PDA

View Full Version : Mật Khu Mây Tào



Longhai
12-02-2014, 09:40 AM
Mật Khu Mây Tào


Lê Đắc Lực


“Cuối dãy Trường Sơn”

Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh lòng thương.
Phận trai già ruổi chiến trường.
Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”

“Chinh Phụ Ngâm Khúc ”
( Đoàn Thị Điểm )


Rặng Trường Sơn chạy dài từ Bắc xuống Nam, như cái xương sống của nước Việt Nam. Núi Mây Tào và các ngọn núi nhỏ hơn quanh đó, là những ngọn núi cuối cùng của rặng núi nầy. Từ đó đi tuốt về phía Nam, không còn ngọn núi cao nào nữa.

Về Thu Đông, đỉnh Mây Tào thường có mây bao phủ. Nên nó mới có tên là “Mây” chăng? Tuy nhiên, đối với vùng Miền Đông Nam Phần, Mây Tào có một vị trí chiến lược quan trọng. Người sĩ quan, cấp càng cao, càng có nhãn quan đặc biệt về vùng đất chiến lược nầy.

Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, miền Đông Nam phần là vùng Việt Minh hoạt động mạnh, tạo ra những trận đánh lớn. Không chỉ riêng gì mật khu Mây Tào của núi Mây Tào, mà ngay vùng Long Đất, Đất Đỏ, cũng được coi như An Toàn Khu (ATK) của bọn chúng

Khu vực Mây Tào liền với khu Rừng Lá trên Quốc Lộ 1, vùng thung lũng Võ Đắt - Võ Xu về hướng Bắc, vùng Định Quán, Trị An, chiến khu D hướng Tây Bắc, và nối dài lên tận Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long qua tới biên giới Việt Miên. Vùng Bình Giả, Xuyên Mộc hướng Tây Nam.

Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ 2, Quân Đội VNCH từng đụng độ lớn với quân cộng sản ở Bình Giả, do đó mà cái tên Bình Giả đi vào lịch sử quân sự chống cộng của quân dân Miền Nam, và trong một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Quốc Lộ 20, đoạn từ ngã ba Dầu Giây trở lên Định Quán, là vùng định cư của đồng bào miền Bắc di cư 1954, nhờ đó, quân Cộng sản không thể thực hiện được một chiến thắng nào ở Định Quán, như trong cuộc chiến tranh trước.

Những nhà chiến lược quân sự của Việt Nam Cộng Hòa thấy rõ tính chiến lược của vùng núi non cuối dãy Trường Sơn. Để hạn chế hoạt động quân sự của phe địch ở đây, một số quận được nâng lên cấp tỉnh. Quận Xuân Lộc nâng lên thành tỉnh lỵ của tỉnh mới là Long Khánh. Hàm Tân thành tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy, Bà Rịa thành tỉnh lỵ tỉnh Phước Tuy.

Ba Tỉnh mới nầy nằm ở chung quanh núi Mây Tào.

Cộng sản biết như thế, không những biết mà biết rất rõ, nhưng nếu muốn hoạt động quân sự ở Miền Đông Nam Phần, miền đất sinh tử để có thể giữ cho công cuộc xâm lăng Miền Nam của Cộng sản Bắc Việt được tồn tại và phát triển, bọn chúng phải cố sống cố chết thành lập và xây dựng Mật khu Mây Tào.

Khi quân Mỹ và Đồng Minh tham chiến ở Việt Nam, quân cộng sản yếu thế, không quấy phá được ba tỉnh mới nói trên, và cũng không dám xâm phạm Quốc Lộ 1 ở đoạn Rừng Lá. Cũng trong đoạn Rừng Lá nầy, phía Quân Đội Đồng Minh và VNCH thành lập hai vị trí Quân sự quan trọng: “Căn cứ 4 và Căn cứ 5”. Hai căn cứ có bố trí súng đại bác, để yểm trợ hỏa lực cho quân đội ta, hoạt động ở các khu vực chung quanh.


http://hoiquanphidung.com/userupload/img/nuimaytao_1417516756.jpg

Rừng Lá, nơi Quốc Lộ 1 chạy ngang qua, là vùng Việt cộng dễ xâm nhập và phá hoại. Khúc đường có chỗ cong gần như 90 độ, hai bên đường, nhất là phía núi Mây Tào, toàn loại cây cọ, có tàng lá lớn, che kín mọc đầy dẫy, quân Việt cộng thường ẩn núp, di chuyển bên dưới rất an toàn và khó bị phát hiện. Mặt đất tương đối bằng phẳng, chỉ có tre và các cây chồi hoang mọc xen lẫn, nên một số đồng bào đã vào đây khai phá để trồng lúa. Gần tới núi Mây Tào, rừng rậm, cây cao, nhiều dốc đồi, vách đá, khe nước, nên di chuyển khó khăn hơn.

Sau Hiệp Định Paris 1973, lợi dụng tình hình ngưng bắn, Việt cộng gia tăng hoạt động trong toàn khu vực các Tỉnh Miền Đông Nam Phần.

Khoảng đầu tháng 5 năm 1974, Việt cộng tung quân chiếm cứ đồn điền cao su nằm gần ngã ba Dầu Dây, đắp mô trên đường đèo lên thị trấn Bảo Lộc, cắt đứt giao thông Quốc Lộ 20. Bọn chúng chiếm đóng trên đỉnh Đèo Mẹ Bồng Con, tấn công vào các Căn cứ Hỏa lực 4 và 5, đắp mô, giựt mìn phá hoại ngay trên trục lộ giao thông ở khu vực Rừng Lá, cắt đứt thông thương Quốc Lộ 1. Tất cả mọi xe cộ, nguồn cung cấp thực phẩm, rau quả, hải sản, từ Đà Lạt, Lâm Đồng, từ Bình Thuận, Phan Thiết đều bị tắc nghẽn, ứ đọng, nằm trải dài hơn hai ba cây số trên Quốc Lộ 1 trong suốt 20 ngày liền.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Long Khánh do Đại Tá Mạch Văn Trường, nguyên Trung Đoàn Trường Trung Đoàn 8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, từng bị trọng thương tại chiến trường An Lộc, vừa mới đáo nhậm chức Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, đã điều động các lực lượng tăng phái, bao gồm: một Tiểu Đoàn của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế và một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân đến tấn công, tiêu diệt và bắt sống hầu hết địch quân, chiếm lại toàn bộ các khu vực trên. Riêng tại Rừng Lá, Tiểu Đoàn Địa Phương Quân cơ hữu của Tiểu Khu, suốt mấy ngày liền đã mở các cuộc hành quân giải tỏa, thông đường cho xe cộ vận chuyển qua lại được, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đến chiều tối, thì đâu lại vào đấy. Địch quân từ mật khu Mây Tào, đưa quân tràn ra đánh chiếm và đắp mô trở lại. Tiểu Đoàn Địa Phương Quân phải rút về phòng thủ, án ngữ tại mặt Bắc Căn cứ Hỏa lực 4.

Trước tình hình thực tại này, không thể để Quốc Lộ 1, con đường huyết mạch bị bế tắt kéo dài thêm. Bây giờ, như đã từng xảy ra, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III cuối cùng cũng phải giao phó cho Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù nhận lãnh trách vụ giải tỏa, truy lùng, tiêu diệt đám giặc Cộng đã và đang hoành hành tại khu Rừng Lá, mật khu Mây Tào này.

Lực lượng giải tỏa gồm Bộ Chỉ Huy I Chiến Thuật và hai Biệt Đội 811, 814 Biệt Cách Nhảy Dù. Tôi là Biệt Đội Trưởng Biệt Đội 814, Trung Úy Trương Việt Lâm, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội 811. Toàn bộ từ Biên Hòa, di chuyển bằng xe GMC, đến đóng phía ngoài Phi Trường Quân Sự dã chiến Long Khánh, sát bên hông Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, đồng thời là Tòa Hành Chánh Tỉnh Long Khánh, chuẩn bị vào chiến trường.

Buổi sáng ngày hôm sau, Trung Tá Vũ Xuân Thông, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy I Chiến Thuật, và hai Biệt Đội Trưởng đến họp tại Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Long Khánh cùng với Đại Tá Mạch Văn Trường, Tiểu Khu Trưởng và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.

Biết chắc mật khu Mây Tào là căn cứ địa của Việt cộng, nhưng không nắm rõ quân số của chúng. Trên Quốc Lộ 1, sau khi đánh chiếm Căn cứ Hỏa lực 4 và 5, bọn chúng chiếm giữ đoạn đường nầy, đắp ụ, đóng chốt hai bên Quốc Lộ, giao thông hoàn toàn ngưng trệ bấy lâu nay.

Sau buổi họp, Biệt Đội 814 được lệnh xuất phát. Trực Thăng thả Biệt Đội 814 xuống một vùng đất trống ở Sông Ray, Xã Xuân Tâm, cách Quốc Lộ 1 chừng 500 mét về hướng Đông Bắc. Từ đó, Biệt Đội men theo địa thế, vượt qua các đồng ruộng, ẩn mình dưới những rừng cây cọ, tiến lên phía trước, dọc hai bên Quốc Lộ 1, với một khoảng cách khá xa. Giữa trưa, gần đến vị trí địch đắp mô, thì bất ngờ, Biệt Đội bị địch pháo kích bằng súng cối, một Tiểu Đội phó tử thương và hai khinh binh của Biệt Đội bị trọng thương.

Đơn vị súng cối của địch không đặt ở trên Quốc Lộ 1, mà nằm sâu bên trong Núi Mây Tào. Bọn chúng có thể đã chuẩn bị vị trí đặt súng, canh sẵn tọa độ, mục tiêu, tầm bắn dọc hai bên Quốc Lộ 1, nơi mà chúng dự đoán Quân Đội ta sẽ di chuyển, và nhất là chúng đặt được cái “Đài quan sát” trên những ngọn cây cao. Với những lợi thế đó chúng tác xạ tương đối chính xác.

Biệt Đội tạm thời rút lui khoảng hơn nửa cây số, ra khỏi vị trí “trận địa pháo” đã có hỏa tập tiên liệu của địch, dừng quân, đào hầm phòng thủ, nghỉ qua đêm.

Sáng hôm sau, Trung Tá Vũ Xuân Thông cùng hai Biệt Đội Trưởng lên trực thăng để bay quan sát địa thế và mục tiêu. Khi trực thăng bay vòng trên khu vực núi Mây Tào, địch từ dưới bắn lên bằng súng phòng không 12.7 ly. Đây là loại vũ khí quân Việt cộng mới trang bị thêm cho lực lượng địch hoạt động tại nơi này. Trực thăng phải bay lên cao, tránh phòng không, hướng thẳng ra Phan Thiết, rồi từ đó quay ngược trở lại tiếp tục quan sát. Mục tiêu nằm trên trục lộ chính. Máy bay có thể oanh kích tiêu diệt dễ dàng, nhưng sẽ làm hư hại nặng nề quốc lộ 1.

Hai bên đường tuy là rừng lá, nhưng đoạn giữa hai Căn cứ 4 và Căn cứ 5, phía bên phải từ hướng Phan Thiết kể vào, có nhà dân chúng, có vườn tược. Bên phía trái cũng tương tự, nhưng thưa thớt hơn, rừng chồi và cây cọ dày đặc hơn.

Với địa thế đó, rất tốt đế cho tiến quân đêm, tạo sự bất ngờ, thiếu cảnh giác của địch. Vậy là, ngay tối hôm đó, Biệt Đội tôi tiến lên. Đi đầu là toán khinh binh tiền sát, kế tiếp đó, như chiến thuật từng áp dụng là lực lượng cấp trung đội, yểm trợ cho các Toán tiền sát.

Song song, cũng trong thời điểm này, Biệt Đội 811 đưa các toán thám sát, thâm nhập vào mật khu Mây Tào, bằng đường bộ, riêng các trung đội sẽ tiến sâu đến gần bìa rừng, lục soát, truy lùng địch, đồng thời cũng phục kích bắt sống bọn chúng.

Tới gần sáng, toán tiền sát đến gần các mô đất địch đắp trên lộ, báo cáo không thấy chốt, mà cũng chẳng thấy địch đâu cả. Biết chắc ban đêm bọn chúng rút về hầm trú ẩn gần đâu đây, nên biệt đội lợi dụng cơ hội, phục kích đón ngược chúng. Nếu ban ngày, chúng quay trở lại để đóng chốt, thế nào chúng cũng lọt vào ổ phục kích.

Kế hoạch xử dụng phục kích để chống phục kích của biệt đội đạt kết quả tốt. Bọn chúng hoảng loạn bỏ chạy, không kịp mang theo xác chết.

Tiếp tục đà chiến thắng, biệt đội tiến lên tấn công chốt chặn kế tiếp. Đã phòng bị trước, địch nổ súng phản công, nhưng cuối cùng cũng phải buông súng đầu hàng.

Lần nầy, khác với hôm qua, bọn Việt cộng không được súng cối 61 và 82 ly của đồng bọn bắn yểm trợ. Do đó, kết quả thảm bại chua cay, phải bỏ xác, tháo chạy và qui hàng.

Tại sao chúng không được súng cối yểm trợ như ngày hôm qua, một chiến thuật mà chúng đẩy lùi được đơn vị đã tấn công chúng trước chúng tôi?

Bởi vì cuộc hành quân của Biệt Đội 811.

Khi Biệt Đội 814 chúng tôi đang phá chốt trên Quốc Lộ 1, thì các Toán Thám Sát Biệt Đội 811 khám phá một căn cứ của địch nằm khuất bên trong rặng Núi Mây Tào. Các phi tuần F.5E đã được gọi đến để ném bom phá hủy. Đồng thời, Biệt Đội 811, trong lúc truy lùng địch dọc theo mặt Bắc chân núi Mây Tào đã tấn công tiêu diệt hai tổ súng cối yểm trợ hỏa lực của Việt cộng, phát hiện tịch thu một hầm vũ khí và lương thực cùng các rẫy canh tác trồng trọt, đặc biệt địch trồng rất nhiều lúa và ngô trong khu vực này.

Đó là lý do tại sao Biệt Đội 814 đã đánh bại các chốt địch trên Quốc Lộ 1 quá dễ dàng.

Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đã gây nhiều bất ngờ cho địch quân. Chưa khi nào Việt cộng bị tấn công đêm hay bị phục kích ngược trở lại. Bọn địch cũng không bao giờ ngờ, các Biệt Đội Biệt Cách Nhảy Dù dám thâm nhập vào sâu trong mật khu an toàn của chúng, để khám phá kho tàng, căn cứ, địa đạo, hay mở các cuộc hành quân truy lùng, tấn công vào các đơn vị hỏa lực yểm trợ của chúng đóng ẩn dấu, che khuất dưới những tàng cây, hốc đá, sát tận chân núi, để bọn chúng cuối cùng cũng phải “bỏ của chạy lấy người.”

Việt cộng chắc chắn phải thấy một điều : Mật khu Mây Tào không còn là vùng “Bất Khả Xâm Phạm” đối với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.


***

Trong quãng đường binh nghiệp mà tôi đã đi qua, là một chiến sĩ 81.BCD, tôi chỉ biết xông pha ngoài mặt trận, trên các chiến trường lửa đạn hay trong các mật khu của giặc cộng với đầy rẩy mọi bất trắc hiểm nguy chực chờ. Thế nhưng, tôi vẫn không sờn lòng nản chí. Tôi chiến đấu cùng đồng đội để tiêu diệt giặc thù cộng sản, để bảo vệ Tổ Quốc, Quê Hương và Đồng Bào, đó là một bổn phận, một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả mà tôi phải hiến dâng và tuân hành.

Từ những mật khu bất khả xâm phạm của địch, đến các trận địa chiến khốc liệt, tang thương, đã cướp đi qúa nhiều đồng đội, chiến hữu của tôi, họ đã can trường chiến đấu, hy sinh cả tuổi trẻ và mạng sống để Tổ Quốc được tồn vong, để ghi vào lịch sử những chiến tích lẫy lừng cho đơn vị.

Xác thân và công lao của họ đã cho tôi được nhận lảnh vinh hạnh lớn lao hôm nay, ngay tại mặt trận Rừng Lá - Mật khu Mây Tào, tôi đã được Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng đề cử là một Chiến Sĩ Xuất Sắc của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, để về Thủ Đô Sài Gòn tham dự Đại Lễ Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 năm 1974. Sau đó tháp tùng cùng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Vùng IV Chiến Thuật, du hành thăm viếng Nước Trung Hoa Dân Quốc (Đảo Đài Loan) trong một tuần lễ. Cũng trong ngày đại lễ này, tôi đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban thưởng Ưu Dũng Bội Tinh, một huy chương cao quí, chỉ dành cho các chiến sĩ xuất sắc, các anh hùng diệt cộng của các quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Buổi ân thưởng huy chương danh dự này, đã được cử hành trọng thể ngay tại Phòng Khánh Tiết Dinh Độc Lập.

Đó là niềm hãnh diện và là một vinh dự lớn lao, ghi đậm dấu ấn trong suốt đời binh nghiệp của tôi.



Lê Đắc Lực

TH-72G
12-06-2014, 07:24 AM
http://hoiquanphidung.com/userupload/img/6530-4 RungLa MayTao_1417850036.jpg

http://hoiquanphidung.com/userupload/img/nui May Tao_1417850551.png