PDA

View Full Version : Kiếp Tù



Longhai
12-13-2014, 01:21 AM
Kiếp Tù


Trần Mộng Lâm

(Hai mươi bốn giờ trong đời một người tù cải tạo)
Ghi lại một giai đoạn đen tối mà tôi không thể nào quên
Trần Mộng Lâm.


Buổi Sáng - Thêm một ngày trong cõi người ta.

Linh thức dậy khi trời còn mờ sương. Trong tổ, các người tù khác cũng lục đục xếp dọn để sửa soạn cho một ngày khổ sai lao động cực khổ khác. Bọn tù, gồm các cựu Sĩ quan mang cấp bậc Đại úy của Quân đội miền Nam ngày xưa nay hết hẳn nét oai phong của ngày nào, chỉ còn lại là một bọn người gầy ốm, thiếu ăn, khủng hoảng thần kinh và ghẻ tróc đầy mình. Lao động tay chân, lại phải đi chân không trên những con đường trong rừng đầy gai góc, những vết thương gần như thường xuyên, vết này chưa lành thì đã có các vết khác tiếp theo, thân thể không khi nào lành lặn.

Mắt nhắm mắt mở vì còn ngái ngủ, Linh cũng cố ra khỏi giường để đi làm công tác vệ sinh vì nếu chậm trễ, thì phải chờ đợi rất lâu. Gọi là giường cho nó sang trọng chứ thực ra nó chỉ là một tấm tôn gợn sóng, kiếm được khi còn bị giam giữ ở Trà Nóc, trong hậu cứ của Trung đoàn 33 ngày xưa. Một người bạn khi trước đây phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị đã giúp Linh đập thẳng miếng tôn ra, đóng vào mấy thanh gỗ, làm thành một cái sập trên đó có thể nằm được, tuy khi để trên mặt đất, nó cao không tới 10 cm. Linh đã bị giam giữ gần một năm trời ở đây trước khi được di chuyển về vùng rừng núi U Minh Hạ này để lao động. Như vậy là may mắn lắm rồi vì người bạn Chiến Tranh Chính Trị của Linh không được đi theo các bạn mà bị chuyển đi mất tiêu về một trại tù nào đó không biết, trong một đêm không lâu trước ngày khởi hành.

Linh còn nhớ rất kỹ lời một tên Cán bộ quản giáo lên lớp trước bọn tù, ngồi như bọn ăn mày trên một bãi đất trống :

- Các anh như những tấm vải bị ném xuống sình. Càng ở lâu trong Quân đội miền Nam thì càng nhơ nhớp. Nay chúng tôi tạo cơ hội cho các anh lao động, giúp các anh rửa sạch các tội lỗi ngày xưa, như giặt tấm vải bị sình dơ đó đi. Các anh phải nhớ điều này mà lao động tốt, nhớ chưa.

Lời nói như lát dao đâm nhói vào tim. Linh không hiểu mình đã làm gì nên tội. Chỉ biết chăm chỉ học hành, ra trường, chưa làm được việc gì giúp gia đình, trả ơn cha mẹ thì nhận được giấy nhập ngũ, như trăm ngàn các thanh niên miền Nam khác ở miền Nam Việt Nam cùng thời mà thôi. Kẻ chiến thắng bao giờ cũng có lý. Linh biết làm sao được ngoài việc ngoan ngoãn trình diện để vào tù và đi đầy nơi rừng thiêng đầy muỗi mòng này.

Linh khó khăn di chuyển trên cái bờ đất dẫn đến các hố vệ sinh do chính bọn tù thiết lập. Gọi là hố vệ sinh vì thực sự nó chỉ là những cái hố đào sâu xuống, trên hố gác hai cây tràm để ngồi, che đậy qua loa bằng vài tầu lá chuối. Cả mấy trăm người mà chỉ có vài cái hố nên chờ đợi cực khổ lắm. Đêm hôm trước trời mưa, đất vùng này thưc là kỳ cục. Sau mỗi cơn mưa, đất dẻo quẹo dính chặt vào chân nên bước đi là cả một khó khăn. Hồi ở Trà Nóc, Linh đã nhờ một anh bạn người gốc Hoa, thuộc nhóm người Hẹ, cắt ra từ một vỏ xe, một đôi dép râu mà Linh nghĩ có thể nhờ đó đi được nơi núi rừng cho bớt đau chân. Đến nơi này mới thấy điều lo xa đó hoàn toàn vô ích vì chỉ sau một bước đi trong đám bùn dẻo đó, chiếc dép râu dính lại ngay vào mặt đất, rút chân lên thì chỉ thấy chân không. Vội di chuyển cho kịp anh em, Linh đành bỏ mất đôi dép râu này trong rừng núi U Minh. Cả mấy trăm người tù, lúc này chỉ còn biết đi chân không khi đi lao động.

Mải suy nghĩ nên Linh không tránh kịp một bãi phân ai đó đã bậy bạ phóng uế ngay trên đường đi, có lẽ trong đêm vừa qua. Việc vệ sinh cho tù thực quá bị coi thường. Tuần trước một anh bạn bị viêm gan, mắt vàng khè, tưởng chết mà không hiểu do phép lạ nào, qua khỏi. Cứ cái kiểu này thì viêm gan hết cả lũ. Linh nghĩ trong khi cố gắng chùi chân lên mấy chiếc lá chuối. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Ruồi nhặng vo ve. Linh chợt thấy muốn ói nhưng vì không có cách nào khác, cố gắng chiụ đựng để có thể tống ra khỏi người những đống cặn bã. Phen này thì đích thực mình bị té xuống sình rồi, sình theo nghĩa đen chứ không phải sình theo nghĩa bóng như tên quản giáo mắc dịch nói ngày nào ở Trà Nóc. Linh cay đắng nghĩ như vậy, không phải là sình mà là cứt, mày có biết không.

Sau cùng thì Linh cũng bò được về với chỗ ở của tổ mình. Tổ gồm mười người. Chỗ của tổ do chính bọn Linh làm lấy trên một bờ đất được đắp cao lên trên mặt đất chừng hai thước. Phải làm như vậy vì chỉ sau một cơn mưa, đất ruộng ngập sâu dưới gần nửa thước nước. Những cây tràm được cắt về, cột lại với nhau thanh một cái giàn, trên đó mười tên tù đặt sát bên nhau 10 cái “giường” đã tự làm như đã nói ở đoạn trên, giống y như chiếc “giường” của Linh. Trên những chiếc giường đó, là giang sơn của mỗi tên tù, ngổn ngang những chiếc lon gô, những chiếc ly cáu bẩn và những gói đồ ăn quái gở mà tù tìm được trong khi đi lao động. Các cái chòi làm bằng các cây tràm đó thấp lè tè, phủ bằng những chiếc lá chuối (Chuối ở đây nhiều lắm nhưng không thấy trái chuối nào, có lẽ dân chúng đã cắt hết trước khi bọn tù đến). Mỗi khi trời mưa. Mái lá không đủ kín, nước chẩy lên người những tên tù khốn khổ, run lập cập vì giá lạnh.

Linh mang cấp bậc Đại úy Y Sĩ trước ngày mất nước. Những Sĩ quan cấp bậc này trình diện ở vùng 4 đều được tập trung về đây để cải tạo, ngoại trừ một số bị đưa đi đâu mất không biết, có lẽ là ra Bắc, như người bạn Chiến Tranh Chính Trị của Linh. Tổng số gồm khỏang 500 người, chia làm 5 C. Mỗi C như vậy gồm 100 người, chia làm 10 tổ. Linh thuộc C2. Mỗi C ở trên Láng (hay lán?) của mình. Bọn quản giáo và vệ binh đóng riêng ở một chỗ khác. Rừng núi mênh mông, chúng cũng không cần canh giữ ngặt nghèo vì người dân ở vùng này hình như toàn là dân Việt Cộng. Trốn ra khõi trại là bọn dân này báo cho mấy tên vệ binh bắt lại liền. Hồi di chuyển đến đây, đi qua mấy nhà dân , bọn Linh còn nghe thấy lời chửi rủa, chẳng hiểu tại sao. Có lẽ họ bị Việt Cộng tuyên truyền từ hồi nào không biết. Mấy anh bạn mang kính cận thị bị chửi là giống con cá thòi lòi. Linh cũng không biết con cá thòi lòi là cái giống gì, chàng là dân thành thị, nào có khi nào nghĩ rằng mình sẽ có ngày ăn ngủ tại cái chỗ đầu ghềnh cuối bãi này. Nơi đây, nghe đâu ngày xưa là địa bàn hoạt động của Sơn Nam, tác giả Hương Rừng Cà Mau.

Linh được bọn quản giáo cử làm Y sĩ của C2, có trọng trách săn sóc sức khỏe cho bọn tù ốm đói. Thuốc men không có gì, công việc hàng ngày của Linh nơi núi rừng này thực ra chỉ là mỗi buổi chiều, đi khắp 10 tổ, lập danh sách những tên tù quá yếu, không thể lao động ngày hôm sau. Việc này làm Linh rất khổ tâm. Có những người bệnh thực sự, có những người cứ thích trốn tránh, để người khác làm việc thay mình, vì công việc thì không thay đổi theo số người làm, ví dụ như hôm ấy C2 phải cắt sậy trên mười công đất, thì dù một trăm hay 90 người, vẫn là 10 công đất. Khắt khe quá, anh em oán. Dễ dãi quá, thì bị trách là không đi làm không biết thế nào là cực khổ. Trên đe, dưới búa, nên tuy được miễn lao động, Linh cũng tình nguyện đi làm với anh em, làm y như mọi người, để được thoải mái trong tâm hồn.

Buổi sáng hôm ấy, Linh chỉ cho ba người ở nhà, người thứ nhất có một vết thương lớn đương làm độc tại chân phải, người thứ hai sốt năng và người thứ ba, tiêu chẩy suốt đêm Linh mang phảng và cù nèo ra rừng sậy làm việc. Khi đó mặt trời đã lên cao. Vùng rừng sậy này không có người dân nào. Từ Cà Mau muốn đến được nơi này phải đi xuồng ba lá mấy ngày trời. Không có đường cho xe chạy. Tất cả đều dùng xuồng. Kinh rạch chằng chịt. Sậy mọc ngút ngàn. Vào rừng sậy, thấy bốn bề chỉ toàn cây sây. Không còn biết đâu là phương hướng. Muốn khỏi lạc, đi đâu phải bẻ sậy làm dấu. Khi về cứ theo chỗ sậy bẻ để đi ngược lại mới về đến chỗ ở.

Công việc của bọn Linh là chặt sậy đến tận gốc. Chỉ vài tuần nữa, nước lên,gốc sây sẽ chết thúi dưới mặt nước. Sau đó thửa đất trong rừng sậy ngày xưa sẽ có thể dùng để cấy lúa được.

Nói thì dễ, nhưng công việc năng nhọc vô cùng. Vung cái phảng nặng chịch, bổ xuống để chặt sậy, sau đó tay trái dùng cái cù nèo (liềm), quơ cái đám sậy vừa ngã xuống đó. Kéo qua một bên thì mới tiến đến đám sậy khác được. Làm việc từ sang sớm đến tối mịt mới xong. Bọn CS mỵ dân, làm như là chỉ dân lao động mới đáng quý, đáng trọng vì làm ra lúa gạo. Còn lại chỉ là bọn ăn bám. Vừa làm việc với dụng cụ đơn sơ, Linh nghĩ là chỉ với một ít máy móc, một tên trại chủ của một xứ tư bản cũng làm hơn cả trăm tên tù của C2. Bọn CS không biết như vậy hay cố tình làm bộ không biết để bọn bần cố nông “ăn bánh vẽ” mệt nghỉ, cứ nghĩ là bọn chúng gây chiến tranh giai cấp để tranh đấu cho dân vô sản, lao động.

Buổi trưa - Một tai nạn rất tầm thường.

Đến gần trưa thì một tai nạn xẩy ra. Anh Hải vì quá mệt mỏi nên vô ý để lưỡi phảng chém vào chân, máu ra xối xả. Anh ta vừa đau, vừa sợ nên mặt mũi xanh rờn, muốn xỉu. Linh phải đặt anh nằm xuống và xé cái áo của mình ra băng bó cho anh. Như vậy là chỉ còn một cái nữa trong bọc quần áo để ở đầu giường. Chiếc quần dài còn tốt duy nhất giữ được, tháng trước Linh đã bán cho một cô gái, tên là cô Tư, được phép ra vào và bán hàng cho bọn tù, đường, thuốc rê, kim, chỉ nghèo nàn. Tiền bán được đủ để mua 100 gr đường và một ít thuốc rê. Bây giờ ít ai có thể “vô sản” hơn bọn Linh. Thực ra Linh còn một vật quý giá khác. Đó là chiếc đồng hồ Seiko tự động, có lịch, ba kim (Bọn Việt Cộng gọi là đồng hồ có cửa sổ, không người lái) Chiếc đồng hồ này tốt lắm, do mẹ của Linh cho trước khi Linh lên đường trình diện học tập. Bố mẹ Linh ở Saigon trong khi Linh phải trình diện ở Cần Thơ, nơi nhiệm sở sau cùng. Linh nghĩ khi hoạn nạn, bán chiếc đồng hồ này đi cũng kiếm được một mớ tiền.

Săn sóc người bị nạn xong thì trời cũng đã ngả về chiều. Linh và anh em cố gắng thanh toán phần đất được giao phó. Khi hoàn thành công việc thì ai nấy đều kiệt sức, thất thểu kéo nhau ra về, chỉ mong được tắm rửa, ăn uống qua loa rồi nghỉ ngơi để hôm sau làm tiếp.

Buổi kiểm thảo cuối ngày - Khi người Y sĩ trở thành thằng ăn cắp.

Tắm rửa qua loa xong rồi đi lãnh phần ăn do những người được cử làm anh nuôi chia cho. Phần ăn thực ra chỉ có cơm, muối, một ít canh nấu bằng đủ mọi loại rau mọc trên mặt đất của vùng rừng núi này, kể cả rau muống mọc hoang, cọng có mầu hơi đỏ và dai nhách, cũng đủ để người tù sống qua ngày. Chiều xuống rất nhanh trên rừng núi U Minh. Mọi người đang sửa soạn để đi nghỉ cho có sức lao động ngày hôm sau thì có lệnh tập hợp. Đây là lệnh tập hợp chung cho cả 5 C nên chắc có chuyện quan trọng. Không hiểu lại một tai nạn nào lại xẩy ra cho bọn tù khốn khổ. Tháng trước, cũng trong một buổi họp tương tự, một người tù đã bị kết tội tử hình vì trốn trại và bị bắt lại. Phiên tòa như một vở tuồng cải lương, Không cần có luật sư vì bị cáo có thể tự bào chữa. Tên tù thì rũ xuống như một miếng rẻ rách, nói không ra hơi thì tự bào chữa cái nỗi gì. Bản án tử hình được tuyên bố chỉ sau khỏang chưa đầy một tiếng đồng hồ. Xử xong là hôm sau bắn liền, không có kháng cáo gì hết. Chắc để dằn mặt những tên tù bướng bỉnh.

Tư Đen, tên cán bộ phụ trách mặt mày hắc ám, môi thâm xịt. Bọn tù ngồi chồm hổm trên mặt đất, C nào ngồi theo C đó.

Năm Xuân, cán bộ phụ trách C 2 báo cáo quân số lên Tư Đen rồi lần lượt các tên cán bộ phụ trách các C khác cũng làm như vậy, sau đó bọn chúng nhường lời cho Tư Đen để tên này giáo hóa, chưởi bới bọn tù. Thì ra đây là một buổi hội thảo những người tù vi phạm nội quy. Một tên tù bị kết tội viết thơ về cho vợ và nhờ cô Tư bán đường, thuốc rê chuyển về cho gia đình. Tên tù này ngây thơ đến độ tưởng rằng cô Tư chỉ là một người buôn bán tầm thường, một người đàn bà dễ dãi, hay cười. Nội dung cái thơ cũng chẳng chính trị chính em gì, chỉ là than thở cho công việc cực nhọc và đau yếu về cơ thể, những thiếu thốn vật chất, chắc cũng để cho vợ thương mà thăm nuôi thôi. Tư Đen hùng hồn lên án hành động này, nào là tiêu cực, nào là bêu xấu Cách Mạng, nào là ngoan cố không chịu giác ngộ, không biết ơn Cách Mạng đã bỏ ra biết bao công sức và tiền của để giáo hóa cho những tên tù phản động. Người phạm pháp bị lãnh một bản án khá nặng, đem về biệt giam một tuần lễ ở gần chỗ những tên vệ binh.

Người thứ hai bị đem ra xử là một người đồng nghiệp đàn anh của Linh. Việc này làm Linh rất ngạc nhiên. Người đàn anh ấy ra trường trước Linh khoảng ba bốn năm, thuộc một giòng họ rất nổi tiếng miền Nam, con trai đều mang tên của bố, chỉ có khác nhau ở chỗ có người tên Paul, có người tên Jacques, vì họ dân Tây. Anh này nói tiếng Tây như miệng có bôi mỡ. Một người anh của anh là Giáo sư giảng dạy đại học. Anh là người duy nhất trong gia đình kẹt lại, chỉ vì một cô gái, già nhân ngãi, non vợ chồng. Vừa vào tù mấy tháng thì người đẹp bỏ rơi, cặp với một tên cán bộ tập kết trở về, già nhưng nhiều quyền thế, tiền bạc. Anh trơ vơ, không còn ai để thăm nuôi vì bà con đều ở bên Pháp hết, và hình như các anh chị em của anh thì người nào cũng phải lo cho gia đình riêng, còn đâu nhớ tới người xa cơ, thất thế. Như vậy là chỉ còn có cơm tù, quần áo ngày một rách nát, lại vì vốn con nhà giàu, không làm chuyện gì cho ra hồn, đến vá một chiếc áo rách cũng không biết làm thế nào. Nhiều khi gặp lại trong những buổi đi lao động, Linh thấy anh ngày một thêm bệ rạc. Anh chính là người khi còn bị giam ở Trà Nóc, lục lọi và kiếm được một ổ chuột con còn đỏ hỏn, chưa mở mắt. Anh đã ngon lành ăn những con chuột này, vì anh bị ám ảnh bởi vấn đề thiếu dinh dưỡng, phần khác vì anh quen ăn uống đầy đủ, nay chỉ còn cơm với muối, chịu không nổi.

Vào đến U Minh thì việc ăn uống có khá hơn một chút, so với hồi còn ở Trà Nóc. Một phần vì đi lao động thì khẩu phần tương đối tăng lên, nhưng phần lớn là nơi đây có nhiều cá mà bọn tù thì giỏi vô cùng trong việc cải thiện kiếm ăn những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy vậy quần áo cứ rách dần. Anh ăn cắp hai chiếc quần đùi của hai người bạn tù thuộc C bên cạnh, bị họ bắt được và thưa lên cán bộ.

Tư Đen chỉ vào mặt anh:

- Anh chính là một tên cặn bã của xã hội, bọn Sĩ quan ngụy các anh đều là bọn cặn bã hết. Ngày xưa trong Quân đội ngụy, các anh đã phạm nhiều tội ác. Một thằng Đại Úy như anh ít nhất phải hãm hiếp 50 người đàn bà. Anh là bác sĩ, anh bòn rút của của dân lao động. Nay Cách Mạng cho anh cơ hội cải tạo mà anh không biết sám hối. Cơm hang ngày phát đủ, quần áo thì khi dời Trà Nóc, chúng tôi đã phát cho các anh mỗi người một bộ đồ, vậy mà còn ăn cắp của người ta.

Người đàn anh của Linh ngồi cắm đầu nhìn xuống mặt không nói gì. Linh cũng không biết ở giờ phút ấy, anh nghĩ gì trong đầu. Con người thay đổi vì vật chất mau quá. Không hiểu cứ tiếp tục như vậy, vài năm sau Linh sẽ ra sao ? Có thể khá hơn hay rồi cũng sẽ bệ rạc như mọi người. Tư Đen vẫn tiếp tục xỉ vả, người đàn anh vẫn lì ra, không cãi lại và cũng không có phản ứng gì.

Điều làm Linh ngạc nhiên là sau đó người phạm tội không bị trừng phạt gì hết.

Hình như đối với bọn quản giáo, ăn cắp không phải là trọng tội. Xử cho có mà thôi. Máy ngày hôm sau gặp lại, Linh thấy người đàn anh vẫn cười hì hì, tỉnh bơ.

Tài Sản Cuối Cùng, Chiếc đồng hồ Seiko: Một kiểu buôn bán Xã Hội Chủ Nghĩa.

Buổi kiểm thảo sau cùng cũng chấm dứt. Bọn Linh ai về tổ nấy. Khi đi về gần đến nơi thì thấy Tâm, một tên tù như Linh nhưng được Năm Xuân tin cậy, cho làm láng trưởng C2 để giúp Năm Xuân cai quản bọn tù nhân dưới quyền. Tâm ra hiệu cho Linh đến gần. Đợi cho đám tù đi khỏi, Tâm nói với Linh:

- Anh Năm (tức Năm Xuân) nhờ tôi nói với anh là anh Năm sắp đi phép về miền Bắc, anh cần mua một chiếc đồng hồ, loại có cửa sổ, không người lái như chiếc đồng hồ của anh. Anh Năm nói nếu anh bán thì anh Năm sẽ trả giá cao.

Linh hốt hoảng nói với Tâm:

- Anh nói lại hộ với anh Năm là bây giờ ra Cà Mau mua đồng hồ loại này thiếu gì. Tôi chỉ còn chiếc đồng hồ này làm kỷ niệm vì mẹ tôi cho.

- Thì ai không biết là ở ngoài, đồng hồ bán nhiều lắm nhưng là đồ giả, đồ rởm. Đồng hồ Seiko thứ thiệt như cái của anh bây giờ khó kiếm lắm. Anh cũng biết anh Năm là Cán bộ trực tiếp cho điểm anh đấy. Có tiến bộ hay không là do anh ấy nhận xét.

Linh hiểu ra đây là một lời đe dọa. Nếu không muốn rũ tù, muốn được yên thân, thì chỉ còn cách là nghe lời. Không nghe, dễ gì bọn chúng bỏ qua, lại còn những tên bưng bô, chó săn chỉ điểm như tên Tâm này nữa. Thật là trên đe, dưới búa, nhưng không lẽ cho không nó.

Tên Xuân là người gốc gác ở một làng nhỏ ngoài Bắc. Hồi cách đây mấy tuần, Năm Xuân đã dẫn Linh ra nhà cô Tư để khám bệnh cho mẹ cô ta. Trên đường đi, Xuân tâm sự:

- Khi tôi lên đường vào chiến đấu tại miền Nam, tôi cũng có một người yêu. Ngày tiễn đưa, cô ta còn khóc lóc thề thốt với tôi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô ấy với chiếc xe đạp, vẫy tay chào tôi sau con đê làng khi xe chuyển bánh. Vậy mà trong chuyến ra Bắc trước đây, về làng xưa tôi mới biết được là cô ta đã có con với tên Chủ Tịch Hợp Tác Xã làng tôi. Tên này đã có vợ và tuổi gần bằng tuổi bố của cô ta. Tôi không về Bắc nữa. Sau khi phục viên, tôi sẽ lấy vợ và ở lại trong Nam. Anh cố điều trị cho bà mẹ em Tư. Tôi thấy em Tư là người rất đáng yêu. Tôi đã dành dụm được ba chỉ vàng và cũng đã mua được một chiếc xe đạp, lại thêm chức vụ Trung Úy trong Quân đội Nhân dân, chắc em Tư cũng có cảm tình với tôi. Năm Xuân nói xong câu ấy thì cười tươi, lộ ra trong miệng một chiếc răng vàng mới làm ở chợ Cà Mau. Điều kỳ lạ là chính tại nhà cô Tư, Linh đã lần đầu tiên nghe được câu: Đả đảo Thiệu Kỳ, mua gì cũng có, Hoan Hô Hồ Chí Minh, mua cây đinh cũng phải xin phép. Câu này do chính người dì của cô Tư kể lại cho Linh nghe, lợi dụng một phút vắng mặt của Nam Xuân. Hình ngư sau cùng thì người dân Nam Bộ (thành đồng) cũng tỉnh ra, cái giấc mộng Nam kha.

Mải suy nghĩ, Linh chợt tỉnh khi nghe Tâm hỏi:

- Bây giờ anh tính sao, bán hay không bán.

- Anh nói với anh Năm dùm là chiếc đồng hồ này đáng giá hai trăm. Nếu anh Năm muốn, tôi lấy nửa giá, anh Nam trả tôi 100 thôi.

- Anh tính hơi mắc đó nhưng không sao, để tôi lựa lời nói với anh Năm cho. Anh cứ yên tâm, bề gì thì tôi với anh cũng là dân cải tạo với nhau mà, không giúp anh thì tôi giúp ai.

Khoảng nửa giờ sau thì Tâm trở lại, đưa cho Linh một trăm đồng và nói:

- Nhờ tôi nói vào, anh Năm trả đúng giá anh đòi, không bớt một đồng nào.

Linh méo mặt cởi chiếc đồng hồ thân yêu của mình, đưa cho Tâm. Thế là hết, hết thật rồi. Trong mình chẳng còn vật gì có giá trị nữa. Linh thấy nước mắt mình ứa ra, vật kỷ niệm mẹ cho mà cũng không giữ được. Nhưng thôi, nước còn mất, nhằm nhò gì cái đồng hồ. Ngày mai gặp cô Tư, mình sẽ mua một ít thuốc rê, Còn lại bao nhiêu, mua một chiếc quần đùi gửi cho anh Đ. Tội nghiệp người đồng nghiệp đàn anh, ngày xưa sống trong nhung lụa, ngày nay trở thành thằng ăn cắp vặt - Cũng là do hoàn cảnh mà thôi. Ở đời, ai đã hơn ai ! Xét xử, chê bai người khác, mai này ai chê bai mình.

Linh gần đi vào giấc ngủ thì thấy Tâm trở lại tìm mình. Lại còn chuyện gì nữa đây? Đồng hồ đã trao tay rồi mà, sao không yên được với bọn này. Tiếng Tâm lạnh lùng:

- Anh Năm nói đồng hồ anh hư rồi, không chạy nữa.

Linh ngạc nhiên nhìn lại cái đồng hồ của mình, đưa lên tai nghe thì vẫn thấy tiếng máy chạy đều.

- Nó vẫn chạy mà, có hư gì đâu?

- Anh Năm nói nó hư rồi là nó hư rồi. Anh học đến Bác sĩ mà sao ngu quá vậy.

Linh chợt hiểu. Chắc chúng muốn đòi lại số tiền, cướp không cái đồng hồ Seiko. Thôi cũng được, người ta lấy của che thân, không ai lấy thân che của. Chàng rút ra trọn số tiền 100 đồng đưa cho Tâm:

- Anh đưa số tiền này nói anh Năm ngày mai ra chợ Cà Mau sửa dùm.

Tâm mỉm cười nham hiểm, bỏ đi.

Trời bắt đầu trở nên ảm đạm, tối tăm. Một vài ngọn nến được thắp lên trong các tổ. Bọn tù có được một vài phút để lo cho những chuyện cần thiết, vá lại một vài chỗ rách trên quần áo, chùi rửa một vài vết thương đang nhiễm trùng.

Lúc này là lúc Năm Xuân xuất hiện. Hắn làm như đến thăm mấy tên tù hôi hám. Thực sự chỉ là để được cung phụng về vật chất và dòm ngó xem có thể còn bòn rút được gì nơi bọn tù. Đến tổ nào, cũng có những tên nịnh bợ, một điều anh Năm, hai điều anh Năm. Khi đó thì những gì quý nhất do gia đình tiếp tế được đưa ra thù tiếp anh Năm. Trà, kẹo, cà phê, thuốc lá.

Linh nằm trong cái mùng hôi hám vì đã lâu chưa được giặt. Đau vì mất của. Đau vì thể xác, và đau vì tương lai mù mịt, không biết rồi đời mình sẽ ra sao.

Có lẽ vì mới ăn cướp được chiếc đồng hồ nên đêm đó, Năm Xuân không ghé tổ của Linh. Tuy nhiên, trong đêm tối tĩnh mịch, Linh vẫn nghe giọng huênh hoang dễ ghét của hắn ở tổ kế bên:

- Khi đó có người hỏi bác nghĩ thế nào về bọn trí thức tiểu tư sản. Bác trả lời: Thế các chú có thấy cục phân không. Phân thì thúi lắm, nhưng vẫn có thể dùng để bón cây. Bọn trí thức cũng vậy, nếu biết cách thì cũng vẫn có thể dùng chúng vào một vài công việc, có khi có lợi ích cho Cách Mạng. Các anh thấy tư tưởng của Bác có thâm cao không?

Nói xong, Năm Xuân cười hềnh hệch, khoái trá. Một vài tên tù cò mồi cười phụ họa. Linh cay đắng trong lòng. Bọn tù này đứa nào đứa nấy cũng có ít nhất cái bằng Tú Tài, vậy mà...!!!

Người Tù điên và ông Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu.

Sau cùng thì đêm tối vẫn trở thành tĩnh mịch. Năm Xuân đã bỏ đi khá lâu, trở về với chỗ ở của hắn, cách biệt với bọn tù. Mọi người đi vào giấc ngủ nặng nề, cố gắng ngủ lấy sức cho ngày hôm sau. Thỉnh thoảng, nếu nghe kỹ thì người ta vẫn nghe được tiếng ai đang khóc nghẹn trong một xó nào đó. Trăm người tù thì trăm hoàn cảnh, hoàn cảnh nào thì cũng thê thảm như nhau. Chắc hẳn có tên tù nào đó đang thổn thức về cái thê lương khốn nạn của đời mình. Khóc mà không dám khóc thành tiếng, chỉ thành những tiếng nấc mà thôi.

Linh thiếp đi trong giấc ngủ được một hai tiếng thì trong đêm trường tịch mịch bỗng có tiếng ai gào lên:

- Đ.m Hồ Chí Minh, Đ.m Hồ Chí Minh.

Tiếng chưởi cứ vang lên được một lát thì thấy tiếng chân người chạy huỳnh huỵch và tiếng vệ binh lên cò súng nghe lách tách. Có tiếng lao xao:

-Thằng Hòa nó điên rồi, thằng Hòa nó điên rồi.

Linh biết rõ Hòa. một cựu Đại úy Địa Phương quân. Tay này không có chiều sâu, có lần đánh nhau chỉ vì một miếng mỡ heo chia không đều. Có lần Linh chia cho hắn một khoanh bánh tét thì Hòa cười tươi, nịnh Linh lên tận mây xanh. Tóm lại, là một người phàm phu, tục tử. Kỳ thăm nuôi lần trước, Hòa không có ai tiếp tế, làm dân mồ côi. Một người tù quen gia đình Hòa được vợ cho biết là vợ Hòa đã bỏ đàn con cho cha mẹ Hòa nuôi, đi theo một tên Công an mới đổi từ miền Trung vào. Được ít lâu cũng bị tên này bỏ rơi và hiện nay giang hồ kiếm ăn nơi bến xe mới Cần Thơ. Cha mẹ Hòa quá nghèo và quá già, không thể thăm nuôi Hòa, vả lại cũng không có tiền bạc gì.

Kể từ bữa đó, Hòa thay đổi hẳn, không còn cười giỡn như xưa. Thì ra, sau bộ mặt phàm phu tục tử, ăn tục nói phét, người ta vẫn còn một cái đầu, và cái đầu đó cũng biết suy nghĩ để biết thế nào là đau khổ. Khi sự đau khổ vượt quá mức chịu đựng, thì người ta trở nên điên dại.

Bọn vệ binh bắt Hòa, trói như trói một con heo và giải đi. Dù bị nhét giẻ vào miệng, Hòa vẫn inh ỏi la lên:

- Đ.m Hồ Chí Minh.

Sau nửa giờ huyên náo vì người điên, sự yên lặng trở về trong đêm tối. Từ nơi xa xa, vọng lại tiếng một con chim đi ăn đêm kêu lên ảo não.

Chỉ một chập sau, mưa bắt đầu rơi. Tiếng những giọt nước rơi trên mái lá kêu lộp bộp, lộp bộp. Linh chợt thấy lạnh run người. Chàng co quắp trong chiếc mền mỏng dính, lôi hết những quần áo còn trong bọc ra khoác lên người. Chàng tự hỏi:

- Không biết mình có thể sống mà trở về với gia đình không? Mẹ ơi, mẹ ơi!

Thốt nhiên, Linh thấy nước mắt mình ứa ra, chẩy đầm đìa trên mặt. Đêm đã về khuya, trong núi rừng U Minh...



Trần Mộng Lâm