PDA

View Full Version : Chuyện Bà Hàng Xóm



TAM73F
12-05-2014, 05:38 PM
của Cao Đắc Vinh


Nếu viết chuyện ông hàng xóm thì chắc phải là bối cảnh quê nhà vì hiện nay các chú Ba đang xâm lấn bờ cõi nước Nam bằng nhiều thủ đoạn. Dĩ nhiên, câu chuyện to lớn ấy có tầm vóc quân sự và ngoại giao quốc tế... Còn chuyện bà hàng xóm mà tôi sắp kể dưới đây, đơn sơ chỉ là mẩu chuyện đời thường đã một lần xảy ra ngay sát vách căn nhà chúng tôi cư ngụ tại Cali, miền Tây Nam nước Mỹ.

Sau thời gian ở thuê trong khu phố này, vợ chồng tôi quyết định mua một căn để các con yên ổn học hành vì chúng nó chỉ cần đi bộ ngang qua công viên đến trường. Hôm nay là ngày vui của gia đình, giấy tờ tiền bạc xong xuôi, người bán vừa mới giao chìa khoá. Chúng tôi mở cửa vào xông nhà một buổi sáng đẹp trời. Hạnh phúc vì giấc mơ đã thành sự thật, chính thức là chủ nhân cái tài sản xinh xắn trên mảnh đất nhỏ thuộc thành phố Irvine. Ngày cuối tuần nên xe cộ thưa thớt, đồng hồ điểm mười giờ nhưng mọi nhà còn im lìm như ngái ngủ, chưa ai muốn ra khỏi giường.

Vừa bước vào rồi mở cửa ra thăm sân trong, bỗng chúng tôi nghe tiếng sột soạt từ bụi cây ở khu vườn đối diện với phòng bếp. Rùng mình, linh tính như báo tôi biết có chuyện bất thường! Mới sáng tinh mơ, mắt nhắm mắt mở, nhìn gà hóa quốc, vợ chồng nghĩ đến sự chẳng lành nên hồn vía lên mây bao trùm nỗi e ngại sợ sệt... Tình cờ không hẹn mà ngẫu nhiên, trong căn nhà trống không vắng vẻ này lại có một con vật to xác lù lù đang cuộn tròn rình rập ngay trong khóm cây? Vợ tôi buông tiếng kêu hốt hoảng rồi lùi nhanh ra sau, cố trấn tĩnh lại tâm thần...

Hóa ra trước mặt chúng tôi, một người đàn bà Á đông ngồi thu mình trong bụi rậm, cầm con dao phay đang chặt cây... Tôi hỏi bà là ai, tại sao vào đây và làm gì ở cái bất động sản này? Bà rụt rè tự giới thiệu là chủ căn nhà bên cạnh. Bà trộm vào đây để chặt bớt một vài thân cây mọc gần bờ tường nhà bà mà người chủ trước đã trồng. Bà sợ rễ cây sẽ làm hư hại nền móng... Thế nhưng nhìn vào hiện trường, tôi thấy tội nghiệp cây thông lùn, gốc chỉ to hơn một tấc, cao chưa đầy hai thước đã bị đốn trụi cành! Những điều bà phân bua hoàn toàn không thuyết phục... Nuốt cơn giận, tôi nói sự thể bà vượt biên giới đất đai phân định để chặt cây bứng gốc ở căn nhà chúng tôi vừa mua là một hành động sai trái. Muốn gì thì bà cũng phải hỏi người chủ mới, còn như lợi dụng cửa vườn nhà trống để xâm nhập gia cư như bà đang làm là hoàn toàn ngang ngược không thể chấp nhận. Cuối cùng, bà mắc cỡ cầm dao lủi thủi đi ra với sự bất bình còn rõ trên nét mặt vì mới chặt được một hai cây thì đã bị phát hiện đuổi ra.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần” là câu ca dao khôn ngoan không ai quên được. Những lúc mưa gió ốm đau, tình trạng khẩn cấp, hàng xóm vẫn là người gần nhất để chúng ta có thể nhờ cậy. Vợ chồng tôi cư xử theo quan niệm đó nên chỉ một thời gian ngắn sau khi dọn đến, gia đình tôi làm quen và trao đổi tin tức gia cảnh với mọi người. Bà hàng xóm cũng không là ngoại lệ.

Được biết gia đình bà di cư từ Đài Loan và vợ chồng đã hưu trí. Khi còn trẻ, cả hai đều là khoa học gia ngành Hóa tổng hợp bên Tàu. Ông bà có hai mặt con hiện vẫn sống trên đảo. Con trai hành nghề y sĩ và con gái giáo sư toán học. Họ gởi thằng bé trai sang Mỹ sống với ông bà ngoại, vào lớp mẫu giáo học cùng với các con tôi. Cô con gái vừa mua thêm một căn nhà cùng phố để cho thuê và hai ông bà cũng làm chủ nhiều đất đai ở đây. Tóm lại, gia đình họ giầu có cả về kiến thức lẫn tài chánh.

Chiều chiều, khi mặt trời lặn ở sau vườn, tôi thấy ông đứng trước cửa nhà hàng giờ, mắt đăm chiêu nhìn về phương Đông, nét mặt u buồn chẳng nói với ai nửa lời. Bên cạnh, thằng cháu cúi đầu mải mê đọc sách, thỉnh thoảng lại ngước lên hỏi ông những câu bằng tiếng Quan thoại rồi ông cúi xuống giảng giải. Còn bà thì lúc nào cũng lầm lũi, lúi húi đào cái này, lấp cái kia, hết bẻ cành tìm sâu lại cắt tỉa những nhánh hoa úa, vừa tưới nước xong đã quay sang dọn dẹp không ngừng tay, cũng chẳng nói với ông một câu hay nửa lời!

Đôi khi tiện dịp, chúng tôi ghé qua trò chuyện để hỏi thăm sức khoẻ. Đó là một người trí thức, cách phát biểu ôn tồn hòa nhã nên tôi đoán tính nết ông hiền lành chẳng bù cho bà lúc nào cũng sôi nổi. Ông đang dạy thằng cháu học về khoa thiên văn, sở thích riêng của ông lúc còn trẻ ngoài nghề nghiệp chính vì thế thường thấy hai ông cháu ra nhìn trăng lên vào lúc chiều xuống. Tội nghiệp! Tuổi ông đã già, sức yếu nhưng vì sống bên cạnh bà vợ suốt ngày bận rộn lu bù với cái bất động sản nên dù có gia đình mà ông vẫn cảm thấy cô đơn chẳng có ai tâm tình? Phương Đông cũng là quê nhà vì thế nhìn trời khảo cứu thiên văn có lẽ giản dị chỉ để gởi gấm nỗi lòng hoài hương của ông...
Một hôm, bà nhờ một chuyên viên địa ốc quen biết tạt qua nhà gõ cửa, ngỏ ý chuyển lời của bà xin chúng tôi vui lòng đốn hai cây cảnh đang trồng yên ổn ở mặt tiền vì lo sợ rễ cây mọc tuồn vào garage nhà bà. Lần này thì bà đã tỏ vẻ biết điều hơn trước. Không đoán cũng biết lòng bà vẫn còn thắc mắc buồn khổ... tâm trí âu lo quanh quẩn mãi với câu chuyện cây cối chưa được giải quyết nhưng sự đòi hỏi ấy không chính đáng hơn nữa việc cũ vẫn chưa quên lây lan sang cả chuyện chính trị hung hãn của nước Tàu ở biển Đông nên chúng tôi... từ chối. Tuy nhiên, gia đình cũng chẳng muốn trồng cây to vì sự bảo trì khó khăn nên dù không đáp ứng sở thích của bà, chúng tôi vẫn chăm sóc cây cỏ định kỳ để giữ khu vườn phía trước nhà hay sân trong lúc nào cũng khang trang và có kích thước gọn gàng. Đó cũng là cách gián tiếp đáp lễ tính tình khó khăn hay chấp nhất ấy.

Thời gian trôi, năm sau nghe tin ông qua đời, căn nhà chỉ còn mình bà lủi thủi với thằng cháu. Mặt trời mọc, mỗi sáng thằng bé đến trường thì bà lếch thếch kéo cái giỏ có lắp bánh xe đi chợ ngang qua nhà tôi. Cảnh đời của bà đã buồn tẻ, bây giờ lại càng thấy quạnh hiu. Thằng bé không còn học thiên văn lúc chiều xuống và khi đêm về, ngôi nhà mất hẳn sự sinh hoạt cố hữu, lúc nào cũng cửa đóng then cài... yên ắng tiếng động như thiếu cả bữa cơm chiều!
Mùa hè đến, ngày cuối của niên học vừa kết thúc, căn nhà bà cắm bảng For Sale. Hai bà cháu âm thầm dọn đi nơi khác, nghe nói bà dọn về nơi có đất rộng để trồng trọt cho khuây khoả... Rồi một hôm, người quen cho tin bà đã về bên kia thế giới vì cảnh già đơn côi. Khi nhắm mắt, không ai thân thiết bên cạnh để vuốt mắt bà lần cuối! Đứa cháu thì đã trở về Đài Loan xum họp với cha mẹ nó sau niên học ấy. Thế mới biết đời người phù du như một chuyến xe lên bến này rồi xuống bến kia... Ý nghĩa của chữ vô thường chìm sâu vào phận người, dù giầu nghèo hay sang hèn từ vật chất đến tâm hồn... cũng cùng số phận giống như nhau không ngoại lệ.

Câu chuyện xưa ấy đã đi vào dĩ vãng, buồn nhiều hơn vui nhưng tôi vẫn chưa quên được bài học vô thường. Khi còn tại thế, bà hàng xóm của tôi đã không sống cho mình mà cũng chẳng cho người. Có kiến thức và của cải cũng không bảo đảm một đời sống ý nghĩa nên âu lo sân hận vẫn còn đầy. Gió cuốn đi... tất cả mọi thứ trên cõi tạm này hôm nay và mãi mãi. Bà hàng xóm của tôi đã nằm xuống nhưng căn nhà khi xưa gieo cho bà nhiều lo lắng viển vông trong cuộc sống bây giờ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt bên cạnh nhà tôi... Có rễ cây nào làm đổ nát hoang tàn đâu?

Chuyện của bà cũng làm tôi thay đổi lối sống và suy nghĩ từ dạo đó. Tôi chẳng còn bận tâm khi có xe lạ đến đậu vào chỗ của xe tôi bên lề đường trước cửa nhà. Thỉnh thoảng vào dịp nghỉ lễ, sinh viên ở sau nhà tổ chức hội họp ồn ào đến khuya, tôi cũng thông cảm cho cuộc vui của họ mà không thấy phiền hà. Bên cạnh, họ có làm biếng để cây cỏ mọc sát hàng rào lấn qua phía bên này, tôi lấy máy cắt đi... Sống hòa đồng với mọi người cố không để một chuyện nhỏ làm mất đi tình lối xóm. Trên xa lộ, nếu chẳng may gặp chiếc xe di chuyển với vận tốc chậm ở phía trước, tôi lách qua mà không phàn nàn vì có thể tài xế chưa quen đường, mới lái xe chưa vững tay lái hay vì già nua mắt kém biết đâu chừng... Vô số lý do chính đáng phải thế không?

Mỗi ngày, tôi tìm thời gian đến với gia đình và bạn bè trong sự cởi mở thân tình. Cuộc đời nhờ đó thêm ý nghĩa và cho tôi nụ cười... sau lưng. Ở câu chuyện này, tuy có chút bùi ngùi vì đã không đáp ứng những điều bà hàng xóm chờ đợi ở tôi năm xưa nhưng lòng tôi dù thế nào vẫn phải nghe theo nguyên lý chính đáng nên nhân đây, cũng xin được bầy tỏ chút tình về cố hương...

Xa xôi gởi gió chuyển lời... Mong sao con dân nước Việt sẽ không bao giờ nhu nhược, chấp nhận để quân Tàu phương Bắc xâm chiếm lãnh hải biển Đông và mua rừng đốn cây trồng người ở ngay trên lãnh thổ chúng ta. Ngược lại, chung một lòng giữ vững biên cương và kiên cường đối xử với ngoại xâm như câu chuyện vụn vặt của gia đình chúng tôi với người lối xóm tham sân si bên cạnh nhà...

Khởi đi từ ý đồ Nam tiến, các chú Ba muốn chiếm hết bán đảo Đông Dương và biển Thái Bình, duy trì đà phát triển, tìm cách vượt qua nước Mỹ chỉ vì tham vọng số 1 thế giới dự tính vào năm 2020 nhưng “vỏ quyết dày có móng tay nhọn”... Lịch sử đứng đầu thế giới của Mỹ từ 130 năm qua đã chứng minh họ tiêu diệt tất cả các đối thủ đứng vị trí thứ 2 để củng cố vai trò khôi nguyên của mình. Kể từ năm 1880 đã có các nước tiêu tan như Anh, Nga, Đức, Liên Sô và hiển nhiên đến cuối thập niên 20 này, Tàu cộng sẽ phải là mục tiêu bị Mỹ đánh gục tan ra từng mảnh chỉ vì đang đứng hạng 2 thế giới mà lại còn đành hanh. “Hóa ra tham sân si không sống cho mình mà cũng chẳng cho người...”

Chuyện các quốc gia to tát như thế nhưng sao chẳng khác mẩu chuyện sau vườn nhà tôi chút nào... Rồi các chú Ba sẽ phải chết không người nào vuốt mắt như bà Đài Loan lối xóm của gia đình chúng tôi năm nào. “Có kiến thức và của cải cũng không bảo đảm một đời sống ý nghĩa nên âu lo sân hận vẫn còn đầy”. Xin giã biệt bà hàng xóm và kính chúc bà từ nay an giấc nghìn thu...

2014/12