PDA

View Full Version : Nằm Ấp



Longhai
10-02-2014, 06:28 AM
Nằm Ấp


Tống phước Hiển


Sáng mồng một Tết âm lịch năm 1978, tù Chính trị trại giam Z.30 D bất ngờ tập họp “đột xuất” mừng Xuân bằng những bài ca hùng tráng làm sống dậy thời liệt oanh hào hùng, thuở khách chinh nhân xem thường hiểm nguy xông pha lửa đạn, thưở chinh nhân được đi vào Văn học với hình ảnh rất lãng mạn :

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(Vương Hàn)

Dịch :

Rượu đào chén ngọc sáng choang,
Trên yên sắp uống đã vang tiếng tỳ.
Sau lăn bãi cát hề chi.
Những người ra trận mấy khi lại về.
(Ngô Tất Tố)

Hay :

Chí làm trai, dặm ngàn da ngựa.
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào.
Thét roi cầu Vị, ào ào gió Thu.
(Chinh Phụ Ngâm - Bà Đoàn thị Điểm)

Tù say sưa hát, cuồng nhiệt vổ tay. Họ di chuyển khắp hết các sân trại giam.

Cộng sản nói rằng đất nước đã Hòa bình, thắng bại đã phân minh. Người tù kiên định cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Cuộc chiến đấu mới, khởi động từ xế trưa 30.04.1975 ngay khi chiếc xe tăng Cộng quân bị bắn hạ tại cầu Thị Nghè. Ngay khi chừng một Trung đội Chiến sĩ Nhảy dù của Quân Lực VNCH cùng chia nổi nhục nhằn với Quê hương bằng một quả lựu đạn, họ là những anh hùng nối chí Tiền nhân vinh quang đi vào lịch sử, Ngay từ khi năm vị Tướng Lãnh hiên ngang trên tư thế “Sinh vi Tướng, Tử vi Thần”. Và ngay khi tiếng súng tuẫn tiết của Trung Tá CSQG Nguyễn Văn Long trước tòa nhà Quốc-hội.

Hầu hết tất cả tù trong trại đều tham gia buổi hát “Lưu động đột xuất” ấy, có cả các khuôn mặt đặc biệt sau: Luật Sư Trung úy Khuất Duy Trác (Đàn Giutar, hát bài Ly ruợu mừng mở màn), Nhạc sĩ (Không nhớ tên - dẫn hò tập thể). Những khúc quân hành năm xưa trỗi dậy, tim máu họ rộn ràng háo hức làm bọn bò vàng Công an hốt hoảng huy động lực lượng bủa vây toàn trại. Nỗi kinh hoàng của chúng lộ rõ trên khuôn mặt hoang mang rối loạn. Chúng hấp tấp chỉa mũi súng vào đám tù không tất sắc. Bọn Antenne thường ngày ngổng tai hèn mạt nghe ngóng bây giờ chúng quỵt mặt run rẩy. Lủ phản bội nầy vội vàng chạy vào cầu tiêu, hoặc lẹ làng ẩn trốn trong mền chăn chiếu gối. Riêng nhóm Trật tự, Thi đua được “bọn chủ” hộ tống chạy thoát ra cổng, hướng về khu văn phòng. Gần giữa trưa, sau khi bố trí xong những vị trí xung yếu, khoảng một Trung đội Công an Võ trang trong tư thế tác chiến tiến vào, dàn mỏng bảo vệ cho các toán quản giáo xuống sinh hoạt với các đội trách nhiệm. Mỗi toán gồm một quản giáo và hai vệ binh có võ khí. Tất cả do tên Thuợng úy Thới (tức Sáu la - vì y ưa la hét) điều động.

Ngay chiều hôm ấy, bọn Giám thị trại giam bắt nhốt một số người mà chúng nghi là thành phần lãnh đạo như các anh: Khuất Duy Trác, Linh mục Ðổ-Bá-Công thuộc giòng Ða-Minh, Giáo Sư Vũ-Thành-Hoan, hai Sinh viên thuộc tổ chức kháng Cộng sau 1975 là Nguyễn-Ðình Toàn, Nguyễn-Thanh-Nhàn, Hà-Ngọc-Phan (Phụ trách hành động - tức trừng trị bọn antene, Thi đua, Trật tự). Phía Hình sự bị nghi thành phần “Thi hành bản án trừng phạt bọn phản bội” và được ghi nhận “Thường xuyên quan hệ với thành phần phản động” có Nguyễn-Văn-Hậu. Tù hiểu rằng, Cộng sản đang giăng lưới mà nói theo kiểu cai tù là “Phá vỡ tổ chức phản động có tầm quy mô và được lãnh đạo, tiếp tế bởi tổ chức phản động bên ngoài”. Ðồng thời chúng hùng hổ tuyên bố: “Trại kiên quyết hốt hết trọn ổ”. Do đó, tù tạm phải bị ngưng những sinh hoạt thường lệ như thông tin, tiếp tế đồ ăn, và gặp nhau phiếm luận...

Gần nửa tháng trại không “Phát hiện thêm hiện tượng tiêu cực” nào khác, nên “con mồi” cuối cùng bị đưa vào phòng kỷ luật sau khi “được” dẫn ra mé bờ suối hoang vắng giáp với khu B để “động viên” và đưa trả về nhà giam lúc tiếng kẻng dội vang báo hiệu giờ ngủ.

***

Lao động về, cái bọc vải đựng đồ ‘tuế nhiễn” của anh đã ra đi không lời từ biệt. Ðoán trước tình huống, anh bình thản đến nhận ổ bánh mì làm từ khoai mì (Trong thời gian nầy, tù ăn độn khoai mì 100% - nói theo cách nói cán bộ - đã 100% mà còn gọi là ăn độn! Tù bèn “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, biến chế thành bánh mì cho có vẻ ‘Tây”). Cầm ổ bánh mì “to”chừng bằng nắm tay, anh kiếm xó góc, bạn bè hiểu tình thế. Anh kín đáo tìm kiếm những ánh mắt lân la dò xét. Tuy đói, và tâm tư chuẩn bị những bất trắc nhưng anh vẫn thấy hồi hộp, miệng nghét đắng, miếng bánh mì như khúc củi đang trệu trạo trong miệng.

Bốn tên gồm tù đã được chuyển sang giai cấp tù thống trị là tên Ba Trưởng ban Thi đua, (Nguyên là cán bộ Cộng sản bị tội hủ hóa gì đó !?), tên Thạch tù Trật tự, thuộc loại hung thần (Nghe nói nguyên trước kia là Sĩ Quan QL/VNCH) hai tên bò vàng đi vào. Nhưng chúng ngừng lại bên hông Trạm xá xì xầm bàn bạc. Ðến lúc nầy, thì anh đã hoàn toàn bình tỉnh. Còn già nửa ổ bánh mì, biết không ăn kịp, anh để vội trên khung cửa sổ. Cũng vừa ngay lúc tên trật tự Thạch đến sát bên cửa ra vào, ngay chỗ anh đội trưởng, nghe Thạch nhắc đến tên anh, anh đến, và theo hắn đi về cổng trại. Khi đến Bệnh xá, Thạch chậm bước, y rẻ vào phòng ở tù Trật tự (Phòng nầy nằm giữa cách vách ngăn với phòng kỷ luật và Bệnh xá). Trong phòng, bọn cai tù đang chuyện trò vui vẻ với bọn đầu gấu Thi đua. Thấy anh, sắc diện chúng bỗng nghiêm khắc lạnh lùng, Thạch đưa anh vào phòng kỷ luật.

Phòng kỷ luật tối đen như “Căn hầm trong bóng tối vào ban đêm lúc không đèn”. Anh hoàn toàn không thấy bất cứ gì. Do một cú đẩy bất ngờ từ phía sau, không mạnh lắm nhưng cũng đủ làm anh chúi sấp trên nền Ciment. Chưa đoán được những gì sẽ xảy tới, anh nghe trật tự Thạch bảo đưa chân cho hắm cùm. Với thủ thuật của những tay rành nghề, chúng đè ngữa anh xuống, hai chân anh đã ngay ngắn trên sàng, và một cái cùm cũng đã gọn gàng ôm lấy ống chân. Chân trái còn lại chưa xỏ cùm vào được vì cùm nhỏ hơn chân (!?). Nhờ tù Trật tự “Hạ quyết tâm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu của trên giao” nên cuối cùng, sau khi cái cẳng chân của anh bị bắt buộc phải thân mến tặng một miếng da chân có rớm máu làm “Kỷ vật cho... cùm”.

“Kỷ vật” đó sau nầy bị tấy sưng, mưng mủ làm anh kinh hoàng đau đớn (Nhất là vào lúc bọn cai tù hay trật tự đánh vào thanh sắt xuyên từ trụ cây trong phòng, qua hai khoen cùm ra đến trụ ngoài. Ðến bây giờ anh vẫn còn kinh sợ mỗi khi nhớ lại) đã lưu lại vết sẹo trên mắt cá chân trái của anh.

Lúc đầu, rất khó chịu vì hai chân bị cùm, không ngồi dậy được do bàn chân bị cấn với vách nhà. Cái cùm sắt dường như chưa mài giủa trước khi “xuất xưởng” nên còn lấm tấm mày sắt. Những mày sắc ấy nhẫn nại cứa dần dần vào và rồi đâm thủng lớp da bao sợi gân lớn nơi gót chân anh. Thêm vào đó, cái cảm giác ngứa ngáy sau lưng anh, rồi khắp thân càng tăng thêm nổi khó chịu. Ðến chiều, trật tự mở cùm cho đi vệ sinh và nhận phần ăn.

Khác với “tù tự do” bên ngoài, phần ăn của tù kỷ luật là một miếng bột luộc, bề dày khoảng một phần ba bề dày ngón tay, diện tích thì lọt thõm trong lòng bàn tay (Bàn tay của người bình thường), và nửa chén nước trắng. Dụng cụ vệ sinh là thùng gỗ có hình khối thang, đáy lớn khoảng 60cm x 50cm, đáy nhỏ khoảng 50cm x 40cm, cao chừng 25 cm. Ðáy lớn là nắp che phần trên, giữa nắp nầy, có một lổ nhỏ rộng chừng 20cm x 20cm có thanh gỗ nhỏ dùng để nắm. Tù đi vệ sinh thì giở nắp nhỏ ra, “Khéo léo đi cho lọt, cho đúng vào trong (Nếu vì bất cứ lý do gì mà vung vải ra ngoài thì... ráng chịu). Nếu may mắn phòng chỉ có một người thì không mấy trở ngại. Nhưng vào hôm “cao điểm” (Từ hai người trở lên) thì tù nào nằm càng phía trong càng vất vả hơn vì phải trườn, rướn người để “quá giang” qua người hàng xóm bên cạnh. “Tác nhân” gây trở ngại trong việc “Hoàn thành mục tiêu giải phóng chất cặn bã trong ruột già” là hai cái cùm. Nói như thế, e rằng cũng chưa công bằng, vì anh nằm ngoài cùng tuy có thoải mái hơn, vì trong “quá trình giải phóng” ấy, anh có thể tự “tự lực”, không cần bắt buộc ai phải cùng “hợp tác”. Nhưng mỗi khi người láng giềng cần cái động tác “giải phóng” ấy thì anh ta bị bắt buộc phải cùng “hợp đồng thao tác”. Hai người thì “trở ngại không to”, nhưng ba người thì “khó khăn thật vô cùng vĩ đại”. Thường thường, anh nằm ngoài sát thùng phân phải lãnh nguyên xi cái mùi không “trong sáng” như “cái mồm bọn Thi đua, Trật tự, ăng ten”.
Chuyện anh nằm ngoài cùng bị các anh nằm bên trong “tặng nước nóng” bất đắc dĩ là chuyện “ thường ngày”. Ðại tiện xong, giấy lau vệ sinh trở thành “vấn đề khó khăn trước mắt”, ban đầu, tù lúng túng vô cùng, nhưng khó khăn sinh ra sáng kiến, tù bèn “tận dụng vật liệu tại chỗ”, xé áo quần làm... giẻ chùi. Cuộc đời, nào ai lường trước được rủi may. Cái hôm qua gọi là may, thì nay lại là rủi! Triết lý ấy không biết ngoài đời như thế nào, chứ trong phòng kỷ luật thì trúng phóc 100%. Vải quần áo cụ nào càng cũ càng “sung sướng, nhẹ nhàng” đỡ phải lao động vất vả (Xin chia mừng!) Cụ nào vải quần áo còn có vẻ “tươm tất” thì “hì hục” xé có khi nhờ đến “sự chi viện” của hàm răng (Xin chia buồn!). Ðiều đáng mừng hơn hết là “nhờ ơn Bác và đảng” nên bộ tiêu hóa tù tạo ra chất thải thật khiêm nhượng và thường là “chất rắn” và cũng nhẹ mùi hơn mồm của bọn tay sai lòn cúi hèn mạt trật tự, thi đua và ăng ten...

Phòng kỷ luật “xây dựng” theo “mô hình sáng tạo và kinh qua kinh nghiệm” nên mới nhìn tưởng không có gì, mà thật ra vô cùng kiên cố. Vách dựng lên bằng năm lớp. Chính giữa là những thanh tre rắn chắc, nguyên ống, hai bên kèm kẹp bởi những thân tre đã đập dập, ngoài cùng của cả hai mặt là hai tấm vách được dựng lên bằng những tấm cót. Tất cả đều được buộc kết bằng những sợi dây mây (cây song) rất chắc với kỹ thuật khá cao. Tuyệt đối không có đinh sắt, dây kẽm hay bất cứ thứ kim loại nào.

Mỗi sáng, tù kỷ luật được tháo cùm làm “vệ sinh cơ thể ” bằng 1/3 ca nước (loại ca bộ đội). Tù đem thùng phân ra ngoài, dồn phân vào một thùng khác, rồi đổ tro mới và khiêng thùng vào. Ðây chính là dịp tù kỷ luật thấy được ánh mặt trời, hít thở một ít không khí trong lành và nhất là nhìn lại “cảnh vật thân quen”. Tù kỷ luật “tranh thủ” đưa mắt kiếm tìm những ánh mắt của “tù tự do”. Bị kềm kẹp, dày đọa đến tận cùng vực thẳm cùng cực, khi giác quan bị tổn thương, thì cái trực giác lại hết sức tinh vi và nhạy bén để thế vào, nên dù chỉ một ánh mắt, một cái nhìn thoáng, một cử động nho nhỏ nào đó, tù cũng đoán được, mà thường thì xác xuất sai số rất thấp. Tuy nhiên, vào lúc nầy hầu hết tù đã phải xuất trại đi lao động. Số còn lại nếu không có phi vụ (tức nhiệm vụ cần liên lạc, thông báo với tù kỷ luật) thì hầu hết là tù bịnh, tù già yếu thuộc đội vệ sinh (tức đội chống ruồi), hoặc toán vệ sinh chở phân đi đổ cho đội rau xanh. Ðây là thời điểm của bọn Thi đua, Trật tự , thi hành lệnh cán bộ trực trại đến họp bàn, kiểm tra, báo cáo, dề xuất phương án nào đó.

Tù kỷ luật được nhận phần ăn mỗi ngày hai lần theo tiêu chuẩn 9kg500 chất bột cho mỗi tháng, muối trộn sẵn trong chất bột, và non nửa ca nước. Nếu là cơm, bobo hay khoai mì thì một nắm nằm gọn trong lòng nắm tay bóp chặt, nếu bánh thì một “cục”. Hôm nào gặp ngày tư Tết, lễ lạc thì khẩu phần có vẻ “đặc táo” hơn, nghĩa là mỗi người được lưng nửa chén cơm chan sẵn nước thịt kho, do Trật tự mang vào, trước khi đã được Thi đua kiểm tra chặt chẽ.

Khó khăn rồi cũng dần quen. Qua một đêm suy tư trằn trọc, anh thiếp ngủ. Thức dậy, ngồi thẳng giò (bây giờ, anh đã có kinh nghiệm), làm vài động tác. Ðược mở cùm, ra ngoài anh không gặp “bè bạn”. Các người khác nhìn anh vừa e dè ngại ngùng, vừa lo sợ những cặp mắt cú vọ rình rập (có thể quá sợ, họ tưởng tượng, nhưng dù sao “ủ tờ” trong chế độ cộng sản, thì cảnh giác vẫn là tốt nhất).

Thế là hai ngày trôi qua, anh thấy kỷ luật cũng chẳng có gì dáng phải hãi sợ. Cơ thể anh nhanh chóng thích hợp với những điều kiện vật chất khắc nghiệt. Thật ra, khi chưa bị kỷ luật, anh tưởng tượng nó khắc nghiệt hơn nhiều. Anh nghĩ cái khó nhất là phải đối phó với âm mưu xảo trá của bọn Cán bộ sắp tới đây. Anh có ý trông chờ chúng kêu lên “làm việc”. Ðể đo cân lượng sức lực của chúng. Anh ráng nhớ anh đã nghi ngờ ai, đã gài sẵn cho ai câu gì để nếu chúng hỏi là anh biết ai đã cam tâm làm tay sai cho chúng. Tù kỷ luật thấy ngày trôi qua mau hơn. Ngủ chán, thức dậy suy nghĩ. Nếu tinh thần yếu đuối lo sợ sẽ mau chóng bị sa sút.

Ý chí vững mạnh là thức ăn tuyệt vời nuôi cơ thể rất hữu hiệu. Anh tự vạch ra cảnh huống rồi tìm giải pháp đối phó.

Tình thế không cho phép anh vẽ vời tương lai ấm êm bên cạnh vợ con nữa. Hình ảnh đau thương tủi nhục của vợ anh trong cuộc sống nghiệt ngã của xã hội mà sự suy đồi đã trở thành nguyên do gây tan vỡ tình nghĩa thủy chung, phá tan tành tinh thần trách nhiệm gia đình cũng như đạo lý. Nghĩa khí làm người bị công nhiên xúc phạm. Rồi con anh, tương lai mờ mịt vì kỳ thị lý lịch.

Bọn Cộng sản cố tình dùng lý lịch làm vũ khí gây thù gán hận gia đình. Cha con vợ chồng khinh miệt nhau, dẫn đến sự rã rời, gia đình tan nát. Tất cả những băng hoại ấy lại là điều kiện cho tập đoàn đảng cộng sản và thế hệ con cháu chúng trở thành chủ nhân ông chính thức và duy nhất của đất nước. Những thành phần còn lại đương nhiên trở thành giai cấp nô lệ miên viễn. Càng suy nghỉ, anh càng cảm thấy quyền lợi gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn vong của Tổ Quốc. Ðúng là “Nước mất Nhà tan”. Nhìn vào khoảng tối mênh mông vô tận, anh thầm cám ơn nơi tăm tôí nầy. Một ý nghĩ làm anh lạc quan mỉm cười: ”chính nơi tăm tối nầy đã làm tâm hồn tôi trong sáng!”. Bây giờ, mắt anh quen dần với bóng tối, anh cảm nhận, phân biệt sự vật rõ ràng trong bóng tối. Bấm ngón tay tính, cũng đã mười ngày thời gian cùng đi với anh vào phòng kỷ luật. Anh đã thật hoàn toàn “an tâm”. Không còn chờ đợi, hồi hộp lo toan. Anh cũng chẳng phải hoài công đếm bóng tối hay ánh sáng mỗi ngày. Lâu lâu anh lại ngâm bài thơ “Hoài Cảm” của Ðặng-Dung, hay những bài thơ mang tư tưởng nhập thế của Nguyễn-Công-Trứ. Chính những bài thơ nầy giúp thêm sức mạnh cho anh ngạo nghể xem thường sợ hải. Anh tự nghĩ rằng anh đã chiến thắng và tiếp tục thừa sức chiến thắng những oan khiên ác độc của kẻ thù.

Anh không nhớ, đã “nằm ấp” bao lâu. Một buổi sáng, sau khi các đội đã xuất trại. Tên trật tự mở khóa, hé cánh cửa phòng biệt giam, rút thanh sắt và bảo anh theo hắn đi ”làm việc”. Anh bây giờ rất tỉnh táo, lòng không chút vấn vương lo sợ, Anh mỉm cười khi nhớ câu châm ngôn đầy kinh nghiệm khôn ngoan trong chế độ cộng sản tàn ác lưu manh: ”Tự giác là tự sát!”. Tù trật tự dắt thẳng anh đến một phòng, trong đó đã có sẵn một tên công an ngồi chờ. Và anh lại phải sắp giao chiến với kẻ thù.



Tống Phước Hiển
Trích từ: “Khi vượn tấn công Người”