PDA

View Full Version : Không gian tôi, niềm hồi tưởng…. - Nguyễn Mạnh Trinh



chopper1
12-18-2007, 04:17 PM
Không gian tôi, niềm hồi tưởng….



TẠP GHI VĂN NGHỆ - Nguyễn Mạnh Trinh

Năm 1969, tôi lên Pleiku làm biệt đội trưởng kỹ thuật biệt phái dài hạn. Lúc ấy, tự nghĩ đằng nào cũng xa nhà, Nha Trang hay Pleiku cũng vậy. Thôi tình nguyện đi để xa mặt trời, tuổi trẻ không ưa gò bó, có việc thì làm không thì tà tà chơi chẳng ai dòm ngó. Tuy làm việc dưới đất mà cũng có lúc cảm khái :

Ừ, mai cánh vỗ ngang trời.
Ngắm thiên thu một cõi đời tịnh yên.
Máu xương mãi chuyện ưu phiền.
Còn đâu tiếng gọi yêu em một thời.
Ừ mai dõi bóng chim khơi.
Khuất xa mấy núi mấy đồi mênh mông.
Pháo rơi dường cũng nao lòng.
Trong thiên cổ chợt núi sông bồi hồi…

Với tôi bầu trời mông mênh lúc nào cũng có sức hút của tưởng tượng. Mơ ước làm một loài chim tôi thích những phi vụ mà mình lén đi theo. Tôi nhớ, có vài người bạn bay L-19 có hai chỉ số, một hoa tiêu một quan sát viên, nên chỉ bay một mình không phải hai người như thường lệ, nên rủ tôi đi theo cho vui. Trong nhiều phi vụ bay thám sát phi trường để chống pháo kích, ngồi ghế sau nhìn hoàng hôn trên không đẹp lạ lùng. Dưới cánh, mặt nước Biển Hồ lấp loáng nắng, màu sắc phản chiếu lên mấy tầng mây tưởng như cầu vồng mấy lớp. Những cánh đồng cỏ lau bạt ngàn phía dưới xoãi dài tới những mỏm núi lam xanh tận chân trời, ngút mắt theo những cơn gió thổi lộng bạt ngàn hoa lau. Tự nhiên, tâm hồn như rộng hơn và cao hơn, để thấp thoáng những tinh tú như của một trời tưởng tượng nào trong tầm mắt. Phi trường Cù Hanh ở dưới, với những mái nhà san sát, như tổ ấm để trở về, thân quen trong cảm giác vỗ về nồng ấm…

Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, khi chiến tranh cực độ dữ dội, tôi vẫn còn ở Pleiku. Ở đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều cánh bay đi không trở về. Ở phi đạo, chúng tôi đã ứa nước mắt khóc người đi vào thiên thu. Có thể là những đàn anh của tôi mà cũng có thể là những bạn bè cùng thời cùng khóa. Những người thân gần của cuộc sống bình thường nhưng giây phút ấy là những khuôn mặt anh hùng Thần Phong của lịch sử chiến tranh. Hào hùng hơn Kinh kha đi qua Dịch Thủy, những chuyến bay có thể sẽ đi vào cõi muôn trùng. Buổi sáng trên bãi đậu trực thăng, lúc bình thường là chỗ bạn bè nô đùa nhau khi bắt đầu những phi vụ. Nhưng lúc ấy, là những khuôn mặt nghiêm trọng của những giây phút để sẵn sàng bay vào khung trời đầy lửa đạn. Hay trên phi đạo khu trục, những chiếc máy bay nặng chĩu bom đạn sẽ cùng người hoa tiêu lao vào đường bay hiểm ác của lưới đạn phòng không và có thể nổ tung thân xác giữa không gian.

Tôi đọc Saint –Ex giữa lúc ấy. Những ”Bay Đêm“, “Chuyến thư hướng nam”, “Cậu Hoàng Con”, “Cõi người Ta”, “Phi công Thời chiến”,… mà những Mặc Đỗ, Bửu Ý, Bùi Giáng, Trần Thiện Đạo,… dịch từ Vol de Nuit, Courrier Sud, Le Petite Prince, Terre des Hommes, Pilote De Guerre,… đã làm chúng tôi tưởng đang sống lại những thiên anh hùng ca thuở ấy. Đọc những trang sách, mở ra những mảnh trời chiến tranh. Những hồi tưởng của còn mất, của những ánh tinh cầu lóe lên rồi vụt tắt. Chúng tôi sống trong thời thế ấy…

Bây giờ, ở xứ người, vào thư viện, kiếm từng cuốn bằng Anh ngữ hoặc Pháp ngữ, đọc lại, mà vẫn nghe xôn xao cảm giác thưở xưa. Dù, chỉ là cảm xúc của một người làm việc dưới đất mà mê say cái cao rộng của khung trời. Đọc, để thấy lại những khuôn mặt đã mù mịt vào miên viễn. Đọc, để tìm lại chút cũ càng của hào hứng xưa...

Antoine de Saint –Exupery (1900-1944), nhà văn người Pháp, một phi công kỳ cựu của ngành hàng không thương mại, người đã khai sinh ra những đường bay mới và cũng là một phi công thời chiến mất tích sau một phi vụ thám sát ở giai đoạn cuối của thế chiến thứ hai. Nhưng vĩ đại hơn cả, ông là một nhà văn mà tác phẩm của ông, “Le Petite Prince“ được dịch ra mấy chục ngôn ngữ khác nhau và có số in tổng cộng nhiều hơn và người đọc nhiều hơn Kinh Thánh. Là một chiến sĩ, một nghệ sĩ, ông còn là một triết gia , khám phá và nói lên được những góc cạnh sâu lắng của tâm tư con người.

Theo tiểu sử, đời của Saint-Ex là cả một chuỗi hoạt động trải dài theo nhiều nơi chốn, nhiều quốc gia. Lúc đó, kỹ thuật hàng không còn sơ khai, con người là nhân tố chính để quyết định cho sự đến và đi an toàn trong ngành hàng không. Thời tiết, là một cô gái già khó tính. Lúc thì, tươi đẹp duyên dáng như một cô gái xuân thì nhưng có lúc sâu hiểm lồng lộn như mụ phù thủy già cay độc. Bão tố, mù sương, mây phủ,.. là những bài toán cần phải giải đáp với đơn độc bản lĩnh của người phi công. Trong đời ông, đã bao lần phải đáp ép buộc, bao nhiêu trục trặc động cơ, bao nhiêu lần phải đu giây giữa hai bờ sống chết. Và cuối cùng, người phi công không về trong phi xuất cuối cùng của đời ông…

Antoine Marie Roger de Saint –Exupery sinh tại Lyon trong một gia đình cổ kính và quý phái trong vùng. Cha ông là một người broker bảo hiểm và đã chết khi ông vừa ba tuổi.

Năm ông 21 tuổi, ông gia nhập quân đội, đơn vị đầu tiên là 2nd Regiment of Chasseurs và được gửi tới Strasbourg để huấn luyện thành phi công. Năm kế, ông tốt nghiệp khóa phi hành và thuyên chuyển sang không quân. Nhưng gia đình của vị hôn thê phản đối, ông định cư ở Paris và làm công việc văn phòng. Nhưng rồi sự hứa hôn bị bãi bỏ, và những năm kế tiếp ông làm nhiều công việc nhưng ít thành công. Sau đó ông lại hứa hôn với Louise Levecque de Vilmorin, một nữ tiểu thuyết gia trong tương lai.

Năm 1926 ông đi bay lại. Ông bắt đầu là một người khai sáng của ngành thư tín không vận quốc tế trong thời đại mà phi cơ không đầy đủ những khí cụ phi hành và hoa tiêu cũng chưa đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức cho những phi vụ cần thiết. Có lúc, khi hồi tưởng lại ông đã nhận xét rằng sau này phi công bay những phi cơ tối tân hơn làm công việc giống của người kế toán hơn là một hoa tiêu. Ông bay cho công ty Aéropostale tuyến đường Toulouse-Dakar. Truyện đầu tiên ”L’Aviateur" được in trên tạp chí Le Navire D’Argent. Năm 28 tuổi, ông xuất bản tác phẩm đầu “Courier –Sud” và bay tuyến đường Casablanca/ Dakar. Ông cũng được giữ nhiệm vụ giám đốc căn cứ hàng không Cap July ở Rio de Oro trong sa mạc Sahara. Năm 29 tuổi ông đến Nam Mỹ và làm giám đốc công ty Aeroposta Argentina. Năm 1931, in “Vol de Nuit” đoạt giải Prix Femina. Ông vừa đi bay vừa viết văn cho đến khi bắt đầu thế giới chiến tranh. Năm 1931, ông kết hôn với Consuelo Suncin Sandoval de Gomez, một góa phụ người Salvador và phát khởi trong ý nghĩ những phác họa về một nhân vật nữ sau này sẽ bất tử trong tác phẩm “Le Petite Prince”: Rose. Đó cũng là một chuỗi giông tố của phiêu lưu ký trong đời Saint-Ex.
......
(còn tiếp next page ...)

chopper1
12-18-2007, 04:19 PM
Trong thế chiến thứ hai, ông làm việc trong phi đoàn quan sát liên lạc GC 11/33 của Không quân Pháp. Sau khi Đức chiếm nước Pháp ông chạy thoát và sang sống ở Hoa Kỳ thành phố Newyork. Ông lại gia nhập không quân Đồng Minh và bay trong một phi đoàn có căn cứ trong vùng Địa Trung Hải. Năm 44 tuổi ông chấp nhận một phi vụ cuối cùng thám sát những hoạt động của quân đội Đức Quốc Xã trong vùng thung lũng sông Rhone. Ông cất cánh trong đêm 31 tháng 7 năm 1944 và không trở vế. Một người đàn bà đã thấy một chiếc phi cơ làm crashed buôỉ trưa ngày 1 tháng 8 gần vịnh Carqueiranne. Một thi thể mang đồng phục phi hành của Không quân Pháp được tìm thấy vài ngày sau và được chôn cất vào tháng 9. Về sau này, nhiều di vật được tìm thấy và nguyên do của cái chết của ông vẫn còn là là bí mật. Ông được truy tặng anh hùng của nước Pháp. Nhưng, trên bình diện lớn hơn. ông là anh hùng của nhân loại.

Với “Le Petite Prince” Saint-Ex còn là một triết gia. Những ý tưởng thâm trầm được diễn tả bằng những ngôn ngữ đẹp tạo nhiều suy nghĩ cũng như hứng khởi cho người đọc. Người kể là một phi công bị lâm nạn và đáp ép buộc xuống sa mạc. Tại đây ông gặp một nhân vật kỳ lạ thần thoại: một cậu Hoàng con từ một tinh cầu khác lạc tới. Qua câu chuyện, ông đã biết được cuộc phiêu lưu qua nhiều hành tinh này trước khi đến địa cầu của hoàng tử này.

Những điều thu nhận của hoàng tử này thật đặc biệt. Có thể, là về thế giới của một ông vua đầy tham vọng mà không có thần dân tùy phục. Cũng như là của một người nghiện rượu triền miên những cơn thèm khát những chai rượu không thể có. Hay là người gác đèn của một tinh cầu nhỏ nhoi cô đơn và quanh quẩn với công việc thắp rồi tắt đèn theo một chu ký ngắn ngủi và nhàm chán. Hay, là những nhân viên công chánh cứ miệt mài với những bản đồ không thực dụng…

Đầy ẩn dụ, trong lời kể của người phi công lâm nạn về những phát biểu về cái thẩm mỹ quan của con người qua nhận thức của hoàng tử bé. Dù sống trong một tinh cầu nhỏ, nhưng cậu vẫn tìm được hạnh phúc trong môi trường mình. Như cậu sung sướng ngắm cảnh mặt trời lặn tới 43 lần trong một ngày của địa cầu... cậu như người chạy theo thời gian để tìm nắm cái đẹp của buổi hoàng hôn. Bất cứ trong môi trường nào, cái tâm quyết định tất cả cho buồn hay vui.

Đề cập đến tình yêu, Saint-Ex đã cho một hạt mầm mọc trên tinh cầu nhỏ của mình: Rose. Một hạt giống làm cho hoàng tử bé hạnh phúc và đau khổ thành một cây hồng khó tính hay kêu ca. Xa thì nhớ mà gần thì khổ, cận hoàng con không thể chiều chuộng mãi được nên phải đi xa, rời khỏi tinh cầu. Cả hai, cây hồng và cậu bé đều cảm thấy cần một quyết định như thế. Người ta thường chỉ yêu những gì đã mất đi, có phải?

Từ sa mạc, hoàng tử nhìn về tinh cầu của mình, và hướng vọng về một dấu chỉ của bông hồng yêu dấu. Nhân loại có nhiều khó hiểu, có người sở hữu hàng ngàn hàng vạn cây hồng mà tuyệt nhiên không thể tìm được cái đẹp cái hiểu biết về sở hữu của mình.

Hoàng tử có giao tình với con cáo tinh khôn và tìm được những khía cạnh ẩn tàng của cuộc nhân sinh. Như tình yêu, hoàng tử đã nhìn vào khía cạnh tiêu cực mà không tìm ra nét tích cực. Cậu chỉ để tâm tới những khó chịu, những trách móc của bông hồng mà không để ý tới nét đẹp đáng yêu của nó. Như Saint –Ex ví von ”Nét đẹp của sa mạc là ẩn tàng đâu đó một giếng mát trong lành“. Cái nóng khốc liệt có khi ngầm chứa một êm ái ngọt lạnh.

Hoàng tử nghĩ mình phải trở về tinh cầu của mình và chỉ có thể về bắng cách dũ bỏ thân xác. Con rắn sa mạc, là một phương tiện để cậu bỏ lại thân thể của mình cho nhẹ nhàng một chuyến ra đi. Con rắn, tượng trưng cho độc ác, để tìm đến cái chết, nhưng trong một góc cạnh nào đó, cái dữ cái độc cũng có tác dụng… Có khi nào, trong chuyến bay thiên cổ đi vào không gian xa xăm, người phi công Saint-Ex đã tìm ra được lời giải cho bài toán cá nhân rắc rối của đời mình? Hình như, ông đã viết “Tôi có một giấc mơ trong một quan tài bay chôn vùi vào một nơi chốn nào của không gian và người phi công viễn hành đến những vì sao để tìm kiếm người bạn thiết. Cậu hoàng tử bé ở hành tinh với một bông hồng bên cạnh…”.

Tác phẩm của Saint –Ex có phải là tiểu thuyết của hư cấu? Cũng một phần, nhưng trong đại thể, chất sống htực ngồn ngộn và luôn nổi bật. Là những ghi chép của nhật ký người luôn hành động, là bút ký trung thực của con người đã sống những phút giây hào hứng với cuộc đời. Ông sống và nghĩ thế nào viết như vậy. Người đọc dễ cảm nhận được những tâm tình mà tác giả gửi theo.

“Courrier Sud” là một truyện kể lãng mạn nhất của một người phi công Jack Berni, hoa tiêu của hãng máy bay chở thư. Anh có một tình yêu với cô bạn gái từ thuở thơ ấu.Cô đã có chồng, đứa con bị chết và tình nguyện muốn trốn theo anh. Nhưng rồi anh cảm thấy không thể chung sống với cô. Cũng như anh cảm thấy bơ vơ đi tìm một hướng dẫn chủ đạo cho cuộc sống. Là tình yêu trai gái? Là đức tin tín ngưỡng? Anh nghĩ có thể là nghề nghiệp bay bổng của mình. Đoạn kết, Berni rất can trường đảm nhận chuyến bay chở thư đến Dakar qua không phận Rio Del Oro.Berni bị người Á Rập bắn chết nhưng thư không vận đã đến tân nơi cần đến…

“Vol Nuit” viết về thời kỳ Saint-Ex bay ở Nam Mỹ. Chuyến bay chở thư từ Patagonie, từ Chile, từ Paraguay, muốn tới được Buenos Arres thủ đô Argentina phải bay đêm trên những rặng núi mênh mông. Nếu gặp giông bão, thì nguy hiểm khôn lường. Những điều hành viên dưới đất với Ravie, với Robino là những người hiểu rõ tình trạng nhất. Cùng với người vợ trẻ của phi công Fabiens, họ theo dõi những chuyến bay trong giông tố. Máy bay của Fabiens bị lạc trong mây và nhiên liệu cũng sắp cạn Tình trạng tuyệt vọng và anh bay thẳng lên các vì sao, nơi mà không còn cuộc sống nào khác. Chiếm cứ những kho báu huyền hoặc, anh đi vào cõi chết. Để lại, người vợ trẻ đang chờ đợi trong bữa cơm chiều khêu ngọn đèn thắp sáng. Và, còn một người hùng Ravie, với một mục đích phải bằng mọi giá có được những phi cơ hạ cánh xuống những phi trường mong đợi.

“Terre des Hommes” là những bút ký viết với tâm tình bồng bềnh lãng mạn như những vần thơ. Ông kể về những chuyến bay đầu tiên trên rặng núi Pyreneé, về những huấn luyện viên phi hành trong những chuyến bay chiến đấu với thiên nhiên, với núi cao với biển sâu và với bão tố. Có những chân dung đẹp của người phi công bị mất tích ở đại dương hay một hoa tiêu đã bình tĩnh tư cứu sống mình trên không phận rặng Andes. Có những trang tả cảnh tuyệt vời, về sa mạc, về những ốc đảo, về những chuyến phi hành huyền hoặc đến hành tinh. Cũng có những chuyện kể về những lần hạ cánh xuống sa mạc, những cơn khát ghê gớm trên cát nóng Libye. Cũng như, là những thiên anh hùng ca tán dương sức mạnh của con người trước thiên nhiên và nghịch cảnh. Từ trên cao, con người gần với thần linh hơn những người dưới đất…

“Pilote de Guerre” là chuyện kể của phi công thời chiến. Saint –Ex nói về sự tin tưởng của người phi công khi anh bay đến Arax rồi trở về trong sự chực chờ của đạn phòng không và săn đuổi của phi cơ khu trục Đức Quốc Xã. Câu nói “vâng, thưa Thiếu tá” là một xác quyết cho một hành động tuân lệnh, một lệnh phi lý nhưng vẫn phải thi hành. Tại sao người chỉ huy là thiếu tá Aliax lại ban lệnh kỳ quặc mang sinh mạng của đồng ngũ mình vào một cuộc thử thách vô ích và bi đát? Có phải vì truyền thống kỷ luật của quân đội và sự thống nhất của nước Pháp? Đi không ai tìm xác rơi, lời nhạc Văn Cao trong bài hát Không Quân Việt Nam dường như có khi thích hợp?

“Pilote de guerre“ là một truyện viết về những người không quân chiến bại. Có những hành động, trong vô vọng, không để làm gì cả mà chỉ chứng minhsự cao đẹp của lý tưởng chiến tranh. Lúc Saint –Ex viết tác phẩm này, nước Pháp đang thất trận. Nhưng, ông không viết những giòng chữ than khóc. Mà ông viết những dòng vinh danh sự hy sinh.

Cuối thàng tư năm 1975, không lực chúng ta cũng bị bức tử. Nhiều chuyện bi hùng. Nhiều chuyến bay của định mệnh cuối cùng. Chiếc hỏa long AC 119 gẫy cánh trên không phận Sài gòn. Những phi công thời chiến vẫy tay vĩnh biệt không gian thân yêu tuy nhiều đe dọa nhiều lửa khói. Vậy chúng ta sẽ hy vọng có những người viết về những chuyến bay vào miên viễn vô tận của những Phạm văn Thặng, Trịnh Duy Tự, Nguyễn Du, những Kinh Kha không gian thời đại. Ôi, phi công danh tiếng muôn đời …
Nguyễn Mạnh Trinh