PDA

View Full Version : Ngọn nến tắt



Longhai
11-30-2014, 12:48 AM
Ngọn nến tắt


Quý Thể


Thời mới quen biết nhau có lần tôi hỏi anh tuổi gì, anh nói tuổi Tí, con chuột. Tôi nói, sao trông tướng tá anh đồ sộ thế, em tưởng anh tuổi con voi. Anh chỉ cười, không nói. Tôi hỏi anh mạng gì, anh nói mạng thủy. Tôi đùa: “Người mạng thủy làm nghề thủy lợi, cấp thoát nước là tốt nhất, còn anh làm nghề gì?”. Anh nói:

- Làm lính chữa lửa.

Tôi nói:

- Đàn ông mạng thủy làm lính cứu hỏa là hết sảy, tới đâu, lửa chúng nó nghe hơi cũng tắt ngòm!

Anh lại cười, song nghe anh nói làm lính chữa lửa tôi chẳng tin. Tôi thấy anh tướng tá nho nhã, trắng trẻo, tánh tình rụt rè bẽn lẽn như con gái. Tôi cứ tưởng dân chữa lửa phải là người đen thui, gân guốc, bộ mặt phải “ngầu”. Tôi bảo anh: “Nói xạo!”. Anh phải đưa giấy tờ ra để chứng minh. Tôi đọc thấy anh là Trung úy Cảnh sát P.C.C.C. Tôi hỏi P.C.C.C là gì, anh nói là Phòng cháy chữa cháy. Tôi hỏi còn C.C.C.P là gì ? Anh nói đó là tên nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô. Đến lúc ấy tôi mới phân biệt được hai nhóm chữ gồm những chữ cái giống nhau, ngược nhau và rắc rối này. Bọn trẻ con ngày nay còn gọi đùa là “ Phòng chống chó cắn”. Thời gian sau khi đã thân nhau hơn tôi thường hay chọc phá anh:

- Dân chữa lửa thì phải lem luốc khói than, sao trông giống công tử bột, búng ra sữa quá!

Anh nói :

- Đâu phải lúc nào cũng lăn xả vào khói lửa. Cũng có lúc an nhàn chứ.

Tôi hỏi mỗi năm thường các anh dập tắt được bao nhiêu đám cháy ? Anh bảo tôi thử đoán bao nhiêu vụ. Tôi nói năm… mười… mười lăm… hai mươi… Anh nói :

- Chi mà nhiều thế. Bộ cô là bà hỏa hay sao ? Hay cô ngày nào cũng muốn thấy mấy chiếc xe sơn màu đỏ vừa chạy vừa quét ánh đèn xanh lè, vừa thét như con lợn chọc tiết. Nghề này càng thất nghiệp càng tốt. Tôi chỉ mong được nghỉ ngơi…

Tuy mới quen biết nhau, tôi thấy anh hiền từ, dễ gần gũi và có thể trêu chọc được, tôi nói : “Đồ…” Anh hỏi, đồ chi ? Tôi nói đồ lười!

***

Tôi và anh quen nhau trong một lớp học Anh ngữ ngoài giờ, ban đêm. Ba tháng sau chúng tôi đã thân nhau lắm rồi. Có lần anh làm thơ tặng tôi. Khi tôi đọc, anh nhìn tôi đăm đăm. Có lẽ anh chờ đợi nơi tôi một sự cảm phục, một lời ngợi khen. Tôi biết thế nên tôi chơi ác. Xem xong tôi chỉ phán một câu :

- Thơ chữa lửa dở òm !

Anh phân trần, mình không phải nhà thơ, cảm xúc sao viết vậy. Anh nói lính cứu hỏa ngồi trực chiến suốt cả ngày lẫn đêm trên chòi cao, dõi mắt trông bốn phương tám hướng để tìm khói, tìm lửa, buồn lắm, không làm thơ, biết làm gì ? Có lẫn anh vẽ khuôn mặt tôi trong quyển sổ của anh. Vẽ bằng bút bi, chẳng giống tôi tí nào. Tôi mà anh vẽ ra hình một con bé tóc dài, tuổi chừng mười một, mười hai. Tôi nói, anh vẽ em trông giống đứa con nít. Từ lời nhận xét này anh rút kinh nghiệm. Lần sau anh vẽ tôi cũng cách đó nhưng thêm mấy nếp nhăn ở trán. Lần này tôi trông giống như bà già bảy mươi. Tôi biết anh chẳng có tài làm thơ vẽ tranh, chỉ vì yêu tôi mà anh làm thế. Tôi ngốc quá, chẳng tế nhị gì cả, tôi nói thẳng: “Anh đừng làm văn nghệ nữa”. Anh cụt hứng.

Anh học tiếng Anh cùng một lần với tôi nhưng chậm và kém lắm. Anh phát âm rất dở. Tôi không hiểu anh học tiếng Anh làm gì. Nghề nghiệp của anh đâu cần cái thứ ngôn ngữ khó nuốt này. Hỏi anh, anh nói: “Học cho biết”. Sau này tôi mới rõ anh ôm cái mộng to ghê gớm: Anh tính viết tiểu thuyết bằng Anh ngữ! Song gần người này một thời gian tôi thấy đó là một hỗn hợp kỳ dị giữa mơ mộng và thực tế. Anh không có tài năng gì, không nổi bậc giữa đám đông, chỉ được cái lòng tốt và trách nhiệm thì không ai bằng.

Có lần anh đưa tôi về thăm quê. Quê anh nghèo lắm mà riêng gia đình anh còn chịu bao điều bất hạnh. Trước đây anh có nói qua về người cha của mình, tôi tưởng không đến nỗi nào, giờ đây tôi mới biết tình trạng vô cùng bi đát. Cha anh nằm liệt giường đã bảy năm qua, hoàn toàn bất động, chẳng nói năng, sống cũng như chết. Anh nói cha anh ngày trước cũng là lính cứu hỏa. Trong một lần chữa lửa ông bị kẹt mấy tiếng liền trong một căn phòng mà dưỡng khí đã bị đốt cháy hết chỉ còn lại thứ khí độc là ôxít Cacbon. Nó hủy hoại hoàn toàn não bộ ông. Trước mắt tôi ông là một thân thể dị dạng, trắng phau, mập ú, giống như đứa hài nhi khổng lồ, ông mở cặp mắt vô hồn nhìn thế giới chung quanh. Lúc trở ra anh hỏi, em có sợ không ? Tôi hỏi lại sợ gì? Anh nói:

- Có sợ phải về sống trong căn nhà này không ?

Vì yêu anh, tôi không ngần ngại, tôi rất thực lòng, nói :

- Không sợ gì cả, miễn có anh.

Tôi tưởng khi nghe tôi nói thế anh sẽ rất cảm động, không ngờ anh tỏ ra băn khoăn và ái ngại ghê lắm. Thực lòng anh không muốn vì anh mà tôi khổ. Tôi hỏi :

- Cha anh chữa lửa gặp tai nạn thảm khốc như thế này, tại sao anh lại cũng chọn cái nghề đầy gian nan nguy hiểm đó?

Anh lúng túng trả lời một cách mơ hồ :

- Biết làm sao được…

***

Ban đầu tôi hiểu đơn giản công việc của các anh là dập tắt những đám cháy. Sau tôi mới biết nhóm của các anh làm nhiều thứ việc, cứu người chết đuối, điện giật, nhà đổ, tự tử… Có lần anh trở về nhà, hai cánh tay đầy vết cào cấu. Căn vặn mãi anh mới chịu nói, có con điên không hiểu làm sao lại chui vào chuồng gấu, người ta gọi lính cứu hỏa tới. Anh xông vào chuồng, chế ngự con gấu dữ, lôi đứa con gái ra. Vừa ra ngoài hắn tuột hết quần áo, trần truồng như nhộng chạy lung tung. Anh phải lấy tấm chăn chạy theo tóm nó lại vác về. Anh bị gấu cào lại còn bị con điên cắn. Trước mắt mọi người, anh là “người hùng”. Mấy người làm báo săn đuổi anh để chụp hình, phỏng vấn. Còn anh thì xấu hổ, muốn đào đất chui xuống.

***

Ngày mai sinh nhật anh. Hôm nay anh xuống ca trực, được ở nhà, chở tôi đi chợ mua bột đường về làm bánh. Lâu lắm chúng tôi mới có dịp được gần nhau trọn một ngày. Chúng tôi ngồi cạnh lò lửa nướng bánh. Ngọn lửa đỏ rừng rực không ngớt liếm ra ngoài như cái lưỡi chẻ đôi của loài rắn độc. Hôm nay là ngày vui của anh sao tôi cứ thấy anh ngồi thừ người ra, buồn bã. Ánh lửa xanh rờn như mắt quỉ cứ lập lòe trong cặp mắt hoang mang của anh. Tôi nói : “Năm nay tuổi anh gặp sao La Hầu, xấu lắm. Người ta nói nam La Hầu, nữ Kế Đô”. Anh cố cười và chế nhạo cái tính mê tín của tôi. Anh nói :

- Làm thầy bói mà chẳng biết tâm lý. Chưa chi đã dọa thân chủ, ai thưởng tiền ? Phải nói năm nay tốt lắm, tài lộc dồi dào, người ta mới chịu dốc hầu bao.

Tôi nghiêm sắc mặt lại, nói :

- Không đùa giỡn đâu. Phải coi chừng củi lửa !

Anh nói nghề của anh là lao vào lửa, tránh sao được. Anh cố làm ra vẻ mạnh mẽ cho tôi yên tâm song tôi vẫn thấy cặp mắt anh buồn bã vô hạn. Trên vầng trán cao sáng láng hôm nay có cái bóng mờ mờ rất dễ sợ.

Đúng lúc đó có tiếng chuông điện thoại reo. Anh cầm máy lên nghe, đặt xuống, nói, thằng Sơn ốm đột ngột, không người thế, anh phải vào cơ quan trực chiến. Nghe thế tôi tính nói, đợi một chốc nữa, tiệc sinh nhật xong hẵng đi, một năm mới có một ngày, có gì gấp gáp đâu. Đâu phải lúc nào cũng có đám cháy. Nhưng tôi biết người như anh chẳng thể giữ lại bằng kiểu lý lẽ đó. Tôi làm bộ vui vẻ, nói :

- Đi đi, xong rồi về, em đợi.

Anh quay lại nhìn cái bánh sinh nhật rất to, trang điểm bằng bông hoa đường, với một rừng cây nến trắng nhỏ bằng số tuổi của anh. Anh nói cho đến năm nay, lần đầu tiên mới có cái bánh sinh nhật to và đẹp như thế này. Anh khen tôi làm bánh đẹp, có thể mở tiệm được. Anh nói thế nào cũng về thổi nến. Anh lại cố đùa :

- Thổi một hơi tắt cả ba mươi hai ngọn nến, gay đấy!

Và anh bước ra. Không hiểu vì tôi ngồi suốt ngày trong bếp nên hoa mắt, hay vì ở trong bóng tối nhìn ra ngoài sáng khiến tôi thấy hiện tượng rất lạ. Anh bước ra rồi chơi vơi trong một thứ gì màu nhàn nhạt, lập lòe như lửa.

***

Trước đây đã có lần bị anh chọc, tôi muốn làm anh khổ nên tôi khóc. Anh bẹo má tôi, trêu : “Cái mặt đẹp gái như thế này mà khi khóc méo xẹo như mặt bà già, xấu chưa !”. Bây giờ tôi đang khóc đây, có xấu như quỉ tôi cũng khóc. Tại sao cuộc đời lại có những chuyện kỳ khôi, vô lý và tàn nhẫn như thế này ? Người ta kể lại, khi đó căn nhà của một người đàn bà nghèo bán xăng lẻ cháy. Cháy ngay cửa ra vào, nhà không còn lối ra. Anh lao vào lửa cứu được người đàn bà ra ngoài nhưng bà ta cứ đòi nhào vào trong ngôi nhà đang cháy để chết. Bà ta nói có đứa con mới sáu tuổi học lớp một còn kẹt trong đó. Lúc ấy lửa cháy dữ dội, căn nhà sắp sụp đổ, người ta can ngăn nhưng anh cứ quyết lao vào lửa cứu đứa bé. Lính cứu hỏa đứng rất gần tập trung cả ba vòi nước phun làm thành một màn nước dày bảo vệ cho anh. Anh mò tìm trong đó một lúc trở ra tới cửa hét to: “Không có đứa bé trong nhà!”. Ba vòi nước phun rất gần, quá mạnh làm sập tường. Đúng lúc đó ngôi nhà đổ trên anh.

Thật vậy, hôm đó đứa bé đi chơi, mẹ nó không biết, một lúc sau nó trở về. Hai mẹ con ôm nhau mừng phát khóc. Tôi nhìn thấy cảnh đó thầm oán trách cả hai người. Song tôi nghĩ, nếu anh còn sống, khi nhìn thấy cảnh này anh sẽ sung sướng biết bao nhiêu. Tại sao tôi không được như anh ? Tôi chỉ là con đàn bà ích kỷ hẹp hòi. Tôi phải vươn lên cao cho xứng đáng với tình yêu của anh. Tôi tiến lại, quì xuống, ôm cả hai mẹ con vào lòng, và tôi cũng khóc.

Tôi trở về nhà, thấy cái bánh sinh nhật có hàng chữ “Mừng sinh nhật lần thứ ba mươi hai”. Tôi nhắm mắt lại tưởng tượng, anh đi vào, đến bên tôi, vỗ về : “Tội nghiệp, để em phải chờ, yêu lắm, thắp nến lên đi cho anh thổi”.

Và tôi đứng lên thắp nến. Năm nay ba mươi hai ngọn nến cháy. Sang năm ba mươi ba, năm sau ba mươi tư, cứ thế mãi mãi…


Quý Thể