PDA

View Full Version : Bài tình ca ngày đó



dnchau
05-22-2014, 10:51 PM
BÀI TÌNH CA NGÀY ĐÓ

Vi Vân

Cứ mỗi lần nghe một ca sĩ hay một người nào đó hát bài “Tôi đưa em sang sông” là lòng tôi trĩu nặng u buồn, đớn đau, nuối tiếc cho một cuộc tình sớm vội bay xa.

Tôi đưa em sang sông
Chiều xưa mưa rơi âm thầm
Sợ bến đất lấm gót chân
Sợ bến gió buốt trái tim…

Bài hát mà Phương thường ôm đàn hát cho tôi nghe vào những ngày hai đứa còn yêu nhau tha thiết.
Kỷ niệm ngày xưa tưởng đã ngủ yên trong tiềm thức, tưởng đã phôi phai theo giòng đời trôi nổi, tưởng đã xa xôi như đôi bờ đại dương ngăn cách. Nhưng không, những nhớ thương vẫn còn mãi trăn trở trong hồn tôi không bao giờ xóa mờ được.
Gia đình tôi thuở đó sống ở đường Trần Tấn Phát, một con đường ngắn nằm giữa hai đường Duy Tân và Hai Bà Trưng, gần Tân Định. Từ nhà tôi có thể dùng con đường tắt đi qua đường Duy Tân, nhà Phương ở đó. Phương là bạn của chị Thu Hương tôi, chỉ là bạn thường thôi vì hai người tánh tình khác hẳn nhau. Chị Hương hoạt bát, thích nhộn nhịp còn Phương thì trầm lặng, đăm chiêu, có nụ cười ưu tư xa vắng với khuôn mặt hiền lành dễ mến.
Một hôm chị tôi mở “bal” tại nhà. Bạn bè tới thật đông, thật vui nhộn. Tiếng cười nói, tiếng nhạc ầm ỹ làm tôi nhức đầu khó chịu, tôi bỏ đi lên lầu. Đứng ngoài balcon tôi nhìn lên bầu trời, vầng trăng hạ tuần nhạt nhòa yếu ớt như e thẹn vì không đủ sức chống chọi lại với ánh đèn điện sáng choang dưới mặt đường.
Tôi buột miệng:
- Thật tội nghiệp cho vầng trăng
- Em tội nghiệp cho ai vậy Thảo?
Tôi giật mình quay lại xem ai vừa hỏi, thì bắt gặp ánh mắt dịu dàng và nụ cười thân ái của Phương.
Tôi bẽn lẽn nói:
- Em nói bâng quơ vậy thôi, sao anh không ở dưới chơi cho vui ?
- Anh chiều ý bạn bè chớ anh không thích hợp với không khí đó. Anh biết em cũng vậy khi nhìn thấy em bỏ đi lên lầu. Thảo à, anh thấy em u buồn, lặng lẽ, hình như em có tâm sự gì phải không?
- Dạ không, em có tâm sự gì đâu. Em chỉ thấy mình có chút suy tư trong cuộc sống, chút bi quan về tương lai vậy thôi.
Phương nhìn tôi rồi lắc đầu:
- Không nên như thế đâu em. Em còn nhỏ, chỉ nên lo học hành, vui vẻ yêu đời, nhìn về tương lai bằng đôi mắt lạc quan. Em suy tư sầu muộn như vậy ảnh hưởng không tốt cho cuộc đời em sau này. Em có tin điều đó không?
- Em không tin điều đó. Em nghĩ rằng con người ai sinh ra cũng đã có số mạng sẵn rồi. Việc vui vẻ hay ưu tư gì cũng không thay đổi được số mạng đâu anh.
Phương nhìn vầng trăng cuối thu bàng bạc, u buồn lạnh lẽo và nói:
- Có lẽ em thích hợp với vầng trăng kia Thảo ạ. Phải chi ba mẹ em đặt tên cho em là Thu Nguyệt tốt hơn là Thu Thảo, cỏ mùa thu.
Tôi vội cải chính:
- Không phải, là cỏ úa mùa thu.
Phương bật cười lớn, tôi thấy lòng cũng vui vui.
Sau buổi tối đó tôi cảm thấy Phương và tôi rất hợp ý nhau, chúng tôi trở lên thân thiết hơn. Phương thường đến nhà tôi hơn, không phải vì chị Hương mà vì tôi. Anh tỏ ra quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho tôi đủ điều. Có khi Phương ở lại rất lâu giúp tôi giải một bài toán hay dịch giùm tôi một đoạn Pháp văn.
Những ngày cuối tuần Phương đến xin phép mẹ chở tôi đi lễ nhà thờ. Thay vì đi lễ nhà thờ Tân Định gần nhà, chàng chở tôi đi lễ nhà thờ Đức Bà, dưới Sàigon. Sau lễ Phương thường đưa tôi đi ăn kem ở Lan Phương hay Givral. Có khi chúng tôi ra bến Bạch Đằng xem cảnh sinh hoạt trên sông nước, nhìn những chuyến tàu Hải Quân sắp sửa rời bến với những chàng thủy thủ oai hùng đang chuẩn bị cho một chuyến hải hành bảo vệ non sông, tổ quốc. Cũng có khi chàng đưa tôi đi xem phim ở Rex, ở Eden hay Đại Nam.
Dần dần chúng tôi cảm thấy không thể thiếu nhau, không thể xa nhau được. Tình yêu êm ái đi vào đời đôi đứa nhẹ nhàng nhưng rất đậm đà, tha thiết.
Phương mồ côi cha mẹ, sống với người cô ruột không có con cái trên đường Duy Tân. Ngôi nhà rất rộng và vắng vẻ. Cô chàng suốt ngày cứ lẩn quẩn trong phòng đọc kinh, đọc sách, chồng cô thường đi công tác. Cuộc sống của Phương thật cô đơn, lặng lẽ, nên ngoài giờ học chàng chỉ biết ôm đàn hát, như gởi gấm tâm tư vào những lời tình buồn mênh mông, xa vắng.
Có những buổi trưa tôi sang nhà Phương, hai đứa dắt nhau đi lang thang dưới hàng cây bóng mát hoặc ngồi nghe Phương đàn hát. Giọng chàng trầm ấm, ngọt ngào làm tâm hồn tôi bâng khuâng xao xuyến, đôi khi muốn khóc vì lời hát của những bài tình ca dang dở:

Em còn nhớ anh nói rằng
Khi nào em đến với anh
Xin đừng quên chiếc áo xanh…
Em ơi, có hoa nào không tàn
Có màu nào không phai
Như màu xanh ái ân…
Ta quen nhau mùa Thu
Ta thương nhau mùa Đông
Ta yêu nhau mùa Xuân
Để rồi tình tàn theo mùa Xuân
Người về lặng lẽ sao đành?...

Tâm hồn tôi có đôi chút lãng mạng, thích nhạc buồn, thích màu tím cô đơn, sầu mộng. Phương mua tặng tôi một chiếc áo dài màu tím, mỗi lần đi chơi với chàng tôi đều mặc nó và Phương rất vui khi nhìn thấy thế.
Thời gian lặng lẽ trôi, chúng tôi đã sống qua những ngày tháng yêu đương thơ mộng, đầy ắp kỷ niệm êm đềm.
Mùa hè năm ấy, khi tôi sắp sửa thi Tú Tài 2 thì Phương phải lên đường trình diện Trường Bộ Binh Thủ Đức để nhập ngũ. Đêm tiễn đưa buồn não nuột, cuộc chiến nầy diễn ra dai dẳng chưa biết bao giờ mới kết thúc.Từng lớp trai nối tiếp nhau lên đường, Phương cũng như bao nhiêu người trai khác lên đường theo tiếng gọi núi sông. Đêm cuối cùng Phương đưa tôi vào phòng trà International để nghe Việt Ấn hát. Chàng ca sĩ nay có gương mặt đen đen, không đẹp trai nhưng có giọng hát thật tuyệt vời. Một sự trùng hợp đáng nhớ vì đêm ấy Việt Ấn lại ca đúng bài “ruột” của Phương, bài “Tôi đưa em sang sông”.
Tôi nhắm mắt lại, không nhìn lên sân khấu. chỉ để hồn mình chìm mênh mông trong giọng hát trữ tình, nồng ấm của ai đó, của Việt Ấn hay của Phương, tôi rất mơ hồ.

Hôm nao em sang ngang
Bằng xe hoa hay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em
Nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa
Sợ lấm trong bùn khi mưa…

Hồn tôi bay cao theo từng âm thanh, từng nốt nhạc. Chợt có một bàn tay nhè nhẹ đặt lên tóc tôi. Mở mắt ra, tôi thấy Phương đang nhìn tôi, gương mặt chàng đầy xúc động, và tôi thấy một chút long lanh trong mắt chàng. Phương đúng dậy lấy áo khoác lên tôi và nói:
- Thôi mình về đi em, khuya lắm rồi, mai em còn đi học và anh chuẩn bị hành trang để lên đường.
Tôi ngoan ngoãn đứng lên theo chàng. Hai đứa im lặng đi bên nhau, gió đêm thổi về làm lạnh giá hai tâm hồn trong giờ ly biệt. Ngàn câu muốn nói nhưng chẳng thành lời, tà áo tôi bay quấn quýt chân chàng như tình chúng tôi muôn đời còn lưu luyến bên nhau.
Chàng đi rồi tôi trở lại với sinh hoạt của mình. Tôi cố miệt mài trong sách vở để lấy cho được mảnh bằng Tú Tài 2. Phương thường nói với tôi :
“Em phải cố gắng học, phải có nghề nghiệp vững chắc để sau này còn nuôi con, vì tình hình đất nước thế này chắc anh sẽ phải vào lính. Nếu anh có mệnh hệ nào em có thể tự nuôi con lấy”.
Ôi thật là đớn đau, lời nói của chàng như xé nát tim tôi, chúng ta sinh ra trong thời khói lửa, tội nghiệp biết bao nhiêu !
Rồi ngày đó cũng đến. Tôi đậu được Tú Tài 2 và sau đó ít lâu Phương cũng mãn khóa ra trường. Chàng được về phục vụ tại Sư Đoàn 7 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn 4. Chàng nói nơi chàng đóng quân rất gần Saigon, có dịp chàng sẽ về thăm tôi.
Thời gian này tôi đã vào Đại Học nên thì giờ thong thả hơn lúc học thi năm cuối ở Trung học. Mỗi tuần tôi viết cho chàng một lá thư dài nặng niềm thương nhớ, còn thư chàng thì trái lại, rất ngắn, rất vội vã như chẳng có thì giờ để viết. Có khi chàng nói đang hành quân ở Gò Công, có khi nói vừa đánh nhau ở Kiến Hòa, có khi ở Mỹ Tho hay đang dừng quân ở một thôn trang nào đó. Ôi thương làm sao, đời lính gian khổ, nguy hiểm không cùng, nhưng đẹp như một bài thơ.
Những tháng năm dài đằng đẵng như thế tôi cứ vọng tưởng trời xa để nhớ, để thương, để chờ, để đợi và xót xa cho cuộc tình đôi lứa. Để cho chúng tôi được “danh chánh ngôn thuận” hơn, mẹ tôi và cô chàng quyết định tổ chức lễ đính hôn cho chúng tôi. Lần đó Phương về phép, lễ đính hôn của chúng tôi được diễn ra trong không khí gia đình rất đơn giản. Nhìn Phương trong bộ quân phục tôi thấy chàng thay đổi nhiều, anh sinh viên hiền lành ngày nào bây giờ đã chững chạc, đứng đắn, phong trần, mang nét kiêu hùng của người trai thế hệ.
Tôi nhìn chàng:
- Anh mãi là Phương của em chứ?
- Từ lâu, bây giờ và mãi về sau anh vẫn là của em, đừng nghĩ vẩn vơ nữa em.
Phương vòng tay ôm vai tôi, giọng chàng thấp xuống:
- Em biết không, có những đêm nơi tuyến đầu nhìn vầng trăng khuya anh nhớ em tha thiết, nhớ em đến tan nát cả lòng. Anh ước gì được bay về bên em, ôm em trong vòng tay để nghe em kể lể bao nỗi nhớ niềm thương …
Tôi nghẹn ngào xúc động gục đầu vào vai Phương. Chàng ở nhà được một tuần rồi lại trở về đơn vị tiếp tục đời sương gió.
Thế là tôi bắt đầu cuộc đời chinh phụ. Đêm đêm nhìn những ánh hỏa châu lập lòe trên bầu trời ngoài ven đô, nghe tiếng súng vọng về từ xa xa mà nhớ thương ngưòi ngoài chân mây đầu gió.
Mỗi chiều chúa nhật đi lễ nhà thờ tôi cầu nguyện cho chàng được bình yên nơi trận tuyến, cầu xin Chúa thương xót chúng tôi, thương xót cho những cuộc tình xa xôi vì chinh chiến. Mỗi đêm nghe chương trình Dạ Lan gởi cho các anh ngoài tiền tuyến mà tôi cảm thấy như chính mình đang gởi tâm sự đến chàng.
Tôi cũng thường lui tới thăm cô của chàng và tâm sự với cô, những lúc buồn nhớ chàng. Gần một tháng rồi cả cô và tôi không nhận được tin tức gì của chàng, một già một trẻ rất lo lắng, hoang mang, hồi hộp.
Một buổi tối đang ngồi nói chuyện với cô ở nhà chàng thì có tiếng chuông ngoài cửa reo. Cô chàng ra mở cửa, môt anh lính bước vào và lễ phép hỏi:
- Thưa bà đây có phải nhà Thiếu Úy Phương không ạ?
- Đúng rồi, cậu. Cậu là bạn của cháu à? Cháu còn ở ngoài đơn vị chưa về.
Anh lính cúi đầu.
- Xin bà cho mở cửa lớn hơn giùm ạ.
Cô chàng ngơ ngác nhưng cũng nghe lời mở thêm một cánh cửa cho lối đi rộng hơn.
Tôi linh cảm như có điều chẳng lành. Anh lính quay lưng lại, ra dấu chi đó. Tôi nhìn ra ngoài thấy mấy anh lính đang khiêng một chiếc quan tài trên có phủ lá Quôc kỳ đi vào và đặt xuống giữa nhà.
Cô chàng lắp bắp:
- Cái… cái… gì…đây? Ai…ai…vậy. Trời ơi không lẽ….
Anh lính buồn buồn nói:
- Thưa bà, đây là Thiếu Úy Phương. Thiếu Úy đã hy sinh và vì không liên lạc được với gia đình nên theo địa chỉ trong hồ sơ chúng tôi xin đưa Thiếu Úy về nhà..
Nghe xong mắt tôi tối sầm lại, tai tôi ù đi, tôi thấy đất dưới chân mình sụp xuống. Tôi cố bước tới chiếc quan tài nhưng không thể nào nhấc chân lên được, chân tôi như bị đóng cứng xuống mặt đất, tim tôi như bị đâm thủng một nhát quá đau, quá sâu, toàn thân tôi như chết lịm.
Mãi đến khi tôi nghe tiếng cô chàng kêu khóc :
- Trời ơi! Phương ơi. Con không thể chết như vậy, con không thể bỏ cô một mình. Trời ơi…
Lúc đó chân tôi mới nhấc lên được và bước tới ôm chiếc quan tài, nhưng đầu tôi bỗng đập vào đó và tôi ngất xỉu không còn biết gì nữa.
Khi tôi tỉnh dậy, tôi nghe nhiều tiếng ồn ào. Mở mắt ra , nhìn thấy mẹ tôi đang đứng bên giường nhìn tôi thương hại. Mẹ vuốt tóc tôi và
nói:
- Con khỏe rồi hả? Ráng bình tỉnh nghe con.
Tôi vội bước xuống giường, chạy ra phòng khách nơi đặt chiếc quan tài. Tôi quỳ xuống đó, quỳ mãi không biết bao lâu, không một giọt nước mắt nào rơi xuống. Tôi nhìn trân trối vào chiếc quan tài. Trời ơi, sự thật có thể tàn nhẫn và phũ phàng với tôi như thế này sao? Chàng đã nằm xuống vĩnh viễn, muôn đời, ngàn thu không bao giờ trở dậy. Tôi thấy mình tê dại, ngu ngơ vì nỗi đau đớn tột cùng đang tàn phá óc, tim tôi.
Tang lễ Phương có sự tham dự đông đảo bạn bè của Phương và tôi. Ai cũng bùi ngùi, xót xa, thương cảm cho một người bạn bao năm thân thiết, cho một ngưòi trai trẻ đã vội buông rời mộng ước của tuổi đôi mươi, bỏ lại người tình với bao nhiêu đắng cay, đổ vỡ.
Phương được an nghỉ nơi nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Cô chàng đã mua sẵn ba mộ huyệt cho gia đình, nhưng không ngờ người trẻ nhất lại nằm xuống trước nhất.
Bây giờ tôi lại bước vào đời quả phụ, chưa làm vợ đã làm quả phụ thật bi đát tang thương làm sao!
Những ngày chúa nhật tôi đến nghĩa trang thăm chàng với những bó hoa màu tím. Màu tím là màu của tình yêu mộng mơ hay màu của dở dang? Nhưng dù thế nào tôi vẫn yêu nó, vẫn gắn chặt và gần gũi nó như bạn tri âm.
Tôi ngồi hàng giờ bên mộ Phương, tôi tâm sự với chàng, kể về những kỷ niệm thân ái ngày nào. Tôi như còn nghe đâu đây hơi thở của chàng, những lời nói yêu thương tha thiết, tôi như còn nhìn thấy nụ cười và gương mặt đa tình say đắm lòng người của chàng.
Vậy mà tất cả đã xa rồi, đã nằm sâu dưới lòng đất kia. Người con trai ấy đã mang đi tất cả mộng ước của đời tôi, đã mang đi tất cả tình yêu nồng thắm của tôi vào thiên cổ. Rồi thi thể anh sẽ thành cát bụi, sẽ biến vào hư ảo, sẽ xa rời vĩnh viễn vào cõi miên trường, nhưng tình yêu mình có thể tan biến được không anh?
Tôi lau chùi bụi bặm bám trên mộ chàng. Nghĩa trang về chiều tiêu điều hiu hắt, đâu đây một con chim vỗ cánh bay ngang buông tiếng kêu buồn não nuột. Tôi rùng mình có cảm giác như linh hồn ai đó buông tiếng lòng xót xa ai oán. Ôi những chiều xưa ta tha thiết bên nhau, sao chiều nay em bơ vơ cô lẻ giữa chốn này.
Tôi đặt tay lên mộ chàng, nhìn ảnh chàng trên mộ bia bao nhớ thương tràn ngập đổ về. Tôi chợt nhớ tới bài hát được viết cho một chiến sĩ anh hùng đã nằm xuống:

Anh nằm xuống như một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà…
Rồi nằm xuống không bạn bè, không có ai.
Không có ai từng ngày, không có ai đời đời ru anh ngủ.
Mùa mưa tới trong nghĩa trang nầy có loài chim thôi.
Bạn bè còn đó anh biết chăng anh?
Người tình còn đây anh nhớ không anh?
Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên…
Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng
Thiên Đường cuối trời thênh thang.

Bạn bè rồi sẽ xa anh nhưng tôi sẽ không bao giờ quên anh, không bao giờ quên được cuộc tình đầu đời đầy nước mắt này.
Tôi thẫn thờ lê bước rời nghĩa trang, đón một chiêc taxi đi xuống nhà thờ Đức Bà. Quỳ trong Vương Cung Thánh Đường, thánh lễ chiều đông nghẹt người mà sao tôi cảm thấy quá cô đơn. Tôi chắp tay cầu nguyện:
- Lạy Chúa, xin cứu giúp con, cứu giúp một tâm hồn đang đớn đau, oằn oại. đang tan tác rã rời. Xin cho con đủ can đảm và nghị lực để vượt qua giai đoạn này. Chúa ơi! Chúa ơi!
Nước mắt tôi tràn ngập bờ mi, tâm tư tôi tràn đầy uất nghẹn …
Tan lễ tôi lang thang một mình trên những con đường ngày xưa đầy kỷ niệm. Tôi cứ đi, đi mãi, chân tôi tê buốt, đau nhức.
Tôi không biết là mình đã đi qua mấy con đương rồi. Tôi nhớ mình có đi qua rạp Rex, quán kem Givral, Lan Phương, nhưng tôi không còn thích ăn kem hay xem phim nữa, bước chân tôi cô độc, nặng nề gõ nhịp trên hè phố. Một mãnh lực nào dẫn dắt tôi đi đến và dừng lại trước phòng trà International, không ngần ngại tôi bước vào dù chỉ có một mình.
Phòng trà chưa đông lắm, tôi thấy cái bàn ở góc kia là nơi ngày xưa tôi và Phương từng ngồi còn trống, tôi bước tới và ngồi vào đó. Sau khi kêu nước uống tôi viết một mảnh giấy yêu cầu ca sĩ Việt Ấn hát bài “Tôi đưa em sang sông”. Tôi phải chờ sau mấy bài hát mới thấy người ta giới thiệu tới bài đó.
Tôi ngồi im lặng, nhắm mắt lại khi người ca sỉ cất tiếng hát. Giọng ca trầm buồn, nồng nàn như giọng của chàng ngày nào bên tôi, tôi nghĩ đó là lời Phương hát chứ không phải ca sĩ hát.
Tôi thấy lòng mình chùng xuống, mơ hồ, nửa hư nửa thực. Chàng đã về cùng tôi trong đêm nay, đang đưa hồn tôi vào cơn mê bồng bềnh, lênh đênh trong cung đàn xa vắng.
Một giọt nước rơi xuống bàn tay tôi, tôi biết là mình đang khóc. Tôi đã trở về thực tế, nhưng tôi không mở mắt ra vẫn giữ nguyên tư thế đó rất lâu, rất lâu. Mãi đến khi tôi cảm thấy như có hơi thở nhẹ nào đó rất gần, tôi mở mắt ra và bắt gặp khuôn mặt một thanh niên khá phong nhã, lịch sự.
Anh ta nhỏ nhẹ nói:
- Thưa cô, tôi có thể mời cô nhảy với tôi bản này được không?
Tôi lấy khăn lau nước mắt và lắc đầu:
- Cám ơn anh, nhưng tôi phải về nhà vì trễ rồi, mẹ tôi đang mong.
Tôi rời phòng trà khi thành phố Saigon đang rộn rịp với sinh hoạt về đêm.
Gió từ bờ sông thổi vào làm tôi se lạnh nhưng không bằng cái băng giá giữa tim tôi. Từng cặp tình nhân dìu nhau qua trước mắt, khiến tôi càng nhớ chàng da diết. Giờ này linh hồn anh đang lang thang ở một cõi mịt mù, mông lung nào đó có hiểu, có biết cho em không hở Phương? Anh đã lỗi hẹn, anh tệ lắm đó. Anh hứa không bao giờ làm em buồn, làm em khóc, vậy mà anh đã quên hết rồi.
Bước chân tôi đã đi xa vũ trường mà bên tai như còn văng vẳng những lời hát nhức buốt con tim:

Nếu tôi đừng đưa em
Thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối về
Có đâu chiều nay tôi buồn.

Phải rồi, nếu ngày ấy anh đừng đưa em đi về mỗi chiều chúa nhật, nếu ta đừng quen nhau, nếu ta đừng yêu nhau thì giờ đây em đâu buồn, đâu đớn đau cho cuộc ly tan này.
Đêm Saigon vẫn tưng bừng, quyến rũ, tràn ngập tiếng cười, niềm vui, ai biết đâu có một người con gái đang lạc lõng, đang chơi vơi, đang chìm đắm trong nỗi buồn thiên thu, vạn kỷ.

Vi Vân
California.