PDA

View Full Version : Vinh Danh Những Cánh Chim Trời Trấn Giữ Không Gian



Longhai
06-05-2014, 02:41 AM
Vinh Danh Những Cánh Chim Trời Trấn Giữ Không Gian


Tài liệu từ Quân Sử Không Quân VNCH.



Trung tá Phạm-Phú-Quốc

Ngày 19-4-1965 trung tá Phạm Phú quốc gãy cánh trong một phi vụ Bắc phạt, cách Thị xã Vinh về phía Đông Nam 10km. Lúc đó là 15 giờ 04 phút.

Trung tá Quốc trong phi vụ này với nhiệm vụ đánh trục giao thông cách 10 cây số phía Nam thành phố Vinh. Sau khi hoàn tất phi vụ, trên đường trở về thì phi đội của Trung tá Quốc đã đụng phải một lực lượng phòng không của Bắc Việt, súng cao xạ Bắc quân bắn lên dữ dội, một phi cơ trúng đạn phía đuôi thiệt hại nhẹ. Trung tá Quốc quyết định tiêu diệt ổ cao xạ phòng không này, phi cơ Trung tá Quốc lao vào lửa đạn, ổ phòng không bị tiêu diệt nhưng phi cơ của Phạm Phú Quốc đã bị trúng đạn và bốc cháy

Sinh ngày 29-8-1935 tại Quảng Nam, Phạm Phú quốc gia nhập Không Quân ngày 15-6-1954

Được gửi đi thụ huấn tại các trường đào tạo phi công của Pháp. Anlnat, Marrakech, trường phi công khu trục Bordeaux và tốt nghiệp trở về phục vụ tại phi đoàn Khu Trục Biên Hòa vào năm 1956.

Xuất thân từ khóa phi công khu trục đầu tiên của Không Quân Việt Nam Trung tá Phạm Phú Quốc đã lái những khu trục cơ F8-F cũng là những khu trục cơ đầu tiên của KQVN . Sau đó được gửi đi tu nghiệp xuyên huấn trên khu trục cơ A-1 Skyraider tại Hoa Kỳ và khóa Air Ground Operation School tại Okinawa.

Trung tá Phạm-Phú-Quốc đã liên tiếp đảm nhiệm những chức vụ :

- Trưởng Phòng Hành Quân năm 1960
- Chỉ huy trưởng Phi đoàn 516 năm 1964
- Tư Lệnh Không Đoàn 23

Suốt 10 năm cánh bằng ngang dọc Trung tá Quốc đã nhận :

* 2 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Đồng.
* 5 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc.
* 1 Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng.
* 1 Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu.
* Phi Dũng Bội Tinh với Cánh Chim Vàng.
* Đệ Nhị Không Lực Huy Chương.
* Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Ngành Dương Liễu.
* Với 12 lần được tuyên dương công trạng và nhiều lần khen thưởng.

Trung tá Phạm-Phú-Quốc là : Hoa tiêu khu trục trẻ tuổi, gan dạ thường tình nguyện thi hành mọi phi vụ tác chiến. Được nổi danh ngày 6-6-1959 trong cuộc không kích vào vùng Tân Phú tỉnh Kiến Phong, đã khéo léo địều khiển phi tuần càn quét toán loạn quân và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương. Ngày 28 - 3 -1961, trong cuộc hành quân tại rừng Cao Lãnh đã oanh kích các mục tiêu của địch một cách hiệu quả giúp cho quân bạn tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm của địch quân.


Đại úy Trần Thế Vinh.

Trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi cùng cả nước ra sức ngăn chận cuộc xâm lăng của Bắc quân trên cả ba mặt trận chính Quảng Trị, Komtum và Bình Long, các đơn vị và Chiến sĩ KQVNCH đã tạo được nhiều thành tích chói ngời cho Quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa góp phần quan trọng trong những chiến công giữ vững miền Nam.

Tuy nhiên trong năm này Không Quân VNCH cũng phải chịu nhiều mất mát và một trong những cái tang gây nhiều tiếc thương cho cả trong lẫn ngoài Quân Chủng là sự ra đi của Đại Úy Trần Thế Vinh, Phi Đoàn 518 Phi Long trên vùng trời Quảng Trị.

ĐạI úy Trần Thế Vinh sinh ngày 27-9-1946 tại Ninh Cường, Nam Định, Bắc Việt. Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954. Anh gia nhập Không Quân cuối năm 1964 khi đang theo học Đại học Luật Khoa.

Sau khi mãn khóa hoa tiêu Quan sát tại quân trường Nha Trang, Trần Thế Vinh được gửi theo học khóa phi công khu trục AD-6 tại Hoa Kỳ. Anh tốt nghiệp thủ khoa khi cùng học với nhiều phi công ngoại quốc khác. Được coi là một phi công “AS” sau các bậc đàn anh như Quốc, Chấn, Tế, Huề, Du... Về nước Trần Thế Vinh phục vụ tại Phi Đoàn 518 Phi Long, bên cạnh những bậc đàn anh lừng danh qua những phi vụ Bắc phạt.

Anh lần lượt mang cấp bậc Thiếu úy từ tháng 3 -1967, thăng Trung úy vào tháng 3-1969. Đại úy từ tháng 1-1972, giữ chức Phi tuần trưởng A-1 và từng được thưởng rất nhiều Huy chương các loại, đáng kể nhất là những Huy chương Anh Dũng và Phi Dũng Bội tinh các cấp cùng Chiến Thương Bội tinh.

Khi chiến cuộc vùng Trị Thiên sôi động vì Bắc quân vượt Vĩ tuyến mở cuộc tấn công đại quy mô vào Quảng Trị. Ngày 01-4-1972 Phi đoàn 518 được biệt phái ra Sư Đoàn I KQ để trực tiếp yểm trợ cho các cánh quân vùng địa đầu giới tuyến, và ngay lập tức trần Thế Vinh hăng say tình nguyện tham dự tất cả các phi vụ không ngơi nghỉ bất kể thời tiết xấu như thế nào và phòng không địch đan kín bầu trời .

Ngày 2-4-1972 Trần Thế Vinh thực hiện phi vụ đầu tiên tại vùng giới tuyến, hạ 5 chiến xa Bắc quân ở phía bắc Đông Hà, phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không 12 ly 7 bên cánh trái nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn. Liên tiếp 3 ngày tiếp theo sau đó, ngày nào Đại úy Vinh cũng cất cánh bay và ngày nào cũng bắn hạ được xe tăng địch. Tổng cộng chỉ trong vòng 3 ngày 2, 3 và 4-7-1972 anh hạ tất cả 20 Chiến xa Cộng quân, nhiều lần phi cơ bị trúng đạn phòng không nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn.

Để động viên tinh thần chiến đấu của Quân đội. bộ Tư Lệnh KQ/VNCH đã phối hợp với Cục Tâm Lý Chiến thực hiện một chương trình Truyền hình về các chiến công của Quân chủng phát trên đài Truyền hình quốc gia tại Sài Gòn vào hai ngày 7 và 8-4-1972.

Trong chương trình này Thiếu tá Lê Phước Hùng, Phi đoàn trưởng PĐ 518 đã giớI thiệu Đại úy Trần Thế Vinh là phi công anh dũng và xuất sắc nhất của đơn vị. Ông hứa với khán giả rằng trong tuần lễ kế tiếp sẽ đưa Đại úy Vinh về giới thiệu trực tiếp với công chúng.

Trong khi mọi người hân hoan và nóng lòng chờ đợi được thấy mặt viên phi công anh dũng một mình trong ba ngày liên tiếp bắn hạ 20 chiến xa CS Bắc Việt tại Quảng Trị thì bất ngờ sáng ngày 9-4 Đại úy Trần Thế Vinh gãy cánh trong khi thi hành phi vụ khẩn cấp giải vây cho căn cứ Phượng Hoàng lúc ấy do Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ đang bị Cộng quân vây chặt và tấn công dữ dội bằng Pháo binh, Chiến xa và Bộ binh.

Cùng Phi tuần viên Đại úy Phan Công Định, phi tuần trưởng Đại úy Trần Thế Vinh cất cánh rời phi trường Đà Nẵng vào lúc 8 giờ sáng Chủ nhật 9-4 trong lúc thời tiết rất xấu, trần mây rất thấp. Tầm nhìn xa không quá 50 mét khiến Đại úy Vinh đã quyết định áp dụng chiến thuật táo bạo là cả hai phi cơ bay rất thấp gần đến mục tiêu mới bốc lên cao và từ đó lách mây đâm xuống oanh kích để tạo yếu tố bất ngờ.

Chiến thuật gan dạ nhưng đầy liều lĩnh này đã khiến địch quân không kịp trở tay và các chiến xa Cộng sản không thể tránh kịp phơi mình làm mục tiêu ăn bom và có 4 chiến xa trúng bom từ phi cơ của Đại úy Vinh ngay khi anh vừa đâm bổ xuống. Tuy nhiên vì xuống quá thấp, phi cơ của anh đã bị trúng đạn phòng không và bốc cháy không kịp bay ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đại úy Phan Công Định đã báo cáo phi cơ của Đại úy Vinh đâm xuống đất và không thấy có chiếc dù nào bay ra.

Đại úy Trần Thế Vinh, Chim Thiêng đã bỏ trời xanh, bỏ người tình bỏ bạn bè... Chim Thiêng đã về ngàn... Vinh đã anh dũng hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời chưa tròn 26. Anh ra đi trong sự xúc động của cả nước, từ Dân đến Quân, cả trong lẫn ngoài Quân chủng. Chiến tích một mình trong một tuần lễ hạ 21 chiến xa địch đã khiến anh trở nên một huyền thoại có thực của Không Lực VNCH.

Ngay sau đó chân dung Đại úy Trần Thế Vinh xuất hiện trên những tấm bích chương cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của Quân dân được trưng bày khắp mọi ngả đường trên toàn quốc. Chưa bao giờ hình ảnh và tên tuổi một Phi công được nhắc đến với lòng tiếc thương yêu mến mãnh liệt như thế !

Đại úy Trần Thế Vinh sống mãi trong Quân Sử hào hùng của Không Quân VNCH và Quân Lực VNCH !

Thiếu tá Phạm Văn Thặng.

Hơn một tháng sau thêm một cánh chim A-1 khác đã bỏ đường bay, vĩnh viễn ra đi tại mặt trận Tây Nguyên.

Ngày 26-5-1972 trong khi khi thi hành một phi vụ cận yểm cho các lực lượng bạn đang giao tranh với địch tại thị xã Kontum, phi cơ của Thiếu tá Phạm Văn Thặng đã bị trúng đạn phòng không của Cộng quân, Không nao núng, không vị kỷ lo lắng cho bản thân mình.

Thiếu tá Thặng đã quay trở lại mục tiêu thả nốt số bom còn lại. Không bung dù thoát hiểm và cam chịu sức nóng thiêu đốt của lửa để đưa phi cơ ra khỏi vùng dân cư, khi ra khỏi thì lửa định mệnh đã làm hỏng hệ thống ghế thoát hiểm tự động giam hạm người hoa tiêu can trường trong phòng lái ngập khói và lửa. Sau khi đáp bụng xuống ruộng, phi cơ phát nổ mang Thiếu tá Phạm Văn Thặng vĩnh viễn vào cõi hư vô .

Thiếu tá Nguyễn Thế Luân.

Cũng tại mặt trận An Lộc một cánh chim dũng cảm khác đã ra đi không trở lại.

Chuẩn tướng Lê Văn Hưng và toàn quân cố thủ tại An Lộc mong đợi từng giờ từng phút những chuyến bay tiếp tế, và những người chuyên trách việc tiếp vận luôn hiểu rõ điều này, bất cứ giá nào cũng phải lao vào lưới đạn của địch tiếp tế những kiện hàng cho quân bạn.

Ngày 19-4-1972 ba phi cơ vận tải C-123, danh hiệu Phi Long 1,2 và 3 vào tiếp tế cho đoàn quân tử thủ An Lộc của tướng Hưng đã được dàn chào long trọng đầy đủ nghi thức từ các dàn phòng không của Bắc quân. Thân hình đồ sộ, di chuyển nặng nề mang chở những kiện hàng tiếp tế, không võ trang. Kim Long 2 và 3 vẫn lao vào mục tiêu thả đồ tiếp tế cho quân bạn.

Kim Long 1 với trưởng phi cơ, Thiếu tá Nguyễn Thế Luân, con chim đầu đàn của Phi đoàn 425 đã không được may mắn như hai người bạn trong phi đội. Phi cơ anh bay vào mục tiêu của hàng loạt đạn cao xạ phá vỡ thân tàu, Kim Long 1 nổ tan và không một cánh dù nào xuất hiện

Thiếu tá Lê Văn Lộc.

Xuôi về vùng đồng bằng Cửu Long, trận chiến Cai Lậy không kém phần sôi động. Hỏa lực phòng không địch càng dữ dội, vũ khí địch càng tối tân, những đôi cánh thép của Không lực VNCH càng chứng tỏ sự gan dạ tột độ của mình, không phải chỉ những hoa tiêu điều khiển trực thăng đổ quân hay vũ khí tăng cường mới liều lĩnh len lỏi vào tầm hỏa lực dày đặc của địch để thi hành trọn vẹn phi vụ mà ngay cả những người ngồi trên phi cơ chỉ huy cũng phải đương đầu với hiểm nguy chấp nhận sự hy sinh.

Thiếu tá Lê Văn Lộc trưởng phòng hành quân PĐ 211 đã đền nợ nước tại Cai Lậy ngày 29-7-1972 khi chiếc trực thăng do anh điều khiển bị trúng phòng không địch. Trên cương vị Chỉ huy, Thiếu tá Lộc luôn có mặt ở tuyến đầu sát cánh bên cạnh chia sẻ những gian nan và cả sự hy sinh cùng đồng đội.

Thiên Lôi Đỗ Hữu Toàn.

Ngày 26-1-1973, một ngày buồn ảm đạm, vùng trời Bình Định đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng thật kiêu hùng của Thiên Lôi Đỗ Hữu Toàn, anh vĩnh viễn giã từ vũ khí, rời bỏ hàng ngũ các Thiên Lôi để đi vào cõi không vô tận.

Người phi công giữa khung trời, dù phục vụ cho một lý tưởng nào đi nữa không tránh khỏi số phận con người, anh và những đồng đội trước anh thân xác đã trở về lòng Đất Mẹ với tâm hồn dâng hiến trọn vẹn cho quê hương muôn đời.

Trung úy Nguyễn Mạnh Dũng.

Sau khi tốt nghiệp để trở thành hoa tiêu khu trục cơ A-37B tại Hoa Kỳ, Trung úy Nguyễn Mạnh Dũng được bổ nhiệm về phục vụ tại Phi Đoàn Phi Hổ 516, Không Đoàn 41 Chiến Thuật, Sư Đoàn 1 KQ, Đà Nẵng. Trung úy Dũng là phi công cuối cùng bay chiếc A-37 của Không Lực VNCH đánh chặn các chiến xa T-54 và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt trước khi thành phố SaiGon rơi vào tay Bắc quân.

Thời gian phục vụ tại PĐ Phi Hổ 516, trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Trung úy Dũng đã phải nhảy dù thoát hiểm khỏi phi cơ khi chiếc A-37B của anh bị trúng đạn phòng không Việt Cộng trong một phi vụ yểm trợ tiếp cận cho Sư Đoàn TQLC tại Quảng Trị.

Ngày 28-3-1975 khi Đà Nẵng trong cơn hỗn loạn với lệnh di tản của Tổng Thống Thiệu, Trung úy Dũng đã cùng đơn vị rút về tăng cường cho SĐ 6 KQ tại Pleiku và sau đó tới Phù Cát. Nhưng cuối cùng căn cứ Phù Cát cũng phải di tản.

Giữa tháng 4-1975, Trung úy Dũng đáo nhậm đơn vị mới là Phi Đoàn 526 thuộc SĐ 4 KQ tại Bình Thủy, tại đây Trung úy Dũng tiếp tục bay các phi vụ yểm trợ cho các cuộc hành quân tại các mục tiêu quân bạn đang giao tranh dữ dội với Cộng quân.

Sau cùng vào ngày 30-4-1975 vào khoảng 9 giờ 30 - 10 giờ sáng, Trung úy Dũng cùng phi tuần viên là Thiếu úy Đông cất cánh khỏi phi trường Bình Thủy với phi lệnh tiêu diệt các chiến xa T-54 của Cộng quân đang tấn công trại Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám tại Bảy Hiền - SaiGon.

Phi tuần A-37B của Trung úy Dũng được sự hướng dẫn của phi cơ quan sát thuộc Phi Đoàn 122 Họa Mi cất cánh từ căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, hoa tiêu là Đại úy Mai Trí Dũng và Thiếu úy Biện. Đây là phi vụ cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, một phi cơ quan sát hướng dẫn phi tuần hai chiếc A-37B oanh kích địch quân đang tấn công vào cửa ngõ thủ đô Sài Gòn.

Sau khi hoàn tất phi vụ trở về đáp xuống phi trường Bình Thủy, Trung úy Dũng và Thiếu úy Đông sững sờ chết lặng khi nghe tin đã buông súng đầu hàng tại Sài Gòn. Trung úy Dũng đã có thể cùng với nhiều đồng đội tìm cách vượt thoát khỏi Cộng Sản di tản sang Thái Lan.

Nhưng Trung úy Nguyễn Mạnh Dũng đã quyết định cất cánh trở lại với bình xăng gần cạn, anh đã bay vút lên không gian bao la với con chim sắt thân yêu. Từ đó không ai biết số phận của anh ra sao.

Nguyễn Mạnh Dũng đã quyết định chọn riêng cho mình sự hy sinh cuối cùng cho Tổ Quốc Không Gian

Thiếu tá Nguyễn Gia Tập.

Chắc chắn trong chúng ta chưa một lần nghe nhắc đến tên anh nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nêu tên anh cùng với những người con đã viết lên trang sử kiêu hùng của Quân chủng KQ/VNCH nói riêng và Quân Lực VNCH nói chung. Đó là Thiếu tá Nguyễn Gia Tập, anh thụ huấn khóa 64D phi hành tháng 10 năm 1964, sau đó tốt nghiệp T28 ở Randolph AFB,Texas và là một TopGun khóa A-1H ở Hurlburt Field.Florida, Hoa Kỳ.

Sau khi hoàn tất các khóa huấn luyện, về nước anh được chuyển về phục vụ tại Phi Đoàn khu trục 518 Biên Hòa, Anh là một phi công lẫy lừng lập nhiều chiến công trong các chiến dịch hành quân cấp Sư, Quân đoàn. Sau đó anh được tuyển chọn làm Sĩ quan liên lạc trong trường bay huấn luyện Keesler, Hoa Kỳ.

Trong thời gian này anh đã góp công rất nhiều trong việc chỉ dẫn giúp đỡ các SVSQ yếu kém để khỏi bị loại vì thiếu khả năng phi hành. Hết nhiệm kỳ anh trở về phục vụ tại Khối Đặc Trách Khu Trục, Bộ Tư Lệnh Không Quân.

Vào buổi sáng ngày 30 tháng 4 -1975 sau khi nghe được lệnh buông súng đầu hàng của “Tổng thống 1 ngày” Dương văn Minh, anh đau đớn phẫn uất và như thể đã có sẵn sự quyết định cho mình từ trước, anh mặc đồ đại lễ KQ với đầy đủ cấp bậc, Huy chương lên xe chạy thẳng vào Bộ Tư Lệnh, phòng Đặc Trách.

Chính tại nơi này anh đã rút súng bắn vào đầu tự sát quyết thà chết không để rơi vào tay kẻ thù. Cái chí khí Kiêu Hùng Bất Khuất của anh không thua kém gì các bậc Tướng Lãnh như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ. Anh xứng đáng là một Anh hùng Liệt Sĩ cho hậu thế noi gương.



Tài liệu từ Quân Sử Không Quân VNCH.

khongquan2
06-05-2014, 06:33 AM
Xin đính chánh:

Thiếu tá Nguyễn Gia Tập, phục vụ tại Khối Đặc Trách Khu Trục/BTLKQ.
Chứ không phải Thiếu tá Nguyễn Duy Tập, phục vụ tại Phòng Đặc Trách Khu Trục/BTLKQ.

http://hoiquanphidung.com/upload/hqpd1/Th.ta Tap.png