PDA

View Full Version : Bắc Kỳ Di Cư



Longhai
07-13-2014, 09:02 AM
Bắc Kỳ Di Cư

Nguyễn văn Khôi CVA 56.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405407679.png

Sau biến cố 30 tháng Tư năm 75, tôi bị đi "Cải Tạo"…thực ra là bị đi tù không có án… vì can tội "Đại Úy Biệt Phái Giáo Viên". Tôi đã bị di chuyển qua nhiều trại, nhưng may mắn là chỉ ở trong Nam thôi. Từ Trảng Lớn qua Xuân Lộc, lên Suối Máu rồi Bù Gia Mập, Bù Loi và Hàm Tân. Hàm Tân là nơi chúng tôi được chính thức coi là Phạm Nhân và được săn sóc kỹ bởi các Công An. Tôi đã ở nơi này 3 năm cuối cùng trong 6 năm đi tù của tôi. Khi còn ở những trại do Bộ đội trông coi, chúng tôi không được gọi mình là tù nhân mà phải gọi là các Cải tạo viên. Gọi mình là tù nhân tức là không hiểu chính sách của Bác và Đảng !

Hồi ở Bù Gia Mập, mấy anh bạn người Nam có hỏi tôi rằng :"Tụi tao là dân Nam Kỳ, không hiểu Cộng Sản đã đành, mày là Bắc Kỳ di cư mà cũng không biết Cộng Sản, bộ không sợ Cộng Sản sao ?"

Tôi đã trả lời rằng : "Sao lại không sợ Cộng Sản !". Các bạn kia hỏi tiếp :"Thế sao mày không chạy còn ở lại để đi tù !"…. Tôi đã trả lời như sau : “Hồi tôi ở Hà Nội, Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, thì ngày 28 tháng 7 đó tôi đã có mặt ở Sài Gòn rồi. Lý do rất dễ hiểu là... hồi đó tôi còn trẻ nên chạy nhanh, bây giờ già rồi nên chạy không kịp bị nó tóm ! Đành ở lại đi tù thôi !”

Thật ra là hồi đó Chính quyền Pháp có cho dân Bắc Kỳ đi. Người nào không muốn sống với CS thì được ghi tên rời Bắc Kỳ và muốn đi đâu thì đi, nên tôi đã vào Sài Gòn. Kỳ này tụi Mỹ theo chiến lược toàn cầu của nó, nó không cho đi, thành ra tụi mình mới phải đi tù chứ !

Mấy câu hỏi của những anh bạn này đã khiến tôi hồi tưởng lại cuộc Di cư vĩ đại nói trên, dưới một triệu người từ bỏ miền Bắc ra đi sau hiệp định Geneve, trong đó có tôi.


***

Sau khi bị thất thủ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ở Genève... và kết quả là Hiệp định chia đôi đất nước Việt Nam ra đời. Trong hiệp định này Pháp và Cộng Sản VN do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đồng ý lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới giữa 2 nước Việt Nam. Hiệp định này được ký kết ngày 20/7/54. Sau đó Chính Phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm (Mới ở Mỹ, được Quốc Trưởng Bảo Đại - Ông này luôn luôn sống ở Pháp - cử làm Thủ tướng cái Chính quyền được gọi là chính quyền Bảo Đại) ra thông cáo cho biết : ai muốn di cư vào Nam thì đi ghi tên và sẽ được giúp đỡ để đi. Dư luận xôn xao hẳn lên. Ở đâu thì tôi không biết chứ ở Hà Nội thì...có một số những bàn giấy ghi tên di cư được đặt ở mấy góc các đường phố chính. Ở góc đường Đồng Khánh và đường Lý Thường Kiệt, phía ngoài trường Trung học Nguyễn Trãi, nơi tôi vừa học hết lớp Đệ Tam Toán, cũng có một bàn giấy "di cư". Tôi đã ghi tên vào Nam ở bàn giấy này vào ngày hai mươi mấy thì tôi không nhớ rõ nữa !

Như tôi đã nói ở trên ,lúc này tôi vừa học xong lớp Đệ Tam B3 tại trường Nguyễn Trãi... Tôi mới chuyển về đó niên khóa 53-54 này, mấy năm trước tôi học ở trường Chu Văn An ở góc đường Cửa Bắc và đường Đỗ Hữu Vị.

Ngày ấy người ta gọi học sinh Đệ Tam là quân Tam Phủ, vì sau khi thi Trung học Đệ Nhất cấp vào cuối năm Đệ Tứ, học sinh được nghỉ xả hơi một năm để từ năm sau - Năm Đệ Nhị - các học sinh phải liên tục thi Tú Tài 1, Tú Tài 2 và vân vân trên Đại Học.

Hồi còn học ở Chu Văn An, tôi là một tay chơi thể thao của trường, tôi là cầu thủ bóng tròn, bóng rổ của trường, nên học thì ít mà chơi thì nhiều. Tôi đã tính rằng về Nguyễn Trãi tôi không quen ai thì có thể chú ý vào việc học để sửa soạn cho năm tới - năm Đệ Nhị năm tôi sẽ phải thi Tú Tài 1. Hồi đó thi Tú Tài 1 rất khó, mỗi khóa chỉ đỗ được khoảng trên dưới 30% thôi, nếu cứ tiếp tục thể thao nữa thì chỉ có mà thi rớt thôi ! Khi còn ở Chu Văn An thì thứ bẩy, chủ nhật nào tôi cũng có mặt ở không sân SEPTO trên Hàng Đẫy, thì cũng sân Éclaire ở bờ sông để đấu bóng tròn với một trường nào đó, hoặc ở sân tòa Thị Chính Hà Nội, sân Chợ Gạo ở phố Hàng Khoai - Sau chợ Đồng Xuân - để đấu bóng rổ với học sinh trường Albert Saraut, học sinh trường Puiginier hay hoc sinh trường Tầu...Về Nguyễn Trãi tôi tin là mình sẽ có thể từ bỏ mọi cám dỗ của thể thao để chuyên tâm vào học. Nhưng ...vào đến lớp Đệ Tam B3 tôi lại gặp ngay anh Trần Quang Lãng, một tay bóng rổ của trường Nguyễn Trãi, chúng tôi đã biết nhau trên sân, sau nhiều trận tranh tài giữa Chu Văn An và Nguyễn Trãi, thế là anh lại rủ tôi vào đội bóng rổ, rồi bóng tròn Nguyễn Trãi. Hồi tôi còn ở đội bóng rổ CVA thì thủ quân là anh Hoàng Cơ Minh - Sau này là Phó Đề Đốc Hải Quân của Hải Quân miền Nam VN - về đến đội bóng rổ Nguyễn Trãi thì thủ quân lại là anh Hoàng Cơ Long - anh ruột của Hoàng Cơ Minh - lúc này anh đang học lớp Đệ Nhất, về sau anh là Luật sư ở Sài Gòn, còn anh Hoàng Cơ Minh thì vừa mới lên Đại học niên khóa 53-54 này, hình như anh ghi tên học Nha Khoa thì phải. Anh đi lính lúc nào tôi cũng không biết nữa !

Thủ quân bóng tròn là anh Nguyên đen - học sinh lớp Đệ Ngũ, Nguyễn Trãi. Rút cục là về Nguyễn Trãi tôi lại cắm đầu vào thể thao nhiều hơn khi còn ở Chu Văn An nữa ! Hiệp định Genève ra đời, làm cho nhiều kế hoạch đã được dự trù phải thay đổi hết.

Thầy Ngô Duy Cầu vừa mới xây xong một cái Building trông ra hồ Halais định để làm một trường tư lớn ở Hà Nội thì nay phải bỏ lại - Bỏ của chạy lấy người mà ! - Thầy Ngô Duy Cầu dạy Toán thì phải, Tôi không học tư bao giờ nên không biết.

Viện Đại học Hà Nội vừa mới xây xong một sân bóng rổ mà trường Nguyễn Trãi chúng tôi được hân hạnh đến đấu với sinh viên Hà Nội để khánh thành cái sân này. Trận quét sân trước chúng tôi là trận đấu giữa 2 đội Nữ, giữa đội bóng rổ trường Tầu và đội bóng rổ trường đầm nào đó... tôi cũng không nhớ nữa ! - Khánh thành xong thì cũng đành bỏ lại cho tụi Cộng Sản thôi !

Tôi đã nghĩ rằng : Vài năm nữa là tôi cũng sẽ là Sinh viên của Viện Đại học Hà Nội, và sẽ ra vào trường này một cách thường xuyên. Nhà tôi, thực ra là nhà của chú thím tôi, ở số 29 Đại lộ Lý Thường Kiệt - Boulevard de Carreau cũ - Đại Lộ này đi thẳng vào cổng trước của Viện Đại Học Hà Nội. Nếu được học ở đây, thì từ nhà, tôi chỉ phải đi qua có hình như 3 con đường (3 blocks) là đến trường thôi : Đại lộ Ngô Quyền Đại lộ Trưng Vương và hình như phố Hàng Chuối nữa thì phải...Nhà tôi số 29 cách một nhà nữa là đến Hotel Splendide. Bên kia đường là trường Viễn Đông Bác Cổ. Những ý nghĩ đó nay chỉ còn là một giấc mơ thôi ! Hiệp định Genève đã làm cho giấc mộng của tôi tan đi mất rồi !


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405407893.JPG
Trường Chu Văn An - Hà Nội

Ghi tên di cư xong thì được cho biết rằng tối 26-7 là phải vào ngủ ở Tòa Thị chính Hà Nội để sáng sớm hôm sau lên đường, nghĩa là sang Gia Lâm để lên phi cơ vào Nam.

Thực ra tôi không cần đi sớm như vậy, vì ông nội và bố mẹ cùng mấy em của tôi đều còn ở Hải Phòng, mà Hải Phòng thì 100 ngày sau mới phải giao cho tụi C.S. Nếu tôi về Hải Phòng thì cuối tháng mười tôi mới phải đi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại có ý định rời Hà Nội để vào Nam sớm như vậy ! Có thể là lúc đó tôi nghĩ là bà chị dâu của tôi và bố mẹ cùng với các em của chị đã vào Sài Gòn rồi, nay nếu tôi có vào thì cũng không sợ bị bơ vơ nữa - Chị dâu tôi là con gái của ông bà Phạm Hữu Ích. Ông là Giám thị trường Nguyễn Trãi nên đã theo các nhà giáo vào Saì Gòn trước rồi. Anh tôi thì lúc đó là Thiếu úy trong Quân đội Liên Hiệp Pháp nên sẽ đi với Quân đội sau.

Ghi tên vào Nam xong tôi mới báo cho chú thím tôi biết. Thím tôi bèn sắp cho tôi một bao tải đầy những bát đĩa cổ và bảo tôi vào gửi lại nhà của ông bà Phạm... Huyền, bố mẹ của chú Phạm Công Bạch, Trung tá Cảnh Sát sau này. Ông Huyền lúc đó đang là "Quân Thứ Lưu Động", và đã vào Sài Gòn trước mấy hôm, lúc đó ông bà đang ở trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu, gần ngã sáu Sài Gòn.

Ghi tên vào Nam xong, tôi bán cái xe đạp của tôi cho một người bạn được 800$ tiền Đông Dương hồi đó-Lúc đó ở Hà Nội, giá một bát phở là 5$, bát đặc biệt là 10$,trong khi đó, ở Sài Gòn thì một tô phở giá 3$, tô đặc biệt thì 5$, tôi bán xe với điều kiện là tôi chỉ giao xe ngày tôi đi, vì thế tôi còn có xe để đi thăm vài người thân quen và một vài nơi chốn cũ, nơi mà tôi có nhiều kỷ niệm.

Thời gian này, hoa phượng vĩ đang nở đỏ rực trên nhiều đường phố Hà Nội, ve sầu kêu ran ran inh ỏi cả ngày. Thời tiết lúc đó thật oi bức, nhưng gặp nhau ở ngoài đường người ta chỉ hỏi nhau…"Đi hay Ở".

Chúng ta ai cũng biết rằng dân Việt Nam nói chung, không ai muốn lìa bỏ nơi mình đang sống để đến một nơi xa lạ hết. Các cụ đã có câu "An cư lạc nghiệp", do đó…"Đi hay Ở" quả thật là một vấn đề khó giải quyết ! Ra đi thì liệu sẽ có được “ an cư “ nữa không ?

Có nhiều gia đình chăc chắn là không thể ở lại với Việt Cộng được, gia đình tôi chẳng hạn. Bố mẹ tôi thuộc loại giầu có ở Hải Phòng mà tụi nó đánh giá là Tư Sản Mại Bản; Chú tôi là ông Chấn Đen của Việt Nam Quốc Dân Đảng - một lãnh tụ của VNQDĐ, hồi 45-46 chú tôi đã là Thứ trưởng Kinh Tế trong cái gọi là Chính Phủ Liên Hiệp, Bộ trưởng Kinh Tế là ông Chu Bá Phượng, cũng là một lãnh tụ của VNQDĐ, lúc đó Ông Vũ Hồng Khanh làm Bộ trưởng Thanh Niên, Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Ngoại Giao...

Đối với những gia đình khác, nếu họ không ở trong Quân Đội Liên Hiệp Pháp hoặc làm việc trong chính quyền của Bảo Đại thì họ còn phải đắn đo, phần lớn là do tiếc của nên chưa thể quyết định gì được. Họ nghĩ rằng ở lại với Hồ Chí Minh cũng chẳng sao. Nếu có khó khăn thì cũng chỉ là khó khăn về vật chất mà thôi - Thầy Tổng Giám thị Nguyễn Văn Trọng của trường Nguyễn Trãi còn nói với tôi khi tôi sang chào thày để đi , rằng nước nhà đã độc lập rồi con còn đi theo tụi Pháp làm gì ? Tôi đã không trả lời thày một câu nào cả. Thế mà chỉ mấy tháng sau tôi lại thấy thầy và gia đình thầy ở Sài Gòn. Sau này thầy là Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở trước rạp Ciné Đại Nam, và là một trường kiểu mẫu của Sài Gòn, trường Tiểu học Cầu Kho thì phải.

Gia đình anh bạn thân của tôi là gia đình anh Trần Hùng - Hùng cùng học Đệ Tam Nguyễn Trãi với tôi, nhưng là Đệ Tam B1, Hùng là con của họa sĩ NGYM trong Tự Lực Văn Đoàn - Gia đình Hùng ở lại vì bà mẹ anh tiếc những ruộng vườn ở nhà quê...

Còn lại vài ngày ở Hà Nội, tôi đi từ biệt mấy người thân khắp Hà Nội. Chợ trời nhan nhản mọc ra, người ta bán tống bán tháo những cái gì mà họ không muốn mang theo,những đồ mà họ nghĩ là không cần thiết ờ nơi định cư mới : Sách cũ, quần áo cũ ... lỉnh kỉnh đủ thứ mà tôi không chú ý ...vì chính tôi cũng đi thì để ý đến những thứ đó làm gì !

Trong mấy ngày này, tôi cùng anh bạn Trần Hùng đi thăm nhiều nơi... thăm lại trường Chu Văn An ở đường Cửa Bắc, thăm lại trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị ở cuối Phố Hàng Than, gần hồ Trúc Bạch, nơi tôi đã học Enfantin, Préparatoire rồi Moyen 1 ở đó trước năm 45. Tôi cũng đi thăm lại căn nhà số 21 Phố Nhà Thương Khách, nơi tôi ở những năm trước khi Việt Minh với một đội quân khoảng 30 người do Võ Nguyên Giáp qua cầu Doumer tiến vào Hà Nội, căn nhà này cách Nhà Thương Khách một nhà, Nhà Thương Khách số 17, cách nhà số 19 là đến nhà tôi. Tôi chỉ không đi thăm lại ngôi đình làng Vân Hồ trên Yên Phụ, cạnh Hồ Tây, nơi mà vào năm 1945 khi Mỹ ném bom Hà Nội, trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị ở gần nhà máy điện, nhà máy này nằm trên đường Quan Thánh và sát Hồ Trúc Bạch nên phải di tản lên làng Vân Hồ. Tôi còn nhớ rằng muốn đi học ở đấy tôi phải đón xe điện ở giốc Hàng Than, nơi gần vườn hoa Hàng Đậu để lên đê Yên Phụ, tới cuối đường xe điện chúng tôi còn phải đi bộ qua rặng ổi rồi mới tới đường rẽ vào đình làng Vân Hồ ở phía tay trái.

Không thăm lại làng Vân Hồ nhưng có đi thăm lại đường Cổ Ngư và còn ăn bánh tôm ở bên hồ Trúc Bạch nữa ! Tôi cũng không quên thăm lại Vườn Bách Thảo gần đó. Dĩ nhiên là tôi không quên tạt qua sân vận động Hàng Đẫy - Sân SEPTO -…

Hồi đó tôi rất mến Trần Hùng và không mê một cô gái nào cả, chưa mê một cô gái nào thì đúng hơn…Nếu là bây giờ và ở bên Mỹ này thì mọi người sẽ bảo tôi là gay rồi. Thực ra là hồi đó tôi chưa gặp được một cô gái nào khả dĩ dễ thương để tôi mê mà thôi !


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405408534.jpg

Trần Hùng rất xinh trai, anh là cây vợt số 2 của trường Nguyễn Trãi, Trần Hùng và Trần Quang Lãng là anh em con chú bác, Hùng là con ông chú và Lãng là con ông bác. - Trần Quang Lãng sau này là vị Tổng Giám thị cuối cùng của trường Chu Văn An…di cư đến Sài Gòn…Tôi muốn nói anh Trần Quang Lãng là Tổng Giám thị của trường C.V.A. tới 1975. Lúc này anh đang ở San José, còn tôi thì ở San Francisco nên chúng tôi vẫn gặp nhau luôn…

Trước khi rời Hà Nội tôi muốn gặp lại tất cả những người thân thương của tôi mà tôi nghĩ là họ sẽ không vào Nam với tôi, tôi cũng muốn nhìn lại tất cả những nơi mà tôi thường lui tới hồi nhỏ. Nhưng dù có muốn ôm tất cả Hà Nội vào lòng trong những ngày cuối cùng đó thì tôi cũng không tài nào làm nổi….và rốt cuộc thì tôi cũng phải mang hành lý tới tòa Thị chính Hà Nội vào tối ngày 26-7-1954. Dĩ nhiên là Trần Hùng đưa tôi đến đó và tôi chỉ đến đó vào ...gần như phút cuối, lúc Hà Nội đã lên đèn. Hành lý của tôi chỉ là cái bao tải đựng bát đĩa cổ và một cái túi nhỏ đựng một ít quần áo và dụng cụ cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn mặt…Tiền túi thì tôi có 800$ tiền Đông Dương…để phòng thân, dù tôi đã được cho biết là ...vào tới Sài Gòn rồi là mỗi người di cư sẽ được lãnh 12$ một ngày.

Từ giã bạn tôi xong ở trước cửa Tòa Thị chính, là tôi phải vào trong sân để thu xếp một chỗ nằm tạm. Sắp xếp xong, tôi ra phía cửa chính để ngắm nhìn Hà Nội lần chót…Bên kia đường Đinh Tiên Hoàng là Hồ Gươm. Vì lúc đó thành phố đã lên đèn, nên dưới ánh đèn Hồ Gươm trông thật là đẹp…Đúng là hồ xanh nay vẫn xanh và liễu …xanh ven hồ vẫn mềm mại rủ xuống mặt nước ...khiến tôi nhớ đến những lúc sau một trận đấu bóng rổ trong sân Tòa Thị chính chúng tôi lại ra uống nước dừa ở quán cô Lan bên cạnh hồ, gần đền Ngọc Sơn…Tháp Rùa xa xa vẫn còn đó, đền Ngọc Sơn với chiếc cầu Thê Húc mới được sửa lại ,lần này chiếc cầu không còn là bằng gỗ nửa mà là bằng sắt để tránh khỏi bị sập như hồi Tết vừa qua, nhưng dù là bằng sắt thì nó vẫn được sơn lại mầu đỏ như cũ…

Quanh hồ người người vẫn tấp nập đi lại như thường …Nhưng hình như những ánh đèn trên các con đường Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Trống, Đinh Tiên Hoàng…cũng cảm nhận được cái buồn ly biệt của chúng tôi...vì tôi thấy chúng có vẻ vàng vọt ủ rũ thế nào ấy !

Trong những người ra đi ngày hôm sau, dân Hà Nội chỉ chiếm một số khiêm nhường, phần lớn là những dân từ nơi khác tới. Họ không như chúng tôi ho chẳng có gì quyến luyến với Hà Nội cả nên họ chỉ lo sửa soạn chỗ ngủ…và đi ngủ sớm, trong khi những người Hà Nội chúng tôi còn cố ra ngắm nhìn Hà Nội mong ghi vào trong tim càng nhiều hình ảnh của Hà Nội càng tốt…Tối đó, ngổn ngang trăm mối trong lòng, nên dù là mọi khi rất dễ ngủ, tôi cũng gần như không ngủ suốt đêm… Hết ngắm nhìn Hồ Gươm và những con đường chung quanh ở phía ngoài, tôi lại trở vào trong sân quanh quẩn bên mấy cột bóng rổ, bóng chuyền lan man nhớ lại những ngày vui đã qua….

Sáng sớm hôm sau, vào khoảng 4 hay 5 giờ gì đó mọi người được đánh thức dậy để sửa soạn lên mấy chiếc xe nhà binh …chúng đang từng chiếc từng chiếc một ghé vào chổ sau tòa Thị chính đón người.

Tôi là người lên sau cùng của một chiếc xe nên được ngồi phía cuối xe. Mỗi khi lấy đủ người rồi, chiếc xe đó ra đậu ở bên lề đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh vườn hoa Chí Linh và đợi những xe khác…Mặt hồ Gươm lúc đó vẫn còn bị bao phủ bởi một lớp sương mờ trông như còn đang ngái ngủ .. ánh đèn điện chung quanh hồ trông càng thêm vàng vọt. Thành phố còn chưa thức dậy, chỉ lơ thơ vài gánh quà sáng cùng với những tiếng rao hàng rời rạc của họ. Tôi thấy hình như thiêu thiếu cái gì… Tôi thắc mắc là ông Tàu bán lạc rang ngâm húng lìu bên bờ hồ Hoàn Kiếm, trong một cái cổng xưa, đối diện voi Tòa Thị Chính đã mang hàng ra bán chưa…hay là đã đi vào Nam mất rồi…..

Khi mọi người đã lên tất cả các xe, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, hướng về phố Cầu Gỗ để rồi theo đường Bờ Sông lên cầu Long Biên sang Gia Lâm... Người dẫn đầu đoàn xe chắc cũng thông cảm với chúng tôi, nên cho đoàn xe đi chầm chậm. Ngồi ở cuối xe, nhìn được xuống lòng đường, từng tấc, từng tấc đất của đường Đinh Tiên Hoàng, đất của Hà Nội đang từ từ lùi lại….lòng tôi nao nao một tiếc nuối khó tả, Ngay từ lúc đó tôi đã thấy rằng mình sẽ vĩnh viễn xa rời Hà Nội, - Cho tới giờ này, tháng ba năm 2004, tôi vẫn chưa được trở lại Hà Nội…sau gần 50 năm xa cách. Tôi cũng chưa về Việt Nam kể từ ngày 24 tháng 4 năm 1990 khi tôi lên máy bay ở Tân Sơn Nhứt để sang Thái Lan rồi qua Mỹ… Dù rằng tôi vẫn nhớ nhung Hà Nội, tôi vẫn chưa thể về VN vào lúc này được, khi còn bọn ăn cướp, độc tài và nói láo trắng trợn đang còn nắm trong tay mọi quyền sinh sát và nhất là còn tiếp tục nói láo không ngượng mồm, bất chấp cả những sự thật hiển nhiên ai cũng thấy !

Hồ Gươm mãi mãi vẫn còn đây, Tháp Rùa sẽ luôn luôn vẫn còn đó, đền Ngọc Sơn vẫn muôn đời nằm dưới bóng những cây đa cổ thụ bên một góc hồ Hoàn Kiếm….chỉ có tôi là ra đi …có thể là vĩnh viễn. Hồ Gươm từ từ lùi lại rồi dần dần khuất hẳn tầm mắt tôi khi đoàn xe ra đến đường Bờ Sông …rồi lên cầu Long Biên để qua Gia Lâm. Trên cầu, đoàn xe cũng lăn bánh một cách chậm chạp để chúng tôi còn được nhìn xuống dòng sông. Nước sông Hồng đục ngầu phù sa vẫn vô tình cuồn cuộn trôi bên dưới…

Đoàn xe chỉ chạy nhanh khi đã qua khỏi hẳn cầu và hướng về phía phi trường Gia Lâm. Tới phi trường, chúng tôi được phép xuống xe cho thoải mái nhưng phải quanh quẩn ở gần những chiếc xe của mình để có thể lại lên xe ra máy bay khi có lệnh…Nhưng đến hơn 11 giờ trưa hôm đó (27tháng 7 năm 1954), mọi người vẫn chẳng thấy lệnh lạc gì cả. Tụi trẻ con của vài gia đình đã nhôn nhao lên vì đói…và không biết ở đâu hiện ra mấy ông Linh mục cùng với mấy giỏ bánh tây và những thỏi bơ, trông giống như mấy thỏi xà phòng, mấy ông Cha này phân phát bánh tây và bơ cho mấy người đang chờ phi cơ vào Nam, nhưng khi đến chỗ tôi thì mấy ông Cha này lại đi qua luôn. Tôi để ý thì thấy là họ chỉ phát thức ăn cho mấy con chiên của họ thôi ! Những người ngoại đạo, không phải là con chiên của mấy ông Linh mục này như tôi thi họ lơ..huyền...lờ đi coi như không trông thấy….Đối với những người khác, họ bị mấy ông cha bỏ qua thì tôi không biết họ sẽ xoay xở làm sao để khỏi đói, riêng tôi thì dù tôi rất dốt tiếng Pháp, nhưng ít ra tôi cũng đã học xong lớp Đệ Tam rồi nên tôi cũng tạm có đủ mấy tiếng để tới hỏi mấy ông Police Militaire đứng gần để biết đâu là chỗ để vào mua mấy thứ để ăn, uống. Hôm đó tôi đã phải mua bánh tây Jambon và một chai Limonade để uống.

Đến khoảng 5 giờ chiều hôm đó, chúng tôi được gọi lên xe…không phải để ra phi cơ...mà để trở lại. Nếu hôm đó mà họ cho chúng tôi trở lại Hà Nội thì có lẽ tôi đã không vào Nam ngày hôm sau đâu, tôi sẽ bỏ chuyến đi này không đi nữa. Nhưng đoàn xe lại đưa chúng tôi vào một cái trại gia binh bỏ trống, nằm sát sông Hồng. Tôi không còn nhớ là chiều đó họ có cho chúng tôi ăn gì hay không nữa, nhưng chắc là có ! Có điều từ bên này sông nhìn về Hà Nội ở bên kia sông, tôi không còn cảm thấy đói khát gì nữa, mà chỉ thấy một mối sầu mang mác ở trong lòng. Lúc đó tôi đã tưởng tượng là nếu giờ này mình đang ở bên kia sông thì mình sẽ làm những gì !...Giờ này mới khoảng 7 giờ chiều, mọi khi vào giờ này thì tôi hãy có thể là còn lang thang bên bờ hồ một mình hoặc cùng với anh bạn Trần Hùng của tôi đi ăn gì đó tại quán Mụ Béo…cũng có thể là tôi sẽ tìm mua vài đồng bạc lạc rang của ông Tầu bên bờ hồ….Giờ đây đứng ở bên này sông ,nhìn về Hà Nội ở bên kia sông, tôi đã phải thả hồn theo giấc mộng, để tìm lại những hình dáng thân thương cũ…Nào đâu là bãi Éclaire bên bờ sông nơi chúng tôi thường đấu bóng tròn ở đó ? Nào đâu là bờ hồ với những chiếc xe điện còn đang chạy với những tiếng kêu leng keng…mỗi khi muốn dừng lại. Không hiểu là giờ này tất cả các xe điện đã trở về Ngọc Hà để nghỉ chưa ? Vì có xe đạp, nên mấy năm sau này tôi hầu như không đi xe điện nữa, nên chẳng biết giờ giấc của chúng ra sao nữa !...Khi tôi đi rồi thì căn phòng của tôi bây giờ sẽ ra sao? Chẳng lẽ bị bỏ trống ? Nếu không bỏ trống thì ai ở đó bây giờ ? Căn phòng đó trước kia là của hai anh em tôi ở. Từ năm 52 anh tôi đã bỏ đi học trường Võ bị Đà lạt, nay thì đã là một Thiếu uý Dù trong Quân đội Liên Hiệp Pháp. Hơn một năm nay tôi đã ở đó một mình. Căn phòng này có cửa sau trông ra ngõ Vọng Đức, với số nhà là số 4…Từ cái cửa sau đó tôi thường đi bộ ra đường Đồng Khánh để xem ciné tại rạp Majestic, hoặc rạp Studio ở bên cạnh … xem những phim như “Tant qu’il y aura des homes” với tài tử James Dean hay Marlon Brando của Mỹ tôi cũng không nhớ nữa, phim này chiếu ở rạp Majestic; hoặc những phim hoạt họa của Walt Disney như phim ”Les aventures de Peter Pan” chiếu ở rạp Studio. Mấy phim này là phim Mỹ nhưng vào Việt Nam rồi thì đổi ra tên Pháp hết. Tôi không biết tên Mỹ của cuốn phim “Tant qu’il y aura des homes” là gì, thành ra tôi không hiểu phải hỏi mấy tiệm BlockBuster thế nào để mướn lại mà xem nữa (1)….Lan man nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác…nên hình như là tôi lại mất thêm một đêm gần như không ngủ !

Sáng sớm hôm sau chúng tôi lại lục tục lên xe để ra phi trường Gia Lâm. Lần này thì chúng tôi được lên máy bay vào Sài Gòn thật. Hôm trước chúng tôi không đi được là vì hình như có môt chiếc máy bay chở dân di cư bị đụng núi thì phải, điều này tôi chỉ được nghe nói lại như thế thôi, không biết có đúng không ? Vào khoảng 10 hay 11 giờ trưa hôm đó, ngày 28-7-54, phi cơ chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhứt, ở đây tôi được anh Khê tiếp đón, anh cho tôi uống một ly sữa, sữa bột của Mỹ pha.

Anh Khê tên thật là Đoàn Khê Vinh, cầu thủ bóng tròn nổi tiếng của đội Công An Hà Nội mấy năm trước 1954. Hồi đó Hà Nội có 2 đội họ tranh nhau cái chức vô địch Bắc Việt, đó là đội A.J.S. của quân đội Pháp và đội Công An của chính quyền Việt Nam. Thủ quân của đội Công An là anh Nguyễn Văn Ứng, Khê-Hợi là cặp bài trùng nổi tiếng của đội Công An này. Anh Khê là huấn luyện viên thể dục của trường Nguyễn Trãi, cũng như anh Hợi là huấn luyện viên thể dục của trường Chu Văn An. Mấy năm trước tôi là học trò cưng của anh Hợi, khi về Nguyễn Trãi, tôi không phải học thể dục nữa vì đã là học sinh Đệ Nhị Cấp, nên không phải học anh Khê…Sau này tôi lại có hân hạnh được dạy cùng trường với anh Khê ở Nguyễn Trãi Sài Gòn, anh Hợi thì ở lại Hà Nội. Sau 75 hình như anh Hợi có vào Sài Gòn và có gặp anh Khê, lúc đó thì tôi đã đi tù rồi. Sau khi được uống một ly sữa đó, tôi và những người mới tới lại được đưa lên xe nhà binh để được đưa về bệnh viện Bình Dân, lúc đó vừa mới xây cất xong nhưng chưa xử dụng. Đến đây mỗi người phải tới ghi danh để được lãnh trợ cấp 12$ một ngày như đã qui định. Nhưng vào được một phòng ở đây rồi tôi mới thấy rác ngập tới mắt cá chân, lúc đó tôi đã nghĩ rằng ở đó để được lãnh 12 $ một ngày thì sẽ không biết phải mất bao nhiêu tiền đi Bác sĩ đây, nên tôi đã không ghi tên lãnh tiền, và sau khi đặt tạm hành lý vào một góc phòng, tôi bèn nghĩ đến chuyện cần làm ngay là đi ghi tên đi học lại. Ở trường Chu Văn An lúc đó đang đặt văn phòng tạm tại trường Nữ Trung học Gia Long.

Ra đưòng tôi gọi một chiếc xích lô và mặc cả giá tiền để đi đến trường này. Ông xích lô này đòi tôi 10$, ở Hà Nội thì với 10 $ xích lô phải chở tôi từ Chợ Hôm lên tới chợ Đồng Xuân, ở đây ông xích lô này chỉ chở tôi đi qua có 2 hay 3 con đường (2 hay 3 blocks), hồi đó ở Sài Gòn giá một đĩa cơm gà chỉ có 12$, vì tôi đón xe ở nơi tạm trú của những người di cư nên ông xích lô Nam Kỳ này phần thì ghét dân Bắc Kỳ rau muống phần thì bị tụi Cộng Sản tuyên truyền nên lấy tôi 10 $ cho bõ ghét! Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi ở Sài Gòn. Lúc đó chắc tôi trông ngớ ngẩn như một thằng nhà quê ra tỉnh nên không bị lừa cũng uổng ! Thực ra cuốc xe chỉ đáng 2 hoặc 3 $ là nhiều. Tới trường Gia Long để ghi tên rồi tôi mới biết là tôi sẽ lại học ở trường Chu Văn An, CVA chỉ có Đệ nhị cấp thôi, và chúng tôi sẽ học nhờ ở trường Pètrus Ký; học sinh Đệ Nhất cấp phải học ở trường Nguyễn Trãi hay trường Trưng Vương. Nữ sinh Đệ nhị cấp ngoài Bắc vào cũng phải học chung voi Nam sinh ở CVA. Ngay ở Hà Nội trường Trưng Vương cũng chỉ có đến Đệ Tam thi phải, chỉ có Chu Văn An hoặc Nguyễn Trãi mới có Đệ nhị và Đệ nhất…Thầy Hiệu Trưởng trường Nguyễn Trãi ở lại Hà Nội, trong khi toàn thể Ban giám đốc trường Chu Văn An gồm thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Sán, thầy Giám học cụ Đỗ Thận, thầy Tổng Giám Thị Nguyễn Hữu Lãng…và mấy thầy Giám thị nữa đều vào Sài Gòn cả, do đó trường Nguyễn Trãi chỉ còn là trường Đệ nhất cấp thôi.


http://hoiquanphidung.com/upload/img/HQPD_1405408051.jpg
Trường Chu Văn An - Sài Gòn

Ghi tên học và hỏi đầy đủ chi tiết xong tôi trở lại bệnh viện Bình Dân... lần này thì tôi đi bộ về rồi hỏi thăm xem đến đường Ngô Tùng Châu còn bao xa trước khi thuê một chiếc xích lô khác để mang tất cả hành lý đến nhà ông bà Huyền. Tôi ngủ ở đây một đêm, sáng hôm sau tôi từ giã ông bà và đi vào École Merlande ở ngay sau bệnh viện Chợ Rẫy, hình như hôm ấy chú Phạm Công Bạch phải đưa tôi đi đón chiếc xe buýt Bình Tây để tới đó thì phải. Tôi ở đó với gia đình chị dâu tôi, gia đình ông bà Phạm Hữu Ích vài tuần lễ tới khi niên học 54-55 bắt đầu….Lúc này là mùa hè trường còn nghỉ, nên gia đình mấy nhà giáo di cư được xếp tạm ở trong mấy lớp học, mỗi phòng chứa độ 2, 3 gia đình.

Di cư vào Nam tôi chỉ nhờ nhà nước được 1 chuyến máy bay để vào tới Sài Gòn và được uống một ly sữa bột của Mỹ thôi chứ không được lãnh một đồng tiền nào của viện trợ Mỹ cả ! Đây là cuộc di cư lần thứ nhất của tôi.Trong cuộc di cư này,chúng tôi đều phải ra đi trong sự đau buồn, luyến tiếc tất cả những gì còn để lại sau lưng !

Tôi tuy không sinh ở Hà Nội, tôi sinh ở nhà quê, ở làng Phù Anh, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, nhưng tôi đã trưởng thành và sống những ngày đầy thơ mộng ở đây nên nay phải ra đi bỏ lại tất cả, bảo sao tôi không đau buồn luyến tiếc cho được ! Tệ hại hơn nữa là mặc dầu tôi phải cắm đầu vào học để sửa soạn thi cái Tú Tài I, tôi vẫn bị cái hình ảnh của Hà Nội bám riết lấy tâm hồn. Đài phát thanh Sài Gòn hồi đó không hiểu sao lại luôn luôn cho hát bài “Hướng về Hà Nội” của Hướng Dương với những lời... ”Hà Nội ơi hướng về Thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi…” và một bài mới làm về Hà Nội với những lời như : “Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu…”đã làm cho tôi bâng khuâng nhung nhớ rất nhiều và không thể tập trung vào mấy bài toán trong Géometry dans l’espace của Le Bossé được.

Trong mấy tháng đầu ở Sài Gòn, tôi luôn luôn gửi thư rồi bưu thiếp ra Hà Nội cho anh bạn Trần Hùng của tôi một cách đều đặn. Sau này khi chính thức chấm dứt liên lạc giữa 2 miền, tôi phải gửi thư về Hà Nội qua một địa chỉ của một người bạn của Hùng ở bên Pháp...nhưng về sau anh bạn Tr..Hùng của tôi cho biết là mỗi khi gửi thư từ Hà Nội cho tôi anh ấy phải trả tiền tem tương đương với một bát phở nên tôi đành chấm dứt thư từ với Hà Nội. Di cư vào Nam tuy vậy cũng có cái lợi cho tôi, vì có vào đây rồi thì tôi mới chuyên tâm vào học để tiếp tục lấy được 2 cái bằng Tú Tài Toán trong 2 năm liên tiếp, nếu còn ở lại Hà Nội thì không hiểu tôi có lấy được cái bằng nào không nữa ! Đúng là “Tái Ông thất mã ”.

Từ đó tới nay tôi chưa có lần nào về thăm lại Hà Nội cả, đúng như lời mà Nhạc sĩ Chung Quân đã thêm vào trong bài Làng Tôi của ông, câu đó là...”Quê tôi còn biết đâu ngày về”….Câu này có lẽ không được chính thức in vào bản nhạc, nhưng chúng tôi, những học sinh của Nguyễn Trãi đã được nghe trong buổi liên hoan tất niên đầu năm 1954 tại nhà hát lớn Hà Nội. Tối hôm đó, ban hợp ca của trường Nguyễn Trãi hát bài “Làng tôi” của thầy Chung Quân. Khi đến đoạn ...” Ôm súng nhìn quê tôi thầm mơ bóng ngày về, mơ trông bóng ngày về “ Thì có một giọng thật trầm ...” Quê tôi còn biết đâu ngày về” len vào, rồi sau đó mới lại tiếp “Quê tôi chìm chân trời mờ sương, quê tôi là bao giấc mơ se buồn…”

Lời tiền định này không ngờ thế mà đúng, không những cho tôi mà cho chính cả anh Chung Quân nữa...vì anh đã mất tại Sài Gòn thập niên 90 mà vẫn chưa ra Hà Nội lần nào theo như lời anh nói khi tôi đến thăm anh hồi 1981 khi tôi mới ra tù…Nhớ Hà Nội thì rất nhớ nhưng ra thăm lại Hà Nội thì…chưa ra được lúc này.

Tóm lại ,trong cuộc di cư lần thứ nhất này, chúng tôi đã phải …gần như bị cưỡng bách ra đi. Trong lòng chúng tôi chẳng ai muốn ra đi kiểu này cả…dù rằng đây chỉ là cuộc di chuyển trong nước mà thôi ! Mà tôi cũng như mọi người chẳng ai ngờ rằng đây mới chỉ là cuộc di cư lần thứ nhất. Hơn 30 năm sau, đúng ra là đến tháng 4 năm 1990, tôi lại ra đi một lần thứ hai nữa, tôi sẽ kể lại trong một bài khác.


San Francisco cuối tháng 4 năm 2004
Nguyễn văn Khôi CVA 56.
Một cựu học sinh của Chu Văn An…Hà Nội rồi CVA Sài Gòn


(1) Sau khi coi bài này anh Tạ quang Khôi có cho biết rằng tên Mỹ của cuốn “Tant qu’il y aura des homes” là “From here to eternity”.