PDA

View Full Version : Thoát



Longhai
05-25-2014, 04:54 AM
Thoát



Lâm Minh Sơn


Để tưởng nhớ K1 Nguyễn Hữu Trí


Việt Nam, 1980 - 1982 :

Đây là lần thứ hai T. bị cùm kể từ ngày trình diện “học tập cải tạo”. Vốn tính bướng bỉnh và khôi hài, dù hai chân bị còng vào vách phòng giam, phải nằm ngửa mặt lên trời suốt ngày đêm T. vẫn có thể bật cười khi nhớ lại lý do mình bị cùm. Hai đêm trước, ban giám thị trại tổ chức văn nghệ cho tù xem, khi ban hợp ca trình diễn bài “Thành phố mang tên người” bắt đầu hát : “Từ thành phố này người đã ra đi…”, thì T. hát đệm theo “Sao không đi luôn, sao không đi luôn”. Khi đến câu, “Bao năm ước mơ đón bác trở về”, T. lại đệm tiếp : “Về mà làm gì, về mà làm gì !”

Tuy T. hát nhỏ nhưng các bạn tù vẫn nghe được cười ồ lên khiến cán bộ VC giữ trật tự chạy đến hỏi lý do, và hôm sau T. bị đưa đi “nghỉ mát” vì tội xem thường lãnh tụ.

Đã có kinh nghiệm của lần cùm trước, T. không mong đợi ngày ra vì càng trông ngóng thì càng mất sức chịu đựng. T. nhắm mắt lại và thả hồn về quá khứ…

…Cuối thập niên 1960, T. là sinh viên đại học. Vốn đi học sớm và không bị rớt kỳ thi nào nên anh không bị ảnh hưởng gì về chính sách động viên của Chính phủ, nhưng nhìn thấy bạn bè cùng lớp với mình lần lượt nhập ngũ, T. nghĩ mình không thể hưởng nhàn được nên tình nguyện ghi danh vào trường võ bị Thủ Đức khóa 27 dù điều này làm trái ý cha mình. Không biết do định mệnh hay phước của ông bà mà cuộc đời của T. dù gặp bao lần hiểm nguy trong binh nghiệp cũng như trong tù đày anh đều thoát cả.

Mãn khóa Thủ Đức, T. được điều về tiểu khu Long An và được chỉ định làm trung đội trưởng một trung đội Địa phương quân. Với chức vụ này, trong một lần bị phục kích, T. bị trúng đạn. Anh chưa cảm nhận được mình bị thương ở đâu thì bất tỉnh. Khi trực thăng tải thương đến, vì được khiêng lên trước nên băng ca của T. móc ở tầng dưới. Lính truyền tin của T. cũng bị thương và được và được đưa lên sau nên băng ca của anh này móc trên băng ca của T. Anh này bị thương nơi cánh tay mà lại nằm với tư thế đưa tay ra ngoài băng ca nên máu từ vết thương chảy xuống nhễu ngay trên đầu của T. Khi nhân viên tải thương lên phi cơ để cùng theo lên Tổng y viện Cộng Hòa thấy T. đang bất tỉnh mà đầu đầy máu nên về báo với Tiểu khu là T. khó qua khỏi.

Tại bênh viện, Bác sĩ cho cạo đầu T. thì không thấy vết thương nào cả, mà chỉ thấy vết thương ở chân do đạn xuyên trổ qua nhưng không chạm xương nên băng lại và vài ngày sau T. đã chống nạng đi được nên cho xuất viện. Khi T. về lại đơn vị trình diện Tiểu khu trưởng thì cả BCH Tiểu khu vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên nhìn anh giống như nhìn kẻ chết đi sống lại.

Sau vụ thoát nạn này, cấp trên thấy T. lanh lợi lại vừa mới bị thương nên quyết định cho anh đi học khóa tình báo tại Trường Quân Báo Cây Mai. Với khóa học này, T. nghĩ là mình đã mang được chữ Thọ vào người, vì trong quân ngũ, anh sẽ được chỉ định chỉ định công tác theo ngành chuyên môn của mình, nhưng định mệnh của T. không phải như vậy. Sau khi mãn khóa, anh được thăng cấp thiếu úy và được chỉ định làm Trưởng Ban 2 Chi khu Rạch Kiến. Khi lực lượng Địa phương quân được phát triển mạnh để bảo vệ an ninh địa phương, T. được thăng cấp trung úy và được chuyển qua một Tiểu đoàn ĐPQ với chức vụ Trưởng Ban 2 Tiểu đoàn. Tại đơn vị này, không biết may hay rủi, T. được Đại úy Tụ, Tiểu đoàn phó thương mến một cách đặc biệt. Ông này dẫn T. đến từng quán cơm, tiệm nhậu và giới thiệu các chủ nhân cũng như nhân viên cho T. biết. Và nơi đây, T. cũng được nhiều cặp mắt xanh chú ý đến, vì anh lúc đó còn trẻ mà đã là một sĩ quan cấp Trung úy rồi. Một trong những cặp mắt xanh này đã nhỏ lệ bởi một sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong đời T.

Qua tin tức ghi nhận, T. phát hiện một đơn vị địch xuất hiện trong vùng hoạt động của Tiểu đoàn. Anh quyết định dẫn Trung đội Trinh sát hành quân trong khu vực để xác nhận tin tức. Không ngờ Đại úy Tụ, TĐP cũng muốn đi và bảo Trung úy Ty, Trưởng ban 3, theo ông tháp tùng lực lượng hành quân. Vì nhận lệnh quá gấp, quân phục lại còn kẹt ở tiệm giặt nên Trung úy Ty mượn bộ đồ rằn ri của T. (Ty và T. ở chung phòng) mặc vội vào rồi chạy theo BCH hành quân.

Cuộc hành quân lục soát kéo dài đến chiều vẫn không phát hiện được gì, T. xin Đại úy Tụ cho rút quân. Nhưng thay vì về lại đường cũ, Đại úy Tụ bào T. đi đường tắt cho mau. T. biết con đường này phải lội qua một con sông cạn và dễ bị phục kích nên cho Trung đội Trinh sát qua sông trước mở đường, còn mình thì ở lại với Đại úy Tụ, Trung úy Ty và nhóm lính thuộc BCH hành quân. Khoảng 20 phút sau, T. sốt ruột vì lính của mình ở bên kia sông nên nói với Đại úy Tụ cho anh lội qua sông trước, bố trí anh em rồi gọi ông qua sau. Khi T. tới gần bờ phía bờ sông bên kia thì một tiếng nổ long trời lở đất phát ra từ chỗ ngồi của Đại úy Tụ. Lập tức, Trung đội Trinh sát quay trở lại và cùng T. lội về phía bờ có tiếng nổ. Khi lên bờ, T. cho Trung đội của mình rải ra để vừa truy tìm địch vừa giữ An ninh cho khu vực bị nổ.

T. đến chỗ của mình và Đại úy Tụ ngồi nói chuyện khi nãy thì thấy gần đó là xác của ông ta nhưng chỉ còn phần trên thôi ! Anh ngồi xuống nâng mặt Đại úy Tụ lên, chưa kịp hỏi gì thì ông chép miệng: “Em có sao không ?” rồi tắt thở.

Thấy trời đã tối, sợ địch tấn công, T. cố đè nén nỗi buồn, gọi máy xin trực thăng tải thương, rồi cẩn thận quan sát hiện trường. Cách xác Đại úy Tụ không xa là xác của Trung úy Ty, có lẽ anh chết ngay khi mìn nổ. Còn nhóm lính đi theo Đại úy Tụ đều bị thương, không nặng thì nhẹ. Kiểm điểm chi tiết để báo cáo, T. thấy từ ngày về Tiểu đoàn này tới giờ, chưa có lần nào tổn thất nặng như lần này vì cùng một lúc hai sĩ quan cao cấp của đơn vị tử trận, chưa kể số quân lính bị thương.

Sau khi trực thăng tải thương xong, T. cùng Trung đội Trinh sát kéo về đến căn cứ Tiểu đoàn thì trời đã khuya. Vừa bần thần vì mình thoát chết, vừa thương nhờ Đại úy Tụ, T. không ngủ được nên thả bộ ra quán nước bên đường là chỗ hai người hay ngồi tán dóc để uống cà phê. Vừa bước qua cửa, anh đã thấy một số bạn quen cùng đơn vị vẫn còn ngồi trong quán nhưng không đùa giỡn như mọi khi mà mặt mày người nào người nấy đều bí xị. Còn trong góc quán thì cô tiếp viên hàng ngày ngồi chống cằm mà cặp mắt đỏ hoe. Cô này ngồi ngó ra nên khi T. bước thêm vài bước vào trong, thì cô ta bật đứng dậy, mặt sững sờ, chạy ùa ra ôm chầm lấy T., miệng lắp bắp : “Trung úy còn sống hả ?” Số bạn của T. cũng bật dậy đổ xô đến T. để hỏi han.

Thì ra, tại BCH Tiểu đoàn ai cũng tưởng T. chết cả, bởi các lý do : (1) Báo cáo cho biết có hai sĩ quan tử trận, một là Đại úy TĐP và hai phải là T. vì hai người này luôn đi chung với nhau; (2) Trung úy T. mặc bộ đồ rằn ri của T. đi hành quân. Khi 2 xác được khiêng từ trực thăng vào nhà xác, gió của cánh quạt làm tốc một phần vải che xác chết để lộ bộ đồ của T. thường mặc nên ai cũng nghĩ kẻ chết là T; (3) Khi truyền tin gọi về báo Trung úy T. tử trận, họ dùng ngôn ngữ truyền tin “Tư tưởng Rạch giá Ủng hộ trên Tư tưởng đã ngủ (Trung Úy T. đã chết).

Phối hợp các lý do này, nhân viên BCH Tiểu đoàn đoan chắc rằng T. đã tử trận nên truyền miệng với nhau để biết, đồng thời báo cho những ai thân thiết của T. để chia buồn, trong đó có cặp mắt xanh của quán nước này đã nhỏ lệ mà không cần che đậy.

Nói chung, đời Binh nghiệp của T. tuy ngắn ngủi nhưng đã hai lần thoát nạn và khi gặp lại người thân, ai cũng tưởng T. là “Người về từ cõi chết”. Nay nằm nhớ lại những chuyện “Hay không bằng Hên” của mình trong Quân ngũ, T. cũng thấy an ủi và nghĩ lúc nào cái Hên cũng đeo đuổi mình kể cả thời gian bị “cải tạo”.

Trước khi về trại Z 30D này, T. tưởng đâu mình bị cùm cho tới chết vì do tố cáo của một đồng tù làm “ăng ten” báo VC biết anh khai láo lý lịch. Sự thật, khi trình diện, T. đã dấu tất cả những sự kiện liên quan đến nghiệp vụ Tình báo của mình. Dĩ nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn và qua hoạt động của bản thân, anh biết nếu mình nói thật thì sẽ ở tù “mút chỉ”. T. đã dấu được lý lịch từ ngày trình diện “cải tạo” cho đến lúc về trại tù Long Khánh mới bị tố giác. Sau khi thẩm cung, VC cho rằng T. không thành khẩn và sẽ cùm anh vô hạn định.

Khi vào nhà cùm và bị cùm hai chân vào vách buồng giam với tư thế ngửa mặt lên trần nhà, T. nghĩ phen này khó thoát vì dù có chịu đựng được sự đói khát, da thịt cũng bị ghẻ do tình trạng thiếu vệ sinh (ỉa, đái tại chỗ) và nhất là lưng của mình cứ cọ sát với sàn nhà lâu ngày sẽ bị lở loét. Nhưng cái hên lại đến với T. Năm 1979 khi Trung Quốc tấn công để dạy cho VN một bài học thì VC cho gom các tù chính trị vào các trại giam chính chớ không để rải rác các nơi nữa.

T. được cho ra khỏi “nhà đá” để chuyển về trại giam Z30D, Hàm Tân. Tên trưởng trại của trại giam này không quan tâm mấy về lý lịch của những tên “ác ôn” mà chỉ quan tâm đến sức mạnh và trí tuệ của tù để giúp hắn làm ra tiền. Do báo cáo của nhóm tù Long Khánh, hắn biết T. có tài về đàn ca và sơn vẽ nên không tiếp tục cùm anh mà cho anh về đội văn nghệ đồng thời bố trí cho anh đi vẽ trang trí các cơ sở mới được xây cất của trại. Nhưng trong cái rủi có cái may và trong cái may cũng có cái rủi, trong đêm trình diễn của ban văn nghệ ở trên về, T. ngứa miệng ca đệm theo bằng lời lẽ xem thường lãnh tụ của VC giữa chốn đông người khiến tên Trưởng trại không muốn cùm cũng không được. Lần bị cùm này, T. không lo lắng vì biết tên Trưởng trại thế nào cũng thả mình ra để phục vụ cho hắn. Tuy an tâm nhưng vì có qúa nhiều thời gian để suy nghĩ, anh cho rằng cái nạn của mình đang bị không phải là thời gian bị cùm mà là thời gian không hạn định trong trại tù Cộng sản. Muốn thoát cái nạn này, T. không chờ cái Hên tới mà phải sử dụng cái Hay của mình. Đó là kế hoạch phải thoát ra khỏi nhà giam này và cả nhà tù lớn ngoài xã hội. Sau khi dứt khoát với quyết định “Thoát”, anh bắt đầu suy tính kỹ lưỡng mình phải làm gì khi được thả ra khỏi nhà cùm.

Rồi như T. dự đoán, không đầy một tuần bị cùm, Trại trưởng ra lệnh thả T. ra để tiếp tục công việc sơn vẽ trang trí phòng ốc như trước, nhưng lần này anh không được thong dong đi đây đi đó nữa, mà lúc nào cũng có tên võ trang VC theo sát bên.

Tuy nằm “nhà đá” chưa được một tuần nhưng T. ốm đi nhiều. Sinh hoạt hàng ngày chung với T. là người bạn anh quen được tại Z 30D, thuộc nhóm tù chính trị được chuyển từ Bắc vào. Anh này tên Nguyễn Hữu Trí, nguyên Chỉ huy phó BCH/CSQG tỉnh Chương Thiện. Hai người thân nhau vì cả hai đều có máu văn nghệ. Trí ca được cả tân lẫn cổ nhạc, còn T. thì đàn được cả hai.

Khi T. được về lại buồng, Trí mừng lắm, bao nhiêu thức ăn thăm nuôi đều dồn cho T. ăn cho lại sức. Trí càm ràm :

- Mày ẩu quá, đâu có hứng như vậy được. Giữa đám đông làm sao chối tội. Trong này phải cố giữ sức khỏe, để người nhà khỏi phải lo cho mình chứ.

Đã có kế hoạch “Thoát” trong đầu nên T. cười giả lả :

- Tôi hứa với anh là từ đây về sau sẽ không như vậy nữa.

Và quả thật T. đã giữ đúng lời hứa vì anh nghĩ rằng kế hoạch có thành công hay không, trước hết là phải được bảo mật. Muốn như vậy thì phải làm sao, không những cho VC thấy mà bạn tù cũng thấy là anh không còn quậy nữa. Anh tỏ ra ngoan ngoãn chấp hành nội quy của trại đến nỗi bạn tù nhiều lúc nghĩ anh thuộc loại “Thân chính quyền”.

Bước kế tiếp là làm sao thường xuyên liên lạc được với gia đình để hỗ trợ cho hành động của mình. Muốn vậy, T. phải mất nhiều thời gian và công sức để lấy lòng tên võ trang VC có nhiệm vụ theo dõi mình. Tên này còn trẻ, từ ngoài Bắc vào nên thích tán gái miền Nam. T. đã khơi chuyện và giúp hắn làm quen với một cô gái bán câu lạc bộ. Anh tìm mua những miếng “inox” rồi chạm hình bông hoa và tô màu lên, đưa cho tên VC, xúi hắn tặng cho cô gái. Dù có ưa hay không, cô này vẫn vui vẻ nhận qùa và ngồi tiếp chuyện với hắn vì hắn là cán bộ VC dù sao cũng ảnh hưởng đến chén cơm của gia đình. T. lại còn dạy tên VC cách ăn diện và nói chuyện với gái, dần dà, hắn không xem T. như tên tù phải theo dõi mà là quân sư giúp hắn chiếm cảm tình người đẹp.

Sau khi được lòng của tên VC, T. nhờ hắn chuyển thơ nhắn người nhà thăm nuôi nói là để mua quà cho hắn tặng người đẹp nên hắn vui vẻ chấp nhận ngay.

Gặp được người nhà, T. nói rõ kế hoạch của mình và yêu cầu : Chuẩn bị cho T. một số tiền để khi anh vượt ngục, anh không về nhà mà sống tạm ở đâu đó, rồi tìm đường vượt biên; dùng hình của T. còn để lại nhà, bỏ tiền làm một Chứng minh Nhân dân cho anh với hình thật nhưng tên họ và lý lịch giả; làm xong, lên gặp anh lại để thực hiện yêu cầu kế tiếp.

Sau khi chia tay với thân nhân, T. trở về trại cố gây thêm cảm tình với mọi người để không ai nghi ngờ gì về quyết định táo bạo của mình. Riếng đối với Trí, T. không phải tạo cảm tình, mà có tình cảm thật. Anh xem Trí vừa là bạn vừa là anh của mình. T. thấy Trí lúc rảnh hay lấy hình của vợ ra xem nên đề nghị là muốn phóng họa lớn bức ảnh lên giấy cho Trí. Trí mừng rỡ thuận ngay vì biết T. có tài sơn vẽ. T. hứa trong lòng sẽ hoàn thành bức họa trước khi trốn trại.

Theo kế hoạch, T. bắt đầu xem xét địa thế để xem đường nào an toàn cho cuộc vượt ngục. Trước kia, lúc mới về trại này, anh cũng được bố trí lao động trong khu rừng lá và cũng đã chứng kiến việc bố trí của lực lượng võ trang VC khi có tù hình sự trốn trại. Trong trường hợp có hoặc nghi ngờ có tù trốn thì võ trang VC nổ súng báo động ngay, rồi sau đó tổ chức hành quân truy tìm về phía rừng, ngược lại với Quốc lộ. T. cũng được nhiều dịp quan sát đoạn đường từ trại ra Quốc lộ nhờ công tác trang trí cho các cơ sở kinh tài của tên trại trưởng (Quán giải khát, nhà nghỉ,…). Kinh nghiệm cho thấy, những lần có súng nổ báo động, An ninh vũ trang VC dồn hết lực lượng về phía rừng, chớ không quan tâm đoạn đường ra Quốc lộ, và tiếng súng báo động thường nổ sau giờ cơm trưa. Có lẽ VC cho điểm danh khi bắt tù lao động lại và phát hiện tù trốn. Với nhận xét này, T. suy ra muốn trốn trại an toàn phải dùng con đường chạy ngược ra Quốc lộ và phải thực hiện trước giờ cơm trưa.

Nghiên cứu kỹ lưỡng xong thì đúng lúc người nhà lên thăm để cho biết về chuyện tiền bạc và giấy tờ giả đã hoàn tất. T. dăn tới dặn lui người nhà phải làm và làm cho chính xác các việc như sau :

- Gia đình phải nhờ người anh bà con của T. (Khác hộ khẩu) chạy xe Honda lên trại giam đúng 9 giờ sang ngày N.

- Từ Quốc lộ vào trại khoảng 1 km sẽ thấy bên trái có một bụi tre gai rất to, ngừng, đậu xe trước bụi tre, rồi xuống xe giả vờ như đi tiểu.

- Mang tiền, giấy tờ và một bộ quần áo bỏ vô bao nylon máng vào tay cầm của xe Honda.

- Người anh bà con sau đó bỏ xe lại, đi bộ ra Quốc lộ, đón xe đò về nhà.

Trong thời gian chờ đến ngày N, mỗi khi đi với tên VC, T. thường hỏi giờ và làm dấu theo bóng cây để thực hiện kế hoạch cho đúng thời gian. Đồng thời, ngày nào cũng như ngày nào, khi đám tù xuất trại xong, anh rủ tên võ trang VC vào câu lạc bộ uống cà phê và mời cô nhân viên mà tên này muốn làm quen ra ngồi nói chuyện. T. có khoa ăn nói nên cứ mỗi sáng, khi thấy anh và tên VC bước vào CLB là cô Nhân viên ra tiếp chuyện ngay. Khoảng 15 phút sau, anh nháy mắt với tên VC rồi bước ra ngoài đi rảo chỗ này chỗ nọ cho tên VC được tự do tán gái. Nhờ cách này mà lần lần tên VC không đếm xỉa gì tới chuyện vắng mặt của T. khi anh ta có người đẹp ngồi trước mặt nói chuyện.

Tối hôm ngày N-1, T. mang bức họa của vợ Trí cho Trí. Nhìn anh hớn hở ngắm tới ngắm lui bức hình T. cố vui theo nhưng trong lòng không khỏi ray rứt vì ngày mai mình phải chia tay người bạn tâm đầu ý hiệp này và không biết chừng nào sẽ gặp lại. Đau nhất là, vì bảo mật, T. không nói được một lời tạ từ !

Sáng ngày N, T. và tên VC vào CLB uống Cà phê để trò chuyện cùng người đẹp, và như thường lệ, 15 phút sau, anh nháy mắt với tên VC rồi bước ra ngoài, nhưng lần này không phải đi tới đi lui mà đi thẳng tới chỗ hẹn tức bụi tre bên con đường chạy ra Quốc lộ.

Như dự tính, từ xa T. đã thấy ngay chiếc Honda dựng trước bụi tre. Anh cố giữ bình tĩnh, vừa đi vừa nhìn quanh xem có con “bò vàng” nào lẩn quẩn ở đây không. Không thấy ai cả, anh đến xe Honda, tháo bịch nylon, lấy bộ quần áo bước ra sau bụi tre để thay. Cất tiền và giấy tờ vào túi xong, anh moi lỗ chôn bộ đồ trại rồi bước ra, leo lên Honda đạp nổ máy, chạy thẳng về hướng Quốc lộ. Tới ngã ba Vũng Tàu, thay vì quẹo trái về nhà, anh lại đi thẳng lên Sài Gòn. Trước ngày trình diện “học tập”, T. có quen một Bác sĩ thời VNCH mở phòng mạch trong khu chợ Bà Chiểu. Anh tìm tới và may quá vị bác sĩ này vẫn còn làm việc như xưa. T. phải đặt chuyện nói với Bác sĩ là anh vừa vượt biên hụt nên không dám về nhà ngay, xin Bác sĩ cho nằm tạm dưỡng bệnh năm ba hôm và được ông nhận lời. Trong thời gian ở đây, T. nhắn được về nhà cho mẹ biết anh đã vượt ngục an toàn và sống tại Sài Gòn. Nghe tin, mẹ anh vội lên gặp anh ngay để cho thêm tiền vì biết anh là kẻ vượt ngục, không thể sống yên ổn tại một địa điểm được.

Thật vậy, chuỗi ngày kế tiếp tại Sài Gòn, T. sống cuộc sống của kẻ bụi đời. Ngày thì lang thang tìm bạn bè cũ nhờ họ hỏi thăm mối vượt biên, còn đêm thì ngủ bờ ngủ bụi tại các Công viên trong Thành phố. Trong thời gian này, việc vượt biên rất thịnh hành, nhưng các mối mà T. giao dịch đều thất bại. Vì lo cho con, mẹ T. phải bán của cải đưa cho anh nộp đi “bán chính thức” với gía hai cây vàng.

Chuyến “bán chính thức” T. sẽ đi là chuyến do một người bạn tù được thả về giới thiệu và sẽ xuống tàu ngay tại cầu Chữ Y, Quận 5 Sài Gòn. T. nghĩ là chắc ăn, nên thong dong tìm bạn bè từ gĩa, không ngờ gần đến giờ khởi hành anh bị kẹt xe, không đến điểm hẹn đúng giờ được. Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may, khi T. đến nơi thì thấy trên cầu Chữ Y và hai bên bờ sông dân chúng bu đông nghẹt. Hỏi ra mới biết, tàu vượt biên tuy là “bán chính thức”, nhưng phe phái bất đồng, ăn chia không được nên đã nã súng bắn xuống tàu. Khi tàu đang chìm, cũng có nhiều người lội ra được, nhưng có lẽ để bịt miệng nên VC tiếp tục xả súng bắn vào từng người. Kết cuộc, trên tàu không một ai sống sót, kể cả người bạn tù của T !

Tuy chết hụt, T. vẫn cương quyết tìm mối vượt biên “bán chính thức” khác và mẹ lại phải xoay tiền cho anh. Lần này có vẻ chắc ăn hơn, vì xe đưa người vượt biên có 3 bảo vệ VC đi theo. Xe sẽ chạy xuống một tỉnh ở miền Tây và nhiều ghe nhỏ sẽ đưa mọi người ra tàu lớn neo ở ngoài khơi. T. mang theo giấy tờ hình ảnh của mình thời VNCH còn giữ lại được, với hy vọng được ưu tiên trong khi thanh lọc lúc đến các đảo tỵ nạn. Nhưng kiếp nạn của anh vẫn chưa hết, khi xe đến điểm hẹn, mọi người chưa kịp xuống xe, thì một toán VC võ trang xông ra bao quanh xe. Tên trưởng toán nói :

- Đã được 9 chuyến rồi, chuyến này phải xét, để trình báo lại.

Nguyên do là, tuy VC lấy vàng cho đi, nhưng cứ 10 chuyến, chúng bắt một chuyến để che mắt cấp trên và rủi cho T. là anh đi nhằm chuyến thứ 10. Ngồi trên xe, T. biết là không ổn nên bỏ giấy tờ, hình ảnh mang theo vào miệng rồi nhai và nuốt hết vô bụng. Kết quả là T. cùng mọi người vượt biên bị đưa vào trại giam Cây Gừa. Anh lại phải lo lót nhờ người nhắn về gia đình, và lần này, T. cũng thoát được, không phải Hên mà là Hay, nhưng không phải anh Hay mà là bà gìa Hay vì đã kiếm ra 2 cây vàng hối lộ.

T. trở lại Sài gòn sống lang bạt để tránh tai mắt của An ninh. Anh nghĩ mình thoát được cùm, thoát được ngục tuy có khó khăn, nhưng không nhiêu khê và tốn kém bằng thoát khỏi chế độ. Anh không liên lạc với gia đình nữa vì sợ mẹ thương mình mà phải chịu cực khổ dành dụm tiền cho mình. May cho T, không lâu sau, anh lại có mối vượt biên nữa. Chuyến này do nhóm thuyền chài hùn lại đóng tàu vượt biên, không có hỗ trợ nào của VC nên chi phí ít hơn và chỉ trông cậy vào hên xui.

Còn hai ngày nữa thì tới ngày xuống điểm hẹn ở miền Tây, tự nhiên T. có linh cảm mình sẽ thoát được chuyến này nên quyết định về thăm nhà lần cuối. Trời chưa sáng, anh đã ra bến xe Miền Đông để đi chuyến xe đầu tiên về Long Thành.

Bước xuống xe, T. thấy chợ búa, phố nhà đã thay đổi, nhưng căn nhà thân thương của mình vẫn còn chỗ cũ. Anh thấy trước nhà dường như có ai mở quán ăn bán cơm hay cháo gì đó cho người bình dân ăn sáng. Đến gần hơn, anh không kềm được nước mắt khi thấy cô em gái út lăng xăng, vừa múc cháo vào chén, vừa bưng chạy từng bàn. Anh hiểu mọi sự vất vả ở nhà phần lớn đều vì mình. Bước vào sân, T. đến gần em, đưa ngón tay lên miệng ra dấu im lặng rồi dở nón ra. Em gái anh chỉ kêu khẽ, “Anh Sáu”, rồi ùa chạy vào trong nhà gọi ba mẹ. T. bước theo vào thì ba mẹ đã ra tới ôm chầm lấy anh mà không nói một lời nào. T. kéo ba mẹ vào trong nhà rồi tâm sự : “Con cố về lần này thăm ba mẹ rồi đi luôn. Khi nào con được qua Mỹ, con mới nhắn tin về; còn nếu lâu qúa mà không được tin gì thì xem như con đã chết, đừng lo cho con nữa.”

Ba T. gật đầu ra vẻ hiểu ý con trai, còn mẹ thì cứ ôm anh mà khóc. T. thăm nhà đến xế chiều thì đón xe trở lên Sàigòn an toàn không gặp trở ngại gì.

Hai ngày sau, T. xuống điểm hẹn và đúng như linh cảm của anh, tất cả mọi người đi chuyến này đều được thuyền nhỏ đưa ra tàu lớn một cách êm xuôi. Khi tàu chạy ra xa ngoài khơi, T. mới bắt đầu có chút thoải mái vì từ lúc trốn ra khỏi nhà tù VC đến giờ, tâm trí của anh không bao giờ yên ổn cả. Nhưng thoải mái không được bao lâu thì lo lắng lại đến. Nguyên do là tàu đã chạy năm, sáu ngày rồi mà sao không thấy bóng dáng đất liền đâu cả, chỉ có nước và trời thôi. T. không chờ cái Hên nữa mà bắt đầu vận dụng đầu óc. Anh hỏi những người cùng vượt biên với mình và biết được người lái tàu chỉ là chủ ghe chài cá chứ không phải là tài công từng lái ra biển lớn. Anh lên buồng lái trình bày ý kiến của mình. Anh nói :

- Nếu ta đi đúng hướng thì chừng ba ngày đã có thể thấy đất liền của các nước Đông Nam Á rồi. Tôi nghĩ tàu mình đã chạy ngược đường nên càng ngày càng xa ngoài khơi tức là đã chạy về hướng Đông Bắc. Vì không có địa bàn, nên tối nay ta nhìn sao Bắc Đẩu để biết chính xác hướng Bắc, rồi chạy ngược lại, tức là chạy theo hướng Đông Nam thử xem.

Thấy vẻ bán tín bán nghi của chủ ghe, T. quyết định nói thật lý lịch cho họ biết anh là Sĩ quan của Quân đội VNCH đã được Huấn luyện về địa hình. Mọi người nghe xong mừng rỡ, nhưng cũng buông lời trách móc, “Sao cha không nói sớm”, rồi giao quyền quyết định cho T. Tối hôm đó, sau khi định được hướng Bắc, anh cho tàu quay mũi chạy ngược lại, và đúng như dự đoán, chỉ hai ngày sau, hình dạng đất liền mờ mờ hiện ra trước mặt. Mọi người ôm nhau mừng rỡ như chết đi sống lại, và từ đó họ xem T. như là Hạm trưởng của chiếc tàu, sẵn sàng làm theo lời T., khi liên lạc được với những người trong đất liền.

Tuy có gặp vài trở ngại lúc ban đầu, nhưng rốt cuộc, tất cả đều được lên đảo, chờ ngày thanh lọc để được đi đến các nước tự do.

Tóm lại, kế hoạch THOÁT được vạch ra từ 1980 trong lúc T. đang bị cùm mãi đến 1982 mới có kết quả : T. đang bắt đầu cuộc sống trong thế giới Tự do.

Florida, 1986 - 2011.

Từ 1982 đến 1986, bốn năm đầu trên đất Mỹ, tuy không đói khổ, nhưng T. cũng chẳng làm nên cơm cháo gì, chỉ có một điều an ủi là anh đã đem niềm vui lại cho ba mẹ ở quê nhà, không phải bằng những số tiền dành dụm gởi về mà do biết được tin T. còn sống và sống trên nước Mỹ. Anh làm hùng hục suốt ngày, bằng đủ mọi nghề, từ Tiểu bang này qua tiểu bang khác, để cố kiếm tiền để trả ơn ba mẹ, chớ không tính toán gì cho tương lai cá nhân. Đến 1986, đúng là Hay không bằng Hên, T. đến định cư tại Florida và tìm được “một nửa kia” của mình ở Tiểu bang này. Một nửa này không hẳn là tài sắc vẹn toàn nhưng có cùng sở thích với anh và đặc biệt, trong việc tính toán làm ăn, hai người rất tâm đầu ý hợp.

Từ khi lập gia đình, không biết có phải vì tên vợ là Mai, tên một loài hoa, nhưng nói theo giọng miền Nam thì lại như May (Lucky) nên có lẽ nhờ vậy việc làm ăn của vợ chồng T. phất lên như cờ gặp gió. Khai thác sở trường của mình là sơn vẽ, trang trí, T. mở một tiệm vẽ bảng hiệu cho các cơ sở làm ăn khác. Còn bà xã thì có tiệm bán và sửa áo cưới. Chị rất khéo tay, có thể hoàn tất công việc vừa nhanh vừa đẹp. Hai vợ chống lại có khiếu về ca hát, nên bất cứ cuộc vui nào ở địa phương T. và Mai đều tới giúp vui nên rất nổi tiếng, nhất là được giới làm nail kính nể. Bất cứ người thợ nail nào ra mở tiệm đều đến nhờ T. vẽ bảng hiệu và trang trí cho tiệm của mình.

Nhờ tiền bạc kiếm được dễ dàng nên vợ chồng T. sống thoải mái và rất hạnh phúc đến nỗi anh muốn quên hết kiếp nạn của mình trong quá khứ nếu không có cuộc hội ngộ bất ngờ với người bạn cố tri từng biết anh có biệt danh là “Người về từ cõi chết”.

Một ngày đầu năm 1988, trong lúc tìm mua vật liệu cho công việc của mình, T. bỗng thấy ở căn tiệm kế bên có một người đàn bà có gương mặt rất quen, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu. Sự tò mò khiến anh không thể bỏ đi mà cố nhìn cho rõ mặt. Khi bà quay sang thì anh cúi mặt xuống để tránh bị hiểu lầm. Cứ thế, T. cúi lên cúi xuống khoảng ba lần thì một người đàn ông, chắc là chồng xuất hiện. Không biết bà ta nói gì với chồng mà người đàn ông bước gần đến T. Anh bắt buộc phải ngẩng mặt lên, thì người đàn ông reo to, giọng vừa mừng vừa ngạc nhiên : “Mày hả T?” T. cũng lắp bắp : “Anh Trí hả ?”

Thì ra người đàn bà là bà xã của Trí. Lúc trong tù, T. đã xem tới xem lui hình của vợ Trí để phóng họa, làm sao mà không thấy quen cho được. Sau giây phút bỡ ngỡ, Trí chỉ tay vào T. nói với vợ : “Thằng này vẽ hình em đó.” Ngạc nhiên vợ Trí quay sang T :

- Trời đất ! Vậy là anh còn sống hả ? Hồi đó, khi tôi lên thăm nuôi, anh Trí đem tấm hình vẽ của tôi ra và nói anh vẽ tặng cho ảnh một ngày trước khi anh chết. Tôi cảm động qúa nên giữ kỷ vật đó cho tới bây giờ, tuy có lem luốc nhưng nó cũng theo vợ chồng tôi đến Mỹ.

Nghe vợ Trí nói, T. chưng hửng hỏi Trí : “Sao anh nói kỳ vậy ?” Trí vội kéo bà xã và T. vào quán giải khát, kêu nước uống, rồi bắt đầu kể cho T. nghe những gì xảy ra ở trại Z30D trong ngày anh trốn trại :

“Hôm đó, tao và các bạn tù khác đang lao động thì nghe có tiếng súng nổ báo tù trốn. Như thường lệ, tụi tao cứ nghĩ là tù hình sự, nên dáo dác một chút rồi tiếp tục lao động lại. Đến chiều, khi các đội lao động nhập trại thì có lệnh không được về buồng mà tập trung tất cả trong sân trại và cùng ngồi xuống đất giống như mọi buổi sáng chờ xuất trại. Trước mặt tụi tao là tên Phó Giám Thị đặc trách an ninh đứng sau cái bàn được tự giác khiêng ra đặt trước ở đó. Bên phải của tên này là một xe “cải tiến” được dựng đứng lên cho tù thấy trong xe dính đầy máu. Sau khi tất cả đội tù lao động vào chỗ ngồi, tên Phó giám thị VC đưa tay chỉ vào vết máu trên xe cải tiến và nói cho mọi người biết đó là máu của mày. Mày đã trốn trại bị cách mạng bắt được và xử bắn tại chỗ. Hắn còn hù dọa là sẽ tiếp tục điều tra xem có ai tiếp tay không ?”

Nghe xong T. phục sát đất về trò lừa gạt của VC, còn Trí thì tiếp tục nói: “Hồi nãy, gặp mày tao mừng không phải vì “tha phương ngộ cố tri” mà vì tao thấy mày còn sống. Thật sự, không phải riêng tao, mà tất cả các bạn trong tù của mình hồi đó đều nghĩ mày đã chết thật rồi. Tao chờ gia đình mày lên thăm để báo tin nhưng không thấy. Khi được thả về, tao vẫn nhớ và thầm tiếc cho sự yểu mệnh của mày. Tao nhớ mày đã kể cho tao nghe nhiều lần, về chuyện mày thoát nạn trở về mà ai cũng giật mình vì tưởng mày đã chết.”

Trí nói tiếp : “Bây giờ, vợ chồng tao gặp mày ở đây, câu chuyện còn độc đáo ly kỳ hơn mấy chuyện trước nữa. Đúng mày là “người chết trở về”.

Trí ngừng nói và cười khoái chí vì được gặp lại người bạn tâm giao đã từng chia ngọt xẻ bùi với mình trong cảnh khốn cùng nhất của cuộc đời.

Sau lần gặp mặt hy hữu này, Trí và T. khắng khít với nhau như tự thuở nào. Ngoài sở thích ca hát, cuộc sống tự do khiến hai người vừa trình diễn giúp vui trong các “party” của giới trẻ, vừa có thể “lai rai” chút đỉnh.

Trí định cư ở Florida vì có người em làm chủ nhà hàng ở đây bảo trợ nên anh cũng không gặp trở ngại gì về kinh tế. Florida là tiểu bang nổi tiếng về du lịch, nhiều biển nhiều rừng, nhưng Trí bị bệnh suyễn nên không thích hợp với nước và các thú vui ngoài trời. Tuy nhiên, muốn làm bạn vui, T. rủ Trí mỗi người cùng mua một cây súng hơi để đi săn lén chim chóc và thú nhỏ. Mỗi cuối tuần, nếu không có tiệc tùng ca hát thì hai người rủ nhau lái xe đến các khu rừng để săn chim và thú.

Một lần, trong khi đi săn bắn, Trí bắn trúng một con thỏ. Nó bị thương nhưng còn chạy được. T. khỏe hơn Trí nên đã chạy lần theo vết máu của thỏ để tìm. Khi chạy đến một mô đất sau gốc cây lớn, T. la to lên: “Trí ơi, đến đây lẹ đi !” Trí chạy tới, thấy trước mắt hai người là con thỏ bị thương đang nằm ngửa cho bốn con thỏ con dành nhau tìm vú mẹ để bú. Đúng là tình mẫu tử. Dù bị thương, thỏ mẹ vẫn nhớ con, cố chạy về cho con bú. Nhìn cảnh này, hai người chẳng những không bắt thỏ mẹ mà còn hứa với nhau rằng, từ nay về sau sẽ không chơi trò săn bắn nữa. Riêng T. nghĩ, thỏ mẹ tuy bị thương nhưng vẫn thoát được nhờ con của nó, còn mình thì ngược lại, ngày xưa thoát được là nhờ Mẹ. Tự nhiên anh thấy mủi lòng và suốt đoạn đường trở về nhà, hình ảnh của mẹ anh cứ lởn vởn trong đầu.


***

Thời gian trôi qua, hai gia đình Trí và T. xem nhau như người nhà. Cuộc sống trên đất Mỹ đúng là cuộc sống mà hai người từng mơ ước khi còn trong tù. Vợ chồng T. đã sống ổn định từ lâu. Còn Trí, khi qua Mỹ vì bị bệnh suyễn nên được hưởng quyền lợi dành cho người bệnh. Hai con gái của Trí đã trưởng thành và nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Chúng theo nghề làm “tóc” và cũng thành công nên đã mua được nhà riêng cho gia đình Trí. Trí sống thong dong an hưởng tuổi gìa đến nỗi vợ chồng T. đôi khi gọi đùa Trí là “Ông Vua không ngai”.

Nhưng thấy “dzậy” mà không phải “dzậy”. Cuối 2010, ông vua này cảm thấy “long thể bất an” vì bệnh suyễn biến chứng qua phổi, và có lẽ vì lúc trẻ Trí hút thuốc nhiều qúa nên phổi anh có vấn đề (ung thư). Phần T. thì tuy lúc nào cũng hạnh phúc với một nửa của mình, nhưng niềm vui “Tha hương ngộ cố tri” đã bị bức màn định mệnh che phủ. Muốn vui cũng vui không được, muốn lo cũng lo không xong. Cuối cùng, vào một ngày tháng 7 năm 2011, Trí đã ra đi từ “cõi sống” bỏ lại người bạn “Từ cõi chết trở về”.

Ngày đến thăm Trí lần cuối tại nhà quàn, T. thấy gia đình Trí là một đại gia đình có mặt đầy đủ vợ con, em, cháu, và cả sui gia, anh cũng thấy an ủi cho Trí.

Nhìn thấy vợ chồng T., cả nhà Trí nhớ đến tình bạn giữa hai người mà òa lên khóc. T. vốn tánh cứng rắn mà cũng phải đau lòng. Bậm môi để khỏi bật khóc, anh tiến đến vuốt mặt Trí. Nhìn nét mặt thản nhiên của bạn mình, tự nhiên T. tìm thêm được một ý nghĩa cho chữ “THOÁT” mà cuộc đời mình đã trải qua. Thoát gì thì thoát, cũng không thể thoát được qui luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Anh tự thấy an ủi, quay chào thân nhân của Trí và bước vội ra ngoài.

Trên đường đến bãi đậu xe, T. phải đi chậm lại để chờ bà xã đang rề rà phía sau, anh chép miệng cảm khái : “Mắc nợ đàn bà cũng không dễ gì thoát được”.


Lâm Minh Sơn.
Dallas, cuối 2013.