PDA

View Full Version : Trận Gò Nổi (Xóm Cây Chỏ)



Longhai
08-02-2014, 09:10 AM
Trận Gò Nổi (Xóm cây chỏ)

(Ngày 19/5/1969)


Trọng tâm của CSBV trong tỉnh Tây Ninh là khu vực căn cứ địa to lớn gọi là chiến khu C hay chiến khu Dương Minh Châu. Chiến khu nầy nằm trong khu rừng rậm Dầu Tiếng giữa ranh giới hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương. Từ các căn cứ hậu cần an toàn trong khu Mỏ Vẹt, Cộng quân mở rộng hành lang vận chuyển thông thương từ Campuchia ngang qua khu vực Phước Ninh trong nỗ lực xâm nhập chiến trường thuộc QK3/Việt Nam Cộng Hòa để bao vây và uy hiếp Sàigòn từ nhiều hướng mà chiến khu C là trạm dừng chân gần nhất.

Đối với Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Tây Ninh có vai trò quan trọng về Chính trị và Quân sự chỉ sau Biên Hòa ở Quân Khu 3. Là thánh địa của đạo Cao Đài, cùng với Hòa Hảo ở Miền Tây là hai Tôn giáo nổi tiếng chống Cộng Sản, tỉnh Tây Ninh thường được xem là mục tiêu chính yếu của Cộng Sản Bắc Việt để xây dựng các cơ sở đầu não của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) và là bàn đạp tấn công Sàigòn từ các căn cứ địa nằm dọc theo biên giới Cam Bốt.

Mục tiêu của Bắc quân là kiểm soát hành lang chiến lược nằm giữa sông Vàm Cỏ Đông và biên giới Cam Bốt trong tỉnh Tây Ninh. Dù thiếu hụt quân số và đang hồi phục sau các thất bại trong chiến dịch Tết Mậu Thân, Sư Đoàn 7 CSBV được Mặt Trận B-2 giao cho nhiệm vụ tấn công này.

Để truy lùng địch, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được Bộ TTM tăng cường lực lượng Tổng trừ bị SÐND phối hợp tổ chức một chiến dịch hành quân quy mô trên toàn lãnh thổ Tỉnh Tây Ninh

Tại xóm Cây Chỏ, gần biên giới Miên Việt thuộc quận Thanh Ðiền tỉnh Tây Ninh phía Nam sông Vàm Cỏ Ðông cạnh bến Cồ Nổi (hay Gò Nổi) TÐ6ND được BCH/LÐIND chỉ định dừng quân tại đây để làm nút chận trên con đường chuyển quân của CSBV từ khu vực căn cứ địa Ba Thu, Mỏ Vẹt Kampuchia sang vùng Chiến Khu C. Vì là con đường chiến lược quan trọng nên Cục R của VC phải bứng mục tiêu nầy cho bằng được.

Nửa đêm ngày 1/5/1969, Công Trường 7 VC điều động 2 Trung Ðoàn 271 và 272 với pháo binh yểm trợ đã tấn công mãnh liệt vào vị trí đóng quân của TÐ6ND với chiến thuật biển người. TÐ6ND đã phản công quyết liệt nhưng vì là vị trí tạm thời công sự phòng thủ không đủ kiên cố vã lại lực lượng địch quân quá đông nên đơn vị bị cắt ra nhiều đoạn và bị thiệt hại nhiều.

Sáng ngày 3/5/1969 TÐ3ND được điều động vượt sông Vàm Cỏ Ðông ngang khu vực Bến Gò Nổi rồi di chuyển đến xóm Cây Chỏ thay thế TÐ6ND trấn đóng tại đây “Với mục đích nhữ cho VC tấn công“

Toàn bộ TÐ3ND sau khi qua sông và bắt đầu di chuyển vào khoảng 5.00 giờ chiều thì phát hiện 3 Tên trinh sát CS bám theo. Khi tới khu vực ấn định, thay vì vào vị trí đóng quân ngay vì trời đã sắp tối, nhưng Thiếu Tá Lê Văn Phát, TÐT đã cho lệnh Tiểu Ðoàn đi ngược lên hướng Bắc qua khỏi vị trí TÐ6ND đã bị tấn công hôm 1/5 dụng ý không cho Trinh sát địch đoán biết ý định của ta. Khoảng 7 giờ tối thì TÐ quay lại vị trí đóng quân ở đoạn ngắn của cùi chỏ với đội hình phòng thủ như sau:

- Phía Tây là trãng trống lớn, phía xa khoảng 1000 thước là bìa rừng do ÐÐ 34 của Ðại Úy Trương Văn Vân trấn đóng.

- Hướng chính Bắc bên phải ÐÐ 34, có một số cây lớn nhưng thưa thớt do ÐÐ 33 của Ð/U Lê Xuân Trạch trấn đóng.

- Bên trái ÐÐ 34 xạ trường chính Nam có trãng trống rộng chừng 70 - 80 m, bên kia là rừng rậm chạy dài theo hướng Ðông Tây có nhiều hố bom rộng chừng 5-6 m đường kính, do ÐÐ 31 của Ð/U Lê Viết Tùng trấn đóng.

- Về phía Ðông vị trí đóng quân là ÐÐ 32 của Ð/U Nguyễn Khen trấn đóng, BCH Tiểu Ðoàn và ÐÐ 30 của Ðại úy Toán trấn thủ ở Trung tâm.

Thời gian nầy là lúc đơn vị có Cấp chỉ huy hùng hậu nhứt bởi các ÐÐT như trên, SQ ban 3 là Ðại úy Lê Hồng, TÐP là Thiếu Tá Nguyễn Chí Hiếu, TÐT là Thiếu Tá Lê Văn Phát đều là những Sĩ Quan thâm niên dầy dạn chiến trường và “Kinh nghiệm xương máu”.

Hằng ngày Tiểu đoàn tung quân ra lục soát bung rộng chung quanh vị trí đóng quân từ sáng đến chiều mới trở về, chỉ để lại một Ðại Ðội canh gác cứ điểm.

Ngày 14/5/1969 như thường lệ, ÐÐ 34 ở lại canh gác. Trung Ðội 2/34 của Chuẩn Úy Nguyễn Viên, canh giữ vị trí của ÐÐ 31 ở hướng chính Nam, bên kia trảng trống là bìa rừng có nhiều cây to. Khoảng 12.30 giờ trưa, phiên gác của Binh I Bùi Minh Ðức. Có lẽ thấy buổi trưa Hè êm ả, không có gì đáng ngại nên chàng Ðức nhà ta thả hồn về với "Em gái hậu phương”. Chợt nghe sột soạt có tiếng động, Ðức giật mình quay lại thì thấy 3 tên VC đang sắp hàng một tiến vào gần tới phòng tuyến, 3 tên Trinh sát CS cũng không nhìn thấy Ðức ngồi trước mặt chúng khoảng 15 m. Ðức hốt hoảng “ới” lên một tiếng, tất cả 6 ,7 người ở phía ấy kể cả Trung Ðội Trưởng đều bật dậy vào vị trí tác chiến chỉ kịp thấy 2 tên đi sau chạy trở lại bìa rừng. 5, 6 người cùng nổ súng mà không trúng mục tiêu, vì nhiều thân cây to nên chúng kịp thời ẩn núp.

Còn lại tên đi đầu không theo kịp hai tên kia nên đã nhào xuống hố bom giữa trãng trống để ẩn mình. Ðể lừa tên nầy, Trung Ðội Trưởng hô to: “Thôi đừng bắn nữa, nó chạy mất rồi, về vị trí hết đi”. Vừa nghe thế, tên núp dưới hố bom nhào lên quơ đại một tràng AK rồi ù té chạy; nó có ngờ đâu là 6,7 tay súng vẫn trong thế chuẩn bị tác xạ và 4,5 khẩu M16 và 1 quả phóng lựu M79 đáp lể ngay tức khắc và tên kia đã gục ngã bên hố bom. Thấy thế 2 tên trong bìa rừng ù tháo chạy mất dạng.

Khi lục soát trong mình tên bị hạ có một khẩu AK 47, 3 băng đạn và 1 quyển sổ nhỏ ghi nhật ký của đương sự với tên là Trần Ðức Tạo, sinh năm 1952 tại Thái Bình. Ðương sự từ miền Bắc đi “B” năm 1968, ở một trang trong cuốn sổ có câu thơ: “Trăng lên đỉnh núi trăng tà. Sao trăng không tỏ xem ta vượt đèo?“ Có lẽ đây là thơ của Ông Tố Hữu làm ra để nhồi sọ những “Cán binh con nít” Bắc Việt vượt Trường Sơn vô mặt trận miền Nam. Vậy khi chết tên Cán binh Tạo nầy mới có 17 tuổi. Thế là 1 trong 3 tên Trinh sát bám theo Tiểu Ðoàn khi vừa qua sông Vàm Cỏ bến Cồ Nổi đã bị hạ.

Ngày 16/5/1969 hai ngày sau, cũng trong một cuộc lục soát, Thiếu Tá TÐT ra lịnh cho ÐÐ32 nằm lại phục kích trên đường trở về vị trí đóng quân đêm. Quả nhiên 2 tên trinh sát còn lại đã bám sát theo TÐ đã bị ÐÐ 32 hạ ngay và tịch thu 2 khẩu AK và 6 băng đạn.

Ðoán biết đại đơn vị của CS thế nào cũng sắp tấn công nên BCH Tiểu đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng ứng chiến, chuẩn bị những hỏa tập tiên liệu gởi về cho các pháo đội thuộc TÐ2PBND tại các CCHL quanh Thị Xã Tây Ninh sẵn sàng, khai quang xạ trường và ra lệnh tất cả Binh sĩ đề cao cảnh giác.

Ngày 19/5/1969 Công Trường 7 / CSBV chuẩn bị quà sinh nhật giặc Hồ già, đã tung 2 Trung Ðoàn thiện chiến của chúng là 271 và 272, quyết tâm làm cỏ đơn vị TÐ3ND để tế sống HCM. Nhưng vì 3 tên Trinh sát dẫn đường của chúng đã bị tiêu diệt nên mò mẫm mãi đến 5.00 giờ sáng ngày 19/5 mới đến nơi. Lúc mà tất cả Tiểu Ðoàn đã báo động từ lúc 1.00 giờ sáng khi một toán Đặc công của CS đã mò vào tấn công một căn cứ Hỏa Lực của TÐ2PBND tại Tây Ninh và lúc tất cả Binh sĩ đang sửa soạn nai nịt chuẩn bị cho một ngày hành quân mới.

Vì thấy ánh sáng lửa củi do các Binh sĩ nấu nướng nên địch mới xác định được vị trí và bắt đầu khai hỏa dữ dội bằng đủ loại đại bác 75 ly và 57 ly không giật, rồi súng cối 82 ly súng lớn súng nhỏ đủ loại...Nhưng không còn yếu tố bất ngờ nữa, quân ta đã nhanh chóng vào vị trí tác chiến. Hơn nữa với mọi điểm hỏa tập tiên liệu đã có sẵn nên chỉ 2 phút sau tất các các Pháo Ðội của TÐ 2 PBND đã đáp lể con cháu “bác Hồ” rất niềm nở.

Không còn cách nào hơn, CSBV bèn dốc toàn lực ồ ạt tấn công biển người ở 2 phía của ÐÐ 34 và ÐÐ 31.

Trên băng tần Chỉ huy AN/PRC25, Giọng Lê Hồng vang vang trên máy xin pháo binh, hỏa châu, và báo cáo cả Trung đoàn địch đang mưa pháo, tấn công vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 3 Nhảy dù ở Bến Cồ Nổi, ngay ven sông Vàm Cỏ Đông.

Nhờ trãng trống phía trước phòng tuyến và trời lờ mờ sáng nên các chiến sĩ Mũ đỏ đã đốn ngã địch quân la liệt... M16, đại liên bóp cò liên hồi. M79 phóng thẳng vào phía sau nơi các tên Chỉ huy đang điều quân.

Súng bắn không cần nhắm, lựu đạn ném không cần lấy đà, địch càng ngày càng tiến gần, tên nầy ngã gục thì tên khác chồm lên như những con thiêu thân. Trong khi đó pháo binh Dù cũng đã gởi đạn nổ chụp lên đầu phía hậu quân của địch, nên sau một thời gian ngắn đội hình của cộng quân tan rã, tất cả các khẩu súng cối địch đã bị khóa mồm, chúng tranh nhau nhào xuống con suối khô gần đó để tránh tầm đạn trực xạ của Chiến sĩ Dù.

Khoảng 6.30 giờ, trời đã sáng, trực thăng Võ trang của Mỹ đã vào vùng để yểm trợ các đơn vị ở dưới đất, một trực thăng bị trúng đạn địch từ dưới bắn lên, viên phi công bị thương nặng.

Sau cả đêm quần thảo với giặc, sáng hôm sau, "Bố Già Lê văn Phát" reo vui khi báo cáo mấy trăm xác địch nằm ngổn ngang quanh vị trí đóng quân, tịch thu hàng trăm vũ khí đủ loại của địch.

Về sau, trời dần sáng tỏ, tiếng súng cũng thưa thớt dần. Tàn quân của địch sau đó rút lui theo con suối cạn độc đạo dài khoảng 2 cây số dẫn về hướng Bắc, nhờ những hàng cây to rậm rạp che dấu. Nhưng đúng như tiên liệu, Trung Tá Lê Quang Lưởng LÐT/LÐIND đã điều động TÐ6ND dàn quân chận địch tại nơi đây và hốt trọn gói không chừa một móng. TÐ6ND đã trả được mối hận 18 ngày trước.

Sau khi tiếng súng im hẳn, TÐ3ND tung quân ra ngoài lục soát và thu dọn chiến trường với các chiến lợi phẩm thu được như sau:

- 1 Đại bác không giật 57 ly.
- 2 Súng cối 82 ly.
- 4 Súng cối 61 ly.
- 1 Đại liên 12.8 ly, 4 thượng liên.
- 14 trung liên nồi.
- 4 B41, 18 B40.
- 61 AK 47 & 50.
- 2 Khẩu K54.
- Nhiều băng đạn, đạn B41 & 40, lựu đạn.
- 161 xác chết còn nguyên vẹn.
- Bắt được 2 tù binh.

Phía ta 3 Chiến sĩ hy sinh:

- Chuẩn Úy Trần Gia Hạnh. (Khoá 26 SQTBTÐ) Tr ÐT/4/34.
- Binh I Hoa, Tr Ð 4/34
- Binh I Phần Cầm, xạ thủ Ðại liên Tr Ð2/34 và 13 Binh sĩ bị thương.

Ngày 21/5/1969 TÐ3ND được lệnh di chuyển lên phía Bắc Xóm Cây Chỏ chừng 4 km (Xóm Mía) để bảo vệ an ninh cho Công Binh Nhảy Dù thiết lập Căn cứ hỏa lực Lam Sơn. Và về sau chỉ còn để lại một ÐÐ 32 của Ðại Úy Nguyễn Khen và Thiếu Tá TÐP Nguyễn Chí Hiếu.

Ngày 6/6/1969 TÐ3ND được về Sài Gòn nghỉ dưỡng quân 5 ngày và sau đó tham dự hành quân ven đô.



Đại Úy Võ Trung Tín
Tiểu Đoàn Truyền Tin SĐND

Đại Úy Nguyễn Viên
Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù
http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/GoNoi.htm