PDA

View Full Version : Dinh Độc lập : Ngày 30 - 4 đến 2 - 5 năm 1975



Longhai
04-24-2014, 06:34 AM
Dinh Độc Lập : Ngày 30 - 4 đến 2 - 5 năm 1975


Võ Đăng Ngọc


Mặc dù đã hơn ba mươi ba năm trôi qua, nhưng cứ mỗi độ tháng Tư trở lại, không ai bảo ai, muôn người dân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa như một - không phân biệt thành phần Dân Quân Cán Chính; trong mọi hoàn cảnh dù nhọc nhằn sinh sống ở trong nước hay bôn ba nơi hải ngoại - đều có những phút giây bâng khuâng, bàng hoàng hồi tưởng về ngày 30 tháng 4 năm 1975 với biết bao kỷ niệm đau thương, tràn đầy nước mắt cùng những ngậm ngùi, xót xa và luyến tiếc cho chuỗi ngày tươi đẹp đã qua. Thật vậy, ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà chúng ta thường gọi ngày Quốc hận hay ngày mất nước là ngày mà cả miền Nam thân yêu của chúng ta rơi vào tay Cộng Sản. Ngày mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử bởi bọn Cộng Sản miền Bắc xâm lược. Không những nền Độc lập, Tự do, Dân chủ đã chết tức tưởi cùng chính thể Cộng Hòa mà cuộc sống ấm no, hạnh phúc của toàn dân miền Nam cũng bắt đầu sa sút thảm hại chết dần, chết mòn từ đó. Hệ lụy của ngày 30 tháng 4 năm 1975 đối với người dân Việt Nam Cộng Hoà quả thật hết sức nghiêm trọng, to tát và xót xa không bút mực nào tả xiết. Cá nhân tôi, hệ lụy của ngày này cũng đớn đau, chua xót không kém vì đã khiến tôi thành một người tù “cải tạo” gần 13 năm. Xác thân bị lưu đày từ Nam ra Bắc, chịu đựng những ngày dài lạnh lẽo, đói khổ ở tận Quảng Ninh, miền địa đầu Tổ quốc: cô đơn trong gông cùm kềm kẹp ở Trại 5 Lý Bá Sơ, Thanh Hóa: cùng những nhọc nhằn, trăn trở trong chốn kiên giam cheo leo, heo hút nơi Trại Thanh Cẩm gần Biên giới Lào Việt... Thật vậy, ngày 30 tháng 4 năm 1975 này vĩnh viễn hằn lại một ấn tượng sâu đậm khó quên trong ký ức tôi dù ngày dài năm tháng. Sở dĩ khó quên vì sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính tôi lại là một trong những chứng nhân hiếm hoi đã hiện diện trong Dinh Độc Lập chứng kiến những giây phút lịch sử sang trang quá đớn đau của miền Nam Việt Nam thân yêu. Tôi xin ghi lại trung thực những giờ phút lịch sử ấy nhằm góp phần khôi phục sự thật khách quan đã bị bộ máy tuyên truyền gớm ghiếc của Cộng Sản trắng trợn xuyên tạc cũng như từ đó có thể rút ra một bài học lịch sử nhớ đời cần thiết cho những người vẫn hằng quan tâm đến nền Tự do, Dân chủ cho đất nước Quê hương và Dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi đến Dinh Độc Lập sau 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tình hình lúc bấy giờ tương đối yên tĩnh và vắng vẻ vì ít người qua lại trong dinh. Được biết trước đó không lâu, một số anh em Binh sĩ và Sĩ quan thuộc Lực lượng Lôi Hổ đã đến tập họp ở sân cỏ, trong vòng rào sắt, nằm ở mặt tiền Dinh, với ý định quyết tử thủ cùng Cộng quân đến giọt máu cuối cùng. Nhưng vì phải tuân lệnh buông súng của thượng cấp, số anh em binh sĩ này chuyển ý và định dùng lựu đạn tự sát tập thể. Sau khi chất vấn và được Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, với tư cách Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, giải thích, số Quân nhân Lôi Hổ này đã bất mãn tự ý bỏ đi. Chiếc trực thăng ứng trực, duy nhất và sau cùng cũng vừa được lệnh của Tổng Thông Dương văn Minh cho di tản và đã cất cánh bay đi.

Trung Tá Chánh Văn Phòng của Tổng Thống Minh cũng cho biết thêm là đất nước hiện đang trải qua một tình huống thật hết sức nghiêm trọng, nếu không muốn nói là thê thảm. Các Tướng lãnh cũng như các Đơn vị trưởng Quân đội cấp Trung ương hầu như không ai có mặt tại đơn vị. Ngay như Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng vùa được chỉ định bởi Tổng Thống Minh, cũng đã được Mỹ bốc đi đêm qua.

Vào khoảng 11 giờ sáng, Thủ Tướng Vũ văn Mẫu được đoàn Mô-tô hộ tống đưa vào dinh để gặp Tổng Thống Minh. Trong phòng khánh tiết bên cánh trái dinh Độc Lập lúc này cũng khá đông, trên dưới ba mươi người, mà tôi còn nhớ một ít vị là thành viên nội các cũ như các ông Nguyễn văn Hảo, Nguyễn văn Diệp, Chủ Tịch Giám Sát Viện Bùi Hòe Thực, một số thành viên thuộc nội các Vũ văn Mẫu như các ông Bùi Tường Huân, Bùi Thế Dung, Lý Quý Chung, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh và một số Sĩ quan, Binh sĩ tùy tùng.

Chừng mấy mươi con người tập trung tại đây, mặc dầu có mục đích, suy nghĩ cá biệt nhưng nói chung mọi người đều an lòng chờ đợi một biến cố quan trọng đang đến sẽ quyết định cho số phận cá nhân mình cũng như cho vận mệnh tương lai của đất nước thân yêu. Thật sự, cho đến giờ phút này bao nhiêu con người ấy, kể cả Tổng Thống Minh, Thủ Tướng Mẫu đều không biết được rồi đây sự việc sẽ diễn biến như thế nào, tắm máu hay không, một khi Cộng quân tiến vào Dinh Độc Lập, nơi tập trung đầu nảo cuối cùng của Chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.

Trong lúc mọi người đang chờ đợi, Phó Tổng Thống Nguyễn văn Huyền đi vào vừa nói lời xin lỗi vì đến trễ. Ông cho biết đúng ra đã đến sớm hơn, nhưng vì bị kẹt xe nên không thể đến đúng giờ như đã hứa được. Có một chi tiết nhỏ mà tôi thấy cũng nên đề cập đến trong khoảng thời gian nầy là khi đi vệ sinh, tôi có gặp Chuẩn Tướng Hạnh, người duy nhất còn mặc Quân phục Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa, màu ô-liu với một ngôi sao trắng năm cánh đính trên cổ áo. Tôi hỏi : “Thiếu Tướng có thường phục không? Nếu có thì nên mặc thường phục vì khi Việt Cộng vào có thể họ sẽ lăng nhục bộ Quân phục của chúng ta.” Sau đó, tôi thấy Chuẩn Tướng Hạnh đã thay thường phục và khi vào phòng vệ sinh tôi thấy bộ Quân phục nằm dưới sàn gạch ở góc phòng và ngôi sao bạc trên cổ áo đã được tháo gỡ đi.

Đến khoảng hơn 12 giờ trưa, hai chiếc xe tăng mang cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam theo đại lộ Thống Nhất lao vào, ủi sập cổng sắt phía trước và tiến vào sân dinh. Một nhóm Cộng quân, chừng năm, sáu tên mặc Quân phục không đeo cấp bậc, trang bị vũ khí cá nhân chạy lên những bậc thang ở tiền đình, tiến vào dinh. Khi vào đến bên trong, tên đi đầu, có vẻ là tên Chỉ huy, tay cầm súng ngắn chỉa thẳng vào nhóm chúng tôi đang đứng đợi ở hành lang, điệu bộ rất hung hăng, hách dịch quát hỏi: "Thằng nào là Dương Văn Minh”. Tướng Minh bước ra khỏi đám đông, trả lời: "Tôi đây, chúng tôi đang chờ các anh đến để nói chuyện.” Tên cầm súng ngắn với thái độ trịch thượng, bước nhanh tới, một tay chộp áo Tướng Minh, tay kia cầm súng ngắn chỉa thẳng vào ngực Tướng Minh và bảo: "Không có nói chuyện gì cả”. Tướng Minh rất điềm tĩnh, ôn tồn trả lời: "Từ từ, chúng tôi chờ đợi các anh ở đây mà.” Trước sự điềm tỉnh của Tướng Minh, tên cầm súng bớt hống hách, dịu đi phần nào, liền buông tay ở ngực áo Tướng Minh xuống. Ngay lúc đó, một tên lính Việt Cộng khác, tay cầm cây cờ Mặt Trận Giải Phóng, chạy đến hỏi có ai biết đường đưa hắn lên nóc dinh để cắm cờ. Nếu tôi nhớ không lầm thì dường như Đại Tá Chiêm, Chánh Võ Phòng của Tổng Thống Thiệu, người rành địa thế trong dinh nhất trong số những người có mặt lúc bấy giờ, đã phải hướng dẫn tên lính lên nóc dinh cắm cờ. Trong khi đó, Tướng Minh hỏi tên cầm súng ngắn: "Tôi muốn gặp người Chỉ huy các anh.” Tên cầm súng gằn giọng: ”Không có ai để gặp cả, chúng tôi là kẻ chiến thắng.” Sau đó, hắn bảo tất cả chúng tôi đi vào căn phòng lớn kế bên ngay tầng hai và chỉ thị là không ai được ra khỏi phòng, nếu muốn đi vệ sinh hoặc uống nước phải báo cáo với hai tên Bộ đội gác ở phía ngoài.

Gian phòng, khá rộng cho trên dưới ba mươi người chúng tôi, tọa lạc ở tầng hai, bên cánh trái dinh Độc Lập cách hành lang giữa và đối diện với phòng làm việc của Tổng Thống Thiệu nằm bên cánh mặt. Trừ tấm vách cuối phòng bên trái, phần còn lại toàn bằng khung kính trong suồt có màn phủ chung quanh. Nghe nói đây là phòng họp nội các hay phòng Khánh tiết gì đó. Tuy bị giữ ở trong phòng, nhưng chúng tôi rất thoải mái, kẻ ngồi trên ghế, người nằm dài trên thảm. Nhóm này tụ tập nói chuyện ồn ào, nhóm khác ngồi hoặc nằm trầm ngâm, suy tưởng. Khác với mọi người, ông Nguyễn văn Hão lân la ra phía hành lang giữa gợi chuyện cùng tên Cán binh Việt Cộng đứng gác. Tên Cán binh này rất trẻ, mặt non choẹt, mặc Quân phục, không cấp bậc và đeo khẩu AK trên vai, nói giọng miền Bắc. Tôi còn nhớ nội dung cuộc đối thoại giữa hai người đại khái như sau, xin kể ra đây để quý vị độc giả cùng thưởng thức nghệ thuật nói láo của Vẹm :

- Anh ở ngoài Bắc vào ?

- Đúng vậy.

- Trước khi đến đây, anh có đi ngang qua Thủ Đức không?

- Có.

- Thế anh có thấy nhà máy Biến điện thật lớn ở Thủ Đức không?

- Có.

- Thế ở ngoài Bắc, các anh có nhà máy Biến điện như thế không?

- Thiếu chi, cứ vài trăm mét là có một cái.

Thế đấy, đó là lần đầu tiên mà chúng tôi được biết sự nghiệp giáo dục cao qúy của Bác và Đảng đã khéo dạy cho các cháu Thiếu niên miền Bắc tài nói… láo thật là siêu việt.

Đến khoảng 3 giờ chiều, bầu không khí trong phòng vẫn yên tỉnh vâ trầm lắng vì cho đến giờ phút này vẫn chưa có người nào bên đối phương đến tiếp xúc cả. Thình lình, cả tòa nhà bị rung chuyển do những tiếng nổ chát chúa khá lớn và rất gần, không thể phân biệt được do đạn pháo kích hay tiếng bom do phi cơ oanh kích. Đang lúc chúng tôi còn hoang mang, không biết việc gì xảy ra, một Cán binh Việt Cộng, mặc Quân phục nhưng không đeo cấp bậc, bước vào phòng hỏi: “Có ai biết hầm trú ẩn trong dinh ở đâu? Hãy đưa tất cả các anh ở đây tạm thời xuống đấy lánh nạn.” Có tiếng trả lời: ”Không biết hầm trú ẩn, nhưng có biết một tầng hầm”. Thế là chúng tôi được hướng dẫn bởi một vị nào đó mà tôi không nhớ rõ là ai trong chúng tôi, đi xuống tầng hầm. Tuy nói là tầng hầm nhưng thật ra đây chỉ là một gian phòng nhỏ, kích thước mỗi bề khoảng năm thước, nằm dưới mặt đất, bên cánh mặt, liền ngay phía sau dinh và được dùng làm nơi chứa vật dụng cá nhân của các Quân nhân thuộc đơn vị Bảo vệ Tổng Thống Phủ. Sở dỉ chúng tôi suy đoán như thế là nhờ có những ngăn tủ bằng cây dựng chung quanh vách phòng cùng những áo quần và lương khô vương vãi trong phòng. Vì phòng này tương đối hẹp và nóng nực do không có máy điều hòa không khí nên chúng tôi phải chen chúc nhau, kẻ ngồi người nằm, một vài người còn cởi áo ngoài chỉ mặc đơn độc chiếc áo thun. Tướng Minh trầm ngâm ngồi tựa lưng vào cửa ngăn tủ, còn ông Hảo chỉ mặc áo thun và nằm dài trên sàn gạch. Mọi người đều đinh ninh đây là phòng giam mà bọn Việt Cộng dành cho chúng tôi sau khi chúng bắt giữ được hầu hết những thành phần lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa còn nán lại ở Sàigòn. Nhằm làm giảm bớt phần nào căng thẳng, một vài người nghịch ngợm lục lọi các ngăn tủ không khóa, bắt gặp vài bao gạo xấy khô hay một vài bao mì ăn liền. Thế là chúng tôi phân phát và chia nhau những mẩu mì khô nho nhỏ nhai cho vui miệng và chờ thời gian trôi qua. Tuy nhiên, trái với những suy nghĩ của chúng tôi, đến xế chiều chúng tôi lại được đưa lên trở lại phòng khánh tiết trên tầng hai. Trên đường trở lại phòng khánh tiết, chúng tôi có hỏi dò xem lý do tại sao lại có những tiếng nổ đó và được tên cán binh trả lời ngắn gọn và qua loa là: “Quân ta bắn nhầm, không có chi.”

Đến tối khuya, chúng tôi, ngoại trừ các ông Minh, Huyền, Mẫu cùng thân nhân bị giữ ở lầu ba, được đưa xuống phòng ăn để dùng cơm tối. Người đưa chúng tôi đến phòng ăn, như anh ta tự giới thiệu là Thượng Sĩ Mười, tài xế của Tổng Thống Thiệu và là việt cộng nằm vùng. Phòng ăn này khá lớn, chiếm nguyên cánh mặt của tầng một, là nơi dành để chiêu đãi quan khách của Tổng Thống Thiệu. Khi chúng tôi bước vào, việc đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một chiếc bàn lớn, dài nằm giữa và chiếm gần hết căn phòng với hai dãy ghế chạy dài hai bên. Chiếc bàn được phủ bằng một chiêc khăn trải bàn trắng rầt sang trọng, bên trên muổng, niã, và diã ăn đã được bày sẵn. Cơm và thức ăn cũng đã được dọn sẵn trong những tô lớn và dĩa bàn lớn. Nói chung, cách thức trang hoàng và trình bày cho bữa ăn rất là hào nhoáng và sang trọng, nhưng phần thức ăn thì trái ngược, vì chỉ toàn là mỗi cơm hẩm và cá khô mốc mà thôi. Được Thượng sĩ Mười cho biết đây là nổ lực của anh ta và các nhân viên, binh sĩ cũ đến trình diện trong ngày đã dùng hàng tồn kho kiếm được trong Dinh nấu nướng để " Đãi các ông thầy”. Sau bữa ăn chúng tôi lại được đưa trở lên phòng khánh tiết ở tầng hai để qua đêm.

Sau khi trở lại phòng khánh tiết, như đã nói ngoại trừ quý ông Minh, Huyền, Mẫu và thân nhân của ông Minh vẫn bị giữ ở tầng lầu ba, mỗi người chúng tôi liền tự động tìm chỗ nghỉ ngơi cho mình. Rải rác đây đó, người thì nằm trên ghế dài hoặc ngay trên thảm, kẻ thì ngồi trên ghế, người thì vẫn mặc nguyên áo quần, kẻ thì chỉ mặc áo thun hoặc ở trần. Chỗ này tập họp năm ba người ngồi nói chuyện vớ vẩn, góc kia vài ba người nằm riêng rẽ, suy tư chờ giấc ngủ qua đêm. Bên ngoài phòng vẫn túc trực hai cán binh việt cộng với khẩu AK trên vai đứng canh gác. Vì phòng vệ sinh và máy nước uống nằm bên ngoài phòng khánh tiết, nên mỗi khi có người nào trong chúng tôi cần đi vệ sinh hay uống nước thì phải báo cáo với một trong hai cán binh trên. Suốt đêm tuyệt nhiên không một người lạ nào bước vào phòng phiền nhiễu chúng tôi cả.

Hôm sau nhằm ngày lễ Lao Động mồng 1 tháng 5, nhưng buổi sáng tình hình ở đây vẫn yên lặng và không có gì. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài cán binh việt cộng, mặc quân phục xanh lá cây, có vẻ là cấp chỉ huy nhưng không đeo cấp bậc, đến đứng bên ngoài cửa kính nhìn vào và nói chuyện với những người tháp tùng rồi đi mất.

Mãi đến khoảng 10 giờ sáng, một cán binh bộ đội bước vào phòng hỏi chúng tôi về việc ẩm thực. Anh cho biết có ba giải pháp về việc ăn trưa và chiều cho ngày hôm đó mà chúng tôi phải chọn một :

- Thứ nhất là gia đình mỗi người chúng tôi sẽ được thông báo để mang thực phẩm đến.

- Thứ hai là chúng tôi phải xuất tiền túi và họ sẽ cử người đi mua thức ăn ở những tiệm gần đó.

- Thứ ba là họ vẫn cung cấp bữa ăn cho chúng tôi, nhưng giống như tối hôm qua, chỉ là cơm hẩm và khô mốc mà thôi.

Sau khi bàn thảo, chúng tôi đã đi đến quyết định chung là chọn giải pháp thứ nhất, thông báo gia đình mang phần ăn đến cho chúng tôi. Sở dĩ chúng tôi chọn giải pháp này vì nó đáp ứng được nổi lo âu chung là muốn thông báo đến gia đình là mình vẫn còn sống. Thế là chúng tôi mỗi người tìm một mảnh giấy để viết địa chỉ của mình rồi gom lại chuyển cho tên cán binh.

Một lúc sau, tên cán binh trở lại và phổ biến quyết định mới nhất là vì không đủ người đi đến từng gia đình để thông báo nên chúng tôi phải đưa tiền để họ đi mua thức ăn. Biết được đây cũng chỉ là mưu ma chước quỷ của việt cộng nên chúng tôi không thắc mắc gì, cùng nhau chung tiền lại để họ đi mua thức ăn. Một lúc sau thức ăn được mang về gồm bánh mì, thịt nguội và bánh ngọt. Lần này, thay vì được xuống phòng ăn, Thuợng Sĩ Mười cho người quét dọn và lau sạch sàn gạch của hành lang phía sau phòng khánh tiết và bày thức ăn trên sàn cho chúng tôi tự dùng. Khi “Bữa ăn” gần xong, ông Minh thình lình xuất hiện, đi về phía chúng tôi và hỏi có còn thức ăn không vì các cháu bé trên lầu đói lắm. Nhân tiện, tôi có hỏi ông tình hình có biến chuyển mới lạ gì không, và được trả lời vẫn không có gì thay đổi vì đến lúc bấy giờ phía đối phương cũng vẫn chưa ai đến gặp ông cả, và đó là lần gặp gỡ và tiếp chuyện sau cùng giữa ông Minh và tôi. Sau đó, chúng tôi gói ghém và trao những thức ăn và bánh ngọt chưa dùng cho ông ta mang lên lầu để các người bị giữ trên ấy dùng bữa.

Rồi một ngày và một đêm nữa lại trôi qua, tình hình vẫn yên tĩnh và không có gì mới lạ xảy ra. Đến khoảng 10 giờ sáng ngày 2 tháng 5, từng người một trong chúng tôi lần lượt được “Mời đi làm việc” và được trả tự do liền sau đó. Khi được “Mời đi làm việc” vào khoảng 11 giờ, tôi được hướng dẫn đến gặp một cán binh việt cộng, mặc quân phục không đeo cấp bậc, ngồi chờ sẵn tại bàn làm việc của nguyên Tổng Thống Thiệu. Hắn không xưng tên họ cũng như cấp bậc hay chức vụ, chỉ hỏi tên họ và địa chỉ của tôi rồi điền vào những khoảng trống trên một mảnh giấy đánh máy, kích thước nhỏ bằng bàn tay và trao cho tôi rồi bảo tôi có thể đi về nhà. Nếu tôi nhớ không lầm thì mảnh giấy này có nội dung là chứng nhận đã trình diện và do Cao Đăng Chiếm ký thay mặt Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố.

Dù tôi đã cố gắng ghi lại toàn bộ và khách quan những sự việc xảy ra vào giây phút lịch sử khổ đau này, nhưng với chuỗi thời gian hơn ba mươi ba năm qua, chắc hẳn bài viết này cũng không tránh khỏi sai sót, do đó mong quý độc giả tha thứ cho. Ngoài ra, vì muốn giữ tính trung thực cho bài viết, tôi đã mạo muội nêu danh tánh của một số quý vị mà tôi không thể liên lạc để xin phép trước. Nhân đây tôi cũng xin quý vị ấy niệm tình thứ lỗi. Ước mong lớn nhất của tôi là được quý vị đã cùng tôi hiện diện vào những giây phút lịch sử đen tối này sửa sai và bổ khuyết cho bài viết thêm phần toàn vẹn; cùng nhau góp phần khiêm tốn vào công cuộc khôi phục lại sự thật cho lịch sử, đánh đổ những xuyên tạc chánh trị bất chính cũng như giúp những người thật sự còn quan tâm đến tiền đồ dân tộc và đất nước có thể rút ra một bài học hữu ích cho việc quang phục lại quê hương Việt Nam mai sau.



Los Angeles, tháng 9 năm 2008.
Võ Đăng Ngọc.

http://canhsatquocgia.org/D_1-2_2-79_4-81_5-10_6-8_17-81_14-2_15-2/dinh-doc-lap-ngay-30-thang-4-den-02-thang-5-nam-1975.html