PDA

View Full Version : Phi vụ cuối cùng .



loibangTQLC
04-27-2009, 03:26 AM
Bài của Đỗ Quốc Anh Thư :
"Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972 kết thúc. Cộng Sản bị thảm bại khắp nơi trên chiến trường miền Nam. Tương tự như cuộc tổng tấn công hồi Tết Mậu Thân năm 1968, hàng chục ngàn cán binh Việt Cộng đã phơi thây, hoặc bị thương, hoặc bị Quân Ðội VN Cộng Hòa bắt sống. Chiến xa T-54, đại bác 130 ly, hoả tiễn SA-7, súng phòng không 37 ly, súng AK-47 và hàng chục ngàn tấn đạn B-40 do Nga Tàu cung cấp cho VC nằm ngổn ngang trên chiến địa. Các cơ quan truyền thông ca ngợi:
"Bình Long anh dũng"; "Kontum kiêu hùng"; "Trị Thiên vùng dậy".
Đó là 3 mặt trận lớn nhất: VC đã gặp sức đối kháng mãnh liệt của Quân Đội VNCH. Nhiều người lạc quan tưởng rằng, Quốc Tế Cộng Sản do Nga Tàu điều khiển, không bao giờ có thể chiếm được miền Nam.
Thế nhưng, không lâu sau, tình thế xoay chiều 180 độ. Hoa Kỳ thay đổi chiến lược, rút lui khỏi chiến trường qua Hiệp Định Ba-Lê 1973 và cắt đứt viện trợ cho VN Cộng Hoà.
Làm sao miền Nam nhỏ bé, vũ khí lại thiếu thốn, mà có thể đương đầu với cả khối Quốc Tế Cộng Sản?
Mùa xuân 1975, lịch sử sang trang. Mở đầu, VC đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long, rồi tấn công Ban Mê Thuột. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II ở Pleiku, được lệnh rút lui ra Nha Trang để "tái phối trí". Cuộc hành quân triệt thoái khẩn cấp này đã làm cho Binh Sĩ và đồng bào trong vùng Cao Nguyên Trung Phần hoảng hốt, chạy theo Bộ Tư Lệnh QĐ II. Thế là quốc lộ 7 — con đường triệt thoái — biến thành địa ngục trên trần gian. Hàng ngàn người bị chết thê thảm, hoặc bị thương, nằm la liệt dưới làn mưa pháo của VC từ ngày này sang ngày khác.
Hệ quả tai hại nhất là tác dụng tâm lý: Quân Nhân, Công Chức và đồng bào miền Nam rúng động. Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác ở miền Trung, bị hỗn loạn trước khi sa vào tay giặc Cộng.
Không giấy bút nào có thể thuật lại được tất cả những thảm cảnh đầy máu và nước mắt của đồng bào miền Trung trên đường chạy trốn Cộng Sản.
Trên đà đắc thắng, Việt Cộng tiến quân như vũ bão. Hoa Kỳ không hề có phản ứng nào tích cực theo lời cam kết trong Hiệp Định Ba-Lê 1973. Nhiều cường quốc khác cũng im lìm trước việc Cộng Sản xé bỏ Hiệp Định, xua quân đánh chiếm VN Cộng Hòa.
Trong 20 năm chiến đấu, Quân Dân VNCH càng tin tưởng vào Hoa Kỳ bao nhiêu thì bây giờ càng thất vọng chừng nấy. Thảm cảnh "nước mất nhà tan" diễn ra, đột ngột và đau thương chưa từng thấy trong lịch sử VN.

*
* *
Vào lúc 11 giờ ngày 28.4.1975. Tiếng súng giao tranh cùng với tiếng đại bác liên tục nổ "ầm ầm" ở phía Hốc Môn, Biên Hòa, Dĩ An, Tân Cảng, Bình Dương, Củ Chi, Lai Khê, Phú Giáo và nhiều địa điểm khác, chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng năm mười cây số. Dấu hiệu này cho thấy, chỉ còn vài ba ngày nữa, miền Nam sẽ sa vào thảm hoạ Cộng Sản. Vì thế, dân chúng mới lo sợ: Trên đường phố Sài Gòn, xe chạy hỗn loạn. Người nào cũng hối hả, đi tìm đường thoát thân ra ngoại quốc.
Đứng trước vực thẳm, Tuấn cũng như Bình, rất lo ngại cho gia đình. Tội nghiệp nhất là các trẻ thơ. Khi đánh chiếm thành phố Sài Gòn, thể nào VC cũng áp dụng chiến thuật "Tiền Pháo Hậu Xung" của Tàu Cộng — pháo kích như mưa, trước khi xua quân vào chiếm mục tiêu. Nhớ lại thảm cảnh máu lửa — súng nổ người chết, nhà cửa tan hoang — khi VC tấn công vào Sài Gòn và Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, ai cũng cảm thấy rùng mình.
Dù sao, cả tháng nay, Tuấn và Bình — cùng với anh em Không Quân trong phi đoàn — vẫn tiếp tục hoàn tất trách nhiệm: Ban ngày, bay yểm trợ cho quân bạn; ban đêm, bay túc trực trên không phận Biên Hòa để phòng thủ phi trường.
"Miền Nam sắp thất thủ? Lẽ nào, phi vụ hôm nay là phi vụ cuối cùng"?
Bình thầm hỏi như thế, rồi mở cửa, bước ra khỏi phòng lái chiếc UH. Sau khi bay yểm trợ cho Sư Đoàn 25 Bộ Binh, anh trở về phi trường Tân Sơn Nhất. Chưa khi nào Bình cảm thấy lo âu như bây giờ. Vì thế, ngay sau khi bước xuống phi cơ, Bình vội vàng ngỏ lời từ biệt phi hành đoàn, rồi lấy xe gắn máy, chạy thẳng về Thị Nghè ....
*
.... Lúc gần đến cổng nhà, Bình cho xe chạy chậm. Trong khi đó, Thu Mai đang ngồi đăm chiêu ở trước cửa. Vừa nghe thấy tiếng xe "quen thuộc", nàng ngẩng đầu lên nhìn: "Đúng là Bình"! Nàng mừng quýnh, vội vàng ẵm bé Châu, bước ra ngoài cổng đón Bình.
- Sao hôm nay anh được về sớm vậy?
Bình cười gượng gạo, rồi trả lời cho có lệ:
- Gặp "trở ngại kỹ thuật", anh phải bay về Tân Sơn Nhất.
- Bố cũng vừa mới đi làm về, đang ở trong nhà. Còn hai cô gái cưng — Diễm và Phượng — đang chơi với cô Hương và cậu Thiện ở trên gác.
Bình đưa tay, ẵm bé Châu, rồi theo Thu Mai, bước vào nhà. Bên trong, ông Hữu đang ngồi trầm tư ở phòng khách. Đôi mắt ông lộ rõ vẻ lo âu khi ngước lên nhìn Bình:
- Có hy vọng nào, miền Nam được trung lập không con?
Bình vừa lắc đầu vừa nói với cha:
- Việt Cộng đang thắng thế, mỗi ngày miền Nam mất thêm mấy tỉnh, làm sao mà có chuyện trung lập được nữa?
- Người ta đồn, khi Dương Văn Minh lên cầm quyền, miền Nam sẽ trung lập.
Bình đưa bé Châu cho Thu Mai ẵm, rồi ngồi sát bên cạnh cha thì thầm:
- Sáng nay, con đi bay yểm trợ cho SĐ25 ở căn cứ Củ Chi. Khi vừa đáp phi cơ xuống sân cờ của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn thì ông Trung Tá trong phòng Hành Quân chạy ra, nói nhỏ với con:
"Ba sư đoàn VC đang siết chặt vòng vây căn cứ này. Bây giờ anh cho phi cơ bay vài vòng quan sát, rồi bay về Sài Gòn. Chúng tôi là Bộ Binh, ở lại chiến đấu, lỡ có chuyện gì, cũng có thể tìm đường thoát được. Các anh là Không Quân, trong tình cảnh này mà ở lại đây, cũng chẳng giúp gì được chúng tôi".
Khi biết sự thật như thế, ông Hữu lại càng lo âu. Ông nóng lòng, hỏi Bình liên tiếp:
- Khi bay quan sát, con thấy tình hình chung quanh căn cứ Củ Chi thế nào? Trên đường bay về Tân Sơn Nhất, có thấy chiến xa VC xuất hiện không?
Bình trả lời "không", rồi kể tiếp:
- Mặc dù tình thế bi đát, nhưng con vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, nói với ông Tr/Tá: "Khi nhận phi vụ, không ai cho chúng tôi biết tình hình địch ở chung quanh căn cứ này!" ....
.... Ông ta nhắc lại: "Bay quan sát vài vòng và báo cáo cho tôi biết, rồi bay về Tân Sơn Nhất"...
.... Hú vía! Con vừa cho phi cơ cất cánh, mới lên cao khoảng ngọn cây, VC pháo kích tới tấp, khói bụi bay mịt mờ trên sân cờ Bộ Tư Lệnh SĐ25! Con mà cất cánh chậm, khoảng mươi giây đồng hồ thì chiếc UH và phi hành đoàn, chắc chắn bị trúng đạn đại bác, tan tành thành từng mảnh!
Ông Hữu nắm tay Bình để tỏ ý "mừng cậu con rể, vừa thoát nạn pháo kích". Bình ngồi im lặng trong giây lát rồi tỏ ý thắc mắc:
- Con không hiểu lúc ấy, ông Tr/Tá đã chạy kịp vào hầm chưa?
Trong lúc ông Hữu lấy thuốc lá trong túi áo ra, châm lửa hút, Bình kể tiếp:
- Khi phi cơ bay lên cao, con nhìn xuống, thấy căn cứ Củ Chi vẫn còn bị pháo kích. Đồng thời, ở phía đông và phía bắc, cách căn cứ khoảng vài ba cây số, có vài cụm khói lạt mầu, khả nghi là địa điểm VC đặt súng. Cả chục lần, con gọi máy vô tuyến, báo cáo cho SĐ 25 biết, nhưng không có ai trả lời. Không hiểu, máy vô tuyến của phòng Hành Quân SĐ25 bị hư hại vì pháo kích, hay chuyện gì xẩy ra?
Nghe xong, ông Hữu ngồi thở vắn thở dài. Tâm trạng của ông, không khác tâm trạng của Bình. Hai cha con đều cảm thấy chuyện cầm súng bảo vệ miền Nam, không còn là chuyện "riêng tư" của Quân Ðội VNCH, mà là chuyện khẩn thiết của toàn dân — không muốn sống dưới ách cai trị Mác-Lênin; không muốn cúi đầu "thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt".
Trước tình thế bi đát, Bình cảm thấy hoang mang, lo sợ và bực bội. Anh thầm nghĩ, mặc dù Quân Đội VNCH yếu thế — súng đạn bị hạn chế, nhiên liệu cho chiến xa và phi cơ thiếu thốn — nhưng quyết tâm chiến đấu, Cộng Sản không thể nào chiếm miền Nam dễ dàng như thế này. Ít ra, chúng cũng bị "trầy da tróc vẩy" trong vài ba năm. Chỉ tiếc là nhiều Quân Nhân muốn tiếp tục chiến đấu thì phe nhóm Tướng Tá bất xứng, không quyết tâm đánh giặc. Nếu không có lệnh xuẩn động — triệt thoái khẩn cấp để "tái phối trí" — thì làm gì có chuyện Quân Đoàn I và II tan rã! Hệ quả trầm trọng là các vùng Kontum, Pleiku, Quảng trị, Đà nẵng, Bình Tuy và nhiều tỉnh khác bị hỗn loạn.
Bên cạnh thảm trạng kể trên — do Tướng Nguyễn Văn Thiệu gây ra — hồi trung tuần tháng 4 vừa rồi, Hoa Kỳ còn cho đủ loại phi cơ vận tải, tới tấp bay đến phi trường Tân Sơn Nhất, chuyên chở hàng ngàn nhân viên sở Mỹ, di tản sang đảo Guam. Việc này, vô tình hay cố ý, làm cho Quân Dân miền Nam hoang mang. Vì đó là dấu hiệu cho thấy, miền Nam sẽ thất thủ! Không những thế, nhân viên làm sở Mỹ lại còn được phép đem theo thân nhân. Vì vậy, vài ba trăm Quân Nhân, Công Chức, hoặc Cảnh Sát — có người nhà làm sở Mỹ — đã bỏ nhiệm sở, đào tẩu ra ngoại quốc bằng con đường này.
Đồng thời, có tin cho hay là Tướng Ngô Quang Trưởng cùng Ban Tham Mưu của ông, sau khi bay trực thăng ra biển, họp với cố vấn Quân Sự Mỹ ở Đệ Thất Hạm Đội thì "bị giữ ở lại đó". Đúng hay sai? Chưa ai có thể kiểm chứng được. Ngược lại, ai cũng thấy, Quân Đoàn I của Tướng Trưởng sa vào thảm cảnh "quân vô tướng, hổ vô đầu". Nên Đà Nẵng và nhiều thành phố khác ở miền Trung, đột ngột sa vào tay giặc Cộng.
Trước đây 5 ngày, các chiến hữu Sư Đoàn III Không Quân ở phi trường Biên Hoà, đang quyết tâm chiến đấu thì bất ngờ, nhận được lệnh thiết lập danh sách, cho gia đình các Sĩ Quan đi tỵ nạn! Thế là anh em Không Quân hoang mang. Ai cũng chú tâm, tìm cách cho gia đình di tản, càng sớm càng tốt.
Bình còn được biết, gia đình các Hoa Tiêu F-5 đã được ưu tiên, chở sang đảo Guam trước đó cả tuần lễ rồi. Vì vậy mới có tin đồn là Hoa Kỳ muốn lấy lại các phản lực cơ F-5. Nên phương cách hay nhất là đem gia đình Hoa Tiêu F-5 sang đảo Guam tỵ nạn. Khi tình thế lâm nguy, Hoa Tiêu F-5 sẽ lấy phi cơ, bay sang căn cứ Không Quân U-Tapao của Mỹ ở Thái Lan.
Mấy sự việc xẩy ra — đại cương là như thế — làm nhiều người thắc mắc: Kế hoạch di tản, nhằm mục đích giúp đỡ gia đình Quân Nhân đi lánh nạn, hay chỉ là đòn tâm lý chiến, làm cho Quân Dân miền Nam hoảng hốt? Do đó mới có dư luận đồn rằng, vì quyền lợi riêng tư, Hoa Kỳ đã bí mật thỏa hiệp, trao miền Nam cho Cộng Sản. Nhiều người còn cho biết, dăm bẩy "Ông Bình Vôi" trong Quân Ðội Cộng Hoà, đã bị "tình báo CIA xúi dại trẻ con" bỏ đơn vị, thoát thân ra ngoại quốc. Mấy hôm vừa rồi, ở mặt trận Khánh Dương, Long Khánh: Các Chiến Sĩ Nhẩy Dù cùng Sư Đoàn 18 đang quyết tâm chiến đấu — đã chặn đứng được đường tiến quân của VC vào thủ đô Sài Gòn — thì nhận được lệnh, phải rút lui.
Tác hại tâm lý xẩy ra dồn dập và giây truyền, lan tràn khắp nơi: Binh Sĩ VN Cộng Hoà mang ấn tượng "thượng cấp bỏ rơi" — xuất phát từ cuộc triệt thoái Quân Đoàn II ở Pleiku — nên khi bị VC tấn công, không còn quyết tâm chiến đấu như xưa nữa. Quả là điều đau xót! Suốt 20 năm trời, Quân Ðội VN Cộng Hòa đã hao tổn không biết bao nhiêu công lao và xương máu để bảo vệ miền Nam Tự Do. Đến bây giờ, đột ngột mất vào tay giặc Cộng, chỉ trong vòng 20, hay 30 ngày.
"Khi bị VC tấn công, Sài Gòn sẽ đẫm máu! Miền Nam sẽ thất thủ"!
Nghĩ như vậy, Bình lại càng lo sợ cho gia đình, nhất là mấy đứa trẻ thơ dại. Anh thở dài rồi nhìn ông Hữu:
- Này bố!
- Con muốn nói gì?
- Con nghĩ, gia đình mình nên thuê căn nhà lầu, trên có sân thượng và cách xa căn cứ quân sự. Lúc được lệnh "di tản chiến thuật" khẩn cấp, con có thể bay trực thăng về, đón gia đình xuống Bình Thủy. Ở đó, hiện thời vẫn còn yên ổn.
Ông Hữu vừa lắc đầu, vừa nói:
- Không thể nào thực hiện được! Bây giờ, làm sao mà thuê được căn nhà lầu, có đủ điều kiện như con nói?
Biết ông Hữu không tán thành, Bình cụt hứng. Anh ngồi im lặng, nhớ lại thảm cảnh hỗn loạn ở Huế và Đà Nẵng. Khi đồng bào hoảng sợ, chạy trốn VC — vào miền Nam bằng đường biển hay xe đò — đã bị chúng bắn đuổi theo: Xác người chết nằm la liệt dọc theo đường đi, hay trên bãi biển. Lúc chạy thoát lên trên tàu thủy, nhiều nạn nhân còn gặp du đãng cướp giật tiền bạc. Trong lúc hỗn loạn, nhiều phụ nữ còn bị bọn bất lương hãm hiếp trên boong tàu!
Bình đang lo nghĩ liên miên thì Thu Mai ẵm bé Châu, từ phòng trong bước ra. Nàng ngồi sát bên cạnh Bình.
- Em nhớ nhé, khi anh vắng nhà, lúc nào em và mấy đứa trẻ cũng sẵn sàng với chiếc túi nhỏ, có vài ba bộ quần áo và giấy tờ cần thiết. Khi nghe thấy tiếng trực thăng bay vòng qua, vòng lại trên khu xóm nhà mình, em chạy ra chỗ nghĩa địa.
Thu Mai "vâng", rồi ngồi thở vắn, thở dài. Bình hiểu tâm trạng của nàng — lo sợ cho gia đình, không bao lâu, sẽ sa vào thảm cảnh ly tán.
- Gia đình anh Tuấn và cô Thảo, sợ nhà mình gần Tổng Thống Phủ, thể nào cũng bị VC pháo kích, nên không muốn tạm trú ở đây. Tất cả đã dọn về Thủ Đức. Ngược lại, anh thì e ngại ở Thủ Đức có căn cứ Sóng Thần của Thuỷ Quân Lục Chiến. Trước khi tiến quân vào Sài Gòn, thể nào VC cũng pháo kích dữ di và đánh chiếm nơi này. Em thấy không, anh và anh Tuấn, mỗi người một giả thuyết, chưa biết ai đúng, chưa biết ai sai?
Bình vừa dứt lời thì bà Hữu từ trên gác bước xuống. Thu Mai ngước mắt lên nhìn mẹ:
- Từ nẫy đến giờ, mẹ làm gì ở trên gác vậy?
Bà Hữu tỏ ý sợ hãi:
- Mẹ soạn mấy tấm ảnh, có Bình và Tuấn mặc quân phục cùng giấy tờ liên quan đến Quân Ðội... để sẵn sàng, đem đốt ...
Thu Mai hiểu mẹ có ý lo xa. Khi VC chiếm Sài-Gòn, thể nào chúng cũng cho tay sai đi lục soát từng nhà, tìm kiếm tài liệu, lùng bắt các Quân Nhân, Cảnh Sát và Công Chức VNCH. Hình ảnh kinh hoàng năm Mậu Thân 1968 — khi VC đánh chiếm thành phố Huế, chúng đã lùng bắt và sát hại hàng ngàn người — vẫn còn đậm nét trong ký ức của hàng triệu người dân miền Nam như Thu Mai. Nghĩ đến kinh nghiệm xương máu ấy, nàng ghé sát vào tai Bình thì thầm:
- Sáng nay... anh Phong đến.
Bình nhớ đến chuyện xin độc dược Cyanures, nên hấp tấp hỏi:
- Anh ấy có gởi gì cho anh không?
Thu Mai mường tượng đến thảm cảnh tự sát cả nhà thì xúc động. Nàng ấp úng, nói không nên lời.
- Anh ấy... có gởi ...
Bình đợi cả phút sau, Thu Mai vừa lau nước mắt, vừa sụt sùi nói:
- Anh ấy... nhắn, mình phải tìm đủ mọi cách để thoát thân, đường cùng thì mới sử dụng... Độc dược ... Cyanures, anh ấy đã lấy cho mình rồi đó.
Bình đổi sắc mặt, hỏi liên tiếp:
- Em để ở đâu? Em cất... ở chỗ nào?
- Ở trên gác.
Dứt lời, Thu Mai khóc nức nở. Bình ngậm ngùi, nắm chặt tay nàng. Qua làn nước mắt, ông bà Hữu cảm thấy xót xa, nhìn Bình, nhìn Thu Mai, rồi nhìn bé Châu thơ dại — vẫn thản nhiên bú sữa. Cả mấy phút sau, Thu Mai vẫn chưa lấy lại được bình tĩnh. Đôi mắt ngấn lệ, nàng ngước lên nhìn Bình. Trong khi ấy, Bình lộ vẻ đăm chiêu — muốn dặn dò Thu Mai điều gì, nhưng vẫn còn đắn đo suy nghĩ.
Những người có kinh nghiệm với Cộng Sản như Bình và Tuấn đều hiểu, khi miền Nam thất thủ, thảm cảnh chém giết, trả thù, tù đầy và nghèo khổ sẽ diễn ra khắp nơi! Chắc chắn, thành phần Quân Nhân, Công Chức và Cảnh Sát, sẽ bị trả thù, sẽ bị đầy đọa trong các trại giam. Hệ quả là hàng trăm ngàn gia đình chỉ còn lại phụ nữ và trẻ thơ. Phụ nữ thì bị công an VC hăm dọa, hạch hỏi đủ điều. Trẻ thơ thì đói ăn. Khi các em đau yếu, đem đến nhà thương thì bị cán bộ Cộng Sản ở đó, chửi rủa là con cháu "Ngụy quân, Ngụy quyền".
Bình nhớ đến cảnh đau thương của trẻ thơ trong các gia đình địa chủ ở ngoài Bắc khi xưa. Cán bộ VC đã xách động "giai cấp bần cố nông", căm thù "giai cấp địa chủ" đến "tận xương tận tuỷ". Sau khi cướp hết rung vườn, cướp hết đồ đạc và nhà cửa, chúng đem địa chủ ra đấu tố. Ác độc hơn nữa là chính sách cô lập "con cháu địa chủ" ở trong nhà cho đến khi chết đói!
Do đó, Bình đã đồng ý với Tuấn: Đường cùng, tự sát cả nhà là giải pháp êm đẹp nhất. Không thể nào sống dưới ách cai trị của chế độ phi nhân Cộng Sản! Vì thế, cách đây mấy hôm, Bình mới đáp phi cơ trực thăng xuống Tổng Y Viện Cộng Hòa. Anh đã đến phòng thí nghiệm, gặp Dược Sĩ Phong để xin độc dược Cyanures. Bình nói mãi, Phong mới bằng lòng, đem độc dược đến cho Bình — đủ dùng cho cả nhà khi cần.

loibangTQLC
04-29-2009, 05:13 AM
Tiếp theo hồi ký PHI VỤ CUỐI CÙNG .


Trong phi trường Tân Sơn Nhất, [vào lúc buổi chiều ngày 28-4-1975], các chiến hữu Không Quân, từng toán dăm bẩy người tụ tập, kẻ đứng người ngồi dọc theo dẫy nhà vòm ở đầu phi đạo W7. Họ bàn tán xôn xao về chuyện Nội Các Chính Phủ VN Cộng Hòa, thay đổi "nhanh như chong chóng".

• Sau khi Tướng Thiệu từ chức Tổng Thống, cụ Trần Văn Hương lên thay thế. Không hiểu sao bây giờ lại có tin, cụ ấy sắp sửa giao quyền cho Dương Văn Minh. Hắn là kẻ cầm đầu nhóm "Tướng Tá Phản Loạn", lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1963. Miền Nam liên miên ở trong tình trạng đen tối, lúc thì "thù trong giặc ngoại", lúc thì gặp kẻ lãnh đạo bất xứng. Như vậy, làm sao đối phó với Cộng Sản?

• Tiến Sĩ Vũ Văn Mẫu, về chuyên khoa thì cao, nhưng về kinh nghiệm Quốc Cộng lại quá thấp kém. Chứng cớ là năm 1963, ông ta đã cạo trọc đầu để phản đối Chính Phủ Ngô Đình Diệm và tỏ lòng ủng hộ phe nhóm Thích Trí Quang -- kẻ cầm đầu bọn "sư sãi hổ mang", gây rối loạn ở Sài Gòn và Huế suốt mấy năm trời! Như vậy, cho họ Vũ làm Thủ Tướng, để rước Cộng Sản vào Sài Gòn hay sao?

• Đến giờ phút này mà Nguyễn Cao Kỳ vẫn còn nói nhăng nói cuội, tuyên bố vung vít. Mấy hôm nữa, thể nào hắn cũng chuồn ra ngoại quốc, tương tự như phe nhóm Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm đã làm!

• Súng đạn và nhiên liệu, còn có thể sử dụng được bao lâu nữa, để đương đầu với Cộng Sản?

• Trung Lập hay Liên Hiệp với Cộng Sản thì trước sau, cũng bị chúng tiêu diệt ....

Quả thật, vận nước suy đồi như thế là cùng! Từ năm 1954 đến nay, miền Bắc VN sa vào thảm họa Cộng Sản, dân chúng phải cúi đầu "thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt" và "làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm", nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc! Còn miền Nam VN, sau khi Chính Phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963, phe nhóm "Tướng Tá Phản Loạn", tranh giành nhau quyền lực. Kém khả năng, thiếu đức độ, làm sao chúng có thể lãnh đạo Quân Dân miền Nam, chống lại bọn gian manh Cộng Sản?



Trở về chuyện đón gia đình vào Tân Sơn Nhất bằng trực thăng, Bình vẫn còn cảm thấy "hú vía". Sau khi đem gia đình "tạm trú" trong căn nhà vòm ở đầu phi đạo W7, anh không thấy ai nói đến chuyện "di tản chiến thuật xuống Bình Thuỷ". Bình thầm nghĩ:
"Không biết chừng, đêm nay, hoặc vài tiếng đồng hồ nữa thôi, sẽ có lệnh triệt thoái khẩn cấp"?
Như vậy, nếu có lệnh "di tản chiến thuật", anh sẽ đem được gia đình đến nơi an toàn. Ngược lại, nếu đó là tin đồn thất thiệt thì hiển hiện, Bình đã đem gia đình vào chỗ chết. Vì lẽ, phi trường Tân Sơn Nhất là mục tiêu hàng đầu của Cộng Quân. Chúng sẽ pháo kích tới tấp, trước khi tấn công vào thành phố Sài Gòn! Do đó, Bình mới lo sợ, đứng ngồi không yên.
Trên thềm xi-măng, bên cạnh dẫy nhà vòm, hàng chục chiếc khu trục cơ F-5, A-37 của Sư Đoàn I, II và III Không Quân "di tản chiến thuật" về Tân Sơn Nhất, không biết còn khả dụng hay không mà "nằm im lìm" trong lúc VC tấn công tới tập! Phía bên trái, cả trăm chiếc trực thăng UH võ trang, tải quân, cứu thương, đậu ngổn ngang trên bãi cỏ. Ở đây, anh em Không Quân tụ tập, nói chuyện ồn ào. Nhưng thực ra, trong thâm tâm ai cũng hoang mang, lo sợ: Miền Nam đang bước vào cơn hấp hối. Bình còn thấy, ở phía bên trái dẫy nhà vòm, nhiều Quân Nhân đứng ngơ ngác, trông như kẻ mất hồn. Thế nhưng, mỗi khi trông thấy chiếc vận tải cơ C-130, hay C-141 cất cánh, họ đều liếc mắt nhìn theo, trong lòng ao ước được theo chuyến phi cơ ấy đi tỵ nạn. Chuyện xẩy ra chỉ vì, từ đầu tháng đến nay, hàng chục ngàn Quân Nhân đã cho thân nhân ra ngoài Vũng Tàu, hoặc đảo Phú Quốc. Những người có quyền hành cao hơn, có tiền bạc nhiều hơn, hoặc phe nhóm mạnh hơn, đã móc nối, gởi gia đình di tản sang đảo Guam.
Bình càng thăm dò tình hình, càng cảm thấy hoang mang. Mãi đến bây giờ anh mới nhận ra: Ở đầu phi đạo W7, anh là người duy nhất đem theo gia đình. Lẽ ra, tất cả hành khách dân sự, không được ai đến khu "cấm địa" này. Bình biết vậy, nhưng bây giờ làm thế nào? Khi gặp anh em Không Quân ở đầu phi đạo W7, Bình nhận thấy, họ đều có tâm trạng tương tự như Bình: Ai cũng mong muốn, nếu không bay hành quân thì bay xuống Bình Thuỷ để "tái phối trí". Không ai muốn khoanh tay, chờ chết. Thế nhưng, hết giờ này đến giờ khác, họ đợi chờ, rồi lại đợi chờ*!
Bình đi dọc theo dẫy nhà vòm, vừa tìm Tuấn, vừa lo nghĩ liên miên. Vô tình, khi nghe tiếng phi cơ, anh ngước mắt nhìn trên bầu trời: Hai chiếc khu trục cơ A-37 xuất hiện. Bình cùng nhiều anh em Không Quân thản nhiên. Vì A-37 là phi cơ khu trục của Quân Đội VN Cộng Hòa.
Nhưng không! Bình đã lầm. Tất cả anh em Không Quân đã lầm. Hai chiếc phi cơ ấy đang thay phiên nhau nhào xuống. Bình nhìn thấy rõ, mấy trái bom -- to và dài gấp hai ba lần trái mít -- từ trên cao rơi xuống đài kiểm soát phi trường.
- Việt Cộng thả bom! Phi cơ Việt Cộng thả bom!
Tiếng bom nổ "ầm ầm" như trời long đất lở. Bình nằm rạp xuống thềm xi-măng. Nhóm Quân Nhân ở bãi đậu trực thăng chạy tán loạn. Người thì chạy vào trong nhà vòm. Kẻ thì chạy xuống dưới rãnh nước ở kế bên. Bình nằm ngẩng đầu, nhìn xung quanh. Anh yên tâm khi thấy gia đình anh đang ngồi trong căn nhà vòm. Còn ở phía đài kiểm soát, nhiều cột khói bốc lên cao, cách chỗ Bình chỉ chừng vài chục bước.
- Nó bay vòng lại kià!
Lần này, đa số anh em Không Quân đã lấy lại bình tĩnh. Họ dùng đủ loại súng như M-60, M-16 và Carbine, bắn lên phi cơ. Hàng loạt đạn nổ ròn như tiếng pháo mừng xuân. Xen kẽ là tiếng gọi nhau ơi ới. Khói và mùi thuốc súng toả ra khét lẹt. Mặc dù tinh thần căng thẳng, nhưng Bình phải phì cười khi nhìn thấy anh Hạ Sĩ đứng bên khẩu súng phòng không -- ở trên nóc nhà vòm. Lúc thì anh ta mở chiếc áo mưa ở bên ngoài khẩu súng ra. Lúc thì anh cầm chiếc áo mưa ấy, che kín khẩu súng lại như cũ. Anh ta làm đi làm lại mấy lần, ngập ngừng không bắn -- ý chừng chờ lệnh!
- Bắn! Bắn! Chờ gì nữa!
Bình hét lên như vậy! Sau đó, anh ta mới khai hỏa. Thêm lần nữa, từ trên không trung, hai chiếc A-37 lại thay phiên nhau lao xuống. Bom lại rơi xuống. Tiếng nổ lại vang lên! Cả khu nhà vòm lại rung chuyển.
Mãi đến lúc hai chiếc A-37 bay đi xa, từng toán Quân Nhân mới tụ tập, bàn tán xôn xao. Họ mở máy thu thanh để theo dõi từng biến chuyển: Lệnh giới nghiêm vừa được ban hành. Bình thất vọng não nề. Bây giờ, anh biết đem gia đình đi đâu lánh nạn? Càng lo nghĩ, tâm trí Bình càng bấn loạn. Anh có ý ân hận đã đem gia đình vào Tân Sơn Nhất: Phi trường quân sự, bao giờ cũng là mục tiêu chính yếu để VC pháo kích, hoặc ném bom. Hoá ra, Bình đã dẫn gia đình vào tử địa? Nhìn gia đình, Bình đau xót. Nhìn anh em Không Quân đứng ngồi hỗn loạn, Bình nhớ lại truyện Tam Quốc Chí ngày xưa:
Đoàn quân của Lưu Bị bị giặc Tào Tháo đánh bại, cũng thất thểu, cũng bận bịu thê nhi. Thế nhưng, "Quan Quân" của Lưu Bị vẫn chung vai sát cánh bên nhau. Ngược lại, các Chiến Sĩ Cộng Hòa hiện thời, quả thật là "những kẻ xấu số". Trong lúc quốc biến, "Quan Quyền" của họ, dẫn đầu phe nhóm Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm, lần lượt đảo ngũ, thoát thân ra ngoại quốc ....
... Càng suy nghĩ, Bình càng bi quan. Anh bước đến ngồi bên cạnh Thu Mai.
- Bây giờ, ở lại đây, hay đi đâu hở anh?
- Anh đang nghĩ, tìm cách đưa gia đình về nhà bà nội. Khu chung cư Minh Mạng mà bà đang ở, có lẽ là nơi an toàn hơn cả. Nhưng kẹt vì lệnh giới nghiêm, không thể di chuyển được...


... Mỗi lần nhớ đến bà nội, Bình lại cảm thấy ngậm ngùi. Cách đây mấy ngày, Bình chở vật dụng từ Biên Hòa về Sài Gòn, gởi ở nhà bà. Ngay sau đó, anh vội vàng, vào phi trường để tiếp tục phi vụ hành quân. Bà nội tiễn cháu ra cửa, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Giọng bà nghẹn ngào, như vẫn còn lảng vảng bên tai Bình:
"Bà... già rồi, không bao lâu... nữa bà... chết. Nếu có cơ hội, mang gia đình sang Mỹ, cháu cứ đi. Trong lúc khẩn cấp, đừng bận tâm về bà. Cháu mà quyến luyến, rồi kẹt cả gia đình thì khốn đốn với bọn VC đấy".
Bình xúc động, nhìn bà nội. Anh ấp úng, nói "vâng", rồi vội vàng leo lên xe -- vì e ngại, trễ giờ hành quân. Bà nội đứng nhìn cháu lần cuối! Bình linh cảm như vậy, nên liền quay xe lại, nắm chặt tay bà. Giây phút sau, anh nghẹn nghèo, mở túi áo lấy phân nửa số tiền hiện có, đưa biếu bà nội. Nhưng bà nội từ chối, viện lẽ là cháu cần giữ tiền, phòng thân khi chạy loạn. Bình nhanh tay, nhét tiền vào túi áo bà và nói là nhờ bà "giữ giúp", rồi cho xe chạy...


... Bình đang hồi tưởng thì bất ngờ, Tuấn lững thững đi vào nhà vòm.
- Anh Tuấn! Anh Tuấn!
Thu Mai mừng rỡ gọi Tuấn. Tuấn vừa vẫy tay chào Thu Mai, vừa tiến tới, đứng bên cạnh Bình. Cả ba người đều vui mừng khi gặp lại nhau. Nhưng chỉ trong giây phút, niềm vui ấy tan biến. Bình hỏi Tuấn:
- Bay hành quân, hay kẹt ở đâu mà bọn này tìm kiếm mãi không thấy?
- Đi bay C&C cho Biệt Khu Thủ Đô từ hồi sáng sớm. Khi trở về đây, tôi thất vọng não nề: Vào phòng Hành Quân, chẳng còn thấy ai nữa.
Bình thở dài. Đoạn anh tóm lược, kể cho Tuấn nghe về phi vụ yểm trợ cho Sư Đoàn 25 và tình hình bi đát ở Củ Chi. Kế tiếp là tin đồn "bỏ ngỏ thủ đô Sài Gòn, triệt thoái về Vùng IV tử thủ". Nên Bình đã hấp tấp, bay trực thăng về Thị Nghè đón gia đình vào Tân Sơn Nhất để sẵn sàng, chờ lệnh "di tản chiến thuật".
- Không còn phi vụ hành quân, chẳng lẽ anh em mình ở đây chờ chết hay sao? Tôi đồng ý, chỉ còn cách, bay xuống Bình Thuỷ, cùng với anh em Sư Đoàn IV, chiến đấu đến cùng*.
Nhìn vẻ mặt Tuấn buồn thảm, Bình hỏi thăm:
- Chị ấy và các cháu ở đâu? Thảo ở đâu?
- Tất cả tạm trú ở Thủ Đức.
Nói xong, Tuấn ngồi im lìm bên cạnh Bình. Nhưng thật sự, tâm trí anh đang quay cuồng theo cơn biến động lịch sử: Không còn bao lâu nữa, miền Nam sẽ sa vào thảm hoạ Cộng Sản!
Đứng trước vực thẳm, bây giờ Quân Dân miền Nam mới thấm thía câu nói của Tiền Nhân, "nước mất nhà tan": Chiến đấu để bảo vệ phần đất Tự Do này, không còn là chuyện lý tưởng xa vời, mà là chuyện thiết thực ngay trước mắt. Vì vậy, Tuấn và Bình mới mong muốn, có phi vụ đi bay hành quân. Dù tình thế bi đát thế nào chăng nữa, "còn nước, còn tát" ......


......Tuấn và Bình bàn luận liên miên cả tiếng đồng hồ. Nhưng quanh đi quẩn lại, hai anh chỉ có 3 điều lựa chọn khi miền Nam thất thủ:
Một là tìm đường, đem gia đình ra ngoại quốc. Hai là theo đúng "tinh thần hiệp sĩ", tự sát để khỏi sa vào tay Cộng Sản. Ba là đi theo các chiến hữu khác vào rừng, lập chiến khu.

loibangTQLC
04-29-2009, 05:15 AM
Chính vì thế, mấy hôm trước Bình mới xin duợc sĩ Phong độc dược để phòng thân khi sa vào đường cùng. Còn Tuấn thì bảo rằng, anh em mình đều có súng, có lựu đạn trong tay, việc gì phải phiền hà, đi xin độc dược Cyanures!
Bất ngờ, có tiếng trẻ thơ khóc. Bình nói với Tuấn:
- Cháu Châu... chắc là cháu đòi uống sữa.
Vừa dứt lời, Bình đứng dậy, đi về phía trong căn nhà vòm. Ở đó, cô Hằng đang ẫm bé Châu. Bên cạnh là Thu Mai -- đang cầm tờ giấy, quạt cho Diễm và Phượng ngủ -- vì trời nóng nực. Còn cô Hương và cậu Thiện ngồi sát bên cạnh, ánh mắt vẫn lộ vẻ sợ hãi -- từ lúc phi trường bị VC thả bom. Đến gần, Bình hỏi Thu Mai:
- Chắc là Châu đói bụng. Em lấy sữa cho Châu, gần 6 giờ chiều rồi!
Lúc ấy, Tuấn cũng bước đến. Vô tình, khi Thu Mai mở túi hành lý lấy sữa cho Châu, Bình nhìn thấy nhiều vật liệu "cồng kềnh". Anh trách nàng:
- Anh đã dặn em rồi. Em mang theo nhiều vật liệu thế này, nếu lỡ có chuyện khẩn cấp, làm sao thoát nạn.
Thế là Thu Mai ngẩn ngơ, nhìn Bình phũ phàng, xé nát tất cả hình ảnh kỷ niệm và tài liệu liên quan đến Quân Đội. Bình bi quan cho rằng, không bao lâu nữa, VC tràn vào Tân Sân Nhất. Thành phần Quân Nhân như Bình và Tuấn, phải mặc thường phục thì may ra, mới có thể thoát nạn. Tài liệu và hình ảnh ở trong túi hành lý, sẽ "báo" cho VC biết rõ cấp bậc và lý lịch. Do đó, Bình dứt khoát, không luyến tiếc mấy kỷ vật ấy nữa. Nỗi ưu tư của Bình là an toàn cho gia đình và bản thân. Khi làm xong "thủ tục an toàn", Bình quay lại hỏi Tuấn:
- Làm cách nào, mình có thể đưa gia đình về khu chung cư Minh Mạng?
- Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài. Bây giờ, cổng phi trường đang đóng kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chẳng có ai được quyền ra vào. Chỉ còn cách dùng phi cơ trực thăng. Nhưng bây giờ, sử dụng trực thăng là chuyện cực kỳ nguy hiểm. Ban đêm, bay trực thăng đáp xuống bất cứ nơi nào trong thành phố, cũng bị quân mình, hay VC bắn rơi.
Nghe Tuấn nói, Bình đau nhói trong tim. Anh ân hận đã đem gia đình vào phi trường: Đầu phi đạo W7, không những là bãi đậu phi cơ, mà còn khu chứa bom đạn của phi trường Tân Sơn Nhất. Khi VC tấn công, chắc chắn W7 sẽ biến thành "biển lửa"! Bình luống cuống, không biết làm gì để thoát ra khỏi khu "máu lửa" này? Anh thầm nghĩ, thà như Tuấn, cho gia đình tạm trú ở Thủ Đức, dù mỗi người một ngả, còn hơn là đem gia đình vào chỗ chết!
*
Thế rồi, màn đêm buông xuống. Trên phi đạo, thỉnh thoảng vẫn có phi cơ cất cánh. Hầu hết là vận tải cơ của Hoa Kỳ, chở nhân viên sở Mỹ, sang đảo Guam lánh nạn. Trong khi ấy, tiếng súng liên thanh, tiếng đại bác vẫn tiếp tục nổ "ầm ầm" chung quanh thành phố Sài Gòn.
"Đùng...! Đùng...! Đùng... "!
Đột ngột, tiếng đại liên M-60 nổ dòn ngay trước mặt Bình khoảng mươi bước: Binh Sĩ phòng thủ bắn tới tấp vào khu hàng rào ở đầu phi đạo W7. Nhìn về phía ấy, trong đêm tối lờ mờ, Bình thấy mấy bụi cây đứng sừng sững như những "bóng ma VC hiện hình". Anh nhớ lại trận Tết Mâu Thân 1968. Khi tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất, cán binh VC bị bắn chết, nằm ngổn ngang ở đầu phi đạo W7 này. Vì vậy, Bình nhắc Tuấn, luôn luôn cầm khẩu M-16 trên tay. Bất cứ lúc nào, đặc công VC cũng có thể chui qua hàng rào, băng qua mấy khóm cây, đột nhập vào sân bay. Chúng chỉ cần quăng vài trái lựu đạn vào hầm chứa bom là cả khu W7, biến thành biển lửa! Làm sao gia đình Bình cùng toán Quân Nhân ở trong dẫy nhà vòm có thể thoát nạn?
Mặc dù mệt mỏi, Tuấn và Bình vẫn không thể nào ngồi yên. Tay cầm súng, hai người đi ra, đi vào. Khi đến bên cạnh anh em Không quân -- đang ngồi nghe tin tức qua chiếc máy thu thanh -- thì Tuấn và Bình thất vọng não nề: Đài Sài Gòn, không còn âm thanh hào hùng như bản "Cờ Bay" trong ngày Quân Đội Cộng Hòa tái chiếm Quảng Trị năm 1972. Không còn lời nào tỏ ý "Quyết Chiến" như "Hội Nghị Diên Hồng" hồi xưa. Ngược lại, toàn là những tin tức bất lợi cho miền Nam. Không những thế, Tuấn và Bình còn nhận ra, tiếng nói của đài Sài Gòn đã chao đảo lập trường. Họ sử dụng khá nhiều ngôn từ, tỏ ý "trọng vọng" bọn giặc Cộng Sản. Nào là "Chính phủ Lâm Thời Miền Nam VN". Nào là "Chính Phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa". Những ngôn từ ấy, càng làm Tuấn và Bình lo âu và bực bội trong lòng.
Bất ngờ, có tiếng còi hụ rú lên. Tiếp theo là tiếng người la hét:
- Pháo... kích! Việt Cộng pháo kích!
Thế là anh em Không Quân chạy tán loạn. Trên không trung, hàng loạt đạn đại bác kêu như tiếng gío hú, bay tới tấp đến phi truờng.
- Nằm... xuống! Nằm... xuống!
Bình vừa la, vừa lom khom chạy về phía Thu Mai. Đến nơi, anh kéo nàng và mấy đứa trẻ thơ, nằm bẹp xuống thềm xi-măng -- sát bên tường của căn nhà vòm.
"Ầm!... Ầm! Ầm"!
Ánh lửa lóe lên cùng với những tiếng nổ "long trời lở đất". Mặt đất rung chuyển. Cát bụi bay tứ tung.
"Ầm!... Ầm! Ầm"!... "Ầm!... Ầm! Ầm"!
Cứ thế, từng loạt đạn đại pháo liên tục, xé không gian bay đến, rơi như mưa xuống phi trường. Bình vừa hoảng hốt, vừa cảm thấy đau buốt trong tim khi nhìn, từng cặp mắt thơ ngây của ba đứa trẻ mở tròn. Chúng chưa đủ trí khôn để hiểu, Bình đã đem chúng vào phi trường -- nơi VC pháo kích dữ dội nhất trước khi đánh chiếm thành phố Sài Gòn!
- Gunships! Anh em... gunships, cất cánh!
Nghe thấy tiếng Tuấn hét lên, Bình "tỉnh trí" đứng dậy. Cùng với anh em Không Quân -- núp trong nhà vòm -- Bình hấp tấp chạy ra bãi đậu phi cơ trực thăng võ trang.
"Ầm!... Ầm! Ầm"!
Mỗi lần nghe tiếng đạn bay đến, anh em Không Quân lại nằm rạp xuống đất. Khi đạn nổ vừa xong, họ liền đứng dậy, cắm đầu chạy tiếp.
- Đủ người rồi. Bình...ở lại đây, lo cho Thu Mai và mấy đứa trẻ... bớt sợ.
Tuấn hối hả nói như thế khi bước lên chiếc trực thăng võ trang. Trong giây lát, anh cho chiếc gunship cất cánh. Dăm bẩy chiếc UH khác cũng lần lượt, cất cánh theo sau. Nhưng đa số là phi cơ tải quân và cứu thương, nên họ bay về phía Nam, hoặc lấy hướng đi Nhà Bè. Chỉ có mấy chiếc gunships, cùng với Tuấn, tự ý bay trên không phận Sài Gòn, tìm kiếm vị trí VC đặt súng đại bác.
- Phía bên phải, hướng 3 giờ!
Nghe anh Hoa Tiêu phụ nói, Tuấn cho phi cơ quẹo gắt về bên phải, để tìm ánh lửa khi pháo binh VC bắn.
- Đây rồi! Đây rồi!
Tuấn nói lớn trên vô tuyến, rồi cho phi cơ chúi xuống. Đạn hỏa tiễn gắn ở hai bên phi cơ, phụt lửa bay xuống mục tiêu.
- Gọi đài kiểm soát Paris, báo cáo vị trí đặt súng.
Nghe Tuấn nhắc, anh Hoa Tiêu phụ vừa làm thì VC từ bên dưới bắn lên tới tấp. Từng loạt đạn lửa, vạch thành đường sáng, bắn đuổi theo chiếc gunship của Tuấn.
- Tắt đen... tắt đèn bên ngoài phi cơ.
Trong khi ấy, bên dưới phi trường Tân Sơn Nhất vẫn bị VC pháo kích dữ dội.
"Ầm!... Ầm! Ầm"! "Ầm!... Ầm! Ầm"!
Hàng chục trái đạn, rồi hàng trăm trái đạn, liên tiếp rơi xuống phi trường. Trong căn nhà vòm, cô Hằng ôm bé Châu, nằm sát bên cạnh Thu Mai. Nàng dang tay ra ôm Diễm và Phượng -- như muốn hứng đạn, thay cho hai đứa trẻ thơ dại. Nằm kế bên là cô Hương và cậu Thiện. Người nào cũng sợ hãi, mặt tái xanh. Bình thì nóng lòng đợi chờ, từng giây, từng phút, mong cho tiếng đạn ngưng nổ để anh có thể lấy phi cơ, chở gia đình, bay ra khỏi khu "tử địa" Tân Sơn Nhất. Nhưng than ơi! Hết đợt này đến đợt khác, đạn đại bác liên tục rơi như mưa xuống phi trường. Cứ mỗi lần đạn nổ, đất cát lại rơi ào ào xung quanh căn nhà vòm. Bình nhận thấy, tiếng nổ mỗi lúc gần hơn.
"Chắc chắn là có VC "nằm vùng" trong phi trường, đang điều chỉnh cho đạn rơi trúng vào bãi đậu của phi cơ và hầm chứa bom -- sát bên cạnh dẫy nhà vòm".
Nghĩ vậy, Bình lại càng ân hận -- đã đem gia đình vào "chỗ chết!" Bình biết làm gì hơn là liếc mắt nhìn gia đình mình, nằm bẹp ở góc tường xi-măng để tránh đạn? Nhìn ra phía trước căn nhà vòm, Bình thấy "trống rỗng". Tâm trí Bình quay cuồng: Chỉ một trái đạn 130 ly rơi xuống là cả gia đình Bình -- đang núp ở bên trong -- thân thể sẽ tan tành! Vì thế, sau mỗi lần đạn nổ -- sỏi đá rơi "lóc cóc" trên mái nhà vòm -- Bình lại ngẩng đầu lên nhìn xem có ai bị trúng đạn không?
"Ầm!... Ầm! Ầm"! "Ầm!... Ầm! Ầm"!
Liên tục như thế, nửa tiếng, rồi lại thêm nửa tiếng nữa trôi qua. Xen kẽ tiếng đạn nổ, Bình nghe loáng thoáng, có tiếng người kêu khóc. Chắc là trong căn nhà vòm kế bên, có người bị thương?
"Ầm!... Ầm! Ầm"! "Ầm!... Ầm! Ầm"!
Lần này, đạn nổ sát bên cạnh nhà vòm. Khói tỏa vào bên trong, khiến nhiều người ho sặc sụa. Cùng một lúc, bé Châu, bé Diễm và bé Phượng khóc thét lên. Thu Mai và cô Hằng luống cuống, ôm chặt lấy chúng. Còn Bình thì co chân lên xem, có nơi nào chảy máu không? Vì lúc đạn nổ, sỏi đá bắn tung toé, rơi xuống trúng ống chân của anh.
- Chắc là căn nhà vòm kế bên, bị trúng đạn, xụp xuống rồi!
Bình thầm nghĩ như thế. Khi nghe thấy tiếng người kêu khóc, anh lại càng cảm thấy ghê sợ. Trận mưa pháo này đã biến Tân Sơn Nhất thành địa ngục. Hàng ngàn trái đạn, bắn vào phi trường thì làm sao tránh khỏi thảm cảnh: Nhà cửa đổ nát. Phi cơ bị thiêu rụi. Người chết nằm ngổn ngang. Người bị thương, kêu gào thảm thiết mà không có ai cứu giúp.
Đột ngột, anh em Không Quân -- ở trong mấy căn nhà vòm kế bên -- chạy tán loạn ra bên ngoài.
- Lẹ lên! Lửa cháy... Cháy đến kho bom rồi! Chạy nhanh lên!
Bình liền chạy ra cửa nhà vòm. Mãi đến bây giờ, anh mới nhìn thấy, hàng chục chiếc phi cơ bị trúng đạn, đang phụt lửa lên trời, trông như hoả diệm sơn. Ánh lửa tỏa ra, sáng rực cả phi trường. Bình hoảng hốt, chạy trở về phía Thu Mai. Anh vừa ra dấu tay, vừa hối hả gọi:
- Thu Mai, theo anh ra phi cơ... Cô Hằng! Cô Hương! Cậu Thiện, chạy nhanh lên, kho bom sắp cháy đến nơi rồi.
Thế là cả nhà, người lớn bồng trẻ thơ, theo Bình chạy ra bãi đậu trực thăng.
"Ầm!... Ầm! Ầm"! "Ầm!... Ầm! Ầm"!
Đạn tiếp tục nổ! Nhưng gia đình Bình không còn sự chọn lựa nào hơn là liều chết, cắm đầu chạy ra bãi đáp trực thăng: Chỉ có phi cơ trực thăng, mới có thể "giải thoát", đem gia đình ra khỏi khu "địa ngục" này!
Vừa đến nơi, gia đình Bình hấp tấp, bước lên phi cơ. Còn Bình thì nhẩy vào phòng lái, mở máy. Trong giây lát, tiếng động cơ gào thét cùng với tiếng đạn pháo kích -- vẫn liên tục nổ "ầm ầm"! May quá! Khi Bình đang chuẩn bị cất cánh thì mấy anh em Không Quân, lom khom chạy đến. Ba người nhẩy vào, ngồi trên ghế Xạ Thủ ở phía sau. Còn anh Hoa Tiêu, hấp tấp mở cửa phòng lái, bước vào ngồi bên cạnh Bình. Ngay lập tức, Bình cho chiếc trực thăng bay vút lên cao. Anh lấy hướng, bay về phía Bình Thuỷ. Đến lúc ấy, anh Hoa Tiêu phụ mới mỉm cười, nói với Bình:
- Phúc đức quá! Anh em mình vừa cất cánh thì hàng loạt đạn đại bác rơi trúng bãi đậu trực thăng. Lúc ánh lửa lóe lên, tôi quay lại phía sau thì thấy, bãi đậu phi cơ biến thành biển lửa.
Bình cười gượng gaọ, rồi tiếp tục lái chiếc UH. Nhìn đồng hồ chỉ số lượng xăng, Bình thầm nghĩ, phi cơ chỉ có thể bay khoảng từ nửa tiếng đến 45 phút đồng hồ. Bây giờ bay đi đâu? Nơi nào Bình cũng nghi ngờ, có VC, hoặc đang bị VC pháo kích. Anh sa vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Bay xuống Bình Thuỷ thì không đủ xăng. Cho phi cơ hạ cánh ở ngoại ô Sài Gòn thì rất nguy hiểm. Lúc bay xuyên qua mấy cụm mây sám, Bình đăm đăm nhìn về phía trước: Trời tối đen như mực. Nên Bình cho phi cơ xuống thấp. Tìm mãi, anh mới thấy ở phía xa, khoảng mươi dặm, loáng thoáng có ánh đèn lấp lánh như ánh sao. Bình đoán nhận, đó là khu phố tỉnh Long An.

- Việt... Cộng bắn! Phòng... không bắn!

Bình vừa nói, vừa vội vàng tắt đèn bên ngoài phi cơ. Đoạn anh cho chiếc UH quẹo gắt, bay sang bên phải. Từ dưới, hàng loạt đạn lửa tạo thành đường sáng, bay lên đuổi theo chiếc UH. Bình nói với hai anh Xạ Thủ ngồi ở phía sau:
- Đừng bắn xuống. Khu này đông dân cư lắm.
Bầu trời vẫn tối đen. Chiếc UH do Bình lái, đã tắt hết đèn bên ngoài, tiếp tục bay như "đám mây xám", lững lờ trôi về hướng Nam.

(Mời quý vị đón đọc kỳ tới:
III- Thảm Cảnh Ngoài Khơi VN Lúc “Nước Mất Nhà Tan”)

loibangTQLC
05-02-2009, 06:50 AM
Quốc Hận Tháng Tư:
Thảm Cảnh Ngoài Khơi
Lúc ‘Nước Mất Nhà Tan’
“Tháng Tư Ðen” năm nay, chúng tôi xin trích đoạn 3 phần của cuốn “truyện hồi ký” Nửa Đường Gẫy Cánh để phổ biến trên các diễn đàn. Hai lần trước --- “Phi Vụ Cuối Cùng” và “Phi Trường Biến Thành Tử Ðịa” --- đã được phổ biến.
Lần này, xin gởi đến quý vị phần “III- Thảm Cảnh Ngoài Khơi Lúc “Nước Mất Nhà Tan”.
*
Vào lúc buổi sáng ngày 30-4-1975. Trong lúc miền Nam nước Việt đang bước vào "cơn hấp hối", Tuấn và Bình đứng bên cạnh nhau trong căn cứ Đồng Tâm. Hai người bàn luận, tìm cách lấy phi cơ, về đón thân nhân.
- Bây giờ anh tính sao?
Bình suy nghĩ trong giây lát rồi nói:
- Để gia đình tôi tạm trú ở đây. Tôi và anh bay về Thủ Đức, đón Diễm Hiền và Thảo, rồi tất cả chúng ta xuống Cần Thơ.
- Vùng Thủ Đức đã bị VC chiếm rồi, tôi cả quyết không thể nào bay về đó được nữa. Nếu bây giờ, Bình đi với tôi, lỡ có chuyện gì, Thu Mai và các cháu bị kẹt ở đây thì khốn.
Dứt lời, Tuấn đứng im lìm như pho tượng gỗ. Nhưng tâm trí anh đang quay cuồng trong cơn biến loạn.
*
Nhớ lại đêm pháo kích ở Tân Sơn Nhất, Tuấn cùng mấy anh em Không Quân, đã tự động lấy trực thăng võ trang, bay lên tìm vị trí pháo binh của Cộng Quân để xạ kích. Sau khi "hoàn tất phi vụ", chiếc gunship không còn viên đạn nào, Tuấn đáp xuống Nhà Bè để đổ xăng. Đợi đến sáng hôm sau, Tuấn bay trở lại Tân Sơn Nhất. Trong lúc đó, VC vẫn còn pháo kích lác đác vào phi trường. Nhưng trên phi đạo, thỉnh thoảng vẫn có phi cơ cất cánh. Đa số là phi cơ vận tải của Hoa Kỳ, chở nhân viên của họ sang đảo Guam.
Lúc bước xuống phi cơ, Tuấn cùng phi hành đoàn đã chứng kiến thảm cảnh kinh hoàng và vô cùng đau thương: Xác người chết -- Quân Nhân và hành khách Dân Sự -- nằm ngổn ngang dọc theo đường đi và trên thềm xi-măng của bãi đậu phi cơ. Nơi đây, hàng chục, hay cả trăm chiếc máy bay, đủ loại, bị trúng đạn pháo kích. Ở đầu phi đạo W7, nhiều chiếc UH và khu trục cơ A-37, bị cháy đen thui. Thỉnh thoảng, xe tuần tiễu của đội ngũ Phòng Thủ phi trường, chạy qua. Ở mấy trạm canh gác, có nơi Binh Sĩ vẫn cầm súng, sẵn sàng tác chiến, có nơi vắng tanh.
Khi bước vào phòng Hành Quân của Không Đoàn 43CT, Tuấn không thấy ai. Anh cùng phi hành đoàn gunship, bước ra ngoài thì gặp dăm ba anh em Không Quân, hấp tập đi về phía đài kiểm soát. Thế rồi, phi hành đoàn gunship của Tuấn, tự động "tan hàng". Vì hoàn cảnh khác nhau, nên anh em đành phải chia tay. Tuấn vi bước ra ngoài, đi tới, đi lui gần nửa tiếng đồng hồ, mới kiếm được chiếc UH, tạm khả dụng. Anh hấp tấp, bay về Thủ Đức đón gia đình.
Nhưng hỡi ơi! Mỗi lần đáp xuống thì bên dưới -- không hiểu quân bạn, hay quân địch -- bắn lên tới tấp. Lần cuối, anh liều mạng nhào xuống, phi cơ bị trúng đạn, chảy dầu. Tuấn buộc lòng phải bay trở lại Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, anh dùng xe gắn máy, chạy về Thủ Đức. Nhưng tất cả các ngả đường đều có VC xuất hiện. Tuấn bèn trở lại Tân Sơn Nhất thì cổng phi trường đóng kín, không ai có thể ra vào. Tuấn bàng hoàng, bước đến đứng bên lề đường, trước khu Lăng Cha Cả ở cổng Phi Long. Khi nghe tiếng phi cơ vang lên, anh nhìn lên trời. Hàng loạt trực thăng CH-53 của Mỹ xuất hiện trên không phận Sài Gòn. Mấy phi tuần khu trục Phantom F-4 cũng bay vút qua. Vài ba người hy vọng hão huyền, vừa đi băng qua đường, vừa nói với nhau:
- Mỹ đổ quân vào Sài Gòn để tham chiến!
Ngược lại, Tuấn đứng im lặng, đôi mắt từ từ ngấn lệ. Khi nhìn đoàn trực thăng của Mỹ tới tấp bay vào Sài Gòn để đón nhân viên của họ, Tuấn hiểu: Miền Nam đang ở trong cơn hấp hối, không còn cách nào cứu vãn được nữa! "Nước mất nhà tan"! Còn cảnh nào đau lòng hơn thế nữa không?
Sáng sớm hôm sau là ngày 30.4.1975, Tuấn hấp tấp đến khu Nhà Bè. Anh hy vọng, khi mấy chiếc trực thăng đáp xuống đó đổ xăng, thể nào anh cũng gặp bạn hữu. Tuấn sẽ nhờ họ, chở vào Tân Sơn Nhất, tìm kiếm chiếc UH nào khả dụng, để bay về Thủ Đức thêm lần nữa xem sao? Nhưng không may, trong giờ phút sinh tử này, tất cả bạn hữu đều vội vàng đi đón thân nhân của họ. Không ai chở Tuấn vào phi trường. Cuối cùng, Tuấn đành phải theo chiếc UH của Sư Đoàn II KQ, bay xuống Cần Thơ. Khi chiếc phi cơ này đáp xuống căn cứ Đồng Tâm đổ xăng, Tuấn gặp Bình ở đây.
*

*
(Nếu không nhìn thấy ảnh, xin quý vị bấm vào LINK phía dưới:
http://i167.photobucket.com/albums/u156/LamSonVN/QuangBaNDGC1-1.jpg
*
Khi gặp Bình, Tuấn được an ủi phần nào. Nhưng anh vẫn bị "cơn ác mộng" ở phi trường Tân Sơn Nhất, ám ảnh nặng nề. Tuấn đứng im lặng, đôi mắt nhìn về phía chân trời xa thẳm, trong lòng bấn loạn, lo nghĩ liên miên.
- Anh em mình thử bay xuống Bình Thuỷ. Đến nơi, anh lấy chiếc UH khác, liều mạng thêm lần nữa, bay về Thủ Đức đón Diễm Hiền và các cháu. Chỉ có điều tôi không biết là tình hình ở dưới Bình Thuỷ thế nào? Sáng hôm qua, tôi gọi điện thoại thăm mấy người bạn ở dưới đó, cả chục lần mà không được. Nên tôi phải cho gia đình tạm trú ở quán ăn trong căn cứ Đồng Tâm này.
Tuấn đứng suy nghĩ, cả phút sau mới trả lời:
- Chuyện ấy, tôi thấy khó thành công. Tuy nhiên, cứ làm thử như Bình nói, xem sao. Xuống Bình Thuỷ, làm sao lấy được phi cơ? Vả lại, khi bay về Thủ Đức, biết nơi nào an toàn mà hạ cánh? Mấy lần trước, vừa cho phi cơ xuống thấp, tôi bị VC bắn tới tấp, tưởng là tiêu mạng rồi!
Đoạn Tuấn tỏ ý chua xót:
- Thảm hoạ đang diễn ra, vô phương cứu vãn. Tôi còn biết làm gì hơn là lo cho gia đình. Nhưng bây giờ, gia đình tôi mỗi người một ngả. Nhiều lúc tôi nóng lòng, như người "ngồi trên đống lửa". Không biết thân phận của Diễm Hiền, của Thảo, của mấy đứa trẻ thơ bây giờ ra sao? .....
..... Còn anh, sau khi đem gia đình vào Tân Sơn Nhất thì phải "trả giá quá đắt": Cả nhà suýt chết hai lần, một VC ném bom, một lần VC pháo kích như mưa. Nhưng bây giờ, gia đình anh được đầy đủ bên nhau. Có phần, anh đã gặp may mắn. Có phần, anh đã dự liệu và "liều lĩnh đúng" khi bay về Thị Nghè đón Thu Mai và các cháu. Nếu không e ngại vùng Thị Nghè gần Tổng Thống Phủ, tôi đã cho gia đình tạm trú với gia đình anh ở đó thì bây giờ, đâu đến nỗi mỗi người..... một ngả.... như thế này!
Nói đến đây, Tuấn nghẹn lời. Bình bèn thúc dục Tuấn xuống Bình Thuỷ:
- Thôi đi, càng sớm càng hay. "Còn nước, còn tát".
Tuấn theo Bình, bước vào phòng lái chiếc UH, để di chuyển chiếc trực thăng này đến trạm đổ xăng ở kế bên. Lúc vừa đổ xăng xong, Tuấn đang sửa soạn cho phi cơ cất cánh thì chiếc UH khác chở đầy hành khách, từ từ hạ cánh, đậu ngay phía bên phải bãi đáp. Tuấn và Bình tò mò nhìn xem, có ai quen không: Vài ba anh em Không Quân bước xuống. Có anh Hoa Tiêu trẻ, vội vàng chạy đến nói với Tuấn và Bình:
- Em vừa mới nghe đài phát thanh Sài Gòn... Dương Văn Minh dâng miền Nam cho giặc Cộng rồi! Hắn kêu gọi Quân Đội mình buông súng! Hiện thời ở ngoài khơi Vũng Tàu, hướng 150 độ, khoảng 15 dặm, Hạm Đội Mỹ đang đón đồng bào và Quân Nhân, đi lánh nạn Cộng Sản.
Nghe như tiếng sét đánh bên tai, Tuấn mếu máo, đưa hai tay lên ôm mặt, sụt sùi khóc. Bình vội vàng chụp lấy cần lái phi cơ. Đôi mắt anh cũng từ từ ngấn lệ. Qua làn nước mắt, Bình nhìn người bạn sấu số sa vào cảnh đoạn trường: Nước mất nhà tan!
Ngồi bên cạnh Bình, trong lòng Tuấn đau như cắt: Hình ảnh của từng đứa trẻ ngây thơ, của Diễm Hiền, của Thảo, đang hỗn độn hiện ra trong ký ức. Tuấn biết rõ, suốt mấy ngày hôm nay, cả nhà anh mong đợi, từng giây từng phút, nhưng chẳng thấy anh đâu. Nghĩ đến lời hứa hẹn về đón gia đình, Tuấn đau xót không thể nào diễn tả được. Bây giờ, chẳng còn hy vọng nào nữa! Tuấn nghĩ rằng, chuyện về Sài Gòn đón gia đình, đã trở thành chuyện hão huyền. Anh chỉ có thể đi lánh nạn cùng với Bình, rồi lủi thủi sống một mình nơi "xứ lạ quê người". Từ đây, gia đình và quê hương, "nghìn trùng xa cánh"! Hết ngày này qua tháng khác, Diễm Hiền và Thảo, cùng mấy đứa trẻ thơ, sẽ mỏi mòn mong Tuấn trở về, nhưng không bao giờ nhìn thấy anh nữa.
Khi Cộng Sản nắm trọn quyền hành, làm sao mà gia đình Tuấn, tránh khỏi thảm cảnh bị công an hành hạ, đe dọa và hạch hỏi đủ điều? Chúng sẽ dùng đủ mọi thủ đoạn đê hèn để lừa gạt phụ nữ và đầu độc trẻ thơ. Dưới ách đô hộ của chế độ phi nhân, Diễm Hiền và Thảo, chân yếu tay mềm, biết làm gì để nuôi đàn trẻ thơ dại? Ôi đau thương! Còn thảm cảnh nào xót xa, hận sầu bằng thảm cảnh "nước mất nhà tan"?
Bình là bạn tâm giao của Tuấn. Nỗi khổ đau của Tuấn cũng là nỗi khổ đau của Bình. Anh nhớ lại, sau khi Cộng Sản chiếm được miền Bắc năm 1954, Tuấn và Thảo theo cha di cư vào Nam lánh nạn. Bà mẹ của Tuấn bị kẹt lại trong vùng Cộng Sản. Trên chuyến tàu Serpent, chở đồng bào tỵ nạn vào Sài Gòn, Tuấn và Thảo nhớ mẹ, ngồi bên cạnh cha, sụt sùi khóc hết ngày này sang ngày khác. Hôm nay 30.4.1975, Tuấn đau xót gấp bội phần. Cộng Sản chiếm trọn đất nước VN. Thế là hai lần quốc hận, hai lần gia đình Tuấn tan nát!

loibangTQLC
05-02-2009, 06:52 AM
Tiếng động cơ của chiếc UH vẫn nổ đều. Tuấn và Bình vẫn ngồi bên nhau, sụt sùi trước thảm cảnh "nước mất nhà tan". Nhưng rồi, thoáng qua Bình nhớ đến cảnh hỗn loạn, giành giật phi cơ đã xẩy ra ở miền Trung trước đây. Nên anh vội vàng lau nước mắt, rồi cho phi cơ cất cánh đi đón Thu Mai và gia đình --- tạm trú trong quán ăn gần đó.
Vừa đến nơi, Bình hấp tấp bước ra khỏi phi cơ rồi chạy vào trong quán ăn. Anh hối hả, nói với Thu Mai:
- Dương Văn Minh dâng miền Nam cho giặc Cộng rồi em ạ. Mình đi Bình Thủy để anh Tuấn kiếm chiếc trực thăng khác, bay về đón Diễm Hiền và Thảo. Nhanh lên em!
Thế là cả gia đình Bình vội vàng, chạy về phía chiếc UH. Trong giây lát, chiếc UH cất cánh, bay về hướng Bình Thủy. Khi phi cơ lên khoảng 2 ngàn bộ, Tuấn nói với Bình:
- Đổi hướng, bay ra ngoài khơi Vũng Tàu, tìm Hạm Đội Mỹ.
Bình ngạc nhiên khi Tuấn đổi ý. Anh quay sang nhìn Tuấn: Đầu đội nón bay, đôi mắt ướt lệ, vẻ mặt sầu thảm. Thấy Bình vẫn tiếp tục bay thẳng đi Bình Thuỷ, Tuấn ép mạnh cần lái sang bên trái và nói:
- Xuống Bình Thủy, vô ích. Có khi còn làm gia đình anh bị kẹt ở đó. Bay thẳng ra ngoài biển, tìm Hạm Đội Mỹ.
Thế là chiếc UH đổi hướng, bay về phía Vũng Tàu. Bình điều khiển phi cơ, trong khi Tuấn ngồi sụt sùi khóc.
Từ ngày nhập học Trường Võ Bị Quốc Gia đến bây giờ, Tuấn và Bình đã phục vụ trong quân ngũ trên 11 năm. Đi đâu, đôi bạn cũng có nhau như hình với bóng: Cùng với anh em Kingbees, đảm trách phi vụ "Không Số", thả biệt kích "Lôi Hổ" vào sào huyệt VC; tham gia trận đánh qua Cao-Miên; dự trận "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972. Nhiều lần xém chết, kể cả chuyện bị cao xạ bắn trong trận Hạ Lào. Tất cả các trận đánh lớn trước đây, Việt Cộng đều bị thảm bại trước sức đối kháng mãnh liệt của Quân Đi VNCH. Đến bây giờ, vì lệnh xuẩn động triệt thoái Quân Đoàn II ra khỏi Pleiku của Nguyễn Văn Thiệu, mà Quân Dân miền Nam mất tinh thần, hàng ngũ bị rối loạn rồi thảm bại!
Quả là vận nước suy đồi. Trong lúc quốc biến mà giao quyền cho nhóm "Tướng Tá Phản Loạn". Lịch sử ghi nhận, phé nhóm Dương Văn Minh và sư hổ mang Thích Trí Quang là bọn tặc tử. Chúng đã giật xập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Bây giờ chúng lại kết thúc nền Đệ Nhị Cộng Hòa bằng cách kêu gọi Quân Đội buông súng, để cho giặc Cộng vào chiếm miền Nam.
Mặc dù Bình phải điều khiển phi cơ, nhưng hận sầu trong lòng anh vẫn dâng cao. Còn Tuấn, ngồi bên ghế trái, trông như kẻ mất hồn. Càng bay xa bờ biển, Bình càng cảm thấy lo âu. Trong khi đó, trên bảng phi cụ, kim đồng hồ chỉ số lượng xăng xuống dần. Thế mà, Bình nhìn ngang nhìn ngửa, chỗ nào cũng mênh mông một mầu nước biển xanh biếc! Anh thầm nghĩ, phi cơ chỉ còn đủ xăng để bay, khoảng nửa tiếng, hay 45 phút nữa là nhiều. Nếu không gặp Hạm Đội Mỹ, chiếc UH sẽ rơi xuống biển. Bình lo sợ cho gia đình, tội nhiệp nhất là mấy đứa trẻ thơ ngồi ở phía sau.
Trên phi cơ, không có chiếc phao nào. Bình biết làm sao bây giờ? Mấy anh em Quân Nhân đi theo -- ngồi phía sau Bình -- thì chắc hẳn đều biết bơi. Nhưng còn Thu Mai và mấy đứa trẻ? Còn cô Hằng, cô Hương và cậu Thiện thì sao? Năm phút, rồi mười phút trôi qua ....
... Liếc mắt nhìn bảng phi cụ thêm lần nữa, Bình giật mình. Đèn đỏ hiện lên, báo hiệu chỉ còn "20 phút xăng" nữa thôi! Bình đổi sắc mặt. Thấy vậy, Tuấn nhìn khắp nơi, nhưng bốn phía vẫn mênh mông, biển khơi và biển khơi một mầu xanh biếc. Anh nói an ủi Bình:
- Cho RPM xuống thấp, bay bình phi, có thể bay được nửa tiếng nữa.
Bình làm theo. Trong lúc hoảng sợ, nhịp tim Bình đập mạnh.
- Mình bay lạc hướng, hay sao mà mãi chưa thấy dấu hiệu nào của Hạm Đi Mỹ?
Anh lẩm bẩm, rồi quay đầu về phía sau, nhìn Thu Mai và mấy đứa trẻ. Thêm lần nữa, Bình lại ân hận dẫn gia đình vào chỗ chết! Càng nhìn đồng hồ chỉ xăng, anh lại càng cảm thấy ân hận và đau lòng. Đoạn anh luống cuống:
- Không hiểu sao, kim chỉ xăng lại xuống quá nhanh như vậy. Vặn UHF sang tầng số khẩn cấp.
Trong khi Tuấn vặn máy vô tuyến qua tần số cấp cứu thì Bình sửa soạn, lời cấp cứu bằng tiếng Mỹ: "Mayday! Mayday....."! Mặc dù Bình cẩn trọng như thế, nhưng trên thực tế, khi chiếc UH hết xăng, đâm xuống mặt biển, ai biết ở chỗ nào mà đến cấp cứu? Bình nhìn trái, nhìn phải, rồi lại nhìn về phía trước: Vẫn biển khơi mênh mông, một mầu xanh biếc. Gần hơn, Bình nhìn rõ những làn sóng bạc đầu đang nhấp nhô, như chờ đón chiếc phi cơ của Bình rơi xuống.
"Chiếc UH này sẽ biến thành chiếc quan tài, chôn vùi cả gia đình mình dưới đáy đại dương"?
Thầm nghĩ như vậy rồi Bình lại tự an ủi:
"Cả gia đình chết như vậy, còn hơn là chết trong trận mưa pháo vừa rồi. May mà gia đình mình thoát khỏi thảm cảnh, chết đau đớn, chết từng người, hay chết tan thây lúc VC pháo kích".
Đột ngột, Tuấn vỗ vai Bình rồi nói:
- Trên máy vô tuyến, hình như có... tiếng kêu... cấp cứu? Vì tiếng gió hú, tôi nghe loáng thoáng, hình như có tiếng "Mayday! Mayday"! Anh có nghe thấy không, hay là tôi bị ảo giác?
Tuấn và Bình đều im lặng cả phút để lắng nghe, nhưng chỉ có tiếng gió hú mà thôi.
- Đám mây xám? Hay cái quái gì ở hướng 10 giờ? Anh nhìn thấy rõ không?
Bình chăm chú nhìn theo tay Tuấn chỉ.
- Chắc là mây, mây xám. Tôi không nhìn thấy gì khác hơn.
- Toàn là mây không à!
Vài ba phút, rồi lại thêm vài ba phút nữa trôi qua. Bình cảm thấy ngộp thở. Anh luống cuống, nhìn trái, nhìn phải, rồi nhìn Tuấn. Tuấn cũng hồi hộp, nhìn Bình: Cả gia đình Bình cùng Tuấn, sẽ bị chôn vùi dưới lòng đại dương? Lúc Bình quýnh quáng, chiếc UH mất thăng bằng. Thấy vậy, Tuấn hỏi:
- Anh còn nhớ cách đáp khẩn cấp trên mặt nước không?
- Nhớ lờ mờ. Mười mấy năm rồi, từ khi học ở Ft Rucker, có bao giờ mình thực tập nữa đâu.
Bình vừa nói, vừa điều khiển phi cơ. Trong khi ấy, Tuấn nhìn tới, nhìn lui, nhìn bên trái, nhìn bên phải. Bất ngờ, anh đập vào tay Bình, rồi rối rít nói:
- Rẽ.... rẽ về hướng 10 giờ. Anh nhìn thấy gì không?
Bình vội vàng làm theo. Ngay sau đó, anh mở tròn đôi mắt: Không hiểu sự thật, hay anh đang ở trong giấc mơ? Cột khói! Cột khói ở giữa đại duơng đang bay lên cao cả ngàn bộ!
- Đúng rồi! Đúng rồi! Cột khói! Hạm Đôi Mỹ đốt khói để làm dấu hiệu cho phi cơ và các tàu tỵ nạn dễ nhận diện vị trí của họ. Vậy mà hồi nẫy, nhìn từ xa, mình cứ tưởng là mây.
Bình mừng thầm -- như kẻ nhìn thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm". Nhưng liệu, chiếc UH còn đủ xăng để Bình bay đến nơi có "ánh sáng" hay không? Hai bàn tay Bình run run khi nhìn lại đồng hồ xăng trên bảng phi cụ. Anh ước đoán, khó mà có thể bay đến đó được? Nhưng không còn chọn lựa nào hơn, Bình chỉ còn cách, nhắm hướng bay thẳng đến đó.
Hú vía! Sau giây phút "thập tử nhất sinh", chiếc UH đã bay gần đến cột khói. Đến khi nhìn thấy rõ 3 chiếc chiến hạm ở phía trước, Bình cảm thấy hồi hộp hơn trước: Liệu phi cơ còn đủ xăng để bay đến đó không? Anh vội vàng cho chiếc UH xuống thấp. Không may, gặp cơn gió lốc thổi qua, chiếc UH mất thăng bằng, lắc qua lắc lại.
- Để tôi lái cho.
Bình vừa buông cần lái, vừa liếc mắt nhìn Tuấn. Mặc dù Tuấn vẫn còn để lộ vẻ u sầu, nhưng có phần bình tĩnh hơn Bình. Hẳn là lúc đường cùng, Tuấn không còn thiết tha gì nữa. Trong khi Tuấn điều khiển phi cơ, Bình nhìn xuống mặt đại dương. Nước biển xanh biếc, nhấp nhô những làn sóng bạc mầu. Lúc Tuấn cho chiếc UH rẽ về phía chiếc Tuần Dương Hạm, Bình nhìn thấy ở đó có 3 chiếc trực thăng khác của Không Quân VN, đang nối đuôi nhau, bay vòng tròn để chờ đến phiên, đáp xuống boong tàu. Tuấn vừa giảm cao độ, vừa cho chiếc UH, bay theo 3 chiếc phi cơ ấy. Bình đăm đăm nhìn xuống mặt biển. Có cả chục chiếc tàu gỗ nhỏ bé và sà-lan, chở đầy đồng bào tỵ nạn, đang vây xung quanh chiếc Tuần Dương Hạm USS Blue Ridge -- trông giống như đàn kiến khi bão lụt, bám chung quanh chiếc lá trôi trên mặt nước.
Khi chiếc UH xuống thấp, chỉ còn cách mặt biển khoảng 700 bộ, Bình chứng kiến thảm cảnh tỵ nạn Cộng Sản ngoài biển khơi: Cả chục chiếc tàu gỗ, rất nhỏ bé mà chiếc nào cũng chở đầy ắp người và người. Kẻ đứng, người ngồi, sát bên nhau, tưởng "không còn kẽ hở". Trong giây phút này, ai cũng cầu mong, được chiếc Tuần Dương Hạm cứu vớt. Nếu không, họ sẽ bị sóng gió chôn vùi dưới đáy biển.
Thoáng qua, Bình cảm thấy mừng: Sau mấy lần suýt chết, gia đình anh thoát khỏi thảm họa Cộng Sản. Nhưng rồi, chỉ trong giây phút, niềm vui ấy tan biến ngay. Nhìn Tuấn u sầu, Bình lại cảm thấy xót xa trước thảm cảnh đoạn trường của người bạn xấu số.
Đồng thời, khi nhớ đến Sài Gòn, Bình ngậm ngùi khôn tả. Anh nghĩ đến bà nội, cô Lý và hai em ở khu chung cư Minh Mạng. Tiếp theo là ba mẹ cùng chị em ở Thị Nghè. Hình ảnh cô chú Quang và mấy cậu em ở trại Tam Hà cũng lần lượt hiện rõ trong trí nhớ của Bình. Lại còn gia đình Phong ở khu Bàn Cờ. Làm sao Bình tránh khỏi u sầu khi phải bỏ quê hương và những người thân yêu sa vào thảm họa Cộng Sản?
Chiếc UH do Tuấn lái, tiếp tục bay vòng tròn trên chiếc Tuần Dương Hạm, sau chiếc trực thăng Chinook. Anh nhìn đồng hồ đeo trên tay, rồi nhìn bảng phi cụ: Xăng chỉ còn nửa khấc nữa thôi. Thấy vậy, Bình toát mồ hôi, chân tay bủn rủn. Khi chiếc UH hết xăng, rơi xuống biển, liệu Hải Quân Hoa Kỳ có cấp cứu không? Cả nhà sẽ chết chìm dưới biển. Nỗi lo sợ trong lòng bùng lên, làm Bình có cảm giác như đang "ngồi trên đống lửa". Anh nóng lòng, mong cho chiếc UH, được lệnh đáp. Tuấn cũng tỏ vẻ luống cuống, rồi tự hỏi:
- Tại sao.... mình lại phải chờ lâu quá như thế này?
Lúc bay gần chiếc Chinook, qua khung cửa kính, thấp thoáng Bình nhìn thấy đồng bào tỵ nạn, ngồi lố nhố bên trong.
- Trời ơi!
Bình hoảng hốt la lên. Tuấn liếc mắt nhìn xuống biển. Hai anh đều sửng sốt, không ngờ chiếc Chinook ấy đã đâm đầu xuống biển! Lẽ ra, chiếc Chinook chỉ chờ vài phút nữa là đến lượt đáp. Nhưng tại sao? Hết xăng hay tại sao, chiếc Chinook lại rơi xuống biển như thế!
- Sao không thấy Hải Quân Mỹ đến cấp cứu?
Bình rùng mình nhìn "xác" chiếc Chinook, từ từ chìm xuống đáy biển! Anh thầm hỏi:
- Sao không thấy ai, đẩy cửa phi cơ, bơi ra?
Thế là phi hành đoàn cùng dân chúng tỵ nạn bị chôn vùi dưới đáy biển! Chẳng lẽ, tất cả các thuỷ thủ Mỹ bận rn việc khác? Chẳng lẽ, chiếc Tuần Dương Hạm thiếu người, thiếu phương tiện cấp cứu hay sao?
Thêm lần nữa, Tuấn và Bình cùng nhìn vào bảng phi cụ. Kim đồng hồ đã tiến đến vạch đỏ. Bình rưng rưng nước mắt. Anh quay lại phía sau, nhìn Thu Mai, nhìn mấy đứa trẻ đang mở tròn cặp mắt ngây thơ. Hẳn là lần cuối? Qua làn nước mắt, Bình nhìn xuống chiếc Tuần Dương Hạm. Nhiều Quân Nhân Mỹ đang đi lại trên boong tàu. Bên cạnh mấy khẩu đại bác phòng không, đều có binh sĩ đứng canh gác.
--------
Ðỗ Quốc Anh Thư

loibangTQLC
05-05-2009, 07:13 PM
1.Trong ngày cuối cùng tang thương đó , hầu hết anh em bay ra Hạm Đội Mỹ chắc hẳn không quên tiếng nói của Th/tá Đào bá Hùng Quyền Phi Đoàn Trưởng PD245 ( Thay thế Tr/tá Nguyễn hữu Lai đang đi học Tham mưu Cao Cấp ) trên tần số UHF trấn an mọi người và hướng dẫn đường bay và tọa độ của Hạm Đội 7
để anh em biết . Ngoài PD245 ra mà một số lớn anh em các PD khác đã tìm được Sinh Lộ , anh Hùng thật xứng đáng là một cấp Chỉ Huy có lòng lo đến anh em dưới quyền . Phần chúng tôi cũng không còn l/l được với các hợp đoàn thỉnh thoảng vẫn được tăng cường cho TQLC nữa , chỉ còn lại chiếc máy bay C/C của tôi lên bắn chận VC ở hướng Long Thành và Bà Rịa ( như gãi ngứa thôi vì lúc đó địch xử dụng phòng không tối đa , nên cứ bay vào rồi lại dạt ra ) để BCH TQLC chỉ đường cho các Tiểu Đoàn của Lữ Đoàn 468 chỉ huy bởi Đ/tá Ngô văn Định rút ra hướng biển ( các Lữ Đoàn 147 , 258 , 369 đã tan hàng tại Non Nước vào cuối tháng 3/75 ) Phi vụ cuối cùng của tôi tại cầu Cây Khế Bà Rịa vào đúng 2:45 trưa ngày 1/5/75 rồi đưa BCH TQLC đáp xuống một tàu buôn có tên là " Đại Dương "
cũng cùng size với tàu " Trường Xuân " chấm dứt đời binh nghiệp sau gần 8 năm tại ngũ .
2. Về trường hợp để tiết kiệm xăng , khi bay bình phi thay vì 6600 RPM , cách tốt nhất là giảm vòng tua cánh quạt xuống 6200 RPM ( nhưng khi vào đáp vẫn phải tăng lên 6600 RPM theo luật An Phi )
3. Mong rằng sự giải thích của cá nhân tôi đáp ứng được một số thắc mắc của vài anh em đã phone hoặc email hỏi tôi về những chi tiết trong bài viết trên .
Tình thân , TCB .