PDA

View Full Version : Công Dụng của các loại rau Gia Vị



Longhai
04-11-2009, 06:40 AM
Công dụng của các loại rau gia vị
Rau húng, rau răm, ngò rí, kinh giới, sả....là những loại rau gia vị quen thuộc của các món ăn Việt Nam. Ngoài tác dụng làm món ăn thêm ngon, những loại rau này còn có những công dụng để chữa bệnh mà có thể bạn chưa biết!

1. Rau húng
Còn được gọi là rau thơm vì đặt tính có mùi thơm dễ chịu và hấp dẫn , rau này ăn với các món gỏi, món tái, bò nhúng giấm, phở, cá nướng trui…thì là tuyệt.
Ngoài tính chất ngon miệng, rau húng có chứa từ 0.3% đến 1% tinh dầu sát trùng và kích thích tiêu hóa.

2. Rau răm
Rau răm vị cay, tính ấm, không độc, dùng để chữa đau bụng lạnh, chữa rắn cắn, chàm ghẻ, mụn trĩ, kích thích tiêu hóa, kém ăn, chống nôn mửa, chống sốt làm và dịu tình dục. Rau răm được trồng khắp nơi và thường được mọi người dùng làm rau sống và gia vị vào canh để có thể sát trừ một số độc chất có trong hải sản (tôm, cá...). Thường khi làm thuốc, người ta dùng tươi, không qua chế biến.
Một số bài thuốc từ cây rau răm:

- Trị chứng tiêu hóa kém: Mỗi ngày dùng 15-20g cả thân và lá rau răm tươi, rửa sạch, vắt lấy nước cốt uống.

- Trị rắn cắn: Lấy khoảng 20 ngọn rau răm, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, bã còn lại dùng đắp vào chỗ rắn cắn.
- Rau răm đâm nát, pha với một ít rượi dung để chữa bệnh lác( hắc lào ), ghẻ lở.
Tuy nhiên, ăn nhiều rau răm có hại, nhất là làm rối loạn cơ quan sinh dục, đặc biệt phụ nữ mang thai nên kiêng cử rau này.

3. Tía tô
Mùi thơm không được hấp dẫn như các loại rau thơm khác nhưng là gia vị không thể thiếu được trong các món ăn về ốc, rùa, baba, cua đinh, đặc biệt là các món cháo cá có thêm rau tía tô càng thêm đậm đà hấp dẫn
Một số bài thuốc từ cây tía tó:
- Giải cảm

* Xông: Lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá xông được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người, đắp chăn nằm nghỉ. Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi - đậy kín và khi xông mở vung. Cần chú ý kẻo bỏng và chỉ xông cho người lớn ngồi trong chăn. Thận trọng với người già yếu và trẻ em.

* Cháo tía tô: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng, có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Xông xong nghỉ một lúc, dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.

* Uống nước tía tô: Tía tô tươi 15-20 g giã nát, chế nước sôi, gạn nước trong để uống. Hoặc lá tía tô khô hãm nước sôi uống. Uống xong đi nằm đắp chăn. Hai cách này đều kém ra mồ hôi. Dùng cho trẻ em người già yếu.
* Nếu ho do cảm lạnh: Lá tía tô, lá xương sông, lá hẹ, mỗi thứ 12g; kinh giới, gừng mỗi thứ 8g. Sắc uống lúc nóng.

- Ngâm chân: Dùng lượng lớn lá tía tô bỏ vào nồi nước đang sôi để sôi lại, đổ ra chậu, đậy bằng 1 cái rổ thưa, đặt 2 bàn chân lên xông. Khi nước nguội, cho 2 chân vào ngâm rửa… công hiệu vô cùng.

- Chữa ho hen

* Thương hàn, ho hen: 1 nắm lá tía tô nấu nước uống dần là dứt cơn hen suyễn (Thiên kim phương).

* Người lớn hay có cơn hen: Hạt tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 bát nước vào quấy đều, lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói.

* Trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái: Hạt tía tô 20 g tán thành bột, hòa với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hòa vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hòa vào nước cơm cho trẻ uống.

* Ho do phế hư hoặc đàm trắng đục dính, nặng ngực: Hạt tía tô 90 g sao thơm, tán bột, ngâm với 1 lít rượu gạo ngon trong 10 hôm, chắt lấy nước trong bỏ bã. Uống mỗi lần 15-30 ml. Ngày uống 3 lần sáng, trưa, tối (nếu đàm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ thì không dùng).

- An thai

* Động thai: Sắc cành lá cây tía tô để uống. Hoặc sắc lấy nước nấu cháo để ăn.

* Có thai sắp sinh bị phù: Cành, lá tía tô 80 g, vỏ gừng tươi 30 g, cho 3 bát nước đun sôi kỹ (đậy vung kín) lấy nước uống và xông. Công thức này cũng có tác dụng an thai.

* Có thai cảm sốt: Lá tía tô, kinh giới mỗi thứ một nắm sắc lấy nước uống, tiếp đó ăn cháo trứng gà nóng. Trứng gà đen tốt nhất.

* Vú sưng, nứt cổ gà: Lá tía tô 1 nắm nấu nước nóng, đồng thời lấy 1 nắm lá tía tô giã nhuyễn đắp lên vú sưng.

* Nôn mửa dữ dội khi có thai, động thai: Cành tía tô 12 g, sắn dây 12 g. Sắc chung lấy nước uống.

* Thiếu máu: Uống nước lá tía tô (30 lá xay nhuyễn). Để cho dễ uống, xay kèm vài quả táo, ít đường phèn. Nước này cũng có tác dụng an thai tuy có kém hơn cành tía tô.

- Chăm sóc da

* Người Nhật rất chuộng trà tía tô dùng uống thay trà, đồng thời dùng nước trà tía tô để gội đầu, tắm rửa để bảo vệ da, dưỡng da tươi nhuận, trừ vết nhăn, vết nám, khô ngứa da, vì tía tô làm ẩm da, dịu da, tăng cường trao đổi chất.

* Súc miệng bằng trà tía tô sẽ tẩy sạch miệng, làm thơm miệng. Gội đầu bằng tía tô làm tóc bền mượt, tóc không rụng và không bị chẻ, sạch gầu.

* Da mẩn ngứa, mụn cóc, dùng lá tía tô xoa sát trực tiếp hoặc nghiền nhuyễn cho vào túi vải mà xoa xát.

- Chữa suy nhược thần kinh: Cành tía tô 8g, câu đằng, thảo quyết minh, cam thảo dây, mỗi vị 12g; cúc hoa, hương phụ, chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống.

- Chữa bế kinh: Cành tía tô 8g, đan sâm, ngưu tất mỗi thứ 12g; xuyên khung 10g; quế chi, bạch chỉ, uất kim, nga truật, mỗi thứ 8g. Sắc uống trong ngày.

- Dùng 6 – 12g sắc uống chữa ho, nôn mửa, đau bụng do nhiễm trùng khi ăn cua, ghẹ và ốc , khó tiêu.
* Dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

- Chữa ho có đờm, ho hen lâu ngày ở người cao tuổi: Quả tía tô và hạt cải bẹ, mỗi thứ 10g, tán bột, uống hằng ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng.

- Chữa ho suyễn, ngực đầy tức, thở đứt quãng: Quả tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 10g; đương quy 8g; cam thảo, nhục quế mỗi vị 6g; tiền hồ, hậu phác, tô diệp mỗi vị 4g; gừng tươi 2 lát; đại táo 1 quả. Sắc uống ngày một thang.

Hoặc quả tía tô 10g; bạch giới tử, lai phục tử mỗi vị 8g. Giã nhỏ, hấp với đường phèn vừa đủ ngọt. Uống lúc nóng.

- Chữa mày đay (mề đay) : Quả tía tô 12g; kinh giới, ké đầu ngựa, ý dĩ mỗi thứ 16g; phòng phong, đan sâm mỗi thứ 12g; bạch chỉ, quế chi mỗi thứ 8g; gừng sống 6g. Sắc uống trong ngày.

- Rễ: Tên thuốc là tô căn. Thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô, dùng trong, rễ tía tô với rễ cây gai, rễ đu đủ và rễ cỏ lào mỗi thứ 20 - 30g. Sắc uống chữa kiết lỵ, tiêu chảy.

- Dùng ngoài, rễ tía tô, lá thanh yên, nõn khoai môn, lá lốt, giã nhỏ, gói vào vải xô, hơ nóng, đắp chữa vết thương tụ máu, sưng tấy và đau nhức. Ngày làm 2 – 3 lần.

4. Húng quế
Rau quế có mùi thơm đậm đà dễ chịu, nhất là ăn với phở, lòng heo, tiết canh, gỏi…
Rau quế có từ 0.4% đến 0.5% tinh dầu được dùng chữa sốt, trị chứng đầy hơi, co thắt dạ dày, đau bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng kích thích sữa cho những bà mẹ mới sinh hoặc làm dịu cơn buồn nôn ở một số người.
- Lấy một bó húng quế và nửa lít nước sắc cho cô đặc, ngậm vài lần trong ngày, vết loét sẽ mau lành.
- Để trị ho và đau rát họng, bạn trộn 1/4 thìa nước ép cây húng quế với nước bạc hà, gừng tươi, lá trầu không và mật ong. Sau đó dùng để ngậm, bạn sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.
- Húng quế cũng có tác dụng kích thích tóc mọc. Người ta thường vò nát lá quế, sau đó xát lên da đầu, massage nhẹ nhàng.

5. Sả
Là một loại cây dễ trồng và có ở khắp mọi miền đất nước. Ăn thịt bò nhúng giấm mà thiếu sả thì hương vị sẽ giảm đi một nửa. Sả được dùng làm gia vị ướp cá, muối cá, khi chiên có mùi thơm rất hấp dẫn. Sả được nấu chung với cà ri thì tuyệt và nhất là món lươn um sả là món ăn cổ truyền hấp dẫn nhất.
Sả có tinh dầu từ 2% đến 3%, mùi xả có tác dụng đuỗi muỗi, sát trùng, chữa các chứng bội thực, đau bụng đi tả, nôn ọe, cảm sốt, trẻ con kinh phong, ngộ độc rượuvà giảm cảm. thường được dùng để .
Lá sả đun nước gội đầu, vừa thơm vừa mượt lại giúp phòng bệnh mùa lạnh, ít rụng tóc.

Bài thuốc có sử dụng sả:
- Trẻ em mụn nhọt, lở ngứa: Nấu nước lá sả tắm hằng ngày.

- Cảm cúm: Nồi nước xông gồm lá sả, lá tre, lá bưởi (hoặc lá chanh), lá tía tô, lá ổi. Trước khi xông nên múc sẵn một chén để riêng, xông xong uống rồi đắp chăn nằm một lúc sẽ đỡ.

- Hai chân tự nhiên phù: Củ sả 12g, lá và bông mã đề 12g, nấu kỹ uống thay nước chè.

- Có thai hay nôn ọe: Củ sả băm nhỏ hãm với nước sôi uống hàng ngày.

- Nhức đầu do thời tiết: Lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá ngải cứu, thêm 3-4 củ tỏi, nấu nước xông.

- Chữa đau bụng tiêu chảy do lạnh (kèm theo nóng rét, nhức đầu, sôi bụng...): Củ sả 12g, vỏ quít khô 12g, búp ổi 12g, củ gấu 20g, gừng tươi 3 lát. Đổ 2 bát nước sắc còn 1 bát uống nóng (trẻ em thì chia uống làm 2-3 lần). Nếu không đỡ thì thêm 15g tía tô, rất hiệu nghiệm.

6.Kinh giới
Được trồng ở một số địa phương để làm gia vị và thuốc chữa bệnh, thích hợp với các món ăn cần chấm mắm tôm.
Kinh giới có 1% tinh dầu, ngoài việc làm gia vị, rau kinh giới còn chữa các bệnh cảm sốt, nhức đầu, lên sởi(ban),kinh giới sao cháy chữa được bệnh kinh huyết.

7.Lá lốp
Lá lốp không ăn sống vì không có mùi thơm, dùng để nấu chung với ốc, chả nướng> Thịt bò gói lá lốp nướng là một món nhậu không bao giờ quên. Ở miền tây nam bộ, người ta dùng lá cách, lá lốp xắt nhỏ xào chung với thịt chuộc đồng là món ăn truyền thống thật ngon
Trong lá lốp có chứa tinh dầu chữa bệnh đau xương, tê thấp, đổ mồ hôi tay . Nấu lá lốp cho sắc lại, dùng chữa bệnh sâu răng.

8.Diếp cá(dấp cá)
Mùi hơi tanh nên một số người không ăn được, nhưng khi ăn được thì nó biếng thành một loại rau thơm không thể thiếu trong những món ăn cần có rau sống.
Rau diếp cá dùng làm thuốc chữa bệnh trĩ, đắp vào các vết thương rất mau lành.
Bài thuốc chữa bệnh trĩ:
Sau khi rửa sạch, nên ngâm diếp cá vào nước muối loãng khoảng 5 phút, sau đó đưa ra rổ, vẩy khô nước và ăn. Có thể ăn rau diếp cá thay các loại rau khác. Ăn càng nhiều càng tốt mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể uống sinh tố diếp cá, nhưng nếu ăn sẽ tốt hơn vì nó còn có các chất xơ.

Cũng có thể nấu lá diếp cá với nước, dùng nước đó để xông, ngâm, rửa lúc nước còn hơi nóng. Bã diếp cá còn lại thì dịt vào hậu môn.

9. Ngò rí (rau mùi)
Một tô canh măng nấu giò heo, một tô bún bò nấu giò heo, một dĩa gỏi sứa, một cái bánh hấp há cảo nếu thiếu ngò, chúng ta cảm thấy thiếu một hương vị đặc biệt và mất đi một ít hứng thú khi ăn.
Rau mùi có vị cay, tính ấm, không độc, tiêu thức ăn, trị phong tà, thông đại tiểu tiện, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc...Hàm lượng caroten (tiền vitamin A) trong lá gấp 10 lần cà chua, dưa chuột và đậu rán. Hàm lượng canxi, sắt cao hơn các rau khác. Ngoài ra còn chứa các vitamin B1, B2, B6, B12, C, E và các chất khoáng như kiềm, selen, magiê, đồng...
Tinh dầu của ngò còn dùng để làm thuốc trị các bệnh chậm tiêu hóa, cảm mạo, nhức xương.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau mùi:

- Trị chứng sởi khó mọc: Nếu trẻ còn nhỏ, lấy rau mùi tươi giã nát, sao nóng, gói vào vải xô hoặc vải mềm chà xát khắp cơ thể của trẻ thì sởi sẽ mọc đều. Nếu trẻ lớn hơn, nấu nước rau mùi để ấm cho trẻ uống. Sau đó đắp chăn kín như xông hơi cho ra mồ hôi, sởi cũng mọc nhanh hơn.

- Trị chứng kiết lỵ: Một vốc hạt mùi, sao vàng, tán nhỏ. Pha 7-8g mỗi lần với nước, ngày uống 2 lần. Nếu lỵ ra máu thì uống với nước đường; lỵ đàm thì uống với nước gừng, ngày uống 2 lần.

- Trị chứng loét niêm mạc lưỡi: Kết hợp rau mùi với rau húng chanh, ngâm 2 loại trên với nước muối pha loãng rồi nhai kỹ, nuốt lấy nước, nuốt dần dần, rất công hiệu.
- Rau ngò được giã nhuyễn lấy nước, dùng cho sản phụ uống để giảm cơn đau khi sinh nở.
-Chữa thiếu sữa, mất sữa:

* Lá rau mùi khô 50g, hạt mùi 20g. Sắc đặc uống mỗi lần 1 chén, ngày 2 lần.

* Hạt mùi 12g, gạo nếp lức 30g. Nấu cháo ăn.

* Hạt mùi 6g cho vào ấm cùng 100ml nước, đun sôi khoảng 15 phút lấy nước thuốc chia ra 2 phần uống hết trong ngày.

* Lưu ý: Phải chọn rau mùi tươi, mới thu hoạch để ăn và làm thuốc. Phải loại bỏ rau cũ nát vàng gây độc hại.
Không dùng khi đang dùng các thuốc Đông y như bạch truật, đan bì, đang bị loét dạ dày thì nên kiêng rau mùi.

10. Thì là
Là một loại rau gia vị ăn với cá, nhúng giấm, ếch xào, cá um rất ngon
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây thì là:

- Trị chứng đái rắt (đái són): Lấy một nắm thì là tẩm với nước muối, sao vàng, tán thành bột. Khi dùng, lấy bánh dầy quết với bột trên, ăn. Phương thuốc này rất hiệu nghiệm đối với những người hay đi tiểu không có chừng mực, khi đi tiểu thấy đau buốt.

- Trị chứng sốt rét: Những người đi rừng lâu ngày bị sốt rét ác tính, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Để trị chứng này, lấy hạt thì là tươi, giã, vắt lấy nước uống hay phơi khô hạt, tán thành bột, sắc lấy nước uống.

- Trị chứng thận suy, tỳ yếu: Lấy quả thì là sắc uống hằng ngày, mỗi ngày 50-100g.
- Thân và lá thì là phơi khô dung làm thuốc chữa lạnh bụng, đầy hơi, bí tiểu.

11. Rau mùi tàu (ngò gai)
Mùi tàu để làm gia vị nhất là các món ăn của sản phẩm biển như tôm cua và cá biển để giải độc chất tanh, giúp khai vị, ăn ngon cơm, tiêu thức ăn. Ngò gai được dùng trong các món canh chua, lẩu, nhất là món lươn um. Rau mùi tàu có thể ăn sống hoặc nấu chín
Mùi tàu có vị the, tính ấm, mùi thơm hắc, thân và lá mùi tàu có chứa tinh dầu, là thuốc trị các bệnh đầy hơi, ăn uống chậm tiêu, cảm cúm, mạnh tỳ vị và kích thích tiêu hóa...

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây mùi tàu:

- Trị chứng đầy hơi, ăn không tiêu: Rau mùi tàu 50g, kết hợp với gừng tươi. Rau thái dài 4cm, gừng đập dập. Cho 2 thứ vào siêu đất, đổ chừng 400ml nước, sắc lại còn 200ml, chia làm 2 lần uống cách nhau 3 giờ.

- Trị chứng khí trướng, thở mệt: Rau mùi tàu phơi khô tự nhiên, ngày sắc 40g với 2 bát (bát ăn cơm) nước, cô lại còn 2/3 bát, khi uống chia làm 2 lần.

- Trị chứng sốt nhẹ: Mùi tàu 30g, thịt bò tươi 50g, vài lát gừng tươi. Tất cả thái nhỏ, nấu chín với 600ml nước, ăn nóng, khi ăn thêm ít tiêu bột, rồi đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

12. Cây húng chanh:
Còn gọi là cây rau tần. Trong dân gian thường dùng lá tươi làm rau sống trong các bữa ăn. Húng chanh vị chua the, thơm hăng, tính ấm, vào phế có công dụng giải cảm, tiêu đờm, khử độc và các chứng bệnh cảm cúm, lạnh phổi.
Một số bài thuốc từ cây húng chanh:

- Chữa cảm cúm, cảm sốt, nóng rét, nhức đầu, nghẹt mũi: 15 đến 20 g lá rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống; hoặc cho thêm 12g gừng (hoặc hành), đổ 200 ml, sắc còn 100 ml để uống và xông cho ra mồ hôi.

- Chữa viêm họng: Một vài lá húng chanh rửa sạch, nhai kỹ, ngậm và nuốt nước.
- Chữa hen suyễn: Lá húng chanh 12g, lá tía tô 10g. Hai thứ rửa sạch, sắc uống. Khi uống thuốc nên kiêng các thức ăn chiên xào, đồ uống lạnh, hải sản.

- Chữa ho cho trẻ: Húng chanh kết hợp với lá hẹ, mật ong. Cả 3 thứ đem hấp, cho trẻ uống rất sạch miệng và đỡ ho.

- Chữa rết, bọ cạp cắn, ong đốt: Lá húng chanh rửa sạch, thái nhỏ hoặc nhai kỹ, cho một ít muối vào rồi đắp lên vết thương, rất công hiệu.

13. Tần ô (cải cúc)
Tần ô dùng để ăn sống hoặc nấu chín, môt tô canh tần ô với cá thác lác vò viên thì không có gì hấp dẫn bằng với cái mùi hăng hăng như vị thuốc bắc. Một tô hủ tiếu nam vang thêm vài cây cải tần ô sống thì thật là ngon tuyệt
Rau tần ô có tinh dầu thơm, có nhiều protein và chất béo, vitamin A B và C. Ngoài giá trị làm rau gia vị rau tần ô còn dùng làm thuốc trị ho, nhức đầu và thổ huyết.

14 . Hành
Được trồng ở mọi nơi mọi miền của đất nước và được dùng rộng rãi trong các món ăn như canh, cá kho, đồ xào, các tô mì, phở, hủ tiếu…nói lên tính chất đa dạng của nó. Một món ăn thiếu hành là thiếu sự thơm ngon, hấp dẫn.
Một tô cháo trắng nóng với lòng đỏ hột gà, thêm thật nhiều hành lá xắt nhỏ cùng với tía tô là bài thuốc trị cảm rất hữu hiệu. Ngành đông y dùng hành để chữa bệnh mụt nhọt, các vết thương mau lành
Trong củ hành tây có nhiều vitamin B và C, có thể trị bệnh ho, tiêu đờm và lợi tiểu.
Một số bài thuốc từ củ hành:
- Trị cảm mạo, ho, mồ hôi không ra, đau đầu, đau gáy

* Nguyên liệu: Hành ta 5 củ, lấy cả rễ; gạo 50 g; gừng tươi 10 g.

* Cách chế biến: Gừng tươi xắt lát rồi giã nát. Nấu gừng và gạo thành cháo nhuyễn (nấu loãng). Hành thái nhỏ cho vào cháo, cho thêm 3 - 5 ml giấm ăn, trộn đều, cho vào tí muối và tiêu. Nên ăn lúc cháo đang còn nóng để cho ra mồ hôi. Lưu ý, khi ra mồ hôi nhiều rồi thì không nên ăn nữa. Cũng có thể làm theo cách: nấu một bát cháo lòng, hành củ đập dập cho vào, gia vị ít tiêu, muối vừa đủ, ăn lúc cháo đang còn nóng.


- Động thai: dùng từ 20 đến 50 g củ hành tươi giã nát, cho vào một chén nước và nấu đến sôi, lọc bỏ bã, lấy nước uống từ từ.

- Giải cảm: Hành củ 50 g, đậu xị 50 g, gạo trắng 60 g. Giã nát củ hành, rồi cho cả 3 thứ vào nồi nấu cháo, ăn lúc còn nóng...

Ngoài ra, hành củ còn có công dụng làm thông kinh hoạt huyết, ấm thận, giảm mỡ. Lưu ý, không được ăn hành cùng với mật ong.

15. Gừng
Gừng là một loại củ có vị cay, ấm, có một mùi thơm nồng đặc biệt. Cá trê vàng nướng với nước mắm gừng là một món ăn thật khoái khẩu. Canh cải bẹ xanh một vài lát gừng tạo nên một mùi thơm độc đáo hấp dẫn. Các món gà xào mặn cùng với xả ớt gừng, ốc hấp lá gừng là những món ăn dân gian không thể thiếu được. Dân nam bộ có phong tục dùng gừng non hoặc lá gừng non ăn với mắm cá sặt sống với cơm nguội. Gừng còn dùng nhiều trong các món ăn khác, nhưng tuyệt đối không dùng gừng kho với cá tra, cá bông lau, cá hú vì các loại cá này khi nấu với gừng có mùi tanh không ăn được

Gừng tươi có tác dụng làm ra mồ hôi, tán hàn, ôn trung, tiêu đờm, làm hết nôn, hành thủy, giải độc; dùng chữa ngoại cảm, nôn mửa, bụng đầy, ho nhiều đờm, giải độc cua cá.
Gừng khô đã bào chế có vị cay, đắng, tính đại nhiệt, có tác dụng ôn trung, tán hàn, thông mạch, chữa thổ tả, đau bụng, chân tay lạnh, mạch nhỏ, phong, hàn. Dân gian thường dùng gừng chữa kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đi ngoài lỏng, cảm mạo phong hàn, ho mất tiếng...
Một số bài thuốc có gừng:

- Cảm sốt, sợ rét, không mồ hôi: Dùng gừng tươi 3 lát, củ cải 1 củ, rễ rau cải trắng 3 cái, nước 3 bát, sắc còn 1,5 bát. Uống 2 lần lúc nóng ấm. Nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.

- Cảm lạnh, sợ rét, đau mỏi, không mồ hôi: Dùng gừng tươi 10 g, lá chè 6 g, lá tía tô 10 g, lá kinh giới 10 g, đường đỏ 30 g. Cho nước vừa đủ, đun sôi 20 phút rồi cho đường đỏ vào, hòa tan. Uống khi nước nóng ấm, ngày 2 lần.

- Người già bị hen suyễn: Gừng tươi 15 g, trứng gà 1 quả. Gừng thái nhỏ, đập trứng vào đánh đều, xào chín, ăn khi nóng. Hoặc: Dùng gừng tươi 10 g, xuyên bối mẫu, trần bì, ngũ vị tử, bắc tế tân mỗi thứ 3 g, mật ong 16 g, nước cam 90 ml; cho tất cả vào bát, trộn đều, hấp cách thủy cho chín. Chia ăn 3 lần trong ngày.

- Viêm phế quản mạn tính: Gừng tươi 50 g, rễ cây chè 100 g, mật ong, nước vừa đủ. Sắc gừng, rễ chè cho sôi độ 10-15 phút, rót nước ra, cho mật ong vào khuấy đều, bỏ vào lọ, dùng dần. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 g.

- Tiểu đường: Gừng khô 50g, mật cá diếc 3 cái. Gừng sao, tán nhỏ, cho mật cá vào trộn, vê thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 5-6 viên. Hoặc: Gừng tươi 5 g, chè xanh 6 g, nước 500 ml. Đun cạn còn 350 ml, cho muối ăn 4 g vào khuấy đều. Uống hết thuốc trong ngày.

- Tứ chi tê dại: Gừng tươi 60 g, hành 120 g, giấm 120 g. Tất cả cho vào nồi đun sôi, xông tay chân tê, ngày 1 lần.

- Nấc liên tục không dứt: Gừng tươi 30 g, mật ong 30 g. Giã gừng vắt lấy nước, cho mật ong vào, trộn đều, cho thêm tí nước ấm, uống từ từ, nín hơi mà uống.

16. Tỏi
Là một gia vị không thể thiếu được trong các món ăn nấu nướng hàng ngày. Để tăng thêm độ thơm hấp dẫn của thực phẩm khi chiên xào, người ta dùng tỏi phi mỡ trước cho bóc mùi thơm, hoặc khử mùi dầu ăn trước khi chiên xào.Trong các dung dịch nước chấm như nước mắm tỏi ớt, tỏi làm tăng thêm độ thơm và làm dịu vị mặn, thích hợp với khẩu vị mọi người. Dưa tỏi là một món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn, nhất là trong ngày tết ngày giỗ.
Tỏi là một vị thuốc kìm hãm sự phát triển của nhiều loại vi trùng gây bệnh và chữa được các loại bệnh nhiễm trùng. Tỏi dùng để điều trị các bệnh cảm cúm, ho gà, cao huyết áp, xơ cứng động mạch. Tỏi làm thong tim mạch, trị các bệnh nhức mỏi. Người bị bệnh yếu gan, loét dạ dày và tá tràng thì không nên dùng nhiều tỏi.

17. Củ kiệu:
Củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm.
Một số bài thuốc có sử dụng củ kiệu:

- Chữa viêm mũi mãn tính: Dùng củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g; nấu nước uống trong ngày.

- Chữa đau thắt tim: Dùng củ kiệu 9g, qua lâu 18g, đan sâm 9g, khương hoàng 9g, ngũ linh chi 9g, quế chi 6g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, viễn chí 9g, trầm hương bột 3g (hòa vào sau). Sắc nước uống trong ngày.

- Chữa kiết lỵ, ỉa chảy, mót rặn: Dùng củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g. Sắc nước uống.

- Chữa xích lỵ - đi lỵ phân lẫn máu: Dùng củ kiệu 12g, hoàng bá 6g, sắc nước uống. Hoặc dùng kiệu 1 nắm, thái nhỏ, nấu cháo ăn.

- Chữa tiêu chảy, nôn khan không ngừng: Dùng kiệu 1 nắm, nước 500ml, sắc cạn còn một nửa, chia thành nhiều lần uống.

- Chữa hôn mê do trúng khí độc: Dùng kiệu giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi.
- Trị tức ngực, khó chịu ở vùng dạ dày:dùng 5-10g khô (tươi 30-60g), sắc hoặc tán bột, làm viên uống.

- Kiêng kỵ: Người phát nóng do "khí hư" hoặc "âm hư", mồ hôi ra nhiều, đầu đau không nên dùng độc vị. Kiệu có tính hoạt lợi, không bị tích trệ cũng không nên dùng.- Chữa lở ngứa: Dùng lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.

- Chữa bỏng: Dùng kiệu giã nhỏ, hòa với mật ong, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị bỏng, giúp da chóng lành.

- Chữa hóc xương cá: Dùng kiệu 1 nhúm, nhai nát, cuốn một đầu sợi dây nhỏ vào trong, nuốt đến chỗ xương bị hóc, cầm đầu dây kéo ra từ từ.

18. Hồ tiêu
Là một loại gia vị cao cấp có độ cay nồng ấm, các món ăn từ kho đến chiên xào đều được rắc thêm bột tiêu để làm tăng thêm độ nồng nàn, thơm tho và và hấp dẫn của thực phẩm
Ngoài các công dụng nêu trên, tiêu còn dùng để trị bệnh giãn mạch và đau bụng.

19. Ớt
Là loại gia vị rất cay ngon, được dùng trong các món nước chấm như nước mấm ớt, muối ớt rất hấp dẫn. Trong các món điểm tâm hay bữa cơm hằng ngay mà thiếu ớt thì thiếu đi một phần hấp dẫn
- Ớt Đà Lạt là loại ớt to có trái màu xanh, không cay, có nhiều vitamin B,C, xào với tôm thịt ăn rất thơm và giòn
- Ớt giúp tiêu hóa nhanh, ăn ngon miệng, ớt trừ được các chất độc, do đó khi bị rắn cắn, người ta thường giã ớt đắp lên các vết thương để tiêu nọc độc và mau lành vết thương.

20. Củ riềng
Giống cây hoang dại của vùng nhiệt đới, thuộc họ gừng. Củ riềng thường được dùng thích hợp với món ăn có vị đặc trưng chế biến từ thịt thú rừng, thịt lợn, giả cầy.
Riềng được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền để làm thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, chữa đầy hơi, các chứng đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy. Riềng có tác dụng chữa khi bị sốt rét do hàn hoặc sốt rét, sốt nóng, đau răng và các chứng trúng gió, làm ấm tỳ vị và đi lỵ lâu ngày, thổ tả, chuột rút.

Các đơn thuốc có riềng:

- Chữa đau dạ dày do hư hàn: Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm. Dùng tâm hợp thang gồm: Cao lương khương, hương phụ mỗi vị 6-10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9-12g; đinh hương 6-9g; sa nhân 3-6g. Sắc uống.

- Chữa đau dạ dày cấp: Đau đớn khó chịu, nôn oẹ, ăn uống kém. Dùng các vị sau: cao lương khương (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa đau dạ dày: Đau dữ dội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng. Dùng thang gia vị thược dược cam thảo: Bạch thược sao 30g, cam thảo chích 10g, cao lương khương 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.

- Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 5g. Sắc với 300ml còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

- Chữa sốt rét kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trư đảm hòa vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15-20 viên.

- Chữa đau bụng, đau hai bên sườn, sôi bụng, tiết tả: Cao lương khương 12g, hương phụ 12g. Tán bột, viên hoặc sắc uống sẽ hành khí giảm đau.

21. Me
Me có tác dụng chữa một số bệnh về đường ruột, rối loạn chức năng gan, điều trị nôn ọe, ghẻ ngứa, viêm da...

Một số bài thuốc từ me:
- Me nghiền nát quả, lọc bỏ xơ, lấy 50g cơm đã lọc bỏ xơ, 50g nước và 125g đường. Đun sôi bằng lửa than như lửa rim mứt còn lại 200g (có thể đem sấy khô cơm me để dành), lấy 30g cơm me pha với nước sôi để nguội uống. Cơm me rất tốt trong chừa bệnh về gan (rối loạn chức năng gan, men gan) rối loạn tiêu hóa thể táo (rất tốt trong điều trị nhuận tràng), thông lợi tiểu dắt, tiểu buốt, trong nước tiểu qua xét nghiệm có nhiều chất cặn, lắng axit uric, oxalat, HBC 1-2 cái... Liều lượng sử dụng: Người lớn từ 20-120g cơm me, thêm đường để uống; Trẻ em từ 10 - 12 tuổi dùng từ 10-20g cơm me.

- Vỏ cây me dùng để chữa lỵ, dùng nước vỏ cây me (giã nhỏ lọc sạch) xúc miệng chữa viêm lợi, chân răng (viêm nha chu), chữa tiêu chảy.

- Lá me vò nát, nấu nước tắm trị ghẻ, phòng các bệnh ngoài da, xoa lên nơi dị ứng ngứa.
- Me giã nát, lọc bỏ xơ và hạt, đổ si rô đặc vào đun sôi. Mỗi ngày dùng từ 15-20g - 30g cơm me cho vào nước uống rất tốt có thể thay viên vitamin C (Nervon C), uống thường xuyên tăng cường miễn dịch, tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể.

22. Khế
Là loại quả có khía, vị chua, sử dụng đa dạng, ăn tươi( loại khế ngọt) ăn kèm rau sống+chuối chát, trong các món ăn nướng hoặc chiên và nấu canh chua rất ngon.
Lá khế chữa lở sơn, dị ứng, mày đay, cảm nắng, sổ mũi, sốt, ho, sốt xuất huyết, đái buốt, đái ra máu, mụn nhọt, viêm tiết niệu, viêm âm đạo, ngộ độc. Hoa khế chữa trẻ em kinh giật, ho gà, thận hư. Quả khế chữa ho, viêm họng, sổ mũi, dị ứng, lở sơn, thúc sởi, bí đái. Vỏ thân, vỏ rễ cây khế chữa đau khớp, đau đầu mạn tính, viêm dạ dày, ruột, trẻ lên sởi, ho, viêm họng

Một số bài thuốc có khế:

- Chữa lở sơn: Lá khế tươi được dùng riêng 40 g hoặc phối hợp với lá muồng thuổng mỗi thứ 20 g, giã nát, gói vào vải sạch, đắp lên chỗ lở sơn. Có thể dùng quả khế giã nát đắp.

- Phòng sốt xuất huyết trong thời gian có dịch: Lá khế 16 g, lá dâu, sắn dây, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12 g, sắc uống thay nước hằng ngày.

- Thuốc làm thúc sởi, làm sởi chóng mọc và mọc đều: Quả khế thái lát phơi khô 20 g, rau rệu 20 g, lá mọc sởi 20 g sao vàng hạ thổ, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng vỏ cây hoặc vỏ rễ cây khế cạo bỏ vỏ ngoài và vỏ xanh, ngày 20-40 g sao vàng, sắc uống.

- Chữa cảm nắng: Lá khế tươi 20 g, lá chanh 10 g giã nát, vắt lấy nước uống.

- Chữa đái buốt, đái ra máu, viêm bàng quang: Lá khế 80 g, rễ cỏ tranh 40 g, sắc uống.

- Chữa tiểu không thông: Dùng 7 quả khế chua, cắt mỗi quả lấy 1/3 phía cuống, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống khi còn ấm. Kết hợp lấy 1 quả khế và 1 củ tỏi, giã nát, đắp vào rốn.

- Phòng bệnh cho phụ nữ sau đẻ: Quả khế 20 g, vỏ cây hồng bì 30 g, rễ cây quả giun 20 g, sắc uống thay nước.
- Để chữa dị ứng, mày đay, mẩn ngứa, lở loét: lấy lá khế giã nát, xoa và đắp lên chỗ bị dị ứng; kết hợp dùng 16 g vỏ núc nác sắc uống. Dùng lá khế, lá thanh hao, lá long não, lá thông mỗi thứ 15-20 g, nấu nước tắm.