PDA

View Full Version : Đâu dễ phai mờ



Longhai
08-24-2014, 12:21 AM
Đâu dễ phai mờ


Thy Lan Thảo


Đang phi hành tỏi, chờ vàng, thả cá vào chiên sơ, rồi cho mật ong, nước mắm vào kho...Thì có tiếng phone reo...

Nhà thơ Võ Ý từ Cali gọi sang... Anh bảo tôi là nhân chứng sống, trong cuộc di tản đầy máu và nước mắt, về trên Tỉnh lộ 7B. Anh cho biết là đại hội Phố Núi sắp khai mạc tại Cali, Anh cần có một bài viết về cuộc di tản nầy, và anh bảo tôi phải viết, bài viết không dài quá 2 trang, và phải hoàn tất nội trong ngày nay. Viết xong email sang cho anh, để anh sắp xếp đọc trong ngày hội. Nói xong anh cúp phone...

Kêu trời không thấu. Cuộc di tản 2 tháng trời mà bảo tôi viết 2 trang... Trong khi tôi đã có 2 bài viết về cuộc di tản nầy, 2 bài với tổng cộng hơn 12 trang. Bây giờ tôi phải rút từ 12 trang xuống còn 2 trang. Vì tôi chưa nhận giấy giải ngũ, nên cấp trên ra lệnh là tôi phải thi hành, có gì khiếu nại sau. Một lần tuân lệnh cấp trên, buông súng, bị lưu đày biệt xứ hơn 8 năm mà cũng chưa tởn. Thực ra anh Ý chỉ hơn tôi có cái đế (ảnh Trung Tá, tui Trung Úy) mà ép tôi quá... Nhưng dù gì thì lúc lưu đày ra Bắc, tôi và ảnh cùng chung đội rau tại trại tù Hà Tây, mấy năm trời vui buồn có nhau... Vậy là tắt lửa, vô khỏ computer liền may ra mới kịp.


***

Xe chầm chậm ngang qua cổng Quân Đoàn, mới hơn 6 giờ sáng, trời lành lạnh sương mờ... Hình ảnh người lính gác cổng trong tư thế tác chiến, không bao giờ phai mờ trong trí tôi, mỗi khi có dịp hồi ức lại, ngày giờ năm tháng mà tôi cùng đồng đội chung đơn vị, phải rời bỏ Quân đoàn, ra đi mà lộ trình không biết phải đi về đâu? Không nhận bất cứ mệnh lệnh nào của một cấp trưởng, ra đi chỉ là việc tự phát, thấy đơn vị bạn bỏ đi... cũng đi theo, chỉ vậy thôi.

Là một đơn vị trừ bị cho vùng hai Chiến thuật, các toán Chiến tranh Chính trị hành quân, thường xuyên tăng phái cho đơn vị bạn. Đơn vị 201 CTCT của tôi vừa từ KonTum về hậu cứ Quân đoàn, khoảng 10 ngày trước khi di tản, đang công tác tăng phái cho Biệt Động Quân tại B15, khi Biệt Động Quân rút đi, đơn vị tôi tự động rút về Pleiku, trong thành phố KonTum lúc bấy giờ, loa phóng thanh ra rả... Lệnh Đại Tá Tỉnh Trưởng, cấm quân nhân ra khỏi Tỉnh với bất cứ lý do gì... Là đơn vị tăng phái, nên đoàn xe của Đại Đội 201 qua cầu Dakpla dễ dàng...

Về Quân đoàn, doanh trại Tiểu đoàn đóng cạnh Truyền tin, có một đêm giặc pháo ngay vào quân đoàn... Tin tức xấu lan truyền cùng khắp, kể từ khi Ban Mê Thuột tạm coi như thất thủ... Buổi sáng trước ngày di tản, Trung Úy Quế, ban 3 Tiểu Đoàn, dừng xe gắn máy trước sân Tiểu đoàn, anh cho biết là hầu hết các đơn vị trong Quân đoàn đã di tản, chỉ còn Thiết giáp, Truyền tin và mình ...

Anh em xôn xao bàn tán, Tiểu đoàn như rắn mất đầu, vị Tiểu đoàn trưởng bay đi đâu mất... Trước khi đi, người còn dặn lại Tiểu đoàn phó trông coi Tiểu đoàn, ông bận đi họp ở Quân đoàn... Tiểu đoàn phó mới từ Sài Gòn đổi ra chưa tới 3 tháng... Tôi thì cũng từ Sài Gòn ra được gần 5 tháng... Cũng đều từ Tiểu Đoàn 50 CTC T thuyên chuyển về đây.

Đêm đó, tất cả Quân nhân trong đơn vị không ai ra lệnh, tự động quay quần bên nhau, ngủ ngoài sân... Hình như ai cũng sợ đơn vị ra đi bất thình lình, mình bị bỏ lại...

Sáng sớm, Tiểu đoàn phó cho lệnh phá kho, anh em được thêm khá nhiều lương khô, cũng như đạn dược...

Tôi thấy thương cho người lính gác cổng Quân đoàn vô cùng... Thượng phiên không biết có người thay không? Điếm trưởng không biết có còn không? Quân phong, Quân kỷ, trong những ngày sau cùng, giết rất nhiều Quân nhân không dám tự ý rời đơn vị...

Mấy chiếc M48, còn thật mới đậu rải rác gần cổng... Nòng súng buồn bả chỉa xuống đồi... Xe qua khỏi cổng, trên ghế trưởng xa, tôi còn ngoái đầu nhìn lại cổng Quân đoàn, hình như tôi linh cảm... đây là hình ảnh cổng Quân đoàn mà tôi được nhìn lần cuối!..

Con đường Hoàng Diệu, và nhiều con đường khác trong Thành phố, dù còn sương mờ, dù còn quá sớm để bắt đầu một ngày mới... vậy mà đường nào cũng rộn rịp, xe cộ đủ loại, xe nhà binh nhiều nhất... Gương mặt mọi người đều mang nét "giới nghiêm", hình như trong đầu mọi người đều mang nhiều thắc mắc mà chẳng ai giải đáp giùm cho...

Đoàn xe của Tiểu Đoàn 20, sau khoảng nửa giờ ngừng trên đường Hoàng Diệu, để nghe ngóng tình hình... Vị Tiểu đoàn phó ra lệnh lên đường theo sau đoàn xe Quân cảnh vừa chạy ngang... Xe chầm chậm theo về hướng Hàm Rồng.. Tôi nhìn rạp Diệp Kính một lần cuối... Cũng như tôi đã nhìn trường Trung học Pleime khi xe từ Quân đoàn ra tỉnh. Pleiku không phải là quê hương nhưng là đất của Quốc gia, bỏ đi thì lòng nào lại không luyến tiếc!..

Tôi nhìn phía trước, tôi nhìn phiá sau ... xe đâu mà nhiều quá, xe lô bồi xe nhà, xe đò, các loại xe Quân đội... rồng rắn chầm chậm bò đi. Gần tới Hàm Rồng, xe trước rẽ phải băng lề chạy cày trên đất cỏ... một khoảng khá xa mới thấy lờ mờ dạng một con lộ... mà có lẽ từ lâu không người qua lại.

Lính trên xe nhiều người biết... Con đường nầy dẫn đến Phú Bổn... Đoàn xe vẫn êm ả chạy, chưa thấy gì là nguy hiểm, chưa nghe tiếng súng ...

Xe qua Thung Lũng Hồng... Rải rác một vài chiếc GMC bị lật... vài xác Quân nhân nằm sãi tay bên ba lô súng đạn... có lẽ tại nạn ...Rồi đoàn xe rồng rắn cũng tới được Phú Bổn... Lính gốc miền Nam có vẽ vui vì được về Nam, dù trên mặt vẫn đầy nét lo âu... Lính người địa phương, mặt mũi đâm chiêu vì chuyển đi bất ngờ... xa người thân xa vợ xa con...

Đêm Phú Bổn tương đối an toàn, Trung Tá Lò văn Bảo cùng vài cận vệ đi bộ qua từng xe di tản, an ủi đoàn quân...

Rồi lần lượt tới Phú Túc, tới Củng Sơn, tới bờ sông Ba...

Có những khúc xuyên rừng, Công binh ủi đường, đốt lửa cháy rực, Biệt động quân, súng cầm tay dàn an ninh hai bên đường rừng, nhiều em lính quá trẻ, tuổi chưa tới 20... Họ lặng lẽ cầm súng trong thế sẵn sàng chiến đấu... Không biết họ có nghĩ gì về đoàn quân đang xuôi Nam, và thân phận của người lính an ninh đoạn hậu rồi sẽ ra sao? Một sự bỏ rơi tàn nhẫn quá!..

Tôi thấy xa xót trong lòng khi nhớ tới những người lính trẻ nầy... Hình ảnh hào hùng đó khó phai mờ trong tôi.

Từ bờ bên kia Sông Ba theo đập Đồng Cam về Hiếu Xương mới là đoạn đường đầy máu.... Biết bao nhiêu xác Quân nhân chết trong tư thế dơ tay đầu hàng, bọn quỷ người từ phiá sau bắn tới đoàn lính thất thế đã đầu hàng... trong đám thi thể nầy có Đại Úy Klang thuộc Tiểu đoàn 20 CTCT. Đập Đồng Cam ngập tràn xác chết, xác dân lẫn lính, khi trời kêu ai người đó phải dạ... Chứ làm sao cải được. Đoàn xe chạy sát bên nhau, người đi bộ khít bên nhau ... Phiá trên núi, nơi mà ngày trước Quân đội Đồng Minh Đại Hàn đã xây nhiều công sự phòng thủ, giữ an ninh con đường 7B nầy, bây giờ bỏ hoang, cộng quân chiếm đóng, từ trên đó, cứ tà tà bắn xuống đoàn người ... bia di động !!

Khi sắp tới quận Hiếu Xương, tin Thiếu Tá Hải tử thương, người của sở 2 Liên lạc ( Nha Kỷ Thuật) vị Sĩ quan trẻ tuổi, kinh nghiệm trận mạc đầy người, đang trực tiếp chỉ huy thuộc cấp mở đường máu, xe của ông bị 1 trái B40... Tin nầy đã gây bàng hoàng xúc động cho hầu hết quân dân trên đường di tản.

Buổi chiều, trời đã nhạt nắng, tiếng súng đã dịu đi nhiều ... Lá cờ vàng thân thương được một anh lính Địa phương của quận Hiếu Xương phất bay chào đón đoàn quân di tản.

Dân quận Hiếu Xương đứng đầy hai bên đường, hôm đó là ngày rằm, chén cơm, cái bánh, trái chuối, điếu thuốc, được người dân ân cần trao tận tay người lính...

Tôi nhận một chén cơm, với đôi đũa, có tàu hủ kho tương ... từ tay một cô gái trong tuổi đôi mươi, ăn vội thật ngon, nghe cay cay khoé mắt, lần đầu tiên trong đời lính, tôi cảm nhận được tình Quân dân thắm thiết, tình dân đối với lính Cộng Hòa.

Lịch sử dù đã sang trang nhưng sự thật bao giờ cũng phải trả lại sự trung thực cho lịch sử, ai trách nhiệm về việc ra lệnh cuộc rút quân nầy... Sinh mạng người lính, nói đúng ra, là sinh mạng của thuộc cấp... sao ai đó nỡ lòng nào, bỏ con mình trong biển lửa... bao nhiêu oan hồn trên tử lộ 7B... Vẫn còn oán hờn vất vưởng... Bao giờ cờ xưa dựng lại .. Có ai nhớ lập đàn tràng cầu cho sinh linh siêu thoát. Những cái chết lẽ ra phải hào hùng, trả đền ơn sông núi ...Thì họ hình như bị bức tử, chết mà không biết mình chết cho ai, cho mục đích gì?

Cầu mong vong linh Quân Dân Cán Chính tan thây, nát thịt trên con đường lộ máu, vì sự tính toán sai lầm của cấp lãnh đạo, sớm siêu thoát... Thượng Đế, Chúa, Phật ở xa người quá... không biết có thấu hiểu nỗi lòng của người lính Việt Nam Cộng Hòa, cuộc chiến tàn đã bao năm rồi mà vết thương đau vẫn còn như mới ngày hôm qua.



Thy Lan Thảo.

(Viết tại Kỳ Đà Động... ngày 9/9/2012)