hoặc tiểu đoàn khác, anh khó lòng mà được dịp về lại Cần Thơ. Tôi đem chuyện này ra vấn kế Loan và Sương, hai đứa này cũng chưa bao giờ có dịp ghé Sài Gòn để xem đèn Sài Gòn có đúng là . . . ngọn xanh ngọn đỏ như trong những bài giảng ở trường hay không? Tụi nó cũng háo hức như tôi, nhưng không có kế sách nào để bỏ nhà đi hai ba ngày liên tiếp được.

Tôi về nhà mặt mày bí xị, xuống bếp ngồi một đống. bất chợt tôi nghe ba má đang bàn tính công việc với nhau, ba tôi nói:

- “Tui phải lên Sài Gòn mua ít cây vải đặng may đồ cho khách, đem về nhiều như vậy phải có ai đi theo xách đồ phụ, bà có đi theo tui được hông ?”

Má tôi trả lời liền :

- “Tui đi nữa thì ai coi tiệm đây ? Hổng được đâu... để coi có đứa nào đi phụ vác đồ với ông... con My vừa mới thi xong, chắc đi được... để tôi hỏi nó coi...”

Tôi mừng còn hơn thi đậu, vội vàng tính kế làm sao cho ngày đi với ba lên Sài Gòn trước ngày làm lễ mãn khóa của Tấn, thì mới có cơ xin đi Thủ Đức. Một lúc sau, má tôi kêu :

- “Dũng My à, con có trong nhà hông ? Lên tiệm má có công chuyện nhờ con nè.”

Tôi dạ một tiếng thiệt lớn rồi chạy bay lên nhà trên... đúng ba mươi giây (Tấn kể cho tôi nghe là trong thời gian huấn nhục, khi Huynh trưởng ra lệnh cho đàn em làm chuyện gì, dù là mau hay lâu, cũng chỉ cho thời hạn là Ba Mươi Giây... Lẹ lên. Sau này, anh lên làm Huynh trưởng, cũng bắt chước ra lệnh cho đàn em y hệt như vậy). Má nhỏ nhẹ hỏi tôi :

- “Ba muốn lên Sài Gòn mua ít cây vải, cần người đi theo phụ, con thi xong rồi, có phải làm gì nữa hông ? Nếu không mắc chuyện gì, con đi theo phụ ba được hông ?”

Tôi làm bộ suy nghĩ rồi hỏi ba :

- “Ba tính đi ngày nào? Con Loan và Sương cũng rủ con lên Sài Gòn dự lễ mãn khóa học của... người bạn nó (chứ không phải bạn của tôi) ở Thủ Đức, vào ngày Thứ Bẩy tuần tới, nếu vậy mình đi bữa Thứ Sáu được hông ba... Sáng Thứ Bẩy ba cho con đi với hai đứa nó lên Thủ Đức dự lễ, chiều về mình đi mua đồ nha ba.”

- “Mua đồ phải đi buổi sáng sớm, vô tuốt trong Chợ Lớn lận, thôi để Thứ Bẩy ba đi thăm mấy nguòi bạn, sáng Chủ Nhật đi mua hàng rồi về nhà luôn. Tía con mình sẽ ở nhà của Thím Hai, nhà thím hổng có lớn hung, ba đứa con gái tụi bay ráng trải chiếu ngủ dưới sàn đó... chịu hông ?”

Tôi chịu quá đi chứ, ngủ đất tôi cũng chịu, nói chi có chiếu.

Tôi vội vàng chạy vào trong phòng viết thư báo cho Tấn hay là sẽ lên dự lễ mãn khóa của anh cùng với đám Loan và Sương, theo lời anh dặn, sau buổi lễ, tôi sẽ đến chờ anh ở ngay cột cờ của Vũ Đình Trưởng. Viết gấp gáp vài dòng, tôi lẹ lẹ chạy bay ra bưu điện gởi liền, cầu mong cho Tấn nhận được thơ này trước ngày lễ.

Sáng Thứ Bẩy, tôi thức dậy từ sáng sớm, lo trang điểm thay đồ, làm tới làm lui, tôi nhìn mình trong kiếng vẫn... không thấy hài lòng, lại rửa mặt làm lại... cũng không được... Con Loan thấy tôi cứ lui cui thoa thoa đánh đánh, nó cười chọc tôi:

- “Bộ mày sửa soạn... làm đám cưới hay sao mà lính quýnh làm hoài hổng xong gì hết vậy ! Để đó... tao trang điểm dùm cho.”

Miệng nói, tay nó giựt chùm bông gòn trong tay tôi lau lau chùi chùi... tay này nó chụp cái cọ, tay kia nó lấy đồ đánh phấn... nó làm lẹ như chớp... chỉ ba mươi giây là xong cái bản mặt của tôi. Xong xuôi, nó thụt lui ra sau đứng ngắm cái tác phẩm sống mà tự khen:

- “Rồi ! Đặng rồi đó cô dâu !”

Tôi ngắm mình trong gương... Cũng được được.

Quân trường Thủ Đức thật là lớn, lớn hơn trường Đoàn Thị Điểm của tôi nhiều lắm. khán đài của Vũ Đình Trưởng đầy những thân nhân của các Tân Sĩ Quan đi dự lễ, ai cũng mặc đồ thật là sang, thật là đẹp, đủ mầu sắc. Phía dưới sân... toàn là lính. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều lính như vậy, đội nào xếp vào đội nấy, thẳng băng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, và chỉ có một mầu kaki vàng duy nhất mà tôi. Tôi nhìn quanh, cái cột cờ thì dễ tìm quá rồi, vì nó cao vòi vọi, và trong sân chỉ có một cái cột cờ mà thôi, không thể lộn được, thế nhưng khi nhìn vào hàng quân, ai cũng giống ai hết, dù nhìn kỹ tới đâu, tôi cũng không thể nào mà kiếm ra Tấn đang đứng ở chổ nào? Làm sao mà kiếm ra chàng của tôi đây ?

Buổi lễ bắt đầu, không khí thật là trang nghiêm, cả một hội trường bao la như vậy mà không một tiếng động, tôi chỉ nghe được một tiếng hô :

- Quỳ Xuống!

- Quỳ xuống! Các Sinh Viên Sĩ quan!

Một hàng những người lính mặc Quân phục đại lễ quỳ chân phải xuống đất, chân trái co lại 90 độ, lưng thẳng băng, tay trái đặt lên đùi trái, tay phải buông xuống bên mình. Một đoàn những người lính khác mang cặp lon gắn lên vai tất cả các Sinh Viên Sĩ Quan đang quỳ trước mặt. Khi những cặp lon óng ánh vàng hình con cá đã được gắn lên vai, tôi lại nghe một tiếng hô nữa thật là dõng dạc :

- “ĐỨNG LÊN, CÁC TÂN SĨ QUAN CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA!”

Đoàn quân đồng loạt đứng lên.

Những Tân Sĩ Quan đứng thẳng lên, vẫn hàng ngũ thẳng tắp, cầu vai sáng chói dưới ánh nắng mặt trời, quang cảnh thật là hùng tráng, họ đưa tay lên chào quan khách ở khán đài, không khí thật là trang nghiêm.

Bỗng chốc, từ trong hàng Tân Sĩ Quan vang lên một tiếng reo thật lớn :

- Aaaaa...

Rồi cả hàng binh đồng loạt nhẩy lên cao, bao nhiêu mũ đang đội, họ lột ra tung hết lên trời cao...

Tôi giật mình la lên :

- “Cái gì vậy... ?”

Một người lính đứng bên cạnh, nhìn tôi mỉm cười giải thích :

- “Các Tân Sĩ Quan tung mũ lên trời mừng ngày tốt nghiệp đó mà !”

Có tiếng nói trên loa phóng thanh, mời tất cả các quan khách đi thăm trường và gặp các Tân Sĩ Quan. Tôi nắm tay Loan, Sương theo đoàn người đi xuống sân cờ.

Cột cờ đây rồi. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ hiên ngang bay trong gió, cao vút tận trời xanh, thấp hơn chút xíu là lá cờ có hình Con Ó và lá cờ nữa có dấu hiệu ngọn lửa mầu đỏ. Tôi nhìn quanh... đầy những người là người, ông lính nào cũng giống nhau, cũng... đen thui... cũng vàng rực... làm sao mà tìm ra Tấn đây ? Chỉ có anh là có thể tìm ra tôi, chứ tôi không có cách nào mà kiếm ra anh cả. Ba đứa đang đứng láo ngáo nhìn ngang nhìn dọc, bất chợt, một giọng nói ồm ồm vang lên sát bên :

- “Chào các cô Đoàn Thị Điểm.”

Ba đứa hết hồn nhìn quanh : Trước mặt tôi là một đám... Vàng Chói... Đen Thui đang nhe hàm răng Trắng Nhỡn ra nhìn chúng tôi mà cười.

Tôi mừng rỡ, reo lên :

- “Anh Tấn !”

Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi... lì như vậy : Không suy nghĩ gì cả, tôi dám... nhẩy vào vòng tay của Tấn đang đưa ra chờ đón. Cả bọn nhao nhao lên :

- “Cô Dâu gặp Chú Rể rồi... Cô Dâu ôm Chú Rể rồi... Chú Rể... hôn Cô Dâu đi chớ !”

Tôi nghe vậy hoảng quá, vội vàng đẩy tay Tấn chạy ra ngoài, cá đảm còn cười nhiều hơn nữa, làm tôi mắc cở đỏ mặt tía tai, còn Tấn thì... vẫn đen thui như thường lệ, có điều hai con mắt sáng lên thật là hạnh phúc (Nghĩ lại, cho tới bây giờ, tôi vẫn thấy tôi... lì thiệt !).

Tấn giới thiệu đám bạn, nào là Dũng, Chinh, Hoàng, Thắng... tôi chẳng nhớ tên nhớ mặt ai cả, chỉ nhớ mỗi Tấn thôi. Bây giờ thì thôi có thể nhớ và tìm ra Tấn rồi, dù rằng anh có đứng kế bên hàng chục người cũng vàng chói đen thui như anh. Tấn và các bạn đưa tụi tôi đi thăm mọi nơi trong quân trường, từ nhà bàn (phòng ăn) cho tới văn phòng Tiểu đoàn, Đại Đội, vả cả khu nhà ngủ đầy những giường sắt hai tầng nữa, chỗ nào cũng xếp thành hàng thẳng tắp, thật là sạch sẽ, thật là ngăn nắp, không một hạt bụi, đúng là trại lính.

Tới giờ ăn, Tấn dẫn cả bọn tới khu nhà hàng bán quán, tôi không ngờ trong một khu quân sự đầy kỷ luật như vậy mà cũng có những cái quán cà phê trang trí thật đẹp, với những bảng hiệu thật lãng mạn: Chiều Tím... Mây Lang Thang... Quán Mơ... Tấn giải thích là, đời lính không phải lúc nào cũng chỉ có kỷ luật, cũng chỉ có súng đạn, mà cũng có lúc ngồi quán cà phê nghe nhạc tiền chiến, nhạc lính... Đời Lính vui lắm... đáng sống lắm.

Tới giờ về, Tấn nuối tiếc những giờ phút vừa qua, nói với tôi:

- “Em và các cô về đi. . . tụi anh phải ở lại để ngày mai chọn đơn vị. Riêng phần anh, sẽ chờ xe của Biệt Động Quân tới đón về Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân ở Trại Đào Bá Phước, nếu được phép, anh sẽ về Cần Thơ . . . tới nhà gặp em.”

Tới nhà tôi... ? Bộ Tấn... muốn bị chổi chà đập lên đầu hả ? Má tôi đâu có phải dễ đâu mà tới khơi khơi như vậy !

Vậy mà Tấn... dám tới nhà tôi chớ !

Mấy ngày sau, vào một buổi sáng, tôi đang ở nhà sau học nấu ăn với má, thì có tiếng lao xao trước cửa, con em tôi (Con Tư) chạy vô báo cáo :

- “Chị Ba... có ông lính bận đồ bông kiếm chị, đang đứng chờ ngoài cửa hàng đó... ba đang nói chuyện với ổng đó.”

Tôi vội vàng... chạy lên lầu...

Con Tư ngạc nhiên, nói với theo :

- “Có khách tới... sao chị không ra tiếp khách mà lại... chạy lên lầu...?”

Tôi không kịp trả lời, vội vàng thay bộ đồ đẹp... tha chút phấn... thêm chút son môi rồi mới hối hả chạy xuống.

Con Tư lúc này mới hiểu ra, nó liếc xéo tôi một cái dài tới bến Ninh Kiều :

- “Có Kép tới thăm... Hèn chi... phải lên lầu... sửa soạn... thay đồ đẹp...”

Tôi làm bộ bình tĩnh (nhưng trong bụng đang đánh lô tô) từ từ bước ra, Tấn đứng lên chào tôi :

- “Dũng My... anh được về phép... tới thăm em... và ba má... ”

Ngon ha ! Đã dám tới nhà thăm tôi, lại còn khơi khơi kêu... ba má nữa chớ! Đúng là Lính Biệt Động !

Tôi ngắm chàng trai đang đứng trước mặt tôi : Tấn mặc bộ đồ bông Biệt Động, cổ áo may hai cái Alpha mầu đen, vai mang dấu hiệu con cọp đen thui, cái miệng há ra đỏ lòm, hàm răng trắng xóa, anh mang giầy bốt đờ sô đen, có phần vải bố ở giữa, tay cầm cái Mũ Nâu. Nhìn Tấn... oai hùng thật, đúng là... Mũ Nâu Mầu Áo Hoa Rừng... Tôi vui vẻ chào lại và hỏi thăm anh :

- “Anh Tấn mới được về phép đó hả ? Anh đã chọn Tiểu doàn chưa ?”

Rồi tôi quay ra, giới thiệu Tấn với ba má (má tôi đã ra ngoài... coi mặt Tấn từ hồi nào rồi) :

- “Thưa Ba Má, đây là anh Tấn, bạn con... Ảnh mới ra trường, được về phép... tới thăm con... ”

Ba tôi chợt nhớ ra điều gì, quay lại hỏi tôi :

- “À... À... Anh Tấn này là người bạn... mới ra trường mà con xin ba đi dự lễ mãn khóa của ảnh đó hả... ?”

Tôi bị bể mánh, đỏ mặt, ấp úng trả lời ba :

- “Anh Tấn... cũng có quen với đám con Loan, con Sương đó ba... ”

Má tôi thì hiểu câu chuyện từ lâu rồi, má từ tốn... hỏi cung Tấn :

- "Ba mà cháu ở đâu? Có phải ở xứ này hông? Cháu... có vợ chưa ..."

Trời đất! Má ơi... má hỏi gì... kỳ quá vậy! Con quen ảnh từ khi còn đi học, ảnh... con trai mới lớn mà... vợ con nỗi gì! Tôi hoảng quá, sợ Tấn giận, nhưng trái lại, Tấn có vẻ thích thú với câu hỏi của má tôi, anh tươi nét mặt trả lời ba má tôi :

- “Dạ... con tên là Tấn, nhà ba má con ở đường Nguyễn An Ninh, kế bên con đường nhà bác đây thôi. Con từ hồi nhỏ tới giờ... mới quen Dũng My là ... bạn gái đầu tiên, chứ không có quen cô gái nào khác... Bữa con tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, có mời Dũng My và hai người bạn là Loan và Sương tới dự lễ đó. ”

- “Nói dzậy... cậu có quen con My nhà tôi... cũng lâu rồi há... ?”

- “Dạ... cũng mấy năm rồi... từ bữa đi đám cưới chú Bẩy Thắng đó, có quen với gia đình bác nữa đó...”

Nguy hiểm quá ! Má tôi thì tra hỏi quá... nghề nghiệp, còn cái anh chàng Tấn này thì... đúng là Chuẩn Úy mới ra trường... hỏi gì cũng khai ra hết trơn rồi... tôi chạy ngã nào nữa đây! Không những khai tôi là bạn gái, ảnh còn khai luôn là quen từ hổi nảo đó rồi. Nhưng cũng vì... thiệt tình khai báo như vậy mà má tôi lại... thương mới kỳ chứ ! Má tôi vui vẻ nói với Tấn :

- “Nói dzậy là cậu cũng bà con chòm xóm đây thôi. Sao mà đăng thứ lính chi mà... dữ vậy hả con ? Lính này con gái ai mà... dám lấy !”

Rồi rồi... Má tôi nói câu trước nghe còn được... câu sau thì... coi bộ hổng yên rồi đó. Lính Biệt Động oai hùng, vì dân trừ bạo chứ có gì đâu mà má phải lo, chết thì ai chả có số chết, đâu phải ai đăng Biệt Động cũng bị... Cọp Liếm hết đâu !

Tấn ngồi nói chuyện với ba má tôi một hồi, rồi đứng dậy nói :

- “Thưa hai bác, con nghỉ phép được vài ngày thôi, nên muốn xin phép hai bác... cho con mời Dũng My đi ra ngoài Bến Ninh Kiều uống nước cho vui. Chừng... một hai tiếng, con sẽ đưa My về nhà.”

Tôi hồi hộp nhìn má rồi quay ra nhìn ba...Tôi thấy ba nhìn lại má... không thấy má tôi nói gì hết. Ba nhìn tôi rồi quay qua Tấn :

- “Bay lớn rồi, ba má giữ làm chi. Hai con đi chơi cho vui, lát về cho sớm ...”

Tôi đã sẵn sàng rồi, Tấn chào ba má tôi lần nữa :

- “Dạ con cám ơn hai bác... tụi con đi chơi một lát rồi về...”

Tấn mời tôi đi chơi không phải một lần, mà hai lần, ba lần. Lần nào anh cũng nói... chỉ có vài ngày phép thôi. Có bữa, vào buổi chiều, anh tới nhà tôi chơi, quên cả giờ giấc, tới giờ cơm rồi mà anh cũng không chịu về, má tôi không biết làm sao, đành mời lơi :

- “Tới giờ ăn tối rồi... cậu Tấn có ăn gì chưa ?”

Ý muốn kêu Tấn đi về để nhà tôi ăn cơm, nhưng Tấn làm như ngây thơ, chộp ngay lấy cơ hội bằng vàng này :

- “Dạ... con chưa có ăn gì hết, mà mai phải đi trình diện đơn vị tuốt ở Phước Long lận. Nếu hai bác cho con... ăn cơm tối chung, con... cám ơn hai bác lắm. Ba Má con đi Sài Gòn chưa có về.”

Thế là Tấn ở lại ăn cơm với gia đình tôi để từ từ trở thành một người trong gia đình.

Bữa ăn tối thật là vui. Lâu lắm nhà tôi mói lại có bóng con trai trong nhà, vì hai anh tôi đã đi du học hết trơn rồi, chỉ còn hai chị em gái tôi ở nhà mà thôi. Ba tôi và Tấn nói chuyện thật vui, ba xách chai rượu XO (của một người bạn Mỹ tặng ba từ lâu lắm rồi mà chưa có dịp uống) khui nghe một cái... bốp, rồi rót ra ly mời Tấn cùng uống, Tấn vội vàng đưa tay ra đón lấy chai rượu, tươi cười nói:

- “Dạ xin phép cho con được hầu rượu bác.”

Nói xong, anh nhanh nhẹn tiếp lấy chai rượu nhưng lại để xuống bàn, đưa tay cầm cái ly thủy tinh để lên ngang mắt xoay một vòng như ngắm cái gì ở trong đó, anh đưa ngón tay lên búng một cái vào miệng ly, nghe một cái . . . “Boong”. Tấn chú ý nghe tiếng kêu pha lê của thủy tinh rồi để cái ly này xuống, đưa tay lấy cái ly thứ nhì, cũng làm y hệt như vậy xuống. Xong xuôi, anh đổi cái ly của anh qua phía ba tôi, rồi vừa rót rượu ra ly vừa giải thích với cả nhà:

- “Thưa bác, rượu của bác thật là quý, nhìn mầu sắc là biết rượu này rất ngon. Đối với con, rượu ngon là phải uống bằng ly thủy tinh pha lê thật trong. Ly đẹp mà bị nứt hoặc bị trầy uống sẽ mất ngon đi, con vừa thử hai cái ly, cái nào tiếng kêu cũng ròn tan, vang xa mà không bị đục, nhưng con thấy cái ly thứ hai đẹp hơn, nên đổi qua để bác dùng, con uống cái ly thứ nhất hầu bác là được rồi.”

Đợi anh rót xong, ba tôi mới khui chai sô đa pha vào ly của ông, rồi đưa qua pha cho Tấn. Tấn lại vội vàng đón lấy chai sô đa :

- “Dạ... cám ơn bác... con quen uống... sếc rồi. Uống sếc mới ngửi được mùi rượu ngon...”

Tấn đưa ly rượu lên gần mũi, hít một hơi dài sáng khoái rồi mới nhấm một ít rượu, đặt ly xuống, khen :

- “Rượu XO này thơm... ngon... quý lắm bác ơi. Bác cho con uống chung với bác, con cám ơn bác lắm.”

Ba tôi nhìn cách uống rượu của Tấn, gật gù cái đầu tỏ vẻ hài lòng :

- “Cậu Tấn này coi bộ... rành về rượu dữ ha ! Vậy là tôi có bạn nhậu rồi, không uổng chai rượu.”

Nói rồi, ông lấy một cái ly khác, rót rượu ra đưa lên mũi bắt chước Tấn, cũng hít một hơi dài, rồi gật gù tán thưởng :

- “Cậu Tấn nói đúng... rượu XO này... thơm thật ! Để tôi thử uống... sếc, coi mùi vị nó ra sao...”

Má tôi vội vàng cản :

- “Cậu Tấn còn trẻ... uống được. Ông... già rồi, uống một hớp là... đi luôn đó... hổng được đâu.”

Nhưng đã quá trễ, ba tôi đã nhắp một ngụm, khen thơm ngon um sùm, có điều chỉ một thời gian sau sau là ổng lờ đờ rồi, lúc Tấn chào ba tôi để đi về, ba chúc anh thượng lộ bình anh, còn Tấn thì chúc ba tôi. . . ngủ ngon (ba tôi lên giường liền sau đó và ngủ một lèo tới sáng hôm sau mới thức dậy).

Lúc rửa chén, má tôi đứng kế bên hỏi tôi về Tấn, hai mẹ con nói chuyện tới khuya mới đi ngủ.

Sáng sớm, tôi thức giấc, suy nghĩ mông lung... không biết Tấn đã đi trình diện chưa ? Anh đang ở đâu...? Đã nhận đơn vị... ra chiến trường chưa ? Tôi không biết tâm trạng mình sẽ ra sao ? Tôi không đi lính, nhưng cảm thấy thật là gần gũi với lính và suy nghĩ thật nhiều về người lính của tôi.

Khoảng gần trưa, tôi đang cắt đồ phụ ba chợt nghe tiếng xe hơi đậu xịch trước cửa, có tiếng của xe mở rồi một người lính bước vào, theo sau là hai người nữa. Tôi ngước lên nhìn, há hốc miệng ra: Tấn và ba má! Tôi đỏ mặt lên, ấp úng chào :

-“Thưa hai bác... Anh Tấn... Ủa! Anh chưa đi trình diện sao ?”

Tấn vui vẻ chào mọi người rồi giới thiệu hai bên gia đình với nhau. Ba của Tấn mở lời trước :

- “Chào ông bà! Tôi tên là Vượng, vợ tôi là Vân. Vợ chồng tôi đưa cháu Tấn đi trình diện đơn vị từ sáng sớm, chờ hoài ở đó mà xe từ Bộ Chỉ Huy trên Sài Gòn không xuống đón, nên trung tâm cho cháu về, ngày mai trở lại. Sẵn đi ngang đây, cháu Tấn nói có quen cô bạn gái, ba má cổ cũng gần nhà, rất lịch sự, nên chúng tôi mạn phép ghé làm quen.”

Nghe ba má Tấn nói, ba má tôi liền mời tất cả ra phòng khách nói chuyện. Lần đi chơi trước, Tấn có đưa tôi về giới thiệu với ba má của ảnh rồi, má ảnh rất dễ thương, nắm tay tôi nói chuyện ân cần lắm, cứ nói Tấn dẫn tôi về chơi thường, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi Tấn dẫn cha mẹ tới gặp cha mẹ tôi, nên cứ bối rối ngồi cúi mặt mắc cở, chẳng biết làm gì, mãi lúc má hối tôi đi pha trà, tôi mới vội vàng đứng dậy đi xuống bếp.

Nói chuyện một hồi, ba má Tấn xin phép đi về, để cho Tấn nghi ngơi, sáng sớm mai đi trình diện tiếp:

- “Anh chị Hai, tiệm của chúng tôi ở ngay trên đường Nguyễn An Ninh, cách đây không xa, vậy mình là chòm xóm với nhau rồi. Xin cho chúng tôi mời anh chị vào Chủ Nhựt tuần tới, tới nhà chúng tôi ăn trưa, minh nói chuyện cho vui. Cháu Dũng My nhớ đi với ba má nha.”

Má của Tấn vẫn nắm tay tôi nãy giờ, nói với má tôi :

- “Tấn có dẫn cô Dũng My về gặp tụi tôi một lần, gia đình tụi tôi thưong cháu lắm. Nhớ đi với ba má tới nhà hai bác nha.”

Suốt ngày hôm đó, tôi như người đang ở trên mây. Ba má của Tấn đã đến làm quen với ba má tôi rồi, chính má của Tấn đã nói gia đình của bà thương tôi lắm. Má tôi ngồi may quần áo với tôi, lâu lâu lại nhìn tôi mỉm cười, làm tôi mắc cở quá đi.

Sáng ngày hôm sau, tôi vừa làm việc mà một mắt nhìn vào xấp vải, mắt kia nhìn ra ngoài đường, hễ có tiếng xe đậu là tôi bỏ cả làm việc mà nhìn ra ngoài đường. Tôi chỉ mong sao Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân không cho xe xuống đón đám tân sĩ quan, để Tấn lại được về một ngày nữa với tôi. Đến chiều tối, không có chiếc xe nào ghé nhà tôi và Tấn cũng không thấy có mặt. Ngày hôm sau... ngày hôm sau nữa Tấn cũng không xuất hiện, lúc đó tôi mới tin là Tấn đã đi đơn vị mới rồi.

Thỉnh thoảng, ba má Tấn có ghé nhà thăm hỏi ba mẹ tôi, lần nào cũng tặng một món quà nhỏ và nói chuyện với tôi. Bà Vân hỏi tôi có nhận được thơ của Tấn hay không ? Tôi trả lời là không, làm ông bà Vượng Vân ngạc nhiên lắm :

- “Cái thằng kỳ thiệt! Không viết thơ thăm hỏi ba má thì thôi, lại còn không viết bức thơ nào cho cháu nữa hả! Nó đi đâu mà mất biệt vậy nữa! Con có viết thơ cho nó không?”

“Thưa hai bác, anh Tấn nói là phải đi nhận đơn vị đã rồi mới có KBC để gởi thơ. Từ đó tới nay, anh chưa viết thơ về cho con lần nào, nên con không có địa chỉ của anh để gới thơ.”

Ba tôi nói lời an ủi ông bà Vượng :

- “Lính Biệt động mà ! Hành quân liên miên nên không có giờ rảnh mà viết thư cho ai hết.”

Bà Vân buồn buồn nói với mẹ tôi :

- “Hổng biết nó có... bị thương gì hông nữa ! Thiệt là khổ quá đi, vợ chồng tôi có một mình nó hà. Ba nó biểu khoan hãy đăng lính, vì cháu nó còn tuổi hoãn dịch học vấn. Vậy mà cứ nhất định đòi đi. Tới khi chọn Biệt Động Quân, ba nó cũng nói để lo cho cháu về văn phòng. Vậy mà cứ một hai đi chiến đấu, nói là như vậy mới là đời trai.”

Má tôi cũng thở dài, bà nhắc lại lời nói trước đây :

- “Đăng thứ lính chi mà... dữ vậy nữa...?”

Tôi hoảng hồn nhìn má... sợ má tôi lại phang câu tiếp theo : “Lính này con gái ai mà... dám lấy”. Nhưng may quá, má tôi không nói thêm câu nào nữa.

Gần đến Tết rồi, Tấn về đơn vị mới đã gần một năm rồi, tôi vẫn không nhận được bất cứ tin tức nào của anh cả. Đôi khi, tôi nghĩ... vì anh là lính Biệt động, hành quân nhiều nên không có thời giờ rảnh để viết thư cho tôi. Đôi khi tôi lại nghĩ... có khi nào Tấn đã... chết hoặc mất tích rồi, nên mới không có ai viết thư cho tôi. Nhưng mà... có khi nào Tấn đã...lấy vợ và có con ở nơi nào đó rồi, nên mới không thèm viết thư cho tôi ? Ngồi buồn một hồi, tôi nghĩ lại : Nếu Tấn đã lấy vợ rồi, chắc chắn anh sẽ phải cho ba má hay. Nếu ba má anh biết rồi, không lý do nào ông bà lại vẫn đến nhà tôi để hỏi thăm tin tức về anh...

Cho đến lúc tôi đã hoàn toàn quên hết về người lính của tôi thì ba má Tấn lại xuất hiện. Hai ông bà đậu xe trước cửa nhà tôi, hớt hải chạy vào, bà Vân nắm lấy tay tôi vừa khóc vừa nói :

- “Con ơi... con ơi... thằng Tấn nó... nó... ”

Tôi hoảng hốt không kém:

- “Anh Tấn... Anh Tấn làm sao hả bác... ? Bác có tin gì của anh Tấn không ?”

Má tôi chạy lại ôm lấy và Vân, xoa lưng bà cho đỡ nghẹn, nhẹ nhàng nói :

- “Chuyện đâu còn có đó chị Hai ơi... Chị nghỉ khỏe đi rồi nói cho tụi tôi hay...”

Ông Vượng cặp mắt đỏ hoe, nói câu được câu không:

- “Thằng Tấn nó... bị thương... hư cái giò rồi...”

Tôi la “Áh” lên một tiếng ôm chầm lấy bà Vân mà khóc òa lên. Sức chịu đựng của tôi đã hết mức rồi. Anh đi không một lá thư báo tin, dù là chỉ một chữ ghi địa chỉ. Cuối cùng là một cái tin quá thê thảm...anh ra sao rồi... ? Hư cái giò là giò nào? Một cái giò hay là cả hai cái ? Anh có còn sống hay không...?

Ba người đàn bà ôm nhau mà khóc, hai người đàn ông cố tỉnh táo mà bàn công chuyện phải làm:

- “Ai báo tin cho ông bà hay vậy?”

- “Hậu cứ của Tiểu Đoàn gởi thơ cho tôi, báo tin cháu đang nằm bệnh viện Cộng Hòa, một chân bị miểng đạn B40, người bị đạn AK tùm lum. Trực thăng bốc cháu từ An Lộc đưa thẳng về Cộng Hòa, bác sĩ đang mổ, chưa biết tình hình ra sao.”

- “Ông bà tính chừng nào sẽ đi thăm cháu ?”

- “Sáng sớm mai vợ chồng tụi tôi đi liền nè, tụi tui ghé hỏi ông bà có đồng ý cho cháu Dũng My đi với tụi tui đi thăm cháu Tấn hay không? Vợ chồng tôi lái xe đi, có cháu gái đi theo cho có người an ủi. Thằng Tấn tỉnh dậy mà thấy có má nó, có cháu Dũng My đây nữa thì chắc là nó mừng lắm, sẽ mau bình phục. Kỳ này mà qua khỏi, nhất định tụi tôi lo cho nó về hậu cứ. Tôi có một đứa con trai duy nhất hà anh ba.”

Ba lại nhìn má tôi nhìn tôi như hỏi ý kiến, má lại nhìn tôi dò hỏi. Tôi suy nghĩ... cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa là gì của Tấn cả, lại đi chung với ba má Tấn lên Sài Gòn nữa! Rồi chừng nào mới về? Ở lại ban đêm thật không tiện chút nào. Nhưng mà dù sao Tấn cũng là người bạn trai thân thiết của tôi, anh bị thương tôi làm sao không đi thăm cho đành lòng!

Má của Tấn lúc này đã tỉnh lại rồi, bà như đoán được sự lưỡng lự của tôi, cầm tay tôi âu yếm nói :

- “Thằng Tấn nó còn đang trên giường mổ, khi bác cháu mình lên thăm, cũng chỉ thăm được vài phút một tiếng là cùng, còn để cho nó nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe. Nếu bác cháu mình bắt đầu đi từ 6 giờ sáng sớm mai, khoảng chừng 11 giờ sẽ tới bệnh viện, mình thăm Tấn khoảng 1 tiếng, ra ngoài ăn trưa rồi về liền, chắc khoảng 6 giờ tối sẽ về tới nhà đó, cháu thấy... được hông?”

Tôi nhìn má, từ từ lên tiếng:

- “Ba má cho con đi một chuyến với hai bác Vượng để thăm anh Tấn coi bị thương ra sao, rồi con về...”

Má tôi nhìn bà Vân, thông cảm :

- “Chị coi chừng cháu dùm tôi, nó hổng có biết lo gì đâu.”

Tổng Y Viện Cộng Hòa lớn lắm, lớn hơn Quân Y Viện Phan Thanh Giản nhiều lắm, nội cái sân cỏ không thôi mà tôi băng ngang đã muốn hụt hơi rồi, nói chi là toàn khu bệnh viện. Bác Vượng đưa ra tên họ, số quân, đơn vị của Tấn là Y tá trực tìm ra hồ sơ của anh ngay lập tức, ông nhắc điện thoại nói chuyện một hồi, rồi gác máy, nói với chúng tôi:

- “Thật là may mắn. Thiếu úy Tấn đã được mổ xong rồi, đang ở khu hồi sinh, sắp tỉnh lại, có thể vào thăm được. Để tôi dẫn ông bà và cô tới đó.”

Má của Tấn nóng lòng vì con, vội vàng hỏi ngay:

-“Con tôi... còn sống không hả ông ?”

Tới phòng hồi sinh, người Y tá trưởng vui vẻ báo tin :

- “Thiếu úy Tấn bị thương nhưng không chịu cho tải thương, vẫn ở lại chiến đấu với anh em, nên mất máu nhiều lắm. Mãi tới khi chiến trường được giả tỏa, trực thăng đáp xuống được, ổng mới chịu di tản. Bác sĩ đã mổ xong, Thiếu úy được đưa ra phòng hồi sinh cả tiếng rồi, chắc cũng sắp tỉnh, để tôi đưa ông bà và cô vào thăm Thiếu úy.

Qua một căn phòng rộng rãi, toàn là mùi ê the, giường sắt sắp lớp, người nào cũng băng bó tùm lum, không biết ai vào với ai. Tới một căn phòng nhỏ, có một cái giường duy nhất, người y tá trưởng tới cuối giường lấy tấm bảng ghi chi tiết đọc thoáng qua rồi chỉ vào người thương binh trên giường mà nói:

- “Thiếu úy Tấn nằm đây, chắc cũng sắp tỉnh rồi. Ông bị nặng nhất là ở chân trái, một trái B 40 phát nổ gần anh, làm nát khúc chân này, nhưng rất may là khúc chân vẫn còn đó, nên bác sĩ đã lấy miểng ra, xếp lại xương rồi khâu lại, hy vọng sẽ bình phục nhưng khả năng ra trận trở lại thì phải đợi khi vết thương lành rồi mới biết. Còn trên ngực trên bụng thì đạn súng trường trúng tùm lum, cũng rất may là có áo giáp che chở và không viên đạn nào vào tim cả, bác sĩ mổ lấy ra những viên đạn chính, còn những miểng nhỏ thì . . . tính sau. Ông bà và cô chờ đây, khi nào Thiếu úy tỉnh lại thì có thể nói chuyện khoảng mươi mười lăm phút rồi ngày mai trở lại.”

Tôi nhìn thân hình Tấn cuốn tròn trong lớp băng vải trắng xóa, gương mặt trắng xanh nhợt nhạt vì mất máu mà thương cảm hết sức. Tôi hối hận vì đã nghi oan (dù chỉ mói trong ý nghĩ) cho Tấn là . . . đã lấy vợ ở Sài Gòn nên mới không thèm liên lạc với tôi nữa, tôi nắm lấy tay Tấn mà nước mắt chẩy dài trên má.

Ba má Tấn đi chung quanh giường, rờ từ đầu tới chân anh để chắc ăn là anh không bị mất bất cứ một khúc xương thịt nào. Tôi chợt cảm thấy ngón tay của Tấn cử động, tôi nắm chặt bàn tay Tấn hơn, bàn tay của Tấn cũng cử động theo và cũng nắm chặt lấy tay tôi, Tấn từ từ mở mắt. Khi nhìn thấy ba mẹ anh và tôi đứng bên giường, hai mắt anh sáng lên, đôi môi mấp máy:

- “Ba . . . Má . . . Dũng My...”

Má của Tấn cầm lấy tay anh khóc sướt mướt:

- “Con ơi...con còn sống hả con... con đừng bỏ mẹ mà đi nha con...”

Tấn nắm tay mẹ cười trấn an :

“Nhằm nhò chi má, con bị có nhiêu đây đâu có thấm gì với anh em còn đang ở mặt trận. Không sao đâu má . . . tuần lễ hai tuần là con lành lại hà. Dũng My cũng tới thăm anh nữa hả. Anh xin lỗi đã không gởi được thư cho em, mặc dù nhớ em rất nhiều. Mỗi lần dừng quân, anh đều dành thì giờ viết thư cho em, nhưng viết mãi mà cũng chưa xong, nên anh còn bỏ trong túi áo đó.”

Thấy anh đã tỉnh lại, vết thương tuy có nặng nhưng rồi sẽ bình phục. Điều tôi cần nghe thì anh đã nói . . . Anh vẫn nhớ đến tôi và có viết thơ cho tôi, chỉ vì hành quân liên miên nên thư vẫn còn ở trong túi. Vậy là tôi hết buồn , hết giận anh rồi. Tôi ôm tay anh, chúc anh mau bình phục.

Khoảng mười ngày sau thì Tấn đã bình phục và chống nạng khập khểnh đến nhà thăm tôi. Anh cho biết, vết thương đã coi như lành, anh được nghỉ 29 ngày tái khám.

Một bữa đi chơi, Tấn nói với tôi:

- “Má anh hối anh lấy vợ cho mau đặng bả có cháu nối dõi . . . Bị ba má có một minh anh là con hà, nên ông bả muốn anh lấy vợ cho sớm, chứ anh đời lính còn xa lắm . . . Em tính sao . . .?

- “Tính sao . . . nghĩa là sao . . .?”

- “Thì . . . em muốn . . . lấy anh hông . . .?”

- “Lấy . . . thì . . . Lấy . . .”

- “Mà em có . . . thương anh hông . . .?”

- “Thương . . .”

Buổi trưa về nhả Tấn ăn cơm, má của Tấn nói với tôi :

- “Con về nói với ba má, ngày mốt là ngày lành, hai bác đem trà rượu tới nói chuyện với ba má con.”

Tối hôm đó, tôi về nhà nói chuyện với má, má tôi nói:

- “À ! Ông bà Vượng tới nhà minh chơi, cho đồ hoài đó mà!”

Buổi sáng, tôi dọn nhà sạch sẽ ngồi chờ, không thấy ba tôi đâu cả, tôi hỏi má coi ba đi đâu, có kịp về tiếp đón ba má của Tấn không ? Má trả lời:

- “Ba đi chợ mua thêm chỉ vải, ghé thăm mấy người bạn rồi sẽ về.”

Tôi yên chí ngồi chờ, chợt thấy má tôi xách giỏ đi, tôi vội hỏi:

- “Má đi đâu vậy ? Ba má của anh Tấn sắp tới rồi đó . . .”

- “Má đi chợ mua ít trái cây về đãi khách . . . ông bà Vuọng tới nhà mình hoài mà . . . quen quá rồi . . .”

Má vừa đi thì ông bà Vưọng và Tấn lái xe tới đậu trước nhà tôi. Khác với những lần trước, ông Vượng mặc đồ vest, bà Vân mặc áo dài gấm nhìn thật sang trọng. Tấn không mặc quân phục như mọi ngày mà cũng mặc đồ vest, hai tay bưng một mâm mầu đỏ. Tôi hoảng hồn mời ông bà vào trong nhà . . . lúng túng không biết nói sao, vội vàng nói đứa em ra chợ kêu má về gấp.

Ba má Tấn ngồi chờ một hồi cũng không thấy ba má tôi ra tiếp khách, ông bà nhìn chung quanh rồi hỏi tôi:

- “Ba má con đâu . . . sao không thấy . . .?”

May quá, lúc đó má tôi vừa về tới, bà vui vẻ chào ba má Tấn, hỏi tới:

- “Chào hai ông bà . . . tới chơi với nhau hoài rồi . . . quen rồi . . . ông bà đâu cần phải phải giữ lễ . . . bận đồ lớn chi vậy . . .!”

Tôi thấy ông bà Vượng có vẻ ngại ngùng . . . ăn nói không có vẻ tự nhiên như trước nữa. Ngồi một lúc, ông bà vẫn không đá động gì tới chuyện hỏi cưới tôi nữa, mà đứng dậy xin phép đi về.

Tối lại, cả nhà ngồi ăn cơm, tôi đem chuyện ông bà Vượng tới nhà ra nói:

- “Thưa ba má, ông bà Vượng hôm nay tới mang đồ đám hỏi tới đặng . . . hỏi cưới con đó. Con có nói rồi mà ba má không có nhà, nên hai ông bà bỏ về rồi đó . . .”

Ba má tôi chưng hửng nhìn nhau, rồi nhìn lại tôi:

- “Ai mà biết đâu . . . Thấy ông bả tới chơi cho đồ hoài, tưởng ông bà cũng tới chơi như những lần trước chớ . . .!”

Ngồi một lúc, má tôi nói tiếp:

- “Với lại . . . cậu Tấn còn đang bị thương chưa khỏi, nên ba má dấu có dè là họ tới hỏi con . . .”

Sáng hôm sau, hai đứa tôi lại gặp nhau đi chơi. Tấn lái xe vòng vòng thành phố rồi lại đưa tôi ra bến Ninh Kiều nói chuyện. Tấn có vẻ buồn, hỏi tôi:

- “Bộ . . . ba má em . . . hổng ưng anh hả . . .”

- “Ưng chớ . . . ba má em thương anh lắm mà.”

- “Vậy sao ba má anh mang đồ lễ tới mà ba má em không có nhà? Em có nói với ba má không?”

- “Em có nói chớ ! Nhưng ba má em không dè là chuyện lại sớm như vậy . . . ông bả tưởng là bề gì cũng chờ anh lành bệnh, rồi mới tính chuyện tương lai . . . Tối qua em có nhắc lại, ba má em bằng lòng gả em . . . có điều má em hỏi . . . anh đi lính xa nhà, rồi em ở đâu . . . ? Lấy gì sống . . .?”

Lúc này là chiều rồi . . . gió bên sông thổi qua thật nhiều, lại mưa lất phất nữa. Tấn lấy cái áo lính khoác lên người cho tôi đỡ lạnh, anh móc thuốc ra hút, thở khói thành từng vòng tròn nhỏ bay bay lên không . . . anh cất tiếng hát nho nhỏ:

- “Hỡi người yêu nhỏ, từ miền đông đó khi nghe xuân sang, có nhớ không em?
Trên đường thênh thang, lần đầu bên nhau anh lo mênh mang, lo phút ly tan . . .”

Trên dường về, Tấn cho tôi biết là anh sắp hết phép rồi, phải về Tổng Y Viện Cộng Hòa tái khám, anh hy vọng vết thương sẽ lành và anh được trở lại với đơn vị.


Tôi đang đi bộ đến Viện Đại Học Cần Thơ, vừa đi vừa suy nghĩ miên man. Chợt có ai vỗ vai tôi thật mạnh, tôi vội ngửng đầu lên nhìn, ngạc nhiên la lớn:

- “Con quỷ . . . đánh người ta đau muốn chết hà . . . Mày đi đâu đây?”

Con Loan ngạc nhiên không kém, nó nhìn tôi tù đầu tới chân, nhìn lại lần nữa . . . rồi làm mặt giận, hỏi tôi:

- “Tao với mày . . . bề gì cũng quen biết từ nhỏ . . . tại sao đám cưới mày mà mày . . . không mời tao . . .? Mà mày là . . . cô dâu . . . tại sao lại bận đồ như vầy . . . không sửa soạn gì hết vậy?”

Tôi chưng hửng nhìn nó:

- “Đám cưới của tao . . .? Tao . . . lấy ai . . .? Hồi nào . . .?”

Con Loan càng ra vẻ lạ lùng, nó trợn mắt:

- “Mới hồi nãy đây, tao đi ngang nhà Tấn, thấy rõ rảng trước cửa tiệm có trưng đèn kết hoa ghi rõ hai chữ TÂN HÔN. Nhà đó chỉ có minh Tấn là con trai, Tấn chỉ quen có một minh mày . . . Ảnh không lấy mày thì lấy ai . . . ? Bộ làm lơ không muốn mời tao nên làm mặt lạ hả . . .?”

Tôi choáng váng mặt mày, phải ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh cho khỏi té. Con Loan vội vàng ngồi xuống xoa người tôi cho ấm, hốt hoảng hỏi tôi:

- “Vậy là anh Tấn . . . cưới người khác hả . . .?”

Tôi choáng váng mặt mày, phải ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh cho khỏi té. Con Loan vội vàng ngồi xuống xoa người tôi cho ấm, hốt hoảng hỏi tôi :

- “Vậy là anh Tấn... cưới... người khác... chứ không phải cưới mày hả...?”

Tôi không tin là con Loan nói thiệt, nhưng nó lại chưa bao giờ nói láo với tôi điều gì. Chuyện Tấn lấy vợ không phải là chuyện có thể đem ra mà nói dỡn chơi. Nói dỡn chuyện gì cũng được, nhưng mà chuyện cưới hỏi mà đem ra cười dỡn thì không thể chấp nhận được. Tôi nhìn thẳng vào mắt Loan, hỏi gằn từng tiếng :

- Mày nói lại cho tao nghe... trước cửa nhà Tấn có làm cổng chào, có chữ Tân Hôn ở trên đó? Mày thấy hồi nào ?

- Mới sáng nay, cách đây khoảng 10 phút thôi. Thấy tấm bảng đó, tao giận mày lắm, vì tao với mày quen nhau từ nhỏ, chuyện gì cũng nói với nhau, vậy mà ngày cưới của mày, mày lại im lặng không nói gì với tao thì mày coi thường tình bạn của mình quá, mày khi dễ tao quá. Tao đang tính ghé nhà mày hỏi cho ra chuyện đây, nhưng khi gặp mày ở đây, giờ này, mà mày không biết gì về cái đám Tân Hôn ở nhà Tấn, thì tao không hiểu gì cả. Nói thiệt với tao đi... chuyện gì đã xảy ra vậy ? Mày với Tấn đã chia tay rồi hả...?

- Tao mới đi chơi với Tấn cách đây một tuần lễ... không có giận nhau gì hết...

Tôi kể cho Loan nghe tất cả mọi chuyện, từ lúc Tấn và ba má đến nhà cho tới bữa đi chơi riêng với Tấn...

Loan nghe kể, cúi đầu suy nghĩ... cuối cùng, nó nói với tôi :

- Ba má mày đã bằng lòng gả... mày cũng đã nói rõ ràng là chịu lấy Tấn, vậy thì tại sao lại có chuyện Tấn đi lấy người khác... Có khi nào là đám cưới của một người bà con nào đó trong gia đình, nhờ ba má Tấn tổ chức đám cưới dùm ? Chắc mày phải tới nhà Tấn ngay bây giờ để hỏi cho ra lẽ mới được...

- Anh em bà con của Tấn ở tuốt trên Sài Gòn chứ không có ai ở đây cả... chắc chắn là đám cưới của Tấn rồi... không lẽ Tấn khơi khơi bỏ tao như vậy sao...? Mà Tấn... lấy ai vậy ?

- Ảnh lấy ai... mày còn không biết thì làm sao tao biết được ? Đi... Đi với tao...

- Thôi mày ơi... đám cưới của người ta, tao tới nơi, người ta kêu là tao tới... đánh ghen... quê lắm Loan ơi. Người ta không lấy mình, thì mình... lấy người khác... hổng lẽ chạy tới hỏi... tại sao anh không lấy tui...

- Mày không tới thì... tao tới. Bề gì tao cũng là bạn thân của mày, lần nào hai đứa mày đi chơi cũng ghé tao... chuyện hai đứa mày sắp lấy nhau, tao cũng biết. Vậy thì việc Tấn đi lấy vợ khác cũng làm phiền cho tao lắm... tao phải tới nhà hắn mới được...tức lắm.

- Mày có tới nhà Tấn thì lúc khác đi... bây giờ mày làm ơn đưa tao về nhà dùm, tao đi không vững nữa rồi.

Loan dẫn tôi bước thấp bước cao, đầu óc tôi hoang mang... không biết mình đang đi đâu đây nữa...

Đang đi, tôi bỗng nghe tiếng kèn xe inh ỏi phía sau, hai đứa vội vàng nhẩy lên lề, đưa mắt nhìn ra ngoài đường... xe đám cưới... ba bốn chiếc xe chạy thành một đoàn, chiếc đi giữa giăng hoa từ đầu tới cuối... tôi buột miệng la lên :

- “Xe đám cưới...”

Loan mở lớn cặp mắt ra nhìn... nó cũng la lên :

- “Đám cưới... tao thấy... Tấn ngồi trong đó... với con Thanh mặc áo cưới màu trắng, đội voan trên đầu... Tấn cưới con Thanh ở gần bến xe đó...”

Tim tôi thót lại.

Đám cưới đã đi rồi... tôi không buồn nhưng dĩ nhiên là không vui. Tôi đổi ý, không muốn về nhà nữa, nói với Loan :

- “Thôi mày đi học đi... tao ra Bến Ninh Kiều ngồi một hồi rồi sẽ về nhà...”

Loan không nói năng gì, nó im lặng đi bên tôi.

Tới bến Ninh Kiều, những người đi tản bộ tập thể thao sáng sớm đã về hết rồi, và còn quá sớm cho những người đi thăm phong cảnh, nên ghế đá công viên còn trống nhiều lắm. Tôi với Loan chọn một cái ghế đá khuất sau rặng cây Dương ngồi nhìn ra sông, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Một lúc sau, Loan mở lời :

- Mày có biết con nhỏ Thanh đó không ? Tấn quen với nó hồi nào ?

- Thanh là dân nhẩy đầm, đẹp gái, con nhà giầu. Tấn quen với Thanh từ hồi còn học trung học, ưa đi nhẩy đầm với nhau, Tấn có nói với tao về Thanh, anh nói chỉ quen biết sơ sơ vì thường gặp mặt nhau ở những “Pạc ti” nhưng anh không hợp với Thanh. Từ khi đi lính thì Tấn không còn quen với Thanh nữa.

- Mày có... biết nhẩy không ?

- Tao biết nhẩy... cò cò thôi, và chưa bao giờ đi “ban” cả.

Loan ngồi với tôi lâu lắm, tôi phải hối nó :

- “Mày đi học đi, gần tới kỳ thi rồi.”

Loan muốn ngồi vói tôi lâu hơn nữa, dùng dằng một lúc nó mới chịu đứng dậy :

- “Bỏ mày ở đây một mình trong lúc này... tao không yên tâm chút nào... thôi tao cũng phải đi, tối nay tao sẽ ghé mày... ”

Tôi ngồi một mình... cũng chẳng suy nghĩ gì thêm... gió thổi vi vu qua hàng cây dương nghe buồn làm sao... cuộc tình hai năm của tôi và Tấn, xem ra thì cũng lâu, nhưng cuối cùng chỉ như một cơn gió thoảng, tới và ra đi thật nhanh. Tôi chợt nhớ lại bản nhạc mà Tấn thường hay hát :

“Giữa ngày vui mới, cuộc tình phơi phới.
Anh nghe như đã chôn chặt bước chân người xa.
Hố sâu thời gian thời gian đắng cay.
Sẽ đưa tình ta về trong phũ phàng... ”
(Xót Xa - Lam Phương).

Lần đầu tiên khi nghe Tấn hát bài này, tôi cảm thấy không vui, nhưng đến bây giờ nghe lại, nó xót xa làm sao ấy... không lẽ lúc mới quen nhau, Tấn đã biết... sẽ có ngày vui mới và tình ta sẽ về trong phũ phàng?

Bến Ninh Kiều, đối với tôi, mang nhiều kỷ niệm quá... tôi chắc phải xa nó, mặc dù không muốn chút nào.

Qua niên học sau, lấy cớ là Đại Học Cần Thơ không có những môn học cần thiết, tôi xin với ba mà cho đổi về Đại Học Khoa Học ở Sài Gòn. Tôi vùi đầu vào trong đống bài vở, quên hết mọi chuyện... có một vài sinh viên cùng lớp mượn tập vở làm quen... có một vài anh sắp ra trường cho mượn sách và chỉ dẫn thêm... tôi cũng chỉ coi đó là những cơn gió thoảng khác... không quan tâm đến.

Cuối Tháng Tư năm 1975, rất nhiều toán quân mặc quân phục rằn ri chuyển về thành phố... có người bị chết... có người bị thương... và có rất nhiều người lính bình tĩnh bắn trả lại bọn Cộng Sản ở phía sau. Khi những người đó đi qua rồi... tôi chợt nhớ ra... không biết giờ này Tấn đang ở đâu... có ở trong số những người bị chết, bị thương đó hay không? Hay là anh đang cùng đồng đội nấp đâu đó đợi những chiếc xe tăng T54 đi qua để nhắm bắn cháy tan từng chiếc từng chiếc... Biệt Cách Dù 81.

Sài Gòn thất thủ cùng với những người Lính Cộng Hòa... không có gì còn lại, kể cả những giảng đường. Thầy cũ, bạn bè xưa đều thay đổi, đâu đâu cũng thấy bọn nón cối, bọn mang băng đỏ lăng xăng lít xít.

Ba má kêu tôi về Cần Thơ, vì bọn chúng đang đánh Tư Sản Mại Bản, bắt những người ở thành phố đi kinh tế mới. Chính sách trả thù, ăn cướp tài sản, bắt lính Cộng Hòa đi học tập không biết ngày về, giết người không cần tòa án... làm cho người dân sợ hãi đến cùng cự... Đâu đâu cũng bàn tán việc vượt biên để tìm một cuộc sống mới, có Tự do, có hạnh phúc như thời Việt Nam Cộng Hòa.

Sau nhiều chuyến vượt biên cả gia đình bị thất bại, ba má tôi xé lẻ gia đình ra để đi làm nhiều chuyến. Chuyến thứ hai, đến phiên tôi và đứa em gái, ra đi từ vùng Phụng Hiệp, hai chị em tôi đi ghe nhỏ ngay tại Bến Ninh Kiều ra ngồi chờ trong chiếc tầu sắt nhỏ của Hải Quân Cộng Hòa (lúc này không còn mang cờ Cộng Hòa nữa), đến đêm khuya con tầu này mới chở chúng tôi ra cửa biển để nhẩy lên tầu lón ra khơi. Chiếc tầu đánh cá chở chúng tôi bốn ngày đêm thì tới dàn khoan. Vì con tầu bị vỡ gần tan nát ra rồi, nên dàn khoan đã chuyển chúng tôi qua tầu của họ rồi chở thẳng vào đảo Pulau Bidong.

Sau gần bẩy tháng sống trên hòn đảo tỵ nạn, hai chị em tôi được hai người em đã đi chuyến trước đã định cư tại Úc bảo lãnh, tôi tới Melbourne vào tháng Tư năm 1987.

Tôi được đi học thêm Anh văn, rồi xin vào làm cho chính phủ, mở đầu cho cuộc đời mới, cuộc sống mới của tôi trên đất Úc. Đời sống và nghề nghiệp ổn định rồi, tôi làm đơn bảo lãnh cho ba má tôi qua đoàn tụ, hai anh lớn đi du học ở Đức từ 1970 cũng xin qua Úc, cả gia đình chúng tôi sống gần bên nhau, y như hồi cỏn nhỏ vậy. Tôi cũng đã lập gia đình riêng, quên hết mọi chuyện quá khứ.

Loan cũng nhiều lần vượt biên nhưng không thành công, đành phải ở lại quê hương chờ thời. Có thể là số mạng của nó không phải cực khổ ngoài biển khơi, nên sau khi ba của nó (là Lính Cộng Hòa) được di dân qua Hoa Kỳ theo chương trình HO, vào năm 1993, ông đã bảo lãnh con gái qua Hoa Kỳ sinh sống, lâu lâu hai dứa tôi cũng gọi điện thoại hỏi thăm nhau đủ điều, nói với nhau đủ thứ chuyện, vui lắm.

Tôi đã tưởng có thể quên đi những gì trong quá khứ, nhưng Cần Thơ, bến Ninh Kiều vẫn còn đâu đó trong tâm khảm của tôi, cho đến một hôm, tôi tình cờ nghe nhắc đến cái tên Ninh Kiều qua một bài hát :

“Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô.
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô.
Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều.
Sao anh không thấy về Ninh Kiều... ”

Bài hát làm cho tôi nhớ lại Ninh Kiều vô cùng, nhớ lại luôn những gì trong quá khứ của riêng tôi, vừa nghe bài hát, tôi vừa trải tâm tư trở lại ngày xua, ai đó đã dìu tôi bước trên cỏ khô trong chiều hoang vắng. Tôi chợt có ý định trở về thăm lại bến ngày xưa, nhưng nhớ lại cuộc tình của tôi đã theo gió thoảng mà bay đi rồi, đâu còn gì đâu nữa mà mơ:

“Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van.
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển”

Nên tôi không có ý định về thăm quê hương nữa, mà chỉ hy vọng một ngày nào đó đất nước trở lại thanh bình, tự do, an lạc như ngày xưa:

“Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương
Tây Đô sẽ sống lại yêu thương”
(Chiều Tây Đô, Lam Phương.)

Hơn ba mươi chín năm qua rồi, tôi tưởng đã quên hết mọi chuyện, cho đến một hôm, Loan gọi điện thoại cho tôi:

- Dũng My... ngồi cho vững... tao báo cho mày một cái tin quan trọng...

- Rồi, ngồi vững rồi, nói đi...

- Tấn Tang... mày còn nhớ Tuấn không...?

- Còn nhớ... nhưng cũng đã quên rồi... có chuyện gì hông ?

- Anh ta vừa được con gái bảo lãnh qua Mỹ, đã gọi điện thoại cho tao... tới thăm tao nữa... mục đích là hỏi thăm mày.

- Hỏi cái gì nữa mà hỏi... Hồi đó không hỏi... bây giờ hỏi làm chi... chuyện... xưa rồi Diễm... Con nhỏ Thanh... vợ ảnh đó...có đi theo ảnh gặp mày không ?

- Hông... ảnh ly dị lâu rồi. Tấn năn nỉ quá... nên tao thương tình...cho ảnh số điện thoại của mày rồi... số ở cửa tiệm của mày để... muốn nói chuyện với cố nhân thì nói, còn không thì... sorry, lộn số... không có ai tên Dũng My ở đây hết.

- Mày có nói cho ảnh biết hoàn cảnh gia đình của tao hông ?

- Hông . . .

Tôi gác điện thoại, dửng dưng như không có chuyện gì xẩy ra hết. Định mệnh đã an bài rồi... không có ai có thể quay ngược lại quá khứ hết.

Chuông điện thoại reo vang ... tôi vừa giao hàng cho khách vừa nhắc ống nghe :

- Làng Quê Bookshop, kính chào quý khách...

- Tôi tên là... Tấn... ở Mỹ... muốn nói chuyện với bà Dũng My...

Mặc dù đã được Loan báo trước rồi, nhưng tôi vẫn có đôi chút giựt mình...chỉ một giây sau, tôi đã trấn tỉnh, trở lại bình thường:

- Tôi là Dũng My đây... chào... bác... bác vẫn khỏe...

- Dũng My đó hả...anh vẫn khỏe, anh vừa được con gái bảo lãnh qua Mỹ, tìm lại những bạn bè xưa, đã gặp Loan. Anh có hỏi thăm Loan nên được biết số điện thoại của em, anh mừng quá, gọi cho em ngay. Em hiện giờ ra sao? Em vượt biên từ năm nào ? Cuộc sống ra sao...?

- Tôi vẫn sống bình thường... còn bác... ra sao...?

- Anh không có số vượt biên, nên đành ở lại nhà. Con gái anh lấy chồng người Mỹ gốc Việt, chồng bảo lãnh qua Mỹ ở cả năm nay rồi. Tụi nó sanh con đầu lòng, mới anh qua thăm cháu ngoại, anh làm đơn xin đi một tháng thăm cháu, ai dè Bộ Di Trú xét hồ sơ, thấy anh độc thân, có một đứa con duy nhất, nên hỏi anh... có muốn... di dân qua Mỹ sống luôn hay không? Anh đồng ý, nên có thẻ thường trú nhân rồi.

- Chúc mừng bác... nhưng mà... bác đã... lấy vợ rồi... sao lại khai là... độc thân...?

- Anh ly dị vợ từ lâu rồi...

- Sao dzậy... ?

- Anh chỉ thương có một mình em... anh chỉ muốn lấy em thôi, chứ anh đâu có muốn lấy bả đâu. Tại vì giữa ba má anh và ba má em... có sự hiểu lầm... nên mới xẩy ra chuyện đó.

- Chuyện xưa rồi... nhắc lại làm chi nữa . . .

- Anh tìm em... gọi điện thoại cho em... chỉ muốn giải bày với em mà thôi.

- Lúc khác đi... tôi phải về nhà nấu cơm cho con cái ăn... hơn nữa, bên Úc là buổi chiều, nhưng bên Mỹ chắc là khuya lắm rồi... bác đi ngủ đi... mai còn phải dậy sớm đi làm...

- Cám ơn em đã lo cho anh... cho anh vài phút nữa thôi... anh muốn giải thích cho em hiểu tình cảnh của anh . . .
... Bữa ba má anh tới nhà em tính làm đám nói, nhưng có thể vì ba má anh không nói rõ ràng. Đáng lý là ba má anh phải nói là “Mang trầu rượu qua làm đám nói” đằng này ông bà chỉ nói... “Mang quà sang nói chuyện với hai bác”, nên khi ba má anh tới, không thấy ba má em tiếp đón, ổng bả giận, cho rằng ba má em không muốn gả, nên mới kêu anh... đi lấy người khác.

- Ngay bữa sau, mình đi chơi... tui cũng đã nói lại rồi mà... tui nói ba má tui đồng ý gả rồi mà...

- Anh có về nói lại với ba má anh rồi, nhưng ổng bả lại bắt lỗi là má em đòi hỏi nhiều quá, đòi hỏi là cưới nhau ở đâu? Lấy gì sống? Ý muốn đòi anh với em phải có nhà riêng... phải có tiền để sống... tức là ý vẫn là từ chối. Anh nói đưa ba má qua gặp ba má em lần nữa để nói lại cho rõ, anh đâu có cần lấy vợ gấp gáp như vậy! Má anh nói là anh chỉ còn vài ngày phép nữa thôi, phải về đơn vị hành quân nữa, không biết chừng nào mới lại được về phép... biết đâu lúc đó anh đã... ngủm cù đeo rồi. Mà nhà anh chỉ có mình ên anh thôi hà, ổng bả sợ... mất giống, nên cứ một hai đòi anh phải kiếm vợ cho mau trước khi trình diện đơn vị.

Ngay lúc đó, ba má của Thanh qua chơi, ba má anh buồn bực mới nói ra chuyện anh với em. Ba má Thanh nhân cơ hội đó, mới nói... nếu vậy kêu cháu Tấn nó... cưới con Thanh nhà tui đi... Tụi tui ưng rồi đó, mà hai đứa nó cũng đi chơi với nhau hoài rồi. Ba má anh nghe vậy, mới tự ý đem trầu cau qua hỏi Thanh cho anh. Anh lo đi chơi với em, đâu có biết gì đâu, tới khi về nhà mới nghe ba má anh nói là đã đi hỏi Thanh cho anh rồi, anh nổi giận không đồng ý, nói ba má đi hồi lại đi, con hổng có lấy cô Thanh đó đâu.

Ba má anh không chịu đi, anh một mình xách xe chạy lại nhà của Thanh nói :

- “Ba má con đi hỏi Thanh cho con mà chưa hề hỏi ý kiến của con. Con với Thanh hổng có hạp với nhau, xin cho con từ chối.”

Ngay lúc đó, ba má anh cũng chạy lại, hai bên nói chuyện với nhau, ba má Thanh nói là :

- “Anh chị đã đồng ý ngày làm đám cưới rồi, gia đình tui đã báo tin mừng cho bà con hay hết trơn rồi, đã đặt in thiệp rồi... đã đặt nhà hàng rồi... làm sao mà hồi lại đây! Mới đồng ý bữa qua, bữa nay hồi lại... con gái tôi nó ế chồng... ai chịu cho gia đình tụi tui đây...”

Kế đó, má của Thanh kêu cổ ra... cổ khóc lóc quá chừng, nói là tưởng anh thương cố, anh mới nhờ ba má qua làm đám nói... giờ lại qua hồi lại... cổ buồn... cổ dám... tự vận lắm.

Hai bên cãi qua cãi lại om xòm trời đất... anh không biết làm sao, bỏ đi về.

Về tới nhà, tới phiên má anh than khóc rền trời đất. Bả nói anh là thằng con bất hiếu, mê em mà bỏ cả gia đình. Bên nhà em đã từ chối, lại còn không thèm tiếp ổng bả, vậy mà cứ đâm đầu đi theo, trong khi gia đình của Thanh đã đồng ý rồi thì lại không ưng. Mai mốt đây ra trận nữa... lỡ chết... gia đình lấy ai mà nối dõi đây...

Má anh thì kêu khóc om xòm, còn ba anh thì lấy rượu ra uống nguyên chai... anh làm sao bây giờ....
Anh biết ba má em thương anh, nhưng có thể ba má ngại là anh đi lính bỏ em ở nhà một mình...em lại còn đang đi học, đâu có nghề nghiệp gì mà nuôi thân. Anh hiểu chuyện đó, nên có ý chờ em học xong ra trường, lúc đó anh cũng lên lon có chức phận rồi, cưới nhau cũng chưa muộn. Nhưng ba má anh thì lại sợ... lỡ anh chết nay chết mai... nên cố ép anh lấy vợ cho có con nối dõi.

- Thôi... chuyện đó nó... qua rồi... Bác nói ra cũng hả tấm lòng rồi... tôi cũng hiểu tại sao rồi. Nay bác được con cái bảo lãnh qua Mỹ nuôi dưỡng rồi... bác cứ an hưởng tuổi già đi cho khỏe.

- Để anh nói tiếp cho em nghe... anh lấy vợ rồi thì mỗi người một phương, anh phải lo chuyện lính tráng, hành quân, Thanh còn phải lo phụ cha mẹ nên cũng ít qua nhà anh. Khi sanh đứa con gái đầu lòng, Thanh ở riết bên ba má minh, lấy cớ là má lo nuôi con dùm, ba má anh muốn thăm cháu là phải qua nhà Thanh. Một lần anh về phép, Thanh lục bóp, thấy anh còn để tấm hình của em ở trong đó, Thanh giận dữ lấy ra xé nát rồi còn cự nự anh đã lấy vợ mà còn để hình bồ. Anh trả lời hình đó chỉ là kỷ niệm mà thôi, chứ anh lấy vợ rồi là chỉ biết vợ con thôi, chưa hề bao giờ gặp lại em. Cứ nhiêu đó mà cãi lộn hoài, nên khoảng nửa năm sau là anh với Thanh nộp đơn ly dị.

Đôi lúc về phép, đi ngang nhà em, anh cũng muốn gặp em để giải bầy mọi việc, nhưng cảm thấy ngại ngùng, vì nghi rằng em sẽ không bao giờ tiếp anh, nên anh cứ đi qua đi lại trước nhà em rồi đi về.

Khi mất nước, anh vẫn còn cùng đơn vị hành quân, kéo nhau về tới Sài Gòn thì nghe ông Tổng Thống đầu hàng, chán quá bỏ về Cần Thơ, sau đó bị đi tù cải tạo. Khi về nhà, anh có đi ngang nhà em lần nữa, nghe em đã vượt biên rồi, cũng mừng cho em. Anh lo kiếm việc làm nuôi thân và phụ ba má. Mỗi lần nhớ tới em, anh thấy càng buồn thêm, chỉ mong qua bên đó, em lấy được tấm chồng xứng đáng, có cuộc sống hạnh phúc mà quên anh đi. Phần anh, anh buồn cho số phận nên cũng chẳng nghĩ gì đến lấy vợ nữa. Ba má anh đã một lần hối anh rồi, nên ổng bả không có hối nữa. Bây giờ gặp được em, anh cám ơn em đã cho anh giải bầy mọi chuyện. Anh đã nói xong rồi, bây giờ anh xin nói một câu nữa: Anh xin lỗi đã làm cho em phiền lòng những ngày trước đây. Anh đã làm sai, anh đã trả giá cho sự sai lầm của anh. Hãy tha lỗi cho anh.

Tôi nghe Tấn nói . . . giọng nói của Tấn vẫn còn trong và khỏe mạnh như ngày xưa . . . tôi tưởng tượng ra hai đứa đang đi bộ trên đường Lê Lợi, bến Ninh Kiều . . . tôi nhớ khi Tấn nói khi được về phép sẽ đến thăm tôi, tôi đã hỏi anh:

- “... Tại sao anh lại phải... đến thăm em...?”

Tấn ngừng lại nhìn tôi... tôi cũng nhìn lại Tấn...

Gió bên sông bắt đầu thổi...

Bất chợt tôi nghe giọng nói của Tấn :

- “... Tại vì... anh thương em... ”

Lúc đó, mặt tôi đỏ lên... tai tôi lùng bùng không nghe được gì nữa... không biết là tại vì gió bên sông thổi qua hay là vì lần đầu tiên trong đời tôi được nghe một lời tỏ tình êm dịu như vậy... tôi quýnh quáng không biết nói gì... không biết làm gì... tôi phải có một cái gì đó để mà làm điểm tựa... sẵn có bàn tay của Tấn đang nắm lấy tay tôi, tôi cứ thế mà nắm chặt lấy bàn tay của Tấn.

Bây giờ nghe Tấn nói chuyện, mặt tôi không đó lên nữa... nhưng nước mắt của tôi chảy dài trên má... chuyện tình của tôi với Tấn thật đẹp, thật nên thơ... nhưng mà chỉ như là một cơn gió thoảng mà thôi... Thúy Đã Đi Rồi.



Nguyễn Khắp Nơi

(Viết theo lời kể của một cô gái sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, Bến Ninh Kiều, học trường Đoàn Thị Điểm. Tên những nhân vật trong truyện đã được đổi, cốt truyện cũng được thay đổi phần nào.)