PDA

View Full Version : Thân phận thiệt thòi



Longhai
09-02-2014, 12:26 AM
Thân phận thiệt thòi


Đoàn Ngọc Nam


Cứ mỗi lần mùa Đông đến, ở cái xứ quê mình, miền Trung cày lên sỏi đá, không làm sao tránh khỏi cơn lũ lụt hằng năm, lâm vào cảnh màn trời, chiếu nước. Nhớ lại trận lụt năm Giáp Thìn 1964, quả thật một thiên tai khủng khiếp chưa từng thấy bao giờ. Hầu kết khắp mọi nơi, dường như chìm đắm trong bể nước bọt trắng xóa, chảy cuồn cuộn cuốn trôi theo không biết nhiêu mạng người, súc vật, cùng tài sản ra tận biển Đông. Thừa cơ hội thiên tai ụp đến, bọn Việt cộng tràn về Thôn xã chiếm đất, giành dân, gieo rắc bao cảnh nhà tan cửa nát, chết chóc tang thương. Cuộc sống của đồng bào ta thời bấy giờ vô cùng khốn đốn, một cổ cài hai tròng, sống chết không thể lường trước được. Mục tiêu hàng đầu của bọn Việt cộng, lùng bắt cho kỳ được những người mà trước đây, cho nguồn tin (cảm tình viên) để quân ta phục kích tiêu diệt bọn chúng, hoặc phá tan hạ tầng cơ sở nằm vùng, đem lại hạnh phúc ấm no cho đồng bào.

Vào một đêm mưa gió tầm tã, mưa như trút nước vuốt mặt không kịp, thế mà chị Nguyễn Thị Sương không quản ngại gian nan khổ cực, lặn lội đi tìm gặp cho được anh Tân, Trưởng G/CSĐB, thuộc Chi Cảnh Sát Quốc Gia quận Đại Lộc tại Nhà may “Hạnh” ở chợ Ái Nghĩa, để báo tin: đêm nay có đám Việt cộng về xã Phú Hương, bọn chúng tập trung đồng bào nhằm mục đích tuyên truyền bịp bợm, cổ động đồng bào nhẹ dạ tiếp tế lương thực cùng tham gia “chống Mỹ cứu nước” theo chủ trương của “Bắc bộ phủ”. Báo tin xong, chị vội vã trở về nhà bằng chiếc xe đạp cà rịch cà tang, cong lưng đạp không ngừng nghỉ mà đường trường mãi còn xa… cho mãi khuya lơ mới trở về mái nhà tranh rách nát, nghèo nàn. Bà Năm, mẹ của chị ở nhà trông chờ đứa con gái, nóng hơ trong ruột, đứng ngồi không yên, lo sợ cho con có điều chi bất trắc không lành xảy ra? Bây giờ bà chỉ còn hai mẹ con, sớm tối hủ hỉ có nhau. Chồng bà đã hy sinh đền nợ nước, trong thời kỳ toàn dân tham gia chống thực dân Pháp, khi chị Sương lúc đó còn nằm trong bụng mẹ. Vừa chợp mắt, có tiếng khua nhẹ cánh cửa, bà cụ hỏi vọng ra:

- Sương! Con về đó hả?

- Dạ, con đây.

- Mi đi đâu, giờ nầy mới mò về?

- Con đi có chút việc mà… mẹ.

- Thôi! Ăn cơm rồi đi ngủ, khuya lắm rồi.

- À, in cơm và dĩa cá chạt kho khô đậy lồng bàn trên bàn độc đó!

- Mẹ, để kệ con. Con còn phải đi tắm chút xíu.

Chị Sương vừa trả lời mẹ, vừa vội vã bước ra buồng tắm sau hè, dỡ nắp chum nước, múc từng gáo nước lạnh dội lên người nghe mát rượi. Nước xối tới đâu ướt đẫm tấm thân nõn nà, đẫy đà, sung mãn của thời con gái đang xuân. Những vết bùn dơ dính đầy mái tóc xõa bờ vai, cũng theo dòng nước trôi đi đem lại sự nhẹ nhàng, sảng khoái, dường như tiêu tan hết nổi mệt nhọc, sau một nhiệm vụ đầy gian nan, nguy hiểm… Bỗng bên ngoài có tiếng động, con cho mực gầm gừ chưa kịp sủa thành tiếng, bị một cây gậy đánh trúng vào giữa sọ, lăn đùng ra chết ngoẽo. Ngay lập tức, hai mũi súng AK 47 đen ngòm chĩa thẳng vào buồng, theo sau tiếng quát tháo dữ tợn, như muốn ăn sống, nuốt tươi:

- Đứng im! Không được la.

- Bất tuân bắn chết bỏ.

Liền sau đó, một tên đạp cửa buồng xông vào, bắt trói cắp ké và bịt mắt, dẫn chị Sương đi, trên mình chỉ có vỏn vẹn chiếc áo cánh và cái quần đen ướt nhẹp chưa kịp thay. Từ cái đêm hãi hùng đó, chị Sương bị bắt đi mù tịt, bỏ lại mẹ già không có ai nương tựa, vì cha chị đã chết rồi cũng chỉ vì câu khẩu hiệu sát máu: “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Trong cảnh tù tội không có bản án, giam giữ triền miên nơi rừng sâu nước độc, thăm thẳm và phải chịu nhiều cực hình tra tấn, khảo tra dã man, nên trở thành thân tàn, ma dại ốm xo gầy còm. Bọn chúng cố tìm cho ra, ai đã chỉ cho quân ta phục kích tại ngã ba cây dúi, gây thiệt hại 5 tên bỏ xác tại trận. Hầm bí mật dưới gốc cây sung bên bàu sen, bị lực lượng hành quân Hổn hợp Địa Phương Quân và Cảnh Sát Quốc Gia khám phá, ta bắt được tên bí thư xã cùng hai tên nữ du kích… Bản thân chị Sương làm sao biết được mà trả lời. Đành cam chịu tội, cho qua khỏi đòn tra tấn dã man của bọn người lòng lang dạ thú.

Biến cố đau thương tháng 4 năm 1975 xảy ra, tôi vào tù gặp chị Sương tại trại tù Phú Túc, chị vừa mới từ Tịnh Sơn chuyển xuống. Thân hình ốm nha ốm nhách, để lộ cặp mắt sâu hõm cùng nước da xanh mét, bủng rệt. Thế rồi, dần dà có nhiều tù nhân chính trị đưa vào ở tù theo kế hoạch “cải tạo” rập khuôn theo quan thầy “Tàu cộng”. Cơ hội hiếm quý đến với chị để chia xẻ nổi đau niềm hận cảnh tù tội, bớt đi phần nào cô đơn mà chị gánh chịu thời gian quá dài vừa qua. Từ đó, nhờ được chia xẻ từ tinh thần đến vật chất, nên có phần thư thái, dễ chịu nhiều hơn. Không bao lâu, thấy chị Sương như được hồi sinh, có da thịt chút đỉnh, ăn mặc tươm tất trông dễ coi. Lúc nầy đám cán bộ thường hay la cà, lui tới chỗ chị Sương làm việc để tán tỉnh, giỡn cợt giải khuây. Cũng vì thế, lão giám thị trưởng đâm ra ganh tị, lão ta chỉ chờ cho con vợ già, răng hô má táp đi về Quảng Bình, liền gọi chị Sương lên bếp cơ quan, giúp việc bếp “đại táo”. Thực ra, đây chỉ là cái cớ bày trò gỡ gạc, chấm mút cho thỏa thích cơn ghiền dục vọng mà thôi.

Nhân cái gọi là lễ Độc lập ngày 2 tháng 9, trại tù nghỉ “lao động”, chỉ vì không có người dẫn giải. Tưởng chừng đâu, được một ngày nghỉ xả hơi trọn vẹn. Anh nầy thì bày kim chỉ chằm vá quần áo rách rưới tả tơi, anh nọ tìm kiếm trong ba lô còn được chút gì, gởi xuống nhà bếp nấu giúp, ăn cho đở cơn đói thèm. Bất thình lình, vang dội ba hồi kiểng báo động tập họp, nghe tên giám thị tuyên bố:

Theo chính sách, các anh được nghỉ lao động ngày hôm nay. Nhưng, trước mắt trại ta còn nhiều việc cần phải thực hiện. Sáng nay tranh thủ “trồng cây nhớ ơn bác”.

Trại giao chỉ tiêu cho đội 1 trồng cho được 500 cây bạc hà, đội 2 trồng chuối phủ hết ngọn đồi phía trước mặt tôi, đội 3 trồng cây mít hai bên đường đi vào cơ quan (Khi trồng cây mít, có ai muốn được ăn trái. Đến hồi mít ra trái, không được ăn đã đành mà ngày về còn quá xa).

Tất cả theo sự hướng dẫn của cán bộ, thi hành “tốt” trưa về được bồi dưỡng “tươi”.

Trong khi đó, nhà bếp được chỉ thị bắt mấy con heo nái già, giơ bộ xương sườn lồ lộ, giống như cái cặp táp xẹp lép, làm thịt ăn tươi mừng lễ “độc lập”? Chị Sương đương lo quét dọn nhà ăn, chạy vội vàng xuống bếp, thuộc lại câu trả lời tên quản giáo trực trại, hỏi anh “Trưởng ban thi đua”, lý do các anh bị bệnh ở nhà: thưa “Ông”các nầy ăn thịt heo thì được, chứ đi lao động không được thưa ông (Trại tù do công an “quản lý” bắt buộc gọi ông tất cả). Chị Sương hỏi anh em, anh ấy trả lời như thế nghe có được không ? Anh trưởng ban thi đua là ai ? Thật là một con sâu làm rầu nồi canh, vô cùng nhục nhã, không biết anh lấy điểm để làm chi? Chắc chắn rằng anh sẽ ân hận, hổ thẹn với lương tâm suốt đời.

Sau đó tôi phải chuyển đi trại khác, chị Sương vẫn còn ở tù chung thân, không có bản án. Mãi cho đến khi chị mắc phải cơn bệnh ngặt nghèo, mới được tha về. Chị phải chịu thân phận thiệt thòi vào cuối cuộc đời tàn tạ, hiu quạnh nơi chôn nhau cắt rốn, trên mảnh đất quê hương của mình một cách xa lạ, không người thân.



Đoàn Ngọc Nam