PDA

View Full Version : Anh Hai tôi



Longhai
09-16-2014, 10:28 PM
Anh Hai tôi


Phi Nghiêm


Mùa Hè năm 1945, khi có tin quân Nhật sẽ đánh vào Đalat, bố mẹ tôi đã rời nhà chạy xuống Phan Rang để lánh nạn, lúc ấy mẹ đang có mang anh Hai được mấy tháng. Mẹ tôi sinh anh Hai ở Phan Rang năm 1946. Mấy tháng sau đó, tình hình có vẻ yên ổn, bố mẹ tôi quyết định trở về lại Đalat, rất may căn nhà cũ vẫn còn nguyên vẹn.

Sau đó mẹ tôi sinh anh Ba, chị Tư rồi đến tôi. Anh Hai tôi hơn tôi 6 tuổi, một khoảng cách khá lớn để hai anh em khó có thể chơi chung với nhau, thân thiết nhau như bạn bè. Anh Hai có nhiều bạn bè trong xóm cùng trang lứa với anh, và tôi cũng có riêng một đám bạn bè đông đảo, bởi vậy những kỷ niệm trong thời thơ ấu với anh hình như rất ít và nếu có tôi cũng chẳng nhớ được gì.

Tôi chỉ nhớ nhất là hồi tôi nhỏ anh rất chiều tôi, cho tôi nằm ngủ giữa anh Hai và anh Ba, bởi vì… tôi sợ ma, nhất là trong những buổi tối trời mưa và sau khi nghe kể chuyện… tưởng tượng về người đàn bà xõa tóc dài đi bộ trong rừng thông. Bởi vậy hôm nào tôi cũng phải chờ cho hai anh lên giường tôi mới chịu đi ngủ. Tôi nằm giữa, tha hồ quay vòng và gác lên người cả hai anh Hai lẫn anh Ba, nhưng anh Hai là người chịu khó để tôi gác và ôm nhiều nhất. Nhiều đêm học bài xong tôi cũng không dám đi ngủ trước, phải cố ngồi chống mắt ở bàn học chờ hai anh để cùng vào giường. Tôi biết nếu mà tôi ngủ gục thì sẽ bị bế lên giường, đêm ấy thế nào tôi cũng bị anh Ba đẩy vào trong cùng, rồi tôi sẽ phải mất công thức dậy nửa đêm làm một màn vượt tường thành để chen vào giữa.

Anh Hai tôi học rất chăm và rất giỏi. Anh là một gương sáng cho chúng tôi, anh là cái đầu tàu kéo theo cả đám anh chị em tôi trên con đường học vấn. Anh Hai thi đậu hai kỳ thi Tú Tài I và Tú Tài II một cách dễ dàng. Hồi đó, trong cái làng Trung Bắc của tôi không có nhiều người đậu cao như anh, nên khi nghe tin anh thi đậu là cả làng kéo tới chúc mừng. Cũng vào thời điểm nầy Viện Đại Học Đalat vừa mở phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, anh Hai ghi danh và trở thành một trong những sinh viên khóa I CTKD. Sau khi tốt nghiệp bốn năm, anh vào Sài Gòn tiếp tục học lên cao học CTKD.

Năm học đệ Nhị, anh Hai dọn sang nhà cô tôi ở vì cô tôi tuổi đã già và không có con cái ở gần để chăm nom. Nhà cô tôi chỉ cách nhà có vài con phố nhỏ nên anh Hai vẫn thường ghé thăm nhà vào buổi tối để thăm hỏi chuyện học hành của mấy anh chị em tôi. Anh vẫn thay bố tôi kiểm soát học bạ của các em, đứa nào mà học lôi thôi là anh sẽ không ngần ngại bắt nằm trên bộ phản phết cho vài roi quắn đít.

Năm tôi mười hai tuổi, tự dưng tôi nổi máu giang hồ, muốn đi chu du sơn thủy. Nhân nghe nói bà chị họ ở Ban Mê Thuột đang cần người phụ giúp cho cái tiệm bán vật liệu xây cất nhà cửa của bà đang đến hồi phát đạt, tôi bèn xin bố tôi cho tôi đi học nghề buôn bán, với hy vọng sau này trở về Đalat mở tiệm làm giàu. Bố tôi cũng dễ dãi cho đi, nhưng anh Hai bắt tôi phải hứa là dù có đi học nghề nhưng tôi cũng không được bỏ học chữ. Tôi đã hứa với anh là tôi sẽ vừa học nghề vừa học chữ.

Tôi đi được gần mười tháng, thì anh Hai tôi bất thình lình tìm lên Ban Mê Thuộc thăm tôi. Chả là vì lâu lâu anh có viết thư hỏi thăm về việc học hành của tôi, mà cái thư trả lời nào của tôi cũng không thấy đá động đến việc trường, việc lớp. Anh sinh nghi, nên làm một chuyến thám du. Anh lên không báo trước, ngày thường, ban ngày ban mặt, trong giờ đi học, mà thấy tôi cứ ngồi thong thả đong đếm mấy cái đinh ốc, bù loong. Anh biết ngay là tôi chỉ học nghề mà không học chữ, nên anh bảo tôi lập tức lên lầu thu dọn quần áo, theo anh về nhà. Cũng nhờ có anh, mà tôi cũng đi học lại đàng hòang, cũng theo chân anh vào Viện Đại Học Đalat, chỉ có khác là tôi theo môn CTXH. Và tôi đã học ở ngôi trường này cho đến ngày bỏ quê hương ra đi, tháng 4 năm 1975.

Phần anh Hai, sau khi học xong cái bằng cao học mà không tìm ra chỗ nương tựa, nên phải lên đường nhập ngũ. Một người anh họ của tôi đang làm Sĩ quan Cảnh sát ở Sài Gòn cho biết, nếu anh chịu vào ngành Cảnh Sát, thì anh sẽ được ngay chức vụ Thiếu Tá sau khi hoàn tất khóa huấn luyện. Nhưng bố tôi không mấy có cảm tình với cái ngành Cảnh sát này, nên đã không đồng ý cho anh đi. Anh Hai phải đầu quân vào Quân trường Thủ Đức.

Sau khi ra trường với cấp bực Chuẩn Úy, anh bị đổi ra Qui Nhơn làm việc trong ngành Hành Chánh Tài Chánh đảm nhiệm phần vụ phát lương cho lính và lo tiền tử tuất cho vợ con tử sĩ. Ai cũng bảo đây là một ngành hái ra tiền, thế mà lúc nào anh Hai cũng… nghèo. Thỉnh thỏang mẹ tôi còn phải gởi tiền cho anh. Anh tâm sự, chỉ cần giữ lại số tiền lẻ hay bạc cắc trước khi phát lương cho lính cũng có tiền rủng rỉnh để xài. Hay là chỉ cần cắt đi một phần tiền "Huê hồng làm giấy tờ cho nhanh chóng" khi phát tiền cho mấy người quả phụ thì anh cũng bộn bạc. Nhưng anh đã không làm những điều thất đức như vậy.

Ngày đất nước lâm vào tình trạng tối đen của năm 1975. Anh Ba và anh Hai đều đang đóng quân ở miền Trung. Cuối tháng 3, theo chân Trường Võ Bị Quốc Gia tôi rời Đalat, vào Sàigòn, và gặp lại anh Hai cùng với anh Ba, cũng vừa ở miền Trung chạy vào. Mấy anh em đi ăn phở với nhau và bàn chuyện rời bỏ quê hương. Anh Ba hỏi anh Hai có muốn đi theo gia đình anh Ba không, anh Hai nói :

- Thôi hai em đi đi, anh là lớn, anh phải ở lại để lo cho bố mẹ. Nhà có ba anh em trai mà đi hết cả rồi bố mẹ và mấy đứa em gái làm sao xoay sở? Nếu họ có vào đến trong này, thì chắc anh cũng không bị họ làm khó dễ, vì anh đã không trực tiếp cầm súng đánh nhau với họ.

Lần cuối cùng tôi gặp lại anh Hai là khi anh đưa tôi và gia đình anh Ba vào một trụ sở của Tòa đại sứ Mỹ ở đường Hiền Vương để chuẩn bị lên đường. Anh ôm chặt tôi từ giã, không quên dặn tôi là ráng tìm phương tiện đi học lại.

Tôi sang Mỹ, vừa đi làm vừa đi học, không cần có anh Hai ở bên thúc dục, hoặc kiểm soát. Tin tức từ gia đình gửi sang cho biết anh đã bị bắt đi học tập cải tạo mất hơn ba năm rưỡi. Anh cũng theo làn sóng người vượt biển nhiều lần nhưng đều bị thất bại. Sau đó một ít lâu, gia đình báo tin sang, anh Hai đã đi vượt biển, nhưng qua nhiều ngày tháng vẫn không có tin về. Mẹ có đi dò hỏi thì nghe nói chiếc tàu của anh ra đi nhưng không bao giờ đến bến. Chuyến tàu đã bị nổ tung trước khi ra đến hải phận Quốc tế, và không một người nào sống sót. Trong những cái thư sau này viết sang thăm tôi, các em tôi bảo mẹ tôi nhắn tôi cố tìm xem có tin tức gì của anh Hai không, vì có tin khác bảo là chiếc tàu của anh đã lạc vào một vùng đảo san hô nào đó.

Cách đây hai năm, 23 năm sau ngày anh Hai mất tích, nhân một buổi họp Hướng Đạo, tôi có gặp lại mấy người bạn cùng khóa I CTKD với anh. Có một người bạn đã đi chung với anh trong chuyến tàu định mệnh đó nói cho tôi biết là CS đã cho nổ tung con tàu sau khi vừa ra khơi, và chúng cho lệnh bắn theo những người cố gắng bơi ngược trở lại bờ. Và anh Hai của tôi, đã bị trúng đạn khi đang nhảy xuống từ con tàu đang bốc cháy. Hình ảnh cuối cùng mà người bạn nhìn thấy là anh Hai tôi với cái áo đẫm máu đang từ từ chìm xuống biển.

Buổi tối hôm đó về nhà, tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi hình dung ra cái cảnh anh tôi đau đớn khi bị trúng đạn, rồi vùng vẫy tuyệt vọng trong cái hố đen ngòm sâu thẳm của đại dương mà không cầm được nước mắt. Tôi vùi đầu trong gối, nghẹn ngào gọi khẽ - anh Hai ơi ! -


Phi Nghiêm