PDA

View Full Version : Ra tù ngày cuối năm



Longhai
05-30-2014, 03:54 AM
Ra tù ngày cuối năm


Đoàn Ngọc Nam


Không hẹn, chẳng rủ mà mọi người đều hành động rất giống nhau. Nét mặt buồn thiu rũ rượi, áo bỏ ngoài quần xốc xếch cũ mèm. Họ lủi thủi kéo nhau về hướng Khách sạn Đống Đa, Đà Nẵng, vào buổi sáng sớm ban mai, mưa Xuân mà không thể nào làm mát được lòng người. Cái ngày tủi nhục 5 tháng 4 năm 1975 nhớ mãi, dù biết rằng khi đi trình diện “Cách mạng” coi như tự mình chọn con đường tử, nhưng còn biết cách nào hơn ?

Qua thủ tục bắt buộc, phân chia ra 3 Khu vực tập trung cho từng khối : Thiếu Úy,Trung Úy và từ Đại Úy trở lên tập trung chung một chỗ. Đoàn xe cuối cùng áp tải những Sĩ Quan từ cấp Đại Úy trở lên, được lệnh đóng cửa, thả bạt che kín mít bít bùng. Mỗi lần xe chạy qua ngã tư, nhìn qua khe hở, trông thấy từng họng súng thượng liên đen ngòm, đặt sẵn trên gác cao, làm dàn chào uy hiếp thật khủng khiếp. Cuối cùng đoàn xe ngừng lại, mới nhận ra đây là Quận Điện Bàn. Trên 800 người đông nghịt, dồn ép vào những dãy nhà hành chánh của Quận. Mạnh người nào người nấy tự chiếm lấy chỗ nằm, trên cái bàn, chiếc ghế dài hoặc ngay góc xó nền nhà. Khi ra đi trình diện, ai nấy duy nhất chỉ có một bộ đồ mặc trên người. Nên về đêm mới thấy lạnh, bèn rủ nhau vào kho tiếp liệu tìm kiếm cái gì để đắp che thân. Không biết ở đây tại sao có nhiều vải trắng quá, mỗi người chia nhau một khúc làm mền. Nhìn cảnh tượng về đêm không khác như một nhà xác, kinh khủng quá và nỗi buồn khó diễn tả dành người thua cuộc...

Vừa mới ở đây chưa được bao lâu, bệnh đỏ mắt cấp tính phát sinh, mới đầu vài người, sau lây sang tràn lan cả đám. Thật khổ sở khi đôi mắt đỏ hoe, lem nhem lập lòe do chứng bệnh thời khí và đông người gây ra. Trong tâm trạng “Nước mất nhà tan” mà còn phải nghe cái giọng the thé đáng ghét, ra rả tuyên truyền ca ngợi chiến thắng suốt ngày đêm. Vui sướng gì trong cái cảnh cá chậu chim lồng, thế mà cũng có kẻ tỏ ra sớm giác ngộ, nghe theo lời khuyến dụ, hăng say làm báo tường, tự biên tự diễn, viết bài làm thơ, tự đặt ra nhiều bút hiệu khác nhau, ca tụng hoan hô “Cách mạng”. Thậm chí còn tệ hại hơn, hạ nhục phe ta bằng hỗn từ “Ngụy”, hết sức bực mình.

Thời gian nầy do “Bộ đội” canh giữ, nên có phần dễ dãi, miễn sao không vi phạm những điều họ qui định. Rồi đến một ngày, đoàn xe Công an đến, đón tiếp anh em Cảnh sát phe ta, với biện pháp hết sức an toàn, không khoan nhượng : trói cột dính chùm bằng dây điện thoại, từng tốp ba người với nhau. Tất cả bị điệu ra khám tù (Kho đạn) Đà Nẵng gọi là để “làm việc”. Đầu tiên chụp hình từng người, trước ngực đeo bảng số tù, đầy đủ tên họ với chữ trắng trên nền đen. Lúc nầy anh em mới lắc đầu nhìn nhau, ngậm ngùi cho thân phận, không biết việc gì sẽ xảy ra nữa đây ? Nằm trong bốn bức tường nhà giam, tin tức bên ngoài mù tịt, tâm trạng giao động, bao nhiêu nỗi lo âu, nếu Quân đội ta đánh chiếm lại Đà Nẵng xảy ra ? Đột nhiên, sáng sớm ngày 1 tháng 5, trong tù được loan tin : Sài Gòn đã được hoàn toàn “Giải phóng”, cả phòng giam đồng loạt hoan hô ầm lên… Một thoáng suy nghĩ quá thiển cận, ích kỷ cá nhân cho rằng : Đây là cơ hội thoát được cảnh tàn sát tập thể, như hồi Tết Mậu Thân ở Huế năm xưa ! Niềm hy vọng vừa lóe lên, chợt tắt lịm, quay về với thực tại, tất cả nằm la liệt trên bệ nền xi măng rã rời… Các bạn Nguyễn Đức Thông, Nguyễn Duy Huấn, Phan Khôi, Nguyễn Dạng, Phan Viết Long, Nguyễn Thanh Trợ, Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Văn Sáo, Lê Phán, Nguyễn hữu Đỉnh, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Một…và tôi cùng giam trong khu D. Ban ngày phải chịu cái nóng như lò lửa, vì mái tôle quá thấp sát rạt cay nghiệt, ban đêm thì lạnh lẽo, phòng giam chật chội ẩm thấp, không khí xú uế hết chỗ nói. Thế mà cũng phải ở đây, đi “làm việc” khai cung liên tục cho hết mùa Hè năm ấy, mới đưa đi lao động khổ sai tại trại Phú Túc. Mặc cho đói khát, làm việc cực khổ cách nào đi nữa, cũng không bằng lo sợ bị kiểm điểm, giam phòng kỷ luật, do đám ăng ten báo cáo lập công. Tình trạng lo đút lót bẩn thỉu để dành chỗ hại nhau, như trường hợp của hai người bạn bị đuổi ra khỏi tổ nhà bếp, kèm theo một vố đánh phủ đầu : có hành vi cấu kết phản động…

Chuyển trại, soát phòng và thay đổi chỗ nằm thường xuyên xảy ra, gây nhiều nỗi bất an phiền toái cho người tù là chủ trương của đám lãnh đạo vô thần Việt cộng. Khi anh em chuyển sang trại An Điềm càng thêm gian nan, nghiệt ngã nhiều hơn. Anh em đội “diện rộng”, được đi làm bên ngoài, không dám nhìn mặt anh em đội quản thúc, chỉ vì sợ liên lụy. Học tập chính trị, làm bản thu hoạch là hình thức khủng bố tinh thần rất tinh vi và hiểm độc nhất. Kéo bừa thay trâu mà không mất ngủ, bỏ ăn bằng kê khai một bản tự kiểm điểm. Hình ảnh trong cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” thời Đệ Nhất Cộng Hòa lại hiện ra, buồn thay ! Đội cây lớn chuyển gỗ có một số tên quên mất thân phận mình, tưởng đâu “lao động” xuất sắc, được biểu dương, sẽ được ưu tiên ra tù sớm, a dua bắt ép bạn đồng tù làm việc quá sức, hoạnh họe lên giọng như kẻ có quyền. Dám dở giọng : “Các anh chây lười lao động”, nghe nói mà đau lòng lắm. Thú vật còn biết binh vực đồng loại khi lâm nạn, ở đây người đồng cảnh ngộ lại quay mặt với nhau làm gì ? Quả thật một lũ vô liêm sĩ, cặn bã trong xã hội. Bọn quản giáo non choẹt, mạt sát hạ nhục người tù gọi là “giáo dục” thật quá xấc xược, không kể gì đến tuổi tác già cả, xứng cha xứng chú của mình. Danh từ “thăm nuôi” của bọn chúng dùng, tự nó đã mâu thuẩn. Thường rêu rao ở trại quá no đủ, tại sao phải cần thăm nuôi ? Quà thăm nuôi khi đem vào trại, phải qua giai đoạn khám xét, bày ra trước mặt Quản giáo. Buồn thảm nhất kỳ thăm nuôi trong dịp Tết, phần đông anh em ai cũng được gia đình cho bánh tét, có bao nhiêu đòn cũng biểu lột ra hết, họ dùng dao xẻ tanh bành ra làm đôi, để tìm cái gì trong đó ? Thua thiệt cho người tù, không cách nào còn để dành được, của hiếm quí mấy khi có, ăn dần trong những ngày lao động, mưa sa bão táp, cày cấy hoặc lặn lội vào rừng sâu đốn gỗ, khai thác lâm sản…Có lần tên Giám Thị Trưởng nổi điên khùng sao đó, chạy vào trại la lối cái miệng oang oang : dẹp, dẹp hết, không cho thăm nữa ! Thế là những gia đình kế tiếp không được thăm, bà con mình phải ở lại, thức trắng đêm, nơi rừng thiêng nước độc. Hy vọng gặp người thân rất mong manh, khó bề lường trước sự việc sẽ xãy ra cho ngày mai…

Đợt tù ra trại cuối năm 1981, có phần đông hơn so với các đợt trước. Thường lệ, trước khi được ra về phải học tập, tiếp theo làm kiểm điểm cam kết mất một tuần lễ, mới nhận được Giấy xuất trại ra về. Kỳ nầy không được như thế, phải ở lại làm xong con đường mới, để chào mừng phái đoàn ở Tỉnh lên thăm trại và luôn thể dự khán buổi lễ phóng thích tù nhân, nhân dịp Tết Tân Dậu (1982). Thực ra, con đường nguyên thủy người ta đã mở thẳng lối, đắp cao thành hình từ hồi nào lâu rồi. Bây giờ lại muốn đưa sát vào chân núi, trở thành ngoằn ngoèo khúc khuỷu, thua xa con đường cũ. Dụng cụ, phương tiện giao cho để thực hiện làm đường, không ngoài cuốc xẻng, trạt gánh đất và cốt yếu tận dụng sức người là chính, thì làm sao đủ khả năng, thực hiện một công trình qui mô như thế bao giờ. Cho nên, sau một ngày ra sức đào đắp, tối về nghe trời đổ cơn mưa xối xả, sáng hôm sau trở ra thấy tạc hoạc tan tành, ở những chỗ có khe nước chảy đổ ra. Làm đường sá theo kiểu đó, cũng giống như tạo lập hồ chứa nước, chỉ có tận dụng hoàn toàn đất, đắp lên thành một bờ cao mà ngăn chận giữ nước lại. Đến hồi mưa lớn, hồ chứa nước đầy ắp vỡ toang, cuốn trôi theo khối lượng đất cùng đá khổng lồ, phủ kín vùng ruộng lúa đương xanh tốt, trở thành bãi đất đá hoang tàn. Chủ yếu của họ ưa phô trương cái óc sáng tạo, không cần biết hậu quả tai hại sẽ xảy ra, dù cho việc thực hiện có thiếu vật liệu cần thiết như xi măng, sắt thép và nhất là phải nắm vững phần kỹ thuật.

Như thường lệ từ trước đến giờ, hể ai ở đâu được về đó. Ra trại lần nầy, anh em ở Đà Nẵng bị xui xẻo, không được phép trở về vùng bất cả xâm phạm của họ. Cũng vì thế, khi vừa đến trình diện đồn công an Thanh Bình, tên công an khu vực ghi ngay trên giấy ra trại của tôi : 3 ngày sau phải lập tức rời khỏi Đà Nẵng. Khiếp thật, chưa thoát được các bộ mặt cú vọ, rặt toàn một mống như nhau, nơi nào cũng như thế. Bị đuổi riết rồi cũng quen, đâm ra ù lì chịu trận, ráng cho qua ngày. Mỗi lần phường gọi ra, phổ biến kế hoạch đi kinh tế mới, không khỏi phập phồng lo âu, chẳng may gia đình lọt vào danh sách, chuyến đi đày khổ ải sắp tới. Chúng khuyến khích lên vùng Cao nguyên có sẵn một rừng cây tràm, cây lá chũi mênh mông bát ngát, tha hồ mà nấu dầu sinh sống, chứ ở Thành phố có cái gì cho không đâu như ở Cao nguyên, bu đây có mà chết đói cả đám đó nghe ! Lối tuyên truyền láo khoét xưa rích, mọi người có mặt tại Hội trường đều rõ lối nói như vẹt của bọn chúng, có ai tin đâu ? Dụ khị không xong, bèn đưa ra giải pháp : đóng tiền cho người khác đi thế (?). Lối giải quyết ổn thỏa hay thật, cả hai đều có lợi, tội gì không chấp thuận để lỡ mất cơ hội đề nghị hợp lý như họ nghĩ. Không còn chính sách nào dã man, vô nhân đạo hơn chủ trương tịch thu nhà ở của thành phần đi tù về. Nhà cửa là tài sản tư hữu của người ta, do mồ hôi sức lực làm nên, chứ có phải do bóc lột cướp giựt của ai đâu? Thật buồn cười, cướp ngang xương, chỉ cần gán ghép cho cái tội thật vu vơ: “Làm tay sai cho đế quốc Mỹ”. Kể như chào thua cái bọn man rợ, chuyên dùng luật rừng để xử sự như thế, mệnh danh là “Xã hội Chủ nghĩa”.

Ra tù trở về làm công dân hạng 3, không “hộ khẩu” suốt 10 năm, một đoạn đường đời đầy thê thảm, đen tối nhất. Bỗng đâu tin vui đưa đến, tù cải tạo trên 3 năm được đi Mỹ định cư. Tâm trạng của người sắp thoát nạn, có khác chi một người lọt vào dòng nước xoáy, bắt gặp được chiếc phao để sống còn. Bây giờ sống trên miền đất hứa, đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Xin chân thành tri ân những người đi trước, đã có nhiều công lao khai thông, mở lối thoát và dẫn dắt cho kẻ đến sau. Đặc biệt Tạ Ơn nước Mỹ, Nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem lại cho chúng tôi đời sống ấm no, hạnh phúc và nhất là được làm công dân Hoa Kỳ, hưởng mọi quyền lợi của đất nước nầy dành cho.


Đoàn Ngọc Nam
California, năm Quý Tỵ (2013)


Nhớ Sài Gòn

Sài Gòn chợt mưa chợt nắng,
Buồn thay, tay trắng đổi đời năm xưa.
Vĩa hè bất kể sớm trưa,
Gánh hàng bày bán dạ thưa chào mời.
Ông anh ! hủ tiếu ghé xơi,
Thêm, Cà phê đá nghỉ ngơi rồi về.
Cuộc đời còn lắm nhiêu khê,
Hơi đâu mà trách khen chê luận bàn.
Ra về tâm trạng hoang mang,
Chim lồng, cá chậu bất an tháng ngày.
Rồi đây ác mộng tỉnh say,
Rừng thiêng nước độc đắng cay muôn phần.
Dầu cho đày đọa tấm thân,
Sài Gòn biểu tượng xa gần nhớ thương…


Đoàn Ngọc Nam