PDA

View Full Version : An Lộc Một Lần Tôi Đã Đến, Một Đời Để Nhớ.



dnchau
10-16-2014, 04:29 AM
AN LỘC MỘT LẦN TÔI ĐÃ ĐẾN, MỘT ĐỜI ĐỂ NHỚ.

BĐQ Nguyễn Phán


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1413560058.jpg

Để tưởng nhớ Nguyễn Trọng Tiến và Lê Văn Lẹ, hai người bạn cùng khóa (24/TVBQGVN), cùng đơn vị (TĐ30BĐQ).

Thế là sau 4 năm ròng rã trên đồi 1515, ngày qua ngày luyện tập võ công, tu thân theo con đường chính đạo “của bổn phái”, đêm từng đêm “mài kiếm”, luyện binh thư, thế rồi, ngày mong chờ xuống núi của khóa 24 cũng đã đến. Một lần nữa, trên vũ đình trường Lê Lợi, lại vang lên lời thề của “Một đoàn trai hăm hở lên đường, quyết nối gót tiền nhân làm Tổ Quốc thêm tỏ rạng,..”. Chúng tôi rời Trường Mẹ cũng cùng tâm trạng như bao lớp đàn anh khác với những hoài bão được ấp ủ, cùng những khát khao mong được vẫy vùng cho thỏa chí của người trai thời loạn. Xuống núi, rộn ràng niềm vui của đàn chim lần đầu rời tổ, nhưng không khỏi một thoáng suy tư khi nhìn bầu trời đang vào mùa giông bão, khi lửa chiến tranh đang phủ kín quê hương.

Tuy đã qua bốn năm mặc áo lính, nhưng đó chỉ là bốn năm êm ả của một thời làm “lính quý tộc” ở quân trường. Ra đi, vào chiến trận là vĩnh viễn quên đi những bình yên của giảng đường với những giờ điện tử, tích phân, phòng thí nghiệm nặng. Ra đi, bỏ lại những đêm ứng chiến tại Đồi Bắc, đồi Không Tên. Ra đi, bỏ lại em với trăm nghìn nỗi nhớ! “Xuống núi”, hành trang mang theo là những kỷ niệm của một thuở quân trường với bạn bè cùng khóa, với huynh đệ cùng trường. Ra đi, lòng thầm mong ước, sớm có một ngày về thăm lại quân trường xưa, thăm lại Đà Lạt, để được nhìn lại màu hoa anh đào lưu luyến mời gọi, hay tìm lại một thoáng hương xưa của quỳnh vàng đẹp đẽ kiêu sa, mà thời gian chưa đủ để nhạt nhòa! Trong cái hoài vọng có một ngày trở lại thăm Đà Lạt dấu yêu, cùng lúc, lại ý thức rất rõ lời của người xưa:Môt thuở quân trường

“Tuý ngoạ sa trường Quân mạc vấn
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”(!)

Ừ, thì vẫn biết, xưa nay ra trận mấy ai về, nhưng đã chọn nghiệp kiếm cung, muốn được thỏa chí tang bồng hồ thỉ, thì sống chết đâu còn là những bận tâm của đoàn trai đang hăm hở lên đường.

Sau 15 ngày phép chưa thấm mệt, chúng tôi được hưởng một mùa Giáng Sinh rất an bình với “Đêm Thánh Vô Cùng”, ung dung như một gã thư sinh ngày nào. Vào giữa tháng 1/72, 23 anh em Biệt Động Quân chúng tôi lên đường ra trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, để được luyện tập thêm “bí kíp” của “môn phái Mũ Nâu”, trước khi thực sự đi vào nơi gió cát. Vào nơi gió cát! Viết đến đây, làm tôi nhớ lại, món quà mà D. đã tặng tôi vào ngày mãn khóa, đó là một gói thuốc Lucky (hàm ý chúc tôi may mắn) và một hộp quẹt Zippo được khắc ghi hai câu thơ từ chinh phụ ngâm khúc:

“Chàng từ khi vào nơi gió cát
Đêm trăng nầy nghỉ mát nơi nao?”

Về trung tâm có tiếng là “trung tâm tàn phá sắc đẹp” nầy, để “hấp” thêm cho cho sạm đen những đôi tay, rám nắng những khuôn mặt còn nét gì của những thư sinh hơn là lính trận; cho dù bốn năm quân trường cũng đã trải qua bốn mùa mưa nắng với gió núi thao trường, cũng súng đạn, ba-lô, bụi mù, nắng giãi.

Tháng 4/72 khi chúng tôi ở vào giai đoạn chót của khóa Rừng Núi Sình Lầy, thì cũng vào lúc đó, giặc Cộng từ Phương Bắc ào ạt tràn qua vĩ tuyến, tiến chiếm Đông Hà, tiến về Quảng Trị. Tại mặt trận Tam Biên, chúng đang uy hiếp Kon Tum, và trên các chiến trường vùng 3, chúng tiến chiếm Lộc Ninh và bao vây An Lộc. “Mùa Hè Đỏ Lửa” bắt đầu, cơn bão dữ đã đến khắp Miền Nam.

Chúng tôi rời khóa học sớm, trở lại Thủ Đô, sẵn sàng lên đường ra đơn vị khi cuộc chiến trở thành khốc liệt. Chúng tôi, 23 BĐQ háo hức, mong sớm được nhập cuộc để “thoả chí tang bồng của người trai thế kỷ”. Vào lúc đó, các bạn bè ở các đơn vị khác đã là lính cũ của đơn vị rồi, và cũng đâu đó có bạn đã đền xong nợ nước!

Gần mười năm qua, kể từ ngày cáo chung nền Đệ Nhất Cộng Hòa, chiến cuộc càng ngày càng gia tăng về cường độ và cả phạm vi chiến trường. Chiến sự không còn bùng cháy tại những vùng rừng núi xa xôi hay những thôn làng hẻo lánh, như tại Dakto, Daksut, A Sao, A Lưới. Chiến tranh đã về cả những thành phố hiền hoà êm đềm một thời của Miền Nam, như biến cố Tết Mậu Thân ở Huế, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Lạt. Đâu còn Đà Lạt mộng mơ của ngày tháng cũ! Đâu còn Huế vang bóng một thời, thanh bình cũ với mái chèo êm ả, giọng hò lả lơi mời gọi… trên Sông Hương!

Giặc tràn về, cả Miền Nam không còn tìm thấy những tháng ngày bình yên. Không năm nào lại không có những chiến dịch lớn do ta hay địch phát động. Do đó, mà những khóa ra trường về sau nầy, dù Đà Lạt hay Thủ Đức đều có dịp “thử lửa” rất sớm. Riêng với Võ Bị, như khóa 22A về đơn vị chưa được bao nhiêu ngày, chưa kịp hòa nhập vào đơn vị thì “đụng” phải biến cố Tết Mậu Thân. Khóa 22B, rời trường khi chiến trận tại Kampuchia đang ở vào giai đoạn quyết liệt. Những cái tên xa lạ ở nước bạn trở thành quen thuộc trên truyền thông và báo chí của Việt ngữ như Dambe, Snoul, đồn điền cao su Chup,… Chính trên chiến trường ngoại biên nầy mà cố Tr/Uý Nguyễn Đức Phống, Thủ Khoa khóa 22B, đã hy sinh ngay từ những ngày đầu ở một đơn vị thiết giáp. Khóa 23 vừa từ giã đồi 1515, thì một số thuộc các quân binh chủng và Sư Đoàn 1, đã được “du lịch đường rừng”, qua thăm vùng đất Hạ Lào, thành phố Chépone một cách bất chợt, như những câu thơ của Mường Mán đã viết về ngày tháng đó:

“Và khi không, tháng giêng ta lên núi
Đời đày ta và thần thánh xa nhau”(!)

K24 về đơn vị vừa tròn bốn tháng, chưa quen với phong thổ, địa hình, nét sống riêng của đơn vị, thì bị cuốn theo chiều gió vào “Mùa Hè Đỏ Lửa” với Bình Long Anh Dũng, Quảng Trị Kiêu Hùng và Kon Tum Vùng Dậy. Cũng từ đó, người ta nói đến đại lộ kinh hoàng, quốc lộ máu 13, và:

“Chu Pao ai oán hờn trong gió,
một tấc khăn tang một tấc đường”(!)

Tất cả những hoang tàn, những chết chóc thảm khốc của người dân lành vô tội Miền Nam đã ghi thêm bề dày tội ác của cộng nô, như ai đó đã từng viết “Múc hết nước Nam Hải chưa rửa sạch tanh hôi, đẵn hết trúc Nam Sơn chưa đủ ghi tội lỗi” của bọn chúng.

Một đại tang ở cố đô Huế trong biến cố Tết Mậu Thân không hề làm Hồ Chí Minh và đồng bọn mảy may xúc động, ăn năn. Với bọn chúng “mọi phương tiện đều tốt, miễn đạt đến cứu cánh” như Lenine*, ông thầy của cộng sản vô thần, đã từng rao giảng. Cái cứu cánh đó là cuồng vọng muốn nhuộm đỏ toàn thế giới, và đã gây bao nhiêu khổ đau cho nhân loại từ Âu sang Á, và di hại cho đến hôm nay trên chính quê hương tôi.

Chiến tranh trở nên khốc liệt theo từng ngày, trong khi cả khối cộng sản (từ Nga-Tàu đến Đông Âu) dốc toàn lực yểm trợ cho Bắc Việt và VC cũng được tăng lực bởi đám phản chiến ở ngay trong lòng nước Mỹ. Trong khi đó, cuộc chiến mang đầy chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa càng lúc càng bất lợi, bởi viện trợ càng về sau càng bị cắt xén thêm, cuối cùng chỉ còn là nhỏ giọt. Hệ luỵ là người lính Miền Nam như bị trói hết một cánh tay trong lúc chiến đấu! Và đến khi người bạn đồng minh rút hết quân về, phủi tay, thì viện trợ nhỏ giọt cũng bị “cúp”!

Đúng lúc, 23 BĐQ/K24 chúng tôi về trình diện BCH/BĐQ, cũng là lúc tình hình an ninh của Thủ Đô đang trong tình trạng “báo động đỏ”, e ngại “một Mậu Thân” có thể bị lặp lại. Do đó, một lực lương bảo vệ Thủ Đô được thành lập có tên là Lực lượng Đặc Nhiệm Trần Hưng Đạo, do Đại Tá Cao Văn Ủy làm tư lệnh. Và 23 BĐQ chúng tôi được tạm thời phân phối về lực lượng nầy. Khi tình hình ở Thủ Đô không còn nguy hiểm nữa, Lực Lượng Đặc Nhiệm Trần Hưng Đạo được giải tán thì chúng tôi lên đường ra đơn vị.

Buổi chia tay thật bồi hồi xúc động. Ngày mai, 23 đứa sẽ tản mạn khắp trên 4 vùng chiến thuật. Và trong thâm tâm, dù không nói ra, nhưng có chung một ý nghĩ: “một ngày nào gặp lại, biết còn nhìn đủ mặt nhau(!). Chiến trận sẽ cướp đi đứa nào, hay bao nhiêu thằng trong số 23 Mũ Nâu chúng tôi? Vào giờ nầy, tại các đơn vị khác, một số bạn K24 cỏ đã vươn xanh mộ chí.

Sau khi bốc thăm tại Bộ Chỉ Huy/BĐQ để chọn liên đoàn, và sau khi về liên đoàn, lại một lần bốc thăm nữa để về tiểu đoàn. Tôi, Nguyễn Trọng Tiến và Lê Văn Lẹ, đã được về TĐ 30 Biệt Động Quân. Phải nói, được về tiểu đoàn nầy là một vinh hạnh cho những người lính mới như chúng tôi. Vì cũng như một số tiểu đoàn BĐQ khác, Tiểu Đoàn 30 đã có nhiều thành tích, đã tạo danh thơm trong trận chiến bảo vệ Thủ Đô trong biến cố Mậu Thân. Tiểu đoàn đã cùng các đơn vị khác, góp phần đánh bật cộng quân ra khỏi Thủ Đô Sài Gòn, cũng như đã làm đậm thêm màu nâu binh chủng qua những chiến thắng ở mặt trận ngoại biên, nhất là chiến thắng vang lừng tại căn cứ Alpha ở chiến trường Kampuchia.

Hơn nữa, vào lúc đó, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ30 là Th/Tá Võ Mộng Thủy (Thúy), là một trong các tiểu đoàn trưởng sáng giá của binh chủng, dù trên chiến trường ngoại biên hay nội địa. Với tôi, anh là mẫu mực của một quân nhân chính thống, của một chàng trai chọn võ nghiệp làm lẽ sống. Với thế lực của gia đình, với tiếng tốt sẵn có, anh có thể chọn cho mình một chỗ ấm thân. Nhưng anh đã từ chối những ấm êm đầy nhung lụa đó, mà phụ thân của anh đã nhiều lần đề nghị; nhất là vào thời gian đó, anh cũng đang chuẩn bị thành hôn. Anh vẫn chọn con đường trực tiếp chiến đấu như một phục vụ cho quê hương, và cuối cùng anh đã chết cho quê hương trên con lộ 7B, đất đỏ bụi mù của Tây Nguyên!

Trước khi ra xe về các tiểu đoàn, tất cả 10 BĐQ chúng tôi được Tr/Tá Ngô Minh Hồng, Liên Đoàn Trưởng LĐ5, mời rượu. Khi cùng nâng ly, ông chúc mừng bằng một câu nói ngắn gọn nhưng thật cảm động:

- “Đây là ly rượu chào mừng các anh, và cũng là ly rượu chúc mừng may mắn sẽ đến cùng các anh”.

Sau đó, tạm biệt các bạn khác, ba đứa chúng tôi lên xe, hướng về bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 30. Khi vừa bước chân vào bộ chỉ huy của tiểu đoàn, ba đứa tôi được chính Th/tá Võ Mộng Thủy, tiểu đoàn trưởng, đón tiếp. Sau khi ngỏ lời chào mừng, thăm hỏi, dặn dò đôi điều, Th/Tá TĐT chỉ định tôi về ĐĐ2, Lẹ về ĐĐ3 và Tiến về ĐĐ4. Sau đó, Thuỷ Tiên (Th/Tá Võ Mộng Thủy, TĐT) cũng chỉ thị chúng tôi ở tại bộ chỉ huy tiểu đoàn một thời gian để làm quen với nếp sống của đơn vị. Nhưng chỉ được một tuần thì chúng tôi được lệnh về đại đội, “bởi lẽ, tiểu đoàn mới bị thiệt hại nặng từ mặt trận Quảng Trị, nên còn thiếu nhiều sĩ quan, mà đáng lẽ trong bình thường thì các anh sẽ được ở tại Bộ Chỉ Huy/TĐ lâu hơn”. Thuỷ Tiên đã nói như thế với chúng tôi trong bữa ăn chia tay tại bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Về đại đội được hai ngày, chưa kịp nhớ hết tên, hoàn cảnh, gia cảnh của từng người lính của đại đội thì chúng tôi được lệnh về giải tỏa quận lỵ Đất Đỏ, mà cộng quân đã chiếm hơn một tuần rồi. Trung Đoàn 48 (?) thuộc Sư Đoàn 18BB đang quần thảo với chúng tại đây. Lệnh rõ ràng, “Liên Đoàn 5 đến thay thế Trung Đoàn 48, và bằng mọi giá (!) phải chiếm lại quận lỵ và giải tỏa áp lực địch đang đè nặng lên tỉnh Phước Tuy.”

Chỉ sau một ngày theo chân đơn vị vào vùng địch, tôi thực sự đánh giặc thật. Vĩnh viễn bỏ lại sau lưng những “trận đánh giặc giả”, bắn đạn mã tử ở quân trường (mà qua đó, muốn được nghỉ sớm, thì phe địch phải chết hết và phe ta luôn bình yên vô sự để trở về ăn cơm phạn xá và ngủ trong phòng có nệm ấm chăn êm). Những trận xảy ra ở đây có cái gì đó pha lẫn giữa trận đánh ở thành phố và ở rừng (như đã được thực tập tại khóa RNSL). Nơi đây, vùng đất đỏ như tên gọi, hầu hết nhà cửa được xây bằng gạch kiên cố, mái ngói đỏ với những vườn cây rậm rạp, và nhiều nhà còn có hàng rào kẻm gai bao quanh, nên hầu như, phải đánh chiếm từng căn nhà, có lúc phải đánh ban đêm, có lúc tiến hành đánh rạng đông. Thật mừng, chỉ trong vòng một tuần, chúng tôi đã làm chủ quận lỵ và mở rộng vòng đai an toàn cho quận. Bung ra, chiếm lại các làng xã kế cận khá dễ dàng. Địch chống trả khá yếu ớt. Do đó, tiểu đoàn ít bị thương vong hơn, so với một tuần quần thảo để chiếm lại quận lỵ.

Sau chiến thắng nầy, cả ba chúng tôi có mặt đầy đủ, theo chân đơn vị về tạm nghỉ tại Long Điền, Phước Tuy. Cả ba đứa ôm nhau mừng mừng, vì cả ba đều thoát chết hay bị thương chỉ trong gang tấc trong những trận đánh đầu đời binh nghiệp của mình. Cũng nhân dịp lễ khao quân mừng chiến thắng do tỉnh Phước Tuy khỏan đãi, có các phóng viên báo chí và của đài phát thanh Sài Gòn và đài phát thanh Quân Đội đến tham dự, phỏng vấn, viết bài. Khi người nữ phóng viên đến phỏng vấn Thủy Tiên, đàn anh “bán cái” cho ba đứa chúng tôi bằng câu nói:

- “Tôi đã được phỏng vấn nhiều lắm rồi, nhẵn cả mặt. Kìa, có ba ông tân thiếu uý đó, mới tham dự trận đánh đầu tiên. Cô đến đó tha hồ mà hỏi cảm tưởng”.

Thế là cô nữ phóng viên không để lỡ cơ hội, đi nhanh đến chỗ ba đứa chúng tôi. Khi được hỏi ước vọng của mình, Nguyễn Trọng Tiến nói ngay:

- “Tôi tình nguyện vào lính là vì muốn được tham gia đoàn quân Bắc Tiến, mang hoa tự do về Hà Nội, lấy lại Kiến An, quê tôi, và “Bắc Tiến” cũng là danh hiệu truyền tin của tôi”.

Còn Lê Văn Lẹ thì nói:

- “Tổ Quốc thực sự lâm nguy và tôi chọn vào Võ Bị, chọn nghiệp lính như đáp lại lời của sông núi. Như cô đã từng nghe “đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách”, mà chúng tôi lại là những thanh niên, đâu có thể ngồi yên ở giảng đường, trong khi hàng hàng lớp lớp bạn bè cùng trang lứa đang ở chiến trường”.

Phần tôi, tôi bày tỏ cảm tưởng

- “Tôi thấy, trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, hình ảnh người lính chiến thường xuyên được nói đến, được ca ngợi cũng nhiều. Đó là điều rất đáng trân quý. Tuy nhiên, có ít những bài viết, phóng sự nói về thân phận người vợ lính chiến. Họ là những chinh phụ thời đại. Xin cô hãy chuyển lời của chúng tôi đến các phóng viên chiến trường khác, cũng có lúc, nên quay về hậu phương để viết về thân phận của người vợ lính. Vì theo tôi, chính họ đã, đang và sẽ còn hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi hơn những người lính như chúng tôi. Như cô thấy đó, trong giờ phút nầy, tại nơi đây, chúng tôi thật sự an bình, nhưng từ những phương trời khác, những người vợ lính, bà mẹ lính đang lo sợ cho an nguy của chồng con mình. Với người lính trận, có những giờ phút thật sự hiểm nguy, tử sinh kề cận, nhưng cũng có lúc tìm được những bình an cho riêng mình. Nhưng người vợ lính, bà mẹ lính thì luôn sống trong một tâm trạng bất an, lo lắng cho an nguy của chồng của con từng giờ, từng ngày và hằng đêm”.

Thật vui, ngay đêm đó, chúng tôi nghe được cuộc phỏng vấn của cô phóng viên nầy trên đài phát thanh Quân Đội với vài dòng ngắn gọn về ba đứa chúng tôi trong bài phóng sự của cô. (Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn thắc mắc, có phải nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có nghe cuộc phỏng vấn nầy hay không mà sau đó không bao lâu bản nhạc Nguyễn Thị Mộng Thường được phổ biến, mà nội dung là cô nữ sinh Nguyễn Thị Mộng Thường, trong một lần tháp tùng phái đoàn của nhà trường đi uỷ lạo chiến sĩ, có quen, rồi yêu một Th/uý BĐQ mới vừa ra trường. Sau đó, thì bản nhạc nầy được làm nền cho một vở kịch trên đài truyền hình Quốc Gia, (băng tần số 9), cũng có tựa đề như trên, do Nhật Trường và Thanh Lan thực hiện trong ban kịch Đôi Mươi (?) của họ. Trong đó, nói rõ Nguyễn Thị Mộng Thường có người yêu là Th/Uý Phạm Thái, SQ/BĐQ xuất thân K24 Võ Bị Đà Lạt. Hai người quen nhau được vài tháng thì “Mùa Hè Đỏ Lửa” xảy ra. Mà thực ra, khóa 24 chúng tôi không có ai là Phạm Thái cả, chỉ đúng về bối cảnh thời gian (khóa 24 ra trường tháng 12/1971).

Sau buổi khao quân, mừng chiến thắng được hai ngày, chúng tôi lại tiếp tục hành quân tái chiếm Núi Nhọn và giải tỏa áp lực địch vào quận lỵ Xuyên Mộc. Căn cứ Núi Nhọn không cách xa quận lỵ, do một tiểu đoàn ĐPQ trấn giữ và một trung đội pháo binh đồn trú tại đây, cũng đã bị lọt vào tay địch từ chiều hôm qua. Rạng sáng ngày 15/6/72, tiểu đoàn từ Long Điền đã vượt tuyến xuất phát hướng về Xuyên Mộc. Đến khoảng 12 giờ trưa thì tiểu đoàn đã khuất sâu vào rừng tre gai. Theo tin tình báo có được, cũng như trên đường hành quân đã ghi nhận, là có một đơn vị địch chủ lực Miền đang ở quanh đây. Do đó, tiểu đoàn di chuyển khá chậm hơn buổi sáng. Đúng như thế, khoảng 2 giờ chiều, thì cả hai cánh, cánh A do Thuỷ Tiên/TĐT chỉ huy và cánh B do Thảo Trang (Th/Tá Trần Thảo, TĐP) chỉ huy, đều chạm địch. Vì đây là rừng tre gai dày đặc, do đó, địch từ các hầm chữ V kiên cố bắn ra, cản đường tiến quân của ta. Có lẽ địch tưởng ta hành quân vào mật khu của chúng, mà không hiểu đây chỉ là tao ngộ chiến mà thôi.

Ngay từ đầu, các cố vấn Mỹ đã xin được ba phi tuần F4 từ không quân Mỹ yểm trợ, tuy nhiên, vẫn không làm “câm họng” súng địch từ các hầm chữ V kiên cố chìm sâu trong các buị tre gai. Đến xế chiều, Thủy Tiên xin được mấy phi tuần skyraider đánh cận tuyến, nhờ đó mà cả hai cánh quân A và B bắt tay được vào lúc gần tối. Thủy Tiên quyết định cả tiểu đoàn sẽ đóng quân đêm ngay tại đây. Thiệt hại cho đến lúc đó, tương đối nhẹ.

Đêm xuống, lệnh từ tiểu đoàn là mỗi đại đội bung ra một trung đội làm tiền đồn, mà không phải là “chốt cấp tiểu đội” như bình thường (tôi thấy khác thường, nên đã nêu ra thắc mắc, và Thủy Tiên phân tích:

- “Tình hình nầy, cho thấy địch quyết bám giữ nơi đây. Trận chiến buổi chiều chỉ là để thăm dò quân ta. Một điều khá chắc chắn là địch muốn cầm chân quân ta để chận tiếp viện. Phần khác, qua các tài liệu thu được, cũng như cung khai của các tù binh, cho thấy đây là một khu vực dưỡng quân Miền Đông của chúng. Chúng xem đây là một căn cứ địa bất khả xâm phạm, một nơi dưỡng quân, nên có hệ thống phòng thủ rất kiên cố”.

Thủy Tiên kết luận:

- “Và địch có thể lợi dụng ưu thế về địa thế, địa hình quen thuộc, ngay cả trong đêm tối, để mở cuộc tấn công vào tiểu đoàn trong đêm nay”.

Nhưng, đêm thật yên tĩnh, bầu trời vẫn đầy sao lấp lánh. Có điều, không hề nghe tiếng chim hót, hay tiếng các loài thú hoang kêu bầy, dù trên đường di chuyển, chúng tôi thấy nhiều nai, mễn xuất hiện. Điều này cho thấy nơi đây có người trú ngụ thường xuyên.

Cuộc họp hành quân vào chiều tối, Thuỷ Tiên cho biết lệnh từ Tr/Tá Liên Đoàn Trưởng: Tại An Lộc, 1973

- “Nội trong ngày mai tiểu đoàn phải vượt qua vùng dưỡng quân của VC, tái chiếm Núi Nhọn càng sớm càng tốt, để sớm giải tỏa áp lực địch vào quân lỵ Xuyên Mộc. Nếu không, thì Xuyên Mộc cũng sẽ rơi vào tay cộng quân trong vài ngày nữa, và cái giá phải trả để chiếm lại sẽ đắt như ở quận lỵ Đất Đỏ”.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1413560545.png

Thủy Tiên trầm ngâm, ưu tư khi nhận được lệnh “khẩn” trên. Anh đã cùng TĐP Thảo Trang và ban tham mưu tiểu đoàn nghiên cứu bản đồ, địa hình, tin tức tình báo,… Sau cùng, anh quyết định một đường tiến quân mới, tránh xa vùng tre gai, dù phải đi theo đường vòng. Anh cũng chỉ thị cho các đại đội trưởng, trên đường tiến quân, tránh chạm địch, tiến nhanh về Núi Nhọn. Không tránh được, mới chấp nhận nổ súng.

Nhưng vào rạng sáng ngày hôm sau, 16/6/72, chúng tôi nghe thấy nhiều loạt súng nổ của ta và địch đan vào nhau từ hướng Đại Đội 4, phá vỡ hoàn toàn sự yên tĩnh. Qua máy PRC25, tôi được biết Nguyễn Trọng Tiến, người bạn cùng khóa đang bị thương nặng. Tiến, với tư cách ĐĐP/ ĐĐ4, đã dẫn tiểu đội thám báo, lợi dụng đêm còn tối và các bờ tre che chắn, tiến hành tấn công rạng đông vào một ổ kháng cự của địch có cả thượng liên và súng cối mà từ chiều tối hôm qua, đại đội 4 đã ghi nhận được. Nhưng theo lời kể của hai thám báo còn lại, thì khi cả tiểu đội thám báo di chuyển được hơn nửa đường tiến gần đến mục tiêu, thì cộng quân phát giác, bắn ra xối xả và Tiến bị trong thương.

Long Ẩn, ĐĐT/ĐĐ4, được lệnh của Thủy Tiên bằng mọi giá phải đưa các thương binh, trong đó có Tiến trở về tuyến phòng thủ, chờ tiểu đoàn xin không yểm, đánh vào khu rừng tre gai, trong đó có yêu cầu đánh bom napal vào mục tiêu. Lúc đó, Tr/Uý Đoàn Văn Sường, ĐĐT/ĐĐ2, vẫn chưa xuất viện, nên tôi vẫn còn tạm thời XLTV/ĐĐT/ĐĐ2. Và từ tối hôm qua, khi cánh B đã nhập chung về với tiểu đoàn, Thủy Tiên quyết định xử dụng Đại Đội 2 của tôi làm thành phần trừ bị cho tiểu đoàn. Vì thế, tôi đã có mặt ngay khi Tiến vừa được đưa về tiểu đoàn, chờ tản thương.

Tiến nằm bất động dù tim vẫn còn đập, nhưng những đường gân trên tay đã như mất hẳn. SQ trợ y phải chuyền nước biển vào chân. Và khi máy bay tản thương vào vùng, trong lúc bay vòng để đáp xuống thì bị trúng ngay loạt đạn phòng không của địch, máy bay chỉ kịp đảo nhanh một vòng nhỏ và đáp xuống trước tiểu đoàn không hơn 50 thước.

Thật xui, hay số mạng của Tiến đã hết nên dù BCH/TĐ đã liên tục xin máy bay tản thương khác thay thế, kể cả nhờ cố vấn Mỹ, nhưng phải gần hai giờ sau thì mới thấy máy bay tản thương xuất hiện. Và đã quá trễ! Tiến trút hơi thở cuối cùng nửa giờ trước khi máy bay đến.

Tiến chết đi mang theo giấc mơ Bắc tiến vào cõi thiên thu! Ước mơ mà Tiến đã từng giải bày cùng người nữ phóng viên mấy ngày trước đó! Ước mơ đó, phải chăng cũng là ước mơ chung của người lính Miền Nam. Ước mơ về giải phóng Hà Nội, theo bước Quang Trung vào mở hội Thăng Long, mang hoa tự do về đất Bắc, như lời trong bản nhạc Anh Đi Chiến Dịch của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Chiều tối hôm đó, về họp hành quân tại BCH tiểu đoàn, tôi đã bật khóc khi nghe Thuỷ Tiên nhắc đến Tiến. Chỉ mấy tuần trước, khi về TĐ họp, lúc nào cũng có hai đứa (vì trước đó, cũng như tôi, Bắc Tiến xử lý thường vụ ĐDT/ĐD4, khi Tr/Uý Long Ẩn chưa về nhận ĐĐT/ĐĐ4). Tôi khóc một cách hồn nhiên, ngay trước mặt các cố vấn Mỹ. Khóc như một trẻ thơ! Đây là lần đầu tiên trong đời tôi khóc thương về một người bạn với lòng đầy xúc cảm! Sau nầy, mỗi lần về phép, tôi đều ghé vào thăm mộ của Tiến ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Hôm nay đây là ngày giỗ lần thứ 21 của Tiến (16/6/72-16/6-93), một lần nữa, tôi nguyện cầu linh hồn bạn tôi sớm được về miền Đất Thánh.

Vì biến cố bất ngờ đó, mà kế hoạch hành quân suýt nữa bị đảo lộn. Đúng ra thì 6 giờ sáng, tiểu đoàn sẽ tiếp tục di chuyển, hướng về Núi Nhọn (theo phụ bản B/ phóng đồ hành quân), nhưng vụ “tấn công rạng đông” mà Tiến đã thực hiện, làm chậm lại giờ xuất phát. Phải đến 9 giờ mới vượt tuyến xuất phát, sau khi Thủy Tiên cho Đại Đội 4 làm cuộc tấn công giả vào vùng tre gai, để đánh lạc hướng địch. Và có lẽ, địch cũng muốn “né”, do đó địch không phản công, hay bám đuôi theo ta. Trên đường hành quân về Núi Nhọn, không còn gặp sự kháng cự nào đáng kể của cộng quân, ngoài vài vụ chạm súng lẻ tẻ với du kích điạ phương. Nhờ đó, đến chiều tối, thì tiểu đoàn đã di chuyển đến chùa hoang, nơi được coi như nằm trong vùng của Núi Nhọn. Từ đây có thể nhìn thấy Núi Nhọn hiện ra lờ mờ phía trước, trong ánh nắng chiều sắp tắt.

Sau khi chiếm lại Núi Nhọn, với một tổn thất vừa phải (khoảng 30 binh sĩ vừa bị thương và hy sinh), tiểu đoàn tiếp tục hành quân, đánh bật cộng quân ra khỏi các ngôi làng nằm rải rác bên dưới chân núi đến tận quận lỵ Xuyên Mộc. Vừa giải tỏa áp lực của địch vào Xuyên Mộc xong, chưa kịp nghỉ, cho lính lấy lại sức, thì tiểu đoàn được lệnh bàn giao cho đơn vị bạn (cũng thuộc SĐ18).

Ra trường, có đi hành quân, mới thấy lời của một đàn anh (từ đơn vị tác chiến, về trường), đã nói với chúng tôi, khi thấy chúng tôi chọn binh chủng Mũ Nâu:

- “Rồi các anh sẽ được làm dâu trăm họ. BĐQ thường được các “mặt trời” xài không thương tiếc. Không như Dù, hay TQLC, lính BĐQ thường được coi là “con ghẻ” khi được tăng phái. Cần húc, kêu BĐQ. Khi chiến thắng gần kề, hay cần thu dọn chiến lợi phẩm, thì BĐQ thường cho rút về phía sau để “nghỉ dưỡng quân”!

Và tại nơi đây, gần ngôi chùa hoang, lần đầu tiên, kể từ ngày K24 chia tay, xuống núi, tôi gặp lại Đặng Văn Lực, một người bạn cùng khóa, cùng đại đội, về SĐ18. Hai đứa cũng chỉ kịp tay bắt mặt mừng, chào hỏi, và tôi cũng kể sơ qua cho Lực nghe về cái chết của Tiến. Ngậm ngùi, lưu luyến, nhưng rồi cũng vội vã chia tay. Khi bàn giao cho đơn vị bạn xong, tiểu đoàn được lệnh tập trung tại bãi đáp ở tọa độ XZ….chờ trực thăng bốc về Lai Khê, để chuẩn bị cho cuộc hành quân tiếp. Tại đây, tôi và Lê Văn Lẹ làm một bữa “giỗ dã chiến” dưới gốc cây cao su để tưởng nhớ Nguyễn Trọng Tiến. Tôi và Lẹ say tự lúc nào, mơ mơ thấy hình bóng của người bạn cùng khóa đang ngồi bên cạnh, như ngày nào tại Phước Tuy. Hôm đó, ba đứa ngồi bên nhau trong suốt thời gian lễ khao quân mừng chiến thắng Đất Đỏ. Thế là chỉ sau hai trận đánh, chiến trường đã lấy đi một trong ba đứa chúng tôi!

Bốn ngày sau, chúng tôi di chuyển lên đóng quân tại quận lỵ Chơn Thành, chờ lệnh hành quân. LĐ5 sẽ thay thế một trong hai trung đoàn thuộc SĐ25 hay SĐ21 đang quần thảo với “vịt con” trên Quốc Lộ 13.

Tiểu đoàn tạm đóng quân tại một xưởng làm gỗ khá lớn, nằm bên vệ đường QL13, có lẽ vì chiến cuộc, nên bị bỏ hoang. Ngày ngày, nằm võng, nhìn xe tản thương lên xuống mà thấy buồn! Do đó, nếu có thể, hai đứa chúng tôi lang thang quanh thị trấn buồn hiu nầy để “thăm dân cho biết sự tình”, và cũng để tạm quên đi chiến trường đang bốc lửa phía trước. Và thật tình cờ, chúng tôi cũng làm quen với một gia đình. Gia đình nầy còn “bám trụ” ở đây, theo lời bà chủ nhà “chỉ vì mấy đời đã gắn bó với vùng đất nầy, ngay từ thời thanh bình của cụ Diệm”. Hơn nữa, có một cô gái, H.L, đang là giáo viên của trường tiểu học tại đây. Đây là trường duy nhất tại quận lỵ không di chuyển tạm đến một nơi khác.

Cũng trong những ngày ở đây, qua báo chí từ hậu cứ gởi cho, tôi được biết bốn bạn cùng khóa 24: Nguyễn Thanh Long (TQLC), Nguyễn Dzương Dzương (TQLC) Nghiêm Xuân Trường (ND) và Ngô Đức Hải (SĐ3) cả bốn bạn tôi đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị trong mấy ngày qua! K24 đã thực sự được thử lửa. Và chỉ gần một tuần sau khi đến Chơn Thành, chúng tôi được lệnh lên thay trung đoàn… của sư đoàn 25 để khai thông QL13, tiến quân vào An Lộc.

Vào ngày 12 tháng 7, trên con suối Tàu Ô nầy, chiến trận đã cướp đi một người bạn cùng khóa khác, Lê Văn Lẹ. Lẹ đã ngã xuống bên kia con suối Tàu Ô trong một trận đánh cận chiến đẩm máu. Máu của những người lính thuộc Tiểu Đoàn 30, máu của bạn tôi, cùng máu của những người lính phương Bắc đã thật sự hoà tan vào giòng suối cạn Tàu Ô. Như vậy, về tiểu đoàn chỉ hơn một tháng, hai bạn của tôi đã vĩnh viễn về ngủ yên trên ngọn đồi dành cho lính, chỉ còn lại mình tôi với đêm dài thương nhớ bạn không nguôi, và căng mắt nhìn về cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt ở phía trước. Tối hôm đó, tôi và Thanh Vân (Tr/Uý Đoàn Văn Sường, ĐĐT) lần đầu tiên nằm đối diện nhau. Trước đó, kẻ ngủ ở hướng Nam, thì người kia nằm ở phương Bắc, vì như anh đã nói, khi từ bệnh viện trở về nhận lại đại đội:

- “Dù là đại đội hay tiểu đoàn, trưởng và phó lúc nào cũng phải ở một khoảng cách xa có thể được, trong phạm vi đóng quân, để nếu một người “đi biển” (tử thương, “chữ riêng của TĐ30BĐQ”), thì người còn lại tiếp tục điều động đơn vị. Tránh cảnh rắn mất đầu”.

Tôi đã đồng ý ngay với đề nghị đó của anh. Mất đi một trong hai người, hay cả trưởng phó, đó là điều mà không ai muốn, nhưng chỉ huy là tiên liệu, tiên liệu cả những tình hình xấu nhất. Nhưng đêm hôm nay, như một ngoại lệ chúng tôi ở cùng một chỗ, vì anh biết tôi đang đau buồn.

Với Tiến, tôi còn kịp vuốt mặt Tiến. Còn Lẹ, thì tôi không có thể đến nhìn Lẹ lần cuối, vì lúc Lẹ trút hơi thở cuối cùng, đại đội của tôi cũng đang đụng. Tôi không được nhìn lồng ngực của Lẹ bị xé tung như Thế Phương, ĐĐT/ĐĐ3 kể lại. Thế Phương chỉ nói vắn tắt với tôi qua PRC25

- “Lẹ hào hùng lắm. Lẹ là hiện thân của Võ Bị của các anh đó. Khi tôi thông báo là lệnh từ tiểu đoàn, đại đội 3 phải tìm cách đưa một trung đội vượt qua suối Tàu Ô, để làm đầu cầu cho tiểu đoàn. Vừa nghe tôi nói như thế, thì Lẹ đã tình nguyện dẫn trung đội vượt qua suối Tàu Ô, để lập đầu cầu cho tiểu đoàn. Lẹ đã hy sinh ngay bên kia bờ suối, trong khi đang thiết lập đầu cầu.”

Tôi im lặng nghe mà không có một lời, chỉ ỡm ờ vài câu cho qua chuyện. Bởi vì, vào lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một ý niệm là tôi vừa mất thêm một người bạn, mà không cần biết bạn tôi chết như thế nào, dũng cảm ra sao? Bốn năm “dùi mài kinh sử”, kéo thước tính, luyện tích phân, mài mòn giày saut trong phòng thí nghiệm nặng, thực tập lãnh đạo chỉ huy,… để rồi, chỉ trong phút chốc “đã trở nên người thiên cổ!” Sau nầy, tôi và NT Sường có dịp trò chuyện, tôi mới thấy Thế Phương đã có phần đúng, khi nói “Lẹ là hiện thân của Võ Bị”. An Lộc 1972

Ngoài phần số, sự thiếu kinh nghiệm chiến trường, hai bạn tôi, Nguyễn Trọng Tiến và Lê Văn Lẹ đã nằm xuống một phần cũng vì niềm hãnh diện đan chung với cái tự ái của một “Cùi” như bao lớp đàn anh khác, như những bạn bè khác của tôi. Chính cá nhân tôi, ngoài vấn đề phần số, nếu không có một thời gian ở chung cùng đàn anh Đoàn Văn Sường, học được “đôi chiêu công thủ đúng bài bản” của anh, thì tôi cũng có thể sớm “rửa chân” theo Tiến và Lẹ rồi.

Sau nầy, có dịp, tôi cũng truyền một số chiêu thức học được từ các đàn anh, từ các ĐĐT khác, hay những “chiêu thức tự luyện”, cho hai anh K25 là Cao Văn Hải và Chung Kiêm, đã được về sống với đại đội của tôi một thời gian.

Hải khi về trình diện tiểu đoàn, thì Thuỷ Tiên ưu ái cho Hải về ở với tôi. Nhưng vào lúc đó, đại đội tôi có Tr/Uý Lê Công Tâm, ĐĐP và ba Th/Uý là ba Trung đội trưởng, nên chưa có chỗ cho Hải. Sau khi Hải đi học Ranger ở Hoa Kỳ thì Chung Kiêm từ TS5 về với tôi. Hơn nữa, cái chết sớm của Tiến và Lẹ làm tôi cũng muốn “chăm sóc Hải” kỷ hơn, nhất là từng nghe lính Tiểu Đoàn 30 truyền miệng --tiểu đoàn 30 có “hun”, mấy ông Th/Uý Đà Lạt mới ra trường, về tiểu đoàn, dễ “bị đứt bóng” lắm.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1413560615.jpg

Cuộc hành quân bằng đường bộ vào An Lộc nửa chừng bị bỏ dở! Lại rút về Chơn Thành, chờ lệnh mới. Như đã viết ở phần trên, Th/Tá Võ Mộng Thủy không chỉ là một tiểu đoàn trưởng xuất sắc của binh chủng, mà còn là hiện thân của những gì được gọi là điểm son về tình nghĩa huynh đệ của những “Cùi” ở chiến trường. Khi Tiến và Lẹ lần lượt ra đi chỉ hơn một tháng ở đơn vị, tôi biết Thuỷ Tiên buồn và cũng day dứt nhiều. Vì thế, sau khi từ Chơn Thành về Lai Khê, để chuẩn bị nhảy vào An Lộc, tại đây, anh gọi tôi lên ăn cơm. Trong bữa cơm thanh đạm đó, ngoài Th/Tá Võ Mộng Thủy và tôi, còn có Thảo Trang và NT Trần Văn Xuân, TB3. Đang nói những chuyện trên trời dưới bể, bất chợt, Thủy Tiên nói:

- “Phú Quốc về làm phụ tá ban 3 cho 93 (TB3) một thời gian, để có thêm kinh nghiệm, trước khi ra lại đại đội, ý Phú Quốc thế nào?”

Lúc bấy giờ, tôi là ĐĐP/ĐĐ2 cho Trung Uý Đoàn Văn Sường, tôi đã đáp ngay mà không suy nghĩ đắn đo:

- “Cảm ơn Thiếu Tá TĐT, nếu được lựa chọn, tôi vẫn muốn ở lại đại đội. Tôi biết, sau hai cái chết của Tiến và Lẹ, Thiếu Tá “sợ” cho tôi. Nhưng thưa Niên Trưởng (đây là lần đâu tiên tôi gọi hai tiếng Niên Trưởng với Th/Tá Võ Mộng Thủy), đã chọn binh nghiệp để phục vụ, đã chọn binh chủng Mũ Nâu, thì tôi vững tin sống chết là có số mạng. Hơn nữa, lính sẽ nghĩ gì, khi tôi ở đại đội chưa được bao ngày, lại về Ban Chỉ Huy tiểu đoàn? Cho dù Tiến và Lẹ ra đi vội vàng có để lại trong lòng tôi nhiều buồn thương và trống vắng! Vậy xin Thuỷ Tiên cho tôi tiếp tục ở lại đại đội. Hơn nữa, hơn một tháng nay, từ ngày Thanh Vân bị thương trở về, tôi đã học được nhiều điều. Tôi muốn được có dịp học hỏi thêm từ những kinh nghiệm trận mạc, hay chỉ huy của anh”.

Cuối cùng Thuỷ Tiên cũng đã cho tôi được toại nguyện. Viết những dòng ngắn ngủi này, như để tưởng nhớ đến niên trưởng Võ Mộng Thủy đáng kính của tôi.

Tôi cũng đã học hỏi nhiều từ các đàn anh khác như các đàn anh Hà Kỳ Danh, LĐP/LĐ5, đàn anh Đinh Trọng Cường, TĐT/TĐ33, đàn anh Nguyễn Văn Nam, TĐT/TĐ38, và đặc biệt từ Th/Tá Nguyễn Ngọc Khoan, TĐT sau cùng của Tiểu Đoàn 30. Tôi đã học từ anh về tấm lòng bao dung. Viết điều nầy cũng như một lời cảm ơn muộn màng gởi đến đàn anh Nguyễn Ngọc Khoan.

Tôi cũng đã học hỏi nhiều điều từ các đàn anh khác, từ các đại đội trưởng khác. Tôi còn nhớ, trong trận đánh đầu đời ở Đất Đỏ, với tư cách XLTV/ĐĐT/ĐĐ2, tôi thường gọi máy về tiểu đoàn xin ý kiến khi tôi sắp tấn công vào một mục tiêu, hay xin thay đổi hướng tấn công,… Đêm về, tạm bình yên, Tr/Uý Trần Hữu Phương, ĐĐT/ĐĐ3 “bẻ cổ” PRC25, nói với tôi:

- “Phú Quốc phải nhớ một điều, đang khi lâm trận, dù chỉ là đại đội trưởng, chúng ta cần phải áp dụng câu “tiền trảm hậu tấu”. Vì nếu không, sẽ đánh mất cơ hội chiến thắng, hay sẽ đưa đơn vị vào chỗ nguy khốn”.

Đó là bài học đầu tiên mà tôi học được từ một đại đội trưởng, và cũng nhờ đó, qua hơn ba năm có mặt ở đơn vị, tôi cũng đã đóng góp được một chút gì, kể cả góp máu, trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho Miền Nam. Chúng tôi đã chiến đấu đến tàn cuộc chiến để cảm nhận trọn vẹn cái đau đớn tột cùng, cái bi hận không bao giờ nguôi của “người lính thua cuộc!” theo lệnh.

Trong những ngày tại thị trấn buồn hiu Chơn Thành, tôi cảm nhận trọn vẹn tình nghĩa Quân Dân. Phải chăng, trong cái mong manh giữa sống chết, rủi may, lòng người mở rộng cho nhau hơn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên buổi chiều tối hôm đó, từ mặt trận trở về quận lỵ Chơn Thành, sau khi đóng quân xong, tôi vội ghé thăm gia đình mà tôi và Lẹ đã quen. Khi nhìn thấy tôi đến một mình, với khuôn mặt không vui, như đoán trước được điều bất hạnh, cả gia đình cùng dồn dập hỏi tôi, “Anh Lẹ đâu?”, những lo âu hiện rõ trên những khuôn mặt của những người trong gia đình nầy, nhất là từ người dì tên H.L, và cô cháu Việt Tâm.

Khi nghe tôi báo tin buồn là Lẹ đã hy sinh tại suối Tàu Ô, cả nhà oà khóc. Họ khóc như vừa nghe tin người thân yêu của mình vừa mới qua đời! Cho dù tôi và Lẹ quen biết gia đình nầy, đến thăm chơi cũng chỉ có trong đôi ngày, rồi đi. Khi quen gia đình nầy, tôi quen H.L., còn Lẹ thì làm quen với cô cháu gái Việt Tâm. Có một lần, từ gia đình nầy trở về tiểu đoàn, tôi nói đùa với Lẹ,

- “Ê, dù cùng khóa, mầy tao, mi tớ, nhưng rồi có lúc, biết đâu mầy sẽ gọi tao bằng dượng, hà, hà”.

Cả hai cùng cười. Lẹ vốn ít nói, dân miệt Gò Công hiền hoà, như “cục đất Miền Nam”. Trong trường, hai năm sau cùng, Lẹ ở đại đội E và tôi ở đại đội F, liên đội nầy thường đi học chung văn hóa lẫn quân sự. Chưa bao giờ tôi thấy Lẹ giận, hay cự nự bạn bè. Ngay cả chuyện làm quen hai dì cháu nhà kia, âu cũng là định mệnh. Khi đang lang thang, tôi và Lẹ thấy có hai cô gái đang vác những cây khoai mì từ rẫy gần đó về nhà. Chúng tôi chặn đường, gợi ý “để chúng tôi vác hộ cho”. Tưởng nói chơi, mà các cô trao thiệt. Cô H.L. mau mắn trao bó khoai mì cho tôi ngay, và cô cháu thì ngần ngại một lúc, rồi cũng trao cho bạn tôi. Chuyện khởi đầu quen nhau nó giản dị như thế đó. Không lãng mạn, không thư thư tình xanh hồng qua lại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Việt Tâm.

Đêm đó, trên chiếc võng, tôi thao thức mãi với thuốc lá, cà phê thâu đêm. Tôi nghĩ về Tiến, về Lẹ, về cô bé mang tên trái tim Việt Nam -Việt Tâm. Mới ở tuổi mộng mơ của trăng 16, mà lại nhỏ những giọt nước mắt cho mối tình chợt đến, và vội vã ly tan. Tình yêu vừa thoáng hôm qua, mà nay đã xa thật rồi. Ôi! chiến tranh! Chỉ trong một tháng, chiến tranh đã cướp đi hai người bạn cùng khóa, cùng đơn vị. Và cũng trong cái nóng cùng cực của “Mùa Hè Đỏ Lửa” trên khắp 4 vùng chiến thuật, nhiều bạn bè Khóa 24 đã nằm xuống. Mới ngày nào, thời gian chưa đủ quên đi cái se lạnh, cái mù sương, màu hoa mimosa của Đà Lạt,… mà nhiều bạn tôi đã an giấc ngàn thu, nhất là trên ba chiến trường lớn: Trị-Thiên, Kontum, và Bình Long- An Lộc. Còn đâu hỡi Ánh (SĐ21) hy sinh trên quốc lộ 13, Phước, Minh (SĐ5), Chiến, Trường, Phượng (ND), Dzương, Tá, Luyến, Cang (TQLC), Tiến, Lẹ (30 BĐQ), Hải (SĐ3),….

Vào khoảng tháng 9/72, khi tôi quay về Thủ Đô, thì Nguyễn Kim Khánh, người bạn cùng khóa, cho tôi đọc danh sách các K24 đã Vị Quốc Vong Thân. Tôi cảm thấy nghẹn ngào đến độ nuốt không trôi những món ngon mà Th H., người vợ mới cưới của Khánh, đã đích thân nấu để đãi tôi, vì tôi đã không có mặt trong ngày cưới của hai người, như tôi đã từng hứa trước đó. Chỉ trong một “Mùa Hè Đỏ Lửa” đã cướp đi hơn một phần năm các bạn cùng khóa của chúng tôi! Xe tăng VC bị bắn cháy tại An Lộc 1972

Nếu nói Lai Khê là thành phố của lính chắc không có gì sai. Nơi đây không có chỗ cho mộng mơ. Nơi đây, “mọc” lên rất nhiều quán nhậu đủ kiểu, quán cà phê với nhiều sắc thái khác nhau, cùng nhiều thể loại nhạc từ “lính mà em”, “một trăm phần trăm” đến “Thiên Thai”, “Suối Mơ”, “Đôi mắt Người Sơn Tây”,… Hàng quán, hầu như lúc nào cũng đầy ắp khách với đủ các sắc lính. Mới hơn ba tháng mà tôi đã nhập vai vào người lính trận tự lúc nào cũng không biết. Giày saut cũng “bết bùn đất hành quân”, áo chiến cũng bạc màu sương gió, vương đầy bụi đất hành quân. Hình ảnh anh “lính quý tộc”ngày nào trên ngọn đồi 1515 yên bình, bỗng chốc trở thành xa lạ với chính mình. Ba tháng chinh chiến ngược xuôi, dường như, cũng đủ để cảm nhận hình ảnh thật của một người lính trận. Và trong những tháng ngày nầy, trong đêm nay, tôi cảm nhận thật trọn vẹn những câu thơ rất thời chiến, “rất lính” của Trần Hoài Thư:

Đêm đi kích, ngày nhâm nhi rượu đế
Uống để say, quên hẳn tháng ngày
Bên bàn rượu, mỗi ngày một vắng
Thương bạn bè chưa uống đã say!
Khi vào lính nói năng nham nhở
Nói yêu ai cũng nghĩ đến cái giường

Bởi lẽ, sau mỗi trận đánh, sau một lần hành quân, sau mỗi chiến dịch lại mất đi một số đồng đội cũ. Lễ khao quân, mừng chiến thắng tại Phước Tuy, chúng tôi còn đủ ba đứa. Từ Xuyên Mộc lên Chơn Thành, trong bữa ăn chung của tiểu đoàn, chúng tôi thiếu Tiến. Nhớ đêm đó, tôi và Lẹ uống say như chưa từng say, vì hai đứa chúng tôi luân phiên uống thay phần rượu của Tiến. Người tiểu đoàn trưởng, cũng là một đàn anh của chúng tôi, đã gần như ngồi suốt đêm bên cạnh chúng tôi. Do đó, khi tỉnh dậy, lòng càng thêm xúc động. Tình anh em thấm đậm biết bao! Và chiều nay, tại Lai Khê, tôi uống thay hai phần rượu của Tiến và Lẹ. Đêm đó, lòng tôi buồn vời vợi! Cho dù, tại nơi đây, vùng đất dành cho lính, tôi đã có những tiết mục dành cho người lính trước khi ra trận. Đêm đó, tại hậu phương Lai Khê, cũng không xa vùng chiến trận, tôi đọc tiếp thơ lính của Nguyễn Bắc Sơn cho “em gái của lính” nằm nghe:

Lỡ mai ra trận, ta còn sống
Về lại Bồng Sơn dạo phố chơi….

Và nhất là hai câu thơ của Trần Hoài Thư:

Khi vào lính, nói năng nham nhở
Nói yêu ai cũng nghĩ đến cái giường
Em nghe và cười thỏa thích.

Trung tuần tháng 7/72, chúng tôi được trực thăng vận vào An Lộc. Vào lúc nầy, địch đã bị thiệt hại nặng, không còn đủ sức để mở các đợt tấn công lớn nhằm chiếm lại An Lộc, tuy nhiên chiến sự vẫn còn xảy ra tại các làng xã bao quanh, và áp lực địch vẫn còn nặng. Ấp Phú Miêng, khu kỹ nghệ Tân Lợi, nhà thờ Tân Lợi, Đồi Gió, “Sok” Tân Cui, phi trường Quản Lợi. Về phía Bắc có đồi Đồng Long, Vườn Mít,… và về phía Nam thị xã có khu nhà thương Minh Đức, khu đồn điền cao su Xa Cam, Xa Cát,… tất cả những địa danh trên, vòng đai bao quanh thị xã, vẫn còn nằm trong tay của địch quân. Khi vào thay đơn vị bạn, nhiệm vụ của chúng tôi thật rõ: chiếm lại các điạ danh trên, đặc biệt là nhà máy nước Tân Lợi, cũng như Đồi Gió, vì đây là những vị trí chiến thuật, mà ngày nào còn trong tay của địch quân, là ngày đó An Lộc còn bị nguy khốn.

Từ trên phi cơ nhìn xuống, cảnh vật thật hoang tàn. Những vùng cao su xanh ngát một màu ngày nào, nay đã được cày xới bởi pháo và bom đạn, từ hai phía. Những vùng đất đỏ đầy những hố bom, đạn pháo,… trông giống như những vết rỗ trên những khuôn mặt sau một lần lên đậu mùa. Chúng tôi được lệnh rời nhanh, khi máy bay vừa đáp xuống, vì nơi đây là điểm pháo kích của địch. Vừa lao ra khỏi máy bay, tôi lại gặp được một người bạn cùng khóa, Trương Thành Minh, mà ở trong trường vẫn quen gọi là “ông Tây nhà đèn”. Chỉ kịp bắt tay, chưa kịp thăm hỏi thì bạn tôi thúc giục

- “Cho lính chạy nhanh lên, pháo đến nơi”.

Tôi ngoái đầu nhìn lại, bạn tôi đã lên máy bay trở lại hậu phương, còn tôi trên đường vào vùng bão lửa. Không ngờ, đó là những lời rất ân cần, những lời nói sau cùng mà người bạn cùng khóa đã dành cho tôi, vì một thời gian sau, tôi được tin Minh đã hy sinh trong một trận đánh đâu đó ở Bình Dương!

Qủa thật như Minh đã nói, di chuyển hơn vài trăm thước, thì đạn pháo kích ập đến. Tôi xua lính ĐĐ2 chạy thật nhanh, trong khi đó có một vài chiếc trực thăng bốc cháy. Lúc bấy giờ tôi không nhận biết có còn lính trên các máy bay trực thăng bốc cháy đó hay không? Tình hình thật căng thẳng. Cùng với Thanh Vân, tôi hò hét lính chạy nhanh ra khỏi vùng. Tiếng rên la của những người lính bị thương, tiếng gầm thét của các gunships, tiếng máy bay đổ quân, máy bay đang rời vùng, hòa lẫn với pháo nổ, đạn bay,… đã tạo nên một cảnh tượng hết sức bi hùng của một lần đổ quân tăng viện. Chúng tôi vào An Lộc đã được dàn chào như thế đó. Dù các phi công bay trong đợt chuyển quân nầy thuộc loại lính cũ, dày dạn về kinh nghiệm đổ quân, nhưng với bãi đáp quá hẹp, trong khi đó pháo địch dày đặc, do đó, tổn thất là điều không sao tránh khỏi.

Tải thương tại An Lộc 1972Khi ra khỏi vùng pháo của địch, kiểm điểm lại, thì trong mấy chiếc trực thăng bị trúng đạn, bị rớt bị bốc cháy, có một chiếc chở lính ĐĐ2 của chúng tôi. Phi cơ bị bốc cháy, hơn một tiểu đội bị thương, bị chết, trong số đó có Ch/Uý Hồ Anh Đức vừa mới được bổ sung cho Đại Đội 2 ngay tại phi trường. Tôi chỉ kịp hẹn anh vào An Lộc, sẽ nói chuyện. Không ngờ anh hy sinh quá sớm. Anh chỉ ở với đơn vị có vài giờ. Chiến tranh là thế đó! Bình thường các sĩ quan mới ra trường, dù Võ Bị, Thủ Đức, hay Đồng Đế đều được ở tại BCH/ tiểu đoàn một thời gian để thực tập và làm quen với đơn vị. Nhưng vào lúc nầy, tiểu đoàn đang thiếu nhiều sĩ quan, nhất là các trung đội trưởng, do đó, vừa về tới BCH tiểu đoàn, Ch/Uý Đức cũng như các tân chuẩn uý về trình diện Tiểu Đoàn 30 vào hôm đó, đều được phân phối về đại đội ngay tại điểm bốc cuả trực thăng.

Trong đợt đổ quân nầy, cả Tiểu Đoàn 30 thiệt hại tương đối nhẹ với gần một trung đội “đi biển” (tử thương, “chữ riêng” của TĐ30 BĐQ), vài chục bị thuơng. Tử-sinh chỉ trong thoáng chốc. Có lẽ, chính vì thế mà ở các đơn vị chiến đấu; nói chung, ít thấy những tị hiềm, lọc lừa gỉa dối, toan tính hại nhau như các chính khách ở nghị trường! Và sau nầy, khi mất nước, trong tù ngục cộng sản, lại một lần nữa, cho thấy các người lính tác chiến vẫn còn “sống được” một cách tương đối, ít sa vào chỗ phản bội anh em, đồng đội cũ. Cho dù phải sống trong vòng vây của kẻ thù, cho dù làm kẻ bại trận “theo lệnh”, nhưng thời gian chưa thể làm quên đi một thời hào hùng chinh chiến cũ của mình, của đồng đội, của màu cờ sắc áo. Tình chiến hữu là một điều có thật. Chính sống chết vẫn có nhau, bao bọc cho nhau trong những giây phút thập tử nhất sinh mà tình đồng đội đã được thăng hoa và trở thành một hình ảnh tiêu biểu đẹp miên viễn. Cho dù, đôi lúc, người lính ở tiền tuyên nhìn về hậu phương không khỏi ngậm ngùi, chua xót!

Hơn hai tháng vào An Lộc, với 3 liên đoàn BĐQ cùng với SĐ18, vành đai An Lộc đã được nới rộng ra rất nhiều, nhất là sau khi Th/ Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh mặt trận An Lộc ban lệnh phản công toàn diện. Lần lượt các vị trí chiến thuật đã lại trở về với VNCH. Các chốt cứng của địch ở đồi Đồng Long, ấp Phú Miêng, Đồi Gió, Tân Lợi, Xa Cam, nhà thương Minh Đức,… đã bị đánh bật ra. Súng cối địch đã không còn rót vào thị xã An Lộc nữa. An Lộc đã hồi sinh một phần. Tuy nhiên, trận đánh xảy ra tại phi trường Quản Lợi thật khốc liệt. Địch quyết tử thủ, quân ta nhất định phải chiếm lại bằng mọi giá! Tiểu Đoàn 30 thiệt hại khá nặng tại chiến trường nầy.

Tiểu Đoàn 30 BĐQ có nhiệm vụ bảo vệ con đường huyết mạch từ nhà thờ Tân Lợi dẫn đến phi trường để giữ cho con đường luôn được an toàn thông suốt cho tiếp tế, tản thương. Dường như biết được ý định đó, cộng quân tung một lực lượng cấp trung đoàn, Q.271, cộng với đại đội trinh sát của Công Trường 7, vòng về phía sau, đánh ngay vào Tiểu Đoàn 30 trong ý đồ cắt đứt con đường vận chuyển cho chiến trường Quản Lợi, nhằm cô lập lực lượng tấn công của ta, hay buộc lực lượng tấn công vào phi trường là hai Tiểu Đoàn 33 và Tiểu Đoàn 38 BĐQ phải rút lui. Nhưng bên ta, Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, cũng như Thuỷ Tiên cũng đã biết được ý định của chúng, do đó đã tung ra hết bốn đứa con thân yêu của mình, với quyết tâm không để mất một tấc đường vào tay địch, nhằm bảo đảm cho chiến dịch.

Trận chiến xảy ra liên tục 4 ngày đêm, địch cố chiếm từng tấc đường, Tiểu Đoàn 30 quyết không để mất một tấc đất. Có những trận đánh cận chiến, những tiếng la, mà nay hồi tưởng lại, tôi thấy có chút gì đó “man rợ” làm sao! Có lúc tưởng như tuyến phòng thủ của hai Đại Đội 1 và Đại Đội 3 của tôi bị phá vỡ. Mấy lần bị chọc thủng, nhưng được bít lại bằng chính máu xương của đồng đội. Mấy lần, phải nhờ đến máy bay khu trục đánh sát tuyến. Ngoài không yểm của quân ta, của Hoa kỳ, còn được thêm mấy phi tuần B52 dội mưa bom vào phi trường Quản Lợi và các ngọn đồi chiến thuật quanh đó.

Với sự yểm trợ có hiệu quả của phi pháo, với sự điều quân hợp lý và quyết định đúng lúc của bộ chỉ huy hành quân, Tiểu Đoàn 30 đã giữ vững được tuyến đường, nhờ đó đã bảo đảm được chiến dịch, tuy thiệt hại khá nặng; trong đó có cố Đại Uý Trần Hữu Phương, Đại đội trưởng ĐĐ3/30, đại đội trưởng ưu tú nhất, xuất sắc nhất của Tiểu Đoàn 30 vào thời gian đó. Thế Phương đã hy sinh từ những giây phút đầu, khi cộng quân mở đợt tấn công. Tác Giả tại An Lộc, 1972

Khi Thế Phương nằm xuống, vào giây phút đó, tôi, đang là ĐĐP/ĐĐ2 được lệnh “khẩn” của Thuỷ Tiên, sang đảm nhận XLTV/ĐĐT/ĐĐ3. Tôi đã sống, chiến đấu trong thập tử nhất sinh cùng Đại Đội 3 trong suốt bốn ngày đêm đó. Bốn ngày đêm tưởng như đang sống trong hỏa ngục. Không có phút nào là không có đạn nổ, pháo vang và cả bốn ngày đêm cả thầy trò cùng căng mắt, không ngủ. Th/Sĩ Biền, thường vụ đại đội cho tôi biết Đại Đội 3 bước vào vùng hành quân là 114 người (ngay lúc tôi vừa sang nhận Đại Đội 3), nhưng sau bốn ngày đêm chiến đấu liên tục, đại đội chỉ còn hơn 40! Còn sống trong cảnh nầy, làm tôi càng vững tin hơn về đời người có số mạng. Chỉ hơn ba năm tác chiến, tôi cũng đã được vận may cứu mạng nhiều lần.

Có một lần trong chiến dịch đánh vào phi trường Quản Lợi như vừa kể, trong trận chiến giằng co tại rừng cao su gần nhà thờ Tân Lợi, Tr/S Nguyễn Văn Dòn, tiểu đội trưởng thám báo, đề nghị tôi nhích sang bên cạnh, nhường chỗ đứng của tôi cho Dòn, để anh dùng nhánh cây cao su gãy đổ làm điểm tựa cho cây đại liên M60. Nhưng chỉ trong chớp mắt, khi Dòn chưa kịp đưa cây đại liên lên nhánh cây, thì lãnh ngay một viên đạn. Dòn ngã vào người tôi. Máu Dòn đã loang ướt cả tấm bản đồ cùng áo trận của tôi. Dòn chết ngay trong vòng tay của tôi. Tôi chẳng tài cán gì, hay “trốn chạy” giỏi để còn được sống. Nhưng, chính là số phận của tôi vẫn còn, nên tôi còn được sống. Dòn đã chết thay tôi, vì Dòn tới số và tôi thì chưa, nên khiến xui Dòn đề nghị tôi nhường chỗ đang đứng cho anh.

Tôi đã sống và chiến đấu trên vùng đất không có được bình an như tên gọi trong hơn ba tháng. Hơn ba tháng đó, chúng tôi sống với gạo sấy, lương khô, thịt hộp được tiếp tế từ máy bay. Những tuần đầu, tiếp tế bằng dù bung, nên không hiệu quả, vì có chiếc theo gió bay sang vùng địch chiếm. Cũng thật buồn cười, vào giai đoạn này, không chỉ chúng tôi trông chờ đến ngày tiếp tế, mà có lẽ, ngay cả cộng quân cũng mong chờ. Khi có những chiếc dù mang đồ tiếp tế rơi vào vùng của chúng, thì chúng được hưởng trọn, nên khi máy bay thả dù tiếp tế vào vùng thì ít khi nghe tiếng đạn pháo kích của chúng. Mà đời thuở nào, chúng biết được thế nào là lương khô, thịt hộp của “đế quốc Mỹ” nó lại thơm ngon đến như thế! Sau nầy, thả tiếp tế bằng dù lưới, thì chẳng có bung ra bên ngoài vùng đóng quân của ta, hơn nữa, vòng đai đã được mở rộng.

Vì thiệt hại khá nặng nên tiểu đoàn được bốc về hậu cứ để bổ sung quân số. Tuy nhiên, chưa được một tuần ở hậu cứ, tiểu đoàn lại tiếp tục hành quân giải tỏa các làng xã ở Bình Dương đã bị cộng quân đánh chiếm. Tiểu Đoàn 30 lần lượt giải tỏa các xã Trung An, xã Bến Cỏ, xã Tân Phước Khánh, vùng ven ranh khu chợ Lái Thiêu, khu trù mật Khánh Vân, trại cùi Bến Sắn. Cộng quân đánh chiếm trại cùi, chỉ nhằm mục đích là vơ vét toàn bộ thuốc tây, và lương thực của trại nầy, theo như các Soeur đã kể cho chúng tôi nghe, với nước mắt đầm đìa!

Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn không quên những tháng ngày của một thời sống và chiến đấu tại,

“An Lộc địa, sử ghi chiến tích.
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.

Nơi đây, đã thấm ướt bao máu xương của đồng bào, của đồng đội tôi như cố Đại Uý Trần Hữu Phương (Thế Phương), ĐĐT/ĐĐ3/30, cố Th/tá Huỳnh Văn Nhựt (Minh Nhựt), ĐĐT/ĐĐ4/TĐ30, cố Tr/Uý Hoàng Duy Minh, thay tôi làm ĐĐP/ĐĐ2 được hai ngày. Ngoài những Vị Quốc Vong Thân đó, còn có nhiều những đồng đội của tôi thuộc Tiểu Đoàn 30 đã ngã xuống cho màu cờ, sắc áo, cho Quê Hương, mà tôi không thể liệt kê ra cho hết. Trong số đó, còn có cố Th/S Chung, cố Tr/S Nhất Dòn, cố Tr/S Nhất Mười. Cả ba anh đã lần lược hy sinh trong khi đang là Tiểu đội trưởng thám báo của ĐĐ3/ TĐ30 BĐQ, trong thời gian tôi làm Đại đội trưởng. Làm sao biết hết, viết cho đủ các Đồng Đội đã chiến đấu và đã ngã xuống để giữ vững Bình Long-An Lộc. Các Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân đã mang nhiều màu áo khác nhau từ Biệt Cách Dù, từ Nhảy Dù, từ màu áo hoa rừng Biệt Động đến màu xanh của SĐ5, của SĐ18, của các Điạ Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Bình Long Anh Dũng!

An Lộc, nơi tôi đã đến trong niềm tin và lìa xa trong nước mắt! Cho đến khi nào lịch sử sang trang, hoa tự do lại nở trên đường Quê Hương, chắc chắn những hy sinh của quân dân Miền Nam trong trận chiến bảo vệ An Lộc sẽ được viết bằng những nét son trong những trang quân sử của Việt Nam Cộng Hòa, và bốn chữ BÌNH LONG ANH DŨNG sẽ được ghi đậm trong sử xanh cùng với QUẢNG TRỊ KIÊU HÙNG, KONNTUM VÙNG DẬY.

Tôi tin như thế! Dù ngày tháng có qua đi, dù đã hơn 38 năm rồi, kể từ ngày 30 tháng tư đen. Tôi vẫn tin như thế, và niềm tin đó bất biến trong tôi./.

Mũ nâu Nguyễn Phán K24