PDA

View Full Version : Xa Quê Hương, Nhớ Mẹ Hiền



Longhai
07-31-2014, 06:12 AM
Xa Quê Hương, Nhớ Mẹ Hiền



Nguyễn Khắp Nơi


(Viết theo lời kể của một người con. Tên trong bài không phải là tên thật.)

Khi ba tôi còn ở trong Lính Cộng Hòa, mỗi lần ba về phép, đều kéo theo một số bạn bè ngồi nhậu chung với nhau, cười giỡn vui vẻ lắm. Má tôi làm đồ nhậu cho mọi người rồi cũng dắt tôi ra ngồi cạnh ba, tôi nhìn thấy có một người Lính vẽ trên cánh tay của chú những hình ảnh và chữ thật đẹp, tôi chẳng biết đó là cái gì ? Nến đã lân la đến gần, đưa tay rờ lên hàng chữ trên tay của chú. Chú lính cười ha hả hỏi tôi :

- “Cháu đi học chưa ? Đã biết đọc chưa ? Đọc hàng chữ này cho chú nghe coi...”

Lúc đó, tôi chỉ là đứa con gái sáu tuổi đầu, vừa mới bắt đầu đi học, mẹ tôi cũng có dậy tôi học thêm ở nhà rồi, nên tôi có thể đọc một ít chữ, tuy nhiên, những hàng chữ trên tay của chú không viết giống như những chữ tôi đã học, nên tôi nhìn tới nhìn lui hoài cũng không biết đó là chữ gì, tôi nhìn chú cười rồi lắc đầu. Chú lính chỉ từng chữ đọc cho tôi nghe :

- “Xa Quê hương, Nhớ Mẹ hiền”

Đọc xong, tự nhiên chú đổi thái độ, chú không cười nữa, chú nói với tôi nhưng không nhìn vào tôi mà lại nhìn vào bức tường trước mặt, làm như chú nói cho một mình chú nghe :

- " Nhà chú ở tuốt Miền Trung, xa lắm, chú ham làm lính Cọp Biển, nên đi tuốt vào Miền Nam mà đăng lính. Lâu lắm rồi chú không có dịp về thăm má, nhớ má quá, nên chú xâm hàng chữ này làm kỷ niệm..."

Rồi chú chợt quay lại nhìn tôi, vẻ mặt vui tươi trở lại, chú nói :

- “Mai mốt cháu lớn lên... đăng lính như chú... rồi chú sẽ xâm chữ này cho cháu... ”

Tôi chạy lại mẹ, mẹ ôm lấy tôi vừa cười vừa trả lời chú lính :

- “Con gái mà đi lính nỗi gì... nó lúc nào cũng ở kế bên chị, có đi khỏi một bước đâu mà phải... nhớ mẹ hiền... ”

Khi Saigòn bị thất thủ, tôi đang học lớp Ba, nhà tôi ở Ngã Ba Ông Tạ, gần phi trường.

Tôi nhớ ngày ấy, súng nổ thật nhiều, ở khắp mọi nơi, nhà tôi chỉ có hai mẹ con, ba tôi đi hành quân xa như mọi ngày, mẹ tôi nghe súng nổ quá nhiều, ngoài đường người ta gánh gồng ôm quần áo chạy đi chạy lại thật là hỗn độn. Mẹ tôi thấy tình hình như vậy, không dám cho tôi đi học nữa, má đóng cửa thật chặt, bảo tôi vào trong nhà ngồi tự học được rồi, nhưng lâu lâu mẹ lại mở hẻ cửa xem ngoài đường tình hình ra sao, tôi cũng luồn dưới chân mẹ ló đầu ra xem.

Ngoài đường đầy những người lính đội nón sắt giống như ba tôi, không biết họ từ đâu và từ lúc nào mà đã kéo về thật là nhiều, ai cũng súng đạn đầy người, họ lầm lì không nói không cười, đứng nấp sau những gốc cây, những bao cát, chông súng về phía sau như là sắp sửa bắn. Mẹ tôi lại vội vàng đóng cửa dắt tôi vào trong phòng ngủ, mẹ lấy quần áo và đồ ăn khô bỏ vào hai cái bao vải, đưa cho tôi một bao nhỏ, nắm lấy vai tôi mà dặn thật kỹ càng :

- “Chắc là đánh nhau tới Saigòn rồi đó con à, mẹ con mình sẽ phải đi nơi khác để tránh bom đạn. Con nhớ nắm chặt lấy tay mẹ cho khỏi bị lạc, nhe con. Mẹ đưa cho con cái gói này, trong đó có quần áo và đồ ăn của con, nhớ lúc nào cũng phải đeo trên người, đừng để bị mất.”

Mẹ tôi suy nghi một lúc lâu, rồi má mở ngăn kéo lấy giấy lấy viết ra viết rồi xếp lại, bỏ vào một cái túi nhỏ, cột dây lại đeo vào cổ tôi mà nói :

- “Đây là cái bao nilông, trong đó có tờ giấy viết tên của ba mẹ, tên và ngày tháng năm sanh của con, lúc nào con cũng đeo trên cổ... lỡ có lạc thì người ta biết tên của ba má, của con mà giữ con dùm để mẹ tới lãnh.”

Má nói tới đây thì ôm lấy tôi mà òa lên khóc, vừa khóc vừa nói với tôi :

- “Không biết ba có về đây kịp hay không nữa... ?”

Ngay lúc đó, rất nhiều tiếng súng nổ thật lớn, ngay phía trước nhà, mẹ vội vàng nắm tay tôi chui vào gầm giường mà chung quanh mẹ đã xếp đầy những bao cát, mẹ nằm đè lên tôi để che chở lỡ đạn có lạc vào trong hầm thì tôi cũng không bị thương. Thật lâu sau, khi tiếng súng đã êm, mẹ mới dám dẫn tôi ra ngoài, hé cửa nhìn ra đường...

Ngay trước mắt tôi... thật là khủng khiếp : Hai chiếc xe thật là lớn, có gắn súng dài, trên xe có vẽ ngôi sao đỏ, bị bắn cháy... ngọn lửa đang bốc lên thật cao... sau những bao cát, những người lính đội nón sắt đang chĩa súng bắn vào những người lính khác, cũng mặc quần áo màu xanh lá cây nhưng đội nón rất lạ và chân lại mang dép chứ không mang giầy như ba tôi, trên đường, có những thân người đầy máu nằm dài không cử động... Lần này thì tôi thấy mẹ tôi sợ run cả người lên, tôi cũng sợ quá, nắm chặt lấy đùi mẹ mà khóc không ra tiếng. Mãi một lúc sau, mẹ mới tỉnh người lại mà dắt tôi vào trong nhà, đeo cái bao vải vào người tôi rồi dắt tôi ra sau nhà mở cửa sau chạy vào trong hẻm.

Trong hẻm cũng đầy những người, ai cũng mang túi như chúng tôi nắm tay nhau mà chạy... mẹ tôi cũng cứ thế mà nắm tay tôi chạy theo đoàn người... Từ trong hẻm chạy ra đến đường lớn, súng nổ vang khắp mọi nơi, người ta chạy tứ tán từ phía trước ào trở vào trong ngõ, mẹ con tôi bị đoàn người đụng vào té nằm dài trên đường. Tôi lạc mẹ sợ quá hét lên tìm mẹ :

- “ Mẹ ơi... mẹ ơi... ”

Mẹ tôi cũng đang kêu khóc tìm tôi... hai mẹ con chỉ nằm cách nhau có vài bước, mẹ vội vàng nhào tới ôm lấy tôi chạy trở vào trong ngõ rồi cuối cùng, lại trở vào nhà. Mẹ tôi nằm vật xuống sàn nhà thở hồng hộc... đằng trước nhà, người ta cũng đang chạy lung tung la hét om xòm. Tôi chợt nhớ ra là lúc nẫy mẹ tôi dắt tôi chạy mà quên chưa đóng cửa, tôi vội và chạy ra xô cánh cửa cho nó đóng vào một cái rầm rồi trở vào nằm với mẹ.

Chiều tối thì tiếng súng đã bắt đầu ngưng, bác Ba hàng xóm luồn cửa sau vào nhà cho má hay :

- “Mình... đầu hàng rồi... mấy ông Lính không chịu đầu hàng, họ ôm nhau tự tử hết trơn... buồn quá... ”

Mẹ tôi gượng ngồi dậy, hỏi bác Ba :

- “Anh Ba... đã về được chưa hả chị... ?”

Bác Ba lắc đầu, nhìn chung quanh nhà rồi hỏi lại mẹ tôi :

- “Chưa thấy đâu hết... chồng em có tin tức gì không... ?”

Qua ngày hôm sau, ba tôi mới trở về nhà... ba mặc áo thung trắng, vẫn mặc quần lính và mang giầy. Mẹ mừng rỡ, ôm lấy ba mà khóc như mưa. Ba ôm lấy mẹ, tay kia bồng tôi lên, rưng rưng nước mắt nói với mẹ :

- “Mình... thua trận rồi em ơi... nhục quá... muốn tự tử chết cho rồi... ”

Mẹ tôi vội vàng ôm chặt lấy hai tay của ba, khóc lớn tiếng :

- “ Đừng... Đừng... Anh ơi... Anh đừng bỏ em... đừng bỏ con... ”

Ba tôi ở nhà không lâu thì được những người mang băng đỏ đến nhà báo là phải đi trình diện học tập, ở nhà lại chỉ có tôi và mẹ sống thui thủi với nhau. Mẹ tôi không còn mặc áo dài lái xe Honda đi làm nữa, mẹ đã bán cả đồ đạc trong nhà đi để mà làm vốn mua đồ cũ ra chợ trời bán kiếm tiền nuôi tôi. Mỗi buổi sáng, mẹ đưa tôi đi học rồi mới về nhà chở đồ ra chợ bán, buổi trưa tan học, mẹ phải nhờ người bạn hàng trông dùm đồ đạc để đi đón tôi ra chợ cùng ngồi bán với mẹ, tôi sống với giang hồ từ khi bắt đầu đi học lớp 1.

Một hôm, mẹ tôi nhận được thư của ba gởi về, mẹ mừng rơi nước mắt ép lá thư vào ngực mà khóc lên thành tiếng. Mẹ nói ba đi học tập mãi ở Miền Bắc, được Chính quyền cho gia đình lên thăm nuôi. Tôi cũng mừng lắm, xin mẹ cho đi cùng, vì tôi cũng đã lớn rồi, có thể giúp mẹ nhiều công việc lắm. Mẹ tôi lúc đầu không muốn cho tôi đi theo, mẹ nói :

- " Từ đây ra ngoài Bắc, xa lắm con ạ, mình phải đi xe lửa, chen lấn có khi lọt xuống dưới đường rầy, rồi muỗi mòng rắn rít... "

Nhưng khi Bác Ba qua chơi, bác nói phải có người đi cùng để trông hàng, vì ăn cắp rất nhiều, có người ra tới nơi thăm chồng, bị mất hết cả dồ đạc lẫn tiền bạc, chỉ còn cách đứng đó mà khóc than, may nhờ có bạn bè hùn vô mỗi người một ít mới mua được vé xe lửa mà về nhà, thế là mẹ lại đổi ý, cho tôi đi cùng. Tôi mừng hết sức, tưởng chừng như ngày mai đã gặp ba rồi, ba sẽ ẵm tôi trên vai như hồi tôi còn nhỏ.

Đúng như lời mẹ tôi đã nói, xe lửa rất là đông, người ta chen lấn xô đẩy nhau thật là hung hãn để có một chỗ ngồi, thành ra, thay vì tôi trông coi đồ đạc, mẹ tôi vừa phải bảo vệ cho tôi, vừa phải trông chừng cho gánh đồ đem cho ba, làm cho tôi cảm thấy hối hận vì đã đòi đi, làm cho mẹ càng bị cực nhọc thêm. Nhưng khi đến Ga Hàng Cỏ, nếu không có tôi trông chừng gánh đồ, mẹ không thể nào đi tìm xe thồ mà mặc cả giá chuyên chở được, được mẹ khen, tôi cũng thấy đỡ phần mặc cảm. Khi không còn đi bằng xe được nữa, mẹ và tôi phải bước xuống đi bộ vào trong rừng rồi leo lên núi, thật là mệt nhọc và cực khổ, mà chỉ có những người như mẹ tôi mới chịu đựng được.

Nhưng trái với ước mơ của tôi, khi gặp ba, ba tôi rất ốm yếu, ngồi cũng không vững và rất là buồn khi những người bộ đội đã không cho tôi đến gần ba, nên ba không có cách nào mà ẵm tôi trên tay cả. Mẹ cũng không được ngồi gần ba, mẹ chỉ lén nắm được tay ba một lần, bị mấy người cán bộ trông thấy, la mắng mẹ thật là nhiều, rồi nói với ba tôi là đã vi phạm nội quy trại, kỳ tới sẽ không cho thăm nuôi nữa.

Mẹ và tôi đi thăm nuôi thêm hai lần nữa thì ba tôi được thả về.

Những người Công an Khu vực không để cho ba tôi có một ngày nghỉ, ngày nào ba cũng được gọi lên để bị bắt buộc đưa gia đình đi khu Kinh Tế Mới. Mẹ tôi cứ phải đi theo ba và mỗi lần như vậy phải mua quà biếu hết người này tới người khác ba tôi mới được ở yên lành mà đạp xe ba bánh đi chở đồ thuê, từ sáng sớm mãi đến khuya mới về.

Một buổi sáng, không thấy ba thức dậy sớm như mọi khi, tôi hỏi mẹ :

- "Ba đi đâu từ sáng sớm vậy hả mẹ ?"

Mẹ tôi nhìn trước nhìn sau như canh chừng, rồi mới nói nhỏ cho tôi đủ nghe :

- " Ba đi... Long Khánh mua than về bán, vài ngày nữa mới về."

Được hai ngày sau thì mấy người Công an đã lảng vảng chung quanh nhà tôi, một người vào trong nhà tôi nhìn từ trước ra sau, rồi hỏi mẹ :

- " Anh Tâm đi đâu mà không thấy lên trình diện nhỉ ?"

Mẹ đang ấp úng chưa biết nói sao thì tôi đã vuột miệng trả lời thay cho mẹ :

- "Ba của cháu đi Long Khánh mua than về bán, mấy ngày nữa mới về."

Người Công an quay lại nhìn tôi rất lâu rồi mới nói với tôi, ông ta nói với tôi mà hai hàm răng vẫn cắn chặt vào với nhau :

- "Được rồi, khi nào ba cháu về, nhớ nói với ba lên... "làm việc" với Công an Phường nhá."

Miệng thì nói như thế, nhưng sáng sớm hôm sau tôi đã thấy ông lảng vảng trước cửa nhà tôi rồi, ông không vào nhà mà đứng đằng trước nói chuyện với bác Ba, hỏi thăm bác đã gặp ba tôi hay không ? Bác Ba trai cười thật tươi, trả lời rằng mới thấy ba tôi sáng sớm hôm qua...

Hôm sau nữa thì rất nhiều Công an đã vào nhà tôi khám xét, họ đi từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, dở mọi góc nhà lên xem ba tôi có trốn ở trong đó hay không ? Mặc cho họ quát mắng la hét tung cả nóc nhà lên, mẹ tôi vẫn cứ một mực trả lời là... ba tôi đi mua than, và tôi cũng chỉ biết có bấy nhiêu.

Mấy tháng sau, khi ba tôi đã hoàn toàn không trở về nữa, người Công an có cặp môi thật mỏng mới thôi đến thăm nhà tôi, chỉ có một người Công an từ đầu mùa đến cuối mùa ngày nào cũng có mặt ở nhà tôi nhưng không bao giờ nói một câu nào cả, ngày cuối cùng trước khi về, đã đến nói nhỏ với mẹ tôi :

- " Nếu anh ấy có gởi hàng về... chia cho tôi một ít nhá ! Tôi biết anh ấy đi vượt biên từ ngày đầu rồi, nhưng không báo cáo gì cả."

Tôi đã quen với sự vắng mặt của ba ở trong nhà, nên lâu ngày cũng không còn nhắc đến ba nữa.

Một hôm, khi mẹ sửa soạn chở tôi đi học thì có một người đàn bà chạy xe lại ngừng trước cửa nhà tôi, mẹ vội vàng chạy ra xem là ai, thì người này đưa ra một tấm giấy mà hỏi :

- " Trong nhà có ai tên là Nguyễn Thị Mỹ Vân hay không ?"

Mẹ trả lời là có, thì bà này hỏi tiếp :

- " Bà có quen với ai tên là Trần Quốc Tâm hay không ?"

Mẹ tôi hơi tái mặt đi... tôi cũng hoảng hốt, vì đó là tên của ba tôi mà. Một lúc sau mẹ mới ngập ngừng trả lời :

- " Ông ấy là chồng tôi... Có chuyện gì không hả bà... ? Nhà tôi có... làm sao không ? Tôi xin lỗi hỏi... bà làm ở đâu mà biết tên chồng tôi ?"

Người đàn bà đến lúc này mới tươi cười nói với mẹ :

- "Bà có thư và quà của chồng bà từ Úc gởi về đó, lên ngay Bưu điện mà lãnh, cứ hỏi tên tôi là Lê Thị Lương thì tôi sẽ ra giao thùng đồ cho bà, đem bán đi thì khối tiền ra đấy... nhưng mà phải có sẵn tiền trà nước cho tôi đó... không đủ thì đừng hòng lãnh hàng... "

Nhưng cũng quà từ ngoại quốc gởi về đó. Sửng sốt khi thấy toàn là vải và thuốc tây sắp thật chặt trong thùng hàng... mẹ đưa tay lục tung đống đồ như tìm kiếm một cái gì đó, chợt mắt mẹ sáng lên khi thấy một phong thơ, mẹ mở ra đọc, gương mặt của mẹ càng lúc càng tươi hớn hở, nhưng hai mắt của mẹ thì đầy những nước mắt. Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ, mẹ đưa lá thơ cho tôi mà nói như trong mơ :

- " Thơ của bố từ bên Úc gởi về cho mẹ con mình đó... con xem đi."

Tôi vội vàng cầm lấy lá thơ hối hả đọc...

Thì ra ba tôi đã đi vượt biên. Mẹ đã bán những món đồ cuối cùng trong nhà để góp tiền cho ba tôi ra đi. May mắn thay, ba tôi đi thoát và đã được định cư ở bên Úc. Ba nói là đã tìm được việc làm có lương cao, đang làm thủ tục bảo lãnh cho mẹ và tôi qua Úc, mỗi tháng ba sẽ mua hàng gởi về để mẹ bán đi lấy tiền sinh sống.

Tôi buông lá thơ, ôm lấy mẹ, hai mẹ con khóc như chưa bao giờ được khóc...

Từ khi ba ra đi, tôi đã đủ khôn lớn để nghĩ rằng ba tôi đã đi vượt biên, mẹ tôi cũng đã nói cho tôi biết như vậy, nhưng mẹ không biết rằng ba có đi thoát hay không ? Vì đã có rất nhiều người bị bắt, bị chết trên đường vượt biên, nên mẹ nói với tôi hãy giữ kín chuyện này cho đến khi nào nhận được thơ báo tin của ba. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho ba tôi được đến bến bờ tự do để rồi bảo lãnh mẹ và tôi qua đó chung sống. Tôi đã tâm sự với mẹ, tôi đã sống một cuộc sống đơn độc vắng cha từ năm này qua năm khác, tôi thèm muốn những ngày được ở bên cạnh ba, cho nên niềm hạnh phúc duy nhất mà tôi mong muốn là được sống chung với ba với mẹ. Mẹ cũng đã khóc mà nói rằng, niềm hạnh phúc duy nhất mà mẹ mong muốn cũng là một mái nhà để ba mẹ và tôi cùng sống chung với nhau.

Giấc mơ của tôi và mẹ đã thành sự thật rồi !

Từ đó, cứ mỗi vài tháng, mẹ lại nhận được một thùng quà của ba gởi, ba nhắc mẹ là ráng mua một chiếc máy may để học may, vì ở bên Úc, rất nhiều người Việt làm nghề này, kiếm tiền khá lắm. Tôi cững nhận được những cuốn sách và truyện bằng tiếng Anh mà ba nói tôi phải ráng học để khi qua bên Úc tiếp tục đi học, món quà mà tôi thích nhất là con búp bê có cặp mắt to tròn và đôi chân thật dài, tên là Barbie.

Thời gian chờ đợi thật là lâu, nhưng mẹ và tôi thật là vui, ai cũng có đầy mộng tưởng. Mỗi tối trước khi đi nghủ, mẹ đã kể cho tôi nghe những chuyện về ba, về thời gian mà ba mẹ mới quen nhau, thật là thơ mộng, thật là yêu thương, ba thương mẹ lắm, nói rằng chỉ yêu mẹ chứ không yêu ai khác... Mẹ nói từ ngày lấy ba, vì ba là lính nên luôn luôn phải hành quân khắp mọi nơi, lâu lắm mới lại về nhà được vài ngày rồi lại đi. Kể từ khi qua Úc, mẹ với ba sẽ sống suốt ngày suốt tháng suốt năm bên nhau, không còn xa cách nhau nữa... mẹ cứ nói... nói mãi cho đến khi tôi không nghe mẹ nói nữa, nhìn qua, mẹ tôi đã ngủ từ lúc nào, trên môi mẹ vẫn nở nụ cười tươi... nụ cười của ngày đoàn tụ. Tôi thức nghe mẹ kể, tôi nhớ đến ba tôi thật nhiều và cũng chỉ mong cho chóng đến ngày đoàn tụ gia đình...

Ba nói mẹ có thể bán căn nhà đi để có thêm tiền qua bên Úc mua nhà mới, nhưng mẹ nghĩ đến cô Tường Vi, em của ba, đang bị mất nhà vì vượt biên bị bắt, nên mẹ đã xin cho gia đình cô Vi về ở chung nhà rồi sang tên căn nhà cho cô. Ba cho biết là đã có việc làm mới, lương cao hơn, nhưng phải làm... “On Call” mà ba giải thích là mình phải ở nhà chờ người chủ gọi điện thoại lại để đi làm, khi nhận được điện thoại thì phải đi ngay, bất kể đó là ngày hay đêm, không đi thì sẽ bị mất việc.

Ngày vui nhất trong đời mẹ và tôi là ngày hai mẹ con tôi bước lên máy bay để qua đoàn tụ với ba, tất cả bà con anh em của mẹ của ba đều ra phi trường tiễn đưa mẹ con tôi qua Úc, ai cũng cầu chúc cho chúng tôi được sống đoàn tự bên nhau.

Lần đầu tiên được ngồi máy bay, tôi thích lắm, ngắm nhìn đủ mọi thứ trên máy bay, từ cái ghế ngồi cho tới cái thắt lung an toàn mà khi bấm vào, nó kêu một tiếng... "Cách” rồi dính vào với nhau, không thể nào tuột ra được. Tôi thích thú nhìn những cô gái làm việc trên máy bay, họ cũng có tóc đen như tôi nhưng không nói được tiếng Việt, cô nào cũng xinh đẹp và cao ráo, nói chuyện thật là có duyên. Tôi đã học được một ít tiếng Anh nên đánh bạo nói chuyện với mấy cô này, ai cũng khen tôi xinh đẹp, làm tôi thích chí, chỉ mong lớn lên được làm việc giống như các cô.

Thời gian để bay từ Việt Nam tới Úc lâu lắm, mất hơn tám tiếng đồng hồ, máy bay không bay thẳng một lèo mà lại ngừng ở một phi trường khác mà tôi không nhớ rõ, rồi sau đó mới bay thẳng tới Úc. Khi máy bay hạ cánh rồi ngừng hẳn, tôi nghe tiếng người phi công nói trong loa :

- “Welcome to Melbourne, Australia... ”

Tôi cảm thấy thật là nôn nao trong người, tôi nhìn qua cửa kính, trời đã sáng hẳn, máy bay đậu thật nhiều ở chung quanh, phi trường thật là to lớn và sáng trưng dước ánh nắng mai... quê hương mới của tôi đây rồi... kể từ nay, tôi sẽ là người Úc gốc Việt, sinh sống ở một Quốc gia mà mẹ tôi nói là không còn phải xếp hàng đi mua gạo mua thịt và không còn phải nhìn thấy bản mặt của những tên Công an lúc nào cũng quanh quẩn trong xóm và có thể vào nhà của mình bất cứ lúc nào. Mẹ tôi mới là người nôn nóng hơn tôi... tôi thấy mẹ mở xách tay ra, nhìn vào trong gương, đóng xách tay lại, một lúc sau lại mở ra ngắm, đưa ngón tay lên xoa lại vành môi, vén lại mái tóc, cuối cùng, mẹ quay sang tôi, hỏi nhỏ :

- “Con nhìn mẹ... có già không... ?”

Tôi ngạc nhiên nhìn mẹ... một lúc sau tôi mới hiểu... lâu lắm rồi mẹ không gặp ba, mẹ muốn làm đẹp để cho ba ngắm... tôi cười vui nói với mẹ :

- “Mẹ của con là đẹp nhất, trẻ nhất... ba thương mẹ, thì dù mẹ có như thế nào đi nữa thì ba cũng vẫn thương mẹ... ”

Mẹ cười ôm lấy tôi... tôi thấy người mẹ run lên... mẹ nói nhỏ trong tai tôi :

- “Mẹ sắp gặp ba rồi... anh yêu... em nhớ anh lắm... ”

Mẹ nắm tay tôi đi theo đoàn người xuống phi trường...

Oh ! Phi trường Melbourne thật là rộng lớn, người ta đông thật là đông... lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những người Úc da trắng tóc vàng, nhưng không phải ai cũng có tóc vàng, mà còn có những người Úc da trắng tóc đen, tóc nâu nữa. Ra tới chỗ chờ thân nhân, mẹ tôi nôn nao rung cả người lên, cứ luống cuống nhìn chung quanh tìm ba, tôi phải vừa cong người đẩy xe hành lý vừa kéo mẹ đi vừa nhìn chung quanh... đầy những người, tôi không làm sao tìm ra ba tôi cả... lâu quá rồi, ba có thay đổi gì không ? Mẹ tôi bối rối nhìn quanh, miệng lẩm bẩm :

- “Ba đâu... ? Ba đâu rồi... ? Con có thấy ba chưa... ?”

Mẹ nhìn quanh... tôi cũng luống cuống nhìn quanh...ba đâu ?... phi trường đầy những người tóc đen da vàng... tôi không thể nào biết ai vào với ai nữa...

Bất chợt, tôi nghe phía xa có tiếng người kêu :

- “Em ơi... Mỹ Vân ơi... anh là Tâm đây... ”

Mẹ tôi đã nghe được tiếng gọi của ba... mẹ chạy thật nhanh lại chỗ phát ra tiếng nói... tôi cũng bỏ luôn chiếc xe hành lý mà chạy theo mẹ... ba tôi... ba tôi đây rồi, ba đang cầm bó hoa nhìn chung quanh, thì ra ba cũng không làm sao mà tìm ra mẹ con tôi.

Mẹ ôm chầm lấy ba... ba cũng ôm chặt lấy mẹ... ba khóc... mẹ cũng khóc, bó hoa rớt xuống đất... tôi nhặt bó hoa lên cho mẹ, đứng xớ rớ bên cạnh.

Một lúc sau, ba mới nhớ đến tôi, ba buông mẹ nhấc bổng tôi lên cao :

- “Con gái của ba... Mỹ Hằng... con gái của ba... con lớn quá rồi... ”

Tôi sung sướng ôm lấy ba :

- “Con là con của ba... con cao giống ba đó... con nhớ ba... con nhớ ba lắm.”

Một lúc sau, ba mới nhớ đến tôi, ba buông mẹ nhấc bổng tôi lên cao :

- “Con gái của ba... Mỹ Hằng... con gái của ba... con lớn quá rồi... ”

Tôi sung sướng ôm lấy ba :

- “Con là con của ba... con cao giống ba đó... con nhớ ba... con nhớ ba lắm.”

Ba đặt tôi đất, móc trong túi ra một con thú nhồi bông đưa cho tôi :

- “Đây là quà của con, bố vừa mới mua đó.”

Tôi mừng rỡ, vội vang đưa cả hai tay ra đón lấy con thú nhồi bông mà ôm nó vào người miệng cám ơn ba rối rít :

- “Cám ơn ba... cám ơn ba... con thích con Đại thử này từ lâu lắm rồi... ”

Ba cười lớn nói với tôi :

- “Con này là con Platipus, tức là con Cá Mỏ Vịt, chứ không phải là con Đại thử đâu. Nước Úc có nhiều con thú lạ lắm, thí dụ như con Đại thử, Cá Mỏ Vịt, Cù lần... Đại thử tuy lạ nhưng hơi thô, hay đánh nhau, đôi khi còn đánh cả người nữa. Cù lần thì... khờ khạo quá, cù lần quá, chỉ có Cá Mỏ Vịt là dễ thương nhất với cái mỏ vịt như là mới gắn thêm vào, nó sống cả ở trên bờ lẫn dưới nước, không bao giờ làm hại ai, nên ba mua cho con làm bạn cho vui. Con nít ở Úc đứa nào cũng có một con thú nhồi bông ưa thích, tự đặt tên cho con thú này, đi đâu cũng mang theo, khi ngủ cũng ôm con thú mà ngủ. Con đặt tên cho nó đi.”

Tôi mở lớn cặp mắt ra mà nhìn con thú nhồi bông, con thú này thật là mềm mại, vừa giống con cá với cái thân mình mầu xám dài thòng, vừa giống con vịt với cái mỏ vịt mầu đen giống như bằng da thú, kèm theo bốn cái chân có màng và có móng, con thú thật là dễ thương mà tôi chưa hề thấy bao giờ, tôi thích thú ôm chặt con thú vào người, mơ màng suy nghĩ :

- “Con sẽ đặt tên nó là... Mai Hân... Mai Hân của chị... ”

Ba cầm tay nắm của xe hành lý vừa đẩy đi vừa nói với mẹ :

- “Đi theo anh... anh đưa em và con về nhà mới nha.”

Mẹ mừng quá, vội nắm lấy tay bố rảo bước đi theo :

- “Mình có nhà mới hả anh ? Anh đã mua nhà cho gia đình của mình rồi hả... Em nghe nói bên Úc giá nhà mắc lắm, phải đi làm lâu năm mới để dành được tiền mua nhà... anh mới đi làm có mấy năm mà đã đủ tiền mua nhà cho mẹ con em ở rồi hả anh... ? Chồng của em giỏi quá !”

Ba vừa kéo tôi đi, vừa trả lời mẹ :

“Chưa... anh vẫn đang để dành tiền, nhưng chưa đủ tiền mua nhà... anh chỉ mướn nhà ở tạm thôi."

Mẹ tôi vui vẻ nói theo :

- "Em cũng đoán như vậy, vì anh có một thân một mình, vừa phải lo sinh sống, vừa phải gửi tiền về nuôi mẹ con em, còn tiền đâu nữa mà mua nhà với mua cửa. Em nghe theo lời anh, đã học thêm tiếng Anh, lại còn học may nữa. Em may giỏi lắm rồi, mai mốt em sẽ đi làm để cùng dành dụm với anh, chẳng mấy chốc mà mình mua nhà được đấy anh ơi."

Ba mẹ tôi vừa đi vừa nói chuyện nhiều lắm, nhưng tôi không để ý nghe, chỉ lo ôm chặt lấy "Mai Hân" mở to mắt ra mà ngắm chung quanh.

Ra tới chỗ ba tôi đậu xe, tôi thật là ngạc nhiên khi nhìn thấy cả một căn lầu thật là nhiều tầng nhưng lại không hề có ai ở, mà chỉ toàn là xe hơi với xe hơi, nối tiếp nhau mà đậu hàng trăm chiếc, chiếc nào cũng to tướng, bóng loáng dưới ánh đèn. Thích thú hơn bao giờ hết khi ba ngừng trước một chiếc xe thật đẹp mà nói với mẹ và tôi :

- "Xe của anh đây"

Rồi tra chìa khóa vào ổ khóa ở cánh cửa xe mở cửa cho mẹ và tôi ngồi vào. Mẹ tôi hớn hở ngạc nhiên khôn xiết, mẹ trợn tròn con mắt nhìn chiếc xe không nói được một lời nào... một lúc sau mẹ mới ngập ngừng lên tiếng hỏi :

- "Xe hơi... anh có xe hơi hả... ? Anh mua hay là... mướn vậy hả anh... ?"

Tôi ôm chặt lấy chân ba, ngửa cổ lên nhìn cả ba lẫn mẹ chờ đợi câu trả lời của ba. Ba tôi ôm lấy cả mẹ và tôi, từ tốn trả lời :

- "Xe này anh... mua, nhưng mượn tiền của ngân hàng rồi trả góp hàng tháng cho họ, cũng gần hết nợ rồi."

Ba nói xong, lấy hành lý chất vào thùng xe phía sau rồi chỉ cho mẹ ngồi lên ghế trước, còn tôi thì ngồi ghế sau với Mai Hân. Tôi ngồi gọn lỏn trên hàng ghế sau thật dài, ghế có bọc da, thật là sang trọng, ngồi thật là êm ái. Để tôi ngồi xong xuôi rồi, ba mới đưa tay lên lấy một sợi dây dài có móc ở đằng đầu quàng qua người tôi rồi bấm một cái "Click" vào ổ khóa. Sợi dây như trói chặt tôi vào ghế ngồi nhưng không quá chặt, tôi ngạc nhiên nhìn sợi dây rồi nhìn ba, thắc mắc hỏi :

- "Ba ơi... sợi dây này... để làm gì vậy hả ba... ?"

Ba nhìn tôi mỉm cười :

- "Ba tính chờ con hỏi rồi mới trả lời. Con khá lắm, biết nhận xét, biết thắc mắc. Đây là điều căn bản trong cuộc sống đó con ạ. Hãy cố gắng nhìn chung quanh, nhận xét và hỏi thăm để biết thêm những gì mình chưa biết, để học thêm những gì mình cần học. Đây là sợi dây an toàn cho người ngồi trên xe đó con ạ. Bên Úc xe cộ nhiều, đường xá lại rộng rãi, nên tha hồ mà chạy nhanh, luật giao thông bắt mọi người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn, để lỡ có tai nạn xẩy ra, sợi dây an toàn này sẽ giữ người trong xe ngồi bình yên trên ghế chứ không bị sức ly tâm đẩy ra ngoài xe."

Mẹ ngồi ghế trước, cũng đang quay đầu lại nhìn hai cha con tôi, nói thêm vào :

- "Đúng là xứ văn minh, vừa chế ra xe đẹp đẽ sang trọng cho người ta ngồi, vừa làm những hệ thống an toàn để bảo vệ người ngồi trong xe. Thích thật !"

Tôi ngồi im lặng trong xe, mắt nhìn ra ngoài ngắm những hàng cây, những căn nhà đang nối đuôi nhau chạy ra đằng sau xe của ba. Điều duy nhất mà tôi có thể thấy được là đường xá rất là rộng rãi và thành phố rất là sạch sẽ.

Tôi mê mải ngắm cảnh vật chung quanh tới nỗi xe ngừng lại từ lúc nào rồi mà tôi cũng không biết. Ba đã mở cửa xe, nhìn gương mặt ngớ ngẩn của tôi mà phì cười :

- "Mình tới nhà rồi, xuống xe đi con."

Ba mở cửa dắt mẹ và tôi vào trong nhà, đi từ trong ra ngoài giải thích cho mẹ :

- "Đây là phòng khách... phòng ăn... đây là phòng của hai vợ chồng mình... đây là phòng của Mỹ Hằng... "

Tôi mở tròn con mắt ra mà nhìn căn phòng... nhẩy cỡn lên vì sung sướng... nhưng rồi tôi lại ngập ngừng... ở Việt Nam, nhà nào cũng chỉ có một căn phòng duy nhất, chỗ nào đặt bàn ghế, chỗ đó là để tiếp khách và để ăn uống, chỗ nào kê giường thì chỗ đó để ngủ, chứ làm gì có phòng nọ phòng kia, nhất là lại là phòng riêng cho đứa con nít như tôi. Tôi ngừng nhẩy nhót nhìn ba hỏi lại cho rõ :

- "Ba nói... phòng này là... của con hả ba... ?"

- "Phòng này là của con đó"

- "Của... một mình con hay là cả mẹ với con cùng ỏ chung hả ba... ?"

- "Phòng này chỉ dành cho một mình con thôi, mẹ ở phòng khác chung với ba. Con có thấy cái giường ngủ mầu hồng đó không ? Giường đó là của con... ba mới mua cho con đó... con nhẩy lên nằm thử xem có êm hay không ?"

Không đợi cho ba nói lần thứ hai, tôi co giò chạy thật nhanh vào phòng, nhẩy phóc lên giường nằm xoải tay xoải chân sung sướng reo lên :

- "Con có phòng riêng... con có giường riêng... con thích quá... con cám ơn ba... "

Cái giường thật là rộng, nệm thật là êm, tôi ôm lấy Mai Hân nằm lăn qua lăn lại đập tay đập chân đã đời, nhìn ra thì thấy ba mẹ đã đi khỏi rồi, chỉ còn một mình tôi trong căn phòng mà dù có mơ một giấc mơ thật là lạ lùng thú vị cách mấy đi chăng nữa, tôi cũng không thể nào mơ mình sẽ có một căn phòng riêng vói một chiếc giường ngủ thật êm ái như thế này.

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết... mãi tói khi mẹ vào phòng lay tôi dậy ăn cơm, tôi mởi tỉnh lại, vội vàng nhìn chung quanh một lần nữa xem... cái giường êm ái của tôi... có còn đó hay đã biến đi theo giấc mơ của tôi. May quá, căn phòng của tôi vẫn còn đó, chiếc giường êm ái của tôi vẫn còn đây.

Mẹ nói là ăn cơm, nhưng trên bàn không có bát đũa, không có cơm canh gì cả, mà giữa bàn chỉ có một cái khay tròn, trên đó có một cái bánh tthật to mầu vàng điểm mấy miếng lạp xưởng, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, bên cạnh đó là một chai Coca Cola thật to ướp lạnh. Coca ướp lạnh thì tôi có thấy từ hồi còn nhỏ rồi, nhưng còn cái bánh lạ lùng này thi tôi chưa thấy bao giờ. Nhìn gương mặt đầy thắc mắc của tôi, ba chỉ cái bánh mà giải thích :

- "Cái bánh này gọi là... "Pizza" của người Ý. Bánh ngon lắm, ăn một miếng là no bụng ngay. Con ngồi xuống ăn thử một miếng xem con có thích không ? Ba vừa mới chở mẹ ra tiệm mua về còn nóng hổi đó con, mình ăn ngay đi, để nguội nó mất ngon. "

Ba lấy dao nĩa xắt một phần bánh hình tam giác, bỏ vào dĩa nhỏ cho tôi và chỉ tôi cách dùng dao cắt và dùng nĩa xiên bánh lên mà ăn. Tôi bỏ miếng bánh vào miệng nhai nhẹ nhẹ, vừa nhai vừa nếm thử mùi vị của cái bánh lạ lùng này. Hương vị của cái bánh thật là đậm đà ngon miệng... những sợi bơ và pho mai dính vào răng mà tôi kéo dài mãi ra nó mới chịu đứt. Những miếng thịt nho nhỏ mà tôi tưởng là lạp xưởng thì lại là một thứ tthịt gì đó rất ngon, có vị chua chua. Tôi ăn hết một miếng... rồi một miêng nữa... rồi một miếng nữa. Tôi no cành hông rồi mà vẫn còn muốn ăn, vì mùi vị của nó thật là lạ lùng, thật là đặc sắc. Bánh này vừa ăn vừa uống với Coca thật là tuyệt vời.

Ăn xong thì trời cũng đã bắt đầu tối, mẹ dọn dẹp dao dĩa xong xuôi, dục ba đi tắm rồi cả nhà cùng ngồi xem TV.

Trái với dự định của mẹ, ba đứng dậy cầm chìa khóa xe nói với mẹ :

- "Anh... phải đi làm... Vì cần tiền để bảo lãnh hai mẹ con em, để mua xe hơi, mướn nhà, mua sắm đồ đạc trong nhà, anh đã phải làm ... hai công việc trong một ngày và lại phải làm đêm nữa. Anh làm suốt đêm, sáng hôm sau ngủ lại ở hãng một vài giờ rồi lại tiếp tục đi làm ở hãng thứ hai, nên đến trưa ngày mai anh mới có thể về với hai mẹ con em được... "

Mẹ tôi chưng hửng một lúc. Gương mặt mẹ buồn hẳn đi.

Một lúc sau, mẹ mới lên tiếng :

- "Em tưởng... mẹ con em vừa mới qua... anh xin nghỉ vài ngày ở nhà với mẹ con em rồi mới tiếp tục đi làm... Mẹ con em chưa hề biết gì về đời sống mới... đêm đầu tiên trên xứ người... lại bơ vơ không có anh...lạ nước lạ cái... lỡ có chuyện gì xẩy ra... em biết kêu anh ở đâu bây giờ... ? Hay là anh... cứ thử xin với ông chủ ở nhà với mẹ con em đêm đầu tiên đi anh... em nghĩ không ai nở lòng từ chối việc xum họp gia đình đâu... đêm sau em đỡ bỡ ngỡ... sẽ quen đi... em sẽ ở nhà một mình được."

Ba nhìn mẹ, nói với một giọng nói nhẹ nhàng nhưng chắc chắn :

- "Anh cũng đã xin nghỉ vài ngày từ ba tháng trước rồi... nhưng vì hãng đang lúc bận rộn, nên ông chủ không chịu cho anh nghỉ. Hơn nữa, anh đang là... "Lit Đình Hen" chỉ huy cả một nhóm thợ, nên lại càng không thể nghỉ được. Thôi... hai mẹ con cứ ở nhà xem TV rồi đi ngủ đi... Xứ Úc này an toàn lắm... không có chuyền gì xẩy ra đâu... trưa mai anh sẽ lại về đón hai mẹ con đi chơi phố. Thôi... anh phải đi làm... kẻo trễ... mất việc là đói ngay đó."

Nói xong, ba quay lưng mở của đi thẳng ra ngoài nổ máy lái xe đi ngay.

Tôi nghe tiếng xe của ba xa dần, quay nhìn mẹ đầy ái ngại...

Mẹ thở dài một tiếng nhẹ như gió thoảng rồi quay lại ôm lấy tôi dỗ dành :

- "Ba phải đi làm đêm mới có tiền bảo lãnh hai mẹ con mình qua đây. Mình hãy thông cảm cho ba đã vì mình mà phải làm việc vất vả. Mai mốt mẹ quen với cuộc sống này rồi, mẹ sẽ xin đi làm đỡ cho ba, ba sẽ chỉ cần làm một công việc thôi, lúc đó ba sẽ ở nhà với mẹ con mình... phải không con... ? Mẹ con mình ở chung vói nhau từ hồi đó tới giờ rồi, quen rồi...đâu có gì mà phải sợ... phải không con... ? Thôi... con đi tắm đi, rồi ra đây ngồi xem TV với mẹ, lâu lắm rồi mình mới lại được xem TV đó..."

Sáng hôm sau, ngày thứ hai sống tại xứ Úc, mẹ gọi tôi dậy cùng nấu đồ ăn sáng. Mẹ mở tủ đồ ăn ba vừa mua hôm qua, lấy gói giấy này, mở bao đồ ăn nọ... toàn là những thứ mà mẹ chưa bao giờ nhìn thấy thì làm sao mà biết nấu ! Cuối cùng, mẹ đành tìm cách chiên trứng cho tôi ăn. Mẹ lấy cái chảo nhỏ đổ chút dầu vào rồi vặn nút ở cái bếp ga cho lửa cháy lên... mẹ làm mãi mà cái bếp không lên lửa, mẹ nhấn đủ thứ nút, đổ mồ hôi hột ra mà lửa cũng không chịu bật lên. Cuối cùng, hai mẹ con đành ngồi ăn chút bánh "Pizza" còn lại đêm qua. Cái bánh bây giờ cứng ngắc, không còn chút mùi vị nào cả, tôi phải nghiến răng mà nhai mới nuốt được chút đỉnh.

Ăn xong, tôi không biết làm gì hơn, xem TV mãi cũng chán, tôi lấy mấy cuốn sách ba mua để đầu giường ra đọc. Mẹ cũng đi ra đi vào chẳng biết làm gì hơn, lâu lâu mẹ lại nhìn ra cửa ngóng chờ ba.

Đến trưa, tôi đói bụng rồi mà đồ ăn thì không biết làm sao mà nấu. Mẹ mở cửa đi ra ngoài rồi lại đi vào, cuối cùng, mẹ nắm tay tôi mà nói :

- "Hôm qua ba chở mẹ ra chợ mua đồ ăn, chợ cũng không xa nơi mình ở, cứ đi thẳng là tới. Ở đó cũng có nhiều người Việt lắm... hay là... mẹ con mình cùng nhau đi chợ nha con... cứ đi đi... chỉ một đường thẳng chắc là không bị lạc đâu. Mình ra đó xem ai vui vẻ thì nhờ họ chỉ dẫn cách thức nhóm bếp để nấu ăn, chứ đợi ba về thì tới chừng nào bây giờ, con đói chịu gì nổi !"

Tôi đang đói bụng, hăng hái trả lời mẹ :

"Đúng rồi đó mẹ... mình cứ thử đi xem sao... ở Việt Nam, chỗ nào mẹ cũng dẫn con đi... đâu có bao giờ bị lạc đâu! Nhưng mà... mẹ ... có tiền để đi chợ không ?"

Mẹ cười, ôm lấy tôi mà nói :

- "Ở Việt Nam khác, ai cũng nói tiếng Việt. Ở bên đây, chung quanh toàn là người Tây cả, biết nói gì với họ bây giờ ! Mẹ có chút ít tiền từ Việt Nam đem qua, chắc là không tới nỗi nào đâu."

Thế là hai mẹ con dắt nhau đi chợ. Mẹ đi một lúc thì nghĩ ra cách để không bi lạc : Mẹ đi trước, tôi đứng lại tại chỗ để có thể quay lại nhìn thấy nhà, mẹ đi thêm một đoạn nữa, tôi cũng đi thêm một chút nhưng vẫn nhìn về đằng sau để thấy nhà, mẹ vừa đi vừa vẫy tay để cho tôi dễ nhìn thấy. Tới một khoảng cách cuối cùng mà tôi vừa có thể nhìn thấy mẹ vừa nhìn thấy nhà của mình, tôi đứng tại chỗ chờ mẹ. Đứng một lúc, lạnh quá, tôi đút hai bàn tay vào túi đứng co ro nhìn người đi qua đi lại, nhìn xe cộ chạy ngoài đường. Xe cộ thì nhiều chứ người đi bộ thì không có bao nhiêu, chả bù với Saigòn, người đi bộ rợp trời. Tôi ngắm những căn nhà chung quanh, nhà nào cũng có hàng rào, đằng trước có một mảnh vườn nhỏ trồng bông hoặc trồng cỏ, thật đẹp, căn nhà mà tôi đang đứng ở đằng trước thì trồng toàn hà bông hồng đủ mầu, và có một bà tóc vàng vào tuổi mẹ, đang đi tới đi lui tỉa nhánh, thỉnh thoảng bà lại nhìn tôi mỉm cưởi rồi nói “Hello” với tôi. Tôi cũng cúi đầu chào bà rồi lại nhìn mây nhìn gió chờ mẹ.

Đứng một lúc, Tôi đói bụng quá, lại lạnh nữa, mà mẹ thì chưa thấy đâu, tôi cứ lóng nhóng nhẩy tưng tưng chung quanh, bất chợt, một bàn tay của ai đặt lên vai tôi, và một giọng nói vang lên thật nhẹ nhàng :

- “Are you OK? Where is your mum ?”

Tôi vội vàng quay lại, bà hàng xóm mà tôi vừa chào hỏi đang ngồi xuống để ngang bằng với tôi cho dễ nói chuyện. Tôi có người nói chuyện, mừng quá, trả lờn bà ngay :

- “I am . . . (hừ . . . hừ) fine . . . just a bit cold. My mum go to the market to get help.”

- “Why she has to go to the market to get help ? What sort of help she need ?”

- “Oh... My mum doesn’t know how to light up gas cooktop in the kitchen, she go there to ask if any one can help.”

Ngay lúc đó thì mẹ tôi trở lại, tôi giới thiệu bà hàng xóm với mẹ, mẹ chào bà rồi xin lỗi dắt tôi về nhà. Bà hàng xóm vui vẻ chào lại mẹ :

- “Hi, I am Jenny. Your daughter told me you need help to lightup the kichen cooktop ? Did some one show you how to do it ?”

- “Oh... they are busy but told me that any stove got different set up, they will not know how to do it.”

- “May be I can help”

Tôi mừng quá, vội vàng nắm lấy tay mẹ định hỏi, thì mẹ cũng vui mừng trả lời bà Jenny :

- “Oh... Yes... if you can help me... my daughter is very hungry now... ”

Thế là mẹ nắm lấy tay tôi dẫn bà Jenny về nhà.

Mẹ đưa bà vào bếp, chỉ cái lò ga lạnh tanh ở đó, bà Jenny nói mẹ đã làm như thế nào để nhóm lửa ? Mẹ đưa tay nhấn cái nút ga quay đi một vòng về bên phải, tiếng sè sè vang lên, mùi ga xả ra hôi hôi. Bà Jenny nhìn mẹ cười mà nói :

- “Yes, it is correct. But you have to ignite it to get fire. I find the ignition for you.”

Bà nhìn chung quanh cái lò một vòng và vui mừng nói :

- “ Here you are.”

Rồi bà nhanh nhẹn đưa hai tay ra, một tay quay nút gas, tay kia nhất cái nút đỏ ở bên hông. Có tiếng “Tạch... Tạch” vang lên... rồi... “Phựt” một cái, lửa phát ra quanh cái bếp, thật là diệu kỳ.

Mẹ và tôi cùng kêu “Ah” lên một tiếng. Bây giờ mẹ mới hiểu là phải nhấn cả cái nút bật lửa lên thì ga mới cháy được. Hôm qua, ba chỉ cho mẹ mà không nói là phải nhấn cái nút đỏ, nên mẹ chỉ nhìn thấy ba nhấn nút ga mà thôi, vì thế mà bếp không cháy được. Mẹ vui mừng cám on bà Jenny, bà vui vẻ nói “Yours’ welcome” rồi chào mẹ đi về, không quên nói với mẹ, nếu có cần bà giúp chuyện gì, cứ việc chạy qua nhà bà.

Thế là trong chốc lát mẹ đã nấu một nồi mì gói thơm ngon có cả rau luộc và trứng nữa. Ngon ơi là ngon.

Đến chiều ba đi làm về, mẹ và tôi rối rít kể chuyện về cái lò nấu ăn và bà Jenny cho ba nghe, ba cười xin lỗi mẹ là đã không chỉ tường tận để hai mẹ con phải nhịn đói. Ba rất ngạc nhiên khi biết cả mẹ và tôi đều biết nói tiếng Anh chút đỉnh. Ba nói chiều nay không phải nấu cơm, ba sẽ lái xe đưa cả hai mẹ con đi thăm phố xá và các siêu thị gần nhà rồi đi ăn nhà hàng. Đến tối thì ba đưa mẹ và tôi về nhà rồi đi làm, mẹ buồn buồn nhìn ba ra xe, chợt hỏi ba :

- “Em nghe nói bên đây nghỉ làm cả hai ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật. Anh cũng được nghỉ... phải không ? Ngày mai là Thứ Bẩy, anh ở nhà không phải đi làm, em sẽ nấu bữa cơm gia đình đầu tiên cho cả nhà ăn nhe anh.”

Ba vừa bước đi vừa trả lời mẹ :

- “Anh... vẫn phải đi làm, em ạ. Mình cần tiền để trả nợ... ”

Mẹ nói với theo :

- “Em sẽ bán nhà của mình cho cô Tường Vi, cô ấy sẽ gởi tiền qua cho mình... anh không cần phải làm hai công việc nữa đâu.”

Tôi không biết ba có nghe được lời mẹ nói hay không.

***

Tôi và mẹ cứ sống hẩm hiu trong căn nhà ba mướn... gần một tháng rồi mà ba vẫn cứ miệt mài công việc, chỉ về với mẹ vài tiếng đồng hồ một ngày... chưa bao giờ ba ở nhà vào ban đêm với gia đình. Mỗi ngày, mẹ đi học thêm tiếng Anh, còn tôi thì đi học ở trường gần nhà.

Một hôm, tôi vừa đi học về thì thấy mẹ đang ngồi may ở cái máy may, bên cạnh là một đống vải vóc. Mẹ tươi cười nói với tôi :

- “Bà Jenny có một người bạn mở hãng may, bà xin người bạn đó cho mẹ may quần áo tại nhà. Bà đưa mẹ đi mua cái máy may này và nhận một ít hàng cho mẹ may thử. Nếu mẹ may được, bà ấy sẽ giao nhiều. Mẹ may từ sáng tới giờ, thấy cũng dể làm. Thôi để mẹ đi nấu cơm cho con ăn nha.”

Mẹ có vẻ vui với công việc lắm... vừa nấu cơm mẹ vừa ca hát om xòm. Lúc tôi ăn cơm, mẹ vui miệng nói với tôi :

- “Mẹ sẽ cố gắng may đồ để kiếm tiền phụ với ba. Khi nào công việc của mẹ ổn định rồi, mẹ sẽ nói ba nghỉ một việc đi để ở nhà với mình. Ba cũng lớn tuổi rồi, đi làm nhiều quá lỡ bệnh hoạn thì phiền lắm.”

- “Mẹ không đi học tiếng Anh nữa sao ? Ba nói tiếng Anh rất cần để giao dịch hang ngày mà, mình không biết tiếng Anh, sẽ bị thiệt thòi lắm đấy mẹ ạ.”

- “Mẹ cũng biết nói chút ít rồi con ạ. Hơn nữa, khi đi chợ, mẹ thấy có nhiều người ở đây lâu rồi mà tiếng Anh của họ còn dở hơn mẹ nữa, thế mà họ vẫn sống vui vẻ và còn mở tiệm kiếm tiền nhiều lắm đó con ơi. Mẹ cần phải kiếm tiền trước, đi học sau cũng được. Phải làm sao kiếm tiền phụ ba để ba khỏi phải đi làm cực khổ nữa. Hạnh phúc gia đình phải đi trước mọi thứ.”

- “Nếu vậy thì con cũng phụ mẹ may đồ nha mẹ.”

- “Con thì khác, con phải đi học, phải tốt nghiệp đại học để có tương lai sau này. Sở dĩ mẹ đem con qua đây cũng chỉ vì lo cho tương lai của con mà thôi. Mọi chuyện khác cứ để mẹ lo.”

- “Con biết mà mẹ, con chỉ phụ mẹ khi nào con đã làm bài xong mà thôi, mẹ chịu không ?”

- “Con phải hứa với mẹ là con sẽ học hành tới nơi tới chốn, tốt nghiệp Đại học đường hoàng, thì mẹ mới cho con phụ mẹ đó.”

- “Con hứa với mẹ như vậy.”

- “Mình đừng cho ba biết chuyện hai mẹ con mình có việc làm nha con, để tới khi mẹ lãnh tiền rồi, và được nhận làm thường xuyên rồi, hãy nói cho ba nghe, phải không con.”

Thế là sau khi làm bài xong, tôi phụ mẹ công chuyện lặt vặt trong nhà, cắt chỉ những hàng may mà mẹ đã may xong, để mẹ chỉ chuyên may hàng mà thôi. May xong, mẹ cất bàn máy (Máy may chỉ có cái đầu máy mà thôi, khi không may nữa, cứ xếp lại bỏ trong thùng) và bỏ hết đồ may vào trong túi cất vào tủ là không còn dấu tích may vá gì hết.

Lần nhận số tiền may đầu tiên, mẹ sung sướng lắm, cứ đem số tiền đó ra mà đếm đi đếm lại mãi rồi ngồi suy tính, lấy máy tính ra cộng tới cộng lui. Tôi cũng vui lây cái vui của mẹ và tưởng tượng ra hình ảnh gia đình quây quần vào buổi tối, ấm cúng biết bao. Buổi chiều, trước khi ba về, mẹ lo dọn dẹp đồ đạc rồi tự mình ra shop mua hai chai bia , thứ mà ba thường hay uống, và chai Coca cho tôi, để cả nhà ăn mừng mẹ đã có việc làm.

Ăn cơm xong, giờ phút quan trọng đã đến, mẹ mở tủ lấy xấp tiền ra đưa cho ba, hãnh diện nói :

- “Anh ơi... em được người hàng xóm giới thiệu nhận hàng may làm tại nhà. Cả tháng nay em và con dấu anh may vá tại nhà... em đã kiếm tiền được rồi, cho anh coi nè... hơn $800 đồng đó.”(Thời 1985, lương Công nhân vào khoảng $200 một tuần sau khi trừ thuế.)

Ba vui vẻ uống bia chúc mừng mẹ đã có việc làm, và nói với số tiền này, ba sẽ mua thêm đồ đạc cho gia đình và lâu lâu đi ăn nhà hàng.

Mẹ thấy ba vui vẻ rồi, mới nói tiếp :

- “Em tính ra cũng gần bằng tiền lương anh đi làm hãng. Đây là số tiền làm mới khởi đầu thôi, khi em làm quen việc rồi, sẽ kiếm được hơn thế nữa đó. Em đề nghị như thế này nhé... em sẽ cố gắng làm, anh hãy nghỉ bớt việc làm ban đêm đi, ở nhà với em và con... nha anh ? Anh cũng lớn tuổi rồi, hãy làm ít thôi, còn nghỉ ngơi hưởng nhàn chút ít, lo con con cái... Mỹ Hằng cũng lớn rồi, cần có anh phụ dậy nó học thêm để theo kịp bạn bè trong lớp. Hơn nữa... nó cứ đòi... có em để nhà cửa đông đúc cho vui... ”

Ba nghe mẹ nói bỏ bớt công việc làm ban đêm đi, thì ba có vẻ không bằng lòng chút nào. Ba trả lời mẹ ngay lập tức :

- “Công việc làm ở hãng xưởng, không phải người ta nhận mình làm rồi thì sau đó muốn nghỉ là nghỉ, phải có trách nhiệm với công việc mình làm. Anh đã khó khăn lắm mới tìm được việc làm vừa ý, anh không muốn nghỉ đâu. Có tiền thêm thì để dành mua nhà mua cửa, để vài năm sau hãy tính.”

Ba không cầm số tiền mà mẹ đưa, chỉ ngồi uống bia một lúc rồi đi làm.

Ba đi rồi, mẹ ngồi thừ người ra suy nghĩ. Suốt tối hôm đó, mẹ không nói chuyện gì với tôi hết, mẹ cũng không may vá gì hết. Tôi học bài hết rồi, đem thêm sách ra đọc rồi mà cũng chưa hết đêm, tôi nằm chơi trong phòng với Barbie và Mai Hân một lúc thì ngủ gục lúc nào không biết.

Những ngày tháng sau đó, ba mẹ không nói gì về công việc làm thêm của mẹ và việc làm đêm của ba nữa. Đôi khi ba không về vào buổi chiều như trước nữa, mà cách hai ba ngày sau ba mới về nhà một lần. Mẹ không nói gì cả, chỉ càng ngày càng buồn bã và ít nói hơn, nhưng tôi thì khác, tôi hỏi ngay với ba :

- “Ba ơi...ba đi làm thì cũng có giờ giấc hẳn hoi... sao mà bây giờ ba lại ít về nhà như vậy hả ba... ?”

Ba ngập ngừng nhìn tôi rồi trả lời :

- “Tại công việc nhiều quá, ba phải làm thêm giờ . . . “

Mẹ bất chợt từ phòng bước ra, hỏi ba :

“Có phải anh còn có một gia đình khác nữa... phải không anh... ?”

Những ngày tháng sau đó, ba mẹ không nói gì về công việc làm thêm của mẹ và việc làm đêm của ba nữa. Đôi khi ba không về vào buổi chiều như trước nữa, mà cách hai ba ngày sau ba mới về nhà một lần. Mẹ không nói gì cả, chỉ càng ngày càng buồn bã và ít nói hơn, nhưng tôi thì khác, tôi hỏi ngay với ba :

- “Ba ơi... ba đi làm thì cũng có giờ giấc hẳn hoi... sao mà bây giờ ba lại ít về nhà như vậy hả ba... ?”

Ba ngập ngừng nhìn tôi rồi trả lời :

- “Tại công việc nhiều quá, ba phải làm thêm giờ... “

Mẹ bất chợt từ phòng bước ra, hỏi ba :

- “Có phải anh còn có một gia đình khác nữa... phải không anh... ?”

Bố trợn mắt la lớn lên :

-“Làm gì có chuyện đó.”

Mẹ buồn bã nhìn ba, nói nhỏ nhẹ :

- “Anh bảo lãnh mẹ con em qua đây là để đoàn tụ gia đình. Anh mướn nhà cho mẹ con em cùng ở,thì đây phải là là căn nhà yêu thương của vợ chồng mình chứ, nhưng mà anh chưa bao giờ ở lại đêm với mẹ con em. Ngay cả cái đêm đầu tiên mẹ con em mới chân ướt chân ráo đặt chân lên xứ Úc này, anh cũng bỏ mẹ con em một mình mà đi, không cần biết tới nỗi ngỡ ngàng của hai mẹ con em, nỗi bơ vơ sợ hãi của mẹ con em. Anh phải có một gia đình nào đó phải về chăm sóc nên anh mới bỏ mẹ con em mà đi như vậy."

Ba la lên :

- "Anh đi làm mệt mỏi để có tiền nuôi mẹ con em, em không hiểu cho sự cực khổ của anh, lại còn bầy chuyện khóc lóc kể lể, lại còn đặt điều nghi ngờ anh có gia đình khác nữa hả ?"

- "Em hiểu cho sự cực khổ của anh, nên em mới phải tự kiếm việc làm phụ cho anh để anh bớt làm việc, cho anh nghỉ ngơi ở nhà với vợ con, chứ em nào dám kể lể gì với anh đâu. Kể từ tháng thứ hai từ khi tới Úc, em đã kiếm được tiền, đã tự đi chợ, tự trả tiền mướn nhà, tiền điện, tiền ga, nhưng mỗi khi mở bóp của anh, em chỉ thấy anh có vài chục bạc chứ không có nhiều tiền, em đã phải bỏ thêm tiền cho anh."

- "Tại tiền anh gởi ở ngân hàng, không giữ nhiều ở trong bóp."

- "Em chưa bao giờ nhìn thấy sổ ngân hàng của anh cả. Anh để ở đâu mà không thấy anh mang về nhà ? Không lẽ anh để ở trong hãng ?

Mẹ vừa nói vừa khóc... mẹ khóc nhiều lắm.

Tôi bước lại ôm lấy mẹ... hai mẹ con cùng khóc...

Ba đứng im không trả lời gì cả... một lúc sau, ba đứng lên, vừa bước ra cửa vừa nói với mẹ :

- “Em ở đây lâu sẽ hiểu anh... để anh thu xếp công việc làm rồi sẽ nghỉ bớt công việc, về nhà với em và con... ”

Mẹ ôm lấy ba ở cửa, vừa khóc vừa hỏi ba :

- “Anh bảo lãnh em và con qua đây để làm gì hả anh ?

- "Anh bảo lãnh em và con qua đây để có một cuộc sống tốt đẹp hơn."

- "Chỉ có vậy thôi hả anh ? Em tưởng anh bảo lãnh em qua đây để vợ chồng con cái đoàn tụ, chứ em đâu có ham gì cuộc sống tốt đẹp hơn để mà không có chồng em ở bên cạnh. Mỗi ngày anh chỉ ghé thăm mẹ con em có vài tiếng đồng hồ rồi lại đi, rất ít khi anh ở lại ăn tối và chưa có một đêm nào anh ngủ lại căn nhà này với mẹ con em. Vậy anh ăn ngủ ở đâu ? Tắm rửa ở đâu ? Quần áo ở đâu ra mà anh thay đổi thường xuyên ? Em không nghĩ hãng xưởng nào cho phép anh ăn ngủ tại hãng, tắm rửa thay quần áo tại hãng và để sổ ngân hàng ở hãng. Mà dù cho họ có lòng tốt cho anh đủ mọi tiện nghi, anh cũng phải về đây với vợ con chứ.”

Ba đẩy mạnh mẹ qua một bên, cứ thế bước ra khỏi cửa, nói với lại :

- "Em đừng lo lắng quá... anh sẽ dàn xếp nghỉ một việc để ở nhà với em và con mà. Thôi, để anh đi làm, kẻo trễ."

- "Nếu anh vẫn nói vậy thì em sẽ phải tin anh. Bao nhiêu năm em đã sống trong sự chờ đợi rồi, có chờ đợi thêm một vài ngày, vài tuần lễ, vài tháng nữa cũng không sao... những anh hãy hứa là sẽ ở nhà với em, với con... nha anh . . "

Ba tôi lầm lũi bước ra xe nổ máy lái đi.

Ba nói thế, nhưng lâu lắm rồi, không thấy ba trở về nhà, dù là vào buổi trưa như thời gian đầu...

Mẹ tôi vẫn may quần áo đều đều, còn tôi vẫn đi học, chiều về phụ mẹ cắt chỉ, nấu cơm. Mẹ buồn lắm, có khi vừa may vừa khóc . . . một vài giọt nước mắt thấm vào những miếng vải đang may... một vài giọt rơi xuống đất... và rất nhiều giọt nước mắt của mẹ đã rơi vào trong lòng tôi...

Một thời gian sau thì mẹ nhuốm bệnh, mặt mày mẹ xanh xao, mẹ không ăn được nhiều, có khi đang ăn mẹ lại ói ra, mẹ ho nhiều lắm, phải ôm ngực đi nằm nghỉ. Tôi thấy mẹ mệt nên năn nỉ mẹ không nên may đồ nữa, hãy nghỉ ngơi cho khỏe. Tôi muốn tìm ba tôi, nhưng làm cách nào mà tìm ba bây giờ ? Ba làm ở hãng nào ? Ngay cả mẹ cũng không hề biết, thì làm sao mà tôi biết cho nổi ! Đã nhiều lần, mẹ hỏi chỗ làm của ba, hãng đó tên gì ? Địa chỉ ở đâu, để khi cần thì liên lạc, nhưng ba nói hãng của ba tên tây khó gọi lắm, và không nhớ số điện thoại của hãng, hơn nữa, khi đang làm việc, không thể nhận điện thoại ở nhà gọi vào. Vì thế, lúc này mẹ bệnh hoạn như vậy, cần phải đi gặp bác sĩ, mẹ con tôi đành chịu bó tay. May quá, bà Jenny hàng xóm lại chạy qua hỏi đồ may, khi thấy mẹ bệnh như vậy, bà hỏi ba làm ở đâu ? Có số điện thoại không ? Mẹ trả lòi không biết, nên bà đã tức tốc lái xe đến, đưa mẹ đi Bác sĩ.

Một hôm, khi đi học về, tôi chạy lại hỏi thăm sức khỏe của me, mẹ có cho tôi biết là ba có về thăm, khi biết mẹ bệnh, ba cũng hỏi mẹ có cần đi khám bệnh không? Mẹ nói không cần nữa, vì đã có bà hàng xóm qua đưa đi gặp bác sĩ, đã được cho thuốc uống rồi. Ba ngồi chơi một hồi rồi lại đi mất, mẹ có hỏi cách nào tìm ba khi cần đưa đi bác sĩ? Ba nói sẽ về nhà thường xuyên hơn, không cần phải kiếm ba. Mặc dù mẹ nói là mẹ không tin ba sẽ về nhà thường xuyên, nhưng vẻ mặt mẹ có vẻ vui hơn mọi ngày.

Nhưng chỉ vài ngày sau, khi ba tiếp tục vắng nhà, bệnh tình của mẹ lại gia tăng mạnh hơn. Bà Jenny lại đưa mẹ đi gặp bác sĩ, lần này tôi được nghỉ tam cá nguyệt nên được bà Jenny cho quá giang đi theo mẹ đến phòng khám bệnh. Bác sĩ nói mẹ bị yếu phổi và thiếu máu, do lao lực quá nhiều, phải nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để có sức mà phục hồi cơ thể. Thuốc chỉ có thể giúp chống lại vi khuẩn thôi, còn việc khỏi bệnh phải do cơ thể tự phục hồi. Mẹ vẫn uống thuốc đều đều, nhưng ăn uống thì quá thất thường, vì mẹ nói không đói, có đói cũng ăn không vô. Mẹ nói đã tìm được địa chỉ của bác Hoàng, là chị họ của mẹ, ở thành phố Kiew, bác Hoàng hứa sẽ lại thăm để tìm cách chữa bệnh cho mẹ.

Hai ngày sau thì bác Hoàng đến thăm mẹ, bác đến vào ban ngày, lúc tôi còn đang ở trường nên tôi không được gặp bác. Thật sự mà nói, tôi chỉ nhớ mang máng hỉnh ảnh của bác mà thôi, vì lúc gặp bác là hồi còn ở Việt Nam, mà lúc đó thì tôi quá nhỏ, không thể nhớ hết được. Mẹ kể lại là gặp bác rất là vui, vì từ ngày qua Úc tới giờ, chẳng có ai là người thân để mà nói chuyện cho thỏa lòng. Bác Hoàng hứa là sẽ đưa chồng và con đến thăm mẹ và tôi nữa, tôi cũng cảm thấy vui lây với mẹ, và hy vọng rằng, có bác Hoàng là người thân thích, mẹ sẽ đỡ buồn và vui sống hơn. Nhưng trái với dự đoán của tôi, bệnh tình của mẹ càng ngày càng nặng hơn, thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng mẹ ho, ho hàng tràng dài liên tiếp, làm cho buồng phổi của tôi cũng cảm thấy như có ai bóp lại. Tôi thương mẹ tôi lắm, nhưng đâu biết làm sao cho mẹ khỏi bệnh.

. . . . . . . . . . .

Bất ngờ, vào một buổi sáng mùa Xuân, tôi nhớ rõ đó là sáng Thứ Bẩy, sau khi ăn sáng xong, mẹ cho tôi biết là sẽ dọn nhà về ở chung với bác Hoàng, lát nữa gia đình bác sẽ lại đón cả hai mẹ con về nhà của bác. Tôi chưng hửng hỏi mẹ:

"Mình dọn nhà đi . . . mẹ có cho ba biết để ba đến thăm mình không?"

Mẹ buồn bã trả lời tôi :

"Ba không cần biết mẹ con mình ở đâu đâu, con ạ."

Lần đầu tiên được gặp lại bác Hoàng, tôi chưa kịp nhớ lại hình ảnh của quá khứ thì bác đã ôm chặt lấy tôi mà hôn lên má tôi, một lúc sau bác mới bỏ tôi xuống, ngắm tôi từ trên xuốn dưới rồi nói với mẹ tôi :

- "Hồi gặp nó ở bên nhà, nó lũn cũn theo mẹ như con chó con... bây giờ đã nhổ giò cao lỏng khỏng rồi... cháu tôi mau lớn quá... uống sữa... Kangaroo có khác."

Bác kêu một đám nhóc tì cỡ tôi tới mà giới thiệu :

"Đây là con Ti, con gái lớn của bác, còn đây là thằng Mi, con trai út của bác... còn đám kia là bạn của cả hai đứa, đi theo cho vui."

Lần đầu tiên được gặp lại đám trẻ Việt Nam, lại cùng tuổi nữa, tôi mừng quá, tha hồ xỉa Tiếng Việt ra mà nói chuyện với nhau... vui thật là vui... kể từ nay tôi có bạn rồi.

Tôi chơi với bạn mới một hồi thì bác Thông (chồng của bác Hoàng) lái một chiếc xe khác tới phụ dọn nhà. Đồ đạc trong nhà tôi chẳng có gì nhiều, mẹ lại nói chẳng đáng giá bao nhiêu, nên chỉ đem theo có cái TV và hai cái giường ngủ của mẹ và của tôi và cái bàn viết, còn bao nhiêu thứ khác thì Bác Thông chất hêt lên xe lớn, chở đi bỏ vào nhà chứa rác. Xong xuôi, mẹ dắt tôi qua nhà bà Jenny để chào tiễn biệt. Mặc dù mới quen nhau, nhưng bà rất quý mẹ tôi, nên cả hai bà cùng khóc chia tay, mẹ có cho bà địa chỉ và số điện thoại của nhà mới, bà hẹn sẽ đến thăm chúng tôi khi đã yên ổn ở nhà mới rồi.

Nhà bác Hoàng cách nhà cũ của tôi khoảng nửa tiếng lái xe. Khu vực này yên tĩnh hơn và nhà cửa có vẻ rộng rãi tươm tất hơn. Nhà nào cũng có hàng rào bao quanh, sân trước sân sau tha hồ chạy. Tôi với mẹ ở chung một phòng, ngủ cùng một cái giường lớn của mẹ, cái giường nhỏ của tôi được bỏ vào nhà kho. Tôi ham vui với bạn mới, chạy chơi cùng nhà với tụi nó, để mẹ và bác Hoàng lo dọn dẹp mọi thứ và lo nấu cơm chiều.

Buổi tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn bữa cơm gia đình. Cả nhà đông thật là đông, bốn người của nhà bác Hoàng, thêm hai miệng ăn mới của mẹ và tôi, đám nhỏ chúng tôi dọn chén dọn đũa cười đùa liên miên, tôi ăn cơm tới ba chén rồi mà vẫn còn muốn ăn thêm. Mẹ vẫn có vẻ buồn và ho, tuy mẹ vui mà vẫn không ăn được nhiều như tôi. Ăn xong, chúng tôi quây quần ra phòng khách gia đình ăn trái cây uống nước và coi TV thật là vui. Mẹ và hai vợ chồng bác Thông Hoàng ngồi nói chuyện với nhau ở phòng khách chính, thỉnh thoảng, tôi để ý nhìn, thấy mẹ buồn nhiều và khóc nữa, bác Hoàng lâu lâu lại chạy lại ôm tôi, có vẻ như âu yếm, có vẻ như vỗ về tôi, làm tôi cảm động lắm, có cảm tưởng như bác thương tôi y như hai đưa Ti và Mi vậy.

Đêm hôm đó, tôi lại được nằm chung giường với mẹ tôi, hai mẹ con ôm nhau nằm ngủ thật là ấm áp, mẹ hát cho tôi ngủ nữa... tôi thả hồn theo giọng hát buồn buồn của mẹ rồi ngủ lúc nào không biết. Nửa đêm, tôi còn đang ngủ say, nghe đâu đây tiếng khóc thút thít, tôi quay qua quay lại ôm lấy mẹ, hình như mẹ vẫn chưa ngủ.

Mẹ lại ôm lấy tôi, tôi yên lòng rúc vào người mẹ ngủ tiếp... Tôi ngủ một hồi, lại nghe loáng thoáng tiếng mẹ tôi vừa khóc vừa nói như là thì thầm với ai :

- "Sao anh lại phản bội em... em chờ anh từng ngày, từ khi làm vợ anh... anh đi lính đánh trận mãi phương trời nào... em lo lắng chờ tin anh từng ngày... rồi anh đi tù cải tạo... em ôm con đi thăm nuôi anh vất vả cực nhọc... mong ngày anh về... rồi anh đi vượt biên... em cầu mong hằng đêm cho anh được đến bến bờ tự do... đến khi nhận được thơ anh bảo lãnh mẹ con em qua Úc với anh... em cứ nghĩ rằng vận hạn của em đã đến thời thái lai... em sẽ được đoàn tụ với anh... sống đời đời mãn kiếp bên nhau... ai ngờ lại ra nông nỗi này... em làm sao mà sống được nữa anh ơi... cả đời em chỉ biết trông ngóng anh... đến khi tưởng là đoàn tụ thì lại là lúc chia tay."

Tôi đang lúc ngủ mê... rờ tay qua thấy vẫn có mẹ bên cạnh, nên yên tâm ngủ tiếp.

Tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng, chưa bao giờ tôi có một giấc ngủ ngon như vậy, tôi vươn vai ngáp cho tỉnh ngủ, đưa tay rờ qua bên mẹ thì không thấy mẹ đâu, nên ngồi dậy nhìn quanh... cả nhà vẫn còn im lặng lắm, tôi ngần ngại không dám mở cửa tìm mẹ, sợ sẽ đánh thức cả nhà dậy. Đêm qua chúng tôi chơi đùa tới khuya mới ngủ, vì biết hôm sau là Chủ Nhật, vẫn còn được nghỉ, tôi nằm xuống nhắm mắt... chắc là mẹ ra ngoài nói chuyện với bác Hoàng nữa rồi.

Một lúc sau thì mẹ bước vào phòng, mẹ ho nhiều quá, sắc mặt mẹ thật là tiều tụy, không biết đêm qua mẹ có ngủ được hay không ?

Mẹ ôm lấy tôi mà khóc... mẹ khóc nhiều lắm... cuối cùng, mẹ ráng nhịn ho, nhịn khóc mà nói với tôi :

- “Con ơi... mẹ thương con lắm... mẹ đã chịu đựng đủ mọi điều để mong có ngày đoàn tụ với ba ở bên Úc, nhưng qua đây, ba lại không muốn ở chung với mẹ con mình. Mẹ thì quá bệnh hoạn, con thì còn nhỏ, ba lại không ở bên cạnh, lại thêm có nhiều việc xẩy ra mà mẹ không thể chịu nổi, nếu mẹ cứ tiếp tục ở đây, e rằng mẹ sẽ không qua khỏi cơn bệnh. Mẹ đã quyết định... mẹ phải trở về Việt Nam, thời tiết ấm áp ở bên nhà, lại có cô Tường Vi chăm sóc, sẽ giúp mẹ khỏi cơn bệnh suyễn ngặt nghèo này... ”

Tôi đồng ý với mẹ ngay :

- “Ở đây không có ba... buồn lắm... con cũng chẳng muốn ở... nếu mẹ muốn trở về Việt Nam, con với mẹ cùng về... hai mẹ con hủ hỉ với nhau... vậy là đủ rồi... phải không mẹ... ”

Trái với ý nghi của tôi, mẹ ôm lấy tôi mà nói :

- “Chỉ một mình mẹ về thôi... con sẽ ở lại đây... tương lai của con là ở xứ Úc tự do này... con phải ở lại đây học hành cho đến nơi đến chốn... khi nào con học thành tài... mẹ khỏi bệnh... mẹ sẽ trở lại Úc sống với con.”

Tôi chới với :

- “Không... con không chịu ở lại đây một mình... mẹ ở đâu thì con ở đó... con không thể xa mẹ được đâu... con tưởng mình dọn nhà về ở chung với bác Hoàng, bác sẽ lo săn sóc cho mẹ... mẹ sẽ khỏi bệnh... ”

- “Bác Hoàng còn phải đi làm, không thể ở nhà lo cho mẹ được... con ngoan... hãy ở đây với bác Hoàng, với các con của bác Hoàng... hãy học hành cho nên người... con là niềm ước mơ... niềm hãnh diện... niềm hy vọng của mẹ. Nếu con muốn cho mẹ còn sống... nếu con muốn gặp lại mẹ... hãy nghe lời mẹ ở lại đây... mẹ hứa sẽ gặp lại con... sống với con... Nghe mẹ đi con yêu... ”

Tôi ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở :

- “Mẹ ơi... ba ơi... con không muốn xa mẹ... con không muốn xa ba... nhưng sao cả ba cả mẹ lại bỏ con... ”

- “Mẹ không bỏ con đâu con yêu của mẹ... con phải hiểu... nếu mẹ còn ở đây... mẹ sẽ buồn mà không qua khỏi cơn bệnh... nếu con muốn mẹ sống... hãy để mẹ về Việt Nam... có nhiều chuyện mà khi con lớn lên con mới hiểu... để khi đó, mẹ sẽ nói cho con hay. Bây giờ... hãy nghe lời mẹ đi con... ”

-“Chừng nào thì mẹ về Việt Nam ?”

- “Lát nữa bác Hoàng sẽ đưa mẹ ra phi trường... ”

Tôi khóc ngất đi...

Mẹ dắt tôi ra phòng khách, hai vợ chồng bác Hoàng đã chờ sẵn, Ti và Mi vẫn còn ngủ. Chúng tôi im lặng bước ra cửa vào nhà xe, tôi đã khóc hết nước mắt rồi, bác Hoàng vẫn còn sụt sùi nước mắt, bác nắm chặt lấy tay tôi :

- “Con hiểu cho mẹ của con, nha con... mẹ có nhiều chuyện buồn... mẹ bệnh... mẹ phải về Việt Nam... con ở lại đây với bác... bác hứa sẽ lo nuôi con ăn học, thương yêu con như là Ti và Mi vậy... khi nào mẹ khỏi bệnh, mẹ sẽ trở lại Úc với con... ”

***

Bẩy năm trôi qua... bẩy năm dài đằng đẵng... tôi nghe lời mẹ cố gắng học hành. Vợ chồng bác Hoàng và Ti, Mi rất thương tôi, chăm lo cho tôi từng chút. Mỗi lần nhờ tới mẹ, tôi lại nhớ tới hàng chữ :

- “Xa Quê Hương, Nhớ Mẹ Hiền”

Mà người lính bạn của ba tôi đã xâm lên cánh tay ngày xưa. Bây giờ tôi mới thấu hiểu nỗi nhớ mẹ của người lính đó ... Tôi cũng muốn xâm lên cánh tay hàng chữ thân yêu để mỗi lần nhớ tới mẹ là đưa cánh tay lên đọc hàng chữ đó cho bớt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng ai đời con gái con đứa mà lại xâm tay... tôi lại không phải là lính... nghĩ đi nghĩ lại, tôi lấy cái áo ngủ, lấy viết mực viết hàng chữ đó lên trên lung áo treo ở trong phòng.

Tôi đã tốt nghiệp đại học rồi, đúng như ước nguyện của mẹ, đúng như lời hứa của tôi với mẹ. Mẹ cũng đã đồng ý qua đây đoàn tụ với tôi, tôi mừng lắm.

Bác Hoàng đã làm mọi thủ tục cần thiết để cho mẹ tái định cư ở Úc, tôi mong ngóng từng ngày, ước sao cho thời gian qua mau để ra phi trường đón mẹ. Buổi tối, ăn cơm xong, trước khi về phòng, bác Hoàng đưa cho tôi một cuốn tập ghi chép, nói vói tôi :

- “Con đọc cuốn nhật ký này của mẹ đi... con sẽ hiểu mẹ và thương mẹ nhiều hơn nữa.”

***

Ngày...

Vừa mới đưa mẹ con mình về nhà, đêm đầu tiên Tâm đã bỏ mẹ con mình bơ vơ trong căn nhà lạ mà đi làm. Mình không nghi trên thế giới này lại có một người chồng vừa bảo lãnh vợ con qua mà lại bỏ đi làm ban đêm. Không có người chồng nào nhẫn tâm như vậy. Ở Việt Nam, mẹ con mình đã quen rồi, đã sống ở đó từ nhỏ rồi, quen biết hết tất cả mọi người rồi, thì hai mẹ con ở nhà một mình là điều thông thường, nhưng vừa mới tới xứ Úc, không quen biết ai cả, lời ăn tiếng nói không quen, lỡ có chuyện gì xẩy ra thì biết kêu ai bây giờ ? Chắc là Tâm đã có vợ khác, phải về với vợ mới. Nhưng nếu đã có vợ, thì bảo lãnh mẹ con mình qua đây làm gì ?

Ngày...

Từ ngày qua Úc tới nay, có chồng mà coi như không có. Tâm chỉ về nhà vào buổi chiều mà thôi, sau đó viện cớ phải đi làm đêm và cả ban ngày để lấy tiên nuôi mẹ con mình. Bà Jenny cho biết, ai muốn đi làm bao nhiêu ca thì cứ việc, có thể làm thêm ngày Thứ Bẩy và Chủ nhật, nhưng không phải lúc nào cũng có công việc cho công nhân làm thêm, và nếu có làm thêm, cũng chỉ vài giờ mà thôi, chứ không phải nguyên tám tiếng một ngày. Hơn nữa, hãng phải giữ sức khỏe cho công nhân, không thể để công nhân làm quá nhiều ngày giờ.

Như vậy, chắc chắn Tâm sẽ phải có ngày nghỉ. Có ngày nghỉ mà Tâm cũng không về nhà, chắc chắn anh phải ở đâu đó rồi.

Ngày...

Hôm nay Tâm về nhà, có mặc cái áo công nhân làm việc có thêu hàng chữ “MacKay Ltd” ở trên ngực áo, nói rằng mặc sẵn để sửa soạn làm ca đêm. Hỏi Tâm là hãng ở đâu. Có số điện thoại hay không, để khi cần chuyện khẩn cấp, em có thể đến nơi hoặc gọi điện thoại nhắn tin được không? Tâm trả lời là không để ý địa chỉ của hãng ở đâu, chỉ ngồi lên xe quen đường chạy tới mà thôi, số điện thoại cũng không nhớ. Khi Tâm về, mình qua nhà bà Jenny gọi nhờ điện thoại tới hãng, nhân viên trực trả lời là hãng từ hồi mở ra cho tới bây giờ, hơn 30 năm rồi, không tổ chức làm việc ban đêm.

Ngày...

Mỹ Hằng đi học, mình đi xe bus ra Shopping ngắm hàng hóa luôn tiện đi chợ mua đồ ăn... Nhìn thấy những cặp vợ chồng đi song đôi nắm tay nhau, mấy đứa con chạy tíu tít đằng trước mà thèm cái hạnh phúc này quá... mình cũng có chồng, có con, mà tại sao lại không được nắm tay chồng đi chơi như thế này?

Đang đi... chợt nghe tiếng nói quen quen ở đằng sau :

“Em coi chừng con nó chạy mau quá bị té... giữ nó lại.”

Mình quay lại nhìn :

Tâm...

Tâm đang đi với một người đàn bà, cả hai đang đưa tay nắm đứa con nhỏ lại, đứa con trai khoảng chừng ba tuổi...

Mình chới với... sững sờ :

- “Anh... Anh Tâm... ?”

- “Ờ... ờ... Em... đi đâu đây ?”

- “Em đi chợ mua đồ ăn cho con... Anh... không đi làm à... ? Ai... đây anh? Bà này... là vợ anh à... ? Con anh đây... phải không... ?”

- “Ờ... ờ... không... Ờ... ờ... ”

- “Chào chị... Tôi tên là Mỹ Vân, vợ của anh Tâm... Anh Tâm vừa bảo lãnh mẹ con tôi qua Úc khoảng bốn tháng nay... Chị...là gì của anh Tâm... ?”

- “Ờ... ờ... Tôi là... Tôi... là vợ... của . . . anh... Tâm. Anh Tâm... bà này là ai mà lại nói là vợ của anh... anh vừa bảo lãnh mẹ con bà qua Úc... Vậy là sao... ?”

- “Ờ... ờ... anh...Ờ...ờ... "

Tất cả nhìn nhau bối rối... mình mời cả hai người vào quán cà phê nói chuyện.

Thì ra Tâm đã quen biết và làm đám cưới Thúy từ khi định cư tại Úc, đã có đứa con gái lớn tên Trang và đứa con trai nhỏ tên Hùng. Trang đi học mẫu giáo, còn Hùng chưa đến tuổi đi học, nên đi chơi chung...

Thủy cũng chưng hửng khi biết Mỹ Vân là vợ của Tâm, vì khi xin cưới, Tâm nói với cha mẹ Thúy là hãy còn độc thân, vừa đi tù cải tạo về là vượt biên ngay. Gia đình Thúy có hối thúc Tâm làm hôn thú... nhưng Tâm cứ trì hoãn mãi... thì ra để bảo lãnh Mỹ Vân và con gái qua Úc.

Mình kể cho Thúy nghe hai vợ chồng cưới nhau từ khi Tâm còn đang học ở Thủ Đức, ra trường Tâm đi trận năm này tháng nọ, phải ôm con chờ chồng từng ngày... Tới khi Tâm bị đi tù cải tạo, mình phải cực nhọc đi thăm nuôi... Khi Tâm được về, đã phải bán cái nhẫn cưới đi để lấy tiền cho Tâm vượt biên... Tâm bảo lãnh hai mẹ con qua Úc nhưng không ở chung, chỉ về nhà vào khoảng 5 giờ chiều rồi chập tối là đi, nói là phải đi làm đêm...

Thúy nghe mình kể... giận quá... giữa cửa tiệm mà dám đứng lên xáng cho Tâm một bạt tai :

“Anh lừa dối hai người đàn bà... Chị Mỹ Vân đối xử với anh quá tốt đẹp... tại sao anh lại nở lòng bỏ chị ấy... ? Khi quen anh... em đã hỏi anh bao nhiêu lần là... anh đã có vợ ở Việt Nam chưa...? Lần nào anh cũng mạnh miệng trả lời là chưa có vợ... Anh lừa dối cả em nữa... mấy tháng nay, anh đi làm về trễ, ngày nào cũng xẩm tối mới về... em hỏi anh đi đâu mà vể trễ... ? Anh nói là phải làm Overtime... những em xem giấy lương thì không có tiền làm thêm... bây giờ em mới biết lý do... ”

Tâm ngồi im cúi mặt...

Cả hai người đàn bà nhìn nhau ngỡ ngàng... một ông chồng... hai người vợ... một người cưới cách đây hơn mười năm trời... một đứa con... người kia mới cưới cách đây bốn năm... hai đứa con... làm sao bây giờ... ?

Thúy buồn bã nói với mình :

- “Em xin lỗi đã không biết rằng anh Tâm đã có vợ... em là kẻ đến sau... em có lỗi đã không rõ hoàn cảnh của chị ... em xin trả lại anh Tâm cho chị và Mỹ Hằng...Anh Tâm... em làm sao mà ăn nói với cha mẹ của em đây ... ? gia đình em có nề nếp... có tư cách... em đâu có thể giựt chồng của chị Mỹ Vân được... ? Làm sao bây giờ đây... ?”

- “Chị Thúy... chị không có lỗi gì cả... tôi cũng không thể phá vỡ hạnh phúc của chị... tôi không thể để chị và cả gia đình mang tiếng xấu... tôi sẽ... trở về Việt Nam...”

Viết theo lời kể của một người con.


Nguyễn Khắp Nơi