PDA

View Full Version : Tài lãnh đạo của một vị Tướng



Longhai
09-07-2014, 01:04 AM
Tài lãnh đạo của một vị Tướng


Duy Lam


LTS . Như một nén tâm hương tưởng niệm đến cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn 1 QK1 ở quê nhà trước năm 1975 của nhà văn Duy Lam Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn. Bài viết đã đăng Báo Xuân và kỳ nầy chúng tôi trang trọng giới thiệu trên báo Saigon Times hằng tuần sau khi tác giả điều chỉnh vài khuyết điểm. Thành thật cám ơn nhà văn Duy Lam cho phép chúng tôi phổ biến như một tài liệu giá trị về nhân vật đã từng nổi danh hào khí đáng kính trọng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Saigon Times



http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1410187047.jpg


Sáng Chủ Nhật một ngày đẹp trời khi cái nhóm bạn bè cà phê ngày Chủ Nhật của tôi đang ồn ào trò chuyện, tại một cái bàn ngoài hiên quán cà phê ở Westminster, thời anh Phạm Quốc Bảo sà đến kéo ghế ngồi và bắt đầu nói liên miên. Anh là người hoạt bát từng trải lại ăn nói có duyên, nên hễ anh đến là anh em vui hẳn lên. Nhưng sáng qua anh đã bỏ cả gần tiếng đồng hồ để khen những cái hay của bài Tướng Ngô Quang Trưởng và của tôi mà anh mới đọc trên báo Saigon Times và Saigon Nhỏ tuần vừa rồi. Anh khẳng định dù trước 75 anh đã có lần đến thăm Tướng Trưởng tại nhà để phóng vấn, nhưng cũng như nhiều người trong anh em quân đội và báo chí vẫn cứ thắc mắc tại sao Tướng Trưởng lại chịu rút quân khỏi vùng 1 mà không đánh vài trận, nhưng nhờ tôi đưa ra ý kiến, vì Tướng Trưởng là người cả đời lúc nào cũng một mực tôn trọng kỷ luật quân đội và luôn thi hành nghiêm chỉnh các lệnh của thượng cấp, nên nếu ông không theo lệnh ông Thiệu, đánh thay vì rút, thời nếu tất cả các tướng cầm quân khác khi đó ai cũng bất tuân thượng lệnh thời chắc tình trạng hỗn loạn sẽ xẩy ra. Kẻ rút quân quá nhanh dù chưa có lệnh, kẻ nhất định tử chiến, thời sự tan rã của quân đội sẽ xẩy ra không thể tránh được, và cũng vẫn đưa đến sự sụp đổ của miền Nam mà thôi. Dù giả thử đã có vài trận đánh kháng cự kịch liệt xẩy ra, rồi dù ta có rút hết quân xuống vùng 4 để cố thủ, tương quan lực lượng, và nhất là tình trạng kiệt quệ về tiếp vận, xăng nhớt đạn dượt làm tê liệt một đạo quân hiện đại, trang bị huấn luyện theo kiểu Mỹ, thời đâu có thay đổi tình hình, hay lật ngược lại bàn cờ quân sự. Ấy là không kể sự ngần ngại để hiểu và đáng được thông cảm của Tướng Minh khi chọn đầu hàng sớm để tránh Saigon khỏi bị pháo địch phá hủy, cũng như sự suy nghĩ chắc phải đau đớn của Tướng Trưởng trước viễn tượng số nhân mạng quân dân Đà Nẵng sẽ bỏ mình sau một cuộc tử chiến e không cân bằng lắm giữa địch và ta. Đã đến lúc người ta nên thông cảm với các Tướng cầm quân, phải chọn những quyết định rút quân đầu hàng đau đớn không thể tránh, chỉ để cứu cả nghìn sinh mạng của quân dân.

Lan man, anh Bảo còn nói cái đoạn tôi kết thúc bài tùy bút thật tự nhiên và cảm động, khi nhắc đến cái ám ảnh của lời hứa sang năm tháng tư sẽ sang lại miền Đông để đến nhà Tướng Trưởng vẽ tặng vợ chồng ông vài bức họa đã làm ông trầm trồ thú vị, mà buồn vui chẳng hiểu sẽ còn được gặp Tướng Trưởng nữa hay không. Nhân câu chuyện quanh bàn đề cập tới Tướng Trưởng, tôi cười cười chú thích là có một vị chủ báo quen biết cũng đăng bài viết về Tướng Trưởng của tôi, có góp ý với tôi là anh chẳng hiểu người ta cứ đồn là Tướng Trưởng có tài lãnh đạo và điều quân nhưng phần anh anh muốn biết thực ông có tài điều quân như một chiến thuật gia hay chiến lược gia xuất sắc hay không ? và điều gì chứng minh được cái tài đó của Tướng Trưởng ? vì theo anh, đến nay chưa ai viết được các bài khảo luận quân sự, phân tích tổng hợp được cái tài điều quân của một danh tướng với thật nhiều huyền thoại như Tướng Trưởng.

Như tôi nhắc đến ở trên, vui câu chuyện, tôi nói với anh Bảo, tiện đây tôi sẽ kể cho anh nghe một loạt những kỷ niệm tôi còn nhớ về tài lãnh đạo của Tướng Trưởng, trong đó gộp cả tài điều quân về mặt chiến thuật, lãnh đạo ở đây hiểu theo nghĩa rộng, có nghĩa là tài lãnh đạo con người nói chung, và trong trường hợp một vị tướng tức là tài lãnh đạo quân sĩ dưới quyền. Ấy có những nhà chiến thuật chiến lược gia hữu hiệu, nhưng lại thí quân không một chút trắc ẩn, kiểu các nhà lãnh đạo quân sự Bắc Việt, qua việc thí các khối quân theo kiểu biển người, qua các trận Điện Biên Phủ và Tết Mậu Thân.

Mọi người đều nghe những gì tôi trình bày khá lơ đãng, ngoại trừ anh Bảo và anh Cao Bá Minh, vì anh em đã quá quen với cái thói xấu đáng yêu của tôi là dù trong một bàn cà phê, rất chịu khó mất nhiều thời giờ là lời lẽ, để bàn những chuyện rất nghiêm trang như cái lợi của tập Yoga, kỹ thuật viết truyện ngắn, hay vài vấn đề chẳng nghiêm trang gì hết như tại sao tôi vẫn cứ dùng cái máy chữ tàng để viết mà bỏ cho nhện trắng bụi phủ hai cái Computers ở nhà.

Trong khi ánh nắng mùa Xuân phủ trên cái đám nam thanh nữ tú của quán cà phê cũng như cái ánh nắng Xuân tôi họa trên những ngọn cây của bức họa đã khiến một vị tướng thích thú - tôi đã kể cho anh em nghe một số giai thoại đã tạo nên huyền thoại Ngô Quang Trưởng. Dĩ nhiên vì chỉ là một câu chuyện ở quán cà phê, nên khá lộn xộn, chẳng được sắp xếp theo một thứ tự, một bài phân tích những trận đánh mà tôi đã từng viết khá nhiều hồi còn là Huấn luyện viên về Quân sự ở Trường Chỉ Huy và Tham Mưu, cho nên tôi sẽ chỉ cố gắng lược lại những gì tôi đã nói với các anh Bảo Minh và Lan Đàm.

Tôi đã bắt đầu, nhắc lại một giai thoại về Tướng Eisenhower, khi ông thị sát một đơn vị Mỹ trên chiến trường Âu Châu vào mùa đông tuyết phủ đầy. Ông đã lưu ý thấy một đôi giầy ủng bỏ trên miệng hố cá nhân của một binh sĩ to lớn, và ông đã ân cần hỏi tại sao trời lạnh anh ta lại bỏ giầy đi chân không, và được anh ta lúng túng trả lời, thưa Đại Tướng vì chân tôi lớn ngoài khổ, nên chẳng đôi giầy nào của Quân nhu sỏ vừa. Ông đã nói với tùy viên ghi tên anh ta và luôn cả chuyện đôi chân lớn quá khổ của anh. Về đến Mỹ ông đã đích thân chỉ thị Quân nhu lo làm một đôi giầy thật lớn và gửi đến tận binh sĩ này cho kịp đối phó với cái lạnh mùa đông. Cho nên, khi binh sĩ đó vẫn nằm dưới hố cá nhân, đã được người ta mang đến cho anh một đôi giầy lớn đi rất vừa, với lời chào mừng của vị Tổng Tư Lệnh quân đội đồng minh.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến có Tướng Bradley được Binh sĩ thân yêu gán cho cái tên hiệu GI's General, vì sự quan tâm thường xuyên của ông đến sự an lạc của binh sĩ.

Tôi nhớ Tướng Trưởng hễ đến thăm các đơn vị hành quân luôn đến thẳng gặp các binh sĩ đang bố trí tại tuyến đầu, để hỏi họ là lương tháng vừa rồi có được lãnh đầy đủ đúng hạn không, thức ăn hàng ngày ở đơn vị có đầy đủ không, và quân trang có thiếu món nào cần thiết chưa được hay chậm cấp phát không ? Và dĩ nhiên với sự chú tâm đặc biệt đến đời sống của binh sĩ như vậy, các đơn vị trưởng đã luôn phải bận tâm lo đến sự an lạc của các binh sĩ vì làm sao biết được khi nào trực thăng của ông một hôm hạ xuống để Tướng Trưởng thị sát, mà thường ông chỉ cho tùy viên dùng vô tuyến báo cho đơn vị trưởng ông sẽ xuống thăm đơn vị khoảng độ mười phút trước mà thôi.

Một lần vào ngày Chủ Nhật ông đột nhiên ra xe ra lệnh đưa ông sang Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, không báo trước. Khi đến nơi Sĩ quan trực đi đâu mất, ông đã không vào phòng thuyết trình của đơn vị trưởng mà xộc luôn vào cầu tiêu khi Sĩ quan trực đến trình diện ông chỉ nói anh trông cầu tiêu bẩn thỉu thế kia làm sao các thương binh có thể dùng được. Tôi muốn tất cả phải sạch sẽ như trong phòng khách lần tới tôi đến đây thanh tra lại. Cái lần tới đó không biết bao giờ sẽ tới, và chắc ông sẽ lại đến không báo trước, nên hễ khi tôi ghé chơi Tổng Y Viện luôn được đơn vị trưởng hỏi tôi, toa có biết bao giờ Tướng Trưởng sẽ tới đây lần tới không ? Toa xem cầu tiêu sạch boong và hàng ngày chính moa ghé đến thị sát kỹ lưỡng. Tôi cười, sao moa biết được. Thôi cứ ráng giữ cầu tiêu sạch sẽ là tốt rồi.

Báo chí Saigon có lần tháp tùng Phó Tổng Thống Kỳ thị sát mặt trận Vùng 1 và được Tướng Trưởng tháp tùng. Hình chụp đăng trên báo khiến độc giả Saigon, đặc biệt chú ý khi thấy Tướng Kỳ cởi chiếc áo Jacket nhà binh ấm để quàng cho Tướng Trưởng vì thấy ông gầy yếu mà chỉ mặc phong phanh bộ quần áo trận và một chiếc áo mưa mỏng. Mọi người đâu biết Tướng Trưởng luôn chỉ mặc quần áo trận phát đồng loạt cho binh sĩ, đi ủng quân nhu cấp phát, đội chiếc mũ cấp phát cho lính và mặc áo khoác lạnh hoặc áo mưa phát cho lính. Ông muốn chứng tỏ dù đã lên đến Tư Lệnh một quân đoàn, ông luôn vẫn giữ tác phong đơn giản của một binh sĩ, và ông chỉ chia sẻ với họ cái lạnh cắt da mùa đông miền Trung. Các phái đoàn cao cấp nếu có dịp đi cùng với Tướng Trưởng, hay các phóng viên báo chí nổi danh Quốc tế, đều chỉ được phát các đồ hộp khẩu phần lương khô của lính và buổi trưa và thường là cùng Tướng Trưởng ăn ngay trên trực thăng, để theo ông không làm phiền các đơn vị chiến đấu phải mất công chuẩn bị cơm nóng canh sốt thịnh soạn cho các phái đoàn một thông lệ được chấp nhận tại tất cả các đại đơn vị khác hồi đó.

Dĩ nhiên những gì tôi kể cho các bạn nghe gọn gàng hơn những gì tôi viết lại ở đây, chi tiết và có đầu có đuôi hơn. Tôi nhớ cái bàn của chúng tôi luôn được nhiều bạn ở các bàn bên hoặc mới đến, ghé qua, và theo cung cách của chúng tôi bắt tay nhau lia lịa theo kiểu Phú Lãng Sa, mặc dầu cũng mới gặp nhau Chủ Nhật vừa rồi. Cái sự tiếp xúc giữa các bàn tay luôn cho chúng tôi cảm thấy gần nhau hơn, và tránh được cái lạnh nhạt xa cách cố ý của cái giống Anglo-Saxon, mà người Mỹ cũng vẫn ứng dụng. Lúc đến bắt tay nhau một vòng lúc về từ biệt bắt tay một vòng nữa, chắc vào mùa cúm cũng hơi phiền vì rất dễ truyền bệnh cho nhau, nhưng chúng tôi đâu làm khác được. Ấy vậy mà đến hay về mà quên hay cố ý không bắt tay một người bạn nào đó, thời sẽ được các anh em chú ý liền, và nghĩ chắc có chuyện hai người không đụng làn da vào nhau đã giận nhau, buồn nhau, về một vấn đề nào đó. Điều này đã xẩy ra giữa anh Long Ân, hồi anh còn sống, và anh Huy, về một lối chú thích của anh La về một bài viết của anh Huy, đã lâu lâu rồi. Anh Huy giận Anh LA và đã không bắt tay anh LA mất có lẽ cả gần hai năm và khiến cái nhóm cà phê ngày Chủ Nhật của chúng tôi bể ra làm hai, một trụ trì ở xưởng cà phê một di tản sang đóng đô ở quán Picasso bên kia đường. Chúng tôi đã cứ khôi hài là con đường Broohust giống như dòng sông Bến Hải, chia cắt một tình bạn.

Tôi có nhắc anh Huy khi anh đến bàn chúng tôi với cái mũi sụt sịt và khuôn mặt đỏ gay, vì bệnh cúm, anh nói vậy với tôi. Vài ba bạn cho biết số Saigon Times có đăng bài của tôi về Tướng Trưởng tìm mua đâu cũng đã bán hết, khiến tôi cười thú vị nói, thế là tôi lại giúp Ái Cầm bán thêm được một số báo rồi.

Phần anh Bảo, sau khi nghe tôi thuật lại một số giai thoại đã làm nổi rõ trước mắt anh con người thật của Tướng Trưởng và tài lãnh đạo dựa trên sự tôn trọng bạn đồng đội và tinh thần nhân bản sâu kín gói ghém trong tất cả các hành động quyết định của ông khi giữ chức vụ cao là Tư Lệnh một Quân Đoàn. Tôi tiếp tục kể thêm vài giai thoại trong cái ồn ào mà độ decibels tăng dần khi gần đến buổi trưa và ánh nắng xuân Cali gắt hơn. Cô Hồng Vân một speakerine khả ái của Đài Little Saigon TV ghé đến bàn bên cạnh với một số bạn trẻ và cũng hỏi thăm tôi. Vì cô đã có lần đến nhà tôi phỏng vấn, nên cô đã thân mật nắm lấy tay tôi, một nhà nhân văn già, và liến láu hỏi tôi còn tập Yoga không và đang viết gì. Tôi không bắt tay các người nữ, vì đó vẫn chưa là một lề lối xã giao được chấp nhận rộng rãi. Tôi chỉ bắt tay các cô gái trẻ được học hành và lớn lên ở Mỹ, tuổi con cháu mà thôi. Xem ra cách cư xử và lề thoái xã giao giữa người Việt khác phái, vẫn đang trong một giai thoại chuyển tiếp khá phức tạp và nhiều đòi hỏi tế nhị.

Tôi đã nhắc đến giai thoại về Tướng Trưởng khi ông bất ngờ hạ trực thăng xuống thăm một Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn. Ông đã từ chối lời mời vào phòng thuyết trình của vị Trung Đoàn Trưởng và đi thẳng đến các hầm hố phòng thủ chung quanh Bộ Chỉ Huy. Xuống hầm ông lẳng lặng nhìn rác rưởi bẩn thỉu đầy sàn hầm và mùi nước tiểu nồng nặc, và hỏi vị Trung Đoàn Trưởng. Nếu hầm bẩn như thế này thì liệu khi có tấn công chính anh có muốn xuống hầm nầy để kháng cự hay tìm cách nấp chỗ khác. Tôi muốn lần tới thăm lại đây tất cả các hầm phòng thủ ở chu vi Bộ Chỉ Huy của anh phải sạch như phòng ngủ của anh vậy. Làm sao để các hầm sạch sẽ để Binh sĩ lúc nào cũng muốn xuống.

Chả nói là sau cuộc thăm viếng đó, tất cả các Bộ Chỉ Huy các Trung Đoàn đều trở nên sạch sẽ như các phòng ngủ, như dưới ảnh hưởng một phép lạ, và phép lạ đó cũng chỉ do sự quan tâm đến các chi tiết nhỏ nhất về sự an lạc và thoải mái của binh sĩ trong tất cả mọi hoàn cảnh, sống ở hậu cứ, chiến đấu ở tiền tuyến, hay nằm ở Bệnh viện.

Chính vì cái óc để mắt quan tâm đến tất cả những chi tiết làm gia tăng bao mạng sống trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào Huế và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 ở Mang Cá Nhỏ. Ngay sau khi ông đến nhận chức vụ Tư Lệnh QĐ1 thay cho Tướng Lãm, sau vụ Quảng Trị thất thủ, báo chí quốc tế đã tường thuật là ai đến thăm Bộ Tư Lệnh Tiền Phương đều impressed vì các dấu hiệu bộc lộ cái óc quan tâm đến các chi tiết của mọi công sự phòng thủ của vị Tân Tư Lệnh. Tất cả đều được củng cố thật hữu hiệu để có thể chống lại một cuộc tấn công hay pháo kích lớn của địch. Ông đã ra lệnh cho công binh phải củng cố xây lại hầm làm Phòng Hành Quân, đủ vững chắc để chịu được những quả pháp 130 nổ trực tiếp ngay trên hầm, mà mọi người trong Phòng Hành Quân vẫn có thể an toàn làm việc không chút nao núng hốt hoảng.

Ngay khi ông còn là Tư Lệnh Sư Đoàn 1, chính cái tinh thần lo củng cố vững chắc mọi hầm hố công sự của BTL, cũng như tinh thần tôn trọng kỷ luật của ông đã cứu được mạng sống của tất cả các Sĩ quan và cấp Chỉ huy của chính Bộ Tư Lệnh SĐ và nhiều đơn vị Binh chủng binh sở.

Chả vì, Tết năm đó, Trung Ương ban hành lệnh hưu chiến những ngày Tết căn cứ trên một thỏa thuận với phía bên kia, nên tại tất cả các quân đoàn khác và cả ở Saigon, hầu hết Sĩ quan đều được phép về gia đình ăn Tết, khi địch vi phạm lệnh hưu chiến và tấn công đồng loạt vào tất cả các Thành phố của miền Nam vào đúng đêm giao thừa.

Riêng tại Vùng 1 thời tôi nhớ, vì có quá nhiều tin tức tình báo về các cuộc chuyển quân khác thường của cộng sản, nên sau khi hội ý với Bộ Tham Mưu và cả tôi. Tướng Lãm đã điện thoại thẳng về Saigon và xin được ông Thiệu đặc biệt chấp thuận cho riêng vùng 1 không có hưu chiến và đã được ông đồng ý. buổi tối đêm 30 Tết đài phát thanh Saigon có loan một bản tin ngắn là Tổng Thống chấp thuận cho Vùng 1 không có hưu chiến. Tướng Lãm cũng ban hành lệnh cắm trại một trăm phần trăm cho tất cả các đơn vị của Vùng 1 và như vậy là Quân nhân mọi cấp phải ăn Tết trong trại.

Tướng Trưởng cũng như thường lệ, tôn trọng nghiêm chỉnh lệnh cắm trại và đã vào ngủ qua đêm giao thừa tại văn phòng Tư Lệnh SĐ1. Khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân xảy ra, thành phố Huế đã hầu như bị tràn ngập và nhuộm đỏ bởi một lực lượng trên sư đoàn của địch, ngoại trừ hai điểm kháng cự còn tồn tại là Bộ Tư Lệnh SĐ1 ở Mang Cá và khu trụ sở của USAID.

Nhờ tất cả các Sĩ quan của Bộ Tham Mưu SĐ1 đương nhiên đều theo gương vị Tư Lệnh vào ngủ trong trại đầy đủ, nên họ đều tránh được không bị Cộng sản bắt đi và rồi sẽ chết trong các nấm mồ tập thể, nếu họ ở nhà ăn Tết, tương tự nhiều đơn vị ở các vùng khác khi các vị Chỉ huy cao cấp đều bỏ về nhà ăn Tết với gia đình. Tôi đã gặp nhiều sĩ quan tham mưu của SĐ1 hễ gặp tôi, đều bộc lộ với giọng nói ngưỡng mộ và đầy biết ơn là nhờ Tướng Trưởng hễ cắm trại là vào Bộ Tư Lệnh ngủ, nên bọn tôi mới thoát chết. Cái ơn đó bọn tôi không bao giờ quên.

Về mặt phòng thủ căn cứ, nhờ công sự kiên cố nên một số nhỏ cộng quân lọt vào được sân cờ Bộ Tư Lệnh SĐ1, đều đã bị bắn hạ và đêm đó Tướng Trưởng đã trở lại vai trò quen thuộc mà ông đắc ý và thú đó là lại cầm súng chỉ huy Bộ Tham Mưu và Đại Đội Tổng Hành Dinh, trực tiếp giao chiến với địch, để bảo vệ Mang Cá. Tôi nghĩ không vai trò nào thích hợp với ông hơn và cũng là vai trò ông đã chứng tỏ vừa dũng cảm lại vừa thể hiện được tài điều quân của ông.

Tiểu đoàn 5 Dù, do ông Chỉ huy khi khởi đầu binh nghiệp, đã được coi là một Tiểu đoàn thiện chiến bậc nhất của Sư Đoàn Dù, với cái truyền thống nổi tiếng là hễ hô xung phong vị Tiểu Đoàn Trưởng là người đứng thẳng dậy vừa bắn vừa xung trận. Tướng Trưởng hồi còn giữa tiểu đoàn đã nhiều lần bị thương nặng tưởng đã mất mạng, và ông còn nổi tiếng đối với người Mỹ, vì thành tích là quả cảm bò vào vòng lửa đạn để đích thân kéo vị cố vấn Trưởng đã bị thương gục ngã, một hành động mà quân đội Mỹ luôn đề cao và khâm phục ở bất cứ chiến binh nào của họ và đồng minh và được coi là sự can trường trong lửa đạn vượt lên trên tất cả các đòi hỏi của bổn phận.

Thế là tôi đã thuật lại một số những giai thoại về Tướng Trưởng tôi sưu tập và còn nhớ được cho các anh Bảo Minh và các bạn cà phê nghe, và tôi nghĩ chắc nhiều người, nhất là các vị chưa hề mặc áo lính, trước chỉ làm các công việc hành chánh ở hậu phương, sẽ có ý kiến thắc mắc. Ồ, tưởng tài điều quân lỗi lạc kiểu như Khổng Minh hay Tư Mã Ý mới đáng đề cao chứ vài thủ thuật linh tinh, quan tâm đến củng cố các hệ thống phòng ngự hay việc vệ sinh ẩm thực của binh sĩ, thời đúng ra chỉ cần một vị Thượng Sĩ già Đại Đội cũng làm được, và tại các đại đơn vị thời chỉ cần một vị Chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh tận tâm chịu khó đốc thúc lính, chả cần đến một ông Tướng Tư Lệnh một Đại Đơn Vị, và thật ra những chuyện xuất sắc nhỏ đó đâu có chứng tỏ được tài lãnh đạo của một vị Tướng ?

Sự phản bác loại đó, tôi đã có được nghe từ một số bạn chưa bao giờ mặc Quân phục, mới nghe cũng có vẻ có lý, ngoại trừ họ quên mất tác động và ảnh hưởng lớn nhỏ khác nhau của những quan tâm đến sự sạch sẽ của một công sự hay cái ăn cái uống của binh sĩ, giữa một vị Thượng sĩ Đại đội và một vị Tư Lệnh Quân Đoàn. Nếu một ông Thượng sĩ già tận tâm thời chỉ làm tốt cho một số khoảng một trăm binh sĩ, nhưng nếu một vị Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn hễ cứ đến thăm một Trung Đoàn là xộc xuống thanh tra các công sự phòng thủ, thời tất cả các Trung Đoàn Trưởng dưới quyền ông chẳng bao lâu đều đua nhau củng cố các cộng sự và giữ chúng sạch như phòng ngủ của họ. Điều đó đã xảy ra trên thực tế sau khi Tướng Trưởng một lần vừa xuống trực thăng đã xộc xuống thanh tra một công sự phòng thủ, tất cả các Bộ Chỉ Huy các Trung Đoàn trong lãnh thổ Vùng 1 đều được các đơn vị trưởng ra công củng cố. Ấy vậy mà có vị Trung Đoàn Trưởng nào coi thường các lệnh đây đó của Tướng Trưởng thời trước sau cũng bị ông lần lượt thay thế bằng các sĩ quan chiến đấu trẻ và có khả năng hơn. Quân Đoàn I hồi ông làm Tư Lệnh nổi tiếng có những Trung Đoàn Trưởng năng nổ trẻ nhất Quân đội, trong đó có Đại Tá Vàng.

Đến đây, tôi nghĩ chắc nhiều người cũng đã có thể có được một ý niệm về kỹ thuật và cung cách lãnh đạo của Tướng Trưởng. Đó là, qua những hành động mệnh lệnh biểu tượng, ông đã khiến cả một bộ máy Quân sự lớn chuyển động theo những hướng tốt mà ông muốn. Từ cái việc luôn dùng trực thăng xuống ngay giữa trận địa khi có giao tranh để động viên binh sĩ, đến chuyện đội cái mũ sắt suốt ngày trên đầu, đến chuyện đòi hỏi các phòng vệ sinh các Tổng Y Viện sạch sẽ tinh tươm, ông đã tạo được một huyền thoại và được lính thương và rồi sau cùng đặt tất cả tin tưởng gần như tuyệt đối vào khả năng điều quân của vị Tư Lệnh của họ. Sự tin cậy tạo thành cái nền tảng quan trọng nhất, tạo thành tinh thần chiến đấu chung. Không có gì ngạc nhiên không bao lâu sau khi ông được bổ nhiệm Tư Lệnh SĐ1, sau vụ gọi là Phật giáo miền Trung, ông đã biến đổi hẳn Sư Đoàn này thành một đơn vị tinh nhuệ được xếp hàng đầu trong các đại đơn vị của quân đội. Phía MACV và các nhà phóng viên quốc tế vốn rất khó tính với hiệu năng tác chiến của các đơn vị của Quân đội VNCH, đã phải khen thành thật là SĐ1 do Tướng Trưởng chỉ huy đã trở thành một đại đơn vị có tổ chức và tinh thần chiến đấu rất chuyên nghiệp, e cũng không thua bất cứ đại đơn vị tinh nhuệ nào của Quân đội Hoa Kỳ. Đến đây, tôi nghĩ tôi đã thuật lại một số giai thoại mà tôi biết về Tướng Trưởng, với mục đích chứng một cách nào đó cái cung cách lãnh đạo rất hữu hiệu và phải nói cũng rất độc đáo của ông. Chắc nhiều anh em quân đội đã từng phục vụ dưới quyền ông ở nhiều đơn vị khác, suốt trong một binh nghiệp lừng lẫy của ông, đã có thể cũng nhớ nhiều giai thoại lý thú khác về ông, mà nếu được viết ra chắc cũng cho nhiều người quan tâm muốn tìm hiểu sâu hơn về tài hay nghệ thuật lãnh đạo của một vị danh Tướng, sẽ có được những tài liệu mới thật cần thiết cho việc đánh giá một cách chính xác hơn sự đóng góp của một vị Tướng đã ghi những dấu ấn thật sắc nét và khó quên trong lịch sử của cuộc chiến bảo vệ miền Nam.

Trong một bài tới, tôi sẽ xin phép được đưa ra vài nhận xét thuần túy Quân sự về tài điều quân của Tướng Ngô Quang Trưởng mà tôi nghĩ cũng sẽ là một phần không thể thiếu nếu muốn đề cập đầy đủ về tài lãnh đạo của một vị Tướng.



Duy Lam

ducquany
09-08-2014, 04:45 AM
Trên vùng đất của Không quân, nhân nói về Tướng Ngô quang Trưởng xin các HT pilot thuộc P Đ 253 ,233 /K Đ 51 CT của S Đ 1 KQ Đà nẵng nói về biệt tài điều khiển trực thăng UH.1 của ông .Nhất là Đ/ úy Kim bay C&C cho Tướng Trưởng.
Trong năm 1973 ,có một lần Tướng Trưởng bất ngờ đáp trực thăng đến thăm đơn vị tôi ,đang hành quân vùng Bagstone ,Mái nhà ..vừa xuống tới ông ra tuyến phòng thủ xem xét các giao thông hào ,công sự ..gặp một ông lính ngồi gát,thầy Tướng Trưởng đến ,ông lính đúng nghiêm giơ tay chào ..." Trung tá ",sau đó khi hỏi thăm về sức khỏe ,lương thực ăn uống thế nào ,ông lính nhà ta bèn khui 1 lon thịt ba lát và mời" Trung tá " ăn với em cho vui ,đừng lo vì tụi em có nhiều lắm ...( nổ cho cố,dóc tổ) .vậy mà Tướng ngồi xuống ăn một miếng rồi mới vào T.O.C nghe thuyết trình .Khi nghe kể lại Bộ chỉ huy cười bò luôn ,Tướng Trưởng nói:
- Lính của anh hạ cấp tôi đến 4 bậc thành Trung tá !!
- Thưa Tr / tướng,có lẽ ông lính đó cả đời chỉ biết đến to nhất là Trung tá mà thôi .

minhcanhbmt
09-24-2014, 01:02 AM
Trên vùng đất của Không quân, nhân nói về Tướng Ngô quang Trưởng xin các HT pilot thuộc P Đ 253 ,233 /K Đ 51 CT của S Đ 1 KQ Đà nẵng nói về biệt tài điều khiển trực thăng UH.1 của ông .Nhất là Đ/ úy Kim bay C&C cho Tướng Trưởng.
Trong năm 1973 ,có một lần Tướng Trưởng bất ngờ đáp trực thăng đến thăm đơn vị tôi ,đang hành quân vùng Bagstone ,Mái nhà ..vừa xuống tới ông ra tuyến phòng thủ xem xét các giao thông hào ,công sự ..gặp một ông lính ngồi gát,thầy Tướng Trưởng đến ,ông lính đúng nghiêm giơ tay chào ..." Trung tá ",sau đó khi hỏi thăm về sức khỏe ,lương thực ăn uống thế nào ,ông lính nhà ta bèn khui 1 lon thịt ba lát và mời" Trung tá " ăn với em cho vui ,đừng lo vì tụi em có nhiều lắm ...( nổ cho cố,dóc tổ) .vậy mà Tướng ngồi xuống ăn một miếng rồi mới vào T.O.C nghe thuyết trình .Khi nghe kể lại Bộ chỉ huy cười bò luôn ,Tướng Trưởng nói:
- Lính của anh hạ cấp tôi đến 4 bậc thành Trung tá !!
- Thưa Tr / tướng,có lẽ ông lính đó cả đời chỉ biết đến to nhất là Trung tá mà thôi .
chú đức ơi tìm cách liên lạc với chú mà khó quá.
cháu có ông cậu mất tích ở Kontum tên Nguyễn Văn Thống, cũng làm y tá, chú có nhắc tên trong một bài viết về một trận chiến ở Đà Nẵng. Chú có thông tin gì thì giúp cháu với nhé. mail của cháu: minhcanhbmt@yahoo.com +84943373377
mong tin chú

ducquany
09-24-2014, 04:39 PM
Anh Thống bị thương trong mặt trận tái chiếm Núi Bông - Đổi Nghệ 1974 đưa về QYV Nguyễn trí Phương - Huế.Từ đó không còn ở đơn vị của tôi nên cũng không biết tin tức . Tôi cũng nhiều lần cố gắng tìm lại các anh em y tá thân thương xưa ,nhưng biết rất ít tin tức ,và mới đây khoảng 1 tuần lễ ,tôi mới biết tin về anh Tr/sĩ Phúc y tá củ đã tử trận khi theo tôi trên bãi biển Thuận An tháng 03/75 .!!

minhcanhbmt
09-25-2014, 12:26 AM
Cháu xin lỗi tác giả nếu có gì không phải, vì không còn cách nào khác nên đành mượn tạm topic của chú ạ.
Ông cậu cháu tuổi mẹo, sn1951. hồ sơ mất hết không còn gì, nghe ngoại kể lại cậu làm y tá nhưng thuộc thiết giáp. lúc đầu cháu khó hiểu nhưng sau này được một chú kỵ binh giải thích nếu là sỹ quan quân y thì thuộc quân y, còn y tá thì phải theo xe thiết giáp.
Ngoại kể cậu đóng quân ở Đăko - tân cảnh, khoảng năm 1972 đơn vị rút về Phú tài, Quy Nhơn. Ngoại có lên tìm thì mấy chú bảo cậu......mất tích!
Cháu tìm hiểu lịch sử thì thời điểm đó duy nhất 1 chi đoàn thiết kỵ 1/14 do chú Giang chỉ huy thuộc sd22bb, tháng 4-72 tân cảnh thất thủ đơn vị rút về Quy nhơn, Sd23bb của chú l.t.Bá lên thay( cái này khớp với thông tin của ngoại), và cũng đi bằng xe máy qua khắp các căn cứ: đăkto, tân cảnh, Ben het, konhring, đồi charlies, chu pao, hảm rồng, thanh an... nhưng giờ thay đổi nhiều quá, toàn cao su!!!
Cháu tìm cách hỏi mấy chú thì đa phần do không xác định chính xác đơn vị nên không giúp gì được.
Có thể trùng tên nhưng nếu chú Đức có thông tin gì thì mail giúp cháu nhé.
thân chào chú, chúc chú sức khoẻ.

Trực Tính 1
09-30-2014, 11:07 PM
Thưa nhà văn Duy Lam .
Thực tình mà nói ,tôi đọc hết bài viết cũng khá dài với hy vọng thấy cái tài lãnh đạo ,chỉ huy của một vị danh Tướng .
Nhưng phải nói tôi ...hơi ..bị thất vọng ,Tôi thấy những điểm ấy cũng bình thường như một số vị cấp cao khác thôi .Có thể mỗi vị mỗi khác !Nhưng nhìn chung chưa có gì đặc sắc ,đáng nói !!Những cái vụn vặt kể trên coi như râu ria kể ra nghe vui chơi mà thôi .!
Danh Tướng thì phải có những gì xuất sắc ,nổi bật lên chứ. Như mưu kế ,điều binh trong một vài trận ,hoặc chiến dịch nào đó...vv.. Hy vọng ông gần gủi có thể biết những cái độc đáo đó mới đáng ghi ra cho xứng tầm của một danh Tướng .

Lời thẳng mất lòng . Xin thông cảm .

KQ Nha Trang
10-01-2014, 05:21 PM
Vị Tướng Của Mùa Hè Đỏ Lửa Năm 1972

NGUYỄN KỲ PHONG


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1412183731.jpg

Tháng 8, 1969: Trong một buổi thuyết trình dành riêng cho đại sứ Hoa Kỳ ở Lào, G. Mcmurtrie Godley, đại tướng tư lệnh MACV, Creighton Abrams, nói về tình hình quân sự và tình hình của các đơn vị chủ lực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Về Vùng I, tướng Abrams nói : “Chúng ta có Sư Đoàn 1 ở đây. Sư đoàn này có 17 tiểu đoàn tác chiến đây là sư đoàn loại hạng nhất; sư đoàn có những quân nhân thượng thặng trên cả nước. Đơn vị có cấp chỉ huy giỏi, từ tiểu đoàn trưởng cho đến tư lệnh sư đoàn. Người tư lệnh sư đoàn… tôi không nghĩ QĐVNCH có một người tư lệnh như ông ta tài giỏi về chiến thuật một người dẫn đầu làm gương”.

Hơn một năm sau, tháng 10 năm 1970, trong buổi thuyết trình dành riêng cho giám đốc CIA, Richard Helms, đại tướng tư lệnh phó MACV. Fredenck Weyand, nói, “Trưởng … tôi không cần phải nói nhiều về ông ta vì khả năng của ông đã đựơc biết. Từng là tư lệnh Sư Đoàn 1, nếu nói về cấp sô quân ông ta đã chỉ huy hơn 2 sư đoàn…. Lâu nay ông đã chứng tỏ được khả năng chỉ huy; không ai lung lay ông được. Từ lúc xuống coi Vùng IV, với cá tính năng động, ông đã đề ra những kế hoạch ưu tiên phải thực hiện.. ông đã đem lại nhiều phấn khởi cho Vann (John Paul Vann chỉ huy trửơng Xây Dựng và Phát Triển Nôn.Thôn Vùng IV ) và McCrown ( thiếu tướng Hal D. McCrown, cố vấn trương Vùng IV ) ngoài sức tưởng tượng.”

Người chỉ huy trưởng Sư Đoàn 1 và vị tư lệnh Quân Đoàn IV được nhắc đến, là trung tứơng Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh Quân Đoàn IV, và sau đó, Quân Đoàn I. Trung tướng Trưởng đã từ trần ngày 22 tháng 1, 2007, tại Fairfax, Virginia. hưởng thọ 77 tuổi.

Lời bình phẩm của hai vị đại tướng Abrams và Weyand, là hai trong nhiều lời bình phẩm và khen ngợi về khả năng chỉ huy của tướng Trưởng, đến từ nhiều sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ trong thời gian họ phục vụ ở Việt Nam. Một trong những lời ca tụng cao quý nhất dành cho tướng Trưởng đến từ Tham Mưu Tr­ởng Liên Quân Earl G.Wheeler. Tháng 7, 1969, trong cao điểm của chương trình Việt Nam Hóa, tướng Wheeler đến Việt Nam thăm viếng và hội thảo với đại tướng Cao Văn Viên. Khi nói về chương trình gia tăng quân số cho QLVNCH, tướng Wheeler nói ý nghĩ của ông với tướng Viên: cách gia tăng nhanh chóng sự hữu hiệu của QLVNCH là không phải tạo ta thêm nhiều đơn vị mới, mà là tạo thêm ra nhiều anh hùng trong đơn vị. Giống như ở Sư Đoàn 1, một sư đoàn đang hoạt động rất hữu hiệu. Cái quý trọng đáng nói về những lời khen ngợi này, là tất cả cuộc đối thoại nói về tướng Trưởng đều xảy trong vòng bí mật giữa các tưởng lãnh cao cấp Hoa Kỳ; họ nói về tướng Tr­ởng trong vòng kín đáo riêng tư chứ không phải những lời khen thưởng, khích lệ tinh thần ngoài công cộng. Đó là vinh dự cho một vị tướng mà theo lời của đại tướng Norman Schwarzkopf - người đã gọi tướng Trưởng là bậc thầy – “không cao lớn, không đẹp trai, không có vẽ gì là một thiên tài tài quân sự. “

Ngô Quang Trưởng sanh ngày 13-12-1929, tại Giao Thanh. tỉnh Bến Tre, trong một gia đình được coi là khá giả ở miền Nam. Sau khi hoàn tất bậc trung học ở trường Trung Học Mỹ Tho, ông gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường tháng 6 năm 1954, tân thiếu úy Ngô Quang Trưởng đậu hạng 162 trên 1148 tân sĩ quan của Khóa 4. Khóa 4 Sĩ Quan trừ Bị Thủ Đức (ra trường cùng thời gian với khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt) là một trong những khóa sĩ quan đông nhất và đào tạo nhiều sĩ quan sau này là rường cột của QLVNCH. Cùng khóa 4 với tướng Trưởng là các tướng Bùi Thế Lân, Lê Quang Lưỡng, Hồ Trung Hậu, Nguyễn Văn Điềm, Vũ Văn Giai. Những người bạn cùng khóa còn lại là những sĩ quan chỉ huy trưởng quan trọng của các sư đoàn, lữ đoàn, như Nguyễn Trọng Bảo, Liêu Quang Nghĩa, Tôn Thất Soạn, Nguyễn Thu Lương, Nguyễn Thế Lương, Hoàng Tích Thông, Lê Cảnh Dị, Phạm Hy Mai, Nguyễn Viết Cần. . . . Một số những sĩ quan nói trên hoặc đã hy sinh vì tổ quốc, hoặc đã trải qua một thời gian dài đầy cay đắng trong lao tù cộng sản chỉ vì có tội trung thành với Tổ quốc của họ.

Ra trường, tướng Trưởng chọn binh chủng Nhảy Dù và được chỉ định về phục vụ ở tiểu đoàn 5, tiểu đoàn mà chưa đến một năm trước đó đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; tiểu đoàn của đại úy Phạm Văn Phú, của những đồi Eliane, Dominique, ở Điện Biên Phủ. Trừ cấp bực đại úy được chánh phủ thăng thưởng chung cho nhiều sĩ quan có thârn niên quân vụ đến thời gian đó (l tháng 11 1961), tất cả cấp bực về sau, tướng Trưởng được đặc cách ngoài mặt trận, hay được đính thân tư lệnh chiến trường, tư lệnh quân đội vinh thăng. Vinh quang đầu tiên của tướng Trưởng xảy ra vào cuối tháng 2 năm 1964, khi tiểu đoàn 5 của Nhảy Dù đánh vào mật khu Đỗ Xá (Đỗ xá là một địa danh nằm ngay biên giới của ba tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín và Kontum), ở Vùng I. Với chiến thắng này, cố đại tương Đỗ Cao Trí (lúc thiếu tướng Trí coi Vùng I) đích thân đặc cách thiếu tá nhiệm chức cho tướng Tr­ởng. Đầu tháng 6-1964, ông được lên thiếu tá thực thụ - một cấp bực rất hiếm trong tháng năm đó cho một sĩ quan với mười năm quân vụ.

Sau cuộc đảo chánh 1 thắng 11, năm 1963, trong khi thủ đô Sài Gòn sôi sục với những biến động chính trị, thì những người quân nhân thuần túy vẫn thi hành nhiệm vụ của họ ở chiến trường. Hoạt động của cộng sản gia tăng mạnh. Với những yểm trợ vũ khí và huấn luyện của các đơn vị chánh quy xâm nhập từ miền Bắc vào. Việt Cộng bây giờ đã có đủ quân và vũ khí để đánh cấp trung đoàn nếu không nói là sư đoàn. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi phục kích và đánh thiệt hại hơn ba phần tư tiểu đoàn 4 TQLC và một tiêu đoàn Biệt Động Quân ở Bình Giả, Phước Tuy, cộng sản tụ quân lại chung quanh địa cứ đó để biểu dương lực lượng. Bộ Tổng Tham Mưu lập tức khởi động chiến dịch Nguyễn Văn Nho, cho hai tiểu đoàn Nhảy Dù, ba tiểu đoàn TQLC và một chi đoàn thiết giáp trở lại Bình Giả truy lùng các đơn vị cộng sản. Nhưng khi thấy lực lượng hùng hậu đó, các đơn vị cộng sản lẫn tránh giao tranh. Nhưng cùng lúc, theo tin tức tình báo đến từ thiếu tá Lê Đức Đạt tỉnh trưởng Phước Tuy, cộng sản sẽ đem ba cố vấn Mỹ mà họ bắt được trong trận Bình Giả trước đó, diễn hành như một chiến thắng cho dân chúng địa phương coi (trong trận Bình Giả, Hoa Kỳ có 5 tử trận, 8 bị thương, và 3 mất tích). Tin tức này cũng được MACV xác nhận: MACV cho biết máy bay thám thính xử dụng hồng ngoại tuyến đã chấm được tọa độ đóng quân của cộng sản ở chung quanh xã Bình Giả và Hắc Dịch (Bình Giả, Bình Ba, Ngãi Giao và Hắc Dịch là bốn xã tạo thành Tống Cơ Trạch.

“Tổng” là một đơn vị hành chánh cho một vài vùng lúc đó. Có nhiều sách địa lý gọi là Hắc Dịch). Với tin tức cụng cấp, Sài Gòn quyết định trở lại truy lùng các đơn vị còn lẩn quẩn chung Bình Giả thêm một lần nữa. Lần này lực lượng tân công là ba tiểu đoàn Nhảy Dù. Ngày 9 tháng 2-1965, tiểu đoàn 5 của Ngô Quang Trưởng; tiểu đoàn 6, Vũ Thế Quang; và tiểu đoàn 7, Ngô Xuân Nghị, nhảy vào Hắc Dịch. Tiểu đoàn 5 và 6 là lực lượng chánh tấn công, tiểu đoàn 7 đi sau lưng để yểm trợ và chận không cho các đơn vị cộng sản thoát ra liên tỉnh lộ 15. Theo đại tá Nguyễn Thu Lương kể lại – lúc đó là đại úy đại đội trưởng tham dự cuộc hành quân – khí tiểu đoàn 5 đã nhận ra và tiến vê mục tiêu là một ngôi làng có tên là Phước Chi, cộng sản cho đốt rừng tre và cỏ tranh trước mặt hướng tiến quân. Họ hy vọng khi lính Dù thấy lửa cháy trước mặt thì sẽ quay đầu lại tìm hướng khác tấn công … và cộng quân sẽ bất ngờ phục kích khi lính tiểu đoàn 5 đi ngược lại. Nhưng tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Trưởng không cho lính quay lại; ông ra lệnh xung phong thẳng qua thế hỏa công của địch, đánh thẳng vào bộ chỉ huy cộng sản trước mặt, ở phía sau đám lửa đốt ngụy công đó. Và kết quả của trận chiến? Theo tiểu đoàn trưởng Vũ Thế Quang, “… ông Trưởng đã đánh một trận để đời; đánh tan lực lượng Việt cộn ở Hắc Dịch. Và tên ông Trưởng được nhắc đấn nhiều từ trận đó” Theo báo chí Hoa Kỳ tường trình lại, trong trận này, tướng Trưởng và lính tiểu đoàn 5 Dù đã cứu được vị đại úy Mỹ cố vấn tiểu đoàn, Đại úy Thomas B. Throckmorton là con trai của trung tướng John L. Throckmorton, tư lệnh phó cho đại tướng William Westmoreland, đương kim tư lệnh MACV. (Cũng muốn nói thêm ở đây, tướng Trưởng hình như có duyên với những sĩ quan Mỹ cố vấn cho ông: Trong thời gian ở Sư Đoàn nhảy Dù, ba người cố vấn đều là con của tướng hay là trở thành tướng của quân đội về sau. Sau đại úy Throckmorton là thiếu tá Schwarzkopf. Thân phụ của Schawarzkopf là chuẩn tướng; và chính ông thì trở thành đại tướng. Sau Schwarzkopf là thiêu tá Guy S. Meloy, III. Cha của

Meloy lúc đó là đại tướng ở Mỹ; và Meloy sau này cũng trở thành một vị tướng, coi Sư Đoàn 82 Nhảy Dù trước khi về hưu.)

Nhưng cũng theo đại tá Quang, chiến thắng của Nhảy Dù, của tiểu đoàn 5, không được báo chí loan tin, hay nhắc đến rầm rộ, vì những biến động chính trị ở Sài Gòn đã lấy đi tất cả sự chú ý lúc đó. Nhận định và quan sát của đại tá Quang về chiên thắng bị bỏ quên của tướng Trưởng không xa sự thật. Tháng 2 của năm 1965 là một tháng đầy biến động ở miền Nam: Tướng Nguyễn Khánh vừa bị Hội Đồng Quân Nhân hạ bệ và muốn ông ta rời khỏi Việt Nam; nội các của thủ tướng Trần Văn Hương thay đổi nhân sự tới lui và có thể bị thay thế. Năm 1964-65 là năm mà trung úy TQLC Trần Ngọc Toàn – người đã thoát chết trong trận Bình Giả – gọi là năm của những sĩ quan cao cấp ngồi ở nhà tranh luận và bảo vệ vị thế chính trị cá nhân, trong khi các sĩ quan cấp nhỏ thì đang chết ở chiến trường bảo vệ họ; năm 1964-65 có nhiều đảo chánh – hay tin đồn đảo chánh – đến độ tác giả Nhảy Dù Phan Nhật Nam, khi cho người lính trong trung đội văng mặt một chút, nhưng căn dặn phải trở lại đơn vị ngay “khi nghe nhạc đảo chánh trổi lên trên đài phát thanh.” Trong khi tờ tường trình về chiến thắng Hắc Dịch chưa kịp gởi về Hoa Thịnh Đốn, thì Hoa Thịnh Đốn đã quan tâm, lo lắng, về những thiệt hại ở trận Bình Giả, và họ chuẩn bị gởi quân tác chiến qua Việt Nam, dựa vào tờ tường trình của CIA gởi về Hoa Thịnh Đốn hai tuần trước. Nhưng cũng có thể, trong tuần lễ thứ nhì của tháng 2 năm đó, QLVNCH đang hân hoan về một chiến thắng khác lớn hơn, quan trọng hơn: ngày 16 tháng 2. ở Vũng Rô, Phú Yên, Không Quân VNCH đã đánh chìm một chiếc tàu sắt, chở hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào tiếp tế cho cộng sản ở miền Nam. Với số vũ khí tịch thu được ở Vũng Rô, sự quên lãng của báo chí về trận Hắc Dịch có thể hiểu được.

Chưa nhạt mùi thuốc súng ở Vùng III, tháng 3-1965, tướng Trưởng đem tiểu đoàn trở lại Vùng I đánh trận Thăng Bình. Chiến thắng ở Thăng Bình có sự quan sát của một sĩ quan sau này trở thành đại tướng: Norman Schwarzkopf. Tướng Schwarzkopf lúc đó là thiếu tá cố vấn của tiểu đoàn. Hai mươi năm sau, sau khi cuộc chiến đã tàn; miền Nam đã thất thủ, tướng Schwarzkopf vẫn không quên ấn tượng ông thấy, và bài học ông học được về lối điểu binh của tướng Trưởng. Năm 1995 khi tướng Schwarzkopf trở lại Việt Nam thăm chiến trường cũ, ông có thực hiện một chương trình truyền hình cho một hãng thông tấn. Chiếu lại địa hình của trận Thăng Bình ông nói, khi tiêu đoàn lọt vào địa cứ của cộng sản, quân địch tràn ra đánh. Tiêu đoàn 5, dù bị thiệt hại, nhưng họ chấp nhận và tiếp tục xung phong và chiếm được mục tiêu…. Lính của tướng tTrưởng đánh như để thử thách đối phương; để chứng tỏ họ không sợ đối phương (trong trận này, y sĩ tiêu đoàn là bác sĩ Đỗ Vinh bị tử trận. Bệnh viện Nhảy Dù Đỗ Vinh là tên của vị y sĩ này). Nhưng sự khâm phục của một vị tướng tương lai không quan trọng bằng sự hài lòng của một vị tướng đang quan sát mặt trận: thiếu tướng Nguyên Chánh Thi đang là tư lệnh Vùng I. Với tiểu đoàn chiến thắng là tiêu đoàn cũ của mình 10 năm trước (tướng Thi coi tiều đoàn 5 Nhảy Dù tháng 5-1955), tướng Thi đặt cách cho tướng Trưởng lên trung tá.

Lên trung tá trong những năm của thập niên 1960 là niềm vui một sự hãnh diện, nếu người đó không còn thích làm tiều đoàn trưởng hay thích đi tác chiến. Vào thời đó, tiểu đoàn trưởng -commandant; chef de bataillon; hay chef d’escadron – chỉ là thiếu tá. Trên thiếu tá thì . . . phải đi tìm một việc khác! Lên trung tá, tướng Trưởng được gọi về làm tham mưu trưởng sư đoàn. Nhưng làm về tham mưu không phải là việc làm tướng Trưởng thích. Và ông để lộ ra ý nghĩ đó vài tháng sau, khi được chỉ định làm tư lệnh phó sư đoàn Nhảy Dù.

Giữa tháng 5 năm 1966 một biến cố xảy ra làm thay đổi cuộc đời của tướng trưởng. Những biến động đồn dập ở miền Trung gây ra nhiều sự lo âu cho chính quyền trung ương Sài Gòn. Sài Gòn thay sáu tư lệnh Vùng I trong ba tháng, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Hội Đồng Quân Nhân quyết định dùng quân đội để tái lập trật tự. Tướng Trưởng, đang là tư lệnh phó Nhảy Dù, dưới quyền chỉ huy của tướng Cao Văn Viên và đại tá Nguyễn Ngọc Loan đem năm tiểu đoàn Nhảy Dù và TQLC ra Vùng I để tái lập trật tự. Sau cuộc hành quân biểu dương thẩm quyền trung ương, tướng Trưởng được thăng chức đại tá. Từ giai đoạn này đến ngày tướng Trưởng rời binh chủng Nhảy Dù để về làm tư lệnh sư đoàn 1, chúng ta không biết chuyện gì xảy ra – về phương diện tài liệu có được. Chúng ta không biết tướng Trưởng bị hay đựơc chỉ định thay thế chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Sau khi tướng Nhuận và một số sĩ quan cao cấp của Vùng I bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Theo những người quen với tướng Trưởng kể lại tướng Trưởng đã lưỡng lự tạm thời nhận thức tư lệnh một sư đoàn bộ binh vì ông không muốn rời màu áo của lính Dù. Tướng Trưởng từ Sài Gòn đi máy bay ra Huế để nhận nhiệm sở mới. Và để giới thiệu với đơn vị mới cùng người dân địa phương mình là lính Dù, tướng Trưởng nhảy dù xuống Huế để nhận nhiệm sở. Nhưng nhảy dù biểu diễn đôi khi có nhiều rũi ro hơn là nhảy dù vào trận địa. Ngày hôm đó chắc trẻ con và dân chúng Huế ở hai bên bờ sông sẽ reo hò thích thú khi thấy một người lính Dù đáp xuống nước giữa sông Hương! Theo lời đại tá Tôn Thất Soạn, lúc đó đang cùng đại tá Nguyễn Thanh Yên chỉ huy các đơn vị TQLC đang có mặt ở Huế, một chiếc thuyền máy chờ sẳn trên sông chạy đến vớt tướng Trưởng lên. Tử sông Hương, TQLC dùng hai xe Jeep hộ tống tướng Trưởng vào thành nội Huế để nhận chức tư lệnh đầu tiên của ông.

Trong thời gian chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh, tướng Trưởng được nhiều sĩ quan Hoa Kỳ chú ý. Trong hồi ký A Soldier Reports, Westmoreland nói ông nhận được nhiều báo cáo tốt về Sư Đoàn 1 và người tư lệnh. T­ớng Westmoreland đi xa hơn khi ông viết, “nhiều tướng lãnh nói cho tôi biết họ tin vào khả năng của tướng Trưởng đến độ họ nghĩ ông có thể chỉ huy một sư đoàn lính Mỹ được”. Năm 1999 khi tác giả Lewis Sorley cho ra tác phẩm A Better War , và sau đó năm 2004, The Abrams Tapes, chúng ta mới đọc đ­ợc nhiều lời bình phẩm về tướng Trưởng giữa các tướng lãnh cao cấp Mỹ ở bộ tư lệnh MACV. Lý do phải chờ những cuốn sách nói trên ra đời để biết thêm những nhận định về tướng Trưởng, là vì phần lớn những nhận định xảy ra trong những cuộc đàm thoại bí mật ở MACV. Hai tác phẩm của nhà quân sử Sorley phần lớn dựa vào những tài liệu giải mật của bộ tư lệnh MACV.

Tướng Trưởng được thăng chức chuẩn tướng khi về chi huy Sư Đoàn 1. Sau trận Mậu Thân 1968, tổng thống Thiệu thăng cấp tướng cho một số tướng lãnh – một số tướng vì có công trạng, và một số tướng được thăng chức để củng cố thế lực của tổng thống Thiệu trong quân đội. Chuẩn tướng Trưởng có tên trong danh sách được thăng thưởng. Tướng Trưởng mang lon thiếu tướng vào mùa thu năm 1968. Mùa xuân năm 1970, khi QLVNCH chuẩn bị đánh qua Cam Bốt, trong một lần nói chuyện giữa tổng thống Thiệu và đại tướng Abrams, ông Thiệu nói với tướng Abrams là ông muôn thay đổi một số tư lệnh sư đoàn và quân đoàn và theo ý kiến của tướng Abrams thì ai xứng đáng cho những chức vụ tư lệnh mới. Đại tướng Abrams nói ông không hiểu hay biết nhiều về tâm lý người Việt Nam. Nhưng với tất cả sự thiếu hiểu biết của một nư­ời Mỹ, ông nghĩ tướng Trưởng là người xứng đáng nhất; một người tướng có khả năng về mọi mặt, nhất là về bình định nông thôn, một một chương trình mà chính phủ VNCH cần phải thực hiện nhanh.

Trước đó, trong một lần nói chuyện với đại tướng Cao Văn Viên, tướng Abrams có so sánh lối chỉ huy của tướng Trưởng với lối chỉ huy của một vị tướng tư lệnh sư đoàn khác cũng có khả năng như tướng Trưởng. Nghe xong, tương Viên giải thích cho t­ớng Abrams về sự khác biệt giữa hai ông tướng: khi tướng Trưởng ra một quân lệnh nào đó, ông sẽ đích thân đi ra các cấp đơn vị từ nhỏ đến lớn đê coi lệnh của ông có được thi hành không; trong khi người tương kia thì chỉ để cho sĩ quan dưới quyền hành sự. Sau này, qua những gì sĩ quan báo cáo lại; Tướng Abrams nghĩ nhận xét của đại tướng Viên là đúng. Và sau này, vào năm 1972, khi tướng Trưởng ra chỉ huy Vùng I, hai người cố vấn Mỹ ở quân đoàn đều thấy lối làm việc của tướng Trưởng: quân lệnh lúc nào cũng đi kèm với sự hiện diện của ông ở mọi cấp của đơn vị. Trong khi tổng thông Thiệu còn đang lưỡng lự với quyết định chọn lựa các tư lệnh quân đoàn, thì một biến cố xảy đến bắt ông phải quyết định: Ngày 20 tháng 5-1970, thiếu tướng Nguyễn Viết

Thanh, tư lệnh Vùng lV bị tử nạn trực thăng trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Tổng thống Thiệu bổ nhiệm thiếu tướng Ngô Dzu thay cố trung tướng Thanh ở Vùng IV. Nhưng chỉ ba tháng sau, vì một lý do nào đó, tổng thống Thiệu đưa tướng Dzu lên coi Vùng II, và chỉ định thiếu tướng Trưởng về Vùng IV.

Vùng IV tương đối được yên tỉnh trong thời gian tướng Trưởng ở Vùng IV. Trong thời gian này ông đã khích động tinh thần của binh chủng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân – một binh chủng cho đến thời gian đó gần nư­ bị bỏ quên trong cấp số của QĐVNCH. Ông cố gắng hiện đại hóa bỉnh chủng này, và tuyên bố, trên đường dài của cuộc chiến, nghĩa Quân và Địa Phương Quân sẽ là lực lượng rường cột của quân đội trên đường dài. Mùa hè năm 1972 chứng minh nhận định của tướng Trưởng: tướng cao điểm của cuộc tổng tấn công vào miền Nam, từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 10 tháng 6, các đơn vị chủ lực của QLVNCH bị thiệt hại 23 ngàn quân so với 14 ngàn của nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Phần lớn 14 ngàn thương vong này xảy ra ở Vùng IV. Trong thời gian ở Vùng IV, ông cũng phát động nhiều cuộc hành quân vào các chiến khu mà từ trước được coi là vùng bất khả xâm phạm của cộng quân. Đầu năm 1971, ông ra lệnh cho trung đoàn 33/ Sư Đoàn 21, vào chiếm chiến khu U Minh Thượng và lập nhiều đồn bót ở đó. Khi đại sứ Bunker xuống viếng thăm, ông hỏi tướng Trưởng sẽ định đóng quân ở mật khu U Minh Thượng đó bao lâu, “ở lại luôn”, tướng Trưởng trả lời. Ngoài mật khu U Minh Thượng, hai Sư Đoàn 7 và 9 của quân đoàn cũng tấn công và thiết lập sự hiện diện thường trực ở các mật khu Thất Sơn, Đầm Dơi, và Đồng Tháp.

Nhưng sự bình yên của Vùng IV không kéo dài để tướng Trưởng hưởng thụ những thành quả, hay tiếp tục thực hiện những kế hoạch mà ông dự định cho Vùng IV. Mùa xuân năm 1971 ông nghe ngóng tin tức của cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào với nhiều lo lắng. Năm đó ông cũng rất buồn khi tiễn đưa một chỉ huy trưởng cũ ra đi vĩnh viễn: trung tướng Đỗ Can Trí, cựu tư lệnh Nhảy Dù bị tử nạn trực thăng vào ngày 23 tháng 2-1971, trong khi chỉ huy quân của Vùng III đánh qua Cam Bốt lần thứ hai. Ngoài tướng Trí, ông cũng mất một số bạn bè Nhảy Dù ở Hạ Lào.

Thứ Năm ngày 30 tháng 3-1972, cộng sản tấn công qua vùng quân sự ở Vùng I. Vài ngày sau, các cuộc tổng tấn công cũng bắt đầu Ở Vùng II và III. Ở Vùng IV, cộng quân đã có nhiều hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng công kích từ giữa tháng 3. Theo lởi tướng Trưởng kể lại, trong suốt tháng 4, cộng quân tấn công vào 5. 6 tỉnh của Vùng IV, nhưng các cuộc tấn cộng không đủ mạnh để gây lo lắng cho QLVNCH như họ đang lo lắng cho ba Vùng còn lại, nhất là Vùng I. Ngày 2 tháng 5-1972. Quảng Trị thất thủ. Ngày hôm sau, 3 tháng 5, tông thống Thiệu triệu tập các tư lệnh Vùng về họp ở dinh Độc Lập. Trong buổi họp tổng thống Thiệu chỉ định thiếu tướng Trưởng ra thay tướng Hoàng Xuân Lãm ở Quân Đoàn I với chức trung tướng tư lệnh Quân Đoàn. Đúng một tuần sau tổng thông Thiệu chỉ định thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn – đang là tư lệnh phó cho tướng Trưởng – về thay trung tướng Ngô Dzu ở Quân Đoàn II.

Tướng Trưởng bay ra Huế cùng ngay nhận được lệnh. Khi đến Huế thì tình hình Vùng I đã bi quan rồi. Chúng ta có thể thay chữ bi quan bằng chữ bi đát ở đây. Ngày hôm sau, ông ra lệnh lập bộ tư lệnh tiền phương của Quân Đoàn ở hướng bắc thành phố Huế. Đồng thời ông ra lệnh tất cả các quân nhân đang đi lạc khỏi đơn vị, hay không còn đơn vị đê trở về, phải tìm cách trình diện thẩm quyền quân sự lập tức. Mọi sự bất tuân th­ợng lệnh sẽ bị trừng phạt ngay tại chỗ. Sau khi phân chia vùng trách nhiệm tác chiến cho các đơn vị đã được ổn định, tướng Trưởng tái huấn luyện, tái trang bị lại cho các đơn vị bị tan rã một tháng trước đó. Trong khi chờ đợi các đơn vị hoàn phục sức tác chiến, ông xử dụng hỏa lực của hải quân và không quân Hoa Kỳ để phá hủy các điểm tập trung quân của cộng sản. Trong tháng 5, sau khi được Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho hai lữ đoàn Dù, tướng Trưởng bắt đầu chuyển từ thế phòng thủ qua thế tấn công giới hạn. Tấn công giới hạn ở đây có nghĩa là ông dùng trực thăng vận để bất thần đột kích sau lưng những đơn vị cộng sản.

Với không vận cung cấp từ TQLC Hoa Kỳ, tướng Trưởng cho những tiểu đoàn của TQLC và Sư Đoàn 1 đột kích sau lưng địch. Hai tiểu đoàn của lữ đoàn 369 nhảy vào Hải Lăng; Lữ đoàn 147 vừa đổ bộ bằng tàu lên Mỹ Thủy, vừa đổ bộ bằng trực thăng vào Cổ Lũy. Sau những lân đột kích như vậy, TQLC hoàn tất nhiệm vụ và trở lại tuyến bạn một cách an toàn. Cùng lúc, Sư Đoàn 1 bất thần nhảy vào chiếm lại căn cứ hỏa lực Bastogne, rồi từ đó chiếm lại luôn căn cứ Checkmate. Đây là hai cao điểm quan trọng bảo vệ hướng tây nam của Huế. Cuối tháng 5, Sài Gòn cho tướng Trưởng thêm lữ đoàn 1 Dù. Như vậy Vùng I bây giờ có được hai sư đoàn tổng trừ bị đủ và ba sư đoàn bộ binh thiếu. Tình hình cuối tháng 5 ở Vùng I sáng sủa hơn hai tháng tr­ớc. Ngày 28 tháng 5, trước cửa Ngọ Môn Huế, tướng Trưởng chứng kiến người bạn cùng khoá, đại tá TQLC Bùi Thế Lân, được tổng thống Thiệu gắn cho ngôi sao chuẩn tướng trên vai. Để đáp lại sự khen thưởng đó, tướng Lân thề sẽ lây lại Quảng Trị.

Cuối tháng 6, khi thấy mình có đủ quân và khả năng để lây lại Quảng trị, ông soạn thảo một kế hoạch và trình về Sài Gòn; cùng lúc ông cho MACV một bản sao của kế hoạch hành quân. Vài ngày sau, trước khi Sài Gòn trả lời, MACV đã trả lời nói với ông là chưa đến lúc. MACV đề nghị ông tiếp tục đột kích và chờ một thời gian nữa. Thất vọng vì kế hoạch không được chấp nhận, Tướng Trưởng bay về Sài Gòn đích thân tường trình kê hoạch cho tổng thống Thiệu. Theo những gì tướng Trưởng viết lại trong tác phẩm The Easter Offensive of 1972, sau khi nghe kế hoạch của ông, tổng thống Thiệu – cũng có thái độ như MACV – ra lệnh cho ông chờ thêm một thời gian nữa. Trong lúc này chỉ nên tấn công phá rối và đột kích như đang làm. Bực tức trong sự yên lặng, tướng Trưởng gom bản đồ lại và bay trở về bộ tư lệnh. Sau một đêm mất ngủ, sáng sớm hôm sau ông gọi điện thoại cho trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Thiệu, ông nói: “tôi sẽ không đệ trình thêm một kế hoạch nào nữa. Nếu họ muốn tôi thi hành ra sao thì nên đưa cho tôi một bản kế hoạch bằng tiếng Việt và tôi sẽ thi hành”. Những chữ nghiêng trong câu trích dẫn là do người viết đánh dấu. Người viết muốn nhấn mạnh những chữ đó, vì đây là một câu nói bí mật, khó hiểu. Phải chăng người Mỹ đã làm áp lực với tổng thống Thiệu và không cho tướng Trưởng đánh trong thời gian đó, hay đánh theo ý của QLVNCH?

Qua những tài liệu của MACV được giải mật sau này, trong khoảng thời gian từ 1 đến 24 tháng 6, tình hình Vùng I và tên của tướng Trưởng được nhắc đến nhiều lần. Những tài liệu mật cho thấy MACV không nói gì đến kế hoạch phản công chiếm lại Quảng Trị, nhưng có vài đoạn chúng ta đọc thấy MACV và chính tướng Abrams lo ngại Quân Đoàn I không đủ quân để thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng như vậy. Trong tập hồ sơ giải mật do sử gia Sorley soạn thảo – và tướng Trưởng cũng ghi những chi tiết tương tự trong tác phẩm của ông – đến giữa tháng 6-1972, Quân Đoàn I chỉ có hai sư đoàn TQLC và Nhảy Dù là đủ cấp số và khả năng tác chiến. Các đơn vị cơ hữu còn lại của Quân Đoàn – ba sư đoàn bộ binh 1. 2. 3; Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, và Liên Đoàn 1 BĐQ – chỉ còn một-phần-ba cấp số và khả năng tác chiến nguyên thủy. Sư đoàn 3 chỉ còn hai tiểu đoàn tác chiến được; bốn tiểu đoàn thì đang được tái trang bị và bổ xung.

Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ mất hơn 200 xe tăng và thiết vận xa; 10 tiêu đoàn pháo binh cần phải được trang bị lại 100% Trong một buổi họp ở MACV ngày 18 tháng 6 (hai ngày sau khi tướng Trưởng đề nghị kế hoạch tái chiếm Quảng Trị), một sĩ quan sau khi tường trình về tình hình các đơn vị ở Vùng I, nói tướng Trưởng cần phải có hơn hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC nếu muốn tái chiếm Quảng Trị; ông không biết số quân cần thêm đến từ đâu nhưng phải có nếu tướng Trưởng muốn thực hiện kế hoạch hành quân. Cũng trong buổi họp này, sĩ quan thuyết trình nói đến vấn đề tiếp liệu đạn đại bác cho Vùng I. Đại bác 105 ly được giới hạn lại 20 quả cho một khẩu/một ngày; trong trường hợp cần thiết 40/ngày. Nếu bắt đầu chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, pháo binh có thể xài 120 viên, và có thể 180 vlên khẩu/một ngày.

… Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có khó khăn trong việc tiếp tế. Về tướng Abrams, chúng ta đọc được sự lo ngại của ông về hỏa lực phòng không của địch, nhất là loại hỏa tiễn địa không SA-7. MACV cho biết địch bắn 14 quả SA-7 và hủy diệt 6 phi cơ. Tướng Abrams nói ông nhấn mạnh với Tướng Trưởng về sự nguy hiểm của loại hỏa tiễn địa không mới, vì tướng Trưởng sẽ dùng nhiều trực thăng vận cho cuộc đổ bộ tái chiếm. (Sự lo sợ của tướng Abrams không phải không có lý. Vì chỉ một tháng sau, trong cuộc độ bộ xuống Triệu Phong nằm trong khuôn khổ cuộc hành quân chiếm lại Quảng Trị, hai chiếc trực thăng CH-53 chở quân tiểu đoàn 1 TQLC của trung tá Nguyễn Đăng Hòa bị hỏa lực phòng không địch bắn rơi. Một trong hai chiếc bị SA-7 bắn nổ tung trên trời. Thiệt hại quân là hơn 100 tử thương từ hai chiếc). Đó là tất cả những gì chúng ta biết về MACV và tướng Trưởng vis-a-vis cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị. Dĩ nhiên đó là những gì đã được giải mật; những gì chưa được giải mật chúng ta chưa biết đ­ợc.

Chín giờ sáng hôm sau tổng thống Thiệu gọi điện thoại và yêu cầu tướng Trưởng trở lại trình bày lại kế hoạch một lần nữa. Lần này tổng thống Thiệu chấp nhận kế hoạch hành quân tái chiếm Quảng Trị của tướng Trưởng. Hành quân Sóng Thần 72 sẽ bắt đâu ngày 28 tháng 6, 1972.

Theo tướng Trưởng, kế hoạch tái chiếm Quảng Trị rất “đơn giản”: từ ngày 10 đến ngày 18, trong khi hai Sư đoàn 2 và 3 bộ binh ở lại lo bảo vệ và phòng thủ, Sư đoàn 1 tấn công về hướng tây, Nhảy Dù và TQLC đánh nhích qua sông Mỹ Chánh vài cây số thăm dò khả năng phản cự của địch. Từ 19 đến 27 tháng 6, với sự giúp đỡ của không và hải vận Mỹ, hai sư đoàn tổng trừ bị làm bộ nhảy vào Cam Lộ và Cửa Việt. Và hai ngày trước khi thật sự tiến quân, hỏa lực từ Không và hải Quân và B-52 sẽ dọn bãi và san bằng những điểm kháng cự khả nghi. Ngày 28, Nhảy Dù đánh bên trái, mục tiêu là La Vang; TQLC đánh bên phải, mục tiêu là Triệu Phong. Quốc lộ 1 là trục làm chuẩn của hướng tiến quân. Nhảy Dù là lực lượng có trách nhiệm chiếm thành phố Quảng Trị. Những ngày đầu của cuộc hành quân, Dù và TQLC đánh chậm nhưng đi được. Trừ một vài trận đụng độ mạnh cấp trung đoàn với địch ở những lớp phòng thủ vòng ngoài . . . địch rút dần theo đà tiến của chúng ta.

Nhưng càng đi gần về bờ sông Thạch Hãn, sức chống cự của dịch càng mãnh liệt hơn. Đầu tháng 7, khi quân Nhảy Dù đến ngoại ô thành phố Quảng Trị, cộng quân từ chối rút: Cổ thành Quảng Trị là cứ điểm kháng cự cuối cùng – đến người cuối cùng; viên đạn cuối cùng – của cộng quân. Chẳng những địch quyết tâm tử thủ, họ còn viện quân thêm từ ngoài vào để củng cô thêm hang phòng thủ. Để chận đường tiếp liệu, tiếp quân của địch, tướng Trưởng ra lệnh cho một tiêu đoàn TQTC trực thăng vận vào một địa điểm ở hướng đông bắc của thành phô để ngăn chân hướng tiếp tế của địch … nhưng TQLC bị bộ binh và thiết giáp của địch chân đứng ngay nơi họ đổ bộ. Nhưng sau khi chỉnh đốn, lính tiểu đoàn 1 của Nguyễn Đăng Hòa chẳng những bám được địa điểm đổ quân, họ còn gom địch ngược về hướng tây (về h­ớng Cổ Thành). Đến ngày 14, TQLC thành công cắt được đ­ờng liên lạc tiếp tế 560 của địch. Hơn 50 ngàn quân của địch ở Quảng Trị bây giờ chờ gạo từng ngày.

Cuối tháng 7, các cuộc tấn công của Nhảy Dù hết hơi: Cách bức tường Cổ Thành Quảng Trị chừng 200 mét, lữ đoàn 2 của đại tá Trân Quốc Lịch “hết xăng”. Tướng Trưởng thông cảm cho lực lượng Nhảy Dù: Những trận đánh đấm máu ở Võ định, Tân Cảnh, ở Quân Đoàn II đã làm lữ đoàn 2 bị móp. Cộng thêm vào đó là sự cương quyết tử thủ của cộng quân. Không cần phải nghe Sài Gòn nhắc, tướng Trưởng biết Cổ Thành bây giờ là một mục tiêu chính trị; một biểu tượng chính trị cho hai phía VNCH và cộng sản Bắc Việt ở Paris (lúc này cộng sản đã trở lại bàn hội nghị), ở trên đầu môi chót lưỡi của mọi người dân hai phía. Trong tác phẩm của ông, tướng Trưởng nói ông không còn chọn lựa nào khác: Đánh không vào được, hay bao vây chung quanh, hay đi vòng qua Cổ Thành chiếm các mục tiêu khác, rồi sau đó trở lại chiếm Cổ Thành trong một thời gian khác, cũng không được; cũng bị giải thích là thua. Chỉ có Cổ Thành nằm trong tay VNCH thì mới gọi là thắng.

Ngày 27 tháng 7-72, tướng Trưởng thay Nhảy Dù bằng TQLC. “Mục tiêu vẫn như cũ; chỉ thay đổi vùng trách nhiệm,” Tướng Trưởng viết. Nhận được lệnh, thiếu tướng Bùi Thế Lân dung hai lữ đoàn 147 và 258 TQLC quyết tâm đánh chiếm Cổ Thành. Tám tiểu đoàn tác chiến và một tiểu đoàn pháo binh TQLC bỏ ra hơn 50 ngày để hoàn tất nhiệm vụ. Theo lời kể của đại tá Ngô Văn Định, lữ đoàn trưởng 258, đến ngày 16 tháng 9, khi quốc kỳ VNCH tung bay trên kỳ đài Cổ Thành, TQLC đã mất trên 3500 tử thương, và hàng ngàn quân nhân khác bị thương. Với sự thiệt hại đó câu nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” nói lên thật nhiều ý nghĩa.

Cuối năm 1972, cuộc chiến Việt Nam đã đến thế cờ tàn trên

ván cờ chính trị quốc tế: hơn bốn tháng sau, ngày 27 tháng 1-1973, VNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là ký vào hiệp định ngưng bắn; tự ký vào một bản án tử hình cho chính mình. Tuyến đầu Vùng I của tướng Trưởng bị áp lực thường xuyên từ mùa thu năm 1974. Không còn lo sợ không lực của Hoa Kỳ, cộng sản rãnh tay kiến tạo hệ thống tiếp liệu của họ: đ­ờng “mòn” Hồ Chí Minh bây giờ là một xa lộ với những quán ăn như “Quán ăn Trường Sơn”. Phi trường Khe Sanh trở thành một căn cứ hỏa tiễn SAM của địch. Trực thăng Bắc Việt có thể đáp ở phi trường Vĩnh Linh, bên kia bờ sông Bến Hải, để đưa các cán bộ cao cấp của họ đi thẳng vào thăm các binh trạm của binh đoàn Trường Sơn. Tháng 7-1974, sư đoàn 304 đánh chiếm Thường Đức, Quảng Nam, rất đau lòng, rất lo lắng, nhưng tướng Trưởng phải “mượn” hơn một lữ đoàn Nhảy Dù để giải tỏa áp lực của địch từ cao điểm 1062 đang đè xuống Đà Nẵng. Dĩ nhiên Nhảy Dù giải tỏa được cao điểm 1062. Nhưng phải tốn 500 quân chết và gần 2000 quân bị thương – trận đánh lớn nhất từ sau ngày ngưng bắn. Vùng I, trong những ngày tháng đó, chỉ ổn định được với sự hiện diện của hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC.

Phước Long mất vào đầu năm 1975; Ban Mê Thuột mất, và Pleiku, Kontum bỏ ngỏ để di tản vào ngày 16 tháng 3-75. Vùng I và Tướng Trưởng chờ một quyết định tối hậu từ Sài Gòn: Tử thủ hay rút quân về những cứ điểm để phòng ngự.

Ngày 13 tháng 3-75, Sài Gòn gọi tướng Trướng về để duyệt xét lại các kế hoạch phòng ngự Vùng I. Trong buổi họp này – và cho đến ngày VNCH bị thất thủ – ai nói gì quân lệnh ra sao, nhiệm vụ của tướng Trưởng là gì . . . vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Chúng ta biết một chút nội dung, biết một cách gián tiếp, nhưng không ai trong cuộc trực tiếp nói rõ chuyện gì xảy ra. Chúng ta biết ngay trong buổi họp ngày 13 TT Thiệu ra lệnh cho Tướng Trưởng phải giữ Vùng I với số quân cơ hữu của quân đoàn và sư đoàn TQLC. Cũng trong buổi họp này, Tướng Trưởng biết Quân Đoàn I phải “trả” sư đoàn Nhảy Dù lại cho Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng ông xin TT Thiệu cho ông giữ lại sư đoàn TQLC để dân quân có được tinh thần. Trước mặt ông, TT Thiệu cho ông tùy nghi xử dụng TQLC, chỉ trả sư đoàn Dù lại mà thôi. Nh­ng sau buổi họp, trong lúc nói chuyện riêng giữa ông và thủ tướng Khiêm, thủ tướng Khiêm nói hé ra là Sài Gòn có thể lấy TQLC khỏi Vùng I. Ngày 14, TT Thiệu ra Nha Trang ra lệnh cho thiếu tướng Phạm Văn Phú di tản tất cả quân còn lại ở Kontum và Pleiku về Tuy Hòa, Nha trang, để tái trang bị và bổ xung rồi từ đó ... đánh ngược lên chiếm lại Ban Mê Thuột và Vùng II !

Trở lại Quân Đoàn I ngày 14, Tướng Trưởng thông báo quyết định của sài Gòn cho trung tướng tư lệnh phó Lâm Quang Thi. Ông nói quân đoàn sẽ được giữ lại 2 trong số 3 lữ đoàn củaTQLC. Hai lữ đoàn TQLC sẽ về thay Nhảy Dù ở Đà Nẵng, vì lữ đoàn 2 Dù có thể được trưng dụng trong kê hoạch chiếm lại Ban Mê Thuột. Ngày 18 thủ tướng Trân Thiện Khiêm bay ra Đà Năng họp với tướng Trưởng (theo lời yêu cầu của Tướng Trưởng) để giải quyết vấn đề dân di tản. Trong buổi nói chuyện ngày 13, Tướng Trưởng xin thủ tương Khiêm giúp ông giải quyết vấn đề dân di tản đang dồn về thành phố. Theo ông, dân di tản sẽ làm ứ động quốc lộ 1 con đường huyết mạch để chuyển quân trên toàn Vùng I. Ngày 19, ông được yêu cầu trở về Sài Gòn thêm một lần nữa để trình bày lại kế hoạch di tản và phòng thủ Vùng I. Trong lẩn họp này, với tình hình dân chúng di tản tấp nập trên quốc lộ 1, Tướng Trưởng nói rút quân từ Huế về Đà Nẵng trong tình trạng hôn loạn đó sẽ khó thực hiện được, ông đề nghị cho ông ở lại tử thủ Huế, Đà Nẵng và Chu Lai sẽ là điểm kháng cự cuối cùng của Vùng I. Tông thống Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên đồng ý. Tướng Trưởng bay trở lại Quân Đoàn I và thông báo cho trung tướng Lâm Quang Thi quyết định của TT Thiệu thêm một lân nữa.

Ngày hôm sau, 20 tháng 3, TT Thiệu lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu, ra lệnh dân quân giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng tối đêm đó, TT Thiêu đôi ý: ông ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đánh cho Tướng Trưởng một quân lệnh, cho biết Sài Gòn chỉ còn đủ phương tiện để yểm trợ cho một cứ điểm kháng cự. Trong ba cứ điểm Huế, Chu Lai, Đà Năng, Tướng Trường phải chọn một. Dĩ nhiên, Đà Nẵng phải là cứ điểm ưu tiên. Tướng Trưởng ra lệnh di tản về Đà Nẵng. Tướng Lâm Quang Thi, trong tác phẩm The Twenty-five-year Century của ông, có nói quân lệnh thay đổi như vậy, nhất là ở cấp quân đoàn thì khó làm việc, và gây thêm nhiều hoang mang cho người thừa hành. Đại tướng Frederick Weyand, đang là tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, trong tờ tường trình cho tổng thống Ford sau chuyến viếng thăm ở Việt Nam cuối tháng 3-75, cũng cho biết trong tuần lễ đó, Tướng Trưởng đã nhận 3 quân lệnh trái ngược nhau từ TT Thiệu.

Trong hoàn cảnh hỗn loạn của Đà Năng, ngày 25 TướngTrưởng nhận thêm một tin không vui tư Sài Gòn: đích thân trung tướng Lê Nguyên Khang – đang là tổng tham mưu phó quân đội – bay ra Đà Năng đưa cho Tướng Trưởng một quân lệnh yêu câu ông trả lại sư đoàn TQLC ngay lập tức. Tướng Trưởng phản đối, ông nói Đà Nẵng không thể nào phòng thủ được nêu không có mặt của TQLC. Trong hai ngày 26-27,.Tướng Trưởng và Tướng Lâm Quang Thi cố gắng san sẻ quân để lấp vào những lổ trống của vòng đai phòng thủ càng lúc càng xiết chặt chung quanh Đà Nẵng. Chín giờ đêm ngày 27 ông gọi cho Tướng Viên báo cáo tình hình và yêu cầu cho phép ông di tản sư đoàn TQLC và những trung đoàn còn lại của sư đoàn 1 và 3. Tướng Viên nói đó là quyết định của tổng thống thiệu. Tướng Trưởng gọi Dinh độc Lập, nhưng tổng thống Thiệu không có mặt; khoảng 10 giờ đêm tổng thống Thiệu gọi lại … sau khi nghe Tướng Trưởng báo cáo tình hình, ông Thiệu hỏi Tướng Trưởng sẽ giải quyết rạ sao. Tướng Trưởng trả lời ông sẽ giải quyết theo sự biến chuyên của tình hình. Tổng thống Thiệu cúp điện thoại. Vài phút sau Tướng Trưởng ra lệnh di tản khỏi Đà Nẵng. Nhưng không, đến đó không còn di tản nữa. Vì chữ di tản có chứa đựng một khái niệm về sự thứ tự và trật tự trong lúc lui quân. Địch đã cắt nát quốc lộ 1 ra từng đoàn và đang dùng pháo binh để hăm dọa các cửa khẩu từ biển đi vào bờ. Đến giờ phút dó, chữ bỏ ngõ có nghĩa và đúng nghĩa hơn chữ di tản. Đà Nẵng và Vùng I mất hai ngày sau đó, và ngày sau, cộng quân gom tất cả lực lượng của họ dang có mặt ở Vùng I lập ra một binh đoàn có tên là Binh Đoàn Duyên Hải. Từ đó họ tiến về Vùng III.

Cuộc đời có nhiều nghịch lý và bi hài kịch. Tướng Ngô Quang Trưởng sanh ra và lớn lên ở Bến Tre, một vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cộng sản; một nơi mà trong năm Mậu Thân 1968, một sĩ quan Hoa Kỳ tuyên bố phải tàn phá hết để xây dựng lại, nhưng ông đã xả thân chống lại những người cộng sản, chủ thuyết cộng sản, cho đến hết cuộc đời. Sanh ra ở Bến Tre, nhưng Tướng Trưởng lớn lên, yêu, quí mến, và bảo vệ một vùng đất thật xa cho đến hết cuộc đởi: ông thương Quảng Trị và Thừa Thiên đến độ ông đặt tên người con trai út là Ngô Trị Thiên.

Tháng 8 năm ngoái, khi được thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh chuyển lời, người viết có dịp nói chuyện với Tướng Trưởng. Trong lần nói chuyện đó, với bản tính thích tìm căn nguyên của lịch sử, người viết mạo muội hỏi Tướng Trưởng về thái độ của ng­ời Mỹ trong cuộc chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa’’ năm 1972; hỏi về nội dung những đối thọai giữa ông và TT Thiệu vào tháng 3-1975. … Nhưng Tướng Trưởng tránh không trả lời thẳng những câu hỏi đó. Ông chỉ nói . . cũng không có gì đê nói . . . tất cả đã được nói hết rồi … những gì anh em chúng ta làm trong quá khứ đều có nghĩa”. Câu chuyện tiệp tục được vài phút sau thì người viết lại cố gắng “lái” về hai câu hỏi nguyên thủy. Lần này ông cũng tránh trả lời. Nhưng lần này ông nói cho người viết nghe về triết lý của một người quan võ Á Đông. Đại khái Tướng Trưởng muốn nói đến câu “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí” (Tướng bại trân thì không thể nói mình anh dũng. Bậc trí sĩ đại phu khi đã mất nước thì không thể nói mình có mưu lược). Thâm thúy, thật thâm thúy.

Với tất cả sự kính trọng của một hậu sinh đối với Trung Tướng Ngô Quang Tr­ởng, người viết xin kính dâng lên vị tướng quá cố đôi dòng tưởng niệm này./.


NGUYỄN KỲ PHONG