PDA

View Full Version : Ai Sẽ Lãnh Đạo Việt Nam Chống Tầu Cộng Hiện Nay?



hieunguyen11
05-16-2014, 02:41 AM
Ai Sẽ Lãnh Đạo Việt Nam Chống Tầu Cộng Hiện Nay? – Trần Nhật Kim

Theo tin Petro Times, vào 5 giờ sáng ngày 6-5-2014, Trung cộng đã đưa giàn khoan HD 981vào vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, chỉ cách đảo Ly Sơn 119 hải lý và cách phía nam đảo Hoàng sa 18 hải lý. Sự vi phạm luật biển của Trung quốc khiến tình hình Biển Đông trở lên căng thẳng. Hành động này có thể đưa tới cuộc chiến mà hậu quả khó lường trước.

Hơn thế nữa, hải quân Trung cộng đã ngang nhiên ra lệnh cấm các thuyền tầu không được xâm nhập vào khu vực giàn khoan trong phạm vi cách giàn khoan 1 hải lý. Trước sự vi phạm chủ quyền về lãnh hải của Việt Nam theo Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) mà các bên ký kết, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung quốc về hành động vi phạm này. Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, Trung quốc ngang nhiên tăng khoảng cách tới giàn khoan từ 1 hải lý lên 3 hải lý.

Ngoài ra, để bảo vệ giàn khoan, Trung cộng đã đưa 80 tầu các loại, kể cả tầu hộ vệ có trang bị tên lửa, tầu tấn công và máy bay yểm trợ. Trung cộng cũng tuyên bố sẽ mang 24 giàn khoan nữa vào vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò", mặc dù những vị trí này thuộc thềm lục địa Việt Nam. Để tỏ có chủ quyền, hồi 8 giờ 10 ngày 3-5-2014, tầu Trung cộng đã đâm vào tầu thuộc lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam, gây thương tích cho 6 kiểm ngư.

Nguyên nhân đưa đến sự vi phạm chủ quyền

Ngày 4-9-1958, Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra bản tuyên bố về chủ quyền, trong đó có điều khoản nói về lãnh hải của Trung cộng: "Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan…và các đảo phụ cận, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Trung Quốc…"

Khi nhận được quyết đinh này của Chu Ân Lai, chính phủ Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi Công hàm ký ngày 14-9-1958, với nội dung tôn trọng triệt để quyết định của Trung cộng về hải phận 12 hải lý. Đây là lý do để Trung cộng dựa vào chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Về phương diện pháp lý, hành động công nhận chủ quyền của Trung cộng trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chính phủ Hồ Chí Minh là một hành động lừa gạt, vì vào thời điểm này hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Cộng Hoà. VNDCCH không có quyền nhường phần đất không thuộc quyền sở hữu của mình, đây là một hành vi bất hợp pháp.

Ngay khi Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng chống lại hành động xâm lăng để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Chính quyền VNCH đã gửi văn thư phản đối lên Liên Hiệp Quốc cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới về hành động vi phạm lãnh hải VNCH của Trung cộng. Nhân dân miền Nam đã đồng loạt biểu tình trên toàn lãnh thổ miền Nam, phản đối hành động của Trung cộng.

Trước công luận thế giới ngạc nhiên về hành động gửi Công Hàm công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Thủ tướng Phạm văn Đồng đã biện minh vào năm 1979: "Lúc đó là thời kỳ chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy." Mặc dù vào thời điểm gửi Công Hàm chưa có một cuộc chiến nào xẩy ra tại Việt Nam.

Trước sức ép của công luận, trong buổi họp báo ngày 2-12-1992, Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao của VNDCCH đã phát biểu: "…Với Hiệp định Geneve vào năm 1954, phần lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17, gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản trị của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam phải tập trung mọi lực lượng cho mục tiêu cao nhất để chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ…Trung Hoa đã thuận cung cấp cho Việt Nam một yểm trợ đồ sộ và viện trợ vô giá. Trong bối cảnh đó và bắt nguồn từ nhu cầu cấp bách kể trên, việc lãnh đạo chúng tôi công nhận chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Hoa đòi hỏi…"

Lời phát biểu của Nguyễn Mạnh Cầm càng chứng tỏ dã tâm của chính quyền Hồ Chí Minh, bằng mọi cách để có phương tiện đánh chiếm miền Nam mặc dù phải cắt đất nhượng biển. Với ý đồ bành trướng bá quyền hầu nhuộm đỏ toàn cõi Đông Nam Á Châu của Quốc tế Cộng sản, qua tay Hồ Chí Minh, đã biến các thế hệ người Việt trở thành một thứ lính đánh thuê. Mao Trạch Đông biết Hồ và đám tay chân là những kẻ hám danh tham tiền, nên đã dùng bàn tay Hồ giết hại chính đồng bào của mình. Với khẩu hiệu "Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng" cho ta thấy rõ dã tâm của Mao, mà chính sách "Tầm ăn dâu" đã biến Việt Nam thành một phần đất của Trung cộng.

Theo luật biển 1982, cho phép một hải đảo nới rộng đặc khu kinh tế là 200 hải lý ngoài lãnh hải 12 hải lý, với những điều kiện tự sinh tồn về phương diện kinh tế. Hơn nữa, về phương diện địa lý, hai quần đảo này ở cách quá xa lục địa Trung cộng, nhất là vị trí quần đảo Trường Sa ở cách xa Trung Hoa hơn 1000 cây số, trong khi quần đảo này ở gần Việt Nam hơn.

Để hợp thức hoá về phương diện hành chính, ngày 23-6-2012, Trung cộng đã nâng cấp huyện Tam Sa, một khu vực nhỏ của đảo Hải Nam, để thành lập Thành phố Tam Sa, trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm mục đích quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung cộng đã xây dựng các cơ sở quân sự trên hai quần đảo này coi như để xác định chủ quyền.

Vì những điều kiện đòi hỏi của luật biển 1982 mà các bên đã ký kết, Trung cộng không thể biện minh đường 9 khúc "lưỡi bò" phổ biến năm 2006 thuộc quyền lợi "cốt lõi" của mình hầu chiếm dụng toàn vùng Biển Đông.

Công hàm do Phạm Văn Đồng ký tên là một văn thư không có giá trị về phương diện pháp lý. Việc Trung cộng viện dẫn Công Hàm này để chiếm dụng Biển Đông chỉ là thế của kẻ mạnh. Để có đủ pháp lý đòi lại các hải đảo này, Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải công khai tuyên bố hủy bỏ Công Hàm do Phạm Văn Đồng ký kết, coi đó như một văn thư không có giá trị. Phải lập hồ sơ đưa vấn đề vi phạm chủ quyền của Trung cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và 1988 ra Toà Án Quốc Tế.

Việc Trung cộng đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến các quốc gia trong vùng quan tâm tới hành động gia tăng sức mạnh lấn chiếm tại biển Đông, mà gọi đây là một hành động thách thức chủ quyền. Hành động chiếm dụng trên còn đưa đến tình trạng Trung cộng sẽ gây áp lực đối với các quốc gia trong vùng phải theo áp đặt của Trung quốc về hình thức khai thác nguồn lợi tại biển Đông.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhiều lần phản đối Trung cộng về hành động vi phạm chủ quyền, nhưng sự phản đối này không gây sự quan tâm của Trung cộng. Sự phản đối của Việt Nam theo tính cách ngoại giao, như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình, tuyên bố ngày 4-5-2014: "Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982." Và "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối."

Vì không có văn bản dựa vào pháp lý để đưa ra Toà Án quốc tế, nên đây chỉ là một sự phản đối lấy có, không tạo được sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia trên thế giới, việc Việt Nam chờ đợi phản ứng của các quốc gia trong vùng không còn là cách tốt nhất trong giai đoạn này, đừng để nước đến chân mới nhẩy. Việt Nam phải có hành động cụ thể, mới mong có sự tiếp tay của cộng đồng thế giới.

Toàn dân biểu tình chống Trung cộng

Mặc dầu sự vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung cộng về lãnh thổ cũng như lãnh hải trong nhiều năm qua, đảng CSVN và nhà nước XHCNVN chỉ phản đối lấy lệ, chưa có một hành động cụ thể nào về pháp lý hậu thuẫn cho việc phản đối trên. Cho đến giờ phút này Việt Nam vẫn tỏ ra lúng túng tìm ra phương cách đối phó với hành động chiếm dụng lãnh hải Việt Nam của Trung cộng.

Trước nguy cơ Trung cộng chiếm hữu vĩnh viễn phần đất của Tổ quốc, hành động của người Việt trong và ngoài nước phản đối sự vi phạm của Trung cộng là một việc cần thiết. Những cuộc biểu tình tự phát đã xẩy ra vào ngày 10-5-2014, và vào ngày 11-5-2014, tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Sài Gòn, các cuộc biểu tình "được phép tổ chức" đã quy tụ số đông dân chúng tham gia.

Tại Hà Nội, sáng sớm ngày 11-5-2014, hàng ngàn người quy tụ trước khuôn viên Toà Đại sứ Trung cộng với các biểu ngữ phản đối Trung cộng vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, khi đặt giàn khoan HD 981 tại địa điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được ghi rõ trong Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc. Các khẩu hiệu thể hiện ý chí của người dân: "Cực lực phản đối và yêu cầu Trung quốc dừng ngay hành động bất hợp pháp tại vùng biển Việt Nam", "Đả đảo Trung quốc xâm lược", China get out", "Đồng lòng cùng với chính phủ, chống quân bành trướng, bảo vệ tổ quốc."

Tại Sài Gòn, sáng ngày 11-5-2014, trước nhà hát lớn của thành phố, hàng ngàn người với sự hiện diện của một số nhân vật trí thức, đã dương cao các khẩu hiệu "đả đảo Trung quốc xâm lược", "Thanh niên Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo". Đoàn người diễn hành trên đường phố hô to các khẩu hiệu, với khí thế hăng say nguyện hy sinh cho tổ quốc. Cùng thời gian trên, trước khuôn viên chợ Bến Thành đã tụ tập đông người phản đối Trung cộng vi phạm lãnh hải Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại các quốc gia trên thế giới cũng tổ chức các cuộc biểu tình lên tiếng về hành động ngang ngược của Trung cộng tại biển Đông khi đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã gia tăng sự căng thẳng. Tại Thủ đô Washington DC. Hoa Kỳ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã biểu tình trước Toà Đại sứ XHCNVN, phản đối hành động khiếp nhược, bảo sao nghe vậy, bị lệ thuộc hoàn toàn vào Trung cộng, khiến Trung cộng đã có hành động lấn chiếm.

Nhận định của các nhà quan sát trên thế giới

Theo ông Jonathan London: "Chính quyền Việt Nam đang cần một khối đoàn kết và hậu thuẫn của người dân để làm áp lực với Trung quốc. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng xử dụng người dân như một công cụ theo lối khi nào cần thì cho phép biểu tình, nhưng khi không cần thì lại đàn áp người ta là không ổn. Nếu Việt Nam muốn đối phó với thách thức, mà lại là thách thức lâu dài, thì nhà nước phải có một phương cách mới, mà phương cách ấy không có cách nào khác là phải dựa vào người dân."

Về Tổ chức ASEAN, ông Jonathan London cũng đưa nhận xét: "ASEAN không là tổ chức hứa hẹn đối với Việt Nam, vì ASEAN không đồng nhất, lại cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Trung cộng. Tuy nhiên, nếu có được một số tiếng nói như Indonesia và Singapore, cũng rất quan trọng đối với Việt Nam."

Trước tình trạng lúng túng của Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cũng có nhận định: "Do Việt Nam không là đồng minh của Mỹ như trường hợp Nhật Bản và Philippine, người Mỹ chỉ có thể bầy tỏ sự quan ngại và phát biểu rằng đây là hành động có tính khiêu khích của Trung quốc, mà không có thể làm khác hơn."

Nhận định về hành động của Trung cộng khi đưa giàn khoan HD 981 tới vùng biển Việt Nam, Giáo sư Keith Johnson của đại học Berkeley: "Thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi tới Hà Nội là: chúng tôi sẽ khoan bất cứ chỗ nào mà chúng tôi muốn." Giàn khoan HD 981 như một "lãnh thổ đi động" để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó xiết chặt gọng kìm khống chế biển Đông."

Đối với hành động xử dụng tầu ngụy trang dưới dạng tầu Hải giám đâm vào tầu cảnh sát biển của Việt Nam, Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ, ông John Mc. Cain đã nhận định: "Trung cộng phải chịu trách nhiệm. "Các tầu Trung quốc bao vây và đâm vào tầu cảnh sát biển Việt Nam là một biểu hiện quấy rối và hung hăng. Giàn khoan dầu của Trung cộng đặt trong vùng đặc nhiệm kinh tế của Việt Nam, vùng được xác định theo luật biển. Tất cả các quốc gia có trách nhiệm đều có bổn phận yêu cầu lãnh đạo Trung cộng ngay lập tức có các bước đi nhằm làm giảm căng thẳng và trả lại nguyên trạng."

Trước tình thế căng thẳng tại biển Đông, bà Jen Psaki, phát ngôn biên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng: "Chúng tôi rất quan ngại về những hành động nguy hiểm và đe dọa của các tầu trong khu vực tranh chấp. Hành động đơn phương của Trung quốc như là một phần trong cách hành xử của nước này nhằm yêu sách chủ quyền theo cách có thể gây hại cho hoà bình và ổn định của khu vực.

Kết luận

Chính sách "nửa vời" của đảng CS và nhà nước XHCNVN đã đưa Việt Nam tới tình trạng cô đơn. Tại Hội nghị ASEAN, trong bài thuyết trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, cá nhân và các tổ chức Quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Nhưng đó chỉ là lời kêu cứu tuyệt vọng. Không ai tin tưởng về thực tâm của chế độ cộng sản khi chưa có hành động nào chứng tỏ sự quyết tâm đối với lời kêu gọi trên.

Nhân chuyến viếng thăm một số nước Á Châu như Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân và Mã Lai Á của ông Obama, Tổng thống Hoa Kỳ, trong thời gian vừa qua, một số người đã đưa ra nhận định rằng: Việt Nam "bị bỏ rơi". Điều này cũng dễ nhận ra, vì Việt Nam là một nước độc tài cảnh sát trị, tình trạng vi phạm nhân quyền ngày một gia tăng. Thêm vào đó, điều làm người Mỹ không tin tưởng vì chính sách đi "hàng hai" của Việt Nam, một mặt muốn đi với Mỹ để được bảo vệ nhưng mặt khác lại bám theo Tầu để giữ đảng.

Các cuộc biểu tình trên ba miền đất nước chống lại sự vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung cộng, dù tự phát hay cho phép, đã đặt giới lãnh đạo đảng CSVN trước một chọn lựa mới về chính sách đối với Trung quốc. Hy vọng vụ giàn khoan HD 981 đã mở mắt đám lãnh đạo CSVN về tình thắm thiết môi hở răng lạnh của kẻ thù phương Bắc, mà câu nói đầu môi " 4 tốt – 16 chữ vàng", chỉ là mồi nhử, một vỏ bọc che đậy dã tâm bá quyền. Một khi đã thực hiện được tham vọng, Trung cộng sẽ không ngần ngại loại bỏ đảng CSVN, để trừ hậu hoạn "nuôi ong tay áo" của kẻ phản bội dân tộc.

Các cuộc biểu tình của người dân Việt cần được duy trì liên tục trong thời gian tới, để củng cố sự đoàn kết dân tộc trước hiểm họa xâm lăng của Trung cộng. Giới lãnh đạo đảng CSVN không có khả năng lãnh đạo đất nước. Chính sách thần phục Trung cộng bất chấp phải dâng đất và hải đảo miễn là được an toàn trong tình hữu nghị anh em.

Đã tới lúc toàn dân Việt phải đứng dậy để thoát khỏi ách lệ thuộc Trung cộng. Khí thế hăng say của mọi thành phần dân chúng, nhất là tuổi trẻ, thề một lòng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, đang lan tỏa tới mọi miền đất nước. Liên kết với Hoa Kỳ là điều phải làm. Dân tộc chúng ta không cô đơn nếu phải đối đầu với Trung cộng.

Nguồn Báo Tổ Quốc