PDA

View Full Version : Nhớ Ba



Longhai
06-10-2014, 09:11 PM
Nhớ Ba


Thái Anh QNA


Hồi còn nhỏ ở Việt Nam, tôi đâu biết Tây phương có ngày lễ Cha, lễ Mẹ. Tôi chỉ biết ngày rằm tháng 7 ở Việt Nam là lễ Vu-lan mùa báo hiếu, là dịp cho con cái bày tỏ tâm tình nhớ ơn cha mẹ. Hồi đó, tôi rất thích những bài hát viết về tình cha nghĩa mẹ, người chị kế của tôi và tôi, hai chị em hay làm Ca sĩ lấy máy Cassette nhỏ của mẹ hát rồi thu vào băng, chị tôi hát bài Bông hồng cài áo, còn tôi hát bài Ơn Cha và Mẹ tôi. Một buổi chiểu đợi lúc mẹ rảnh việc ngồi một mình, chị tôi rón rén cho băng vào máy, mang máy trước mặt mẹ rồi bật nút hát lên. Thoạt đầu mẹ có vẻ ngạc nhiên định hỏi, nhưng chỉ tích tắc thôi có lẽ mẹ đã hiểu nên im lặng nghe. Khi bài hát chấm dứt mẹ đưa tay gõ nhẹ lên đầu hai đứa mấy cái miệng nói : “Tụi bây bày đặt quá !”, có lẽ lúc đó mẹ cũng cảm động lắm vì tôi thấy mắt mẹ chớp chớp. Có một điều tôi vẫn tiếc nuối hoài là tại sao lúc đó tụi tôi lại không cho ba nghe mấy bài nhạc nầy, có thể tụi tôi sợ ba vì tính tình ba rất nghiêm khắc với con cái như sự thường tình của phần lớn các ông bố. Mỗi lần muốn xin gì mấy chị em tôi đều nhờ mẹ nói dùm, không đứa nào dám đứng trước mặt ba nói chuyện bình thường chứ nói chi là xin điều gì. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ lắm, anh hai lớn nhất lần đó không biết anh làm lổi gì mà bị ba bắt nằm xuống lấy roi mây đánh, ba nói đánh phải nằm yên không được nhúc nhích, không được lấy tay che mông, không được khóc thành tiếng; nếu cãi lời là đánh lại từ đầu. Ngay cả mẹ tôi dù xót xa cho con bị đòn đau vẫn không dám có ý kiến can ngăn, chỉ lặng lẽ xoa dầu sau khi anh bị đòn xong, nhìn những lằn roi đỏ hằn trên da thịt anh, tôi thấy sợ ba quá, chỉ tưởng tượng tôi mà bị đánh như thế chắc chết mất, cũng may mấy đứa con gái chưa bị ba đánh bao giờ.

Hồi đó tôi có nghe mẹ kể về ba, mẹ nói ba mẹ cưới nhau không hề có sự quen biết trước, chỉ là vì hai người đều cùng quê, khác làng xã, ông Nội và ông Ngoại đều là bạn thân với nhau. Hai ông qua lại nên biết rõ gia đình nhau, cô hai là con gái lớn nhất, ba là em trai kế nên được coi là trưởng nam; còn mẹ tôi sinh sau hai người chị, dì hai từ nhỏ đã thích vào chùa tu sau đó bị bệnh mất lúc trẻ mới 20 tuổi; dì ba có chồng rồi theo về ở bên chồng, còn lại mẹ là chị lớn của dì năm và cậu sáu. Lúc hai ông bạn già tới nhà nhau chơi, ông nội thấy mẹ hiền lành giỏi giang; ngược lại ông Ngoại cũng thấy ba là một thanh niên có học, ba đã học ở trường Phan thanh Giản, Cần Thơ, thông thạo tiếng Pháp, lại cáng đáng siêng năng việc nhà phụ ông Nội vì lúc đó nhà cũng có ít ruộng vườn thuê thợ phụ những vụ mùa thu hoạch lúa. Hai ông bạn già đã ngoéo tay làm xui mà không cần cho hai đương sự gặp nhau để tìm hiểu. Ông Ngọai thương con gái sợ mẹ phải làm dâu trưởng cực thân, vì bà Ngoại mất sớm lắm, mất ngay sau lúc sinh cậu sáu khó, ông Ngoại còn trẻ nhưng thương các con muốn dành hết tình thương cho đám trẻ nên ông cương quyết ở vậy vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dạy các con cho tới lúc khôn lớn, dựng vợ gã chồng rồi ông mới đi theo bà Ngoại. Trở lại duyên nợ của ba mẹ chắc ông tơ bà nguyệt đã se đúng mối nên sau đó mẹ về làm dâu gia đình ba, ông Nội có hứa là sẽ thương yêu bênh vực mẹ.

Mẹ về nhà ba, là con dâu trưởng, trên có ba mẹ chồng và bà chị chồng, dưới có hai chú em và hai cô em chồng, thế là mẹ tôi từ một thiếu nữ sống nhàn nhã và sung sướng giữa ông Ngọai và các em, mẹ về làm dâu muôn phần vất vả. Mẹ kể ba thương mẹ lắm, nhưng vì bản tính ba vốn nghiêm nghị, cứng rắn, ít biểu lộ tình cảm ra bên ngoài; ba rất có hiếu với ông bà Nội, lại có ý thức trách nhiệm của người Trưởng nam trong gia đình, gánh vác công việc trước sau thay ông Nội mỗi khi ông Nội có việc đi vắng nhà. Tôi nghe kể hồi đó ông Nội đào hoa lắm, bà Nội cũng mấy phen đau khổ khóc lóc vì cái tính nầy của ông nội. Mẹ nói ba rất ghét tính đào hoa của ông nội, nhưng hồi xưa lễ giáo gia đình đâu cho phép con cái được quyền phê bình cha mẹ dù ba tôi cũng phần nào theo Tây học; mẹ còn kể ba rất thương kính ông Ngoại vì dù là bạn thân của ông Nội, ông Ngoại lại không thích tính đào hoa của bạn, nên dù góa vợ lúc còn thật trẻ vẫn ở vậy với các con; và sau nầy khi mẹ tôi mất ba chỉ mới ngoài năm mươi, dù các anh chị em tôi đã khá lớn, em trai út tôi 12 tuổi, ba tôi vẫn ở vậy cô đơn cho tới muời lăm năm sau ngày mất nước thì ba bị bệnh mất. Mẹ tôi vẫn hay kể về cuộc đời luân lạc của ba mẹ cho chị em tôi nghe.

Năm 1945 ảnh hưởng loạn lạc chung của cả nước, ở quê của ba mẹ cũng giặc giã mất mùa, người Miên nỗi dậy đánh đuổi chém. giết người Việt bằng mã tấu, một hình thức tiếng Miên gọi là “cáp duồn” như hồi thập niên 70 người Việt ở Cam bốt phải chạy về Việt Nam, nếu rủi bị bắt sẽ bị chặt thành thành mấy khúc chết thảm, mối thù truyền kiếp của hai dân tộc không biết đến bao giờ mới hóa giải hết được ! Ba tôi đưa cả gia đình bỏ hết ruộng vườn đất đai chạy lên Sài gòn sinh sống, cuộc sống mới lạ nơi đất Sài gòn đầy khó khăn cực khổ mọi bề, ba đã vất vả bươn chải nhiều nơi tìm việc làm để cưu mang cả nhà mười mấy người. Mẹ lúc đó đang có mang anh ba, anh hai chỉ mới hơn 1 tuổi, mẹ thay ba lo toan mọi việc trong nhà trước sau cho ba yên tâm đi tìm việc làm.

Ba tôi rất giỏi xông xáo, chịu cực vì đã quen với cuộc sống nông dân ở dưới quê, ra đồng cùng làm việc với tá điền chứ không ỷ là chủ ruộng cứ đứng chỉ tay ra lệnh. Vốn thông thạo tiếng Pháp, nói được tiếng Triều châu, thêm một ít tiếng Miên, vì ở Bạc liêu quê tôi có rất nhiều người Hoa và người Campuchia sinh sống. Ba tôi lại giỏi về tính toán sổ sách, sau những công việc tạm thời bằng lao động chân tay, ba cũng tìm được một việc làm tương đối thích hợp, tôi nhớ có nghe nói đến từ khai-quan-thuế. Mấy năm sau quê tôi bình yên trở lại, ông bà nội và mấy cô chú trở về quê lại, nhưng ba tôi thì không về nữa vì lúc đó đã có công việc làm ổn định, mẹ đã sinh thêm hai chị. Gia đình tôi đã ở lại Sài gòn cho tới bây giờ, mấy chị em tôi cũng rất ít có dip về lại quê ba mẹ, vì chỉ có anh hai sinh ở quê, tất cả chúng tôi còn lại đều cất tiếng khóc chào đời ở Sài gòn, có về đấy cũng thấy có vẻ xa lạ vì thế hệ cô bác ngang hàng với ba mẹ tôi đã lớn tuổi qua đời hết, con cháu của các vị đó và chúng tôi đâu đã biết mặt nhau, nên tình bà con cũng ít nhiều phai lợt .

Gia đình tôi sống ở Sài gòn yên phận, ba tôi sau đó may mắn được vào làm kế toán cho Công ty Xuất nhập cảng mà chủ nhân là người quốc tịch Pháp gốc Hoa, ba tôi gọi là Philip, con cháu gì đó của chú Hỏa rất giàu, ba nói ông chủ nầy còn trẻ mà rất giỏi kinh doanh, ông ta đi Pháp như đi chợ, nhà phố của chú Hỏa cho thuê ở Sài gòn rất nhiều, có một cái biệt thự to sang trọng và rất đẹp ở đường Phó-Đức-Chính khu ngã Sáu Sài gòn mà tôi đã có một vài lần vào xem sau năm 75 khi chủ đã về Pháp, ngôi biệt thự bị tịch thu lúc đó làm nơi trưng bày cho các cuộc triển lãm Công nghệ hay Mỹ thuật. Thời gian ba làm việc cho ông Philip, gia đình tôi tương đối sống vững vàng, mẹ cũng đỡ vất vả vì tiền lương của ba đủ chi dùng, ba còn gửi về cấp dưỡng hàng tháng cho ông bà Nội ở dưới quê. Ba hay gọi thân mật ông Philip là thằng chủ Pháp con rất tốt, rất tin cẩn ba mỗi khi ông ta về Pháp, vì ba làm rất được việc cho ông ta, sổ sách phân minh rõ ràng đầy đủ, tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn cương trực, ba có thể thay mặt chủ giao thiệp với khách hàng người Pháp mỗi khi Philip vắng mặt, đôi khi cả khách hàng người Hoa. Có lẽ vì thế mà mỗi lần Philip ở Pháp về bao giờ ba cũng được hộp bánh Champagne, hộp bơ Bretagne hay hộp Fromage đầu bò chánh gốc từ bên Pháp đem về.

Năm 1966, ba không may bị cơn bệnh nặng, phải nằm bệnh viện điều trị một thời gian rất lâu, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, vì chỉ có ba là trụ cột đi làm nuôi cả nhà gồm mẹ và 7 đứa con. Anh hai đi Thủ đức, chị Ba thi rớt Tú tài 1 cũng nghỉ học đi làm, còn lại chị Tư đang học đệ Tứ, tôi thi rớt đệ Thất trường công, phải học trường tư, ba em còn nhỏ lắm mẹ rất cực nhọc, lo toan nhiều việc, lớp phải ra vào Bệnh viện nuôi ba, lớp phải lo con cái ở nhà, mẹ trông gầy rộc phờ phạc người hẳn ra. Dì năm tôi em kế của mẹ xót xa cho chị, sợ mẹ lại bị bệnh nằm xuống nữa thì khổ cả gia đình. Thương chị, thương cháu, dì đem tôi và em trai về ở nhà dì, đóng tiền cho đi học ở một trường của mấy Soeur gần nhà ở chợ Nancy; ngoài ra dì còn thu xếp công việc may vá để một hai ngày trong tuần vào Bệnh viện săn sóc ba đỡ đần cho mẹ có chút thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Ba nằm Bệnh viện cả mấy tháng mới xuất viện về nhà.

Khi ba đã bình phục hẳn, ông Philip cho ba trở vào làm việc lại vì khó tìm được một nhân viên có khả năng làm việc có hiệu quả và tinh thần trách nhiệm tốt như ba; nhờ vậy sau thời gian dưỡng sức ba đi làm lại, mẹ trở về công việc bình thường của một bà nội trợ, lần nầy cuộc sống gia đình có phần thoải mái hơn trước, vì anh Hai đã vào lính và chị Ba đã đi làm việc. Năm 1974 tuần lễ cuối tháng 7, bất ngờ mẹ ngã bệnh và qua đời chỉ vỏn vẹn có một tuần lễ ngắn ngủi trong sự bàng hoàng đau đớn của chồng con, cùng sự tiếc thương của bà con lối xóm chung quanh, của những người từng biết qua mẹ, của bà bán xôi vò, bắp nấu ở đầu ngõ mà mẹ hay ghé qua mua mỗi sáng đi chợ về ngang. Đám tang mẹ thật đông người đưa tiễn, nhìn di ảnh của bà ai cũng bùi ngùi thương cảm, nét mặt trong ảnh thật tươi tắn với nụ cười phúc hậu, khuôn mặt đầy đặn hiền lành, nhìn ảnh ai ngờ mẹ vắn số, mất lúc mới 48 tuổi. Mẹ mất đi, mọi sinh khí trong nhà như đi theo bà, ngay hôm đám tang vừa xong, buổi trưa về nhà bầu trời mây đen vần vũ như báo hiệu một trận mưa thật to sắp kéo đến, người đi đưa đám vội vã nói lời chia buồn với ba rồi kéo nhau về nhanh kẻo không kịp trời mưa, ba tiễn khách xong vào nhà thì trời đỗ mưa như trút nước, nhà chỉ còn lại mấy cha con và dì, lúc nầy nỗi đau đớn mất mát mới thật là thấm thía, ba ngồi nhìn ảnh mẹ lung linh sau màn hương khói, miệng cứ gọi nhỏ “ Mình ơi, mình ơi” mà nước mắt tuôn ướt đầy áo, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất (Cho đến ngày ba mất) trong đời tôi mới thấy ba khóc nhiều như vậy, nhìn một người đàn ông tính tình vốn cứng rắn, nghiêm khắc khóc thật là bất nhẫn, tội nghiệp. Còn mấy chị em tôi cũng ôm nhau khóc cho đến mệt lã nằm vật xuống thiếp đi…

Những ngày sau đó là cả một chuỗi dài ngày tháng chịu đựng sự mất mát vô cùng lớn lao, không khí trong gia đình thật ảm đạm, buồn bã. Mẹ mất đi sinh khí trong nhà cũng đi theo bà; ba qua những ngày tang lễ rồi cũng phải đi làm lại,tôi thấy thương ba quá, phải trở lại công việc hàng ngày bằng một tâm trạng vô cùng buồn chán, ông thật thấm thía nỗi mất mát thương nhớ vô cùng lớn lao người bạn đời yêu quý mà dù các con cố gắng lo lắng săn sóc cho ba nhưng sao thay thế được bàn tay chu đáo của ngươi vợ hiền lo cho ông bằng tình nghĩa vợ chồng ! Lúc còn mẹ, sáng ba đi làm có ly Cà phê và bữa điểm tâm ấm áp; chiều về có ly nước chanh và tờ báo giải trí trước khi bữa ăn tối bắt đầu bằng những món ăn ưa thích nêm nếm thật vừa miệng, cả nhà cùng quây quần bên bàn ăn thật ấm cúng hạnh phúc còn hình ảnh nào có ý nghĩa hơn ?!

Hồi đó sau bữa cơm tối, hai ông bà hay ngồi hóng mát trước hàng ba, ba kể chuyện làm việc trong Hãng hay mẹ nói về chuyện học hành của các con. Mẹ mất đi, bao nhiêu mất mát đi theo; sau bữa cơm tối là một khoảng thời gian vô cùng dài và buồn bã với ba, lúc mẹ còn đấy là những giây phút riêng tư hạnh phúc của hai ông bà mà khó có ai thay thế được khi một trong hai người vắng mặt đi. Mỗi buổi sáng ba cũng có ly Cà phê thơm phức và bữa điểm tâm ấm lòng trước khi đi làm; buổi chiều về vẫn có ly nước chanh giải khát, vẫn có tờ báo hàng ngày đọc chờ cơm chiều, nhưng tất cả những thói quen đó vẫn không bù đắp được sự thiếu vắng gương mặt thân yêu, lời nói âu yếm dịu dàng cùng bàn tay săn sóc ân cần của người vợ hiền yêu quý giờ đã xa cách vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Một thời gian rất dài sau đó, mỗi người trong gia đình từ ba tới các chị em tôi tinh thần vô cùng sa sút. Có nhiều buổi tối, tôi thức khuya học bài, trước khi đi ngủ, tôi vẫn hay bước ra nhìn bàn thờ mẹ, ngó hình mẹ mà bên tai như còn văng vẵng lời mẹ nhắc đi ngủ khuya rồi mai còn đi học sớm, tôi đốt một nén nhang cho bàn thờ ấm, nhìn ảnh mẹ trông thật dịu hiền sinh động như đang cười, lúc đó nỗi nhớ mẹ thật ngập tràn tôi chỉ muốn bật khóc thật to kêu thật lớn “ Mẹ ơi, mẹ ơi, con nhớ mẹ quá !!”. Có nhiều lần vừa bước ra phòng khách, tôi đã thấy có đốm lửa trong đêm tối, biết ngay là ba đang ngồi đó với nỗi nhớ vợ nung nấu mãnh liệt trong lòng, lúc đó tôi rất muốn ôm chầm lấy ba để cùng chia sẽ nỗi đau mất mát, nhưng tôi vẫn không làm được hành động đó, chỉ nghẹn ngào hỏi nhỏ "Ba chưa ngủ hở ba”, ba lặng lẽ dụi tắt điếu thuốc, đứng dậy bước đi không nói gì hết, tôi biết nỗi xúc động đang tràn ngập sẽ oà vỡ ra nếu ba lên tiếng, ông đang cố giữ cái nghị lực cứng rắn của người đàn ông, là cha, là gia trưởng trong nhà, là đầu tàu cho con cái noi theo.

Cho đến ngày mất nước 30 tháng 4, buổi trưa hôm ấy Radio loan tin Việt cộng đã vào Dinh Độc Lập, ba và anh Hai (Lúc đó anh Hai đang đóng quân ở Bình Dương đi công tác ghé thăm nhà bị kẹt lại không ra đơn vị được) kêu chị em tôi đóng hết các cửa trong nhà lại rồi leo hết lên lầu trên, chỉ còn ba và anh hai ở tầng dưới. Ba đóng hết các cửa trong nhà lại rồi nói : tụi nó có vào đây thì ba cũng sống chết với lũ nó, anh hai cũng quyết tâm với ba, anh nói trong tay anh còn khẩu súng cá nhân luôn mang theo bên mình, anh cũng sẵn sàng đổi mạng với Quân Cộng trước khi tụi nó đụng tới vợ con và các em gái của anh. Về phần chị dâu và các chị em tôi cùng tụ một góc trên lầu, chúng tôi ngồi rầu rĩ, cứ nghĩ là thôi hết rồi, không biết số phận mình rồi sẽ ra sao !! Biến cố lịch sử nầy đã làm tan nát rất nhiều gia đình ở miền Nam, gia đình tôi cũng không tránh khỏi tình trạng chung đó. Anh Hai đi trình diện rồi bị đưa đi tù tới gần 9 năm, ra tận miền Bắc 6,7 năm dài, tháng 4 năm 82 đưa về Nam rồi được tha một năm sau. Chị dâu cực khổ buôn bán vừa nuôi chồng đi tù, vừa nuôi hai con gái lúc đó mới 7, 8 tuổi, bị mang bệnh ngặt nghèo mà thiếu tiền chạy chữa, cố gắng kéo dài cuộc sống cho tới lúc anh Hai được tha về sum họp, nhưng chỉ hơn 1 năm sau thì căn bệnh phát nặng chị qua đời trong vòng tay của người chồng thương yêu và hai con gái để lại bao tiếc thương đau buồn cho chồng chưa sum họp được bao lâu đã buồn chia ly, chị mất lúc còn quá trẻ mới 43 tuổi.

Chị Ba tôi là công chức chế độ cũ chức vụ nhỏ nên chỉ học tập 3 ngày, chồng cũng là Hạ sĩ quan nên cũng không phải tập trung cải tạo lâu. Ba tôi lo xa, sợ vợ chồng chị sẽ bị địa phương gây khó dễ, nên gom góp tiền bạc còn lại mua một miếng đất rẫy ở Long Thành không xa Sài gòn bao nhiêu cho vợ chồng lên đó ở làm rẫy, thế là chị ba từ giã Thành phố vui đời nương rẫy, còn ba đi đi về về lúc ở Sài gòn, lúc ở rẫy phụ với vợ chồng chị. Đứa em trai út nghỉ Hè năm lớp 9 lên rẫy chơi với anh chị ba tôi, đi tắm suối trợt chân té úp mặt xuống nước ngộp thở chết. Từ Sài gòn tôi lên rẫy không kịp để vuốt mặt đứa em út lần cuối, em tôi mất lúc mới 15 tuổi đời, tội nghiệp em tôi quá !! Ba tôi buồn lắm sau cái chết của đứa con trai út ông bỏ rẫy cho vợ chồng con gái và rễ ở lại rồi về Sai gon ở, ông không muốn ở lại rẫy để bị ray rức khi nhìn cảnh vật mà nhớ con. Về nhà cha con lại hủ hỉ với nhau, lúc đó gia đình sống thật khó khăn, bữa cơm có khi chỉ với gạo độn khoai mua ở cửa hàng lương thực Phường, đó là tình trạng chung của mọi gia đình miền Nam lúc đó, cái khổ của kẻ thua trận..!! Sức khoẻ của ba tôi kém hẳn đi, vì mất mát quá nhiều người thân trong gia đình. Qua năm 83, sự trở về của anh Hai làm sức khoẻ của ông khả quan hơn, không khí gia đình có vẻ ấm áp hơn. Lúc nầy chị Tư đổi về làm việc gần nhà có hai cháu Ngoại lui tới cũng làm ông nguôi ngoai nỗi buồn rầu.

Những tưởng gia đình đoàn tụ vui vẻ với đám cưới của em gái út; ngờ đâu sóng gió laị tiếp tục kéo đến, chị Tư và hai con đi vượt biên bị chìm tàu, ba cái chết thật thảm, lúc đó hai đứa cháu gái mới 7 và 8 tuổi. Cái chết của chị tôi và hai con đã là một sự mất mát vô cùng đau đớn và bi thảm đối với gia đình. Ba tôi sau ngày biết tin nầy hầu như sức khỏe vốn đã yếu lại càng thêm yếu, ba như ngọn đèn dầu leo lét chực tắt lịm đi. Chỉ sau đám cưới tôi hơn tháng rưỡi, trong một đêm khó thở phải vào Bệnh viện cấp cứu, ba đã qua đời. Hồi mẹ mất, ba và các anh chị em tôi có đủ mặt cả nên chắc mẹ cũng yên lòng ra đi thanh thản giữa vòng tay thương yêu của chồng con. Còn ba những ngày cuối đời tôi lại không có bên cạnh để chăm sóc ba, lúc đó tôi đã ở bên nhà chồng, chỉ vài ba ngày ghé về thăm ba, gia đình vắng vẻ, ban ngày chỉ có mình ba cô đơn, bệnh hoạn, con cái đứa còn, đứa mất, đứa ở xa, anh hai và em gái tôi ở chung thì lại bận đi làm cả ngày, chiều tối mới về, tuổi già cuả ba buồn bã cô quạnh quá, chúng tôi những đứa con còn lại của ba quả đã thiếu sót rất nhiều sự quan tâm săn sóc rất nhiều với ba, sau nầy dù vật chất đầy đủ, có muốn trả hiếu thì ba cũng đâu còn trên đời nữa !!

Đám tang ba buồn bã và lặng lẽ, lối xóm chung quanh người thân quen cũng vắng xa hết từ sau 75, lớp người ngang hàng với ba cũng mất đi nhiều. Lúc còn sinh tiền nhiều lần ba đã dặn dò con cái sau nầy ba mất hãy đem thiêu rồi gửi vào Chùa, có lẽ vì ba không muốn các con phải tốn kém quá nhiều cho tang lễ ông, nhất là sau 75 cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn sa sút, chưa kể đến những cái chết bi thảm của những người thân trong gia đình. Tôi còn nhớ hoài những năm 80, nhà tôi vắng vẻ, chỉ có ba, tôi và đứa em gái út, ba lúc đó thật vất vã, cứ phải lo xếp hàng hết đi mua gạo tới mua khoai, hay mua bột mì rồi đem đi đổi lấy bánh mì, những năm đó cuộc sống của gia đình thật khó khăn thiếu thốn, ba cha con ăn uống thật cực khổ, cơm độn mì sợi hay khoai mì, khoai lang, bo bo mua kèm với gạo của nhà nước Cộng sản bán. Nhờ đi học trường Kỹ thuật chuyên nghiệp em tôi mới được mua gạo theo tiêu chuẩn dành cho Học sinh là mỗi người 13 kg/ tháng với giá rẻ, cộng thêm ít tiền học bổng; còn tôi với chiếc máy may ở nhà nhận đồ may gia công.

Tôi thương ba vô cùng lúc đó, những buổi chiều ba ngồi lựa từng hạt thóc lẫn trong gạo, trời nóng ba ở trần , nhìn người ba ốm nhom trơ cả xương sườn tôi thấy tim nhói đau vì thương ba, nước mắt chực tuôn ra khóe mắt, tôi muốn ôm ba liền lúc đó mà khóc òa trong lòng ba như hồi còn nhỏ. Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi sự thay đổi quá khác biệt của ba sau 75, từ một người cha nghiêm khắc, ít nói, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay mẹ lo toan, ba là một người chủ gia đình đúng nghĩa, ông chỉ biết đi làm thôi. Vậy mà thế đấy, sau ngày mất nước, ba bỗng trở thành người nội trợ bất đắc dĩ, ba đi chợ, đi mua gạo, rồi nấu cơm, tự giặt lấy quần áo của mình, chị em tôi cứ nghĩ đến những điều nầy mà thấy ngập lòng ân hận và thấy mình quả thật thiếu sót nhiều với ba quá, không tròn bổn phận làm con đối với ba...

Những ngày đám tang ba, tôi xin phép nhà chồng về nhà chịu tang ba. Sau ngày đưa tang tôi còn ở lại nhà đến ba ngày sau gọi là ngày mở cửa mả. Xế trưa hôm ấy nấu mâm cơm cúng ba, chờ nhang tàn tôi lạy bàn thờ ba rồi về lại bên chồng, ngồi trên xe tôi khóc nức nở vì thương nhớ ba quá. Ngày mẹ mất tôi cũng khóc nhiều lắm, nhưng ba mất tôi còn có nỗi ân hận là những ngày cuối cùng tôi đã không ở cạnh săn sóc cho những đau đớn về thể xác của ba. Tết năm ấy trưa 30 tôi cũng về nhà cúng cơm đón ông bà cùng các anh chị em, nhưng nhà buồn lắm vì vắng ba mất rồi. Mọi năm ba đốt nhang trước bàn thờ mẹ, còn bây giờ anh Hai tôi đốt nhang thay ba và trên bàn thờ lung linh qua làn khói nghi ngút có thêm hình ba bên cạnh hình mẹ; chúng tôi không ai nói với ai nhưng nỗi đau đớn nghẹn ngào đang dâng cao trong lòng từng người. Bữa cơm gia đình ngày cuối năm rồi cũng trôi qua trong lặng lẽ bùi ngùi, tôi và đứa em gái út ăn cơm trong nước mắt, hai chị em nhớ ba quá đỗi, vì sau 75 trong gia đình chỉ có hai đứa tôi là sống gần gũi với ba và cùng ba chia xẻ những nỗi đau đớn mất mát người thân trong gia đình nhiều nhất.

Gần 4 năm sau ngày ba mất, tôi qua Mỹ cùng chồng diện HO. Ra nước ngoài thì đời sống vật chất dù không giàu có, nhưng so với ở Việt Nam thì đầy đủ hơn nhiều. Những lúc nầy tôi lại nhớ đến ba, khi tôi tương đối có khả năng có thể lo cho ba một đời sống về già thoải mái vui sống với các con các cháu thì ba đã không còn. Anh hai tôi rồi em gái tôi cũng lần lượt qua Mỹ; anh em tôi ở khác Tiểu bang, dù vậy mỗi năm tới ngày giỗ ba chúng tôi mỗi nhà cũng nấu mâm cơm tưởng nhớ. Anh hai gìờ đã là ông ngoại, tôi và em gái cũng bận rộn cho gia đình riêng của mình. Mỗi lần giỗ ba, tôi đi làm về ghé tiệm mua mấy món ăn nấu sẵn mà ba tôi lúc còn sinh tiền thích, một mình tôi loay quay bày cúng, lần nào cũng thế đốt xong mấy nén nhang trước ảnh ba tôi cũng ngồi khóc một mình lặng lẽ, nỗi nhớ ba cùng nỗi ân hận đã không trọn phận làm con trong thời gian cuối đời của ba. Tôi và em gái út, hoặc tôi hoặc nó gọi điện thoại cho nhau cả giờ, hai chị em nhắc lại những kỷ niệm lúc chỉ có ba cha con ở bên nhau sau ngày mất nước, hai đưá tôi nhắc đi nhắc lại mãi rồi cùng khóc trong diện thoại. Nếu có ai biết chuyện mà trách tôi sao cứ sống hoài với quá khứ đau buồn làm chi, tôi cũng không buồn vì lời trách móc đó, tạo hóa đã ban cho tôi một trí nhớ về những chuyện quá khứ dù vui hay buồn, nhưng phần lớn là chuyện buồn nhiều hơn. Với ba tôi có một tâm sự thật sâu kín và có lẽ chĩ có ba biết cho tôi thôi, tôi không bao giờ có thể thố lộ cùng ai được, chắc ba cũng thương đứa con gái nầy mà không trách phiền gì con !!!

Ba ơi, ngày giỗ ba mới vừa qua, ở Việt Nam chị Ba và thằng sáu cũng làm giỗ ba, con có gọi điện thoại về nói chuyện hôm đó. Còn ở bên nầy anh Hai, rồi con, rồi con út, tụi con ba anh em ở ba nơi khác nhau cũng có làm giỗ ba, tụi con hay nói đùa với nhau, mỗi lần giỗ ba tha hồ đi khắp nơi, ăn cơm Việt Nam rồi qua Mỹ ăn cơm bên Mỹ; lúc sống ba không có dịp đi xa, gìờ ba mất rồi, mỗi năm tới ngày giỗ, ba sống khôn thác thiêng bay qua Mỹ thăm các con ba nhé, rồi ba ăn với con gái ba một bữa cơm gia đình ấm cúng.

Ba ơi, con lại tưởng tượng nhiều quá rồi, trước mặt con là bức ảnh cả gia đình mình chụp từ năm 1960, lúc đó con mới lên 6 tuổi. Nhìn hình đúng là một gia đình hạnh phúc; bức ảnh đã lem luốc rách nát vì cơn hỏa hoạn năm xưa nhà mình bị cháy, ba đã cố len vào nhà sau khi ngọn lửa được dập tắt, và ba đã tìm thấy bức ảnh với khung kiếng bể nát nằm trơ giữa đống gạch ngói tro than ngổn ngang, ba đã nhặt nó lên và gói ghém cất kỹ bao nhiêu năm trong tủ giấy tờ sổ sách của ba. Sau ngày ba mất con thu dọn lại tủ thì mới thấy bức ảnh kỷ niệm, ba đã gói nhiều lớp giấy và cất cẩn thận trong tủ. Con đã khóc và lặng người thật lâu bên tấm hình, nhìn hình con thấy nhớ và thương ba quá. Con đã mang tấm hình theo qua Mỹ với hy vọng sẽ nhờ kỹ thuật tân tiến bên nầy khôi phục lại được phần nào nguyên bản của nó.

Sắp tới ngày lễ Cha ở Hoa Kỳ con viết những dòng nầy để tưởng nhớ đến ba, và cũng để cho vơi bớt đi phần nào nỗi ray rức ấp ủ trong lòng con bao lâu nay, con chợt nhớ đến hai câu hát cuối trong một bài nhạc mà con rất thích thật đúng với tâm trạng của con mỗi lần nghĩ về ba, ba kính yêu muôn đời của con :... "Có những niềm riêng trọn đời dấu kín... nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi”…!!!



Thái Anh QNA

dieuanhl
06-11-2014, 02:01 AM
Thật là cảm động khi đọc bài viết này !
Con gái thường thương cha một cách rất sâu sắc , cũng như Thái Anh ..Sau 75 vài năm thì má tôi cũng qua đời sau cơn bạo bệnh do nhiều năm lam lũ ..Ba tôi lúc đó mới 46t , một người lính già quanh năm xa nhà , chỉ biết hằng tháng gởi tiền lương về cho vợ tùy nghi sử dụng nuôi con . Sự ra đi đột ngột của má để lại cho ba tôi một khoảng trống rất lớn với 5 đứa con còn tuổi ăn tuổi học..Ngoài nghề làm lính ba tôi không biết làm nghề gì khác ..thế là đạp xích lô nuôi con ...Là chị Hai của các em , tôi cũng đành giã biệt bạn bè , giã biệt khuôn viên sân trường Đại Học và giảng đường dấu yêu với nhiều nước mắt..Tôi tiếp tục nghề của má , làm các loại bánh ngọt xôi chè bán trước nhà , mở lớp dạy kèm học sinh tiểu học dù chưa qua 1 ngày Sư Phạm , các học trò nhỏ cũng ủng hộ các món bánh , xôi chè của cô giáo nhỏ rất nhiệt tình , nhờ vậy tôi cũng giúp ba chia sẻ bớt gánh nặng mưu sinh ..

Ba tôi dáng cao to , ngày đi lính cho dù gian khổ quân hành nhưng lúc nào cũng lực lưỡng ,vậy mà sau khi má ra đi ..ba càng ngày càng tiều tụy ..tôi xót xa muôn vàn ..âm thầm dành riêng những món ngon cho ba nhưng cũng chẳng bù đắp được bao nhiêu ..Giờ ba cũng đi xa rồi ..nơi đó chắc ba má đã gặp nhau để cùng nhau nhìn lại 5 đứa con của mình kịp lớn khôn ....

Xin góp chút ý nghĩ nhớ ba với Thái Anh ...

Diệu Anh