PDA

View Full Version : Thị Xã Quảng Ngãi và Tôi 67 - 69



Longhai
09-21-2014, 01:01 AM
Thị Xã Quảng Ngãi và Tôi 67- 69


Luân Hoán


Bản doanh Sư đoàn 2 Bộ Binh được đặt tại Thị xã Quảng Ngãi. Chọn về sư đoàn 2 là chọn về với Quảng Ngãi, xứ của kẹo gương, đường phổi, mạch nha... Chúng tôi, gồm bốn tân Sĩ quan trừ bị khóa 24, Lê Ngọc Châu, Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc, đến Quảng Ngãi bằng đường hàng không vào đầu tháng 11 năm 1967.

Rời phi cơ, chúng tôi chạm ngay nỗi chán nản. Phi trường Quảng Ngãi quá tiêu điều. Sân bay chỉ có độc nhất một phi đạo, không hơn một đoạn đường nhựa bình thường. Căn nhà dùng làm văn phòng cho chi nhánh Hàng Không Việt Nam bé nhỏ, với một quầy tiếp khách và một buồng vệ sinh. Tổng thể phi trường là một không gian vắng lặng, đìu hiu, hòa mình ăn khớp với cái buồn bã của cả vùng Rừng Lăng lúc bấy giờ.

Hơn một giờ chiều, bốn chúng tôi lên xe Car của hãng Hàng Không về Thị xã. Chừng hai mươi phút sau chúng tôi tới nơi. Những căn nhà gọn gàng, tươm tất, những sinh hoạt nhịp nhàng, một phần nào đã giúp chúng tôi lấy lại sự an tâm. Chúng tôi lên bốn chiếc xích lô, sau khi đưa địa chỉ nơi chúng tôi sắp cư ngụ cho một người trong đám phu xe. Ngồi trên xích lô, ngắm phố phường, tôi tự hỏi, nơi này mình sẽ ở đến bao giờ?

Bốn anh phu xe nối đuôi nhau, kéo cần thắng bên lề một cửa hàng tạp hóa. Nhìn lên bảng hiệu, tôi hơi ngỡ ngàng: Trùng Khánh. Đúng. Nhưng Trùng Khánh nơi chúng tôi nhờ bạn Hà Nguyên Thạch thuê trước, đâu phải là một hiệu buôn. Nhìn kỹ, số nhà 43 Phan Bội Châu, không sai. Thắc mắc ngớ ngẩn của tôi được giải đáp ngay, khi nhìn thấy hai cánh cửa sắt, khép kín lại với nhau, đứng sát bên cửa tạp hóa. Cửa khép, không khóa, chúng tôi tự động kéo cửa vào.

Trùng Khánh, tên một cửa hàng tạp hóa, nhưng cũng là tên của một dãy nhà gồm 6 phòng, dùng để cho thuê. Chẳng biết ai đã phong cho nhà trọ này một chữ “Khu”, để dựng nên Khu Trùng Khánh, nghe rất bề thế, sang trọng. Thật ra đây chỉ là một dãy phòng nằm liền nhau một hàng dọc. Mặt ngó vào một bức tường, là ranh giới phân biệt với một cao ốc, mang tên Khách sạn Việt Nam. Mỗi phòng của khu Trùng Khánh có diện tích chừng 20 mét vuông (4x5). Mặt tiền có một cửa ra vào và một cửa sổ, đều được đóng bằng gỗ, sơn màu lá cây, liền kín, không thể nhìn vào bên trong. Khoảnh sân cũng là con đường tráng xi măng trước mặt phòng, rộng khoảng 2 mét rưỡi. Con đường này được rẽ trái khi qua hết phòng thứ sáu, để vào buồng tắm và buồng vệ sinh chung. Đặc điểm của khu Trùng Khánh là nằm trong khu vực rất an toàn và trên con đường huyết mạch thứ hai của Thị xã Quảng Ngãi, sau đường Quang Trung (Cũng là một đoạn của Quốc lộ số 1).

Chủ nhân của khu Trùng Khánh là một ông ba Tàu, đã sống với đời chừng 45 năm, hơi khó tính. Ngoài quyền sở hữu cơ ngơi này, ông còn làm chủ một cái bụng khá lớn, luôn được phơi trần và bốn chữ “Đéo con bà nó” để mở đầu mọi câu chuyện vui, buồn với bất cứ với ai.

Khi chúng tôi dọn vào phòng thứ hai. Cả dãy nhà đều có người ở. Phòng thứ nhất là một nhà giáo dạy trung học Trần Quốc Tuấn. Phòng thứ ba là chỗ soạn bài giảng, chấm bài tập và thường được đóng kín cửa để tiếp nhân tình của nhà thơ Hà Nguyên Thạch, dạy tại trường Nữ Trung Học. Phòng thứ tư là phòng của thầy giáo Trí của trường Trần Quốc Tuấn, người Đà Nẵng như Hà Nguyên Thạch. Phòng thứ năm là tổ ấm của một anh dạy triết và một chị dạy sử địa cũng tại trường Trần Quốc Tuấn, cặp vợ chồng này người Huế. Phòng thứ sáu cũng điềm đạm một ông nhà giáo độc thân. Như vậy, nơi này tập trung cả đám mô phạm, ngoại trừ phòng hai, chúng tôi mới dọn vào. Hai mươi mét vuông cho 4 tên lính. Ông chủ ba Tàu có lẽ không mấy bằng lòng về sự có mặt của chúng tôi, nhưng không dám than thở.

Không có điện thoại, nhưng không hiểu sao tin chúng tôi đã vào, được báo cho đám bạn bè rất nhanh. Chúng tôi gặp lại Phan Nhự Thức, Lê Văn Nghĩa, Huỳnh Bá Dũng, Đynh Hoàng Sa... Những người bạn mới đến mừng chúng tôi, có Khắc Minh, Trần Thuật Ngữ...

Một ngạc nhiên đến với chúng tôi vào buổi chiều, khi kéo cánh cửa sắt đi tìm một quán ăn. Rất tình cờ, Trần Mỹ Lộc nhìn xéo qua bên kia đường và bắt gặp bảng hiệu của văn phòng Hàng Không Việt Nam. Hóa ra bốn anh chàng lính mới bị bốn vị xích lô lừa. Món quà đầu tiên của Quảng Ngãi tặng chúng tôi thật nhẹ nhàng. Dù sao chúng tôi cũng đã được một vòng loanh quanh thành phố.

Những quán ăn tươm tất và đông khách nằm không xa khu Trùng Khánh. Đó là Bắc Sơn, Bắc Hải và một số quán khác, tôi quên tên. Cùng dãy phố này còn có hiệu chụp ảnh Lệ Ảnh, tổ ấm của hai cô Sáo và Sẻ... một trong những điểm ngắm của Họa sĩ Nghiêu Đề sau này.

Qua hết những quán ăn, sẽ đến một cửa tiệm bán những đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi, nằm trên hai mặt đường Phan Bội Châu và Quang Trung. Hình như đây là một ngã ba. Cây trụ mang tên đường từ thời Pháp thuộc, vẫn phơi mặt nhìn người qua lại. Bề dày của thời gian không đến nỗi vô hình, trong nét phôi pha sắc màu của cây trụ. Với một ít rác rưởi quấn quít dưới chân, năm bảy tiếng vo ve của ruồi nhặng, cây trụ mang tên đường không đến nỗi cô đơn.

Tôi tạm thời tách khỏi Tùng, Lộc và Pháp để theo chân Phan Nhự Thức rẽ trái qua đường Quang Trung, đi về hướng cầu Trà Khúc với mục đích ghé chào thân mẫu Minh (Tên thật của Phan Nhự Thức). Cái ổ tình thương của Thức xinh xắn, gọn gàng. Một tầng trệt, một tầng lầu. Người mẹ già hiền từ, bao dung. Vài đứa em gái thùy mị, tươi mởn. Tôi đã từ chối khéo léo trước lời mời làm khách trọ, không phải trả tiền phòng. Quyết phụ lòng của mẹ của em, vì tôi hiểu tôi hơn ai hết. Ngọn rơm tôi dễ bị bắt lửa vô cùng. Cái lãng mạn không có số đơn vị vô cùng ghê lắm. Ngồi ăn bữa cơm bên Hồng, em Thức, tôi xôn xao nhớ Lý. Trời đang vào mùa Đông. Gió mang hơi nước từ sông Trà Khúc chạy lạc vào cửa sổ đã là thơ rồi, không cần gì viết nữa. Nhưng em đâu dễ nhận ra. Ánh mắt em chắc sẽ vui hơn, nếu đâu đó trong dòng chữ tôi thoang thoảng hương em thở.

Thị xã Quảng Ngãi bắt đầu đáng yêu khi tôi từ nhà Phan Nhự Thức trở về khu Trùng Khánh. Những người lính với nón sắt, Botte de Saut cùng vũ khí đầy đủ bên mình, trông linh hoạt đậm đà ra. Những chiếc xe nhà binh nhem nhuốc, nhưng bụi bặm, dưới mắt tôi chợt trở thành nét duyên dáng. Tiếng cười, giọng nói, câu gọi nhau của thị dân thân mật tự bao giờ.

Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa. Thức đưa tôi “đi chào hàng” nhiều nơi. Cái hàng của tôi đây là bệnh làm thơ vô tội vạ. Một thứ “Điếc không sợ súng” được thăng hoa bởi tình bạn của Thức, lắm lúc tôi mắc cở, hổ ngươi.

Đêm đến thăm anh Phạm Trung Việt, ngồi trong vườn cây, tôi thèm cái nhiệt tình của anh và của Thức. Hai người nói chuyện văn chương, địa lý... hào hứng quên cả đề phòng đàn muỗi tấn công, đột kích. Tôi nghe sa đà chuyện Thiên Ấn Niên Hà. Hòn núi như cái ấn trời đóng trên một dòng sông, chỉ cách cầu Trà Khúc một cây số. Tôi thấy rõ mình đang cuốn theo giọng anh Việt để bước lên con đường xoắn tròn như khu ốc, đi đến một nóc đỉnh núi bằng phẳng, có dương liễu xanh, có cây cổ thụ che chở sáu ngọn tháp thờ vị Tổ Đình. Và tôi đã lượm một hòn đá, chăm chú mài thành mực đỏ, rồi nắn nót viết một bài thơ, câu nào cũng có chữ yêu...Tôi nghe say sưa chuyện Thiên Bút Phê Vân, mà tưởng như mình đang nắm trong bàn tay cây bút trời và vẽ lên mây những lời tình tự. Tôi cũng chẳng bỏ sót chuyện Cổ Lũy Cô Thôn, chuyện Thạch Bích Tà Dương, chuyện Liên Trì Dục Nguyệt... Anh Phạm Trung Việt càng nói càng say...Cái Xứ Quảng được gọi gọn nhẹ thân thương lâu nay, theo anh là dành để gọi Quảng Ngãi chứ không phải dành cho Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình... Anh quên lững tôi là “dân hay cãi”. Rất may tôi kịp thời tế nhị làm người mất gốc. Anh Phạm Trung Việt, viên công chức ngành truyền thông của Việt Nam Cộng Hòa còn quá tha thiết quá với An Hải Sa Bàn, Văn Phong Túc Võ, Thạch Cơ Điếu Tẩu... Miệt mài sưu tầm, chắt chiu tài liệu để hoàn thành một tác phẩm, dứt khoát đặt tên “Non Nước Xứ Quảng”, ý chừng để khẳng định cho minh bạch danh xưng. Dù Anh Việt có quá bước trong chuyện ngợi ca nơi chôn nhau cắt rún của mình, tôi cũng dễ dàng thông cảm, và quí mến cái chí tình với quê hương của anh. Nên tôi không bày tỏ với anh ý kiến có sẵn trong đầu : theo tôi, khi phải nhắc đến một địa danh nào, chúng ta nên gọi tên của các vùng đất ấy một cách đầy đủ để tránh mọi hiểu lầm, ngộ nhận. “Non Nước Xứ Quảng” của Anh Phạm Trung Việt nhằm mục đích giới thiệu tổng quát, từ lịch sử hình thành, tính chất địa lý, khí hậu đến phong cảnh, đặc sản, con người lẫn văn hóa nghệ thuật của riêng một con đất, bắc giáp Quảng Nam, tây giáp Kontum, nam giáp Bình Định, đông giáp Biển Đông. Thì tại sao phải tiết kiệm một chữ “Ngãi” ? “Non Nước Đất Quảng Ngãi” hay đại khái : “Cây Trái Đất Quảng Nam”, “Rau Cỏ Đất Quảng Trị”...chắc chắn sẽ lịch sự hơn trong việc tỏ ra tôn trọng những vùng đất khác, tôn trọng cả độc giả. Có lẽ tôi lẩm cẩm chăng ?

Sau anh Phạm Trung Việt, Phan Nhự Thức dẫn tôi khoe với nhà thơ Vũ Hồ ở gần chợ Sông Vệ. Anh Hồ trầm tĩnh, kín đáo. Anh là một nhà thơ chuyên khai thác tình yêu quê hương như anh Vũ Quỳnh Bang, người miền duyên hải bắc Quảng Ngãi. Nhà anh Hồ thoáng mát, có cả giàn bầu hay giàn bí trước sân. Anh thích uống trà thật đậm, thật nóng. Vốn hay vội vã, nôn nóng, nên tôi ưa dùng trà ở độ nhạt và hâm hẩm, để ực ngay một hơi. Uống không kịp nhận ra mùi vị, nhưng vẫn nhận ra được chất ngon của trà, nếu người pha, người mang đến cho mình bonus thêm một nụ cười, một ánh mắt. Tôi quen cái lối uống trà như vậy nên không nghiên cứu kỹ nghệ thuật uống trà. Trong bữa ngồi tiếp chuyện với anh Hồ, có lẽ tôi đã phá hỏng cái hứng thú của anh. Lời nhận lỗi muộn màng hôm nay, xin được gởi về anh.

Qua Phan Nhự Thức, tôi còn được gặp nhiều nhân vật tên tuổi khác như Trần Anh Lân (hiện ở Hoa Kỳ, từng làm chủ nhiệm tạp chí Nguồn), Phạm Cung (Họa sĩ, hiện ở Sài Gòn), Đào Đức Nhuận (Không biết nay ở đâu), Minh Đường (Đã qua đời)... người nào cũng hào sảng, hoạt bát không có vẻ gì “hay co” như câu nhận định của người xưa.

Tuy bận rộn giới thiệu tôi cùng quần hùng văn giới Quảng Ngãi, Phan Nhự Thức không quên trình diện tôi với một nhân vật khác giống ngoài giới văn chương, chữ nghĩa. Cô bé hăm mươi mấy ấy, không phải là dân địa phương. Cô nói giọng miền Bắc ngọt ngào. Và vì tôi là người kém ăn, ít nói nên cô tiếp chân các ông anh tôi đã gặp, áp đảo tôi trong những vụn chuyện tầm phào.

Lững thững theo ngày tháng, chúng tôi đã trình diện đơn vị, đã lận súng hành quân đều đều. Giờ nào tiểu đoàn tạm nghỉ chân ở hậu cứ, tôi lại vù về Thành phố. Trần Mỹ Lộc đã tử trận trong lần hành quân đầu tiên. Nguyễn Văn Pháp đã đi làm thông dịch viên cho một đơn vị Hoa Kỳ. Châu Văn Tùng đã về Sư đoàn 3 Bộ Binh. Căn phòng tại khu Trùng Khánh của tôi được thay vào nhà văn Vương Thanh, tác giả tập truyện ngắn Khu Rừng Mùa Xuân. Vương Thanh tên thật Trần Hữu Huy, chơi thân với tôi từ thời còn ở Đà Nẵng. Hai đứa thường gởi bài cho Văn Học của Phan Kim Thịnh ở Sài Gòn. Cùng với Vương Thanh, tôi còn có họa sĩ Nghiêu Đề, tác giả tập truyện Ngọn Tóc Trăm Năm, từ Sài Gòn về. Nghiêu Đề ngoài tên khai sinh : Nguyễn Tiếp, anh còn có tên Trai. Sinh quán tại Thu Xà, cách Quảng Ngãi đúng 9 cây số đường trải nhựa. Ngày tôi hành quân đến Thu Xà, nơi này hoang vu, chỉ có cỏ sống với cây trong tình trạng nơm nớp chờ pháo kích.

Căn phòng thứ 2 của khu Trùng Khánh như vậy vẫn có đến 3 nhân khẩu. Thật ra tôi và Vương Thanh đi đi về về không nhất định giờ giấc. Dẫu vậy, tôi cũng không quên một thói quen dễ thương được lặp lại mỗi ngày. Vào khoảng 4 giờ chiều hoặc sâu hơn chút đỉnh, không có tiếng còi, nhưng đội ngũ của những người mê văn thơ, trình diện gần đầy đủ trong một phòng nào đó, hoặc ngay trên hành lang hẹp của chung cư. Ngoài những khách trọ của Trùng Khánh, nếu quan sát từ cửa sổ khách sạn Việt Nam, gần như chiều nào cũng gặp được những nhân dạng: Lê Văn Nghĩa, đại úy Thiết giáp, bạn học từ thời đệ ngũ với tôi ở Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh làm thơ dưới bút hiệu Tô Yên. Khắc Minh, anh chàng Binh nhì Địa phương quân, con của một đại phú gia của Thị xã Quảng Ngãi, làm thơ khi đứng cai quản quán sách Quang Trung trước trường Trần Quốc Tuấn. Phan Nhự Thức, Thiếu úy Địa phương quân, luôn luôn mang bên mình một cái cặp da nhẹ hều. Trần Thuật Ngữ, thư sinh nhưng không đến trường vì ngại bị bắt quân dịch, làm thơ vững vàng. Anh nhút nhát như con gái. Trần Anh Lan, Trung úy Pháo binh, cười và uống nhiều hơn nói. Phạm Cung, lầm lì, lừng khừng như những mẩu vẽ lập thể của anh. Logo “con nai” tôi dùng cho nhà xuất bản Thơ, từ tay anh mà ra. Đynh Hoàng Sa, viết truyện, dịch truyện, làm thơ, dạy học đề huề chừng mực. Những buổi tụ họp đông vui như thế, thường thường để tường trình, thông tin đủ thứ chuyện trên đời. Dĩ nhiên không thiếu rượu, bia. Chúng tôi học đòi cách uống rượu đổ ra thau, mạnh ai nấy múc. Rượu tương đối xịn, thường do quan ba Nghĩa mang tới. Chuyện say sưa cũng có nhưng rất hạn chế và đằm thắm. Duy có một lần tưởng đã nổ súng. Lần đó một anh chàng ở khách sạn Việt Nam cao hứng thế nào, góp chuyện với chúng tôi bằng một tàn thuốc từ trên lầu ném xuống. Cuộc vui bị xúc phạm, dù có thể vô ý, tình cờ. Chúng tôi không bỏ qua. Đồng loạt ùa qua khách sạn Việt Nam, lên lầu. Oái ăm thay, người hung hăng nhất là tôi. Với khẩu Colt 45 có đạn sẵn trong nòng, tôi lầm lì tiến như đang thanh toán mục tiêu. Rất may, hai anh bạn có mặt trong phòng khách sạn hôm ấy kịp thời khôn khéo vờ ngủ say, nằm im. Cơn giận của tôi như một quả bong bóng gặp gai đâm, xì xuống mau lẹ. Sự nhũn nhặn biết người biết ta đúng lúc, nhiều khi là một vũ khí hữu hiệu để chế ngự đối phương. Nếu chạm phải một đối thủ sừng sỏ, chắc ngón tay trên cò súng của tôi khó giữ được bình tĩnh, hú hồn. Nghĩa đá một cái vào đít anh chàng nằm trên sàn nhà và chúng tôi... rút quân. Về đến phòng tôi bắt gặp Nghiêu Đề mặt xanh như tàu lá, anh ngồi sát vách phòng. Ú ớ một hồi anh mới khuyên tôi đừng nên quá võ biền. Triết lý sống của anh rất đơn giản: chén kiểu đừng nên chọi với chén đất, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ai là chén kiểu, ai là chén đất? Anh bạn họa sĩ của tôi đúng là một người lành. Ngoài tài hoa về hội họa và văn thơ, anh còn là tay bông đùa duyên dáng vào bậc nhất trong hàng ngũ văn nghệ sĩ miền Nam. Chuyện đùa chuyện thật với Nghiêu Đề luôn luôn lẫn lộn. Anh dí dỏm lạc quan ngay cả khi tôi ngã ngựa sau này :

“Mày giỏi lắm, mày chỉ dùng có bàn chân trái mà đá nát được kỷ luật giấy phép, để muôn năm về với vợ con, võ công đó tao muốn học vô cùng...”

(trong 1 lá thư của Nghiêu Đề)

Có thể anh nợ gì đó của tôi từ kiếp trước nên chuyến về quê nhà tạm thời tránh việc mặc áo lính, anh gặp phải tôi, hành anh rất vất vả. Những phụ bản, những mẫu bìa, tôi luôn luôn thúc giục, chực chờ, làm phiền. “Tao sợ mày luôn” là câu Nghiêu Đề từng lặp lại với tôi nhiều lần.

Một trong những công việc đám bạn ở Trùng Khánh chúng tôi cùng chung tay thực hiện là làm báo. Tờ Trước Mặt, mười sáu trang khổ lớn, giấy báo vàng xỉn, được khởi xướng và thành hình từ một đêm rượu, có ánh trăng làm chứng. Với sự phân công đàng hoàng: Phan Nhự Thức lo tìm nguồn tài chánh và trở lại nghề ghi “nhật ký” đã bỏ quên từ ngày rời trường bộ binh. Hà Nguyên Thạch giữ phần đọc, chọn và làm thơ. Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa có trách nhiệm viết và tìm truyện kiêm luôn dịch thuật. Nghiêu Đề lo tổng quát về hình thức, trình bày, tùy hứng đóng góp thêm thơ và truyện. Luân Hoán, ba phải, nhiều ý kiến, cho giữ mục góp ý chung chung về mọi chuyện mà các bạn đã hình thành. Nghĩa là giữ một công việc không thực hiện cũng không sao. Đại khái như : “Báo kỳ này được đấy”, “Nghiêu Đề trình bày trang này tới quá đi chứ” vân vân và vân vân...vô thưởng, vô phạt. Khắc Minh chủ trì kỹ thuật in ấn...

Những ngày bắt đầu hình thành tờ Trước Mặt, tôi không bận hành quân, nên trốn đột kích, nằm đường để về thị xã tiếp tay cùng các bạn. Từ Trùng Khánh, chúng tôi cùng nhau chạy đến nhà in Đồi Non, rồi chuyển qua nhà in Hoa Sen. Cân nhắc mẫu chữ, co chữ, giá cả, số lượng... Những đêm thức trắng để theo dõi, cổ động việc xếp chữ chì thật là vui. Các mẫu chữ cái a, b, c... nhỏ xíu nằm trong các ngăn tủ có từng ô nhỏ riêng biệt. Bàn tay người thợ quen nghề thật nhanh nhẹn, chính xác. Mắt liếc đọc bản thảo, tay bốc xếp đều đều. Các anh thỉnh thoảng kêu trời vì nét chữ lí nhí của Hà Nguyên Thạch. Bài lục bát Ga Nhỏ của Khắc Minh, sắp cuối trang, không trang trọng, tôi đề nghị đưa lên đầu trang :

Còn em với bóng ga buồn
đèn le lói thắp khói cuồn cuộn bay
tóc mây phủ xuống vai gầy
với tay đưa tiễn hồn ray rứt sầu
còn tôi chừ tiếp niềm đau
nhớ thương chật cả chuyến tàu vào đêm
đường rầy hút bóng dài lên
nối dài khoảng trống ga em đợi chờ
tôi còn buồn thắp trong thơ
đèn pha không đủ cắt bờ hoang vu
gió thì thầm chuyện riêng tư
cát ôm bãi vắng sương mù tiếp qua
con tàu dừng ngủ trong ga
lộ trình tôi đợi về ga nhỏ chờ
(thơ Khắc Minh)

Cái máy in cũ mềm, mệt mỏi dập từng trang xình xịch. Mực nặn trên rouleau cán đều, nhưng đôi khi có chỗ đậm chỗ lợt. Đôi khi tôi làm đột xuất một bài thơ con cóc, tả cái chợ trời bán đồ Mỹ, gần nhà in, hoặc cái nhìn tình cờ của một em vớ vẩn nào đó ngó mình, đã tưởng bở, để trám một chỗ trống. Thơ thẩn của tôi lúc này coi bộ lây nhiễm hơi nhiều mùi thuốc súng, thuốc lá và hương phấn son đứng đường, chẳng ra ngô ra khoai gì cả. Vừa mới Bữa Ăn Trên Sơn Kim, đến Đêm Ba Mươi Trên Đồi Lâm Lộc, tôi lăm le viết Thơ Trên Vách Núi Phú Sơn... chẳng biết để làm gì.

Tôi không nhớ rõ tuổi thọ của Trước Mặt, nhưng chắc chắn không già quá nửa năm. Tờ Trước Mặt phải yên nghỉ bởi vóc dáng khó có chỗ trong tủ sách. Để đáp ứng hình thức hợp thời trang, tờ Tập Họp được cho ra đời với khổ giấy 17 x 25 cm, rất lịch sự, trí thức. Vẫn với những thành phần cũ, công việc cũ. Tiếc rằng, tình hình chiến trận leo thang, Tập Họp không tập họp được lâu những người ham chơi chữ nghĩa, nghệ thuật.

Những ngày ở khu Trùng Khánh nồng nàn tình bằng hữu như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng có dịp nhậu và tán dóc. Có hôm tôi ghé về vào chín, mười giờ sáng, các bạn đã đi dạy, Nghiêu Đề cũng lặn đâu mất tiêu. Tôi chưng thêm vào hàng lựu đạn nội hóa tôi sưu tập một trái nữa rồi đi tắm. Lười biếng ra quán, nhân nghe tiếng rao hàng don ngoài đường. Tôi chạy vội ra gọi vào ăn một tô cùng bánh tráng. Don là một món ăn đặc sản của Quảng Ngãi. Đây là một sinh vật sống dưới nước, tương cận với hến nhưng nhỏ xác hơn. Về thẩm mỹ tô don không có gì nghệ thuật nếu không muốn nói thô sơ, quá quê mùa. Về phẩm chất, cái ngọt cái béo khá hài hòa, có lẽ vì đặc điểm này nên món don được người bản xứ ví von :

Con gái còn son
Không bằng tô don Vạn Tượng
(Câu ca Quảng Ngãi)

Bữa điểm tâm như vậy kể như ổn, tôi ra phố. Quán cà phê Tám Hú là chỗ ngồi tôi ưa thích. Tôi có thể gặp nhiều bạn bè ở đây. Cho dù không gặp ai, ngồi nhìn cái sinh hoạt của thành phố bắt đầu bừng lên sau một đêm co cụm, hồi hộp chờ đợi những rủi ro bất ngờ. Đâu có thể lường được những trái đạn pháo kích của các anh giải phóng miền Nam vui chân ghé vào nơi nào. Thị xã Quảng Ngãi vào những năm 1967, 1969 và về sau luôn luôn có đủ hai mặt Quốc Gia và Cộng quân lẫn lộn. Thời khắc an toàn có thể kể từ sáu giờ sáng đến 6 giờ chiều. Một đêm sống với Quảng Ngãi không phải dễ dàng. Sáng bảnh mắt ra mới tin được mình sẽ có thêm một ngày, mà cũng chưa chắc lắm, nếu lạng quạng đi qua đoạn đường Mỏ Cày...

Ngồi trong quán Tám Hú, tôi còn có thể nhìn các em nữ sinh. Xa gia đình đã khá lâu, những lá thư của Lý tỉ tê nhớ thương, tiếp nối thời kỳ ở Quân trường chỉ đủ để ấm lòng. Tôi không thiếu lãng mạn và có chút ít bay bướm, nên nhiều lần cũng toan chờn vờn theo vài tà áo. Cái nguýt tình cờ của S, tình nhân của Hà Nguyên Thạch, suýt làm tôi nao núng. Nhưng không thể dẫm lên chân bạn thân của mình. Tôi bỏ qua. S. không chỉ có nguýt, người em gái Sông Vệ còn mang vào hầm cát tôi đóng tạm, khi giữ cầu Sông Vệ, một vài món ăn chơi. Rất may hôm đó tôi đã theo binh sĩ dập dìu vào chợ Sông Vệ. S có hai người em gái. T sắc sảo nhưng không hợp nhãn tôi. D là một lolita rất dễ thành nàng thơ. Nhưng tôi đã quá ớn lứa tuổi vị thành niên nên bắt chước nhà thơ Hoài Khanh lẩn trốn :

Ta lẩn trốn vì thấy mình không thể
mây của trời rồi gió sẽ mang đi
(thơ Hoài Khanh)

Nhiều lần ngồi ở cà phê Tám Hú, tôi bắt gặp một thoáng áo trắng thật lả lướt. Bóng hồng ngồi trên honda dame từ tốn lượn qua phố, tôi chỉ hưởng được một khoảnh lưng lấp lánh nắng. Toàn Thị xã Quảng Ngãi, tôi chỉ bắt gặp độc nhất cô bé này, với phương tiện di chuyển còn rất hiện đại. Khoảnh lưng rồi cũng trôi qua cho đến một ngày tôi cùng đơn vị về nằm ứng chiến bên bộ chỉ huy Sư đoàn 2 Bộ Binh, nơi ngã tư Ba La. Buổi chiều tôi bố trí quân xong, về phố. Từ Ngã tư Ba La về Trung Khánh, không xa mấy. Tôi đi bộ. Đôi chân bộ binh lội đâu không tới. Buổi chiều ấm nắng, gió quấn quít theo chân tôi. Khi đi ngang bến xe ngựa, tôi gặp một nữ sinh đạp xe đạp ngược chiều. Bên này đường, bên kia đường, tôi liếc qua theo thói quen. Một đôi mắt tuyệt vời, nói theo kiểu Việt Nam ngày nay, còn trên cả tuyệt vời. Đôi mắt cô bé nói với đôi mắt tôi điều gì đó tôi không biết, nhưng hốt hoảng ngó lơ. Khi đã vượt qua được vài mét, đôi mắt tôi bắt tôi quay đầu trở lại, và thật bất ngờ, bốn con mắt lại chạm nhau. Giây phút ngàn vàng đó theo tôi về đến phố rồi chìm quên bên những câu chuyện của bạn bè. Tôi trở lại đơn vị sau hơn một giờ rong chơi.

Ba La nằm ở cửa Đông, Sư đoàn 2 BB, đây là một vị trí an toàn. Dân cư đông đúc. Vườn nhà nào cũng còn cây ăn trái xanh tốt. Mái nhà tôi chọn cho tôi qua đêm nằm rất sát bờ sông Trà Khúc. Tôi tìm gặp hai bánh xe nước còn hoạt động ở đoạn sông này. An, đệ tử của tôi đã xin phép chủ nhà để mắc võng cho tôi ngoài mái hiên. Buổi tối thời lính chiến thường đến sớm và nặng nề. Toan đặt lưng vào võng, thấy trong nhà còn ánh đèn, và giọng học bài, tôi gõ cửa. Cánh cửa không chỉ mở ra, mời tôi một ly nước, mà còn mở lời mời tôi tham dự một cuộc phiêu lưu tình cảm óng ánh hương thơ. Đôi mắt buổi chiều trên đường gần bến xe ngựa ngỡ ngàng lấp lánh. Tôi cũng đã ngồi xuống ghế trong thảng thốt vô cùng. Ngọn đèn vàng yếu ngọn không phát hiện hết nỗi lóng cóng của tôi. Khoảnh-lưng-nắng-trên-xe-honda -dame-lượn-qua-phố cũng đứng chung cùng đôi-mắt-qua-bến-xe- ngựa, trên một cơ thể của cô hoa khôi trường nữ Trung học Quảng Ngãi. Thật kỳ diệu. Thanh cửa đông sư đoàn 2, nơi tôi chọn phục vụ thật không lãng phí một bàn chân.

Thị xã Quảng Ngãi, trở nên đẹp hơn, thân mật với tôi hơn, khi cô vợ bé bỏng, dễ thương của tôi thực hiện đúng câu ca dao :

Lấy chồng thì phải theo chồng.
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
(ca dao Việt Nam)

Sau một đêm tạm trú ngoài tiền đồn, tôi đưa Lý về thị xã. Qua giới thiệu của Hà Nguyên Thạch, tôi và Lý đến ở tạm với vợ chồng anh Trung úy Phượng, anh ruột của Thạch, một thời gian. Chị Ni, vợ anh Phượng, cô hàng sách quán Ưng Hạ ở Huế ngày nào, rất vui. Nhà anh chị Ni Phượng khá rộng, còn một phòng trống, chỉ có một điều khá bất tiện là con đường Võ Tánh, nơi có tổ ấm của ông Trưởng ban 4 Trung đoàn 4 không được an ninh lắm. Thỉnh thoảng anh Phượng phải ngủ lại đơn vị. Đêm chúng tôi đến ở đầu tiên, anh Phượng không có nhà. Không ngờ nửa đêm hôm ấy có chuyện thật. Các ông anh dân quân du kích về thị xã treo cờ, rải truyền đơn cùng lùng bắt những sĩ quan. Chắc chắn anh Phượng có tên trong danh sách mời trình diện phe giải phóng miền Nam. Thiếu bình tĩnh hay nhầm lẫn địa chỉ, những người con lâu ngày về thành phố đã gõ cửa, đập phá căn nhà không có ông lính ngụy nào, đối diện ngay bon với nhà anh Phượng. Tôi nằm bẹp xuống nền nhà nhìn qua khe hở của cánh cửa kéo bằng sắt, toát mồ hôi. Bổn mạng tôi quả còn vững, ngay sáng hôm sau, tôi đề nghị vợ chồng Đynh Hoàng Sa thuê chung một phòng trọ rộng sau lưng trường Kim Thông. Chị Mỹ vợ Đynh Hoàng Sa rất tâm đắc với Lý. Tôi đi đi về về sau những cuộc hành quân. Có Lý tôi dạo phố nhiều hơn. Chợ Quảng Ngãi, bến xe đò chúng tôi đều tham quan.

Còn hai hôm nữa, mọi người sẽ đụng đầu với ngày mùng một. Đynh Hoàng Sa đã theo vợ về nhà bà gia để ăn Tết. Căn phòng chỉ còn Lý và tôi. Nằm trên mặt chiếu hoa còn thơm hương cói, sau khi luyện phép điều hòa âm dương mấy bận, Lý dựng tôi dậy viết thư báo tin cho gia đình về quyết định sẽ ở lại Quảng Ngãi, ăn cái tết đầu tiên xa nhà. Thư được niêm cẩn thận, chờ sáng mai sẽ ra bến xe, giao cho tài xế xe đò của ba mẹ Lý mang về.

Đêm dịu dàng, bát ngát. Quen với những tiếng đại bác bắn cầm chừng, mệt với những đợt vui, tôi thiếp ngủ. Lạ thay, bên mùi hương da thịt biết nũng nịu của Lý, tôi thấy lẻ loi, một mình bước lửng lơ từng bước nhỏ. Mặt đất đầy cỏ hoa. Cỏ hoa lắng yên, chừng như nghe ngóng. Trời trong suốt xanh, bao la vô cùng tận. Tôi đi, chân hững hờ, không một âm vang. Tôi lắng lòng, đặt tay lên ngực trái, không nghe nhịp tim mình. Mắt lướt giữa mênh mông, gặp một dòng sông tịch lặng. Nước run hơn là chảy. Tôi dừng bước, quờ tay sờ quanh tìm kiếm, không mảy may chút gió nào. Trời trong suốt xanh. Dòng nước run chợt ngưng đọng. Tôi sè sẹ thả mắt qua bên kia bờ sông. Bát ngát một vùng thanh thoát. Chợt có dáng một bà tiên lộ dần, lộ dần. Tôi ngờ ngợ, rồi vụt nhận ra: mẹ tôi. Lầm làm sao được, cái dáng thảnh thơi, dịu dàng ấy. Bởi vóc mẹ thơm ngát trầm hương, nhận ra từ nỗi nhớ thương trong lòng. Qua vài giây bối rối, tôi gần như hốt hoảng, đưa cả hai tay về phía trước, vừa chạy vừa gọi : Má, Má... Nhưng cổ họng và miệng lưỡi tôi không tạo được âm thanh nào. Tôi chỉ nghe rõ ràng giọng nói dịu dàng, thân thiết :

- Con đi đâu đây ? Đến đây làm chi ?

và không kịp cho tôi trả lời, mẹ tôi âu yếm ra lệnh :

- Con quay về ngay đi, quay về ngay ...

và bà quay lưng. Tôi luống cuống, vội vã, vùng chạy về phía mẹ. Chân vấp phải một cái gì mềm mại. Tôi ngã chúi xuống dòng sông. Giật mình. Thì ra chỉ một giấc mơ. Tôi mở mắt, trán mướt mồ hôi. Lý có tật ngủ hay trồi cao, nên đôi ngực trần mười bảy của em gần như đang đắp lên mặt tôi. Tôi đẩy nhẹ, dịu dàng đánh thức Lý, kể lại giấc mơ.

Trước đây mấy tháng, trong một đêm kích giặc, nằm mê trên cát biển Đức Hải, tôi đã gặp mẹ tôi. Bà cũng kịch liệt xua đuổi tôi như thế. Ngày hành quân hôm sau, tôi lẩm cẩm dặn dò Binh sĩ thuộc quyền đủ điều. Nhưng rồi chính tôi đạp phải một quả mìn “ba râu”. Quả mìn được chôn sát dòng sông. Nước lớn, nước ròng, lâu ngày làm ẩm ngòi chuyền nổ. Tôi thoát một lần tan xác và nhớ hoài đôi mắt lạ lùng của mẹ tôi đêm trước đó. Những cái thiếu may mắn của tôi như được hiển linh báo trước.

Cái gì sắp xảy ra nữa đây ? Dự định ở lại Quảng Ngải ăn Tết được tức khắc hủy bỏ. Không cần phép, không kịp nhắn lại với Tiểu đoàn, tôi đưa Lý về Đà Nẵng bằng chuyến xe đò đầu tiên trong ngày hôm sau, không cần đợi xe của ba me Lý. Tôi trở thành một Quân nhân vô kỷ luật.

Ngày tôi một mình trở vào Quảng Ngãi. Tôi ghé khu Trùng Khánh trước, chẳng gặp bạn nào. Tôi qua căn nhà đã thuê cùng vợ chồng Đynh Hoàng Sa. Không chỉ bàng hoàng trước những đổ nát mà còn nhận được một tin buồn không giữ nổi nước mắt. Theo lời người chủ nhà thuật lại, mấy chủ thuê các phòng cạnh chúng tôi đều bị lùa đi và xác họ đã được tìm thấy trong một vạt mía gần ngã năm. Đau đớn hơn Trung úy Huỳnh Bá Dũng, bạn học cũ của tôi, phục vụ tại Bộ chỉ huy Sư đoàn 2 đã đến đây, đã chạy vào đập cửa phòng tôi lánh nạn, khi anh từ Sư đoàn lái xe về đưa gia đình đến nơi an toàn. Anh đã bị bắn chận trước trường Kim Thông. Anh không ngờ trong phòng tôi đã phục sẵn những khẩu AK. Huỳnh Bá Dũng bị bắn chết ngay trước cửa phòng tôi thuê. Anh bị lột Quân phục và cho nằm úp mặt xuống đất. Điều này đã làm cho đồng đội anh không phát hiện sớm thi thể của anh.

Tôi lững thững trèo lên núi Dẹp. Vẫn mũ cầm tay, súng lận trong quần. Lòng tôi ngổn ngang buồn hơn là lo ngại. Vị tiểu đoàn trưởng, tự dưng tử tế lên tiếng chào tôi trước nhưng cái nhìn của ông đầy bất mãn. Ông không lên lớp tôi, nhưng tôi thấy vô cùng khó chịu. Thà lãnh thêm đôi ba ngày phạt có lẽ còn thoải mái hơn. Đại đơn vị của tiểu đoàn không có một tổn thất nào, lại đạt được chiến thắng trong khi thi hành lệnh truy kích thu lượm vũ khí, đây có lẽ cũng là một nguyên nhân giúp tôi được ông tiểu đoàn trưởng của mình thông cảm. Từ việc bắn bò của tướng Toàn khi hành quân, đến việc viết báo linh tinh ở Sài Gòn, tôi nghĩ Đại úy Tiểu đoàn trưởng của tôi đã ớn tôi lắm rồi.

Nằm trong hầm bao cát trên đỉnh đồi núi Dẹp, tôi chợt phát giác trong cái im lặng của mình có ẩm ướt mùi nước mắt. Tôi khóc lặng lẽ trong một hơi thở dài. Tôi thở cho Dũng, Huỳnh Bá Dũng. Bài thơ Một Người trên Bậc Thềm Tình Tôi, đốt cho hương hồn Dũng, nhưng không quên cầu cứu Lý:

em hỡi em, người yêu anh
anh có quyền hôn em lúc này
bởi ngày mai anh trở ra mặt trận
ở đó, anh không thiếu một thứ gì
kể cả máu
chỉ duy có thứ này
hãy viện trợ cho anh
đó là giọt lệ em xanh biếc...
(Viên đạn cho người yêu dấu)

Sau Mậu Thân, sau cái tết tang thương đọng đời đời trong lịch sử đó, chủ thuê phòng thứ 5 của khu Trùng Khánh được thay đổi. Cặp vợ chồng nhà giáo người Huế về quê ăn Tết đã không trở lại. Xác anh chị nằm đâu đó trong những mồ chôn tập thể tại Huế. Nhà thơ Minh Đường làm việc tại đài phát thanh Quảng Ngãi vào thế chân (Minh Đường cũng đã qua đời). Lý của tôi cũng đã trở vào bên chồng. Lần này, chúng tôi có cơ ngơi ngon lành hơn. Người mẹ bảy mươi mấy mùa Xuân của Khắc Minh, thương tình giao cho một căn nhà ngang. Hai vợ chồng chúng tôi tự do lập tổ ấm. Lý thật sự bắt tay vào việc nội trợ, dưới sự chỉ dẫn của chị Tâm, vợ Khắc Minh và chị Mỹ, vợ Đynh Hoàng Sa. Toàn thể khu nhà của gia đình Khắc Minh rộng lớn nằm trong xóm không xa đường lộ bao nhiêu. Tuy vậy tình hình an ninh cũng không được khả quan. Khắc Minh hiếm khi có mặt ở nhà, dù anh chỉ là một binh nhì Địa Phương Quân, một anh lính kiểng thật sự. Tôi vẫn chưa ngán cái vụ xảy ra ở nhà anh chị Phượng. Nhiều lúc không hành quân, tôi nằm đêm với Lý, điều đương nhiên. Và thêm một đêm hú hồn nữa. Không biết lấy tin tình báo từ đâu đám

Nghĩa quân trong xóm nhà Khắc Minh nằm kích với mìn định hướng. Trong đêm đó tôi và Lý giật mình vì tiếng nổ quá lớn trước sân nhà. Lo sợ nhưng không biết làm gì hơn là tiếp tục nằm. Dễ ngủ như Lý mà vẫn không dỗ giấc lại được. Còn tôi như con thú cứ lóng ngóng rập rình. Một con thú không chờ bắt mồi mà đợi cách thoát thân. Bình minh đến cái ngõ vào nhà Khắc Minh cây lá xanh tốt vô cùng đẹp, đã trở thành một bãi xác. Có đến ba người quần đen áo đen lận lựu đạn chày nằm ở đây với những vũng máu khô đặc. Trưa hôm đó Lý xin phép mẹ Khắc Minh từ giã Quảng Ngãi về Đà Nẵng vì sợ ma.

Tôi còn ở lại Quảng Ngãi cho đến ngày Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký cho tôi cái giấy phép về nghỉ có ăn lương do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp dưỡng. Cửa Đông, Sư đoàn 2 chào tôi trong nước mắt. Tôi thấp thoáng thấy chiếc xe hoa chạy về một ngã tư trong những ngày sắp tới. Vĩnh biệt Quảng Ngãi.



Luân Hoán
(Quá Khứ Trước Mặt)