PDA

View Full Version : Ngày Trở Về



Longhai
04-25-2014, 07:17 AM
Ngày Trở Về


Trọng Ðạt


Hòa đang dựa lưng vào một gốc cây sát bên nhà thăm nuôi của trại tù cải tạo. Chàng mân mê tờ Giấy ra trại trong tay, tờ giấy thể hiện niềm mơ ước bao lâu nay của anh nay đã thành sự thật. Sáng nay trại cải tạo Xuyên Mộc thả về một số khá nhiều Sĩ quan và Công chức chế độ cũ, toàn bộ ba khu đợt này vào khoảng gần hai trăm người. Ðây là khu B, bọn tù được thả đã làm đủ mọi thủ tục giấy tờ, được Ban giám thị phát cho mỗi người mười đồng, họ đang chờ xe của trại chở ra Long Khánh.

Hòa vẫn dựa lưng vào gốc cây trầm tư, mặc tưởng. Trong giây lát, chàng và mấy người bạn cùng nhà như : Nhân, Hùng, Minh, Kỷ, Truyền... sẽ được xe chở ra khỏi khu rừng âm u này để trở về Xã hội loài người. Hoà nhớ lại mới ngày nào Sài Gòn thất thủ, chàng ra trình diện cải tạo, đóng tiền ăn cho một tháng, đem theo vài bộ quần áo đủ dùng. Anh tưởng rằng chỉ học tập một tháng, ấy thế mà ai có ngờ đâu cho đến nay năm năm rưỡi trời đã trôi qua đánh vù một cái y như trong một giấc mơ. Hòa bàng hoàng như vừa tỉnh cơn mơ, chàng không bao giờ tự hỏi :

- "Mình tội tình gì mà tù lâu dữ vậy ? Mình chỉ là Công chức bàn giấy của Chính phủ cũ ?"

Bởi vì nhiều người bạn chức vụ thấp hơn chàng, ra trường sau chàng mấy năm, không những bị đưa ra những trại tù đèo heo hút gió ngoài Bắc mà còn bị giam giữ lâu hơn nhiều.

Hoà nhớ lại mấy năm trước đây, một anh bạn tù ở cùng phòng bảo chàng :

- "Mình làm sao ra được khỏi trại giam cái đã, sau đó phải tính đến chuyện ra khỏi nước".

Và bây giờ chàng đã ra khỏi hàng rào kẽm gai của trại giam, niềm mơ ước bấy lâu nay của Hòa đã thành sự thật. Anh đang đứng bên ngoài hàng rào kẽm gai của trại giam thật sự rồi, không còn là niềm mơ ước nữa. Mặc dù được biết có tên trong danh sách đợt thả kỳ này từ mấy hôm trước, Hoà vẫn còn bàng hoàng như vừa tỉnh giấc mơ. Chàng đã bỏ lại sau lưng căn nhà chật chội, dơ bẩn, hôi hám, nơi mà hàng trăm người sống chen chúc nhau như dòi bọ, giã từ cái kiếp ngựa trâu nô lệ, giã từ những hố cứt người vĩ đại hôi thối ngoài vườn rau đầy những ruồi nhặng bay ào ào như ong vỡ tổ, giã từ cuộc đời mọi rợ, phản văn minh, ghê tởm…

Nghĩ đến đây, Hòa mỉm cười tràn trề hy vọng, nay chàng đã ra khỏi trại giam và một ngày đẹp trời nào đó chàng sẽ ra khỏi nước. Có lẽ không riêng gì Hoà mà hầu hết những người được thả trong ngày hôm nay cũng đều chứa chan hy vọng ở ngày mai tươi sáng. Nghĩ thế, chàng lại mỉm cười và thấy yêu đời lạ lùng, đời chàng còn tươi lắm, còn nhiều cơ hội để vươn mình lên cao.

Hòa bỗng ngước mắt nhìn về phía bãi lao động xa xa bên kia, bọn tù đang thu dọn cuốc xẻng trở về trại ăn cơm trưa. Anh thấy rõ mấy người bạn cùng nhà đang xếp hàng để đi về trại, chàng mủi lòng thương họ và mong cho họ sẽ có tên trong đợt sau. Bỗng hai chiếc xe thăm nuôi chở đầy thân nhân ở Sài Gòn lên đậu xịch gần ngay đấy khiến chàng tỉnh mộng. Kỷ chạy lại bắt chuyện với người tài xế rồi đem cầm chiếc đồng hồ lấy một trăm bạc, người tài xế đưa tiền cho Kỷ và dặn anh mai mốt ra bến xe chuộc lại. Chiếc đồng hồ này Kỷ đã đăng ký từ hồi mới nhập trại, tù nhân phải nộp hết quí kim, báu vật vì họ sợ tù trốn trại dùng đó làm lộ phí.

Kỷ cầm tiền hớn hở bảo anh em :

- Các bạn yên chí, khi nào tới Long Khánh hay Biên Hòa tôi thuê xe cho tất cả về Sài Gòn.

Chẳng bao lâu sáu, bảy chiếc xe vận tải của Chính quyền vượt qua rừng cây tiến vào khu vực thăm nuôi. Hòa, Nhân, Hùng, Kỷ, Truyền, Minh… vội leo lên xe ngay. Họ phải đứng vì không đủ chỗ ngồi. Ðoàn xe từ từ lăn bánh trên con đường đất mòn để ra Long Khánh. Hoà đưa mắt nhìn những hàng cây đang lùi về phía sau trong lòng hân hoan sung sướng, đời chàng đang qua một khúc quanh.

Chừng hai tiếng sau, đoàn xe mới ra khỏi khu rừng cây, lần đầu tiên Hòa và các bạn tù được thấy xã hội loài người sau gần sáu năm xa cách. Hoà vịn tay vào thành xe nhìn xe cộ chạy trên đường, chàng chăm chú nhìn và thấy quang cảnh lạc hậu đến độ như nhận không ra, anh thấy lòng buồn rười rượi trước cảnh bể dâu. Ðến Long Khánh, họ đậu xe cho mọi người xuống tự tìm phương tiện về nhà.

Sáu người bạn ở cùng nhà xuống xe, họ ghé mấy hàng quán gần đấy mua đồ ăn, uống nước rồi ngơ ngác nhìn phố xá. Kỷ tính tình rộng rãi, anh bao tất cả sáu người lên xe đò về chợ Biên Hòa. Chiếc xe cũ kỹ nhưng máy còn mạnh, chạy băng băng trên con đường vắng chừng vài tiếng thì đến một khu chợ búa đông đúc, bác tài đậu xe rồi bước xuống vẫy tay tươi cười bảo.

- Chợ Biên Hoà đây rồi.

Sáu người bước xuống xe trong lòng tưng bừng rộn rã, vai vác túi, miệng tươi cười, họ ngoảnh nhìn phố chợ đông đúc y như lần đầu tiên trong đời được ra chỗ chợ búa đông người. Hoà như đang sống trong mơ, chàng hớn hở quay ngang quay dọc, chỉ tay về phía chợ bảo Minh.

- Chợ cũng đông chứ nhỉ ? Hàng quán đủ cả.

Nhân ghé lại chỗ tủ thuốc lá hỏi thăm cô bé.

- Ngày cô bán được bao nhiêu ?

- Dạ được mười đồng.

Minh, Kỷ, Hùng cũng hỏi thăm bà con nhiều chuyện, cô bán thuốc lá tươi cười nói với bạn.

- Mấy ông cải tạo mới về thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng hỏi.

Thật vậy, sau bao năm sống trong trại giam, nay được trở về Nhân quần Xã hội, họ như thấy một thế giới hoàn toàn mới lạ tự dưng hiện ra trước mắt. Minh, Kỷ lại chỗ đậu xe lam ba bánh hỏi thuê, bác tài biết mấy chàng này là dân cải tạo mới được thả về bèn tươi cười ra vẻ cảm tình bảo.

- Ðược rồi ! Chúng tôi sẽ dành cho các ông một chuyến về Sài Gòn, đừng lo. Bây giờ ngồi uống nước nói chuyện chơi một chút đã, còn sớm mà.

Anh em nể lời bèn ngồi xuống quán nước lộ thiên, bác tài mời họ uống nước ngọt rồi hỏi tiếp.

- Thế các ông thuộc diện cải tạo nào ?

- Chúng tôi là Công chức, Sĩ quan trình diện từ 1975, mới đầu chỉ tưởng học có một tháng nên ai nấy đều sốt sắng ra trình diện. Nhưng mãi đến bây giờ, nhờ học tập tốt nên nhà nước cho về sum họp gia đình.

Mọi người cả cười vui vẻ, đám cải tạo được Nhân dân tiếp đón thân mật đầy thông cảm mặc dù hai bên không phải nói dài dòng văn tự. Bác tài trả tiền cô bán hàng rồi cả bọn cùng kéo nhau lên xe, các anh em được bác tài tính giá đặc biệt.

Xe nổ máy xịch xịch rồi tiến về phía Sài Gòn, bọn cải tạo đưa mắt nhìn xa lộ vắng vẻ buồn thiu và lạc hậu như năm sáu chục năm về trước, loáng thoáng có một ít xe hơi, vài cái xe ba bánh có động cơ, vài chiếc Honda còn lại toàn là xe đạp. Mấy người hành khách đi cùng mô tả cho anh em hay về tình hình kinh tế, đời sống ngoài xã hội mà họ đã không được chúng kiến từ năm sáu năm qua. Mấy anh cải tạo thấy hành khách giấu giếm những bao gạo, bao ngô buôn từ tỉnh này đến trạm kia, họ cũng mường tượng ra được sự khó khăn của xã hội trước mắt mình.

Những người cải tạo lần đầu tiên được chứng kiến xã hội miền Nam dưới chế độ cai trị mới trong ngày được thả về, các anh chăm chú theo dõi, nghe nhìn, quan sát tất cả cảnh tượng đang diễn ra trước mắt. Vẻ u sầu bỗng hiện lên trên nét mặt họ, anh em thất vọng khi thấy cái xã hội họ ao ước được về chỉ là một cảnh tiêu điều thảm não. Hòa, Nhân bất giác nhìn nhau thở dài thườn thượt.

Xe đã qua khỏi cầu Xa lộ ở đầu đường Phan Thanh Giản cũ, Hòa bảo bác tài dừng xe, chàng nhảy xuống vẫy chào anh em rồi đi về phía đường Trần Quang Khải. Anh đi bộ thủng thẳng để có dịp quan sát ngắm nhìn tình hình phố xá của xã hội mà mình đã cách biệt gần sáu năm qua. Hoà thấy y như đang sống trong mơ, y hệt như giấc mơ Trang Sinh Hồ Ðiệp, không biết mình hoá ra bướm hay bướm hóa ra mình.

Ðường phố vừa mới lên đèn, các cửa hiệu cũ kỹ đều đã sáng choang cho thấy những quầy hàng hóa nghèo nàn, mộc mạc và thô thiển. Hòa không thấy dấu tích gì của sự xa hoa bóng lộn ở xã hội chàng đã sống trước kia, mới có gần sáu năm mà chàng thấy nó xa lơ xa lắc như tự thuở nào. Dọc vĩa hè có nhiều hàng quán rong, nhiều người bán lặt vặt như thuốc lá lẻ, trái ổi, trái cóc… những thứ hàng mà người ta chưa bao giờ thấy tại con Đại lộ này năm sáu năm về trước.

Con đường này vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 trước đây thật là vắng tanh vắng ngắt vì nó là cửa ngõ của Cộng quân tiến vào Thành phố, Hòa bỗng nhớ lại những kỷ niệm xa xưa và bây giờ chàng là một người tù xuất trại, tha hồ mà ngắm mà nhìn cảnh bể dâu thay bậc đổi ngôi.

Chừng nửa giờ sau, Hoà rẽ vào đường Hai bà Trưng, tiếng động cơ xe hơi, xe gắn máy khiến cho đường phố còn chút sinh khí, song hầu hết là xích lô, xe đạp… Phố xá buồn tẻ và tiêu điều thảm não khiến chàng thấy nổi lên trong lòng nỗi u hoài khó tả. Ðường phố vắng hơn xưa nhưng giờ này trông vẫn còn tấp nập, một cảnh tấp nập trong sự nghèo nàn. Người dân ăn mặc lam lũ, thoáng trông ta có cảm tưởng như họ là những người sống dưới tỉnh lẻ hay một Quận Huyện hẻo lánh nào, hầu như không còn một chút di tích gì của Thủ đô hoa lệ trước đây.

Hoà đi băng qua cầu Kiệu thủng thẳng hướng về ngõ hẻm nhà chàng, đã bao năm trôi qua nhưng chàng vẫn còn nhớ đường như in trong óc, làm sao quên được những con đường thân thuộc mà mình đã bao lần đi ngang qua. Ðến đầu ngõ, anh hơi bỡ ngỡ vì chưa tìm ra được lối vào, đi lên đi xuống một chặp, chàng lại gần một anh xích lô đang nằm khểnh trên xe như suy gẫm sự đời, Hoà hỏi thăm, anh ta đưa tay chỉ về phía trước rồi uể oải nói.

- Anh đi chừng năm căn nữa là đến đầu hẻm !

Hoà thoáng thấy trên nét mặt, trong giọng nói của anh có một nét buồn và tự nhủ.

- "Hình như ai cũng chán chứ chẳng riêng mình".

Anh tìm ra ngõ hẻm nhà mình và lẳng lặng dấn bước vào. Ðèn điện vẫn sáng trưng trong các nhà hai bên lề cũng như ngoài mặt lộ. Con hẻm cũng nhuốm vẻ tiêu điều, nghèo nàn hơn xưa, đi được chừng dăm bước bỗng có người đập vào vai chàng bảo.

- Về rồi đấy hả ? Nhà đã được địa phương thông báo tuần trước, bà cụ nói với tôi hôm nọ, cả nhà đang đợi anh đấy.

Hoà tươi cười mừng rỡ.

- Cường đấy hả ? Tôi có nghe nói anh về lâu rồi, anh cải tạo ở Hàm Tân chứ gì ?

Ðó là anh bạn cùng xóm, Sĩ quan cải tạo đã được về năm ngoái, rất ân cần tử tế, anh bảo Hoà lên ngồi phía sau xe để chở về cho nhanh.

- Còn nhớ đường về nhà không ? Thôi ngồi lên đây tôi đưa về, nhanh lên kẻo bà cụ mong.

Thế rồi Cường đạp vèo vèo, xe chạy vút một hơi đến cửa, anh ta quay vào trong nhà gọi lớn.

- Bác ơi ! Các anh chị ơi ! Anh Hòa về thật rồi đây này.

Hoà bước xuống đất, nhìn vào trong nhà, bỡ ngỡ như nửa tỉnh nửa mơ. Dưới ánh đèn nê ông trắng bệch, bà cụ và cả nhà vội bước ra cửa nói cười vui vẻ.

- Ơ, Hòa về thật đây này !

Cường dựng xe rồi dìu bạn vào trong nhà bảo.

- Này cẩn thận nhá, giữ mồm giữ miệng tí nhá, bây giờ mà ngã là đau lắm đấy, ngã từ trên giường xuống đất đấy nhá !

Căn dặn bạn kỹ lưỡng rồi Cường chào hỏi mọi người ra về.

Nhà dọn cơm ra bàn, ai nấy ăn uống trò chuyện vui vẻ. Cơm nước xong, mấy đứa cháu đem trái cây bánh kẹo lại đưa cho Hoà ăn tráng miệng. Chàng huyên thuyên kể chuyện trại tù và đợt thả. Nhà cũng cho biết, phường đã thông báo trước ngày chàng được về từ tuần qua. Chị Ba bảo.

- Công an nó gọi tôi lên cho biết nhà mình có người cải tạo tốt được về, anh Công an bảo : "Này chị, tuần tới người nhà chị được về đấy ! Trên trại đã cho chúng tôi biết vậy". Nhưng nhà ta không tin mấy, ấy thế mà nó nói thật.

Trong nhà kẻ nói người cười huyên náo y như ngày giỗ, ngày Tết, hàng xóm nghe tin bèn kéo đến hỏi thăm xúm xít, bà Ba Hạnh nói.

- Cụ phải mổ heo ăn mừng mới được.

Bà Tư bảo Hiển.

- Chị nghe tin cậu về từ tuần trước, nay cậu về thật ! Chị và bà con trong xóm ai cũng mừng cho bác, cho các anh chị trong nhà, thế là tốt lắm, em về lo nhập Hộ khẩu rồi lo công ăn việc làm.

Trong nhà ngày càng vui nhộn hẳn lên.

Hàng xóm đã ra về, nhà mở T.V, đài truyền hình chiếu tiếp cuốn phim tài liệu chiến tranh thật dài về mặt trận miền Đông Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Ðại do tài tử lão thành Burt Lancaster giới thiệu. Người tài tử bỗng nhiên lại gợi cho Hòa những ngày xa xưa chàng có cái thú đi xem xi nê. Tối nay cuốn phim chiếu lại mặt trận Mạc Tư Khoa, quân Ðức đã tiến gần sát Thủ Ðô. Trên cánh đồng tuyết phủ trắng xóa, bên chiến hào, tướng Meinstein trong bộ Quân phục tuyệt đẹp và oai vệ đang duyệt qua hàng quân khi thị sát mặt trận. Tiếng súng nổ ầm ầm bỗng vang lên cùng với tiếng rít tru tréo của cô xướng ngôn thuyết minh chửi bới bọn Phát xít xâm lược đất mẹ Liên Xô.

Phim chấm dứt thì trời đã khuya, Hòa tự nhiên thấy buồn ngủ ríu cả mắt lại, bà cụ bèn sai đứa cháu dọn giường chiếu để chàng nghỉ. Hòa nằm kềnh ra giường, suốt năm sáu năm qua, chưa bao giờ chàng được nằm thoải mái sung sướng như thế này, chưa bao giờ được nằm rộng như thế này. Hòa thích quá bèn nằm duỗi cả hai chân hai tay ra cho bỏ những ngày nằm chen chúc trên tấm phản như cá hộp trong căn nhà chật chội chốn lao tù.



Trọng Đạt