PDA

View Full Version : Sao Anh Không Dìa !



Longhai
05-24-2014, 09:54 PM
Sao Anh Không Dìa !


Nguyễn Hoài Nhân


Không biết bác Năm Sạt có ý gì mà đặt tên cho con gái đầu lòng là hai Đợi. Nghe nói lúc nhỏ chị hai Đợi khó nuôi lắm, nay ốm mai đau, hết ho khò khè thì lại ấm đầu sổ mũi. Cứ vài ba bữa thì thấy bác Năm gái ẵm chị đến nhà ông cốt Cự xin bùa, xin phép, nhưng bệnh vẫn y chang, không bớt chút nào. Riết rồi bác Năm chỉ còn biết cầu Trời khẩn Phật vào mỗi tối ngoài bàn Thiên. Đốt ba nén nhang, bác gái quỳ lạy bốn phương tám hướng. Miệng lâm râm khấn vái điều gì không ai nghe rõ, chỉ nghe được mỗi tiếng Nam mô, Nam mô, Nam mô… Còn bác Năm trai đứng tựa cửa nhìn vợ mà thở dài và… dường như lời cầu xin được ơn trên đoái tưởng nên chị Đợi cũng hết bệnh và lớn dần theo năm tháng.

Cũng bởi do vai vế, tôi gọi chị Đợi bằng chị mặc dù tôi lớn hơn hai tuổi. Ba tôi và bác Năm Sạc là anh em con Chú con Bác. Ông nội chị Đợi là anh của ông nội tôi. Do đó, chúng tôi xem nhau như là chị em ruột.

Chúng tôi cùng học chung một lớp một trường, từ Tiểu học cho đến Trung học, nhưng khi thi Trung Học Đệ Nhất cấp, không may chị bị rớt, thành thử chị đành phải nghỉ học ở nhà lo phụ việc đồng áng. Thấy chị lúc nào cũng buồn buồn, tôi hiểu rõ nỗi lòng của chị, nên một hôm tôi lấy hết can đảm đến thưa với hai Bác xin cho chị học lấy một nghề để tấm thân đỡ vất vả và thân gái khỏi cảnh dầm mưa dãi nắng. Hên quá, hai Bác đồng ý và cho chị đi học nghề may.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, bốn năm sau, chị đã trở thành cô chủ hiệu may lấy tên Đợi Chờ ở dãy phố phía sau chợ cá Đất Đỏ, coi bộ cũng khấm khá lắm. Còn tôi thì trở thành một anh lính. Chị bây giờ là một cô gái đang Xuân tràn đầy sức sống và quyến rũ. Với gương mặt trái soan hồng thắm không một chút phấn son, đôi môi như luôn ướt mộng và cánh mũi thon vừa, càng làm cho đôi mắt dưới hai vòng chân mày hình bán nguyệt như có sức thôi miên người đối diện. Dĩ nhiên có rất nhiều chàng trai lui tới và dệt mộng…

Một ngày nọ, khi được phép về thăm nhà, trong tình cờ tôi ghé tiệm thăm chị và cũng để nhờ chị giới thiệu cho một em, tôi lại gặp Hùng - một thằng bạn cùng khóa, đang ngồi cạnh bàn máy của chị. Hai đứa tay bắt mặt mừng, mầy mầy, tao tao…Tôi không ngờ khi ra trường Hùng lại đổi về đây. Hỏi ra mới biết hắn hiện là Trưởng G. Đặc Biệt Quận Đất Đỏ. Tôi nửa mừng nửa lo cho Hùng, vì công việc của hắn là điểm ngắm của phía “bên kia”. Chúng tôi lời qua tiếng lại trong sự dè dặt tối đa, mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

Rồi chuyện gì đến đã đến. Hùng và chị Đợi thành hôn với nhau. Ngày cưới của hai người không có mặt tôi vì tôi làm việc ở trên E. Đặc Biệt xa quá. Lần lượt anh chị cho nhau hai đứa con, một trai một gái. Đứa trai sao mà giống thằng Hùng như đúc, còn đứa gái lại giống chị như một Thiên thần. Thật là tạo hóa khéo sắp bày…

Bỗng dưng trời nổi phong ba, cuộc chiến đã tàn mà chúng tôi là người thua cuộc. Số phận hẩm hiu dành cho những người bên này chiến tuyến, nghĩa là tất cả phải vào trại cải tạo của phía bên kia. Một tháng, ba tháng, một năm, ba năm và dài dài chưa biết đến bao giờ người tù không bản án mới biết chắc ngày mình được về sum họp với gia đình. Cũng từ đó, chị Đợi vắng bặt tin chồng. Chị chỉ biết là lúc anh từ giã chị để về quê anh ở Biên Hòa đến nay không có được một lần thư. Như bao nhiêu người vợ lính khác, chị đi tìm khắp các trại tù từ Suối Máu, Gia Ray, Bàu Lâm . . . đâu đâu cũng đều bảo là không có anh ở trong đó. Cuối cùng chị liên lạc được với bên chồng thì mới hay Hùng đã chuyển ra Bắc, nhưng không biết chính xác ở nơi nào. Chị buồn nhiều và cũng khóc thật nhiều. Chị khóc thương cho chồng, chị khóc thương cho con, hai trẻ đầu xanh ngơ ngác ! Ba má chị thấy con gái mình ngày càng tiều tụy thân xơ mà lòng đau ruột thắt. Với tuổi già xế bóng, biết làm gì để an ủi cháu con nên đành bất lực.

Bảy năm sau, tức là vào năm 1982, tôi từ miền Bắc được cho về, có ghé tiệm may tìm thăm chị. Cái tên tiệm may Đợi Chờ ngày trước không ngờ lại ứng vận vào cuộc đời của chị hôm nay. Tiệm may Đợi Chờ vẫn còn đó nhưng không có bóng thợ may. Người đợi chờ còn đây mà dáng cũ đâu rồi. Tôi luôn tìm lời an ủi chị rằng chắc chắn anh sẽ về. Cô bác lối xóm cũng khuyên chị nên bớt u sầu còn để lo cho hai con.

Chị không buồn trả lời. Hằng ngày chị thường ngồi trên bàn máy, dõi mắt như hướng về một cõi xa xăm nào đó, miệng thì thầm trong nước mắt đang chảy dài trên đôi má héo hon : “Sao anh không dìa…, sao anh không .… dìa !!”. Bác Năm gái cho biết con Đợi cứ lầm bầm như vậy đã mấy năm nay rồi. Tôi nghe như đất trời thêm một lần sụp đổ…

Chim quốc xa bầy nên chim kêu quốc quốc.
Còn người xa người nên người vẫn đợi mong.



Nguyễn Hoài Nhân