PDA

View Full Version : Trại Cái Cao



Longhai
07-01-2014, 02:38 AM
Trại Cái Cao


Nguyễn Minh Hùng
(K.10)

Người tù im lặng chầm chậm di chuyển hàng một, tay mang túi hành trang mò mẫm chui xuống cửa tàu nhỏ hẹp theo chỉ dẫn của tên bộ đội trong toán áp tải đang gườm súng có lưỡi lê sắc nhọn vờn quanh. Dưới những vệt sáng vàng vọt của ánh đèn dầu hắt ra từ những căn nhà tối om bên đường, lung linh trên ánh nhìn lạnh lùng vô cảm có tố chất hận thù lên thân thể người tù đang lom khom lần bước, tạo nên một bầu không khí khủng bố đe dọa cho gia đình người thân đang bao quanh đưa tiễn bằng những ánh mắt nghẹn ngào xót thương.

Viên Cán bộ lớn tuổi, dáng người nhỏ nhắn lẹ làng, cây K54 mang ở thắt lưng kéo xệ xuống đùi làm ông ta có dáng đi hơi nghiêng. Thân hình như nhỏ tóp lại hơn nữa, với bản chất rặt của một nông dân thẳng thừng, cách cư sử tương đối cởi mở nên có vẻ dễ chịu dưới mắt mọi người. Ông ta cầm tập hồ sơ xăng xái tới lui điểm danh, xong quay qua đám đông dõng dạc : “Mấy bà có gì mà lo, chúng tôi chỉ đưa các ông ấy đi giáo dục, học tập rồi sẽ trở về, đây là dịp may cho các ông ấy hưởng sự khoan hồng của Đảng và nhà nước ta, các bà phải động viên nhau để thấy được đường lối nhân đạo của Chính quyền Cách mạng”

Chiếc tàu chở khách, được chính quyền “Cách mạng” trưng dụng chở đám tù “Ngụy quân, ngụy quyền” từ Thị trấn (Quận lỵ) trên đường lưu đày ghé “rước” chúng tôi ém cứng cho đầy một tàu lúc nửa đêm về sáng. Bộ đội với Công an xã bất ngờ vực chúng tôi dậy từ giấc ngủ chập chờn bằng những tiếng quát náo động bầu không gian yên tĩnh với ánh đèn pin loang loáng cùng họng AK47 thúc bên hông người tù trên những bước chân rầm rập vũ bão của bầy thú hoang hung bạo vồ mồi như sợ chúng tôi sẽ biến mất trong đêm đen u tịch. Bỗng chốc xóm chợ nghèo xôn xao, nhiều nhà thắp lên những ngọn đèn dầu leo lét để cha mẹ, vợ con, anh em, bừng thức hốt hoảng gọi nhau cùng chia xẻ sự đau xót trên những bàn tay run run dắm dúi cho người tù. Từ những bịch đường nhỏ bé, chai dầu, đến những con cá khô gói trong tờ giấy báo cũ nhăn nheo, những ánh nhìn lặng lẽ của tình thân lối xóm như chứa đựng gởi gắm điều gì hơn vạn lời an ủi. Nhiều cánh tay âm thầm lau dòng lệ cố nén thổn thức nghẹn ngào của những bà mẹ bất động nhìn đăm đăm theo con tàu khuất trong màn đêm vọng lại tiếng máy gầm rú xa dần thê thiết.

Trong lòng tàu chật hẹp với gần trăm người tù ngồi kín hai hàng băng dài từ trong ra ngoài, và lớp người ngồi bó gối dưới sàn tàu cùng túi hành trang hững hờ bên cạnh hay ôm gọn trong lòng dưới ánh sáng mù mù nhạt nhòa của bóng đèn 5 Watt được thắp bởi bình ắc quy, tạo nên một khoảng không gian ảm đạm, ngột ngạt vì cửa tàu đóng kín và hơi nóng tỏa ra từ cái máy to lớn đặt ngay giữa thân sau. Tàu đang chạy xình xịch đẩy con tàu tiến chậm chạp trên giòng nước ngược mênh mông thăm thẳm. Với gần trăm con người, mà tuyệt nhiên chỉ nghe tiếng máy nổ giòn dã và sự im lặng nặng nề trên những ánh mắt trầm tư cô đọng chứa đầy nỗi đớn đau chua xót. Bởi người tù đã bất lực cúi đầu đón nhận định mệnh áp đặt phũ phàng và chắc chắn sẽ phải trả giá cho sự sống còn mà kẻ chiến thắng thủ đắc quyền lực ngạo nghễ ban phát như một ân huệ, nên người tù trong hoàn cảnh và tình huống nào cũng chỉ có thể xuôi tay chờ đợi kết quả số phận rủi may.

Tôi cùng với đám bạn thân vừa hội ngộ trong cảnh nước mất nhà tan (một số Sĩ quan Võ Bị, Thủ Đức trình diện trên Ủy Ban Quân Quản tỉnh), 4 thằng rớt Tú tài đi Trung Sĩ, thằng Tuấn TS I/ phòng 7 (TTM), thằng Bình TS/KQ (Không Phi Hành), thằng Hâng TS/ Quân Y/ SĐ 25, thằng Phón HS I / ĐPQ, …Thằng nào cũng đã có ít nhất vài năm thâm niên gây “Tội ác với nhân dân”, còn tôi, hồ sơ phạm tội đi kèm trong trắng vì là lính mới, nhưng với chánh sách khoan hồng rộng lượng của Cách mạng tôi được ưu ái đi tù lâu hơn chúng nó (Vì xém đóng ấn làm quan). Vận nước đổ vỡ, chúng tôi ngậm ngùi hội ngộ bên ly cà phê đắng có mùi vị đớn đau. Bàng hoàng sau cơn quốc biến, duy nhất chỉ còn điểm tựa cuối cùng từ vô thức tình cảm thiêng liêng của mái ấm gia đình người thân, hình bóng mẹ hiền nâng đỡ, vực dậy sức sống với tinh thần buông xuôi tuyệt vọng.

Buổi sáng trình diện xong, chúng tôi ngồi chờ thằng Bình bên ngoài bỗng nghe tiếng quát của tên Công an : “Tôi bảo anh có tội là anh phải có tội, nghe chưa ?” Tiếng thằng Bình phân trần như rên : “Dạ, không phi hành là … chỉ sửa chữa máy bay”. “Đó đó ! Tội của anh rành rành, máy bay hư anh sửa lại cho tốt để các anh tiếp tục trút bom đạn giết hại đồng bào vô tội mà anh nghĩ là anh không có tội. Anh muốn qua mặt Cách mạng và Nhân dân ? Tội của anh cũng bằng như bọn giặc lái của các anh thôi.” Giọng tên Công an nhỏ lại, “Anh phải nằm đêm suy nghĩ tội lỗi của mình mà ăn năn sám hối, sáng suốt nhận thức chính sách khoan hồng của Cách mạng tạo điều kiện giúp đỡ anh cải tạo bản thân để trở thành người tốt. Thôi anh về đi, và không được đi ra khỏi xã, chờ ngày học tập.”. Thằng Bình bước ra với gương mặt thểu não, chúng tôi cũng thẫn thờ nhìn nó với tâm trạng buồn khôn tả, chỉ biết nhìn nhau thở dài, nhưng có hơi ngạc nhiên. Thằng Hâng sấn tới hỏi nhỏ : “Mày khai lạng quạng gì mà nó làm dữ quá vậy mày ? Thằng Bình run giọng chịu đựng : “Tao chỉ khai là HSQ / Không Quân thôi. Nó phủ đầu tao là đã bỏ bom giết bao nhiêu Cách mạng, bao nhiêu dân lành vô tội rồi. Tao nói, tao là “Không phi hành”, bà mẹ nó hổng biết “Không phi hành” là gì mới chết tao.” Đột nhiên, chúng tôi bật cười khằng khặc như thấm thía một điều gì kỳ quái khi nhìn trên gương mặt nhăn nhó khổ sở của thằng bạn thân hiền hòa đến tội nghiệp.

Thằng Bình khều tay ra dấu chúng tôi len lỏi ra tận cuối tàu, ngồi tụm lại gần bên cái máy. Tuy ngồi đây có hơi nóng và ngộp, nhưng chúng tôi hiểu ý với nhau là gần bên hai cửa lớn đã đóng kín sẽ có “lợi thế” hơn. Thằng Bình rỉ tai tôi nói nhỏ : “Có gì mình tông cửa phóng xuống sông”. Chúng tôi rất đồng ý với thằng Bình, nhưng sau này nghĩ lại thật là ý tưởng ngây thơ, dù có phóng ra và tự tin với tài bơi lặn của chúng tôi, tụi Việt cộng trên mui và sau lái tàu đã phòng bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống. Chúng gian manh, quỷ quyệt hơn chúng ta tưởng. Tàu chạy hướng về Cần Thơ hơn một giờ sau bỗng giảm tốc độ quẹo trái chừng hơn ba trăm mét, cặp bên phải, ngừng hẳn lại. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi, một gương mặt lạnh lùng của tên bộ đội bước xuống nhìn lướt qua cất tiếng rít trong miệng : “Đã tới rồi, các anh chuẩn bị và giữ trật tự, theo sự hướng dẫn, ai có hành động ngoan cố gian trá sẽ bị bắn bỏ ngay lập tức”. Người tù lại tuần tự hàng một bước lên mũi tàu cùng túi hành trang trên tay lủi thủi nghiêng ngã cố giữ thăng bằng trên cây cầu dừa chổng ngược lên bờ từ mặt nước ròng cạn sát. Nhờ có tay vịn nên không ai bị rớt xuống bùn bởi ánh sáng vàng vọt tù mù từ chiếc đèn bão của tên Bộ đội đứng trên bờ soi thấp thoáng. Bóng người tù lom khom lần bước với những tên khác lăm le khẩu súng trên tay như thể sẵn sàng nhả đạn trút oán thù lên đám người thất thế. Tiếng người lao xao từ căn nhà lá dài, thấp lè tè tối om làm chúng tôi chú ý và biết rằng có một số tù đã được đưa đến trước. Ngồi chờ bàn giao trên khoảng sân hẹp bên trong rào kẽm gai phủ hơi sương mờ đục, vầng thái dương vừa vén màn đêm hé lộ ánh dương nhạt nhòa ẩn sau hàng cây đen thẫm xa xa. Nhìn chung quanh toàn cây cao rậm rạp bao phủ một vùng hoang vu, trại tù trên khu đất trống vừa được khai hoang (Do người tù xây dựng) không thấy người hay nhà dân chung quanh.

Một viên Cán bộ trung niên không võ trang, mặc quần Kaki xanh dương nhầu nát, chiếc áo bộ đội màu cứt ngựa bạc màu, cầm tập hồ sơ đến trước đoàn tù cất tiếng chậm rãi : “Mừng các anh đến trại Cái Cao. Vì thời gian eo hẹp chúng tôi chưa kịp chuẩn bị nhà trại tạo điều kiện thoải mái cho các anh ăn ở học tập, nên tạm thời các anh chia sẻ khó khăn chật hẹp một chút, nay mai chúng ta sẽ khẩn trương khắc phục, bây giờ tôi gọi tên, các anh vô nhà từng người một.”

Cái Cao, chúng tôi từng qua lại vùng này nhưng chỉ thấy mặt ngoài. Cái tên quen thuộc với những địa danh bắt đầu bằng chữ “Cái” mà chúng tôi mù tịt về lịch sử. Không biết nguyên thủy nó phát sinh từ bao giờ ? Cần Thơ và vùng phụ cận, những Thị trấn, Làng xã, thường mang tên bắt đầu bằng chữ Cái này. Theo sông Cái (Hậu Giang) từ Cần Thơ xuống thì gặp Cái Dầu (Quê của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn), đến quận Cái Côn sầm uất, xuống nữa là những vùng đất nghèo như Cái Cao (Vùng của mấy ổng, mà trước đây tàu ghé đón đưa khách, cánh đàn ông nơm nớp sợ “Mấy ông nội” chận tàu bắt đi), rồi Cái Trăm, Cái Trưng (Những vùng mất an ninh thường trực). Không hiểu tại sao đến xã tôi lại đổi tên ngang xương Nhơn Mỹ. Đáng lẽ phải là “Cái gì” chớ ? Chắc mấy cụ ngày xưa sợ dính dấp đến “Cái…” sẽ nghèo mạt như mấy “Cái…” kia chăng ? Nhưng cho dù có tên đẹp Nhơn Mỹ cũng không khá hơn và người cũng không đẹp hơn mấy “Cái” kia. Cách Cần Thơ 4 km theo QL 1A (QL4 cũ) về Sóc Trăng có quận Châu thành Cái Răng, Cái Tắc. Bên kia bờ Hậu Giang (Bắc Cần Thơ cũ) thuộc Vĩnh Long có Cái Vồn, Cái Mơn (Cây trái nổi tiếng nhất miền Tây), Mỹ Tho có Cái Bè (Chợ nổi trên sông nhộn nhịp chỉ thua chợ nổi Phụng Hiệp Cần Thơ), Cái Thia. Từ Cần Thơ lên Long Xuyên có Cái Sơn, Cái Sắn. v.v…

Chúng tôi vào trại có sự tiếp nhận của một đại diện tù, và được phân tổ (10 người một tổ) ăn uống sinh hoạt chung. 7 giờ tối “lên lớp” học tập, thảo luận, nhật bình đến 9 giờ, nghỉ ngơi giải lao và ngủ. Bài học theo chương trình có sẵn do đại diện tù đọc, xong rồi từng tổ thảo luận mổ xẻ nội dung và tham gia phát biểu. Dĩ nhiên phần này chúng tôi cứ ngậm miệng qua cầu vì học đâu không thấy mà chỉ có hành thôi, tức là hành hạ tư tưởng và giác quan người tù bằng những lý luận từ chương chồng chéo, áp chế, trơ trẽn, đảo nghịch tính khách quan lịch sử, ca tụng Xã Hội Chủ Nghĩa, bốc phét bằng trời đánh thắng 2 Đế quốc đầu xỏ, và không thể thiếu thần thánh hóa Hồ Chí Minh, v.v…Công khai phát biểu chỉ trích khuyết điểm tư tưởng hành động trong ngày của chính mình và bạn đồng tổ (Hình thức đấu tố lẫn nhau với tên gọi là “nhật bình”. Đến phần này, chúng tôi lại gặp rắc rối với thằng đại diện trại (Nghe nói hắn là Trung Sĩ thuộc Chi khu nào đó, bị bắt trước ngày 30 tháng Tư, thường nịnh bợ lấy điểm cán bộ, hành hạ phe ta không nương tay). Hắn để ý tổ chúng tôi thường im lặng không phát biểu, không nhật bình, không ý kiến, có nghĩa là cái gì cũng tốt hết ráo nên hắn nêu “vấn đề” là tổ chúng tôi không “tích cực” học tập. Tôi bàn với đám bạn là tụi mình phải “tích cực” nếu không thằng chó này khó chịu với mình. Thằng Phón cười lên tiếng : “Để đêm mai tao sẽ bình thằng Bình và mày phải đưa thân đỡ đạn tao nghe Bình, mày cũng ra vẻ ăn năn xám hối, xin tập thể khoan hồng, rồi mày kết luận nhờ Cách mạng soi sáng mà thức tỉnh. Ha ha .” Chúng tôi lấy làm đắc ý với trò chơi mới. Đêm sau giờ nhật bình, thằng Phón giơ tay xin được “bình” thằng Bình là “Khi sáng nay đi lao động bên ngoài, trên đường về tôi thấy anh Bình có “thu hoạch” trộm mấy trái ớt của nhân dân mà không xin phép. Đó là một hành động sai trái không thể hiện đúng tinh thần giáo dục thời đại Cách mạng. Cách mạng dạy không tham lam, không lấy bất cứ thứ gì thuộc tài sản Nhân dân từ cây kim sợi chỉ. Đó là tư tưởng sáng ngời chúng ta phải tiếp thu noi theo, chúng tôi yêu cầu anh Bình thành khẩn khắc phục, xin hết”. Thằng Phón vừa “bình” xong, có tiếng cười khúc khích và nhiều người quay nhìn chúng tôi, cười trên ánh mắt. Mọi người hiểu ra chúng tôi có ý châm biếm hợp tình lý mà bọn quản giáo không thể bắt tội được. Thằng Bình giơ tay định lên tiếng thì tên Cán bộ ngồi sau cái bàn gỗ vội đưa tay ngăn lại : “Yêu cầu giữ yên lặng ! Tôi nói với các anh là các anh phải nhận thức rõ sự kiện nào cần nhật bình, các anh phải nhật bình cái tính chính trị của các anh, phản ảnh tư tưởng hành động của các anh có thể hiện đồng tình với chân lý sáng ngời của Đảng ta trong cuộc Cách mạng thần thánh hay không. Không phải cái việc anh Bình hái mấy trái ớt mà các anh đem ra phản ảnh. …Các anh nên nhận thức đúng đắn.”

Nền nhà cao mới đắp, mùi đất, mùi cây lá mới xông lên khăm khẳm, chung quanh có nhiều chỗ chưa được vừng vách nên những cơn gió nhẹ lùa qua song tre trống trải cũng mang lại sự dễ chịu sau cơn mưa khi ngoài trời vẫn nóng gay gắt. Bữa cơm đầu tiên chúng tôi phải bẻ những cành cây nhỏ bé làm đũa. Nhìn những cành cây cong queo, chiếc ngắn chiếc dài trên những ngón tay lọng cọng khó khăn khi lùa những hạt cơm vào miệng cảnh tượng thật khôi hài với nỗi xót xa cay đắng. Tổ cử người lãnh đồ ăn, gồm một nửa chén tương, một ít rau muống luộc. Kỷ niệm chúng tôi nhớ mãi với một bữa ăn trưa, 6 con chuột đồng bằm nhuyễn khuấy đều trong chảo nước muối to lớn lềnh bềnh vài cọng rau muống như những đám lục bình lẻ loi trôi lang thang buồn bã trên giòng sông Cái. Chỉ ngần ấy thôi cho một bữa ăn của 208 người tù đang đói lả sau những giờ lao động tận lực chuyền đất đấp nền nhà cất thêm trại tù.

Tron vẹn một tuần, sau bữa cơm chiều tôi được gọi tên chuyển trại. Tôi cùng đám tù được gọi tên sắp hàng ngoài sân để kiểm soát lần cuối trước khi xuống tàu. Nhìn đám bạn thân vừa bị tách rời đang đứng trong hàng rào kẽm gai đưa ánh mắt buồn ái ngại nhìn theo bằng cái gật đầu nhẹ thay lời từ giã, tôi nắm chặt túi hành trang cất bước với lòng tan nát rối bời. Chắc tụi nó chúc phúc cho bước lưu đày khác của tôi trong cảnh phân ly ? Tôi bị đưa sâu vào trong chừng hơn 3 cây số, con sông càng vô sâu nhỏ dần và hai bên bờ cây lá rậm rạp hoang vu, dân cư thưa thớt. Đoàn tù lên bờ và được áp tải qua những đoạn đường lầy lội, tối tăm, um tùm, bởi vườn cây che phủ dưới những ánh mắt cảnh giác lạnh lùng của những tên Công an Võ trang ghìm súng sau những bụi chuối, những chòm cây. Bọn chúng có thể quan sát người tù mà người tù không thấy họ, hoặc có thể bắt gặp bất ngờ khi họ cử động. Chúng tôi cảm thấy bất an với bầu không khí khủng bố đe dọa, cúi đầu cẩn thận bước thấp, bước cao trên mặt đường lồi lõm trơn trợt sau cơn mưa.

Đây là liên trại chánh Cái Cao, trước kia là căn cứ của VC, chỉ dành cho “Ngụy Quyền”, Nhân viên hành chánh Xã Ấp của VNCH mà bọn họ gọi là Tề Ấp, Tề Xã, CSQG, Xây Dựng Nông Thôn, Dân Vận Chiêu Hồi, v.v…Trại gồm 3 nhà ngang dài chứa trên dưới 100 người cho mỗi nhà, một nhà nhỏ cho vài chục người, chúng tôi sắp hàng điểm danh và rửa chân dưới mương với mực nước lớn đang dâng đầy trước khi vào nhà. Trong âm thanh rì rào lao xao, hỗn độn của tiếng người lan rộng với thấp thoáng hàng mấy trăm đôi mắt tù nhân sau những ô vuông của song tre (mắc cáo) từ những căn nhà thấp tối om đang căng lên chăm chú nhận diện đám tù mới. Có những lời reo văng vẳng ngỡ ngàng chào đón khi nhận ra người thân, anh em, bạn bè , v.v…sau những bức tường lá cũ kỹ rách nát. Đang sắp hàng vào căn nhà nhỏ với hơn 20 người mới, bỗng nghe tiếng gọi khe khẽ của người anh chú bác vạch một kẽ hở dưới chân tường lá kề bên bước chân tôi, “Hùng…Hùng khỏe không ? Anh Khải nè”. Tôi chỉ thấy một con mắt của anh sau kẽ hở, tôi giơ ngón tay cái cười chào anh và nghe có tiếng hỏi, “Thằng Hùng làm gì mà vô đây ?” Tiếng anh tôi trả lời : “Nó xém làm xếp của mình đó bác.” Tôi hỏi nhỏ : “Ai vậy anh ?”, thì nghe người ấy lên tiếng : “ Bác Tám Được nè Hùng”. À thì ra ông bác họ lớn hơn tôi chừng 9 tuổi là CSDC thuộc ĐĐ/CSDC Tỉnh Ba Xuyên, còn người anh họ cũng là TS I /CSQG Ban căn cước. Hầu hết “Tề ấp, Tề xã” kể cả ông xã trưởng Nhơn Mỹ là bà con thân thuộc của tôi, đều được gom về đây. Sau khi vào nhà, xắp xếp chỗ ngủ xong, chổ ngủ là những tấm líp trải trên măt đất, đan bằng thân cây sậy to chắc, dầy và rất bền, tôi với anh Dũng cùng chung một chiếu (rộng 1m2 , dài 2m). Anh là một Trưởng ấp trẻ (Trước kia là Quân Cảnh, tính ngang tàng bị kỷ luật đổi ra Phú Quốc gác tù, anh đào ngũ QC về quê nhà ứng cử Trưởng Ấp), một ấp xôi đậu gần như mất an ninh hoàn toàn về đêm cách Xã 2km. VC muốn tiêu diệt anh như đã giết mấy Trưởng Ấp trước. Bởi ý thức được hiểm nguy luôn rình rập trong cương vị thường xuyên đối đầu, nên anh lúc nào cũng cẩn thận, kiên cường, với chút ít kiến thức Quân sự cùng bản chất linh hoạt sẵn có bao lần anh thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Anh thường nói với tôi : “ Con người có số…” và tôi tin điều đó.

Một tên Cán bộ trung niên có gương mặt lạnh lùng, cặp mắt như phát ra những tia lửa hận đầy sát khí, bước vô nhà từ khung cửa rộng (Nhà không có cánh cửa) cùng với 2 tên Bộ đội. Một tên mang trên tay bao vải nhỏ đổ ra nền nhà một đống ổ khóa cũ lốm đốm màu cam lem luốc (Nhưng là thứ đồ tốt làm tại Đức), tên Bộ đội kia đứng chắn ngay khung cửa với khẩu M16 lăm lăm trên tay. Gã Cán bộ chiếu cặp mắt hung ác thoáng qua chúng tôi, hất mặt gằn giọng, “còng lại”. Chúng tôi bỗng chới với, như có lưỡi dao sắc nhọn đâm ngọt vào sống lưng lạnh buốt, cúi đầu im lặng trong lúc tên Bộ đội kéo dài sợi xích đã được quấn sẵn vào trụ cột nhà to lớn mà khi mới vào chúng tôi không để ý và không nghĩ sợi xích đó dùng để còng chúng tôi. Hắn kéo sợi xích qua 2 dãy người tù ngồi bó gối đối diện nhau, chỉ chừa lối đi ở giữa chừng 1m. Hắn bảo chúng tôi đưa chân ra, mỗi người được chia đều 5 tấc của sợi xích với một ổ khóa, sợi xích được còng vào chân phải người này với chân trái người kia nếu chung một chiếu.

Mây đen vần vũ bầu trời với những cơn gió rít qua rừng cây nghiêng ngã sào sạc. Căn nhà lá đơn sơ rung lên theo từng cơn gió lộng. Đất trời hòa tấu một giai điệu cuồng nộ trước khi rào rạc tuôn đổ những giọt lệ đầm đìa, với ánh chớp bùng lên cùng tiếng sét gầm phẫn nộ xé bầu trời đen thẫm. Đêm đã về. Một tên Bộ đội đến thắp lên cái đèn hột vịt treo trên cột nhà tỏa ánh sáng yếu ớt xanh xao trên những gương mặt đăm chiêu tư lự đang giương mắt trắng nhìn ngắm sợi xích dưới chân nhau. Tôi nhìn chân mình bỗng bật cười khan. Dù sao tôi cũng vẫn còn bản tính trẻ con vui đùa. Anh Dũng khó chịu : “Bộ mày khùng rồi hả , như vầy mà còn cười được ?” Tôi nói : “Tôi có ý kiến này xin nói quý vị nghe nhé. Chúng ta trước kia có người chưa từng quen biết nhau, hôm nay chúng ta gặp nhau trong cảnh này, đó là duyên số trời định, bắt chúng ta phải gắn bó nhau qua sợi dây này (Tôi kéo sợi xích giơ lên), thử thời có nhổ cây cột chúng ta phải đi một đàn với nhau vui lắm. Ha ha !” Cũng có vài tiếng cười lạc lõng đồng tình. Tên Bộ đội trở lại đưa tờ nội quy cho anh Xuân (Được chọn làm chủ nhà) và bảo chúng tôi ngày mai phải học thuộc. Đã gần 8 giờ, chúng tôi sẽ ngủ lúc 9 giờ theo Nội quy, và bây giờ vẫn được tự do sinh hoạt linh tinh trong phạm vi sợi xích. Cứ thế mà đấu hót chuyện trên trời dưới đất. Muốn đi tiểu thì chuyền nhau cái can nhựa 4 lít, miệng được cắt lỗ lớn bằng chun trà (Từ lúc này tôi biết vấn thuốc rê, đầu lớn đầu nhỏ trao chuốt, và đêm đêm cũng tham gia kéo thuốc lào 888, mặt một Gò Vấp, sau này chơi tới Vĩnh Hảo lạt phèo chỉ có khói không mùi vị). 6 giờ sáng có tên bộ đội mở còng, chúng tôi quấn sợi xích vào cột nhà như cũ. Theo tên bộ đội chỉ cái ao nước đánh răng rửa mặt, đi tiêu thì có 2 cầu lộ thiên với 4 chân cột (Có vẻ chắc chắn) lỏng chỏng, chênh vênh trên một ao nuôi cá vồ được dừng lá vuông vứt sơ sài.

Sáng ra chúng tôi có dịp gặp biết bao người thân trong đám tù hỗn độn nhộn nhịp sắp 2 hàng bên bờ ao cá vồ, dưới sự canh chừng của 2 tên Bộ đội ngồi vắt vẽo trên chiếc ghế có gương mặt đần độn nhưng hung ác, người tù phải đứng cách hắn 3 bước lên tiếng. “Xin anh bộ đội cho đi tiêu”, hắn gật đầu mới được bước đến cầu. Có một điều là tù ở các nhà khác vẫn bị còng tay 2 người một sợi xích dài chừng 3 tấc, rất khó khăn trong mọi sinh hoạt suốt ngày đêm. Một người ngồi trong cầu tiêu thì người kia phải…ngồi ở ngoài. Hai người ghiền cờ tướng thì thành 4 người chơi cờ. Những hoạt cảnh dở khóc, dở cười. Tôi vừa ra bờ ao, gặp ngay ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Ba Xuyên (Hiệu Trưởng Tiểu học thập niên 50, 60, bạn ba tôi) bị còng với một người khác mà tôi không nhớ tên. Tôi gọi khẽ : “Bác Tám…Bác Tám !”, ông quay lại, “Suỵt, mày đừng nhìn tao, làm như hỏng quen với tao nghen”. Tôi mỉm cười ngượng, không biết trong lòng ông nghĩ gì, có lẽ ông quá sợ chăng ? Tôi lại gặp cậu tôi, một phó Ấp an ninh, ông nhìn tôi cười, nụ cười lặng lẽ xót xa, tôi giơ tay cùng chào luôn các cậu họ, các chú và nhất là Bác Năm (Xã Trưởng cột trụ Xã Nhơn Mỹ của tôi) trong bộ bà ba đen, có vẻ ốm, xanh xao hơn với nước da trắng hồng của Bác. Thấy tôi Bác gượng cười khẽ giơ cánh tay kia chào lại.

Một hôm, nhà chúng tôi được chỉ định đi “lao động” xa bên kia sông (Phải qua sông bằng xuồng) với 4 tên Bộ đội dẫn đường giám sát. Chúng tôi xuống mương móc bùn thẩy lên bờ bồi líp chuối dài hằng trăm mét bắng gàu tay. Đến trưa được nghỉ “ bồi dưỡng” với mấy vắt cơm mang theo cùng hũ chao đã vơi một nửa với một ít rau mát (Một loại cây giống môn không ngứa ăn như rau) và một ít rau cải trời thu hoạch tại chỗ (Có nhổ một ít mang về cho ngày mai). Ăn xong, muốn có nước uống không phải dễ, chia nhau đi tìm chung quanh. Đây rồi một vũng trâu nằm phèn đọng vàng trên mặt nước, nhưng có ngại chi, bao nhiêu người tù gốc nông dân lão luyện chỉ cách làm theo. Trước nhất, ngắt một cọng rau muống nước (mọc tràn lan khắp nơi) đầu có mủ trắng, ta cứ chấm nhẹ xuống mặt phèn, phèn gặp mủ rau muống sẽ vẹt ra một lỗ, ta cứ đặt miệng xuống uống thoải mái. Cách này tránh phèn vào bụng nhưng nguy hiểm cho bao tử. Chiều về, mấy thằng bộ đội (Cũng loại tà tà) ghé vào xóm có 5, 6 nhà liền kề nhau (Chắc có bà con gì của chúng nó) cho chúng tôi tự do xuống sông tắm rửa, ngồi phơi nắng cho khô quần áo, chờ tụi nó đấu hót trà chén với “Nhân dân” (Dân vùng này nhất định không phải phe ta). Chúng tôi ngồi chia nhau vấn thuốc trầm tư nhả khói mù mịt một góc trời. Tôi và anh Dũng ngồi trên mấy khúc cây còng được cưa làm củi thả hồn theo giòng nước với những dề lục bình bông tím tươi tắn trôi lang thang cùng con nước đang lớn chảy lững lờ trong khi những người khác cũng tìm cho mình chút không gian riêng tư hay tụm lại nhả khói.

Bỗng từ trong ngôi nhà có mấy thằng Bộ đội đang chuyện trò rôm rã bước ra một cô gái da trắng, mặt dễ nhìn, tóc dài kẹp sau lưng, chừng 16, 17 tuổi trên tay cầm vật gì được gói trong miếng lá chuối, đến thẳng chỗ tôi ngồi chìa tay ra ngập ngừng nói : “Anh Bộ đội Hạnh kêu tui đưa cái này cho anh nè.” Tôi có chút bối rối, ngỡ ngàng, đưa tay ra nhận chưa kịp nói lời nào thì cô đã quay mình bước nhanh vào nhà, trong khi các đồng tù chung quanh giương mắt nhìn và đồng tình bằng những nụ cười tán thưởng giễu cợt. Miếng lá chuối gói 3 củ khoai lang luộc còn hơi ấm, khoai lang Dương Ngọc ruột trắng tím, thơm ngon, chúng tôi chia nhau ăn tại chỗ trong lúc chờ “Nhân dân” đưa chúng tôi qua sông. Tôi khều anh Dũng nấn ná chờ chuyến cuối để quay nhìn lên ngôi nhà có đôi mắt u ẩn thẹn thùng khi thấy dáng cô nàng ra sân (nơi có sào phơi quần áo) thoáng đưa ánh mắt nhận cái gật đầu nhè nhẹ và cái nhếch môi gượng gạo của tôi đang ngồi trên chiếc xuồng chòng chành như muốn lật úp khi chở quá tải, và nghe anh Dũng đâm sau lưng tù một câu “ Hôm nay có thằng tù yêu đời”.

Gần 3 tuần sau, tù ở mấy nhà khác không bị còng ban ngày nữa, như thế sau khi lao động về tắm rửa, cơm nước xong, tù có thời gian rỗi rảnh, nên phát sinh phong trào sáng tạo. Tôi thường ngồi xem người tù miệt mài gò lưng bên ống tre mỡ vàng bóng lốm đốm điểm hoa nâu đẹp mắt. Ông dùng cây nhang cháy đỏ dùi một lỗ cho vừa vặn với ống trúc nhỏ hơn ngón tay út (Ông làm ống điếu cày) song, ông dùng mảnh chai được mài thật bén khắc hình Rồng ôm tròn ống tre. Công trình này phải tỉ mỉ mất nhiều thời gian tù ! Có ông tù khác chăm chú khắc chữ lên những quân cờ tướng làm bằng đất sét tinh xảo. Ông dùng mảnh chai đánh bóng quân cờ đen bóng đều đặn. Ban đầu tôi cứ tưởng bộ cờ làm bằng sừng trâu hay tê giác. Sau đó, ông dùng kem đánh răng và phẩm đỏ tô lên đường chữ khắc thành bộ quân cờ tuyệt đẹp và giá trị, sản phẩm này cũng mất rất nhiều thời gian…tù ! Có một anh trông ốm yếu, da trắng thư sinh đang ngồi bó gối tựa gốc cây nắn nót tẩn mẩn vật gì đó trên cái đầu gối của anh. Lấy làm lạ, tôi đến xem thì ra anh khắc bảng tên trên một miếng gỗ to bằng nửa cuốn tập học trò hình bầu dục trên ngắn dưới dài rất thẩm mỹ, có những đường vân như đá mài. Anh đang khắc sắp xong chữ Thúy nổi, lối chữ Fantasy lả lướt mềm mại. Anh dùng nửa miếng lưỡi lam cạo râu để khắc, tôi hỏi anh tìm đâu ra miếng gỗ ẩn hiện những lằn vân đẹp quá, anh nhìn tôi cười : “Không phải gỗ đâu em, anh lấy đất đen, vàng, xám trộn lại thành màu sắc như vậy đó.” Thật tình tôi phục anh luôn (anh Thanh, Tỉnh Đoàn CBXDNT Ba Xuyên). Tôi dừng chân bên một người tù đang chăm chỉ vót từng nan tre dài, nhỏ rít đều đặn xinh xắn với cái rổ nhỏ anh đan sắp hoàn tất, cũng đẹp (Rổ càng nhỏ đòi hỏi công phu và thời gian nhiều). Tôi chưa kịp ngồi xuống, anh ngước lên nhìn, bỗng cả hai chúng tôi cùng thốt lên kinh ngạc. Hóa ra là anh Tuyển. Tôi vội ngồi xuống bên anh thì thào : “Tưởng anh vọt rồi, sao còn ở đây ?” Anh nhìn tôi buồn bã lắc đầu, “Thôi anh em mình đừng nhắc chuyện hôm qua. Không có lợi gì trong lúc này”. Tôi cúi đầu thấm thía ý của anh, nhìn anh cặm cụi làm đầu cụp xuống ủ rũ, tôi bỗng muốn khóc. Ngước nhìn lên bầu trời cao xanh thẳm, mong những án mây trời chuyên chở được lòng ta. Sao bầu trời bỗng tím ngắt buồn quá. Anh Tuyển K27 VBQGVN, Thiết Giáp, anh về SG diễn hành ngày Quân lực trong bộ đại lễ Võ Bị, đẹp, oai dũng, Alpha vàng 3 gạch, cao 1m74 lý tưởng, là niềm mơ ước của bao người trai thời binh lửa. Anh gởi đơn về xúi tôi thi K 30, tôi sợ anh hành tôi, tôi viết thơ trả lời anh là tôi vào CSQG và bảo đảm…Thọ !

Một buổi chiều, đang ngồi ngoài sân thơ thẩn, bỗng bất thần có nhiều Bộ đội với súng đạn lên nòng bủa vây khắp trại la hét vang trời như xung phong chiếm đồn với tinh thần bừng bừng lữa hận. “Tất cả vào nhà, vào nhà hết, tay đặt lên đầu ngồi tại chỗ, ai lộn xộn bắn bỏ ngay lập tức”. Chúng tôi lại một phen kinh hoàng, không biết chuyện gì xảy ra mà bọn chúng làm dữ quá. Chắc họ đem bắn phen này rồi ! Một tốp bộ đội với 3, 4 Cán bộ hầm hè sồng sộc bước vào nhà, chĩa súng vào chúng tôi trong khi vài tên khác lục tung đồ đạc trong bất cứ thứ gì người tù chứa đựng được. Túi xách, vali, thùng nhựa, thùng giấy, hộp lon, v.v…chúng đổ tung tất cả tập sách giấy báo, dao nhỏ, dao con gì đều tịch thu. Chừng nửa tiếng sau họ cho sinh hoạt trở lại, nhưng đối với chúng tôi vẫn ấm ức, bàn tán rù rì xao động, lo sợ triền miên. VC sở trường với kịch bản hù dọa, làm trò ú tim với thế thượng phong bất ngờ khủng bố cướp tinh thần đối phương, mục đích khống chế lực đối kháng có thể. Cũng như chiến thuật công đồn, trước nhất họ sử dụng yếu tố chủ lực phủ đầu (bằng pháo) dữ dội, kế là hỏa lực tiếp cận mạnh (Đại bác không giật, hỏa tiễn tay, B40 , bộc phá, v.v... ) hầu triệt tiêu trấn áp hỏa lực của ta, rồi họ sẽ tấn công bởi vì họ chắc chắn lực lượng của ta sẽ tổn hại và giảm sức đề kháng hơn 50% là họ dễ dàng đạt phần thắng. Nếu ta chịu đựng vững vàng vượt qua giai đoạn phủ đầu của chúng thì cuộc diện sẽ thuộc về ta là điều tất nhiên. Chiều hôm sau khi tôi ra ao cá vồ, gặp bộ đội Hạnh, anh ta cười mỉm gật đầu chào khi tôi đứng chân trên chân dưới (Chưa vô cầu), anh ta bước lại gần nói nhỏ, “Vài ngày nữa chuyển mấy anh về trại Phú An, khỏe hơn ở đây, chỗ ăn ở tốt hơn nhiều. Tui cũng về đó nữa.” Tôi từ cầu tiêu về qua ngang nhà số 1 gặp Bác Năm (Xã Trưởng) kêu tôi lại cho tôi chai thuốc sức ghẻ để phòng ngừa. Khoảng 2 giờ sau bác bị gọi đi bất ngờ cùng vài người nữa. Nhìn bác lầm lũi tay xách túi hành trang đi giữa hàng Bộ đội, ngẩng lên gởi cho chúng tôi ánh mắt u buồn từ giã, tôi thấy thương bác, thương người tù vô cùng. Không ngờ đó là lần cuối cùng gặp bác. Một ngày sau khi chuyển trại về Phú An, chúng tôi đau đớn nghe tin bọn chúng đã hành quyết Bác trong một phiên xử của Tòa án Nhân dân sắp đặt phi lý (Cùng vài người khác) sau khi đã hành quyết Bác Ba Lắm mấy ngày trước đó (Nguyễn Văn Lắm, Xã Trưởng An Lạc Tây, thuộc Kế Sách, Ba Xuyên, cũng là bạn thân của ba tôi). Chúng tôi bỏ cơm và suy sụp hoàn toàn. Vài hôm sau, họ chuyền vào trại một tờ báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng tin tức đã trừng trị bọn ác ôn, trong đó họ kết tội bác hoàn toàn bịa đặt vu khống, nhảm nhí. Chúng tôi đang bị họ trả thù, nhưng không ngờ đến kết quả thê thảm như vậy. Sau khi tôi được thả, má tôi và tất cả dân làng Nhơn Mỹ đều nói chính tên Út Nhị đang là Xã Đội Trưởng Nhơn Mỹ, đã xông lên dùng khăn xiết cổ bác ấy, với 2 người nữa là ông Hai Có, một điềm chỉ viên cho CSĐB và Ông Vĩnh một thợ hớt tóc, cựu Hồi chánh viên đã trên 10 năm rồi. Hắn còn đâm bồi nhiều nhát dao vào tim bác. Bọn chúng đem bác ấy lên vùng Cái Trưng mở phiên tòa và ép dân tham dự trong đó có đứa em họ tôi từ Sóc Trăng về quê thăm ngoại nó bị bắt đi xem. Nó nói với tôi đã chứng kiến cảnh xử tử man rợ thời Trung cổ. Mới đây, gia đình bác Năm từ Canada về tìm xương cốt cải táng, thấy tay bác bị trói quặc sau lưng bằng sợi dây kẽm gai.

Trại Phú An (Ấp Phú An, Xã An Mỹ, quận Kế Sách, Tỉnh Ba Xuyên) là vùng đất của ông bà tôi khai khẩn từ xa xưa phải nói là ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Ông nội tôi là một địa chủ nhân đức khắp Tỉnh dân vùng này hầu hết là tá canh, tá điền mấy đời thuê đất của ông tôi nuôi sống gầy dựng bao thế hệ. Những khi thất mùa, tá điền nghèo ông kêu đến xóa nợ và cho thêm lúa về nuôi gia đình, nên rất được dân nghèo tôn kính. Khi chiến cuộc tràn lan, vì xa Làng xã, con cái đều học trường Tây, thuộc thành phần phản động, ác ôn, nên MTGPMN có chỉ thị đấu tố ông tôi (VC địa phương cũng là con cháu tá điền, vì kính nể ông tôi nên họ cho người báo ông chạy trốn). Từ đó gia đình ông tôi trở thành vô sản (Không còn cục đất chọi chim). Và gia đình Ông Cậu tôi cũng thế, trại cải tạo Phú An được dựng trên mảnh đất vườn của Ông Cậu (Anh Bà Nội tôi). Ông Cậu tôi có người con thứ tư, tức là Chị Tư mà ai cũng nghe danh Bà Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH (Đại Tướng Cao văn Viên). Ông chạy ra Nhơn Mỹ sống hạnh phúc với bà Mợ nhỏ; bà Mợ lớn ở với người con thứ sáu trong cư xá Sĩ quan Chí Hòa có biệt danh là Cậu Sáu Đờn Cò ( tức Trung Tá Lôi Hổ Trần Đắc Trân). Một đêm tối năm 67 hay 68 tôi không nhớ, VC lén về bắt Ông Cậu tôi dẫn lên Cái Cao (Trại tôi đã ở) và hành quyết ông bằng Cái Búa đập vào đầu bể nát (Không tốn viên đạn nào). Có người đã từng ở trại đó kể lại tôi nghe.

Chúng tôi không còn bị còng, tự do sinh hoạt thoải mái sau những giờ lao động (Tu bổ mảnh vườn to lớn đã lâu năm hoang phế). Mỗi tuần đều có thăm nuôi nên thỉnh thoảng chúng tôi có cà phê “bồi dưởng”. Trại gồm 4 dãy nhà lá nền cao (do tù dựng lên) với một thời gian nhanh không tưởng. Từ mảnh vườn hoang sơ, lau sậy chằng chịt, cỏ hoang đan lối ngập tràn, chỉ khoảng 6 tháng sau đã trở nên một thí điểm nông trường xum xuê hoa màu, đẹp như công viên. Toàn mảnh đất được trồng bắp, đậu xanh, khóm, v.v... Mỗi tuần lên lớp 3 buổi, sáng lao động, chiều lên lớp từ 2 giờ đến 4 giờ. Quản giáo phụ trách là những Cán bộ cấp Huyện (Không mang lon nên không biết cấp bậc). Cũng học mấy bài chưởi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, “Thằng Thiệu, thằng Kỳ, thằng Khiêm…” chúng ép “ thằng Hùng “ phải đi Cảnh Sát…chống lại Nhân dân, phá hoại “Sự nghiệp Cách Mạng” chút xíu nữa là…đi đong. Có một quản giáo hỏi “thằng Hùng” nếu anh ra trường anh sẽ mang…quân hàm gì ?” Chà …mình mà nói Thiếu Úy thì…cao quá (Ở đây chỉ có 1 Thiếu úy Nguyễn Hữu Thừa, phân chi Khu phó ) nó càng ghét mình hơn nữa, mà hỏng lẽ học trường “Sĩ Quan” mà nói ra mang lon …Hạ Sĩ thì…ông nội ai tin, mà mình cũng tự hổ thẹn… với ông tổ CSQG. nên thằng Hùng trả lời là…nếu ra trường…nếu thôi nha …tôi ra trường thì sẽ…gần như là Thiếu Úy. Tại sao lại…gần như, thưa Cán bộ…còn phải học chuyên môn, còn phải đi thực tập …lâu lắm, cho nên…có thể bị…rớt bất ngờ nữa kìa. Ngài Cán bộ có vẽ hiểu… “ À, à à …?!” Thế là thoát không bị hạch hỏi nữa …

Con gái ông Trưởng trại (Liên trại Cái Cao, Phú An, Kế Sách, v.v...) Nguyễn Thị Tây, được mẹ mang lên Sài Gòn lưu lạc, trở về hưởng thành quả Cách mạng, được phép mở tiệm tạp hóa nhỏ trong trại bán cho khách hàng…tù (Đường, tương, chao, nước mắm, cá lóc, cá trê và có khi cá vồ). Cũng vui, chiều chiều chúng tôi có thú ngắm bóng hồng, nàng có dáng cao, tóc xõa dài tới thắt lưng rũ rượi, nhan sắc trên trung bình, vì “hoàn cảnh” nàng trở thành “Tâm điểm bình loạn” của mấy trăm người tù. Tôi chưa chạm mặt nàng cho đến một chiều anh Tổ trưởng Xuân bảo tôi mang chai xuống “Câu lạc bộ” mua 50$ nước mắm (Lúc đó còn dùng tiền VNCH). Tôi xăng xái bước vào tiệm lên tiếng : “Chị Tây, bán cho 50$ nước mắm.” Nàng bỗng nhìn tôi biểu hiện thẹn thùng : “Anh là…anh Hùng đó hả ?”, đến phiên tôi…bối rối…”Sao chị biết tôi ?” “ À…chú Năm nói…cho em biết…Ông ấy thích anh lắm, và còn 2 thằng đệ tử của anh nữa, chúng nó…đưa em cái này nè” Nàng đưa ra cuốn tập với chữ tôi viết ràng ràng Bài Ca Vọng Cổ mà thằng Bộ đội Nhi mượn của ai đó nhờ tôi chép lại cho hắn. Chuyện khó tin nhưng có thật là từ khi tôi được đưa về đây một số Cán bộ VC cấp Quận và địa phương thay đổi thái độ cư xử với tôi, không còn vẻ ngăn cách hung bạo, căm thù như mấy tháng trước mà thay vào là những cử chỉ thân thiện, dịu dàng. Có khi Cán bộ cấp Huyện, cả Nam lẫn Nữ âm thầm đến thăm trong sự ngỡ ngàng và nghi ngại của tôi. Đa số họ che dấu cách hành sử tình cảm riêng tư bằng sự im lặng với nhau khi họ phát hiện cháu cụ Hội Đồng V. đang ở tù tại đây.“Anh viết chữ đẹp lắm, cả ban Năm cũng khen. À, em có đọc tờ tự khai của anh nữa đó”. Tôi giựt mình “Làm sao chị đọc được ?” Nàng vui vẻ, “Chú Năm mang xuống đây một đống mỗi ngày, chú ấy nằm trên võng này đọc và chú ấy đưa em đọc bài của anh ! Chiều hôm qua, chú chỉ anh cho em biết. Mấy thằng Bộ đội ở đây cũng mến anh lắm”. Tôi chỉ cười ậm ờ đợi nàng đong nước mắm, trả tiền nàng không lấy (Phần tôi không có lý do dây dưa tình cảm hay tán tỉnh nàng), tôi cương quyết trả tiền nên đặt tiền trên tủ thuốc lá quay quả bước ra trong ánh mắt phụng phịu của nàng. Tôi mang nước mắm về (Gần được nửa chai) ai cũng kinh ngạc. “Trời… mày mua 50$ mà nhiều quá vậy, mày bù thêm bao nhiêu ? Tôi cũng lấy làm lạ, không biết nói sao. Và nghĩ rằng mình không nên xuống đó nữa, nhưng chuyện đời càng dấu kín lại càng bộc phát và lan rất nhanh vì nàng công khai bày tỏ tình cảm quấn quít qua mấy tên Bộ đội săn đón má tôi trong những buổi thăm nuôi, qua những món quà nàng gởi cho tôi, v.v…(Lúc đó tôi đâm ra sợ hãi, sự thật nàng là con của VC mà tôi đã khẳng định rõ ràng và xác định vị thế của mình), nếu nàng là người đi thăm tù thì tôi sẽ không thất vọng lắm.

Tôi được thả trước tết 1976 có lẽ do sự can thiệp âm thầm của một vài cán bộ Huyện ? Chỉ ở tù được 9 tháng kể từ khi được áp tải xuống tàu và lưu đày qua 3 trại giam, kể cả 33 đêm được mang còng xích. Cũng nhờ thành quả “Cách Mạng” mà tôi học được nhiều điều hay mà trường đời ngoài xã hội bình thường ít có dịp được học, đó là bài học Nhân nghĩa trong tù .


Nguyễn Minh Hùng
(K10)