PDA

View Full Version : Chiến trường Bu Prang, Đức Lập



Longhai
09-10-2014, 10:37 PM
Chiến trường Bu Prang, Đức Lập


Vũ Đình Hiếu


Theo dự đoán của các cấp chỉ huy Quân đội Đồng Minh, quân đội Bắc Việt sẽ mở trận tấn công lớn trong tỉnh Quảng Đức. Họ nghi ngờ địch quân sẽ đánh chiếm trại LLĐB và quận Đức Lập trước, sau đó sẽ tiến công về hướng Ban Mê Thuột tỉnh Darlac. Qua kinh nghiệm trận đánh trại LLĐB Đức Lập năm ngoái và những trận đánh lớn khác trong khu vực Ben Het, Dak To trong mùa Xuân vừa qua. Một Sĩ quan cố vấn Trung đoàn 45 Bộ Binh QL/VNCH phát biểu: “Không cần quả bóng thủy tinh (phù thủy, bói toán), cũng biết địch quân muốn chỗ này. Họ cần nó, họ cần một chiến thắng. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng, họ không thể nào chiến thắng được”.

Những lời phát biểu của ông ta đã được chứng minh bằng sự thực. Trung đoàn 66 Bắc Việt, đơn vị đã tham chiến trong trận tấn công trại LLĐB Ben Het và căn cứ Dak To trong tháng Năm, tháng Sáu vừa qua, đã tấn công Đức Lập. Địch quân định đánh chiếm trại LLĐB Bu Prang, cắt đường giao thông, liên lạc, tiếp viện, cô lập trại LLĐB. Những trận đụng độ với quân đội VNCH, đơn vị xung kích tiếp ứng Mike Force dọc theo biên giới trên vùng cao nguyên, kéo dài từ phiá nam Ban Mê Thuột ba mươi dặm về hướng Nam đến giáp ranh Vùng III Chiến thuật.

Địch quân pháo kích bằng hỏa tiễn, súng cối lên tất cả các trại binh, căn cứ hỏa lực của Quân đội Đồng Minh dọc theo biên giới Việt-Miên thuộc tỉnh Quảng Đức. Lẽ dĩ nhiên có tổn thất. Một cố vấn khác làm việc với Quân đội VNCH lên tiếng “Chúng tôi mong chúng tấn công để chúng tôi ra khỏi ngọn đồi này, nhưng chúng tôi đã có hầm hố, công sự phòng thủ vững chắc, và sẵn sàng giao tranh”.

Sau một tháng, qua những trận đánh đẫm máu xung quanh hai trại LLĐB Bu Prang, Đức Lập, địch quân cũng nhận thấy rằng Quân đội Đồng Minh đã chuẩn bị cho bãi chiến trường. Trận tấn công xẩy ra vào cuối tháng Mười, đến đầu tháng Mười Hai, pháo binh cùng Bộ binh Bắc Việt rút trở về căn cứ địa của họ trên đất Miên. Quân đội VNCH được phi cơ, pháo binh Đồng minh yểm trợ đã giử vững phòng tuyến.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I Hoa Kỳ thành lập ban Tham Mưu lưu động Tiền phương, cố vấn mặt trận trong trận đánh kéo dài cả tháng trời. Phân tích mũi tấn công công chính của địch trong trận đánh trại LLĐB Ben Het, trước đó sáu tháng, cho thấy sự phối hơp nhanh chóng giữa VNCH và Quân Đoàn I Hoa Kỳ, là điều quan trọng nhất trong các trận đánh xung quanh trại LLĐB Bu Prang.

Vấn đề phối hợp và Cố vấn bảo đảm kết quả tốt trong vấn đề phối hợp quả lực, điều động các đơn vị tham chiến, phòng thủ hay phản công. Tiếp theo Quân đoàn I Hoa Kỳ đưa Sĩ quan tham mưu, đại diện làm việc trong các ban tham mưu, để đối phó với các đơn vị cấp lớn của địch.

Ban Tham Mưu Lưu Động Tiền Phương, di chuyển trên một đoàn xe từ Nha Trang đến Ban Mê Thuột trên Quốc lộ 21, sau khi đã chắc chắn Quân đội Bắc Việt sẽ mở các trận tấn công trong tỉnh Quảng Đức. Tại nơi đóng quân, họ sẽ sắp đặt hệ thống truyền tin, tiếp vận tất cả mọi tin tức hành quân về Bộ tư lệnh ở Nha Trang. Toán cố vấn MACV làm việc với Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh, dưới quyền Đại tá William Zook cũng đã chuẩn bị cho trận tấn công từ mấy tuần trước.

Bắt đầu vào cuối tháng Mười, những hoạt động của Quân đội Bắc Việt trong tỉnh Quảng Đức đã được báo cáo từ mấy tháng trước, nhưng cho đến ngày 29, địch quân mới mở trận tấn công, với mục đích dứt điểm hai trại LLĐB Bu Prang và Đức Lập.

Đáp ứng với các cuộc chuyển quân của địch, quân đội Đồng Minh đã thiết lập một chuỗi căn cứ hỏa lực để yểm trợ cho QL/VNCH, các đơn vị thuộc lực lượng Dân Sự Chiến Đấu. Những đơn vị này đang lục soát các ngọn đồi trong khu vực, tìm kiếm dấu vết, ngăn chặn các đơn vị lớn của địch vào trong khu vực. “Những căn cứ hỏa lực này chỉ được thiết lập tạm thời cho các trận đánh sắp tới”, đại tá Francis Bowers, chỉ huy trưởng Pháo Binh Hoa Kỳ trong vùng phiá nam quân đoàn II, phát biểu. Các đơn vị pháo binh Hoa Kỳ được đưa đến các căn cứ hỏa lực Kate, Susan, Annie, Helen. Trấn đóng căn cứ hỏa lực Kate là pháo đội C, Tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh.

Đêm 29 tháng Mười, Quân đội Bắc Việt đồng loạt pháo kích lên các căn cứ hỏa lực bằng súng cối 82 ly, đại bác 75 ly không giật, và hỏa tiễn 107, 122 ly. Trận pháo kích kéo dài liên tục hơn 40 tiếng đồng hồ. Cuối cùng quân đội Hoa Kỳ phải bỏ, ra lệnh cho các căn cứ hỏa lực Susan, Kate, Helen và Annie triệt thoái.

Trong đêm 31 tháng Mười, pháo đội C tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ trong căn cứ hỏa lực Kate di tản. Họ đi vòng tránh những đơn vị Bắc Việt, đến trại LLĐB Bu Prang vào trưa ngày hôm sau. Khi căn cứ hỏa lực Kate di tản, phi cơ, pháo binh Hoa Kỳ bắn tan ngọn đồi, phá hủy tất cả các chiến cụ bỏ lại trong căn cứ hỏa lực Kate.

Trong hai ngày kế tiếp, thêm hai căn cứ hỏa lực phải di tản vì bị pháo kích liên tục và áp lực của địch. Đại tá Bowers lên tiếng “Điều quan trọng là các cuộc hành quân trên bộ đã hoàn tất, không cần thiết để giữ các căn cứ hỏa lực đó. Vả lại trước sau gì cũng phải di tản, không thể để các pháo thủ ngồi chịu trận trong hầm dưới những trận mưa pháo của địch”. Sau khi các căn cứ hỏa lực di tản, quân đội Bắc Việt hướng mũi súng về các căn cứ của quân đội Đồng Minh trong khu vực Bu Prang, Đức Lập. Pháo binh Việt Nam, Hoa Kỳ trong căn cứ Mike Smith và Bu Prang bắn yểm trợ cho các đơn vị tiền phương thuộc hai Trung đoàn 45 và 53, Sư đoàn 23 Bộ Binh Việt Nam càn quét địch quân.

Vào ngày 2 tháng Mười Một, đoàn quân xa 19 chiếc bị phục kích trên Quốc lộ 14, cách căn cứ hỏa lực Dorie 7 cây số về hướng Tây bắc. Cùng thời gian đó, hai trực thăng quan sát loại nhỏ và một trực thăng võ trang Cobra bị bắn rơi gần căn cứ hỏa lực Helen. Các hoạt động của địch cho thấy, rõ ràng quân đội Bắc Việt muốn cắt đứt đường tiếp vận đến các căn cứ hỏa lực.

Một sĩ quan cố vấn cao cấp Hoa Kỳ vẫn lạc quan “Họ vẫn không làm gì được, trực thăng vẫn đem đồ tiếp tế đến căn cứ hỏa lực. Các căn cứ vẫn hoạt động, yểm trợ cho Bộ binh bình thường, sau khi ba căn cứ hỏa lực đã phải di tản”.

Sau khi ba trực thăng bị bắn rơi, Tiểu đoàn 22 Biệt Động Quân đang hiện diện trong vùng hành quân được lệnh đi tìm các phi công lâm nạn. Tiểu đoàn BĐQ này chạm súng với các đơn vị nhỏ của địch, cũng đang đi tìm các phi công Hoa Kỳ để bắt sống. Liên tục trong vòng ba ngày, BĐQ bắn hạ khoảng 100 địch quân, sau đó được tăng cường Tiểu đoàn 1/53 Sư đoàn 23 Bộ Binh.

Trong khi Tiểu đoàn 22 BĐQ, Tiểu đoàn 1/53 BB lo tìm kiếm phi hành đoàn ba chiếc trực thăng bị bắn rơi, pháo binh cùng với Bộ binh Bắc Việt tấn công các tiền đồn biên phòng dọc theo biên giới Việt-Miên. Các trại LLĐB Bu Prang, Đức Lập, căn cứ Mike Smith, Dak Sak báo cáo địch chuyển quân cấp đại đội hàng đêm. Các căn cứ hỏa lực Dorie, Helen vẫn bị pháo kích thường xuyên bằng súng cối và hỏa tiễn 122 ly.

Địch gia tăng phục kích đoàn quân xa tiếp tế, tấn công đơn vị bảo vệ, nhằm mục đích cô lập các tiền đồn biên phòng. Mỗi làn có trực thăng tiếp tế UH hoặc CH-47 Chinook đáp xuống căn cứ, địch quân lại pháo kích vào căn cứ. Một Sĩ quan Mũ Xanh trong trại LLĐB Bu Prang nói rằng “Chúng tôi không mong các trực thăng bay đến trại nữa. Mỗi lần có trực thăng đáp xuống, trong vòng 30 giây, đạn súng cối, cùng với hỏa tiễn của địch cũng bay vào căn cứ”.

Dưới áp lực của địch, sư đoàn 23 Bộ Binh được tăng cường hai tiểu đoàn 1 và 2 Trung đoàn 47 đang hành quân nơi vùng duyên hải lên phòng thủ thành phố Ban Mê Thuột. Theo các Sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ, Ban Mê Thuột là mục đích tối hậu cho cuộc tấn công của địch. Được trung đoàn 47 lên tham chiến, cả trung đoàn 45 BB đuợc đưa vào vùng hành quân, ban chỉ huy Trung đoàn vào đóng trong căn cứ hỏa lực Mike Smith, cách Chi khu Đức Lập, trại LLĐB Dak Sak vài cây số.

Địch quân gia tăng mức độ pháo kích và nhắm vào hai trại LLĐB Bu Prang, Đức Lập. Để chống đỡ, Trung đoàn 47 được đưa từ Ban Mê Thuột lên Nhơn Cơ, một căn cứ tiếp vận cho trại LLĐB Bu Prang. Trung đoàn 53 nằm xung quanh khu vực Bu Prang, Trung đoàn 45 rải quân từ căn cứ Mike Smith và trong quận Đức Lập.

Trong tuần lễ kế tiếp, địch quân chỉ gia tăng mức độ pháo kích, nhưng vẫn chưa tấn công các đơn vị Bộ binh VNCH. Thường chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ xung quanh các căn cứ, trại LLĐB.

Lực Lượng Đặc Biệt đưa tiểu đoàn 2 xung kích, tiếp ứng Mike Force lên hành quân trong khu vực trại LLĐB Bu Prang. Đơn vị Mike Force này chạm súng với một Tiểu đoàn Bắc Việt từ sáng đến tối. Quân đội VNCH đưa một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 53 BB đến tiếp viện, làm địch quân phải rút lui, để lại 40 xác chết trên chiến trường.

Trong ngày 10 tháng Mười Một, một Đại đội lính Bắc Việt pháo kích súng cối vào trại LLĐB Bu Pang, sau đó tấn công nhưng bị đẩy lui.

Trong suốt 40 ngày giao tranh, trong khu vực hai trại LLĐB Bu Prang, Đức Lập, tất cả các căn cứ đều bị địch pháo kích. Tuy nhiên chỉ có những trận đánh nhỏ, đặc biệt xung quanh trại LLĐB Bu Prang là chính yếu. Biết không đánh lại hỏa lực, phương tiện chuyển vận dồi dào của Quân đội Hoa Kỳ, Quân đội Bắc Việt phải rút trở qua bên kia biên giới Miên.

Di tản Căn cứ Hỏa lực Kate

Dak To, Ben Het, căn cứ hỏa lực Kate, Mike Smith, Đức Lập là những điạ danh quen thuộc đối với những Quân nhân lão luyện thuộc pháo đội C (Charlie), tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ. Những “ngôi nhà” này là nơi xẩy ra các trận đánh lớn giữa quân đội Bắc Việt và quân đội Đồng Minh trên vùng cao nguyên, Quân Đoàn II, VNCH. Pháo đội C và một vài pháo thủ thâm niên trong đơn vị đã có nhiều kỷ niệm với những điạ danh kể trên. Họ đã có mặt nơi đó, chiến đấu ở đó, nhìn bạn bè chết ở đó. Theo lời một vài pháo thủ, pháo đội C, họ đã chứng kiến và chịu đựng sự tấn công của năm Tiểu đoàn Chính quy Bắc Việt.

“Dak To, Ben Het cũng đến nỗi tệ”. Hạ sĩ Rudi Childs, quê quán ở Thành phố St. Louis, bang Missouri, một trong những chiến binh kỳ cựu trong pháo đội, lên tiếng phát biểu “Chúng tôi trúng nhiều đạn pháo kích của địch, vài người bị thương, nhưng cuối cùng... vẫn đứng vững”.

Bắt đầu từ tháng Năm vừa qua, giữa mùa mưa, khí hậu ban ngày rất oi bức, ban đêm lạnh, nhiệt độ xuống gần đến 0 (độ C bách phân). Quân đội Bắc Việt quyết định tấn công trại LLĐB Ben Het. Mục tiêu chính yếu của địch có lẽ là Dak To, gần nơi xẩy ra trận đánh nổi tiếng trong năm 1967 giữa Lữ đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ và Quân đội Bắc Việt. Bộ tư lệnh Biệt khu 24 QL/VNCH đặt trong Quận lỵ Dak To, có nhiệm vụ bảo vệ tỉnh Kontum, khi quân Bắc Việt bắt đầu tấn công vào giữa tháng Năm. Chỉ có cố vấn Hoa Kỳ và các pháo đội Pháo Binh Hoa Kỳ yểm trợ QL/VNCH trong trận đánh này.

Pháo đội C vừa mới ra khỏi căn cứ hỏa lực Impossible gần Pleiku. Pháo đội đã yểm trợ ngày đêm các cuộc hành quân trên bộ của Quân đội Đồng Minh trong những khu rừng lân cận. Cả pháo đội được trực thăng vận lên Dak To và di chuyển hành quân trong vòng vài ngày. Pháo đội đưa một khẩu đội (một súng đại bác) vào trong trại LLĐB Ben Het cách Dak To vài cây số về hướng tây. Phần còn lại của pháo đội di chuyển đến căn cứ hỏa lực 6, trên một ngọn đồi nhìn xuống cả khu vực Dak To lẫn trại LLĐB Ben Het.

Pháo đội C trong hai ngày kế tiếp, phải tác xạ những khẩu đại bác 155 ly khoảng ba tiếng đồng hồ. Trong một lần tác xạ, đạn súng cối của địch rơi vào căn cứ, gần một ụ súng làm mấy pháo thủ bị thương. Trong ba ngày kế tiếp, trên căn cứ hỏa lực 6, các pháo thủ chứng kiến cảnh phi cơ C-130 thả dù tiếp tế đạn dược, thực phẩm cho trại LLĐB Ben Het vì đường bộ từ trại LLĐB đi Dak To đã bị cắt.

“Đôi khi những cánh dù tiếp tế bị gió thổi rơi ra ngoài căn cứ”. Anh pháo thủ Hopkins kể lại “Và chúng tôi không thể ra ngoài thâu hồi kiện hàng được. Địch quân đã đợi sẵn ngay trước cổng. Có những lúc, chúng tôi không đủ nước uống”. Cuộc bao vây kéo dài gần một tháng. Quân đội Bắc Việt mở một trận tấn công “tự sát” vào căn cứ nhưng bị đẩy lui. Các pháo thủ, pháo đội C, Tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh hạ nòng súng đại bác bắn trực xạ. Sau khi địch quân rút lui, pháo đội C được ghi nhận công trạng, giết được khoảng 200 trong số 1000 xác chết để lại trên bãi chiến trường.

Sau trận đó, pháo đội C được nghỉ ngơi ít hôm. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của pháo đội là yểm trợ các cuộc tảo thanh địch quân xung quanh trại LLĐB Ben Het. Sau khi trận chiến căn cứ hỏa lực 6, trại LLĐB Ben Het kết thúc, pháo đội C di chuyển đến một căn cứ hỏa lực khác gần trại LLĐB Plei M’Rong (Lý Thái Lợi) trong tỉnh Pleiku.

“Đó là những ngày... vui sướng”, pháo thủ Hopkins kể tiếp “Cả ngày chúng tôi chỉ lo lau chùi khẩu súng đại bác, thỉnh thoảng bắn tác xạ quấy rối, và canh gác ban đêm. Ban ngày, nếu rảnh rỗi, chúng tôi có thể xuống một giòng suối gần đó tắm.

Tiếp theo, một loạt di chuyển qua các căn cứ hỏa lực: Swinger, Alfa, Polei Kleng và Cherry mất khoảng bốn tháng, ghi lại nhiều điều đáng nhớ cho các pháo thủ: xây hầm hố mới, phá hầm cũ, bắn suốt đêm, tác xạ yểm trợ quân bạn ban ngày, cái nóng, cái lạnh khi đêm xuống trên vùng Cao nguyên. Mùa khô ráo, mùa mưa, đất đỏ, và những làn sương sớm.

Đến cuối tháng Mười, pháo đội C nhận lệnh di chuyển đến một ngọn đồi nhỏ nơi phiá nam quận Đức Lập, gần biên giới Việt-Miên. Căn cứ hỏa lực mới được thiết lập có tên là Kate. Các pháo thủ đã quá quen với nhiệm vụ của Binh chủng Pháo Binh, yểm trợ Bộ Binh trên chiến trường. Lần này đơn vị được pháo đội yểm trợ là một tiểu đoàn xung kích, tiếp ứng Mike Force, đang lục soát trong những khu rừng gần biên giới, tìm dấu vết đơn vị địch đã tham dự trận tấn công quận Đức Lập trong những tuần lễ trước.

Các pháo thủ đã được cho biết, khu vực hành quân mới (quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức) là nơi địch quân đang đưa thêm quân vào và sẽ là bãi chiến trường cho trận tấn công lớn mới trên vùng cao nguyên. “Biết thế thôi, chúng tôi vẫn chưa sửa soạn cho những gì sắp xẩy ra khi di chuyển đến căn cứ hỏa lực Kate”.

Địch quân bắt đầu pháo kích lên căn cứ hỏa lực từ sáng sớm ngày 29 tháng Mười. Hầm hố, ụ súng đại bác, cũng như tất cả những gì có thể che chở, đỡ được mảnh đạn súng cối đều được xử dụng. Các pháo thủ phải đợi cho đến khi địch quân tạm ngưng đợt pháo kích (nghỉ ngơi, tải thêm đạn...) mới chạy ra các ụ súng đại bác 155 ly của mình để trả đũa.

“Đạn súng cối của địch có thể bay vào căn cứ bất cứ lúc nào”, pháo thủ Hopkins kể tiếp “chúng tôi chỉ còn giải pháp ngồi trong hầm trú ẩn đợi dứt tiếng pháo”. Các pháo thủ trong pháo đội C phải chịu đựng như thế 40 tiếng đồng hồ liên tục trước khi nhận được lệnh di tản. “Trực thăng không vào di tản chúng tôi được. Cứ mỗi lần trực thăng bay vào, chưa đáp xuống, địch quân đã pháo kích”

“Có lẽ địch quân đã có tọa độ của cả ngọn đồi. Pháo rất chính xác và bất cứ lúc nào. Thật là hồi hộp, từng giây phút trôi qua. Bạn không biết, viên đạn súng cối kế tiếp rơi xuống chỗ nào”. Một pháo thủ kể lại “Chúng tôi chen chúc trong hầm trú ẩn, thầm cầu nguyện cho hỏa tiễn 122 ly của địch đừng... rơi trên đầu mình”

Màn đêm xuống thật chậm chạp đối với các pháo thủ thuộc pháo đội C trong căn cứ hỏa lực Kate. Vị pháo đội trưởng thông báo lệnh di tản cho các quân nhân trong pháo đội. Họ sẽ phải di tản bằng phương tiện lội bộ ngay trong đêm đó. Và sẽ phải đi suốt đêm cho đến khi tới được trại LLĐB Bu Prang. Đại đội xung kích Mike Force, đang đóng trong căn cứ hỏa lực, sẽ làm thành phần bảo vệ cho đoàn quân di tản. Trực thăng võ trang Cobra đậu sẵn trong bãi đáp trực thăng ở Ban Mê Thuột và Gia Nghiã (thị trấn lớn trong tỉnh Quảng Đức) sẽ lên yểm trợ khi cần đến. Các pháo đội đóng trong các căn cứ hỏa lực Susan, Anne và Helen sẽ bắn quấy rối, đánh lạc hướng địch để cho việc di tản căn cứ Kate được êm xuôi.

Địch quân pháo kích khoảng một tiếng đồng hồ rồi ngưng. Khi trời bắt đầu tối, với làn sương mỏng che phủ, các pháo thủ pháo đội C, tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh lặng lẽ đeo ba lô, thủ vũ khí cá nhân M-16, lặng lẽ rút khỏi căn cứ hỏa lực Kate. Gần 14 tiếng đồng hồ sau, di chuyển xuyên qua các vị trí đóng quân của địch, các pháo thủ cùng với dân sự chiến đấu về đến trại LLĐB Bu Prang.

Sau đó các pháo thủ được trực thăng đến đưa về Ban Mê Thuột nghỉ ngơi vài hôm. Pháo đội C nhận lãnh súng đại bác mới cùng với quân số bổ sung, lên đường hành quân. Trở lại chiến trường Đức Lập lần này, pháo đội C vào đóng trong căn cứ hỏa lực Mike Smith cách trại LLĐB Bu Prang ba mươi dặm. Căn cứ này là một căn cứ hỏa lực cố định, không được xây dựng tạm thời cho một cuộc hành quân như Kate, Helen, Annie. Các pháo thủ mừng thầm... không còn phải lo di tản nữa.

Đến giữa tháng Mười Một, quân đội Bắc Việt ngưng pháo kích Bu Prang. Chúng tôi được thông báo địch quân di chuyển về hướng Đức Lập và các pháo thủ trong căn cứ hỏa lực Mike Smith chờ đợi. Trong căn cứ chúng tôi chia ca làm việc tác xạ ngày đêm 24/24. Ngoài ra còn phải canh gác nữa, mỗi đêm chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ. Trước hỏa lực mạnh mẽ của phi pháo Hoa Kỳ, tiếng đạn pháo kích của địch thưa dần rồi dứt hẳn. Trận chiến trong khu vực Bu Prang, Đức Lập coi như chấm dứt khi quân đội Bắc Việt phải rút lui qua biên giới Miên.


Ghi chú :

- Pháo đội C (Charlie) đến thay pháo đội A (Alpha) ngày 26 tháng Sáu năm 1969, sau khi tiếng súng tại mặt trận Dak To đã tạm yên.

- Ngoài pháo đội C, trong căn cứ hỏa lực Kate, còn có một Trung đội pháo binh khác thuộc Tiểu đoàn 5/22 Pháo Binh Hoa Kỳ, một đại đội Dân Sự Chiến Đấu người Thượng bảo vệ căn cứ.

- Tất cả các pháo thủ di tản và thoát được là nhờ sự chỉ huy sáng suốt của các Cố vấn LLĐB và tinh thần chiến đấu của đơn vị Dân Sự Chiến Đấu.



Dallas, TX. March 31, 2010
vđh